Quy Sơn cảnh sách dịch giảng ( Phần 8 )

18/11/2017 | Lượt xem: 2755

TT.Thích Thông Phương dịch và giảng

“Liền hay rửa lòng nuôi đức, chôn vùi thân danh, giữ sạch tinh thần, dứt hẳn ồn náo”.

Học rồi, chúng ta mới thấy Tổ Quy Sơn dạy rất kỹ. Dạy là phải biết ẩn mình lo tu để thanh tịnh tâm mình mà nuôi lớn cái đức của mình. Chớ có đua tranh theo chiều danh lợi lăng xăng, mà phải chôn vùi thân danh tiếng tăm của mình nhằm quên đi cái ngã. Chưa gì mà muốn cho nhiều người biết để thêm lớn cái ngã thì đó là kẹt danh.

 Còn đây không cần ai biết để lo tu, để nuôi lớn cái đức, để rửa sạch cõi lòng tức là gạn lọc nội tâm của mình. Đây rất quan trọng vì trong lòng có đạo là quý hơn hết, chứ không phải là cần nhiều người biết mới quý.

Bởi vậy người xưa khi nhận được đạo lý rồi thì ẩn mình nuôi dưỡng. Như Ngài Nam Tuyền tiếng tăm vậy đó, nhưng ban đầu khi nhận rõ được đạo lý thì Ngài ẩn trên núi Nam Tuyền, mặc áo lá, đội nón cỏ, đi chăn trâu trà trộn trong đám tiều phu và mục đồng không cần ai biết, cả 30 năm như vậy. Chính Lục Tổ cũng 16 năm ẩn trong nhóm thợ săn, còn Ngài Thạch Sương ẩn trong xóm thợ gốm vùng Lưu Dương. Khi có vị tăng từ Động Sơn tới, Sư hỏi:

- Sau khi giải hạ thì Hòa thượng nói gì?

Ông tăng mới kể câu chuyện Ngài Động Sơn nhắc: “Khi giải hạ, huynh đệ có đi đông, đi tây, nhưng đi đến chỗ nào không có tấc cỏ mà đi”.

Sư mới hỏi:

- Vậy có ai nói được không?

Ông tăng nói:

- Không ai đáp được.

Sư nói:

- Sao không đáp: “Vừa ra khỏi cửa liền là cỏ”?

Ông tăng về thuật lại cho Ngài Động Sơn. Ngài Động Sơn nói:

- Ở Lưu Dương có Cổ Phật.

Lúc đó, tiếng tăm Sư mới lộ ra.

Còn Ngài Tuyết Đậu lúc còn đi tham học, thì được thư giới thiệu của ông Tằng Công đến chùa Linh Ẩn. Chùa Linh Ẩn là một ngôi danh lam nổi tiếng ở Tiền Đường, được ông Tằng Công tức là quan lớn giới thiệu nữa thì đúng là danh dự rồi.

Nhưng khi Ngài Tuyết Đậu đến chùa Linh Ẩn thì vẫn tu tập theo đại chúng bình thường, không trình thư ra. Một hôm, ông Tằng Công có việc đi ngang qua, ông nhớ nên ghé qua chùa Linh Ẩn để thăm Ngài Tuyết Đậu, xem mấy năm nay Ngài ở đây tu hành ra sao?

Nhưng khi đến chùa Linh Ẩn hỏi thì không ai biết Tuyết Đậu cả, chùa này có hơn 1.000 vị tăng, đâu dễ gì biết tên! Ông mới xin được kiểm tra danh sách và tìm gặp. Ông nói:

- Lá thư trước đây tôi viết đưa cho thầy đâu rồi? Sao không đem đến cho thầy trụ trì xem?

Lúc đó, Ngài Tuyết Đậu mới thò tay vào trong tay áo lấy thư ra, vẫn còn nguyên chưa mở. Sư nói:

- Tôi rất cảm kích lòng tốt của Ngài. Nhưng một người hành cước như tôi chẳng cầu danh lợi thế gian, như vậy thì đâu có dám trông mong vào sự giới thiệu của Ngài để được hiển đạt?

Ông Tằng Công nghe xong hiểu ra vấn đề, bèn cười lớn.

Lúc đó, thầy trụ trì chùa Linh Ẩn biết được việc này mới đối xử khác, Sư càng được kính trọng hơn nữa.

Đó là những tấm gương gọi là ẩn giấu thanh danh, không phô trương để chạy theo danh lợi. Nếu người thích danh lợi thì khi được ông quan giới thiệu liền đưa thư để được đối xử ưu đãi, còn Sư chỉ giữ bình thường, cốt sao rửa lòng nuôi đức để giữ sạch tinh thần của mình, còn chuyện danh lợi không quan trọng.

Đó là những điều chúng ta nên học. Đừng chưa gì lăng xăng chạy theo chốn ồn náo thành vẩn đục tâm hồn, đó là điều Phật, Tổ quở trách.

Đây là những kinh nghiệm của người xưa mà Tổ Quy Sơn cũng có kinh nghiệm. Chính Tổ Quy Sơn cũng từng như vậy.

Khi đến Quy Sơn trong giai đoạn đầu thì Ngài cũng ẩn giấu thanh danh, ở nơi rừng hoang đầy cọp sói, đâu ai biết. Thời gian sau khi nhân duyên đến, lúc đó người ta biết mới tìm đến. Đâu cần phô trương ra để ai cũng biết. Như vậy Ngài nói đây là Ngài đã trải qua, không phải nói suông. Không phải nói khuyên người ta rồi mình không làm gì hết. Đó cũng là điều chúng ta học, để cảnh tỉnh mình.

 

“Nếu muốn tham thiền học đạo, chóng vượt lên cửa phương tiện, tâm khế hợp bến huyền, xét tột chỗ tinh yếu, giải tỏ điều sâu kín, tỏ ngộ nơi nguồn chân thì rộng hỏi bậc thông hiểu trước, gần gũi với bạn lành. Tông này khó được chỗ diệu của nó, phải dụng tâm chín chắn”.

Trước Tổ Quy Sơn chỉ dạy tu về giới, rồi học giáo lý để có căn bản, không để thời giờ qua suông. Đó là phương tiện căn bản để tiến vào đạo. Đây nói thẳng đến tham thiền.

“Tham thiền học đạo, là vượt lên cửa phương tiện để thấu tỏ lại nguồn tâm của mình”. Đó là con đường trực chỉ, nên gọi là vượt lên cửa phương tiện.

“Tâm khế hợp với bến huyền”, tức là hợp chỗ sâu xa, vượt qua những phương tiện bên ngoài, không mắc kẹt trên văn tự chữ nghĩa. Vì nếu trên phương tiện nói năng hiểu được hết rồi thì đâu gọi là huyền.

“Xét tột đến chỗ tinh yếu”, là không chạy theo những sự phân tích ngọn ngành.

“Giải tỏ điều sâu kín”, sâu kín là chỗ mà ngôn ngữ nói không tới, thức tình suy nghĩ không đến. Chỗ sâu kín đó chỉ có tham Thiền chân thật mới thấu tột, chứ không thể học hiểu, nói suông mà được.

“Tỏ ngộ nguồn chân”, tức là ngược dòng sanh diệt hư dối để sáng tỏ trở lại chỗ không sanh diệt, mới là nguồn chân thật của mình. Tham thiền là phải tham thấu đến chỗ đó, chỗ này không thuộc trên nói bàn mà được nên gọi là huyền diệu.

“Cần phải rộng hỏi bậc thông hiểu trước, gần gũi bạn lành”, tức là những người có kinh nghiệm đi trước. Chữ Hán là “tiên tri”, nếu dựa theo nghĩa thông thường thì lại lầm theo chữ nghĩa. Thường người đời gọi những bậc tiên tri là thầy bói hoặc là những nhà sấm giảng biết trước mọi việc nên gọi là tiên tri. Chữ “tiên tri” ở đây là chỉ cho những bậc đi trước, thông hiểu trước, có kinh nghiệm mới biết để hướng dẫn chúng ta. Đây gọi là con đường thẳng tắt vào đạo mà không mắc kẹt phương tiện. Do đó không phải dễ dàng, không phải hời hợt mà được.

Bởi vậy, để đạt được chỗ diệu đó, thì phải hết sức chín chắn dụng tâm chứ không phải chỉ nghĩ bàn suông mà được, phải một phen chết thức tình này đi. Trong nhà thiền gọi “tuyệt hậu tái tô” tức là chết đi rồi sống lại.

Chết tức là chết cái thức tình này, rồi sống dậy cái vi diệu kia đó mới là thấu được. Do đó trong nhà thiền các Ngài dùng những phương tiện nói nghe chát tai hoặc là nói ngược đời để người nghe hết chỗ cho thức tình suy nghĩ.

Thí dụ hỏi:

- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?

Đáp:

- Cây bách trước sân.

Thì mình hiểu sao? Thức tình mà suy nghĩ sao cho tới? Ý Tổ sư mà là cây bách hay sao?

Hoặc có chỗ hỏi:

- Thế nào là đạo?

Đáp:

- Cục đất.

Hỏi:

- Thế nào là pháp?

Đáp:

- Đất lăn.

Vậy thì làm sao suy nghĩ? Nhưng chính chỗ không thể suy nghĩ, là chỗ thức tình không đến được, thì mới sống dậy được cái vi diệu kia.

Cho nên trong Tín Tâm Minh, Tam Tổ bảo: “Chẳng phải chỗ suy, Thức tình khó lường. Chân như pháp giới, Không người không ta. Cần gấp khế hợp, Chỉ nói không hai”. Đó mới là chỗ sống trở lại.

Có vị tăng hỏi Ngài Pháp Nhãn:

- Mười phương Hiền thánh đều vào tông này, thế nào là tông này?

Sư đáp:

 - Mười phương Hiền thánh đều vào.

Vậy thôi! Chớ không phải như giảng sư. Giảng sư thì hỏi mười phương Hiền thánh đều vào tông này, vậy thế nào là tông này thì mình đáp tông này tức là Thiền tông, tức là tông chỉ thẳng v.v…

Nói như vậy thì dễ hiểu. Nhưng đúng với tông này chưa? Như vậy thì làm sao thấy được tông này?

 Có thể dụng tâm hời hợt mà vào được không? Phải là chỗ tự mình trực tiếp vào, gọi là phải tham cho thấu tột nguồn chân, để trở về cái trước khi động niệm, trước khi có sanh thì tâm tự khế hợp, gọi là vượt ngoài ngôn ngữ chỉ bày. Nhà Thiền gọi đó là khai phát trí vô sư, là trí không thầy. Trí này không phải là thầy dạy mà tự mình phát ra nơi chính mình.

Cho nên, khi Ngài Huệ Tịch hỏi Tổ Quy Sơn:

- Thế nào là chỗ ở của chân Phật?

Tổ Quy Sơn đáp:

- Dùng cái diệu tư mà không tư; xoay cái tư tinh anh, sáng suốt cho đến không cùng, Tánh tướng thường trụ, sự lý không hai, chân Phật như như.

Diệu tư là nghĩ xét nhiệm mầu, dùng cái diệu tư mà không tư tức là cái nghĩ xét nhiệm mầu nhưng không có nghĩ. Nghĩ mà không có nghĩ đó mới là diệu.

Rồi xoay cái nghĩ tinh anh, sáng suốt, không lẫn lộn cho đến không cùng, khi tư hết thì trở về nguồn. Ngay câu đó thì Ngài Huệ Tịch liền đốn ngộ. Chỗ ở của chân Phật là vậy.

Xoay cái nghĩ xét đó mà nghĩ đến chỗ không nghĩ, chứ không phải nghĩ để mà nghĩ. Xoay đến cái chỗ sáng suốt tinh anh không cùng tức là hết chỗ để nghĩ. Khi cái nghĩ hết thì liền trở về nguồn. Tức là thức tình chết, không còn chỗ để nghĩ đến, phân biệt được. Đó mới là chỗ tánh tướng thường trụ, sự lý không hai là chỗ ở của chân Phật.

Mới thấy dụng tâm là phải dụng đến không chỗ dụng thì mới mong có được tin tức, chứ không phải dễ dàng, không phải thong thả qua ngày mà được. Ở trước, Tổ Quy Sơn nhắc là phải rửa lòng nuôi đức, rồi chôn vùi thân danh, quên mất cái ngã này đi, chớ không phải nói suông mà được.

 

“Trong đó chóng tỏ ngộ chánh nhân, chính là thềm bậc ra khỏi trần. Phá ba cõi, hai mươi lăm hữu”.

Phá ba cõi, hai mươi lăm hữu là quan trọng, nhưng trước cần chóng tỏ ngộ được chánh nhân thì đó là thềm bậc để ra khỏi trần lao sanh tử. Cho nên tu Thiền tông thì căn bản cần phải tỏ ngộ chánh nhân này. Đó là điểm quan trọng, chúng ta cần phải nắm được yếu chỉ này.

Cái gì là chánh nhân? Là chân tâm thường trụ không sanh diệt. Người tu Thiền tông, thứ nhất là phải tin chắc nơi mình có chân tâm thường trụ, tức là lẽ thật xưa nay không sanh diệt. Rồi phải chóng tỏ ngộ được cái chánh nhân này thì đó gọi là thềm bậc để ra khỏi trần. Đây gọi là căn bản sanh tử luân hồi mà cũng là căn bản của Bồ-đề, Niết-bàn.

Khi một niệm bất giác chợt khởi, mê nó liền đi vào sanh tử luân hồi; còn ngộ trở lại là vượt lên Bồ-đề, Niết-bàn. Bởi vậy tu thiền là phải đủ lòng tin và nắm vững căn bản trọng yếu này. Ngài Hoàng Bá từng bảo: “Tâm này là cội nguồn thanh tịnh, Phật và người đều có. Các loài bò bay, máy cựa, cùng chư Phật, Bồ-tát một thể không khác. Chỉ vì vọng tưởng phân biệt tạo tác các thứ nghiệp mà thành có khác”.

Nghĩa là tâm này là gốc của chư Phật và chúng sanh. Tu là tu cái tâm này và ngộ cũng là ngộ cái tâm này, rồi giác cũng là giác cái tâm này, mê thì cũng mê cái tâm này chứ không gì khác. Nó trọng yếu như vậy nhưng mọi người lại tự bỏ qua, đó là chỗ đáng tiếc! Cho nên chư Tổ dùng mọi phương tiện để đánh thức chúng ta nhớ trở lại cái đó thôi.

Nếu tin chắc mỗi người đều đủ chánh nhân này, là căn bản để ra khỏi sanh tử luân hồi; cho đến thành Phật, làm Tổ cũng không ra ngoài tâm này. Thành Phật là cũng thành ngay tâm này, mà làm Tổ cũng làm ngay tâm này. Còn cầu có cái gì đó để mình thành Phật, có cái gì đó để mình làm Tổ, là xa.

Chính chỗ này khi nghe chúng ta cũng phải thấy được ý của Tổ. Ngài nói “chóng tỏ ngộ” bởi vì nó là cái sẵn có nơi mình chứ không phải từ đâu lại. Ngộ là chợt đó liền hiện không có thời gian. Gọi là chóng mà! Ở trong nhà thiền thường gọi là chợt hoặc là hoát nhiên tỏ ngộ. Nếu còn có một niệm để chờ ngộ là không thể ngộ.

Như khi Thiền sư Sùng Tín trao cây đèn, Đức Sơn đưa tay nhận, Sùng Tín liền thổi tắt thì Đức Sơn tức khắc đại ngộ. Hết sức là nhanh chóng, không có chỗ suy nghĩ kịp.

Rồi “ngộ được chánh nhân này là thềm bậc để ra khỏi trần, là phá ba cõi, hai mươi lăm hữu”, tức giải thoát sanh tử luân hồi. Đó là con đường giải thoát.

Tổ Quy Sơn chỉ dạy rất là căn bản.

Chữ “hữu” là còn có cõi để mình sanh đến, tức địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-la, bốn chỗ đó gọi là chỗ ác. Rồi bốn châu là Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Bắc Câu Lô Châu, Nam Thiệm Bộ Châu, là tám. Cộng với sáu cõi trời Dục giới tức là Tứ Thiên Vương, Đao-lợi hay Tam thập tam thiên, trời Diệm-ma, trời Đâu-suất, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại, là mười bốn. Đến trời Sắc giới: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền; đây lại xen Sơ thiền là 15, 16 là Đại Phạm thiên, rồi 17 mới là Nhị thiền, 18 là Tam thiền, 19 là Tứ thiền; rồi kế 20 là xen vào cõi Vô tưởng, 21 là cõi Tịnh cư A-na-hàm.

 Đó là xen vào thêm mấy cõi Đại Phạm thiên, cõi trời Vô tưởng, cõi trời Tịnh cư (Tịnh cư tức là cõi mà những bậc A-na-hàm sanh lên đó, rồi ở đó vào Niết-bàn luôn).

Rồi bốn cõi trời Vô sắc giới tức là Không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ và Phi phi tưởng xứ. Đó gọi là 25 hữu. Như vậy là trong vòng luân hồi này không ra ngoài 25 hữu này, gọi chung đó là tam giới.

Như vậy, người tu hành giải thoát là phải phá ba cõi, ra khỏi 25 hữu, nếu còn lẩn quẩn trong đó thì còn nằm trong luân hồi. Cho dù có sanh lên tới cõi trời Vô sắc giới hoặc là cõi trời Vô tưởng nhưng cũng còn nằm trong luân hồi chứ chưa ra khỏi, chưa giải thoát.

Như những vị ngoại đạo ở Ấn Độ tu tiên họ thiền định rất cao, chứng tới Tứ thiền hoặc là chứng tới Vô sắc định, Phi phi tưởng định nhưng rồi cũng chưa ra khỏi sanh tử, vì còn cái ngã. Cái ngã nguy hiểm như vậy, hễ còn có chút ngã là còn trong sanh tử.

Tổ Quy Sơn dạy chúng ta phải chóng tỏ ngộ chánh nhân này, là thềm bậc để ra khỏi sanh tử luân hồi. Bởi chân tâm thường trụ này vốn chưa từng sanh diệt thì đâu có luân hồi; mà nó lại là thể bình đẳng của chư Phật và chúng sanh. Cho nên, chư Phật và chúng sanh cũng đồng cái thể không hai đó; cái đó tuy ở trong sanh tử nhưng nó đâu có chịu sanh tử. Vì thế chúng ta lấy đó, ngộ đó làm chánh nhân thì mới thành tựu được chánh quả.

Tức là lấy cái nhân không sanh diệt thì cái quả mới không sanh diệt. Còn nếu tu mà lấy cái nhân sanh diệt thì được cái quả sanh diệt. Người tu mà cứ lấy thân này khổ hạnh, ép xác thì rồi cũng là cái nhân sanh diệt. Hoặc là lấy tâm vọng tưởng suy nghĩ, phân biệt làm nhân thì đó cũng là nhân sanh diệt sẽ được cái quả sanh diệt. Còn đây là cái nhân không sanh diệt thì mới đến cái quả không sanh diệt.

Nắm vững và thấy rõ nhân quả tương ứng như vậy thì tu đâu có sợ lạc. Đây gọi là thể bình đẳng của chư Phật và chúng sanh. Bởi vậy tuy nói là ra sanh tử hoặc là vào luân hồi, đó cũng là phương tiện đối với người mê mà nói, vì do vô minh điên đảo mà vọng có ra, có vào vậy thôi. Chứ còn trên lý thật là xưa nay nó không sanh diệt thì có gì ra vào? Lý đốn giáo của Thiền tông là như vậy.

Có vị tăng hỏi Thiền sư Thạch Củng:

- Thế nào là ra khỏi sanh tử?

Sư liền đáp:

- Dùng khỏi làm gì?

Tăng hỏi:

- Làm sao mà khỏi được?

Sư đáp:

- Cái ấy chẳng sanh tử.

Chẳng sanh tử thì ra cái gì? Cho nên ngộ được chánh nhân đó thì mới thấy được chỗ giải thoát chân thật. Đây nói rõ chóng tỏ ngộ chánh nhân thì chính là thềm bậc ra khỏi trần lao phá được ba cõi, hai mươi lăm hữu.

 

“Các pháp trong ngoài đều biết không thật, từ tâm mà biến khởi, thể là giả danh, chẳng nên đem tâm ghé vào”.

Những đoạn này chúng ta phải nghe kỹ, rồi suy gẫm thì thấy được chỗ tu. Đây rất là quan trọng trên đường tu của chúng ta.

Tổ Quy Sơn chỉ chỗ căn bản tham thiền của Thiền tông. Tức là các pháp trong ngoài đều là không thật, từ tâm mà biến khởi, thể là giả danh chẳng nên đem tâm ghé vào. Tức là ngộ được cái tâm này rồi thì liền rõ các pháp trong ngoài đều không thật, mà không có pháp thật thì có gì là ra vào. Chúng ta vì thấy có pháp thật nên mới thấy có trong có ngoài, có ra có vào. Đây rõ trong tâm ngoài cảnh nói chung đều không có một pháp thật. Không có pháp thật tức là có mà không thật có, chớ không phải là không có gì hết.

Hiểu kỹ rồi, biết nó có mà như không là không có thực thể thì có cái gì gọi là để sanh, để chứng? Thấu rõ được chỗ này mới thấy lẽ thật mà các Ngài chỉ dạy.

Bởi ngoài tâm thì cái gì biết pháp? Xét kỹ xem! Pháp có biết được pháp không? Pháp thì cũng phải từ tâm mà biết, không thể rời ngoài tâm mà riêng có pháp được. Ai có thể chỉ được một pháp nào mà ngoài tâm riêng có? Nếu chỉ ra là có tâm rồi. Dù cho chỉ pháp gì cao siêu cách mấy đi nữa, đã chỉ tức là có tâm, có tâm chỉ thì tức là đâu rời ngoài tâm được. Rời ngoài tâm lấy gì chỉ?

Cho nên không pháp nào rời tâm mà riêng có được hết. Chúng ta phải thấy thấu được chỗ đó. Mà đã ngoài tâm không riêng có thì tại sao vì nó để sanh tâm? Thấu rõ rồi thì mỗi pháp, mỗi pháp đều từ tâm sanh, nếu không tâm thì pháp sẽ trụ vào chỗ nào? Pháp từ tâm mới có, mà không tâm thì nó trụ vào đâu? Ngay đó giải thoát thôi!

Thí dụ như cái bàn, cái ghế nếu mà không có tâm thì cái gì đặt thành cái bàn, cái ghế? Nên ở đây mới nói các pháp trong ngoài đều là không thật, chỉ từ tâm biến khởi, đều là giả danh. Cho đến ông trời, rồi ông thần này thần kia, cũng phải từ tâm mà biến khởi, từ tâm mà đặt ra, ngoài tâm thì không thể riêng có được; và đặt là nam, là nữ, là tốt, là xấu v.v… thì cũng không thể ngoài tâm mà có được.

Quán thấu được chỗ này thì tâm bám ở chỗ nào để sanh? Không có pháp nào thật hết, thì tâm lấy gì để mà bám để mà sanh?

Chính chỗ đó là chỗ chúng ta trở về, nhưng vì người tu thường nghe việc này bằng danh từ nên nghe qua mà không có đi sâu vào, vì vậy không thấy được chỗ tu của mình. Chứ nếu mà nghe kỹ, quán thấu chỗ này là đủ giải thoát.

Bởi vì các pháp đều từ tâm biến khởi, đều là giả danh không có pháp gì thực hết, thì có chỗ nào để sanh tâm? Bởi chúng ta thấy là thật cho nên mới có sanh tâm là chỗ đó. Nghĩa là tất cả mọi pháp đều là nhân duyên sanh mà nhân duyên sanh là không có thực thể, không có một pháp nào tự nó có thể tồn tại, cho đến chư Phật, chúng sanh cũng nương nơi tâm mà lập. Ngoài tâm cũng không thể có, tất cả thuộc về giả danh.

Còn cái thể bình đẳng kia vốn đâu có hai, đâu có sai biệt. Sở dĩ đặt tên là chư Phật, đặt tên là chúng sanh thì đó cũng là cái tên, nếu thấy được cái thể không hai đó thì tỏ được chánh nhân này. Đó chính là chỗ thềm bậc để ra khỏi sanh tử, giải thoát. Mới rõ các pháp không pháp nào là thật hết, chỉ ngộ được tâm này là chính yếu.

Cho nên, bài kệ Đức Phật truyền pháp:

Pháp gốc pháp là vô pháp,

Pháp vô pháp cũng là pháp,

Nay khi trao vô pháp này,

Pháp pháp đâu từng là pháp?

Âm:

Pháp bổn pháp vô pháp,

Vô pháp pháp diệc pháp,

Kim phó vô pháp thời,

Pháp pháp hà tằng pháp?

“Pháp gốc của pháp là vô pháp”. Như vậy cái pháp gốc của các pháp, là không pháp, còn có pháp thì là pháp ngọn. Không pháp thì tức là chính cái tâm ấy chớ không có pháp gì khác. Chính cái pháp gọi là không pháp đó thì cũng là pháp. Bởi vì còn nói ra là còn có tên, mà còn có tên tức là còn ở trong đối đãi, chớ có chấp vào đó.

Thí dụ nói nó là không pháp thì người ta liền theo thói quen nghĩ là cũng có cái không pháp, rồi nghĩ cái gì là không pháp? Thì chính cái đó làm chướng ngại tâm mình tức là theo cái tên đó mà khởi tưởng. Bởi vậy các Thiền sư thường không chịu nói ra là chỗ đó, vì nói ra rồi chúng ta cứ theo đó tưởng tượng nên các Ngài hoặc tạm gọi “cái ấy” thôi.

Bởi con người quen sống theo tình thức, nghe nói liền theo tên mà khởi tưởng. Chính cái chỗ đó làm cho chướng ngại. Cho nên các Ngài phải đập cho chết cái tình thức đó là như vậy. Hết tình thức thì không có gì để tưởng nữa, ngay đó liền sáng tỏ.

“Nay khi trao vô pháp này”, tức là nếu mà người tỏ ngộ, thầm khế hội được cái không pháp này thì liền rõ là mỗi pháp hiện có đây đều là không thật, ngoài cái bổn pháp kia, không có pháp nào thật hết.

Cho nên nói là “pháp pháp đâu từng là pháp”. Rõ được chỗ này, liền rõ cái pháp không pháp kia chỉ là tâm này thôi chớ không có một pháp gì khác. Và khi rõ mọi pháp đều không pháp nào thật hết thì còn có chỗ nào để tâm sanh? Không có chỗ nào để sanh tức là vô sanh, giải thoát. Ngược lại còn thấy có pháp thật thì tức là còn có chỗ để sanh. Còn có chỗ để sanh tức là còn đi trong luân hồi.

Ở đây căn bản là cần phải tỏ ngộ ngay cái bổn pháp kia, thì liền thấu suốt tất cả pháp, không mắc kẹt trong pháp nào hết.

Do không thấy có một pháp nào thật nên chóng tỏ ngộ được bổn pháp này, và cũng là tỏ ngộ được chánh nhân, không còn chấp vào một pháp nào bên ngoài cả. Nên nói ngoài cái tâm này thì không có một pháp nào thật.

Ở đây Tổ Quy Sơn nói, đã không pháp nào thật hết thì tại sao lại đem tâm ghé vào làm chi để cho thành chuyện. Chính chỗ này là chỗ chúng sanh điên đảo thành ra sanh tử, khổ đau. Bị vọng tưởng gạt thôi! Vì thế đức Phật dạy là tất cả chúng sanh đều sống trong vọng tưởng là vậy đó.

Hiểu được chỗ này rồi thì thấy được lý vô sanh rõ ràng. Nghĩa là thấy rõ mọi pháp, không có pháp nào thật thì không có chỗ nào để sanh tâm nên không đem tâm ghé vào. Nếu tâm không sanh trên pháp thì mỗi pháp mỗi pháp tự là như như, đâu có chuyện gì xảy ra, đâu thành sóng gió. Ngay đó là cõi nước thanh bình. Đơn giản.

 

“Nếu tình chẳng gá vào vật thì vật há có ngại với người!”.

Tâm mà chẳng sanh ở trên vật thì nó tự giải thoát, đâu có gì trói buộc; thì mỗi vật tuy có cũng như không, đâu có ngại gì với người. Chừng ấy thôi thì chúng ta đủ tu suốt đời.

Thí dụ thấy cái bàn là cái bàn, cái ghế là cái ghế thôi không sanh tâm trên đó thì cái bàn, cái ghế có ngại gì đâu? Chính vì mình sanh tâm trên đó thì nó mới có ngại, mới sanh chuyện. Người có kinh nghiệm tu hành rồi mới thấy rõ việc này.

Ngài Ajahn Chah_Thiền sư Thái Lan, có kể lại kinh nghiệm của Sư lúc ở trong rừng. Sư kể hôm đó, khoảng 11 giờ đêm có lễ hội ở dưới xóm làng ca hát rộn rịp vang xa tới trong rừng. Nhưng hôm đó, Sư cảm thấy tâm mình không phải như ngày thường, bao nhiêu tiếng đó cứ vang vang, nhưng không dính dáng gì với mình (giống như tiếng là tiếng, mình là mình vậy thôi. Mặc dù bao nhiêu tiếng vang như vậy nhưng Sư không nghe gì hết).

Một lúc sau, tâm Ngài đi sâu vào trong định thì trạng thái đó thật là đặc biệt. Giả sử như muốn nghe thì cũng nghe được tiếng đó nhưng nó không làm tâm xao động, còn nếu không có ý muốn nghe thì không nghe gì hết, giống như vắng bặt hay tiếng nó đi đâu mất. Đó là kinh nghiệm của những người thực tu, thực chứng đã kể lại.

Chứng minh lời Phật, lời Tổ nói đâu đó rõ ràng, chân thật chứ không phải nói trên chữ nghĩa, nếu chúng ta tu đến nơi thì sẽ cảm nhận rõ ràng. Đây cũng vậy, tình mà không gá vào vật thì vật há có ngại gì người. Đó là lẽ thật.

Hiểu rồi mới thấy đó là vì người ngại vật, chớ không phải là vật ngại người. Hãy nhớ kỹ điều đó! Nghĩa là người sanh tâm ở vật rồi tự mình trói vào vật cho nên thành ngại, chớ không phải vật nó làm ngại người. Nếu không sanh tâm trên vật thì người vật tự giải thoát từ thuở nào rồi, chớ không phải mới đây.

Trong nhà Thiền, người thấy rõ rồi thì nói không có được gì hết, vì nó tự giải thoát từ thuở nào rồi, chứ không thấy là mình mới được. Vì vậy mà không sanh tâm nữa, đó mới gọi là chỗ diệu của tông này. Do đó đối với chỗ này chúng ta phải chín chắn dụng tâm sâu xa, chứ không nói bàn mà được.

Có vị tăng hỏi Thiền sư Phổ Tế:

- Khi đối cảnh tâm chẳng động thì thế nào?

Thiền sư Phổ Tế đáp:

- Ông không có sức đại nhân.

Tăng hỏi:

- Thế nào là sức đại nhân?

Đối cảnh mà tâm chẳng động là quá hay rồi tại sao Ngài còn nói là không phải sức đại nhân? Cho nên ông tăng mới hỏi lại thế nào là sức đại nhân?

Thiền sư Phổ Tế đáp:

- Đối cảnh tâm chẳng động.

Tăng thắc mắc:

- Vừa rồi tại sao thầy nói rằng không có sức đại nhân?

Thiền sư Phổ Tế mới bảo:

- Ở nhà nói là dễ dàng, đến sông mới biết bắt cá khó.

Tức là ở nhà nói chuyện bắt cá nghe dễ dàng nhưng khi đến sông mới biết là khó bắt. Đây cũng vậy, nói thì dễ nhưng cần phải thực hành mới biết. Chỗ này là chỗ sống, chứ không phải là chỗ nói bàn. Do đó mà khéo quán kỹ, quán sâu chỗ này để thấy được chỗ tu của mình.

Vậy thì nếu khi rõ được rồi thì thấy cái bàn, cái ghế, đóa hoa nó có biết gì đâu mà trói mình? Chỉ vì mình sanh tâm với nó thành nó trói. Còn nếu thấy chỉ là thấy hoặc là nghe chỉ là nghe không sanh tâm phân biệt, thì đóa hoa vẫn là đóa hoa, cái bàn là cái bàn, không có sanh chuyện gì hết. Nếu được như vậy thì có khi thấy hoa đào liền sáng tâm ngộ đạo vì không còn chướng ngại.

Có lần Ngài Thiệu Long vào thất Ngài Viên Ngộ, Ngài Viên Ngộ dẫn một đoạn trong kinh Lăng Nghiêm: “Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến, kiến du ly kiến, kiến bất năng cập”. Tức là khi thấy cái thấy thì cái hay thấy chẳng phải là cái thấy đó; cái hay thấy còn lìa cái thấy, cái thấy chẳng theo kịp.

Xong, Ngài liền đưa nắm tay lên nói:

- Thấy chăng?

Ngài Thiệu Long thưa:

- Thấy.

Ngài Viên Ngộ bảo:

- Trên đầu lại thêm đầu.

Ngay đó Ngài Thiệu Long liền bỗng nhiên khế ngộ, Ngài Viên Ngộ mới quở:

 - Thấy cái gì?

Ngài Thiệu Long thưa:

- Tre dày chẳng ngại nước chảy qua.

Đó là thấy thấu suốt qua cái nắm tay không ngăn ngại. Giống như tre mà đan dày cách mấy nước cũng chảy thấu qua. Thấy thì thấy nắm tay nhưng mà không có dừng ở nắm tay, thấy thấu qua nắm tay luôn, nắm tay không thể làm ngại.

Còn đưa nắm tay lên hỏi: “Thấy không?”

- Thấy.

Thường mọi người cũng thấy như vậy. Mà thấy như vậy gọi là trên đầu lại thêm đầu, tức là trên cái thấy lại sanh thêm cái thấy nữa. Nếu vậy trước khi đưa nắm tay lên là không thấy sao? Tức là trên cái thấy để thêm cái thấy nữa, không khéo là lại kẹt trên vật nên bị chướng, bị ngại.

Còn ở đây thấy trước khi nắm tay đưa lên nữa. Thường chúng ta chỉ thấy khi nắm tay đưa lên, còn người ngộ là thấy trước khi nắm tay đưa lên, phải thấy đến chỗ đó. Đợi nắm tay đưa lên mới thấy thì đúng là trên đầu thêm đầu rồi. Còn trước khi đưa nắm tay lên vẫn thấy thì khi đưa nắm tay lên không thành vấn đề. Thấy thấu qua nắm tay luôn thì cái thấy của người tỏ ngộ là thấy như vậy. Tuy nhiên đây cũng chỉ là gợi ý đừng chấp theo lời.

Tóm lại người thường khi thấy nắm tay thì liền bị nắm tay làm ngại nên gọi là mê. Chứ sự thật thì nắm tay nó đâu có ngại gì mà chỉ vì người sanh tâm ở trên nắm tay đó cho nên thành ngại. Hiểu rõ rồi mới thấy đến chỗ, nếu tình chẳng gá vào vật thì vật há có ngại với người.

 

“Mặc cho pháp tánh chảy khắp, chớ đoạn chớ tiếp. Nghe tiếng, thấy sắc vốn là tầm thường, bên này bên kia ứng dụng chẳng thiếu”.

 Những chỗ này gọi là yếu chỉ tu hành, nếu nghe kỹ quán kỹ thì đủ vốn sống cho mình. Nghĩa là mặc cho pháp tánh chảy khắp, tự nhiên hiển bày khắp nơi, không có xen cái ta vào trong đó để thành chướng.

“Chớ có đoạn, chớ có tiếp”, là chớ có sanh tâm đoạn hoặc tâm tiếp nối theo nó. Tức là thấy cảnh liền bị chướng ngại thì sanh tâm đoạn dứt nó. Nếu không sanh tâm đoạn dứt nó thì sanh tâm tiếp nối theo, tức duyên theo nó. Thì cũng đều nằm trong hai trường hợp bị Tổ quở. Còn đây Tổ dạy là không sanh tâm đoạn nó mà cũng không sanh tâm tiếp nối theo nó; tức là trả các pháp về tự nhiên, nó là như vậy thôi. Sanh tâm hoặc đoạn hoặc là tiếp nối theo nó là xen vào nó rồi, thành ra có chuyện. Ở đây là trả nó về như nó là nó thôi. Đó gọi là trả về cho các pháp tự nhiên như vậy thì tâm thông suốt đi qua tất cả, không gì ngăn ngại.

Rồi “Nghe tiếng, thấy sắc vốn là tầm thường”, không vấn đề gì hết. Nếu không xen vào nó thì nó đâu có thành vấn đề gì. Vì chúng ta xen vào nó, chính chỗ đó mới thành vấn đề. Đây sống trở về thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, rồi thanh sắc chỉ là thanh sắc, không sanh thêm cái gì hết thì không có sóng gió, cõi nước tự yên bình, an ổn.

“Bên này bên kia ứng dụng chẳng thiếu”, tức là vượt qua cả hai bên, lúc nào cũng thường biết rõ ràng không vắng mặt lúc nào hết. Không phải bên này có rồi bên kia mất, hoặc là bên kia có bên này mất, kẹt bên này hoặc bên kia. Đây vượt lên trên căn và trần. Do mắc kẹt trong căn và trần nên có khi mắc kẹt bên này, khi mắc kẹt bên kia; có bên này thì thiếu bên kia, có bên kia thì thiếu bên này. Còn ở đây là vượt lên trên cả căn trần, là một cái biết suốt cả xưa nay, đó mới là chỗ thật vi diệu. Cho nên, người sáng được chỗ đó là sáng được tâm, là thấy được chỗ trở về.

Ngài Hoàng Bá thường nhắc: “Người phàm thì phần nhiều bị cảnh ngại tâm, sự ngại lý nên thường muốn trốn cảnh để an tâm, đuổi sự để còn lý. Không biết chính là tâm ngại cảnh, lý ngại sự, chỉ khiến cho tâm không thì cảnh nó tự không, cũng như chỉ khiến cho lý lặng thì sự tự lặng, chớ có dụng tâm lộn ngược như vậy”.

Đó là chỗ mà các Ngài chỉ rõ ràng. Vì cứ sợ cảnh làm ngại tâm, sự ngại lý cho nên muốn trốn cảnh để an tâm. Nhưng đây Ngài nói rõ là không phải vậy, chính là tâm ngại cảnh. Tâm mà không sanh ở trên cảnh thì cảnh nó tự an thôi; chớ đâu phải cảnh làm cho mình bất an. Thấy được chỗ đó mới thấy được rõ ràng chân lý giải thoát vốn rất đơn giản, nhưng vì không hiểu tự che ngại mình rồi suy nghĩ xa xôi thế này thế kia càng tự trái, tự mê thêm.

Thiền sư Thanh Tủng thượng đường dạy chúng: “Mười phương chư Phật thường ở trước các ngươi, các ngươi lại thấy chăng? Nếu nói thấy là đem tâm thấy hay là đem mắt thấy? Do đó nói là: “Tất cả pháp chẳng sanh, tất cả pháp chẳng diệt. Nếu hay hiểu như thế, chư Phật thường hiện tiền.”

Ngài dẫn kinh Hoa Nghiêm nói tất cả pháp chẳng sanh, tất cả pháp chẳng diệt. Nếu người hay hiểu như thế thì thấy chư Phật thường hiện tiền, Phật chưa từng nhập Niết-bàn. Còn nếu trên cảnh sanh tâm thì ngay đó là Phật Niết-bàn không thấy được Phật.

 Rõ được chỗ này thì sáng được ý Tổ Quy Sơn nói trong đây. Tức là mười phương chư Phật thường ở trước các ông chứ không đâu hết mà tại sao các ông không thấy? Lại lo thấy cái gì?

Người thường nghe câu này giống như đàn khảy tai trâu, không dính dáng gì hết. Các pháp sanh diệt rõ ràng đây mà nói tất cả pháp chẳng sanh, tất cả pháp chẳng diệt. Rõ ràng thấy pháp nào cũng có sanh có diệt hết mà nói rằng các pháp là không sanh không diệt là sao?

Nhờ có tu, chúng ta nghe rồi quán kỹ mới thấy lẽ thật của nó đúng là thâm sâu. Như Tổ Quy Sơn dạy là các pháp trong ngoài đều là không thật thì có gì là sanh? Mà không sanh thì có chỗ nào diệt? Nếu chẳng đem tâm ghé vào thì pháp pháp tự nó lặng lẽ, tự nó như như thì đâu từng có sanh có diệt.

Thí dụ như đóa hoa này có sanh yêu ghét gì đâu? Nếu như thấy chỉ là thấy thôi, không sanh tâm ghé vào trên nó thì nó tự là nó, nó tự như như. Ngay đó là tâm sáng ngời, đâu có từng mê thì Phật hiện tiền. Chỗ đó là chỗ thấy của chư Phật, còn chính ngay đó mà sanh tâm thì không thấy Phật đâu hết. Chừng đó là đủ cho chúng ta thấy rõ chỗ tiến tu của mình.

 

“Sống được như trên đây thật chẳng uổng mang pháp phục, cũng chính là đền đáp được bốn ân, cứu vớt trong ba cõi”.

Tức là tỏ ngộ chánh nhân này, rồi thấu suốt được pháp tánh vượt lên tình phân biệt trệ ngại nơi vật, là trong tâm có đạo, như vậy mới xứng đáng mang pháp phục. Pháp phục là mặc áo phước điền, làm ruộng phước của trời người, sống được như vậy thì mới có chỗ để mình đền đáp bốn ân, cứu vớt ba cõi. Nếu không thì lấy gì cứu vớt?

Được vậy thì mới gọi là không lạm dự vào hàng Tăng bảo, tức là có phần tự độ, độ tha, tu hành vậy mới thấy lòng nhẹ nhàng. Đây là lời ân cần khích lệ của Tổ Quy Sơn cho những người xuất gia thật sự đạt được lợi ích của bậc xuất gia.

 

“Đời đời nếu chẳng lui sụt thì quyết chắc có ngày lên thềm Phật, làm khách qua lại trong ba cõi, ra vào làm khuôn phép cho người”.

Khi sống được với chánh nhân Phật đạo, và nếu đời đời chẳng lui sụt, không thối chuyển, thì quả Bồ-đề quyết có ngày chín, quyết chắc có ngày lên thềm Phật. Tức là cái chánh nhân đã có thì cái quả sẽ chín thôi. Bởi vì thành Phật là thành trong tâm chứ đâu phải thành chỗ nào khác. Mà thành tựu tâm này rồi, sống được trong tâm này rồi là có chánh nhân, có chánh nhân thì nắm chắc được cái quả. Sống được trọn vẹn, đầy đủ công đức trong đó thì quả Phật sẽ đến.

Chính chỗ này mà các Tổ Thiền tông luôn nhấn mạnh hay nêu cao tông chỉ Minh Tâm Kiến Tánh. Tức là phải sáng được tâm, thấy được tánh, chớ không phải là chỉ tu phước thôi, làm sao phải sáng được lẽ thật này. Cho nên Lục Tổ khi sắp tịch nói trong bài kệ dặn dò:

Pháp thân, Báo thân và Hóa thân,

Ba thân xưa nay là một thân.

Nếu nhằm trong tánh hay tự thấy,

Chính là nhân Bồ-đề thành Phật.

Lục Tổ chỉ rõ ba thân: “Pháp thân, Báo thân, Hóa thân”; tuy nói ba thân nhưng mà xưa nay cũng chỉ là một thể. Nếu thấy được tự tánh mình thì chính trong đó đầy đủ nhân Bồ-đề thành Phật rồi.

Mới thấy chư Tổ xưa nay lời nói đều hợp nhau. Ngày nay chúng ta cũng vậy, tu hành đúng theo tinh thần nhà thiền thì cũng phải đến chỗ sáng được bản tâm, tỏ được bản tánh, chứ không phải dừng trên công phu bên ngoài.

Nghĩa là sáng tỏ được lẽ thật này rồi và sống được trong lẽ thật đó, không thối chuyển nữa thì mới là chỗ an tâm. Như đây Tổ Quy Sơn nói là làm khách qua lại trong ba cõi, làm khuôn phép cho người; cần đến thì đến, cần đi thì đi; tự tại không tham luyến đắm mắc, như người khách đi đến nhà trọ hay là khách sạn tạm mướn ở một đêm, hai đêm rồi đi. Chúng ta thì ngược lại, thấy là nhà của tôi thành ra khổ là chỗ đó.

Được vậy thì mới ra vào làm khuôn phép cho người noi theo ra khỏi sanh tử mê lầm, mới là cứu vớt trong ba cõi. Đó là phần lợi tha.

Như vậy mới đúng với ý nghĩa chí xuất trần ban đầu, mới xứng với duyên lành hy hữu mà mình đã có.

Tổ Quy Sơn răn và khuyên nhắc như vậy. Nếu được vậy thì càng tu chúng ta càng thấy nhẹ nhàng, càng thấy phấn khởi, càng bớt phiền não và thấy con đường giải thoát càng rõ. Cho nên người tu đúng thì thêm lợi ích phấn khởi, an lạc; còn tu không đúng thì thêm phiền não mất lợi. Đó là cũng do mình chớ không phải do ai. Nên phải hết sức cẩn thận, chớ để nhân lành mà thành quả dữ. Đúng ra nhân lành thì được quả lành chứ sao nhân lành mà thành quả dữ? Tức là nhân lành là được xuất gia, được vào đạo; nhưng quả dữ là bị thoái đạo. Đó đúng là một điều đáng buồn mà cũng đáng tiếc!

Ở đây Tổ Quy Sơn răn nhắc rồi cũng vừa khuyến khích để chúng ta thấy được bổn phận trách nhiệm, những việc làm để mình sống sao cho đúng ý nghĩa. Nên có lúc Ngài nói rất mạnh giống như là răn, có lúc thì cũng an ủi, lúc chỉ ra những lẽ thật, yếu chỉ tu hành.

Nếu học kỹ rồi tự nghiền ngẫm, ứng dụng sống và tu thì mới thấy được giá trị của những lời mà chư Tổ đã ân cần chỉ dạy chúng ta. Nhiều khi nghe thì nghe nhưng chỉ nghe chữ nghĩa nên nghe quen thành chán. Đó gọi là học chữ nghĩa.

Còn người học thấu ý sâu của người xưa mà không dừng trên những chữ nghĩa thì mới cảm được những điều vi diệu. Đây là những đoạn Ngài chỉ yếu chỉ tu hành rất kỹ, chúng ta phải khéo học rồi nghiền ngẫm kỹ để thấy được chỗ tu hành của mình.

 

“Phép học này rất diệu, rất huyền, chỉ người đủ tâm tự nhận, hẳn chẳng lừa dối nhau”.

Pháp này tức là pháp Thiền tông mà Ngài đã chỉ dạy ở trên. Vì thuộc về tâm tông nên nó vượt ngoài ngôn ngữ văn tự, gọi là bất lập văn tự. Nên nói là nó rất diệu rất huyền, hết sức mầu nhiệm, khó nghĩ bàn; còn nếu nghĩ bàn được thì nó không còn là diệu, là huyền rồi.

Bởi vậy ở đây học là học đến chỗ tuyệt học. Như Chứng Đạo Ca nói “tuyệt học vô vi”, học đến chỗ đạt ý quên lời, chứ không phải học để thêm kiến giải, không phải trệ ngại nơi ngôn ngữ, nơi văn tự hay là phương tiện. Chư Tổ gọi đó là nhai gặm bã mía. Ngôn ngữ, văn tự không phải là chân lý, mà chân lý là nằm ở ngay nơi mình, nó còn vượt ngoài ngôn ngữ, nên học là phải học đến đạt được ý sâu trong đó. Đến chỗ rốt ráo phải là tâm tự thầm hợp chứ nói không thể đến. Cho nên Thiền tông gọi là tâm ấn tâm hay là tâm tâm tương khế, chỉ là tâm thầy và tâm trò thầm hợp với nhau.

Do đó ở đây nói người đủ tâm tự nhận thì chẳng lừa dối nhau, và liền tự biết nó không thể nghĩ bàn, vượt ngoài ngôn ngữ nên có đủ lòng tin vững chắc, không gì lay động. Đây là chân thật trăm phần trăm, chớ không có gì dối nhau.

Người đến đây thì được lòng tin chắc chắn, thấy được bằng chính trí tuệ của mình, từ nơi tự tâm thầm nhận nên sự nghi ngờ không còn.

Thí dụ như có hòn ngọc từ xưa truyền lại, người này đồn, người kia đồn thế này thế kia. Khi nghe chưa nắm được nên còn nghi ngờ, còn mơ hồ. Nhưng khi nắm được hòn ngọc đó trong tay rồi thì dù có ai nói là hòn ngọc đó người ta nói dối chớ không có thật; họ nói gì nói mình nghe rồi thì chỉ cười thôi vì chúng ta đã nắm hòn ngọc trong tay.

Ở đây cũng vậy, đủ tâm tự nhận và thấy rõ không nghi ngờ. Giống cũng như là Ngài Đại Mai khi nghe Mã Tổ nói: “tức tâm tức Phật”, liền tin nhận rồi về ở núi, đủ lòng tin. Từ đó về sau dù có nghe chính ông Thầy mình nói khác đi cũng không nghi ngờ, không lay chuyển. Bởi vì đã nắm sẵn trong tay rồi. Đó gọi là niềm tin chắc chắn. Còn nếu chưa nắm vững trong tay, có khi nghe nói khác thì mình nghi ngờ, hoặc nghe nói có cái gì hay hơn thì cũng muốn sanh tâm chạy theo. Đó là lòng tin chưa vững.

Cũng như Ngài Đức Sơn, khi sáng tỏ được lẽ thật này rồi, Ngài liền nói rằng: “Từ nay về sau, không còn nghi đầu lưỡi các lão Hòa thượng trong thiên hạ nữa”.

Cho nên quan trọng là có đủ tâm tự nhận hay không đủ tâm tự nhận. Tức là lẽ thật nó sờ sờ ngay nơi chính mình, ngay chỗ thấy nghe hiện tiện đây thôi chứ không đâu xa hết. Nhưng tại sao người ta không tự nhận? Ai ngăn cản không cho mình nhận?

Đức Phật trên hội Pháp Hoa đã nói hết tình mà! Ngài nói rõ ràng là đến đây Ngài xả bỏ phương tiện, mở bày lẽ thật, nói rõ bản hoài của chư Phật ra đời đều vì chỉ cho chúng sanh Ngộ Nhập Tri Kiến Phật này thôi, ngoài ra là không có gì khác.

Sau này Lục Tổ mới bảo với Ngài Pháp Đạt là, ông đâu biết rằng chính mình đang ngồi trên xe trâu trắng, mà lại đi tìm ba xe ngoài cửa. Tức là chạy theo phương tiện, đòi được cái này được cái kia, trong khi mình đang ngồi trên xe trâu trắng. Đó là những điều cần nghiệm kỹ để có đầy đủ niềm tin là các Ngài đều vì việc đánh thức mọi người tin nhận trở lại lẽ thật đó thôi.

Cũng như Quốc sư Huệ Trung ba lần gọi thị giả, thị giả đều “Dạ!”.

Xong rồi Ngài liền bảo:

- Tưởng đâu là ta cô phụ ngươi, nhưng không ngờ ngươi cô phụ ta.

Gọi, ông “dạ!”. Dạ hoài! Vậy ông thiếu cái gì mà ngay đó không nhận. Nhận ra thì đủ. Đó là lẽ thật mà các Ngài muốn đánh thức cho mọi người đủ lòng tin tự nhận, thật là chẳng có lừa dối nhau. Chỗ đó gọi là tông chỉ rất diệu rất huyền, sâu xa, vượt ngoài ngôn ngữ cho nên nói không hết.

Do đó bắt buộc các Ngài phải dùng phương tiện này phương tiện kia, những phương tiện khéo léo để gợi ý khơi dậy, đánh thức cho người tự nhận chớ nói không đến được. Thấy được, hiểu được điều đó rồi chúng ta sẽ có đầy đủ lòng tự tin về con đường Thiền tông hay Đốn giáo.

 

“Nếu có hạng trung lưu, chưa thể chóng vượt lên thì hãy để tâm nơi giáo pháp, ôn tầm kinh điển, tìm kỹ nghĩa lý, truyền bá rộng bày, tiếp dẫn người sau, đáp ân đức Phật”.

Ngài nói nếu chúng ta chưa được như vậy, tức là chưa thể ngay đó chóng vượt lên để tỏ ngộ thẳng vào lẽ thật thì phải nương theo giáo pháp mà nghiên tầm kinh điển, thấu rõ nghĩa lý đó rồi truyền bá, tiếp dẫn người sau, cũng là báo đáp được ân đức của Phật.

Bởi vì chưa sáng tỏ được tâm tánh thì chúng ta phải hiểu thông giáo lý để hướng dẫn cho người đến đúng với chánh pháp, từ đó tu hành không sai lạc. Đó cũng là một cách để báo ân Phật.

Đức Phật đã nhập Niết-bàn giờ chỉ còn kinh giáo để lại, nên chúng ta phải y theo kinh giáo để học hỏi tu hành và giáo hóa chúng sanh. Cho nên nói “Đền ơn chư Phật, Là ơn chẳng đền, Giáo hóa chúng sanh, Là đền ơn Phật”.

Ở đây Tổ Quy Sơn nhắc kỹ là phải ôn tầm kinh điển, tìm hiểu nghĩa lý. Tức là học kỹ chứ không phải học sơ sài, học qua loa rồi tự mãn. Xét lại, chúng ta đối với chỗ đó có được phần nào tương ưng?

 

“Cũng chẳng bỏ phí thì giờ, quyết phải lấy đây giữ gìn Phật pháp. Oai nghi cử động chính là pháp khí trong hàng Tăng”.

Đây Tổ Quy Sơn lại ân cần nhắc lần nữa là chẳng bỏ phí thì giờ, quyết phải lấy đây để gìn giữ Phật pháp. Nghĩa là phải biết quý tiếc thời gian quý báu hiện có để lo tinh tiến tu học cho kỹ, lấy đó làm vốn liếng giữ gìn Phật pháp lâu dài trên thế gian.

Có chư Tăng thực tu, thực học rồi đem chánh pháp đến với người thì Phật pháp nhờ vậy mà trụ thế lâu dài.

Trái lại, Phật pháp còn mà chư Tăng không lo tu học, thì Phật pháp soi sáng cho ai? Hiện tại Phật pháp vẫn còn thì chư Tăng phải theo đó thực học, thực tu, nhân đó mới đem chánh pháp soi sáng đến với mọi người, nhờ vậy Phật pháp trụ thế được lâu dài. Bởi pháp nhân nơi người mà hoằng, nhưng người không chịu hoằng thì pháp sẽ thế nào? Chúng ta phải thấy được ý nghĩa đó để biết được bổn phận của mình và sống sao cho thật có ý nghĩa, không để bỏ phí thời giờ qua suông.

Thiền sư Phật Quang có vị đệ tử tên là Đại Trí xin phép thầy đi tham học một thời gian khoảng 20 năm. Xong, mới trở về vào kể lại đủ chuyện thấy nghe trên đường đi tham học. Thiền sư Phật Quang lắng nghe xong cười nhẹ không nói gì.

Đệ tử Đại Trí mới thưa:

- Bạch thầy! Thầy thấy là qua 20 năm đi tham học, con có trở thành một người tốt không?

Thiền sư Phật Quang bảo:

- Ờ thì tốt, tốt lắm. Giảng dạy, thuyết pháp, trước tác, thuyết kinh ngày ngày rầm rộ trong pháp đường như thế thì thật là vui, ta cũng vui lây nữa đó.

Đại Trí thưa:

- Nhưng bạch thầy! Cũng phải có một chút thời gian nghỉ ngơi chứ.

Lúc ấy trời về khuya, nên Thiền sư Phật Quang bảo:

- Thôi thì ông hãy về nghỉ đi.

Đại Trí về nghỉ. Trời mới vừa gần sáng ông còn đang nửa tỉnh nửa mê đã nghe tiếng tụng kinh trong phòng của Thiền sư Phật Quang vang ra. Sáng ra lại thấy Thiền sư vui vẻ giảng pháp khai thị cho tín chúng các nơi kéo đến nghe. Ngài làm việc liên tục.

Đại Trí thưa:

- Bạch thầy! Hai mươi năm nay sinh hoạt của thầy vẫn bận rộn như thế sao? Thầy không hay là thầy đã già rồi hay sao?

Thiền sư Phật Quang bảo:

- Ta không thấy có thời gian để già.

Tức là ông đệ tử này thấy mình đi xa 20 năm rồi về sao thấy thầy cũng vẫn cứ bận rộn lăng xăng cho những Phật sự như vậy mà không nhớ là mình đã già. Thiền sư Phật Quang nói: “Ta không thấy có thời gian để già”.

Đó là một bài học cho chúng ta. Những ai cứ đổ thừa thời gian thế này thế kia, hoặc là phung phí thời gian một cách vô ích, hãy lấy bài học này để mà nhắc mình. Nhớ lời của Thiền sư Phật Quang là không có thời gian già, tức là đâu có rảnh mà nghĩ đến già.

Không thời gian rảnh để nghĩ đến già hay là không có phung phí thời gian trống rỗng để mà nhớ đến cái già. Như vậy là không lúc nào để thời gian trôi vô ích. Các Ngài là như vậy.

Còn chúng ta có nhiều thời gian rảnh để nghĩ chuyện lung tung, đó là phung phí thời gian. Cho nên Tổ Quy Sơn nhắc đừng bỏ phí thời giờ mà phải quyết lấy đây để gìn giữ Phật pháp và tu hành.

Rồi oai nghi, cử động đều phải khế hợp phép tắc chính đó là pháp khí trong hàng Tăng. Tức là những cử chỉ hành động đều phải khế hợp với phép tắc, không được thô tháo, bừa bãi, đó là biểu hiện bậc pháp khí trong hàng Tăng. Pháp khí tức là bậc hữu dụng. Chúng ta sống đừng thành kẻ vô dụng trong hàng Tăng, đó là điều không hay, gọi là đáng tiếc, đáng trách!

 

“Há chẳng thấy, dây bìm nương theo cây tùng mà lên vút ngàn tằm, nương gá thắng nhân mới hay được lợi ích rộng”.

Tức là dây bìm, dây sắn nương theo cây tùng cao vót, nên nó mới bò lên cao vút được. Nếu không thì nó chỉ bò dưới đất đâu có chỗ để bò lên. Đây là Ngài ví dụ.

Cũng vậy, mỗi người chúng ta phải biết tạo thắng nhân tốt lành cho mình rồi nương đó mà được lợi ích rộng lớn, chứ không được khoanh tay ngồi chơi.

Tổ Quy Sơn nhắc chúng ta phải có nhân tu học chín chắn, thì cái quả mới tương ưng.

 

“Hãy hết lòng giữ gìn trai giới, chớ dối bỏ sót vượt qua, đời đời kiếp kiếp nhân quả thù diệu”.

Thù diệu tức là tốt đẹp, thù thắng. Ngài khuyên thiết thực, là hãy lo tu tập giữ gìn trai giới kỹ lưỡng, chớ bỏ sót vượt qua. Vì nghĩ giới luật không quan trọng, rồi bỏ sót không cần giữ giới. Đó gọi là bỏ qua giới luật, mà bỏ qua giới luật tức là thiếu mất nền tảng căn bản nên mất chỗ đứng để vươn lên cao.

Cũng giống như dây bìm mà bám vào hư không thì nó bò lên được đâu? Vì không có chỗ làm nền tảng căn bản. Giới luật không giữ mà cứ nói chuyện trên mây thì đó là rỗng. Cho nên hiện tại chúng ta cần phải giữ giới đức thanh tịnh, trang nghiêm thì đời đời kiếp kiếp được nhân quả thù diệu tốt lành, tức là không có bị sa đọa. Được vậy nếu chúng ta chưa thật sự giải thoát thì cũng từng bước, từng bước tiến lên chỗ thù thắng, chứ không rơi xuống đường ác. Đó là con đường bảo đảm.

Còn giờ chưa giải thoát mà giới đức bỏ sót không giữ thì đó là con đường nguy hiểm, rớt xuống không có lường được. Mỗi người phải lấy đó để tự nhắc mình gọi là chớ có xem thường nền tảng giới luật.

Thời Phật, có hai Tỳ-kheo đi trên đường đến gặp Phật, cả hai đều khát nước. Phật chế luật là hàng Tỳ-kheo khi uống nước phải có đãy lọc nước, nếu nước có trùng thì không được uống.

Một vị quá khát nghĩ rằng thôi mình cứ tạm uống để giữ lấy mạng sống đến gặp Phật. Còn một vị thì thôi thà chịu chết, chứ không thể phạm giới, vì vậy mà thầy ấy chết; nhưng ngay đó sanh lên cõi trời. Sau đó, vị này mới hiện xuống đảnh lễ Phật trước khi vị Tỳ-kheo uống nước đến gặp Phật.

Lúc đó, Đức Phật bảo:

- Người tuy sống xa ta mà giữ gìn giới luật thì cũng như gần bên ta. Còn vị này tuy gần bên mà như cách xa ta.

Vì không giữ gìn giới luật nên Phật nói tuy thấy được Phật nhưng mà cũng như cách xa Phật. Còn vị kia tuy chết tức là xa, nhưng lại gần bên Phật, mà cũng được gặp Phật trước nữa. Đó là những điều Tổ Quy Sơn đã kinh nghiệm nhắc để chúng ta thấy được, biết được mà lo hết lòng giữ gìn trai giới, không trái lời Phật dạy.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 71602
  • Online: 19