Thiện ác không cố định
05/11/2015 | Lượt xem: 4989
ĐĐ.Thích Tâm Hạnh
Thông thường khi vào chùa, chúng ta thấy có những chùa thờ hai ông, một bên là ông Thiện, một bên là ông Ác. Quý vị thấy ông Thiện thì hiền lành, mình thờ là phải rồi, nhưng còn ông Ác thì nên tránh mới phải nhưng mình lại thờ cả ông Ác nữa. Nghĩa này là sao? Quý vị xét lại ngay nơi chính bản thân mình có cả thiện ác lẫn lộn hay là có thiện thì cũng có ác? Có cả hai phải không? Kế đó chúng ta nhìn trên thế gian này, hễ có thiện thì có ác, hay là chỉ có thiện hoặc chỉ có ác? Cũng có cả hai.
Bây giờ mình muốn tất cả thế gian này đều chỉ thuần là cái thiện thôi, không có cái ác nào hết thì muốn như vậy có được không? Cũng không được. Như vậy, dù muốn dù không, hễ ai còn sống trên cõi đời này thì đều đang phải tiếp cận với cả hai cái thiện và ác, tức là thiện và ác là hai pháp đang kề cận, đang chi phối cuộc sống của tất cả chúng ta, nhưng hai pháp này lại không cố định. Vậy nó không cố định như thế nào? Để có một cái nhìn đúng về hai pháp thiện và ác, chúng ta cần phải biết hai pháp này không cố định như thế nào, từ đó chúng ta mới sống đúng và cuộc sống của mình mới có ý nghĩa thiết thực. Vì lý do đó, hôm nay quý Thầy sẽ nói chuyện với quý Phật tử đề tài: “Thiện ác không cố định”.
Trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu cho đúng về hai chữ Thiện và Ác. Thường mình nghe nói thiện là tốt, là lành, không phải xấu ác, đó là nói chung. Còn nói cụ thể cho rõ hơn thì một hành động, một việc được coi là thiện phải được xét qua hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là thời gian. Một hành động được gọi là thiện thì hành động và việc làm đó phải là tốt, có lợi ở hiện tại và tương lai. Khía cạnh thứ hai là không gian, tức là một hành động hay một việc làm được gọi là thiện thì hành động hay việc làm đó phải có lợi cho mình và cho người. Xét qua hai trường hợp như vậy mới xác định được nó là thiện. Ngoài ra còn một số trường hợp đặc biệt khác là việc làm đó có thể có hại cho mình nhưng lại có lợi cho người trong hiện tại và tương lai thì cũng được coi là thiện, hoặc có khi thiệt hại ở hiện tại nhưng có lợi ở tương lai, rồi cũng có khi hại một mạng người nhưng lại cứu được nhiều người, giống như trong một kiếp tiền thân của Đức Phật, Ngài là một vị thuyền trưởng đã giết một tên cướp để cứu năm trăm người lái buôn thì cũng được gọi là thiện. Những trường hợp sai biệt như vậy rất nhiều, chúng ta đi sâu vào bài thì sẽ rõ.
Như vậy quý vị đã nghe qua và biết rõ định nghĩa về chữ thiện rồi, ngược lại với thiện là ác. Xác định xong thiện và ác rồi, nhưng hai pháp thiện ác đó như quý vị đã biết, nó là không cố định, nhưng khi mình định nghĩa là không cố định thì mình mới nói. Bây giờ giả sử mình nói là cố định có được không? Không được, phải không? Cụ thể nơi mỗi người chúng ta, tâm niệm khi thì nghĩ thiện, khi thì nghĩ ác, con người có khi hiền lành như thánh, có khi dữ tợn không ai tả nổi, như vậy mới thấy rõ ràng nó không cố định. Bây giờ đặt một giả sử nữa, nếu thiện và ác là cố định thì khi có ai đó lỡ làm ác rồi, có phải người đó sẽ làm ác hoài suốt đời không bao giờ thay đổi không? Trên thực tế thì không phải. Ngược lại, nếu cố định người nào làm lành thì suốt đời họ là một người thánh thiện không thay đổi được, nhưng rốt cuộc thì con người mình có khi thiện, có khi ác. Cho nên cái thiện và cái ác không cố định, đó là một lẽ thật. Hoặc có những trường hợp mới nhìn qua thì tưởng như là ác, nhưng trên thực tế nó lại là một hành động rất thiện. Qua một vài trường hợp như thế để thấy cái thiện và cái ác nó không cố định, và mình có giả sử là cố định cũng không thể được vì không cố định nó là một sự thật. Bây giờ phải đặt câu hỏi: Tại sao nó không cố định? Bởi vì nó là pháp đối đãi, hễ có thiện thì phải có ác để đối lập, rồi ngược lại, hễ có ác thì có thiện, cái này có thì cái kia không, cái kia sanh thì cái này diệt, mà sanh diệt đối đãi như vậy có nghĩa là không cố định. Vì lý do đó nên thiện ác không cố định. Nhưng nếu nói không cố định thì nó không cố định như thế nào? Mình phải xác định cho cụ thể thì mới ổn định được nó, mới chuyển được nó. Cụ thể đi vào bài, chúng ta xét qua từng trường hợp thì sẽ thấy rõ hơn.
Trường hợp thứ nhất, nơi chúng ta tâm thiện và ác có thể biến đổi không cố định, cho nên hành động hay việc làm của mình cũng theo tâm thiện ác đó mà thay đổi và không cố định.
Vào thời Đức Phật, có một toán cướp nọ có bốn trăm chín mươi chín người chuyên môn đi ăn cướp, toán cướp đó đi từ thành này sang thành kia thì tình cờ gặp một người cực kỳ ác, người đó mặt sẹo, răng đồng, có thể ăn thịt cha và uống máu mẹ. Người này xin gia nhập toán cướp nhưng vì dữ tợn quá nên khi xin vào thì chúa đảng cũng không dám cho vì thấy còn dữ hơn cả mình. Nhưng sau một thời gian năn nỉ thì tên này cũng được gia nhập vào toán cướp. Khi ăn cướp một thời gian thì sa lưới pháp luật và bị nhà vua xử chém hết năm trăm người, nhưng vì không ai có khả năng đứng ra chém hết năm trăm người cho nên vua nói, nếu trong nhóm có người nào đứng ra chém hết bốn trăm chín mươi chín đồng bọn thì vua sẽ tha chết cho người đó. Chính người chúa đảng cũng không dám nhận cái hợp đồng đó và cuối cùng người nhận chính là ông mặt sẹo, răng đồng. Khi ông chém hết bốn trăm chín mươi chín đồng bọn rồi thì được nhà vua tha chết và phong làm đao phủ vì ông có khả năng chém giỏi. Ông chém người một thời gian dài như vậy, khi về già, sức yếu, không chém được nữa thì phải nghỉ. Khi nghỉ vua ban cho rất nhiều thứ, nào là gạo ngon, sữa, đường..., ông đao phủ thấy cả một cuộc đời làm việc mà hôm nay nghỉ rồi thì không biết ngày mai sống chết như thế nào cho nên tâm ông cũng nguội dần. Ông đem những vật dụng được tặng đó nấu một nồi cháo bằng sữa để ăn một bữa cho ngon. Khi đó, Ngài Xá Lợi Phất biết nhân duyên ông này có thể độ được nên đến để gặp ông. Khi gặp, ông đao phủ thấy dung nghi của Ngài Xá Lợi Phất thì tự nhiên sanh tâm cung kính, bèn lấy bát cháo sữa vừa nấu dâng cúng lên Ngài. Lúc bấy giờ, Ngài Xá Lợi Phất cầm bát cháo định ăn, ông đứng đằng sau quạt hầu cho Ngài Xá Lợi Phất nhưng vì lâu nay đói, thấy bát cháo ngon quá nên thèm. Ngài Xá Lợi Phất biết và nói: “Thôi bây giờ ông nên ăn bát cháo này đi”. Vì đang thèm nên khi Ngài đưa thì ông ăn liền. Ngài Xá Lợi Phất bảo người đứng quạt hầu cho ngài: “Sang quạt hầu cho ông kia kìa”. Quý vị biết, đang đói mà ăn bát cháo ngon, lại có người quạt mát cho nữa, thành ra trong lòng ông mát mẻ, phấn khởi, yên lành tâm tĩnh lại. Ngài Xá Lợi Phất đọc hai câu kệ thì tâm ông lắng đọng nên nhớ lại một đời mình làm ác quá chừng, lúc bấy giờ tâm ông động lên. Ngài Xá Lợi Phất biết được, nói: “Khi ông chém người ta như vậy là ông cố tình chém hay nhà vua bắt ông chém?”. Ông nói: “Nhà vua sai bảo chém”. Ngài Xá Lợi Phất nói: “Nếu như vậy thì ông hoàn toàn không có tội”. Khi nghe chữ “không có tội” thì ông trút hết gánh nặng và tâm ông an định trở lại, Ngài Xá Lợi Phật đọc tiếp hai câu kệ sau nữa thì ông liền chứng vào sơ quả Tu đà hoàn, tức là một trong bốn quả Thanh văn, khi chứng quả rồi thì đối với Phật pháp không còn thối chuyển nữa. Giáo hóa xong, Ngài Xá Lợi Phất đi về, ông này cũng đi về và vừa bước chân ra thì bị con bò húc lủng bụng. Ông chết và sanh lên cõi trời.
Qua đó quý vị thấy, trước đó ông là một người bình thường, khi gia nhập vào toán cướp thì thành người ác, nhưng khi nghỉ thì ông lại đổi tâm, được Ngài Xá Lợi Phất giáo hóa thì tâm ông thanh tịnh, khi đang an lạc mà nhớ về quá khứ mình đã làm ác thì ăn năn và tâm động, khi tâm động được Ngài Xá Lợi Phất nhắc cho biết thì ông liền thanh tịnh trở lại, và khi nghe hai câu kệ thì ông liền chứng vào quả dự lưu. Như vậy trên nhân, cái thiện và cái ác nó không cố định. Và đến khi ông chết, vì đã tạo nghiệp ác cả đời nên phải trả cái quả bị con bò húc lủng bụng, nhưng vì ông đã được hóa độ và chứng quả nên được sanh lên cõi trời. Vậy trên quả, cái thiện và cái ác cũng không cố định, tùy theo từng trường hợp mà nó thay đổi.
Cũng giống như chuyện một ông nông dân nọ rất là nghèo, ông mua được một thửa ruộng, khi mua về rồi thì ông cày và đào lên được một chum vàng rất lớn. Lúc bấy giờ, ông đem chum vàng trả cho người chủ vì nghĩ mảnh đất này của người chủ thì chum vàng cũng của người chủ. Khi đem trả thì người chủ nói: “Tôi không có vàng để chôn nên chum vàng này không phải là của tôi”. Ông nông dân nói: “Khi tôi mua đất thì tôi cũng không hề nghe nói là có chum vàng, vì vậy tôi xin trả lại cho bác”. Nhưng người chủ vẫn cố từ chối, nói rằng: “Lúc tôi bán đất thì tôi cũng không biết là có cái chum vàng, vậy bác cứ lấy mà dùng”. Hai người cứ nhượng qua nhượng lại mãi thì cuối cùng trời tối, phải về nhà ngủ. Ngủ một đêm, cả hai người suy nghĩ lại, không biết vì sao mình lại từ chối chum vàng, uổng quá. Thành ra sáng hôm sau gặp nhau, hai người cùng nói: “Hôm qua bác dạy thật là chí lý, chum vàng đó nhất định là của tôi”. Hai người đều thấy là của mình thì tranh cãi, tìm bao nhiêu lý luận để lấy chum vàng đó về mình. Cuối cùng sự việc không giải quyết được, phải đưa lên quan xử.
Quý vị thấy, ban đầu cả hai người đều là người tốt, tìm mọi lời lẽ để làm sáng tỏ một điều là chum vàng đó không phải của tôi, nhưng sau một đêm suy nghĩ thì ai cũng tìm mọi lý lẽ để chứng minh chum vàng đó thuộc về mình và lấy cho được, cuối cùng cãi nhau và phải đưa lên quan xử. Như vậy, cái thiện của ngày hôm qua đến hôm nay thì không còn nữa và đổi thành cái ác. Như vậy tâm thiện và tâm ác nó thay đổi liên tục và không cố định.
Vào thời Đức Phật, có trưởng giả Đề Bà rất giàu sang, của cải chất đầy cả nhà nhưng suốt cả đời, ông lại không thể hưởng được những của đó mà luôn luôn chỉ ăn được loại cơm gạo thô và mặc áo vải xấu như bao nhiêu người nghèo khó khác. Nguyên nhân là do trong một tiền kiếp, ông đã cúng dường một bát cơm cho một vị Bích chi Phật, nhưng sau khi cúng dường xong thì ông lại sanh tâm hối tiếc bát cơm đó. Ông trưởng giả ban đầu thấy một vị Bích chi Phật thì đem bát cơm cúng dường, đó là tâm thiện nên đời nay được bảo báo giàu sang, của cải chất đầy nhà. Nhưng sau khi cúng dường thì ông sanh tâm hối tiếc, đó là tâm không thiện nên đời nay tuy giàu có mà không hưởng được cái của mà ông có được. Cho nên, theo tâm thiện, ác không cố định mà quả báo tốt, xấu cũng không cố định. Ở đây, mình thấy rõ thêm ý nghĩa nữa, đó là tùy theo hành động và tác ý của mình mà cái thiện, cái ác cũng thay đổi và không cố định.
Từ đó mới thấy nơi tâm mình, có gì bảo đảm rằng đang ngồi đây mình là thiện nhưng lát nữa bước ra mình cũng thiện mà không có ác không? Nó rất dễ thay đổi, nhiều lúc mình cũng không kiểm tra được nữa. Như vậy, nơi tâm niệm mình, tâm thiện và tâm ác luôn thay đổi liên tục và không cố định. Mới đầu nhìn cái thay đổi đó thì có thể mình sợ, nhưng nếu khéo dùng cái không cố định đó thì chúng ta có thể biến nó thành một lợi thế để chuyển đổi cuộc sống của mình. Chuyển đổi sao? Muốn cho cuộc sống của mình từ xấu ác trở thành hiền thiện và ngày một sáng sủa hơn thì mình phải cố gắng tỉnh giác, kiểm tra từng tâm niệm của mình, đừng để cho những cái chưa được hiền thiện xen vào, và lỡ có xen vào thì mình cũng đừng theo nó. Nhờ vào cái không cố định mà mình mới chuyển được chứ nếu nó cố định thì chúng ta không thể chuyển được.
Quý vị biết, người xưa tu hành rất miên mật đối với cái niệm thiện ác này chứ không phải xem thường. Có vị mỗi ngày để hai bên hai cái hũ, khi khởi một tâm ác thì lấy một hột đậu đen để vào trong hũ bên này, khi khởi một tâm thiện thì lấy một hột đậu trắng bỏ vào hũ bên kia. Đến chiều, đổ hai cái hũ ra mà thấy hũ đậu đen nhiều hột hơn hũ đậu trắng thì buồn vì ngày đó khởi ác nhiều hơn khởi thiện. Chính cái tâm ngậm ngùi đó là một động cơ thúc đẩy cho ngày hôm sau vị đó tu hành miên mật, tinh tấn hơn.
Ngài A Na Luật là một người mù, muốn vá lại cái y bị rách nhưng không thể xỏ được chỉ vào một cái kim, cuối cùng, chính Đức Phật là người xỏ kim cho Ngài để vá lại cái y. Quý vị thấy, Đức Phật không bỏ một việc lành nào dù đó là một cái phước nhỏ của việc xỏ kim giúp cho một thầy Tỳ kheo mù khâu vá lại một cái y rách.
Chúng ta thường nghe chuyện Ngài Ngộ Đạt Quốc Sư. Khi Ngài còn là vị tăng bình thường sống trong chùa, tình cờ gặp một tăng nhân bị bệnh cùi hủi, mọi người đều nhờm gớm nhưng chỉ có Ngài Ngộ Đạt là người luôn luôn săn sóc cho vị này và chưa bao giờ tỏ vẻ nhờm gớm. Khi chia tay, vị tăng này mới dặn sau này Ngài sẽ bị nạn và hẹn tìm nhau ở một dãy núi nơi có hai cây tùng. Về sau, Ngài Ngộ Đạt được vua tôn làm Quốc Sư và tặng cho một cái toà bằng trầm hương để ngồi giảng pháp. Vừa ngồi lên trên cái toà đó, Ngài lấy làm hãnh diện về chỗ ngồi của mình thì từ nơi đầu gối nổi lên một cái mụn ghẻ mặt người đau đớn vô cùng, và cũng không có cách gì trị được, nhưng lạ một điều là nếu mua thịt đút vào cái miệng mụn ghẻ mặt người đó thì nó mới yên, còn không thì đau chịu không nổi. Lúc bấy giờ, Ngài nhớ lại lời nói của vị tăng trước và tìm đến chỗ hẹn. Tới nơi, vị tăng đó bước ra nói: “Đến đây, ta đã biết hết mọi chuyện rồi, không phải lo gì cả, giờ hãy vào nghỉ, ngày mai đến ngọn suối kia lấy nước từ bi tam muội (thủy sám) để rửa cái oan khiên nhiều đời này thì sẽ hết”. Ngày hôm sau, Ngài Ngộ Đạt xuống suối, dùng tay định khoát nước rửa thì mụn ghẻ mặt người lên tiếng: “Khoan rửa đã, Ngài là người học nhiều hiểu rộng, vậy Ngài đã đọc chuyện Viên Án trong thư khố chưa?”. Ngài nói: “Đọc rồi”. – “Vậy Ngài không biết chuyện Viên Án chém Triệu Thố sao? Viên Án chính là Ngài, còn Triệu Thố chính là tôi đây. Triệu Thố bị chém ngang lưng ngay chợ phía Đông oan ức đến mức nào, cho nên mười đời theo Ngài để báo lại cái quả đó, nhưng vì Ngài mười đời là vị cao tăng giới hạnh tinh nghiêm nên tôi không có cơ hội để báo, ngày nay, nhân Ngài khởi một cái tâm cao ngạo cho nên tôi mới có chỗ hở để chen vào. Ngày hôm nay Ngài phát tâm tu hành thì tôi cũng nguyện tu hành và từ nay xả oán”. Lúc bấy giờ, Ngài Ngộ Đạt lấy nước suối khoát lên rửa, đau đến ngất đi hồi lâu, tỉnh dậy thì mụn ghẻ mặt người không còn nữa, nhìn lên lâu đài chỗ có hai cây tùng cũng biến mất luôn. Ngài được vị đồng tử cho biết rằng đó là một vị Thánh Tăng, tức là Tôn giả Ca Nặc Ca.
Quý vị thấy, nếu trước kia Ngài Ngộ Đạt không có một việc hiền thiện là hằng ngày chăm sóc cho một vị tăng bị bệnh cùi hủi mà không có một chút nhờm gớm thì làm sao về sau Ngài có đủ phước để giải được cái oan khiên này, từ đó chuyển được nghiệp của mình, không còn vay trả trả vay nữa. Vậy mình có thể xem thường một cái việc phước nhỏ này không?
Thời Đức Phật, có một người rất hung ác, một hôm ông ta vô tình bị lỡ chân và lọt xuống giếng. Đức Phật quán nhân duyên ông này làm ác rất nhiều, nhưng có một lần đã cứu sống một con nhện, cho nên chính sợi tơ nhền nhện đó là một sợi dây cứu được ông. Con nhện thả sợi tơ xuống và ông nương sợi tơ đó giống như một sợi dây chắc mà lên được khỏi giếng và không bị chết. Đó là chuyện phi thường của chút phước nhỏ, khi mình gặp việc, quả chín rồi thì mới thấy cái phước đó là cái cần cho mình.
Xét lại nơi mình, mình đã sanh đi tử lại trong vòng luân hồi nhiều kiếp lắm rồi, tạo biết bao nhiêu là thiện ác, mình cũng còn chẳng biết là mình đã tạo những gì từ quá khứ. Vì không biết cái nhân gì mình đã tạo nên hôm nay quả chín thì mình cũng không lường được nó là xấu hay tốt. Nhưng nếu hằng ngày mình xem thường những cái phước nhỏ thì lỡ quả xấu trổ ra, quý vị lấy đâu ra một viên thuốc để giải những nghiệp xấu ác ngày xưa mình lỡ tạo. Tuy một cái phước nó nhỏ, bình thường, nhưng khi quý vị gặp một quả báo xấu ác thì chính cái phước đó cứu cho mình rất nhiều. Từ đó mới thấy, cái phước này là cái cần thiết và quan trọng đối với mình. Ví dụ hằng ngày, quý vị uống sữa để bồi dưỡng thì ít thấy là nhờ sữa mà mình khỏe lắm, đang khỏe thì không thấy cái công dụng của sữa giúp mình như thế nào. Nhưng khi quý vị suy yếu mà uống một lon sữa vào thì thấy sức khỏe mình tốt lên liền, từ đó mình mới thấy giá trị của nó. Cho nên, đừng bao giờ cho rằng, mình đang bình yên thì cái phước nhỏ kia là không cần thiết, làm sao mình lường được những cái xấu ác ngày xưa mình đã lỡ tạo. Khi nó trổ lại mà mình không có những viên thuốc thiện nhỏ nhỏ hằng ngày để giải cứu thì mình sẽ chịu quả báo ác đó và khổ thôi. Bởi vậy, mình không được xem thường những việc thiện nhỏ nhoi hằng ngày. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: “Chớ nên khinh điều lành nhỏ mà cho rằng chẳng đưa lại quả báo đáng kể cho ta. Phải biết giọt nước nhỏ chảy lâu ngày cũng thành đầy bình. Bậc trí sở dĩ hoàn thiện bởi do chứa dồn mỗi khi một ít mà nên”. Đó là về mặt thiện. Mặt thứ hai đáng quan trọng mà chúng ta không thể xem thường, đó là đừng nên xem thường tâm niệm ác của mình. Nó chỉ là một tâm niệm nhỏ thôi, nhưng chính cái ác nhỏ đó là những lỗ kiến nhỏ có thể làm sụp đổ cả một bờ đê công đức mà mình đã rất nhọc công gây tạo. Cũng trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: “Cái hại của kẻ thù gây ra cho kẻ thù và oan gia đối với oan gia không bằng cái hại của tâm niệm hướng về hành vi tà ác gây ra cho chính bản thân mình”. Quý vị hiểu rồi thì cần phải cẩn trọng hơn trong từng hành động và suy nghĩ của mình, đừng để cho cái bất thiện nó len lỏi vào trong mình, và lỡ có len lỏi vào thì mình cũng đừng nên theo nó và để cho nó đi ra càng sớm càng tốt. Mình phải luôn luôn giữ tâm mình cho hiền thiện và có làm lành thì các việc lành đó chính là của báu vô giá không bao giờ mất và không ai có thể ăn cắp của mình được, đó là hành trang rất cần thiết cho mình trên con đường ra khỏi cái khổ sanh tử này.
Trường hợp thứ hai, tùy theo hành động và tác ý của chúng ta mà cái thiện, cái ác biến đổi và không cố định. Ngày xưa có một cậu học trò đi vào trong chùa lễ Phật, trên đường đi gặp một vị thầy tướng, vị thầy tướng coi cậu học trò có tướng thiên tử, có nghĩa là sau này sẽ được làm vua, cho nên đón đường nói: “Ngươi có tướng thiên tử nên ta sẽ gả con gái cho ngươi”. Cậu học trò nói: “Đợi tôi vào chùa lễ Phật ra rồi tính”. Cậu học trò vào chùa lễ Phật xong, lấy cái gậy dựa vào vách rồi đi ra. Ông thầy tướng gặp lại và nói: “Ta không gả con gái cho ngươi nữa, vì quý tướng của ngươi đã mất rồi”. Quý vị thấy, ban đầu có quý tướng làm vua nhưng khi vào điện lễ Phật thì lấy cây gậy dựa vào vách, khi bước ra thì quý tướng làm vua đã mất rồi. Ngài Thiện Nhơn viết lại câu chuyện này và nói: “Bởi vì nơi vách điện Phật và Tháp không được để đồ vật dựa vào, nếu dựa vào thì phạm giới, lại còn mất công đức nữa”. Quý vị thấy, đang là tốt, là thiện nhưng một hành vi của mình không được tốt thì nó chuyển hết toàn bộ, cái thiện mà mình không khéo giữ thì nó mất như thường. Như vậy cái thiện và cái ác không cố định.
Trường hợp thứ ba, tùy theo hoàn cảnh môi trường và tùy theo từng trường hợp khác nhau mà con người có thể thay đổi từ ác sang thiện hay ngược lại, từ thiện sang ác. Quý vị thấy, có những con vật sống trong gốc thông thì nó có màu xám tro giống với gốc thông để thích nghi với cuộc sống của nó. Nếu nó được đem vào sống trong ruộng rau xanh thì một thời gian sau, nó sẽ chuyển thành màu xanh. Đó là trong trường hợp này thì nó là như vậy, nhưng sang trường hợp khác thì nó sẽ đổi khác. Cho nên trong thế gian có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, hay có câu: “Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Tùy vào từng trường hợp, có những người rất hiền nhưng sống ở hoàn cảnh này thì một thời gian dần đổi thành ác, mà đang là người ác vào hoàn cảnh này thì tự động lại đổi thành thiện. Như vậy, cái này cũng không cố định, tùy vào hoàn cảnh, trường hợp khác nhau mà con người chúng ta có thể đổi từ thiện sang ác và từ ác sang thiện.
Trường hợp thứ tư, có những hành động mới nhìn qua tưởng như là thiện nhưng trên thực tế nó lại là một hành động ác và ngược lại. Có câu chuyện một bà mẹ ghẻ nuôi một người con của người chồng mình, quý vị biết mẹ ghẻ mà thương con chồng thì rất là hiếm có. Hằng ngày bà luôn chiên cơm trộn với trứng cho đứa con này ăn và nó rất thích. Ai cũng thấy bà cưng chiều con chồng như vậy là một việc thiện mà thế gian này ít có. Nhưng không ngờ một thời gian, chính cơm chiên với trứng đó vì không tiêu được cho nên nó thành một khối u trong bụng và đứa con này chết. Có ai biết quả báo chết sau này cho nên chính cái hành động thiện ngày xưa bây giờ lại trở thành ác. Như vậy mới thấy, cái thiện ngày xưa nó đã ẩn cái ác ở trong cho nên nó không cố định.
Ngài Hám Sơn năm lên tám tuổi được gửi sang nhà bà con ở bên kia bờ sông để đi học cho gần trường. Do còn nhỏ nên Ngài nhớ mẹ, nhớ gia đình, mà mẹ ra lệnh một tháng mới được về nhà một lần chứ không được về thường xuyên, nếu về thường xuyên thì bà sợ con mình sẽ bỏ học. Vì vậy mỗi lần về với mẹ là Ngài bịn rịn không muốn đi. Sau một tháng đi về thì Ngài không nỡ xa mẹ để đi học nữa nên xin mẹ được bỏ học để được ở nhà bên mẹ. Bà mẹ đánh đập Ngài cũng không chịu đi, bà kéo ra bờ sông đẩy lên đò, Ngài cũng không chịu lên đò. Cuối cùng giận quá, bà quăng cậu bé xuống dưới sông rồi bỏ đi một mạch không thèm nhìn lại, khi quăng xuống dưới sông thì bà ngoại ở gần đó la lên kêu cứu và ngài được cứu sống. Ngài đi về nhà thì người mẹ nhìn nói: “Đồ không làm lên tích sự thì chết quách đi cho rồi, chứ sống làm gì nữa”. Lúc đó Ngài Hám Sơn nói với mẹ: “Mẹ tàn nhẫn quá, từ nay chẳng thèm về nhà nữa”, và ngài ở luôn bên đó để đi học. Mới đầu Ngài không về nhà nhưng một thời gian sau khi thành tài, Ngài mới biết rằng bà mẹ sau đó ngày ngày ra bờ sông đứng khóc, bà ngoại hỏi ra mới biết được nguyên do cái hành động đó, mới rầy mẹ của ngài Hám Sơn. Mẹ Ngài nói: “Con phải đành làm như vậy để cho nó bỏ đi cái tật đa cảm của nó, để nó lo học thì về sau mới thành một con người trưởng thành được, nếu không nó vì tình cảm quá mà bỏ đi sự nghiệp học thì hư cho nó”.
Qua câu chuyện trên, hành động của mẹ ngài Hám Sơn nhìn như là ác độc, tàn nhẫn nhưng là muốn để con sau này trưởng thành. Bà quăng con xuống sống và nói chết đi nhưng vẫn biết rằng có bà ngoại ở gần đó nên đứa con mình sẽ không chết, chứ không phải quăng để cho chết và sau đó ngày ngày bà ra bờ sông khóc. Như vậy, ẩn đằng sau cái ác đó là một cái thiện bên trong mà mắt phàm chúng ta không thể thấy được. Nếu như ban đầu mẹ ngài Hám Sơn chiều theo tình cảm của con mình mà cho ở nhà, không đi học nữa thì nhìn tưởng đó là hành động hiền thiện nhưng sau này, vì nó bỏ học mà khi lớn lên không trưởng thành được thì hành động đó lại là ác. Như vậy quý vị thấy, cái thiện, cái ác nó ẩn chứa trong nhau và không cố định.
Trường hợp thứ năm, có những việc làm trong trường hợp này là một hành động ác một trăm phần trăm, nhưng nếu đặt vào trong một trường hợp khác thì nó lại trở thành một hành động thiện. Có một thiền tăng lớn tuổi tham thiền đã tròn một giáp, xuất gia mấy mươi năm nhưng chưa cầu tuệ giải, học đạo mà chưa sáng được đạo, chưa có một lần khai ngộ nào hết cho nên trong tâm thường hối hận, ăn năn, áy náy mãi không thôi. Một hôm, vị lão thiền tăng thấy một pháp sư thanh niên đang luận thuyết về giáo lý tứ thánh đế cho mọi người thì sanh tâm khâm phục và quý kính, liền thành khẩn cầu pháp sư thanh niên khai thị cho mình để mình có cơ hội khai ngộ. Pháp sư thanh niên mới đùa giỡn và nói: “Ông chỉ cần ngày ngày đem thức ăn ngon cúng dường tôi, tôi nhất định sẽ dạy cho ông pháp môn chứng ngộ”. Vị thiền tăng già này vì tâm cầu đạo tha thiết cho nên không nghĩ là pháp sư đùa giỡn mình, mà tâm thành ngày nào cũng đem thức ăn ngon cúng dường cho vị pháp sư thanh niên. Lâu ngày mà pháp sư thanh niên cũng không dạy gì nên ông càng cầu khẩn thiết hơn nữa. Ông nói: “Ngày giờ không còn nhiều vì tôi đã già, ngày chết đã gần kề rồi cho nên không thể chờ đợi được nữa” và hối thúc mãi. Pháp sư thanh niên vì sự hối thúc này cho nên thừa cơ hội đùa thêm một phen nữa, nên nói: “Bây giờ ông muốn học đạo thì đi theo tôi”. Vị pháp sư này dẫn vị sư già vào một phòng trống, đến một cái góc và bảo vị thiền tăng già này quỳ xuống. Vị pháp sư trẻ dùng nhành dương liễu gõ lên đầu ông thiền tăng già và nói: “Đây là quả Tu đà hoàn”. Thiền tăng già một lòng chuyên thành, buộc niệm không loạn cho nên ngay khi nhành dương được gõ lên đầu thì chứng được quả Tu đà hoàn thiệt, trong khi đó vị pháp sư thanh niên không hề hay biết. Vị pháp sư này còn giỡn tiếp nên nói: “Tuy ông được sơ quả Tu đà hoàn nhưng quả đó vẫn còn bảy lần sanh tử”. Đứng lên đến một góc khác thì lão thiền tăng quỳ xuống, pháp sư thanh niên lại gõ lên đầu ông lần nữa và nói: “Đây là quả Tư đà hàm, quả thứ hai trong tứ quả thanh văn nhưng quả này vẫn còn qua lại trong sanh tử”. Đứng lên đến một góc khác thì lão thiền tăng đến góc khác và quỳ xuống, pháp sư đánh lên đầu ông và nói: “Đây là quả A na hàm, quả thứ ba không còn trở lại sanh tử nữa nhưng còn nhận cái thân trong cõi sắc và vô sắc. Nếu ở trong cõi sắc và vô sắc thọ thân hữu lậu, niệm niệm là khổ”. Đứng lên đến một góc thứ tư và vị sư già này cũng đứng lên đến góc thứ tư rồi quỳ xuống. Pháp sư thanh niên gõ lên đầu ông nữa và nói: “Đây là quả A la hán, sanh tử hết rồi, tốt lắm!”. Khi đó, ông thiền tăng này chứng được quả A la hán thật và hoan hỷ vô cùng, liền đảnh lễ pháp sư thanh niên, lại bày rất nhiều thức ăn ngon để cúng dường. Lúc này pháp sư thanh niên giật mình và hổ thẹn nói: “Tôi đùa giỡn với Thầy thôi, Thầy đừng cho là thật nữa”. Lão thiền tăng càng chí thành khẩn thiết hơn, không tin rằng đó là giỡn và nói: “Tôi đã chứng quả A la hán rồi, không phải là chuyện đùa giỡn đâu”. Bây giờ, nếu nói lão thiền tăng chứng quả là do phước của ông, còn pháp sư thanh niên này làm việc không tốt thì phải chịu quả báo, nhưng chính hành động không tốt của pháp sư thanh niên mà lão thiền tăng được chứng quả, thì ngày sau pháp sư thanh niên này phải chịu một quả báo tương ứng, có nghĩa là sẽ bị một người khác làm việc không tốt nhưng khiến cho mình được chứng quả.
Giống như trường hợp của vị trưởng giả Đề Bà kể trên, do bố thí nên kiếp sau được giàu có nhưng vì sau khi bố thí lại sanh tâm hối tiếc nên giàu có mà không thụ hưởng được. Cũng vậy, làm nghịch, làm ác thì sau bị người làm ác lại, nhưng chính hành động ác giúp cho người chứng đạo thì sau cũng nhờ hành động ác đó mà mình được chứng quả. Giả sử quý vị phải chịu một quả báo như vậy mà được chứng quả thì quý vị có hoan hỷ không? Chịu quả báo ác mà hoan hỷ thì cái ác có cố định không? Đâu cố định là ác. Giả sử đặt hành động ác đó vào một người khác khiến cho người đó không những không chứng đạo mà còn phiền não thì hành động ác đó rõ ràng không phải là thiện. Qua đó mới thấy cái thiện, cái ác nó đan xen nhau, không cố định.
Trường hợp thứ sáu, là trong cái thiện đã ẩn cái ác và trong cái ác đã ẩn chứa cái thiện. Quý vị biết chuyện “Tái ông thất mã”, một ông lão có một con ngựa và một hôm con ngựa đó bị mất. Người hàng xóm đến chia buồn với ông, nói: “Ông xui xẻo quá, có một con ngựa mà nó lại mất, đó là một cái họa cho nhà ông, tôi đến để chia buồn”. Ông nói: “Mất ngựa cũng chưa chắc đã là họa”, thế gian thường cho mất của là họa nhưng ông lão lại không thấy cố định như vậy. Quả nhiên, mấy ngày sau, con ngựa đi về và dắt thêm một đàn ngựa nữa. Hàng xóm mới thấy ông lão này nói đúng, việc mất ngựa ngày hôm trước tưởng là họa, ngày hôm nay con ngựa đó kéo về một đàn ngựa nữa thì lại trở thành phước, nên khi đó tới chia vui. Ông nói: “Được ngựa cũng chưa chắc là phước”. Thì đúng là như vậy, khi được ngựa hay thì đứa con trai ông cưỡi ngựa bị ngã què chân, cho nên hàng xóm một lần nữa trở lại chia buồn. Ông nói: “Con trai tôi tật nguyền cũng chưa chắc là họa”. Đúng như lời ông nói, một thời gian sau trong nước có giặc nên triều đình phải kêu đi lính, mọi người đi lính bị chết rất nhiều nhưng đứa con trai ông bị què chân, không phải đi lính nên còn ở với ông. Hàng xóm lại đến chia vui một lần nữa, ông nói: “Cũng chưa chắc là phước nữa”. Sau đó đất nước thái bình, ông mới đi cưới vợ cho người con nhưng vì què chân cho nên không ai lấy.
Vậy quý vị thấy cái nào là họa, cái nào là phước đây? Câu chuyện đó do duyên bên ngoài đưa đến, mà ông già này không biết trước, không lường trước được cho nên quý vị chỉ thấy cái mặt họa và phước thôi mà mình không thấy rõ cái thiện và ác nó đổi nhau.
Bây giờ lấy ví dụ khác cho rõ hơn, trong nhà mình đang thiếu phương tiện đi lại mà có ai đem tới biếu một chiếc xe đời mới thiệt là tốt thì mình cảm vô cùng, nói chị thiệt là tốt. Nhưng con mình lên xe chạy, bị tai nạn phải vô bệnh viện nằm thì quý vị nói sao? Nếu đừng có chiếc xe thì con mình không bị tai nạn phải không? Như vậy cái hành động thiện hôm trước làm sao bảo đảm rằng nó là thiện về sau? Rõ ràng là nó không cố định. Qua đó chúng ta thấy, cái thiện và cái ác không rời nhau, nó đan xen nhau và trong nhau cho nên nó không cố định. Nói như vậy thì có phải mình phân vân, không lường được thiện ác ra sao không? Nhưng chính trong cái đan xen trùng trùng không cố định đó, nếu quý vị nào khéo một chút thì sẽ có một cái nhìn đúng và chúng ta chuyển được cái xấu ác thành cái hiền thiện. Chuyển được như vậy thì cảnh nào đối với chúng ta cũng là cảnh tốt hết.
Quý vị biết, Đề Bà Đạt Đa là người luôn luôn đi theo và tìm mọi cách để hại Phật, không phải mới chỉ trong một đời hiện tại mà đã nhiều đời rồi, đời nào Đức Phật ra đời thì Đề Bà Đạt Đa cũng sanh ra theo và làm nghịch, làm hại Phật rất nhiều. Nếu bây giờ một người nào cứ đi theo và chọc phá mình, muốn giết mình thì mình nói: “Không biết oan gia nhiều đời đâu mà bây giờ theo phá tôi hoài”. Mình thấy đó là hoàn cảnh ác đối với mình nhưng đối với Đức Phật, Ngài nói Đề Bà Đạt Đa là thiện tri thức bậc nhất của Ngài, nhờ Đề Bà Đạt Đa mà Phật sớm thành đạo. Và có đoạn khác Ngài nói, nhờ Phật chịu đựng sự làm nghịch của Đề Bà Đạt Đa nhiều đời, nhiều kiếp cho nên Ngài mới được tất cả các thần thông, diệu dụng, đầy đủ công đức đạt đến giác ngộ viên mãn. Quý vị nào đã đọc Kinh Pháp Hoa rồi thì không lạ gì những lời mà Đức Phật nói. Trên đường tu, mọi điều bất như ý đến mà chúng ta vượt qua được thì chính những cái bất như ý đó sẽ cho mình nhiều kinh nghiệm sống về đạo lý mà mình không thể dùng cái gì để mua được. Mỗi kiểu bất như ý sẽ cho chúng ta một hay nhiều diệu dụng đặc biệt, và chính trong tất cả các hoàn cảnh bất như ý đó mà chúng ta đều vượt qua, đều thắng được thì chúng ta sẽ có được tất cả những diệu dụng của Phật Pháp, chính đó là công đức được tròn đủ. Người nào ở trong nghịch cảnh mà vượt qua và tiến lên được thì mới biết cảm ơn sâu xa những người đã làm nghịch mình, chính cái nghịch đó cho mình sức sống mà không ai có thể cho mình được, và khó có thể lấy cái gì để đổi lấy những cái mà mình đạt được trong cái nghịch. Vì vậy, Đức Phật biết ơn Đề Bà Đạt Đa và còn thọ ký cho Đề Bà Đạt Đa sau này sẽ thành Phật. Nếu như tất cả chúng ta có được một cái nhìn như vậy thì đó chính là cái nhìn của bậc giác ngộ chứ không phải thường.
Thiền sư Vân Phong Duyệt ban đầu đến núi Đại Ngu ở Cao An gặp Hòa thượng Chi. Hòa thượng Chi hỏi: “Ông đến đây để làm gì?”. Ngài Vân Phong Duyệt đáp: “Đến đây để học Phật pháp”. Hòa thượng Chi mới bảo: “Phật pháp há có thể dễ dàng học sao? Nhân lúc này sức lực còn khỏe mạnh, ông nên vì chúng đi khất thực một phen rồi học cũng chẳng muộn”.. Hoặc có chỗ khác nói: “Pháp luân chưa chuyển nhưng thực luân thì cần phải chuyển trước, ta và chúng ở đây còn thiếu cơm gạo, đâu rảnh mà nói pháp cho ông, ông nên vì chúng tăng ở đây đi khất thực một phen rồi về học đạo cũng không muộn”. Ngài Vân Phong Duyệt bẩm chất rất thật thà nên tin lời của Hòa thượng Chi liền đi khất thực, nhưng khi đi khất thực một thời gian được cơm gạo mang về thì Hòa thượng Chi lại rời sang núi Thúy Nham, tức một ngọn núi khác, không còn ở chỗ cũ nữa. Ngài Vân Phong Duyệt vẫn đến chỗ Hòa thượng Chi cầu xin vào thất để thưa hỏi Phật pháp và chuyên tu. Hòa thượng Chi lại bảo một lần nữa: “Phật pháp hãy gác lại đi, đại chúng đêm lạnh đang cần than, ông nên đi xin than một lần nữa, học cũng chưa muộn”. Ngài Vân Phong Duyệt lại đi hành khất xin than một lần nữa và cuối năm trở về. Khi mang than về, Ngài vào xin chỉ dạy Phật pháp thì Hòa thượng Chi cũng không chịu dạy mà nói: “Phật pháp chẳng sợ hư mất (tức là vẫn còn đó), còn ở trong thiền viện này, duy na vừa thiếu người chưa có chức, ông nên đến nhận cái chức duy na, chớ có chối từ”, lúc bấy giờ đánh kiền trùy bạch chúng thỉnh Ngài Vân Phong Duyệt xung vào chức duy na. Quý vị biết, hai lần đi khất thực rồi mà vẫn không được chỉ dạy cho nên trong lòng Ngài hơi ảo não, hơi buồn. Trong khi đang làm lễ thì Ngài khó chịu, hối hận và muốn bỏ đi, nhưng vì đang trong buổi lễ nên Ngài đành nhận, nhưng ôm hận trong lòng, không biết ý Hòa thượng Chi cuối cùng chỉ dạy như thế nào mà lại làm những hành động mình không chịu nổi. Một hôm, Ngài đang ngồi thảnh thơi sau nhà vệ sinh, sợi lạt cột cái thùng nước đứt rớt xuống, ngay đó Ngài liền ngộ đạo. Lúc bấy giờ, Ngài mới biết chỗ dùng của Hòa thượng Chi, dồn Ngài vào trong một hoàn cảnh bức bách như vậy nên khi ngộ đạo, Ngài có một điều phi thường ở trong. Khi đó, Ngài không dồn nén được nỗi mừng của mình và chạy đến gặp Hòa thượng Chi. Từ xa, Hòa thượng nhìn thấy đã biết rồi, cười lớn và nói: “Duy na, hãy mừng việc lớn xong rồi”. Thiền sư Vân Phong Duyệt chưa kịp nói lời nào mà thấy chỗ dụng của Hòa thượng Chi quá đặc biệt, dồn mình vào cái khổ để ngày hôm nay mình được một cái phi thường như thế này, cho nên không nói ra được một lời nào, liền lễ bái mà mồ hôi toát ra như mưa. Chính trong cảnh như vậy đã giúp Ngài sau khi ngộ đạo có một cơ phong cao vút mà sau này, các thiền sư chép lại khó ai có thể đến kịp cơ phong của Ngài Vân Phong Duyệt.
Qua đó chúng ta thấy, ban đầu Hòa thượng Chi có vẻ là một người rất lợi dụng, tới học đạo mà lại bảo đi khất thực đem về phục vụ cho mình, nhưng không ngờ rằng chính cái hành động mới đầu tưởng như không tốt đó lại làm thành cho Ngài Vân Phong Duyệt sau khi ngộ đạo có những diệu dụng phi thường, cơ phong cao vút ít ai có thể đến được. Nãy giờ nghe quý vị nghĩ đó là lý thuyết, là chuyện của Phật của Tổ mới làm được chứ mình còn phàm phu thì làm sao nổi. Quý Thầy sẽ kể cho quý vị nghe một câu chuyện để biết mình làm nổi hay không.
Trong một gia đình nọ, ông chồng rất siêng năng đi chùa nhưng bà vợ lại không hoan hỷ với hành động đó của ông. Mỗi lần ông đi, bà rất là phiền, bà càm ràm, cằn nhằn, làm đủ thứ, nhưng bà càng cản trở thì ông lại càng vui vẻ, hoan hỷ, không có một cái gì khó chịu hay bực bội cả. Sau nhiều năm như vậy, bà suy nghĩ: “Tại sao mình làm nghịch như vậy mà ông vẫn vui vẻ thì chắc đi chùa có cái gì hay đây”. Bà mới tìm hiểu và rõ ra về Phật pháp, thấy chồng lâu nay làm một việc đúng nên đổi tâm lại, tùy hỷ và ủng hộ tối đa việc đi chùa của ông. Nhưng ngược lại, khi bà hoan hỷ như vậy thì ông lại có vẻ buồn rầu. Quý vị thấy lạ không? Mấy người bạn xung quanh thấy lạ mới hỏi thì ông nói: “Khi bà tùy hỷ, bà vui thì tôi không còn cơ hội để thực hành pháp nhẫn nhục và không còn cơ hội nhìn lại tâm mình, thấy rõ mình còn ác hay là không”. Như vậy, chính trong hoàn cảnh nghịch mà ông thấy tu hành thích thú hơn, thì đã chuyển được cảnh ác thành thiện. Hòa thượng viện trưởng nói: “Làm Bồ Tát có hai hạnh, một là bồ tát nghịch hạnh và thứ hai là bồ tát thuận hạnh”. Cho nên mới thấy, cảnh thuận và nghịch, không có cảnh nào không phải là cảnh để làm thành cho mình, cả hai đều đều là thiện tri thức của chúng ta.
Quý vị biết, muốn làm một viên ngọc trai thì phải mổ bụng con trai ra, bỏ vào trong đó một hạt cát khiến cho con trai bị thương, chính vì bị thương nên con trai tiết ra những chất chống lại vết thương, lâu ngày chất đó tụ lại thành một viên ngọc trai quý giá, nếu không có những hạt cát làm cho bị thương thì làm sao có được hạt ngọc trai quý. Từ đó mới thấy, nếu trong hoàn cảnh nghịch mà mình chuyển được thì chính cái cảnh nghịch đó cho mình những giá trị mà chỉ có mình mới biết, chứ người khác không thể cho được và không thể lấy cái gì đổi được cái đó. Như vậy, nếu tất cả hoàn cảnh xấu ác mà mình đều có cái nhìn như vậy và chuyển được thì cả thế gian này có cái gì là xấu ác đối với mình không? Chính chỗ đó trong Kinh Di Đà nói: “Chư thượng thiện nhân, câu hội nhất xứ”. Mình đang ở đây chứ chưa phải về cõi Cực Lạc mà mình đang ở chung với tất cả những người toàn là thượng thiện nhân, ngay đây ai cũng là thượng thiện nhân của mình.
Bây giờ quý vị đã rõ tại sao chúng ta thờ cả hai ông thiện và ác chưa? Vì trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta luôn luôn tiếp cận rất nhiều với cả cái thiện và cái ác. Vừa khởi tâm động niệm, vừa nhúc nhích một chút thì tâm niệm hay hành động của mình, nhất cử nhất động nó liền thuộc về hoặc là thiện hoặc là ác, đều nằm trong thiện ác. Giả sử quý vị đem bình hoa trang hoàng cho đạo tràng đang nghe pháp thì đó là một hành động thiện, nhưng khi đem lên lỡ tay rớt bể bình hoa, không có gì trang hoàng thì đó là hành động ác. Hoặc tôi đang ngồi nói chuyện đây, quý vị thanh tịnh nghe pháp thì tôi đang tiếp cận với hoàn cảnh thiện, nhưng lát nữa bước ra lỡ có ai chửi tôi thì tôi đang tiếp cận với hoàn cảnh ác. Các hoàn cảnh xảy đến với chúng ta cũng vậy, hoàn cảnh nào xảy đến cũng thuộc hai phạm vi hoặc là thiện hoặc là ác. Như vậy, quý vị đang sống trong đây có thể đem cái thiện và cái ác đó ném bỏ đi chỗ nào cho khỏi? Rõ ràng mình đang tiếp cận thì ném không được, mà không ném được, không bỏ được thì chắc ăn nhất là nên thờ luôn cả ông thiện, ông ác. Nếu không bỏ được mà thấy hoàn cảnh xấu ác tới với mình thì mình bực hoài, đó là thiệt thòi cho mình. Ném bỏ không được mà mình thờ ông ác thì ngay đó vui vẻ liền, vậy quý vị thấy rõ việc mình thờ ông ác chưa? Hằng ngày, mình ra ngoài đường mà gặp những chuyện ác, mình tới khuyên họ chuyển thành thiện, đó là một hành động tốt. Nhưng giả sử họ không nghe, còn chửi lại mình mà mình phiền não thì vô lý quá. Mình đang làm một hành động thiện mà người ta không chịu chuyển, người ta chửi thì mình nghĩ ông này cứng quá, chuyển chưa nổi thì thôi, mình chấp tay xá, tôi không dám khinh ngài vì sau ngài cũng sẽ thành Phật. Như vậy là quý vị đang thờ ông ác thì mình hoan hỷ, an lạc, giải thoát ngay, còn ngay đó mình không dám thờ thì đó là phiền não.
Quý vị thấy, dù muốn dù không, hằng ngày hai cái thiện ác luôn rất sát với chúng ta, nhưng cái thiện thì mình dễ nhận biết, còn cái ác là cái khó nhận hơn cho nên chúng ta phải khéo chuyển. Nếu ai khéo chuyển, khéo vận dụng được như lời Phật, Tổ chỉ dạy thì chính cái nghịch ác đó lại làm cho mình trở nên mạnh hơn, và chính là chúng ta đang tôn thờ cả hai ông thiện và ác, không có ông nào làm trở ngại mình hết. Như vậy thì mình đang sống với các bậc thượng thiện nhân chứ không phải là thường.
Qua đó mình rõ được cái thiện, cái ác không cố định là một lẽ thật, tại vì cái gì không sanh, không diệt mới chân thật, mới thường còn. Mà cái chân thật thường còn, không biến đổi thì mới là cố định, còn cái gì là đối đãi, là pháp của sanh diệt, là biến đổi thì nó không cố định. Cho nên nói không cố định là nói một lẽ thực chứ không phải đem bao nhiêu biện luận để nói cho nó trở thành một lẽ thực. Chính vì nó không cố định cho nên chúng ta có thể chủ động tự mình chuyển đổi từ cái này sang cái khác mà không cần cầu ở ai cả.
Còn rất nhiều trường hợp khác nữa, những trường hợp đã nêu ra đó chỉ là một số trường hợp đại cương thôi. Tuy có nhiều trường hợp khác nhau nhưng chúng ta chỉ cần nhắm ngay tâm mà xét thì mình định được tất cả. Tại vì sao? Quý vị muốn làm một cái gì đó thì phải khởi tâm trước, tâm nó là chủ động chính. Việc làm đó thiện hay ác là do tâm người đó thiện hay là ác. Nhưng có điều, tâm thiện ác đó lại lẫn lộn, không phân định và thay đổi liên tục, ngày hôm nay, trong trường hợp này, mình nghĩ là lành nhưng ngày hôm sau, trong trường hợp khác, thì làm sao mình bảo đảm rằng mình chắc chắn còn giữ được tâm thiện.
Vua A Dục trước là một người hung ác, sau khi được một vị A la hán chuyển hóa thì ông đổi tâm hiền thiện và làm thiện rất nhiều, phải nói rằng công của ông đối với Phật giáo là rất lớn. Ông khuyến khích các vị Tỳ kheo rời khỏi Ấn Độ đi giáo hóa các nơi, một thời gian sau Ấn Độ bị pháp nạn thì đạo Phật diệt mất. Khi đó, chính những người được vua khuyến khích và tài trợ cho đi thì sau này đem Phật Pháp về lại Ấn Độ. Ông có một người con xuất gia, chứng được A la hán và đi giáo hóa ở Tích Lan. Cả đời ông làm thiện như vậy nhưng khi gần chết, ông bị một vị quan hầu cận làm một hành động không vừa ý mình nên nổi sân, khi chết làm một con rắn rình ngay ngạch cửa để định cắn vị cận thần này. Lúc bấy giờ, vị Tỳ kheo con vua đã chứng A la hán, biết con rắn đang nằm ngạch cửa là cha mình cho nên nhắc cho con rắn biết ngày xưa vua đã từng làm rất nhiều điều thiện. Khi nghe kể vậy thì con rắn biết được mình đã từng làm những điều thiện như vậy nên sanh tâm hoan hỷ, giác ngộ và bỏ tâm sân đi, sau đó nhịn ăn bảy ngày và chết. Quý vị thấy, vua A Dục làm rất nhiều việc thiện lớn nhưng khi gần chết nổi một tâm sân thì làm rắn, khi đang làm rắn được người con nhắc lại thì tâm chuyển, thoát xác rắn.
Từ đó chúng ta thấy, khi tâm đổi thì mọi chuyện đều thay đổi hết. Tâm đó không ổn định, nó có thể đổi từ thiện sang ác, từ ác sang thiện, vậy mình nương vào đâu, lấy cái gì để chúng ta có thể tin được rằng mình chắc chắn sẽ là một người hiền thiện không thay đổi và không còn bị sa đọa nữa? Quý vị thấy, tâm không cố định thì đó là cái không cố định gốc, là cái đáng sợ. Mình phải xác định và làm chủ đươc cái gốc này thì mới ổn định được cái không cố định của thiện và ác. Nếu quý vị không xác định chắc chắn, không ổn định được cái thiện và cái ác thì đời nay, chúng ta biết được Phật pháp thì đang là làm thiện, đời sau sanh ra có phước hơn, nhưng đâu có thể chắc chắn một cách an toàn rằng đời sau sanh ra mình còn thiện, tại vì đời sau có phước, mình hưởng cái phước đó có căn nhà, có cuộc sống tạm ổn định giàu sang và êm ấm, lúc đó cuộc sống an bình thì mình có thể không còn tâm để học Phật pháp. Từ đó, tâm dễ duôi tạo ác thì đời sau bị sa đọa, sa đọa chịu khổ rồi hết nghiệp sanh trở lại, từ đó thức tỉnh để tâm tu hành và làm thiện nữa, làm thiện nữa được sanh lên, sanh lên rồi lại được hưởng phước thì lại làm ác rồi đi xuống nữa, đi xuống thức tỉnh làm thiện đi lên nữa. Vậy quý vị thấy cái thiện này có cố định không? Nó không cố định thì rõ ràng nó chỉ có giá trị nhất thời. Cho nên cái thiện mình đang sống, đang an trú với nó nhưng nó cũng không bảo đảm chắc chắn lâu dài cho mình được.
Bởi vậy, phải xác định một cái chắc chắn để ổn định được cái không cố định của thiện và ác thì mình mới dám tin chắc rằng, mình sẽ luôn luôn đi lên và không bao giờ bị đi xuống. Vậy làm sao để ổn định? Qua sáu trường hợp không cố định vừa xét ở trên thì còn một cái thiện và một cái ác rõ ràng, còn có chỗ để quý vị căn cứ, xác định và chuyển từ ác sang thiện. Nhưng trong cuộc sống còn có những trường hợp thiện và ác không được phân định rõ ràng như mình vừa xét thì làm sao chúng ta biết để ổn định mà sống đúng được? Ở đây còn hai điểm quan trọng mà chúng ta cần phải giải quyết. Thứ nhất là làm sao ổn định được cái gốc không cố định của tâm thiện và ác để chúng ta trở thành một con người tốt, chắc chắn luôn luôn đi lên và không bao giờ bị tụt xuống. Thứ hai là làm sao có cái nhìn đúng về những trường hợp thiện ác không phân định để chúng ta không còn mê lầm, không còn bị luẩn quẩn trong cái thiện và ác không rõ ràng mà phải chịu khổ nữa. Đó là bài học của kỳ sau.
Như vậy, quý vị đã thấy rõ sự không bền chắc của cái thiện nó không bảo đảm an toàn cho mình ngày sau còn tốt, mình lên xuống hoài thì còn lặn hụp trong sanh tử. Trong giá trị tương đối thì vẫn có cái thiện, cái ác, và cái thiện thì tốt hơn cái ác, nhưng trên giá trị tuyệt đối, hai cái này nó thay đổi và không cố định thì nó vẫn là giả, giống nhau thôi. Quan trọng sau này mình nên nhìn kỹ, biết được rồi thì tuy chưa ứng dụng được nhưng mình sẽ có được chánh kiến, từ đó đảm bảo mình sẽ an ổn được trong cuộc sống hằng ngày.
Các bài mới
- Chuyển hóa nghiệp báo - 03/11/2015
- Nghiệp và nguyện - 02/11/2015
- Nghiệp từ đâu mà ra - 30/06/2014
- Tu có chuyển được nhân quả không - 07/04/2010
- Tập nghiệp - 24/09/2009
Các bài đã đăng
- Giải nghi về nhân quả - 25/03/2009
Chuyên đề
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 00031
- Online: 21