Tham vấn đạo lý: Chủ đề Sám Hối
21/10/2014 | Lượt xem: 3866
ĐĐ.Thích Trung Huệ giảng tại TVTL Yên Tử
Câu hỏi 1:
Kính bạch Thầy, trong bài Sám hối sáu căn, phần Nghiệp sát sanh, có câu:
“Lầm hại cố giết,
Tự làm dạy người.
Cử động vận hành,
Đều là tội lỗi”.
Thưa Thầy, cố giết thì lẽ đương nhiên là có tội rồi, nhưng còn lầm hại, hoặc cử động vận hành cũng có tội thì làm sao chúng con có thể tránh? Ví dụ chúng con tuổi già, mắt kém, đồ ăn hay gạo bị kiến bò vào, đến lúc vo gạo thấy kiến nổi lên mới biết, hoặc đang ngồi thấy buồn buồn rờ lên trán thì có con muỗi no máu lăn ra chết, và nhiều ví dụ nữa không thể kể hết. Cúi mong Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con.
Trả lời:
Cái này không những Phật tử giữ không được mà cả quý Thầy giữ cũng không được nữa. “Phật quán nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng”, nhìn trong bát nước có tám vạn bốn ngàn vi trùng, mình uống nước vào thì đương nhiên cũng có chúng sanh chết, rồi đi đường thì chắc chắn có lúc cũng đạp phải những loài sinh vật nhỏ, tóm lại không ai có thể giữ được trọn vẹn hết.
Trong nhà Phật, vô ý giết thì không có tội mà chỉ có lỗi mà thôi, cho nên “cử động vận hành, đều là tội lỗi”, tức là không tội thì rơi vào lỗi. Tội là có tâm cố sát, còn lỗi là không có tâm cố sát mà xâm phạm làm cho chúng sanh chết. Ở ngoài, pháp luật cũng có tội cố ý và tội vô ý, lỗi cũng có lỗi cố ý và lỗi vô ý. Lỗi này có thể dẫn người ta đến hành vi xâm phạm lợi ích mà được pháp luật bảo vệ. Tội cố ý thì nặng mà tội vô ý thì nhẹ, nhưng vô ý mà không gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng không gọi là tội. Ở pháp luật ngoài đời, có bốn yếu tố cấu thành tội, đó là hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội, có lỗi (có tâm cố ý hoặc vô ý), trái với pháp luật, đáng bị xử lý bằng hình phạt. Nếu mà đầy đủ bốn yếu tố đó thì mới có thể quy thành tội. Ví dụ như mình ăn trộm vài trái cà, trái ớt thì theo quy định của pháp luật chưa quy thành tội.
Nhưng trong Phật pháp thì có sự khác biệt. Tội là hành vi trái với đạo lý, xúc phạm đến giới điều, chiêu lấy quả khổ đau do phiền não gây nên, gọi là phiền não tội. Ác hạnh do thân, khẩu, ý tạo ra nên cũng gọi là khẩu nghiệp. Tội là hành vi xấu ác nên gọi là tội ác. Làm chướng ngại thánh đạo gọi là tội chướng. Tội là hành vi ô uế nên gọi là tội cấu. Tội chiêu cảm lấy quả khổ đau nên gọi là tội báo. Hành vi tội là gốc của tội báo nên gọi là tội căn. Khi một hành vi của mình có cố ý thì mới thành tội, còn vô ý thì không có tội mà chỉ có lỗi, khác với pháp luật nhà nước ở chỗ đó. Pháp luật quy định hành vi dù là vô ý nhưng xâm hại đến lợi ích mà Nhà nước bảo vệ thì cũng có tội. Ví dụ như một tài xế kéo xe rơ móc mà vô ý không cẩn thận, để cái rơ móc bị tuột ra gây tai nạn thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Còn trong nhà Phật, vì không có tâm cố ý trong đó nên không gọi là tội, nhưng về mặt quả báo thì vẫn phải chấp nhận. Tội cố ý có quả báo của cố ý, còn lỗi vô ý thì cũng có quả báo của vô ý. Ví dụ như trong trường hợp thời Đức Phật còn tại thế, có một vị sa-di đi cùng với thầy của mình. Trên đường, thấy thầy đi chậm quá, vị sa-di ở đằng sau mới đẩy ông thầy đi cho nhanh để kịp về tinh xá thọ trai, nhưng không ngờ ông thầy bị đẩy lại vấp té và chết. Khi sa-di này về thì tăng chúng mới họp lại và đề nghị đuổi vị sa-di này đi. Đức Phật mới quán và hỏi rằng: “Ông có cố ý giết thầy mình không?”. Vị sa-di nói: “Bạch Đức Thế Tôn, con đâu có muốn giết thầy con. Con thấy Thầy đi chậm quá nên đẩy lưng để Thầy đi cho nhanh hơn, nhưng thầy lại vấp té mà chết chứ con không có cố ý”. Đức Phật nói: “Này các Tỳ kheo, sở dĩ có quả báo ngày hôm nay là vào những kiếp xa xưa, vị Tỳ kheo này là con và vị sa-di này là cha. Khi ông cha đang nằm ngủ thì có con muỗi đậu trên trán, người con còn nhỏ đuổi con muỗi nhưng nó không đi, cậu con trai tức quá lấy cái chày nện vô con muỗi nhưng lại nện vào đầu người cha làm người cha chết”. Cho nên nhân vô tình thì cũng có quả báo vô tình.Như vậy không cố ý thì không thành tội, nhưng quả báo của vô ý thì vẫn có.Ở đây nói “Cử động vận hành, đều là tội lỗi”, quý Phật tử phải hiểu là, cố ý thì có tội mà vô ý thì có lỗi, nhưng mà quả báo đều như nhau. Nhưng vấn đề đặt ra là có những con vật nhỏ quá thì làm sao mà giữ được?
Theo kinh nghiệm của cá nhân Thầy, thứ nhất là mình phải trừ những nguyên nhân tạo ra hậu quả mà mình có thể vô ý giết chết nó. Ví dụ như cái nhà của mình phải làm sao cho nó thoáng, rồi đồ ăn phải giữ cho kỹ, rồi đi đường thì phải chánh niệm, trong lòng phải để ý xem có những con nào ở dưới chân. Hay mỗi lần đi lên Thiền đường, Thầy vẫn khuyên mọi người lên ngồi thiền phải đem cái đèn pin đi theo để rọi dưới đất. Mình vừa có khởi tâm muốn bảo vệ nó là mình đã có phước rồi, mà vô ý giết nó thì đương nhiên cũng có quả báo.Mình có tâm bảo vệ đến mức mà mình không thể bảo vệ được nữa thì đành phải chịu thua thôi.Nhưng làm việc gì thì mình đều phải có ý thức bảo vệ.Thứ hai là mình phải tu phước (tích phước).Đức Phật dạy như một nắm muối mà bỏ vào trong cái ly thì ly nước đó không uống nổi, nhưng nắm muối mà bỏ vào trong dòng sông thì có thể làm mặn nổi dòng sông không?Không.Cho nên phước mình nhiều thì những cái lỗi nhỏ không thể gây nên những quả báo xấu làm cản trở bước đường trên hành trình của hành giả.Rồi kế nữa, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, bên cạnh cái tốt có cái xấu, có việc làm có cả mặt hay và mặt dở. Do đó mình làm việc nào mà cảm thấy cái tốt nhiều hơn cái xấu thì mình cứ làm. Nếu như phải xâm phạm đến những con vật nhỏ nhưng cái kết quả của việc xâm phạm đó mang lại nhiều phước báu thì cũng có thể coi là mình giữ giới. Trong giới Thanh văn, có hai điều để mình giữ giới.Một là đạo cộng giới và định cộng giới.Tức là khi mình có định thì mình có giới, thứ hai là mình có đạo, sống được với đạo, chứng được đạo thì mình có giới.Còn Luật Bồ Tát đưa ra hai điều là nhiêu ích hữu tình giới và nhiếp thiện pháp giới, tức là mình làm lợi ích cho chúng sanh là mình giữ giới, làm điều thiện tức là mình giữ giới. Cho nên làm việc gì, cứ nghĩ rằng làm việc này vì lợi ích (có nghĩa là phát xuất từ lòng từ bi), chỉ riêng tâm mình như thế cũng hạn chế được hậu quả, từ đó mới có phước, vì có phước cho nên những hậu quả xấu nó không làm ảnh hưởng đến tiến trình tu tập của mình. Kế nữa là mình thường phải hay phóng sanh. Tại vì mình sát sinh nhiều quá, mỗi bước cử động vận hành đều có thể làm tổn hại chúng sanh nên phải phóng sanh. Vừa rồi đi phóng sinh với Phật tử, Thầy có nói một bài pháp là có một cách phóng sinh. Phóng tức là phóng thích, sanh là sinh linh, là cái tánh linh, nhưng thực sự là mình có sát được cái tánh linh của chúng sanh không? Mình chỉ đoạn được mạng căn của chúng sanh thôi chứ làm sao giết được cái tánh linh hay là Phật tính của chúng sanh. Nếu mình giết được thì chắc có lẽ nó đã không đầu thai lại. Ví như giết người thì chỉ đoạn được mạng căn của người ta thôi nhưng cái tâm của họ mình có giết được không, nghiệp thức của họ mình có giết được không? Không giết được, cho nên chỉ có chúng ta mới sát sanh được chúng ta mà thôi. Sát sinh ở đây có nghĩa là mình quên cái tánh giác của mình, còn mình nhớ tánh giác của mình là mình phóng sinh.Lúc nào mình cũng sống với tự tâm thanh tịnh của mình tức là mình phóng sinh, còn mình mê mờ tự tánh của mình tức là mình đang sát sinh.
Kế đó mình có thể áp dụng công phu tu tập của mình trong đời sống. Ví dụ như chư vị niệm Phật hay trì chú hay tham thiền thì mình đều an trú tâm mình trong công phu của mình. Khi mình quên công phu của mình có nghĩa là mình đang phạm lỗi, còn an trú được chỗ công phu của mình thì ngay đó mình không có lỗi lầm. Nếu như ngộ bản tâm mà phóng sanh thì không nói, còn nếu không ngộ được bản tâm của mình thì cũng có thể an trú trong công phu thiền định của mình, công phu mà hiện nay mình đang tu tập. Nói cách khác, mỗi chúng ta đều phải chọn cho mình một pháp môn tu và chết sống vì pháp môn đó.Còn tất cả các pháp môn còn lại đều là trợ cho pháp môn tu thôi. Mình phải chọn một con đường đi duy nhất. Khi mình nhớ chỗ công phu của mình tức là cái hạnh tốt nhất, nó bao gồm muôn hạnh trong đó có hạnh giữ gìn được những con vật mà mình không thể giữ được. Còn trong Luật Tỳ ni, trong mọi hành động cử chỉ của chúng tađều có câu chú tương ứng nhưng mình tu thiền thì ít có sử dụng, ví dụ như khi sáng sớm tỉnh dậy:
Tùng triêu dần đán trực chí ngộ
Nhất thiết chúng sanh tự hồi hộ
Nhược ư túc dạ tán kỳ hình
Nguyện dĩ nhất thời sanh Tịnh độ.
Có nghĩa là từ sáng giờ dần cho đến tối, chúng sanh hãy tự bảo hộ thân mạng của mình. Nếu giả sử như đạp phải thân các loài chúng sanh đó thì nguyện cho chúng sanh nhất thời sanh Tịnh độ. Trong Tỳ Ni, từ ăn, uống, mặc, ngủ, nghỉ đều có các câu như vậy, nếu lúc nào mình cũng an trú trong đó thì cũng hạn chế được cái quả báo do vô tình mà mình gây nên do không thể giữ được những loài chúng sanh nhỏ.
Câu hỏi 2: Chúng con là hàng Phật tử tại gia, hàng ngày phải đi chợ mua bán cho nên vẫn còn đang “quay rán cá chim, nấu hầm cầm thú”. Thế thì sám hối rồi lại mắc tội, như vậy thì sám hối có kết quả gì không? Xin Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con.
Trả lời:
Muốn biết kết quả là không hay có thì mình phải hiểu thế nào là “sám hối”, căn cứ vào đó mới quy ra được là việc sám hối của mình là có hết lỗi hay không? Sám theo phiên âm là sám ma, tức là mong muốn được tha thứ những hành vi mà mình đã lỡ gây ra, còn hối phiên âm là hối quá, hối hận, ăn năn, hổ thẹn cho việc làm của mình. Khi mình mong muốn người khác tha thứ lỗi cho mình, rồi tâm mình ăn năn, hổ thẹn cho việc làm của mình đã qua. Khi tâm mình tha thiết như vậy thì nó có hai công năng: Một là tiêu trừ được những nghiệp cũ, ví dụ như Thầy lỡ gây lỗi gì với bác Phật tử này, Thầy tha thiết mong muốn được tha thứ, hối hận và trình bày rõ những hành vi của mình thì bác cũng vui vẻ mà tha thứ được, vì bác tha thứ nên cái tội của mình được tiêu trừ. Công năng thứ hai là có khả năng ngăn ngừa những hành vi tái phạm. Tôi vừa tát anh, mong anh tha thứ, anh tha thứ rồi tôi quay lại tát anh tiếp, tha thứ rồi lại tái phạm, sám hối như vậy thực ra chỉ là đọc văn tự sám hối mà thôi, chứ không phải mong muốn người khác tha lỗi cho mình và không thành tâm hổ thẹn. Nếu mình có tâm hổ thẹn thì mình có dám làm điều đó nữa không? Mình đã lỡ làm rồi, giờ mắc cỡ quá, mình ăn năn thì có dám làm nữa không? Sám hối mà làm nữa thì cái lời sám hối của mình có tha thiết không?Vì mình không tha thiết, không mong muốn người ta tha thứ cho mình cho nên mình tiếp tục làm nữa.Mà tiếp tục làm nữa thì sám hối có kết quả không?Thầy nghĩ là có kết quả hơn so với người không đọc kinh sám hối.Trong bài Sám hối sáu căn, nửa tháng tụng một lần, nhiều khi miệng mình tụng mà cái ý mình chạy Đông, chạy Tây, như vậy thì mình có thiết tha không? Cho nên có thể mình tụng một ngàn lần sám hối nhưng không bằng một người thiết tha trình bày tội lỗi để sám hối.Giống như trong Kinh sám hối ghi sẵn để mình đọc vậy thôi, cũng tốt vì khi nhiếp tâm vào lời kinh thì có công năng là tu Chỉ, hoặc ngay khi đó mình có thể ngăn ngừa được khẩu nghiệp của mình chút ít, nhưng nghĩa sám hối thì phải đầy đủ những điều trên mà Thầy đã trình bày.
Câu hỏi 3: Kính bạch Thầy, con có một huynh đệ tu Tịnh độ nói với con rằng: “Tu Tịnh độ có câu Phật hiệu để tu, chết có chỗ sanh về. Còn tu Thiền thì làm sao tu?Chết rồi sinh về đâu?” Con không biết phải trả lời sao cho đúng. Rất mong Thầy từ bi chỉ dạy.
Trả lời:
Câu này có hai ý. Thứ nhất là “Người tu Tịnh độ có câu Phật hiệu để tu, còn người tu thiền thì làm sao tu?”Ý thứ hai là “Người tu Tịnh độ có chỗ để sinh về, còn người tu thiền chết sinh về đâu?”Nhưng ý thứ hai thì Hòa thượng đã trả lời.Hòa thượng nói người hỏi như vậy là người không biết đạo lý.Tại vì gốc của đạo Phật là ở chỗ vô sanh mà lại đi hỏi “Chết sanh về đâu?” là trái với đạo lý. Gốc của đạo ở chỗ vô sanh, “hữu sanh hữu tử hữu luân hồi”, tức là có sanh là có tử có luân hồi, mà mình tu đạo Phật là giải thoát khỏi luân hồi sanh tử, nhưng vị này tu mà lại muốn sanh tử.
Quý vị có nhớ bài hồi hướng:
“Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo”.
Trước câu đó là câu:
“Nguyện sanh Tây phương Tịnh độ trung
Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu
Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh
Bất thối Bồ Tát vi bạn lữ”.
Có nghĩa là mình trở về Tịnh độ cũng ngộ lý vô sanh.Rồi trong phương pháp thực hành của tông Tịnh độ thì niệm Phật đến nhất tâm bất loạn mới được Phật Di Đà rước về.Ở chỗ nhất tâm bất loạn thì chỗ đó có niệm không?Chỗ đó vô niệm thì ngay đó là vô sanh rồi.Ngay khi mình niệm Phật đến nhất tâm bất loạn thì cũng mang ý nghĩa vô sanh, mình sinh Tịnh độ rồi cũng ngộ lý vô sanh.Như vậy hỏi “chết sanh về đâu” là sao? Rõ ràng là chưa biết đạo, chưa rõ được Phật pháp.
Còn ý đầu: “Người tu Tịnh độ có câu Phật hiệu để tu, còn người tu thiền thì tu làm sao”. Cái này có nhiều câu trả lời lắm.Nếu đứng trên phương diện rốt ráo mà nói thì nói tu tức là họa vậy.Tại vì sao? Tại vì có hư, có phiền não thì mới tu. Cổ đức dạy: “Nếu nói tu tức là họa”, cái họa là ở chỗ mình có hư, có phiền não mình mới tu. Cho nên nói tu tức là mình còn dở, cho nên Đạo Phật tu đến chỗ không còn gì để tu mới thực là tu, có chỗ bám để tu tức là có phiền não.(Tu đến chỗ vô tu, chứng đến chỗ vô chứng mới thật là tu chứng).Nhưng bây giờ có phiền não thì mình có cần tu không?Có phiền não thì đương nhiên là cần tu, vậy người tu thiền tu như thế nào?
Tu Tịnh độ gồm đầy đủ ba yếu tố là Tín, Nguyện, Hạnh. Tín là niềm tin ở Tây phương có thế giới của Phật A Di Đà. Nguyện là sau khi chết mình tái sanh về đó, hạnh tức là hành. Người tu Thiền cũng giống như vậy, cũng có Tín, Nguyện, Hạnh. Tín là tin tâm mình là Phật, còn cõi Cực Lạc là tâm tịnh thì tức là Phật độ tịnh, tức là Phật và cõi Cực Lạc đều ở tại tâm. Người tu thiền tin như thế và cũng nguyện sống trở lại với ông Phật của chính mình.Hành thì bên kia hành thế nào bên đây cũng hành như thế. Bây giờ mới nói, tại sao người tu thiền tin Phật ở tại tâm.Sơ Tổ Trúc Lâm của chúng ta có hai câu trong bài Cư trần lạc đạo phú:
“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ có ngờ hỏi đến Tây phương
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc”.
Quý Phật tử đã nghe hai câu này của Sơ Tổ chưa? Ngài nói như vậy thì chúng ta có thể tin nổi không? Không nói chi xa, lấy luôn bài hồi hướng của tông Tịnh độ là “Nguyện sanh Tây phương Tịnh độ trung”.Bây giờ quý vị biết là trái đất tự xoay quanh mình nó và xoay quanh mặt trời, vậy Tây phương là ở chỗ nào?Chính là tất cả cõi đều là cõi Tây phương.Mà cõi nào bao gồm cả mười phương thế giới, mảnh đất đó ở đâu?Có phải là mảnh đất tâm của mình không? “Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu” tức là khi người tu Tịnh độ đến nhất tâm bất loạn thì sẽ sanh về cõi Tịnh độ, tùy theo công hạnh của mình mà có thể tái sanh vào chín phẩm, là hạ phẩm hạ sanh, hạ phẩm trung sanh, hạ phẩm thượng sanh, trung phẩm hạ sanh, trung phẩm trung sanh, trung phẩm thượng sanh, thượng phẩm hạ sanh, thượng phẩm trung sanh, thượng phẩm thượng sanh. Tức là sanh vào hoa sen, mà hoa sen nở ra thì mình thấy Phật, ngộ được lý vô sanh.Nhưng là thấy Phật nào mà ngộ được lý vô sanh? Nếu thấy Phật bên ngoài thì trong Kinh Kim Cang, Phật nói là:
“Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Nhược nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai”.
Tức là nếu người nào dùng sắc thấy ta, dùng âm thanh cầu ta thì người đó hành đạo tà, không thể thấy Như Lai.
Như vậy ngộ được lý vô sanh ở chỗ là nhận được cái tâm bất sanh bất diệt nơi chính mình, là cái chân tâm bổn tánh.Đó là cái lý như thế.Đồng thời, quý vị thấy hoa sen mọc từ đâu? Từ bùn, cho nên Lục Tổ nói: “Phật pháp tại thế gian, không lìa thế gian giác. Lìa thế gian mà cầu giác ngộ giống như tìm sừng thỏ, lông rùa”. Đạo Phật có câu: “Phiền não tức Bồ đề”, phiền não chẳng phải bồ đề, nhưng lìa phiền não thì không có bồ đề, giống như cô gái tức là bà già, nhưng bà già thì chẳng phải là cô gái. Lìa cô gái có bà già không?Không.Lìa phiền não có bồ đề không?KHÔNG. Cho nên Sơ Tổ nói: “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương” là rất chính xác. Nhưng trong Kinh Di Đà nói: “Hoa sen mọc trong ao thất bảo, nước đó là nước bát công đức thủy”. Câu này cũng đúng.Chúng ta phải hiểu là ở đây, bài kinh nói là đứng trên phương diện quả mà nhìn.Hoa sen đứng về phương diện quả thì đương nhiên là ở nơi trong sạch, nhưng đứng về phương diện nhân thì đúng là hoa sen mọc từ bùn.Phiền não chuyển thành bồ đề rồi là đứng trên phương diện quả mà nói.Còn Lục Tổ nói là đứng trên phương diện nhân mà nói.
Bên Tịnh độ có bốn pháp hành cũng đi từ hữu niệm đến vô niệm, có nghĩa là niệm danh hiệu Phật đến nhất tâm bất loạn, tức là đi từ hữu trụ đến vô trụ.Bên thiền cũng vậy, có hai phương pháp là đốn ngộ tiệm tu và tiệm tu đốn ngộ. Đốn ngộ tiệm tu là người nhận được bản tâm của mình rồi từ đó bảo nhậm thì đồng với Tịnh độ là thật tướng niệm Phật. Còn tiệm tu đốn ngộ, ứng với bên Tịnh độ là trì danh hiệu Phật, quán tưởng Phật. Đó là tiệm tu, có chỗ bám, đi từ hữu trụ đến vô trụ. Còn bên thiền là cũng có nhiều phương pháp tùy theo căn cơ mà chư dạy cho hành giả, ban đầu là sổ tức, tùy tức, biết vọng, rồi nhận được ông chủ, cũng là đi từ hữu trụ đến vô trụ.
Cho nên có thể trả lời câu thứ nhất là bên Tịnh độ có tín, nguyện, hạnh thì bên thiền cũng có tín, nguyện, hạnh.Nếu là hành giả bên tông Tịnh độ mà tin tưởng cái lý này thì người tu Tịnh độ tức là tu thiền, mà đã là tu thiền thì sao chê thiền?Cũng giống như mình nhai cơm, hưởng được mùi vị của cơm mà lại nói tôi chưa từng nhai và chưa từng biết cơm là gì.
Cuối cùng, Thầy chỉ khuyên Phật tử một điều: Chúng ta có thể tin Phật Di Đà ở tại tâm mình hay không tin Phật Di Đà ở tại tâm mình mà ở ngoài tâm mình cũng được, hoặc là tin thế giới Cực Lạc ở tâm mình hay chẳng tin thế giới Cực Lạc ở tâm mình cũng được. Điều quan trọng nhất là chúng ta hãy hành đi.Hãy hành đến chỗ nhất tâm bất loạn. Sở dĩ người tin tâm mình là Phật hoặc sở dĩ có vị tin Phật ở ngoài tâm mình cũng là do căn cơ của chúng sanh không đồng đều thôi. Ví dụ, căn cơ của vị này chỉ có thể tin Phật Di Đà ở trong tâm mình thôi, thế giới Cực Lạc ở trong tâm mình thôi, khi tâm tịnh thì cõi Phật tịnh. Còn vị kia thì không tin điều đó, chỉ tin là có cõi Tây phương, có Phật Di Đà ở ngoài cõi Tây phương, đó là do căn cơ không đồng đều, cho nên cái thấy biết cũng không đồng đều. Chúng ta cũng phải tôn trọng lẫn nhau, cũng đừng chê trách nhau mà quan trọng hãy hành đi. Hành đến chỗ nhất tâm bất loạn thì ở chỗ đó sẽ gặp nhau, không những gặp nhau mà còn gặp cả mười phương chư Phật nữa.
Thầy cũng có một lời khuyên với các Phật tử: Chúng ta dầu tu Thiền, tu Tịnh độ hay tu bất cứ pháp môn nào, chúng ta cũng đừng bao giờ nên chê bai, bởi vì trong Tăng chi bộ kinh có bốn cảnh giới mà chúng ta không thể lường được, đó là cảnh giới chư Phật, cảnh giới của tự tâm, cảnh giới của người thiền định và cảnh giới quả dị thục. Trong bốn cảnh giới này, mình là một phàm phu, là một hành giả trên bước đường tu hành mà chê trách lẫn nhau thì điều này không những không đúng, không đi đến đâu mà mình còn làm hủy hoại Phật pháp.Mình là đệ tử Phật mà chê lẫn nhau thì giống như trùng sư tử mà ăn thịt sư tử vậy. Đang trên bước đường tu hành, còn chưa rõ thì mình có thể đi hỏi, đi thưa, chứ chúng ta không có quyền, cũng đừng nên dại dột mà chê bai.Mình không biết mà đi chê, đó là nhân không lành. Khi mình tu chưa đến đâu mà gieo nhân không lành, đến một ngày nào đó vua Diêm La đến hỏi thăm, lúc đó mình ăn năn hối cải cũng không kịp. Mình chê bai pháp môn của Phật là gieo cái nhân địa ngục Vô gián chứ không phải chuyện thường.Công đức tu hành của mình chưa đến đâu, rồi pháp môn mình hành trì mình cũng chưa nắm vững mà mình lại đi chê thì rất là nguy hiểm. Do đó, không những Phật tử thuộc tông Tịnh độ hay Phật tử Thiền tông, chúng ta tất cả Phật tử nhất định từ nay về sau không chê bai ai hết, không biết thì thưa hỏi. Tất cả pháp môn đều là pháp môn của Phật, tất cả pháp môn đều giúp cho chúng ta đi đến giác ngộ giải thoát.Trong Kinh Pháp Hoa có nói, Đức Phật thị hiện trên cõi đời này nhằm mục đích Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến.Rốt cuộc, tất cả các pháp môn đều giúp cho chúng ta trở về bản tâm thanh tịnh của chính mình chứ không có pháp môn nào đi ngược lại điều đó hết.
Các bài đã đăng
Tu học
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 23528
- Online: 46