Thể nghiệm về cái chết - Phần 8: Phương pháp trình tự tụng niệm cho người mất
15/10/2016 | Lượt xem: 4078
ĐĐ.Thích Khế Định giảng tại Sydney-Úc
Thời giảng của tôi hôm nay là thời giảng cuối cùng, cho nên có một số quý Phật tử lo cho quý thầy thì hôm nay chúng ta nên nghe cho trọn buổi, chứ đừng nghe nửa chừng rồi đi. Bởi vì trong Kinh Trung A Hàm có một bài pháp Đức Phật dạy, chúng ta phải thừa tự Pháp chứ không thừa tự thức ăn. Tuy thức ăn cũng rất quan trọng cho người tu, nhưng chúng ta nghe trọn một thời pháp trực tiếp thì nó tác động mạnh hơn là chúng ta nghe lại băng đĩa.
Chúng ta đã bỏ thời gian suốt bảy ngày, bỏ công ăn việc làm và bỏ ra một số tiền để đến đây tham dự, thành ra chúng ta phải nắm bắt cơ hội để nghe thời pháp cho được trọn vẹn, chứ chúng ta nghe nửa chừng rồi xuống bếp làm thì được phước nhưng huệ thì không có. Tinh thần của người tu là phước huệ phải song tu. Đại chúng nhớ kỹ điểm này.
Bây giờ chúng ta học qua phần thứ tám “Phương Pháp Trình Tự Tụng Niệm Cho Người Mất”. Phần này chúng ta phải theo dõi, trước hết là cho bản thân mình, kế nữa là khi người thân mình mất thì mình phải biết cách.
Những vị khai thị, tụng niệm cho người mất, theo thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp, có ba đối tượng:
1- Đối tượng khế hợp thứ nhất:
Là những người chứng quả tối cao hoặc là giới đức tròn đủ.
Khó mà thỉnh được những vị này đến để khai thị.
Nhưng cũng tùy theo nhân duyên, chẳng hạn bên Việt Nam có một vị Phật tử pháp danh Thái Phúc, ông làm các việc Phật sự giống như huynh trưởng của một đạo tràng, nhưng bị bà vợ cằn nhằn suốt. Ông mất tại Thiền viện Trúc Lâm, đặc biệt ông mất đúng ngày mùng tám tháng chạp, là ngày truyền thống của Tông môn, nên các vị Hòa thượng lớn như sư bác Đắc Pháp, sư phụ Thường Chiếu…, tất cả những vị Hòa thượng lớn đều tập trung lên Thiền viện Trúc Lâm để có một buổi họp trong Tông môn. Hết thảy mười mấy vị Hòa thượng lớn, kể cả Sư Ông chúng tôi đến khai thị cho ông. Sư Ông chúng tôi còn dặn là không được đem ông về nhà, mà phải đem xuống Thiền viện Thường Chiếu. Một đêm có khoảng bốn, năm trăm Tăng Ni tụng niệm khai thị cho ông. Chứng kiến như thế, bà vợ ông phát tâm làm Phật sự còn nhiều hơn ông làm ngày xưa.
Ngoài đời hay dùng từ may rủi, nhưng thật ra không phải mà đó là cái nhân, cái duyên, cái quả mà theo tinh thần của kinh Hoa Nghiêm, gọi là trùng trùng duyên khởi. Chúng ta gieo nhân duyên như thế nào thì cái quả nó đến như thế ấy.
Có câu chuyện do một cô bên Đài Loan kể lại:
Có một ông tuy đi chùa một thời gian, nhưng gặp chư Tăng Ni ông không thích. Ông nói, sau này ông chết ôngkhông cần Tăng Ni nào đến khai thị cho ông hết. Khi ông mất, con gái ông điện đến tất cả các chùa, kể cả các chùa quen biết, nhưng các vị Hòa thượng đều bận việc này việc nọ, cuối cùng không có ai đến khai thị cho ông.
Ngược lại, bà hàng xóm không có đi chùa, nhưng mỗi khi con bà đi chùa bà đều gửi tiền cúng dường và nói: “Khi mẹ mất, con nhớ thỉnh cầu một hai vị tăng đến khai thị nhắc nhở là đủ.” Khi bà mất, gần một trăm chư Tăng Ni đến nhà bà. Cái nhân duyên là như thế.
Vào thời Đức Phật, bà Thanh Đề rớt vào cõi quỷ đói chịu nhiều khổ não. Con của bà, Tôn giả Mục Kiền Liên, dùng hết năng lực thần thông để cứu mẹ nhưng không được. Ngài Mục Kiền Liên về trình với Đức Phật, Phật nói: “Muốn cứu mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ này thì sau khi mãn hạ ba tháng an cư, ông đến thỉnh hết tất cả các thầy Tỳ-kheo tu ở núi non rừng rậm, các vị này chuyên tu thiền định, chúc nguyện hồi hướng tác ý đến mẹ ông.” Khi hồi hướng tác ý, năng lượng của các thầy Tỳ-kheo tác động đến, bà bắt được làn sóng năng lượng đó, ngay trong giờ phút đó bà hối hận, tức là bà tàm quí, nên tức khắc bà được sanh thiên.
Chắc quý Phật tử có nghi vấn nên tôi đưa ví dụ, chẳng hạn như bây giờ tôi về thành phố Sydney tôi nói: “Mấy bác lớn tuổi mà mỗi tháng lãnh 1.100 đô-la thì không đủ sống, thôi bây giờ tôi cho mấy bác một tháng 2000.” Tôi nói như thế có được không? Không bao giờ được! Nhưng chỉ cần ông thủ tướng nước Úc xuống nói một câu: “Mấy bác lớn tuổi ở thành phố Sydney, Melbourne nhờ tu tập bảy ngày, thôi bây giờ tăng lên, một tháng 2000 tiền dưỡng lão.” Ông thủ tướng nói là được, nhưng tại sao cũng lời nói đó, mà tôi nói thì không được? Vì tôi là người dân bình thường không có năng lực, không có đủ chất. Sở dĩ ông thủ tướng nói được là do ông có quyền lực.
Những người có giới đức cũng vậy. Nhiều khi mình không biết mình nói chú này linh, chú kia linh, chứ theo cặp mắt của tôi chú không có linh, mà do năng lượng người đọc chế tải đến, chú linh hay không linh là do người đó. Cho nên Đức Phật diễn tả rất hay: “Ví như có một cây đàn tỳ bà, người bình thường gảy không được, mà nghệ sĩ tài ba búng một cái là ra âm thanh”. Mình đọc kinh mình phải để ý điểm đó. Cũng như thế, người giới đức tối cao chỉ cần họ nhắc nhở thôi tự nhiên mình thức tỉnh.
Câu chuyện Thiền sư Hoàng Bá:
Thiền sư Hoàng Bá biết mẹ mình nếu chưa trả quả kiếp này xong thì không khéo đọa địa ngục. Khi Ngài đi xuất gia, ba mươi năm trời bà mẹ ở nhà nhớ con khóc đến mù mắt.Người ta bày cho bà mở một quán trà ở nơi mà chư tăng hay đi ngang qua. Vì muốn nhận ra đứa con của mình, ngoài đãi trà, bà còn rửa chân cho chư tăng, vì thiền sư Hoàng Bá có một vết sẹo rất lớn ở bàn chân trái.
Một hôm Thiền sư Hoàng Bá đi ngang qua ghé quán uống trà, biết bà là mẹ mình, khi bà yêu cầu được rửa chân cho ngài, ngài chỉ đưa bàn chân phải cho bà rửa, còn bàn chân trái ngài co lên. Ngài kể về cuộc đời Đức Phật, nghe xong bà phát tín tâm. Khi Thiền sư Hoàng Bá vừa đi, có người nói cho bà biết vị Hòa thượng hồi nãy là con của bà, bà lật đật chạy rượt theo, đến bến đò bà rớt xuống sông chết đuối.
Nghe tin mẹ chết đuối, ngài quay lại vớt xác mẹ lên. Ngay chỗ bến đò, ngài chất củi để mẹ lên thiêu. Rồi ngài đọc bài kệ:
Mẹ tôi suốt kiếp mê tự tâm,
Hôm nay Bồ-đề nở hoa tâm,
Sau này Tam hội nếu gặp lại,
Quy mạng Bồ-tát Quán Thế Âm.
Tức khắc tất cả mọi người thấy hình ảnh của mẹ ngài bay lên hư không.
Thiền sư độ người cũng khác hơn người thường. Chỉ cần một bài kệ, một lời khai thị của người giới đức tròn đủ thì người mất được siêu thoát.
Câu chuyện Thiền sư Hoàng Bá độ Bùi Hưu:
Khi Bùi Hưu đến hỏi hình cao tăng đâu, Thiền sư gọi: “Bùi Hưu!” Bùi Hưu vừa “dạ” liền nhận được yếu chỉ thiền. Tức là âm lượng của những người có giới đức tác động đến. Cho nên Thiền sư Duy Thanh nói: “Người học thời nay sở dĩ không ngộ là do tâm trộm chưa chết. Lỗi đây không phải của học trò, mà là lỗi của ông thầy.”
Người đệ tử mà không ngộ thì không phải là lỗi của đệ tử, mà lỗi của ông thầy. Vì sao? Vì tâm trộm chưa chết! Nên tôi phải ráng tu. Mình độ đệ tử cần dùng những biện pháp tác động đến năng lượng của họ dù họ sống hay là chết.
Khi tướng quốc Bùi Hưu bệnh nặng đang hấp hối sắp mất, con ông thỉnh Thiền sư Hoàng Bá nhờ ngài đến khai thị. Ngài Hoàng Bá ngồi trên đầu giường, trong lúc ông Bùi Hưu đang thiêm thiếp, hơi thở sắp ngừng, bỗng Ngài hét lên: “Bùi Hưu!” Ông giựt mình tỉnh dậy, Ngài hỏi: “Hồi nãy ông thấy gì, ở đây có bá quan văn võ, ông kể nghe xem?” Ông kể, khi trút hơi thở, gá vào thân trung ấm, ông đi một đoạn đường dài. Từ xa ông thấy một hồ nước lớn. Trời nóng bức,ông cảm thấy khát, nên định nhảy xuống hồ tắm. Khi chuẩn bị nhảy xuống hồ tắm, bỗng nhiên nghe kêu “Bùi Hưu!” ông giựt mình trở lại, tức là thần thức trở lại thân xác. Thiền sư Hoàng Bá nói: “Nếu không nhờ lão tăng, giờ này ông làm long vương rồi.”
Nghĩa là vừa nhảy xuống hồ nước, tức là thác sanh vào loài rồng làm long vương. Nghe xong, ông toát mồ hôi, từ đó ông bắt đầu gia công tu tiếp. Nhận được yếu chỉ rồi cũng phải gia công. Khi nhận được yếu chỉ thì ông bắt đầu đổ bệnh, trong sử sách ghi rất rõ, lúc đó ông chưa kiến tánh, mới nhận yếu chỉ thôi. Những bậc kiến tánh còn phải tu nữa. Nhưng quý Phật tử đừng ngại, có những nhân duyên, có những giai đoạn chúng ta sẽ gặp những bậc cao tăng, họ cứu mình.
2- Đối tượng khế hợp thứ hai:
Là người đồng tu lúc còn sống người chết yêu kính và có tín nhiệm.
Đây là đối tượng quan trọng nhất. Chẳng hạn như anh Chánh Huệ mở một đạo tràng làm huynh trưởng, mà người thân của mình rất là yêu kính và có tín nhiệm anh. Nếu người thân mình dặn: “Sau này mẹ mà mất thì mời Chánh Huệ đến tụng Bát-nhã” thì mình phải đích thân tha thiết mời đúng anh Chánh Huệ đến. Hoặc nếu chúng ta không đủ nhân duyên mời anh, thì chúng ta phải tìm cách thỉnh một người mà người thân mình có tín kính. Khi mình quý, mình tin tưởng người nào, người đó nhắc thì thần thức bắt được năng lượng. Điều này rất quan trọng.
3- Đối tượng khế hợp thứ ba:
Người phải có nhân duyên với người mất khi còn sống hoặc là quá khứ hoặc là hiện tại.
Ở đây tôi kể những đoạn nhân duyên, khi tôi qua đây năm 2012 giảng pháp, một cô Phật tử kể tôi nghe mẹ cô đang bệnh nặng. Tôi không biết làm sao nhưng tôi nói nếu đủ duyên thì tôi sẽ giúp, tùy nhân duyên của mỗi người. Khoảng một, hai tháng sau từ bên Úc cô điện cho tôi: “Mẹ con đang hấp hối mà không chịu ra đi”. Tôi nói cô mở điện thoại để tôi khai thị cho bà, tôi nói lời nào, bà nhíu mày lại để lắng thần nghe. Khi bên này tôi vừa ngắt điện thoại là bà cụ trút hơi thở cuối cùng. Như vậy ta thấy, người khai thị phải có nhân duyên với người mất trong quá khứ hoặc hiện tại.
Chuyện này tôi kinh nghiệm rất nhiều. Ở Hà Nội có một bà cụ, con cháu bà theo sư Ông Trúc Lâm, hằng tháng đến Thiền viện Sùng Phúc tu. Khi các con các cháu muốn thỉnh tượng Phật về nhà an vị để tu tập, bà nhất định không chịu. Ai nói bà cũng không nghe. Bà nói: “Không có an vị, không có thờ Phật gì hết”. Khi tôi ra Hà Nội, đến Thiền viện Sùng Phúc giảng, hai người con của bà cụ đến thỉnh tôi, tôi nói:“Một số quý thầy đến mà bà cụ không nghe, tôi từ miền Nam ra, sao bà chịu nghe?” Con bà nói: “Thầy cứ đến dùm con đi”.
Khi tôi bước chân vào, bà nhìn tôi bà khóc như mưa. Tôi nói với hai con của bà: “Yên tâm, vậy là được.” Bởi vì, bà gặp mình bà khóc là mình có nhân duyên nhiều đời với bà. Ngay trong buổi sáng hôm đó con bà đến Thiền viện Sùng Phúc thỉnh tượng Phật, tôi hướng dẫn lập bàn thờ, làm lễ an vị Phật luôn. Bà còn tha thiết xin qui y với chúng tôi. Cho nên tôi nói nhân duyên đặc biệt ở từng người.
Vào thời Đức Phật, có một bà ở nhà ông Cấp Cô Độc mà khi Đức Phật đến giáo hóa bà không chịu nghe. Năm trăm vị A-la-hán đến giáo hóa bà cũng không nghe. Đức Phật bảo ngài La-hầu-la đến. Tôn giả La-hầu-la bạch với Đức Thế Tôn: “Thế Tôn đầy đủ trí và phước, năm trăm vị trưởng lão nói bà còn không nghe, con nói sao bà chịu nghe.” Phật bảo: “Ông đi đi, ông và bà cụ này đã năm trăm đời làm mẹ con.”
Quả tình, khi tôn giả La-hầu-la ôm bình bát đi ngang thành, bà nhìn thấy liền khởi tín tâm: “Con cái ai mà dễ thương quá, nhỏ xíu mà đã đi xuất gia.” Khi gặp Tôn giả La-hầu-la, nghe ngài nói chuyện một hồi bà chứng quả luôn. Khi bà bước vào dòng thánh, đích thân La-hầu-la dẫn bà về gặp Đức Thế Tôn để qui y. Thường thường người ta qui y rồi mới chứng quả, còn bà chứng quả xong mới qui y. Đó là do cái nhân cái duyên mình kết tập.
Khi Đức Phật đến một làng nọ để khất thực thì dân chúng lấy gậy rượt không cho vào. Ngài ngồi dưới gốc cây bảo Xá Lợi Phất đến làng đó giáo hóa. Xá Lợi Phất nói: “Thế Tôn chưa giáo hóa được huống chi là con.” Phật nói: “Ông đến đó đi, bởi vì khi ông còn hành nhân địa Bồ-tát, cái làng này là một tổ kiến. Khi tổ kiến rớt dưới suối, ông dùng một cành cây lớn vớt nó lên. Bây giờ nguyên tổ kiến đầu thai thành cả cái làng đó.” Khi tôn giả Xá Lợi Phất đến, tất cả dân trong làng cung nghinh ngài giống như cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp.
Cho nên sáng ăn xong tôi đem ba, bốn miếng bánh mì vềđể kết duyên với mấy con chim này. Mình phải kết duyên với chúng sanh nhiều chừng nào tốt chừng nấy, đừng có ngại. Mình đừng nói là chúng sanh tối thượng tối cao thì mình mới kết duyên. Có những người chỉ muốn gặp Sư Ông hoặc quý thầy lớn, thì như vậy là tốt, nhưng mấy ông thầy nhỏ thì họ lơ là hoặc không muốn gặp. Như vậy là mình tu chưa đúng pháp.
Chẳng hạn như có những người đến phụ giúp quý thầy thì họ làm, còn mình lo cho huynh đệ thì mình nói: “Huynh đệ không có tu mà lo gì.” Cái đó là trật. Tinh thần của nhà Phật là gì? “Ông phóng sanh tức là ông cứu Phật vị lai”. Với cặp mắt giác ngộ của nhà Phật, một con chim là một vị Phật tương lai. Mà chim đã như thế thì dưới đây là năm mươi mốt vị Phật. Tôi muốn phụ một tay làm việc cùng quý Phật tử nhưng quý Phật tử không cho làm, chứ tôi sẵn sàng làm. Làm cho Phật mà mình không chịu làm. Tôi nói thật, đi giảng bất cứ đâu người ta thỉnh tôi không dám cho thỉnh, tôi đi gần sát luôn, mình để ông Phật thỉnh mình, mình tổn chết luôn. Hồi sáng hai ông Phật đi ra, tôi hoảng tôi nói: “Thôi, ông vô đi, để từ từ tôi vô!” Chớ không phải Thầy Thông Không, Thầy Thông Ánh hay quý thầy mới là Phật. Mình nhìn với cặp mắt giác ngộ như thế rồi bắt đầu mình làm.
Ngày xưa tôi ở trong Thiền viện Trúc Lâm cũng vậy. Khi chúng nhỏ vào, tôi làm trưởng liêu. Trưởng liêu của tôi thì cũng không hay ho gì. Bởi vì chúng lúc đó ngủ ngáy quá, chịu không nổi lên phàn nàn với Sư Ông. Sư Ông sắp, người nào ngáy thì đi ra tăng đường gỗ sau bếp. Sắp xếp xong, Sư Ông nhìn qua nhìn lại hỏi: “Bây giờ chú nào xung phong làm trưởng liêu tăng đường ngáy?” Ai cũng ngồi im. Sư Ông nhìn xuống tôi, “Chú làm nha!” Tôi xá một cái thầm chấp nhận,và vâng lời Sư Ông làm trưởng liêu.
Ra ngoài đó, việc gì nhỏ nhặt chúng tôi cũng phải làm hết, dầu cho chúng lớn hay chúng nhỏ. Quý Phật tử cũng biết, một người ngáy chịu không nổi, mà một tăng đường ngáy! Cuối cùng tôi nói tha thiết, bây giờ mấy ông giúp giùm tôi, ba giờ sáng là phải dậy ngồi thiền rồi, mà mấy ông ngáy quá, tôi ngủ không được, thôi bây giờ mười giờ xả thiền về, mấy ông cho tôi ngủ trước 15 phút. Hồi đó sức tôi còn khỏe, muốn ngủ nằm xuống là ngủ liền. Từ đó tôi làm trưởng liêu tăng đường ngáy!
Quý Phật tử nên phục vụ tất cả mọi người, đừng ngại, chứ không phải ông thầy thì mình mới phục vụ, còn người khác thì không. Khi quý Phật tử kết cái nhân duyên như thế rồi, thì ngày cuối cùng ra đi, mình gặp rất nhiều thuận duyên.
Về phần khai thị, mình phải biết cách. Chẳng hạn như năm 2009 tôi đi mở khóa tu với Thầy Thông Phương bên Pháp, một cô Phật tử có người cha bệnh nằm một chỗ mười tám năm, thịt lở hết rồi, cô nhờ tôi đến giúp. Khi tôi đến, trước nhất tôi quan sát nhà cửa, kế nữa tôi kêu người nhà đem hết những album hình ông chụp từ nhỏ đến lớn để khảo sát xem ông dính mắc cái gì. Khi khảo sát xong, tôi khai thị đúng rồi thì bảy ngày sau ông ra đi.
Mình phải khảo sát hết các trường hợp, và mình nói với gia đình là lúc ông nằm như thế, ông đã làm cái gì, ông tạo nghiệp gì, mình phải nói cho đúng cho rõ thì người ta mới đi được.
Ở Việt Nam có hai vợ chồng mở quán lẩu dê bán. Người chồng bệnh nằm tám năm, thịt rữa ra rất tội nghiệp. Con ông đã thỉnh rất nhiều vị thầy đến tụng kinh cầu an, cầu siêu để cho ông ra đi mà ông vẫn không chịu đi. Lúc đó tôi ở trên Trúc Lâm tôi về không được, bởi vì lúc đó là tháng sáu đang trong mùa an cư kiết hạ. Khi con ông điện lên, tôi hỏi hết mọi chuyện rồi tôi khuyên: “Muốn cho ông đi thì phải nghe lời tôi dẹp quán lẩu dê đi.” Vừa dẹp xong quán lẩu dê, ở Trúc Lâm tôi cầm điện thoại khai thị xuống, không tới một giây là ông ra đi.
Tức là ông còn mắc ở chỗ đó mình phải biết. Trong cuộc sống giữa đời thường này, chỉ cần quý Phật tử chịu nhường một chút, rồi quán sát, bắt đầu mình hướng dẫn người ta sẽ có kết quả. Quý Phật tử ráng cố gắng, thứ nhất là mình xả bớt cái ngã của mình, thứ hai là mình thấy chuyện gì làm được thì lúc còn mạnh khỏe mình cứ làm, chứ để đến khi nhân duyên nó không còn nữa thì rất khó.
Tóm lại, đối tượng khế hợp thứ ba là người khai thị phải có nhân duyên với người mất. Nếu người không có nhân duyên với người mất mà mình mời đến, nhiều khi người mất họ nổi sân, họ bực tức.
4- Khi tụng niệm cho người mất, phải tụng rõ ràng,lớn tiếng và khai thị cho đúng pháp.
5- Tránh tiếp xúc với thân thể người chết khoảng tám tiếng đồng hồ sau khi chết.
6- Tránh để người thân khóc lóc.
Mình căn dặn người nhà đừng khóc, bởi vì thân nhân mình còn quyến luyến. Có những vùng, như từ Phổ Yên đến Thái Nguyên, họ mướn người khóc. Tôi hướng dẫn người ta bỏ tập tục đó. Mà chư tăng nói họ mới chịu nghe, chứ tập tục của họ là cố hữu rồi, tuy nhiên bây giờ tập tục đó họ đã bỏ bớt nhiều lắm.
7- Trợ duyên cho người hấp hối.
Chúng ta đọc một bài kệ:
Vô thường là những thứ duyên hợp,
Có bản chất sanh ra và mất đi,
Đã nảy sinh rồi phải chết đi,
Bình lặng và chấm dứt là hạnh phúc thực sự.
Mình đọc đoạn kệ này ba, bốn lần. Hoặc như Sư Ông dặn, mình đọc bài kinh Bát-nhã liên tục ba biến. Trong bài Bát-nhã, quý Phật tử biết phần nào quan trọng nhất không?“Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, liền qua hết thảy khổ ách.”Sáu trăm cuốn Bát-nhã chỉ có mấy chữ đó. Sở dĩ chúng ta khổ vì chúng ta chiếu không được. Chiếu được rồi thì qua hết thảy khổ ách. Vậy thôi! Mình phiền não, bực bội hằng ngày, mình luân hồi trong ba cõi là vì mình chiếu không được, chứ nếu quý Phật tử chiếu thủng là xong. Nói vậy chứ chiếu không phải dễ, thoát được rất là khó.
Chẳng hạn như thầy đi chung với mình dự khóa tu, hôm trước thầy bệnh cảm nhưng hết rồi. Mà ngày hôm qua, thầy ngồi thở ra: “Chắc tôi chết quá”. Tôi tìm hiểu mới biết là thầy sống một mình mười lăm năm nay rồi, mà bây giờ phải ở chung phòng với người khác. Tôi nói thầy Thái Truyền qua bên kia nghỉ với Thầy Thật Pháp, tôi thì ở chung với ông Hai, phòng tôi dành riêng cho Thầy. Quả tình khi sắp lại phòng, sáng sớm vừa gặp chúng tôi thầy nói, hồi hôm ngồi thiền yên quá trời, đúng là giải thoát. Ông cụ hồi xưa giờ thích sống một mình, mà bây giờ sắp hai người, thì đúng là “chắc tôi chết quá!” Người ta kẹt chút xíu thôi, mình gỡ được, tự nhiên người ta thanh thản liền. Người sắp mất cũng vậy, mình phải biết thuốc.
Các bài mới
- Thể nghiệm về cái chết - Phần 7: Sự phân rã của tứ đại - 04/10/2016
- Thể nghiệm về cái chết - Phần 6: Cõi tịnh độ của Chư Phật và Bồ tát - 29/09/2016
- Thể nghiệm về cái chết: Phần 5 - Tâm ta chính là tịnh độ - 28/09/2016
- Thể nghiệm về cái chết: Phần 4 - Những điều kỳ diệu của việc tu thiền - 24/09/2016
- Thể nghiệm về cái chết : Phần 3 - Cảnh tượng rùng rợn khi thoát ra thân ngũ uẩn - 21/09/2016
Các bài đã đăng
- Thể nghiệm về cái chết: Phần 2 - Thân trung ấm và sự tái sinh - 13/09/2016
- Thể nghiệm về cái chết : Phần 1 - Dẫn nhập - 12/09/2016
- Lợi ích của việc thọ giới và giữ giới - 05/11/2015
- Tịnh độ nơi ấy bây giờ ở đây - 03/11/2015
- Hãy luôn quán niệm về cái chết trong cuộc sống đời thường - 25/04/2014
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Video mới
- Thanh Từ Toàn Tập - Quyển 4: Kinh Duy Ma Cật, Kinh Viên Giác, giảng giải
- Thanh Từ Toàn Tập - Quyển 3: Bát Nhã Tâm Kinh, Kinh Kim Cang, Kinh ...
- Thanh Từ Toàn Tập - Quyển 1: Kinh Bộ Giảng Giải
- Tư Tưởng Phật Giáo Đời Trần ( Cập nhật Phần 34 - buổi thứ 12/17.9.24 - Tham Vấn)
- Trí Tuệ Con Người Và Trí Tuệ Nhân Tạo AI
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 60909
- Online: 51