Quy Sơn cảnh sách dịch giảng (Phần 7)
14/11/2017 | Lượt xem: 3665
TT.Thích Thông Phương dịch và giảng
“Chính người xuất gia là cất bước cao xa, tâm hình khác tục.”
Đây Tổ Quy Sơn nhắc đến tinh thần trách nhiệm của người xuất gia. Người xuất gia phải có chí hướng cao cả gọi là xuất trần, là cất bước cao xa. Nghĩa là người xuất gia là người cất bước lên những bước cao xa, vượt hơn thế tình, chứ không để cho tình cảm thế gian buộc ràng. Không để cho bước chân dính đầy bùn nhơ đi xuống thấp kém, thì còn ý nghĩa gì của bậc xuất trần!
Lại phải tâm hình khác tục. Chỗ này Ngài nhắc thật là chân tình, là người xuất gia đúng nghĩa là tâm hình khác tục, về cả hình tướng nơi thân cho đến trong tâm.
Về thân thì cạo tóc, mặc áo nhuộm, khoác ca-sa tức là mặc áo hoại sắc không giống người thế tục. Nhưng vào chùa rồi nếu không khéo lại đua chen theo vải lụa, màu sắc trang sức thế này thế nọ thì đâu khác gì thế tục. Đó là về hình tướng.
Kế quan trọng là phải chuyển hóa trong tâm, phải trừ bỏ những thói quen suy nghĩ tính toán, tư tưởng theo thế tục. Tâm phải nghĩ theo chánh pháp, theo con đường xuất thế; trái với phiền não tham sân si để tiến lên con đường xuất trần, do đó tâm cũng phải khác tục.
Nếu vào đạo mà tâm cứ nghĩ theo hơn thua yêu ghét, tính chuyện lợi danh như thế tục thì có khác gì người thế tục. Vậy thì tâm xuất gia ở chỗ nào?
Có câu chuyện về một vị viên chức làm việc trong hoàng cung rất lâu. Càng lâu về già thì ông càng nhìn thấy những việc tranh chấp nhỏ nhen, những thủ đoạn ngầm để giành giựt địa vị ở chốn quan trường với nhau. Ông thấy chán. Vì vậy khi về hưu thì ông xin vào tu ở một Thiền viện cách xa kinh thành và tự hẹn với mình là ở đây coi như không còn những phiền nhiễu của con người thế tục nữa. Nếu không sáng được đạo thì ít ra mình cũng được yên ổn, không còn phải chen lấn trong chốn giống như bùn lầy.
Nhưng ở trong Thiền viện một thời gian thì ông lại phát hiện ra mình cũng dần được cất nhắc lên chức vị này kia, cả chức vụ cao trong viện. Rồi những thủ thuật cũ trong triều đình trước kia mà ông cảm thấy chán thì khi kiểm lại nó cũng len lỏi sống dậy trong con người ông lúc nào không hay, nhưng còn tốt là ông thấy được.
Bởi vậy khi kiểm lại, ông thấy được những điều tệ đó, ông mới giựt mình, nói: “Ủa, sao mà lại vầy nữa?Trước mình đã chán những thứ đó rồi, đã hẹn đến đây sống như vậy là an ổn được rồi, nhưng bây giờ sao cũng như cũ vậy?”.
Sau đó ông quyết định rời khỏi Thiền viện, vào ở một hang đá trong núi, sống đơn giản, sơ sài như đời sống của một vị Khất sĩ. Có người thấy vậy mới hỏi lý do thì ông trả lời:
- Đi đâu rồi cũng vẫn một thứ phân bò cũ mèm đó thôi!
Ông quá chán, quyết không để dính vào những thứ đó nữa.
Đó là một câu chuyện trong Ngụ ngôn Thiền mà cũng là một bài học để nhắc nhở, cảnh tỉnh cho người tu chúng ta cần phải suy gẫm kỹ trở lại. Chúng ta phải làm sao để xứng với ý nghĩa tâm hình khác tục. Về hình thức nơi thân thì cũng phải khác tục, về tâm hạnh bên trong cũng phải khác tục để xứng với tâm hạnh của người xuất gia, không thì cũng thật hổ thẹn lắm!
Đừng để lâu lâu kiểm lại thấy những tâm tình thế tục lại len lỏi vào lúc nào không hay. Không khéo việc sáng đạo ở đâu không thấy nhưng thấy sáng mắt vì danh lợi, sáng mắt vì ngũ dục, thì thật là hổ thẹn. Đó là cái điểm mà ở đây Tổ Quy Sơn muốn nhắc.
Mỗi huynh đệ luôn luôn nhớ lời của Tổ Quy Sơn đã cảnh sách là người xuất gia phải cất bước cao xa, tâm hình khác tục, để chi? Để còn phải:
“Nối thạnh dòng Thánh, khiếp đảm quân ma, đền đáp cả bốn ân, cứu vớt trong ba cõi”.
Bổn phận người xuất gia còn trách nhiệm nặng như thế. Người xuất gia là thay Phật để truyền bá chánh pháp, nên phải tu hành thế nào để mà nối thạnh dòng Thánh ở thế gian. Tức là không để dòng Thánh này phải đứt đoạn nên gọi là nối thạnh.
Làm sao phải chứng minh đạo quả giải thoát cũng vẫn còn đây, để mọi người thấy có niềm tin tu theo, thì đó mới gọi là nối thạnh dòng Thánh. Và chứng minh cửa giác ngộ cũng vẫn còn đang mở khiến cho người tiến tu cố gắng đạt đến giác ngộ giải thoát, đó gọi là nối thạnh dòng Thánh không có gián đoạn, không có đứt đi.
Câu chuyện trong thời Ngài Ajahn Mun cũng vậy. Ngài đọc kinh rồi cũng đọc sách, nghĩ rằng thời của mình chắc là những Thánh quả hay cửa giải thoát đóng kín rồi. Thời nay cách Phật xa nên chỉ tu phước để gieo duyên đời sau. Đó là quan niệm chung của nhiều người tu cùng thời với Ngài.
Sau Ngài mới nghĩ lại là không thể như vậy được. Ngài quyết tìm ra con đường chứng minh được là cửa giải thoát vẫn còn đang mở.
Cuối cùng nhờ nỗ lực tu tập, Ngài cũng thành tựu được những điều mà Ngài mong muốn và Ngài cũng chứng tỏ cho mọi người biết đúng là cửa giải thoát vẫn còn đang mở. Đó cũng gọi là nối thạnh dòng Thánh.
Nhưng nếu chúng ta vào tu rồi tâm mình không khác tục gì hết thì làm sao nối thạnh dòng Thánh được? Đó là những điểm nghe rồi chúng ta cần kiểm và nhắc lại mình để có hướng đi đúng đắn. Muốn vậy, phải cất bước cao xa, tâm hình khác tục, để nối thạnh dòng Thánh, làm khiếp đảm quân ma, đền đáp được bốn ân, cứu vớt được ba cõi. Còn không thì mình cứu mình còn chưa xong nữa mà. Tổ Quy Sơn nhắc tiếp:
“Nếu chẳng như thế là lạm xen vào hàng Tăng, nói năng hành động rỗng tuếch, luống tiêu của tín thí”.
Nếu người xuất gia không được như vậy, không phải bậc tâm hạnh xuất gia siêu thoát như Tổ Quy Sơn dạy, thì làm sao xứng đáng dự vào trong hàng Tăng bảo. Không khéo nói năng hành động không có đạo lý thì làm sao tiêu được của đàn-na thí chủ?
Trong kinh luật có giải thích về “Tăng”, có bốn hạng Sa-môn:
Một là “thắng đạo Sa-môn”, tức những vị Sa-môn đã được đạo thù thắng, như Đức Phật, Bồ-tát, Thanh Văn và Duyên Giác.
Hai là “thị đạo Sa-môn”, “thị” tức là chỉ dạy, tức là hàng Sa-môn đem đạo lý thù thắng chỉ bảo cho người, như các Ngài Xá-lợi-phất từng thuyết pháp, dạy đạo nên gọi là Thị đạo Sa-môn.
Ba là “mạng đạo Sa-môn”, tức là hàng Sa-môn có thể giữ chánh mạng, sống chánh mạng như là Ngài A-nan lấy giới định tuệ làm chánh mạng, làm mạng sống của mình. Ở đây cũng gọi là “hoạt đạo Sa-môn”, là sống vì đạo. Những vị này có thể điều phục phiền não, tinh tiến tu tập thiện pháp, có sức trưởng dưỡng mạng căn trí tuệ của mình.
Bốn là “ô đạo Sa-môn”, tức là hạng Sa-môn làm ô uế đạo. Như những hạng phạm tứ trọng pháp tức là phạm giới, cũng gọi là “hoại đạo Sa-môn”. Đó là hạng Sa-môn làm hư đạo, đáng trách.
Rồi “Tăng” cũng có bốn hạng:
Một là “có thân tướng tăng nhưng không có trí tuệ” thì Phật gọi là “si tăng”, tức là ông thầy u mê.
Hai là “có cái lưỡi này mà chẳng biết thuyết pháp” thì Phật gọi là
“á dương tăng”, tức ông thầy dê câm.,Có lưỡi mà không biết thuyết pháp cho người.
Ba là “giống như tăng mà chẳng phải tăng, giống như tục mà chẳng phải tục” thì Phật gọi là “điểu thử tăng”. Tức là ông thầy chim chuột hoặc gọi là cư sĩ trọc. Tức là cư sĩ không phải cư sĩ mà thầy không phải thầy.
Bốn là “thanh tịnh tăng”, tức người sống chân thật đúng pháp.
Luận Đại Trí Độ có nêu ra bốn hạng “Tăng”:
Một là “thật tăng”, tức là thanh tịnh tăng, sống chân thật đúng pháp.
Hai là “hữu tu tăng”, tức là những vị tăng tuy có thọ trì giới luật tu hành nhưng mà vẫn phạm tội, rồi sau đó sám hối.
Ba là “á dương tăng”, tức là những vị tăng ngu muội, không phân biệt được thiện ác.
Bốn là “vô tu tăng”, tức là những vị tăng phá giới, không biết hổ thẹn.
Mỗi người chúng ta phải chọn cho mình một hướng đi đúng đắn, là hạng tăng nào xứng với ý nghĩa “Tăng” mà Phật đã dạy. Đừng để thành ông tăng nói năng hành động rỗng tuếch, luống tiêu của tín thí; mà không tiêu được của tín thí tức là sẽ phải đền nợ, không được xem thường!
“Chỗ sống năm xưa chẳng dời tấc bước, lờ mờ một đời lấy gì nương tựa”.
Tuy là người xuất gia mà không thực hành theo pháp người xuất gia cho nên không có những bước tiến trên đường xuất trần. Do đó gọi là chỗ sống năm xưa không có dời tấc bước, tức cứ y như cũ. Xuất gia ở chùa mà sống như tâm thế tục ngày trước thì không có gì để chuyển hóa, để tăng tiến nên nói không có dời tấc bước.
Nghĩa là vào đạo mà vẫn sống theo thói quen thế tục, tham sân cũng vẫn không chừa, phiền não vẫn không chuyển, rồi nghiệp xấu vẫn y nguyên, vậy xuất gia để làm gì? Không thấy hổ thẹn sao?
Bởi vậy mà Hòa thượng Trung Phong có lời nhắc nhở môn nhân:
- Sanh tử không có chỗ cho ông thoát khỏi. Một việc lớn sanh tử nơi chính mình lại dính da, kẹt xương, niệm niệm không gián đoạn. Bởi vì tâm này chẳng chịu thôi nghỉ, luống hướng về ngàn Phật muôn Tổ thề thốt cho lắm. Cho đến hôm nay đụng phải ở dưới ba y mà gọi là đạo lưu. Nhưng ngặt nổi vẫn y như cũ, chỗ nhận biết trước mắt họ chẳng thấu vỡ, động một chút liền sanh tâm, dấy niệm. Thảy đều là giúp thêm cho sanh tử trói chặt lâu dài, quên mất cả chí hướng xuất gia ban đầu. Giống với sự rối rắm như thế thì đành chịu ngàn muôn đời luống kéo dài nghiệp luân hồi. Đối với lý nào có ích gì?
Ngài Trung Phong răn nhắc xuất gia tu hành mà không lo giải quyết việc lớn sanh tử, cứ theo thói cũ, động chút là sanh tình rồi kéo dài nghiệp luân hồi trong sanh tử làm uổng đi chí nguyện xuất gia cao cả ban đầu. Nghĩ lại những lời thề thốt với Phật với Tổ thì trở thành nói dối. Trong khi đó thì những chỗ sống, những tư tưởng vẫn y như cũ. Đó là điều muốn nhắc mình phải hết sức hổ thẹn để chuyển hóa, vươn lên trên đường xuất thế; trừ bỏ những thói xưa, những tật cũ xấu dở cho xứng đáng với hạnh xuất gia giải thoát. Thì đó mới không hổ thẹn con đường mình đã đi. Cho nên nói là chỗ sống năm xưa chẳng dời tấc bước thì lờ mờ một đời lấy gì nương tựa được?
Ngài Châu Hoằng cũng có lời cảnh tỉnh về người xuất gia rằng:
- Hầu như mọi người khi mới xuất gia thì chí nguyện của họ tuy có lớn nhỏ nhưng ít nhiều cũng đều có đạo tâm. Nhưng rồi dần dà đều bị danh lợi làm ô nhiễm, tiếp đó thì xây dựng phòng xá, trồng răng vàng, mua nhà đất, nuôi tôi tớ, tích chứa tiền tài, hết mình làm chuyện thế gian, phan duyên chẳng khác gì người thế gian cả. Trong kinh Phật nói: “Có một người xuất gia học đạo thì Thiên Ma Ba-tuần liền lo sợ. Khi người xuất gia biến thành một kẻ không khác thế tục thì Ma Ba-tuần liền uống rượu chúc mừng”.
Tức là chúng ta xuất gia thì ma sợ vì mất quyến thuộc, rồi mình kéo thêm những người xuất gia nữa cho nên nó lo sợ. Còn khi xuất gia rồi lại biến thành kẻ không khác thế tục thì nó uống rượu chúc mừng lại có thêm quyến thuộc.
- Người xuất gia phát Bồ-đề tâm đầu tiên phải biết việc này mới phải. Tôi có gặp qua một Sa-môn tu khổ hạnh ở trên núi, vừa xuống núi thì có mấy mươi nam nữ Phật tử đến quy y cúng dường, lâu dần rồi thì mất hết đạo lực, bận bịu túi bụi, huống hồ gì làm những việc tồi tệ. Người xưa nói sau khi xuất gia rồi cần phải lại ra khỏi nhà phiền não, phải lại cắt đứt trần duyên là xuất gia sau xuất gia. Xuất gia trước gọi là xuất gia trước xuất gia thì dễ, còn xuất gia sau xuất gia là khó. Tôi vì việc này cẩn thận hết sức, ngày đêm vô cùng lo lắng, sợ rằng mắc lỗi như trên.
Đó là lời ân cần nhắc nhở chân thành của các vị tiên đức, các Ngài kinh nghiệm răn nhắc. Cho nên chúng ta học để thấy lại, để nhắc mình, cảnh tỉnh mình sống cho xứng đáng là người xuất gia đúng nghĩa. Không để theo chỗ sống năm xưa chẳng dời tấc bước, rồi cuối cùng lờ mờ một đời không biết nương tựa vào đâu. Không có chỗ công phu gì hết thì lấy cái gì để mà nương tựa, để mà làm chỗ tiến lên cho mình. Thì đó rất là hổ thẹn, mà cũng rất là đáng lo cho nhân quả sau này nữa!
“Huống nữa Tăng tướng nghiêm trang, dáng vẻ đáng nhìn, đều do căn lành đời trước đã trồng, mới cảm quả báo khác thường nay có”.
Đến đây Tổ Quy Sơn khích lệ, hôm nay chúng ta được mang Tăng tướng nghiêm trang “đường đường Tăng tướng” thế này, người ta nhìn vào thấy mến, thì cũng không phải là ngẫu nhiên mà có, tức là đều có nhân quả trước sau cảm nên.
Hiểu được vậy thì sẽ khích lệ chúng ta có thêm niềm tin. Nghĩa là đời trước cũng đã từng gieo trồng căn lành xuất gia nên hôm nay mới cảm được quả báo này. Đây gọi là quả báo khác thường, chứ không phải là chuyện dễ dàng, chuyện ngẫu nhiên. Nhưng vì chúng ta còn mắt phàm chưa có túc mạng nên không nhớ hết, nhưng đối với lẽ thật thì nó đều có nhân quả.
Thử nhìn kỹ một chút thì mới thấy chỉ việc xuất gia cũng không phải dễ, huống nữa là xuất gia có được tăng tướng đàng hoàng. Nếu đời trước chúng ta chưa trồng căn lành gieo nhân xuất gia thì cũng không dễ gì làm được, đừng có xem thường. Nhiều khi chúng ta không quán kỹ, nên có được duyên lành rồi lại không trân trọng để nó qua suông thì đó là đáng tiếc!
Nhìn lại xem, có biết bao nhiêu người, cũng có tâm muốn xuất gia, nhưng rồi bị duyên này duyên kia ngăn trở, không thực hiện được. Như khi Hòa thượng tuyên bố làm người vô sự, thì có nhiều vị sợ Ngài nghỉ rồi không biết còn làm lễ gì nữa không, mới tranh thủ xin Ngài vá kéo gieo duyên; nhưng từ đó tới nay có người cũng chưa xuất gia được. Mới thấy việc xuất gia đâu phải chuyện dễ, có duyên này duyên kia ngăn lại. Hoặc khi được duyên lành rồi lại không giữ được đời xuất gia. Chuyện này thì quý vị thấy rõ ràng.
Ở đây, Tổ Quy Sơn nhắc mỗi người nên nhận định kỹ nhân quả, biết được căn lành của mình đã có mà trân trọng, rồi lo vun bồi cho nó càng ngày càng tốt hơn để xứng đáng với duyên lành mình đã có. Đừng để qua mất một cách luống uổng!
“Sao đành khoanh tay dửng dưng, chẳng quý tấc bóng, chẳng chăm lo sự nghiệp thì công quả nhân đâu được thành? Lẽ nào để cho một đời qua suông, thật không ích gì với sự nghiệp đời sau”.
Tấc bóng tức là thời gian. Trước là nhắc đến căn lành đã có để chúng ta biết trân trọng; đây mới khuyên hãy lo tu hành để có được những công quả tốt lành đáp lại. Nếu khoanh tay dửng dưng tức là để cho thời gian mặc tình trôi qua, không biết quý tiếc. Có những vị được xuất gia, được vào chùa rồi thì khoanh tay dửng dưng, thong thả qua ngày, không biết quý tiếc thời gian của mình để lo tu nên Ngài nhắc.
Phải nhớ kỹ là theo dòng vô thường thì không thể tắm hai lần trong một dòng sông. Nghĩa là chúng ta xuống tắm dòng sông đó rồi lên, khi xuống trở lại lần nữa thì dòng nước sông lúc nảy đã trôi qua không còn mà dòng nước khác trôi tới, nên không thể tắm hai lần trong một dòng sông.
Thông thường ai cũng thấy hôm qua tắm dòng sông đó, hôm nay cũng tắm. Nhưng sự thật không phải vậy. Hễ bước lên rồi là dòng nước sau chảy tới thì dòng nước trước đi mất rồi.
Đây cũng vậy, duyên lành của chúng ta đang có không dễ có lại được lần thứ hai, mà lần thứ hai đến thì đã khác đi rồi, vì đã đổi mới không phải như trước. Có khi nó được tốt hơn hoặc có khi nó xấu hơn chứ không như cũ nữa, cho nên gọi là không thể lặp lại. Do đó chúng ta phải biết tận dụng duyên lành sẵn có để lo tiến tu, chớ không để qua rồi khó tìm lại.
Đây Ngài nhắc nếu người xuất gia không chăm lo sự nghiệp tu hành, để cho thời gian trôi qua vì những việc vô ích thì cuối cùng thành được cái gì?
Như Hòa thượng Diễn ở chùa Ngũ Tổ từng kể: “Thiền sư Tú ở viện Viên Thông, một hôm nhìn thấy tuyết rơi có cảm nên nói: “Tuyết rơi có ba hạng tăng: kẻ bậc thượng thì ở Tăng đường tọa thiền, kẻ bậc trung thì mài mực chấm bút làm thơ nói về tuyết, kẻ bậc hạ thì ngồi vây quanh ở bên lò để nói chuyện ăn uống”.
Hòa thượng Ngũ Tổ Diễn nhắc lại lời đó, rồi nói: “Vào mùa đông năm Đinh Mùi tại Hổ Khâu, tôi đích thân thấy ba hạng tăng này đúng như vậy, bất chợt bật cười, mới biết rằng lời nói của bậc tiền bối không có hư dối””.
Chúng ta nếu nhìn kỹ thì cũng sẽ thấy có ba hạng tăng như vậy, nhiều khi ngay trong viện của mình cũng không chừng. Cho nên đây chính là lời cảnh tỉnh người xuất gia chúng ta. Nếu người khéo biết quý tiếc thời gian thì nhân tuyết rơi không làm việc, được rảnh rỗi thì đi tọa thiền; còn có người nhân rảnh rang không biết làm gì rồi ngồi chấm bút làm thơ cho đỡ buồn; hoặc những người không chấm bút làm thơ thì tụ quanh nhau bàn chuyện ăn uống lăng xăng, làm loạn tâm thêm chứ không có ý nghĩa gì! Có đáng trách, đáng tiếc không?
Thí dụ ở đây có những hôm trời mưa dầm dề, không làm công tác gì được thì ở Tăng đường lấy bồ đoàn tọa cụ lên Thiền đường ngồi thiền, thấy đáng quý! Trái lại nhân trời mưa không làm công tác không biết làm gì thì tụm ba, tụm bảy uống trà nói chuyện tạp, khiến thêm loạn tâm sanh phiền não là phung phí thời giờ vô ích.
Đó là những kinh nghiệm của người xưa nhắc để chúng ta biết rồi kiểm lại mình, để không rơi vào những hạng trung, hạng hạ như thế. Phải là hạng người khéo biết tu, biết quý tiếc thời gian quý báu qua rồi không tìm lại được.
Có câu chuyện về Thiền sư Như Tịnh: Một hôm, nhân Sư đi qua Tăng đường thấy có vị tăng ngồi ngủ. Bởi vì Tăng đường ở các Thiền viện xưa cũng là Thiền đường luôn không giống như Tăng đường của chúng ta hiện nay. Tức là ở Thiền đường có ngăn từng phần, chia mỗi người một ô, chứa mền, nệm… cả trong đó, rồi ngồi thiền luôn. Đến chừng nghỉ thì cũng trải ra nằm xuống đó nghỉ.
Sư liền bước vào bảo: “Việc này là cần phải rớt sạch cả thân tâm mới được. Nếu mà chỉ cứ lo ngủ nghỉ như thế thì đến năm nào mới có được việc ngày nay?”. Rồi cởi giày đánh vị tăng ấy.
Người xưa nghiêm khắc như vậy. Đó là cách răn nhắc học chúng của các bậc tiên đức xưa, giúp người xuất gia nhớ chăm lo việc tu hành của mình để thành tựu đạo nghiệp, chớ không để thời gian qua suông vô ích. Chúng ta học ở đây là để răn nhắc lại mình cho nhớ, càng học kỹ thì càng có khích lệ thêm. Tổ Quy Sơn khéo léo, vừa răn rồi vừa khen, vừa khích lệ, chứ không phải nói một chiều.
“Từ bỏ cha mẹ, quyết chí xuất gia, ý muốn vượt lên chỗ nào? Sớm chiều xét nghĩ, há để kéo dài qua ngày tháng”.
Chúng ta thấy từng câu, từng lời của Tổ Quy Sơn nói ra có cái gì đó hết sức mạnh mẽ đánh thức người học. Ngài bảo phải xét kỹ lại xem chúng ta đã từ bỏ cha mẹ, quyết chí đi xuất gia thì vào đây ý muốn vượt lên chỗ nào? Phải tự hỏi lại mình một cách thiết tha chân thành. Không lẽ vào đây là ý muốn để rớt trở lại bùn lầy thêm lần nữa. Nếu không khéo thì chỉ là bỏ nhà này vào nhà kia vậy thôi, lẩn quẩn không ra khỏi bùn lầy thế gian.
Đó là ý Ngài muốn nhắc phải vượt lên khỏi những bùn lầy thế gian, đi trên con đường xuất thế, mới gọi là xuất gia, vì xuất gia là xuất trần mà! Cho nên phải sớm chiều luôn xét nghĩ để lo tu, chứ đâu thể kéo dài cho qua ngày tháng. Vào đây rồi mà cứ kéo dài qua ngày tháng để làm gì? Không khéo là đi xuất gia rồi mà không tu hành gì hết, chỉ kéo dài ngày tháng để chờ chết thôi.
Đó là chỗ mỗi người hãy tự kiểm lại mình, xem có uổng thọ của tín thí đàn-na không? Có cô phụ chí xuất gia của mình không?
“Tâm hẹn làm rường cột Phật pháp, khiến thành gương mẫu cho người sau”.
Xuất gia là phải vậy đó. Tâm hẹn làm rường cột cho Phật pháp, khiến thành gương mẫu cho người sau. Tức nói lên cái chí hướng cao cả của bậc xuất gia, tâm phải tự hẹn với mình là vào đây xuất gia thì phải làm sao là người rường cột cho Phật pháp, tức là người giữ gìn khiến Phật pháp trụ lâu dài, thay Phật truyền bá chánh pháp cho thế gian chứ đâu phải tầm thường cơm áo qua ngày. Thấy như vậy là thấy được trách nhiệm của mình.
Bởi vì Phật ra đời thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, giờ Ngài đã nhập Niết bàn nhưng giáo pháp còn để lại. Mà giáo pháp còn để lại tức là trông cậy vào hàng Tăng bảo để truyền trì mạng mạch Như Lai, làm lợi ích cho chúng sanh. Nhưng người xuất gia lại không thấy được trách nhiệm của mình rồi cứ để cơm áo qua ngày thì sao?
Thấy hiểu rồi thì phải lo gắng tu học để có được chỗ đứng trong đạo, đó mới là quan trọng. Vì có chỗ đứng trong đạo thì mới làm rường cột cho Phật pháp, và người sau mới có chỗ nương theo để học hỏi tiến tu, gọi là gương mẫu cho người sau. Cho nên bài kệ xuất gia:
Xuất gia hoằng Thánh đạo,
Thệ độ nhất thế nhân.
Xuất gia là để hoằng truyền Thánh đạo, tức là đạo giải thoát của Phật, rồi thệ nguyện độ tất cả mọi người. Như vậy, nếu người xuất gia mà không cố gắng tu học thì không khéo như là Ngài Trung Phong bảo: “Đối trước Phật Tổ thề thốt, là thề thốt suông thôi”. Tức là không khéo đối trước Phật Tổ phát lời thệ nguyện hay lắm, nhưng đó chỉ là thề thốt suông ngoài miệng, tức có ngữ mà không có nghĩa, thật đáng hổ thẹn!
Đến đây, Tổ Quy Sơn nhắc chúng ta phải lo gắng tu học sao cho xứng đáng là người rường cột của Phật pháp, là gương mẫu cho người sau nương theo học hỏi.
“Thường cho như thế, vẫn chưa được chút phần tương ưng”.
Đọc tới chỗ này thì chúng ta thấy có run sợ chưa? Thường được như vậy mà Tổ Quy Sơn còn nói chưa được chút phần tương ưng. Là Ngài hạ thêm một câu để ngăn ngừa. Vì sợ không khéo thành ngạo mạn. “Nghĩ là Ta phải là người rường cột Phật pháp, làm gương mẫu cho người sau, Ta quan trọng như thế!”. Nhưng đó cũng là nghĩ suông thôi! Nên đây nói dù cho thường có tâm nghĩ như vậy vẫn chưa được chút phần tương ưng. Nghĩ như vậy cũng là cao thượng nhưng còn phải làm sao thực hành để cho ý nguyện đó thành sự thật thì mới gọi là có phần tương ưng.
Trước hiểu được bổn phận của mình là người xuất gia theo Phật thì phải như thế, mới là quí. Tiến thêm bước nữa là phải thực hành để thành tựu được cái ý đó, chứ không phải chỉ là lý tưởng suông. Cho nên, đây là Ngài nhắc khéo.
Đây là cách nói ngược để nhấn mạnh khiến mỗi người chú ý hiểu sâu hơn. Thường như vậy mà vẫn còn chưa được chút phần tương ưng, huống nữa là còn có những tư tưởng buông lung, thong thả qua ngày. Ý là chỗ đó.
Nghĩa là người có tâm tốt như vậy, tự hẹn cho mình phải là bậc rường cột của Phật pháp…, là quý; nhưng với Ngài thì cho là chưa được chút phần tương ưng, huống nữa là còn những tư tưởng buông lung, tư tưởng thong thả qua ngày tháng!
“Phát lời cần hợp với phép tắc, bàn nói phải có căn cứ, hình nghi vượt trội, ý khí cao nhàn”.
Đây là những chỗ Ngài cảnh tỉnh rất kỹ. Người biết sống hợp với đây rồi thì xứng đáng là bậc xuất gia. Nói là, phát lời cần phải hợp với phép tắc, bàn nói phải có chứng cứ rõ ràng. Tức nói ra có xét theo sách vở, lời người xưa đàng hoàng, chứ không phải bịa đặt. Phát lời, bàn nói là phải hết sức chính chắn, đúng lý khiến người đầy đủ lòng tin.
Đây nhằm ngăn ngừa những vị hay nói bừa, nói càn theo ý riêng của mình. Trong nhà thiền thường gọi là hạng bịa đặt, tức tự ý bịa đặt ra nói hoặc là tự ý sáng tác ra những lý luận để mê hoặc người không hiểu, nhưng với người trí thì thấy ngay không dối được. Đó là điều chúng ta phải ngăn ngừa, phải tránh.
Đọc trong Thiền sư Việt Nam, thấy bà Thái hậu nhà Lý hỏi chuyện với Quốc sư Thông Biện, Sư đáp và dẫn chứng đâu đó rõ ràng, khi nghe xong bà rất cảm phục.
Hòa thượng Tôn Sư có lần ra Bắc họp về việc xin xây cất Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Ngài nói là lập Thiền viện Yên Tử để khôi phục lại tinh thần của Yên Tử, rồi hỏi các vị kia biết vì sao Yên Tử nổi tiếng? Ngài dẫn chứng đây là nơi có nhiều bậc tu hành, lòng người muốn hướng về, mới dẫn câu ca dao: “Dù ai quyết chí tu hành…”. Nói có chứng cứ đàng hoàng, người ta nghe phải chấp nhận. Còn chúng ta nhiều khi nói khơi khơi, không có chứng cứ thì người ta bắt bẻ lại. Đây là điều chúng ta phải biết mà ngăn ngừa.
Rồi “hình nghi vượt trội, ý khí cao nhàn”, tức là dáng vẻ, phong cách vượt hơn người thường. Chỗ này là chỗ chúng ta cũng phải luôn kiểm lại. Làm sao giữ gìn phong cách của bậc xuất gia, chứ không để lôi thôi người nhìn vào mất lòng tin. Trừ khi quý vị là Bồ-tát nghịch hạnh thì không nói, còn chưa phải thì ráng giữ gìn kỹ tư cách của người xuất gia để mọi người nhìn vào có lòng tin, gọi là phước điền cho họ gieo. Nhưng phong cách này phải chân thật chứ không phải làm ra vẻ đạo mạo cho người ta cung kính. Cái đó là không phải nữa. Mà phải do chân thật tu hành, kiểm thúc sáu căn nên hình dáng lộ ra như vậy.
Rồi ý khí cao nhàn tức là trong tâm hồn siêu thoát, không cố chấp, nhỏ nhoi thấp hèn. Nghĩa là trong tâm, ngoài tướng đều xứng hợp nhau, đáng làm gương mẫu cho người sau, chứ không phải là chỉ có hình tướng bên ngoài. Bậc tu hành xuất thế thì tâm hồn phải thanh cao, siêu thoát như vậy.
Hòa thượng Quảng Khâm cũng từng nhắc về người xuất gia, Ngài bảo rằng: “Đã khoác trên mình tấm áo cà-sa rồi thì bạn phải tu đến chỗ mà không còn bị việc gì làm quái ngại, hay là bận tâm. Không quái ngại bận tâm về việc thế sự, không vướng vào việc nhân tình v.v… hết thảy mọi sự hễ quái ngại là thừa rồi”.
Ngài nhắc người xuất gia phải có tâm hồn thanh thoát như vậy, gọi là vượt lên ý khí tầm thường của thế tục, không bận tâm về những chuyện thế sự, không để vướng vào những việc nhân tình, đó là quái ngại.
“Đi xa cần nhờ bạn lành, thường thường sạch trong tai mắt. Dừng ở hẳn phải chọn bạn, luôn luôn nghe đến những điều chưa nghe. Cho nên nói: “Sanh ra ta là cha mẹ, làm thành ta là bạn bè”. Gần gũi bạn lành như đi trong sương móc, dù chẳng ướt áo mà luôn luôn có thấm vào. Quen theo kẻ ác, lớn thêm điều thấy biết ác, sớm tối tạo điều ác thì quả báo hiện trước mắt, chết rồi phải chìm sâu. Một phen mất thân người muôn kiếp khó gặp lại”.
Tổ Quy Sơn nhắc lợi ích của việc gần gũi bạn lành, tức là phải biết chọn bạn để gần gũi, đây gọi là ăn cơm có canh tu hành có bạn. Bạn lành thì thường gần gũi, giúp đỡ mình rất nhiều. Bởi vì thầy thì mình ít gặp, còn bạn là hàng ngày gần kế bên.
Như xưa Ngài Tông Nguyên giúp Đạo Khiêm. Tức là Đạo Khiêm được Thiền sư Đại Huệ bảo đem thơ đi xa. Sư không muốn đi bởi sợ mất thời gian tu hành của mình. Ngài Tông Nguyên mới khuyên nên đi rồi Ngài sẽ đi theo giúp. Nhân đó trên đường Sư được tỏ ngộ. Đúng là bạn lành giúp đỡ nhau.
Ngài Hám Sơn với Ngài Diệu Phong cũng là bạn bè giúp nhau. Rồi Ngài Nham Đầu giúp Tuyết Phong thành đạo ở Ngao Sơn. Thì xưa các Ngài là bạn bè giúp nhau rất nhiều. Đó là những tấm gương bạn lành giúp nhau. Cho nên, ở đây Tổ Quy Sơn nhắc phải biết chọn bạn lành, để nương nhau tiến tu.
Khi Đức Phật còn tại thế, một hôm Tôn giả Xá-lợi-phất cùng đi du hành với Phật sang nước Câu-tát-la. Trên đường đi, hai Ngài dừng nghỉ ở một nơi nọ. Hôm đó, Tôn giả Xá-lợi-phất bỏ quên y tăng-già-lê ở dưới đất rồi đứng dậy đi.
Bấy giờ Đức Phật nhớ, mới bảo A-nan: “A-nan! Hãy đem ý bạn thân mà giữ cái tăng-già-lê này!”. Tức là giữ dùm cho Ngài Xá-lợi-phất.
Tôn giả A-nan hỏi:
- Bạch Thế Tôn, thế nào là đem ý bạn thân mà giữ?
Phật bảo:
- Tùy theo chỗ bạn cần mà làm cho bạn được hoan hỷ, đó gọi là tùy theo ý bạn thân.
Tôn giả A-nan lại hỏi thêm:
- Thế nào tùy theo chỗ bạn cần mà làm cho bạn hoan hỷ?
Đức Phật mới dạy:
- Có bảy pháp làm cho bạn thân đem lại sự lợi ích và thương mến.
Một, điều khó cho mà hay cho. Những cái dễ cho thì không nói. Những cái khó cho mà cũng có thể cho được, gọi là quên mình vì bạn, chứ không tính toán, đó mới đúng là tinh thần người bạn.
Hai, điều khó làm mà hay làm. Có những điều khó làm mà hay làm được cho nhau, thì đó mới đúng là vì bạn.
Ba, điều khó nhẫn mà hay nhẫn. Những cái nhẫn thường thì dễ rồi, nhưng mà điều khó nhẫn vẫn hay nhẫn được với bạn. Có những việc bạn lỡ làm gì đó mình cũng khó chịu hay muốn nổi sân, nhưng mà vì bạn nên nhẫn.
Bốn, việc kín đáo nói cho nhau nghe. Có việc kín đáo cũng nói cho nhau nghe.
Năm, là cùng giữ kín việc bí mật. Là bạn bè biết chuyện của nhau, nhưng đối với những việc kín của bạn thường giữ cho nhau. Lại có khi không vui với nhau thì sao? Đi nói với người này nói với người kia, để bày cái xấu của bạn mình ra, thì đó không phải tinh thần của bạn bè. Nhà Nho nói đó là tâm của tiểu nhân, không phải quân tử, người quân tử không làm chuyện đó. Cho nên đây Phật dạy việc kín đáo thì nói cho nhau nghe, lại cùng giữ kín việc bí mật của bạn, chỉ mình với bạn biết. Đó đúng với tinh thần là bạn vì bạn.
Sáu, gặp khổ chẳng bỏ nhau. Điều này rất khó. Tức là dù gặp khó khăn, gặp khổ mà không bỏ nhau.
Bảy, là nghèo hèn chẳng khinh nhau. Lúc nào cũng giữ tinh thần trước sau, dù gặp khó cũng không bỏ nhau. Lúc còn hàn vi thì sống với nhau rất tốt, rồi khi có chức, có quyền hoặc là giàu có rồi thì bắt đầu thay đổi, đó gọi là vì giàu mà bỏ nhau.
Còn vì nghèo mà bỏ nhau tức là trong lúc bạn khó khăn nghèo thì liền bỏ nhau. Hồi xưa bạn bè họ có tiền có của, giúp đỡ thì qua lại với nhau, sau gặp họ nghèo rồi thì thôi, gọi là đổi mặt. Như vậy không phải tinh thần vì bạn.
Xong, Phật mới bảo:
- Này A-nan! Như vậy người có bảy pháp này gọi là bạn thân, có lợi ích và thương mến, làm cho bạn được hoan hỷ.
Rồi Đức Phật nói bài kệ:
Khó cho mà hay cho,
Khó làm mà hay làm,
Khó nhẫn mà hay nhẫn,
Ấy là bạn thân thiện.
Việc kín nói nhau nghe,
Rồi cùng nhau giữ kín,
Gặp khổ chẳng bỏ nhau,
Nghèo hèn chẳng khinh nhau.
Người nào thực hiện được,
Bảy pháp đã kể trên,
Mới phải là bạn thân,
Nên gần gũi người ấy.
Đó là bạn thân gần gũi giúp ích cho mình rất nhiều. Vì vậy nếu được bạn lành gần gũi thì đúng là quá hay! Cho nên mình cũng phải học tinh thần đó để cùng nhau làm bạn, chứ đừng có kiểu đổi mặt thay lòng là không tốt.
Người tu còn phải khác hơn người đời. Người đời như vậy là không tốt rồi, người tu như vậy càng không tốt thêm, nên phải biết để ngăn ngừa.
Tổ Quy Sơn nói là “gần người lành như đi trong sương móc, dù không thấy ướt áo nhưng có thấm vào”. Tức là có lợi ích ngầm, giống như đi trong sương trong móc, tuy là không thấy ướt áo nhưng mà đi lâu thì cũng thành ướt.
Ở đây, Tổ Quy Sơn dẫn lời của nhà Nho: “Sanh ra ta là cha mẹ, làm thành ta là bạn bè”. Tức là bạn bè gần gũi thường xuyên với mình, nhiều hơn cả thầy nữa, bạn giúp đỡ, chia sẻ rất nhiều cho mình. Nên chúng ta cần phải học tinh thần vì bạn.
Có câu chuyện nói về tình bạn, tức là chuyện của Ngài Đông Châu - Hổ Khâu với Ngài Độc Cô - Linh Ẩn.
Hai Ngài là người đồng hương, vừa là đồng học, kết bạn với nhau rất thân. Lúc Ngài Đông Châu ở Hổ Khâu thì cũng vừa khi ở chùa Vạn Thọ trong thành thiếu trụ trì, nên mọi người định cử Ngài Độc Cô đến đây trụ trì. Ngài Đông Châu nghe vậy, hết sức ngăn cản việc này, không biết lý do gì? Đúng ra là bạn bè thì phải tùy hỷ thêm nữa, nhưng đây Ngài lại ngăn cản? Bấy giờ, Ngài Độc Cô đang ở chùa Thiên Ninh tại Hồ Châu, từng theo thứ lớp mà tiến lên đã có địa vị rồi, và cũng biết việc đó nhưng không để lòng.
Hơn một năm sau, Ngài Đông Châu có duyên sự đi đến Hồ Châu hóa duyên. Ngài Đông Châu trong ý cũng muốn đến thăm Ngài Độc Cô, nhưng trong lòng hổ thẹn nên do dự. Nghĩ xưa mình xử sự như vậy, không biết ổng còn nhớ chuyện đó rồi còn ngăn cản phá hỏng việc của mình hay không? Mới nghĩ hay là nên đợi ổng đi đâu vắng, rồi mình hãy qua đó để xem sao?
Ngài Độc Cô khi được tin báo là có Ngài Đông Châu đến thăm, lúc đó Ngài đi vắng nhưng liền tức tốc trở về. Ngài tiếp đãi lễ nghi đầy đủ. Rồi nghe Ngài Đông Châu tính đi hóa duyên nên đem của cải riêng ra trước Ngài Đông Châu thong thả nói chuyện, bày tỏ tình bạn y như ngày trước không chút gì thay đổi, làm như không có chuyện gì hết.
Đến khi Ngài Đông Châu trở lại chùa của mình ở Hổ Khâu, một đêm khuya, ở trên gác cao nơi phương trượng, Ngài vừa đi vừa tự ca ngợi rằng: “Độc Cô quân tử, Thọ Vĩnh tiểu nhân”. Tức là khen Ngài Độc Cô xử sự đúng với tinh thần quân tử, còn chính mình có tâm tiểu nhân, nên tự trách mình.
Nếu là chúng ta khi được cử đi trụ trì, lại có người bạn ngăn cản, thì có hận bạn không? Hãy thử kiểm lại xem! Rồi mai kia chúng ta có được duyên là người có uy tín tại địa phương đó, người bạn kia đến vùng thuộc quản lý của mình, thì có nhớ chuyện xưa, có xử sự tốt bình thường hay không? Kiểm lại xem!
Đây Ngài Độc Cô đúng là người có tinh thần quân tử, dù hồi xưa bạn đối xử xấu với mình nhưng giờ gặp lại bạn cũng tiếp đãi ân cần, giúp đỡ nhau. Tâm của bậc quân tử đối với tình bạn là như vậy. Đó là những tấm gương để nhắc nhở chúng ta phải sống tốt với nhau.
Tác giả tập Sơn Am Tạp Lục khi kể xong câu chuyện này, mới có lời bình: “Tôi xem kẻ ở trong tùng lâm ngày nay thì những người làm bạn với nhau lại tranh với nhau từng lời nói, rồi hiềm khích cái lợi với nhau từng sợi tơ. Đến nỗi đưa đến bài báng nhau, lấn át nhau, hận chẳng liền chết đi mới thỏa lòng. Tìm được người mà khoan hậu như Độc Cô, rồi người mà tự biết trách mình như Đông Châu thì thật là rất hiếm có vậy”.
Tức là bạn bè với nhau mà lỡ lời thì bắt bẻ thế này thế kia, gọi là tranh nhau từng lời nói, rồi hiềm khích nhau vì cái lợi bằng từng sợi tơ. So với đây, Ngài Độc Cô đúng là người có tâm khoan hậu không ích kỷ, hẹp hòi; còn Ngài Đông Châu thì tự biết trách mình, quả thật đều là người tốt. Ngày nay có tìm được nhiều những người như thế chăng?
Đây Tổ Quy Sơn nhắc nhở cũng như dẫn lời Đức Phật dạy để chúng ta biết tinh thần bạn bè là vậy đó. Ngài dặn là phải biết chọn bạn lành gần gũi để giúp thêm điều lành, nên nói gần gũi bạn lành thì như đi trong sương móc.
“Quen theo kẻ ác lớn thêm đều thấy biết ác, sớm tối tạo điều ác, quả báo hiện trước mắt, chết rồi phải chìm sâu. Một phen mất thân người, muôn kiếp khó gặp lại”. Nghĩa là đã nhiễm theo những điều thấy biết ác rồi thì nó sẽ phát ra những lời nói hành động ác. Rồi sớm tối tạo điều ác, chuốc lấy quả báo ác. Khi tạo quả ác nặng nề thì quả báo hiện tiền chứ không phải xa xôi. Khi chết rồi thì còn phải chìm sâu nữa, khó được thân người trở lại. Đó là điều mà mỗi người phải cẩn thận.
Hãy nhớ, gần bạn lành sẽ giúp chúng ta rất nhiều lợi ích trên đường tu của mình, còn gần bạn ác lại thêm lớn điều ác. Cho nên, thế gian thường nói: “Muốn biết người đó thế nào thì hãy xem coi họ thường gần gũi những ai?”. Tức là hãy xem họ thường gần gũi với những ai thì biết họ là hạng người gì. Nếu cứ quen theo những anh bợm rượu thì biết thế nào rồi. Còn tìm những người lo siêng năng học hành, làm ăn thì biết người đó thế nào! Đó cũng là kinh nghiệm.
Trong kinh Đại bát Niết-bàn, Phật từng bảo Bồ-tát Ca Diếp về ông Thiện Tinh, Ngài bảo rằng:
- Thiện Tinh dầu là đọc tụng 12 bộ kinh, chứng được Tứ thiền nhưng mà chẳng hiểu nghĩa một kệ, một câu, nhẫn đến một chữ. Vì gần gũi bạn ác nên mất Tứ thiền, rồi sanh kiến chấp tà ác (tức tà kiến), mà nói rằng không Phật, không Pháp, không có Niết-bàn.
Do đó, chúng ta cần phải biết người để gần gũi, phải biết chọn bạn.
“Lời ngay trái tai, há chẳng khắc sâu vào lòng hay sao!”.
Những điều này là những điều chúng ta phải hết sức ghi khắc trong lòng để học. Bởi người chân thật tu hành, phải dám nghe những lời nói thẳng, dù có trái tai nhưng mình sẽ nghe được nhiều điều lợi ích.
Lời nói thẳng là lời nói thật thì đâu có uốn cong, tức là không có chìu theo ý của mình, không có dua nịnh. Đã không dua nịnh thì có khi cũng khó nghe nên gọi là trái lỗ tai. Nhưng dám nghe thì được lợi ích. Nếu chỉ thích nghe những lời êm tai thì không khéo sẽ sống theo chiều dua nịnh. Điều này người có kinh nghiệm sẽ thấy rõ.
Cứ nói êm tai, thì đâu dám nói sự thật, nhiều khi chúng ta làm sai mà cũng khen không dám nói sai nữa. Rồi mình cứ tưởng vậy là tốt, làm tới nữa là nguy hiểm rồi. Còn làm sai mà bạn bè dám nói cái sai của mình, nói thẳng với mình thì đó gọi là nói ngay, thì mình mới biết sai mà sửa.
Vậy thì “há chẳng khắc sâu vào lòng hay sao!”. Tuy trái tai nhưng cũng phải dám nghe để khắc vào lòng thì có lợi ích rất lớn. Bởi vì lời ngay, lời thẳng là sẵn sàng chỉ ra những lỗi lầm để chúng ta sửa mình, lời chỉ lỗi thì đâu có thuận theo lỗ tai, nhưng đó là những lời lợi ích thiết thực.
Như câu chuyện Linh Nguyên cùng với hai vị tăng trong chùa đi vào trong thành chơi đến chiều tối mới về.
Hòa thượng Hối Đường hỏi:
- Bữa nay ông đi đâu vậy?
Linh Nguyên thưa:
- Con mới vừa đi đến chùa Đại Ninh trở về.
Lúc đó, Ngài Tử Tâm đứng kế bên biết, liền lớn tiếng bảo:
- Huynh Thanh, là người tham thiền muốn thoát khỏi sanh tử, phát lời thì cần phải thành thật chứ! Đâu được nói dối như vậy!
Ngài Tử Tâm nói thẳng ngay mặt thì đúng là trái tai. Làm sao dám nghe? Nhưng mà nghe được những điều đó thì đúng là lợi ích. Cho nên, Ngài Linh Nguyên lúc đó hổ thẹn tự sửa, từ đó về sau không còn dám đi vào trong thành chơi nữa, cũng không còn dám phát ra những lời nói bừa bãi như nói dối. Đó là lợi ích của việc dám nghe những lời nói thẳng.
Nên đây Tổ Quy Sơn nhắc há chẳng khắc sâu vào lòng hay sao?
Cũng như Ngài Hoằng Trí - Chánh Giác, thuộc tông Tào Động, lúc còn đang tham học chưa làm trụ trì. Một hôm, Sư cùng với vị tăng gạn hỏi nhau về công án thì bỗng hứng cười to. Lúc đó, Ngài Tử Thuần ở Đơn Hà, nghe được mới quở: “Một tiếng cười của ông là đã đánh mất đi bao nhiêu việc tốt. Ông không nghe nói: ‘tạm thời chẳng còn giống như người chết’ hay sao?”.
Ngài Hoằng Trí ngay đó làm lễ lãnh nhận liền. Rồi từ đó cho đến về sau luôn ghi khắc, dù cho ở trong thất vắng một mình cũng không dám sơ xuất nữa. Đó là tấm gương của những bậc gương mẫu xưa, rất đáng kính.
Nếu gặp người thiếu đạo tâm khi nói bàn về công án mà hứng cười lớn bị quở vậy thì sao? Thì cũng ấm ức trong lòng. Vui cười một chút có gì đâu phải quở? Còn ở đây, Ngài Hoằng Trí nghe nói liền đảnh lễ lãnh nhận. Đúng là tinh thần của người dám nghe những lời nói thẳng.
Cho nên Tổ Quy Sơn nhắc chúng ta cũng phải học như vậy. Bởi vì nghe được những lời nói thẳng thì mới nghe được những lời chân thật. Thí dụ huynh đệ vì thương biết mình làm điều sai sót nên nói thẳng chỉ cho mình điều sai để sửa. Nếu nghe nói thẳng mình liền bác lại hoặc là còn nổi sân, rồi lấn át lại nữa thì sau huynh đệ đâu có dám nhắc, thế là chỉ nghe những lời dua nịnh thôi. Đó là điều chúng ta phải học để tránh.
Các bài mới
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng (Phần 6) - 09/11/2017
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng ( Phần 5 ) - 31/10/2017
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng ( Phần 4 ) - 25/09/2017
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng (Phần 3) - 25/08/2017
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng (Phần 2) - 24/08/2017
Các bài đã đăng
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng (Phần 1) - 21/08/2017
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 10) - 29/06/2017
- Chứng đạo ca giảng luận (Phần 9) - 25/06/2017
- Chứng đạo ca giảng luận (Phần 8) - 20/06/2017
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 7) - 11/06/2017
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 23647
- Online: 19