Tâm xuân

21/02/2020 | Lượt xem: 6214

                 TT.Thích Thông Phương

Hôm nay, nhân Ngày Khai Pháp đầu năm, để sách tấn nhau trên đường tu học, Quý Thầy xin được trao đổi với quí Phật tử đề tài "Tâm Xuân".Khi nói đến mùa xuân là nói đến sự tươi đẹp, an lành. Thế nhân thường mượn mùa xuân để nói đến cuộc sống tươi vui đầy sức sống vươn lên, nên tuổi trẻ được gọi là tuổi thanh xuân, tuổi đầy sức sống. Ngược lại, dù là ngày Tết mà khóc lóc, buồn bã thì cũng không có ngày xuân.

Mà muốn được sống vui như mùa xuân thì phải làm sao?

Phải có Tâm Mùa Xuân. Tức là lúc nào lòng cũng phải mới mẻ, phải tươi vui, không cũ kỹ, khô cằn như mùa thu lá rụng hay mùa đông giá lạnh.

Để có cuộc sống vui như mùa xuân thì phải có tâm mùa xuân là dễ hiểu rồi, nhưng làm sao để có được Tâm Mùa Xuân, đó mới là điều quan trọng. Muốn vậy, chúng ta phải học theo hạnh của ngài Di Lặc.

Theo kinh sách ghi thì hiện nay ngài Di Lặc là Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ ở cung trời Đâu Suất. Tại thế gian, hình ảnh hóa thân của Ngài đang được người Trung Hoa thờ phụng qua hình dáng của Hòa thượng Bố Đại bụng phệ, mặt tròn, mỉm cười toe tét.

Vậy cái bụng lớn, miệng cười này có nghĩa gì?

Có câu đối thế này: "Đại đổ năng dung, dung thế gian nan dung chi sự. Hàm nhan vi tiếu, tiếu thế gian nan tiếu chi nhân" (Cái bụng lớn có thể dung chứa những việc mà người đời không dung chứa được. Miệng nở nụ cười mỉm với những điều mà người đời khó có thể cười được. (HT. TS)

Qua tôn tượng, chúng ta thấy Ngài cười một cách thoải mái, cười sạch trong lòng, không phải cười gượng, cười ẩn ý, cười mỉa mai, cười ra nước mắt, đủ thứ cười như chúng ta. Cộng thêm năm đứa bé đeo lên mình, đứa móc tai, đứa móc mũi, đứa móc miệng… mà Ngài vẫn cười. Đó là tượng trưng cho sáu trần. Đúng ra là phải sáu đứa, nhưng thường chỉ thấy năm đứa. Còn đứa tượng trưng cho pháp trần là đối ý căn ẩn bên trong nên không thể thấy mà chỉ thầm hiểu. Nhìn tượng thờ, chúng ta thật sự thấy Ngài là con người hạnh phúc, con người của mùa xuân, ai nhìn vào cũng thấy hoan hỉ, cũng muốn cười theo.

Đặt câu hỏi: Tại sao Ngài cười được như vậy? Trong khi sáu đứa giặc này luôn quấy rầy mà Ngài vẫn cười vui thoải mái. Do tâm Ngài hỷ xả. Ngài tu hạnh hỷ xả.

Hỷ xả là sao? Hỷ là vui. Xả là bỏ. Là vui mà bỏ.

Chuyện kể có lần Ngài tắm dưới ao, áo quần để trên bờ. Đám trẻ đùa nghịch lấy quần áo giấu nơi khác. Ngài lên bờ để thân trần trụi thoải mái chạy đuổi theo bầy trẻ lấy lại quần áo, lòng không chút gợn sóng. Vậy mới là vui, là tâm mùa xuân.

Bởi vì Ngài có tâm hỷ xả. Hỷ xả là tâm luôn hoan hỷ và buông bỏ. Buông bỏ mà vui vẻ. Chúng ta nhiều khi cũng buông, song gắng gượng bắt buộc để buông. Như ai nói nặng xóc óc thì buồn muốn nói lại cho hả giận, nhưng nhớ tỉnh nên dằn xuống cố buông. Vậy sự buông này có hỷ xả không? Đó là cố gắng dằn xuống chứ không phải là hỷ xả. Còn Ngài buông mà vui. Hoàn toàn không chấp giữ, chất chứa gì hết.

Con người sở dĩ đau khổ triền miên là vì tâm chấp giữ quá nặng. Cứ nắm hoài. Nắm rồi chứa. Khi nghe một câu nói không vừa ý thì ghi khắc trong lòng, mà ghi sâu chừng nào thì mệt chừng ấy. Còn giận ai thì giận suốt đời không quên. Như vậy làm sao mà vui được. Lâu lâu ra đường gặp mặt người đó cười được không? Nếu trong lòng giận chừng mười người như vậy thì sao? Ở kia gặp người này không ưa, xuống miền tây gặp người kia không hợp, thì trong lòng chắc là ít có mùa xuân.

Chúng ta nhớ rằng chẳng lẽ mình sống trên đời để giận để hờn nhau hay sao? Đó là điểm để chúng ta kiểm lại, đánh thức mình. Có khi mười năm, hai mươi năm về trước, người đó đối xử tệ xấu với mình, bây giờ đã thay đổi không phải như xưa, nhưng chúng ta cứ nhớ chuyện người ta đã xử tệ ngày trước, rồi theo đó mà đối xử buồn vui với họ.

Cho nên điều thứ sáu trong kinh Bát Đại Nhân Giác có câu:

                    Quán thân đồng chẳng so đo,
                    Cũng không nhớ đến ác xưa người làm.
                    Người dù tạo ác gây hờn,
                    Cũng không ghét bỏ chỉ thương mê lầm.

Phật dạy quán thân mình và người bình đẳng như nhau, không so đo tính toán, cũng không nhớ đến điều ác xưa người đã tạo. Chuyện xưa qua rồi không nhớ nữa.

Dù người đó có tạo ác gây hờn với mình nhưng đã biết đạo thì cũng không ghét bỏ, vì nếu họ không mê thì đâu ai làm vậy, chỉ cảm thương họ gây tạo quả xấu, vậy thôi!. Nhờ đó, chúng ta được cởi mở, được nhẹ nhàng. Vậy bí quyết để an vui là gì? Là hỷ xả, "hỷ xả thì được an vui, còn chấp giữ thì đau khổ".

Trong nhà thiền có câu chuyện. Một thanh niên nọ tánh tình hung bạo, ưa nổi nóng gây gổ nên thường bị mọi người ghét bỏ. Một hôm, tình cờ đi lang thang đến ngôi chùa gặp Thiền sư Nhất Hưu đang thuyết pháp. Anh thấy lạ nên vào nghe.

Khi nghe xong thời pháp anh cảm ngộ. Đến gặp ngài Nhất Hưu phát nguyện từ đây sẽ không cãi lộn đánh nhau để khỏi bị người ghét bỏ.

Anh nói:

- Dù ai đó nhổ nước miếng vào mặt đi nữa con cũng nhịn nhục chùi đi. Nghe rồi.

Thiền sư Nhất Hưu bảo:

- Đâu cần như vậy! Cứ để nước miếng tự khô không cần phải chùi.

Anh ta thưa:

- Đâu được Thầy, làm sao mà có thể chịu nổi.

Thiền sư bảo :

- Thì đâu có gì mà chịu nổi hay không chịu nổi, anh cứ xem như muỗi mòng đậu lên mặt, không đáng, cũng không nhục nhã, cứ cười nhẹ mà nhận.

Anh thưa thêm:

- Nếu trường hợp gặp đối phương đánh mình thì sao?

Thiền sư bảo:

- Thì cũng thế thôi! Cũng chỉ là cái đấm vậy thôi.

Anh nghe xong, chịu hết nổi, lấy tay đánh vào đầu Thiền sư Nhất Hưu một cái nói:

-Hiện tại, Hòa thượng thế nào?

Thiền sư bảo:

- Cái đầu của ta cứng như đá nên không cảm giác, trái lại tay của anh đau lắm phải không? Đến đây, anh hết nói luôn.

Tâm của Thiền sư buông xả rỗng rang không chất chứa nên không thấy nhục, không phản ứng gì hết; còn chúng ta nếu bị đánh là nhục, có sân liền. Người nọ tưởng đánh như vậy khiến Ngài bực bội, ai dè Ngài thanh thản an nhiên như không có gì nên mùa xuân luôn ở trong Ngài.

Như câu chuyện Phật bị Bà-la-môn mắng chửi. Phật đi trước ông đi sau mắng chửi hoài. Ngài cứ im lặng đi không nói gì hết. Cuối cùng, ông Bà-la-môn chạy tới hỏi:

- Này Cồ Đàm, bộ điếc sao mà tôi chửi ông không nói gì hết?

Phật thong thả nói:

- Ta không điếc.

- Nếu không điếc vậy sao nảy giờ tôi nói mà ông im lặng?

Phật nói:

- Như ông có món quà muốn biếu cho người, người không nhận thì món quà đó thuộc về ai?

Ông nói:

- Của tôi đem tặng mà không nhận thì đem về nhà chứ có gì đâu. Phật nói: cũng vậy, ông chửi mắng Ta, Ta không nhận thì ông đem về nhà ông đi!

Chúng ta thấy tâm Phật an ổn không? Bị mắng chửi mà không nói, không giận, của họ thì họ tự mang về nhà, tự mang quả báo ác do khẩu nghiệp tạo. Còn chúng ta thì sao? Nhận. Mới có khổ.

Thế nên, chúng ta phải khéo học buông xả, học hạnh khước từ tất cả. Học được như vậy là tâm luôn có mùa xuân. Ngược lại, nhiều khi người ta chưa đem quà tới cửa là chúng ta đã vội chạy ra nhận rồi. Quí vị thấy có không? Tức là họ chưa chửi ngay mặt mình, chỉ chửi xa xa hay là nói với người nào đó là mình đã ra mặt nhận rồi than khổ, chịu khổ. Chúng ta cần phải học hạnh từ chối tất cả. Của anh vẫn là của anh, tôi không nhận.

Trong nhà thiền cũng có chuyện vừa vui mà vừa ý vị là có hai huynh đệ đi trên con đường lầy lội, gặp một cô gái đang mặc đồ mới và đẹp muốn đi qua, nhưng ngại bùn dính dơ đồ.

Ông sư huynh thấy vậy bảo:

- Đến đây ta đưa qua cho. Rồi bế cô bé bỏ qua bên kia đường, xong tự nhiên đi tiếp. Trên đường về, người sư đệ bực bội ra mặt, cuối cùng chịu hết nổi, lên tiếng trách sư huynh:

- Chúng ta là người tu hành, sao huynh làm gì kỳ vậy?

Sư huynh cười ha hả.

Đáp:

- Tôi đã bỏ cô gái ấy ngay lúc đó, còn ông bồng cô gái ấy tới chùa nữa à! Hèn chi mà ông không được vui.

Người sư huynh làm rồi là xong. Còn thầy kia lại ôm trong lòng nên không vui. Khi vô tâm làm, việc qua rồi thôi không vướng mắc gì hết. Còn ở đây có tâm bám giữ ôm cất, chưa phải mình làm mà đã ôm cất nên thành chướng ngại. Tuy nhiên, chúng ta học thiền là phải đạt ý quên lời, chớ không phải nghe đâu chấp đó.

Như câu chuyện này phải học thế nào? Học tinh thần buông bỏ chứ không phải học luôn cả câu chuyện, đó mới chính là khéo học. Cho nên, ra đường ra chợ gặp ai đó chửi mắng xúc chạm đến mình, nghe qua rồi buông là xong, về nhà tinh thần an ổn. Nếu ôm theo về nhà, rồi đem cả lên giường ngủ thì sao? Là nguy hiểm.

Chúng ta nếu hiểu, tập ứng dụng như vậy, lỡ bị người xúc phạm cũng cho phép buồn một chút, vì chưa phải là bực thánh nên cũng còn buồn vui. Song, buồn đó rồi đặt xuống liền thì sẽ không mất tâm mùa xuân, mới được vui vẻ.

Quí vị nhớ câu chuyện Thiền sư Bạch Ẩn, khi tiếng tăm lên cao thì ai cũng quý kính Ngài. Bấy giờ, có cô gái gần chùa không chồng mà có thai. Người cha trách mắng hỏi ai là tác giả? Cô bức quá nên chỉ Thiền sư Bạch Ẩn. Người cha nghe tức giận, đến chùa dùng những lời thô tục của thế gian đổ hết tức giận lên ngài Bạch Ẩn. Sau khi sanh ra đứa bé, người cha bồng giao cho Ngài luôn. Ngài nói:

- Thế à!

Một thời gian sau, cô gái bị lương tâm cắn rứt nên đến thú nhận hết với người cha, khai thật tác giả là anh chàng bán cá ngoài chợ. Người cha hoảng sợ. Tội lỗi quá chừng. Đến chùa dập đầu tha thiết sám hối và xin lại đứa bé.

Ngài chỉ cười nói:

- Thế à! Rồi thôi.

Câu trước Ngài cũng nói "thế à!", câu sau cũng "thế à!"ø. Chứng tỏ trong lòng Ngài dù bị vu oan, chửi mắng nhưng vẫn rỗng rang không gợn sóng. Đến khi người kia sám hối lấy lại đứa bé cũng không buồn không giận. Nếu là chúng ta, nhất định phải làm cho một trận. Còn Ngài, trước sau vẫn bình thản như không có gì. Đó mới là mùa xuân vui vẻ.

Thiền sư Tịnh tức ngài Thử Am có làm bài kệ:

                    Lưu thủy hạ sơn phi hữu ý,
                    Phiến vân qui động bổn vô tâm.
                    Nhân sinh nhược đắc như vân thủy,
                    Thiết thọ khai hoa biến giới xuân.

                    Nước tuôn xuống núi nào có ý,
                    Mây bay về động vốn vô tâm.
                    Người đời nếu được như mây nước
                    Cây sắt trổ hoa, khắp chốn xuân.

Nếu sống được như Ngài, khéo giữ tâm mình như mây bay nước chảy, thì thường luôn thấy mùa xuân. Mây bay lơ lửng đâu bám chỗ nào? Nước tuôn xuống núi chảy qua cát đá, sỏi đất, bùn lầy nhơ nhớp, gai góc, chỗ sạch chỗ dơ, chỗ thông hoặc chỗ quanh co cũng tuôn qua hết, không dừng không chọn, vì nước vô tâm. Tâm mình nếu được thênh thang rỗng suốt như vậy thì ở chỗ nào cũng là mùa xuân. Được vậy, thì dù vật không nhụy như cây sắt cũng sẽ trổ hoa, cũng hiện bày mùa xuân.

Phải tập Vô tâm như vậy thì khi nghe người nói nặng cũng cho qua, không dừng lại sanh chuyện. Vô tâm là rỗng rang, vô tư không dính mắc, tức không có chỗ bám giữ níu lấy.

Vua Trần Nhân Tông nói: "Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền!". Nếu gặp cảnh mà tâm rỗng rang thì đâu cần phải tìm thiền, học thiền chi nữa. Nói rõ hơn là không để tâm mọc rễ nơi nào hết thì chỗ nào cũng là hiện hữu mùa xuân.

Một hôm, Thiền sư Dược Sơn - Duy Nghiễm đi vào vườn thấy thầy Tri viên trong vườn rau mới hỏi:

- Ông làm gì ở đây?

- Bạch Hòa thượng con đang trồng rau.

Dược Sơn bảo:

- Trồng thì không ngăn ông trồng nhưng chớ để cho nó mọc rễ?

Tri Viên Thưa:

- Nếu không mọc rễ thì đại chúng lấy gì ăn?

Dược Sơn bảo:

- Ông cũng có miệng nữa hay sao? Thầy Tri viên hết nói.

Thiền sư Dược Sơn nhân việc trồng rau dạy pháp tu. Trồng thì cho trồng nhưng cấm không cho mọc rễ. Cũng vậy, cho phép chúng ta thấy nghe hiểu biết nhưng đừng để tâm mọc rễ ở chỗ thấy nghe, thế là xong! Đó chính là "thiền". Mỗi khi chúng ta thấy hoặc nghe cái gì… là mọc rễ ngay, vì vậy mà sanh phiền não. Ai muốn có tâm mùa xuân, muốn miệng luôn nở nụ cười thì phải học: Buông xả, đừng để cho nó mọc rễ.

Quí vị xét kỹ âm thanh tiếng chửi chỉ là một tiếng vang đi qua tai đâu có gì, sao giữ lại trong đầu làm chi? Cho nó qua tai rồi tan vào hư không thì đâu có chuyện gì. Thí dụ như chửi nặng mình là "con trâu" chẳng hạn. Thì tiếng ấy có còn không? Nó đã qua và tan vào hư không rồi. Chỉ vì chúng ta giữ lại trong đầu rồi nhớ, rồi phân biệt, rồi khổ. Nhưng kiểm lại kỹ tiếng đó có nặng nhẹ thật không? Thử đem cân âm thanh mà ta cho là nặng xem được bao nhiêu ký? Chỉ là tập khí tưởng tượng, phân biệt chớ tiếng vang đâu có nặng nhẹ. Đó là cái lầm của chúng ta.

- Thứ nữa, người đó chửi tôi nhưng thật ra là chửi ai? Làm sao họ thấy được mình mà họ chửi. Chỉ chửi cái thân thịt mấy chục ký lô này thôi, chứ "mình" đâu phải là cái thân thịt này. Đâu lẽ mình là thứ đó sao?

Mình đâu phải những thứ đó. Mình là cái sáng suốt linh tri. Nhiều khi tu mấy chục năm còn chưa thấy được nó, thì họ làm sao thấy mà chửi. Rõ ràng họ chửi mấy cục thịt xương này chớ không gì hết. Nếu quý vị quán kỹ đúng lý thì rõ ràng là như vậy, nhớ như vậy thì được nhẹ nhàng cởi mở.

Có một vị tăng hỏi Thiền sư Cư Độn:

- Người xưa được cái gì mà thôi nghỉ?

Đáp:

- Như giặc vào nhà trống.

Tức hỏi các Ngài làm sao được đến chỗ an ổn nghỉ ngơi. Đáp là như giặc vào nhà trống đâu có gì mà lấy?

Nhà quí vị bây giờ đang trống hay là kẹt cứng? Nhiều khi kẹt cứng không có chỗ thở. Như vậy mà chưa chịu vẫn còn đem vào rồi than khổ. Nếu nhà trống thì giặc vào trong đó lấy cái gì? Cho nên được an ổn thôi nghỉ!

Tâm mình nếu an ổn trống rỗng như vậy thì trần dù có đến cũng tự đi, có gì đâu? Bởi vì nhà chứa nhiều quá nên lo sợ giặc vào cướp, vì thế mới luôn bất an.
Tu có khó không? Nói khó nhưng thực sự không khó gì hết. Chỉ là buông bớt, buông nhiều thì nhẹ nhàng.

Học hiểu nắm được yếu chỉ đó rồi ứng dụng tu thì được nhẹ nhàng còn không thì dù tu lâu nhưng phiền não nhiều thêm. Vì nghĩ là tu lâu hiểu nhiều, rồi tự hào tự mãn thành cái ngã càng cao.

Như tôi là huynh trưởng mà bị người kia nói nặng thì sao? Thì phiền não hơn người không phải là huynh trưởng. Người mới vào đạo thì đâu có chuyện gì? Vì không hiểu kỹ, do chấp giữ nên sanh nhiều phiền não. Nếu hiểu bớt chấp thì càng hay.

Mỗi người chúng ta đã kết duyên lành nhiều đời, nên cùng tụ hội để nhắc nhở sách tấn nhau tiến tu. Là huynh đệ gần gũi thì cũng nên cởi mở, cười với nhau chớ đừng đem đau khổ cho nhau. Rồi xa hơn mới mở rộng đến nhiều người. Đó mới là khéo học khéo tu.

Trong bản Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca, Sơ Tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà nói:

                        Niềm lòng vằng vặc,
                        Giác tính quang quang,
                        Chẳng còn bỉ thử,
                        Tranh nhân chấp ngã.
        Nghĩa là:

                        Giữ lòng trong sáng,
                        Tính giác sáng ngời.
                        Không thấy kia đây,
                        Tranh nhân tranh ngã.

Tức là buông xả niệm nhân ngã kia đây, giữ lòng trong sáng như ánh trăng vằng vặc không vết mây, thì đó là cuộc sống vui.

Cho nên, ý nghĩa buông xả rất là trọng yếu và nhiệm mầu. Nhiều khi chúng ta học quen quá nên xem thường. Khi nghe ai khuyên nên buông xả thì nói sao? Biết rồi. Biết thì có biết nhưng sống được hay chưa? Khi hiểu được điều này, chúng ta thực hành suốt đời còn chưa xong. Đâu phải việc tầm thường.

Mỗi người chúng ta đều có một cõi xuân trong lòng, lại không chịu trở về sống với mùa xuân miên viễn trên quê hương muôn thuở, chỉ thích lang thang xứ người để chịu đau khổ phiền não. Quí vị thấy có đáng tiếc không? Rồi lại đi tìm xuân. Trong khi cái đó ở ngay mình. Quí vị hiện giờ đang ở đâu? Đang ở mùa xuân tại quê nhà hay lang thang xứ người? Ngồi đây mà lang thang xứ người. Đó là lầm lẫn.

Một Thiền sư Ni Trung Hoa làm bài kệ:

                    Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân,
                    Mang hài đạp phá lãnh đầu vân.
                    Qui lai khước phá mai hoa hạ,
                    Xuân tại chi đầu dĩ thập phần.

                    Suốt buổi tìm xuân chẳng thấy xuân,
                    Đôi giày đạp nát núi mây ngàn.
                    Trở về sang đến vườn mai ấy,
                    Xuân ở đầu cành đủ mười phần.

Suốt buổi tìm xuân mà chẳng thấy xuân đâu? Rồi chạy đi tìm khắp chốn mà cũng không thấy mùa xuân? Khi trở về sang đến vườn nhà ấy, thấy xuân đầy đủ trên cành mai. Vậy mà cứ lo đi tìm đâu đâu, trọn chẳng thấy mùa xuân chân thật. Khi tỉnh ngộ, xoay lại nguồn tâm buông hết rong ruỗi tìm cầu bên ngoài thì ngay đó tao ngộ mùa xuân trọn vẹn.

Sống được tâm xuân thì chỗ nào cũng là xuân. Đó là nhắc nhở mọi người để rồi cùng nhau xoay trở về gốc đừng chạy tìm bên ngoài.

Sơ Tổ Trúc Lâm cũng có bài kệ:

                    Thụy khởi khải song phi,
                    Bất tri xuân dĩ qui.
                    Nhất song bạch hồ điệp,
                    Phách phách sấn hoa phi.

                    Ngủ dậy mở cửa sổ,
                    Ngờ đâu xuân đã về.
                    Một đôi bươm bướm trắng,
                    Nhịp cánh nhắm hoa bay.

Thấy được chỗ này là thấy mùa xuân ngay trước mắt.

Ngủ dậy mở cửa sổ thì liền thấy xuân về đây rồi. Ngủ dậy là sao? Là tỉnh giấc mê muôn thuở của chúng ta.

Rồi mở cửa sổ là cửa gì? Tức là cửa sáu căn mắt tai… Tỉnh giấc mê của mình, mở cửa sổ ra thì thấy mùa xuân ngay trước mắt.

Lại nói hình ảnh đôi bướm trắng nhẹ nhàng bay đến bên cành hoa. Mở cửa ra liền thấy bướm trắng, thấy cảnh vật đang hiện tiền! Cái gì đang hiện hữu đó? Là chân tâm hiện tiền sáng ngời còn tìm đâu xa. Mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi … đều hiện bày tâm xuân trong đó. Làm sao mỗi người khi thấy nghe vẫn thấy rõ chân tâm hiện tiền, đó là mùa xuân ngay trước mắt, đó là tỉnh dậy. Còn nhớ sáu trần thì sao? Là mất ngay mùa xuân.

Có ai tỉnh dậy chưa? Ngồi đây mà chưa chịu tỉnh dậy? Nếu tỉnh thì thấy đâu cũng là cảnh đẹp sáng ngời, đâu cũng là mùa xuân, là chân tâm hiện tiền hết, đâu cần tìm đâu xa.

Thiền sư Thanh Viễn Phật Nhãn cũng nói về ngày xuân:

                        Ngày xuân xuân trong núi.
                        Việc xuân thảy đều xuân.
                        Hồ xuân ánh xuân chiếu.
                        Khí xuân kết mây xuân.

                       Khách xuân lòng xuân động.
                        Thơ xuân xuân càng tươi.
                        Chỉ có người biết xuân.
                        Muôn kiếp một mùa xuân.

Thiền sư thấy ngày xuân dù ở trong núi sâu cũng là xuân. Mọi việc gì cũng là xuân. Hồ nước mùa xuân chiếu lên ánh xuân. Nghĩa là trong ngày xuân, Thiền sư thấy xuân hiện khắp nơi trong hồ nước, trong mây, trong thơ… thật đẹp. Tuy nhiên, xuân đó rồi cũng qua và chúng ta cũng chỉ là người khách xuân thôi.

Thấy cái gì cũng đẹp nhưng là của ai chứ chưa phải là của mình, nên mình cũng vẫn là người khách xuân và rồi xuân cũng đi qua. Nhưng tại sao mình không là chủ? Thiền sư nhắc nhở rằng quan trọng là "người biết xuân". Sống lại được chỗ này mới là sống với mùa xuân muôn thuở, xuân tại quê nhà.

Ở đây, có ai là người biết xuân chưa? Tại sao không có? Vậy nảy giờ quí vị nghe là nghe cái gì? Cũng là khách xuân thôi. Tuy nghe thì cũng hiểu nhưng của thầy cũng trả lại thầy. Quan trọng là "Người biết xuân"

Nên chúng ta học Phật là nhớ lại, thấy được chỗ đó để nhận rồi vui sống được với cái của chính mình. Phải là người biết xuân, phải là chủ mùa xuân.

Phải tập khai thác, tập hạnh hỷ xả của Ngài Di Lặc là buông bỏ, đừng bám đừng nhận, việc qua cho qua, dù người có đưa tới nhà cũng không nhận, đừng quá nhiệt tình chưa đưa tới mà nhận, khéo như vậy thì sẽ được cuộc sống vui, mùa xuân luôn hiện hữu.

"Xin chúc tất cả luôn sống với Tâm Xuân tại quê nhà, là chỗ an vui nhất, không có gì có thể so sánh được."

 

 

Các bài mới

Các bài đã đăng

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 88914
  • Online: 37