Tâm Kinh Bát Nhã qua các nhìn của nhà Thiền
21/10/2014 | Lượt xem: 4479
TT.Thích Thông Phương Hôm nay khai trương Thiền đường mới sẽ nói về bài Bát Nhã để cho quý vị nhớ luôn luôn lúc nào cũng mở đường bằng Trí Tuệ thì không có sai lầm, không có lệch lạc.Cho nên bài nói chuyện hôm nay là: TÂM KINH BÁT NHÃ QUA CÁI NHÌN CỦA NHÀ THIỀN Bài kinh này quý vị đã được nghe giảng nhiều, đọc chú giải cũng nhiều, nhưng đây là nói qua cái nhìn của nhà Thiền, để cho thấy nó có những nét đặc sắc như thế nào?
Về tựa đề là: Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh
Vậy thì Ma Ha Bát Nhã là gì? Chữ Ma Ha là to lớn, rộng lớn.
Bát Nhã là trí tuệ, nhưng không giống như trí tuệ thế gian, cho nên thường gọi là Trí Tuệ Bát Nhã. Nói gọn là: “Trí tuệ rộng lớn, to tát.”
Song nếu chỉ giải theo kiểu ấy thôi thì cũng thành ra giải theo chữ nghĩa, cũng chưa phải thật Bát Nhã. Bởi vì nói trí tuệ rộng lớn, nhưng sao gọi là trí tuệ rộng lớn? – Trí tuệ mà còn có lớn, có nhỏ hẳn không phải Bát Nhã rồi! Vậy tại sao đây gọi là trí tuệ rộng lớn? Bát Nhã thì có tướng gì mà gọi là lớn, là nhỏ? Đã có lớn, có nhỏ tức thành tướng rồi. Do đó hiểu có lớn nhỏ là hiểu lầm theo chữ nghĩa thì không phải Bát Nhã.
Trong đây ngầm chỉ, trí tuệ này là trí tuệ vượt ngoài những phân biệt đối đãi lớn nhỏ của thế gian, không có cái gì so sánh được, cho nên tạm gọi là LỚN. Còn cái trí tuệ của thế gian thì nó có lớn, có nhỏ, có sâu, có cạn, tức là học nhiều thì hiểu nhiều, học ít thì hiểu ít.
Đã có cạn, có sâu, có lớn, có nhỏ thì đó là trí sanh diệt, trí vay mượn. Hễ mình vay mượn nhiều chừng nào thì nó lớn chừng nấy, vay mượn ít thì nó nhỏ vậy thôi. Rõ ràng đó là có giới hạn, có sanh diệt.
Còn trí tuệ Bát Nhã là trí tuệ ở ngay tự tánh của chính mình, nên nó không không có dài ngắn lớn nhỏ gì hết, nó đâu có hình tướng gì? Nó không có xanh, vàng, đỏ, trắng cho đến không có nam nữ, không có già trẻ, nói thẳng ra cũng không có phàm thánh luôn. Trí Bát Nhã Nguyên Nó Là Nó Thôi! Vậy thì lấy cái gì so sánh được mà nói lớn với nhỏ? Cho nên với Trí Bát Nhã mà vừa nghĩ lớn nhỏ là xa Bát Nhã, là không phải Bát Nhã rồi! vì vậy trong nhà Thiền có vị Tăng hỏi Quốc Sư Đức Thiều là:
- Người xưa nói rằng: “Người thấy Bát Nhã liền bị Bát Nhã trói, người chẳng thấy Bát Nhã cũng bị Bát Nhã trói”, đã thấy Bát Nhã vì sao lại bị Bát Nhã trói?
Ngài Đức Thiều đáp:
- Ông hãy nói Bát Nhã thấy cái gì?
Tăng hỏi tiếp:
- Còn chẳng thấy Bát Nhã, vì sao cũng bị Bát Nhã trói?
Ngài Đức Thiều đáp:
- Ông hãy nói Bát Nhã chỗ nào chẳng thấy?
- Sau đó Ngài Đức Thiều bảo thêm:
- Nếu thấy Bát Nhã thì chẳng gọi Bát Nhã, còn nếu chẳng thấy Bát Nhã cũng chẳng gọi Bát Nhã, hãy nói cái gì là thấy chẳng thấy?
Như vậy thấy Bát Nhã cũng bị Bát Nhã trói, mà không thấy Bát Nhã cũng bị Bát Nhã trói, vậy làm sao? – Bám vào đâu để nói lớn, nói nhỏ? Bởi Bát Nhã vốn không hình tướng, vượt ngoài chỗ đối đãi thấy và chẳng thấy.
Mình thấy nó tức là sao? Tức nó thành ra cái bị thấy rồi.
Còn không thấy thì sao? – Không thấy thì vô minh mê mờ. Cho nên cả hai đều mắc kẹt hết. Bởi vậy Bát Nhã mà có chỗ thấy, có chỗ chẳng thấy, thì đó là tướng sanh diệt, không phải Bát Nhã.
Bát Nhã thì lúc nào cũng Hằng Hữu, làm sao có thấy, có chẳng thấy? Còn có thấy, có chẳng thấy là có sanh diệt, cho nên khi thì thấy, khi thì không thấy.
Ở đây phải hiểu rõ Bát Nhã là Sáng Suốt Biết Rõ Lẽ Thật Của Các Pháp. Như vậy mà cho nó không thể thấy tức là không rõ Bát Nhã, cho nên cũng bị trói. Còn nghe nói Bát Nhã là sáng ngời, rồi mình liền tưởng là cái gì đó để thấy, cũng thành bị trói.
Như vậy, phải làm sao mới học được Bát Nhã? – Tức là phải quên cái niệm hai bên thấy, chẳng thấy thì ngay đó là Bát Nhã.
Vì vậy với người thông thường giải thích Bát Nhã là trí tuệ, là sáng suốt v.v… giải thích như vậy có phải là Bát Nhã chưa? Cũng là Bát Nhã trên văn tự. Nói Bát Nhã là trí tuệ, là sáng suốt, là thấy đúng lẽ thật gì đó, nói một hơi cũng là chữ nghĩa văn tự thôi, chứ chưa phải là Bát Nhã, vậy Bát Nhã là sao?
Trong nhà Thiền không nói dài dòng mà chỉ thẳng cho người trực nhận ngay bản thân Bát Nhã.
Có vị sư hỏi Thiền Sư Thanh Tủng:
- Thế nào là Ma Ha Bát Nhã?
Ngài Thanh Tủng đáp:
- Gió lạnh tuyết rơi.
Ông tăng không đáp được, ngài Thanh Tủng mới bảo:
- Ông có lãnh hội được chăng?
Ông tăng thưa:
- Chẳng lãnh hội .
Ngài Thanh Tủng nói bài kệ:
Ma Ha Bát Nhã,
Chẳng thủ chẳng xả
(tức là không lấy không bỏ)
Nếu người chẳng hội
Gió lạnh tuyết rơi.
Ma Ha Bát Nhã thì không lấy không bỏ, nếu ngay đó mà không lãnh hội thì gió lạnh tuyết rơi.
Như vậy nếu hiểu Bát Nhã theo văn tự chữ nghĩa thì làm sao hiểu? Ngay đây gió lạnh tuyết rơi thì chính Bát Nhã hiện tiền đó!
Hiện tiền là sao? Ngay gió lạnh tuyết rơi đó, Cái Gì Cảm Biết Đó? Cái Gì Cảm Thấy Đó? Tức là thấy tuyết rơi mà thấy một cách rõ ràng không một chút mê lầm, không một chút lờ mờ thì đó là cái gì? Rồi biết lạnh, biết một cách rõ ràng không một chút lầm lộn, không một chút mê mờ thì là gì? Tức là thấy biết suốt qua tướng lạnh,tướng rơi phải không? Mình thấy biết mà thấy suốt qua tướng lạnh, tướng rơi, không có mắc kẹt, không có dừng trên tướng lạnh tướng rơi, chính đó là Bát Nhã chứ còn gì nữa!
Cái thấy biết bình thường lạnh thì chỉ biết lạnh thôi, dừng trên tướng lạnh đó. Còn tuyết rơi thì mình chỉ dừng trên tướng rơi đó thôi, thì đó là cái thấy biết của chúng sanh.
Giờ đây thấy biết rõ ràng vậy đó, mà không dừng trên đó, thì chính là thấy biết suốt qua các tướng, đó là thấy tướng “Không” của các pháp chứ gì nữa! Ngay nơi tướng mà mình thấy suốt qua không dừng trên tướng tức là thấy tướng “Không” của các pháp.
Ngược lại, ngay đó vừa khởi niệm lấy bỏ liền mê. Thí dụ thấy tuyết rơi lạnh quá, lạnh quá thì sao? Lạnh quá thì muốn xua đuổi, xua đuổi là bỏ! . Hoặc thấy gió lạnh thì muốn đi tránh, tức có lấy bỏ trong đó thì ngay đó là mê. Bị tướng lạnh, bị tướng rơi làm mờ, chính ngay đó khuất Bát Nhã. Quý vị thấy nhà Thiền khỏi cần nói dài dòng nhưng đã chỉ rất chính xác.
Đi xa hơn chút nữa thì trí tuệ mà còn thấy có Ta, có cái của Ta thì sao? Ở đây chỉ Bát Nhã có lớn, có nhỏ, là chưa phải rồi; còn thấy có Ta của Ta nữa thì cái đó càng đi xa quá xa Bát Nhã thêm. Mà thông thường trí tuệ thế gian thì luôn luôn là có Ta, của Ta. Khi học nhiều chừng nào, thì tự hào Ta là người trí thức, là người bác học, tức là Ta thấy trong đó chứ gì! Còn trí tuệ Bát Nhã thì không có chuyện đó, có xen cái Ta trong đó là không phải rồi.
Vậy thì quý vị hiểu Ma Ha Bát Nhã chưa? Không phải ở trên chữ nghĩa mà phải thấy rõ vậy đó mới hiểu được Ma Ha Bát Nhã ngay chính mình thôi! Nhất là không còn niệm đối đãi, không còn có cái thấy Ta ở trong đó. Trái lại, trí tuệ dù cao siêu cách mấy đi nữa mà còn có cái Ta thấy trong đó là không phải.
¶ KẾ BA LA MẬT ĐA
Nghĩa là cứu cánh viên mãn hoặc là đáo bỉ ngạn, tức là đạt đến bờ kia, nhưng giải kiểu đó cũng là chữ nghĩa nữa.
Trí tuệ đạt đến bờ kia là trí tuệ gì? Trí tuệ mà còn thấy bờ này bờ kia là cũng không phải Bát Nhã luôn. Vậy làm sao mà hiểu? Cho nên những chỗ này, nếu không có mắt nhà Thiền thì cũng mắc kẹt trên chữ nghĩa, bởi vì đây muốn chỉ ngay một niệm này, một niệmmê là bờ này, một niệm giác là bờ kia vậy thôi ! Kia đây ngay một niệm này thôi, mà thấy vậy đó tức là sao? Tức là Bát Nhã đấy! Nghĩa là rõ ngay một niệm này mà mê thì đó là bờ này, cũng ngay một niệm này mà giác trở lại là bờ kia, trí tuệ thấy được như vậy đó là Bát Nhã.
Còn nếu thấy bờ này là bờ sanh tử, phải bỏ bờ này qua bờ Niết Bàn giác ngộ bên kia, hiểu thế đó là không phải Bát Nhã. Cho nên Lục Tổ có nói:
- “Chấp trước cảnh thì sanh diệt khởi, như nước thường dậy sóng thì gọi là bờ này, lìa cảnh thì không sanh diệt như nước thường trôi chảy gọi là bờ kia.”
Đơn giản, chấp trước cảnh, có sanh diệt là bờ này, lìa cảnh không sanh diệt là bờ kia. Chỉ có chấp cảnh và lìa cảnh mà thành ra bờ này bờ kia. Vậy thì bờ này bờ kia cách nhau ở chỗ nào?
Chỉ có chấp hay không chấp thôi! Chứ không có thêm cái gì khác.
Cho nên quý vị nhớ câu chuyện Ngài Hoàng Bá gọi Bùi Hưu đó! Bùi Hưu hỏi:
- Cao Tăng ở đâu?
Sư gọi:
- Bùi Hưu!
Ông liền:
- Dạ.
Sư hỏi:
- Ở đâu?
Thì ngay đó ông liền thấy Cao Tăng hiện tiền. Hỏi Cao Tăng ở đâu, tức là sao? Tức là mê. Đang đứng đối diện với hình vẽ đó mà hỏi ở đâu? Tức là muốn thấy ở chỗ nào khác nữa, là ngay hiện tiền mà lầm qua. Nghe gọi liền dạ, tức là ngộ. Vậy cách nhau bao nhiêu? Bờ nào là bờ này, bờ nào là bờ kia? Rõ ràng chỉ ngay đó thôi!
Khi hỏi Cao Tăng ở đâu? Là đang hướng về một chỗ nào khác rồi, thì đó là mê! Qua tiếng Gọi: -Dạ, liền tỉnh ngộ. Rõ ràng ngay một niệm này thôi. Mê là bờ này, giác là bờ kia, đơn giản vậy thôi! Bờ kia là vậy đó chứ không phải là bờ kia cách với bờ này. Bát Nhã là phải thấy như vậy.
*RỒI TÂM KINH LÀ SAO?
Lâu nay quý vị nào học Tâm Kinh, đọc hoài mà có hiểu Tâm Kinh là gì chưa?
Tâm Kinh tức là bài kinh ở ngay tâm chứ không có gì khác. Như vậy trí tuệ nãy giờ nói đó, thì trí tuệ đó ở đâu? Ở trong những sách thờ trong tủ hay những quyển Kinh để trên bàn? Lục Tổ từng bảo:
- “Nên biết bản tánh tự có trí Bát Nhã, vì tự dùng trí tuệ thường soi sáng chẳng nhờ văn tự.”
Lục Tổ bảo bản tánh mình tự nó có trí Bát Nhã, bởi từ nơi tự tánh đó nó thường soi sáng. Cho nên cái trí tuệ đó nó không nhờ nơi văn tự bên ngoài mà có, mà nó ở ngay tự tánh mình.
Tự tánh là ngay tâm mình thôi chứ không đâu khác, phải không?
Vậy là ngay nơi mình đó mà luôn luôn thường soi sáng không có xen hở, đó là trí tuệ Bát Nhã thật. Còn cái trí tuệ Bát Nhã mà mình học, mình tụng đó là văn tự Bát Nhã, Bát Nhã trên văn tự, trên sách vở.
Bây giờ đặt câu hỏi: Đất, nước, gió, lửa, tim, gan, tủy, não, máu thịt của mình nó có soi sáng được không? Mà nói ở ngay nơi mình như vậy thì cái gì soi sáng? Phải là chính từ nơi tự tâm của mình nó mới soi sáng được. Chứ không phải nói ngay nơi mình rồi chấp ở trong cái thân này, thân này đất, nước thì vô tri, tim gan máu mủ thì nó không biết gì! Làm sao soi sáng? Nếu nghe như vậy rồi cứ soi trở lại tìm ở trong đó thì tìm bao giờ thấy?
Cho nên phải chính ngay tự tâm mà thấy thì mới rõ được Bát Nhã, mà thấy được vậy đó tức rõ được Tâm Kinh, vì Kinh này gọi là bài Kinh Tâm.
Kinh Tâm này có hai ý:
Thứ nhất: là nhắc mọi người đây là Kinh nơi Tâm, tức phải thấy ở tự tâm mình chứ không thể tìm ở bên ngoài.
Thứ hai: gọi là Kinh Tâm tức muốn nhắc, đây là bài Kinh phải luôn luôn nằm ở trong lòng không thể nào quên. Nhưng thuộc lòng ở đây không phải là thuộc lòng đọc làu làu như trả bài, mà có ý nghĩa là luôn luôn lúc nào cũng phải ứng dụng, chiếu soi không để cho nó gián đoạn. Gián đoạn tức là sao? Tức là quên, tức là không thuộc lòng.
Cho nên Thiền Sư Hoằng Trí lúc theo hầu Hòa Thượng Tử Thuần. Một hôm nhân cùng một vị Tăng gạn hỏi về công án, thì có cảm hứng cái gì đó, chợt cười to, khi cười to thì ngài Tử Thuần nghe mới quở:
“- Một tiếng cười của ông đã làm mất đi bao nhiêu việc tốt rồi, ông chẳng thấy nói tạm thời chẳng còn thì như đồng với người chết sao?”
Ngay đó Ngài Hoằng Trí liền làm lễ, rồi từ đó về sau Ngài nhớ cái đó, dù ở trong thất tối cũng không dám sơ xuất nữa. Vậy chỉ tiếng cười thôi mà cũng bị quở, tức là hơi lơ lỏng rồi, cho nên đây thuộc lòng là vậy đó. Lúc nào cũng phải tỉnh, cũng phải nhớ, lúc nào sơ suất là phải nhớ lại liền. Như vậy mới thật sự gọi là Tâm Kinh, mới thật sự là bài kinh nằm lòng. Còn bây giờ mình học thuộc lòng mà coi như không thuộc gì hết. Vậy thì ngay đề Kinh đó quý vị thấy tu suốt đời cũng chưa hết rồi!
*Bồ Tát Quán Tự Tại, Là Bồ Tát nào?
Là Bồ Tát Quán Âm cầm tịnh bình với nhành dương liễu thờ trên bàn đó phải không? Thường thường thì mình hiểu kiểu đó, nhưng nếu hiểu như vậy thì cái hình ảnh đó là hình ảnh gì? Nếu thật sự Bồ Tát với hình ảnh đó thì cũng là Bồ Tát biến hóa, có ẩn có hiện. Bởi vì nói rằng Bồ Tát Quán Âm có tới 32 ứng thân thì cái thân đó cũng chỉ là thân biến hóa thôi, khi hiện thế này, khi hiện thế khác. Vậy làm sao thấy được tướng Bồ Tát? Mới thấy tướng đó, kế Ngài ẩn Ngài hiện tướng khác rồi làm sao? Cho nên đó cũng là tướng biến hóa sanh diệt, mà hiểu Bồ Tát Quán Tự Tại là tướng sanh diệt thì làm sao là Bồ Tát?
Vậy thì Bồ Tát Quán Tự Tại là cái gì? Là chính người ngồi đang nghe Pháp đây! Đó là Bồ Tát Quán Tự Tại sống. Bởi vì sao? Nghe tất cả mọi âm thanh lành dữ, khổ vui, hay dở … mà không là cái gì hết. Không là khổ, không là vui, không là hay, không là dở. Tức là nghe suốt qua tất cả không trụ vào âm thanh nào hết, không để một âm thanh nào che mờ thì đó là gì? Đó chính là Bồ Tát Quán Tự Tại chứ gì!
Còn bị âm thanh nào đó che mờ là không tự tại. Bởi Quán Tự Tại là nghe suốt qua hết. Như vậy ai ai đang ngồi đây cũng đều có một vị Bồ Tát Quán Tự Tại ngồi ngay lỗ tai mà không thấy, lo đi lễ Bồ Tát Quán Tự Tại ở bên ngoài. Thấy được như vậy mới thấy được Bồ Tát Quán Tự Tai sống.
Bởi vì mình phải hiểu, Quán Tự Tại là thấy suốt không có ngăn ngại, không có che mờ. Vậy thì thấy nghe suốt qua tất cả pháp tự tại không ngăn ngại, đó là Quán Tự Tại chứ gì! Mà nếu quý vị nghe được vậy thì sao? Thì hết khổ liền! Còn nghe đâu dính đó thì khổ ngay thôi. Bởi Bồ Tát Quán Tự Tai là hay cứu khổ, mà quý vị nghe được vậy mới thật hết khổ, còn niệm Quán Âm mà nghe đâu dính đó thì vẫn khổ như thường. Nghe một tiếng mà hơi nói nặng mình thì sao? Nổi giận trợn mắt thì có Quán Tự Tại chưa?
Nhưng quý vị kiểm lại xem, một tiếng mà gọi là nói nặng tôi đó thì đem cân coi nặng mấy ký? - Rõ ràng đó chỉ là tưởng tượng, làkhái niệm, chứ tiếng có nặng nhẹ gì đâu, nhưng bởi vì tưởng tượng mê lầm cho nó là nặng thành ra nổi giận là khổ thôi! Bây giờ nghe suốt qua đó thì hết khổ. Vậy quý vị thấy Quán Tự Tại chưa? Bồ Tát Quán Tự Tai là chỗ đó!
*Tiếp theo là THỰC HÀNH SÂU
Thực hành sâu là sao? Sao gọi là sâu? sao gọi là cạn? Tức là phải đi sâu vào cho chìm tuốt trong đó hay sao? Cho nên học chữ nghĩa là không tu được.
Thực hành sâu tức là lúc nào cũng thấy như vậy không có quên, lúc thấy lúc quên là chưa sâu, tức là còn cạn. Còn lúc nào cũng thấy như vậy đó mới là sâu; nghĩa là lúc nào cũng thấy năm uẩn đều không, không có gián đoạn thì đó là sâu, đó là thuộc lòng Bát Nhã. Được như vậy đó thì mới qua khỏi mọi khổ ách. Cho nên trong Kinh nói, Bồ Tát thực hành sâu thì qua khỏi khổ ách.
Còn mình nghe thì cũng thấy như vậy, cũng thấy “Không”, nhưng ở trong giảng đường thấy “Không” mà ra ngoài đường thì thấy “Có”, đó là không có sâu.
Nếu tụng Bát Nhã như vậy đó thì tụng hoài cũng vẫn khổ như thường. Bởi vì khi tụng thì thấy giống như là nó “Không,” nhưng hết tụng thì thấy “Có” rồi. Vậy thì đụng chuyện tức thấy khổ thôi!
Cho nên ở đây luôn luôn lúc nào cũng thấy năm uẩn là “Không”, tức là không có ngã; không có ngã thì cái gì khổ? Đó là hết khổ, thực tế là như vậy.
Xưa Tổ Sư Tử khi bị ông vua Kế Tân tới xin cái đầu thì ngài nói là:
- Năm Uẩn còn không thì xá chi cái đầu.
Bèn đưa đầu cho chặt mà không thấy khổ, là chính chỗ đó! Bởi lúc nào cũng thấy nó là “Không” thì mới gọi là nằm lòng Bát Nhã, là qua mọi khổ ách, thực hành sâu là phải như vậy đó.
Khi thực hành sâu Bát Nhã thấy năm Uẩn đều “Không” rồi, đoạn dưới mới nói rằng:
*SẮC CHẲNG KHÁC KHÔNG, KHÔNG CHẲNG KHÁC SẮC, SẮC TỨC LÀ KHÔNG, KHÔNG TỨC LÀ SẮC.
Chữ “tức không” người học Bát Nhã luôn bị lúng túng ở chỗ đó. Sao gọi là:
*Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc?
Chỗ đó thực khó hiểu! Nói sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, là còn một lớp so sánh, cái này không khác cái kia. Nhưng nói “tức” là chỉ thẳng ngay đó thôi, không còn so sánh nữa. Vậy sắc chẳng khác với không, không chẳng khác với sắc. “Chẳng khác” là sao? Rồi “tức” là sao?
Thường thường thì mình giải thích bởi vì sắc là chỉ cho sắc thân của mình đây, còn bên này là hư không, hai cái không có rời nhau; hoặc là sắc này cũng có hư không, có lỗ mũi, có miệng, trong bụng nó trống, thì sắc tức không phải không? Nếu “tức không” đó thì phải Bát Nhã chưa?
Cho nên ý nghĩa “sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc”, Thiền Sư Bạch Ẩn giải thích bằng một câu rất là lý thú, ngài giảng như thế này:
- “Một bát canh thật ngon, ôi thôi! hai cục cứt chuột!”
Một bát canh thật ngon, nhưng hai cục cứt chuột rớt vào trong đó thì quý vị thấy sắc chẳng khác không chưa? Bát canh đang ngon lành đàng hoàng, nhưng có hai cục cứt chuột vừa rớt vào thì sanh tâm phân biệt liền, tức nó làm chướng ngại ngay, thì ngay đó không chẳng khác sắc. Mới đầu tại sao nó không ngại gì hết, mà có hai cục cứt chuột vô thì nó ngại! Còn nếu mình quên được cái niệm phân biệt thì sao? Có thì gắp bỏ ra thôi, ăn cũng bình thường thì “sắc chẳng khác không” phải không? Đâu có ngại gì với mình, mà nó ngại là do Tâm Phân Biệt. Rõ ràng sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc là chỗ đó.
“Sắc tức không, không tức sắc”, thì dẫn câu chuyện này quý vị nghe nghiệm sẽ thấy:
Có một vị Thiền sư tên Kim Bích Phong, sau khi chứng ngộ, Sư buông hết mọi tham ái ở đời, nhưng còn cái bát ngọc ăn cơm Sư quý thích, cho nên thường giữ không rời bên mình. Mỗi lần trước khi nhập định Sư đem cái bát ngọc đó chùi rửa rất kỹ, để an tâm nhập định. Có một lần đó tuổi thọ sắp hết, vua Diêm La sai quỷ đến bắt. Thiền Sư Kim Bích Phong tự biết thời mình sắp hết, cho nên Sư mỉm cười nhập định để xem vua Diêm La làm gì. Khi quỷ sứ đến bắt, thì nó đến bên cạnh Sư, đi lòng vòng một ngày, hai ngày mà không bắt được, không thấy Sư ở đâu mà bắt, cuối cùng thì quỷ sứ không biết làm sao mới đi hỏi ý kiến Thổ Địa thì Thổ Địa bảo rằng:
- Vị Thiền Sư Kim Bích Phong này, ngày thường Sư rất thích cái bát ngọc, cho nên bây giờ nếu mà ông có cách gì đem cái bát ngọc đó đi, làm sư động niệm sẽ xuất định thì ông bắt được liền.
Quỷ nghe biết rồi, nó đi đến chỗ cái bát của Sư, làm lay động cái bát vang ra tiếng động, khiến sư nghe mà động niệm. Quả là Thiền Sư Kim Bích Phong nghe thấy tiếng bát lay động, Sư động niệm xuất định để giữ cái bát lại, thì ngay đó Quỷ liền vỗ tay cười to:
- Hay, hay, bây giờ đây thì xin mời Ngài đi theo chúng tôi đến gặp Diêm Vương.
Thiền Sư Kim Bích Phong ngay đó tỉnh lại liền, Sư biết rõ do tâm tham ái cái bát của mình đó, làm mất đi huệ mạng ngàn năm. Cho nên Sư liền đập vỡ cái bát rồi nhập định trở lại, và nói bài kệ, nguyên văn chữ Hán là:
Nhược nhơn dục nã Kim Bích Phong
Trừ phi thiết luyện tỏa hư không
Hư không nhược năng tỏa đắc trụ
Tái lai bả ngã Kim Bích Phong.
Tức là:
Nếu người muốn bắt Kim Bích Phong
Trừ khi sắt luyện khóa hư không
Nếu hay khóa được hư không ấy
Trở lại bắt ta Kim Bích Phong.
Ngay đó Sư nhập Niết Bàn vô trụ luôn, Quỷ hết bắt được. Chính đó quý vị thấy “sắc tức không” chưa?
Cũng ngay sắc thân này, nhưng ban đầu Quỷ tới liền không thấy, như vậy là “sắc tức không”; động niệm Quỷ thấy liền, thì “không tức sắc” vậy thôi! Ngay đó mà không động niệm thì “sắc tức không”, động niệm liền có tướng là “không tức sắc”. Nếu mình thấy được như vậy đó thì không còn ngăn ngại.
Một ý nghĩa nữa, ở trong sắc thân này là đất, nước, gió, lửa, nó hợp lại thành. Khi mình thấy đất thì cái thấy này không bị đất làm ngăn lại, thấy nước không bị nước nhận chìm, thấy lửa không bị lửa đốt cháy, thấy gió mà gió cũng không thổi bay được thì “sắc tức không ” chứ gì!
Lửa làm sao đốt được cái thấy này, gió có thổi bay được cái thấy này không? Vậy thì ngay nơi sắc tức không chứ gì nữa! Còn mình thấy lửa là bị lửa đốt liền, bởi sao? Bởi động niệm. Như vậy chỗ “sắc tức không” rất đơn giản mà mình tưởng tượng quá nhiều phải không?
Nói rõ lại cho quý vị thấy, sắc ở đây là chỉ sắc uẩn chứ không gì hết. Cho nên câu nói sau: Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế. Nếu mình quán một cách gần gũi hơn thì quán “sắc tức không” làm sao? Ở trên là nói chỗ chứng nghiệm. Còn bây giờ mình quán để phá cái niệm chấp trước, thì sắc là đối với cái Tâm mà có. Sở dĩ có sắc này là bởi vì có Tâm nó kết hợp, nếu quý vị ngồi tất cả đây mà không có tâm thì sao? Thì vào nghĩa địa, phải không? Cho nên hai cái kết hợp nhau thì mới có. Có Tâm cho nên mới rõ được sắc, cũng như có sắc mới rõ được tâm. Có sắc thân này thì mình mới rõ trong này nó có Biết. Trong Ngộ Tánh Luận, Tổ Sư nói rằng:
- “Sắc không có tự sắc mà do tâm nên có sắc, cũng vậy tâm không có tự tâm, do sắc nên có tâm, nên biết hai tướng đó đều sanh diệt.”
Do tâm mình nên mới có sắc này, cũng như do sắc mình mới biết có tâm này, hai cái nương nhau mà có. Đã nương nhau mà có tức rời nhau thì sao? – Thì không, thì diệt. Vậy thì ngay có đó tức là không rồi.
Còn nếu xét theo nghĩa hòa hợp, thì sắc là bốn đại hòa hợp. Bốn đại là đất, nước, gió, lửa, bốn thứ đó tự nó, nó có thành sắc được không?- Tự nó không thành sắc được mà phải đợi bốn cái hòa hợp, thì nó cũng không thật, tức cũng là “tức không”. Ngay đó tách rời ra bốn cái thì tìm sắc chỗ nào?
Cho nên “tức không” là phải hiểu chữ “không” đó một cách thật kỹ. Chữ “Không” này là không gì? – Không phải là “không” đối với “sắc”, không phải cái “không” đó là cái hư không này, đối với sắc này, cũng không phải là hư không trong lỗ mũi, trong lỗ miệng. Chính cái “không” này là cái “không” của Bát Nhã.
Chính Bát Nhã mới thấy suốt được cái thể “không” này. Còn cái không của hư không, của lỗ mũi, của lỗ miệng này thì sao? – Thì con mắt thịt này nó cũng thấy. Bởi cái “không” này là cái “không” của Bát Nhã, nên phải Bát Nhã mới thấy, phải hiểu được ý đó.
Như vậy nói “tức không” là ngay nơi thân này, không thể lìa thân này mà có được. Tức là do trí Bát Nhã mình thấy suốt qua cái thân này, nó không có cái tự thể của nó, mình không bị cái thân tướng này nó che mờ trí Bát Nhã đó thì đó là “tức không”. “Tức không” là ở trong Bát Nhã mà thấy. Còn ngoài Bát Nhã mà giải thích cái gì đi nữa thì cũng chưa phải?
Còn chữ “Tức” là sao? Chữ “tức” là muốn chỉ nó không thể tách rời, tức là hai cái không thể tách rời nhau. “Sắc - không” không thể tách rời, mà không thể tách rời là để nói rõ nó không tự tánh. Do không có tự tánh riêng của nó, nên cái này tức là cái kia thôi! chứ không thể tách rời ra để mà chỉ được. Đó cũng là cái ý muốn chỉ:Ngay đó dứt niệm “có – không.”
Ngay “sắc” tức là “không” rồi thì đâu phải bỏ sắc để tìm cái không, cho nên không có niệm “có”, niệm “không” trong đó, như vậy mới là Bát Nhã.
Đó là nói cái lý nó là như vậy, nhưng bây giờ mình chưa được như vậy thì quán làm sao để thấy? Thì đây là phương tiện để quán:
- Thân này do bốn đại hòa hợp phải không?- Thì đó là sắc thân. Mỗi đại nó có đặc tính riêng của nó. Đất thì cứng, nước thì ướt, lửa thì nóng, gió thì động, mỗi cái có cái riêng của nó. Vậy trước khi bốn đại này hòa hợp thì cái sắc này nó ở đâu? Tìm không ra, nhưng mà ngay khi bốn đại hòa hợp thì thấy nó có. Cho nên Ngài Tử Bá hỏi ông Tăng:
- Nay cái thân hiện tại của ông do đâu mà có được?
Ông Tăng đáp:
- Tạm mượn bốn đại mà có.
Ngài Tử Bá hỏi tiếp:
- Trước khi bốn đại chưa nhóm thì thân này nó ở đâu?
Ông Tăng đáp:
- Thì thân vốn không có.
Ngài Tử Bá hỏi:
- Sau khi bốn đại tan rã thì nó ở đâu?
Ông Tăng đáp:
- Cũng không có.
Vậy trước khi nhóm thì không có, rồi sau khi tan rã cũng không có. Nhưng khi bốn đại hòa hợp thì nó tạm có. Tức chấp nhận nó có khi bốn đại hòa hợp. Khi nói vậy Ngài Tử Bá cười ha ha bảo:
- Ông tìm cầu cái thân trước khi bốn đại chưa nhóm và sau khi bốn đại tan rã thì đều không có, mà chỉ riêng cái thân hiện tại tạm mượn bốn đại mà có, phải không?
Như vậy lấy lý mà suy thì chẳng phải hai đầu không có màgiữa có hay sao? Hai đầu đã không, khoảng giữa riêng có, e là không có cái lý ấy (Tại sao hai đầu không có mà khoảng giữa có, sở dĩ có khoảng giữa là đối với hai đầu, hai đầu không có thì khoảng giữa làm sao có? Vậy mắc kẹt ở chỗ đó rồi.) Ông hãy suy nghĩ cho thật kỹ xem, trước có khoảng giữa rồi có hai đầu chăng? Hay là trước có hai đầu rồi sau có khoảng giữa?
Khoảng giữa là đối với hai đầu mà có, nếu hai đầu không có thì khoảng giữa cũng không. Tại sao mình chấp khoảng giữa có? Đó là chỗ mê lầm của mình. Cho nên nếu xét tột như vậy thì ngay đó “Tức không” chứ gì nữa! Đó là cách quán, quán kỹ như vậy mình sẽ tỏ rõ ngay “Sắc tức không” thôi.
Còn thọ tức không là sao?
Thọ tức là những cảm thọ, những cảm nhận nơi sáu căn, nó luôn luôn cũng đối đãi tức là luôn luôn phải thọ một cái gì đó, có một đối tượng để thọ. Quý vị thử thọ một cái gì không có đối tượng? Làm sao thọ? Như vậy thọ cũng “không” thôi. Nghĩa là thọ đó chỉ là đối duyên mà nó tạm có, chứ bây giờ bảo thọ mà không có đối tượng thì tìm không ra. Vậy “Thọ tức không” rõ ràng.
Tưởng cũng vậy,tưởng luôn luôn cũng phải tưởng về một cái gì đó, và nhất là nó luôn luôn nằm trong ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Cái gì đó hoặc ở quá khứ, hoặc là ở hiện tại, hoặc là ở vị lai. Còn bây giờ quý vị tưởng cái gì mà không có đối tượng, không thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, tưởng thử coi? Tưởng không ra, thì lúc đó tưởng ở đâu? Quả là “tưởng tức không” chứ gì!
Quán kỹ như vậy sẽ thấy “Tưởng tức không” liền, bởi vì tưởng nó không tự có, đối duyên mới tạm có. Tức là duyên khởi thì nó có, vậy thì khởi là duyên khởi, diệt là duyên diệt thôi, chứ nó thật không có cái tự tánh của cái tưởng diệt phải không? Vậy mà khi cái tưởng diệt thì mình thấy thật có cái tưởng diệt. Chính chỗ đó là chỗ khi mình tu dễ bị mắc kẹt, dễ bị lầm lẫn. Tức là có người lầm, khi ngồi thiền mà cái tưởng yên lặng rồi thì sao? - Thì tìm lại coi nó ở đâu? Lúc nãy nó tưởng nhiều quá, bây giờ nó yên lặng thì tìm lại coi nó ở đâu? Hoặc coi nó mất chỗ nào? Tìm cái chỗ hết của nó, nhưng nếu tìm cái chỗ hết của nó thì sao? Tức là muốn nó có lại, nó đã hết rồi còn tìm coi nó ở đâu, là muốn thấy nó lại, đó là chỗ mê lầm tế nhị!
Bởi vì lúc tưởng thì mình thấy có tướng này tướng kia, mình thấy hơi vui vui, cũng dễ hiểu. Khi nó lặng không thấy gì hết, không thấy nó đâu, thấy buồn mới tìm coi nó ở chỗ nào? Tìm ở chỗ nào tức là muốn thấy nó nữa, tức muốn nó có trở lại. Cho nên tu thì muốn nó lặng, nhưng nó lặng rồi thì muốn nó có trở lại, đó là cái lầm lẫn vô cùng! Thấy được chỗ đó thì mình mới không lầm chỗ tu hành của mình. Nếu nó lặng rồi thì ngay đó cái gì Biết lặng mà sáng suốt đó? Ngay đó sống thôi, còn tìm lặng chỗ nào chi nữa, phải hiểu được chỗ đó.
Còn hành, hành tức là những niệm niệm nghĩ ngợi sanh diệt luôn luôn liên tục đó. Thì niệm nó có cũng do gì? Cũng do đối tượng. Niệm, cũng phải niệm một cái gì đó, nghĩa là nương cái đối tượng thì nó có, còn không đối tượng thì nó không thành. Nếu thật sự tự tánh nó có thì nó phải hằng có đâu cần đợi có đối tượng. Nhưng giờ đây có đối tượng mới có, không đối tượng không có, thì rõ ràng không thật rồi.
Thứ hai nữa, đã gọi là niệm niệm sanh diệt, tức là luôn luôn nó tiếp nối không dừng. Vậy niệm niệm là sao? Tức là giữa hai niệm phải có kẻ hở phải không ? Nếu không kẻ hở thì chỉ một niệm thôi!mà đã gọi là niệm niệm thì phải có kẻ hở khoảng giữa. Vậy thì kẻ hở đó là gì? Cái gì nối liền khiến nó liên tục hoài vậy? Nếu không có cái nối liền tức nhiên nó hở rồi, nó hở thì làm sao liên tục được? Như vậy trong đó có cái gì nối liền làm cho nó liên tục hoài, khiến mình sanh tử đời này đời kia, cứ làm hoài vậy mà không mất?
Xét kỹ trong đó có cái gì thầm nối liền? - Chính là “Cái biết sờ sờ” đó! Thấy được chỗ đó mới là chỗ thường trụ, là chỗ sống thật. Còn theo cái niệm niệm đó là theo cái sanh diệt, đó là hành.
Rồi thức, tức là cái nhận biết phân biệt, cũng vậy thôi! Cái nhận biết phân biệt cũng luôn luôn là phải có nhận biết phân biệt một cái gì đó, chứ không thể nhận biết khơi khơi, phân biệt khơi khơi.
Ai thử phân biệt cái gì mà không thuộc đối tượng xem? Hoặc bây giờ phân biệt lại chính nó xem? Phân biệt cái này, phân biệt cái kia thì dễ, nhưng phân biệt trở lại chính nó thì làm sao phân biệt? -Tức ngay đó là hết phân biệt liền, nghĩa là “Thức tức không” chứ gì!
Quán như vậy không gián đoạn là phá được năm uẩn liền. Vậyrõ ràng năm uẩn đều là không, nó là pháp nhân duyên, mà đã là nhân duyên tức không tự tánh. Và “không” đây cũng là không ngã chứ gì? Đã không ngã thì cái gì khổ? Cho nên thấy năm uẩn không liền qua hết khổ ách là như vậy đó! Không có cái ta thì lấy ai khổ?
Xưa Quốc Sư Phật Quang trong thời cuối nhà Minh, khi bị quân Nguyên tràn qua thì Sư tị nạn ở chùa Năng Nhân ở Châu Ô. Khi quân Nguyên kéo đến, chúng trong chùa chạy hết chỉ một mình Sư còn ở lại thôi. Quân Nguyên tới thấy trong chùa chạy hết còn ông Sư này ngồi đây, chúng mới lấy dao lại khứa cổ Sư, sắc diện Sư vẫn tự nhiên không thay đổi gì hết, Sư còn nói thêm bài kệ:
Trời đất không chỗ để cắm dùi
Vui thật người không, pháp cũng không.
Xin thỉnh Đại Nguyên thanh kiếm bén
Trong ánh chớp lòa chém gió xuân.
Nguyên văn:
Càn khôn vô địa trát cô cung,
Thả hỷ nhân không pháp diệc không.
Trân trọng Đại Nguyên tam xích kiếm,
Điển quang ảnh lý trảm xuân phong.
Quân Nguyên thấy vậy cảm phục quá, sám hối đảnh lễ rồi đi.
Quý vị thấy, với ngài Phật Quang thấy chém như chém gió xuân vậy thôi! Không thấy ai bị chém trong đó nên không thấy có khổ. Còn mình thấy Tôi bị chém nên mới thấy khổ, khổ là chỗ đó. Bởi vậy khi sắp chết quý vị nhớ lại chỗ này, thấy không có Tôi trong này thì hết khổ. Còn nhớ có cái Tôi chết trong này là khổ liền, lẽ thật là như thế!
Quán năm uẩn tức không như vậy đó thì hết khổ, qua khổ ách, đó là một ý nghĩa.
*Một ý nghĩa nữa, Bát Nhã nói: Trong tướng “Không” là không tất cả, không mắt tai mũi lưỡi thân ý, không sắc thinh hương vị xúc pháp, không vô minh cũng không hết vô minh, khô
Các bài mới
- Cảm xúc trại sinh - 19/10/2014
- Nhật ký cảm xúc về ngày tu tập cuối năm Tân Mão - 19/10/2014
- Cảm xúc truớc chuyến hành hương "Theo dấu chân Phật" - 19/10/2014
- Cuộc hành hương đến điểm dừng chân cuối cùng của Đức Phật - 19/10/2014
- Gậy trúc chân thiền - 19/10/2014
Các bài đã đăng
Thiền tông
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 06105
- Online: 24