Sương mù non cao

28/11/2019 | Lượt xem: 2283

HT.Thích Như Phước Tú

Trên núi cao, một sáng đầy sương mù. Qua mù sương dầy đặc, tôi chợt thấy Pháp Phật Đà: TỨ ĐẾ - BÁT NHÃ – THIỀN hòa quyện trong nhau.

Rõ ràng ba pháp này không ngoài nhau, và TỨ ĐẾ như bà mẹ và BÁT NHÃ, THIỀN thì như con. Một bà mẹ hai con cùng chung nhau một than cùng là một dòng máu dù hình hài tuy có khác, nhưng vẫn là máu thịt đó, vẫn là thân xác ấy.

 

Tôi thấy rõ, ba pháp đang xoay tròn trong nhau, đang mơn man, đang khiêu vũ cùng nhau. Ôi tuyệt diệu! Tuyệt vời! Thật tuyệt vời.

Tôi vội lấy giấy mực viết lên, ghi lại đôi nét tuyệt vời này. Thế rồi mặt trời ưng ưng đỏ, nhâm nhi giọt sương hồng, hoa vườn nở đầy bông chực chờ đơm bông kết trái.

Tôi nhâm nhi chung trà

Nhè nhẹ sương hồng bay bay

Vầng triều dương lan tỏa

Bình minh. Ôi! Bình minh tuyệt vời!

Sương mù tan sạch

Trời không trong vắt.

Mùa Vu Lan PL.2563 – DL.2019

 

TỨ ĐẾ - BÁT NHÃ – THIỀN

Ba pháp quan trọng: TỨ ĐẾ - BÁT NHÃ – THIỀN trong pháp Phật có tương quan mật thiết, có chỏi phá nhau không?

Chỏi phá, xin trả lời thẳng gọn là: không!

Ba pháp: TỨ ĐẾ, BÁT NHÃ, THIỀN không chỏi phá nhau.

Tương quan mật thiết:

Ba pháp TỨ ĐẾ, BÁT NHÃ, THIỀN tương quan mật thiết.

 

 

Cả ba pháp này có thể nói: tuy ba mà một.

 

Ba pháp TỨ ĐẾ, BÁT NHÃ, THIỀN có khác và có đồng. Mục tiêu không hai, chỉ là một.

A.KHÁC NHAU:

I.VỀ DANH TỪ:

1-Chữ:

Trên danh từ thì ba pháp này hoàn toàn khác nhau.

TỨ ĐẾ khác với BÁT NHÃ và THIỀN.

BÁT NHÃ khác với THIỀN và TỨ ĐẾ.

Ba từ này chữ viết khác nhau.

2-Nghĩa:

Nghĩa của ba từ này cũng khác nhau:

TỨ ĐẾ: Bốn(4) chắc thật. Bốn điều đúng đắn, là bốn sự thật, lẽ thật không sai trật. Đó là bốn chân lý.

BÁT NHÃ: Là tiếng Phạn (Sancrit) có nguyên ngữ là PRAJNA và có nghĩa là Trí hay Huệ hay Trí Huệ.

THIỀN: cũng là tiếng Phạn( Thiền-Na hay Dhyana) được phát tâm tùy theo n uwowcsc.

Việt Nam xưa phát âm là Chiền. Ngày nay phát âm là Thiền. Có dạo được viết có “g” (Thiềng) hay được phát âm là “Thoòng” hoặc là “Thuyền”.

Người Trung Hoa phát âm là “Chan”

Người Nhật phát âm là: “Zen”

Người Khmer phát âm là: Thiếp hay A-Chá (pali) – hay Chiền (giống với chữ Chiền của Việt Nam xưa là Chiền Tự theo chữ Hán và dịch ra tiếng Việt là Chùa Chiền)

THIỀN có nghĩa là Tĩnh Lự hay là Định.

Như vậy về chữ nghĩa thì ba từ TỨ ĐẾ, BÁT NHÃ và THIỀN không giống nhau – khác  nhau.

 

II. HÌNH THỨC TRÌNH BẦY DIỄN ĐẠT:

Về hình thức trình bày diễn đạt của ba pháp này cũng không giống nhau.

1-TỨ ĐẾ: Hình thức trình bày sáng sủa có thứ lớp, chia ra làm bốn mục rõ ràng.

1.KHỔ ĐẾ: Hình thức trình bày sáng sủa có thứ lớp, chia ra làm bốn mục rõ ràng:

I.Khổ đế: Sinh, già, bệnh, chết, thương, ghét, cầu muốn, ngũ ấm xí thạnh (8 khổ).

2.TẬP ĐẾ: Tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến (10 món)

3. DIỆT ĐẾ: Tịch diệt – Cõi Niết Bàn.

4.ĐẠO ĐẾ: Tứ niệm xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như ý túc,Ngũ căn, ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát Chánh đạo.

 

 2 – BÁT NHÃ: là bài kinh: Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh.

Toàn bài là 260 chữ trình bày theo thể văn kệ.

3-THIỀN: Pháp THIỀN ở đây là pháp THIỀN được bắt đầu từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền cho Tổ Ca Diếp và lần đến Tổ BỒ ĐỀ ĐẠT MA và cho đến Đức Lục Tổ HUỆ NĂNG.

Dòng THIỀN này lại truyền tới Tổ Lâm Tế là Tổ thứ 38, rồi dòng THIỀN này lại truyền tiếp tục đến Tổ thứ 70 ở Trung Hoa. Tổ 70 là Tổ Hoán Bích Thụ Tông (Nguyên Thiều – Siêu  Bạch) lại truyền sang Việt Nam, đến Hội An – Quảng Nam lại nảy ra dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh. Dòng Thiền này lại truyền vào Việt Nam do Tổ Khánh  Anh đời thứ 77, đến đời Tổ Thiện Hoa ( hiệu Hoàn Tuyên) đời thứ 78 và tiếp đến HT.Thích Thanh Từ đời thứ 79 ( đầu thế kỷ 21). Dòng THIỀN này được gọi  là THIỀN Tổ Sư.

Đây là lối THIỀN: DĨ TÂM ẤN TÂM. Bằng “TÂM in qua TÂM”. Không nhờ chữ nghĩa văn tự. Đây là lối pháp THIỀN “Giáo ngoại biệt truyền” là lối THIỀN được truyền riêng ngoài kinh giáo, ngoài chữ nghĩa, không lập chữ văn, là loại THIỀN :

Bất lập văn tự

Giáo ngoại biệt truyền

Trực chỉ nhân TÂM

Kiến TÁNH thành Phật.

Đây được gọi là THIỀN KIẾN TÁNH.

Như vậy về hình thức diễn đạt trình bày của ba pháp TỨ ĐẾ, BÁT NHÃ và THIỀN rõ ràng là không giống nhau.

Chẳng những không giống nhau mà còn có vẻ chỏi nhau, rất riêng, rất  khác ở mặt trình bày diễn đạt (THIỀN thì không văn chữ - BÁT NHÃ thì có văn chữ - TỨ ĐẾ thì có pháp số rõ ràng).

B-GIỐNG NHAU:

Ba pháp TỨ ĐẾ - BÁT NHÃ – THIỀN giống nhau trên Pháp lý – Pháp tu – Pháp hành và Mục tiêu.

Giống nhau từ Nhân đến Quả.

I.PHÁP LÝ:

1. TỨ ĐẾ: (4 chắc  thật)

Pháp lý TỨ ĐẾ là phương pháp giải khổ, gồm bốn mục:

1/Khổ đế

2/Tập đế

3/Diệt đế

4/Đạo đế

Bốn mục này mục nào cũng là chân thật, là đúng đắn 100%. Đây không chỉ là đúng với đạo Phật mà là đúng với tất cả con người trong xã hội từ xưa đến nay. Không chỉ đúng với con người thôi mà còn đúng với con vật, con ma, con quỷ, Thần, Tiên. Tức là đúng với loài chúng sinh hữu tình (loài động vật).

Đế: Chắc thật đúng đắn.

Bốn mục này được trình bày tuần tự:

 

1.1/ KHỔ ĐẾ:

Khổ là chắc thật. Đời người có cái khổ là sự thật 100%, cái khổ này được điểm qua 8 thứ:

Sanh, Già, Bệnh, Chết ( 4 khổ căn bản) trên thân xác

Thương, Ghét, Cầu muốn ( 3 khổ tinh thần)

Ngũ ấm xí thạnh ( Năm ấm nóng  cháy)

 

1.2/TẬP ĐẾ:

(Tập: nguyên nhân nhóm họp)

Những nguyên nhân nhóm họp để gây nên khổ là chắc thật đúng đắn 100%. Những nguyên nhân này gồm 10 món như sau:

THAM – SÂN – SI – MẠN – NGHI – THÂN KIẾN – BIÊN KIẾN – KIẾN THỦ - GIỚI CẤM THỦ - TÀ KIẾN.

a – THAM:Tham lam, ham hố, ham muốn, tham cầu, chấp bám, dính mắc. Tham có nhiều thứ, vô số. Tuy nhiên có thể điểm qua những thứ tham chính và căn bản đó là:

*THAM (thô): Tài – Sắc – Danh – Thực – Thùy.

Tài: Của cải vật chất.

Sắc: Người nam, người nữ.

Danh: Tiếng tăm, danh vị, địa vị.

Thực: Ăn, uống.

Thùy: Ngủ nghỉ.

( Đây là 5 món tham thô, dễ thấy, dễ nhận ra, dễ bỏ).

 

*THAM (tế): Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc.

Sắc: Tất cả những gì đối với mắt (cảnh sắc)

Thinh: Tất cả những gì đối với tai (tiếng).

Hương:Tất cả những gì đối với mũi (mùi)

Vị: Tất cả những gì đối với lưỡi (vị)

Xúc: Tất cả những gì đối với da thịt (xúc cảm).

(Đây là 5 món tham khó thấy, khó nhận, khó bỏ, khó  buông.

 

*THAM VỌNG:

Là tham chấp vọng tình, vọng tưởng. Tham chấp Niệm khởi, niệm sinh.

 

b- SÂN:

Nóng, giận, quạu, bực bội, tức tối v.v…

 

c-SI: Ngu muội, tối tăm, thấy sai, hiểu lầm, hiểu không đúng sự thật, mê muội, mù quáng v.v

 

d-MẠN ( Ngã mạn): Cống cao ngã mạn, coi  mình là trọng, là hơn người, không ai bằng mình, phách lối ta đây. Dưới mắt mình không người, khinh thường thiên hạ v.v…

 

e – NGHI: Ngờ vực, không niềm tin. Một tình trạng hoang mang không xác quyết, ngờ ngợ. Nghi ngờ chân lý.

 

f- THÂN KIẾN: Thấy sai, thấy lầm về thân xác mình. Thân  mình  là giả mà thấy là thật. Thân là tứ đại (Đất – Nước – Gió – Lửa) mà thấy là ta.

 

g - BIÊN KIẾN: Cái  thấy chấp một bên, một chiều, một góc  cạnh, góc độ, một phía, một mặt.

Thấy không hết vấn đề, thấy không toàn diện. Thấy chưa đúng, thấy nghiêng lệch. Thấy chưa đúng so với sự thật.

 

h – KIẾN  THỦ: Cái chấp theo ý của mình. Chấp ý mình là đúng nhất không ai đúng  bằng. Ý kiến ta là nhất trên đời, ý ta là tuyệt đối. Ý ta là Trời là Thánh là Thần là siêu nhất, hay nhất, tuyệt nhất v.v…Nhưng so với lý thật, sự thật vẫn chưa đúng.

 

i – GIỚI CẤM THỦ: Chấp vào những giới cấm sai lầm.  Giới cấm tầm bậy mà vẫn chấp. Cố tuân giữ. Như chấp vào giới “Giết người được mau lên Thiên đàng” rồi giết người thiệt, và coi đó như là giữ giới.

Giới mà không phù hợp với chân lý, sự thật mà cố giữ lấy.

 

k – TÀ KIẾN:

 

Cái thấy chấp sai lầm.  Cái thấy chấp sai chân lý, sai sự thật. Là thứ mê tín hoang đường. Cái chấp này có hai thứ sai lầm nặng: chấp Đoạn, chấp Thường. Chấp Đoạn tức là chấp Chết là hết, không còn  gì nữa; như con người chết, con vật chết thì mất, không còn gì nữa, không có kiếp sau cũng không có đời sau, tức là không có luân hồi. Chấp Thường tức là chấp rằng con người sau khi chết thành con người khác và mãi mãi con người là con người, con  chó là con  chó không có sự thay đổi.

10 nguyên nhân này có ở con người, đã khiến con người khổ. Đúng là sự thật, lẽ thật.

 

1.3/ DIỆT ĐẾ

Cõi vắng  lặng không  khổ đau ở con người là chắc thật, là đúng đắn chính xác 100%.

Bất cứ một chúng sanh nào hễ có “cái khổ” 100% thì cũng có cõi không khổ đúng  như thật 100%. “Cái khổ” như cái bệnh trên thân xác. Còn cái không khổ như sự lành mạnh trên thân xác. Sự “lành mạnh: được hiểu là “Diệt Đế”.

Diệt – cõi vắng lặng là sự thật. Đây là cõi không khổ không sầu, là cõi an vui, an vui trọn vẹn được gọi là Niết Bàn, là Tự Tánh, là Vô Vi, là Tịch Diệt (theo Kinh Hoa Nghiêm) v.v…Đây là cõi thật nhất ở một chúng sanh. Là cõi TÂM mầu diệu là TÂM Bản Thể là CHƠN TÂM, là PHẬT TÁNH. Là Thể TÁNH chon thật, bất sinh bất diệt, không bao giờ hư hoại, vô thường mà lại là Chơn Thường – Thường trụ bất biến. Dù thân xác nát tan, trời sập đất lở. Cõi Tịch Diệt vẫn là Tịch Diệt, đó chính là “Diệt Đế”.

 

1.4/ĐẠO ĐẾ

Đạo là con đường, là đường lối phương tiện dứt trừ nguyên nhân khổ (Tập đế) để đoạn tận khổ đau (Khổ đế) mà chứng nhập cõi Niết Bàn an vui giải thoát (Diệt đế). Đây cũng là đúng đắn, là sự thật 100%.

Đạo đế vì vậy được xem như là “bí quyết” thực hành giải trừ khổ đau. Đạo đế gồm có 7 nhóm, gồm 37 món. Trong đây gồm có Pháp tu và pháp thực hành gọi là pháp tu Pháp tu gọi là Pháp hành.

*PHÁP TU: (một nhóm)

- TỨ NIỆM XỨ:

Bốn pháp quán luôn nhớ, nhằm giải trừ 4 chấp chặt từ vô thỉ đến nay khiến cho có Tập đế và Khổ đế. Đó là “cái chấp” vào 4 chỗ (Tứ xứ).

+ Thân ( Chấp vào thân xác thịt ).

+ Thọ ( Chấp vào cảm giác ở thân xác )

+ Tâm ( Chấp vào tâm ý nghĩ )

+ Pháp ( Chấp vào muôn thứ vật chất của cải ).

 

PHÁP HÀNH: (6 nhóm).

TỨ CHÁNH CẦN: Bỏ ác, ngừa ác, khởi thiện, tăng thiện. 

TỨ NHƯ Ý TÚC: Dục, tinh tấn, Nhất tâm, Quán 

NGŨ CĂN: Tín căn, Tấn căn, Niệm Căn, Định lực, Tuệ Lực

NGŨ LỰC: Tín lực, Tấn lực, Niệm lực, Định lực, Huệ lực.

THẤT BỒ ĐỀ PHẦN: Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Niệm, Định, Xả).

BÁT CHÁNH ĐẠO: 8 CHÁNH ( Kiến, Tư duy, Ngữ, Mạng, Tinh Tấn, Niệm, Định).

 

6 nhóm này là phương pháp, cách để thực hiện Tứ Niệm Xứ cho thật tốt. 6 nhóm này vì vậy là bổ trợ cho pháp tu (Tứ Niệm Xứ) được hoàn hảo hơn, có kết quả trọn vẹn hơn, được thành công.

Tứ Niệm Xứ như là 4 thứ thuốc (Thân, Thọ, Tâm, Pháp), còn 6 nhóm này như là cách dùng thuốc. “Thuốc thì mới trị bệnh, còn “cách dung” thuốc thì không phải là trị bệnh. Nhưng nếu không biết cách dùng thuốc thì bệnh cũng khó hết.

Sự tương quan giữa Pháp Tu (Tứ Niệm Xứ) và Pháp hành (6 nhóm) là như vậy.

 

PHÁP TỨ ĐẾ: được Đức Phật chứng khi Ngài thành Đạo và khi truyền Đạo Ngài đã nói pháp này đầu tiên tại Vườn Nai cho 5 anh em ông Kiều Trần Như. Cho đến trong suốt đời, Đức Phật cũng từ pháp này mà chỉ dạy cho người, khiến biết bao người được giác ngộ thoát khổ. Cả cho đến trước khi chết Ngài cũng xác định lại pháp này: TỨ ĐẾ là chánh pháp.

Pháp này đúng đắn, thiết yếu như vậy nên được gọi là chánh pháp.

Pháp này đưa đến quả Thánh nên có tên là: Tứ Thánh Đế.

Ngoài ra Pháp TỨ ĐẾ còn được người Đại Thừa, Phật Giáo Bắc Tông gọi là “Diệu” là mầu nhiệm sâu xa, hay ho vô cùng, vì giác ngộ pháp này là giải thoát khổ sanh tử, nên có tên là TỨ DIỆU ĐẾ (Chữ “Diệu” xác định ý nghĩa thâm sâu, mầu nhiệm vô cùng).

Nhưng rất tiếc, Pháp này lại bị một số người Đại Thừa (Bắc Tông) cho là Tiểu thừa. Đây có ý cho pháp này là nhỏ, là thường thôi, không có giá trị lớn, là pháp của hàng Thanh Văn, không phải là pháp để thành Bồ Tát, Phật.

Cũng rất tiếc đã có nhiều người chưa hiểu đến chỗ gọi là :”Diệu” của TỨ ĐẾ, nên ứng dụng tu chưa thật tốt, có khi lại lầm cả pháp, khiến cho giá trị không cao, không phát huy hết tiềm năng của pháp.

 

KẾT LUẬN: Pháp TỨ ĐẾ là pháp cực hay. Đây là Pháp có lối trình bày trên hình thức rất sáng tỏ, rất khoa học, có đường lối rõ ràng, đủ Nhân đủ Quả. Nội dung thì cụ thể lại xác thật, sâu sắc vô cùng. TỨ DIỆU ĐẾ là pháp để thành công trùm cả hai mặt Đời và Đạo. TỨ ĐẾ nhằm giải thoát khổ đau khỏi thân phận làm người khỏi Sanh, Già, Bệnh, Chết. Đây là pháp đầy đủ pháp lý, pháp tu, pháp hành, có phương pháp cụ thể không hề mơ hồ.

Đây là Pháp đưa đến thành Thánh, thành Phật vậy.

 

***

 

2-BÁT NHÃ:

 

Pháp BÁT NHÃ được nói từ bài Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh tức là bài kinh được bắt đầu từ: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách…”

Bài Kinh gồm 260 chữ.

Bài Kinh đã nói lên về:

TRÍ HUỆ SIÊU VIỆT đến bờ kia (Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa).

TRÍ HUỆ SIÊU VIỆT này qua được khổ đau, như khi Đức Bồ Tát Quán Tự Tại thực hành sâu xa nhuần nhuyễn pháp này rồi thì qua tất cả nạn khổ.

TRÍ HUỆ SIÊU VIỆT (Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa) được trong kinh diễn gọn bằng chữ KHÔNG.(Viết Hoa).

KHÔNG là  TÁNH là  TÂM (Tâm Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa). KHÔNG này là Tánh thật của 5 uẩn.

( 5 uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức)

5 uẩn (ngũ uẩn) là chỉ cho tấm thân gồm cả hai phần: thân xác và tinh thần.

Thân xác:

+ Sắc: Thân xác thịt

+ Thọ: cảm giác ở mắt, tai , mũi, lưỡi, da thịt.

Tinh thần:

+ Tưởng: Tư tưởng, ý nghĩ, niệm.

+ Hành: Sự chuyển vận của ý nghĩ, của Niệm

+Thức: Sự phân biệt của ý thức theo niệm khởi.

5 uẩn tuy có nhưng KHÔNG mới là Tánh của chúng.

KHÔNG như  bọt nước.

5 uẩn như hòn bọt có hình ngôi sao 5 cánh (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức).

Hòn bọt có sinh, có diệt, có còn, có mất. Nhưng nước thì vẫn thường có, thường còn, không mất và do có nước hông mất nên có ra bọt này bọt kia, bọt ngôi sao lớn, nhỏ, tròn, méo v.v…

KHÔNG là tánh thật của 5 uẩn cũng như vậy. Do từ KHÔNG mới có ra con người, con vật, Thần, Tiên, ma, quỷ.

Thế nên con người, con vật, Thần, Tiên, ma quỷ nào cũng có Tánh KHÔNG.

Và khi người, vật, ma quỷ, Thần, Tiên chết đi nhưng Tánh KHÔNG đó vẫn còn, hông mất chẳng tan hoại, như bọt tan mà nước hông mất vẫn tồn tại (Thân vì vậy là Giả, còn KHÔNG mới là Thật)

Thế nên:

Tánh thật của 5 uẩn chẳng khác KHÔNG và KHÔNG này chẳng khác Tánh thật của 5 uẩn.

Cho nên:

Tánh thật của 5 uẩn tức là KHÔNG và KHÔNG tức là Tánh thật của 5 uẩn.

Theo văn kinh thì:

“Sắc bất dị Không

Không bất dị sắc

Sắc tức thị Không

Không tức thị sắc

Thọ, Tưởng, Hành, Thức

Diệc phục như thị”

Cái KHÔNG này vốn là:

Chẳng sanh – Chẳng diệt

Chẳng Dơ – Chẳng sạch

Chẳng Thêm – Chẳng bớt…

 

“Nó” vốn là hông có các cặp đối đãi trong đó. Vì KHÔNG vốn là rỗng rang và không trống, vốn là Lặng – Trong và Trong-Lặng, Bằng bặc.

KHÔNG này là TÂM Thể là TÁNH Thể có từ thưở nào, có trước khi tấm thân xác thịt có. Và nó vẫn không từ đâu lại hông đi về đâu. Vì nó trùm cả hư không. Nó  hông sinh, hông  già, hông bệnh, hông chết.

KHÔNG này như thế nên dứt bặt ngữ ngôn, nói hông đến được. Nó hông danh từ, hông động từ, hông tính từ, hông trạng từ v.v…hông gì có thể được.

Cái KHÔNG này vì thế hông có một vật nào trong Nó cả. Hông không gian và hông cả thời gian.

Hông cõi nước, hông cảnh giới, hông ngày đêm.

Hông pháp thế gian và hông luôn cả pháp xuất thế gian. Đạo lý Phật Đà hông luôn trong ấy.

KHÔNG này, xưa nay vốn hông một vật.

Hông Người, hông vật, hông Phật, hông Ma, hông Trời Thần, hông Nam-Nữ, hông giới tính…

Tánh KHÔNG này bằng bặc hông khổ đau, vì nó vốn hông thân xác, hông 5 uẩn.

KHÔNG này vì thế là cõi Tâm linh siêu việt nhất.Một cõi Tâm hoàn toàn không niềm đau và nỗi khổ. Từ cõi tâm KHÔNG này sống với đời thì giải thoát khỏi mọi ràng buộc, tự tại với Thân, Thọ, Tâm, Pháp, với đời, mà còn làm lợi ích cho người, cứu khổ cho người đời khỏi khổ bởi thân phận làm con người và kể cả chúng sanh.

Người sống được như vậy là con người có đầy đủ Trí Huệ và Từ  Bi. Đó chính là sống trọn vẹn bằng năng lực: Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, là Trí Huệ siêu việt đến bờ kia, người thành tựu nguồn năng lực này chính là thành Phật vậy.

Từ năng lực này mà tiêu giải khắp bốn chỗ: Thân, Thọ, Tâm, Pháp và Thân, Thọ, Tâm, Pháp trở thành KHÔNG.

 

KẾT LUẬN

Thế  là Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa là Kinh giúp người Giác Ngộ Tự Nguồn TÂM và Bổn TÁNH (KHÔNG) để được giải thoát, để được Tự Tại ngay trong tấm thân làm người hết khổ đau được thành Chánh đẳng, Chánh giác tức thành Phật. Và như thế chính BÁT NHÃ đã làm sáng lên Diệt Đế (Tứ Đế) mở lối để vào cõi Niết Bàn.

“Hành thâm Bát Nhã’ tức thâm nhập Diệt Đế vậy.

Vậy BÁT NHÃ và TỨ ĐẾ  tuy hai mà một.

 

3 – THIỀN:

 

THIỀN hay Pháp THIỀN là một đường lối giải quyết khổ sanh tử. Một đường lối lấy nguồn TÂM, bổn TÁNH làm gốc để giải quyết khổ đau.

THIỀN chú trọng xoáy sâu vào cõi TÂM bổn thể, vào Tự TÁNH

TÂM và TÁNH là chỗ nhắm của Pháp THIỀN của đạo THIỀN, đường lối THIỀN.

Trực chỉ nhân TÂM

Kiến TÁNH thành Phật.

(Chữ TÂM ở đây hãy hiểu chữ viết hoa(TÂM) là danh từ riêng. Chỉ cho cái TÂM chơn thật. Chứ không phải là cái Tâm giả. Là cái TÂM bản thể chứ không phải là cái Tâm hiện tượng. Đây là thứ TÂM hông có Tham, Sân, Si trong đó, chứ hông phải là thứ Tâm đầy Tham, Sân, Si. Là thứ TÂM hông nghiệp chứ hông phải là thứ Tâm Nghiệp chướng – TÂM ở đây chính là Diệu TÂM, là TÂM Phật, TÂM Như Lai. TÂM = Phật).

Pháp THIỀN vì thế có thể nói là Pháp TÂM. (Chữ “THIỀN” ở đây trở nên linh thiêng hơn, không còn có nghĩa trên tự điển, trên nghĩa lý như một phương tiện, một đường lối nữa)

Pháp THIỀN nhằm chỉ cho người thấy được TÁNH, thấy ra TÁNH, gọi là “Ngộ” TÁNH. (TÁNH: Cái thật không thay đổi. TÁNH có nghĩa là Nền. Một cái nền chân thật không thay không đổi, như nền giấy trắng, nền trời. TÁNH là cái thể chân thật ở nơi chúng sanh. Từ đây mà có ra các thứ, đó là “Mặt mũi chân thật của chính mình” khuôn mặt tốt đẹp nhất không sinh, già, bệnh, chết, không khổ đau).

Và khi đã ngộ TÁNH rồi thì đây là “Nhân” để thành Phật (Phật chính  là Quả).

Phật là Quả, nên Nhân “TÁNH” này chính  là Nhân “TÁNH Phật” vậy.

“Nhận ra”, “hay ra” TÁNH PHẬT tức là Ngộ TÁNH PHẬT. Ngộ TÁNH PHẬT là Nhân. Nên sẽ thành Phật là Quả, là điều đương nhiên phải vậy.

Ngộ TÁNH PHẬT: thì đó chính là GIÁC. Giác là đời sống tỏa sáng rỗng rang, hông mê muội, hông vọng tưởng, hông vọng tình, hông  Niệm.

Đây là một TÂM mầu sáng ròng rặc. Trong đây hông Tham, hông Sân, Si…hông Ngã, hông Nhân, hông Chúng sanh, hông Thọ giả, Hông Ngã và Ngã sở cảnh giới như vậy gọi là THIỀN.

Đây chính  là THIỀN TÂM hay TÂM THIỀN. Và THIỀN=TÂM=ĐẠO.

Và đây chính là con mắt chánh Pháp, là Diệu TÂM, là cõi Niết Bàn. Tướng thực của cảnh giới này là Vô Tướng.

Ấy là:

“Chánh pháp nhãn tạng Niết Bàn Diệu TÂM Thực Tướng Vô Tướng”.

Nên rồi: THIỀN=TÂM=ĐẠO=PHÁP.

Từ đây là Phật Nhân và cũng là Phật Quả (Nhân Quả đồng thời).

Và cuối cùng thì:

THIỀN=TÂM=ĐẠO=PHÁP=PHẬT.

 

KẾT LUẬN:  Như vậy Pháp THIỀN là đường lối để “Ngộ ra”, “hay ra” Nhân Phật để giải quyết mọi nguyên nhân khổ (Tham, Sân, Si v.v…) mà thành tựu Phật Quả. Đây là một đường lối, một phương pháp giải quyết khổ nhanh chóng, liền giải thoát và được gọi là thành Phật tức thì. Nên người xưa gọi pháp THIỀN này là “Đốn siêu phương tiện”.

Như vậy THIỀN là một pháp tu theo “Nhân – Quả đồng thời”.

Và THIỀN chính là con đường để giác ngộ Diệt Đế (Tứ Đế) rõ ràng năng lực vô sanh, phát huy TỰ TÁNH NIẾT BÀN  làm bật dậy cõi tịch diệt, phơi bày cái sức sống lành mạnh không khổ đau, đó chính là pháp thân thanh tịnh vốn không có Tham – Sân – Si – Mạn – Nghi…không Tập Đế, và không Khổ Đế. Như vậy THIỀN và TỨ ĐẾ tuy hai mà một. Chính THIỀN đã làm bật lên sức sống kỳ  diệu ở pháp TỨ ĐẾ.

Qua Pháp lý của 3 pháp: TỨ ĐẾ - BÁT NHÃ – THIỀN ta thấy được chỗ yêu cầu của 3 pháp không khác, chúng đều giống nhau. Cả ba cùng nhắm vào giải quyết khổ đau, bằng cách cùng trực nhận cho được cái tốt đẹp nhất, tức cái “không khổ đau”. Để từ cái “không khổ đau”mà giải quyết khổ đau là vô hiệu hóa mọi nguyên nhân gây khổ đau:  Tham – Sân – Si mà gọi gọn đó là Niệm.

 Cái “KHÔNG KHỔ ĐAU”:

Ở Pháp TỨ ĐẾ gọi là Diệt Đế hay cõi Niết Bàn, hoặc Tự Tánh.

Ở Pháp BÁT NHÃ gọi là KHÔNG hoặc Tự Tánh KHÔNG.

Ở Pháp THIỀN gọi là TÁNH hay TÂM.

Những danh từ như vậy, dù có khác chữ nhưng nghĩa không hai. Đó đều chỉ cho cái thật nhất, cái tốt nhất, cái không niềm đau và nỗi khổ ở mỗi chúng sanh hữu tình, ở một con người, là cái mà thường còn bất biến dù thân chết xác tiêu tan. Đó chính  là:

 
 

Năng lực sống đích thực

 


 

 Pháp lý này là trình bày cái Nhân giống nhau không khác, và cùng đưa đến cái Quả là thành Phật cũng không khác.

Nhân và Quả được trình bày như nhau. Từ Nhân để Tu và Quả để thành giống y nhau, hông khác.

II. PHÁP TU – PHÁP HÀNH

Về Pháp Tu và Pháp Hành 3 pháp TỨ ĐẾ - BÁT NHÃ – THIỀN cũng tương đồng.

1-TỨ ĐẾ:

Pháp Tu chính của TỨ ĐẾ là TỨ NIỆM XỨ.

Tứ Niệm Xứ gồm 4 pháp quán:

-       Quán Thân

-       Quán Thọ

-       Quán Tâm

-       Quán Pháp.

Con người và cả chúng sanh hữu tình có Khổ là vì Tập, có Tập là do:

-       Chấp vào Thân xác thịt mấy mươi ký lô này.

-       Chấp vào Thọ cảm, tức chấp vào cảm giác ở mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.

-       Chấp vào Tâm ý, chấp vào ý nghĩ, Niệm nghĩ.

-       Chấp vào Pháp tức chấp vào vật chất quanh ta.

Bốn cái chấp này tạo thành có Ngã và Ngã sở, có khổ đau đầy ắp.

Thế nên để giải trừ TẬP và KHỔ thì phải giải trừ cái CHẤP trên 4 chỗ như vậy. Đây là một nguyên tắc nhất định, không phải riêng cho người đạo Phật mà chung cho tất cả con người, tất cả chúng sanh hữu tình.

Giải trừ cái chấp ở 4 chỗ này là giải trừ cái Ngã và Ngã sở (Cái Ta và Cái của Ta)

Khi Ngã và Ngã sở triệt tiêu thì giải thoát trọn vẹn, được gọi là chứng nhập Niết Bàn, hoàn toàn an vui hết khổ đau.

Pháp tu TỨ NIỆM XỨ này là một Pháp tu cực hay, rất chính xác, rất hữu hiệu, có kết quả tốt nhất định.

Pháp tu này được diễn đạt qua Kinh Trung Bộ với bài kinh thứ 10, và qua Kinh Trung A Hàm, cả hai bài kinh đều tuyên dương Pháp Tứ Niệm Xứ có công năng thật kỳ diệu, thật thần tốc.

Theo Kinh Trung A Hàm thì cho rằng  Tu Pháp Tứ Niệm Xứ này chỉ trong vòng 12 tiếng đồng hồ là có kết quả tốt đẹp, là chứng được quả vị cao sâu.

Theo Kinh Trung A Hàm – Phật Giáo Bắc Tông tập II ở Kinh “Niệm Xứ” trang 578 có đoạn:

…không cần phải đến bảy ngày đêm, sáu, năm, bốn, ba hay hai ngày hai đêm, cũng không cần trong một ngày một đêm, nếu Tỳ Kheo,  Tỳ Kheo Ni nào trong từng khoảnh khắc lập tâm chánh trụ nơi Bốn Niệm Xứ, nếu buổi sáng thực hành như vậy thì buổi tối liền được thăng tấn. Nếu buổi tối thực hành như vậy thì nhất định sáng hôm sau sẽ được thăng tấn”.

Nói về quả chứng bài Kinh này nói rằng: người nào hành được như vậy sẽ chứng “ Cứu cánh trí” ngay trong hiện tại,  hoặc chứng A Na Hàm nếu còn hữu dư.

Theo Kinh Niệm Xứ thứ 10 – Phật giáo Nam Tông, ở Kinh Trung Bộ tập I(trang 150, Đại Tạng Kinh Việt Nam Ap2) phần cuối đã tuyên dương pháp Tứ Niệm Xứ như sau:

Này Tỷ Kheo đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh  Trí, Chứng ngộ Niết Bàn, đó là Bốn Niệm Xứ”.

(Tuy nhiên đoạn kinh này nói không được rõ ràng hết ý là với thời gian thành tựu cho rằng không phải tu quán niệm xứ phải trải qua 7 năm, 7 tháng, 7 ngày, rồi chấm ba chấm(…), đến đây lẽ ra phải kết thúc là bao nhiêu thì lại chấm ba chấm(…) bỏ lửng cho nên không xác định được thời gian là mấy để biết kết quả là bao lâu. Không như ở Kinh A Hàm (Hán Tạng) thì cho biết rõ ràng chỉ tu trong 12 tiếng đồng hồ mà thôi).

Tuy nhiên nếu chỉ biết quán chiếu thẳng vào Thân Thọ, Tâm, Pháp thôi thì chưa thật tột cao, chưa thật nhanh chóng. Điều này có nghĩa nếu khởi tu từ bước thứ tư (Đạo Đế) thôi, thì năng lực còn hạn chế chưa phát huy hết tiềm năng nên kết quả chưa thật cao, vẫn là chậm chạp.

Nếu từ bước thứ 4 (Đạo Đế) để diệt Tập Nhân (Tham, Sân, Si…)mà đạt được Niết Bàn tịch diệt ở bước thứ 3 (Diệt Đế), thì đây là cái lối tiệm tiến, là lối chậm từ từ thôi. Không thể thăng tấn được trong vòng 12 giờ, như Kinh Văn nói mà dầu cho đến 10 năm vẫn chưa nhúc nhích, vẫn chưa có gì gọi là, Tham – Sân – Si vẫn còn đầy. Niết Bàn vì thế vẫn còn ở xa tít mù tắp, khổ đau vẫn còn là đau khổ.

Tu theo đây là đi ngược, không theo thứ tự 1-2-3-4 đúng như 4 bước của TỨ ĐẾ. Mà lại đi theo bước 1-2-(4)-3, đây là trái với thứ tự của Pháp TỨ ĐẾ, nên có kết quả không cao. Tu thế này gọi là Tiệm Tu, chưa đúng với pháp Tứ Niệm Xứ yêu cầu.

Pháp Tu Tứ Niệm Xứ phải được thực hiện đúng với quy trình của pháp TỨ ĐẾ thì kết quả mới thật cao, mới đúng theo yêu cầu của Pháp Tứ Niệm Xứ. Nghĩa là chỉ trong vòng 12 giờ là được lợi ích tối cao.

Đó là phải quán triệt từ bước thứ nhứt Khổ Đế đến bước thứ hai Tập Đế đến bước thứ ba là Diệt Đế và bước thứ tư Đạo Đế.

Theo quy trình:

1   -  2 -   3  -    4

          Điều cần yếu là đến bước thứ 3 Diệt Đế, phải nhận cho ra cõi Tịch Diệt, cõi Niết Bàn Tự Tâm.

“Nhận ra” tức Ngộ ra Tự Tánh Niết Bàn. Đã rõ ràng Tự Tánh Niết Bàn (Diệt Đế), rồi từ đây mà ứng dụng Đạo Đế, quán TỨ NIỆM XỨ.

Từ nơi Tự Tánh Niết Bàn mà chiếu soi đến Thân, đến Thọ, đến Tâm, đến Pháp.

Do Tự Tánh Niết Bàn vốn thanh tịnh nên từ năng lực này mà tỏa sáng đến Thân: thì Thân thanh tịnh.

Đến Thọ: thì Thọ thanh tịnh.

Đến Tâm ý: thì Tâm ý thanh tịnh,

Đến Pháp: thì Pháp thanh tịnh,

Quán chiếu, rà soát như vậy thì cái “chấp” ở 4 chỗ được tan biến tức thời.

Việc này chẳng khác nào khi bật được ngọn đèn sáng lên rồi thì bóng tối mất, thì rọi đèn đến đâu ở đó liền sáng rõ ràng.

Bằng sức sống “Rõ ràng” hông Niệm, nên khi nhìn đến Thân thì “Niệm” chấp Thân tan,

Nhìn đến Tâm ý thì “Niệm” chấp Tâm ý tan.

Nhìn đến Pháp thì “Niệm” chấp Pháp tan hết.

Vì đời sống Tự Tánh Niết Bàn, vốn là đời sống vô niệm, là đời sống Tịch diệt, vắng lặng hoàn toàn.

Thế nên từ đây mà dụng công mà công phu thì cực nhanh. Như đèn vừa bật sáng thì bóng tối liền tiêu.

Thế nên Pháp Tứ Niệm Xứ là Pháp tu thần tốc như vậy, chỉ trong vòng 12 giờ là kết quả thật cao. Đây là Pháp tu siêu tuyệt phi thường đúng như Kinh văn đã nói.

Như vậy Tứ Niệm Xứ là Pháp tu Đốn tu, Tu nhanh lẹ, giải trừ Tham, Sân thần tốc, giải khổ nhanh lẹ, giải thoát tức thời, vì thế thành Phật cũng rất nhanh. (Đây không chỉ là lý luận mà thực sự là như vậy)

Thế nên TỨ ĐẾ được gọi là “DIỆU” là TỨ “DIỆU” ĐẾ là vậy.

Tuy nhiên chưa phải là thành Phật trọn vẹn mà vẫn còn có thời gian, vì “Nghiệp thức chủng tử” vẫn chưa phải tận diệt mà hãy còn, nên vẫn còn phải huân tu, nhưng là Đốn Tu. Và để tu cho tốt hơn  thì phải biết kết hợp với 6 nhóm kia:

-       Tứ Chánh Cần

-       Tứ Như Ý Túc

-       Ngũ Căn

-       Ngũ Lực

-       Thất Bồ Đề Phần

-       Bát Chánh Đạo Phần.

Sáu nhóm này như chất phụ gia, làm trợ duyên để việc công phu hành trì cho thật tốt, thật trọn vẹn, nhanh lại càng nhanh hơn, chính xác lại càng chính xác hơn. Đây là Pháp hành cũng cần thiết để giúp Pháp tu Tứ Niệm Xứ được tốt hơn.

Như với Pháp Tứ Chánh Cần, là 4 siêng năng đúng đắn:

1 – Bỏ tất cả điều ác, điều xấu, việc ác.

2- Ngăn ngừa các duyên ác xấu, các điều xấu ác.

3- Làm tất cả các việc thiện tốt.

4-Phát triển các điều thiện, việc thiện tốt.

 

Việc tốt đã phát được rồi thì phát triển thêm mãi. Việc xấu ác đã bỏ rồi thì bỏ luôn đừng cho trở lại.

Quả đây là một cách hay, một phương pháp tốt để nuôi, dưỡng và bảo vệ Pháp tu mỗi lúc được tốt hơn đến trọn vẹn công phu.

Biết ứng dụng 6 nhóm Pháp hành này một cách nhịp nhàng với Pháp tu thì nhất định là tốt, nhất định thành công viên mãn.

7 nhóm này thành trợ thủ đắc lực cho người hành đạo. Vì thế gọi đây là 37 phẩm trợ đạo.

 

2-BÁT NHÃ:

 

Pháp tu Bát Nhã được tiêu biểu qua Đức Bồ Tát Quán  Tự Tại. Ngài đã dùng Pháp Bát Nhã làm Pháp tu.

Ngài Tu bằng cách là”Giác Ngộ Pháp”, rõ ràng TÁNH thực của 5 uẩn là KHÔNG. Rồi từ TÁNH KHÔNG đó an lập để công phu, từ TÁNH KHÔNG mà rọi sáng qua 5 uẩn, thì thấy rõ 5 uẩn đều mang TÁNH KHÔNG, nên 5 uẩn hông thiệt có, đều như tan biến, đều thành rỗng thành hông có.

Và 5 uẩn hông còn là cái tù ngục giam nhốt nữa, 5 uẩn như bị phá vỡ tan tành biến mất, hông còn là 5 thứ làm khổ, làm bia gây khổ cho người nữa. Bồ Tát Quán Tự Tại liền đó qua tất cả nạn khổ. (Chỗ này giống như truyện Tây Du Ký vùng lên Ngũ Hành Sơn tan rã).

Mà trước kia Bồ Tát cũng như bao người, bao chúng sanh khác phải bị khổ vì 5 uẩn giam nhốt hành hạ khổ đau và trở thành “Ngũ ấm xí thạnh khổ”.

Từ nơi sức sống BÁT NHÃ – TÁNH KHÔNG, Bồ Tát rõ ràng trong TÂM chơn thật ở mình hông có 2 thứ, hông có đối đãi, nên Bồ Tát hông dính mắc bất cứ cặp đối đãi nào (Đối đãi là do có Niệm) Bồ Tát sống đời sống Vô Niệm, hông thấy có Sinh có Diệt, có Dơ có Sạch, có Thêm có Bớt. Bồ Tát không dính vào tất cả Niệm, một đời sống hông Niệm.

Đây là Bồ Tát vô hiệu hóa đời sống Tâm ý theo thói thường.

Bồ Tát bằng TÁNH KHÔNG chiếu soi, Niệm tan biến (chiếu kiến ngũ uẩn giai KHÔNG).

Bồ Tát xa lìa tình trạng mộng tưởng, thấy có Kia – có Đây(có kia – có đây tức điên đảo, vì vốn không mà lại thấy là có, đó chính là điên đảo), nên không điên đảo nữa. Thế nên Bồ Tát Quán Tự Tại đạt được Niết Bàn rốt ráo. Đó chính là đạt được Niết Bàn Phật. Một cõi Niết Bàn cao tột. (Cứu cánh Niết Bàn).

Ngài bằng TÁNH KHÔNG như vậy mà sống mà công phu tu tập, công phu này cực kỳ nhanh lẹ. Đó là một công phu Đốn Ngộ Đốn Tu và đưa đến kết quả là đốn chứng.

 

3-THIỀN:

 

Tổ Ca Diếp, Ngài ngộ qua cành hoa sen trên tay Phật.

Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Ngài ngộ Pháp BÁT NHÃ ở Tổ Bát Nhã Đa La. Và có tên là Bồ Đề Đạt Ma (Giác Pháp).

Tổ Huệ Khả (Tổ thứ 2 ở Trung Hoa), ngộ được Tâm mình qua Tổ Đạt Ma, và có tên là Huệ Khả.

Tổ Huệ Năng (Tổ thứ 6 ở Trung Hoa), Ngộ “Vô Sở Trụ” ở Kinh Kim Cang Bát Nhã. Có tên  Huệ Năng. Năng tức là Năng đoạn Kim Cang phận là tên Kinh Kim Cang. (Năng đoạn tức là hay cắt phá vô minh suy ám).

Các vị Tổ gọi là ngộ, đó chính là ngộ pháp BÁT NHÃ và sáng TÂM tỏ TÁNH nên có Huệ, có Trí.

Các vị được gọi là Tổ sư THIỀN.

Như vậy pháp tu ở các vị Thiền sư, đâu không phải là pháp BÁT NHÃ!...

Phải! Chính các vị Thiền sư đã ngộ từ pháp BÁT NHÃ và có công phu bằng pháp BÁT NHÃ.

Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác đã nói rõ điều này.

-       Nếu người hỏi ta giải tông nào?

-       Thì đó là con đường Bát Nhã lực Ma Ha. Và các Thiền sư Việt Nam xưa thời Đinh, Lê, Lý, Trần cũng đã từ pháp BÁT NHÃ mà vào. Tiêu biểu nhất là nhà vua Trần Nhân Tông mà sau đến 41 tuổi đã xuất gia làm Tăng và có pháp hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà.

Ngài đã xuất kệ rằng:

Niên thiếu hà tằng liễu Sắc – Không

Nhất xuân tâm tại bách hoa trung

Như kim khám phá đông hoàng diện

Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng

Dịch:

Lúc nhỏ chưa từng hiểu Sắc-Không

Xuân về “Lòng” giữa trăm ngàn bông

Chúa xuân nay bị ta khám phá

Giường Thiền gối cỏ ngắm cánh hồng.

(Sắc-Không tức pháp BÁT NHÃ)

Vua Trần đã ngộ pháp BÁT NHÃ . Vì bằng pháp tu BÁT NHÃ nên các chùa Việt Nam xưa được gọi là cửa KHÔNG (không môn) cửa KHÔNG tức cửa chùa chiền (Thiền).

Và khi ngộ rồi thì các  Ngài đều có thời gian huân tu, được hướng dẫn là “khéo hộ trì”.

“Hộ trì” tức là bảo dưỡng gìn giữ cái mà mình đã có, đã được, để cái “có” cái “được” đó mỗi ngày mỗi tốt hơn, trọn vẹn hơn. Nhận ra được cái TÂM, cái TÁNH rồi thì lo tu lo sống sao cho được bằng cái TÂM cái TÁNH đó. Làm sao cho TÂM TÁNH đó ngày càng hiện hữu rõ ràng hơn cho đến lúc “đi, đứng, ngồi, nằm, nói, nín” lúc nào cũng rõ ràng ở nơi Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý, trọn vẹn cả Thân Tâm một đời sống Trí Huệ vẹn tròn.

Muốn vậy phải “khéo” (khéo hộ trì). “Khéo” đó tức là phải biết phương pháp, biết cách sống cho tốt.

Như lời dạy:

Ngoài dứt các duyên

Trong bặt nghĩ tưởng

Tâm như tường vách

Mới khá  vào Đạo.

 

Hay như:

Việc lớn đã sáng như đưa ma mẹ.

 

Hoặc như:

 

Như người theo trâu hổng lạc dấu, rõ ràng thân trâu.

Hay: Như nuôi con nít

Hoặc: Vì vỗ con nít khóc.

Như: Vạn duyên buông hết, một Niệm hông sanh.

Tùy duyên tiêu nghiệp cũ

Và: Hồn nhiên mặc áo xiêm.

Hoặc bằng lời cảnh báo:

Như đi trên kiếm bén, đi trên băng  mỏng.

Hay như:

Tỉnh tỉnh thường tỉnh tỉnh

Rõ ràng hẳn vậy rõ ràng

Chớ bị người gạt

Biết bao lời nhắc nhở chỉ dạy của các bậc thầy, hay chính đương sự tự biết.

Đó chính là phương pháp hành trì, cách thực hiện làm sao cho pháp tu mỗi ngày được tốt hơn, đó là thuật dụng công, thuật công phu hay thuật tu, gọi là Pháp hành.

Thế là trong Pháp Thiền cũng có Pháp tu và Pháp Hành.

 

    III.NHÂN QUẢ

Ba pháp TỨ ĐẾ - BÁT NHÃ – THIỀN đều được trình bày rất đúng với  phương pháp Nhân Quả. Nhân nào Quả nấy – Quả nào Nhân nấy. Nhân quả hoàn toàn cùng tính chất và nhất là cùng là Nhân Quả đồng thời. Một thứ Nhân Quả tức thì. Nhân tức Quả, Quả tức Nhân. Như sen vừa có hoa là vừa có gương (Hoa là Nhân, gương là Quả).

Nhân Quả như đây tức vừa tu vừa được lợi ích  liền không phải chờ lâu. Có thể nói vừa tu vừa được thành Phật liền, vì Nhân là Phật nên Quả là Phật. Tuy nhiên để được trọn vẹn thì nhất định phải có thời gian, lâu mau tùy người.

1.TỨ ĐẾ:  Pháp TỨ ĐẾ có 4 mục: KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO, thì:

Tập là Nhân

Khổ là Quả

Và Đạo là Nhân

Diệt là Quả.

Đây là nhìn trên Nhân Quả thông  thường. Nhưng nếu nhìn sâu hơn thì:

Khi có Tập nhân thì liền có Khổ.

Vừa có Sân, Tham, Si là vừa có Khổ.

Không phải chờ lâu(Nhân Quả đồng thời).

Và khi rõ được (Ngộ) Diệt Đế thì liền có Niết Bàn.

Diệt Đế là Nhân – Niết Bàn là Quả.

(Diệt Đế là Nhân vắng lặng

Nên Quả vắng lặng là Niết Bàn)

Từ Ngộ Diệt Đế mà khởi tu, tức từ vắng lặng mà rà soát đến Thân, Thọ, Tâm, Pháp thì Thân, Thọ, Tâm, Pháp liền vắng lặng.

Vắng lặng làm Nhân

Nên vắng lặng là Quả (Vắng lặng trọn vẹn là Niết Bàn rốt ráo, cứu cánh Niết Bàn).

Trong cách tu này là lối vô hiệu hóa Tham, Sân, Si một cách tức thì tức là không trừ diệt Tham, Sân, Si mà Tham, Sân, Si tự biến mất. Đó là từ ánh sáng tỏa thì bóng tối tự tiêu, do vì  bóng tối tuy có mà không thật. (Tham, Sân, Si...có nhưng Không Thật, Tánh Thật của chúng chính là Niết Bàn).

Vì thế khi tu theo pháp Tứ Đế phải hành như vậy mới thấy rõ pháp Tứ Đế là mầu diệu. Thế nên qua một thời khai thị của Đức Phật với 5 anh em ông Kiều Trần Như tại Vườn Nai, 5 vị này liền được khai ngộ và chứng thánh quả, trở thành Tăng bảo đầu tiên trên hành tinh.(Thời pháp này khoảng 2 giờ).

2-BÁT NHÃ :

Trong pháp BÁT NHÃ, KHÔNG là Nhân và Niết Bàn rốt ráo (cứu cánh Niết Bàn) là Quả. Từ Nhân KHÔNG rà soát 5 uẩn, thì 5 uẩn trở thành tan biến, thì Niết Bàn hiển lộ. Hành thâm BÁT NHÃ suốt 24/24 giờ, thì Niết Bàn hiển lộ trọn vẹn, được gọi là cứu cánh Niết Bàn. Là Niết Bàn rốt ráo, tức Niết Bàn của Phật là vô dư Niết Bàn, chứ không phải hữu dư Niết Bàn.

NHÂN – QUẢ này cũng là Nhân Quả đồng thời. Vừa tu là vừa được lợi ích liền. Quả vị tu pháp BÁT NHÃ là: Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (Phật).

Là vì có Nhân tu là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, là (KHÔNG). Đây chính là Giác.

Từ Nhân Giác nên có Quả là Giác (Chánh Đẳng Chánh Giác), Quả Giác là Giác liên tục không gián đoạn (Chánh Đẳng) tức giác suốt 24/24 giờ.

3-THIỀN:

Pháp THIỀN trước khi tu phải được khai ngộ. Từ “Ngộ” rồi khởi tu.

Ngộ là Ngộ vô sanh, tức Ngộ TÂM vô sanh diệt.

Ngộ cái TÂM hông sanh diệt.

Ngộ ra cái TÂM vô sanh này rồi, thì  từ vô sanh mà xác lập Nhân Tu.(Còn được gọi là Ngộ TÁNH)

Đây gọi là xứng TÁNH khởi Tu.

(Tu theo đây không còn có nghĩa là sửa chữa nữa. Mà Tu tức là sống bằng, sống bằng Vô sanh sống không rời, sống khăng khít, sống gắn bó)

Vô sanh là Nhân

Nên Quả cũng là Vô sanh

Vô sanh tức là Vô Niệm

Vô Niệm là Nhân

Từ Vô Niệm mà hóa tán Niệm.

Sống bằng Vô Niệm nên Niệm hông sanh, vả có sanh cũng liền bị hóa tán.  Ví như đèn đã bật sáng mà bóng tối có tràn vào cũng liền bị hóa sáng. Hay như ngọn lửa được đốt lên rồi, thì lá cây, muỗi mòng có rơi vào đều bị phừng cháy, xác trở thành lửa đỏ rực sáng hơn.

Nhân  Vô Niệm không trừ, không diệt Niệm mà Niệm tự tan biến, đó vừa là Nhân mà cũng vừa là Quả.

Nhân là ánh sáng là lửa – Quả cũng là lửa là ánh sáng.

Đây là Nhân Quả trong nhà THIỀN là diệu thuật của Pháp THIỀN, được Thiền Sư Huyền Giác (đệ tử Đức Lục Tổ Huệ Năng) diễn đạt qua thi phẩm chứng đạo ca:

“Bất trừ vọng tưởng

Bất cầu chơn”

(Không trừ vọng tưởng (Niệm), chẳng cầu chơn).

Vì sao?

-                  Vì: Vô minh thực tánh tức Phật tánh.

( Tánh thiệt Vô minh, ấy Tánh Phật).

Rõ Tánh Phật, (Nhân)

Luôn sống bằng Tánh Phật (Tu)

Nên được thành Phật (Quả)

Và chủ trương, đường lối nhà Thiền là “Kiến TÁNH thành Phật”

 

Kiến TÁNH là NHÂN

Thành Phật là QUẢ

 Như vậy pháp THIỀN vẫn chú trọng đến phương pháp Nhân Quả, mà lại là Nhân Quả đồng thời nữa.

Con đường THIỀN như vậy là con đường “Minh TÂM Kiến TÁNH” (Sáng TÂM, TỎ TÁNH). Từ đây mà khởi tu.

Thế nên Nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam là Ngài Pháp Loa dạy: Người học Phật pháp trước phải thấy TÁNH.

 

IV – TÁC ĐỘNG HÀNH PHÁP

Ba pháp TỨ ĐẾ - BÁT NHÃ – THIỀN, có tác động hành pháp giống nhau. Đó là khi khởi công phu đều do nơi sức tự lực, tự giác, tự nguyện và tự giải thoát, không do một thế lực nào khác.

-                  Ở pháp Tứ Đế tự đương sự nhận thức, quán chiếu, khéo léo vận dụng pháp vào đời sống tu tập mà giải trừ khổ đau được an vui giải thoát ( đạt Niết Bàn).

-                  Ở pháp BÁT NHÃ tự Bồ Tát Quán Tự Tại phát tâm quán chiếu bằng pháp Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa mà rõ suốt TÁNH thật của 5 uẩn là KHÔNG rồi qua được tất cả khổ nạn.

Và các vị Bồ Tát lớn cũng từ tâm tự phát mà hành trì pháp BÁT NHÃ mà được cứu cánh Niết Bàn cho đến các vị Phật trong ba đời cũng từ lòng tự phát mà hành BÁT NHÃ mà được thành  Phật.

-                  Ở pháp THIỀN các vị Thiền sư cũng là tự mình phát tâm cầu pháp. Ngộ pháp rồi thì tự độ.

-                  “Con ngộ rồi thì con tự độ” Đức Lục Tổ Huệ Năng đã nói như vậy với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Bao nhiêu Thiền sư cũng đều như thế. Các Ngài Tự giác, Tự ngộ, Tự độ. Đó là lối mòn của nhà THIỀN.

Sở dĩ như vậy là được bắt đầu từ Tổ Sư THIỀN Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài đã mở đầu như vậy, khi Ngài tu dưới cội Bồ Đề, Ngài đã Tự giác, Tự ngộ và Tự tu để rồi Ngài được thành Đạo, thành  Chánh  Đẳng Chánh Giác, thành Phật.

 

V – ĐỐI TƯỢNG GIẢI QUYẾT:

 

Qua 3 Pháp TỨ ĐẾ - BÁT NHÃ – THIỀN có đối tượng để giải quyết rất giống nhau, cùng một mà thôi. Đó là tấm THÂN này.

-                  Ở pháp TỨ ĐẾ là nhằm giải quyết khổ cho con người. Nhưng được xác định hơn đó là 4 chỗ: Thân, Thọ, Tâm, Pháp.

Thân, Thọ, Tâm đây chính là Thân xác và Tinh thần ở một con người, một chúng sanh hữu tình.

Đối 4 chỗ này phải quán chiếu làm sao để chúng biến mất, mà Thân Tâm trở thành không để hết Tham, Sân, Si...mà hết khổ.

-                  Ở pháp BÁT NHÃ là nhằm giải  quyết khổ cho con người. Nhưng được xác định rõ ràng hơn ở 5 chỗ, gọi là 5 uẩn (Ngũ uẩn) là 5 món: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

Đối với 5 uẩn phải thấy làm sao đúng Tánh Thật của chúng là KHÔNG để vô hiệu hóa chúng mà qua tất cả khổ đau.

-                  Ở pháp THIỀN vì Tu theo pháp BÁT NHÃ nên cũng có đối tượng giải quyết khổ là tấm thân 5 uẩn. Cũng phải rõ ràng: “Ngũ uẩn giai KHÔNG” mà qua tất cả khổ nạn.

Cả ba pháp rõ ràng không khác đối tượng, tuy nhiên với pháp TỨ ĐẾ thì đặc biệt hơn, rõ ràng hơn một chút.Đó là TỨ ĐẾ còn thêm một đối tượng nữa là: PHÁP.

“Pháp” này chính là muôn sự, muôn vật gồm cả con người, con vật. Những thứ hệ thuộc của Thân. Như nhà cửa, tiền bạc, ruộng đất v.v...Những thứ động sản và bất động sản cho đến người và thú vật.

Dù có hơn một món “Pháp” nhưng cơ bản vẫn là Ngũ uẩn.  Nếu giải quyết cái dính mắc vào Ngũ uẩn rồi thì 5 uẩn trở thành vô nghĩa, trở thành không rồi, thì “Pháp” đâu còn dính  líu gì, ngay đó cũng tan rã thôi.(Nhưng nói đến Pháp thì rõ ràng cụ thể hơn).

 

Tuy nhiên khi quán về Thân, Tâm chưa đắc lực, thì dùng quán “Pháp” cũng là cần thiết. Lột được áo được vỏ rồi, thì Thân  Tâm cũng dễ lột hơn. (Khi thấy  Pháp là giả rồi thì dễ xả chấp Thân Tâm hơn).

Qua 3 pháp với cùng một đối tượng như vậy, để thấy rõ lối giải quyết Khổ trong Đạo Phật là đồng nhất, chỉ vì một tấm thân 5 uẩn thôi, ngoài ra không có gì khác. Không  phải giải quyết ở Quỷ, Thần, Ma quái hay người nào khác, mà chỉ xoáy thẳng vào bản thân 5 uẩn của chính mình thôi.

Từ đây để thấy nếu khi tu theo đạo Phật mà giải quyêt đối tượng ở đâu đó ngoài mình là chưa chính xác và rất dễ trở thành mê tín hoang đường và rất dễ trở thành ngoại đạo, tà ma.

 

Nên tu theo đường Phật, để giải Khổ mà không từ giải quyết 5 uẩn mà cầu cạnh đầu này đầu nọ và để dung dưỡng tấm thân để được trường sanh bất lão hay bất tử, để cho tấm thân được sung sướng, được đầy đủ vật chất để hưởng thụ cho được khoái lạc này nọ v.v...đều là sai với đường lối Phật, sai với Chánh Pháp, và nhất là sai với lẽ thật, trật vấn đề, sai đối tượng...đó là đi sai đường Phật, sai chân lý, là lầm lạc, là mê tín. Và như vậy người tu theo Đạo Phật được giải thoát đó là giải thoát khỏi 5 uẩn, và giải thoát khỏi những hệ thuộc ccuar 5 uẩn. Đó được gọi là giải thoát khỏi Ngã và Ngã Sở, như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vậy.

Giải thoát theo đây mới là giải thoát đích thực, giải thoát đúng đắn nhất. Ngay Thân 5 uẩn này mà giải thoát thì đó là được nghĩa: Tự Tại (Giải thoát ngay tại thân 5 uẩn này).

 

VI – KẾT LUẬN:

Qua những điểm đã nêu ở phần B với I. Pháp lý; II.Pháp tu – Pháp hành; III. Nhân Quả; IV. Tác động hành pháp; V. Đối tượng giải quyết.

Có thể thấy rõ 3 pháp TỨ ĐẾ - BÁT NHÃ – THIỀN có những điểm tương đồng nhất định.

Và để thấy người hành pháp, tiêu biểu là các Thiền Sư các vị đã đi đúng con đường chánh pháp.

Với Tứ Đế các Ngài không trái mà còn thấy được chỗ vi diệu của Pháp. Các Ngài khi hành đạo là nhằm khai Ngộ Tự Tánh Niết Bàn (Diệt Đế) và ứng dụng Đạo Đế mà huân tu để giải trừ Tập nhân mà đoạn tận Khổ Đế.

Với Bát Nhã các Ngài lại gắn bó vô cùng, coi như là huyết mạch của mình. Thiền sư Huyền Giác đã nói:

Kiếm Bát Nhã – Vòng lửa Kim Cang.

Đã hay thối thục lòng ngoại đạo

Từng làm khiếp vía lũ thiên ma.

Kinh Ma Ha Bát Nhã và Kinh Kim Cang Bát Nhã, hai kinh này là sách gối đầu nằm của các vị. Tổ thứ năm  Hoàng Nhẫn truyền Kinh Kim Cang Bát Nhã, và Tổ thứ sáu Huệ Năng đã ngộ Kinh Kim Cang Bát Nhã, rồi truyền rộng  Pháp Bát Nhã. Thời khai đường đầu tiên là thời Bát Nhã.

Ở Việt Nam vua Trần Thái Tông đã ngộ Kinh Kim Cang Bát Nhã, Trần Thánh  Tông, rồi Tuệ Trung Thượng Sỹ...cho đến về sau Thi hào Nguyễn Du cũng ngộ Kinh Kim Cang Bát Nhã. Biết bao người Việt Nam đã ngộ và hiểu về Kinh Bát Nhã mà tu theo.

Trong sách “Sáu cửa vào động thiếu thất” nói rằng của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, thì trong đó có một cửa là “cửa Bát Nhã”.

Với Pháp Bát Nhã thì thật rõ nét còn với Tứ Đế thì có phần không được rõ ràng. Không rõ nét vì các vị đã vận dụng quá linh  hoạt khiến người khó thấy. Dù vậy vẫn thấy các vị Thiền sư mượn từ ngữ của Tứ Đế mà dùng.

Nếu xem qua Kinh Hoa Nghiêm ở phẩm Tứ Đế, sẽ thấy Thiền sư dùng nhiều từ ở phần Diệt Đế để diễn tả cõi TÂM Bản thể sâu mầu. Như từ “Tự Tánh” – Tổ Huệ Năng đã dùng nhiều, từ “Tịch diệt”, “Vô Vi”, “Thể Chơn Thật”, “Bất Nhị”, “Vô sanh”…

Và cũng từ “Phẩm Tứ Đế” ở Kinh  Hoa Nghiêm cho ta thấy rõ hơn Thiền và Tứ Đế quan hệ mật thiết biết chừng nào. Các vị Thiền sư tuy có mượn từ ngữ ở Diệt Đế - Hoa Nghiêm nhưng chưa được bao nhiêu, chỉ được ít phần.

Nên 3 pháp TỨ ĐẾ - BÁT NHÃ – THIỀN quả là có tương quan mật thiết.

Chúng ta là người Tu THIỀN hay không phải là người Tu THIỀN cũng nên thông cảm chỗ này. Riêng người Tu THIỀN nhất định nên thấy rõ mối liên hệ mật thiết này sẽ có lợi nhiều hơn.

Pháp THIỀN và Pháp BÁT NHÃ đã làm sáng tỏ cho phần Diệt Đế ở TỨ ĐẾ, tức làm bày hiện rõ hơn sự màu nhiệm ở Pháp TỨ ĐẾ, càng xác định hơn TỨ ĐẾ đúng là Chánh Pháp, càng làm tăng giá trị lớn hơn cho TỨ ĐẾ vốn là một pháp trình bày rất khoa học, lại mầu diệu thâm sâu vô cùng. Thế nên Pháp TỨ ĐẾ từ hình thức đến nội dung đều siêu tuyệt. Bởi thế TỨ ĐẾ xứng đáng là dàn bài cho Tam Tạng giáo điển, là cương lãnh cho người theo đường Phật để giải quyết khổ đau.

THIỀN – BÁT NHÃ – TỨ ĐẾ quả là tuy ba mà một.

 

*NGHI VẤN

1. Bát Nhã và Tứ Đế chỗ nói mâu thuẫn, sao gọi là giống? Bát Nhã nói: “Vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo” tức là “hông có Tứ Đế” như vậy Bát Nhã đã phá Tứ Đế rồi sao?

Đáp:

Đúng là Bát Nhã có nói như thế. Bát Nhã nói:

“Thị cố không trung...vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo” tức là:

“Trong cái KHÔNG này...hông có Khổ, Tập, Diệt, Đạo”

Là “Trong cái KHÔNG này...hông có Tứ Đế”.

Đúng là như vậy.

Quả là trong cái Tánh KHÔNG, thì hoàn toàn rỗng không, hông có một vật, dù là pháp thế gian hay pháp xuất thế gian. Dù là pháp của Phật cũng hông có trong đó (KHÔNG). Điều này không lạ, cũng như ở Pháp TỨ ĐẾ, thì:

Diệt Đế, trong cõi vắng lặng hoàn toàn đó, gọi là Niết Bàn, thì trong đây có pháp TỨ ĐẾ không?

Có cái gọi là KHỔ ĐẾ, gọi là Tập Đế, gọi là Diệt Đế, Đạo Đế gì không?

-                  Một Đế cũng không, huống là 4 Đế sao? Trong Diệt Đế phải là không có Đế nào mới gọi là Diệt Đế là Tịch diệt, là Niết Bàn được.

Thế là cái KHÔNG ở BÁT NHÃ chẳng khác gì Diệt Đế ở TỨ ĐẾ.

Vậy BÁT NHÃ và TỨ ĐẾ không mâu thuẫn mà còn làm thành cho nhau. BÁT NHÃ làm sáng tỏ cho Tứ Đế và Diệt Đế hơn.

 

DIỆT ĐẾ=NIẾT BÀN=KHÔNG.

 

2. Nói THIỀN giống TỨ ĐẾ sao Thiền sư hông nói về Khổ Đế và Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế?

Đáp:

Thiền sư trước hết là người xuất gia là Tăng. Đã là Tăng thì việc biết đời người khổ là đương nhiên, tức biết Khổ Đế và biết nguyên nhân gây khổ là Tham, Sân, Si...(Tập Đế) cũng là đương nhiên.

Vì biết rồi cho nên không nói tới nói lui gì.Các vị chỉ xoáy sâu vòa chỗ làm sao cho hết khổ một cách mau chóng, và tìm xem còn cái không khổ, không nguyên nhân khổ là gì? Đó mới là chỗ đáng nói, đáng tìm, đáng chỉ cho người.

Thế nên Thiền sư chỉ xoáy sâu vào trọng tâm của vấn đề, đó chính là Diệt Đế, là làm sao cho người tỏ rõ, Giác Ngộ được Tự Tánh Niết Bàn.

Tức làm sao cho người chóng thấy được cái thực ở nơi chính mình. Vì rõ được thực rồi thì cái giả tiêu thôi. (Tham, Sân, Si có nhưng là giả, vậy Tập Đế tiêu; Khổ Đế cũng vậy, có nhưng là giả, nên Khổ Đế tiêu).

Đó là chỗ quan trọng. Thiền sư chú trọng chỗ này hơn.

Còn Đạo Đế, đâu phải Thiền sư không dùng. Đó là phần dạy “Hộ  Trì” như đã bàn.

Nói chung Thiền sư khi giáo hóa thật ra không ngoài đường lối Tứ Đế. Tiêu biểu nhất là Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền. Trong lời pháp của Ngài có đủ 4 bước: Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

Mộ đoạn trong “Ngữ lục Lâm Tế” cho thấy lời Thiền sư có đủ TỨ ĐẾ.

Ngài Lâm Tế nói:

“Đại đức! Ba cõi không an dường như nhà lửa, đây không phải là cõi ngươi trụ lâu, trong  khoảng sát na  quỷ vô thường giết người đến, chẳng lựa quý tiện già trẻ...(Đây chính  là Khổ  Đế).

Điều cốt yếu phải hiểu ông cùng Phật Tổ không khác chờ nên hướng ngoại tìm cầu. Một niệm thanh tịnh sáng suốt là Phật Pháp Thân trong nhà ông. Một niệm không phân biệt sáng suốt là Phật Báo Thân trong nhà của ông, một niệm Tâm không sai biết sáng suốt là Phật Hóa Thân trong nhà của ông. Ba thứ này nó ở trước mặt ông, để nghe pháp đấy! Chỉ mọt điều ông không hướng ngoại tìm cầu, tức được công đức ấy, Song sắc thân tứ đại của ông chẳng biết nói Pháp và nghe Pháp; Tỳ, Vị, Gan, Mật chẳng biết nói  Pháp và nghe pháp, hư không chẳng biết nói pháp nghe pháp. Vậy cái gì biết nói pháp và nghe pháp? – Cái mà ở trước mắt ông thường biết vật một cách sáng suốt rõ ràng, cái ấy biết nói pháp và nghe pháp. Nếu ông nay thấy được như thế, thì cùng với Phật Tổ chẳng khác. (Đây chính là Diệt Đế).

Nhưng phải trong tất cả thời chớ cho gián đoạn, chạm mắt là phải (Đây chính là Đạo Đế). Chỉ vì Tình sanh nên Trí cách, niệm biến (có Tham Sân Si v.v..) nên thể sai (Đây chính là Tập Đế). Do đó mới luân hồi trong Tam giới chịu các thứ khổ (Khổ Đế). Song tâm pháp vô hình, thông suốt mười phương, khéo dùng Tâm ấy, quyết được tất cả công đức thắng  diệu”. (Đây chính là Đạo Đế).

Nên hiểu rằng Thiền sư là người rất chú trọng và khai thác triệt để về Diệt Đế. Vì đây là cơ sở giác ngộ để trở thành Phật.

(Rất tiếc là rất nhiều người tu THIỀN đã không  thấy được ra tầm vóc quan trọng của Diệt Đế đúng như pháp, và đã bỏ quên Pháp TỨ ĐẾ cho đến xem thường, khi  thường pháp quý báu này)

3. Thiền là “Bất lập văn tự”

“Giáo ngoại biệt truyền

(Chẳng lập văn chữ

Truyền riêng ngoài giáo).

Thì làm sao mà giống với Tứ Đế vốn là Kinh giáo?

Đáp:

Rất giống

THIỀN = VÔ TỰ =  KHÔNG

BÁT NHÃ = KHÔNG

DIỆT ĐẾ (TỨ ĐẾ) = NIẾT BÀN = KHÔNG

Nên THIỀN = BÁT NHÃ = DIỆT ĐẾ

(Diệt Đế là cốt lõi, là mục tiêu của TỨ ĐẾ, nên Diệt Đế là quan trọng nhất trong TỨ ĐẾ).

BÁT NHÃ là con số không (0) to tướng

Diệt Đế cũng là con số không (0) to tướng.

Và THIỀN đã là không (0) to tướng.

Nên 0=0=0

THIỀN = BÁT NHÃ = TỨ ĐẾ.

Cái chỗ cùng tột của THIỀN, BÁT NHÃ, TỨ ĐẾ đều là chỗ có miệng mà không lời, đều là chỗ “Không Lời”.

Đều là chỗ “Không văn tự” (Bất lập văn tự) đều là “Ngoài giáo” (Giáo ngoại biệt truyền)

Làm sao mở miệng để nói thế nào là THIỀN? Thế nào là KHÔNG (BÁT NHÃ)? Thế nào là Niết Bàn (TỨ ĐẾ)?

Làm sao???

-                  !!!

 

THIỀN – BÁT NHÃ – TỨ ĐẾ

Ba pháp không hai chỉ là KHÔNG

Cảnh giới KHÔNG hông pháp gì

Hông Thiền, hông BÁT NHÃ, hông  Tứ Đế

Nam Mô Phật!

 

 

 

 

 

 

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 26820
  • Online: 20