Tâm thiền

08/05/2018 | Lượt xem: 4094

TT.Thích Thông Phương

I- THẾ NÀO LÀ TÂM THIỀN?

Hỏi thế nào là muốn định nghĩa nó, muốn hiểu nó, nhưng “tâm thiền” mà định nghĩa được là thuộc về văn tự rồi, đâu còn là thiền. Bởi thiền chân thật cũng chính là tâm, rời tâm làm sao có? Vậy tâm làm sao định nghĩa tâm? Thức tình thì luôn luôn muốn hiểu biết, do đó phải định nghĩa để hiểu, như thế thì biến tâm thiền sống thành khuôn mẫu chết, đóng khung nó vào trong chữ nghĩa.


Thiền sư Lâm Tế -Nghĩa Huyền từng bảo: 

“Bên ngoài phát ra nghiệp lời nói, âm thanh, bên trong biểu hiện pháp tâm sở. Do nghĩ mà có niệm, thảy đều là áo, ông nhận chiếc áo nó mặc như thế cho là thật hiểu, dẫu trải qua số kiếp như bụi cũng chỉ là y thông (thần thông bên ngoài của chiếc áo). Ba cõi xoay vần, lăn lộn trong sinh tử, chẳng bằng vô sự, gặp nhau chẳng biết nhau, cùng nói chẳng biết tên”. Có nói ra, thành ngôn ngữ, âm thanh là thuộc chiếc áo mặc trên thân, không phải bản thân chân thật, bám chấp vào đó cho là thật hiểu, là trái xa với thiền. Lại ở trên đó mà tranh cải nữa thì càng xa thêm, chẳng bằng vô sự, quên duyên, ngay đây gặp nhau mà chẳng biết nhau là khéo hơn hết. Sao là gặp nhau mà chẳng biết nhau? Vì biết nhau là thành có hai người rồi, là có tên, là thuộc cái bị biết, rơi vào trong bóng dáng, đã xa mất gốc. Chính ngay đây, cái gì đang nói? Cái gì đang nghe? Hãy thầm nhận tức thì chưa qua suy nghĩ, đó là Sức sống thiền đang hiện hữu, là tâm thiền sáng ngời! Vừa có tâm sinh liền thành ngăn cách.

Có câu chuyện, vị Tăng ở Hải Đông tên Hiểu Công đến Trung Hoa cầu pháp. Ban đêm Sư nghỉ tạm nơi ngôi mộ cổ, khát nước quá nhìn qua bên cạnh thấy có một chỗ nước trong, bèn lấy tay vốc nước lên uống, cảm thấy ngọt mát khác thường. Sáng ra, nhìn lại là cái lỗ đầu lâu của người chết, ngay đó Sư liền ói mữa ra và bỗng chợt tỉnh ngộ: “Một tâm không sinh, muôn pháp không lỗi”.

Cho thấy, ban đầu tâm phân biệt chưa sinh nên uống chỉ uống thôi, không có việc gì, sáng ra tâm phân biệt sinh nên thành khác. Bởi vậy, tâm phân biệt vừa sinh liền thấy có lỗi lầm khắp nơi, quên niệm phân biệt thì tâm thiền sáng ngời đó, còn hỏi thế nào chi nữa?

 

II- AI KHÔNG TÂM THIỀN.

Hiện tại mỗi người đang sống đây không ai là chẳng có tâm, mà có tâm tức là có thiền, thiền sẵn ở trong tâm. Đức Phật trước khi thành đạo, sau thời gian tìm thầy học đạo các nơi đều không mãn nguyện, cuối cùng Ngài từ giã hết, đến dưới cội cây Tất-bát-la ngồi thiền định bốn mươi chín ngày đêm, đến đêm cuối khi sao mai mọc liền thành tựu giác ngộ vô thượng. Vậy Phật thành đạo là từ đâu mà thành? Đâu thể là ở trên sao mai hay nơi cội Bồ-đề.

Rồi chư Tổ sau này tỏ ngộ thiền là từ đâu mà ngộ? Tổ Bồ Đề Đạt Ma ngó vào vách chín năm là muốn chỉ cái gì? Quả là việc này không thể tìm bên ngoài.

Tuyết Phong khi đến hỏi Thiền sư Đức Sơn- Tuyên Giám:

- Việc trong tông thừa từ trước, con có phần chăng?

Đức Sơn đánh một gậy bảo:

- Nói cái gì?

Sư liền rỗng rang như thùng lủng đáy.

Hỏi con có phần chăng, tức là còn nghi việc này mình không có phần hay sao? Đây là chân lý bình đẳng với tất cả, đâu thể người này có phần, người kia không có phần. Nên Đức Sơn đánh cho một gậy để tỉnh lại. Sau này Sư ra giáo hóa, có vị Tăng hỏi:

- Hòa Thượng đến Đức Sơn được cái gì liền trở về?

Sư đáp:

- Ta đi tay không về tay không.

Tức là không có được thêm cái gì khác ngoài tâm thiền sẵn có từ xưa nay mà bất giác bỏ quên. Nay được đánh thức để nhớ trở lại thôi. Cho nên việc này chỉ cần tự nhận là xong.

Huệ Lãng đến Hòa Thượng Thạch Đầu hỏi:

- Thế nào là Phật?

Thạch Đầu đáp:

- Ông không có Phật tánh.

- Xuẩn động hàm linh lại thế nào?

- Xuẩn động hàm linh lại có Phật tánh.

- Huệ Lãng vì sao không?

- Vì ông chẳng chịu nhận.

Ngay câu đó Sư liền tin vào.

Quả thật có mà chẳng chịu nhận thì cũng như không, rồi chạy đi tìm kiếm, cầu mong. Tin nhận trở lại thì sẵn đủ không thiếu, khỏi phải nhọc nhằn tìm ở đâu khác.

Có vị Tăng đến hỏi Thiền sư Thạch Cựu:

- Thế nào là hạt châu trong tay Bồ Tát Địa Tạng?

Sư bảo:

- Trong tay ông lại có chăng?

Cứ lo hỏi hạt châu trong tay Bồ Tát Địa Tạng, quên mất hạt châu trong tay mình thì sao? Có ai thiếu đâu?

Thiền sư Khuông Việt có bài kệ:

Trong cây vốn có lửa

Có lửa, lửa lại sinh,

Nếu bảo cây không lửa,

Cọ xát làm sao sinh ?”.

Tâm Thiền chân thật vốn có sẵn nơi mỗi người, nên tu hành công phu tương ứng liền tỏ ngộ không qua suy nghĩ, tính toán phân biệt. Đây là niềm vui lớn trong thế gian này, niềm vui không thể nghĩ bàn!

 

III- PHẢI THẤY TRỞ LẠI.

Đã biết có rồi, phải thấy trở lại, phải phát minh ra để sống, không thể cứ để chôn vùi mãi trong tối tăm. Nó vốn hiện hữu ngay trong cuộc sống đây, khéo soi lại thì nhận ra ngay, không khó khăn gì.

Thiền sư Pháp Loa hỏi Điều Ngự:

- Khi muôn dặm mây tạnh thì thế nào?

Ngài đáp:

- Mưa tầm tã.

- Khi muôn dặm mây che kín thì thế nào?

- Trăng vằng vặc.

Đây chính là Ngài khéo đánh thức Tâm Thiền đang hiện hữu sáng ngời đó! Nếu là mây đen mù mịt che phủ hết thì ông làm sao còn có biết để hỏi? Rõ ràng nó đâu che lấp được ánh sáng này, chỉ ông chẳng khéo nhận thôi. Còn trời trong không vết mây, tức hiển bày rành rõ đó, sao còn phải hỏi, vậy không phải là mưa tầm tã hay sao? Là tự ông che lấp ông rồi! Cho thấy tâm thiền của Sơ Tổ Trúc Lâm vẫn luôn sáng ngời ngay trong lúc đang hỏi đáp đó chưa từng thiếu vắng, cũng ngầm đánh thức cho người ngay đó tỉnh lại là xong.

Có vị Tăng(có chỗ nói là học giả đạo Khổng, tên Date) đi hỏi đạo với Thiền sư Việt Khê:

- Bạch Thầy! Con nghiên cứu Phật học, nho học cả hai mươi năm, chỉ đối với Thiền đạo thiếu một kẻ hở chẳng thông, thầy có thể chỉ dạy cho con một chút chăng?

Thiền sư Việt Khê chẳng nói gì, bất ngờ tát ngay vào mặt ông một tát, rồi hét đuổi ra cửa.

Vị Tăng thầm nghĩ:

- Thật là chẳng có gì hay cả, ta nhất định phải trả đủa ông ta mới được.

Chính khi vị Tăng ấy bực bội đến gặp vị Thủ tọa, Thủ tọa thấy vẻ mặt nổi giận của ông, liền nhẹ nhàng hỏi:

- Đã sinh chuyện gì rồi? Hãy đến đây uống với tôi một tách trà đi! Người cầu đạo có chuyện gì phải nổi giận.

Vị Tăng vừa uống trà, vừa trút ra cái hận Thiền sư Việt Khê vô cớ đánh trách mình. Ngay khi ông thuật lại đó, bất ngờ vị Thủ tọa cũng đánh cho ông một tát, tách trà trên tay rớt xuống đất bể nát.

Vị Thủ tọa bảo:

- Vừa rồi ông nói đã rõ được Phật pháp, Nho học, chỉ còn một chút Thiền đạo thì hiện tại tôi đã dùng Thiền đạo cúng dường ông rồi đó! Ông biết cái gì là Thiền đạo chăng?

Vị Tăng trố mắt há hốc, chẳng biết đáp thế nào.

Vị Thủ tọa hỏi tới một lần nữa, vị Tăng cũng đáp chẳng ra.

Thủ tọa bảo:

- Thật không biết xấu hổ, chính tôi sẽ cho ông xem thấy Thiền đạo của tôi đây!

Thủ tọa liền gom hết những mảnh vỡ của tách trà nhặt lên, sau đó dùng vải lau khô hết nước trà trên đất, tiếp theo nói:

- Trừ ngoài chút này, còn có Thiền đạo gì nữa chăng?

Vị Tăng liền tỉnh ngộ Thiền đạo ở ngay bên mình, từ đó ở lại tham học với Thiền sư Việt Khê.

            ( Tinh Vân Thiền Thoại)

 

Nghe nói Thiền Đạo nhiều người thường nghĩ tưởng nó ở đâu đâu nên chạy đi tìm hỏi, không ngờ nó ở ngay chính mình, ngay chỗ sống hằng ngày đây thôi. Bặt niệm kia đây thì ngay cử chỉ hành động hằng ngày đều sáng ngời không mê. Thiền đạo hay tâm Thiền luôn hằng hữu đó! Vừa khởi tâm so đo, tính toán liền trái xa.

Tín Tâm Minh nói:“ Hào ly hữu sai, thiên địa huyền cách”. Mảy may vừa sai, trời đất xa cách. Chỗ này vừa nhích một niệm là lầm qua mất, không cho tình thức kịp xen vào.

 

IV- DÁM TIN HAY CHƯA?

       Một sự thật ở ngay chính mình, trong chính mình thì còn nghi ngờ gì nữa chẳng chịu tin nhận? Con đường chánh giác thênh thang trước mắt chẳng chịu đi, còn đợi cái gì? Gốc mê lầm từ vô thủy ngay đây có thể nhổ bật lên bất cứ lúc nào, chần chừ do dự tức lầm qua!

Có vị Tăng hỏi Thiền sư Nguyệt Luân:

- Thế nào là chỗ dụng tâm của học nhân?

Sư đáp:

- Cửa giác mở toang, đối trăng chớ mê.

Thiền sư chỉ thẳng, ngay đây cửa mở sẵn sàng, nói năng qua lại đang đối trước lẽ thật sáng ngời hiện tiền đó, không có gì che giấu, sao còn chẳng chịu nhận? Lại muốn tìm cái gì khác lạ nữa.

Thủ Sơ đến tham vấn Vân Môn.

Vân Môn hỏi:

- Vừa rời ở đâu?

Sư thưa:

- Tra Độ.

- Mùa hạ rồi ở đâu?

- Ở chùa Báo Từ tại Hồ Nam.

- Rời nơi ấy lúc nào?

- Ngày hai mươi lăm tháng tám.

- Tha ngươi ba gậy.

Hôm sau Thủ Sơ đến thưa:

- Hôm qua nhờ ơn Hòa Thượng tha ba gậy, con không biết lỗi tại chỗ nào?

Vân Môn bảo:

- Cái túi cơm! Giang Tây, Hồ Nam liền thế ấy.

Ngay câu nói, Sư đại ngộ.

Hãy xem Thủ Sơ mới đó hỏi đáp rõ ràng không chút ngưng trệ, tại sao vừa nghe tiếng ba gậy lại thành ngăn ngại? Quả là theo tiếng liền mê. Nếu biết thẳng đó tin nhận liền xong, tâm Thiền hằng sáng tỏ chưa từng thiếu vắng bao giờ. Còn gì vui sướng hơn!

***

 

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 26821
  • Online: 14