Tâm là chủ muôn pháp
20/07/2012 | Lượt xem: 3783
Hôm nay, chúng tôi sẽ chia sẻ với quý Phật tử đề tài “Tâm là chủ muôn pháp”. Mình có tâm hay không có tâm? Có thì nó ở đâu? Thiền sư Từ Đạo Hạnh có bài kệ:
Không thì cả thế gian này cũng không
Kìa xem bóng nguyệt lòng sông
Ai hay không có có không là gì”.
Nói có cũng không được mà nói không cũng không được.
Cổ đức nói:
“Ba chấm như ba sao
Móc câu tợ trăng liềm
Mang lông từ đây có
Thành Phật cũng từ đây”.
Trong Thiền thoại có kể lại câu chuyện: Có một vị Pháp sư ở xứ Triều Tiên qua Trung Hoa tham học, một hôm trên đường đi, do trời tối và mệt, Ngài nghỉ tại một ngôi miếu hoang. Vì mệt và khát nước nên Ngài ra bờ suối uống nước, cảm thấy rất dễ chịu. Sáng hôm sau, khi chuẩn bị ra đi, Ngài tiếp tục ra bờ suối đó lấy nước để uống và mang đi. Lúc xuống uống nước, Ngài phát hiện ra trên gần đầu nguồn có một xác chết đang sình lên, thối rữa, tanh hôi. Ngay lúc đó, Ngài liền ói mửa ra hết. Trong lúc ói mửa, Ngài ngộ ra được vạn pháp do tâm tạo. Chứng ngộ được điều đó, Ngài liền trở về xiển dương Thiền tông, không qua xứ Trung Hoa tham học nữa.
Tại sao cũng một con người mà lúc tối hôm trước uống nước cảm thấy ngọt, mát, nhưng sáng hôm sau, lúc phát hiện ra xác chết lại ói mửa ra. Đều là do tâm mình tưởng ra cả.
Có một vị Tăng đến hỏi Thiền sư Bạch Ẩn: “Thế nào là sắc tức thị không?”
Thiền sư Bạch Ẩn trả lời: “Ô hô, một bát canh ngon có hai cục cứt chuột”.
Một bát canh ngon, đang chuẩn bị ăn nhưng phát hiện ra có 2 cục cứt chuột nên không thể ăn nổi.
Ngài Cưu Ma La Thập lúc 7 tuổi theo mẹ đến chùa, thấy một chiếc bát bằng đồng bèn nhấc lên nghịch, để trên đầu. Lúc để trên đầu, Ngài khởi niệm: “Tại sao chiếc bát bằng đồng rất nặng mình lại có thể để lên đầu?. Ngay lúc khởi niệm như vậy thì không nhấc được chiếc bát nữa".
Như vậy, Phật giáo luôn chú trọng về tâm. Chúng ta làm thế nào đó để có thể nhận diện và chuyển hóa được tâm mình.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 nói: “Phật giáo không chấp nhận một đấng Thượng đế, một thần linh, mà đấng Thượng đế này chính là tâm. Một khi tâm trong sáng thì nói gì, làm gì cũng đều trong tinh thần an vui, hạnh phúc đến cho mình và người. Ngược lại, tâm cấu nhiễm là cửa của ác đạo”.
Đức Phật đã khẳng định rằng, không có ai làm cho mình hạnh phúc hay không có ai làm cho mình khổ đau mà chính do tâm của mình, gọi là thừa tự của nghiệp. Nếu Thượng đế sinh ra con người thì chắc chắn Thượng đế mong muốn ai cũng giàu sang, ai cũng sung sướng, sống không có bị động đất, sóng thần hay khủng bố. Nhưng chúng ta thấy tai nạn rất là nhiều, đó là do nghiệp của chúng sanh chiêu cảm. Thấy được như vậy, chúng ta phải tu làm sao để chuyển nghiệp, sống với tâm thái tự do an ổn của chính mình.
Lục Tổ dạy: “Một niệm suy nghĩ gọi là biến hóa. Suy nghĩ việc ác thì hóa là địa ngục. Suy nghĩ việc thiện thì hóa là thiên đường. Độc hại hóa làm rồng rắn, từ bi hóa làm bồ tát, trí tuệ hóa làm thượng giới, ngu si hóa làm hạ giới giới”.
Quý vị có ai để ý phát hiện công phu tu tập khi thắp hương không? Nếu chúng ta công phu giống như cây hương thì tức khắc trong giờ phút thực tại được giải thoát, được an ổn. Khi thắp cây hương khoảng chừng 5 phút, thấy tàn rớt xuống, còn khói thì bay lên. Tàn hương rớt xuống là bởi vì nó nặng, còn khói hương bay lên là bởi vì nó nhẹ. Chúng ta cũng như vậy, tu tập như thế nào để tâm mình rỗng, thư thái, an ổn thì lúc ra đi, tùy theo nghiệp lực và hạnh nguyện, tâm buông xả được bao nhiêu thì giải thoát bấy nhiêu.
Ví dụ như mình thấy có người họ tu tập tốt, làm gì cũng được như ý, được thầy thương, bạn mến, mình khởi tâm tật đố là lúc đó mình đang ở trong địa ngục. Hàng ngày chúng ta thường khởi niệm nào là vừa chết cảnh giới tương ưng sẽ hiện ra chiêu cảm.
Một Thiền sư Nhật Bản nói: “Muốn biết người đó có giải thoát hay không là nhìn trong cuộc sống của họ”.
Tinh thần của nhà Phật là “Từ khước” và “Xa lìa”. Từ khước cái gì? Từ khước những tham dục, những tật đố, ích kỷ, san tham, những cái chấp ngã nhưng không từ khước cuộc sống. Chúng ta vẫn làm hết như ngày xưa nhưng ngày hôm nay biết tu tập, biết chuyển hóa nên làm tới đâu buông tới đó. Như ngày xưa làm từ thiện thì chấp có mình làm từ thiện, còn nay làm từ thiện nhưng Phật sự đó coi như hoa đốm giữa hư không. Chỉ cần một niệm buông xả thì tâm hồn rất thư thả.
Lục Tổ dạy tiếp: “Tự tánh biến hóa rất nhiều, người mê không hay tỉnh giác. Mỗi niệm khởi ác thường đi trong con đường ác. Soi về một niệm thiện thì trí huệ liền sanh, đây gọi là tự tánh hóa thân Phật”.
Tổ Lâm Tế nói: “Chưa khởi niệm đừng cho nó khởi, mà đã khởi thì đừng có theo, còn hơn ông đi hành cước mười năm”.
Trong Thiền thoại có kể: Có một thầy Tỳ kheo tu trên núi nhưng chưa nhận được tâm. Một hôm Thầy quyết định xuống núi đi tham học ở phương xa. Đường đi phải qua một chiếc đò, người chèo đò là một cô gái. Bởi vì chưa khám phá được tâm của mình, chưa biết được con đường niệm khởi như thế nào nên tâm vẫn còn một chút tục trần. Trong lúc đi đò, ông mải ngắm nhìn cô gái. Lúc xuống đò, mọi người đều trả một đồng, riêng ông thầy Tỳ kheo, cô gái đòi phải trả hai đồng. Ông Thầy hỏi tại sao, cô gái nói tại vì Thầy nhìn cô nên cô lấy thêm tiền. Nghe nói như vậy, thầy Tỳ kheo đến khi trở về, cũng xuống đò nhưng quyết không nhìn cô lái đò nữa mà luôn luôn nhìn xuống mặt nước. Nhưng đến khi lên bờ, mọi người đều trả một đồng nhưng cô lấy của ông Thầy bốn đồng. Vị Tỳ kheo liền phản ứng, nói là lần này mình không nhìn thì tại sao lại phải trả nhiều tiền thế. Cô gái nói: Tuy rằng mắt thầy không nhìn nhưng tâm thầy nhìn nên con phải lấy đắt hơn. Ngay sau lúc đó, có một vầng mây sáng hiện và cô lái đò chính là Bồ Tát Quán Thế Âm hiện thân xuống để chỉ dạy cho Thầy Tỳ kheo đó. Từ đó Thầy Tỳ kheo phát minh được tâm địa của mình, không đi hành cước nữa mà ở trên núi chuyên tâm tu tập.
Chỉ cần thấy và theo dõi được tâm của mình, chúng ta sẽ dừng bớt được tâm niệm xấu ác. Vừa khởi niệm xấu ác, chúng ta biết và chuyển hóa liền.
Thiền sư Bàng Anh nói: “Một niệm tâm thanh tịnh, Phật ở điện ma vương. Một niệm tâm ác sanh, ma vương vào điện Phật”. Tức là Phật, ma chỉ ở ngay một niệm. Học kinh Bát Nhã, mình tưởng bờ bên này là mê, bờ bên kia là giác nhưng thực ra bờ bên này, bờ bên kia chỉ ngay nơi một niệm. Mê là bờ bên này, giác là bờ bên kia. Trong nhà Thiền nói, chỉ cần chuyển một đường gươm tức khắc thành tựu.
Trong Kinh Duy Ma Cật, phẩm Phật quốc, Bồ Tát Bảo Tích hỏi Phật “muốn thâm nhập vào cõi Tịnh độ mười phương chư Phật phải làm thế nào?”. Đức Phật trả lời: “Muốn vào Tịnh độ trước phải tịnh tâm của ông”. Ngài Xá Lợi Phất nghe vậy liền khởi niệm: “Phật và các thánh đệ tử ở đây tâm đều thanh tịnh, nhưng thế giới Ta Bà này đầy những gò đổng, núi non, những cái xấu ác, tại sao Thế Tôn gọi là Tịnh độ?”. Đức Phật biết vậy liền nói: “Này ông Xá Lợi Phất, mặt trời mặt trăng chẳng sáng ư, mà sao kẻ mù không thấy? (sáng là sáng với người có mắt nhìn thấy được, còn kẻ mù từ lúc mới sinh thì không thể thấy được). Ngài Xá Lợi Phật bạch rằng: “Đó chẳng phải lỗi của người mù, chẳng phải tại mặt trời, mặt trăng mà tại chúng sanh vô minh nên không thấy được cõi này chính là cõi Tịnh độ”. Phật bảo: “Này Xá Lợi Phất, bởi chúng sanh tội chướng nên chẳng thấy cõi Phật Như Lai trang nghiêm thanh tịnh”.
Trong Kinh Pháp cú, Phật dạy:
“Đường này đến thế gian
Đường kia đến Niết Bàn
Tỳ kheo đệ tử Phật
Phải ý thức rõ ràng”.
Phật không đưa mình đi mà chỉ là người chỉ đường, mình phải ý thức rõ như vậy để tu tập.
Bấy giờ Phật bảo Tôn giả Xá Lợi Phất: “Cõi nước đây của ta vốn thanh tịnh mà ông chẳng thấy”. Ông Bàng Long Uẩn nghe đến đoạn này có chỗ phát mình và làm một bài kệ như thế này:
“Thường nghe cõi A Súc
Nghĩ đến phương Đông cầu
Hôm nay xét nét kỹ
Bất động, tự nhiên đến”.
Trong Kinh Duy Ma Cật diễn tả cõi Phật A Súc nằm ở phương Đông. Ông Bàng Long Uẩn trước đây cũng mong muốn đến cõi phương Đông, nhưng hôm nay xét kỹ, thấy được tâm mình khi bất động thì cõi phương Đông tự nhiên hiện ra. Tâm bất động ở đây là tâm gì? Tâm bất động chính là tâm vô trụ. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy: “Nếu hay chuyển được vật tức đồng với Như Lai”. Tức là thấy biết rõ vật nhưng không khởi niệm trụ vào vật. Tất cả các pháp đều từ tâm biến hóa ra, nhưng mà chúng ta không chịu sống với cái tâm biết của mình mà chúng ta sống theo vật.
Chẳng hạn như khi quý vị đến chùa này cúng dường, lúc cúng dường quý vị vui tức là đã gieo một cái nhân tốt. Nhưng tại sao ni sư không cảm ơn quý vị đã cúng dường? Không phải là người tu vô tình mà chính vì không cảm ơn nên mới làm thành ruộng phước cho quý vị. Vì không trụ vào số tiền cúng dường nên tâm thức quý vị rộng thênh thang, đó không chỉ là phước nữa mà còn là công đức từ nơi tự tánh. Như chiều nay quý vị ra ngoài trời đứng, nhìn lên hư không, nếu quý vị thấy một đám mây thì cặp mắt chỉ thấy đám mây chứ không thấy hư không (hư không bằng đám mây), còn nhìn lên bầu trời không một đám mây thì thấy hư không bao la. Cúng dường cũng như thế, gọi là tâm không chỗ trụ.
Trong Thiền thoại có kể, Thiền sư Nhất Hưu một hôm đi cùng một đệ tử qua khúc sông, gặp một cô gái không qua được sông, Thiền sư Nhất Hưu liền cõng cô gái đó qua sông. Người đệ tử nghĩ Thầy mình phạm hạnh như vậy mà lại phạm giới nên sau đó về buồn, một tháng liền không nói chuyện với Thiền sư. Thiền sư hỏi chuyện, biết được bèn nói:" Ta đã bỏ cô gái đó lại, mà ngươi vẫn còn cõng cô gái đó đến tận bây giờ".
Trong Thiền thoại cũng kể câu chuyện:
Tăng hỏi Thiền sư Huệ Hải: Thế nào là chỗ vô trụ?
Thiền sư đáp: “Chẳng trụ tất cả chỗ, ấy là trụ chỗ vô trụ”.
Không trụ tất cả chỗ tức là rõ ràng, thường biết hết nhưng không trụ, muốn được như vậy quý vị phải chịu khó tu tập. Đây không phải là nói suông, nếu quý vị chịu khó công phu tu tập, chuyển hóa thì sẽ tiến, sẽ có kết quả, dù tu theo pháp môn nào cũng vậy. Pháp không có mạt, mà mạt là do mình.
Quý vị phải chịu khó tu tập, dù chưa được cũng cứ công phu, đừng suy nghĩ gì hết, cứ công phu sẽ có.
Tinh thần Thiền nguyên thủy và Thiền đốn ngộ là một. Thiền nguyên thủy: chẳng hạn khi nhìn thấy một vật gì đó quý giá, thực tập biết đây là vị ngọt, đây là nguy hiểm, đây là con đường xuất ly. Nếu mà ăn cắp thì đó là con đường nguy hiểm, biết như vậy thì thoát ly. Còn tinh thần của nhà Thiền thì thấy là thấy đúng như thật, thấy biết như thật thì không khởi niệm trộm cắp, thì đồng với tinh thần Thiền nguyên thủy. Thiền nguyên thủy và thiền tối thượng thừa thực ra không có khác nhau, chỉ là về thực tập, một bên đi thẳng vào tâm, một bên đi từ tướng vào tâm.
Thấy được điểm này tu tập sẽ rất an ổn, thảnh thơi, dù tu tập theo pháp môn nào. Bất cứ pháp môn nào cũng đều xuất phát từ Đức Phật, pháp không có tranh cãi mà chỉ có người tranh cãi.
Thấy, nghe, tụng, đọc là tiểu thừa. Y pháp tu hành là trung thừa. Ngộ pháp, hiểu nghĩa là đại thừa. Không có một pháp, không có một chỗ trụ, trí tuệ tỏ sáng, đó là tối thượng thừa. Thừa nào là do mình, sao lại khởi tâm phân biệt?
Thấy được pháp nào cũng là của Phật, chỉ là tháo đinh nhổ chốt, đừng cho tâm mình trụ vào một pháp nào.
Để tóm kết lại, tôi xin kể một số câu chuyện. Trong Thiền thoại có kể, Thiền sư Trường Sa một hôm dạo núi, khi về thầy Thủ tọa hỏi: “Hòa thượng đi đâu về?”. Thiền sư đáp: “Lần theo dấu vết cỏ non đi. Nghe tiếng hoa rơi gọi trở về”.
Đi thì biết đi, đứng chỉ là đứng, nhưng cái gì biết đi, biết đứng, cái gì nghe, mỗi giờ phút tâm thức đều có mặt hết, tất cả các pháp đều hiển bày từ nơi tự tánh của mình.
Một hôm có ông cư sĩ ra bờ sông thấy một chiếc thuyền đang được đẩy ra sông, cua ốc ở dưới chết rất là nhiều. Ông về hỏi Thiền sư Vô Đức: “Bạch Hòa thượng, con thấy có một chiếc thuyền, ông lái đò đẩy thuyền ra sông, cua ốc chết rất là nhiều, như vậy là tội của ông lái đò hay tội của người ngồi trên đò?”.
Thiền sư Vô Đức trả lời: “Cả hai đều không có tội, mà là tội của ông”.
Lúc đó, người lái đò và cả người ngồi trên đò không khởi niệm giết cua cá, tự nhiên ông cư sĩ khởi niệm phân biệt nên có tội. Cho nên “Ba nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương”. Pháp pháp đều từ nơi tự tánh lưu xuất. Lục Tổ nói: Tự tánh thường sanh trí tuệ, tức là phước điền”.
ĐĐ Thích Khế Định giảng tại chùa Đại Giác – Sóc Trăng
Theo truclamchanhthien.net
Các bài mới
- Tại sao chúng ta phải phát Bồ Đề Tâm - 05/06/2012
- Pháp là con đường đưa chúng ta thoát khổ - 28/05/2012
- Con đường tự thắng mình - 16/05/2012
- Công đức nghe pháp - 16/04/2012
- Ý nghĩa lễ Phật - 27/01/2012
Các bài đã đăng
- Diệu chỉ Phật tâm tông (Phần 2) - 23/05/2011
- Diệu chỉ Phật tâm tông (Phần 1) - 19/05/2011
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 88942
- Online: 37