Ta thì chẳng phải là ta
22/06/2015 | Lượt xem: 3645
Để tạo nhân duyên cho tất cả đại chúng huân tập sâu thêm hạt giống Bồ-đề, cũng là một món quà tinh thần tặng cho tất cả, đề tài nói chuyện hôm nay là một đề tài đặc biệt: "Ta Là Thì Chẳng Phải Là Ta".Nghe có lạ không? "Ta là thì chẳng phải là ta", chắc là quý vị cũng ít nghe nhưng đây thật sự là ý nghĩa rất căn bản, rất thiết thực trong việc tu hành của chúng ta.
I. SỐNG TRONG KHÁI NIỆM.
Con người lâu nay sống trong khái niệm, sống trong cái tưởng nên khi nói về "ta" thì lúc nào cũng muốn phải có cái "ta là gì?". Nhưng khi nói "ta là gì" đó, tức muốn có cái "ta" là một thứ gì đó thì mình sống với cái gì? Tức là muốn sống với cái "ta" thứ hai, cái "ta" thứ ba … cho đến có khi là cái "ta" thứ một ngàn, một tỉ v.v… mà cũng còn chưa hài lòng! Phải là có cái "ta", ta là gì, chứ còn "ta" mà không là gì thì không chịu, luôn luôn là như vậy. Như hiện thực đây, "ta" ban đầu mới sanh ra, thì "ta" là cái thai sanh ra đây. Mà sanh ra rồi thì tiếp theo "ta" có thêm cái tên, ta là "Nguyễn Văn A" hay ta là "Nguyễn Thị B". Khi lớn lên, thọ tam quy thì ta là "Chơn …" này, ta là "Chánh …" nọ, hay là "Tuệ …" kia. Còn trong thế gian thì ta là "cha", ta là "mẹ". Mới sanh ra thì mấy cái "ta" đó đâu có! Đó là cái "ta" sau này, ta là "cha", ta là "mẹ", ta là "thầy", mà có ta là "thầy" thì có ta là "trò" nữa. Rõ ràng nó đi theo đó, rồi ta là "anh", là "em", là "vợ", là "chồng"; rồi thêm nhiều cái nữa: ta là "kỹ sư", ta là "bác sĩ", ta là "cử nhân" này, ta là "tiến sĩ" nọ v.v… Đó là những cái "ta là". Nó luôn luôn kéo dài theo, phải có cái "ta" là gì đó thì mới chịu sống. Cho đến khi tu hành, nó cũng đi theo luôn, chưa chịu dừng. Mới vào đạo thì ta là "thầy", ta là "sư cô", dần dần ta là "đại đức", là "thượng tọa", rồi "ni sư", "ni trưởng" v.v… Do vậy, nói cho đủ nghĩa thì có hàng ngàn, hàng tỉ cái "ta" theo đó. Trên con đường tu hành cho đến khi giác ngộ cũng vậy, nó có chịu dừng chưa? Trên đường tu hành tiến đến giác ngộ thì cũng phải đặt câu hỏi: "Ta là gì?" hoặc "Ta là ai?". Nhưng tại sao lại phải như vậy? Đó là vì lúc nào cũng sợ nó thiếu, nó mất nên lúc nào cũng phải thêm một cái gì đó thì mới chịu. Rõ ràng, đó là mình sống trong cái tưởng, trong khái niệm quá nhiều.
Nhưng nếu xét kỹ lại thì quý vị thấy có gì bất thường khi hỏi: "Ta là gì?" hay "Ta là ai?" không? Nếu thật sự là ta thì tại sao lại phải có ta là gì nữa, nếu thật sự là chính mình rồi thì tại sao còn phải "là gì" nữa? Mà nếu có "là gì" đó thì sao? Chính mình mà còn phải là gì nữa, muốn đòi là gì nữa tức là muốn thêm cái gì nữa rồi! Nhưng đa số ai cũng vậy, đòi có là gì nữa thì mới được. Mà có là gì nữa tức là có thêm một cái ta nữa rồi. Do vậy, tất cả mình sống ở đây, ai ai cũng đều dư một cái ta. Ai cũng đều có dư hết nhưng lại tưởng thiếu nên lo đi tìm hoài thành ra luôn luôn dư. Mà dư một cái là ít, chứ thực ra là còn dư nhiều nữa đó! Kiểm lại, lâu lâu nằm mộng thì biết, khi nằm mộng thì mình sẽ thấy thêm một cái "ta" trong đó nữa! Chính cái thân này đang nằm trên gối nhưng khi mộng thì cũng thấy thêm một cái tôi đi đây đi kia. Có khi cũng đi dự tiệc, ai cho quà thì cũng mừng, cũng lấy; nếu ai nói xúc phạm hay chửi mắng thì cũng buồn, cũng giận. Mà gặp cọp rượt thì cũng chạy thục mạng! Vậy hãy xét kỹ lại xem, như mộng bị cọp rượt chạy thục mạng, nhưng còn cái gì thấy được cái "ta" bị cọp rượt đó?! Có cái "ta" đang bị cọp rượt, còn ai thấy cái đang bị cọp rượt đó? Rồi còn ai nằm trên gối? Quý vị thấy có dư nhiều cái không? Vậy mà còn chưa chịu. Quả tang là dư quá nhiều, bấy nhiêu là đủ ba cái: một cái đang nằm trên gối, một cái bị cọp rượt, còn một cái thấy cái đang bị cọp rượt nữa. Mà đó là trong chiêm bao, rồi kiểm lại xem hiện tại đây có giống vậy không? Cũng giống vậy thôi, mở mắt ra thì có một cái "ta" làm đủ thứ việc, chuyện này, chuyện kia, cũng vui, cũng buồn, cũng khổ, cũng sướng, rồi cũng có cái ta nhận biết lại cái đó. Nhưng cái này thường thì ít ai để ý, có tu tập thì mới nhận thấy nó. Tức là một cái "mình" làm việc này việc kia, rồi "mình" cũng vui buồn, sướng khổ, rồi có một cái nhận rõ biết được những cái đó. Bởi vậy, trí tuệ tu tập hay trí tuệ thiền sẽù giúp chúng ta nhận ra lẽ thật này. Đó để thấy rằng mình lâu nay sống trong cái tưởng, trong cái khái niệm. Khi học Phật, nhờ Phật dạy, từ trí tuệ của Phật chỉ ra cho tất cả chúng ta có nhận định rõ ràng, sáng suốt để trở về cái gốc chân thật. Thiền sư Động Sơn - Lương Giới, tham thiền lâu năm nhưng chưa ngộ, chưa có tỉnh. Một hôm đi qua cây cầu, nhìn thấy bóng mình dưới con suối chảy, Sư hoát nhiên tỉnh ngộ, bèn làm bài kệ:
Rất kỵ tìm nơi khác
Xa xôi bỏ lãng ta
Ta nay riêng tự đến
Chỗ chỗ đều gặp va.
Va nay chính là ta
Ta nay chẳng phải va
Phải nên như thế hội
Mới mong hợp như như.
Tức là khi đi qua cầu, nhìn xuống thì Sư thấy có cái bóng ở dưới nên Sư có tỉnh, thấy rằng lâu nay mình cứ lo đi tìm ở đâu đâu mà bỏ quên chính mình, là "xa xôi bỏ lãng ta" đó. Hiện tại đây thì "riêng mình tự đến" không tìm đâu khác, và "chỗ chỗ đều gặp va" tức là thường gặp nó nhưng mà "nó lại không phải mình". Cái bóng đó thì đi đâu cũng gặp nó hết, nhưng nó thì không phải mình. Bởi chính mình là không có nương tựa gì nên đây gọi là riêng tự đến. Chính mình thì không thuộc về cái gì, không thiếu vắng cái gì nhưng vì lầm nên mình mới nhận những cái bóng đó. Do vậy, ở đây cần sáng suốt để nhận trở lại. Bài kệ này mới nghe thì mình có khi hiểu lầm nên phải thấy rõ: "Đã là ta thì tại sao còn phải gặp va?". Và tiếp tục là "Chỗ chỗ đều gặp va, va nay chính là ta", tức cái bóng đó chính là mình chứ không phải ai khác, mình hiện ra cái bóng đó thì nó đâu khác với mình. Nhưng đã chính là mình, chính là ta rồi thì tại sao lại còn phải gặp va chi nữa? Va là ai mà gặp? Đó là cái bóng thôi. Đây nói rõ ràng, "va nay chính là ta", nhưng đây "ta nay chẳng phải va". Bóng chính là mình nhưng mình thì không phải cái bóng đó. Ý nghĩa rõ ràng là như vậy. Do vậy, mình cần phải soi ngược trở lại, chứ không phải là nhận theo cái bóng. Nhận cái đó là mê, thì thành ra nói ta là cái bóng rồi! Bởi vậy, xét kỹ thì thấy cái lầm lẫn của mình bấy lâu nay. Tất cả quý vị bình tâm xét cho thật kỹ, khi mới thụ thai trong bụng mẹ thì cái ta mấy chục kí này ở đâu? Cái này chưa hình thành gì hết, chưa có trong khái niệm nữa, vậy bây giờ ở đâu mà nó đến? Như vậy, có phải nó là cái bóng không? Mới thụ thai thì đâu có gì, do mẹ ăn uống rồi mình hấp thu những chất đó bổ túc vào. Đến khi sanh ra, lại mượn tứ đại bên ngoài để bổ túc vào tứ đại bên trong dần dần thì nó mới lớn lên, mới sinh ra thì có mấy kí lô mà bây giờ thì tới mấy chục kí! Như vậy thì phải nói cái nào mới là chính mình? Cái mấy chục kí đó ở đâu đắp vào? Do vậy, mới thấy rằng đó là những cái mới vay mượn thêm, là cái mới phát sinh chứ không phải cái vốn có, cái sẵn có. Nhưng mình vì lầm nên cứ nhớ cái bóng này, nhớ cái ta là cái này, ta là cái kia v.v… mà quên mất chính mình! Đó là chỗ lầm lẫn!
Trong nhà Thiền có câu chuyện, có một cô Ni đến hỏi Thiền sư Sùng Tín:
- Làm sao để con được làm Tăng?
Cô Ni nghĩ mình là nữ nên muốn được làm Tăng, do đó hỏi như vậy. Thiền sư Sùng Tín bèn hỏi ngược lại:
- Cô làm Ni được bao lâu rồi ?
Cô thưa:
- Lại có khi nào được làm Tăng chăng?
Thiền sư Sùng Tín bảo:
- Hiện nay cô là gì ?
Cô đáp:
- Hiện nay là thân Ni đây ai chẳng biết.
Sư bảo:
- Ai biết cô!
Cô chấp cô là cái thân Ni này, thân Ni này chính là cô nhưng cô lại muốn bỏ nó xin được làm Tăng thì có thấy mâu thuẫn không? Một bên chấp nó là mình, một bên thì muốn bỏ nó mà làm Tăng! Sự thật, chính cô mà là cái tướng Ni này hay sao? Cho nên, Thiền sư mới nhấn mạnh lại: "Cô làm Ni được bao lâu rồi?". Khi mới thụ thai, cô có tướng Ni hay tướng gì đâu! Vậy rõ ràng đó là cái mới sau này chứ không phải là chính cô, cô muốn làm Tăng thì bỏ cái Ni này cho ai? Bởi vậy, Thiền sư Sùng Tín mới gạn lại: "Hiện nay cô là gì?". Cô phải nhận ra cho thật chính xác, thật rõ ràng xem. Thấu rõ được chỗ này thì cô tự giải quyết xong vấn đề, không phải cầu gì hết. Lẽ thật là như vậy, nhưng cô thì vẫn cứ khăng khăng một mực chấp cái tướng Ni này nên cô đáp: "Hiện nay là thân Ni đây ai chẳng biết". Sự thật, cái mà mọi người thấy đó phải là thấy cô chưa? Thấy cái tướng đó là thấy cô sao? Chính là cô thì ai thấy được, ai biết được! Cho nên, cái "cô" mà mọi người thấy đây chỉ là cái "cô" khái niệm, cái "cô" nhận biết trong ý thức của cô thôi. Tức là còn có cái nhận biết lại nó nữa chứ không phải chỉ có cái đó thôi. Bởi vậy, xét cho kỹ thì cái "cô là" này thì "chẳng phải là cô". Cái "cô là Ni" này thì "chẳng phải là cô". Hiểu được lẽ đó thì mình mới thấy cái lầm lẫn, lâu nay mình luôn sống trong cái khái niệm, trong cái tưởng chứ không phải là thật. Nếu thực là cô thì tại sao muốn bỏ nó? Muốn bỏ nó thì rõ ràng nó không phải là mình rồi. Ý nghĩa rõ ràng như vậy, mà thật sự là như vậy. Quán kỹ, quán sâu thì mới thấy đó là vô minh, là cái lầm lẫn của mình mà Phật đã dạy. Đây nói rõ lại, sống với những cái "ta là này", "ta là kia" thì đó là sống với cái bóng chứ không phải là thật. Do vậy, gọi là "ta là" thì không phải là ta, luôn luôn là như vậy. Khi mà có "ta là này", "ta là kia" thì đó không phải là ta rồi, hiểu vậy thì mình bớt lầm.
II. TINH THẦN VÔ NGÃ CỦA ĐẠO PHẬT
Tu theo đạo Phật thì căn bản là phải đi qua con đường vô ngã, không ai có thể trốn tránh được hết. Đây biết rõ là mình có dư, dư một hoặc nhiều cái "tôi" tức là đã lầm quá nhiều rồi. Biết nó dư quá thì bây giờ tu hành chỉ phải buông bớt thôi, chứ có gì đâu! Nó dư quá mà còn muốn thêm thì càng dư nữa, nên tu là chỉ có bớt, có xả ra chớ không phải nhận vào thêm nữa. Buông bỏ bớt tình chấp ngã này, quên bớt cái "tôi" hay cái "ta" chứ không phải là tu rồi thêm cái "ta", thêm cái "tôi" nữa, đó là sai! Nhận thấy đúng như vậy thì con đường tu hành rất sáng sủa. Bởi vậy, ai càng tu mà càng thêm cái "ta" thì chắc là phải xét lại rồi! Dù cho có nói rằng giảng đạo hay, hiểu đạo sâu hoặc ngộ đạo cao mà cái "ta" cũng cao, cũng sâu hơn nữa thì phải xét lại, không thể lầm lẫn được! Đây là chưa nói đến trường hợp nhiều khi tu nhiều, hiểu sâu thì còn trình cái ngã của mình thêm nữa: "tôi" hiểu biết thế này, "tôi" ngộ thế kia, "tôi" sáng thế nọ" v.v… Quá nhiều cái "tôi" như vậy thì chắc phải kiểm lại. Hiểu như vậy thì không có lầm, đâu ai gạt được. Do vậy, khi trình kiến giải với Tổ Bồ-đề Đạt-ma thì Tổ Huệ Khả trình cái gì? Các vị kia thì trình thế này thế kia v.v… còn ngài Huệ Khả thì lạy ba lạy sau đó đứng lại chỗ cũ. Tuy Ngài chỉ trình như vậy mà Tổ Đạt-ma bảo: "Ngươi được tủy của ta" và truyền y bát cho. Cho nên, người học Phật là phải luôn nhớ tinh thần vô ngã đó.
Tuy người Phật tử học đạo chưa được giác ngộ viên mãn nhưng nó cũng phải bớt bớt, thì có tu tiến. Thí dụ như khi chưa biết đạo thì còn chấp nhiều nhưng khi biết rồi thì nó bớt chấp, nhẹ dần, đó là học đạo đúng đắn. Như vậy, càng học đạo thì nó càng nhẹ bớt, tâm hồn càng cởi mở. Thí dụ như quý Phật tử mới vô chùa, mới học đạo thì rất khiêm tốn, nhưng học đạo lâu rồi, thành huynh trưởng hay hội trưởng mà quý thầy lỡ sắp đứng tuốt đằng sau thì sao? Thì mình sẽ thấy liền! Bởi vậy, lâu lâu mình phải kiểm lại sự học đạo của mình, học đạo mà đúng thì càng học là càng tiến. Còn không thì học đạo càng nhiều, hiểu đạo quá thì cũng thành bệnh chứ không phải hiểu đạo nhiều thì tốt. Quý vị có biết vì sao hiểu đạo nhiều mà thành bệnh không? Thí dụ như "tôi hiểu cái này", "tôi hiểu cái kia", hiểu nhiều quá nhưng chưa có hành nên thành nhiều cái tôi trong đó. Do vậy, mình phải khéo mà kiểm lại tinh thần học đạo: mình học, hiểu nhưng phải hành, tức là tiêu hóa được những điều mình đã học. Giống như cơm, mình ăn thì phải tiêu hóa, nếu nó không tiêu thì mình sẽ đau bụng, sình bụng hoặc là tiêu chảy! Cũng vậy, học đạo mà không tiêu hóa được thì cũng thành bệnh. Hiểu đúng tinh thần học đạo như vậy thì tình chấp ngã phải dần dần bớt nhẹ, chưa sạch hết nhưng nó phải bớt dần. Chứ nếu sạch hết thì đó là chứng A-la-hán rồi! Nếu đúng là A-la-hán, sạch hết ngã thì vị đó không còn sợ sệt, cũng không còn những thứ ngã mạn, kiêu mạn hay ti liệt mạn v.v… Có câu chuyện về hai thầy trò, vị học trò thì chứng A-la-hán trước, sạch hết lậu hoặc, còn ông thầy thì chưa chứng A-la-hán. Hôm đó, vị đệ tử nhớ lại ông thầy, bèn quán xét xem thầy mình đã chứng A-la-hán hết lậu hoặc chưa? Ngài thấy là chưa, nên nghĩ: ‘Mình phải đến giúp thầy’. Nghĩ như vậy, Ngài bèn dùng thần thông bay đến chỗ thầy đang ở. Ông thầy thấy vậy thì hỏi:
- Sao con bất ngờ đến đây vậy?
Vị đệ tử đáp:
- Con đến đây để thưa hỏi thầy vài điều.
Thầy nói:
- Con cứ hỏi, nếu điều nào ta biết ta sẽ giải thích cho.
Ngay đó, vị đệ tử nói một ngàn câu kệ, thành một ngàn câu hỏi! Ông thầy cũng trả lời suôn sẻ, không vấp váp gì hết! Ông thầy này quả không phải hạng tầm thường! Sau đó, vị đệ tử thưa:
- Thầy đã đạt đến tình trạng này bao lâu rồi?
Ông thầy đáp:
- Đã sáu mươi năm rồi.
Sáu mươi năm tình trạng như vậy mà chưa chứng A-la-hán! Vị đệ tử nói:
- Xin thầy biến hóa ra một con voi trắng ngay trước mặt xem.
Ông thầy liền dùng thần thông hóa một con voi trắng ngay trước mặt liền. Vị đệ tử nói tiếp:
- Xin thầy làm con voi này rống lên một tiếng, cuốn vòi rồi sấn tới một cách thật mạnh mẽ.
Ông thầy cũng biến hóa như vậy. Nhưng vừa thấy con voi sấn tới mạnh quá thì ông giật mình tưởng đâu sấn tới mình nên đứng dậy định tránh đi. Ngay đó, người đệ tử mới nắm áo ông thầy kéo lại và thưa:
- Bạch thầy! Các bậc đã sạch hết lậu tận có còn sợ hay không?
Lúc đó, ông thầy mới nhận ra mình chưa chứng A-la-hán. Còn sợ tức là còn cái ngã này, còn một chút gì đó vướng mắc chưa sạch hết. Ngay đó, ông thầy đảnh lễ lại người đệ tử và nói:
- Xin hiền giả hãy giúp ta!
Đó thật sự là những người có tâm vì đạo, không vì cái bản ngã, không nghĩ mình là thầy. Người học trò tuy chứng A-la-hán nhưng vẫn giữ đạo thầy trò, không ngã mạn bởi vì thật là A-la-hán thì không có ngã. Do vậy, quý vị hiểu kỹ, nhiều khi nghĩ ‘Tuy mình là đệ tử nhưng mình chứng đạo trước thầy’ mà sanh tâm ngã mạn thì không phải thứ thiệt rồi! Lúc đó, vị đệ tử mới thưa:
- Dạ bạch thầy, chính vì vậy nên con mới đến đây để giúp thầy. Xin thầy đừng lo.
Khi đó, vị đệ tử nói một đề mục về thiền để ông thầy quán chiếu. Ông thầy này đúng là tay lão luyện, nghe là tiếp nhận liền. Ngay tại đó, tiếp nhận xong đề mục để quán chiếu thì ông đi trên con đường kinh hành. Mới đi có bốn, năm bước thì liền chứng A-la-hán, là xong việc! Quý vị thấy, đến bậc rốt ráo chứng A-la-hán thì phải sạch hết cái ngã. Hiểu như vậy, kiểm lại đường tu của mình thì sẽ không có sự lầm lẫn. Nói rõ lại, mình càng tu thì càng bớt cái ngã, bớt nhẹ nhẹ dần thì đó là tu đúng chứ không để nó thêm, nó dư quá! Có một câu rất ý nghĩa của một vị thầy Tây Tạng nói:
"Đức tính kì diệu của các bậc vĩ nhân là họ giấu kín sự thánh thiện của họ, làm cho những người như chúng ta không dễ gì thấy được dù ta có nỗ lực xem xét. Còn trái lại, những lang băm thì nói ra giống như bậc Thánh!".
Tức là những bậc vĩ nhân đó, sự kì diệu của họ là giấu kín sự thánh thiện của họ, làm cho những người thường nhìn không ra họ là bậc vĩ nhân, còn những vị thường thường thì lại nói ra giống như bậc Thánh. Như vậy, thấy ai mà nói ra giống bậc Thánh thì chắc không phải thứ thiệt rồi! Mình hiểu kỹ thì không có lầm. Bởi vậy, mình học đạo thì phải đi qua con đường vô ngã này. Trong kinh A-hàm, Phật luôn dạy các vị Tỳ-kheo quán:
"Năm uẩn này không phải là ta, không phải là của ta, không phải tự ngã của ta. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không phải là ta, không phải là của ta, không phải tự ngã của ta. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không phải là ta, không phải là của ta, không phải tự ngã của ta".
Đây là dạy cho mình phải buông hết những căn, những trần, những thức. Mấy thứ này đều không phải là ta, không phải là của ta, tức là buông cái ta lâu nay mình nhận, mình chấp lấy.
Do vậy, mình tu thì rõ ràng là buông bớt thôi. Lâu nay mình chấp cái này là mình, mà bây giờ buông nó, không chấp nó là mình thì giải thoát chứ gì nữa! Không có "ta" thì lấy "ai" mà sanh tử? Pháp giải thoát sanh tử là như vậy. Bởi vậy, trong sử có kể câu chuyện, Bồ-tát Đề-bà là vị Tổ của Thiền tông Ấn Độ, Ngài thuyết pháp rất hay đến nỗi thu hút cả những tín đồ của đạo Bà-la-môn. Vì vậy, những vị bên Bà-la-môn rất hận Ngài nên cho người theo dõi để trừ khử Ngài. Hôm nọ, thấy Ngài đi kinh hành một mình không có ai đi theo, ngoại đạo đó bèn dùng dao uy hiếp và mổ bụng Ngài. Lúc đó, tuy ruột gan lòi ra ngoài nhưng Ngài vẫn chưa chết. Biết vậy nhưng Ngài thương hại kẻ đó nên dặn:
- Ta còn y bát để ở đằng kia, ông hãy đến đó lấy rồi đi theo con đường tắt lên núi sau đó thì chạy đi. Nếu ông đi xuống con đường đất bằng đó, đệ tử của ta - những người chưa đắc được pháp nhẫn sẽ bắt ông giải đến quan thì ông sẽ chịu khổ.
Nghe vậy, ngoại đạo theo hướng đó trốn đi. Sau đó, hàng đệ tử nghe tin mới chạy đến, định đuổi theo để bắt người hại thầy mình. Nhưng Ngài ngăn lại không cho và bảo rằng:
- Cái thực của các pháp chính là ở chỗ không có người thọ, cũng không có người hại. Thân là thân ai? Oán là oán ai? Giết ai, hại ai trong đó? Chỉ có những bọn si mê bị lừa dối nên mới nảy sinh những cái trước kiến, nên mới gào khóc, mới trồng cái căn bất thiện. Thật thì người bị kẻ kia hại đó là nghiệp báo thôi chứ không phải là hại ta. Các con phải nghĩ thận trọng, đừng có đem cái cuồng mà đuổi theo cái cuồng, đem cái thương mà buồn cho cái thương.
Dặn dò xong, Ngài mới thị tịch.
Đây là Ngài thấy không có mình, không có ta thì đâu có cái bị hại! Cho nên, tuy bị hại như vậy nhưng Ngài vẫn không có tâm oán hận mà còn chỉ chỗ cho trốn. Đó đúng là tinh thần thật sự vô ngã, quên cái ta. Cho nên, tất cả hãy quán kỹ, phải thấy rõ rằng học Phật thì mình phải đi qua con đường đó. Mình chưa viên mãn, chưa được như các Ngài nhưng đó là hướng đi của mình. Biết hướng đi đó, đi cho đúng đường thì càng tu mình càng tiến. Còn nếu không vậy, nhiều khi tu lâu không thấy tiến thì thối tâm, sanh buồn nên than: "Tu giải thoát mà sao ở trong chùa lâu, mười năm, hai mươi năm không thấy giải thoát đâu mà chỉ thấy phiền não hoài!". Khi đó thì phải quán lại: tại sao? Mình tu là tu giải thoát chứ đâu phải để phiền não, mà tại sao tu lâu ở trong chùa thì lại thấy phiền não nhiều?! Như vậy là sao? Phải đặt câu hỏi quán kỹ lại: vậy mình tu có đúng chưa? Nếu tu đúng thì tại sao lại như vậy? Còn nếu tu sai thì sai ở chỗ nào? Phải thấy rõ tại sao lại phiền não? Đó cũng là vì "cái tôi nhiều quá" chứ không gì hết! Không có tôi thì lấy ai phiền não? Quán kỹ vậy thì thấy rõ đường đi của mình, tu sẽ nhẹ nhàng. Bởi vậy, người càng nhẹ bớt chấp ngã thì tu dễ tiến. Có nhiều vị đến hỏi: "Con muốn tu làm sao cho mau tiến, mau đắc đạo" mà cái tôi thì không dám buông! Lẽ thật, chỉ cần bớt chấp ngã thì tu mau tiến, còn ai nặng chấp ngã thì tu khó vì đụng tới là phiền não rồi! Trong nhà Thiền có câu chuyện, có vị tăng đến hỏi Thiền sư Duy Khoan:
- Đạo ở chỗ nào?
Thiền sư đáp:
- Ở trước mắt.
Ông tăng hỏi:
- Ở trước mắt tại sao con không thấy?
Thiền sư đáp:
- Tại vì ông có ngã nên không thấy.
Vị tăng nói:
- Con có ngã nên không thấy, còn Hòa thượng có thấy hay không?
Sư trả lời:
- Có ông có ta thì cũng không thấy.
Vị tăng hỏi tiếp:
- Như vậy, nếu không có con không có Hòa thượng thì có thấy chăng?
Thiền sư đáp:
- Không ông không ta thì còn ai cầu thấy nữa?
Đó, lẽ thật là như vậy, rất là đơn giản! Đạo tức là chân lý, nó ở ngay trước mắt, rất là gần gũi không có đâu xa xôi hết. Nhưng "Tại vì ông có ngã nên không thấy", bị cái ngã này che, chỉ nhớ cái ngã này thì ông làm sao thấy đạo được! Luôn nhớ cái ngã, cái tôi này thì làm sao còn thấy cái gì khác nữa? Tuy Sư trả lời vậy nhưng ông tăng vẫn hỏi: "Con có ngã nên không thấy, vậy Hòa thượng có thấy hay không?". Hỏi vậy tức là sao? Thì còn thấy có mình, có người tức cũng là lòng vòng trong cái ngã thôi! Đây Sư đáp: "Có ông có ta rồi cũng không thấy luôn", thấy có mình có người tức là người đối với mình, thì tất nhiên cũng có chuyện nên rồi "cũng không thấy luôn". Ông tăng lại hỏi: "Như vậy, nếu không có con không có Hòa thượng thì có thấy không?". Nếu không có ông không có ta, sạch hết cái ngã, ngay đó là đạo rồi thì còn "ai cầu thấy trong đó nữa?". Lẽ thật rõ ràng là như vậy. Chỉ cần buông cái "ta" ở trong khái niệm này thì ngay đó đạo hiện tiền sáng tỏ rõ ràng không phải tìm đâu xa. Bởi vậy, chân lý giác ngộ rất đơn giản, rất thân thiết, gần gũi với mọi người nhưng chỉ vì mình tự ngăn che thôi chứ không phải ai khác ngăn che mình. Rất là gần, nhưng vì mình mê, cứ nhớ cái tôi này mãi nên đâu thấy đạo được. Quên cái tôi này thì đạo hiện tiền.
Có câu chuyện về Thiền sư Phá Táo Đọa ở vùng núi Tung Sơn, dưới chân núi vùng đó có cái miếu thờ thần táo (tức mấy cục gạch xếp lại thành cái bếp) rất linh thiêng nên dân chúng thường giết con này con kia để cúng. Thấy như vậy, Ngài Phá Táo Đọa mới dẫn một số đệ tử vào trong miếu, vừa là cứu ông thần táo mà cũng vừa khai thị cho những người chung quanh được tỉnh ngộ. Đến nơi cái bếp người ta thờ, Ngài lấy gậy gõ gõ ba cái và nói:
- Bếp ơi! Bếp ơi! Đây là ngói gạch hợp thành thì linh từ đâu lại, thánh từ đâu đến mà ngươi đòi cúng kiếng nhiều sinh mạng như vậy?
Ngài gõ thêm một cái nữa thì cái bếp ngã đổ xuống! Thấy vậy, những người chung quanh xanh mặt, sợ chút xíu nữa ông thần táo bẻ cổ ông Hòa thượng này chết! Nhưng sau đó thì không có chuyện gì cả, khi Ngài đi ra thì gặp một thanh niên mặc áo mão cân đai như vị quan đến đảnh lễ trước mặt Ngài. Thấy vậy, Ngài mới hỏi:
- Ông là ai vậy?
Vị đó đáp:
- Bạch Hòa thượng! Con là thần táo ở trong cái miếu này, vừa rồi Hòa thượng khai thị cho pháp vô sanh, con thoát khỏi kiếp thần táo được sanh về cõi Trời nên bây giờ con đến đây để lễ tạ Hòa thượng.
Ngài bảo:
- Đó là tánh sẵn có của ông thôi.
Sau đó, vị ấy liền biến mất. Ông thị giả thưa:
- Ông thần táo vừa rồi được Hòa thượng khai thị cho pháp vô sanh gì mà mau thoát khỏi kiếp thần táo; còn tụi con bấy lâu nay theo hầu Hòa thượng mà sao chưa nghe được pháp ấy?
Ngài nói:
- Ta không có dạy gì lạ, ta chỉ nói: "Đây chỉ là ngói, là gạch hợp thành thì linh từ đâu lại, thánh từ đâu đến?" mà thôi.
Ông thị giả bèn quỳ xuống đảnh lễ, Ngài liền nói:
- Đổ rồi, đổ rồi! Ngã rồi, ngã rồi!
Ngay đó thị giả cũng tỉnh ngộ! Quý vị thấy, vậy ông ngộ cái gì? Ông thần táo không có chỗ nương dựa nên mới mượn cái bếp làm nhà mình, làm thân mình nên mới đòi hỏi người ta giết con này con kia để cúng. Mà càng giết nhiều thì nghiệp gây tạo càng nặng nên không đi đâu được, bị trói vào đó nên không có siêu thoát được. Vì biết vậy nên Ngài Phá Táo Đọa mới khai thị: "Ông là thần, là linh thiêng, là sáng suốt, chứ đâu phải là ngói, là gạch, đó là mấy thứ vô tri, đâu có linh thiêng sáng suốt gì?!". Ngài bèn gõ thêm một cái nữa, thì ông tỉnh ngộ: "Mình là thần, là linh thiêng, là sáng suốt chứ không phải là mấy cục gạch, mấy cục đá đó!", liền buông mấy cái đó nên giải thoát kiếp thần táo liền!
Đó là bài học nhắc nhở cho tất cả, mọi người cũng giống giống vậy thôi chứ không khác gì! Ông thần táo thì bám vào mấy cục gạch, mấy cục đá còn mình thì bám vào mấy cục thịt, mấy cục xương, mấy sợi gân, v.v… nên mỗi ngày cũng phải cúng cho nó! Mà nếu cúng không ngon thì nó cũng không chịu chứng nữa. Đó mới thấy mình giống y như vậy, nên giờ đây tỉnh ngộ mà buông nó thì sao? Thì giải thoát thôi, nhưng ít ai lại dám buông. Nhưng hãy quán lại xem, nếu như mình nhận mấy cục thịt, mấy cục xương này v.v… là mình, cả đời lo cho nó, phụng dưỡng cho nó, bồi bổ cho nó, có khi không hiểu đạo còn tạo thêm nhiều nghiệp xấu, nghiệp ác nữa! Cuối cùng, khi nó tắt thở thì cũng phải đưa nó, đưa mấy cục thịt, mấy cục xương này v.v… ra nghĩa địa. Nhưng còn mấy cái nghiệp kia thì mình phải đem theo qua đời sau để mình chịu! Vậy có thấy đau đớn không? Cả đời lo cho nó, phụng dưỡng cho nó nhưng cuối cùng thì nó bỏ mình ra nghĩa địa nằm, còn cái nghiệp thì chỉ một mình mình đi qua đời sau để chịu, nó không có theo mà chia phần với mình! Đúng ra, nó cũng phải theo chia hai với mình mới phải. Nhưng đây nó không chia được chút nào hết, đó mới thấy cái mê của mình. Phật dạy mình vô minh là chỗ đó, đó đúng là vô minh!
Nhưng nếu sáng suốt thì sao? Sáng suốt thì ngược lại, mình phải khéo lợi dụng nó. Lúc trước, mình bị nó chi phối nên bây giờ sáng suốt thì mình khéo lợi dụng, mượn nó mà tu hành, chứ nếu không có nó thì mình cũng không có tu gì được! Biết nó không phải là mình thì mình bắt nó phải chịu khổ: bắt nó ăn chay, bắt tụng kinh, bắt lễ Phật, bắt ngồi thiền v.v… Sẵn sàng bắt nó làm những thứ đó, lúc cuối cùng ra nghĩa địa thì cho nó ra nghĩa địa còn cái nghiệp tu hành kia thì mình lãnh! Sáng suốt là như vậy đó! Phật thật khéo, dạy "Thân này không phải là mình, nó như ghẻ lở, như rắn độc, là đáng chán, đáng bỏ v.v…" nhưng Phật có cho mình bỏ thân này không? Tuy là dạy để mình không chấp nó nhưng Phật cũng dạy mình phải mượn nó để tu, chứ không phải là nghe vậy rồi hủy hoại nó. Trong thời Phật, có nhiều vị nghe vậy thì mướn người cắt cổ dùm cho nó chết nên sau đó Phật dạy: "Không được tự sát, đó là phạm giới!". Cho nên, biết nó là như vậy nhưng mình phải lợi dụng, mượn nó để tu hành thì đó mới khéo léo, mới sáng suốt. Hiểu ý nghĩa đó, mình ứng dụng để tu tập thì lợi ích rất lớn.
III. CUỐI CÙNG CÓ TA HAY KHÔNG ?
Như vậy thấy rõ rằng đó không phải là mình, không phải là ta, không chấp vào nó nhưng theo tinh thần của đạo Phật thì cuối cùng có ta hay không? Khi sạch hết cái ngã hư dối, không còn gì để chấp nữa thì cuối cùng là gì? Trong giáo lý Nguyên thủy, Phật chỉ nói đến vô ngã nhưng qua các kinh Đại thừa thì sao? Thì mới chỉ ra là Phật tánh, là Chân như, hoặc kinh Niết-bàn thì nói đến Như Lai thường trụ tức là Chân ngã. Nghĩa là, sạch hết tất cả hoàn toàn vô ngã thì cái gì thấu suốt vô ngã để chỉ dạy lại cho người? Cho nên, đâu phải buông hết thì không còn gì mà quý vị sợ: "Buông hết, không còn gì là mình thì lúc đó ra sao?". Đó là vì còn tiếc nó, chứ nếu dám buông sạch hết thì chính là lúc sống trở lại cái chân thật. Do vậy, đến rốt ráo thì đâu phải là mất hết thành đoạn diệt nên quý vị đừng có sợ buông hết rồi không còn gì! Trong kinh Niết-bàn, Đức Phật dạy:
"Như Lai là bậc Đại Y Vương hiện ra nơi đời để hàng phục tất cả tà y ngoại đạo, giữa đại chúng mà xướng rằng: "Ta là Y Vương, vì hàng phục ngoại đạo cho nên nói là không có ngã, không có nhân, không có chúng sanh, không có thọ giả". Các thầy nên biết, ngoại đạo mà nói là ngã đó thì như mối ăn cây ngẫu nhiêu thành chữ".
Tức là ngoại đạo tuy nói ngã nhưng đó là không có thật, đó là tưởng tượng, là khái niệm, giống như con mối đục cây ngẫu nhiên thành ra chữ thôi.
"Vì thế nên trong Phật pháp, Đức Như Lai nói là vô ngã để điều phục chúng sanh, và vì là lúc phải nói là vô ngã".
Tức là Phật nói vô ngã để cho người tu mình không có lầm với cái ngã của ngoại đạo chấp, vì ngoại đạo thời Phật cũng nói thần ngã. Nếu Phật nói: "Trong Phật pháp cũng có ngã" thì những người ngoại đạo nói "Tôi nói cũng có ngã thì Ngài ra đời làm chi!", đó là dư rồi! Cho nên, lúc đầu thì Phật nói vô ngã để phá cái chấp ngã mê lầm của ngoại đạo, nhưng sau khi sạch hết chấp rồi thì Phật mới chỉ ra cái chân thật, là chân ngã. Phật nói:
"Rồi cũng vì có nhân duyên nên cũng nói có ngã, như minh y (thầy thuốc giỏi) kia biết rõ nơi sữa, phải thuốc hay không phải thuốc, chẳng phải như chỗ chấp ngã của phàm phu".
Tức là Phật biết rõ khi nào nên nói vô ngã, lúc nào nên nói chơn ngã thì người nhận ra nó không có lầm, nghĩa là trước nói vô ngã để phá cái lầm chấp ngã bởi vì đó là cái ngã hư dối, khi sạch hết chấp ngã, tức cái ngã sanh tử đó, thì mới chỉ ra cái chơn thật, là Như Lai thường trụ, là chơn ngã. Như vậy, tuy nói chơn ngã nhưng không trái với vô ngã, không có mâu thuẫn gì hết. Hiểu được ý nghĩa đó thì biết được con đường đi của mình, vững vàng, không có gì phải nghi ngờ, không phải sợ: "Phá ngã không còn cái tôi gì hết thì tu để làm gì?". Có nhiều vị ngồi thiền, đến lúc tâm yên yên thì thấy giống như là mất thân nên phát sinh sợ hãi. Mà khi tâm vừa khởi sợ thì động niệm, động niệm thì liền hết yên, thì mất đi công phu yên tĩnh. Đó chính là tập khí chấp ngã, sợ mất nó đó, chứ đúng ra thì mình ngồi đây chứ có mất đâu! Đó là do mình tu nên tâm yên lặng, thanh tịnh, giống như là quên cái ngã. Nhưng do vì tập khí chấp ngã nên sợ, sợ nên động niệm trở lại; chứ đúng ra thì cứ bình tĩnh, vì còn biết mất thì đâu có mất. Hiểu vậy thì đường tu của mình không có lầm, giữ bình tĩnh thì tâm càng yên, trí tuệ càng sáng, càng rõ ràng thêm. Tức là khi sạch hết những tình chấp thì cái chân thật liền hiện, chứ không phải tu buông sạch hết thì không còn gì! Trong nhà Thiền, có vị tăng đến hỏi Thiền sư Tào Sơn - Bổn Tịch:
- Thế nào là cây kiếm không mũi?
Sư đáp:
- Không có rèn luyện mà thành.
Tức không do tạo tác. Ông tăng lại hỏi:
- Vậy cái dụng của nó như thế nào?
Sư nói:
- Ai gặp đều chết hết.
Ông tăng hỏi:
- Còn người không gặp thì sao?
Sư bảo:
- Cũng phải rơi đầu.
Vị tăng nghi ngờ liền hỏi:
- Người gặp đều chết thì đó là chuyện cố nhiên rồi, còn người không gặp thì tại sao cũng phải rơi đầu?
Thiền sư đáp:
- Ông không nghe nói là "nó hay sạch tất cả" sao?
Ông tăng lại hỏi:
- Khi sạch hết thì sao?
Sư bảo:
- Mới biết có cây kiếm này.
Cây kiếm này là kiếm Bát-nhã đó, nó quét sạch hết, người gặp cũng chết, người không gặp cũng chết, tức là hết tình phân biệt đối đãi hai bên. Bát-nhã phá sạch hết không cho mình dính mắc cái gì. Nhưng khi sạch hết rồi thì mới biết có cây kiếm này, vậy đâu phải là không còn gì! Hiểu vậy thì con đường mình đi rất rõ ràng, buông sạch hết không còn gì để chấp thì còn lại cái gì? Đó mới là chỗ sống chân thật. Còn có cái buông được thì chưa phải, vì còn có cái buông được thì còn phải buông nữa, đến khi buông hết không còn gì để buông nữa thì còn lại mới là chính mình. Nói rõ lại, hễ còn có cái "ta là" này, "ta là" kia, thì chẳng phải là ta, tức là còn có phá có dẹp, còn phải buông. Chính đây là đưa đến tinh thần vô chấp, không cho mình chấp, mình dính cái gì hết. Bởi vậy, nhà Thiền gọi là nghèo thật nghèo, giống như Ngài Hương Nghiêm – Trí Nhàn nói: "Năm xưa nghèo nhưng chưa thật nghèo, năm nay nghèo mới thật nghèo. Năm xưa nghèo còn có đất để cắm dùi, năm nay nghèo đến nỗi dùi cũng không!". Nghèo mà còn có đất để cắm dùi đó chưa phải thiệt nghèo, đến chỗ không có dùi để cắm nữa thì đó mới thiệt là nghèo, tức buông hết không còn gì để buông nữa thì mới thật sự tự do tự tại.
III. TÓM KẾT.
Nên nhớ rõ, vừa có cái "ta là" tức mình đã rơi vào trong khái niệm, không phải thật chính mình, là không phải cái ta chân thật rồi! Do vậy, nếu bất đắc dĩ phải nói thì mình chỉ "ta" là đủ, còn thêm "là" nữa thì dư quá. Cho nên ngay đó dừng là đủ, đã lỡ thì không thêm nữa, không phải càng đi sâu thêm sự mê lầm nữa. Hiểu vậy thì quý vị càng thấm sâu ý nghĩa Phật ra đời: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn". Tức là trên trời dưới trời chỉ "ta" là hơn hết, đừng có thêm cái gì nữa, nhưng "ta" đây mà nghĩ là cái "ta là" này thì nguy hiểm! Có những vị học giả hiểu lầm, nghe tới đó thì liền phê bình Đức Phật ngã mạn cao quá: "Ngài mới ra đời mà nói "ta" là trên hết rồi!". Đó đúng là hiểu lầm theo kiểu "ta là", còn ở đây ngay đó mà dừng thì hiểu được ý nghĩa sâu cái "ta" đó. Tất cả hãy luôn nhớ kĩ điều đó, hễ mà "ta là" thì "chẳng phải là ta", luôn luôn nhớ vậy thì bớt lầm. Để kết thúc lại, xin tặng tất cả bài kệ về cái TA này cho nhớ:
Ta ơi là ta!
Mi ở đâu ra?
Mà làm điên đảo
Khắp cõi Ta-bà.
Cũng chỉ vì nó mà khắp cõi Ta-bà này điên đảo. Không có nó thì lấy gì điên đảo? Nhưng nó ở đâu ra? Thì cũng không biết ở đâu, nên chỉ là ở vô minh mà nó ra thôi! Vậy nên:
Mở mắt sinh ra
Liền khóc oa oa
Báo cho người biết
Là có mặt ta.Trong suốt cuộc đời
Theo suốt bên người
Tạo thành cuộc sống
Giận ghét buồn vui.
Là nó theo suốt cuộc đời của mình, giận ghét buồn vui thì cũng vì nó.
Đi khắp thế gian
Tột cõi ba ngàn
Không đâu chẳng thấy
Bóng ta lang thang.Ta ơi là ta!
Mi ở đâu ra?
Mà làm điên đảo
Khắp chúng hà sa.Sinh tử không dừng
Ba cõi sáu đường
Xoay quanh lẩn quẩn
Mi vẫn đi luôn.Ta ơi là ta
Bao giờ mới tha
Cho người tự tại
Sống mở lối ra.Mở!
Đây rồi là ta
Muôn kiếp lầm qua
Chỉ do ngủ mớ
La hoảng: ta ta.Nay tỉnh ra rồi
Hết chạy xa xôi
Đảo điên lên xuống
Theo bóng trời người.Thánh phàm ngay đây
Tổ, Phật chốn này
Một buông buông tột
Liền vác lên đi!Hay!
Từ đây xin chào
Cái ta thuở nào
Một bước thẳng tiến
Bặt dấu đằng sau.Đó là con đường mình phải đi, ngay đây là vĩnh chào, là không có trở lại, buông rồi thì không trở lại chứ đừng có tiếc. Kết thúc, đây là câu mà tất cả luôn nhớ để giữ gìn:
Ta là ta là
Thì chẳng là ta!
Xin nhắc cho đời
Mau hãy thoát ra!Đó là một chút kinh nghiệm cũng như quà tặng tinh thần cho tất cả để nhớ giữ và tinh tiến sống tiến lên trên con đường giác ngộ học Phật của mình.
- T.T Thích Thông Phương -
Các bài mới
- Chẳng lầm nhân quả - 18/06/2015
- Thấy pháp - 06/05/2015
- Tâm ấn tâm - 03/03/2015
- Nó đây rồi - 02/03/2015
- Thấy biết đúng như thật - 01/03/2015
Các bài đã đăng
- Con đường khai phóng tâm linh - 27/02/2015
- Tâm thể tinh khôi - 26/02/2015
- Cây bách Triệu Châu - 25/02/2015
- Trà Triệu Châu - 24/02/2015
- Khúc ca trà thiền - 22/02/2015
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89977
- Online: 36