Thầy - Những Câu Chuyện Và Lời Dạy
24/04/2023 | Lượt xem: 1829
NS.Thích Nữ Thuần Tuệ
Như những con chim, khi đủ lông cánh rời tổ bay đi, chúng con ngày nay, một số cũng đã xa Thầy tùy phương làm Phật sự. Tuy đã bước chân ra, nhưng tâm tư thì luôn ở bên Thầy. Bao nhiêu tháng năm, bao nhiêu đổi dời, hình vóc Thầy từ trẻ nay đã già, chúng con từ thơ bé nay đã dường như khôn lớn, nhưng Thầy thì vẫn luôn đó trong chúng con không hề đổi, sừng sững uy nghiêm, an lành che chở, một đời chỉ dạy không mỏi mệt, một lòng trông nom coi sóc đàn con…
Nay Thầy còn ngồi đó, yên tĩnh nhìn bốn chúng, tu hành, làm việc, không một lời, không một bảo ban. Chúng con về bên Thầy, đảnh lễ, thầm lặng ngắm nhìn Thầy. Dù có lúc nước mắt lặng thầm chảy vào trong, chúng con vẫn cảm nhận được tấm lòng Thầy bao la vô tận. Thầy ngồi đó, bao năm yên lặng, nhìn từng lớp đàn con đến đi, xem bao biến đổi, người còn người mất… Vẫn lặng lẽ không lời. Thầy vẫn đó, chờ đàn con lớn khôn rõ biết đường về.
Đường về, vắng thưa, hay vẫn không thiếu những bước chân quen? Những đứa con khôn lớn, dù ở đâu cũng đang trên đường về Thầy ơi! Thầy vẫn ngồi đó, chờ những đứa con. Đứa nào cũng là con của Thầy, cũng trong sự mong đợi của Thầy.
Đường về và quê nhà! Chí nguyện một đời tu! Thầy vẫn còn ngồi đó! Đọc lại những câu chuyện nhỏ của hơn mười năm trước, khi Thầy còn khỏe, khi vẫn ngày hai lần chống gậy qua Nội viện Trúc Lâm Tăng và Ni, khi hằng tháng vẫn về các Chiếu giảng dạy, để thấy Thầy luôn vẫn rất gần, chúng con vẫn luôn được bên Thầy tu tập.
Chỉ ray rứt một điều, sao để Thầy trông chờ lâu quá mà mình vẫn còn chưa về lại quê nhà!
Thầy ơi! Hôm nay, ngày sau, đời sau, cho đến khi thành Phật, chúng con luôn vẫn là đàn con đi theo bước chân Thầy!
2001
* Thầy nhìn hai Phật tử công quả, cười hỏi:
- Sao, mấy con có còn nhớ xuất gia có mấy hạng không?
- Dạ bạch Sư Ông, con nhớ. Có ba hạng: Một là muốn xuất gia. Hai là quyết chí xuất gia. Ba là liều chết xuất gia.
- Ừ, mấy đứa con thuộc hạng nào? Chắc là hạng thứ hai phải không? Còn chú này - Thầy chỉ sang Phật tử thứ hai - có dám ở luôn không, hay là muốn trở về?
- Dạ, bạch Sư Ông, con xin ở luôn!
Thầy cười quay sang cánh bên trái, toàn là quý cô đã ở lâu tại Trúc Lâm:
- Còn mấy đứa, thuộc hạng thứ mấy?
- Dạ, thưa Thầy chắc là... thứ nhất! (cười cười gãi đầu) Thầy chợt nghiêm trang:
- Mấy đứa con là phải thuộc hạng thứ ba: liều chết xuất gia, nhất quyết không thay đổi tâm chí, không thay đổi hình thức, trong bất cứ trường hợp nào cũng quyết là người xuất gia!
* Hôm nay, Thầy bắt đầu bằng một câu hỏi:
- Mấy đứa đi tu có phải là hy sinh không? Một vài người trả lời nho nhỏ:
- Dạ có! Thầy cười:
- Đi tu là để cứu mình. Vì muốn mình thoát khỏi sanh tử trầm luân mà đi tu, như vậy là thương mình, muốn lo cho mình mà tu, có gì đâu là hy sinh?
Thông thường, ai cũng thấy đi tu là khổ, là bỏ cả một đời. Nhưng chịu khổ để tìm ra cái mình chân thật, không còn bị trói buộc, phiền não nữa thì có xứng đáng không? Khi thấy cái thật rồi, không theo cái điên đảo nữa, thì mới biết thương chúng sanh, mới tìm cách giúp họ cũng tỉnh thức như mình. Đó gọi là cứu độ chúng sanh.
Như vậy, muốn cứu người trước phải cứu mình, chứ mình còn trầm luân điên đảo thì không làm sao cứu người được. Mà cứu mình, lo cho mình thì có gọi là hy sinh không? Đâu có gì là hy sinh phải không?
Chỉ những người sống ở đời chạy theo đủ thứ hư dối rồi cuối cùng già bệnh, rồi chết vô ích, mới gọi là hy sinh một đời trong sự vô nghĩa. Còn người tu, chịu cực khổ, để cuối cùng tìm ra cái chân thật, giải thoát sanh tử, cứu mình, cứu người, thì đâu có gì là hy sinh!
Giả như có gia đình kia, nhà có viên ngọc quý, đem chôn giấu chỗ kín, lại bỏ trong hũ, trên để đủ thứ tạp nhạp che giấu. Nay con cái muốn tìm kiếm viên ngọc, bèn ra sức đào bới để đem lên. Khi khổ nhọc đó có gọi là hy sinh không? Có gì đâu mà hy sinh! Vì mình ráng tìm cho ra thì có ngọc quý xài. Còn người lười biếng, không chịu đào xới, sợ nhọc mệt, thì cứ nghèo hoài, không có ngọc xài.
Như vậy, đi tu, ngày nay xem như khổ cực nhưng sau cứu được mình, cứu cho người, đó là một việc làm xứng đáng, chẳng phải là hy sinh như mọi người thường nghĩ.
2002
* Thầy kể:
Hồi ở Phật Quang, quý thầy cực lắm, không sung sướng như tụi con bây giờ. Khuya 03 giờ dậy đi công phu, xong đi tưới rẫy, trồng rau. Hồi đó đâu có tiền đi chợ như bây giờ, ráng trồng để có thêm chút này chút kia ăn. Sáng sáng ăn ba hột, cơm có khi gạo ẩm, ăn nước tương Quảng Bình, là nước muối thêm ít nếp rang bỏ lơ thơ cho có vị, hôm nào có được miếng nước tương Tàu là quý lắm. Bảy giờ là học trò đến, chừng hai chục đứa, con nhà nghèo quanh vùng… Thầy ra cắt công việc cho mấy đứa nhỏ, quét sân, nhổ cỏ… 8g30 tất cả vào lớp, Thầy dạy tụi nó học.
Buổi chiều quý thầy học, Sư ông dạy. Học vừa ra là đi tưới rẫy liền. 06 giờ vào sám hối Hồng Danh 108 lạy và Tịnh độ công phu tối. Sau đó mới đi học bài, có khi học tới khuya.
Bài Sư ông1 bắt phải dò, tra chữ trước. Lên lớp phải đọc bài, xong cả rồi Sư ông mới giảng sau.
Hồi ở Phật Quang, tối còn đi giã gạo tới khuya, rồi xay lúa, lại còn bó rơm làm nấm rơm bán, đâu có sẵn tiền.
Lên đến Ấn Quang, ở ngã ba Vườn Lài, không có nước máy, phải chờ đến 09-10 giờ tối dân chúng bớt lấy nước, mình mới ra lấy về xài. Vừa học, vừa làm công tác. Thầy học hai năm thì bắt đầu đi giảng, làm đủ thứ việc, nhưng ăn uống đâu có gì. Sáng một đĩa rau muống luộc chấm nước tương, có khi gạo ẩm cũng ráng nuốt. Chịu đựng một thời gian thì lao lực đưa đến đau phổi.
Lớp Thầy xưa ở Phật Quang chừng ba mươi mấy người, nay còn lại chừng ba người. Còn lớp Ấn Quang, lớp Trung đẳng năm thứ hai chừng ba bốn chục người nay còn chừng năm sáu người. Đó là vì thiếu duyên phước, trên đường tu gặp chướng bị tuột xuống. Người đủ duyên phước thì càng tu càng tiến. Người phước nhiều làm việc không mong cầu mà có kết quả. Đừng nghĩ mình làm cho chúng là thiệt thòi, đó chính là cơ hội cho mình tạo phước, sau mới đủ duyên để tu.
* Thầy nhìn quanh, cười hỏi:
- Mấy đứa sao gọi là ráng tu?
- Là ngồi thiền đau chân, nhìn đồng hồ thấy còn mười lăm phút nữa ráng chịu đựng phải không?
- Dạ!
- Có ai nói gì không vừa ý, ráng nhịn phải không?
- Dạ!
Thầy cười cười không nói gì. Chúng cũng im lặng. Một lúc sau chợt Thầy lên tiếng:
- Nhịn không có ráng!
- Có gì đâu mà phải ráng. Ai nói gì không đúng ý mình thì cười rồi bỏ qua. Có ai giống ai đâu, mỗi người mỗi ý. Làm sao bắt người ta giống như mình được. Trong chúng sáu mươi người là sáu mươi ý. Chỉ có hòa hợp nhường nhịn nhau mà sống thôi. Như mấy đứa thấy đó, cùng làm một công việc hai ba huynh đệ, nhưng người làm cách này, người làm cách kia. Một việc nhỏ còn mỗi người mỗi ý. Biết vậy rồi, ai nói gì làm gì khác ý mình cũng cười rồi bỏ qua thì đâu có chuyện gì xảy ra, phải không?
Chúng tôi im lặng. Lời Thầy dạy thấm thía vô cùng. Nguồn tranh chấp của nhân loại bắt đầu từ những điều đơn giản như thế này.
* Hôm nào mấy đứa giả bộ sống không phải trái một ngày, xem thử ngày đó có khỏe không? Mấy đứa giả bộ một ngày thôi, thử xem!
Chỉ cần nhớ hai điều:
+ Phải trái không thật
+ Thân không thật
Thì không còn chuyện gì để phiền não, cãi lẫy nữa.
Hễ phân phải trái, thì ai thân với mình, thế nào mình cũng bênh. Người kia bị xử thua tất sẽ buồn bực, phiền não. Cho nên hễ có phải trái là có phiền não.
Thầy thì hễ ai thưa kiện xin Thầy phân xử, Thầy bảo: “Hai bên thưa kiện thì quấy cả hai!” Vậy là xong!
* Sáng mai Thầy về Thường Chiếu để đi giảng ở Bà Rịa. Chiều nay Hòa thượng sang thăm ni chúng. Thầy nói chuyện:
- Chiều nay Thầy có tiếp mấy Phật tử ở Canada và ở Mỹ về. Trước đây họ chưa biết mặt Thầy, chỉ mới nghe tên. Mấy Phật tử đó hỏi Thầy một câu:
- Tụi con tánh nóng quá! Xin Thầy dạy tụi con làm sao cho hết? Thầy dạy:
- Nóng không phải là tánh, chẳng qua là thói quen chấp ngã. Tánh thì không có đổi thay, lúc nào cũng vậy. Nếu ai nhỏ hơn mình mà nói trái tai, mình nổi nóng liền. Nếu người lớn hơn mình nói trái tai, mình có dám nổi nóng được không? Như công an, cảnh sát chẳng hạn… Vậy, nóng là do coi mặt, không phải là tánh thật. Ví dụ con cháu mình nói quấy, mình la hét lại liền, còn người lớn nói mình đâu dám cãi. Đó là tánh hay không phải tánh? Nóng không thật, mà giữ nó đem khoe thiên hạ “Tôi nóng lắm à!”, đó là bảo vệ cái xấu của mình. Tụi con có nóng không? Nóng với ai?
- Dạ thưa Thầy, nóng với mấy đứa nhỏ!
- Vậy thì đúng là coi mặt người mà nổi nóng. Đó cũng do chấp ngã. Nó là giả tướng, đâu có thật. Thấy vậy rồi cười thôi, không có gì quan trọng.
Một lát, Thầy dạy tiếp:
- Nếu mình lỡ làm xấu điều gì với ai, bất thần người đó đến cự lộn mình, thì mình phải nói: “Thưa chị, không biết em có làm gì quấy, em quên, chị cho em biết em xin lỗi.” Nếu người giận la mình rồi mình cự lại, là chồng thêm lỗi hơn nữa. Cứ thấy người ta la mình là mình cự lại, chứ không chịu tìm hiểu nguyên nhân! Đạo Phật là đạo nhân quả mà mình không chịu học theo. Người ta nói: “Oan gia nghi giải bất nghi kiết”, oan gia nên mở không nên buộc, mà tụi con không mở, lại buộc không hà! Tu mà động tới la chói lói lên thì sao hà?
* Thầy hỏi:
- Mấy đứa con có biết vì sao người trẻ tuổi thường thấy cuộc đời là bi kịch, còn người già lại thấy đời là hài kịch không?
- ……
- Người trẻ lớn lên, có nhiều mộng ước tương lai, ai dè ra đời thường vấp phải những khó khăn, thất bại. Mọi việc trong đời không hoa mộng, dễ dàng như mình tưởng, nên thấy đời là bi kịch.
Còn người già sống năm bảy chục năm rồi nhìn lại, thấy rõ người giàu sang đẹp đẽ bao nhiêu rồi một ngày cũng là thây chết. Thất bại, nghèo cùng rồi cũng thành thây chết, như nhau. Vậy mà sống thì tranh giành hơn thua đủ thứ. Thấy như là hài kịch, nên cười thôi!
* Sáng nay chúng tôi được nghe Thầy giảng bài Phổ Khuyến Phát Bồ- đề Tâm (Rộng Khuyên Phát Tâm Bồ-đề) trong Khóa Hư Lục. Chiều, như thường lệ, Thầy chống gậy qua Ni viện:
- Hồi sáng học tụi con thấy sao? Ngài Trần Thái Tông là một ông vua mà nói được như vậy, tụi con có hổ thẹn không? Một người cư sĩ mà nói đạo lý hơn mình, mình phải tự hổ thẹn! Mấy đứa ráng, những gì người xưa thấy, hiểu, ghi chép lại, tụi con nghe, học và nhận định cho chín chắn. Sở dĩ Thầy đem Phật giáo đời Trần dạy cho tụi con vì Phật giáo đời Trần có những đặc điểm:
+ Các vua Trần là những vị cư sĩ mà hiểu đạo thấu đáo không thua gì các Thiền sư. Huống nữa chúng ta là người xuất gia, chẳng lẽ không ai được như các ngài? Biết đâu trong đạo tràng này - Thầy chỉ các Phật tử Đạo tràng Tinh Tấn ở Cà Mau - sau sẽ có người xuất cách! Vì vậy Thầy dạy cho tất cả cư sĩ và xuất gia tu, ai tu cũng được, cũng có thể có kết quả.
+ Điểm khác nữa, là một ông vua, mà ngài Trần Thái Tông nghiên cứu kinh điển thấu đáo. Còn tụi con chỉ một bề lo tu và học thôi mà không kịp ai, như vậy có đáng trách không? Phải chi ngài là người xuất gia, mình không hổ thẹn; nay ngài là một ông vua, bận rộn rất nhiều việc, mà sự tu và nghiên cứu kinh điển ngài làm tròn hết. Mình chỉ có một việc thôi mà làm không tròn thì thật đáng hổ thẹn!
Nói vậy để tụi con cố gắng, không trì hoãn, chậm lụt. Phải luôn luôn tỉnh sáng, đừng bỏ phí tuổi trẻ, sau này tu học không kịp ai. Uổng đi một ngày, uổng đi một đời!
2003
* Chiều 28 tết, Thầy chuẩn bị vào thất. Chư tăng ni các viện và Phật tử khắp nơi đổ về Trúc Lâm trong những ngày này. Chúng tôi rộn rã chờ đón Thầy qua Ni viện, biết rằng sẽ phải rất lâu không được nhìn thấy Thầy mỗi chiều.
- Tụi con thấy Thầy đi đâu cũng đông vầy thế này vui không? Tụi con có thích như thế này không?
- Dạ thưa Thầy, thích!
- Tụi con có biết vì sao mà được thế này không?
- Thưa Sư ông, vì tâm Sư ông từ bi, nên chúng sanh thích đến gần. Thầy cười:
- Người ta ưa đến gần mình vì tâm mình rộng rãi. Thấy ai thành công, sung sướng mình mừng giùm cho người ta. Luôn luôn mình mong cho người được mọi điều tốt đẹp. Như vậy thì ai cũng vui khi thấy mình.
Giả sử hôm nào tụi con đi đâu về trễ. Ở nhà chia phần bánh, ai cũng được hai cái, còn mình về trễ nên hết bánh. Vậy thì sao? Phàn nàn, bực bội, so bì với người ta? Thì làm sao ai ưa mình được! Lúc ấy phải vui vẻ thấy người ta có đủ bánh là tốt, còn mình thì kiếm gì đó ăn đỡ, cũng đâu có sao. Nếu mình cứ tật đố với người này người kia thì không ai thích gần mình cả.
Có hai điều khiến mọi người thích đến với mình.
+ Một là có tâm rộng rãi với tất cả mọi người.
+ Hai là thường làm lợi ích cho mọi người. Ai đến với mình cũng được lợi lạc nên người ta ưa gần.
Mấy đứa nhớ như vậy thì sau đi đâu cũng đông đảo bà con như Thầy!
* Mùa an cư 2009, trước ngày vào hạ, quý thầy cô từ các thiền viện lên Trúc Lâm đảnh lễ Thầy. Bên võng buổi chiều, quý cô ngồi quanh Hòa thượng. Nhìn xuống thấy ai nấy đầu đã bạc, Thầy cười:
- Bây giờ mấy đứa là trụ trì, phó trụ trì… đầu bạc cả rồi, mà Thầy cứ kêu là “mấy đứa”, nghe không ổn chút nào!
Sư Hạnh Huệ lẹ miệng:
- Chứ không lẽ bây giờ Thầy kêu tụi con là ‘mấy cô”?
- Thưa Thầy, kêu “mấy đứa”, tụi con được trẻ lại.
- Thưa Thầy, Thầy sống đến trăm tuổi, tụi con tám chục, đối với Thầy, tụi con vẫn là “mấy đứa” mà!
* Linh Hòa dâng Thầy phong bì:
- Thưa Sư ông, có chú thợ làm dưới cổng chùa cúng dường Sư ông, nhờ con chuyển giùm.
Hòa thượng cầm phong bì:
- Tội nghiệp! Làm thợ đâu có nhiều tiền mà cúng!
Mở ra, trong có năm chục ngàn, Thầy cầm phong bì đưa lên, nhìn chúng tôi:
- Đây là đồng tiền mồ hôi nước mắt chứ không phải thường. Mấy đứa phải ráng mà tu!
* Buổi chiều bên võng, một cô hỏi Thầy:
- Thưa Thầy, buổi tối Thầy ngủ có dễ không? Ngủ ngon giấc hay có giật mình dậy nửa đêm?
- Nằm xuống là ngủ liền. Ngủ một hơi tới khuya dậy ngồi thiền. Cô khác chen vào:
- Thầy lớn tuổi mà ngủ dễ hay quá! Sao có người nằm hoài không ngủ được?
- Tại họ không biết ngủ!
* Thầy kể:
- Hồi trước Thầy ở chùa mười năm, không hề cãi vã với ai. Sao hay vậy, thưa Thầy?
- Một đôi chút cao thấp, hơn thua có đáng gì đâu, nghĩ vậy rồi bỏ qua, có gì đâu mà cãi nhau. Ai muốn giành phần hơn thì để họ hơn, mình lo việc mình. Người ta có cho là mình ngu thì cũng đâu có sao, mình có vì vậy mà thành ngu đâu mà sợ!
* Thầy dạy:
Lâu lâu có ai đó chọc tức thử coi có nổi sân không. Nếu vẫn nổi sân là biết mình vẫn còn nuôi rắn độc trong nhà.
Chừng nào đuổi hết ba con rắn độc thì tu ít mà kết quả nhiều. Còn chứa ba con rắn độc là còn mầm luân hồi sanh tử. Muốn ra khỏi sanh tử thì phải đuổi nó ra.
* Ở đời, ai cũng thường khen người giỏi phân biệt tốt xấu rành rẽ, là người khôn ngoan. Nhưng đối với trong đạo, đó là người dại hay khôn? Càng giỏi phân biệt thì càng mất mình! Còn người mà ai nói gì cũng mặc, chỉ lo giữ một tâm an định sáng suốt bên trong, là người khôn hay dại? Đó mới thật là người khéo tu, chỉ lo nhìn lại nội tâm, giữ gìn sự tỉnh sáng nơi mình, không chạy theo các thứ bên ngoài. Chứ cứ nghe ai nói động tới mình là tìm cách bảo vệ, mà bảo vệ cái gì? Chỉ là một thân nhơ bẩn, một tâm điên đảo, tự cho là mình, thì đâu gọi là khôn!
* Người tu mà tham vẫn nuôi, sân vẫn giữ thì tu làm chi. Có nhiều người nói: “Câu đó đáng giận quá, không giận sao được?” Ngày xưa lúc Thầy ở Phương Bối am, có Phật tử ở các tỉnh gởi thư cho Thầy, kể chuyện bị người ta ăn hiếp, cuối cùng họ nói: “Thưa Thầy, người ấy làm như vậy thật là đáng giận.” Thầy gởi thư trả lời rằng: “Không có cái gì đáng giận cả, chỉ tại Phật tử nhẫn không được thôi.”
Chúng ta nhẫn không được rồi đổ thừa sự việc đáng giận, con người đáng giận để mà giận. Thật ra cái gì cũng có thể bỏ qua được hết, khi ta biết rõ nó không thật. Bởi không biết rõ nên càng nghĩ càng giận. Đáng giận hay dễ giận là câu nói thông thường để che đậy lỗi dễ sân của chúng ta. Tu như vậy làm sao phá được sân si? Chừng nào phá được sân si, ta mới có phần tự chủ, có tự chủ mới có tự do. Tự do là nhân, sẽ đưa đến quả giải thoát. Người tu cần phải chiêm nghiệm kỹ nội tâm của mình, chứ không phải đua nhau trên hình thức bên ngoài.
(trích Nghiệp Thức và Tánh Giác )
2010
* Thầy uống sữa buổi chiều ở thất, một số ni chúng ngồi dưới chân quanh Thầy. Mặt kiếng của chiếc bàn Thầy ngồi phản chiếu các tấm hình treo trên vách. Một cô nghiêng đầu cố đọc hàng chữ trong tấm hình phản chiếu trong mặt kiếng bàn.
Thầy trông thấy cười:
- Thấy cái thực của nó chứ thấy bóng làm gì mất công!
* Có hai vợ chồng người Miến Điện đến viếng Trúc Lâm, thưa:
- Bạch Thầy, chúng ta phải làm sao đối với cái chết, của những người thân và của chính mình?
- Nên biết rằng cái chết không đến với riêng ai. Điều đó chung cho tất cả mọi người.
- Thưa vâng, nhưng tuy là biết vậy mà khi có một người thân nằm xuống, mình vẫn đau lòng. Vậy phải làm sao cho bớt buồn?
- Chỉ có ngồi thiền thì tâm tự thanh thản. Hễ tâm an thì cái buồn không còn.
* Ni chúng ra Tiếp Tân Đình chơi, Thầy dạy:
Phật pháp tại thế gian Bất ly thế gian giác
Ly thế mích bồ-đề Kháp tợ tầm thố giác.
Phật pháp ở tại thế gian này,
Không thể rời thế gian tìm Phật pháp,
Rời thế gian tìm Phật pháp cũng như tìm sừng thỏ, Mấy con biết Phật pháp tại thế gian là tại chỗ nào?
Nếu muốn tu hạnh nhẫn nhục, thì phải đi đâu tu? Lên non lên núi tu hay là chính khi sống trong chúng, lâu lâu trong huynh đệ có hai ba người cự nhau, nhân chỗ đó mà tập hạnh nhẫn nhục? Nếu để cho nổi sân là không nên, trái đạo lý. Như vậy là ngay trong chúng mà biết tu, chứ lên núi thì tập nhẫn nhục với ai? Ở trong chúng, có kẻ nói này, người nói nọ, kẻ nói hơn, người nói thua, dù ai nói hơn mình, mình vẫn nhịn được, đó là tập hạnh nhẫn nhục. Như vậy ngay trong chỗ đông đảo huynh đệ mà mình khéo tu, đừng đợi ở riêng một mình mới gọi là tu. Ở riêng một mình, lâu lâu nhớ chuyện này chuyện kia đâu đâu tào lao, không hay ho gì cả.
Ở trong chúng có kẻ dở người hay, mình thấy cái dở biết để tránh, thấy cái hay thì học theo. Như vậy trong huynh đệ có đủ những cái hay cũng như cái dở cho mình thấy. Thấy được rồi mình mới biết, dễ tu, nếu không thấy không biết thì cứ tưởng như mình ngon lành lắm, không ngờ mình cũng có cái dở giống người ta.
* Trong đời, có những người tự vẽ chân dung mình, gọi là tranh tự họa.
Thầy cũng tự họa một hình ảnh chính mình qua những lời thơ giản dị:
HOA QUỲ DẠI
Đây là hoa Quỳ dạì
Mọc ở ven rừng hoang
Nép mình lề đường cái
Làm giậu chống kẻ gian.
Cuối thu nụ không sái
Đua nhau trổ rực vàng
Mặc người khinh rừng dại
Cốt tô điểm non sông.
Vui mục đồng thường hái
Chồn chuột luôn náu mình
Che chở cho muôn loại.
Lời thơ có vẻ như quê mùa, không chải chuốt, như chính đời sống Thầy giản dị, chân thật, làm tới đâu nói tới đó, không phô trương, chỉ chăm chỉ dốc lòng cho điều tâm nguyện.
Tâm nguyện một đời của Thầy: “Hoài bão của Thầy đều gởi gắm hết vào sự nỗ lực tu tập của tụi con. Tăng ni tu có niềm vui, sáng được việc lớn, đó là biết thương tưởng đến Thầy. Bằng ngược lại thì thật là Thầy chưa đủ phước để được vui trước khi nhắm mắt. Bởi vì nguyện vọng khôi phục Thiền tông Việt Nam, đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần của Thầy chưa thành tựu.”
Đốt nén hương lòng, con thành tâm cung kính đảnh lễ Thầy, Người đã sanh ra con trong Phật pháp, mở con mắt tuệ cho con. Một đời Thầy là ngọn hải đăng cho muôn loài đang chơi vơi trong biển lớn sanh tử. Con xin nguyện nối bước chân Thầy đi mãi trên con đường giác ngộ, cho đến ngày thành Phật.
NS.Thích Nữ Thuần Tuệ
Trích ""Kỷ Yếu Khánh Thọ Bách Tuế Hòa Thượng Tôn Sư"
*Những đoạn chuyện ngắn được ghi lại từ Nội viện Ni Trúc Lâm.
Các bài mới
- Duyên Lành Với Sư Ông - 02/03/2023
- Kính Lễ Thâm Ân - 05/01/2023
- Cái kén con tằm - 29/08/2022
- Thanh kiếm vào đời - 21/07/2020
- Hạnh phúc chân thật - 07/04/2020
Các bài đã đăng
- Nhìn đời như bọt nước - 13/09/2019
- Thông điệp của Địa Tạng Vương - 26/08/2019
- Gương sáng muôn đời - 15/06/2019
- Mùa hạ trong rừng - 13/05/2019
- Cầu an - 19/02/2019
Đạo phật với đời sống
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 00659
- Online: 31