Mời Tham Dự Khóa Tu Một Ngày Tu An Lạc Tháng 10 - Lễ Tưởng Niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Thiền Sư Chân Nguyên
Đặc Điểm Của Thiền Tông Việt Nam
Bế mạc khóa gặp mặt chư Tôn đức Tăng các thiền viện Tông môn Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam khu vực phía Bắc
Các hoạt động tại Khóa gặp mặt Chư Tôn Đức Tăng Các Thiền Viện Trong Tông Môn Thiền Phái Trúc Lâm Khu vực Phía Bắc
Thiền phái Trúc Lâm VN tổ chức khóa gặp mặt, tu học dành cho chư Tăng các thiền viện khu vực phía Bắc
Lễ Giỗ Tổ Bồ Đề Đạt Ma PL.2568-DL.2024 tại TVTL Sùng Phúc
Chuyện Tổ Bồ Đề Đạt Ma
Tiểu Sử Tổ Bồ Đề Đạt Ma
Thiền Tông Là Gì
Thiền Của Đạo Phật
Thứ tư, 4/12/2024
,
Tâm bất sinh ( Phần 2)
15/04/2011 | Lượt xem: 4544
Thiền sư Bankei
Việt dịch: Thích Nữ Trí Hải
PHẦN HAI
Nói cho phụ nữ
Tôi thấy trong giảng đường hôm nay cũng có nhiều người nữ đến nghe pháp. Phụ nữ thường dễ nổi giận, dễ khuấy động si mê vì những chuyện tầm thường. Bây giờ tôi sẽ nói cho các bà, nhưng ai cũng có thể nghe vì những gì tôi sắp nói chắc chắn cũng quen thuộc với tất cả mọi người. Vậy hãy chú ý lắng nghe.
Phần đông các bà bận rộn về công việc may vá. Khi một bà trong đây đang may một cái áo kimono hay bất cứ gì, mà có người nào đến - tỉ dụ người vú em - thì có lẽ bà sẽ khởi sự trò chuyện trong khi vẫn tiếp tục may. Việc may vá không trở ngại câu chuyện - không phải vì bận may vá mà bà không nghe người kia nói gì; và sự trò chuyện cũng không cản trở việc may vá, khiến cho bà phải ngừng kim. Không bỏ dở công việc, bà có thể nghe và trả lời thích đáng - vừa khâu vừa nghe vừa nói, không bỏ sót một điều gì. Có phải chính vì cái Tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu nơi bà vốn bất sinh, nên bà có thể làm đồng lúc tất cả mọi sự? Ngược lại, giá dụ trong lúc may vá hay dệt cửi, mà lỡ ra chỉ đứt, kim sút, hoặc bà may sai một mũi kim, bất cứ là do nguyên nhân gì, ngay lúc đó bà bỗng mất kiên nhẫn và đùng đùng nổi giận. Thật là hết sức điên rồ, phải không? Làm sao bà may hay dệt cho đàng hoàng được nếu bà tự làm cho bà nổi giận? Nếu bà quen cái thói mất bình tĩnh như thế, thì hậu quả duy nhất là kim càng gãy nhiều hơn, chỉ càng đứt thêm nữa.
Nếu nhờ bà nổi giận trong khi làm việc mà công việc hoàn tất tốt đẹp, không nổi giận thì công việc bị đình trệ, thì cũng nên cứ việc nổi sân lên mỗi khi cần làm bất cứ việc gì. Nhưng sự tình xảy ra lại không phải thế: khi làm việc mà nổi giận thì không xong gì cả, và ngược lại, khi bà không nổi xùng mà vui vẻ, có tâm trạng quân bình, thì chắc chắn công việc của bà sẽ trôi chảy nhịp nhàng. Dù bà có cả quyết rằng nhờ sân si mới xong việc, thì bà chỉ có được một việc duy nhất là đổi cái Tâm Phật đồng nhất trong bà thành ra một con quỷ chiến đấu trong khi bà làm bất cứ gì. Bởi thế đối với tôi, dường như sự nổi giận, đổi cái Tâm Phật bất sinh thành một quỷ a tu la gây chiến, là việc hoàn toàn vô ích. Khi bà nổi giận vì những chuyện không ra gì, trở thành mê muội, tức bà đã đổi cái tâm Phật của bà thành a tu la, súc sinh, ngạ quỷ...luân hồi qua đủ thứ ác đạo. Bởi thế mà tôi khuyên quý bà nên nghe cho kỹ.
Có bà nuôi người ăn kẻ làm trong nhà, nuôi nhiều tôi trai tớ gái để sai vặt. Giả sử một trong những tôi tớ ấy lỡ vô ý làm vỡ một đồ gia dụng quý giá, như một chén uống trà chẳng hạn, thì mặc dù không đáng gì để làm ầm lên, bà chủ vẫn hầm hầm nổi tam bành lục tặc mà đay nghiến chúng một cách vô lý, làm như là chúng cố ý đánh vỡ không bằng. Dù một tách trà có quý giá bao nhiêu, đã lỡ bể rồi thì bà cũng không làm gì được. Thế mà vì dục vọng ích kỷ, bà lại vội vàng chuyển cái tâm Phật quý báu bẩm sinh thành ra một con quỷ hung dữ. Có phải việc ấy còn thiếu ý thức hơn cả việc đánh vỡ một cái chén tách hay không? Bà luôn luôn có thể mua một cái tách khác để thay thế. Lại nữa, uống trà với cái tách mua ở Nhật hay tách mua từ Triều tiên thì hương vị trà cũng không vì thế mà đổi khác, bà vẫn có thể thưởng thức trà được như thường. Nhưng một khi bà đã khuấy động sự giận dữ lên, thì không thể có sự vãn hồi được nữa.
Khi quý vị đã rõ sự việc về tách trà, thì với mọi vấn đề khác cũng vậy, không nên cứ nhai đi nhai lại mãi trong tâm mình về những rủi ro để tức giận và biến mình thành a tu la hung dữ, hoặc thành súc sinh ngu muội, hoặc thành quỷ đói vì dục vọng ích kỷ... Muốn vậy chỉ cần an trú tự nhiên trong tâm Phật bất sinh. Khi đã nhận chân sự quý báu của Tâm ấy, thì dù muốn dù không, quý vị cũng tự thấy mình an trú trong Bất sinh.
Điều tôi nói với quý vị về việc không nên đổi cái Tâm Phật có sẵn nơi quý vị thành ba độc tham sân si, là điều vô cùng quan trọng. Hãy học kỹ điều ấy, và rán đừng đổi cái Tâm Phật bất sinh thành ra bất cứ gì khác.
{mospagebreak title=U già ở Sanuki}
U già ở Sanuki
Tôi sẽ kể cho quý vị nghe một chuyện liên hệ đến vấn đề này. Lúc tôi giảng ở Marugame thuộc tỉnh thành Sanuki, một đám rất đông người trong thành phố kéo đến nghe, trong đó có phu nhân của một hiệp sĩ cận vệ quan lớn đến cùng với nữ tỳ và u già. Về sau, bà phu nhân cùng u già đến nói với tôi: "Trước đây, u già của tôi thường rất nóng tính, động một tí cũng nổi tam bành. Nhưng từ khi được nghe ngài giảng, đã khá lâu bà chưa lần nào nổi cơn giận dữ như trước. Hơn nữa, bà lại chỉ nói toàn những lời hay lẽ phải và không bao giờ để ý đến những chuyện phù phiếm. Tóm lại là chính tôi bây giờ còn phải cảm thấy hổ thẹn với u già này. Rõ ràng bà ấy đã thấm nhuần được giáo huấn của ngài, và tôi tin rằng chính nhờ ngài mà được như thế, nên chúng tôi hết sức mang ơn."
Ngay cả về sau, mỗi khi có dịp, mọi người cũng cho tôi biết u già ấy không bao giờ rơi vào giận dữ mê si nữa.
Cái Tâm Phật mà tôi thường nói, vốn bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu, cho nên người nào để cho Bất sinh giải quyết mọi sự , nơi người nào mà Bất sinh vận hành một cách tự nhiên, thì người ấy sẽ mở được con mắt sáng để thấy rõ tâm người và để nhận ra một cách rốt ráo rằng mọi người đều là một vị Phật đang sống. Khi ấy thì, giống như u già kia, họ không còn bị si mê lầm lạc vì nhận ra sự quý báu của Tâm Phật. Chính vì không nhận ra sự quý báu của Tâm Phật nên quý vị nổi tham nổi sân vì những chuyện vụn vặt, và do đó vẫn làm những con người mê muội. Chỉ cần đừng tạo ra mê lầm, thì quý vị sẽ an trú trong diệu dụng chiếu sáng của Phật tâm.
{mospagebreak title= Không dính gì đến quy luật}
Không dính gì đến quy luật
Đó là lý do tôi luôn luôn nói với mọi người: Hãy an trú trong Tâm Phật bất sinh, ngoài ra không cần làm gì khác. Ngoài việc ấy ra, tôi không đặt ra một bảng quy luật nào đặc biệt bắt mọi người phải tuân hành. (CT. tức Thanh quy, bảng ghi những quy luật mà các thiền viện thường có, bắt thiền sinh phải tuân theo khi gia nhập. ND) Tuy nhiên, vì mọi người đã tụ họp lại với quyết định hành thiền mười hai cây hương mỗi ngày, tôi bảo họ cứ việc làm theo ý muốn hành thiền 12 cây hương. Nhưng cái Tâm Phật bất sinh không phải là chuyện những que hương. Khi quý vị an trú trong Tâm Phật, không bị mê muội, thì không cần tìm giác ngộ ở bên ngoài, khi ấy quý vị chỉ cần ngồi trong tâm Phật, đứng trong tâm Phật, ngủ trong tâm Phật, thức dậy trong tâm Phật - an trú trong tâm Phật, thì trong mọi sinh hoạt hàng ngày, quý vị làm gì cũng là như Phật làm.
Còn về tọa thiền, thì tọa (ngồi) chính là tâm Phật đang ngồi một cách thoải mái, thiền cũng chỉ là một tên khác của Tâm Phật. Khi tâm Phật được an vị một cách ung dung thì đó là ý nghĩa của tọa thiền. Bởi thế khi quý vị an trú Bất sinh, thì tất cả các thời đều là tọa thiền, không phải chỉ trong lúc chính thức thực hành thiền định mới gọi là tọa thiền. Dù trong lúc ngồi thiền, nếu có chuyện cần đi về, thì cứ việc đứng lên đi về. Bởi thế trong nhóm này, mọi người được tự do làm theo ý muốn. Chỉ cần luôn an trú thoải mái trong Tâm Phật là được. Quý vị không thể nào ngồi suốt từ sáng đến tối, vậy hãy làm một thời thiền hành. Cũng không thể đi mãi, vậy hãy ngồi xuống một thời thiền tọa . Quý vị không thể ngủ mãi, vậy hãy trở dậy; không thể cứ nói chuyện luôn mồm, vậy hãy hành thiền. Nhưng điều này không dính dấp gì tới quy luật.
{mospagebreak title= Phương tiện}
Phương tiện
Những thiền sư ngày nay phần đông đều dạy người bằng cách lập ra thanh quy hoặc sử dụng các phương tiện. Vì tin rằng không thể giảng dạy được nếu không nhờ phương tiện, nên họ không thể giảng dạy bằng cách trực chỉ vào ngay việc trước mắt. Dạy kiểu ấy thì hóa ra là thiền phương tiện.
Lại có những thiền sư dạy đệ tử rằng họ sẽ không được cái gì nếu không gom thành một khối nghi lớn để phá vỡ. Họ không dạy người ta an trú trong Tâm Phật bất sinh, mà cứ bắt người không có hoài nghi cũng phải nặn cho ra một khối nghi, thế là khiến họ đổi cái tâm Phật thành một khối nghi. Quả là việc làm lầm lẫn, phải thế không?
{mospagebreak title= Nói giản dị}
Nói giản dị
Ở Trung quốc ta cũng gặp chuyện tương tự. Như quý vị có thể thấy trong các ngữ lục mang từ Trung quốc sang, tại đấy giáo lý chân chính về cái Bất sinh từ lâu đã mai một, nên ngày nay ngay tại Trung quốc cũng không tìm đâu ra những con người của Bất sinh. Chính vì vậy mà không có ngữ lục nào được mang đến Nhật nói về Tâm Phật bất sinh cả.
Lúc còn trẻ vì cố khám phá Tâm Phật, nên tôi cũng đã làm một việc sai lầm là tham dự những vấn đáp dùng văn tự của Tàu. Nhưng về sau, khi đạt đến sự hiểu biết chân chính, tôi đã dẹp bỏ. Người Nhật nên đặt những câu hỏi thích hợp với người Nhật, sử dụng ngôn ngữ thông thường của mình. Vì người Nhật không thạo Hoa ngữ nên nếu vấn đáp mà sử dụng Hoa ngữ thì họ không thể nào hỏi cho thấu đáo như họ muốn. Khi đặt câu hỏi bằng tiếng mẹ đẻ thì có thể hỏi bất cứ vấn đề gì. Bởi thế, thay vì vòng vo tam quốc cố đặt cho được một câu hỏi bằng Hoa ngữ khó hiểu, sao bằng hỏi thẳng tiếng mẹ đẻ cho khỏi nhọc công. Nếu có hoàn cảnh nào mà bạn không thể thực chứng được Pháp nếu không dùng Hoa ngữ để đặt câu hỏi, thì sử dụng Hoa ngữ là có lý. Nhưng khi bạn có thể đặt câu hỏi bằng tiếng mẹ đẻ mà vẫn được việc, thì sự sử dụng Hoa ngữ rắc rối để hỏi quả là một cách làm bất thông. Bởi vậy, tất cả quý vị hãy ghi nhớ điều này, gặp bất cứ vấn đề gì, quý vị cứ việc xử lý nó một cách êm thấm bằng cách dùng ngôn ngữ thông thường để hỏi.
Lý do những tu sĩ Nhật bản cứ dùng những từ Hoa ngữ rắc rối để dạy người đời vốn không rành Hoa ngữ, là vì chính bản thân họ cũng chưa giải quyết xong vấn đề Tâm Phật bất sinh, nên họ tránh né những câu hỏi của người ta bằng cách sử dụng Hoa ngữ mà người thế tục khó hiểu được. Lại nữa, những từ ngữ rắc rối này chẳng qua chỉ là cặn bã của các vị tổ sư Trung quốc.
Hồi còn trẻ, tôi đã quyết định thế nào cũng phải chứng ngộ được cái Tâm Phật chiếu diệu, nên đã lang thang khắp chốn, gõ cửa nhiều vị thầy, nhưng ngay cả thuở ấy tôi cũng hỏi họ bằng ngôn ngữ thông thường, mà vẫn có thể hoàn toàn được việc, khiến họ hiểu tôi một cách dễ dàng. Bởi thế, mặc dù có một thời tôi cũng đã thử vấn đáp theo kiểu thiền "xổ nho" ấy, cuối cùng tôi đã gạt bỏ vì vô ích. Thực may, tôi không thuộc hạng đa văn học giả gì đặc biệt, nên tôi đã không tiếp tục đeo đẳng kiểu vấn đáp ấy.
{mospagebreak title=Bệnh và tâm Phật}
Bệnh và tâm Phật
Với ý định duy nhất là khám phá Tâm Phật, tôi đã phấn đấu không kết quả, lang thang khắp nơi một cách vô vọng. Rốt cuộc tôi ngã bệnh và phải liệt giường một thời gian dài, nên tôi cũng đâm ra biết khá nhiều về chuyện đau ốm bệnh tật. Đã sinh ra ở đời, có một thân xác, thì đương nhiên phải có lúc gặp bệnh. Nhưng khi đã rốt ráo ngộ được Tâm Phật bất sinh, thì bạn không buồn vì những nỗi khổ của bệnh, bạn phân biệt rõ bệnh là bệnh, khổ là khổ. Là vì Tâm Phật - vốn từ khởi thủy đã bất sinh - không dính dấp gì đến vui hay khổ, vì cái bất sinh vượt ngoài tư tưởng. Chỉ khi tư tưởng sinh khởi thì bạn mới cảm nghiệm khổ và vui. Tâm Phật không vướng vào bệnh mà vẫn ở trong Bất sinh, nên không tạo ra khổ. Nếu Bất sinh có sinh ra tư tưởng, thì không cách nào bạn khỏi tạo đau khổ, bám vào bệnh và thay đổi cái Tâm Phật. Nhưng sự thật không phải vậy. Ngay cả những khổ liên tục của chúng sinh địa ngục cũng thế, không dính gì đến tâm Phật bất sinh (nên mới có thể giải thoát giác ngộ thành Phật - ND.)
Vì vướng cái khổ bám víu cơn bệnh, bạn khởi sự nghĩ đủ thứ, như "sao đến bây giờ tôi vẫn chưa bình phục, hay vì không đúng thuốc, vì gặp y sĩ tồi..." Khi bám lấy hi vọng khỏi bệnh, là bạn chuyển cái Tâm Phật thành những ý tưởng lo âu, làm cho cơn bệnh ám ảnh tâm trí bạn lại còn nặng hơn thân bệnh. Nó như thể là bạn theo đuổi một cái gì đang chạy trốn. Ngay dù lúc ấy cơn bệnh thể xác có giảm dần, song tâm bệnh - tức lòng nôn nóng khỏi bệnh - lại tăng. Đó là ý nghĩa của sự bám víu cơn bệnh và tự làm cho bạn khổ.
Nhưng nếu có người nào bảo rằng họ có thể chịu đựng không những bệnh tật, mà bất cứ nỗi khổ nào cũng không đau đớn, thì kẻ ấy nói láo, chưa hiểu thấu cái công năng chiếu sáng kỳ diệu của Tâm Phật. Nếu có ai nói mình hoàn toàn không cảm thấy đau đớn gì cả, thì tôi e kẻ ấy không phân biệt được đau và không đau. Không cảm thấy đau là điều không có. Vì Tâm Phật vốn sẵn đặc tính chiếu sáng kỳ diệu, nên không những bệnh tật mà bất cứ gì hiện hữu, tâm ấy đều có thể nhận ra và phân biệt rõ ràng. Vì vậy cho nên khi đối diện với nỗi đau của cơn bệnh, nếu bạn không bị vướng vào đấy, mắc kẹt trong ấy, thì không có gì là bạn không thể chịu đựng. Bởi thế hãy cứ đi cùng với cơn bệnh, và nếu cảm thấy đau đớn, thì cứ việc rên. Nhưng dù có bệnh hay không bệnh, hãy luôn luôn an trú trong Tâm Phật bất sinh.
Nhưng nếu vì phản ứng lại với những nỗi khổ của bệnh mà bạn vướng vào tư tưởng, thì ngoài cái đau của cơn bệnh, bạn rước thêm nỗi khổ "đổi Tâm Phật thành ý tưởng". Cái gì nguyên ủy vốn không tư tưởng, đó là Tâm Phật bất sinh. Không nhận ra bản chất tâm Phật là Bất sinh, bạn phải khổ vì đổi tâm Phật thành ý tưởng. Khi ấy dù có rêu rao mình không đau, cũng chỉ là một quan niệm dựa trên tư tưởng. Thế là bạn tuyệt nhiên chưa thoát khổ. Còn khởi lên ý tưởng là chứng tỏ bạn đang chịu khổ sinh tử vì không nhận chân rốt ráo Tâm Phật vốn siêu việt sinh tử.
{mospagebreak title= Tự tại trong sống chết}
Tự tại trong sống chết
Khi bàn đến vấn đề tự tại với sống chết, người ta thường dễ hiểu lầm. Có những người công bố trước ngày giờ họ sẽ chết, rồi đến lúc ấy, không đau ốm gì họ lăn ra chết thực; hoặc đôi khi triển hạn qua ngày khác mới chết. Rất nhiều người xem đấy là tự tại trong việc sống chết. Tôi không phủ nhận điều đó. Nói về tự tại, thì những người ấy quả là tự tại kinh khủng! Nhưng những chuyện như thế chỉ là do năng lực khổ hạnh nơi họ, và thường họ chưa mở được con mắt tuệ (CT. Tuệ nhãn hay Pháp nhãn của bồ tát để thấy rõ thực chất mọi sự vật và để cứu độ hữu tình. ND). Ngay trong số những người thường, ta cũng thấy những trường hợp biết trước cái chết như vậy, trong khi họ chưa mở khai đạo nhãn. Tôi không chấp nhận điều này. Con người của Bất sinh thì siêu việt cả sống chết.
Bây giờ, có lẽ quý vị đang tự hỏi siêu việt sống chết là thế nào. Cái gì đã bất sinh thì bất diệt, và cái gì bất diệt thì không chết, nên gọi là siêu việt sinh tử. Vậy một người tự tại trước sống chết theo tôi, là một con người khi chết không bận tâm về chuyện sống chết. Hơn nữa, vấn đề sống chết vẫn xảy ra hàng ngày với chúng ta, không phải đợi đến lúc ta chạm mặt với cái chết thực sự mới gọi là chết. Một người tự tại trong sinh tử là người không bao giờ bận tâm đến sống chết, vì biết khi còn được sống thì cứ sống, khi đến thời chết thì cứ chết, dù chết ngay bây giờ cũng được, cái chuyện lúc nào chết không quan trọng lắm. Người như thế cũng là người đã rốt ráo thực chứng cái Tâm Phật bất sinh chiếu sáng kỳ diệu. Cứ nói và suy nghĩ về những chuyện vặt vãnh như bạn sẽ chết vào giờ ngày nào, quả thực là tâm lý hẹp hòi, phải vậy không?
Rồi lại có ý nghĩ cho rằng "sinh tử là niết bàn", đây cũng lại là một cái gì vẫn còn ràng buộc với sinh tử. Ai cũng biết cảnh giới của sinh tử không khác gì cảnh giới của niết bàn. Cái lý do người ta phải nói lên như vậy là vì họ không thực chứng cái Tâm Phật mà mọi người bẩm sinh đã có và hiện tại đang giải quyết mọi sự với Bất sinh. Bị bao phủ, gói kín trong danh tự chữ nghĩa, họ cứ lang thang tìm khắp nơi cái sinh tử và niết bàn ở bên ngoài, đổi cái Tâm Phật bất sinh của họ để lấy những khái niệm về sống chết và niết bàn, khiến họ tối ngày cứ lẩn quẩn trong lĩnh vực sinh tử không có giây phút nào bình yên. Nghĩ thật đáng thương xót.
Vì Tâm Phật đang dàn xếp mọi sự một cách hoàn toàn ổn thỏa với cái Bất sinh, nên nó không cần biết đến sinh tử hay niết bàn. Từ vị trí Bất sinh, thì sinh tử và niết bàn cũng chỉ là một mớ tư duy trống rỗng. Nên ngay cả một người mới hôm nào vẫn ngụp lặn trong sinh diệt, mà hôm nay nhận ra mình đã lầm, từ đó không còn đổi cái Tâm Phật bất sinh thành ra ba độc (tham sân si) hay vướng vào sinh tử niết bàn nữa, thì người ấy cũng sẽ an trú trong Tâm Phật bất sinh. Khi ấy, lúc các yếu tố làm nên thân xác của mình đã đến thời tan rã, họ cứ để cho nó tan rã, và chết không chút lưu luyến. Đây là một con người mà đối với họ sinh tử là niết bàn, một con người tự tại trước sống chết.
{mospagebreak title=Bản lai diện mục (mặt mũi xưa nay)}
Bản lai diện mục (mặt mũi xưa nay)
Cái được gọi là bản lai diện mục cũng không khác gì Tâm Phật bất sinh. Cái mà bạn thừa hưởng của cha mẹ từ lúc mới sinh chỉ là Tâm Phật bất sinh, không gì khác. Đây là từ ngữ mà một bậc thầy ngày xưa đã đặt ra cốt làm cho người học nhận ra rằng Tâm Phật bất sinh chính là mặt mũi nguyên ủy của mình, hay bản lai diện mục. Ngay danh từ cha hay mẹ cũng là những gì đặt cho cái đã sinh ra. Con người thực chứng được Tâm Phật thì ở tận ngọn nguồn của cha và mẹ, đó là lý do ta nói đến một cái "hiện hữu trước cả khi cha và mẹ ra đời". Cái đó không gì khác hơn là cái Bất sinh; bởi thế Tâm Phật cũng chính là Bản lai diện mục của bạn...
{mospagebreak title=Những lối vào}
Những lối vào
Bây giờ nói về Ba quy y thì: về Phật, chúng ta nương tựa một vị Phật do mình chọn, về Pháp, ta nương tựa một pháp đặc biệt, về Tăng, ta nương tựa một đoàn thể đặc biệt nào đó. Tất cả gì tôi nói cho mọi người chỉ là Tâm Phật, vì lý do đó tôi không cần hạn cuộc vào một tông phái nào cả. Mỗi tông phái lập thuyết một cách khác nhau để dạy người, nhưng lý do duy nhất để thiết lập những giáo lý ấy là cốt làm cho người ta trực nhận được cái họ có sẵn từ lúc cha mẹ sinh ra, đó là Tâm Phật. Bởi thế, nói đến sự thiết lập những tông phái khác nhau, thì vì tất cả đều là những lối vào Tâm Phật, nên ta gọi các tông phái là những "lối vào giáo lý."
Quý vị tăng sĩ từ khắp nơi tụ họp lại đây trong kỳ kiết thất này có lẽ thuộc nhiều tông phái. Khi nghe tôi giảng, có những vị sẽ xác nhận lời tôi nói đúng. Nhưng cũng có nhiều vị không đồng ý, và với những vị ấy, miễn sao họ không thối thất đức tin, thì tôi chắc có một ngày nào đó họ sẽ hiểu ra. Khi ngày ấy đến, chắc những vị ấy sẽ nhớ lại tôi, vậy quý vị nên nghe kỹ những gì hôm nay tôi nói.
{mospagebreak title=Thực hành là khó}
Thực hành là khó
Ngay cả trong số những người chấp nhận lời tôi nói, có những người chỉ giảng dạy Bất sinh ngoài lỗ miệng. Họ không thường xuyên an trú Bất sinh, mà chỉ có một lý giải về Bất sinh trên bình diện tri thức. Hiểu Bất sinh bằng tri thức thì chỉ là tư duy trống rỗng, không thể nói người nào hiểu Bất sinh là đã thực chứng Bất sinh một cách triệt để. Nói đúng ra, loại hiểu biết ấy thực vô giá trị, dù có đem giảng dạy cho người khác họ cũng sẽ không nhận ra được Bất sinh. Và lý do họ không nhận ra, là vì trước hết, chính bạn đã không để cho Tâm Phật bất sinh chiếu sáng kỳ diệu vận hành liên tục trong bạn vào mọi thời, mọi việc. Bản thân bạn không thực hành, mà chỉ dạy những gì bạn biết bằng tri thức, thì không cách gì người khác sẽ nhận ra được Bất sinh. Nếu bạn không thực chứng lời dạy của tôi, không thực hành, không làm cho hiển lộ pháp ấy trong tâm bạn, mà chỉ giảng dạy cho người khác những gì bạn biết bằng tri thức, thì người nghe không thể nào hiểu được. Việc này cuối cùng chỉ đưa tới sự hủy báng Pháp. Bởi thế, mặc dù thỉnh thoảng có xuất hiện vài người "chứng" được chút đỉnh, nhưng chưa có ai hành theo chỗ chứng của mình trong mọi công việc, ngay tại đây và bây giờ. Hiểu là chuyện dễ, hành mới là khó.
{mospagebreak title=Quạ và còng cọc}
Quạ và còng cọc
Bởi thế mà, với những môn sinh thường trú trong chùa tôi, khi họ chưa mở được con Mắt tuệ, chưa có được con mắt thấy suốt tâm người, thì tôi cấm họ không được giảng dạy. Giảng dạy như thế chỉ là bắt chước hay nhại lại lời tôi. Như tục ngữ nói, khi con quạ cố bắt chước con còng cọc, thì cái màu đen của nó có giống, nhưng lúc thả vào nước, quạ lại không lội được như còng cọc. Cũng hệt như thế, những người học theo cách nói của tôi có thể nói về Tâm Phật bất sinh nơi lỗ miệng, nhưng vì con mắt Tuệ nơi họ chưa mở ra để thấy được diệu dụng chiếu sáng của Tâm Phật, và do đó cũng không có con mắt thấy suốt tâm người, nên khi bị người ta đặt câu hỏi, họ tự thấy mình líu lưỡi, không thể trả lời trôi chảy được. Đấy chẳng khác nào con quạ bị thả xuống nước không lội tung tăng được như còng cọc. Vì thế tôi tuyệt đối cấm các môn sinh giảng dạy. Vì chưa chứng được Bất sinh thì người ta chỉ đứng trên bình diện kiến văn giác tri (giới hạn trong cái biết của sáu giác quan. ND), đổi Tâm Phật thành ra những khái niệm. Đây gọi là vọng tưởng.
{mospagebreak title=Để mặc kệ}
Để mặc kệ
Lý do người ta thường lầm lẫn tư tưởng (thoughts) với vọng tưởng (delusions) là vì họ tưởng tượng tư tưởng hiện hữu ở dưới đáy rồi từ đó trồi lên, nhưng tự nguyên ủy không có chất liệu nào dưới "đáy" từ đó tư tưởng khởi lên cả. Ngược lại, bạn lưu giữ những gì đã thấy nghe, rồi thỉnh thoảng, khi gặp hoàn cảnh, những ấn tượng về kinh nghiệm đã qua phản chiếu trở lại một cách chi tiết. Vậy, khi những cái bóng ấy được phản chiếu lại thì hãy để mặc kệ, đừng bám víu. Ngay cả khi những tư tưởng xấu hiện ra cũng vẫn mặc kệ đừng quan tâm đến, thì chúng sẽ phải tự động chấm dứt. Có phải lúc ấy cũng như chúng chưa từng sinh khởi? Như thế thì sẽ không còn một tư tưởng xấu nào để bạn hì hục xua đuổi, hoặc để bạn ray rứt vì đã dung túng.
Chính vì Tâm Phật có công năng chiếu sáng một cách kỳ diệu, nên những ấn tượng quá khứ phản chiếu lại trong tâm, mà bạn lầm gán cho chúng cái tên "vọng tưởng" trong khi chúng tuyệt đối chẳng có gì là vọng. Vọng tưởng hay mê muội có nghĩa là cái khổ về nỗi tư tưởng này làm mồi cho tư tưởng khác (tư niệm thực- ND). Thật điên rồ khi tạo ra cái khổ mê muội này bằng cách đổi cái tâm Phật quý báu của mình thành ra những "tơ tưởng" về điều này điều nọ, nghiền ngẫm nhâm nhi về những chuyện không có giá trị gì. Tôi chưa từng nghe thấy ai rốt cùng có thể thành đạt được cái gì nhờ tơ tưởng kiểu đó cả, vậy sự suy nghĩ lung tung quả thực là hoàn toàn vô ích, phải không? Việc chính yếu là luôn cẩn thận đừng khuấy động tư tưởng lên, để rồi chuyển cái Tâm Phật bất sinh thành ra quỷ chiến đấu, chúng sinh địa ngục, quỷ đói, súc sinh, và những thứ tương tự. Nếu làm thế, thì trong trăm ngàn kiếp bạn sẽ không còn cơ hội nào khác để được sinh làm người.
{mospagebreak title=Vụ kiện}
Vụ kiện
Tình cờ, liên hệ đến điều này tôi lại nhớ một chuyện tôi sẽ kể cho quý vị nghe đây. Tôi có một ngôi chùa, Fumonji (Phật môn tự , do lãnh chúa Matsuura Shigenobu thí chủ của Bankei xây năm 1685. Chùa Phật môn hiện nay nằm ở vị trí khác. ND) ở Hirado thuộc tỉnh Hizen (nay thuộc Nagasaki- ND). Năm ngoái, khi tôi giảng tại chùa ấy, có những người từ những vùng cách đó ba bốn lý (khoảng chừng 8-10km. ND) đến nghe. Lúc ấy trong vùng có hai chú cháu bất hòa đang thưa kiện nhau. Người chú đã đệ đơn chính thức khiếu nại với quan thẩm phán, cương quyết xin đưa nội vụ ra tòa, nhưng dù ngã ngũ ra sao, thì cũng thật là khó xử. Ngay cả quan tòa cũng bị thúc bách phải giải quyết vụ kiện, và quan đâm ra chán ngấy về toàn thể vụ này. Vụ án đã kéo dài ba năm mà vẫn bế tắc. Hai chú cháu không nhìn mặt nhau, dứt đường qua lại.
Một hôm người chú đến nghe tôi giảng, và dần dần tin tưởng vào những gì ông đã nghe. Ông ta nói: "Thật thế, bấy lâu nay tôi không ngờ mình đã đổi cái Tâm Phật thừa hưởng của cha mẹ thành a tu la, địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Thật không có một sự bất hiếu nào tệ hại hơn thế đối với cha mẹ mình. Lại nữa, một đứa cháu trai là người cùng huyết thống chứ đâu xa lạ gì. Thế mà chỉ vì dục vọng thấp kém, tôi đã vướng vào thói ích kỷ, tham lam mà bẩm sinh tôi không có. Sao tôi lại để mọi sự đi đến nông nỗi này - chú cháu hóa thành kẻ thù không đội trời chung, toan đành lao mình vào sinh tử luân hồi mãi mãi, chết và tái sinh trong ba ác đạo." Sau khi nghe pháp ông ta không về nhà mà đi thẳng đến quan thẩm phán, nói: "Tôi đã gây ra bao nhiêu phiền phức cho ngài trong vụ thưa kiện của tôi. Xin thành thực cảm ơn những gì ngài đã làm. Nhưng hôm nay lần đầu tiên đi nghe Hòa thượng Bankei giảng, tôi đã nhận ra lỗi lầm. Vì quá ích kỷ nhỏ nhen, không kể tiếng đời đàm tiếu, tôi đã đi thưa kiện chính cháu trai mình, không ngừng hối thúc tòa án. Thật là lòng tôi chỉ tràn ngập hận thù, tán tận lương tâm. Bây giờ khi nhận ra lỗi lầm của mình, tôi thật vô cùng xấu hổ. Sau khi nghe Thượng tọa Bankei giảng, quả thực tôi đã được cứu thoát, từ nay trở đi tôi xin bãi nại. Bởi thế tôi xin ngài cho tôi được rút lui hồ sơ tố tụng." Được lời như cởi tấm lòng, quan trả lại ngay đơn kiện, và thốt lời thán phục: "Quả thực, đạo đức của ngài không chỉ giới hạn trong đạo Phật, mà còn có thể dàn xếp êm thấm những chuyện ngoài đời và cả đến việc nhà nước. Về phần ông cũng thế, thật kỳ diệu thay ông đã ngộ được lời dạy của ngài mà tha thứ cho cháu trai ông và hủy bỏ vụ kiện." Với những lời ngợi khen ấy, quan tòa trả lại đơn kiện cho ông ta.
Sau khi bỏ tờ đơn vào trong áo, người chú đi đến nhà cháu trai mà ông không thèm nhìn mặt đã ba năm nay. Người cháu hết sức ngạc nhiên, nghĩ quái lạ, đã ba năm nay chú đưa đơn kiện mình, dứt tình chú cháu không hề qua lại, mà bây giờ lại đến thăm mình như thế. Tại sao? Thật khó tưởng tượng, chắc phải có chuyện gì đây. Anh ta nói: "Chào chú. Mời chú vào." Trong khi người cháu đang tự hỏi không biết chú sẽ nói gì, thì người chú lên tiếng: "Chú đến đây quả là chuyện lạ lùng, nhưng chú phải nói điều này với cháu: Cháu là cháu của chú, thế mà mặc dù đã già, chú vẫn cư xử thật trẻ con, đi khởi tố cháu, để dứt hết tình bà con đã ba năm trời. Hôm nay sau khi nghe bài giảng kỳ tuyệt của Thượng tọa Bankei, chú hết sức hổ thẹn về hành vi của chú. Thật chú đã không biết xấu hổ với người ngoài. Bây giờ chú hết sức hối hận, chú đến đây để xin lỗi cháu, vậy xin cháu hãy tha thứ cho chú những điều quấy mà chú đã làm. Để chứng tỏ với cháu từ nay chú không thưa kiện cháu nữa, chú đã đến quan để rút đơn về cho cháu an tâm. Cháu hãy xem đây." Nói xong ông lôi tờ đơn trong áo ra. Người cháu nói: "Thật là kỳ diệu. Chính cháu mới có lỗi vì cháu không biết kính trọng bề trên. Cháu đã phạm tội với trời đất, cháu hết sức ăn năn. Cháu không còn cha mẹ, đáng lẽ phải nghe lời chú mới phải đạo làm người. Dù chú dạy bảo gì đáng lẽ cháu cũng phải vâng lời mới phải đạo, thế mà cháu lại chống đối để chú phải đâm đơn kiện cháu ra tòa. Thật cháu đã hành xử không kể gì trời đất Phật thánh. Cháu còn biết trốn vào đâu khi về suối vàng gặp cha cháu. Xin chú tha lỗi cho cháu. Đáng lẽ cháu đi đến xin chú tha thứ mới phải. Thế mà chú lại đích thân đến đây, khiến cháu hổ thẹn biết chừng nào. Thật cháu xin đội ơn chú." Nói xong anh ta trào nước mắt khóc và tuyên bố: "Cháu hoàn toàn có lỗi, thưa chú. Xin chú thứ tha."
Người chú nói: "Không, không. Lỗi hoàn toàn ở chú, chính chú mới phải xin lỗi cháu. Cháu còn trẻ, người trẻ thì thói thường là hung hăng táo bạo bất kể tốt xấu thị phi, không cần biết đến dư luận. Thế mà chú lại đi chống đối với cháu, cho cháu là một kẻ khả ố thực sự, khiến cháu cũng tin chắc rằng chú đã tán tận lương tâm, cả hai chú cháu suýt nữa thì phải đọa vào luân hồi vĩnh viễn không ngày giải thoát, tội lỗi chất chồng! Thật chú hổ thẹn vô cùng khi nghĩ đến chuyện ấy."
Cả hai người ai cũng nhận lỗi về mình, và hàn gắn lại sự đổ vỡ từ ba năm qua. Người chú ở lại nhà cháu khá lâu, được đãi đằng hậu hĩ trước khi trở về nhà mình, và về sau, người cháu cũng y phục chỉnh tề đi thăm ông chú. Từ đấy họ còn tử tế với nhau hơn cả trước khi xảy ra vụ kiện. Chuyện như thế thực sự có thể xảy ra.
Những người chứng kiến sự hàn gắn giữa hai chú cháu rất ngạc nhiên cảm động. Những người ở các tỉnh thành lân cận khi nghe chuyện này, ai có đâm đơn kiện nhau cũng hồi tâm rút lại đơn khởi tố. Kết quả là tôi được nghe có đến mười bảy hồ sơ kiện tụng đệ lên tòa án đã được rút về.
Xét toàn thể vấn đề kiện tụng giữa hai chú cháu, ai cũng thấy thật là bi đát khi cả hai bên vì ngã chấp mà đã trở nên mù lòa không biết xấu hổ, không thấy được rằng mọi người đang khinh bỉ chê bai mình, trở thành đề tài cho mọi cuộc đàm tiếu. Dĩ nhiên khi đấy là chuyện kiện tụng của người nào khác thì bạn có thể bình luận phải quấy một cách trôi chảy, nhưng khi chính bạn là người trong cuộc thì thật không dễ gì! Vì dục vọng ích kỷ mà bạn gân cổ cãi cho được phần hơn về mình, đổi cái tâm Phật quý báu thành ra tham lam và rơi vào cõi ngạ quỷ - thật là việc làm bất hiếu nhất đối với cha mẹ đã sinh ra mình.
Tôi nói chuyện này với hy vọng nó sẽ là một bài học cho tất cả quý vị. Sự việc người chú đã hồi tâm sau khi nghe pháp cũng hoàn toàn do cái diệu dụng của tâm Phật quý báu mà tất cả mọi người đều có một cách bẩm sinh.
{mospagebreak title= Vô}
Vô
Một vị tăng đến tham vấn Sư, thưa: Con nhận công án Vô của Triệu châu từ một thiền sư, và đã tham cứu nhiều năm nay rất chuyên cần, tập trung toàn lực, không bao giờ để nó rời khỏi tâm con dù trong lúc cử động tay chân, thế mà con vẫn chưa có thể giải được công án. Hơn nữa, ngay cả khi con gắng sức đến độ lâm bệnh một thời gian, cũng chẳng có gì xảy ra đáng nói. Rốt cuộc con chỉ thành một người bệnh, và sau một năm tròn kiệt sức vì bệnh, con đã bỏ tham công án ấy. Khi con chỉ để tâm như bầu trời trống rỗng, con cảm thấy khá thoải mái cả thể xác lẫn tinh thần, và dần dần phục hồi sức khỏe. Bây giờ, con không còn tham công án, nhưng trong lúc con không nghĩ là mình đã giải được nó, con lại thấy tâm con khá an ổn vì lúc nào cũng rỗng rang như bầu trời. Tuy vậy, con rất muốn được nghe ngài chỉ giáo.
Sư dạy: Dẹp công án Vô qua một bên và để tâm như bầu trời trống rỗng cũng không tệ, vì ít nhất nó chứng tỏ bạn có năng lực tu tập. Nhưng đó chưa phải là rốt ráo.Vì bạn chưa chứng ngộ được Tâm Phật bất sinh, nên chưa thể dàn xếp êm thấm những công việc hàng ngày. Khi đổi Tâm Phật thành ra một cái gì "như bầu trời trống rỗng" là bạn đang làm lu mờ cái diệu dụng chiếu sáng của Phật tâm, kết quả là bạn thiếu con mắt tuệ để thấy suốt tâm người. Khi chưa mở con mắt tuệ để thấy suốt nhân tâm, thì bạn vẫn còn là một người mù. Tại sao thế? Tôi chắc rằng bạn hoàn toàn chưa thấy được tâm người khác.
- Thưa vâng, đúng như thế.
- Đương nhiên là vậy rồi. Hãy làm như tôi nói, xác chứng một cách triệt để những gì tôi nói đây. Khi bạn chấp nhận những gì bạn đã nghe, rồi thực chứng nó một cách thấu đáo, thì ngay tại chỗ, con mắt thấy suốt tâm người sẽ xuất hiện, bạn sẽ không còn lầm lẫn về bất cứ gì. Lúc ấy là lúc triệt ngộ về Pháp.
{mospagebreak title= Quạ kêu quà quạ, sẻ kêu chíp chíp}
Quạ kêu quà quạ, sẻ kêu chíp chíp
Sư bảo chúng: Cũng như mọi ngày mỗi khi tôi ra giảng, hôm nay những con chim quạ cũng kêu quà quạ, chim sẻ kêu chíp chíp, còn tôi thì không có gì khác để nói. Nhưng khi quý vị thực sự nhận chân một tiếng Bất sinh duy nhất, thì sẽ thấy mọi sự đều được dàn xếp êm thấm. (Bankei ngụ ý rằng sự giảng giải về danh từ duy nhất này, "Bất sinh", cũng dai dẳng nơi Ngài như tiếng chiêm chiếp của sẻ và tiếng kêu của quạ-ND)
Chứng cớ là, trong khi tất cả quý vị quay cả về một phía chỉ cốt nghe tôi nói, tự hỏi lão Bankei sẽ nói cái gì, thì quý vị không cố tình nghe hay không nghe tiếng quạ kêu, sẻ chiêm chiếp ngoài sân. Thế nhưng khi chúng cất tiếng kêu là quý vị nhận ra ngay tiếng chim quạ, chim sẻ. Không những quạ hay sẻ, mà tất cả mọi thứ tại đây, khi quý vị nhìn nghe với cái Bất sinh, cũng đều đồng lúc phân biệt được rõ ràng cái nào ra cái ấy, như tiếng chuông tiếng trống... Cái sự bạn phân biệt được mọi thứ bạn thấy nghe như vậy một cách tự nhiên không cần khởi lên một ý tưởng nào cả, chính là công năng chiếu sáng kỳ diệu linh hoạt của Tâm Phật bất sinh.
{mospagebreak title=Hai phần ba với cái bất sinh}
Hai phần ba với cái bất sinh
Nếu bạn chia ngày làm ba phần, bạn sẽ thấy rằng mọi hoạt động của bạn từ sáng đến tối, hết hai phần trong đó được thu xếp bởi Bất sinh. Thế mà không nhận ra điều ấy, bạn tưởng tượng mình làm việc toàn nhờ ở tài khôn lanh và sự phân biệt - quả là một sai lầm nghiêm trọng. Cái một phần ba (thời gian) còn lại, vì không thể trú trong Bất sinh, bạn đổi Tâm Phật của mình thành ra tư tưởng, bám lấy những gì bạn gặp, đến nỗi ngay trong đời này bạn cũng đang tạo ra những tu la, súc sinh, quỷ đói, và khi đời bạn chấm dứt, bạn rơi thẳng vào ba ác đạo. Tưởng rằng ba ác đạo này chỉ có sau khi bạn chết là lầm to.
{mospagebreak title=Tìm sự giác ngộ}
Tìm sự giác ngộ
Rán sức tu hành, cố tọa thiền để được giác ngộ, đều sai. Không có gì khác nhau giữa tâm của chư Phật với cái phật tâm nơi mỗi con người. Mong cầu đạt giác ngộ là tạo ra một sự phân hai, thành ra có người giác ngộ và chân lý được giác ngộ (năng chứng, sở chứng). Khi còn đeo đẳng một chút nào cái ước muốn giác ngộ, thì lập tức đã giã từ cái Bất sinh, đi ngược lại Tâm Phật. Cái tâm Phật mà bạn có từ thuở sơ sinh ấy chỉ là một, không có hai hay ba.
{mospagebreak title=Không có mê và ngộ}
Không có mê và ngộ
Tất cả quý vị đều tưởng mình mới là Phật lần đầu tiên, song cái tâm Phật mà quý vị có từ lúc cha mẹ mới sinh vốn đã bất sinh, nên không có đầu cuối. Không thực có chút gì gọi là vô minh dù chỉ một tơ tóc. Vậy, hãy hiểu rõ rằng, không có gì khởi lên từ bên trong. Điều chính yếu là đừng vướng vào ngoại cảnh (tức là những gì có đối đãi, trong tâm cũng như ngoài tâm, như giác quan và đối tượng, hay cả nhữngcảm giác phát sinh do ý xúc. ND) Cái gì không vướng vào thế giới ngoại tại chính là Tâm Phật, và vì Tâm Phật chiếu sáng một cách kỳ diệu, nên khi bạn an trú trong Tâm Phật bản nhiên, thì không có mê hay ngộ. Khi an trú trong tâm bản nhiên ấy thì làm gì cũng là diệu dụng của Tâm Phật bất sinh. Nhưng nếu bạn có một chút nào nôn nóng muốn trở thành một con người siêu việt, thì ngay khi ấy, bạn đã đi ngược lại cái Bất sinh và bỏ xa nó ngàn dặm. Trong Tâm Phật, không có vui, buồn, giận...không bất cứ thứ gì, chỉ độc một Tâm Phật chiếu diệu và phân biệt được mọi sự.
Bởi thế, khi bạn phân biệt những sự vật bạn gặp phải trong thế giới bên ngoài - như vui buồn giận hay bất cứ gì dưới mặt trời - thì đó là công năng linh hoạt của Tâm Phật chiếu diệu ấy, cái Tâm Phật mà bạn có từ khởi thủy.
{mospagebreak title= Nước và băng}
Nước và băng
Vì cái Tâm Phật mỗi người sinh ra đã có vốn không do tạo tác mà thành, nên nó không chứa đựng một chút mê lầm nào hết trọi. Bởi thế, người nào bảo "tôi mê lầm, vì tôi là một con người không được giác ngộ" là một người con hết sức bất hiếu vì đã phỉ báng cha mẹ mình. Về cái Tâm Phật mà mỗi người có sẵn từ lúc cha mẹ mới sinh, thì chư Phật quá khứ và những con người hiện tại đều có cùng bản chất, không gì khác nhau. Việc ấy cũng như nước ở đại dương: Giữa mùa đông, nước đông lại thành băng giá nên có những hình thù khác nhau như vuông tròn, nhưng khi băng tan, thì tất cả chỉ là một thứ nước biển. Khi bạn ngộ được bản chất bất sinh của Tâm Phật, thì đó chính là nước như xưa nay nó vẫn là, và bạn có thể tha hồ thọc tay vào đó. (Nghĩa là, khi cái tâm trở về nguyên trạng của nó - như băng trở lại thành nước - thì nó trở nên lưu nhuận, trong suốt, không gì ngăn bít dòng chảy tự do của nó. Bankei ví cái tâm bị "đông cứng" thành những hình dạng đặc biệt cũng như nước đông lại thành băng ở trong một bình chứa, khi tan ra thành nước trở lại thì có thể thọc tay vào múc được. ND)
{mospagebreak title=Chấm dứt tư tưởng}
Chấm dứt tư tưởng
Vì trong Tâm Phật bất sinh chiếu sáng kỳ diệu ấy vốn không có một chút thiên kiến nào, nên nó tha hồ thích ứng, mỗi khi gặp cảnh là những tư tưởng lại ló ra. Nếu bạn không quan tâm đến chúng thì không sao cả; nhưng nếu bạn vướng vào chúng và tiếp tục triển khai những ý tưởng ấy thì bạn không thể dừng lại. Khi ấy bạn làm mờ cái công năng chiếu diệu của tâm Phật và tạo nên si mê lầm lạc. Trái lại, vì từ khởi thủy, Tâm Phật vẫn chiếu sáng kỳ diệu, sẵn sàng soi sáng và phân biệt mọi thứ, nên khi bạn căm ghét những ý tưởng si mê đã khởi lên ấy, và cố ngăn chặn chúng, thì bạn bị vướng vào công việc ngăn chặn, tạo ra mâu thuẫn giữa người ngăn chặn (tức ý tưởng sau-ND) và cái bị ngăn chặn (ý tưởng trước-ND). Nếu bạn cố dùng ý tưởng để ngăn ý tưởng, thì sẽ không bao giờ đi đến cùng tận. Việc ấy cũng như dùng máu rửa máu, dù bạn tẩy được lớp máu trước, vẫn còn lại lớp máu sau.
{mospagebreak title=Gương sáng}
Gương sáng
Vì tâm Phật vốn bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu, nên nó ngàn vạn lần sáng hơn một tấm gương, không có cái gì mà tâm ấy không nhận ra và phân biệt được. Với một mặt gương, hình thể của vật nào vừa đi qua trước mặt thì liền có bóng hiện ra. Gương không có ý định nhận vào hay bỏ ra vật gì, cũng không định phản chiếu hay không phản chiếu một cái bóng nào. Đấy là công năng của gương sáng. Vì không có ví dụ nào tốt hơn nên chúng ta đành phải mượn tấm gương để ví với diệu dụng chiếu sáng của Tâm Phật, kỳ thực Tâm Phật còn ngàn vạn lần kỳ diệu hơn thế nữa.
Với công năng chiếu sáng kỳ diệu của tâm Phật, mọi đối tượng xuất hiện trước mắt bạn đều được nhận ra và phân biệt rành rẽ, bạn không cần phải làm bất cứ gì. Bởi thế mặc dù không cố ý, bạn vẫn nhận ra trăm ngàn ấn tượng khác nhau qua hình sắc hoặc âm thanh. Đấy là những vật thể có hình dáng. Nhưng ngay cả những thứ vô hình, như những gì xảy ra trong tâm người, cũng được phản chiếu rõ ràng. Dù bạn gặp nhiều gương mặt khác nhau đủ loại, những tư tưởng thiện hay ác của họ đều được phản chiếu nhờ tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu. Ví dụ trong chúng hội đang nghe pháp tại đây, nếu có người ho lên, thì mặc dù bạn không cố ý lắng nghe, mà vừa khi có tiếng ho, bạn có thể phân biệt ngay tiếng ho ấy là của đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ. Hoặc lấy ví dụ một người bạn đã hai mươi năm không gặp, nay tình cờ gặp lại trên đường, tự nhiên những biến cố thuộc hai mươi năm trước tuôn dậy rõ ràng trong ý thức. Việc này thật khác xa công năng của tấm gương!
{mospagebreak title=Lửa nóng}
Lửa nóng
Cái sự bạn nhận ra và phân biệt được ngay lập tức, một cách tự nhiên bất cứ gì bạn thấy và nghe, chính là công năng linh hoạt của tâm Phật mà bạn có được một cách bẩm sinh từ lúc mới lọt lòng, cái tâm Phật bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu.
Một ví dụ khác về công năng bẩm sinh của tâm Phật là: khi bạn đang ngồi yên bỗng có ai dí vào tay một đóm lửa thì bạn giật mình, và tự động rụt tay lại. Điều này cũng chứng tỏ cái tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu vốn bất sinh và dàn xếp một cách toàn hảo mọi sự. Ngược lại, khi bạn nghĩ "vừa rồi là một đóm lửa" rồi nhận ra "lửa nóng" và tức giận kẻ nào đã đốt bạn, thì chính bạn đã rơi vào lãnh vực của kinh nghiệm phụ thuộc sau khi sự kiện đã xảy ra.
{mospagebreak title=Hãy ngu đi}
Hãy ngu đi
Tôi thường bảo những người đến học với tôi và những người thường đến chùa: "hãy ngu đi". Bởi vì bạn đã có công năng linh động của tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu, nên dù cho bạn dẹp bỏ trí phân biệt, bạn cũng không phải là người ngu. Bởi vậy tất cả các bạn từ nay về sau hãy ngu đi! Dẫu có ngu đần, khi đói bạn cũng biết xin cái gì để ăn, khi khát bạn cũng biết xin ít nước trà để uống, lúc nóng bạn biết mặc y phục mỏng, và lúc rét bạn cũng biết mặc thêm áo; bạn sẽ không quên thứ gì liên hệ đến sự sống hằng ngày. Nhưng với những người khôn lanh, thì chắc chắn có rất nhiều khuyết điểm. Cái mà tôi bảo "ngu" ở đây chính là vượt trên những người khôn lanh ấy, những người mà hầu hết thế gian đều rất kính nể. Thật cũng không hề hấn gì khi làm một kẻ ngu như vậy!
Khi nghe đồn về người nào khôn lanh, tôi thường yêu cầu gặp họ. Nhưng khi gặp được người ấy và có dịp nói chuyện với nhau, tôi có cảm giác rằng dường như mọi người trên thế gian đều ca tụng những chuyện điên rồ. Những người mà họ xem là khôn lanh trước hết đều bị mờ mắt vì chính sự khôn lanh của họ. Họ bóp méo tâm Phật và làm lu mờ diệu dụng chiếu sáng của nó, xem người khác không ra gì, nói ngược lại bất cứ những gì người ta nói, khinh thường và lăng nhục người khác. Dĩ nhiên vì những người bị họ lăng nhục cũng có tâm Phật chiếu sáng, nên nổi giận và phản công ngay, tuôn ra những lời nguyền rủa. Lý tưởng của con người chân chính là tử tế với người ngu và giúp đỡ những người xấu ác. Được thế gian công nhận là người tốt mới chính là điều làm cho sự sinh làm người là đáng đồng tiền bát gạo. Có hay ho gì khi bạn được tiếng là một con người khôn lanh mà xấu xa ác độc?
Bởi thế khi về nhà gặp lại những người quen biết, các bạn hãy làm sao cho họ ngạc nhiên về mình như sau: "Không biết thằng cha này đã nghe lão Bankei dạy những gì, mà bây giờ y còn ngu hơn trước!"
Cái ngu mà tôi nói đây không phải là cái ngu ngược lại với trí mà chính là cái ngu vượt trên cả trí và ngu.
{mospagebreak title=Hút thuốc}
Hút thuốc
Tôi biết đây là điều ngày nào tôi cũng lặp lại: đừng vướng vào những thói quen xấu. Thói quen xấu xảy ra khi các bạn bám lấy những gì người khác làm. Những điều này trở thành thâm căn cố đế đến nỗi bạn không thể xua đuổi chúng ra khỏi tâm mình, và cuối cùng trở thành những thói tệ.
Ví dụ hút thuốc: Có ai mới sinh ra đã biết hút thuốc đâu? Quả là không có. Khi trông thấy người khác hút, bạn bắt chước, rồi sự hút thuốc của bạn dần dần ăn sâu, trở thành một thói quen xấu. Ngay cả khi ở trước những nhân vật quan trọng, hoặc tại những nơi cấm hút thuốc, bạn vẫn bị thúc bách phải hút, đấy là vì bạn đã vướng vào tệ đoan quen phì phào thuốc lá. Hơn nữa, khi khát nước mà bạn hút thuốc cũng không thể đỡ khát, và khi đói, tôi cũng chưa nghe ai nói nhờ hút thuốc mà no được. Tuy nhiên, một khi bạn đã vướng vào bệnh ghiền thuốc thì nó trở thành một chuyện bạn không thể dứt được mặc dù hoàn toàn vô ích. Từ một ví dụ này, các bạn có thể hiểu mọi thói quen xấu khác. Bởi thế, dù trong những việc nhỏ nhặt cũng nên tránh tạo những thói quen xấu và tự làm cho bạn mê lầm.
{mospagebreak title=Không có gì gọi là giác ngộ}
Không có gì gọi là giác ngộ
Một vị tăng từ Sendai đến bảo: Tôi nhớ đâu đó có một thành ngữ rằng: "Tâm bị lụy vì hình hài." (một câu trong bài thơ danh tiếng của thi sĩ Đào Tiềm, 371-427, nhan đề Quy khứ lai hề, Hãy trở về - ND). Tôi mong sống hợp với tâm nguyên thủy vào mọi thời, nhưng làm sao tu tập để được như thế? Xin Ngài chỉ giáo cho.
Sư dạy: Trong tông phái tôi, không có hình thức chỉ giáo nào đặc biệt về pháp tu, cũng không có phương pháp đặc biệt nào. Vì người ta không nhận ra rằng ngay trong chính mình đã sẵn đủ cái tâm Phật mà họ có từ thuở sơ sinh, nên họ mất hết tự do giải thoát và nói về chuyện muốn sống hợp với tâm nguyên thủy. Khi bạn ngộ được rằng tâm Phật bạn có từ cha mẹ sinh, vốn bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu, thì tay chân bạn vận hành thoải mái, và đấy là công năng của tâm Phật chiếu sáng vốn bất sinh. Bằng chứng là, vì muốn nghe Bankei, bạn đã từ Sendai lặn lội đến đây qua một đoạn đường dài. Nhưng khi bạn dừng chỗ này chỗ kia dọc đường để nghỉ, thì không phải lúc nào bạn cũng nghĩ đến Bankei. Ban ngày, bạn ngắm phong cảnh trên đường, và nếu có người cùng đi, bạn nói chuyện với họ. Mặc dù trong lúc đi, bạn không nghĩ gì về cuộc gặp gỡ với tôi, cuối cùng bạn vẫn đến chỗ tôi. Đây là ý nghĩa về tâm Phật vốn bất sinh và dàn xếp mọi sự một cách êm đẹp.
Lại nữa, ở Sendai bạn thấy những con cò màu trắng và những con quạ màu đen không cần ai nhuộm. Ở đây cũng vậy, mặc dù không cố ý phân biệt, vừa khi thấy chúng xuất hiện, bạn biết ngay con trắng là cò và con đen là quạ. Không cần dấy lên ý tưởng nào, tất cả điều đó được dàn xếp một cách trơn tru phải thế không?
Khi ấy vị tăng hỏi: Tôi thấy không thể nào kiểm soát tất cả những sân si dục vọng trong tôi. Tôi phải làm sao, xin Ngài chỉ giáo.
Sư trả lời: Cái ý tưởng muốn kiểm soát của bạn chính là một vọng tưởng, đổi tâm Phật thành ra vọng tưởng. Vọng tưởng vốn không có thực chất khi nó sinh khởi. Sự thật chúng chỉ là những cái bóng, những sự việc bạn đã thấy và nghe khi gặp cơ hội lại trồi lên.
Vị tăng lại hỏi: Giác ngộ là gì?
Sư trả lời: Không có điều gì gọi là giác ngộ, đấy hoàn toàn là một đeo đuổi vô ích. Hãy nhận ra một cách rốt ráo rằng tâm Phật mà bạn có từ cha mẹ vốn bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu - đó chính là giác ngộ. Không nhận ra điều này là si mê. Vì tâm Phật nguyên ủy vốn bất sinh, nên nó vận hành không có những ý tưởng về si mê hay mong cầu giác ngộ. Vừa khi có ước muốn giác ngộ là bạn đã rời khỏi vị trí của Bất sinh và đi ngược lại với nó. Vì tâm Phật là bất sinh, nó tuyệt nhiên không có tư tưởng gì cả. Tư tưởng là nguồn gốc của vô minh. Khi hết tư tưởng thì vô minh cũng diệt. Và khi bạn đã hết vô minh thì không cần gì nói đến mong muốn đạt giác ngộ, phải vậy không?
An trú trong tâm Phật
Một vị tăng hỏi: Con thường đọc kinh và tọa thiền, vì con cảm thấy những việc này có công đức. Bây giờ con có nên dẹp hết vì vô ích chăng?
Sư trả lời: Tọa thiền và xem kinh là việc tốt. Tọa thiền là việc mà tất cả tu sĩ muốn uống nước từ nguồn Thích Ca đều phải thực hành không được coi khinh. Bồ Đề Đạt Ma quay mặt vào vách, Đức Sơn dẹp kinh, Gutei dơ lên một ngón tay, Lâm tế hét...Mặc dù tất cả những pháp này thay đổi tùy hoàn cảnh khác nhau và tùy cách dạy của mỗi bậc thầy, song tất cả đều liên hệ đến việc bạn phải tự mình thực chứng cái tâm Phật bất sinh duy nhất. (Bồ đề đạt ma, vị sư Ấn vào thế kỷ thứ 6 đã mang đạo thiền đến Trung quốc, được tôn là sơ tổ của đạo thiền Trung hoa. Tương truyền Ngài đã quay mặt vào vách thiền định suốt 9 năm tại chùa Thiếu Lâm thuộc tỉnh Hồ Nam ngày nay- Đức Sơn Tuyên giám, 782-865, là một vị tăng chuyên nghiên cứu kinh Kim Cương, nhân trong lúc hành cước đi vào một hàng quán xin ăn điểm tâm. Bà già bán quán hỏi: trong kinh Kim Cương Phật dạy tâm quá khứ tâm hiện tại tâm vị lai đều không thể nắm bắt, vậy ngài điểm cái tâm nào. Đức Sơn không trả lời được, bèn đốt hết các luận giải ông đã làm và về sau ngộ đạo. Chuty hay Gutei, tương truyền đã ngộ đạo nhờ bị thầy chặt đứt một ngón tay- Lâm tế Nghĩa huyền mất năm 866, là tổ sáng lập thiền phái Thiên Thai, nổi tiếng về sử dụng tiếng hét để khai đạo -ND). Bạn không lầm tiếng chuông với tiếng trống, tiếng chim sẻ với tiếng chim quạ, tất cả những âm thanh nghe qua, bạn đều nhận ra và phân biệt từng thứ một không sót tiếng nào. Đấy chính là cái tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu đang lắng nghe, cái tâm Phật vốn bất sinh. Những gì nói trong Lâm tế ngữ lục và những gì tôi nói chỉ là một thứ không có gì khác nhau. Vấn đề duy nhất là bạn có đức tin hay không. Nếu bạn không thể an trú trong tâm Phật bất sinh mà khuấy động lên đủ thứ tư tưởng nuối tiếc quá khứ, lo lắng về tương lai, thì chính là bạn đang xoay vần biến hóa trong sinh tử mà không tự biết. Bạn đã đổi tâm Phật thành ra những tư tưởng phù du, không bao giờ có một giây phút an ổn.
Bây giờ bạn có thể tọa thiền đọc kinh, nhưng hãy an trú trong tâm Phật mà bạn có, và thực chứng cái bất sinh. Nếu bạn tọa thiền hay đọc kinh, với mục đích hay hy vọng tích lũy công đức, thì thế là bạn đổi tâm Phật lấy công đức, đổi tâm Phật lấy tọa thiền và tụng kinh! Thế đấy, nên điều bạn cần làm là nhận ra với niềm tin tưởng sâu xa rằng, mọi sự tự nó được nhận chân và được phân biệt mà không cần bạn phải để tâm suy nghĩ. Tất cả đấy là vì tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu vốn bất sinh, và thu xếp mọi sự một cách trôi chảy.
Khi tư tưởng khởi lên
Một chú tiểu 14, 15 tuổi hỏi: Khi con tọa thiền, những tư tưởng lại khởi lên. Con phải làm sao?
Sư dạy: Phân biệt được và nhận ra được từng ý nghĩ khởi lên, đấy chính là công năng linh hoạt của tâm Phật. Vì tâm Phật vốn bất sinh mà cũng chiếu sáng kỳ diệu nữa, nên bất cứ gì được lưu giữ trong tâm con bây giờ trồi lên. Trong tâm Phật không có một tư tưởng hay một vật gì, bởi thế khi con không để mình vương vấn với chúng, tức là đã phù hợp với tâm Phật bất sinh. Đừng lo cố xua đuổi chúng hay ngăn chặn chúng.
{mospagebreak title= Để cho mọi sự tự xếp đặt}
Để cho mọi sự tự xếp đặt
Sư chỉ giáo một vị tăng từ Tamba đến: Ông nghĩ rằng đã khó nhọc lặn lội từ xa đến đây, thì phải đạt giác ngộ càng nhanh càng tốt, thái độ ấy chính là bị lòng ham muốn thành Phật làm cho mê mờ. Mong muốn giác ngộ có vẻ là chuyện hoàn toàn tốt đẹp đáng khen, nhưng kỳ thực là si mê. Với tôi, tôi không bao giờ trích dẫn lời Phật tổ trong các kinh điển và ngữ lục. Nếu bạn muốn biết vì sao, thì chính vì tôi có thể hoàn toàn được việc bằng cách nhắm thẳng bản ngã của mỗi người, nên tôi chỉ nói với họ về chuyện ấy.
Sự mong muốn thành Phật của bạn trước hết là điều vô ích. Bởi vì tâm Phật bạn có từ sơ sinh vốn bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu, nên chưa cần suy nghĩ, mọi sự đã được nhận ra rõ ràng mà không cần đến một thứ khôn lanh nào cả. Không cần bám vào những khái niệm mê hay ngộ, hãy ở nguyên trong tình trạng ở đó tất cả mọi sự đều được nhận ra và phân biệt rõ ràng. Hãy để cho mọi sự tự thu xếp lấy, bất cứ gì xảy ra sẽ được giải quyết trôi chảy - dù bạn muốn hay không. Đấy chính là sự vận hành của tâm Phật và diệu dụng chiếu sáng linh động của nó. Cũng như một tấm gương bóng loáng, không cần phát sinh một ý tưởng nào cũng không cần ý thức, mà mỗi sự vật bên ngoài đều được phản chiếu rõ rệt. Vì không hiểu điều này, các bạn cứ tưởng chính mình dàn xếp mọi sự nhờ tài khôn lanh! Chính vì thế mà các bạn vẫn bị mê mờ. Nếu bạn hiểu rõ rằng tư tưởng là do chính bạn sản xuất khi vướng ngoại cảnh, và không chuyển tâm Phật của mình thành ra một cái gì khác, thì đấy chính là căn bản của sự tu hành, và đó cũng là ý nghĩa của điều tôi nói rằng tâm Phật là bất sinh, bản năng nội tại chiếu sáng kỳ diệu nơi chúng ta.
Không thực chất
Một cư sĩ hỏi: Con rất đội ơn Ngài về giáo lý Bất sinh, nhưng con nhận thấy rằng tư tưởng dễ dàng khởi lên do hậu quả những thói xấu ăn sâu nơi con, và khi con bị những ý tưởng ấy đánh lạc hướng thì con không thể nào nhận ra được cái Bất sinh một cách rõ rệt. Làm sao con có thể tin tưởng hoàn toàn vào tâm Phật bất sinh?
Sư dạy: Khi cố ngăn tư tưởng đừng khởi lên, là bạn tạo một mâu thuẫn giữa cái tâm ngăn và cái tâm bị ngăn, nên bạn sẽ không bao giờ có được bình an. Chỉ cần tin rằng tự nguyên ủy, những ý tưởng vốn không hiện hữu, chúng chỉ tạm thời khởi diệt tùy theo những gì bạn thấy và nghe, tự chúng không có một thực chất nào.
Chó và gà
Một cư sĩ hỏi: Con nghe rằng những ý tưởng ngu si biến người ta thành súc sinh, đi từ bóng tối vào bóng tối không thể thành Phật. Tuy nhiên, khi một con thú không ý thức điều đó là đáng tiếc, thì nó sẽ không nhận ra mình đang khổ. Vậy, phải chăng nó cũng hoàn toàn thỏa mãn?
Sư dạy: Không đáng buồn sao, khi người ta chuyển cái tâm Phật và thân Phật mà mọi người vốn có, thành ra nỗi khổ của một chúng sinh địa ngục, mà lại còn không nhận ra điều ấy là bi đát như thế nào! Ví dụ, bạn đuổi đánh một con chó vì hôm qua nó đã ăn trộm gà. Không nhận thức được điều ấy, khi bị đánh đập nó kêu lên tru tréo. Súc sinh không hiểu luật nhân quả nên phải tiếp tục đau khổ bất tận. Nhưng con người thì do trí tuệ bẩm sinh, khi được gặp minh sư họ có thể dễ dàng giác ngộ. Thật là điều kỳ diệu khi có cơ may được sinh làm thân người, vì với thân ấy bạn có thể dễ dàng thành Phật. Đấy là một vấn đề lớn ở ngay trước mắt bạn, đừng phí thì giờ!
Cày cuốc với tâm Phật
Một nông phu hỏi: Con có tính dễ nổi nóng, vì con là một nông dân vướng vào công việc cực nhọc, thật khó cho con nhận ra được Bất Sinh. Làm sao con có thể sống phù hợp với tâm bất sinh?
Sư đáp: Ai cũng có sẵn tâm Phật bất sinh, bởi vậy không lý gì bây giờ lần đầu tiên bạn mới sống phù hợp với tâm ấy! Làm công việc đồng áng của bạn một cách chuyên nhất tâm ý, đó là thực hành tâm bất sinh. Khi bạn đang làm việc với cái cuốc, bạn có thể vừa cuốc vừa nói chuyện với một người nào, câu chuyện không làm trở ngại công việc, công việc cũng không làm trở ngại câu chuyện. Ngay cả lúc bạn tức giận bạn vẫn có thể cuốc, nhưng vì giận dữ là cái nhân xấu để thành một chúng sinh địa ngục nên công việc của bạn biến thành một nỗi khó nhọc đau khổ. Khi bạn cày cuốc mà không vướng vào giận dữ si mê, thì công việc sẽ trở thành nguồn vui và hóa ra dễ dàng. Đây là Pháp hành về tâm Phật, Pháp hành về bất sinh
bất diệt.
Người lữ hành
Một vị tăng hỏi: Con đã nghe rằng những bậc thầy ngày xưa đã đạt giác ngộ nhờ tu hành gian khổ, và những bậc thầy ngày nay cũng phải trải qua đủ thứ gian nan mới đạt đến thực chứng. Con không thể chấp nhận được quan niệm rằng một người như con, chưa giác ngộ gì cả, cũng chưa tu hành gì ráo, mà lại có thể thực chứng được tâm Phật bất sinh.
Sư bảo: Giả sử có một nhóm người lữ hành đi qua một dãy núi cao. Đến một nơi không có nước uống, tất cả đều khát cháy cổ. Một người đi xuống thung lũng xa để tìm nước. Sau khi khó nhọc tìm kiếm khắp nơi, cuối cùng người ấy được một ít nước đem về cho bạn đồng hành uống. Có phải những người này cũng có thể giải được cơn khát dù họ chẳng cần nỗ lực không? Ngược lại những người ôm lòng hoài nghi không chịu uống nước, thì sẽ không thể nào giải được cơn khát của mình. Vì đã không gặp được người có tuệ nhãn, nên tôi mới đi lạc và làm những nỗ lực gian khổ cho đến khi cuối cùng tôi khám phá ra được Phật trong chính tâm tôi. Bởi thế khi tôi bảo các bạn cũng có thể thấy được Phật trong tâm mình không cần tu hành gian khổ, thì cũng giống như những người lữ hành uống nước và giải được cơn khát của họ mà không cần phải đích thân đi tìm nước. Cũng thế, khi bạn sử dụng tâm Phật mà mọi người đều có và đạt đến sự bình an trong tâm hồn mà không cần phải nhọc công tu tập, quả là giáo lý chân thật quý báu phải không?
Cha mẹ
Một ni cô hỏi: Cha mẹ con đều còn sống. Làm sao con có thể giữ tròn đạo hiếu với cha mẹ con?
Sư trả lời: Không có cách nào đặc biệt để tỏ lòng hiếu thảo; chỉ cần an trú trong tâm Phật mà cô có từ cha mẹ sinh, đấy là chân chính thực hành đạo hiếu, không làm được như vậy chính là bất hiếu.
Trở thành "một cây" vô minh
Sư bảo đại chúng: Từ khởi thủy lúc mới sinh ra, tất cả quý vị không ai có một thứ si mê nào. Nhưng vì giáo dục xấu, quý vị đã chuyển cái tâm Phật bẩm sinh thành ra một chúng sinh mê muội thượng hạng, bắt chước và thâu nhận vào đủ loại si mê xung quanh mình, tập tành những thói hư tật xấu đến nỗi cuối cùng trở thành "một cây" vô minh! Chính vì tâm Phật có công năng kỳ diệu đang vận hành nên quý vị mới thâu thập được đủ thứ hành vi mê muội ấy, khiến chúng trở thành bản chất thứ hai của mình. Tuy nhiên khi nghe được giáo lý quý báu về tâm Phật này, quý vị phát khởi niềm tin và quyết định không si mê nữa, thì liền khi ấy quý vị đã an trú trong tâm Phật bất sinh như nguyên ủy. Như thế thì, chính vì tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu mà quý vị đã bị mê mờ; và cũng vì tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu mà quý vị được giác ngộ. Chính vì quý vị không nhận ra sự quý báu của tâm Phật nên quý vị xem những thứ si mê đang làm hại mình là vô cùng quý giá. Và quý vị xem trọng những mê lầm này đến nỗi quý vị trở thành một cây vô minh, vứt bỏ cuộc đời của mình! Có phải là điên rồ không?
Tâm Phật sống động
Sư bảo đại chúng: Với một người thực chứng tâm Phật một cách rốt ráo vào mọi lúc, thì khi vị ấy đi ngủ, cũng đi ngủ với tâm Phật; khi dậy là dậy với tâm Phật; khi ở là ở với tâm Phật; khi đi là đi với tâm Phật; khi ngồi là ngồi với tâm Phật; khi đứng là đứng với tâm Phật; khi ngủ là ngủ với tâm Phật; khi tỉnh giấc là tỉnh giấc với tâm Phật; khi nói là nói với tâm Phật; khi im lặng là im lặng với tâm Phật; khi ăn cơm là ăn với tâm Phật; khi uống trà là uống với tâm Phật; khi mặc áo là mặc áo với tâm Phật. Vào mọi lúc, vị ấy an trú liên tục trong tâm Phật, không có lúc nào là vị ấy không ở trong tâm Phật. Vị ấy hành xử ung dung tùy theo hoàn cảnh, cứ để mọi sự theo cách tự nhiên của chúng. Chỉ cốt là không làm những điều ác mà chỉ làm những việc lành. Nhưng nếu bạn tự hào về những việc lành của mình, bám víu vào đó và ghét cái xấu, thì thế là đi ngược với tâm Phật. Tâm Phật không thiện cũng không ác, mà vận hành vượt ngoài cả thiện ác. Đó không phải là tâm Phật sống động hay sao? Khi bạn đã ngộ được điều này không còn một chút nghi ngờ nào cả, thì ngay lúc ấy bạn sẽ mở được con mắt thấy suốt tâm người. Bởi thế mà tông phái của tôi được mệnh danh là tông Mắt Sáng.
Người cai rượu
Một cư sĩ hỏi: Con không nghi ngờ gì về chuyện từ nguyên thủy vốn không có những tư tưởng mê mờ; nhưng dòng tư tưởng của con không bao giờ ngưng dầu chỉ trong chốc lát, nên thật con không thể nào thực chứng cái bất sinh.
Sư bảo: "Khi bạn mới ra đời, chỉ có cái TÂM PHẬT BẤT SINH. Nhưng khi lớn lên, bạn thu nhặt những thái độ ngu si bạn trông thấy quanh mình, cho nên cùng với thời gian, bạn đâm ra mê mờ, và cái tâm mê mờ được dịp lấn lướt. Từ khởi thủy, trong tự ngã bẩm sinh của bạn, tư tưởng vốn không hiện hữu, bởi thế trong cái tâm được xác tín về Phật tính bất sinh của nó, thì tư tưởng biến mất. Điều này cũng giống như một người nghiện rượu bỗng dưng bị một trận khốn đốn vì rượu, phải cai. Khi tình cờ anh ta được mời rượu, những ý tưởng muốn uống có thể khởi lên, nhưng vì anh ta không uống nên cũng không bị say ói. Mặc dù trong con người ấy cái tưởng thèm rượu còn khởi, nhưng nhờ kiêng rượu nên cuối cùng vẫn không sao. Những ý tưởng mê mờ cũng giống như thế. Khi bạn để yên cho nó khởi và diệt, không chạy theo nó cũng không chống lại nó, thì khi ấy vọng tưởng tự nhiên biến mất vào trong cái tâm bất sinh.
Đàn áp cũng là mê muội
Một vị Tăng hỏi: Con nhận thấy không thể nào đàn áp tất cả phiền não vọng tưởng của con. Con phải làm sao?
Sư đáp: Cố mà đàn áp vọng tưởng thì cũng là mê muội. Vọng tưởng nguyên ủy vốn không hiện hữu, mà chỉ do chính bạn tạo ra vì phân biệt.
Ngay bây giờ
Một khách tăng đến hỏi: Trong bài giảng chiều hôm qua, Ngài dạy rằng mọi người bẩm sinh đều có tâm Phật. Mặc dù rất đội ơn ngài chỉ giáo, con vẫn thấy dường như là nếu người ta bẩm sinh đều có tâm Phật thì vọng tưởng không thể sinh ra.
Sư bảo: Ngay bây giờ, bạn có những vọng tưởng nào chỉ ra coi?
Tăng lễ bái lui ra.
Thức và ngủ
Một cư sĩ hỏi: Tôi cũng công nhận rằng chúng ta thấy và nghe bằng cái BẤT SINH. Nhưng khi ta ngủ, dù có một người đứng sát ngay bên cạnh, ta cũng không biết, bởi thế vào lúc đó dường như ta đã mất cái công năng cốt yếu của BẤT SINH.
Sư bảo: Mất cái gì? Không mất gì cả. Chỉ có điều là bạn đang ngủ.
Sendai
Một vị Tăng từ Sendai đến hỏi: Làm thế nào con có thể thực chứng cái tâm bản nhiên?
Sư đáp: Ngoài con người đang hỏi tôi lúc này ra, thì không có tâm bản nhiên nào. Cái tâm bản nhiên ấy siêu việt tư duy mà phân biệt rõ ràng mọi sự. Bằng cớ điều này là, nếu tôi hỏi bạn điều gì liên hệ đến nơi bạn ở, có phải là bạn trả lời vanh vách không cần suy nghĩ hay không.
Chỗ ở của cái bất sinh
Một khách tăng hỏi: Khi một người thực chứng bất sinh, thì sau khi thân xác tứ đại tan rã, vị ấy có sinh trở lại hay không?
Sư đáp: Trong bất sinh hoàn toàn không có vấn đề có sinh trở lại hay không sinh trở lại.
{mospagebreak title= Buông xả}
Buông xả
Một cư sĩ nói: Vài năm về trước, tôi hỏi Ngài phải làm sao để ngăn vọng tưởng sinh khởi, và Ngài đã dạy tôi cứ để mặc chúng sinh diệt tùy ý. Tôi vẫn làm theo lời khuyên của Ngài, nhưng tôi lại thấy thật khó mà cứ để cho những vọng tưởng cứ khởi và diệt như vậy.
Sư bảo: Lý do bạn gặp khó khăn là vì tưởng rằng có một phương pháp đặc biệt nào để phó mặc cho ý tưởng cứ khởi và diệt.
Như bạn vốn là
Sư bảo đại chúng: Tất cả quý vị nên nhận ra cái tâm Phật vận hành sống động này! Từ nhiều trăm năm nay người ở Trung Hoa và Nhật Bản đã hiểu lầm giáo lý Thiền, cố đạt giác ngộ bằng cách tọa thiền hoặc cố tìm cho ra "con người thấy và nghe", tất cả điều này là một sai lầm lớn. Tọa thiền chỉ là một tên khác của tâm bản lai, nó có nghĩa là ngồi an tịnh với một cái tâm an tịnh. Khi ngồi thiền bạn chỉ cần ngồi như bạn vẫn ngồi; khi bạn thiền hành, thì bạn cứ tản bộ như bạn vẫn đi. Dù cho miệng của bạn rộng lớn đủ để nuốt trọng cả trời đất, cũng không thể nào diễn tả Phật Pháp bằng lời. Những người nói về Phật Pháp, phần đông chỉ làm cho người ta lòa mắt.
Trong cái tâm mà bạn thừa hưởng của Cha Mẹ từ lúc mới sinh, không có một chút mê lầm nào cả. Bởi thế, khi bạn quả quyết rằng "tôi mê mờ vì tôi là một người sinh ra đã ngu dốt" thì thế là bạn đổ lỗi cho cha mẹ mình một cách bất công. Chư Phật trong quá khứ với con người trong hiện tại đều có đồng một tâm Phật duy nhất ấy, không có khác gì nhau. Tôi sẽ lấy một ví dụ cho bạn hiểu: khi nước biển múc lên đổ vào những bình chứa khác nhau, và gặp thời tiết nước đông lại, thì tùy theo những bình chứa lớn nhỏ vuông tròn khác nhau mà nước đông thành đá sẽ có những hình dạng khác nhau; nhưng khi băng tan thì tất cả nước trở lại đồng là nước của biển cả. Vì không biết tâm Phật vận hành sống động như thế, nên bạn nghĩ bạn sẽ thành Phật nhờ tích lũy quả báo tu hành và giác ngộ. Bị rơi vào mê lầm, đi từ bóng tối vào trong bóng tối, thật là bi đát phải không? Tôi không giảng dạy về Phật giáo, nhưng khi nói chuyện tôi chỉ xử lý những ý tưởng sai lầm nơi các bạn."
Không một dấu vết
Một khách tăng hỏi: Con tu hành với mục đích là đạt giác ngộ. Ngài nghĩ sao về vấn đề này?
Sư dạy: Giác ngộ chỉ có khi có si mê. Nhưng mọi người đều có bản chất giác ngộ, nên một chút mê lầm cũng không hiện hữu. Thế thì bạn cần phải đạt đến cái gì?
Vị Tăng nói: Điều ấy tôi nghe thật điên rồ. Chính nhờ đạt giác ngộ mà tất cả thánh hiền xưa kể từ sơ tổ Bồ đề đạt ma, đã hoàn toàn chứng đắc về Pháp.
Sư bảo: Như Lai cứu độ hữu tình bằng cách "điên rồ" như thế đấy, không đến không đi, mà vẫn như tính bạn bẩm sinh, không để cho tâm trở nên mờ mịt - đấy chính là ý nghĩa của Như Lai. Và đấy cũng là đường lối chư Tổ trong quá khứ.
Câu hỏi của Kantaro
Một thời, Sư ở chùa Quan Âm trong vùng Kiyodani thuộc vùng Kyta. Ông Lý trưởng làng lân cận tên là Kantaro thường đến học đạo với Ngài. Mặc dù ông này thỉnh thoảng đặt ra những câu hỏi hóc búa, sự trả lời sắc bén của Sư làm cho ông ta không thể nào với tới.
Một ngày kia, Kantaro đi cùng với một người bạn đến thăm Sư. Trên đường đi ông nói với bạn: Lúc nào tôi đến, Ngài cũng nói: Kantaro anh đến đấy à? Hôm nay chắc chắn thế nào Ngài cũng hỏi như vậy. Tôi định bụng khi nào Ngài nói câu đó thì tôi sẽ hỏi: "Thằng cha ấy là ai nhỉ?"
Hai người đi đến chùa Quan Âm. Sư ra chào người bạn nhưng không nói gì với Kantaro cả. Sau một lúc Kantaro phải mở miệng: Thầy có khỏe không? Sư nói: "Thằng cha ấy là ai nhỉ?"
Kantaro hoàn toàn kinh ngạc, và ngỏ lời xin lỗi.
Rosen
Vị tăng tên Rosen nói: Con hết sức băn khoăn về vấn đề cái chết, chính đấy là lý do con thường xuyên đến gặp Ngài. Con nghĩ rằng đối với một con người thì không có vấn đề nào quan trọng hơn là cái chết.
Sư dạy: Cái tinh thần ấy chính là căn bản của sự học Phật. Nếu con giữ lấy tinh thần đó không bao giờ lơi ra, thì chính là con sống hoàn toàn phù hợp với đạo.
Tăng hỏi: Chứng thành Phật quả nghĩa là gì?
Sư trả lời: Hoàn toàn xác nhận những gì Thầy đã nói, tin tưởng vào đó không nghi ngờ, thì con sẽ chứng thành Phật quả.
Một thời gian sau, vị tăng đến thưa: Mới đây con thấy tâm con rộng lớn vô biên như bầu trời, không dính mắc vào đâu cả. "Chắc nó đây rồi". Con nghĩ thế, nhưng phản tỉnh lại con nhận ra rằng không nên chần chờ ở đấy.
Sư nói: Đó là tự con phân biệt. Hãy nhận ra cái gì trước khi phân biệt.
Lại vào một dịp khác Rosen nói: Con cảm thấy thật may mắn là thời gian gần đây, sự quyết định của con trở nên hết sức mạnh mẽ.
Sư trả lời: Điều như thế đương nhiên thế nào cũng phải xảy đến.
Một lần, vị thầy dạy thiền tên Tairyo bảo Rosen: Ông có vẻ tu hành nghiêm túc đấy, nhưng sao lúc nào ông cũng lặp đi lặp lại mãi một chuyện ấy. (Có lẽ Rosen thường nhắc lại câu nói quen thuộc của Bankei về cái bất sinh - ND).
Rosen nói: Hoàn toàn không phải vậy; mà đấy là điều tôi nghe không bao giờ chán.
Ngay lúc ấy, Sư đi ra và ngồi vào chỗ của Ngài. Ngài nói: Bất cứ lúc nào bạn có dịp nghe việc này (tâm Phật bất sinh) đều rất đáng nghe, không kể là bao nhiêu lần. Vậy đừng nghĩ rằng đó chỉ là sự lặp đi lặp lại của cùng một chuyện. Khi bạn thấy cái gì là quý giá, thì lúc nào nghe cũng là quý cả.
Tay cờ bạc
Ở Aboshi có một người tên là Hachirobey. Anh ta nói với Sư : Con theo tịnh độ tông, con hoàn toàn nương tựa vào đức Như Lai A Di Đà, và thường niệm Phật để được Ngài cứu độ.
Sư trả lời: Nếu cầu nguyện Phật cứu độ mà cứ chuyên đi khắp nơi cờ bạc và làm đủ các việc ác như chú, thì đấy là lường gạt đức A Di Đà.
Những người hiện diện hết sức ngạc nhiên vì bấy giờ Hachirobey quả là một bợm cờ bạc nổi tiếng.
Thần thông
Vào một dịp khác Hachirobey lại đến bảo: Ngày xưa các bậc thầy làm đủ thứ thần thông. Ngài có thần thông không?
Sư hỏi: Những thần thông ấy là thứ gì vậy?
Hachirobey trả lời: Tổ khai sáng tịnh độ tông (Shiran Shònin) ở Echigo bảo một người đứng bên này sông đưa ra một tờ giấy, trong khi Ngài đứng bên kia bờ cầm quản bút viết lên được 6 chữ NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Do việc này mà mãi đến nay người ta vẫn còn kính cẩn nhắc câu chuyện "Một câu niệm Phật vượt qua sông".
Sư cười lớn bảo: Tưởng là gì, chứ như thứ việc mà anh nói đó, những người làm ảo thuật còn có nhiều trò hay hơn nữa. Đem những chuyện như thế mà so với chánh pháp của Phật thì chẳng khác nào chó mèo đem sánh với người.
Một khách tăng
Vào một buổi tham kiến với Sư, có nhiều vị khách tăng đến trình bày chỗ ngộ của mình. Tất cả mọi người đều nói, chỉ có một người giữ im lặng. Sư bảo: Thế còn con thì sao?
Vị tăng trả lời: Về phần con, khi trời lạnh con mặc thêm áo, khi đói con kiếm gì ăn, khi khát con uống ít nước nóng; ngoài ra không có gì nữa.
Sư nói: Vậy, con có thể biết kiến giải của những người đang ở đây không?
Vị tăng trả lời: Đương nhiên là con biết được.
Sư nói: Thế thì con hãy nói kiến giải của họ cho ta nghe.
Vị tăng nói: Xin Ngài chỉ cho con kiến giải của con.
Sư nói: Tất cả những gì chúng ta vừa nói đều chứng tỏ kiến giải của con.
Vị tăng lễ bái lui ra.
Hữu và phi hữu
Một vị khách tăng tiến lên tuyên bố: Nó không ở trong hữu, không ở trong phi hữu, mà cũng không phải tuyệt đối không có gì.
Sư nói: Ngay lúc này nó đang ở đâu?
Vị Tăng bối rối rút lui.
Tại sao chúng ta sinh ra
Một cư sĩ hỏi: Bạch thầy! Nếu chúng ta sẵn có tâm Phật, thì tại sao chúng ta không cứ là Phật đi, mà lại sinh ra làm gì để chịu đủ thứ đau khổ?
Sư trả lời: Cái chuyện bạn sinh ra đời là do sơ suất của Cha Mẹ bạn.
Con người thấy nghe
Một cư sĩ hỏi: Nhiều năm nay con tin vào giáo lý của các bậc cổ đức, và cố trả lời công án "ai là con người thấy nghe". Con phải tu tập như thế nào để có thể tìm ra con người thấy nghe ấy? Con đã tìm tòi nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm ra nó.
Sư nói: Vì tông phái của tôi gọi là tông phái Phật tâm, nên con người thấy nghe với cái tâm đi tìm con người thấy nghe chỉ là một. Nếu tìm bên ngoài thì bạn không bao giờ gặp, dù có đi vòng quanh thế giới. Cái tâm duy nhất bất sinh chính là con người ở trong mọi người, thấy được hình ảnh bằng mắt, nghe tiếng bằng tai, và nói chung, khi xúc chạm đối tượng 6 giác quan thì hiện rõ bất cứ gì nghe thấy cảm biết, không một thứ gì ẩn giấu.
Người đàn bà sợ sấm
Một người đàn bà đến hỏi: Con có tật sợ sấm một cách bất thường. Mỗi khi nghe tiếng sấm, con cảm thấy khủng khiếp và vô cùng khổ sở. Xin Ngài dạy cho con cách nào để chấm dứt sự sợ hãi này.
Sư dạy: Khi bà mới sinh ra, không có một cảm giác sợ hãi gì về sự vật, mà chỉ có tâm Phật bất sinh. Những nỗi sợ hãi đối với sự vật là những bóng ma của tư tưởng được tạo ra sau khi bạn sinh ra. Sấm làm cho mưa rơi có lợi ích cho loài người, đó không phải là một cái gì thù nghịch với con người. Sở dĩ bà xem sấm sét đáng sợ là do những bóng ma tư tưởng làm ra nỗi sợ ấy, chứ không do cái gì bên ngoài. Khi nghe sấm, bà hãy tin tưởng tuyệt đối vào Phật tính ở trong tâm bà.
Đau buồn
Một người đàn bà hỏi Sư : Con rất đau khổ về cái chết của đứa con nhỏ. Mỗi khi con thấy một đứa trẻ đồng tuổi với nó là con lại nhớ nó, khi ấy đủ mọi ký ức tràn ngập tâm con và vọng tưởng cứ tiếp diễn không ngừng. Xin Ngài chỉ dạy cho con.
Sư dạy: Khi bà nhớ lại mọi sự như vậy, đấy là một việc bà đang làm. Trong cái tâm nguyên ủy, không có một dấu vết gì của vọng tưởng. Hãy tin những gì tôi nói, rồi bà sẽ trở thành một con người giải thoát.
Bịt mắt
Một vị khách tăng hỏi : Tọa thiền có công đức gì không?
Sư nói: Tọa thiền là điều không nên coi thường, cũng không nên xem thường việc tụng kinh, lễ bái. Tổ Đức Sơn dùng gậy, Thiên Thai dùng tiếng hét, Gutei đưa ngón tay lên, Đạt ma diện bích - Tất cả đều là những phương tiện của các bậc thầy, những phương pháp đối phó với những tình huống đặc biệt và đáp ứng những nhu cầu của từng cá nhân trong cuộc. Ngay từ đầu đã không có những quy luật cố định. Nếu bạn xem những phương tiện tạm thời ấy như những lời dạy bất di dịch, thì cũng như bạn tự bịt mắt mình. Chỉ cần vững tin vào lời tôi nói, giữ tâm hồn nhiên như lúc mới sinh không có những phân biệt phù phiếm, hệt như khi mọi vật phản chiếu trong gương, thì khi đó không có gì trên đời mà bạn không thâm nhập thông suốt. Đừng nghi ngờ!
Mọi sự đều được dàn xếp trơn tru
Một vị tăng từ Tamba đến hỏi: ước nguyện chân thành của con trong dịp này là chứng được giác ngộ và trở thành một con người toàn hảo về mọi mặt. Xin Ngài chỉ giáo cho con.
Sư nói: Bạn đã lặn lội từ xa đến và có những ước nguyện đáng khen, nhưng chúng toàn là vọng tưởng. Trong cái tâm nguyên ủy, không có vọng tưởng cũng không có ước nguyện. Trong cái công năng chiếu sáng kỳ diệu nội tâm, không hề có một ước nguyện nào cả, thế mà mọi sự vẫn được dàn xếp trơn tru. Ngay cả cái việc muốn thành Phật liền bây giờ cũng là một điều giả tạo. Chỉ cần nhận thức rằng mình đang tạo những ước nguyện, rồi cứ sống tự nhiên, đừng vướng mắc bất cứ sự gì, thì bản lai diện mục của bạn sẽ được hiển lộ.
Đi đâu
Một cư sĩ hỏi: Khi thành Phật rồi, ta sẽ đi đâu?
Sư trả lời: Nếu bạn thành Phật, không có nơi nào để đi cả. Khi đó bạn ở khắp cả tam thiên đại thiên thế giới. Chỉ khi bạn trở thành loại chúng sinh nào khác thì mới có nhiều chỗ khác nhau để đi.
Trái banh bằng vàng
Có lần Sư bảo : Không giống như những bậc thầy khác ở khắp nơi, trong giáo lý tôi, tôi không lập ra một mục tiêu đặc biệt nào như chứng đắc giác ngộ hay tham cứu công án. Tôi cũng không dựa vào lời Phật và tổ. Tôi chỉ thẳng vào sự việc, nên không có gì để bám lấy, và cũng vì vậy không có người nào sẵn sàng chấp nhận những gì tôi giảng dạy. Trước hết, những người thông minh và đa văn thì bị chướng ngại bởi chính sự thông minh tính toán của họ, nên họ không thể chấp nhận lời tôi. Ngược lại, có rất nhiều phụ nữ ngu dốt không biết đọc biết viết, lại không có tài năng đặc biệt nào, và cũng không thể đẩy họ lên làm thiền sư. Nhưng họ có được thực chứng và không vướng vào tri thức.
Sư lại thêm : Mặc dù vậy, dù không có ai chấp nhận hoàn toàn, giáo lý tôi giống như một trái banh bằng vàng bị đập vỡ ra nhiều mảnh tung tóe khắp nơi, để cho ai được một mảnh thì sẽ có được một mảnh giác ngộ, ai được hai mảnh thì sẽ có được hai mảnh giác ngộ..., từng mảnh nhỏ, nhưng không ai là không lợi lạc tùy theo chỗ chứng đắc của mình.
Suy nghĩ
Một cư sĩ hỏi: Tôi nghe nói Ngài có tha tâm thông. Vậy, ngay lúc này tôi đang nghĩ gì?
Sư đáp : Ông đang nghĩ như vậy.
Phụ nữ
Một người đàn bà hỏi : Con nghe nói phụ nữ nghiệp nặng không thể nào thành Phật, có đúng không?
Sư hỏi: Bà trở thành phụ nữ từ hồi nào vậy?
Một phụ nữ khác nói: Vì đàn bà nghiệp nặng nên bị cấm không được vào những ngôi chùa linh thiêng như núi Koya (ngôi chùa chính của Mật tông do Kuai sáng lập vào năm 816, ngày nay là quận Wakayama) và núi Hyei (trung tâm của tông Thiên thai thành lập năm 788, núi này nằm phía đông bắc Kyoto. ND)"
Sư bảo : Ở Kamakura cũng có một ni viện không cho đàn ông vào.
Chiêm bao của nhà buôn
Lúc Sư ở Long môn tự, có một cư sĩ bạn của Zenko (Eimyo Zenko, 1653-1716, vốn là một tăng sĩ phái Tào động ở Omy, theo học với Bankei và cuối cùng là người thừa kế của môn đệ Bankei là Sekimon. Zenko là trú trì chùa Long môn đời thứ tư). Cư sĩ này từ Omy đến chùa ở lại một thời gian. Sau lần tiếp kiến đầu tiên với Sư, ông ta chấp nhận tinh yếu của giáo lý Ngài, và từ đó theo Ngài nghe giảng.
Một lần khi sư đang tiếp khách, cư sĩ này tiến lên nói: Nhà tôi nằm trong làng tên ấy, thuộc tỉnh Omy. Lúc đầu tôi là một hiệp sĩ tự phát (Ronin), sau khi giành dụm được một số vàng bạc, tôi cho người trong vùng vay tiền và thóc lúa để lấy lợi làm kế sinh nhai. Nhưng hơn 10 năm về trước tôi đã giao hết việc cho con trai tôi, xây một nhà nhập thất trong vườn và suốt ngày chỉ tọa thiền và tụng kinh. Tôi cũng tham học với nhiều thiền sư, nhất tâm tu hành, có Zenko làm chứng.
Thế mà đêm qua, tôi chiêm bao thấy mình đang ở nhà tụng Kinh tại bàn Phật trong gia đình. Ngay khi đó, một khách hàng vay lúa đến trả tiền lời, người này và con trai tôi khởi sự tính toán. Trong lúc tụng kinh, tôi nhận ra họ tính sai, và vừa nhắc họ thì tôi tỉnh mộng. Khi nghĩ lại điều này, tôi nhận ra rằng gốc rễ của nghiệp quả thật sâu xa, khó phá hủy. Tôi phải thực hành pháp môn gì để hủy diệt tội lỗi căn bản của mình?
Vị cư sĩ nói xong tuôn trào nước mắt, khiến mọi người có mặt đều xúc động.
Sư nói: Đó là một giấc mộng tốt hay xấu?
Người cư sĩ đáp: Quá xấu. Chính vì chuyện tu hành mà tôi đã bỏ hết công việc thương mại hơn 20 năm về trước để sống hợp nhất với Phật pháp trong hoàn cảnh trong sạch thanh tịnh, xa hẳn những phiền toái của đời sống thế tục. Đấy là những điều tôi mong thấy trong chiêm bao. Thế mà dường như những gì tôi nằm mơ chứng tỏ những bận tâm cũ về tiền bạc đã ăn sâu vào tàng thức tôi. Điều này làm tôi rất buồn khổ.
Sư nói: Đấy là điều mà người ta gọi là bị ám vì một giấc chiêm bao.
Cư sĩ đứng lên đảnh lễ Sư và tuyên bố : Hôm nay lần đầu tiên tôi đã được giải thoát khỏi vô số kiếp sinh tử!
Nói xong ông sung sướng lui ra.
Không sao cả
Một cư sĩ nói: Một đôi khi tôi giật bắn mình khi thình lình nghe tiếng động, chẳng hạn tiếng sấm. Có phải vì tôi thiếu tự chủ hay không? Làm sao để dù bất cứ gì xảy ra tôi cũng không giật mình?
Sư nói: Nếu bạn giật mình, cũng không sao cả, cứ việc giật mình. Khi cố chống lại nó thì bạn chỉ tạo thêm mâu thuẫn.
Dùng ba tấc
Một vị tăng hỏi: Đức Sơn thì có gậy, Lâm Tế có tiếng hét - tất cả các bậc thầy ngày xưa đều sử dụng gậy và tiếng hét, tại sao Ngài không sử dụng gì cả?
Sư nói: Đức Sơn và Lâm Tế biết cách sử dụng gậy và tiếng hét, còn tôi thì biết cách sử dụng ba tấc lưỡi.
Công án
Một vị tăng hỏi: Những bậc thầy ngày trước như là Engo và Daie sử dụng công án để dạy môn đệ. Tại sao Ngài không dùng công án?
Sư nói: Còn những thiền sư trước cả Daie và Engo thì sao, họ có dùng công án không?
(Quả thực, sự tham công án chỉ phát triển vào các thời đại về sau. Đa số thiền sư đời Đường 618-906 và Ngũ Đại 907-960, không sử dụng công án. Đây có thể nói là thời hoàng kim của Thiền Trung Quốc.)
Nghi lớn
Một vị Tăng hỏi: Người xưa tuyên bố nghi lớn ngộ lớn (đại nghi đại ngộ). Tại sao Ngài không sử dụng cái nghi lớn của các bậc Thầy xưa?
Sư đáp: Về ý nghĩa của nghi lớn là như sau: ngày xưa khi Nam Nhạc Hoài Nhượng đến thăm Lục tổ, tổ hỏi, vật gì đến đó? Nam Nhạc hoàn toàn bối rối, thắc mắc về vấn đề này đến 8 năm, và cuối cùng đã trả lời: nói là một vật thì không trúng. Đây mới thực sự là đại nghi đại ngộ. Ví dụ khi một vị tăng mất chiếc y ca sa độc nhất, ông ta đi tìm khắp nơi không lúc nào khỏi nghĩ đến nó - đấy là nghi thực sự! Người ngày nay cứ khơi lên hoài nghi chỉ vì họ bảo những bậc thầy ngày xưa cũng làm như vậy; bởi thế họ chỉ phát sinh được một thứ hoài nghi bắt chước. Vì sự hoài nghi này không chân thật, nên họ sẽ không có ngày nào ngộ. Việc ấy cũng như thể là họ đi tìm khắp nơi tưởng mình mất một cái gì mà thực sự chưa từng bị mất.
Đây có phải là Phật không
Khi Sư ở Chùa Gyokuryùj tại tỉnh Mino, một cư sĩ tiến lên hét một tiếng và hỏi: Đây có phải là Phật không?
Sư cầm cái quạt dí vào đầu anh ta mà hỏi: Ngươi có biết đây là cái gì không?
Cư sĩ trả lời: Đây là Phật.
Ngài lại lấy cái quạt dí vào má cư sĩ mà nói: Ngươi chỉ biết cái danh từ Phật!
Hoàn toàn ngạc nhiên người kia rút lui.
{mospagebreak title= Cư sĩ Chòzen}
Cư sĩ Chòzen
Chòzen là cha của tu sĩ Jiton ở chùa Kanzanji tại Osaka, trước kia là một lý trưởng, bấy giờ về hưu và theo học thiền đã lâu. Ông ta là một cư sĩ nổi danh, thường đến thăm Sư, nhưng Sư chưa bao giờ thử kiến giải của ông ta mặc dù họ biết nhau đã khá lâu. Một lần khi Sư ở chùa Jizòji tại Kyoto, Chòzen đến thăm Ngài, và trong cuộc viếng thăm ấy Sư đã hỏi: Này Chòzen, ông tu tập như thế nào?
Chòzen trả lời: Tôi đã hoàn tất việc tu tập của tôi khá lạ lùng như sau: tôi tha hồ ăn thịt cá, uống rượu, cờ bạc, đi ngủ rồi thức dậy - thế giới của tôi thật tự do thoải mái, không chút gì gò bó.
Sư nói: Có lẽ ông không nghe, nhưng tôi cũng nói cho ông về kiểu thiền của tôi.
Rồi Ngài chỉ giáo cho Chòzen. Nghe xong ông ta im lặng rút lui. Soboku vị tăng ở cùng phòng với ông thuật lại rằng suốt đêm đó ông ta có vẻ xao xuyến không ngủ được.
Vào lúc ấy thiền sư Bokuo đến nhận chức vị trụ trì tại ngôi chùa trung ương (tức là chùa Myosinji. Umpo và các đệ tử của ông là Bokuo và Bankei là thành viên của phái Myosinji, do thiền sư Toyo Eicho sáng lập từ thế kỷ thứ 15. Chùa này được các vị nói trên luân phiên trụ trì mỗi năm). Sư ra đi sáng sớm để đón tiếp. Vừa khi Soboku và Chòzen đi ra cửa để đón chào, Sư đi thẳng vào phương trượng ngồi xuống. Chòzen liền đến trước Sư đảnh lễ 3 lạy.
Sư chắp tay nói: Tôi nhận cái lạy phát nguyện suốt đời tuân giữ trai giới. Đây là điều mà một người đã quy y Pháp cần phải theo.
Một lần nữa Chòzen lại đảnh lễ Sư 3 lạy.
Sư nói: Tôi nhận cái lạy phát nguyện chừa bỏ uống rượu. Đây cũng chính là giới luật đức Phật đã chế.
Chòzen thưa: Thầy Reigan luôn luôn ca tụng Ngài là một vị thầy có tuệ nhãn, nhưng con không tin. Con tưởng chỉ có những người xưa mới được như thế, chứ con không ngờ trong các bậc thầy ngày nay lại có thể có người đã đắc tuệ nhãn. Bây giờ con mới thấy con đã sai lầm, khi gặp được dịp may chưa từng có.
Vừa nói ông vừa khóc và từ đó ông trở thành đồ đệ của Sư.
Ít lâu sau đó, khi Sư lại ghé đến Chùa Kansanji, vị tăng Jiton cùng Chòzen đến thăm Ngài. Jiton
nói: Nhờ Ngài chỉ giáo mà Chòzen đã thành một người hoàn toàn giải thoát trong tất cả hoạt động hàng ngày của ông ta.
Sư nói: Mọi người đều đặt cao giá trị giác ngộ, nhưng Chòzen khá may mắn là đã bỏ chuyện giác ngộ mà trở thành một con người hoàn toàn giải thoát.
Nỗi băn khoăn của người thợ đúc
Một người cư sĩ hỏi: Con làm nghề thợ đúc để kiếm ăn. Mỗi khi con đúc ấm chén thì 10 cái lủng hết 8, thế nhưng con vá lại rồi đem bán, lại nói chúng hoàn toàn tốt. Điều này làm cho con rất ray rứt. Đây có phải là tội lỗi không?
Sư hỏi: Có phải ông là người duy nhất làm chuyện ấy không?
Ông ta trả lời: Dạ không! Tất cả thợ đúc đều làm y như vậy.
Sư hỏi: Ông bán hàng về đêm à?
Người ấy trả lời: Thưa thầy con bán giữa ban ngày ban mặt.
Sư nói: Những người mua hàng của ông vẫn mở con mắt ra mà mua. Nếu ông bán hàng về đêm để lừa người ta, của xấu bảo là của tốt, thì mới là tội lỗi. Nhưng vì việc mua bán xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, những người mua đáng lẽ biết đồ xấu thì không nên mua. Ông không cần phải tự bắt tội mình về việc ấy.
Thầy trú trì tức giận
Trong một kỳ kiết thất vào mùa đông ở chùa Sanyùji tại Bizen (một tỉnh ngày xưa, bây giờ thuộc vùng Okayama. ND.), cư sĩ và tăng sĩ ở Bizen và Bitchù tụ họp rất đông vào những ngày Sư ra giảng pháp. Trong vùng lân cận ở Bitchù có ngôi chùa lớn thuộc tông Pháp hoa ( Nhật liên tông), vị trú trì là một học giả đa văn được các cư sĩ trong vùng rất kính nể. Bấy giờ tất cả những cư sĩ này đều đi đến Sư để nghe pháp.
Vị trú trì đầy phẫn uất bảo hội chúng của ông: Ta nghe lão Bankei ấy là một kẻ thất học. Ta sẽ đến nêu một lời chất vấn cho ông ta phải câm miệng. Nói xong, một ngày kia vị trú trì đi đến Sư. Ông đứng cuối giảng đường trong lúc Sư đang giảng và la lên: Tất cả mọi người nơi đây ai cũng chấp nhận và tin lời ông. Nhưng một người tầm cỡ như tôi không thể chấp nhận những gì ông nói. Khi một người không chấp nhận lời nói của ông, thì làm sao ông cứu độ người ấy?
Sư đưa quạt lên nói: Mời lên đây!
Vị trú trì bước lên.
Sư nói: Lại gần hơn chút nữa!
Vị trú trì bước thêm vài bước.
Sư nói: Thật là ông đã khéo chấp nhận tất cả những lời tôi nói!
Vị trú trì hổ thẹn rút lui không nói gì.
Khi tôi mới bắt đầu cuộc tìm kiếm
Một lần Sư bảo: Khi khởi sự đi tìm giác ngộ, tôi không thể tìm được một bậc thầy tốt, nên hậu quả là tôi trải qua đủ thứ khổ hạnh, đổ hết máu trong tim tôi ra. Một đôi khi tôi bỏ tất cả mọi người mà đi sống độc cư trong rừng núi; khi thì tôi chế ra một cái mùng bằng giấy ngồi vào trong để hành thiền; khi thì tôi đóng hết cửa sổ mà thiền định trong phòng tối. Tôi không cho phép mình nằm xuống nghỉ mà ngồi kiết già cho đến khi hai bắp vế tôi sưng vù đau đớn, dấu vết những cơn đau vẫn còn nơi tôi mãi. Đồng thời mỗi khi tình cờ nghe có một thiền sư sắp đến nơi nào đó thì tôi liền đi ngay đến gặp ông ta. Tôi đã sống nhiều năm như thế, và có thể nói là trong xứ Nhật bản này ít có nơi nào mà tôi chưa đặt chân đến. Giai do là vì tôi không gặp được bậc thầy đã giác ngộ. Khi tôi đạt ngộ, tôi mới có thể tìm thấy an ổn, và lần đầu tiên tôi nhận ra rằng trong bao nhiêu năm tôi đã phấn đấu một cách vô ích. Tôi muốn bảo với tất cả quý vị rằng không cần phấn đấu, quý vị vẫn có thể đạt được toàn giác ngay tại chỗ; thế nhưng quý vị sẽ không tin tôi, bởi vì quý vị chưa thực sự nghiêm túc học Pháp.
{mospagebreak title= Khác nhau trời vực}
Khác nhau trời vực
Vào một dịp khác, Sư bảo: Về cái chân lý mà tôi đã tìm ra năm tôi 26 tuổi khi nhập thất trong làng Nonaka - chân lý mà tôi đã tìm đến thiền sư Dosha để được ấn chứng - cái thấy lúc ấy với bây giờ không có chút gì khác nhau. Tuy nhiên, nói về sự thâm nhập Phật pháp với pháp nhãn hoàn toàn trong sáng và giải thoát tuyệt đối, thì từ ngày tôi gặp Dosha đến nay thực khác nhau một trời một vực. Tất cả quý vị hãy tin rằng điều này có thể xảy ra, và hãy đợi đến cái ngày quý vị hoàn toàn chứng được pháp nhãn.
Có người hỏi: Có phải pháp nhãn hoàn toàn trong sáng cần phải có thời gian mới chứng được? Người ta chứng pháp nhãn ngay lập tức có được không?
Sư trả lời: Đương nhiên là cần một số lượng thời gian. Khi đã phát sinh con mắt Pháp trong suốt không chút tì vết (pháp nhãn ly trần vô cấu) là bạn đã chứng ngộ một cách toàn vẹn. Và việc chứng ngộ của bạn tùy thuộc vào sự tu tập một cách nghiêm túc và nhất tâm.
Hãy coi chừng nơi bạn đi
Khi tôi (tức Sonin đệ tử thừa kế của Bankei) mới gặp Sư lần đầu, tôi thọ giáo với Ngài nhưng vì không có được sự thấu hiểu sâu xa, tôi đã nói: Những gì thầy dạy là cảnh giới của bậc thầy. Nhưng với một kẻ như con chưa từng chứng ngộ, con nghĩ rằng thật khó mà với tới cảnh giới bậc thầy.
Sư đã bảo tôi: Nếu ông muốn chân lý, ông phải làm như tôi nói. Những người học đạo trước hết phải cẩn thận xem chừng mình đang đi ở đâu. Ví dụ, nếu một người muốn đi Edo và được người ta chỉ cho phải đi về phía đông. Nếu anh ta đi đúng hướng thì cứ mỗi dặm đường là tiến gần đến đích một dặm; nhưng nếu anh ta lầm đi sang phía tây, thì càng đi nhanh càng xa với mục tiêu của mình.
Bằng chứng
Có lần tôi hỏi Sư: Trong việc học đạo, có cần đọc kinh Phật và ngữ lục của các vị tổ không?
Sư trả lời: Cũng còn tùy. Nếu ông đọc kinh điển và ngữ lục mà ông hoàn toàn lệ thuộc vào những nguyên tắc trong đó, tức là ông tự bịt mắt mình lại. Ngược lại, khi ông đủ trình độ để bất chấp nguyên tắc mà đọc những thứ ấy, thì ông sẽ tìm ra bằng cứ cho sự chứng ngộ của mình.
{mospagebreak title= Chân thật chấp nhận}
Chân thật chấp nhận
Một lần tôi hỏi Sư: Con luôn luôn bị khổ vì những thói quen xấu. Con có thể chấm dứt chúng bằng cách luôn luôn đề phòng hay không?
Sư hỏi: Nếu ông nhận ra rằng từ khởi thủy, không có thói quen xấu, thì có gì để chấm dứt?
Tôi trả lời: Con công nhận rằng khởi thủy không có thói quen xấu, con không nghi ngờ gì về điều ấy. Nhưng thỉnh thoảng những thói quen xấu của con lại xuất hiện, và khi con đề phòng chúng thì chúng không xuất hiện. Bởi thế mặc dù con hoàn toàn công nhận sự thật là, từ đầu thói xấu không hiện hữu, nhưng riêng về chuyện tu hành hằng ngày của con, thì có phải tốt nhất nên đề phòng?
Sư nói: Đó không phải là chân thật công nhận.
Bây giờ từ khi khắc cốt ghi tâm những lời dạy từ bi của bậc thầy, tôi đã thực chứng một cách rốt ráo thực tướng của chân lý.
Bệnh cũ của tôi
Vào một dịp khác tôi hỏi: Từ lúc mới sinh, con đã bị những cơn đau thắt ghê gớm trong bụng, mỗi lần như vậy con phải hoàn toàn nhịn ăn trong nhiều ngày, bị nhức đầu kinh khủng và cảm thấy đau đớn tới độ muốn đưa tay lên mà sửa cái gối cũng không thể được. Bình thường khi đang khỏe thì con hết sức dũng mãnh tinh tấn, sẵn sàng vì Pháp mà hy sinh mạng sống và tay chân. Nhưng vào những lúc cơn đau vừa nổi lên, là con hoàn toàn bất lực. Khi cơn đau đến tột đỉnh thì con yếu hơn bao giờ cả. Dường như là tinh thần dũng mãnh thường lệ của con bị ngọn gió bệnh làm cho điêu đứng. Con vô cùng buồn khổ vì chuyện này.
Sư hỏi: Một khi ông lành mạnh trở lại thì thế nào?
Tôi trả lời: Khi con mạnh trở lại thì mọi sự lại trở lại như thường.
Sư bảo: Thế thì tốt.
Từ đấy về sau vào mọi lúc, tôi luôn luôn giống như bây giờ, vượt ngoài phân biệt, hoàn toàn tự do thoải mái, không một chút gắng gượng.
{mospagebreak title= Bảy phần mười}
Bảy phần mười
Một lần tôi hỏi Sư: Con đã theo thầy khá lâu, và được may mắn hầu cận bên thầy trong nhiều năm làm thị giả. Về những điều cốt yếu trong giáo lý thầy, con không có một chút hoài nghi nào cả. Tuy nhiên điều con nhận thấy tuyệt vời khi gần Ngài là: Con càng vào sâu, thầy càng trở nên rắn chắc, con càng ngước lên cao mà nhìn, thì thầy càng bay cao hơn. Bởi thế con không ngừng "thở ra mà thán phục." (lời Nhan Uyên ca tụng đức Khổng tử, thầy mình) Thầy đáp ứng những nhu cầu của người học một cách lưu loát vô giới hạn đến nỗi trải qua bao nhiêu ngày tháng cũng không ai địch nổi. Làm sao chúng con cũng có thể đạt đến sự toàn hảo ấy?
Sư bảo: Những thiền sinh thường trong 10 điều có thể nắm được 7, 8 điều, nhưng không thể vượt qua được 2 hay 3 điều còn lại.
Tôi nói: Có cách nào để vượt qua không?
Sư đáp: Không cách nào để vượt qua.
Tôi hỏi: Lỗi nằm ở đâu?
Sư im lặng một lúc rồi trả lời: Nói cho cùng, thì chính là vì lòng khát khao đạt đến chân lý còn yếu.
{mospagebreak title= Vị tăng Zeshin}
Vị tăng Zeshin
Vị Tăng Zeshin (pháp danh cũ của một đệ tử của Bankei là Daien Ryoko, 1624-1706) nhập thất nhiều năm trên núi Yoshino, chuyên tâm thực hành thiền định cho đến một ngày kia ông ta thình lình tỉnh dậy và quên hết mọi sự ông đã biết. Trong một ngôi chùa lân cận có một thượng tọa thuộc phái Tào động, Zeshin đi đến trình bày kiến giải của mình để xin vị này xác chứng. Vị thượng tọa nói: "Hiện tại thiền sư Bankei là một bậc thầy đã đắc đạo. Ông hãy đến nơi ông ta ".
Zeshin bèn đi ngay đến chùa Jizòji ở Kyoto. Lúc ấy, Sư đang nhập thất nên không ai tiếp Zeshin. Tuy thế mỗi ngày ông ta cứ đến ngồi thiền ngoài cổng chùa, đến tối lại trở về nhà trọ ở Kyoto. Khi thấy suốt 13 ngày liền, vị tăng cứ sớm đi tối về như vậy, người chủ quán trọ hỏi, ông trình bày mọi sự. Người chủ quán liền hướng dẫn ông đến thiền sư Dokusho ở Saga. Zeshin đi đến Dokusho trình kiến giải. Dokusho nói: "Hãy cẩn thận giữ gìn điều ông đã chứng! "
Ngay hôm ấy vị tăng Zeshin trở về Yoshino. Nhiều tháng sau ông quyết định lên đường đi gặp Bankei ở Jisòji. Trên đường đi, ông nghe tin ngài đang ở Edo, bởi thế ông đi thẳng đến chùa Korinji. Sư tiếp ông ta ngay, và Zeshin trình bày kiến giải. Sư bảo: "Cái tuyệt đối!"
Zeshin không hiểu, cúi thấp mình lễ lạy rồi thưa: "Thật có cái tuyệt đối không?"
Sư trả lời: "Ông không biết cách xử dụng nó."
Một lần nữa Zeshin lại không hiểu, cúi lạy 3 lần, rồi hỏi: "Làm cách nào để xử dụng nó?"
Ngay lúc ấy trong vườn một con chim họa mi cất tiếng hót. Sư nói: "Khi chim họa mi hót, ta cứ nghe."
Zeshin mừng rỡ cúi lạy 3 lần.
Sư bảo ông ta: "Từ đây trở đi, đừng bao giờ mở miệng khi không cần thiết."
Cuối kỳ kiết thất mùa hạ, Sư trở về Long môn tự, có Zeshin theo về. Nhiều ngày sau, trong một lễ tiếp đón các môn sinh mới, Zeshin tiến lên trình diện nhưng Sư tảng lờ ông ta. Suốt trong 3 ngày Sư đều đi ra và Zeshin đều đến trình diện, nhưng Sư không nói lời nào.
Khi mọi người đã tản mác, Sư quay lại bảo Zeshin: "Ông may mắn đấy. Nếu không gặp tôi, ông đã trở thành một yêu tinh khoác lác!" Khi ấy Zeshin xin được thâu nhận vào tu viện và theo yêu cầu ông ta, Sư đã đặt lại tên Ryoko. Về sau theo yêu cầu của đại chúng, ông nhận tên Daien.
{mospagebreak title= Nghi ngờ}
Nghi ngờ
Trong kỳ đại kiết thất tại Long môn tự, xảy ra vụ mất tiền trong liêu chúng. Khi Sư thăng tòa, một vị tăng tiến lên thưa: "Con tên là ...hiện tu ở chùa... thuộc tỉnh...Tu sĩ nằm cạnh con bị mất tiền đi đường và nghi con lấy, vì con ở kế bên. Người ta đồn đãi chuyện này khắp giảng đường, bởi thế con xin Ngài ra lệnh cho kiểm tra hành lý.
Sư hỏi: Ông có lấy cắp cái gì không?
Vị tăng trả lời: Bạch thầy, tại một hội chúng tu hành thanh tịnh như thế này, ngay cả trong tâm con cũng không bao giờ nghĩ đến một hành vi xấu xa như thế.
Sư bảo ông ta: Thế là được rồi, không sao cả.
Vị tăng nói: Dạ đúng thế, nhưng trong hội chúng này, nhiều tăng sĩ quy tụ về từ khắp nơi của Nhật bản, con lo rằng nếu không có sự kiểm tra, thì con sẽ mang tiếng xấu khắp nơi trong nước. Cúi xin Ngài từ bi thấu hiểu cho con.
Sư nói: Nếu có một cuộc kiểm tra, người phạm tội sẽ phải xuất đầu lộ diện thì điều đó có hay ho
gì không?
Vị tăng tỉnh ngộ, tuyên bố: Quả thực, chính con là người đáng xấu hổ nhất, vì vẫn chấp ngã kiêu căng sau khi đã được nghe giáo lý tuyệt diệu
của Ngài.
Ông khóc những giọt nước mắt đầy tri ân và rút lui.
{mospagebreak title= Đối xử với kẻ hư}
Đối xử với kẻ hư
Khi Sư nhập thất ở chùa Jizoji, vị tăng tri sự ở chùa Long môn phái tăng sĩ Tenkyu đến vấn an Ngài và trình bày: Tại chùa Long môn có một số tăng bê trễ phận sự, hành vi thô tháo, xáo trộn quy củ thiền môn. Chúng con nghĩ nên gởi họ đi đến các chùa khác họa may họ có thay đổi. Kính mong được tôn ý của Ngài.
Khi Tenkyu nói xong, Sư triệu tập Shùin, Sokako và tôi (Shonin).
Ngài nhắc lại cho chúng tôi nghe những lời Tenkyu vừa nói, và bảo: Một thiền viện được lập ra cốt là để quy tụ những bọn xấu xa như bọn ấy, chinh phục chúng bằng sự tiếp xúc thân mật để làm chúng trở thành người tốt. Thế mà các ông hoàn toàn thiếu từ bi, các ông muốn tẩy những bọn tội phạm đi nơi khác để cho chúng đi gây rối chỗ khác! Một người như thế có xứng đáng làm trụ trì một thiền viện không? Khi một người không có tâm từ bi quảng đại mà làm trụ trì chùa tôi, đó là bắt đầu thời suy tàn của giáo lý tôi dạy.
Sau lần quở trách nghiêm khắc ấy, tất cả mọi người gồm trụ trì, chức sự trong chùa cũng như các thị giả không ai còn dám phàn nàn gì với Sư về hành vi các tu sĩ.
Khi Sư ở Aboshi, có lần bị lạc mất một giấy tờ mà Sư cần. Những thị giả tìm kiếm khắp nơi nhưng không tìm được. Về sau cuối cùng họ khám phá ra nó ở đâu. Sư quở trách họ: "Nếu ngay từ đầu các ông đã quyết định tìm cho được dù phải giật sập ngôi nhà, thì nó đã phải lòi ra. Nhưng chính vì các ông không tìm cho hết lòng hết dạ nên không biết chỗ của nó. Tờ giấy này không có gì quan trọng, tôi bảo các ông tìm chính là để đào luyện nơi các ông cái thái độ quyết tâm mà ông phải mang suốt đời. Với một tâm trạng lừng khừng như thế các ông sẽ không thành được dù chỉ một nửa con người."
Về sau, lúc ở Oshiken, Sư chuẩn bị ghi một pháp danh nào đó nhưng quản bút bị thất lạc. Những thị giả tìm khắp nơi không có, và một lần nữa Ngài cũng quở trách như trên.
Các bài mới
Các bài đã đăng
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 96147
- Online: 22