Sống không khoảng cách

24/03/2018 | Lượt xem: 3456

TT.Thích Thông Phương

I. THẾ GIAN VÔ THƯỜNG

Thế gian là tạm bợ, cuộc đời thật ngắn ngủi không chắc chắn, chúng ta luôn nhớ để sống với nhau không ngăn cách. Người đời không hiểu nên có những kiến chấp làm cuộc sống ngăn cách tạo thành cuộc sống khổ đau. Là người học theo pháp Phật biết rõ cuộc đời ngắn ngủi, không ai sống mãi ở thế gian để làm đối tượng ngăn cách.

Chúng sanh vì mê lầm cứ nghĩ là mình sống lâu ở đời, khi có chuyện liền chấp cứng thành ra sống cách biệt nhau, làm cuộc sống mất đi vui tươi. Sự thật không có ai sống lâu trên thế gian này để làm đối tượng ngăn cách, đó là ý nghĩa rất tế nhị, rõ ràng. Hiểu được điều này thì sẽ có cuộc sống nhẹ nhàng gần gũi với nhau hơn.

Người thế gian cứ nghĩ sống để tạo sự nghiệp này, sự nghiệp kia v.v…, nhưng có một điều mà tất cả đều quên, là cuộc sống đây rồi sẽ đi đến cái chết, có sinh ra là có tử, đó là chân lý muôn đời.

Hòa thượng Tôn sư có câu chuyện về con tàu kỳ diệu, con tàu chạy ra biển nhưng không có người lái, nếu ai ngồi trên tàu là không có quyền tự chủ, nó cứ đưa mình đi ra biển. Cuộc sống này cũng vậy, tất cả mọi người đều ngồi trên con tàu vô ngã này không tự chủ được, nó đưa đến đâu là đi đến đó. Có thể tàu đưa đến sớm thì tới mục tiêu sớm, đưa đến trễ thì tới mục tiêu trễ, không ai có quyền quyết định, mà mục tiêu đó là lao xuống biển, tức cái chết!

 Chúng ta sống gặp gỡ nhau cũng như người đi đường gặp nhau một chút rồi chia tay, vì hiện tại có mặt ở đây nhưng rồi sẽ chết, dù muốn hay không cũng không ai tránh khỏi chỗ đó. Ngài Hàn Sơn hóa thân của Bồ-tát Văn-thù, có một bài kệ nhắc nhở người đời:

Ta thấy người trên đời,

Sinh ra rồi chết đi.

Sáng qua còn quá trẻ,

Chí trai hào khí đầy.

Nay đây đã bảy chục,

Sức yếu hình ốm suy

Hoa xuân lại giống hệt,

Sớm nở tối tàn rồi.

Nguyên văn chữ Hán:

Ngã kiến thế gian nhân

Sinh nhi hoàn phục tử

Tạc triêu du nhị bát

Tráng khí hung khâm sĩ.

Như kim thất bát quá

Lực khốn hình tiều tụy

Khước tự xuân nhật hoa

Triêu khai dạ lạc nhĩ.

Ngài nói người trên đời có sinh ra rồi cũng chết đi, sáng qua thấy còn trai trẻ thanh xuân, hào khí đầy; nhưng hôm nay nhìn lại đã bảy mươi rồi, sức yếu hình ốm suy, hoặc giống như hoa ngày xuân, buổi sáng nở, tới tối đã rụng rồi. Nhìn theo con mắt pháp thì mấy chục năm qua giống như sáng hôm qua tới sáng hôm nay vậy thôi, có gì là chắc chắn lâu dài!

Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đức Phật hỏi các Tỳ-kheo:

- Đời người sống được bao lâu?

Một Tỳ-kheo đáp:

- Được vài ngày.

Phật nói:

- Ông chưa hiểu đạo.

Có Tỳ-kheo khác thưa:

- Đời người sống trong bữa ăn.

Phật bảo:

- Ông cũng chưa hiểu đạo.

Vị Tỳ-kheo khác thưa:

- Đời người sống trong hơi thở.

Phật chấp nhận:

- Đúng vậy! Ông mới thật hiểu đạo.

Dưới con mắt pháp, đời người rất ngắn ngủi chỉ trong hơi thở. Cho nên nói hôm qua còn trai trẻ, hôm nay đã già suy, là còn hơi lâu, đúng theo ý Phật là chỉ trong hơi thở. Thở ra không hít vào là chết.

Thí dụ từ Sài Gòn đi xuống Chánh Giác phải đi 100 km. Nhưng muốn qua 100 km phải qua từng km, từng mét, từng bước chân ráp lại, mới thành 100 km. Nếu không đi bước chân nào làm sao qua được 100 km!

Cũng vậy, đời người sống qua từng hơi thở rồi cộng lại thành bảy tám chục năm, nếu hơi thở không cộng lại là chết. Nhìn như vậy mới là nhìn chính xác, còn nhìn bảy tám chục năm là nhìn theo tướng thô bên ngoài nên chưa thấy chính xác.

Như vậy, chúng ta hiện có mặt với nhau đây, giống như đi đường gặp một chút rồi chia tay, có gì đâu phải sống ngăn cách. Gặp rồi chia tay mỗi người mỗi ngả, không biết là ai sẽ đi đâu! Như vậy mà tạo thành khoảng cách với nhau để làm gì?

Hiện tại, nếu chúng ta tạo sự ngăn cách với nhau để cuối cùng cũng gặp nhau là đều phải chết. Đây là nỗi khổ mà mỗi người học đạo cần nên nhớ, thường xuyên quán chiếu để cởi mở, xóa tan dần những đối đãi vô nghĩa với nhau. Bởi nó không giá trị, chỉ do lầm mê, cho nên chúng ta càng sống trong khoảng cách là càng sống trong đau khổ.

Câu chuyện hai huynh đệ có thành kiến với nhau cùng chăm sóc vị thầy. Một vị bóp chân phải, một vị bóp bên chân trái, cùng ngồi chung mà như xa vời. Một hôm, vị bóp chân trái có công tác đi vắng, vị bóp chân phải nghĩ trả đũa anh kia cho hả giận. Anh tìm cách lấy đá đập chân trái của thầy bị thương tích. Vị kia về thấy vậy tức giận đập chân phải của thầy luôn! Hai vị có thành kiến với nhau nhưng làm khổ lây cho thầy. Hai chân thầy có dính dáng gì đâu mà bị thương tích. Chúng ta thấy làm như vậy có vui sướng gì đâu chỉ khổ mình, khổ người, khổ lây cho ông thầy.

Thí dụ như trong gia đình, hai anh em thành kiến với nhau thì chính hai người đó khổ, rồi khổ lây cho gia đình, cha mẹ không vui. Việc làm như vậy chỉ làm tổn thương cho mình, cho người, không vui sướng gì, vậy tại sao chúng ta làm?

Chúng ta hiểu vậy để có cái nhìn sáng suốt hơn, tập bớt dần những kiến chấp. Mỗi người cần ghi nhớ điều này: “Ai ai rồi cũng phải chết”, không ai tồn tại hoài, còn có ai ở đây để ngăn cách, phiền trách nhau!

Đối với con mắt của nhà Phật, người ngu hay người trí là chỗ này. Sáng được điều này là trí tuệ, chưa sáng được điều này là si mê.

 

II. TẬP SỐNG VÔ NGÃ

Sở dĩ chúng ta sống ngăn cách với nhau đầu mối là vì cái TA này. Nếu không có nó thì lấy gì để ngăn cách? Đó là gốc của vấn đề, nên mỗi người phải biết quên cái TA ngăn cách. Bởi nó là cái TA ảo tưởng không phải thật. Nói theo Phật pháp, đó là cái TA vô minh lầm chấp, cái TA hư vọng điên đảo thôi.

Chấp vào cái TA này nên thấy nó quan trọng, phải bảo vệ nó, sợ nó bị tổn thương, thiệt thòi, sợ bị xúc phạm v.v... nên có sự ngăn cách với nhau. Song quán kỹ lại cái TA này là gì? Từ đâu mà thành? Cái đầu là mình hay mắt là mình hoặc miệng là mình hoặc tay chân là mình? Đều không thể được. Tổng hợp những thành phần đó lại tạm gọi là ta, nếu tách riêng các phần đó thì không có gì là ta.

Xét kỹ hơn, ban đầu gom của cha mẹ lại, sau đó gom đất, nước, gió, lửa, những chất cứng, chất ướt, hơi nóng, chất gió là chất động, là sắc thuộc về phần vật chất; thọ, tưởng, hành, thức, là phần tinh thần, hợp lại thành năm uẩn. Do cái vọng chấp rồi bám vào nó, ai đụng tới là không được, thành ra có sự ngăn cách. Hiện nay học đạo phải biết tường tận chỗ này, không thể nhắm mắt lờ qua. Cái “ta” chỉ là tổ hợp của năm uẩn hay gọi là gia đình năm anh em sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Năm anh em cộng với cha vô minh, mẹ tham ái thành ra gia đình năm uẩn, không có gì thật là ta, sao lại mặc tình ngăn cách nhau!

Đức Phật dạy đó là “cái ta điên đảo vọng tưởng”, không có thật. Nhưng mọi người bị nó gạt, không biết bao nhiêu người trên thế gian này mê nó! Trên thế giới này mấy tỉ người mà nó gạt chừng bao nhiêu tỉ? Nó gạt luôn cả những người sáng mắt. Đúng thật là:

Ta ơi là ta,

Mi ở đâu ra?

Mà làm điên đảo,

Khắp cõi Ta-bà.

Không biết nó ở đâu ra mà làm điên đảo hết những người trong cõi Ta-bà. Trong kinh Pháp Cú, Phật dạy:

Thành này làm bằng xương

Quét tô bằng máu thịt.

Ở đây già và chết

Mạn, lừa đảo chất chứa.

Đây tạm ví dụ thân này là cái thành. Thành này làm bằng xương, quét tô bằng máu thịt, rồi dần dần đưa đến già chết. Mạn, lừa đảo chất chứa, trong đây chất chứa những thứ mạn, những thứ lừa đảo, vì nó mà thêm lớn cái ngã hư dối. Người học đạo cần phải có trí tuệ quán chiếu thấu rõ cái lầm mê điên đảo này. Quán kỹ về năm uẩn:

- Sắc thân này trước khi thọ thai thì nó chưa có, sau khi chết đem thiêu thành tro. Như vậy, trước khi thọ thai thì chưa có, sau khi chết cũng như không, khoảng giữa là tạm có nhưng luôn biến đổi không dừng, nay trẻ mai già, hoặc bệnh hoạn, luôn thay đổi không cố định, vậy bám vào đâu? Sắc thân này là không chỗ bám.

- Thọ là những cảm giác, cảm thọ, đối cảnh mới có. Mắt tiếp xúc với sắc trần, tai xúc với thanh trần v.v... mới có thọ. Thọ chỉ tạm có khi xúc với trần, khi ngưng tiếp xúc là hết cảm thọ.

- Tưởng là duyên với cảnh hoặc là quá khứ, hiện tại, vị lai để tưởng, cũng là vọng thôi. Nếu không có cảnh để duyên thì tưởng cái gì? Cũng không tưởng gì được, không có chỗ thật để nương gá.

- Hành là những niệm sinh diệt vi tế không dừng, cũng đâu có gì gọi là ta.

- Thức là phân biệt, tích chứa những thứ hư dối, những chủng tử, ngoại cảnh để làm thành cái biết phân biệt, khi trả hết những thứ đó rồi cũng thành không.

Như vậy trong những thứ đó, lấy cái gì gọi là “ta” để ngăn cách với nhau? Trong khi đó chỉ là những vọng tưởng không thật làm ngăn ngại.

Phải có cái nhìn đúng pháp, ngược lại với tình mê, thường thắp sáng lên chánh pháp, đem chánh pháp soi sáng lại thế gian. Đó là con đường của bậc trí, là chỗ gặp nhau trong ánh sáng. Trái lại sống theo tình mê là bỏ mất chánh pháp.

Nếu bỏ chánh pháp theo tình mê là sống theo tối tăm, vô minh che phủ, do đó tạo thành ngăn cách. Sống ngăn cách là sự sống bị chia chẻ, nhạt nhẽo mất ý nghĩa sự sống. Tự mình biến sự sống thành sự chết thì khổ đau trước mắt, tại sao chúng ta phải làm như vậy?

Là người học đạo, chúng ta phải khéo cho cuộc đời thêm niềm tin, sống gần gũi nhau, như vậy cuộc đời sẽ tươi sáng vui hơn. Trong kinh Pháp Cú có bài kệ:

Người siêng năng cần mẫn

Thường thường quán thân niệm.

Không làm việc không đáng

Gắng làm việc đáng làm.

Người tu niệm giác tỉnh

Lậu hoặc được tiêu trừ.

Phật dạy: Người thường siêng năng cần mẫn, quán thân người để cởi mở những tình mê về nó. Biết bản chất thật của nó là tổ hợp nên phải thường tu niệm giác tỉnh. Giác tỉnh là hướng theo chánh pháp, biết việc đáng làm, không đi theo tình mê. Vì tình mê dẫn chúng ta vào trong khổ đau rồi sống ngăn cách, đó là việc không đáng làm.

Cố gắng làm những việc đáng làm là sống đúng chánh pháp. Còn thế gian ngược lại không đáng làm mà làm, đáng làm lại không chịu làm, rồi phải chịu buồn khổ, than thở, cầu cứu, nhưng ai cứu được mình đây?

Chúng ta tập chuyển cách sống hướng theo chánh pháp, dần dần tiêu trừ mê lầm, phiền não được tiêu mòn, thì bảo đảm hết đau khổ, ngược lại là tự đưa mình vào chỗ tối tăm, đau khổ, chứ không phải ai đem đến cho mình. Trong kinh Pháp Cú, Phật dạy:

Vui thay chúng ta sống,

Không bệnh giữa ốm đau.

Giữa những người bệnh hoạn,

Ta sống không ốm đau.

Vui vì được sống không bệnh hoạn giữa những người bệnh hoạn. Ngược lại, giữa những người bệnh hoạn, mình cũng bệnh hoạn giống họ thì có vui gì?

Những người thế gian đang sống trong bệnh hoạn, đau khổ, phiền não, mỗi ngày càng làm tiêu mòn đời sống của mình. Phật dạy người học Phật phải sống giữa những người bệnh hoạn mà mình sống không bệnh hoạn, sống lành mạnh mới là thật vui.

Phải tập quán chiếu để quên đi sự ngăn cách giữa mình với người, cho có sự gần gũi mà cùng hướng về ánh sáng của chánh pháp. Trong phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh, Bồ-tát Tịch Thiên nhắc nhở mọi người tập quán chiếu: “Đối với tinh huyết của người khác, vốn không phải thân tôi, mà vì tập quán, tôi đã xem sự kết tụ tinh huyết ấy là tôi. Vậy sao thân người khác, tôi không thể xem là mình! Do vậy, đem đổi thân mình thành thân người cũng không khó lắm”.

Quán kỹ như vậy sẽ sống gần gũi với nhau lắm. Ngài nói tinh huyết của người khác vốn không phải thân tôi, mà vì những thói quen mê lầm lâu đời, tôi xem sự kết tụ những tinh huyết ấy là tôi, nhận đó là thân tôi. Nghĩa là tinh huyết của cha mẹ không phải là mình, mà mình vẫn xem là mình được. Vậy thân của người khác cũng không phải là mình, tại sao mình không xem là mình được? Ngài nói nếu theo đó mà quán đổi thân mình với thân người khác cũng không khó lắm.

Với cách nhìn đó, chúng ta sẽ bớt những khoảng cách với nhau. Càng sống gần với nhau, đem lại an lạc cho mình cho người và thế giới hòa bình. Phật pháp dạy chúng ta đi từ căn bản, mọi người tự gạn lọc nội tâm mình cho tốt, lành mạnh, sẽ tỏa ra chung quanh. Tâm thanh bình tỏa ra bên ngoài cũng thanh bình, bảo đảm thế gian cũng thanh bình.

Nếu trong tâm còn nhiều bệnh hoạn sẽ ảnh hưởng bên ngoài, làm sao thanh bình được! Nếu người cả thế giới này, nội tâm đều được thanh bình trong sáng thì cõi này sẽ chuyển thành cõi Tịnh độ.

 

III. TÓM KẾT

Cuộc sống ngăn cách là cuộc sống vô nghĩa, sống cũng như chết. Chúng ta nên tập xóa tan bớt những khoảng cách, để cuộc sống được an vui đầy ý nghĩa. Mọi người sống đây có rất nhiều điểm đồng nhau nhưng lại bỏ quên.

- Thứ nhất, mọi người ai rồi cũng đi đến cái chết, dù là bạn hay thù, cuối cùng ai cũng chết như nhau.

- Thứ hai, ai cũng muốn an vui không ai muốn đau khổ, đó là điểm gặp nhau.

- Thứ ba, dù là nam hay nữ hoặc là sang hay hèn, ngu hay trí v.v…, nhưng cùng mang thân năm uẩn như nhau là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Điểm đồng nhau là cùng một tổ hợp năm uẩn.

- Thứ tư, cùng ở trong nhà lửa tam giới đang bị thiêu đốt. Dù người thế này thế kia, thân sơ, thù hận gì thì cũng bị lửa vô thường thiêu đốt, không ai ra khỏi, tức đều bị lửa vô thường thiêu đốt như nhau.

- Thứ năm, cùng sống trong vô minh lâu đời như nhau. Dù sang hèn hay ngu trí, thân thù gì thì ở trong đây đồng là sống trong vô minh. Nếu không sống trong vô minh lâu đời thì đã giải thoát không còn ở đây.

Chúng ta phải thấy được những điểm đồng nhau này mà cởi mở bớt những ngăn cách. Sống với tâm không biên giới sẽ gần gũi nhau hơn.

Đã có rất nhiều điểm giống nhau, tại sao chúng ta không thường gặp nhau để mang đến cho cuộc sống nhiều tốt đẹp hơn. Mong rằng đây là bài học căn bản cho tất cả để có một cái nhìn thông suốt, rộng rãi hơn, mỗi ngày mình gặp nhau vui vẻ hơn và có thêm nhiều bạn bè hơn.

Cuộc sống có nhiều bạn thì càng vui, còn ngăn cách là ít bạn thêm thù, tăng khổ đau. Nếu bước ra đường gặp bạn bè thì bắt tay chào vui vẻ, nếu ra đường gặp kẻ thù thì mặt mày cau có. Con đường hạnh phúc hay khổ đau là ngay trước mắt đó thôi.

Mong rằng mỗi người học kỹ bài học này để sống xóa tan khoảng cách với nhau mà cùng gặp nhau trong niềm vui với chánh pháp.

***

 

 

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 98744
  • Online: 17