Tam nhân Phật tánh
23/09/2015 | Lượt xem: 4023
Người tu Phật làm sao phải sáng được tâm, ngay nơi con người này chúng ta nhận ra cái chân thật vĩnh cửu mới là mục đích cứu cánh. Vì vậy chúng ta khéo luôn tự nhắc nhở mình cùng nhau nhìn lại, nhận cho ra chân lý hiện thực nơi mỗi người qua "Tam Nhân Phật Tánh".
I. CHÁNH NHÂN PHẬT TÁNH
Phật tánh là tánh giác, là lẽ thật nơi mỗi người, là chân lý bình đẳng với tất cả. Phật nói trong kinh Niết-bàn: "Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh". Đó là một chân lý bình đẳng, tất cả chúng sinh đều có đủ nhưng do quên chánh nhân này nên mới chịu luân hồi sanh tử. Ngay lúc ban đầu chúng sinh đã bất giác, lầm lẫn đi trong vô minh nên ngày càng xa đường về. Kinh Pháp Hoa, Phật bảo là làm cùng tử lang thang nơi xứ người. Như con của ông trưởng giả giàu có, nhưng bỏ cha lang thang đi kiếm ăn từng bữa nơi quê người nên trở thành nghèo đói. Trong khi đó, chính mình là con ông trưởng giả, kế thừa cả một gia tài sự sản, nhưng không biết mà đành bỏ đi. Chúng sinh cũng thế, có Chánh Nhân Phật Tánh đầy đủ công đức, nhưng bỏ quên nên làm mãi chúng sinh. Vì vậy chúng ta luôn luôn thấy thiếu mà khổ sở đi tìm.
Ngay nơi sáu căn này: con mắt tìm sắc trần để duyên theo hiểu biết, lỗ tai tìm thanh trần, lỗ mũi tìm hương trần, lưỡi tìm vị trần, thân tìm xúc trần, ý tìm pháp trần. Chúng ta luôn đi tìm các trần bên ngoài để nó làm duyên, nếu không có các trần đó thì thấy giống như mất mình. Cho nên, phải tìm cái gì đó, tìm được một chút rồi mất; nghe được tiếng gì hay vừa cái lỗ tai một chút thì nó cũng qua, rồi tìm cái khác. Giống như vị cùng tử lang thang đi kiếm ăn từng ngày, kiếm được ngày nay ăn hết rồi, ngày mai kiếm ăn tiếp, kiếm từng ngày này qua ngày khác. Chúng ta học pháp, nghe pháp để tiếp thu là cũng đang kiếm ăn, quên mất gốc chân thật mình giàu có. Đến bao giờ giác ngộ, thấy rõ nguồn gốc của chính mình không phải là chúng sinh, mà là Phật Tánh sáng suốt đó là về nhà kế thừa gia bảo. Gốc của chúng ta là Phật chứ không phải chúng sinh, nhưng do lầm mê quên mất chánh nhân sẵn có nên đành lang thang vô lượng kiếp tử sinh. Mỗi người ai cũng có chánh nhân, nên Phật, Tổ thường bảo: "Kia đã trượng phu, ta đây cũng vậy". Như Lai tu thành Phật, chúng sinh nếu biết khai thác tánh Phật, tu hành công đức viên mãn cũng sẽ là một vị Phật.
Theo tinh thần Đại thừa là đánh thức mọi người phát tâm Bồ-đề cầu đến giác ngộ thành Phật. Chúng ta tu là trở về địa vị Phật của chính mình, chứ không phải tu cuối cùng rồi về quỳ dưới chân Phật cầu xin cái này cái kia. Chúng ta phải có niềm tin để vươn lên, Phật cũng từ chúng sinh mà thành. Bồ-tát là hữu tình giác, một chúng sinh giác ngộ. Một chúng sinh giác ngộ rồi giác ngộ lại chúng sinh, gọi là giác hữu tình. Đó là ý nghĩa Bồ-tát. Như vậy, Bồ-tát cũng là từ chúng sinh mà tiến thành Bồ-tát. Thiền sư Khuông Việt, sống vào đời Lý, khi sắp tịch, Ngài nói bài kệ:
Mộc trung nguyên hữu hỏa,
Hữu hỏa, hỏa hoàn sanh.
Nhược vị mộc vô hỏa,
Toản toại hà do manh?
Dịch:
Trong cây vốn có lửa,
Có lửa, lửa lại sanh.
Nếu bảo cây không lửa,
Cọ xát làm sao sinh?
Ngày xưa, khi muốn lấy lửa thì dùng hai cành cây cọ xát lại, cọ lâu nó nóng phát ra lửa rồi lấy bùi nhùi đốt làm lửa. Ở đây, Sư nói:"Trong cây vốn có lửa", nó có sẵn cái mầm lửa trong đó, chúng ta cọ xát thì lửa sẽ sanh. Nếu trong cây không có mầm lửa, dù chúng ta có cọ xát cách mấy nó cũng không phát ra lửa được. Cũng vậy, trong chúng sinh có mầm giác, chúng ta khéo biết khai thác thì mới giác ngộ được. Phật giác ngộ từ đâu? Đọc lịch sử thấy Phật ngồi dưới cội cây Tất-bát-la (cây Bồ-đề) thiền định qua bốn mươi chín ngày đêm, khi thấy sao Mai mọc ngài liền giác ngộ thành đạo. Vậy Ngài thành đạo ở trên sao Mai, ở dưới cội Bồ-đề, hay ở đâu? Chúng ta thường nói: "Phật thành đạo dưới cội Bồ-đề". Nếu thành đạo dưới cội Bồ-đề thì chúng ta qua Bồ-đề đạo tràng bên Ấn Độ là tìm được rồi. Nhưng biết bao người qua bên đó mà vẫn là chúng sinh?
Phật thành đạo là ngay nơi tâm giác ngộ của ngài. Không ở cội Bồ-đề cũng không có trên sao Mai, đó chỉ là di tích. Ngay nơi tâm có mầm giác, đó là khả năng đưa chúng sinh đến giác ngộ. Nếu chúng ta không có nhân giác thì tu cách mấy cũng không giác được. Trong Kinh Tiểu Phẩm Bát-nhã, Phật dạy: "Tất cả chúng sinh xưa nay đều là thanh tịnh. Giả như khiến cho chư Phật ở trăm ngàn muôn kiếp xướng lên rằng: "Chúng sinh, chúng sinh". Cũng không quyết định có chúng sinh thật có thể được!". Nghĩa là, Phật xác định tất cả chúng sinh xưa nay đều là thanh tịnh. Giả như chư Phật ở trăm ngàn muôn kiếp xướng lên "chúng sinh, chúng sinh" nhưng cũng không quyết định thật có chúng sinh cố định. Vì chúng sinh cũng là danh từ tạm thời, đặt ra trong một giai đoạn đang mê muội. Nếu tỉnh sáng thì không gọi tên chúng sinh nữa. Chúng sinh chỉ là cái tên, không phải cố định. Người nghe cái tên rồi chấp kẹt vào cái tên. Giống như chúng ta mới sanh ra không có tên, nhưng khi đặt cho cái tên rồi mà kêu khác đi thì không chịu. Nhưng cũng có trường hợp kêu khác, như chúng ta đi tu thầy Bổn sư đặt cho cái tên mới, lúc đó gọi bằng pháp danh chứ không gọi tên mà cha mẹ đã đặt cho chúng ta như trước nữa. Đôi khi vào chùa lâu lâu lại đổi tên nữa, cho nên cái tên không cố định. Cũng vậy tên chúng sinh không cố định, chỉ đặt ra trong một thời điểm nào đó, nó không có thực.
Trong Kinh Kim Cang, ngài Tu-bồ-đề hỏi Phật về ý nghĩa của kinh này: "Trong thời mạt Pháp, có chúng sinh nào nghe được nghĩa lý kinh này có thể tin được chăng ? ".
Phật liền ngăn: "Ông chớ nói như vậy!".
Tức là chúng sinh ai cũng có Phật tánh tại sao không thể tin.
Sau đó Phật bảo: "Tu-bồ-đề! Chúng sinh, chúng sinh đó! Như Lai nói chẳng phải chúng sinh, đó gọi là chúng sinh".
Nghĩa là, nói chúng sinh nhưng mà chẳng phải chúng sinh. Nói chúng sinh là tạm thời chứ không cố định, vì nó có nguồn gốc là phi chúng sinh. Đó là ý nghĩa đánh thức cho chúng sinh tiến lên.
Chính trong Kinh Niết Bàn, phẩm Sư Tử Hống, Phật nói: "Hễ ai có tâm thì nhất định sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do vì nghĩa này, ta thường nói là tất cả chúng sinh đều có Phật tánh".
Nghĩa là, ai có tâm thì nhất định sẽ thành Phật, vì có tâm là có giác. Đó là sức mạnh, niềm tin để chuyển hóa cho người vươn lên.
Trong Kinh Pháp Hoa ghi Bồ-tát Thường Bất Khinh tu hạnh là: đi đâu gặp ai ngài đều đứng xá xá, lễ lạy rồi nói: "Tôi không dám khinh quý ngài! Quý ngài rồi sẽ thành Phật". Tuy nhiên, có những người nghe như vậy không chịu, bảo: "Ông là Tỳ-kheo vô trí, ông chưa thành Phật làm sao thọ ký cho chúng tôi được". Rồi có người chửi mắng, lấy đá gạch ném v.v... Nhưng ngài Thường Bất Khinh không giận, vẫn đứng từ xa chấp tay xá xá: "Tôi không dám khinh các ngài. Các ngài rồi sẽ thành Phật". Đến khi ngài sắp tịch, nghe mấy chục ngàn bài kệ Kinh Pháp Hoa, tuổi thọ kéo dài thêm nữa. Sau đó, ngài sanh ở đâu cũng thường gặp Phật, trải qua nhiều kiếp tu hành sau được thành Phật. Đó chính là tiền thân của Phật Thích Ca. Bồ-tát Thường Bất Khinh đi lễ lạy mỗi người và nói ai cũng sẽ thành Phật, đó là khơi dậy đánh thức tri kiến Phật có nơi mỗi người. Bồ-tát Thường Bất Khinh thuyết kinh Pháp Hoa chỉ bấy nhiêu thôi nhưng đó là tinh yếu sống động của Kinh Pháp Hoa. Chứ không như chúng ta giảng nói nhiều mà chỉ nói trên văn tự chữ nghĩa của kinh Pháp Hoa.
Thường Bất Khinh: nghĩa là không dám khinh ai! Nếu chúng ta thấm sâu được ý nghĩa đó thì cũng không dám khinh ai. Thấu được ý này thì ai sống cũng vui vẻ, gần gũi với nhau vì thấy xung quanh toàn là Bồ-tát. Ngược lại, nếu thấy mọi người là chúng sinh hoặc lâu lâu nghĩ là ma phá mình thì sẽ thấy cách biệt, đôi khi không tôn kính lẫn nhau. Vì vậy mỗi người đều có nguồn gốc chân thật để tiến lên, tin mình có chánh nhân để thành Phật. Do thấy được cội gốc đó, nên Thiền sư hay đánh thức chúng sinh để khơi dậy cái chánh nhân này. Có khi các ngài nói bằng danh từ nhà Thiền, nghe rất khó hiểu. Nhưng khi học nhân ngộ được ra mới thấy đó là cách thuyết pháp sống động của người xưa.
Có một vị tăng đến hỏi ngài Triệu Châu:
- Học nhân mờ tối chậm lụt, đang bị chìm nổi. Vậy làm thế nào để ra khỏi được?
(Tức là, do con mờ tối chậm lụt đang một phen bị chìm nổi trong sanh tử luân hồi. Vậy thì làm sao ra khỏi vòng luân hồi đó?)
Ngài Triệu Châu ngồi im không nói.
Vị tăng thấy vậy thưa:
- Bạch Hòa thượng! Đây là con hỏi thật Hòa thượng mà!
Ngài Triệu Châu mới bảo:
- Ông ở đâu mà làm một nổi, một chìm?
Ban đầu, ngài Triệu Châu im lặng là để khơi dậy sự thắc mắc cao độ của học nhân. Khi học nhân khao khát hỏi nữa thì ngài nhấn mạnh: ông ở đâu mà làm một nổi một chìm? Đây là đánh thức học nhân khơi dậy chánh nhân. Ông đang hỏi đây, vậy còn ai chìm nổi? Ngài đánh thức cho học nhân tỉnh lại, ngay đây đầy đủ hết đâu có thiếu. Nhưng do chúng sinh nghĩ là mình mê lầm nên phải chịu trầm luân sanh tử. Chứ không nhận ra cái thật nó vẫn hiện hữu nơi mỗi người. Thiền sư không giải thích chữ nghĩa dài dòng, mà nói chính xác đi thẳng vào sự thật. Nếu như chúng ta nhiều khi vì lòng từ bi giải thích: "Ừ! Ông muốn ra khỏi chìm nổi thì phải tu hành thế này, tu hành thế kia". Nói một hơi, nhưng không thấy ai ra khỏi chìm nổi. Do chúng ta không sống được ở chỗ gốc, nên đành phải nói ở cành lá nhánh nhóc.
Có vị tăng tên Thanh Khoát đến gặp ngài Tào Sơn hỏi:
- Học nhân đang nghèo khổ, đói kém. Vậy xin thầy cứu giúp cho?
Ngài Tào Sơn gọi:
- Này Xà-lê Khoát! Hãy đến gần đây!
Vị tăng Thanh Khoát liền đi đến gần.
Ngài bảo:
- Cái gã nhà nghèo ở Tuyền Châu đã uống xong ba chén rượu mà còn nói chưa dính môi.
Vị tăng bảo mình nghèo khổ, đói kém đến ngài Tào Sơn xin cứu giúp. Ngài Tào Sơn nói: "Thôi ông hãy lại đây". Vị tăng biết đến gần, thì đâu có thiếu. Có nghe có biết đến gần là tánh giác luôn sẵn đó thì thiếu thốn ở chỗ nào? Vậy có phải là nói dối chăng? Nên ngài Tào Sơn mới bảo: "Cái gã nhà nghèo ở Tuyền Châu đã uống xong ba chén rượu mà còn nói chưa dính môi", uống rồi mà còn nói là chưa dính môi, tức là nói dối, là lầm qua sự thật. Ngài Tào Sơn đánh thức cho vị tăng ngay đó chánh nhân đầy đủ, không có gì thiếu cả. Như vậy mọi người đều có chánh nhân Phật tánh nơi chính mình, nhưng cần phải có duyên nhân Phật tánh để hỗ trợ cho chánh nhân Phật tánh được phát khởi.
II. DUYÊN NHÂN PHẬT TÁNH
Duyên nhân Phật tánh là những duyên phụ, nó trợ giúp cho chánh nhân phát khởi. Tất cả chúng sinh đều có sẵn chánh nhân, nhưng từ lâu bị vô minh phiền não che khuất nên không nhớ mình có chánh nhân Phật tánh, mà chỉ nhớ đến bản ngã nên có chánh nhân mà cũng như không.
Có vị tăng tên Huệ Lãng đến hỏi ngài Thạch Đầu:
- Thế nào là Phật?
Ngài Thạch Đầu bảo:
- Ông không có Phật tánh.
Ngài Huệ Lãng học Phật lâu thông hiểu kinh tạng mới đáp:
- Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Tại sao con lại không có, còn các loài xuẩn động hàm linh thì thế nào?
(Tức các loài côn trùng biết bò, biết bay, biết máy động v.v... những loài đó thì thế nào?)
Ngài Thạch Đầu bảo:
- Những loài đó có Phật tánh.
Vị tăng thắc mắc:
- Vậy thì Huệ Lãng con vì sao lại không có?
Ngài Thạch Đầu bảo:
- Là tại vì ông chẳng chịu nhận.
Ngay đó vị tăng chợt ngộ.
Chúng ta thấy Thiền sư khai thị thật khéo léo. Ban đầu ngài Thạch Đầu nói như vậy để khơi dậy cho vị tăng sự thắc mắc, ngay đó đánh đúng tâm điểm của vị tăng thì ông liền nhận được. Sau này, ngài Huệ Lãng ra trụ trì giáo hóa, có người học đến hỏi đạo, ngài liền bảo: "Thôi ông đi đi! Ông không có Phật tánh!" cũng là cách khéo léo để đánh thức cho người sau. Người học đạo là phải đạt ý quên lời, không chấp theo văn tự ngữ ngôn. Nghe nói: Không có Phật tánh rồi chúng ta cho là không có, đó là mắc kẹt trên chữ nghĩa. Vì vậy cần phải có Thiện hữu tri thức để nhắc nhở giúp cho chúng ta tiêu trừ những tập khí mê lầm, chấp ngã vô minh, đồng thời khơi dậy giúp cho chánh nhân phát sáng, đó gọi là duyên nhân Phật tánh.
Chúng ta có sẵn chánh nhân, nhưng nếu không biết cách làm sống dậy hay khơi mở thì nó vẫn bị vùi lấp trong vô minh phiền não, do đó cần phải có các pháp hành như: bố thí, trì giới, ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật v.v... đây là những trợ duyên cho chánh nhân khởi phát. Nếu chúng ta nói "Tôi có Phật tánh rồi không cần tu gì hết, để nó tự phát ra thôi", nếu tự nó phát khởi sao chúng ta vẫn còn phiền não khổ đau. Chánh nhân có nhưng chúng ta không biết khai thác để sống trở về thì có cũng như không, cũng là chúng sinh bị trầm luân sanh tử. Do đó, tuy chúng ta biết là có, nhưng vẫn phải làm các việc công đức như bố thí, cúng dường v.v..., vì đây là những duyên nhân để trợ cho chánh nhân mau sớm phát khởi. Điều quan trọng là chúng ta làm tất cả việc công đức mà tâm không tham chấp, không vướng mắc và phải hồi hướng về đạo vô thượng Bồ-đề.
Trong Kinh Kim Cang, Phật bảo ngài Tu-bồ-đề:
- Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát đem bảy báu đầy khắp cả thế giới bằng số cát sông Hằng để bố thí. Nếu lại có người biết tất cả pháp vô ngã được thành tựu sức nhẫn thì Bồ-tát này hơn phước đức của Bồ-tát bố thí ở trước có được đó. Tại sao? Này Tu-bồ-đề! Do Bồ-tát chẳng thọ phước đức.
Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Làm thế nào Bồ-tát chẳng thọ phước đức?
Phật bảo:
- Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát có làm phước đức gì chẳng nên tham trước vì vậy nói chẳng thọ phước đức.
Bồ-tát làm mà không có tham trước, không thọ phước đức thì công đức mới lớn, mới khế hợp với Bát-nhã. Như vậy Phật không bác bỏ việc làm phước đức, ngược lại Phật còn khuyến khích chúng sinh vun bồi phước đức nhưng làm mà không bám chấp, thảy đều hồi hướng về đạo Bồ-đề. Đó mới là đầy đủ phước trí trang nghiêm. Trái lại, nếu chúng ta làm mà mắc kẹt, chấp vào phước đức nhiều khi dễ sanh phiền não. Như đi làm từ thiện, là đi làm phước đức. Chúng ta có món quà đem biếu cho người nào đó, người đó đem cho người khác, mình liền không vui. Theo tinh thần bố thí, khi chúng ta cho ai đó rồi thì vật đó trở thành của người, người có quyền cho lại người khác, sao chúng ta lại buồn?
Hay chúng ta giúp ai đó, lâu lâu gặp lại nhờ họ giúp đỡ mình. Họ không giúp rồi mình phiền não, nói họ là kẻ quên ơn. Như vậy, trước đó chúng ta giúp người là có hậu ý. Vậy là chúng ta làm mà còn dính mắc trong đó, do đó không được công đức nhiều. Cho nên, Phật dạy chúng ta phải làm với cái tâm thật sự "Bố thí chỉ bố thí thôi" thì đây là những duyên nhân trợ lực cho chánh nhân mau sớm phát khởi. Như Phật cũng không bỏ những việc làm phước đức dù nhỏ mấy, như xỏ kim cho thầy Tỳ-kheo bị mù, hay tắm rửa cho người bị bệnh lở loét v.v... làm mà không thọ, không tham đó chính là duyên nhân để cho Phật tánh phát khởi tốt đẹp.
Ngài Hy Thiên Thạch Đầu là đệ tử của Lục Tổ, nhưng khi Lục Tổ viên tịch thì ngài Hy Thiên chưa ngộ đạo. Do đó, ngài đến chỗ Thiền sư Thanh Nguyên cầu học.
Ngài Thanh Nguyên hỏi:
- Ngươi từ phương nào đến đây?
Hy Thiên thưa:
- Bạch Hòa thượng! Con từ Tào Khê đến.
Ngài Thanh Nguyên hỏi:
- Vậy ông đem được cái gì đến đây?
Hy Thiên thưa:
- Chưa đến Tào Khê cũng chẳng mất.
Ngài Thanh Nguyên mới hỏi lại:
- Vậy thì mặc tình mà dùng đi, đến Tào Khê làm gì?
Hy Thiên thưa:
- Tuy nhiên như thế! Nhưng không đến Tào Khê thì đâu biết là chẳng mất.
Cái đó nó có sẵn nơi mỗi người, chưa đến Tào Khê nó cũng không có mất, nhưng nếu không đến Tào Khê thì đâu biết có cái chẳng mất này. Nhờ đến Tào Khê, được Lục Tổ giảng dạy khai thị mới biết có cái này. Tức là nhờ duyên nhân mà biết được chánh nhân. Đây cũng nói lên chánh nhân Phật tánh có sẵn nơi mình, tất cả chúng ta "chưa đến đây nó cũng đâu mất", nhưng nhờ đến đây nghe pháp mới biết được có cái không mất. Cái chân thật vốn có sẵn, không phải do học đạo hay do thầy giảng mới có. Nhưng nhờ học đạo, nhờ thiện hữu tri thức nhắc nhở chúng ta mới biết được cái đó có sẵn nơi mình. Do biết nó có sẵn nên chúng ta không đi cầu tìm bên ngoài, như có người nói: "Đến học đạo với tôi, chừng ba tháng tôi cho đắc đạo". Chúng ta nghe vậy thấy có ham không? Nếu người không biết sẽ bị gạt. Cái này thật nơi mình làm sao cho? Cái gì cho được thì mất được, tức thuộc về sanh diệt vô thường là giả không thật, không nên mắc kẹt.
III. LIỄU NHÂN PHẬT TÁNH
Chúng ta có chánh nhân sẵn nơi mình, nhưng phải nhờ duyên nhân để trợ duyên, giúp cho chánh nhân phát khởi. Nhưng phải tiến thêm một bước là Liễu nhân Phật tánh. "Liễu nhân" là làm sáng tỏ, hiện rõ tánh Phật nơi mỗi người. Tức là trí tuệ rõ chiếu để Phật tánh hiện tiền, Trí và Lý không hai, không ngăn cách.
Phật bảo ai cũng có Phật tánh, chúng ta mới dùng trí tuệ quán chiếu soi sáng, khi chúng ta dùng trí dụng để soi sáng Phật tánh thì thấy dường như có hai: Trí tuệ và Phật tánh. Còn thấy hai là còn cách biệt. Giai đoạn này chúng ta chỉ là khái niệm về Phật tánh. Đến khi trí tuệ phát ra sáng tỏ, thấu rõ cái trí thể chân thật chính là Phật tánh không hai thì ngay đây Phật tánh hiện tiền. Phật tánh ngay nơi chúng ta, nhờ dùng trí tuệ chiếu soi làm sáng tỏ hiện ra Phật tánh luôn hằng hữu. Đó gọi là liễu nhân Phật tánh. Như vậy, Phật tánh sẵn có nhưng nhờ trí dụng làm phát khởi Phật tánh, gọi là "diệu dụng Phật tánh". Diệu dụng Phật tánh bất khả tư nghì, thắng được phiền não, chấp ngã, khổ đau.
Trí tuệ thấu rõ, sáng tỏ Phật tánh nhưng trí tuệ không làm ra Phật tánh. Cũng như có những đồ vật như bàn, ghế v.v... trong một căn nhà tối, do tối quá nên chúng ta không thấy gì hết. Bây giờ mở đèn lên, căn nhà có ánh sáng chiếu soi, chúng ta thấy rõ được những đồ vật đó. Như vậy những đồ vật đó trước giờ đã nằm sẵn trong nhà, nhưng không có ánh sáng nên không thấy. Bây giờ ánh sáng chiếu soi vào nên chúng ta thấy rõ mọi thứ. Như vậy, ánh sáng chỉ soi chiếu những đồ vật, chứ không phải ánh sáng làm ra những đồ vật đó. Cũng vậy, chúng ta dùng trí tuệ soi sáng Phật tánh, chứ không phải trí tuệ làm ra Phật tánh. Cho nên gọi là "Liễu nhân", chứ không gọi "tác nhân". Nhờ tu hành quán chiếu chúng ta phát triển được liễu nhân Phật tánh, đó là diệu dụng của sức sống chân thật thì cái này mới thắng được phiền não khổ đau. Như chúng ta biết có Phật tánh sáng suốt nhưng biết vậy rồi thôi, phiền não đến thì cũng phiền não, là do không dùng trí quán chiếu để phá vô minh, hay không khởi phát được Phật tánh bên trong nên khổ đau vẫn khổ đau.
Vì vậy, chúng ta phải nhờ tu hành để cho liễu nhân phát ra, mới đủ sức thắng được phiền não. Do đó, để thành tựu được liễu nhân chúng ta phải thực hành, phải tu tập chứ không phải nói trên lý thuyết suông. Dù chúng ta có lý luận hay cách mấy cũng không thắng được phiền não, phải có sự tu và chứng nghiệm thì mới thắng được.
IV. CON ĐƯỜNG TU TẬP
Như vậy, chúng ta không dừng trên tuệ văn tự; mà phải có tuệ tư: suy nghĩ, phán đoán xem những điều mình học thấy đúng như thế nào rồi mới tiến tới tuệ tu: thực hành để chứng nghiệm lẽ thật. Do đó mới phát ra trí tuệ chân thật. Chúng ta tu là để tiến tới liễu nhân, đó là con đường tu tập. Con đường tu tập đây có nhiều hướng, nhưng chính yếu là buông bỏ những tình chấp mê lầm về thân, tâm hư dối. Do chấp thân tâm hư dối nên chúng ta quên Phật tánh chân thật. Bây giờ chúng ta muốn trở về sống với Phật tánh thì phải tập buông bỏ những tình chấp mê lầm, thấu rõ thân này không phải là mình, tâm hư dối không phải là mình nên không chạy theo cái giả mà sống trở về với chánh nhân Phật tánh.
Phật dạy thân này do đất, nước, gió, lửa hòa hợp tạo thành; có hợp là có tan, như hôm nay ngồi đây là tạm hợp, mai nó tan phải ra nghĩa địa nằm. Đất là chất vô tri, không hiểu biết gì; nước, gió, lửa cũng vô tri. Tứ đại là vô tri, vậy cái gì là linh tri sáng suốt trong mỗi người chúng ta? Trong nhà Thiền có câu chuyện về ngài Phá Táo Đọa. Thiền sư Phá Táo Đọa là người Trung Hoa, ngài sống gần núi Tung Sơn. Một hôm, ngài cùng với nhóm đệ tử đi xuống núi, nghe mọi người nói ở dưới chân núi có cái miếu thờ ông Táo rất linh thiêng, ai mà xúc phạm thì bị bẻ cổ, vặn họng v.v... nên người ta giết gà, giết vịt, giết heo đến cúng tế ông để ông phù hộ cho khỏe mạnh làm ăn phát tài. Nghe như vậy, Thiền sư dẫn đệ tử đi vào trong miếu để cảnh tỉnh cho mọi người, cũng đồng thời cảnh tỉnh luôn ông thần Táo. Đến nơi, Thiền sư lấy gậy gõ vào cái bếp nói:
- Đây là ngói gạch hợp thành, linh từ đâu đến Thánh từ đâu lại mà ngươi đòi hỏi cúng tế nhiều sinh mạng như vậy?
Nói xong, ngài gõ thêm vài ba gậy vào cái bếp, bỗng nhiên cái bếp ngã đổ xuống. Mọi người xung quanh thấy giật mình, nhưng ngài thản nhiên rồi đi ra. Đi được vài bước, có một vị thanh niên mặc áo mão màu xanh giống như vị quan chức trang trọng đến lạy trước ngài.
Ngài hỏi:
- Ông là ai vậy?
Vị đó nói:
- Bạch Hòa thượng! Con chính là Thần Táo đây! Vừa rồi con mới được Hòa thượng khai thị cho pháp vô sanh. Con thoát khỏi kiếp táo, được sanh về cõi trời. Cho nên con đến lễ tạ Hòa thượng.
Ngài nói:
- Cái đó là tánh bản hữu của ông thôi.
Sau đó các vị đệ tử thắc mắc hỏi:
- Bạch Hòa thượng! Trước giờ tụi con đâu có nghe Hòa thượng dạy pháp vô sanh, sao hôm nay ông Thần Táo được nghe pháp vô sanh gì mà mau thoát khỏi kiếp Táo như vậy!
Ngài mới nói:
- Ta cũng đâu nói gì khác! Ta chỉ bảo đây là đất, nước, ngói, gạch tạo thành thôi. Linh từ đâu lại? Thánh từ đâu đến?
Ông Thần Táo lâu nay không có chỗ gá nương, nên mới tạm gá vào cái bếp lấy đó làm thân mình, chấp đó là mình nên bắt người ta cúng tế, ai đụng đến cái bếp đó thì bị vặn họng, bẻ cổ. Cũng giống như chúng ta bám vào cái thân này, mấy cục thịt cục xương kết lại thành thân lấy đó cho là mình, ai đụng tới thì sanh chuyện. Hằng ngày, chúng ta đòi hỏi ăn đủ thứ, ăn không ngon là không muốn ăn. Vậy thì mấy cục thịt cục xương, mấy sợi gân v.v... này là mình hay sao? Do đó, Thiền sư Phá Táo Đọa gõ vào mấy cục gạch nói linh Thánh ở chỗ nào? Đá gạch là vô tri, còn linh Thánh là sáng suốt, vậy mà bám vào mấy cái vô tri cho là sáng suốt sao? Ngay lời khai thị đó, Thần Táo liền giác ngộ. Buông cái bám chấp đó thì ông liền giải thoát. Đó là Pháp vô sanh. Chúng ta là cái linh tri sáng suốt, đâu phải mấy cục thịt, cục xương, mấy sợi gân vô tri này. Nếu chúng ta giác ngộ buông được mấy cục thịt này thì liền giải thoát. Nhưng do chúng ta chưa chịu buông nên vẫn còn khổ đau, phiền não đây. Đó là chỗ mê lầm, điên đảo của chúng ta. Chúng ta muốn giải thoát thì phải buông xuống những tình chấp mê đảo, nếu ai nói nặng hay xúc phạm mình thì chúng ta quán đó là họ nói nặng mấy cục xương, mấy cục thịt chứ đâu phải mình. Quán như vậy chúng ta sẽ cởi mở, sự thật là như vậy, chỉ là mấy cục thịt thôi. Nhưng do nhiều đời chúng ta chấp thân tâm hư dối là mình thật nên mới có phiền não, có sân si. Nếu biết rõ đất nước gió lửa là vô tri, buông bỏ tình chấp về thân thì chúng ta không phiền não khi ai đó đụng đến thân này.
Tâm hư dối cũng vậy, nó luôn luôn thay đổi lúc nghĩ thế này lúc nghĩ khác, lúc vui lúc buồn. Khi vui cho là tôi vui, khi buồn cho là tôi buồn. Bởi nhận cái "Tôi" này chính là mình, nên suốt cuộc đời chúng ta luôn lầm lẫn, không biết một ngày có bao nhiêu cái Tôi. Cho nên tu là để phá ngã, phá cái tôi cố hữu từ bao đời bao kiếp. Trong các Kinh A-hàm hoặc Nikaya, Phật thường nhắc nhở: "Quán kỹ! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức này không phải là ta, không phải là của ta, không phải là tự ngã của ta. Cho đến mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng không phải là ta, không phải là của ta, không phải là tự ngã của ta!", không có chỗ nào để bám. Nếu mỗi ngày chúng ta đều quán kỹ như: "ăn", cho là ta ăn. Nếu như vậy cái gì là "Ta"? Cái miệng là "Ta", cái lưỡi là "Ta", bao tử là "Ta" phải không? Rồi "Ta" buồn, "Ta" vui, "Ta" ghét, "Ta" suy nghĩ. Vậy cái đầu là "Ta" , cái não là "Ta" hay sao? như vậy một ngày có biết bao nhiêu cái "Ta" Trong Kinh Viên Giác, Phật dạy: "Vô minh là gì? Do chấp cái thân bốn đại này là ta, chấp cái tâm duyên theo bóng dáng sáu trần là Ta, đó gọi là vô minh". Phật định nghĩa nếu chấp cái tâm suy nghĩ phân biệt này là ta, đó gọi là vô minh điên đảo. Những cái sanh diệt hư dối không thật mà chấp là ta thì quả là điên đảo. Điên đảo tức là cái thấy nó lộn ngược. Cái giả lấy làm thật, trong khi cái thật không biết lầm nhận với cái giả, do thấy lộn ngược như vậy nên gọi là điên đảo. Bây giờ chúng ta tu phải chuyển cái nhìn lại, cái thật phải thấy là thật, cái giả phải thấy là giả mới hết điên đảo.
Thiền sư Bàn Khuê ở Nhật Bản, ngài có lời khai thị cho người học rất hay: "Mỗi người ở trong đây cũng như thế! Từ trước đến nay đã từng làm ác, bị cuốn theo bởi nhiều loại bám víu và thèm khát, bị xâm chiếm bởi sân si cho nên chịu luân hồi, chuyển tâm Phật vốn có thành ra A-tu-la và quỷ đói. Nhưng sau khi nghe tôi giải thích về tâm Phật Bất sinh rồi. Quý vị hiểu rõ thì chính cái tâm tham dục, sân giận bám víu bấy lâu nơi quý vị lập tức chuyển thành tâm Phật Bất Sinh và quý vị sẽ không bao giờ mất tâm ấy, dù trải qua mười ngàn kiếp. Khi quý vị an trú trong tâm Phật ấy thì từ đây quý vị sẽ là những vị Phật sống. Nhưng đừng lầm, nếu quý vị đánh mất cái tâm Phật ấy thì mười ngàn đến cả trăm ngàn kiếp sau quý vị cũng không thành Phật được. Hãy nên nhớ kỹ điều này". Tức là khi chúng ta đánh mất cái tâm Phật Bất Sinh thì dù mười ngàn kiếp sau cũng không thành Phật được. Thành Phật là từ tâm Phật này mà thành. Đây là những lời chân thật thiết tha của người đã giác ngộ nói ra. Bởi chính ngài đã chứng nghiệm lẽ thật đó, nên ngài nói một cách mạnh mẽ xác quyết không nghi ngờ. Chúng ta muốn sống trở lại với chánh nhân sẵn có, thì phải nên buông bỏ những tình chấp mê lầm. "Tu" là ngay cái điên đảo này mà thấy đúng trở lại chứ không gì khác. Tu là chuyển mê thành giác, chính mình mê rồi cũng chính mình giác.
V. TÓM KẾT
Mỗi người đều có chánh nhân Phật tánh, nhưng nhiều đời quên mất không biết gọi là mê, ngày nay được nghe được nhắc lại là một duyên lớn. Chúng ta biết mình có chánh nhân, tin nhận soi trở lại, đồng thời nỗ lực tu tập những pháp lành để buông bỏ những tập khí mê lầm, thành tựu liễu nhân Phật tánh, tức mở mắt tuệ cho Phật tánh hiện bày. Có được liễu nhân Phật tánh thì sinh diệu dụng Phật tánh bất khả tư nghì không nói hết được.
Vì vậy, liễu nhân là phần còn lại của mỗi người, chúng ta phải tự phát huy ra, không thể ỷ lại hoàn toàn vào ông thầy. Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Hiện Bảo Tháp ghi, khi Phật nói kinh Pháp Hoa xong thì ngài tuyên bố vào Niết-bàn: "Ai có thể ở trong cõi Ta-bà này nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nay chính là phải lúc. Như Lai không bao lâu sẽ vào Niết-bàn, Phật muốn đem Kinh Pháp Hoa này phó chúc cho có người". Phật nói Kinh Pháp Hoa là khai thị cho người ngộ nhập tri kiến Phật. Phật nói Kinh Pháp Hoa xong là phần của Phật đã xong nên ngài vào Niết-bàn. Phần còn lại là để cho mỗi người phát huy Kinh Pháp Hoa nơi mình, khai thác tri kiến Phật nơi mình không còn ỷ lại nơi Phật nữa. Cho nên, Phật vào Niết-bàn để phần còn lại cho mỗi người tự phát huy. Đó là ý nghĩa nhắc nhở cho mỗi người không nên ỷ lại bên ngoài, phải tự phát huy cái thật nơi mình để tiếp nối hạt giống Phật ở thế gian này. Cũng chính là đền ơn Phật, không cô phụ nhân duyên Phật ra đời.
Tóm kết ý nghĩa này bằng bài kệ của ngài Phó Đại Sĩ, hóa thân của Bồ-tát Di-lặc ở Trung Hoa, ngài nói:
Dạ dạ bão Phật miên,
Triêu triêu hoàn cộng khởi.
Khởi tọa trấn tương tùy,
Ngữ mặc đồng sở chỉ.
Tiêm hào bất tương ly,
Như hình ảnh tương tợ.
Dục thức Phật khứ xứ,
Chỉ giá ngữ thinh thị!
Dịch:
Đêm đêm ôm Phật ngủ,
Sáng sáng cùng Phật dậy.
Ngồi đứng cùng theo nhau,
Nói nín đồng chung ở.
Chẳng mảy may tạm rời,
Giống hệt bóng với hình.
Muốn biết chỗ Phật đi,
Chính cái nói năng đó!
Mỗi đêm chúng ta ôm Phật ngủ, sáng dậy cùng Phật dậy, nói nín cùng chung ơ,û không lúc nào tạm rời. Nhưng chúng ta lại mê lầm, hằng ngày đi với Phật, đứng với Phật, ngủ với Phật, thức với Phật, lại đi tìm Phật. Vì vậy, ở đây đánh thức mọi người luôn sống trở về với lẽ thật nơi chính mình. Muốn biết chỗ Phật đi thì chính ngay cái nói năng đây, Phật là ngay trong đó chứ không đâu khác. Đây là Phật thật, không phải Phật theo hình tướng bên ngoài, Phật đây là chánh nhân. Chánh nhân luôn sẵn có nơi mình, lúc nào cũng không tạm thời. Giờ chỉ còn một điểm là chúng ta khéo nhớ trở lại chánh nhân để phát triển thành diệu dụng, thắng được những phiền não đau khổ nơi mình, như vậy Tam nhân Phật tánh trọn vẹn đầy đủ ý nghĩa. Hiện tại, mỗi người đều có đủ chánh nhân, duyên nhân, phần còn lại là liễu nhân hãy tự phát huy để chứng nghiệm lẽ thật nơi mình. Vậy mong tất cả đều thành tựu đầy đủ Tam nhân Phật tánh. Đó là sống để trở về nguồn gốc chân thật của chính mình, là niềm vui lớn nhất ở trên thế gian này.
Các bài mới
- Tâm Kinh Bát Nhã qua cái nhìn của nhà thiền - 23/09/2015
- Giải trừ bản ngã - 23/06/2015
- Ta thì chẳng phải là ta - 22/06/2015
- Chẳng lầm nhân quả - 18/06/2015
- Thấy pháp - 06/05/2015
Các bài đã đăng
- Tâm ấn tâm - 03/03/2015
- Nó đây rồi - 02/03/2015
- Thấy biết đúng như thật - 01/03/2015
- Con đường khai phóng tâm linh - 27/02/2015
- Tâm thể tinh khôi - 26/02/2015
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 84253
- Online: 67