Rộng khuyến phát Bồ Đề Tâm

08/08/2013 | Lượt xem: 4220

Ở đời cái quí tột chỉ là vàng ngọc mà thôi, nhưng xét kỹ chỗ quí tiếc ấy chẳng bằng thân mạng. Ví như có người giàu sang được phong làm đại tướng, dùng vàng ròng làm giáp để che đỡ cho thân. Đến khi lâm chiến binh đao bị thua, hoặc cởi giáp ném gươm mà chạy, mong được thân mạng an toàn mà thôi, giáp vàng ròng đâu rảnh nghĩ tiếc. Mới biết, cái quí vàng ròng chẳng bằng cái quí thân mạng, đây là thật vậy.
Ngày nay thì không thế, trái lại quí vật kia mà khinh thân này. Chẳng biết thân này khó được có ba. Thế nào là ba?


1. Trong lục đạo chỉ có người là quí, đến khi nhắm mắt đi rồi, mờ mờ mịt mịt chẳng biết chỗ đến. Hoặc vào đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, a-tu-la chẳng được làm người. Đây là cái khó được thứ nhất.

2. Đã được làm người, lại sanh nơi mọi rợ, tắm thì đồng sông, ngủ thì chung giường, trật tự tôn ti không có, nam nữ lẫn lộn, chẳng được phong tục nhân thuần, chẳng nghe chư Thánh giáo hóa. Đây là cái khó được thứ hai.

3. Đã được sanh nơi phồn thịnh mà sáu căn không đủ, thân thể tật nguyền, mù, điếc, câm, ngọng, què, thọt, còng, gù; miệng mũi hôi tanh, thân hình nhơ nhớp. Thầy chẳng được gần, chúng chẳng được thân. Tuy ở nơi phồn thịnh dường thể ở ngoài quê vắng. Đây là cái khó được thứ ba.

Nay đã làm người, được sanh nơi phồn thịnh lại đầy đủ sáu căn, đâu chẳng là quí sao? Người đời luôn luôn đuổi theo con đường danh lợi, luống nhọc xác tổn thần, đem thân mạng rất quí báu này làm tôi tớ cho tiền của đáng khinh. Sánh với người ăn bánh quên vợ, ngậm cơm quên môi nào có khác gì. Tuy thân mạng thật là quí trọng, vẫn chưa quí trọng bằng đạo tối cao. Cho nên Khổng Tử nói: “Sớm nghe đạo chiều chết cũng vui.” Lão Tử nói: “Tôi sở dĩ có hoạn lớn, vì tôi có thân.” Thế Tôn thuở xưa cầu đạo xả thân cứu cọp đói. Đâu chẳng phải ba bậc Thánh nhân đều khinh thân mà trọng Đạo đó sao? Than ôi! Thân mạng thật là quí trọng còn phải xả để cầu Vô thượng Bồ-đề, huống là vàng ngọc, tiền của đáng khinh mà lại tiếc sao? Ôi trong ấp mười nhà vẫn có người trung tín, huống là cả thế gian há không có người thông minh sáng suốt hay sao? Đã nghe lời này, cần phải gắng học, chớ nên nghi ngờ chậm trễ. Kinh nói: “một phen mất thân người, muôn kiếp chẳng được lại”, thật là thống thiết. Cho nên Khổng Tử nói: “Người không chịu làm, tôi chẳng làm gì, cam đành thôi vậy.”

Rõ ràng thời gian trăm năm, toàn ở trong sát-na, thân huyễn tứ đại đâu thể lâu dài. Mỗi ngày chìm đắm trong trần lao, mỗi lúc nghiệp thức càng mênh mông vô tận. Chẳng biết một tánh viên minh, luống theo sáu căn tham dục. Công danh cái thế cũng chỉ là một trường đại mộng, phú quí kinh nhân khó khỏi vô thường hai chữ. Tranh nhân tranh ngã rốt cuộc thành không, khoe giỏi khoe hay cứu kính chẳng thật.

Gió lửa khi tan không già trẻ,
Núi sông bại hoại mấy anh hùng.

Đầu xanh chưa mấy lúc tóc bạc đã sớm điểm sương; ngày vui vừa đến thì ngày điếu cũng đi theo. Một bao máu mủ nhiều năm khổ luyến ân tình, bảy thước hình hài buông lòng tham mê tài bảo. Thở ra khó mong được hít vào, ngày nay không bảo đảm ngày mai.

Sông yêu chìm nổi lúc nào thôi,
Nhà lửa đốt thiêu bao giờ tắt?

Chẳng nguyện vượt ra lối nghiệp, chỉ vì chưa có công phu. Vua Diêm-la chợt truy tìm, Thôi tướng công há cho triển hạn. Ngoái đầu nhìn người thân chẳng thấy, đến đây rồi nghiệp báo tự mang. Quỉ vương ngục tốt mặc sức khảo tra, cây kiếm núi đao khôn chống đỡ. Hoặc nhốt dưới ngọn núi lửa, hoặc giam trong núi Thiết Vi. Vào vạc dầu sôi muôn kiếp ngàn đời, bị chặt chém một đao thành hai khúc. Đói nuốt hoàn sắt nóng, khát uống nước đồng sôi. Suốt ngày luôn chịu khổ đau, năm trăm kiếp chẳng thấy hình bóng. Trả xong tội nghiệp, trở vào luân hồi. Bỗng mất thân người khi trước, trở lại mang lấy đãy da. Đội lông mang sừng, hàm sắt dây yên, lấy thịt nuôi người dùng mạng trả nợ. Sanh bị khổ dao bằm chày nện, sống bị nạn nước sôi lửa bỏng. Hằng chứa oán thù, thay nhau ăn nuốt. Khi đó mới hối hận, học đạo không nhân. Chi bằng ngày nay tu tập, chớ để đời này trôi qua.

Đức Phật Thích-ca trước bỏ hoàng cung đi thẳng vào núi Tuyết. Cư sĩ Bàng Uẩn đem gia tài đổ xuống biển sâu. Chân Vũ chẳng thiết ngôi vua chỉ cầu tu hành. Lữ Công đã làm thần tiên vẫn còn tham vấn. Tô Đông Pha thường gần Phật Ấn, Hàn Văn Công lại lễ Đại Điên, Bùi Công bị đoạt hốt nơi Thạch Sương, Phòng Tướng hỏi pháp ở Quốc Nhất. Diệu Thiện không nhận phò mã, thành Phật chẳng ngờ. Lục Tổ mới gặp khách nghe kinh liền tỉnh ngộ. Đạo Thiền nếu không thú vị, Hiền Thánh sao chịu qui y. Hoa Lâm cảm hóa hai cọp theo luôn. Đầu Tử có ba con chim báo sáng. Lý trưởng giả giải kinh mà thiên trù dâng cơm. Tu-bồ-đề ngồi yên mà Đế Thích tán hoa. Đạt-ma một chiếc dép về Tây. Phổ Hóa rung chuông bay đi. La-hán đến tham vấn với Hòa thượng Ngưỡng Sơn. Nhạc Đế qui y với Thiền sư Tư Đại. Cảnh Sơn đến nay vẫn được Long vương thỉnh cúng. Tuyết Phong ngày xưa hay sai người gỗ phá non. Đây là những nguyên do để nghiệm biết, chớ tự khinh mà lui sụt.

Chồn hoang còn nghe Bá Trượng nói pháp. Loài ốc sò vẫn biết hộ kinh Kim Cang. Mười ngàn con cá nghe danh hiệu Phật được hóa làm con trời. Năm trăm con dơi nghe tiếng pháp thảy được làm Hiền Thánh. Mãng xà nghe sám hối được sanh thiên. Rồng nghe kinh mà ngộ đạo. Chúng là loài vật còn hay lãnh ngộ, huống là người sao chẳng hồi tâm.

Hoặc có người vùi đầu trong ăn uống, qua mất một đời. Hoặc có người trên đường tu hành lầm lẫn, mà không thức tỉnh. Đâu biết tánh giác Bồ-đề mỗi mỗi viên thành, nào hay căn lành Bát-nhã người người đầy đủ. Chớ luận đại ẩn tiểu ẩn, thôi phân tại gia xuất gia. Chẳng cuộc người tăng kẻ tục, chỉ cốt nhận được Bản tâm. Vốn không có nam nữ, đâu cần chấp tướng. Người chưa rõ dối chia tam giáo, liễu được rồi đồng ngộ nhất tâm. Nếu hay phản chiếu hồi quang, đều được kiến tánh thành Phật.

Huống là thân người khó được, Phật pháp khó nghe. Nếu muốn vượt khỏi vòng quanh lục đạo, chỉ có con đường tắt Nhất thừa. Cần tìm chánh kiến, chớ tin tà sư. Ngộ rồi mới là vào cửa, hành được mới hay thoát tục. Bước bước đạp đến đất thật; đầu đầu đều đội hư không. Khi dùng thì muôn cảnh toàn bày, buông đi thì mảy bụi chẳng lập. Vượt đến chỗ không còn tương quan sanh tử, cơ liễu ngộ quỉ thần nhìn chẳng ra.

Là phàm là Thánh đồng vào đường này, hoặc oán hoặc thân cùng chung một lỗ mũi. Thật ngộ như thế, còn kẹt giữa đường. Thôi nói tam huyền hướng thượng, cốt rõ một câu rốt sau. Hãy nói hiện nay cái gì là “một câu rốt sau”?

Non xanh chốn ấy nhìn trời rộng,
Sen đỏ nở rồi nghe mùi thơm.


GIẢNG

Trong bài này ngài Trần Thái Tông khuyên chúng ta phải phát tâm Bồ-đề, tức là phải phát tâm cầu giác ngộ.

Ở đời cái quí tột chỉ là vàng ngọc mà thôi, nhưng xét kỹ chỗ quí tiếc ấy chẳng bằng thân mạng. Ví như có người giàu sang được phong làm đại tướng, dùng vàng ròng làm giáp để che đỡ cho thân. Đến khi lâm chiến binh đao bị thua, hoặc cởi giáp ném gươm mà chạy, mong được thân mạng an toàn mà thôi, giáp vàng ròng đâu rảnh nghĩ tiếc. Mới biết, cái quí vàng ròng chẳng bằng cái quí thân mạng, đây là thật vậy.

Trước tiên Ngài nói cái quí của thân mạng con người. Người thế gian không ai không quí vàng bạc, vàng bạc tuy rất quí, nhưng khi tai nạn đến với thân, người ta không còn quí vàng bạc nữa, chỉ nghĩ đến thân mà thôi. Ví dụ như một viên tướng ra trận mang giáp bằng vàng, khi thất trận phải bỏ chạy, giáp vàng nặng quá, sợ bị giặc đuổi bắt chặt đầu, bấy giờ phải cởi giáp vàng ném đi, miễn chạy khỏi chết thì thôi. Như vậy thân mạng quí trọng hơn vàng.

Ngày nay thì không thế, trái lại quí vật kia mà khinh thân này.

Nhưng thời nay có nhiều người đem thân để cầu được vàng bạc, nghĩa là xem nhẹ thân mà quí trọng vàng. Thí dụ như những người ăn trộm ăn cướp, dám đem thân đến chỗ hiểm nguy, có khi bị đánh bị giết, mà không lo sợ, miễn được vàng bạc thôi. Họ quí vàng bạc hơn thân mạng, đó là sai lầm, vì thân quí hơn vàng mà họ lại đem thân đổi lấy vàng!

Chẳng biết thân này khó được có ba. Thế nào là ba?

1. Trong lục đạo chỉ có người là quí, đến khi nhắm mắt đi rồi, mờ mờ mịt mịt chẳng biết chỗ đến. Hoặc vào đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, a-tu-la chẳng được làm người. Đây là cái khó được thứ nhất.

Trong lục đạo, được thân người là một cái khó. Nếu lấy tiêu chuẩn Phật dạy để đối chiếu, khi con người mất thân này có dễ được lại thân người nữa hay không? Đức Phật nói: “Ai giữ tròn năm giới, bảo đảm được làm người.” Nếu năm giới khuyết đi, nghĩa là chỉ giữ hai hay ba giới thì có thể mất thân người, nếu khuyết trọn vẹn thì hoàn toàn không được làm người. Như vậy trong năm giới, chúng ta thử kiểm lại xem có ai giữ trọn được chưa? Khuyết chừng một phần tư, một phần tám còn khả dĩ, nếu khuyết trọn vẹn hoặc ba, bốn phần thì thật khó trở lại làm người. Vì thế trong lục đạo, nhất là ba đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh và đường thứ tư là a-tu-la, con người dễ rơi xuống, còn hai đường người và trời ít được trồi lên. Trong sáu đường, mà bốn thua hai thắng, thì dễ gì đi con đường thắng, nên đa số mất thân này khó tìm lại được. Vậy được thân người là cái khó thứ nhất.

2. Đã được làm người, lại sanh nơi mọi rợ, tắm thì đồng sông, ngủ thì chung giường, trật tự tôn ti không có, nam nữ lẫn lộn, chẳng được phong tục nhân thuần, chẳng nghe chư Thánh giáo hóa. Đây là cái khó được thứ hai.

Nếu được làm người mà sanh vào những nơi không đầy đủ văn hóa, phải sống trong hoàn cảnh hỗn mang, không tôn ti trật tự, không phong tục nhân thuần, đó là cái khó thứ hai.

3. Đã được sanh nơi phồn thịnh mà sáu căn không đủ, thân thể tật nguyền, mù, điếc, câm, ngọng, què, thọt, còng, gù; miệng mũi hôi tanh, thân hình nhơ nhớp. Thầy chẳng được gần, chúng chẳng được thân. Tuy ở nơi phồn thịnh dường thể ở ngoài quê vắng. Đây là cái khó được thứ ba.

Được thân người mà bị tật nguyền sáu căn không đầy đủ, chẳng được gần thầy, chẳng gần chúng bạn, đây là cái khó được thứ ba.

Như vậy ba cái khó được là:

1. Được thân người đối với lục đạo là khó.

2. Được thân người mà ở nơi phồn thịnh là khó.

3. Được thân người, ở nơi phồn thịnh mà không bị tật nguyền là khó. Hiện giờ tất cả chúng ta có qua được ba cái khó đó chưa? Tương đối cũng qua được rồi, như vậy hạnh phúc biết mấy mà không chịu hưởng, lại đi tìm hạnh phúc khác. Có khi vì tìm hạnh phúc mà bị tật nguyền khổ ải.

Nay đã làm người, được sanh nơi phồn thịnh lại đầy đủ sáu căn, đâu chẳng là quí sao?

Chúng ta được làm người một cách trọn vẹn vượt qua ba cái khó rồi, thật là đáng quí.

Người đời luôn luôn đuổi theo con đường danh lợi, luống nhọc xác tổn thần, đem thân mạng rất quí báu này làm tôi tớ cho tiền của đáng khinh. Sánh với người ăn bánh quên vợ, ngậm cơm quên môi nào có khác gì.

Người đời chạy theo danh lợi nên khổ nhọc thân xác, hao tổn tinh thần, đem thân quí báu làm tôi tớ cho tiền của đáng khinh, đó là sai lầm lớn. Sánh với người ăn bánh quên vợ đâu có khác, tức là chỉ người thấy lợi nhỏ mà quên tình nghĩa thiết tha. Ngậm cơm quên môi là nhớ cơm quên môi, cơm là tạm thời, môi là lâu dài, tức là chỉ cái ngu muội của con người, nhớ việc nhỏ mà quên việc lớn.

Tuy thân mạng thật là quí trọng, vẫn chưa quí trọng bằng đạo tối cao.

Đoạn trên ngài Trần Thái Tông kết tội những người quí tài vật mà quên thân mạng, đó là kẻ ngu. Đến đây Ngài nói thêm, thân mạng tuy quí, nhưng vẫn chưa bằng đạo tối cao. Thật vậy thân mạng rất quí nhưng đạo tối cao còn quí trọng hơn.

Cho nên Khổng Tử nói: “Sớm nghe đạo chiều chết cũng vui.” Lão Tử nói: “Tôi sở dĩ có hoạn lớn, vì tôi có thân.” Thế Tôn thuở xưa cầu đạo xả thân cứu cọp đói. Đâu chẳng phải ba bậc Thánh nhân đều khinh thân mà trọng Đạo đó sao?

Khổng Tử nói: Sớm được nghe đạo chiều chết cũng vui, tức là quí đạo hơn thân. Còn Lão Tử nói: Có thân này là có hoạn lớn, nếu không có thân thì mới hết hoạn. Vậy hai vị Thánh nhân đều coi thường thân mạng.

“Thế Tôn thuở xưa cầu đạo, xả thân cứu cọp đói.” Đây là câu chuyện tiền thân của đức Phật. Thấy cọp đói, Ngài thương nên lăn mình xuống hố cho cọp ăn, đó là xả thân cứu cọp đói. Người thế gian coi thân là quí, nhưng các bậc Thánh thì khinh thân quí đạo, nên các ngài xả thân để cầu đạo. Chúng ta chẳng nghe người xưa nói: Tu là xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo đó sao! Nhưng ngày nay lại khác hơn, nhiều khi đi tu bỏ cái nghèo vào chùa để làm giàu, đó là xả bần cầu phú rồi. Xưa nói: xả thân cầu đạo, nay lại nói: xả đạo vị thân, nghĩa là coi thường đạo mà trọng thân hơn, đó là những điều lầm lẫn, thật trái với đạo nghĩa.

Than ôi! Thân mạng thật là quí trọng còn phải xả để cầu Vô thượng Bồ-đề, huống là vàng ngọc, tiền của đáng khinh mà lại tiếc sao?

Đây là lời than, thân mạng thật là quí còn phải xả để cầu giác ngộ, sao lại còn tiếc vàng ngọc tiền của là cái đáng khinh. Cho nên người tu mà còn tiếc tiền của bạc vàng là không đúng.

Ôi trong ấp mười nhà vẫn có người trung tín, huống là cả thế gian há không có người thông minh sáng suốt hay sao?

Người xưa nói: Trong ấp có mười nhà, vẫn có một người trung tín, huống nữa cả thế gian này không có người nào sáng suốt thấy được lẽ thật này hay sao? Lẽ thật này là lẽ khinh tiền của, khinh thân mạng mà quí trọng đạo vậy, đây là lẽ thật ít người thấy được.

Đã nghe lời này, cần phải gắng học, chớ nên nghi ngờ chậm trễ. Kinh nói: “một phen mất thân người, muôn kiếp chẳng được lại”, thật là thống thiết. Cho nên Khổng Tử nói: “Người không chịu làm, tôi chẳng làm gì, cam đành thôi vậy.”

Ngài Trần Thái Tông khuyên mỗi người chúng ta phải ráng tu hành, cần mẫn học tập, chớ có nghi ngờ làm chậm trễ con đường tu của mình. Trong kinh dạy: Một khi mất thân người, muôn kiếp không được trở lại. Thế mà chúng ta được thân người không cố gắng tu sao? Lời khuyên này thật là thống thiết. Khổng Tử dạy việc của mỗi người tự làm, nếu người không chịu làm, không chịu tu, dù cho bậc Thánh nhân muốn giúp cũng không giúp được, nên cam đành thôi vậy, không biết làm sao hơn!

Rõ ràng thời gian trăm năm, toàn ở trong sát-na, thân huyễn tứ đại đâu thể lâu dài. Mỗi ngày chìm đắm trong trần lao, mỗi lúc nghiệp thức càng mênh mông vô tận.

Thời gian tuổi thọ chúng ta tưởng là sống được trăm năm, nhưng cơ thể chuyển dời từng giây phút, từng sát-na, không phải đợi đến trăm năm mới thay đổi. Thân chuyển từng sát-na thì thân là huyễn hóa, tứ đại này làm sao bền vững lâu dài được. Mỗi ngày chúng ta chìm đắm trong bụi trần lăng xăng, tức là chìm đắm trong sáu trần, thì nghiệp thức càng mờ mịt, càng mênh mông vô tận, không biết đâu là manh mối. Cho nên chúng ta phải sớm lo tu hành để thoát khỏi trần lao nghiệp thức.

Chẳng biết một tánh viên minh, luống theo sáu căn tham dục.

Chúng ta không thức tỉnh, không biết rằng nơi mỗi người có một tánh tròn sáng, trong kinh thường dụ như hạt minh châu, gọi là tánh viên minh. “Luống chạy theo sáu căn tham dục”, tức là sáu căn đuổi theo sáu trần nên chúng ta bị sáu trần lôi kéo dẫn dắt đi không làm chủ được.

Công danh cái thế cũng chỉ là một trường đại mộng, phú quí kinh nhân khó khỏi vô thường hai chữ.

Dù được công danh tột thế gian cũng chỉ là một trường đại mộng, dù cho giàu sang tột đỉnh người nghe phải giật mình, cũng khó thoát được hai chữ vô thường, tức là khó trốn được cái chết.

Tranh nhân tranh ngã rốt cuộc thành không, khoe giỏi khoe hay cứu kính chẳng thật.

Nếu chúng ta còn thấy nhân ngã là quí, là cao, thì còn tranh hơn thua với nhau. Nhưng nhân ngã rốt cuộc cũng thành không, giỏi hay cứu kính đều không thật. Hai câu kệ sau đây cảnh tỉnh chúng ta:

Gió lửa khi tan không già trẻ,
Núi sông bại hoại mấy anh hùng.

Gió lửa tan rồi, tức là thân tứ đại rã tan, lúc đó không nói già nói trẻ nữa, già trẻ đều tan không có khác nhau. Khi cơn vô thường đến sông núi đều bại hoại, còn mấy kẻ anh hùng! Trong bài nói về Bốn núi, dù cho những đội quân hùng mạnh đến đâu cũng không chống đỡ được bốn núi sanh, già, bệnh, chết. Thế nên khi vô thường đến, anh hùng thế mấy cũng là vô nghĩa.

Đầu xanh chưa mấy lúc tóc bạc đã sớm điểm sương, ngày vui vừa đến thì ngày điếu cũng đi theo.

Những câu này nghe xót xa làm sao! Xót xa cho thân phận của chính mình. Đầu xanh chưa bao lâu thì tóc đã điểm sương. Như hiện giờ, chư Tăng Ni tuy nói còn nhỏ nhưng đầu đã điểm sương, còn tôi tóc đã bạc như tuyết. Từ tóc xanh thành tóc bạc không có bao lâu.

“Ngày vui vừa đến thì ngày điếu cũng đi theo.” Ngày vui là ngày sanh, nên nói mừng sinh nhật. Nhưng có sanh thì có tử, nên vừa mừng ngày sanh, lại sửa soạn lo ngày điếu, chớ có lâu đâu. Thế mà người đời chẳng nhớ, đến bảy mươi tuổi cũng lo ăn mừng sinh nhật, không nghĩ tới ngày điếu của mình.

Một bao máu mủ nhiều năm khổ luyến ân tình, bảy thước hình hài buông lòng tham mê tài bảo. Thở ra khó mong được hít vào, ngày nay không bảo đảm ngày mai.

Trong kinh nói thân này là một đãy da máu mủ, nhưng chúng ta không nhớ, do bao máu mủ này mà phải nhiều năm khổ luyến ân tình vì thương vì ghét. “Bảy thước hình hài buông lòng tham mê tài bảo”, mang thân bảy thước (thước ta ngày xưa) mà không nhớ, chỉ lo ham mê tài bảo. “Thở ra khó mong được hít vào”, một khi thở ra tưởng như hít vào là dễ, nhưng đến lúc nghẹt thở muốn hít vào rất khó, cho nên không ai bảo đảm cuộc sống mình được lâu bền. “Ngày nay không bảo đảm ngày mai”, chúng ta cứ tính việc phải làm ở ngày mai, nhưng sự thật ngày mai chưa bảo đảm. Sống ngày nay biết ngày nay, còn ngày mai phải chờ xem, không biết có mặt mình hay không. Nói nghe buồn nhưng đó là một lẽ thật.

Đoạn này kết thúc bằng hai câu thơ:

Sông yêu chìm nổi lúc nào thôi,
Nhà lửa đốt thiêu bao giờ tắt.

Sông yêu dịch từ chữ ái hà trong nhà Phật. Chúng ta chìm đắm mãi trong sông yêu biển ái biết đến chừng nào thôi dứt. Nhà lửa tam giới thiêu đốt chúng ta đến bao giờ mới tắt. Hai câu kết này là lời nhắc nhở cảnh tỉnh chúng ta phải mau mau thoát khỏi sông yêu đang nhận chìm và nhà lửa tam giới đang thiêu đốt chúng ta.

Chẳng nguyện vượt ra lối nghiệp, chỉ vì chưa có công phu. Vua Diêm-la chợt truy tìm, Thôi tướng công há cho triển hạn.

Sở dĩ chúng ta không thoát được lối nghiệp lại bị nghiệp dẫn vì công phu tu hành chưa có bao nhiêu. Nếu không thoát được nghiệp, một ngày kia vua Diêm-la cho lệnh truy tìm, Thôi tướng công cũng không cho triển hạn. Tướng công họ Thôi là chỉ quỉ vô thường trong nhà Phật. Trong sử các Thiền sư có câu chuyện quỉ vô thường tìm thầy Tri sự. Khi xưa ở một Thiền viện, công việc quá bề bộn, thầy Tri sự siêng năng làm công tác không có thời giờ tu. Một hôm quỉ vô thường tới mời đi, Thầy hoảng hốt nói: Tôi làm Tri sự mấy năm nay không rảnh để tu, xin ông về tâu lại với Diêm vương hoãn cho tôi một tuần lễ, để tôi có thời giờ tu hành. Quỉ vô thường nể tình về tâu lại, vua Diêm vương bằng lòng. Ngang đó thầy Tri sự buông tất cả việc và tu gấp rút. Đến đúng kỳ hẹn, quỉ vô thường trở lại, tìm không ra thầy Tri sự nữa. Bấy giờ thầy Tri sự ở đâu? Chúng ta cũng ráng tập như vậy, khi làm việc thì làm tận lực, lúc buông việc thì tu gấp, như vậy mới giỏi mới hay, nếu không chịu tu, tướng công họ Thôi cũng không triển hạn được.

Ngoái đầu nhìn người thân chẳng thấy, đến đây rồi nghiệp báo tự mang. Quỉ vương ngục tốt mặc sức khảo tra, cây kiếm núi đao khôn chống đỡ.

Khi bị quỉ vô thường dẫn đi, quay đầu nhìn lại tìm người thân chẳng thấy một ai. Một thân một mình ra đi, còn ở nhân gian người thân đang khóc. Khi xuống đến Diêm đài, đã tạo nghiệp gì phải tự chịu nghiệp ấy, không có ai thay thế cho mình. Bị quỉ vương ngục tốt khảo tra, chịu đủ cực hình đau đớn, trèo lên cây kiếm núi đao, không thể nào chống đỡ được.

Hoặc nhốt dưới ngọn núi lửa, hoặc giam trong núi Thiết Vi. Vào vạc dầu sôi muôn kiếp ngàn đời, bị chặt chém một đao thành hai khúc. Đói nuốt hoàn sắt nóng, khát uống nước đồng sôi. Suốt ngày luôn chịu khổ đau, năm trăm kiếp chẳng thấy hình bóng.

Hoặc bị nhốt thiêu trong núi lửa, hoặc bị giam ép trong núi Thiết Vi. Có khi bị quăng trong vạc dầu sôi không biết bao lâu, hoặc bị dao chặt chém thành hai khúc. Đói thì nuốt hoàn sắt nóng, khát uống nước đồng sôi, trải qua năm trăm kiếp chịu khổ đau trong địa ngục.

Trả xong tội nghiệp, trở vào luân hồi. Bỗng mất thân người khi trước, trở lại mang lấy đãy da. Đội lông mang sừng, hàm sắt dây yên, lấy thịt nuôi người dùng mạng trả nợ.

Trả xong tội nghiệp lại trở vào luân hồi bị các dư báo: Trước là người nhưng tạo tội bị xuống địa ngục, trả xong quả báo còn các dư báo, mất thân người khi trước lại mang thân các loài vật. Hoặc làm thân trâu ngựa, hoặc làm lợn chó vịt gà, dùng mạng trả đền nợ cũ.

Sanh bị khổ dao bằm chày nện, sống bị nạn nước sôi lửa bỏng. Hằng chứa oán thù, thay nhau ăn nuốt.

Khi sanh làm loài vật, hoặc bị dao bằm chày nện, hoặc bị nước sôi lửa bỏng. Làm thân bò lợn bị dao bằm thịt, làm thân dê nai, bị chày nện cho mềm, làm gà vịt bị nhúng nước sôi... Khi xưa mình giết họ, họ oán hận mình, bây giờ họ giết mình, mình oán hận lại, cứ như thế mà chứa thù chất oán, ăn nuốt lẫn nhau mãi mãi không cùng.

Khi đó mới hối hận, học đạo không nhân. Chi bằng ngày nay tu tập, chớ để đời này trôi qua.

Đến khi này mới hối hận tại sao trước kia chúng ta không cố gắng học đạo đến nơi đến chốn, nay không có cơ hội học đạo phải chịu khổ đau, có ăn năn cũng không kịp nữa. Chi bằng ngay bây giờ phải ráng tu tập chớ để đời này trôi qua. Đây là lời khuyên nhắc chúng ta phải mau mau thức tỉnh gắng tu, nếu không tu phải theo nghiệp chịu khổ vô cùng, hết kiếp này sang kiếp khác làm thân súc vật để đền trả nợ trước.

Đến đây ngài Trần Thái Tông dẫn những sự tích để chỉ việc học đạo rất là quí trọng.

Đức Phật Thích-ca trước bỏ hoàng cung đi thẳng vào núi Tuyết.

Khi xưa đức Phật do thức tỉnh, Ngài bỏ cung vàng, điện ngọc, ngôi vua, đi vào núi Tuyết tu khổ hạnh cho đến quên thân.

Cư sĩ Bàng Uẩn đem gia tài đổ xuống biển sâu.

Ông Bàng Uẩn là một nhà Nho giàu có, khi hiểu đạo rồi, ông đem tiền của bạc vàng đổ xuống sông Tương, chỉ lo tu hành mà thôi.

Chân Vũ chẳng thiết ngôi vua chỉ cầu tu hành.

Chân Vũ là một vị Thái tử nước Trịnh Lạc đời Hán, khi sanh ra có nhiều điềm lạ. Lớn lên có chí trừ khử tà ma, vượt biển đông gặp thiên thần trao cho cây bảo kiếm. Chân Vũ tu luyện ở núi Đông Hải bốn mươi hai năm thành công, ngay ban ngày bay lên không, vâng lệnh Thượng đế trấn thủ phương Bắc. Vốn tên là Huyền Vũ, sau đổi là Chân Vũ. Đây là một vị Thái tử vì ham tu mà bỏ cả ngôi vua.

Lữ Công đã làm thần tiên, vẫn còn tham vấn.

Đây là câu chuyện tiên. Lữ Công tức là Lữ Đồng Tân, trong sách có một bài viết Lữ Đồng Tân đầu Phật. Lữ Đồng Tân quê ở Hà Dương, sanh khoảng Thiên Bảo nhà Đường, dòng họ làm quan, ông mấy phen thi Tiến sĩ không đậu, chán nản dạo núi Hoa Sơn, gặp Hán Chung Ly là Lang tướng nhà Tấn trấn loạn nơi đây, ông xin ở lại và học pháp dưỡng sanh. Chung Ly muốn độ Lữ Đồng Tân, trước dùng tài thí, một hôm Đồng Tân đứng hầu, Chung Ly lượm một hòn đá lấy thuốc bôi vào liền thành vàng ròng tặng cho Tân nói để đi đường bán xài. Tân hỏi: Cái này có hoại chăng? Ly nói: Năm trăm năm mới hoại. Tân liền ném đi nói: Khi khác làm lầm người. Ly lại thử Tân bằng sắc đẹp, sai Tân vào núi hái thuốc, Ly hóa ra túp lều tranh có một cô gái đẹp, cô gái thấy Tân vui mừng đón tiếp nói: Chồng tôi mất đã lâu, nay gặp quân tử mong không bỏ tôi, bước lại gần muốn nắm tay. Tân lấy tay gạt ra nói: Chớ đem cái đãy nhớp đến gần ta. Người nữ ấy biến mất hiện Hán Chung Ly. Hán Chung Ly liền dạy cho Tân thuật kim đơn và phép Thiên tiên kiếm. Từ đây Tân được dạo đi tự tại, làm thi rằng:

Triêu du Nam Việt, mộ Thương Ngô,
Tụ lý thanh xà đảm khí thô,
Tam nhật Nhạc Dương nhân bất thức,
Lãng ngâm phi quá Động Đình hồ.

Dịch:

Sớm chơi Nam Việt, xế Thương Ngô,
Trong áo thanh xà gan mật thô,
Dương Nhạc ba ngày người chẳng biết,
Ngâm to bay thẳng Động Đình hồ.

Sau Tân đến yết kiến Hòa thượng Long Nha, hỏi: Thế nào là đại ý Phật pháp? Long Nha đáp bằng bài kệ:

Hà sự triêu sầu dữ mộ sầu,
Thiếu niên bất học lão hoàn tu,
Minh châu bất thị Ly long tích,
Tự thị thời nhân bất giải cầu.

Dịch:

Chi phải sớm buồn với chiều buồn,
Thiếu thời không học, lão hối suông,
Minh châu nào phải Ly long tiếc,
Chỉ tại người đời chẳng biết cầu.

Tân nhân dạo núi Hoàng Long ở Nhạc Châu, thấy mây đỏ vòng quanh, nghi có dị nhân ở, liền vào chùa gặp Thiền sư Hối Cơ Siêu Huệ đang thượng đường. Cơ biết có dị nhân thầm ẩn dưới tòa, liền to tiếng bảo: Trong chúng có người trộm pháp. Tân ngang nhiên ra hỏi: Trong một hạt lúa chứa thế giới, trong nồi nửa thăng nấu núi sông, hãy nói ý chỉ này thế nào? Cơ đáp: Quỉ giữ thây chết. Trong đãy Tân vẫn có thuốc trường sanh, Tân nói: Trong đãy vẫn có thuốc trường sanh bất tử thì sao? Cơ đáp: Dù trải tám muôn kiếp trọn là rơi trong không vong. Tân bất bình ra đi, đến nửa đêm phi kiếm hại Cơ. Cơ đã biết trước, lấy pháp y trùm đầu ngồi tại phương trượng, kiếm đến bay quanh mấy vòng, Cơ lấy tay chỉ, kiếm liền rơi xuống đất. Tân đến tạ lỗi, Cơ nhân đó hỏi: Trong nồi nửa thăng thì chẳng hỏi, thế nào là trong một hạt lúa chứa thế giới? Tân ngay lời hỏi này có tỉnh, bèn thuật kệ:

Hạo khước biều nhi toái khước cầm,
Như kim bất luyến hống trung câm,
Tự tùng nhất kiến Hoàng Long hậu,
Thủy giác tùng tiền thố dụng tâm.

Dịch:

Bẻ gãy chiếc bầu, đập nát đàn,
Hiện nay chẳng thích luyện kim đan,
Sau khi gặp được Hoàng Long đấy,
Mới biết từ xưa quấy dụng tâm.

Đây là câu chuyện thần tiên đi học Phật. Lữ Đồng Tân là thần tiên, còn đi tham vấn với Thiền sư Hối Cơ ở Hoàng Long.

Tô Đông Pha thường gần Phật Ấn.

Trong sử có ghi: Một hôm Sư (Phật Ấn) và đồ chúng vào thất, cư sĩ Tô Đông Pha đến thẳng thất, Sư nói: Trong này không có ghế ngồi, cư sĩ đến đây làm gì? Đông Pha đáp: Tạm mượn thân tứ đại của Phật Ấn làm ghế ngồi. Phật Ấn nói: Sơn tăng có một câu hỏi, nếu cư sĩ nói được thì mời ngồi, bằng nói chẳng được thì cởi ngọc đái để lại. Đông Pha vui vẻ chấp nhận. Phật Ấn hỏi: Vừa rồi cư sĩ nói “tạm mượn thân tứ đại Sơn tăng làm ghế ngồi”, chỉ như Sơn tăng tứ đại vốn không, năm ấm chẳng có, cư sĩ đến chỗ nào ngồi? Tô Đông Pha không đáp được, phải cởi dây ngọc đái để lại, Sư tặng cho lá y Vân Sơn, Đông Pha làm bài kệ:

Bách thiên đăng tác nhất đăng quang,
Tận thị hằng sa diệu pháp vương,
Thị cố Đông Pha bất cảm tích,
Tá quân tứ đại tác thiền sàng.
Bệnh cốt nan kham ngọc đới vi,
Độn căn nhưng lạc tiễn phong ky,
Hội đương khất thực ca cơ viện,
Đoạt đắc Vân Sơn cựu nạp y.

Dịch:

Đèn trăm ngàn ngọn ánh sáng đồng,
Cả thảy hằng sa diệu pháp vương,
Bởi thế Đông Pha đâu dám tiếc,
Mượn anh tứ đại làm giường thiền.
Bệnh xương khó chịu ngọc đái ràng,
Căn độn nên rơi máy nhọn tên,
Hiểu nên khất thực ca kỹ viện,
Nhận lãnh Vân Sơn áo nạp xưa.

Câu chuyện này cho thấy Tô Đông Pha là một nhà văn nổi tiếng, còn phải đến học với ngài Phật Ấn.

Hàn Văn Công lại lễ Đại Điên.

Hàn Văn Công tức Hàn Dũ, là một nhà Nho nổi tiếng, người Xương Lê đời Đường, đậu Tiến sĩ. Vì dâng biểu can vua Hiến Tông rước xá-lợi Phật vào cung, nên bị đày đi Triều Châu. Ở đây, Hàn Dũ có viết thơ mời Thiền sư Đại Điên ở chùa Linh Sơn phía tây Triều Châu đến tranh luận về đạo, cùng nhau đi lại nhiều lần, sau qui y Đại Điên. Vậy là một nhà Nho nổi tiếng cũng qui y với nhà Thiền.

Bùi Công bị đoạt hốt nơi Thạch Sương.

Bùi Công tức là Tướng quốc Bùi Hưu đời Đường. Một hôm ông tới chỗ Thiền sư Thạch Sương, ngài Thạch Sương thấy Bùi Công cầm cây hốt trong tay, Ngài mới mượn cây hốt, cầm đưa lên hỏi: Cây hốt này ở trong tay vua gọi là khuê, ở trong tay quan nhân gọi là hốt, bây giờ ở trong tay Sơn tăng gọi là gì? Nếu nói được thì trả, nói không được thì giữ lại. Bùi Hưu nói không được, ngài Thạch Sương giữ cây hốt lại, nên nói “Bùi Công bị đoạt hốt nơi Thạch Sương”.

Phòng tướng hỏi pháp ở Quốc Nhất.

Phòng tướng tức là Tướng quốc Phòng Huyền Linh, giúp vua Đường Thái Tông dấy nghiệp, làm đến chức Tể tướng. Quốc Nhất tức là Thiền sư Đạo Khâm, người huyện Côn Sơn thuộc Tô Châu. Vua Đường Thái Tông mời Ngài vào cung hỏi đạo, ban cho hiệu là Quốc Nhất thiền sư. Phòng tướng quốc vẫn tới hỏi đạo với Thiền sư Quốc Nhất.

Diệu Thiện không nhận phò mã, thành Phật chẳng ngờ.

Đây là câu chuyện Công chúa Diệu Thiện không lập phò mã, chỉ chuyên lo tu hành và thành Phật Quan Âm.

Lục Tổ mới gặp khách nghe kinh liền tỉnh ngộ.

Lục Tổ nghe khách tụng kinh Kim Cang liền tỉnh ngộ...

Đạo Thiền nếu không thú vị, Hiền Thánh sao chịu qui y.

Nếu đạo Thiền không có giá trị cao siêu, tại sao nhiều vị có tài, có địa vị cao ở thế gian đều phải theo học?

Hoa Lâm cảm hóa hai cọp theo luôn.

Theo sử, ngài Hoa Lâm ở dưới hội của Tổ Bá Trượng, là Sư huynh của ngài Qui Sơn Linh Hựu. Khi đó Ngài làm Thủ tọa và sau vào núi tu, có hai con cọp theo hầu, cọp lớn tên Đại Không, cọp nhỏ tên Tiểu Không. Mỗi khi khách đến, hai con cọp chạy ra mừng, nhưng khách thấy cọp hoảng sợ, Ngài bảo: Đại Không, Tiểu Không có khách đến, ra sau đi. Hai con cọp rón rén bước ra sau.

Đầu Tử có ba con chim báo sáng.

Ở núi Đầu Tử có hai Thiền sư nổi tiếng, vị đầu tiên là ngài Đại Đồng Đầu Tử, vị sau là ngài Nghĩa Thanh Đầu Tử, thuộc tông Tào Động. “Đầu Tử có ba chim báo sáng” không biết là chỉ vị nào, trong đây không nói rõ.

Lý trưởng giả giải kinh mà thiên trù dâng cơm.

Lý trưởng giả tức là Lý Thông Huyền đời Đường niên hiệu Khai Nguyên thứ bảy (719), Ngài trước tác bộ Tân Hoa Nghiêm Kinh Luận bốn mươi quyển, do miệt mài viết kinh cho nên quên cơm, chư thiên đem cơm dâng cho Ngài.

Tu-bồ-đề ngồi yên mà Đế Thích tán hoa.

Câu chuyện này được nhắc lại nhiều lần. Ngài Tu-bồ-đề là một trong mười vị đại đệ tử của đức Phật, Ngài là Giải Không đệ nhất. Một hôm Ngài tọa thiền dưới chân núi, ngồi yên lặng, hoa trời rơi xuống rất nhiều. Ngài hỏi: Ai tán hoa đó? Trời Đế Thích thưa: Tôi là trời Đế Thích. Hỏi: Tại sao ông tán hoa? Đáp: Thấy Hòa thượng thuyết pháp hay quá nên tôi tán hoa. Hỏi: Ta chưa từng nói mà sao nói thuyết pháp hay? Trời Đế Thích thưa: Ngài không nói, tôi không nghe, đó là thuyết pháp.

Đạt-ma một chiếc dép về Tây.

Đây nói về Tổ Bồ-đề-đạt-ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa giáo hóa. Sau thời gian chín năm Ngài an nhiên thị tịch, nhục thân nhập tháp tại núi Hùng Nhĩ. Tống Vân (sứ giả Trung Hoa) đi sứ Ấn Độ trở về gặp Ngài tại núi Thông Lãnh tay xách một chiếc dép đi nhanh như bay trở về Ấn Độ (Tây Thiên). Vua nghe việc ấy ra lệnh mở cửa tháp mở quan tài ra, quả nhiên quan tài trống không, chỉ còn một chiếc dép. Vua sắc đưa chiếc dép về thờ ở chùa Thiếu Lâm...(1)

Phổ Hóa rung chuông bay đi.

Trong sử của ngài Lâm Tế, có ngài Phổ Hóa dường như là người điên nhưng thật không phải, cả ngày ra chợ ăn xin lang thang, nhưng Ngài nói nhiều câu rất kỳ đặc. Khi sắp tịch, Ngài nói với người ngoài chợ: Xin quí vị cho tôi chiếc áo dài. Ngài Lâm Tế nghe nói sai đồ đệ sắm cho Ngài chiếc quan tài. Ngài vác quan tài ra chợ nói: Lâm Tế cho tôi chiếc áo dài rồi, mai tôi tịch ở cửa đông. Ngày mai dân chúng chạy lại cửa đông xem, Ngài nói: Nay tôi chưa tịch, ngày mai tôi tịch ở cửa tây. Như thế hẹn đến ba ngày, mọi người đều chẳng tin. Đến ngày thứ tư, không ai theo xem nữa, Ngài tự vào quan tài, mượn người đi đường đậy nắp lại. Khi hay tin, mọi người trong chợ chạy đến xem, giở quan tài ra không thấy thi hài Ngài, chỉ nghe tiếng chuông rung xa dần trên hư không. Cho nên ở đây nói “Phổ Hóa rung chuông bay đi”.

La-hán đến tham vấn với Hòa thượng Ngưỡng Sơn.

Trong sử ghi rõ có vị Tăng người Ấn từ hư không đến. Ngưỡng Sơn hỏi: Vừa rồi ở đâu đến? Tăng thưa: Ở Tây Thiên. Sư hỏi: Rời Tây Thiên lúc nào? Tăng thưa: Sớm mai. Sư bảo: Sao mà chậm lắm vậy. Tăng thưa: Vì còn dạo núi xem nước. Sư bảo: Thần thông du hí thì chẳng không, Phật pháp của Xà-lê cần trao lại cho lão tăng mới được. Tăng thưa: Định sang Đông độ lễ Văn-thù, lại gặp Tiểu Thích-ca. Bèn đem sách chữ Phạn bằng lá bối trao cho Sư, làm lễ rồi nương hư không mà đi.

Nhạc Đế qui y với Thiền sư Tư Đại.

Thiền sư Tư Đại thường ngồi thiền trên núi Nam Nhạc, tức là ngọn núi ở phía Nam. Ngài là Huệ Tư, còn gọi là Tư Đại. Một hôm Ngài đang ngồi thiền, có một đoàn người đi ngang, đi đầu là một người rất oai vệ, ăn mặc như một vị quan lớn. Khi đi ngang Ngài, họ tính la to cho Ngài sợ, Ngài sẽ đứng dậy tránh đi, nhưng Ngài vẫn ngồi thiền tự nhiên. Nhạc Đế là vị đi đầu tới bên Ngài quì xuống thưa: Bạch Hòa thượng, nay tôi muốn qui y với Phật. Ngài Tư Đại mới xả thiền làm lễ qui y. Buổi lễ xong, Nhạc Đế thưa: Bạch Hòa thượng, tôi muốn tặng Ngài một vật để làm kỷ niệm, vì tôi là Nhạc Đế, là thần lớn nhất ở núi này. Vị thần năn nỉ mãi, ngài Huệ Tư không chấp nhận. Sau cùng thần nói: Ở xóm dưới chân núi có nhiều người chưa biết đạo, để tôi ám trợ họ lên qui y với Hòa thượng, Ngài có bằng lòng không? Ngài Huệ Tư bảo: Không được. Hỏi: Tại sao? Đáp: Vì qui y là tự người thức tỉnh phát tâm, nếu do sức ám trợ là không đúng pháp Phật. Thần hỏi: Vậy có cái gì để con đền ơn Ngài? Ngài bảo: Ở trước chùa ta cây cối xơ xác, cạnh núi bên kia tùng bá sum sê, nếu được, ông dời những cây bên đó qua giùm ta. Nhạc Đế nhận lời và dặn: Tối nay nếu nghe tiếng sấm sét, Hòa thượng bảo người trong chùa đừng kinh sợ, con sẽ dời cây cối. Đúng tối hôm đó sấm sét ầm ầm nổ vang, sáng ra cây cối xơ rơ biến mất, chỉ có tùng bá sum sê. Đó là câu chuyện “Nhạc Đế qui y với Thiền sư Tư Đại”.

Cảnh Sơn đến nay vẫn được Long vương thỉnh cúng.

Có nhiều vị Trụ trì ở Cảnh Sơn, nhưng đây là chỉ Thiền sư Vô Chuẩn, tức là ngài Phật Giám đời Tống. Ngài trụ trì ở Cảnh Sơn, thường được Long cung mời cúng dường.

Tuyết Phong ngày xưa hay sai người gỗ phá non.

Tuyết Phong Nghĩa Tồn nói: Có những lúc tự có những người bằng gỗ lên núi phá rừng để xây cất chùa.

Đây là những nguyên do để nghiệm biết, chớ tự khinh mà lui sụt.

Những sự tích được dẫn chứng cốt làm cho chúng ta sáng tỏ rằng những người có địa vị ở thế gian như những nhà Nho làm quan, hoặc những vị tu tiên, những vị thần đều hướng về Phật pháp, hướng về thiền, huống là những người thường. Như vậy chúng ta thấy giá trị của người tu thiền hết sức cao quí chớ không phải tầm thường.


Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 05612
  • Online: 15