Tham vấn đạo lý (Kỳ 1)

23/12/2013 | Lượt xem: 3622

ĐĐ.Thích Trung Huệ giảng Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử

Câu hỏi 1:

Kính bạch Thầy, Lục Tổ dạy: “Thấy lỗi người là lỗi mình đã ở bên”. Vậy làm sao con có thể dạy con cháu khi chúng có lỗi lầm? Làm sao con có thể xây dựng huynh đệ, đạo tràng mỗi khi có những điểm khuyếm khuyết? Xin Thầy từ bi chỉ dạy.
Trả lời: Muốn trả lời câu này, chúng ta phải hiểu giáo lý của Đức Phật chia ra làm ngũ thừa Phật giáo, gồm có Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa và Bồ Tát thừa.

 Giáo lý của nhân thừa thì nói có nhân, có quả, nhưng về phương diện tối thượng thừa thì nhân quả vốn không. Như vậy khi Phật tử nghe một bài pháp hay một bài kinh thì phải hiểu rằng bài kinh này Đức Phật dạy cho ai, dạy cho hàng nhân thừa hay thiên thừa, hay bài kinh này nói cho hàng Thanh văn, Duyên giác, hay của hàng Bồ Tát hay tối thượng thừa. Nhiều khi hôm nay Thầy nói quý Phật tử phải cố gắng ăn hiền ở lành, làm phước, đó là đứng trên phương diện nhân thừa, thiên thừa mà nói nhân quả, còn ngày mai có khi Thầy lại giảng nhân quả vốn không, đó là đứng trên phương diện Bồ tát.
Chẳng hạn như Tuệ Trung Thượng Sĩ có dạy vua Trần Nhân Tông như thế này:
Trì giới kiêm nhẫn nhục
Chiêu họa bất chiêu phước
Nếu muốn biết không tội phước
Chẳng trì giới, chẳng nhẫn nhục

Ngài nói xong thì dặn vua: Ta nói với ông xong, ông chớ đem lời này nói cho bậc tiểu trí nghe.
Tại sao trì giới, nhẫn nhục lại chiêu họa mà không có phước? Chúng ta là hàng tiểu trí, hàng tiểu trí nếu không trì giới thì phá giới, không nhẫn nhục thì ai động đến thì mình la lên hoặc đánh trả lại liền. Ngài nói trì giới kiêm nhẫn nhục, chiêu họa bất chiêu phước là dạy cho hàng căn cơ bậc cao: có phạm giới thì mới có trì giới, nếu không có phạm giới thì làm gì có trì giới. Nói trì giới là mầm phạm giới đã có sẵn trong người rồi, chẳng hạn như có tội phạm mới có công an, không có tội phạm thì làm gì có công an. Nói trì giới tức là trong con người mình đã có mầm phạm giới cho nên mới trì giới, nếu không trì giới thì mình phạm giới liền. Còn nói đến nhẫn nhục là trong lòng mình có sân hận nên mới nhẫn. Còn mình không sân hận thì nhẫn gì? Cho nên mình còn có mầm phạm giới, còn có mầm sân hận, đó là họa. Họa là ở chỗ đó đó, chứ không phải trì giới, nhẫn nhục là họa. Nếu như mình còn sân hận, còn phạm giới thì mình có cần nhẫn nhục, cần trì giới không? Cần chứ. Chính vì vậy mà Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ dặn vua Trần Nhân Tông là đừng nói lại lời Ngài đã nói với vua cho bậc tiểu trí nghe. Bậc tiểu trí nghe thấy thì sẽ tha hồ ăn thịt, uống rượu, làm các thứ… thì đó đúng là họa. Ngài nói đó là nói với vua Trần chứ không phải nói cho tất cả mọi người.
Mặt khác ví như xe hư thì mới sửa, xe không hư mà sửa khác nào ta phá xe. Con người vốn không lỗi lầm thì cũng không cần tu tập, ở thể tánh vốn tự thanh tịnh mà khởi tâm trì giới, nhẫn nhục thì chuốc lấy tai họa mà thôi. Nên Tuệ Trung dạy tiếp: “Giống như người trèo cây, trong an tự cầu nguy, như người không leo cây trăng gió có làm gì!”
Như vậy để trả lời câu này, Phật tử phải trang bị cho mình, khi mình nghe một bài pháp, nghe một câu kinh, nghe lời khai thị thì mình phải biết rằng bài pháp này nói cho hạng người nào nghe, Kinh này Đức Phật nói là cho hàng nhân thừa, thiên thừa, Thanh văn, Duyên giác hay Bồ Tát thừa. Cũng vậy, lời chư Tổ nói là nói cho hạng người nào. Nếu cứ căn cứ vào đây mà nói thì sẽ thấy mâu thuẫn. Ông Phật có thấy lỗi mình không? Mười hai năm đầu Đức Phật không chế giới, tại vì tăng chúng đều là bậc Thánh thanh tịnh cả. Nhưng những năm về sau, chúng Tăng càng ngày càng đông nên phàm phu tăng rất nhiều, có những hành vi, lời nói, cử chỉ, việc làm ảnh hưởng đến Tăng đoàn, làm chướng ngại con đường Thánh giả và làm cơ hiềm cho tất cả chúng sanh, vì thế nên Đức Phật mới chế giới. Nếu Ngài chế giới thì Ngài phải thấy được lỗi của vị Tăng, vậy thấy lỗi của ông Tăng thì Phật có lỗi không? Nếu không lỗi thì lời của Tổ sai sao? Phật đúng mà Tổ cũng không sai. Nếu cả hai cùng đúng thì chúng ta phải phân tích thì mới hiểu và trả lời được câu hỏi này.
Sở dĩ Tổ nói: “Thấy lỗi người tức lỗi mình đã ở bên” là nói cho hàng kiến tánh khởi tu, đứng trên phương diện thể tánh mà công phu, đứng trên phương diện thể tánh mà lý luận. Thể tánh công phu thể hiện ở chỗ vô trụ, không dính dáng một mảy trần. Chỗ đó còn trụ, còn chấp, còn dính, còn mắc thì còn kẹt. Chỗ này công phu giống như mèo rình chuột, giống như bưng một đĩa nước mà cẩn thận không cho nó nghiêng, giống như gà ấp trứng, nếu như mình lơ là một chút thì trứng không nở thành gà con được. Đó là đứng trên phương diện nói cho hàng kiến tánh khởi tu và đứng trên phương diện của người tiến vào đạo, chỉ duy nhất lấy sự nghiệp liễu sanh thoát tử đặt lên hàng đầu, cho nên không chấp những chuyện nho nhỏ. Vừa chấp việc nhỏ thì mình mất việc lớn liền. Cho nên cổ đức dạy: “Trong mỗi thời gian bất kỳ, ta chỉ có thể làm được một và chỉ một vài việc mà thôi. Vậy hãy chọn đi, việc nào tốt nhất, đẹp nhất, hay nhất mà làm, để khỏi lãng phí thời gian vô ích, lãng phí tuổi xuân, lãng phí đời người vì thời gian trôi qua ta không bao giờ lấy lại được”. Người ta còn nói: “Một phân thời khắc, một nhà ngọc châu” là như thế. Một nhà ngọc châu chúng ta không thể dễ tìm, nhưng vẫn còn có thể tìm được. Nhưng thời gian trôi qua chúng ta có thể lấy lại được không? Bây giờ tuổi trẻ tìm tuổi ông già thì có thể được, nhưng tuổi ông già tìm tuổi trẻ có được không? Không bao giờ được, nói chi già với trẻ, buổi sám hối tối vừa rồi giờ mình tìm lại có được không? Sám hối ngày mai thì có chứ sám hối ngày hôm nay thì chúng ta không thể tìm lại được. Vì thế cho nên Tổ cũng căn cứ vào đây mà nói. Cũng giống như chư vị lên thiền đường, thấy mấy chữ đầu tiên: Có một vị Tăng hỏi Thiền sư Tịch Thất ở Vĩnh Nghiêm:
- Kính bạch Hòa thượng, điều kiện nào để tiến vào đạo?
Thiền sư Tịch Thất trả lời:
Trong hang sư tử không thú khác
Chỗ tượng chúa đi bặt dấu chồn.

Giờ quý vị hiểu sao? Ông Tăng hỏi điều kiện để tiến vào đạo chứ đâu có hỏi trong hang sư tử có thú hay không có thú, cũng chẳng hỏi chỗ tượng chúa đi có dấu chồn hay không? Tại sao Thiền sư Tịch Thất lại trả lời như vậy. Con đường tiến vào đạo cũng giống như trong hang sư tử không có con thú nào hết. Con sư tử vốn ăn thịt thú thì trong hang làm gì có con thú, nghe mùi là nó đã chạy đi rồi. Vậy thú là biểu trưng cho cái gì? Mình ở cõi này gọi là “ngũ thú tạp cư địa”, có nghĩa là năm loài cùng ở một chỗ: trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Như vậy con đường tiến vào đạo đừng có niệm trời, cũng đừng có niệm người, càng không có niệm địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Vừa khởi niệm là rơi vào cảnh giới thú liền, niệm lành sinh cõi lành, niệm dữ sinh cõi dữ. Cho nên điều kiện tiến vào đạo là trong hang sư tử không thú khác, không có một niệm nào khác.
Chỗ tượng chúa đi bặt dấu chồn, chỗ con voi chúa đi không có dấu vết của con chồn, ý là muốn làm việc lớn thì việc nhỏ đừng có để ý tới. Còn chúng ta học đạo mà nhiều khi huynh đệ mình chịu không nổi, hoặc nghe nói một chuyện nhỏ cũng chịu không được. Không phải chỉ ở trong đạo mà ngoài đời cũng vậy. Ở ngoài đời, nhiều người muốn làm việc lớn thì việc nhỏ cũng phải không để ý tới.
Ngày xưa, có nhà khoa học buổi sáng làm đám cưới mà quên mất vì đang say mê một công trình khoa học mà mình đang nghiên cứu, về nhà thấy có người phụ nữ ở trong nhà mới nhớ ra, thế nhưng những vị đó làm nên sự nghiệp rất lớn. Ông Ác si mét cũng vậy, đang tắm mà phát minh ra định luật sức đẩy của nước thì mừng quá, la lên và nhảy ra khỏi mặt nước mà quên mất mình còn chưa mặc đồ.
Hòa thượng cũng có kể câu chuyện thời còn làm học tăng: Có một vị Hòa thượng đi cùng thị giả, đến bờ suối thì thị giả nói Thầy bỏ đồ cho khỏi ướt. Qua đến bờ rồi thì ông Thầy quên, đi thẳng, thị giả phải gọi theo nhắc mặc đồ, nhưng tới khi có một lần, ông Thầy nhắc mọi người phải chuẩn bị vì lũ lụt sắp tràn lên cả núi, mọi người đều không tin nhưng quả nhiên, sau đó mọi chuyện lại đúng như vậy. Tức là ông Thầy chuyện nhỏ không cần biết mà biết chuyện lớn.
Cho nên Lục Tổ dạy chúng ta cũng như vậy, vì việc lớn đừng để ý việc nhỏ. Đối với người kiến tánh khởi tu phải công phu như thế. Còn chúng ta bây giờ có được như vậy không? Nếu mà được như vậy thì tốt, không nhìn thấy lỗi của con cháu, của huynh đệ luôn. Nhưng nếu không được như vậy thì chúng ta phải thực hiện theo lời Đức Phật dạy. Nếu thấy lỗi người mà theo đúng năm pháp như thế này thì chúng ta có phước. Khi chúng ta nhìn lỗi người đúng pháp thì có phước, xây dựng người đúng pháp thì có phước, khi có phước chúng ta có thể hồi hướng cho đạo vô thượng bồ đề vẫn được.
Trong Tăng chi bộ kinh, một hôm Đức Phật dạy Ngài Xá Lợi Phất thay Ngài đăng tòa thuyết pháp cho đại chúng nghe. Lúc bấy giờ, Ngài Xá Lợi Phất mới dạy cho chúng tăng cách xây dựng người và cách nhận lỗi mình, có nghĩa là cách chỉ lỗi người và cách khi nghe người chỉ lỗi mình thì mình có thái độ như thế nào. Ngài Xá Lợi Phất chỉ như thế này:
“Này các hành giả, khi chỉ lỗi cho người phải an trú trong năm pháp:
Thứ nhất, tôi sẽ nói đúng thời. (Đúng thời là đúng địa điểm, đúng thời gian. Chẳng hạn một huynh đệ làm lỗi điều gì, nếu giữa đám đông người mà mình nói lỗi ra thì chưa hẳn đã thành công mà có khi còn có tác dụng ngược lại. cho nên mình phải đợi đúng lúc, có khi người ta đang nóng thì mình đợi lúc người ta nguội thì mới nói, hoặc giữa đám đông thì phải đợi lúc hết người không còn ai. Có những chuyện chỉ hai ba người thì mình xây dựng được, có những chuyện chỉ có mình và người đó đối diện thì xây dựng thành công. Nói đúng thời tức là chọn thời gian, địa điểm hợp lý).
Thứ hai là tôi sẽ nói lời chân thật, không nói lời phi chơn (Mình xây dựng người ta thì phải nói đúng sự thật thì mới có tác dụng. Còn cái chuyện có mà nói không, chuyện không nói có thì không đúng và gây phiền não cho người khác).
Thứ ba là tôi sẽ nói nhu hòa, không nói thô bạo (Tức là nói những lời nhu hòa, từ tốn, nhẹ nhàng mà trong tứ nhiếp pháp gọi là ái ngữ nhiếp).
Thứ tư là tôi sẽ nói liên hệ đến lợi ích cho người (Tức là nói lời có lợi ích cho người mà mình nói, nói những lời có lợi ích cho số đông, không phải vì lợi ích của chính mình. Lợi ích cho chính mình là người ta làm gì đó mình bực quá mà phê bình người ta, nếu người ta không sửa mình càng tức thêm. Nhiều khi mình phê bình nhưng không phải vì lợi ích của người ta, để xây dựng cho người ta mà là người ta làm cho mình cảm thấy chướng tai gai mắt quá, mình chịu không nổi nên phải nói).
Thứ năm là tôi sẽ nói bằng từ tâm chứ không phải bằng sân tâm. (Nếu mà tâm sân nói, người ta không những không sửa mà còn đánh giá lại mình, có khi tự ái còn cự lại mình).
Trong cuộc sống mình thường hay gặp chuyện với huynh đệ hay với các mối quan hệ trong gia đình mình, là phàm phu thì đương nhiên có lỗi, do đó phải an trú trong năm pháp này thì mới có lợi và có hiệu quả.
Giờ Thầy xin kể cho Phật tử nghe câu chuyện về Thiền sư Tông Diễn lúc còn là một học tăng ở trong pháp hội của một vị Thiền sư. Một hôm ông Thầy đi vắng, Ngài Tông Diễn nằm ngủ ở giữa hàng hiên, dang hai tay hai chân theo hình chữ đại cho thoải mái. Bỗng nhiên, ông Thầy bất ngờ về tới, thấy đệ tử nằm như vậy nhưng không nói gì, nhẹ nhàng bước qua. Ngài Tông Diễn thức dậy, thấy thầy mình nhưng không dám làm gì mà nằm luôn. Nhưng ông Thầy lại chắp tay nói: “Mô Phật, xin lỗi, xin lỗi”. Chỉ nói như vậy thôi mà Ngài Tông Diễn hổ thẹn, mắc cỡ đến toát cả mồ hôi, và từ đó về sau trong cuộc đời Ngài không dám sai phạm một điều gì nữa. Quý vị thấy người xưa xây dựng người như vậy. Ông Thầy xin lỗi là vì làm mất giấc ngủ của người đệ tử mà không đả động gì đến oai nghi, tuy nhiên vị đệ tử biết Thầy xin lỗi đó nhưng ám chỉ việc ngủ nghỉ của mình như thế là không đúng.
Sau này, khi Ngài trở thành một bậc cao tăng, Ngài cũng đem từ tâm này mà đối với tất cả học chúng, giống như cách mà vị Thầy mình đã dành cho mình trong lúc còn là học tăng. Nhưng làm trụ trì công việc rất nhiều, mỗi khi ngồi thiền với chúng Ngài đều gục tới, gục lui. Chúng mới hỏi Ngài tại sao, Ngài đáp: “Ta đi vào cõi mộng để gặp cổ Thánh tiên hiền, cũng giống như Mạnh Tử gặp Chu Công vậy”. Chúng tăng nghe vậy, về sau cứ mỗi giờ ngồi thiền cũng bắt chước ngủ la liệt, gật tới gật lui. Nhưng Ngài vẫn khuyến khích chúng cố gắng tham thiền. Ngài đến chỗ một số người gục tới gục lui hỏi tại sao lại không cố gắng. Người đệ tử lặp lại y như câu nói của ông Thầy: “Con đi vào cõi mộng để gặp cổ Thánh tiên hiền, cũng giống như Mạnh Tử gặp Chu Công vậy”. Một vị Thầy nếu như thấy đệ tử nhại lại mình như vậy thì sẽ tức, Nhưng Ngài lại rất vui vẻ hỏi lại đệ tử: “Thế con đi vào cõi mộng gặp cổ Thánh tiên hiền có học được gì không?” Đệ tử không trả lời được nhưng nhân đó mà thức tỉnh, tinh tấn hành trì.
Tuy nhiên, có vị thế này nhưng cũng có vị thế khác. Chẳng hạn như Thiền sư Lai Quả, đệ tử nói đúng Ngài cũng chửi, đệ tử nói sai Ngài cũng chửi. Đệ tử mới thưa: “Bạch Hòa thượng, con đâu có lỗi lầm gì, cớ sao Hòa thượng người quấy cũng chửi, người không lỗi gì cũng chửi?”
Ngài mới nói rằng: “Ông chỉ sợ ông có lỗi chứ đừng sợ ông không lỗi. Dầu ông có lỗi mà ta có khen ông thì ông vẫn có lỗi, dầu ông không lỗi thì ta có chửi ông, ông cũng không lỗi. Nhưng các ông đừng bắt chước ta, bắt chước ta các ông sẽ đọa địa ngục”. Thiền sư nói vậy để khai thị, để làm thành cho người đệ tử. Còn mình chửi với tâm sân hận thì đương nhiên bị đọa. Rồi trong thời kỳ đả thiền thất, đi vào thiền đường trễ cũng bị đánh, đang ngồi mà xả bỏ bồ đoàn ra cũng bị đánh, mà bước chân ra khỏi thiền đường càng bị đánh nặng hơn. Ngài nói: “Các ông có thể chết trên bồ đoàn được, các ông có thể đi tiêu, đi tiểu trên bồ đoàn được nhưng rời khỏi bồ đoàn là các ông chết với ta”. Cho nên có những vị Tăng đi nghiên cứu tham học mòn gót giày cỏ rồi mới dám đến pháp hội của Ngài, có những vị sợ đến mức leo rào chạy ra khỏi tùng lâm. Ngài khó khăn như thế, nhưng tất cả những việc làm của Ngài đều phát xuất từ lòng từ bi, vì lợi ích cho người.
Cũng vậy, khi chúng ta phê phán, dùng những lời lẽ như thế này như thế kia đều phát xuất từ từ tâm của mình, từ mục đích ban vui, cứu khổ mà làm. Nhìn lỗi người đúng pháp thì không những không có tội mà còn có phước. Khi chúng ta có phước thì chúng ta có thể hồi hướng về vô thượng bồ đề.
Ngài Xá Lợi Phất dạy tiếp khi chúng ta bị chỉ lỗi thì an trú vào trong hai pháp. Một là chân thật, hai là bất động. Chân thật là khi có lỗi, mình biết mình có lỗi, thành tâm sám hối. Người ta nói lời chân thật và mình công nhận mình đã làm những điều như thế, đúng là mình có lỗi, xin thành tâm sám hối. Đức Phật dạy có hai hạng người tốt, có nơi gọi là ba hạng người tốt. Thứ nhất là người không có lỗi lầm, là bậc thánh thôi. Còn chúng ta không ai là không có lỗi cả, không lỗi nhiều thì lỗi ít, không lỗi lớn thì lỗi nhỏ, thậm chí từ sáng tới giờ cũng có lỗi chứ đừng nói là cả đời này rồi nhiều đời nhiều kiếp. Hạng người thứ hai là có lỗi lầm mà biết sửa chữa. Hạng người thứ ba có nơi nói là luôn luôn phòng hộ không cho phóng túng. Đây là hạng người lúc nào cũng canh chừng, giữ gìn sáu căn của mình một cách tỉnh giác, thường xuyên để mọi việc làm, cử chỉ của mình không sinh ra lỗi lầm. Như vậy là khi được chỉ lỗi thì mình phải chân thật nhận lỗi.
Trong một bài kinh, Đức Phật cũng dạy: “Này các Tỳ kheo, có hai hạng người ngu. Thế nào là hai hạng người ngu? Đáng lẽ phải tha thứ mà chẳng tha thứ, đó là hạng người ngu thứ nhất. Hạng người ngu thứ hai là có lỗi lầm mà chẳng chịu thừa nhận, sửa chữa. Có hai hạng người trí. Thế nào là hai hạng người trí. Đó là đáng tha thứ mà tha thứ, đó là hạng người khôn thứ nhất. Mình có lỗi lầm, thành tâm nhận lỗi và sửa chữa, đây là hạng người khôn thứ hai”. Cho nên nhiều khi người ta có lỗi lầm gì, họ xin mình tha thứ thì mình tha thứ cho người ta. Bởi vì trên đời ai ai cũng có lỗi lầm cả, mình bắt lỗi người thì ai bắt lỗi mình đây. Chúng ta sống cần tha thứ, thông cảm và xây dựng lẫn nhau, nhận lỗi, biết sửa chữa và xây dựng mọi người. Đây là những việc làm có phước.
Thứ nữa là bất động. Bất động là sao? Khi người ta phê bình mình mà mình không có lỗi, người ta nói oan cho mình thì mình bất động, làm thinh. Chịu nổi không? Mình có lỗi mà phân trần thì dễ, mình không có lỗi mà người ta nói oan mình, mình đâu chịu nổi được. Đây chính là điều mà Ngài Lai Quả khai thị cho đệ tử: “Ông chỉ sợ ông có lỗi chứ đừng sợ ông không có lỗi. Ông không có lỗi thì dù ta chửi ông, ông cũng không có lỗi, còn đem công đức đến cho ông nữa”. Thế nhưng người ta đem công đức đến cho mình mà mình không chịu nhận. Người ta đem những điều oan ức đến cho mình là mang phước đến cho mình (có 3 điều mang lại phước là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, trong đó phước nhẫn nhục là hơn hết). Mình không có mà người ta nói có là người ta đem công đức to lớn đến cho mình, sao mình lại chẳng chịu nhận? Phải làm thinh mà nhận liền. Bất động là như thế. Nhưng có mấy ai dám làm thinh mà nhận không? 

Câu hỏi 2: Kính bạch Thầy, con ngồi thiền thường bị hôn trầm, ngủ gục. Xin Thầy từ bi chỉ cho con có cách nào để vượt qua.
Trả lời:

Trước khi trả lời câu hỏi này, Thầy nhắc lại lời của Sư Ông. Sư Ông dạy: “Người không biết loạn tưởng, không biết hôn trầm là người không biết ngồi thiền, không biết tu thiền”. Câu này của Sư Ông mình phải hiểu sao? Không thể hiểu lơ tơ mơ, ngồi thiền cứ gật lên gật xuống rồi biết như vậy tức là biết ngồi thiền đâu.
Người tu thiền phải đối diện với hai điều rất là nan giải. Một là khi tỉnh thì vọng tưởng, hai là khi yên thì hôn trầm, đi vào mê mê rồi ngủ gục. Đây là hai bệnh cơ bản của người tu thiền. Ai tu thiền rồi cũng phải bị, ngay cả Ngài Mục Kiền Liên, đại đệ tử của Đức Phật cũng bị. Ngài đi theo Đức Phật chỉ có bảy ngày chứng A la hán, trong bảy ngày Ngài tinh tấn hành trì đến mức ngủ tới ngủ lui, Đức Phật phải hiện đến để chỉ cách cho Ngài. Nếu mà người nào vượt qua hai cái này, ngồi thẳng băng trong giờ ngồi thiền thì đạt được thành quả to lớn chứ không phải chuyện đơn thuần. Cho nên, khi đối diện với hôn trầm, ngủ gục, mình phải hiểu đây là điều tất yếu của một hành giả. Vấn đề còn lại là chúng ta tìm nguyên nhân để khắc phục chứ đừng có nản, nếu nản thì mình sẽ thất bại.
Bây giờ mình phải hiểu ngủ gục có mấy nguyên nhân. Một là có khi mình thức quá khuya, làm việc quá mệt không có điều hòa cơ thể, đến giờ ngồi thiền thì cơ thể mệt mỏi nên hôn trầm, ngủ gục là đương nhiên. Do đó, trước hết mình phải điều hòa cơ thể, giờ nào ăn, giờ nào ngủ, giờ nào ngồi thiền, đừng làm việc cố quá trừ những trường hợp đặc biệt.
Hai là do nghiệp ngủ. Có nhiều vị ở ngoài không sao, vào thiền đường kéo chân lên thì bắt đầu gật, cứ leo lên bồ đoàn là ngủ gục. Mà nghiệp như vậy thì mình phải sám hối, tinh tấn mới vượt qua.
Thứ ba là do công phu mà sinh ngủ. Hòa thượng Hư Vân dạy: “Còn tỉnh, còn giác là còn sanh tử. Không tỉnh, không giác thì rơi vào vô minh. Đây là giai đoạn nan giải của hành giả học đạo tham thiền”. Làm sao không rơi vào sanh tử, không rơi vào vô minh, đó là giai đoạn rất khó của hành giả. Nhưng bây giờ mình có như vậy không? Mình chỉ mới ở giai đoạn thứ nhất, thứ hai thôi. Một là sinh hoạt không điều độ, hai là do nghiệp. Nhưng nghiệp tới thì mình dễ biết, là cứ kéo chân lên là gục lên gục xuống. Cho nên mình có hai cách khắc phục, khắc phục về thân và khắc phục về tâm. Tại sao lại khắc phục về tâm? Là vì mình không thiết tha với sự nghiệp của mình. Nếu như mình thiết tha với sự nghiệp của mình thì mình sẽ không buồn ngủ, cơn ngủ mình sẽ khắc phục được rất dễ. Lấy một ví dụ cho quý vị dễ hiểu: Ở ngoài đời có những người đánh bài, nhiều khi thức hai ba đêm không ngủ, thậm chí còn cố nhịn những vấn đề của cơ thể mà say mê con bài như thế. Nếu mà mình đem cái say mê đó mà chuyển sang say mê công phu thì chắc có lẽ mình không ngủ gục. Mục đích tu thiền của mình là liễu sanh thoát tử. Chẳng hạn như mình phạm một tội gì đó tối nay bị tử hình, nếu cho mình ngủ thì mình có ngủ ngon không? Không. Cho ăn đầy đủ, ăn có ngon không? Không. Cho hưởng tất cả mọi dục lạc thế gian, mình hưởng nổi không? Không nổi. Bản án của thế gian có thời hạn rõ ràng, nhưng bản án của mình thì không ghi rõ thời hạn, có thể đến bất cứ giờ nào mà không báo trước cho mình. Thế mà mình không sợ bản án này, lại chỉ sợ bản án có thời hạn rõ ràng.  Nhiều khi đi đám ma mà thấy người chết chứ không thấy mình sẽ chết, có khi gặp nhau còn cười nữa. Phải biết rằng người chết rồi cũng sẽ đến lượt mình chết, nhưng mà mình cứ ngỡ là mình sống dai lắm, chứ không nghĩ là hôm nay hoặc ngày mai mình có thể chết. Nếu như mình khắc sâu ý đó vào đầu thì cơn buồn ngủ sẽ bớt đi.
Còn nếu như dùng tâm đó không được nữa thì Đức Phật dạy như thế này. Ngài Mục Kiền Liên gia nhập Tăng đoàn cùng với Ngài Xá Lợi Phất, hai người có duyên với nhau từ thuở nhỏ, cùng đi tham cứu học đạo rồi cùng trở về làm đệ tử của Phật. Ngài Xá Lợi Phất mười lăm ngày sau mới chứng A la hán, còn Ngài Mục Kiền Liên tinh tấn tu hành, bảy ngày sau đã chứng A la hán nhưng trong quá trình công phu, Ngài phải đối diện với cơn hôn trầm rất lớn. Đức Phật dùng thiên nhãn thấy được nên hiện đến dạy cho Ngài phương pháp đối trị:
Đầu tiên, phải trang bị cho mình ý thức rằng, đừng cho cơn ngủ gục hôn trầm này có thực thể, tồn tại trong ta mãi mãi. Hãy nhiếp tâm nhìn nó, nó sẽ biến đi.
Nếu cách đó không được thì hãy quán chiếu những lời dạy của Đức Phật về vô thường, vô ngã, khổ, không hay mục đích tu hành (như lúc nãy nói là xem nặng vấn đề sanh tử, thiết tha với sự nghiệp của mình), suy xét những lời dạy của Đức Phật thì cơn buồn ngủ sẽ mất đi.
Thứ ba, Đức Phật dạy hãy suy xét những lời dạy của Ngài một cách tinh tế hơn, hãy nghiền ngẫm một cách sâu sắc hơn thì cơn buồn ngủ sẽ bớt đi. Nghiên cứu tinh tế là nghiên cứu đến mức tận cùng của nó. Chẳng hạn, Ngài Pháp Loa có dạy: “Yếu chỉ của thiền là thân tâm đều xả, trước hết phải tập định tâm, tìm coi cái thân này từ đâu mà đến, tâm này từ đâu mà có, thân không thật có thì từ đâu có tâm, thân tâm đều không thì pháp từ đâu mà có, cái có có đó từ đâu mà có, cái có có đã không thì không có pháp có, mỗi pháp chẳng phải pháp thì mỗi pháp nương vào đâu? Chẳng có chỗ dựa nương thì pháp chẳng phải mọi pháp, pháp này không thật cũng chẳng phải chẳng thật. chứng ngộ thật pháp mới hay ngộ được pháp thiền”. Tức là mình nghiên cứu lời dạy của Ngài một cách tinh tế, sâu sắc, tột cùng. Trong Kinh Lăng Già Tâm Ấn có chỉ: “Niệm là vọng giác, si hoặc là bất giác….. Muốn sạch vọng giác phải tìm tột chỗ phát sinh, muốn dứt si hoặc phải tìm tận nguồn sự phát khởi, từ đó mới ngộ chân như không tánh là mật chỉ của chư Phật”. 
Thứ tư, Đức Phật dạy tiếp: Nếu ba điều trên mà không hết buồn ngủ thì phải xúc chạm, tức là phải xả ra xoa bóp tứ chi, đi kinh hành rồi mới trở lại ngồi. Tức là khi quán chiếu không được thì phải xoa bóp tứ chi, đặc biệt kéo mạnh hai lỗ tai, đứng dậy đi kinh hành.
Thứ năm là quán tứ phương. Tức là đi kinh hành, nhìn trời, nhìn nước, nhìn mây, nhìn bốn phương tám hướng thì cơn buồn ngủ sẽ bớt.
Thứ sáu là nếu những cách trên không hết thì quán ánh sáng, nếu ban ngày thì quán ánh sáng mặt trời, ban đêm thì quán ánh sáng mặt trăng thì cũng sẽ hết. Quán bằng cách nào? Đây là quán tưởng, bởi vì mình tối tăm nên quán tưởng ánh sáng mặt trời, ánh sáng mặt trăng chứ không phải là mình nhìn vào ánh sáng mặt trời, mặt trăng.
Thứ bảy là nếu như quán tưởng ánh sáng không hết thì nhìn vào nội tâm của mình, nhìn từng niệm từng, niệm của mình, mỗi dòng suy tư của mình, bám chặt nó. Ngài Hám Sơn nói: “Trước hết chúng ta nhìn cảnh vật không tự tánh, vốn không có tự thể, do chính tâm ta biến hiện ra rồi chúng ta dụng công như sau: Tìm xem cái tâm hiện hành sinh ở đâu, diệt ở đâu, hãy cố gắng bám sát nó, nghiền nát nó bằng tất cả sức mạnh, chúng sẽ tan biến đi”. Tức là mình dùng đối tượng là tâm niệm mình thì cơn buồn ngủ sẽ bớt đi.
Cuối cùng, nếu làm mọi cách mà không được thì nằm kiết tường, nhưng nằm đừng với cái tâm làm cho thỏa mãn, nằm để nghỉ ngơi. Qua cơn ngủ gục rồi thì tiếp tục ngồi nữa. Có lẽ pháp thứ tám này quý Phật tử dễ nhớ hơn .

Hết kỳ I.
Tags: Tham vấn đạo lý

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 13644
  • Online: 36