Thể nghiệm về cái chết - Phần 11: Phương pháp thực tập thiền quán

15/11/2016 | Lượt xem: 4977

ĐĐ.Thích Khế Định giảng tại Sydney-Úc

“Dưới tác dụng của nghiệp lực, thần thức sẽ thấy vô vàn cảnh tượng cám dỗ thần thức tái sanh. Những cảnh tượng này đều là hư giả không thực. Khi đối diện với chúng, phương pháp duy nhất là vô niệm, vô tướng, vô trụ là tốt nhất.”

Lục Tổ dạy, vô niệm làm tông, vô tướng làm thể, vô trụ làm bổn, tức là gốc. Ở trên tướng mà không sanh tâm, không trụ trên tướng tức là mình giải thoát. Muốn như thế mình phải thực tập hằng ngày. Ở nơi bình hoa, mình thấy rõ ràng bình hoa, mình không ở trên tướng bình hoa, không trụ tướng để mà sanh tâm chia chẻ phân biệt. Phương pháp đó là tốt nhất.

“Vô tướng là đối với tướng mà lìa tướng. Vô niệm  đối với niệm mà không niệm. Vô trụ là bản tánh của người đời. Ở thế gian nào là thiện ác tốt xấu cho đến những việc oáncùng với thân, ngôn ngữ, xúc chạm, hư dối tranh đua, thảy đều đem về không, không nghĩ trả thù lại.”

Thì cuộc sống của mình an nhàn, an ổn lắm, chuyện gì mình cũng cho qua hết.

“Đối trên các pháp mỗi niệm không trụ, tức là không bị trói buộc, đây là lấy vô trụ làm gốc.”

Mỗi niệm rõ biết mà không trụ, tức là mình không bị pháp nó trói mình, thì khi ra đi pháp này hư giả không có thật. Trụ tức là rõ biết mà không ở trên tướng sanh tâm, chứ không phải giống như gỗ, đá.

Hôm qua, ông Thầy bị dập ngón tay, Thầy Thật Pháp hỏi: “Thầy bị vậy có đau không?” “Đau!” Đau nhưng mà không có trụ trên cái tướng đó mà rên mà khóc.

Có một vị Thiền sư bệnh nặng, ông thị giả hỏi: “Hòa thượng bệnh, có cái không bệnh chăng?” Ngài nói: “Ui da, ui da!” Cái biết “ui da” thì không có bệnh, cái biết bệnh thì không có bệnh. Chẳng hạn như bây giờ tôi nhéo, đau không? Đau! Khi tôi nhéo thì rõ ràng đau, nhưng tôi thả ra nó không đau. Như vậy, cái gì biết đau và không đau thì cái đó nó không bệnh. Chúng ta phải thực tập hằng ngày, đối trên các pháp mỗi niệm không trụ mà thấy rõ ràng. Mỗi niệm biết hết mà không trụ thì không bị pháp nó trói. Giống như thiền sư Hương Hải nói “Nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thủy” mà hồi nãy tôi đã đọc.

Tóm kết lại bài này, tôi xin kể hai câu chuyện:

Câu chuyện thứ nhất trong Nghệ Thuật Sống:

Ngày xưa có một ông lái buôn, ông đi tất cả các nước trên thế giới, đến nơi nào thấy gì lạ ông đều mua về, dầu cho bao nhiêu tiền ông cũng mua. Một hôm ông đến một vùng châu Phi, người ta bán cho ông một con chim biết nói và hiểu tiếng người. Trong rừng thì nhiều chim nhưng con chim này rất khó bắt. Ông đem con chim quí về nuôi, làm cho nó một cái lồng bằng vàng, ly đựng gạo, đựng nước của nó thì làm bằng ngọc vì ông rất giàu có.

Mình nghiệm thử có giống mình không, gọi là lầu son, gác tía. Tôi thấy quý Phật tử bên này lầu son, gác tía khó buông lắm. Ở xứ nào khổ khổ mà dễ tu, xứ này khó tu chứ không phải dễ. Mở tủ lạnh ra là đầy đủ đồ ăn thức uống. Mà uống ly bằng ngọc!

Một hôm ông nói với con chim:

- Này bạn, tôi sắp đi rất xa, chuyến đi này tôi sẽ đi qua vùng ngày xưa bạn ở, bạn có nhắn nhủ lời nào cho những người bạn của bạn ở bên đó không? Tôi sẽ chuyển lời lại.

Con chim nói:

- Nếu ông qua bên đó gặp bạn tôi, hỏi giùm tôi làm cách nào để cứu tôi ra khỏi chiếc lồng này.

Ông nghĩ con chim này ngu quá, xưa giờ ông tưởng nó khôn, bởi vì sinh mạng của nó nằm trong tay ông, sao mà cứu được. Nhưng ông cũng rất thương con chim nên quyết định sẽ chuyển lời này tới bạn nó.

Khi đến châu Phi, gặp con chim bạn của nó đứng trên cây, ông thuật lại lời con chim ở nhà với con chim bạn. Nghe xong, con chim bạn mắt lim dim rồi gục xuống chết. Ông nghĩ chim mà tình nghĩa hơn cả loài người, nghe bạn bị nhốt trong lồng mà buồn đến nỗi chết. Khi về đến nhà, việc đầu tiên ông đến lồng chim kể lại:

- Bạn mày sống rất tình nghĩa, tao vừa hỏi có cách gì cứu mày ra khỏi lồng thì nó gục xuống chết.

Con chim nghe như thế cũng lim dim đôi mắt, khóc rồi gục xuống chết.

Ông mở lồng ra, để con chim lên bàn tay, nó bay cái vùđậu trên ngọn cây nói:

- Đó! Bạn tôi đã chỉ cho tôi, muốn ra khỏi chiếc lồng này thì phải chết.

Chỗ này quý Phật tử tu, phải không? Mình muốn ra khỏi thế giới ta bà đau khổ này, ra khỏi những phiền trược trong cuộc sống mình phải chết một lần, giống như chúng ta rớt xuống một cái vực thẳm mà xung quanh toàn là vách sắt, bám lên rớt xuống. Phải có một lần chết hết những tâm niệm, những gì mà mình mong ước, nhà thiền gọi là “tuyệt hậu tái tô”, một lần chết đi để ngàn năm sống lại.

Cuối cùng, tôi mong mỏi quý Phật tử thấy là cuộc sống của chúng ta bây giờ phải tu tập, phải chuyển hóa.

Tôi đọc quý Phật tử nghe bài kệ của Hòa thượng Minh Phát để khuyến tấn quý Phật tử và để tóm kết lại phần này cho quý Phật tử có thêm niềm tin:

Giỏi như Hạng Võ tài cử đỉnh,

Nơi chốn Ô Giang chịu cắt đầu,

Hàn Tín công nghìn bao nhiêu trận,

Mà ấn Tề Vương được bao lâu?

Nhan sắc cũng tàn theo năm tháng,

Anh hùng hào kiệt cũng đeo sầu,

Gẫm trong thiên hạ, ai người tỉnh,

Tài, tình, danh, lợi có gì đâu.

Rồi một ngày kia, hợp sẽ tan,

Dòng đời trôi nổi với thời gian,

Trải qua mấy độ quan san ấy,

Thầm dở tiếng than phận lỡ làng.

Chi bằng sớm tỏ mùi thiền vị

Mà kiếp thân tàn khỏi trái ngang.

Nhìn trăng suy nghiệm tình chư Phật

Tỉnh rồi thoát thấy đạo thênh thang.

Bài kệ rất hay, phải không? Chi bằng sớm tỏ mùi thiền vị, mà kiếp thân tàn khỏi trái ngang. Quý Phật tử thấy kiếp mình thân tàn không? Lúc còn khỏe mình thấy mình đâu có thân tàn, mà bây giờ già, yếu, đi lụm khụm là thân tàn rồi.

Câu chuyện thứ hai trong Thiền sử Việt Nam:

Thiền sư Tức Lợi dòng Vô Ngôn Thông đời thứ 14, lúc còn ở trong chúng, một hôm ngài vào rừng bắt được con chim trĩ đem về dâng cho Thầy là Thiền sư Thông Thiền. Thầy nói:

- Ông là người xuất gia mà tại sao còn mang nghiệp sát sanh, ông không sợ quả báo chăng?

Thiền sư Tức Lợi nói:

- Con khi ấy chẳng có thấy chim, chẳng có thấy con, cũng chẳng thấy quả báo.

Thiền sư Thông Thiền nghe nói như thế mới cho vào mật thất truyền tâm yếu như thế này:

- Nếu ông mà được trong cảnh giới đó, dẫu cho phạm vào tội ngũ nghịch cũng được thành Phật.

Ông tăng kế bên nghe như thế bèn nói:

- Khổ thay, khổ thay, dẫu mà tôi thành Phật, tôi cũng không dám làm chuyện đó.

Ngay trong giờ phút đó, Thiền sư Thông Thiền nói:

- Trộm…trộm…trộm pháp, trộm pháp, kẻ phi nhân này trộm pháp.

Tức khắc Thiền sư Tức Lợi ngộ. Từ đó ngài trở thành thiền sư đời thứ 14.

Như vậy qua phần này, chúng ta phải không trụ trên pháp sanh tâm, rõ biết các pháp từng niệm, không ở trên niệm mà phân biệt chia chẻ.

Kết thúc khóa tu tập bảy ngày, chúng tôi không mong muốn gì hơn là cầu chúc cho quý Phật tử đời đời kiếp kiếp kết duyên sâu với Tam Bảo và kết nhân duyên sâu với Sư Ông Trúc Lâm, dự trong dòng pháp thiền đốn ngộ để đời đời kiếp kiếp quý Phật tử không mất thân người, vừa sinh ra là một nghe ngàn ngộ. Đó là mục đích trong chuyến đi dự khóa tu của chúng tôi.

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 04769
  • Online: 66