Quy Sơn cảnh sách dịch giảng ( Phần 5 )

31/10/2017 | Lượt xem: 3408

TT.Thích Thông Phương dịch và giảng

“Vậy thì một thuở đua vui, chẳng biết vui là nhân của khổ”.

Tức là vì si mê, điên đảo nên chúng ta cứ lo theo cái vui nhất thời mà phải chịu cái khổ ngàn năm chìm đắm, sa đọa không hay. Thí dụ như vui để được ăn ngon mặc đẹp, được ở nhà cao cửa rộng, ngồi xe sang cho thỏa chí mà đi chơi đây đó, hay là vui để tiêu dùng thọ dụng cho thoải mái. Đó là những cái vui theo tâm vọng tưởng, trái với đạo tâm rồi phải đọa chịu khổ lâu dài mà không hay. Cho nên đây Ngài mới nói là một thuở đua vui, không biết vui là nhân của khổ. Tức đó là những cái vui vô thường giả tạm, hết vui thì sẽ đến khổ, phải biết cẩn thận.

Xưa có vị tu sĩ tên Huệ Mân, họ Cố ở chùa Sách tại Ích Châu thời nhà Chu. Lúc còn trẻ xuất gia mà không lo đạo nghiệp tu hành, chỉ thích chuyện buôn bán đổi chác. Do cũng biết việc nên được giữ chức vụ trông coi kho bếp, và thường lấy tiêu xài riêng. Khi coi sóc kho vải của chúng Tăng, ông cũng phương tiện cắt xén bớt.

Sau đó ông bị bệnh rồi mất, bèn thác sanh vào trong bụng trâu một nhà nọ để đền nợ. Khi con trâu sanh ra, hình dáng nó to lớn sáng sủa, sừng móng đều đẹp, nên mọi người đều yêu mến nuôi cho ăn uống riêng. Lúc nọ, trâu phải kéo xe tre lên sườn núi, nó dùng hết sức kéo lôi đến mệt đừ mà lên không nổi, cuối cùng chân qụy xuống đất mũi ra máu. Ngay lúc đó có vị Sư ở Miên Châu, là bậc dị nhân không giống người bình thường, có khi ngang ngang ngông ngông, đang trên đường đi đến Ích Châu, thấy vậy Ngài liền than: “Đây là người chứ không phải trâu!”.

Ngài mới lấy tay nhè nhẹ nắm sừng trâu rồi hỏi:

- Đâu không giống Mân Công đền nợ khổ sở ấy ư?

Khi ấy, con trâu rơi nước mắt dầm dề. Chúng Tăng biết việc ai nấy đều hết sức xót thương, bèn báo cho đệ tử của ông Huệ Mân biết. Các đệ tử thương thầy nên cùng nhau đem tiền đến để chuộc con trâu, sau đó con trâu bỏ ăn mấy ngày rồi chết.

Đó là câu chuyện để cho thấy rõ là một thuở đua vui, không biết vui là nhân của khổ. Trước là mặc tình cắt xén rồi tiêu xài thoải mái, nhưng đâu biết nhân quả rõ ràng!

Nghe đây rồi chúng ta mới thấy việc tiêu dùng của chúng tăng là phải cẩn thận như thế nào, đừng để như Tổ Quy Sơn nói ở đây, đừng có để một thuở đua vui thỏa thích trong nhất thời rồi phải khổ sở lâu dài sau này, ân hận không kịp! Phải nhớ “vui là nhân của khổ”, giờ thì buông thả cho vui mặc tình, nào ngờ về sau thì khổ sở nhiều kiếp gọi là ăn năn không kịp. Chỉ có cái vui dứt phiền não, cái vui giác ngộ để sống với pháp thân chân thật, đó mới là cái vui chân thật, phải chọn niềm vui đó.

 

“Nhiều kiếp đuổi theo trần, chưa từng tỉnh trở lại”.

Sư đánh thức mọi người chớ có mê nữa, nên nói nhiều kiếp đuổi theo trần chưa từng tỉnh trở lại. Biết bao nhiêu kiếp trôi qua vì mê lầm chạy theo trần nên mới lăn lộn, nổi chìm luân hồi khổ đau sanh tử trong ba cõi lên xuống này, đến hôm nay mà chưa thấy đủ hay sao?

Quán kỹ thì mới thấy sợ, vì chúng ta chưa có thiên nhãn, hoặc chưa có túc mệnh nhớ hết những đời đã qua nên còn chưa sợ. Nếu thật sự có được túc mạng nhớ lại những đời trước của mình thì mới thấy sợ. Lúc đó hết còn ham muốn gì nữa, mà phải lo tu để vượt ra. Hiện tại chúng ta cũng còn có duyên tốt là biết tu, nghe những lời Sư nhắc khéo cảnh tỉnh để quán kỹ rồi thức tỉnh trở lại.

Như vậy, hôm nay chúng ta được xuất gia tức là đi theo chí xuất trần. Xuất trần tức là vượt ra khỏi trần. Vậy mà chưa tỉnh hay sao? Còn làm cái gì nữa? Đây là điểm mà Sư muốn nhắc.

Chúng ta đã nhiều kiếp đuổi theo trần, bị nô lệ theo tình trần, mất hết tự do. Tức là bị nó dẫn giống như tội nhân bị ngục tốt dẫn đi đâu thì phải đi theo đó, vậy có vui gì mà ở trong đó? Cho nên người tu chúng ta phải tỉnh để làm chủ trở lại, không nô lệ cho nó, mà cởi mở cái ách nô lệ này, luôn sống tự do giải thoát.

Kiểm lại mới thấy, khi bị tình trần lôi kéo thì chúng ta mất hết nghị lực, mất hết sáng suốt, yếu đuối nhu nhược đến độ chỉ còn biết cúi đầu theo nó rồi ra sao cũng mặc. Đến lúc đó thì không ai nói gì được mà nói cũng không nghe, tưởng là cứng cỏi nhưng thật là nhu nhược. Nên tu là phải chuyển lại để có một sức mạnh vươn lên, chứ không theo chiều đó.

Sư nhắc để chúng ta có sức mạnh tiến lên, chứ không yếu đuối để nó dẫn đi như vậy. Lời cảnh tỉnh này dành cho người cứ lo đuổi theo trần. Tức là học đạo phải chuyển trở lại giống như Thiền sư Thuận ở Bạch Dương từng bảo: “Nếu người nghĩ về đạo giống như nghĩ về tình thì chắc chắn là thành Phật đã lâu rồi”.

Nghĩ về tình tức là theo trần, bị nó dẫn đi; còn nếu nghĩ về đạo cũng giống như vậy thì tu hành sẽ mau thành đạo.

Nhưng người tu hiện nay nghĩ về đạo thế nào? Nghĩ chập chờn gián đoạn. Mới nghĩ về đạo chút chút là bị ngăn bị kéo nghĩ về trần nên mau quên đạo. Vì lâu đời bị trần hút, ăn sâu trong người nên không cần cố ý nhớ mà cũng nhớ. Tập khí là vậy, hễ càng đồ càng đậm thêm, giống như tập viết, một lần đồ là một lần đậm thêm. Cứ mỗi lần cho nó theo duyên tức là gợi nó nhớ trở lại. Giờ đây tu là chuyển trở lại để nghĩ về đạo cũng như nghĩ về trần không cần nhớ mà cũng nhớ, vậy thì mau đắc đạo. Cho nên, chúng ta phải chuyển lại, phải cắt bớt những duyên trần chứ không chiều theo nó.

Trong Duy Thức Học dạy phải loại những chủng tử ra chứ đừng đem chủng tử vào. Đem chủng tử vào thì nó gieo vào trong tàng thức, giống như những hạt mầm hạt cỏ dưới lòng đất không thấy, nhưng trời mưa xuống nó liền nẩy mầm. Nhắc để tất cả phải khéo làm sao mỗi người có cái ham thích về đạo mạnh cũng như ham thích về tình, như vậy bảo đảm con đường đạt đạo của mình không khó lắm.

Thế nên, đừng bao giờ biện hộ tại cái này cái kia, nói thẳng ra là phải nói tại tôi muốn, tôi ham thích, phải biết thật thà nhận ngay lỗi đó, rồi biết chỗ điên đảo đó mà chuyển. Cho nên khi học những lời này một cách toàn tâm toàn ý thì cảm sâu được từng lời của Sư, càng đọc thì càng thấy mới chứ không cũ.

 

“Thời giờ chìm mất, năm tháng dần dà, thọ dụng quá nhiều, lợi hưởng càng đậm. Nhiều năm dồn tới chẳng nghĩ buông rời, chất chứa càng thêm lo giữ vóc huyễn”.

Sư nói là người tu mà cứ để thời giờ trôi qua theo năm tháng, rồi cứ lo thọ dụng, lo lợi dưỡng càng ngày càng chất chứa nhiều thêm không chịu rời bỏ thì chỉ cột nặng thêm, giống như con voi bị sa lầy. Con voi đã nặng rồi mà nó cứ bước vào chỗ bùn lầy nên bị lún. Rồi hễ nó càng quậy càng lún sâu thêm, cuối cùng đành chịu chết thôi!

Thì đây cũng vậy, nếu không biết vượt ra, vươn lên mà cứ để cho nó lún giống như con voi sa lầy thì rồi càng ngày càng bị đọa xuống đành chịu chết là vậy. Tức là nhiều năm dồn tới chẳng nghĩ buông rời, chất chứa càng nhiều thì càng nặng thêm nên đâu thể giải thoát. Do đó, nói tu giải thoát mà càng ngày càng thấy trói chặt thêm, không thấy giải thoát đâu cả.

Lâu lâu chúng ta kiểm lại thì mới thấy hổ thẹn. Người mới xuất gia ban đầu vào chùa xách túi với mấy bộ đồ, ở một thời gian chở cả xe còn chưa hết! Nên đây Tổ Quy Sơn nhắc để người biết tu thì cần phải tỉnh, chớ có lo thụ hưởng quá nhiều rốt cuộc chỉ là bận bịu vì thân sắc huyễn này mà thôi, chứ không ý nghĩa gì. Nếu không có thân thì có gì để lo? Cho nó ăn, cho nó mặc, cho nó đi chơi, cho nó vui cái này, vui cái kia cũng là vì cái sắc huyễn này thôi, vì ngoài nó đâu còn gì để lo.

Nhưng lo cho cái sắc huyễn này rốt cuộc rồi thì sao? Cuối cùng còn lại gì? Chỉ là cái thây thúi nằm trơ đó chứ có nghĩa lý gì đâu! Cho nên mỗi người khi nhìn vào cái thây thúi phải nhớ kỹ: cái mà mình cưng dưỡng, tâng tiu, nuông chiều bấy lâu nay cuối cùng chỉ là cái thây thúi như thế thôi. Lẽ thật là vậy, nó sờ sờ trước mắt chớ đâu ẩn giấu. Mà đời tu của chúng ta chẳng lẽ chỉ có bấy nhiêu hay sao?

Như câu chuyện Thiền sư Thạch Song Cung, vốn nương theo Thiền sư Hoằng Trí - Chánh Giác ở Thiên Đồng. Thời gian ở trong chúng, Sư làm qua hết những chức vụ lớn nhỏ trong Viện. Một hôm, Sư trở về thăm mẹ, thì mẹ của Sư là bà mẹ kỳ đặc không phải tầm thường.

Thấy Sư về thăm thì bà mẹ mới hỏi:

- Con đi hành cước vốn vì việc sanh tử độ cha mẹ mà thường vì người làm chủ sự, nếu chẳng thấu suốt được nhân quả thì sẽ làm lụy đến ta ở suối vàng.

Tức bà nhắc con đi tu là cũng vì độ cha mẹ, độ người thì ở trong chùa có làm những chức chủ sự…, cũng phải biết nếu không thấu suốt nhân quả thì sẽ làm lụy đến bà ở nơi suối vàng.

Sư nói:

- Đối với của thường trụ, con chẳng dám khinh thường. Dù mảy may như một ngọn đèn, một cây đuốc con đều chia cho mọi người cùng dùng, mẹ chớ lo cho con.

Bà mẹ nói:

- Nhưng khi qua sông thì con có giữ được không để ướt chân chưa?

Một câu nói nhẹ nhưng mà nặng ngàn cân, không phải vừa. Đúng là một bà mẹ kỳ đặc. Bà mẹ như vậy, thì phải có đứa con như vậy. Bà mẹ này biết thương con và nhắc nhở con rất đáng kính nể.

Chúng ta nghe những lời này có thấy tháo mồ hôi không? Nghe lời bà nhắc “Con qua sông mà có giữ được chẳng ướt chân chưa?”, chừng ấy thôi là mình thấy tháo mồ hôi chứ không phải vừa.

Tức là lội qua sông qua suối chứ không phải ngồi ở trên thuyền. Ngồi ở trên thuyền thì khỏi ướt chân dễ rồi, nhưng lội qua sông qua suối mà giữ không để ướt chân, làm sao giữ? Chỗ đó mới là khó. Tức ý hỏi có sanh tâm không?

Chúng ta sống làm việc phục vụ hết thảy nhưng đừng sanh tâm, chuyện đó không phải dễ. Việc làm này có khi cả đời chưa được. Một câu nói nhẹ nhàng của bà mẹ mà chúng ta làm cả đời chưa chắc gì xong. Chúng ta ngày nay thì sao? Có khi ngồi trong nhà khỏi cần lội qua suối mà cũng ướt chân. Đó là những chỗ chúng ta phải nghiệm kỹ cho ăn sâu vào lòng để mình thức tỉnh. Mỗi người cần phải rất tỉnh để giữ mình, không vì lợi dưỡng vật chất khiến phải sa đọa uổng cuộc đời tu. Đó là điều nên nhớ.

Khi quán kỹ rồi mới thấy lâu nay chúng ta đã bị cái thây thúi này nó gạt quá nhiều mà không hay. Nó đòi cái này, cái kia, cái nọ, bắt mình phải chiều theo nó có khi phải tạo tội. Cuối cùng tắt thở rồi nó bỏ mình ra ngoài nghĩa địa nằm, còn nghiệp và tội lỗi thì bắt mình phải chịu qua đời sau nhận, đau thiệt là đau! Như vậy mà chúng ta vẫn chưa sáng mắt ra, tức là mù!

Tổ Quy Sơn quất một roi quá mạnh, nhưng không biết ở đây có ai đau chưa? Để tỉnh mà lo tu, không theo tình trần để rồi bị chôn vùi theo nó, thì đó thật là đáng tiếc!

Đây là những lời cảnh tỉnh chân tình hết sức thiết tha của Sư. Càng nghe chúng ta càng thấm tận xương tủy, được vậy bảo đảm sẽ lo tiến tu, không phải nghĩ chuyện gì khác.

 

Đấng Đạo sư có dạy, răn nhắc Tỳ-kheo: “Tiến đạo trau mình, tam thường chẳng đủ”.

Ở đây Sư nhắc đến đấng Đạo sư tức là đức Phật. Phật chỉ là bậc thầy dẫn đường, phần còn lại là chúng ta phải đi, phải thực hành thì mới có lợi ích thiết thực, không được hoàn toàn ỷ lại nơi Phật bên ngoài, nên Sư gọi Phật là bậc Đạo sư.

Sư nhắc lời Đức Thế Tôn dạy cho hàng Tỳ-kheo là phải lo trau sửa thân tâm của mình để tu hành tiến đạo, làm sao thành tựu được giải thoát giác ngộ, đó mới là việc quan trọng. Còn đối với những việc thường ngày như là ăn, mặc, ngủ nghỉ thì phải luôn biết đủ, chớ quá đòi hỏi, bớt nhu cầu càng nhiều thì có thời giờ tu tiến càng tốt. Cho nên, Phật dạy hàng Tỳ-kheo là phải tam thường bất túc.

Tỳ-kheo đúng nghĩa như Phật đã dạy là người Khất sĩ, tức là ăn xin. Phật chế cái bát dành để đi khất thực xin ăn gọi là Ứng lượng khí, nghĩa là cái bát không quá to, chỉ chứa thức ăn vừa sức dùng của mình, chứ không được quá lượng.

Khi đi khất thực thì xin được thứ gì ăn thứ nấy. Hôm nào xin được đầy đủ thì ăn đầy đủ, ngày nào xin thiếu thì cũng phải đành chịu ăn thiếu. Tức là khi đi khất thực nhằm những nơi xa xôi người dân cũng thiếu thốn, hoặc là có nhiều người khất thực nên người ta cho ít, ăn không đủ no, cũng phải chịu mà không đòi hỏi.

Phật dạy khất thực phải theo thứ lớp, đi từng nhà, không được lựa nhà giàu bỏ nhà nghèo. Khi thấy đủ dùng liền về, không được xin tới hai ba bát. Đó là ăn biết đủ.

Đến mặc thì mặc vải người ta quăng bỏ, lượm về may vá, giặt giũ nhuộm lại rồi mặc; có khi là vải người ta quấn thây chết quăng bỏ ngoài nghĩa địa, lượm đem về mặc. Do vậy mà không có lòng tham đắm. Các vị tu hạnh đầu-đà phải thực hiện hạnh này càng kỹ nữa.

Ngủ cũng vậy, Phật dạy phép ngủ nghỉ của người xuất gia ngày xưa đâu đầy đủ tiện nghi như chúng ta hiện giờ, đôi khi các vị ngủ nơi gốc cây gò mả, hoặc nơi núi rừng. Về sau có tinh xá nhưng xây cất đơn giản, không phải tự ý muốn xây cất theo ý muốn riêng. Nhưng không ở một chỗ mà chỗ ở thường thay đổi vì không cho tham đắm chỗ ở. Nhờ vậy, mà người xưa chỉ lo tiến đạo tu hành, nên các Ngài tu hành mau đắc đạo. Vì tất cả thời giờ luôn ứng dụng công phu tu hành thì đâu có thời gian để lo cho chuyện ăn, mặc, ngủ nghỉ.

Còn người xuất gia hiện giờ đòi hỏi nhiều nhu cầu mà nhu cầu tức là theo bản ngã. Do đó mà Tổ nhắc lời Phật dạy là Tỳ-kheo phải lo giữ mình, tiến dạo tu hành, ăn, mặc, ngủ nghỉ phải vừa biết đủ chứ không quá tham cầu. Lấy việc giải quyết vấn đề sanh tử khổ đau, dứt trừ phiền não làm việc căn bản, đó mới là việc trọng yếu.

Chúng ta đọc sách thấy người xưa lo tu hành có khi không có thời giờ cắt móng tay, không thời giờ quẹt nước mũi nữa, các Ngài tu kỹ vậy đó. Nhìn lại người xuất gia bây giờ nhiều vị lo cưng dưỡng cái thân này nên mất thời giờ tu học rất nhiều. Kiểm lại xem, một đời người của chúng ta đã phí mất bao nhiêu thời gian cho việc ăn, việc mặc, việc ngủ nghỉ?

Ngày có 24 tiếng thì ngủ hết 5, 6 tiếng, đó là đã bớt rồi. Ngủ lúc 10h đến 3h15 thì chưa đầy năm tiếng, thêm một tiếng đồng hồ ngủ trưa nữa là sáu tiếng. Mỗi ngày chúng ta ngủ 6 tiếng, hết một phần tư thời giờ. Tính ra thì chúng ta đã ngủ hết phần tư cuộc đời. Nếu người sống 60 chục năm thì ngủ hết 20 năm. Như vậy chúng ta đã bỏ phí 20 năm đó không làm được gì! Đó là chỉ mới nói chuyện ngủ thôi.

Rồi sáng, trưa ăn thì thời gian khoảng hơn một tiếng, cộng rửa chén, và chiều uống nhẹ chút tạm cho hai tiếng ăn. Rồi mặc, tắm, giặt nữa cộng lại là hơn một tiếng. Rồi đi chơi, nói chuyện cho một tiếng nữa, là mất hết một phần ba thời gian rồi.

Một cuộc đời sống sáu mươi năm thì bỏ phí hết mấy chục năm. Hai, ba chục năm cho cái việc ăn, mặc, ngủ nghỉ, vậy mà vẫn chưa thấy đủ! Đó là nói về người tu.

Nếu là người đời thì còn phải lo việc ăn chơi, tiệc tùng, xem ti vi, báo chí v.v… thì mất bao nhiêu thời gian nữa? Cho nên kiểm thời gian còn lại cho đời con người đâu có bao nhiêu!

Tính kỹ vậy đó mới thấy đáng tiếc, chứ còn bình thường thì không thấy hết. Vậy mà chúng ta không biết quý tiếc thời gian, sống đơn giản lại một chút để có thêm thời giờ cho mình tu tập mới là quý báo hơn, đây là điều Phật dạy rất kỹ.

Đức Phật chế ra 12 hạnh đầu-đà cho các vị quyết chí tu khổ hạnh. Người tu hạnh đầu-đà phải ngủ gốc cây, nơi gò mả, ngày ăn một bữa, mặc đồ giẻ rách cũ…

Nói ngày ăn một bữa mà lại chỉ ăn vật thực trong bát mình xin được thôi. Như đi xin được trong bát, khi về chùa có người cúng thêm thì không được dùng, chỉ ăn trong cái bát mình xin. Nếu hôm đó đi xin chỉ có cơm trắng thì về trụ xứ phải đành ăn cơm trắng, không được ăn các món do Phật tử dâng thêm, tu kỹ vậy đó.

Ăn xong đứng dậy là thôi, không để gì vào miệng nữa, coi như xong ngày đó. Chứ không phải ăn xong ra thấy người ta dâng món gì ngon thì ăn thêm chút nữa, không được vậy. Mười hai hạnh đầu-đà phải giữ như vậy, nên các vị tu dễ giải thoát, dễ đắc đạo.

Còn ngày nay kiểm lại mới thấy chúng ta đầy đủ hơn người xưa nhiều. Vậy mà còn chưa biết đủ, đôi khi còn đòi hỏi. Kiểm lại mới thấy đạo tâm của chúng ta để đâu rồi?! Biết rồi thì hổ thẹn phải bớt nhu cầu đòi hỏi lại!

Người xuất gia mà không có học, không lo tu, mãi lo nghĩ đến nhu cầu này kia, rốt cuộc nhu cầu đó là để cưng dưỡng cái thây thúi chứ không gì hết, nhưng nghiệp đã tạo rồi phải chịu, phải mang theo. Quán kỹ mới thấy rùng mình, lo sợ cho mình lấy cái gì để đền nợ cho thí chủ đây? Cho nên đây Tổ Quy Sơn ân cần nhắc chúng ta!

Trong bài Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca, Sơ Tổ Trúc Lâm kể lại cuộc sống của Ngài khi tu ở núi là sao? Là một vị vua, coi như bậc nhất thiên hạ, nhưng khi đi tu rồi thì sống rất là đơn giản: Không đi kiệu, không đi ngựa, mặc áo vải sô, uống nước suối, ăn thức ăn trên núi. Kể là:

Đem mình náu tới,

Cảnh vắng ngàn kia,

Dốc chí tu hành,

Giấy sồi dó vá.

Tức là nương náu nơi cảnh rừng vắng vẻ lo dốc chí tu hành; mặc áo lấy giấy dán, hoặc vải gai thô rồi vá víu tạm vậy thôi! Cho đến “Thân này chẳng quản, bữa đói bữa no”. Còn chúng ta ngày nay đa số là thường dân đi tu, thì có gì phải nhu cầu đòi hỏi nhiều quá, so với các Ngài thì thấy hổ hẹn chăng?

Học rồi chúng ta cần phải y theo lời Phật dạy, khéo biết đủ để dành thời giờ tiến tu, đó mới là “việc bổn phận chính yếu của người xuất gia”, nghĩa là ít muốn biết đủ, chứ không đòi hỏi nhu cầu nhiều để mất thì giờ tu hành của mình.

Trong kinh Di Giáo, Phật dạy: “Tỳ-kheo các ông, thọ các thức ăn uống phải xem như là uống thuốc”. Tức là Phật dạy các Tỳ-kheo khi thọ những thức ăn uống phải xem như uống thuốc vậy thôi chớ không nên có lòng tham đắm.

Dù ngon hay dở cũng chớ có sanh tâm thêm bớt, chỉ cốt giúp cho thân này trừ đói khát”. Ăn uống giống như là dùng thuốc để trừ bệnh đói chứ không gì hết, không có trên đó mà sanh tâm phân biệt ngon dở, thêm bớt là càng nuôi phiền não.

Như con ong hút mật hoa, chỉ hút lấy nhụy hoa mà không làm tổn hại đến sắc và hương. Tỳ-kheo cũng vậy, được người cúng dường để tự trừ khổ não, chứ không cầu nhiều làm mất thiện tâm của người”. Được người Phật tử cúng dường là để giúp chúng ta trừ những cái khổ đói khát mà lo tu, không nên tham cầu nhiều làm mất thiện tâm của người. Đó là về ăn.

Còn về ngủ, Phật dạy: “Tỳ-kheo các ông! Ban ngày thì chuyên tâm, đầu hôm và gần sáng cũng chớ bỏ qua. Giữa đêm tụng kinh để tiêu mòn những nghiệp dữ, thêm lớn nghiệp lành, không để vì nhân duyên ngủ nghỉ khiến một đời luống qua, không có được gì”. Phật dạy người xuất gia, tâm phải chuyên cần tu tập pháp lành không để thời giờ qua mất. Tức là đầu hôm, giữa đêm, gần sáng cũng lo dành thời giờ để tu tập. Người tu phải có cái nhìn đúng đắn như vậy, xem việc ăn, mặc, ngủ là phương tiện tạm thời, giúp cho thân này sống còn để tu hành, không phải cưng dưỡng nó, lo tham đắm trong việc ăn, ngủ.

Ở đây, Tổ Quy Sơn nhắc lời đức Phật dạy để răn nhắc hàng Tỳ-kheo muốn tiến đạo sửa mình, là phải tam thường chẳng đủ.

 

Còn Người vì đối với việc này đắm say chẳng chịu dừng, ngày qua tháng lại thoáng chốc đã bạc đầu”.

Người đời cứ theo chiều mê của mình, không rõ được sự giả tạm của thân này. Hiện tại tạm mượn nó mà không hiểu nên mới vì nó tham đắm trong việc ăn, mặc, ngủ nghỉ, rồi quên mất thời gian quý báu trôi qua không tìm lại được, thoáng chốc nhìn lại thì tóc đã bạc rồi không hay. Đến khi trả về cho bộ mặt thật của nó là cái thây thúi rồi ra nghĩa địa, vậy mà không tỉnh hay sao?

Kiểm lại mỗi ngày, chúng ta lo cưng dưỡng cho nó thứ này thứ kia, nó muốn ăn gì thì cũng chiều theo nó; mặc cũng chiều theo, ngủ cũng chiều theo nó… nhưng cuối cùng thì nó trả lại bộ mặt thật là cái thây thúi. Nếu lúc đó ra đi mà còn sáng suốt, nhìn lại thấy cái thây thúi liền tỉnh giác thì hay biết mấy? Nhưng không dễ, lúc đó là đi theo nghiệp rồi!

Ngay đây, chúng ta còn sáng suốt thì nên nhìn thấy người khác liền biết đến mình. Nhìn thấy mọi người cuối cùng trở thành cái thây thúi nằm ngoài nghĩa địa, thì biết mình rồi cũng vậy. Lẽ thật đó sờ sờ chứ đâu phải không thấy, nhưng tại sao người ta cứ nhắm mắt lờ qua? Đó là điểm mà chư Tổ răn nhắc để chúng ta nhớ lo tu, không đắm say trong việc ăn, mặc, ngủ nghỉ. Đâu ai biết được tuổi thọ của mình như thế nào? Sống bao lâu? Và sức khỏe của mình khỏe tới đâu? Cho nên tốt hơn hết là phải cố gắng tận dụng thời gian nó đang còn có mặt đây để tiến tu.

Trong kinh Pháp Cú Thí dụ, Phật từng răn vị Tỳ-kheo ăn rồi cứ lo ngủ mà không biết chỉ còn bảy ngày nữa là chết, nên Phật đến cảnh tỉnh, nói bài kệ:

Ôi! hãy dạy đừng mê,

Loài sâu, ốc, trai, mọt,

Ẩn mình trong bất tịnh,

Mê hoặc chấp làm thân.

Đâu có bị chém thương,

Mà tâm như trẻ bệnh,

Đối trước bao ách nạn,

Lại tham đắm ngủ nghê.

 

“Kẻ hậu học chưa nghe chỉ thú, phải rộng hỏi các bậc thông trước. Há cho rằng xuất gia chỉ quý cầu cơm áo”.

Tức là người mới học đạo sau, chưa rõ ý chỉ tu hành để tiến tu đạo nghiệp, thì phải lo thưa hỏi những bậc đi trước để biết đường tu. Đường tu chưa rõ ràng mà không lo thưa hỏi, cứ lo chuyện ăn, ngủ thì đời tu sẽ đi đến đâu?

Vì vậy, Tổ Quy Sơn mới quất cho một roi để thức tỉnh: “Ông há cho rằng mình xuất gia vào đây là chỉ để cầu cơm ăn, áo mặc hay sao?” Ngoài đời thì lo cầu cơm ăn áo mặc, người xuất gia vào chùa tu đâu phải cũng để cầu cơm ăn áo mặc! Đúng là quất cho một roi, không biết có ai nghe rồi thấy đau hay không?

Cho nên mỗi người phải tự kiểm lại xem mình xuất gia vì cái gì? Có vì cơm ăn áo mặc không? Các Ngài răn nhắc là phải biết xuất gia để tu hành, cầu giải thoát chứ không phải vì việc cơm ăn áo mặc thì có khác gì người đời!

Một Thiền sư Thái Lan từng nói: “Vào thời kỳ của các Thiền sư Ajahn Mun và Ajahn Sao thì đời sống của các vị tu hành quả thật là hết sức đơn giản. Nó ít phức tạp, ít có rắc rối như ngày nay”. Khoảng gần giữa thế kỷ 20 mà Ngài còn than như vậy, huống nữa là thời của chúng ta bây giờ là thế kỷ 21, là thế kỷ của văn minh vật chất xí thạnh.

 “Ngày ấy các vị xuất gia ít có những công việc liên hệ đến bên ngoài và chỉ thực hiện một vài hình thức lễ nghi thông thường thôi”. Còn hiện nay người tu liên hệ nhiều với bên ngoài, nào hình thức lễ nghi rồi đám tiệc, hội hè đủ hết, mất thì giờ tu rất là nhiều.

“Họ sống nơi những cánh rừng không nhất định ở nơi nào, nơi đó họ có thể dành trọn thân tâm để thực hành thiền định, đâu bận bịu nhiều. Lúc bấy giờ người ta hiếm khi nhìn thấy những vật dụng đắc tiền mà so với thời nay những thứ ấy đã là vật tầm thường”. Thời xưa đâu có những vật dụng đắc tiền như bây giờ, đâu có tivi, tủ lạnh, quạt máy…, đời sống rất là đơn giản. Đời sống các vị xuất gia thời ấy đơn giản, đến mức hầu như là không có gì sở hữu, nên đâu có gì để tham đắm nhiều.

“Các thầy đã lấy ống tre làm ly uống nước, và tự chế tác ra những vật dụng thông thường khác để dùng. Thỉnh thoảng các vị cư sĩ tại gia mới đến thăm viếng. Mọi người đều hài lòng với những gì đang có và không ai mong cầu hay chờ đợi điều gì khác. Họ đã sống và sống với hơi thở của thiền”. Sống với hơi thở của thiền, chứ không phải là sống với những vật chất này nọ kia.

“Các thầy đã chấp nhận cuộc sống với nhiều khó khăn, thiếu thốn như vậy. Trước đây thuốc men cũng không có sẵn đầy đủ như bây giờ.

Khi ai đó có bệnh sốt rét đến xin thuốc thì vị thầy thường nói: “Thôi con không cần phải uống thuốc, hãy cố gắng duy trì sự thực tập cũng là một cách trị bệnh”. Như vậy, tất cả mọi người đều là những cây thuốc mà gốc rễ của nó đã cắm sâu và sanh trưởng ở trong rừng”. Tức là mọi người hãy là cây thuốc cho mình, bởi đâu có thuốc để uống, đời sống tu hành đơn giản đến như thế!

Người tu bây giờ được đầy đủ, nhưng chính vì quá đầy đủ nên rồi sức nhẫn nại yếu.

“Trong một môi trường như vậy thì các thầy đã vận dụng sự nhẫn nại và sức chịu đựng thật là thâm hậu. Họ không hề than phiền, lo lắng khi ốm đau, bệnh tật. Còn ngày nay chỉ mới hơi nhức đầu, sổ mũi một chút là bạn có thể đã dùng đến thuốc hay phải đi đến bệnh viện rồi”. Ngài nói trường hợp này giống như trường hợp của chúng ta ngày nay, mà còn hơn vậy nữa.

Còn chuyện ăn mặc thì “Đôi khi các thầy phải đi bộ từ mười đến mười hai cây số để khất thực”. Chúng ta thì ở tại chỗ nấu ăn, còn các Ngài phải đi bộ nhiều cây số để khất thực như vậy!

“Buổi sáng, bạn có thể khởi hành lúc mặt trời vừa ló dạng và trở về khoảng 10 giờ hay 11 giờ trưa. Những thứ khất thực được thường không nhiều, có thể là một ít cơm hoặc xôi, một ít muối hay là một vài loại trái cây. Đôi khi chỉ có cơm mà không có thức ăn cũng không thành vấn đề. Cuộc sống diễn tiến bình thường, tự nhiên như vậy mà không một ai lên tiếng than phiền về sự thiếu thốn hay là mệt mỏi vì bệnh tật. Họ không những không than phiền mà còn học cách để mà tự bảo vệ mình nữa. Họ đã tu tập trong rừng bằng tất cả sự kiên nhẫn và chịu đựng với rất nhiều mối hiểm nguy rình rập xung quanh. Họ phải đối phó với nhiều loài thú hoang dã và hung dữ đang sống trong rừng rậm nhiệt đới, cũng như sự chịu đựng khắc khổ của thân tâm trong việc thực hành hạnh đầu-đà dành cho một sơn tăng. Sức nhẫn nại và khả năng chịu đựng của những vị xuất gia thời đó quả thật là tuyệt vời. Còn ngày nay thì hoàn cảnh buộc chúng ta phải đối diện trực tiếp với nhiều vấn đề, so với trước kia thì con người ta chỉ biết đi bộ, rồi có đến thời kỳ đi xe ngựa, nhưng mà mấy vị Khất sĩ này đâu có đi xe ngựa”.

So với trước kia thì người ta biết đi bộ rồi tiến đến thời kỳ sử dụng các loại xe gọi là xe thú kéo tức là xe ngựa, xe bò.

“Và bây giờ người ta sử dụng các loại xe hơi hiện đại, thì sự mong muốn và tham vọng lại càng ngày càng tăng. Để đến ngày nay nếu xe hơi mà không có máy điều hòa không khí thì người ta sẽ không sử dụng. Họ không thể đi nếu như trên xe không có máy điều hòa. Điều này cho thấy đức tính kiên nhẫn và chịu khó của con người trở nên ngày một yếu đi thì những chuẩn mực của thiền tập và các pháp thức để hành trì cũng càng ngày càng trở nên lỏng lẻo và thiếu nghiêm túc hơn; cho đến mức chúng ta cảm thấy những người thực tập thiền ngày nay chỉ làm theo những quan niệm và sở thích riêng của họ. Rồi khi lớp người đi trước họ kể những cuộc sống của những ngày tháng hồi xưa thì dường như các bạn đang nghe một câu chuyện thần thoại hay là hoang đường”.

Đó là những điều mà các Ngài kể cho biết để so sánh với cuộc sống của người tu hiện nay, để bớt mà không đòi hỏi nhu cầu nhiều quá rồi quên mất chuyện tu hành của mình.

Hãy nhớ kỹ lời Tổ Quy Sơn muốn nhắc: “Nếu người chỉ lo đắm say đối với việc ăn, mặc, ngủ không chịu dừng thì ngày qua tháng lại thoáng chốc đã bạc đầu, kẻ hậu học chưa nghe chỉ thú phải rộng hỏi các bậc đã thông trước, há cho rằng xuất gia chỉ quý cầu cơm áo”. Chúng ta ngày nay kiểm lại mình xem đã thông được những chỉ thú tu hành hay chưa, rồi xuất gia là vì đạo hay xuất gia là vì cơm áo? Không khéo bị các Ngài quở là “cái bị gạo” thì đó là không hay, là thật đáng hổ thẹn!

 

“Phật trước chế ra luật mở mang cho kẻ mới vào, phép tắc oai nghi, sạch như băng tuyết. “Chỉ trì tác phạm”, kềm giữ sơ tâm, từng điều luật nhỏ nhặt nhằm sửa mọi điều dở tệ”.

Tổ nhắc Phật chế luật để mở mang cho những người mới vào đạo. Luật tức là Tỳ-ni, gồm oai nghi và giới luật, là bước đầu cho người mới vào đạo thực hành để ngăn ngừa tội lỗi, nên gọi là nhằm sửa mọi điều dở tệ.

Ban đầu, tâm người mới vào đạo giống như con trâu hoang, nếu không có giới luật kềm giữ thì nó mặc tình ăn cỏ mạ của người. Cho nên phải biết giới luật để giữ gìn ngăn ngừa, do đó không nên xem thường phép tắc, oai nghi.

Người thọ giới Sa-di phải học 24 oai nghi và 10 giới. Tỳ-kheo thì có 250 giới, 3.000 oai nghi và tám muôn tế hạnh. Giữ kỹ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, coi như từng cử chỉ hành động đều phải làm trong sự kiểm soát, chứ không để buông lung, mặc tình thô tháo. Cho nên ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh là mỗi cử chỉ, mỗi hạnh động đều sống theo luật, có sự kiểm soát. Đừng nghĩ người tu thiền không cần thiết đến những hình thức oai nghi bên ngoài, trong khi tâm vẫn còn thô động chưa kiểm soát được, lại không lo giữ gìn những hình thức, oai nghi thì càng thô động thêm, nhiều khi chúng ta tự dối mình dối người mà không hay.

Chính ngay như tôi lúc ban đầu mới vào đạo cũng học thuộc lòng các bài kệ trong Tỳ-ni Nhật dụng và ứng dụng thực sự trong các hành động, thấy có lợi ích thức tỉnh rất nhiều. Ngày nay, quý vị Sa-di vào đạo nhiều khi cũng làm biếng học, có vị học để về sau đến khi thọ giới mà tụng luật nhưng chắc cũng không có sử dụng.

Ý chư Tổ nhắc chúng ta trong mỗi hành động là phải đọc bài kệ có ý nghĩa với hành động đó. Như ngủ dậy vừa bước xuống giường đọc một bài kệ, rửa mặt đọc một bài kệ, đi vệ sinh đọc một bài kệ…, nhờ vậy tâm mình nhớ thu thúc trở về khiến tỉnh giác.

    Như vừa thức dậy muốn bước chân xuống phải lo đọc bài kệ không vội vàng đặt chân xuống, còn chúng ta nhiều khi bước xuống cái cụp, làm người nằm bên giựt mình, đó là thiếu oai nghi. Vào nhà vệ sinh cũng vậy, tức là mỗi mỗi hành động đều có bài kệ đọc theo giúp thu thúc tâm trở về khiến tỉnh giác, trợ duyên cho định tâm sau này. Cho nên, Tỳ-ni có lợi ích rất lớn chứ không phải nhỏ. Tôi thực hành thấy có ý nghĩa, có kết quả rõ ràng.

Nếu chúng ta thực hành với cả một tâm chân thành thì giúp tâm dễ an định dễ tập trung trở lại. Còn nếu cứ hành động thoải mái, thành ra thô động rồi tâm cũng buông lung. Nay nhìn lại thấy đa số huynh đệ có phần hơi xem thường thiếu sót về oai nghi không ít. Cả những vị lớn lớn có khi cũng còn thiếu cũng mắc phải nữa, đây là điều cần xét lại.

Thí dụ Tỳ-kheo vừa đi vừa chạy thì mất oai nghi rồi, tức là lúc đó tâm không có kiểm soát. Còn nếu mà nhớ lại, vừa muốn bước chân chạy thì phải nhớ mình là Tỳ kheo phải có oai nghi. Rồi Tỳ-kheo mà ngồi tréo chân chữ ngũ thì lúc đó tâm mình chắc đi đâu rồi, hoặc ra đường chen lấn với người thế tục hoặc là mắt liếc đông, liếc tây thì đúng là hết oai nghi cũng thiếu tu tập, còn có tu tập thì lúc đó phải có kiểm soát.

Đúng theo luật thì các vị Tỳ-kheo đi phải mắt ngó xuống không quá tầm mắt, không được ngó qua ngó lại, liếc đông, liếc tây. Ngày nay phương tiện nên phần nhiều đi xe, thì ông thầy chạy xe cũng phải có oai nghi của ông thầy, cho nên người nào đi với tôi, tôi thường hay nhắc chuyện đó.

Bởi vì mình là ông thầy, chạy xe thì phải có phong cách khác với người thế tục, tức là có tư cách của người tu. Tôi thì có duyên ngồi trên xe do nhiều người lái, như cả quý huynh đệ xuất gia tu hành mà luôn cả những người đời nữa. Tôi thấy có những người đời họ chạy xe thật là trầm tĩnh, đằm thắm hơn là người tu nữa. Do đó chúng ta phải biết để tự mình có sự kiểm soát lại.

Nếu Đức Phật còn sống thì thế nào Ngài cũng phải chế luật cho những vị nghe điện thoại di động, những vị lái xe, chắc chắn như vậy, vì thời Phật không có những thứ đó nên Ngài không chế luật.

Đây Tổ Quy Sơn nhắc là Phật trước chế ra luật để mở mang cho kẻ mới vào, có phép tắc oai nghi sạch như băng tuyết. Rồi phải thông cả những phép “chỉ trì tác phạm”, dùng để kềm giữ sơ tâm của mình không chạy lung tung, và để ngăn ngừa tội lỗi.

“Chỉ trì”, chữ chỉ là dừng, trì là giữ. Dừng lại không làm thì đó là trì giới. Thí dụ mình không sát sanh thì đó là trì giới. Không nói dối là trì giới.

Còn “Tác phạm”, là làm tức phạm. Nói dối là phạm, gọi là tác phạm…

Chúng ta phải thông những phép đó để lo giữ giới; cái nào làm là phạm tội, phải biết để ngăn dừng. Nếu không thông, nhiều khi phạm giới không hay rồi biện luận để bào chữa nữa. Cho nên, các Ngài nhắc người xuất gia phải biết học cho thông. Đó là nói về giới Thanh Văn.

Đối với Bồ-tát có khi dừng là phạm, mà làm mới là trì. Thí dụ thấy người ta khổ mà không cứu là phạm, còn giúp đỡ mới là trì. Chúng ta cần phải hiểu những phép đó để làm không sai.

Tổ dạy: “Từng điều luật nhỏ nhặt, nhằm sửa mọi điều dở tệ”, tức là Tỳ-kheo phải giữ 250 giới, mỗi điều giới nhằm ngăn một lỗi tức là sửa một điều dở tệ.

Hiểu rồi thì phải học những phép tắc oai nghi, giới luật cho thông suốt, để không lầm tạo tội mà không hay. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cần tỉnh sáng để giữ trở lại nơi tâm của mình, đó mới là chính yếu. Giữ giới là giữ nơi thân, nhưng gốc là giữ nơi tâm mới là chỗ chính.

Tóm lại, bước đầu vào đạo thì giới luật là hàng rào để ngăn ngừa tội lỗi, cho nên người xuất gia không được xem thường.

 

“Nơi trường giảng luật nghi chưa từng đến thưa hỏi, pháp liễu nghĩa thượng thừa làm sao được rành rõ?”.

Tức là ở nơi trường giảng luật nghi chưa đến học, nền tảng giới luật chưa thông, lại học nhảy lên pháp thượng thừa thì e rằng là nói rỗng, phải cẩn thận!

Pháp liễu nghĩa thượng thừa tức chỉ cho pháp rốt ráo chân thật. Tổ Quy Sơn ngăn ngừa những kẻ nói suông bắn bổng, căn bản giới luật thì chưa thông, còn nhiều lỗi lầm sai sót, mà cứ nói lý cao siêu thì e rằng đó là thiền trên miệng thôi!

Đọc thấy trong Ngữ Lục kể về Thiền sư Chí Phùng ở chùa Hoa Nghiêm núi Ngũ Vân. Một hôm, Sư đi vào điện Phổ Hiền để an tọa thì chợt có vị thần quỳ ở trước.

Sư hỏi:

- Ông là ai vậy?

Vị đó nói:

 - Tôi là thần hộ giới.

Sư hỏi:

 - Tôi lo những tội trước của tôi chưa sạch, ông có biết chăng?

Vị thần đáp:

- Thầy thì có tội gì, chỉ có một cái lỗi nhỏ mà thôi!

Sư hỏi:

- Đó là lỗi gì?

Vị thần đáp:

 - Phàm nước rửa bát cũng là vật của thí chủ, thầy thường đổ đi thì không nên vậy.

Nói xong thì vị thần ẩn mất.

Từ đó về sau, Sư lấy nước rửa bát uống hết.

Xưa ăn bằng bát, ăn xong phải rửa bát rồi uống nước đó luôn. Không giống như người đời, ăn rồi để qua bên, uống trà bằng ly tách khác. Người xuất gia mỗi lần ăn cơm là lấy nước chế trong bát tráng rồi uống, gọi là không phung phí của đàn-na thí chủ sợ tổn phước.

Ở đây, ông thần hộ giới nhắc chỉ lỗi cho Ngài là ăn rồi nước rửa bát đổ đi là không phải. Nhiều khi trong chùa ăn uống dư dả, rồi đem vung vãi bừa bãi thì tổn phước bớt của mình. Vì vậy xưa hai Ngài Hàn Sơn, Thập Đắc hóa thân của Bồ-tát Văn-thù, Phổ Hiền ở chùa Quốc Thanh, muốn cảnh tỉnh các vị tăng trong chùa, nên các Ngài hiện tướng giống như những người gàn dở, ở chùa đợi chư Tăng ăn xong xuống nhà bếp lấy thức ăn thừa rồi rửa gạn lọc bỏ vô ống tre đem đi ăn. Đó là các Ngài ngầm nhắc cho chúng Tăng phải biết tiết kiệm của thí chủ. Đây là nói rộng ra nhắc cho nhà bếp, phải biết để cẩn thận!

Trên đây là Tổ Quy Sơn nhắc để chúng ta chớ có xem thường giới luật. Và nên nhớ tuy là những việc nhỏ mà cũng có thần minh soi xét thấy được, đừng nghĩ là mình làm không ai biết. Nhiều khi ở trong phòng đóng cửa kỹ, rồi ăn uống lén lút tưởng đâu không ai biết, nhưng có thần minh biết. Vừa khởi một niệm là thần minh biết rồi chớ nói gì đến việc làm. Như câu chuyện hai ông tăng đứng dựa lan can nói chuyện thế tục, bị quỷ tới chà dấu chân thì quỷ cũng thấy biết được. Hiểu rồi chúng ta phải luôn giữ gìn cẩn thận, đừng nghĩ mình làm không ai biết, đó là điều mà các Ngài muốn nhắc.

Tóm lại đoạn này, Tổ Quy Sơn cảnh tỉnh người học đạo không thể bỏ qua giới luật, phải lấy đó làm nền tảng để tiến lên. Đừng nghĩ đọc sách Thiền, thấy các Ngài nghe một câu liền ngộ rồi tưởng dễ dàng không cần phải học gì hết. Đâu biết trước đó là các Ngài phải tốn biết bao nhiêu công phu khổ nhọc, nhưng sách vở không ghi hết. Cho nên phải học kỹ.

 

“Đáng tiếc, một đời để luống qua, sau ăn năn khó kịp”.

 Ngài than dùm cho người vào đạo mà không lo tu học đàng hoàng, chỉ nghĩ đến những việc thụ hưởng vật chất, ăn mặc, ngủ nghỉ, cưng dưỡng cho xác thân này để ngày tháng trôi qua, không được phần lợi ích gì ở trong đạo. Đến khi cơn vô thường đến, ăn năn không kịp! Thời gian qua rồi đâu có thể kéo lại được, mà tuổi lớn, sức khỏe suy giảm lúc đó muốn tu cũng không được như ý. Cho nên Tổ nhắc chớ có bỏ qua thời cơ quý báu của mình hiện có, không khéo thì đáng tiếc cuộc đời luống qua, sau ăn năn khó kịp!

Điều này tôi có chứng kiến, không phải nói suông. Trước kia thầy Hạnh Vệ chết ở Thường Chiếu vào khoảng năm 1993, chỉ mới 39 tuổi, còn trẻ. Trước thầy tu ở thành phố, cũng theo chuyện lăng xăng bên ngoài, sau nhờ nhân duyên gặp được Hòa thượng Tôn sư nên thầy về nương tu học ở Thường Chiếu. Thời gian sau bị bệnh nặng, lúc gần sắp mất, thầy ở tạm cái thất nay là trong khu Lâm Viên Niết-bàn Thường Chiếu. Lúc chưa mất thì tôi thỉnh thoảng đến thăm, có lần thầy kể là tiếc vì gặp Hòa thượng hơi muộn, khi còn trẻ còn khỏe lo phung phí thời gian vào chuyện đâu đâu, giờ biết tu thì hơi trễ. Thì đây kể lại là để nhắc tất cả phải khéo lo tu, đừng để một đời luống qua rồi ăn năn khó kịp.

 

“Giáo lý chưa từng để lòng, đạo mầu nhân đâu khế ngộ? Rồi đến tuổi cao hạ lớn, bụng trống lòng cao, chẳng chịu gần gũi bạn lành, chỉ cứ một bề nghênh ngang, ngạo nghễ”.

Lâu lâu, Tổ Quy Sơn quất từng roi, từng roi cho tỉnh.

Ở trên là quất cho một roi để cảnh tỉnh kẻ giới luật không thông, học thì nhảy vọt, còn đây trách giáo lý không sáng tỏ. Tu mà không lo học giáo lý cứ tính những chuyện đâu đâu, để rồi cuối cùng ngộ được cái gì? Hoặc được chút là tự mãn coi như đủ, không khéo cái ngã càng to thành bệnh.

Thiền tông tuy nói là “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền”, tức là không lập văn tự, truyền ngoài kinh giáo, nhưng cần phải đạt ý đó như thế nào, không thể chấp vào lời được.

Nói vậy không phải là phá bỏ kinh giáo, mà là nhằm đánh thức cho những người học phải học vượt qua chữ nghĩa để đạt được ý sâu của Phật, Tổ.

Cho nên quý huynh đệ nghiên cứu trong Đại tạng, Tục tạng, trong các Ngữ lục thì thấy Thiền tông nói là bất lập văn tự, nhưng sách vở của Thiền tông thì rất nhiều, như Truyền Đăng Lục, Ngũ Đăng Hội Nguyên, Liên Châu Hội Yếu, Chỉ Nguyệt Lục v.v… đó là kể tượng trưng vài bộ lục, còn các bộ của các vị Thiền sư viết ra như Quy Sơn Cảnh Sách của Thiền sư Quy Sơn… Như vậy tuy nói “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” mà không trái bỏ kinh giáo, phải thấy được cái ý đó. Vì vậy mà ở đây Hòa thượng Tôn sư mới chủ trương Thiền Giáo đồng hành hay Thiền Giáo song tu. Người không hiểu kinh Giáo mà nhảy ngang vào Thiền nhiều khi đâu biết gì, rồi tu càng về sau càng bắn bổng.

Nếu người mới vào đạo không chịu học giáo lý; cứ ngày tháng trôi qua, thì Tổ Quy Sơn bảo: “Rồi đến tuổi cao hạ lớn, bụng trống lòng cao, chẳng chịu gần gũi bạn lành, chỉ cứ một bề nghênh ngang, ngạo nghễ”. Tức là xuất gia rồi không chịu lo học gì hết, ở chùa nhiều năm lại lớn tuổi mà không hiểu giáo lý, lòng lại cống cao, cho ta đây là tu lâu nhưng mà bụng thì trống rỗng nên sẽ bị người khinh chê, gọi là bị hậu sanh khinh thường. Cũng không chịu gần gũi bạn lành để học hỏi thêm, chỉ một bề ngạo nghễ, đó là thêm bệnh.

Phật dạy trong kinh Pháp Cú:

Không phải là Trưởng lão,

Nếu cho có bạc đầu,

Người chỉ tuổi tác cao,

Được gọi là lão ngu.

Phật bảo không phải tuổi cao là Trưởng lão, không phải đầu bạc là Trưởng lão. Có trường hợp Sa-di bảy tuổi nhưng chứng A-la-hán nên được gọi là Trưởng lão. Đây Phật dạy người chỉ tuổi tác cao thì đó gọi là lão ngu. Phật cảnh tỉnh người tu tuổi cao mà không thực học, thực tu thì chớ có lấy tuổi cao, đầu bạc mà xưng là Trưởng lão. Rồi không chịu gần gũi bạn lành để học hỏi thêm những điều hay điều tốt, lại chỉ một bề nghênh ngang, ngạo nghễ. Nhưng ngạo nghễ với ai?

Đây cũng là một roi mà Tổ Quy Sơn quất mạnh để cho người lòng trống rỗng mà nghênh ngang, ngạo nghễ. Thử hỏi giới luật thì không thông, giáo lý cũng không rành mà cứ nghênh ngang là sao? Cho nên Ngài cảnh tỉnh, cần phải chuyển hóa tâm hạnh này để không làm trò cười cho bậc trí, đó là ngăn ngừa.

 

“Chưa hiểu rành phép luật, hoàn toàn không kềm giữ, hoặc lớn tiếng nói to phát ngôn bừa bãi. Chẳng kính bậc thượng trung hạ tọa, khác gì nhóm Bà-la-môn tụ họp. Khua vang chén bát, ăn rồi dậy trước, tới lui trái phép, mất hết Tăng thể, ngồi đứng không yên, động tâm niệm người. Chẳng còn một chút phép tắc, mảy may oai nghi. Lấy gì kềm giữ cho người sau, kẻ mới học nhân đâu bắt chước?”.

Tổ Quy Sơn chỉ cái tệ hại căn bản của sự thiếu học. Giới luật không rành nên không biết phép tắc, oai nghi. Bởi vậy khiến cho cử chỉ nói năng thô tháo, mất hết Tăng thể, tức là tư cách của ông thầy. Đây gọi là chưa hiểu rành phép luật nên lấy gì để kềm giữ mình? Rồi lớn tiếng nói to, phát ngôn bừa bãi, không có kính bậc thượng trung hạ tọa, nhóm họp thì lộn xộn, giống như Bà-la-môn tụ họp. Ăn rồi thì khua chén khua bát, đứng dậy trước v.v…, đó là mất hết oai nghi, không có phong cách của vị Tỳ-kheo.

Thử hỏi thầy Tỳ-kheo mà nói năng ồn ào, bừa bãi, giống như kẻ thế tục thô lỗ thì mất hết Tăng thể. Người ta nhìn vào ông thầy thì mất hết tín tâm.

Đó là Tổ Quy Sơn nhắc chúng ta phải khéo biết giữ gìn lời nói, hành động, oai nghi. Thầy Tỳ-kheo không phải là muốn nói bừa bãi được, bởi vì thầy khác với người thế tục. Như thầy Tỳ-kheo mà kêu mày tao, thằng này, thằng nọ thì có xứng đáng không? Nếu Phật tử lỡ nghe chắc là không chắp tay cung kính đâu!

Ở đây Ngài nói là phát ngôn bừa bãi hoặc là lớn tiếng nói to, nói ồn ào thì đó là mất hết oai nghi của thầy Tỳ-kheo. Làm mất tín tâm của người Phật tử thì vừa Tổn phước, vừa Tổn đức của mình. Vậy rồi người mới vào đạo lấy cái gì để bắt chước theo đây? Nên nói lấy gì để kềm giữ cho người sau? Thí dụ như mình nhỏ mà cứ ngồi trên người, không kính nhường ai cả, thì đây giống như Bà-la-môn tụ họp, ngồi lộn xộn bừa bãi, không trật tự.

Còn đi thì vừa đi vừa chạy hoặc là đi sau mà chen lấn lên trước, thì đúng là mất hết những thể thống trật tự. Đó là do trước không lo học phép tắc, oai nghi, nếu có học biết lo giữ gìn thì đâu đến nỗi.

“Ăn rồi dậy trước, khua vang chén bát, làm mất hết Tăng thể”. Đúng pháp lên bàn ăn thì phải khéo giữ gìn chánh niệm, kiểm soát mọi cử chỉ. Còn đây thì khua đũa khua muỗng ồn ào, ăn trong tư thái đó tức nhiên là bữa ăn tổn phước đức.

Nhắc tất cả là phải biết trong từng cái gắp của mình, từng cái muỗng đưa vào miệng của mình, là ăn trong chánh niệm, trong sự kiểm soát thì sẽ nhẹ nhàng mà có ý nghĩa. Cho nên đây phải tập ăn trong tư thái nhẹ nhàng, có sự kiểm soát, chứ không có gì phải hấp tấp, đâu phải sợ người ăn hết mà lo tranh.

Thí dụ mâm bốn người, trong dĩa có miếng đậu hũ cắt làm tư thì mình phải biết là gắp một góc thôi, người ta cắt làm tư tức là mỗi người một miếng. Còn cái này mới gắp một miếng bỏ vô, sợ mấy người kia gắp hết, gắp thêm miếng nữa thì đó là hiện tướng tham.

Ngoài thế gian người ta nói “ăn coi nồi, ngồi coi hướng”, là phải biết nhìn, chứ không phải theo cái thích mà làm. Như vậy chỉ một phép ăn này thôi, kiểm lại mình còn chưa làm xong thì nói gì đến chuyện cao siêu, đây là điều phải biết.

Học đây là để nhắc lại mỗi người phải tự kiểm lại chính mình, để mình làm đúng pháp, có oai nghi, phép tắc đàng hoàng và cũng là giúp cho tâm mình bớt thô tháo, bớt phóng túng.

Rồi ngồi đứng không yên, là sao? Tức là thân luôn trạo cử, ngồi chưa yên lại đứng, đứng chưa yên lại ngồi, hoặc động chân động tay, lúc lắc thân mình…, hoặc đi dậm chân bộp bộp làm động niệm cho người kế bên; hay lâu lâu đóng cửa cái rầm làm động tâm niệm người là tổn phước của mình. Chúng ta là người trong nhà thiền thì làm việc gì đều phải cẩn thận.

Như câu chuyện vị tăng xin thầy xuống núi. Vị thầy không đáp là cho hay không cho mà bảo:

- Ông tới đóng dùm cửa sổ cho ta.

Vị tăng đi đến đóng cửa làm vang ra tiếng động.

Vị thầy nói:

- Không được! Phải ở lại ba năm nữa.

Vị tăng nghe thầy nói mừng quá đến đóng cửa cho xong rồi đi xuống núi, nên phát ra tiếng động mạnh, qua đó biết rõ là tâm thầy còn thô động, do đó người thầy bảo ở lại học đạo thêm ba năm. Chỉ đóng cửa mà phải học ba năm, để cho thấy thiền trong mọi phút giây, chứ không phải là chỉ trên bồ đoàn. Cái đóng cửa cũng thiền, bước đi cũng thiền, giăng mùng cũng thiền.

Trong luật có dạy: “Không được sáng ngủ dậy xếp mùng, giũ phạch phạch làm động tâm niệm người kế bên. Hoặc là dậy trước thì phải ngồi nhẹ rồi bước xuống êm không cho người kế bên giựt mình”. Đó là những cử chỉ oai nghi cần phải học kỹ.

Người xuất gia đệ tử Phật mà không có phép tắc, oai nghi thì lấy gì để làm gương cho người sau? Cho nên, mỗi vị phải kiểm lại mình xem có phạm lỗi hay không? Học kỹ để nhắc mình, và như vậy mới thấy rằng lời dạy của chư Phật, chư Tổ luôn là mới, lúc nào cũng mới hết.

Luật sư Độc Thể hiệu là Kiến Nguyệt đã soạn phần luật Tỳ Ni, Ngài kể câu chuyện lúc còn đi tham học:

“- Có lần ở Am Viên Giác nghe Pháp sư Giác Ngộ giảng kinh Lăng Nghiêm, gặp ngày đàn-việt thiết trai cúng dường, một mâm hai người có bốn đĩa thức ăn cùng ngồi đối diện nhau. Luật sư cùng ngồi chung với vị tăng du phương, vị ấy vừa ngồi vào xong liền cầm đũa gắp liên miên chưa gì đã sạch trơn hết thức ăn, còn Sư gắp không kịp!

Thọ trai xong, Sư đi ra cửa nói với hai người bạn cùng đi rằng:

- Về sau, nếu chúng ta có nhân duyên vì chúng làm việc thì thức ăn không kể là nhiều hay ít, đều cho chung vào một bát rồi tùy đó mà mặc tình dùng. Một là oai nghi của vị tăng được tốt đẹp, kế là khiến người tin kính, chứ còn như hôm nay tăng thể của vị tăng này mất hết, đâu khác gì kẻ đói”.

Đây là bài học để nhắc nhở chúng ta. Mình phải biết giữ gìn phép tắc, oai nghi để không hổ thẹn là bậc xuất gia có giới hạnh, không có mất lòng tin kính của người Phật tử.

 

“Vừa được nhắc nhở cho thì liền bảo: “Ta là thầy núi.” Chưa nghe lời dạy của Phật để hành trì, cứ một mực giữ tánh tình thô tháo”.

Đến đây Tổ nói đến người biểu lộ cái tâm không biết hổ thẹn sửa đổi. Đúng ra với người thực lòng tiến tu thì khi được người nhắc nhở cho đó là một hân hạnh. Chúng ta phải khiêm tốn nhận lỗi, cám ơn huynh đệ đã nhắc cho biết, để mình biết lỗi mà sửa đổi, đó là người thật lòng tiến tu. Còn đây, lại ương gàn không chịu sửa mà còn tự bảo vệ lỗi lầm của mình. Khi được huynh đệ nhắc cho thì bảo: “Ta đây thầy núi”. Thầy núi không cần những hình thức, oai nghi, tu ở rừng núi mà! Luôn bảo vệ cho lỗi lầm của mình. Chẳng lẽ là thầy núi thì mặc tình thô tháo hay sao? Tổ Quy Sơn nhắc vì Sư cũng là thầy núi nhưng Sư không như vậy.

Đó là điều mà ở đây Sư muốn nhắc chung. Chúng ta phải biết khiêm tốn thành tâm nhận lỗi, ai có nhắc thì điều đó là điều hân hạnh cho mình, không được ương gàn; luôn luôn thấp mình để sửa, đừng cố chấp theo bản ngã sai lầm của mình.

Phật dạy trong kinh Pháp Cú:

Nếu thấy bậc Hiền trí,

Chỉ lỗi và khiển trách.

Như chỉ chỗ chôn vàng,

Hãy thân cận người trí.

Thân cận người như vậy,

Chỉ tốt chứ không xấu.

Tức là gặp người trí chỉ lỗi cho, giống như chỉ chỗ chôn vàng cho mình, thì đó là quá hay!

Thật khó tìm ở đời,

Người biết thẹn tự chế.

Biết tránh né chỉ trích,

Như ngựa hiền tránh roi.

Bậc Hiền là phải như vậy, chúng ta cũng phải vậy, cũng cần sống với tính cách của bậc Hiền trí. Đừng theo kiểu ương ương gàn gàn mà Tổ Quy Sơn đã nói, không chịu nghe lời Phật dạy để hành trì, mà cứ một mực giữ tánh tình thô tháo, bảo vệ lỗi mình. Đó là con đường đi xuống, là đóng cửa chân lý, đóng cửa lẽ thật.

Trái lại, chúng ta phải chọn con đường đi lên, con đường tiến đến bậc hiền, sẵn sàng mở cửa chân lý để thấy được lẽ thật. Đó là những điều mà Tổ Quy Sơn thấy được nêu ra để răn nhắc người sau khéo biết để không phạm.

Đây học để chúng ta kiểm lại mình, chứ không phải học rồi để chê bai người, chỉ trích người ta không chừng mình lại còn hơn nữa, lại phải mang thêm tội khẩu nghiệp. Học để tu, phải nhớ kỹ điều đó! Tổ dạy tiếp:

 

“Cái hiểu như trên bởi do tâm ban đầu biếng lười, ham mê ăn uống dần dà qua ngày. Thời gian thấm thoát trôi qua trong đời, trở thành kẻ quê dốt”.

Sư chỉ ra lỗi ban đầu là do lười biếng, không chịu học hỏi, cứ vùi đầu trong việc ăn uống để ngày qua tháng lại, chừng lớn lên trở thành kẻ quê dốt. Đó là hậu quả của tâm biếng lười.

Đây nhắc người xuất gia phải biết tu học để ngăn ngừa hậu quả biếng lười, thời gian thấm thoát trôi qua rốt cuộc thành kẻ quê dốt, không làm được việc gì cho đạo.

 

“Nào ngờ già nua lụm cụm, gặp việc ngu ngơ. Kẻ hậu học thưa hỏi không lời để tiếp dẫn. Dẫu có bàn nói chẳng dính phép tắc, hoặc bị xem thường liền trách hậu sanh vô lễ, tâm giận phừng phừng, nói năng át người”.

Lâu ngày sống trong đạo người hậu học thấy tưởng đâu là bậc Trưởng lão trong chùa nên mới đến thưa hỏi. Lúc đó mới xấu hổ không biết trả lời sao! Dẫu có đáp cũng không dính dáng gì đến phép tắc, lúc đó mới thấy khổ. Lỗi do trước biếng lười không lo tu học nên khi tuổi già gặp việc ngu ngơ, bị kẻ hậu học thưa hỏi không lời để tiếp dẫn, dù có gắng gượng nói bàn, cũng là nói bừa không dính gì đến phép tắc.

Rồi bị kẻ hậu học khinh thường vì nói không trúng lý, mới liền lấy tư cách của người lớn trách họ vô lễ mà không biết lỗi là do mình. Hoặc đỏ mặt nạt nộ để át họ, không cho hỏi tới càng lộ ra cái quê dốt thêm.

Đó là những lỗi mà Tổ Quy Sơn nhắc để chúng ta biết ngăn ngừa. Đây cũng là kinh nghiệm để sau này các vị có đi ra ngoài lỡ gặp người hỏi trả lời không được, tức là mình chưa hiểu tới, chưa nghiên cứu kỹ thì đừng nói càn nói đại mà thật thà nói điều này tôi chưa có nghiên cứu hẹn lại lần sau, lúc đó người ta thấy thật thà thì họ càng quý thêm.

Ở đây Tổ nêu lên trường hợp người đã không biết điều dở và sai sót của mình, còn tỏ thái độ bắt nạt người thì đó là càng bày ra cái dở thêm, tức là càng lộ ra cái thiếu học của mình nữa. Tổ Quy Sơn nhắc kỹ để chúng ta biết ngăn ngừa, tránh không rơi vào lỗi đó. Cho nên người tu chúng ta phải tập là người thành thật, chớ có dối mình dối người.

Đây Tổ chỉ ra thái độ thô tháo của người lười biếng thiếu tu học chính chắn. Ngài nhắc và mong những người học sau này phải biết suy nghĩ để không rơi vào tình trạng như trên. Thật đáng buồn! Khi chết rồi không biết sẽ đi về đâu?

 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89351
  • Online: 63