Thể nghiệm về cái chết : Phần 3 - Cảnh tượng rùng rợn khi thoát ra thân ngũ uẩn

21/09/2016 | Lượt xem: 4428

ĐĐ.Thích Khế Định giảng tại Sydney-Úc

Khi chúng ta thoát ra khỏi thân ngũ uẩn này, thì bỗng nhiên thấy trước mặt mình ba cái hố thật lớn, một hố đen, một hố trắng và một hố đỏ. Tùy theo hố sâu hay cạn, ba cái hố này tiêu biểu cho tham, sân, si của mình biến hiện từ tâm ra.

 

Một vị Lạt-ma nói, khi sống chúng ta thấy sanh tử rất đơn giản, nhưng khi cái chết đến thì mới thấy rất là khó. Bứt ra khỏi thân ngũ uẩn này không phải là chuyện dễ. Khi thoát ra được rồi, nếu trong tâm của chúng ta còn cù cặn cái gì đó, thì bắt đầu nó hiện khởi. Lần lần mình sẽ thấy sự vi diệu khi chúng ta tu. Khi nó hiện khởi thì quý Phật tử phải biết rằng tất cả đây là bóng dáng của tâm, là huyễn cảnh. Trong lúc chúng ta ngồi thiền, hoặc trong lúc ngủ nó đã hiện ra rồi.

Trong tinh thần của nhà thiền, phải phá cái gì trước tiên? Một là sơ quan, hai là trùng quan, và ba là lao quan. Tinh thần của thiền đốn ngộ phải đi qua ba cửa ải đó, để phá cửa ải sinh tử. Mình học, thấy thì dễ hiểu vậy đó, nhưng mà đi sâu vào không  phải là chuyện đơn giản. Mục đích của mình là bỏ hết sự nghiệp, công danh, bỏ hết tất cả để làm gì? Để chúng ta tu đến ngày cuối cùng, chớ không có làm gì hết. Mình khoan nói chuyện thành Phật tác Tổ, để ra đi được an ổn là điều trước tiên, chứ ngày ra đi mình rên, khóc, la, thì đó là cực nhất. Nếu chúng ta không chịu khó quán chiếu kỹ khi ngồi thiền, thì sẽ gặp những trường hợp đau khổ như thế. Khi ngồi thiền sâu, những cảnh giới đó đã hiện ra rồi. Ở đây chúng ta phải quán chiếu những cảnh này không có thật.

Nếu chúng ta chưa giống như Tổ thì đầu tiên chúng ta tưởng nhớ đến ba ngôi: Phật bảo, Pháp bảo, và Tăng bảo. Trước hết chúng ta quán chiếu về Phật bảo, chỉ một sát-na trong giờ khắc đó thôi chứ không nhiều, rồi lướt qua mất. Rồi đến Pháp bảo cũng lướt qua, chẳng hạn như mình nhớ kinh Bát-nhã, hay kinh gì đó. Đây là chủng tử được huân tập nhờ chúng ta tu học hằng ngày, bây giờ nó giúp mình. Tôi thường nói nghe pháp rất có lợi ích, nó bào mòn đi những tập khí ác nghiệp thì ác nghiệp này không sanh khởi khi chúng ta ra khỏi thân ngũ uẩn.

Cuối cùng khi quán chiếu về Tăng bảo, đầu tiên chúng ta nhớ đến sư phụ của mình. Cho nên quí Phật tử rất có duyên phước khi đã quy y với những vị có giới đức, có tu tập. Khi hình ảnh sư phụ mình hiện ra, mình thấy những vị này có giới đức, có tâm nguyện, bi nguyện, hạnh nguyện lớn thì tâm quý Phật tử vui, tức khắc được giải thoát. Vì vậy, ông thầy đưa đường dẫn hướng cho mình rất quan trọng. Khi quán tưởng đến Tam Bảo, thì Tăng bảo là quan trọng nhất.

Kinh Bách Duyên có kể câu chuyện:

Có một bà lão rất nghèo đi làm mướn các nơi. Bà được trả công một xấp vải vàng để về may áo mặc. Nhưng trên đường đi, từ xa bà thấy một thầy Tỳ-kheo mặc y áo không lành lặn, rách nát, vì Ngài tu ở trong núi ra. Bà thương cảm quá nên dâng hết xấp y cúng dường vị Tỳ-kheo đó. Trong lúc bà cúng dường xấp y cho vị Tỳ-kheo này, tâm bà rất vui và tùy hỷ, trên đường đi bà cũng vui, cuối cùng về nhà cũng vui.

Lúc bà hoan hỷ cúng dường là đoạn đầu, khi đi đường bà vui là đoạn giữa, cuối cùng về nhà bà cũng vui là đoạn cuối. Cho nên việc cúng dường rất quan trọng. Chẳng hạn như quý Phật tử đến cúng dường Sư Ông, khi mình hoan hỷ cúng dường thì đó là đoạn đầu, về nhà tâm mình rất vui là đoạn giữa, và khi mình biết rằng Sư Ông đem số tiền này nuôi Tăng Ni tu học tức là đoạn cuối mình vui. Khi chúng ta vui như thế là hạt giống thanh tịnh, hạt giống tùy hỷ, hạt giống nhu nhuyến đã được ghi trong tàng thức của chúng ta.

Một hôm, bà bệnh chết. Do trong cuộc sống giữa đời thường này bà cũng khổ cực, sống trong trần lao phiền não cho nên ít nhiều gì bà cũng tạo các việc ác. Khi bị rớt xuống cõi xấu, rớt trong hỏa ngục, bỗng nhiên bà nhớ lại ngày đó tháng đó năm đó mình đã từng cúng dường cho một thầy Tỳ-kheo một xấp y vàng. Vừa nghĩ đến việc đó, tức khắc bà được sanh lên cung trời Đao Lợi.

Bởi vì đi bằng tâm, vừa nghĩ đến tức khắc là giải thoát. Cho nên quý Phật tử nhớ kỹ, khi chúng ta chuẩn bị từ giã cuộc đời, như tôi thường khai thị, vợ mình, chồng mình, con cái mình, tất cả người thân quyến thuộc bỏ đằng sau hết, mà chỉ một lòng chúng ta hướng về Phật bảo, Pháp bảo, và Tăng đoàn thanh tịnh. Chúng ta phải lưu ý điểm này.

Kế nữa là chúng ta không nên tham niệm cố chấp, chẳng hạn như chấp vào những lời nói gì đó của người thân, chính điều đó làm chướng ngại cho quý Phật tử trên con đường giải thoát.

Đây tôi xin kể một câu chuyện có thật:

Lúc trước tôi ở Trúc Lâm, có gia đình này tu ở Trúc Lâm cũng ba, bốn người. Khi đứa cháu mất, gia đình nhờ chúng tôi đến khai thị. Trước khi khai thị, chúng tôi hỏi để biết ai là người thân, người gần gũi nhất với chú, lúc đó chú bé mới mười bảy tuổi. Dì của chú, cũng tu ở Trúc Lâm bên nội viện Ni, cho biết ba chú bé này bỏ đi khi chú còn nhỏ, bây giờ chú chỉ có mẹ là người thân duy nhất.

Vậy mà khi người mẹ vào thăm lần cuối cùng, chính chúng tôi ở đó chứng kiến, bất ngờ con mắt chú trợn lên, chú hộc máu và phân xì ra. Tôi biết chắc có vấn đề gì đó nên mới xảy ra hiện tượng này. Sau đó tôi gặp gia đình tôi nói thẳng, gia đình phải nói thật với tôi để tôi tìm cách cứu, chứ trường hợp này rất nguy hiểm. Bà mẹ kể, từ ngày ra đời, chú bé với bà như nước với lửa, chú không chịu ở với bà, mà về ở với bà ngoại. Chú có tâm rất hận thù bà mà bà không hiểu tại sao. Nghĩa là niệm cố chấp hoặc là quá khứ, hoặc là hiện tại buông xả không được.

Cho nên tôi quyết định, khi tôi khai thị xong thì không được chôn mà phải tức tốc trong đêm nay hỏa thiêu chứ không để đến mai. Tro cốt, một nửa tôi kêu gia đình rải xuống biển, còn một nửa đưa vào Thường Chiếu. Người dì tu ở Trúc Lâm kể lại, sau khi đem tro cốt nhập bên tháp cư sĩ,buổi trưa đó cô nằm mộng thấy rất nhiều người không muốn cho chú bé này vào tháp. Và cô phát hiện ra sở dĩ họ không muốn cho chú bé vào là do chú có một tâm niệm cố chấp là bất hiếu với người mẹ. Cho nên gia đình thỉnh sư phụ Thường Chiếu xuống tháp thờ hương linh để khai thị cho tất cả hương linh trong tháp đó thì mới được an ổn.

Như vậy nếu có những tâm niệm cố chấp như không thích, không thương hoặc không kính một người nào, tâm đó mà chúng ta đeo đuổi, thì dù chúng ta tu tất cả các pháp môn cũng không được giải thoát.

Mình chưa phải giống như Tổ, nên trước hết chúng ta phải khởi niệm cầu xin chư Phật gia hộ trên chặng đường chúng ta đi. Kế nữa là chúng ta quán tưởng các vị Bồ-tát lớn.

Lại nữa, trong Sanh Tử Kỳ Thư, thân trung ấm thường gặp bảy tình huống:

1Chúng ta thấy người thân của mình khóc lóc thảm thiết nhưng họ không nhìn thấy mình. Mình nói cách mấy họ cũng không nghe cho nên mình tức giận. Khi tức giận tức khắc mình rớt xuống cõi xấu.

2Hương linh bay dạt theo chiều gió giống như sợi lông vũ. Như sợi lông chim bị gió thổi, nghiệp thức của mình bay nhanh đến mức độ như vậy. Sống trong cuộc đời này mình thấy bình ổn không có gì nhưng khi chết sẽ có những hiện tượng đó.

3Gió nghiệp dữ dội nổi lên và chúng ta thấy núi non sụp lở. Trong ngày khánh tuế của Sư phụ Thường Chiếu, Thầy có giảng, khi thần thức ra khỏi thân thì bắt đầu gió nghiệp nó thổi lên.

4Ảo giác khi bị cọp, beo, chó sói đuổi giết. Do cái tâm của mình. Chẳng hạn như quý Phật tử nằm mộng thấy cọp, beo, chó sói rượt là do hạt giống tập nghiệp đời trước quý Phật tử đã tạo, bây giờ nó hiện khởi. Lần lần chúng ta đi vào chỗ công phu để mình hóa giải những hạt giống này, giống như nợ nần mình trả hết. Nợ nần mình trả hết thì người ta không đòi nữa.

5Cảm giác vui vẻ hạnh phúc và cảm giác không vui vẻ, không đau đớn.

6Thể ý thức trôi dạt, chịu nỗi khổ không hề được nghỉ ngơi dù trong giây lát.

7Muốn tìm một thân xác kế. Tức là bỏ thân này mình chụp thân khác. Gọi là mình khát ái, nghĩa là bỏ thân này mình mong muốn tìm thân khác để mình gá vào thân đó tiếp tục, dù cho thân đó bao nhiêu ký, do nghiệp lực của mình. Chẳng hạn mình đang gá vào thân sáu, bảy mươi ký, nếu chúng ta không tu tập mà làm ác nghiệp thì có những lúc chúng ta gá vào cái thân hai, ba trăm ký, làm trâu, làm bò…

Lại nữa thân trung ấm thấy các việc kế tiếp:

1- Nhìn thấy tang lễ của mình nảy lên lòng sân hận bực tức vì làm không theo ý mình.

2- Tế lễ bằng các động vật súc sanh: giết bò, giết heo, gà…làm tâm mình bất ổn, ray rứt, mình bực tức vì người thân không nghe lời mình, làm trái ý mình.

3- Nhìn thấy những tài sản của mình bị chia.

Vào thời Đức Phật có một thầy Tỳ-kheo được thí chủ cúng xấp y. Ngài chưa kịp mặc, tối đó ngài bệnh rồi mất. Các thầy Tỳ-kheo lấy xấp vải đó ra chia, Phật bảo ngưng lại: “Các ông biết không? Hiện giờ thầy Tỳ-kheo này đầu thai làm con rệp ở trong cái y này, bởi vì ông luyến tiếc của cải của ông. Như Lai khai thị cho ông xong thì các ông mới được chia, và từ đây trở về sau, của cải của các thầy Tỳ-kheo mất đi để lại, hoặc là y hoặc là bình bát, thì đúng bảy ngày mới được phân phát cho người khác.”

4- Mình nhận thấy cách tụng niệm không đúng. Ví dụ, mình tu thiền là hay tụng Bát-nhã, nhưng lại tụng những bộ kinh khác nên mình không thích, không vui. Vì thế, mình bị dẫn đi con đường xấu.

5- Nghiệp lực sáu cõi cám dỗ, quyến rũ mình đến tái sanh ở những cõi đó.

 

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 05069
  • Online: 23