Thiền kiến tánh
10/03/2019 | Lượt xem: 3341
THIỀN KIẾN TÁNH được đọc theo chữ Nho. Kiến là thấy, Tánh còn đọc là Tính. KIẾN TÁNH tức là thấy TÁNH. Chữ thấy ở đây không phải chỉ thấy bằng mắt mà còn thấy từ TÂM. Cái thấy từ TÂM mới là cái thấy quyết định. Cái thấy này được khởi đầu nơi pháp hội Linh Sơn khi Đức Phật cầm hoa sen giơ lên ở giữa đại chúng.
Pháp bổn pháp vô pháp
Vô pháp pháp diệc pháp
Kim phú vô pháp thời
Pháp pháp hà tằng pháp”.
Dịch:
“Pháp gốc” vốn không cái
Cái “không cái” cũng (là) cái
Lúc giao cái “hông cái”
Cái cái chưa từng cái.
Sự kiện này được văn nho gọi là: “Niêm hoa vi tiếu” (nêu hoa mỉm cười). Việc này diễn tả lên rằng Đức Phật cầm hoa sen nêu lên, Ngài Ca Diếp nhìn thấy hoa chúm chím môi cười đón nhận. Ngài Ca Diếp đã “THẤY” hoa bằng mắt và ngộ bằng TÂM. Sự việc này được gọi là KIẾN TÁNH. Nhìn hoa nhìn bông mà THẤY TÁNH là NGỘ TÁNH.
Ngộ là chữ Nho, chữ Việt có nghĩa là “hay ra”, “nhận ra”, “biết ra”. Như vậy, Ngài Ca Diếp nhìn hoa nhìn bông không phải chỉ thấy bông thôi mà ngay đó thấy luôn được cả cái TÁNH chân thật của mình ở tại nơi bông. Cái TÁNH là cái gốc. Được gọi là pháp bổn. Cái này chẳng phải là cái (Pháp bổn pháp vô pháp). Đây là cái chân thật nhất ở nơi chính mình. Cái chân thật này nó có trước khi mình sanh ra nên nó không sinh, không lớn, không già, không chết. Nó là cái năng lực tạo nên cuộc sống của con người, đó chính là NỀN của cuộc sống. Có năng lực này mới có ra mọi sinh hoạt trên cơ thể con người, con vật, muôn loài động vật. Năng lực này được gọi là TÁNH.
KIẾN TÁNH là thấy TÁNH, hay ra TÁNH. TÁNH là cái sẵn có, bây giờ hay ra được cái sẵn có này nên gọi là KIẾN TÁNH hoặc là Ngộ TÁNH. TÁNH này còn được gọi là TÂM, BỔN TÂM, TỰ TÁNH, PHẬT TÁNH, BỔN PHÁP,... Trong nhà Thiền gọi đây là “BẢN LAI DIỆN MỤC” (Mặt mũi xưa nay) là “KHUÔN TRĂNG MẸ”, là “KHỐ MẸ”… rất nhiều tên gọi. Nhưng thật ra cái TÁNH này lại không là cái gì hết. Nếu nói nó là một vật là không đúng. Chỗ này Tổ Huệ Năng đã nói: “BỔN LAI VÔ NHẤT VẬT” (Xưa nay không một vật), Mã Tổ nói: “KHÔNG NGƯỜI, KHÔNG PHẬT, KHÔNG VẬT”.
Thế nên ở bài kinh MA HA BÁT NHÃ dùng chữ KHÔNG để diễn tả và được ghép chung là TÁNH KHÔNG hay TỰ TÁNH KHÔNG. Trong TÁNH KHÔNG này chẳng những hông có các pháp thế gian mà cũng hông có các pháp xuất thế gian. Trong đây hoàn toàn rỗng lặng như hư không rỗng lặng và mênh mông như hư không, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, bất và bất… Đó chính là cõi TÂM. TÂM này được gọi là TÂM NHƯ LAI, TÂM CHƠN NHƯ, TÂM BẤT SANH, TÂM PHẬT. (Chữ KHÔNG Bát Nhã là một danh từ riêng chỉ cho cảnh giới tâm linh siêu việt. Đó là cảnh giới rỗng rang không một vật. Chữ KHÔNG này không có nghĩa là tĩnh từ nên không có nghĩa là không có hay hổng có. Cái nghĩa hông có rất là phụ thuộc. KHÔNG là tánh của tự TÂM).
Đức Phật truyền pháp cho Ngài Đại Ca Diếp là truyền thứ pháp này mà Ngài gọi là Chánh pháp nhãn tạng và đây là NIẾT BÀN DIỆU TÂM, tướng thật của nó là Vô Tướng. Tuy Vô Tướng nhưng đây là pháp môn vi diệu nhất (vi diệu pháp môn) vì nó giải thoát sinh tử, giải thoát khổ đau ra khỏi luân hồi, thoát ly Tam giới. Cái TÁNH mầu nhiệm như thế cho nên người tu Thiền theo Tổ Sư, theo Phật thì trước hết phải KIẾN TÁNH là vậy. Con đường Thiền này được gọi là THIỀN KIẾN TÁNH.
Cái TÁNH này được Đức Phật diễn tả ở Pháp Tứ Đế là Diệt Đế, tức là Niết Bàn.
Đến Tổ thứ 2 là Tổ A Nan thì cũng từ nơi cái thấy mà được ngộ. Khi Tổ Ca Diếp gọi: A Nan! Thì Ngài A Nan dạ! Rồi Ngài Ca Diếp nói tiếp: Cây cột phướn trước chùa ngã. Ngài A Nan liền đại ngộ. Việc ngộ này cũng là do Ngài A Nan thấy cây cột phướn mà được ngộ. Ngài A Nan đã thấy cái thấy của mình tại cây cột phướn. Đó là cái TÁNH. Việc này cũng giống như để thấy cây cột bằng mắt mà thấy được, nếu không có ánh sáng, tối thui thì sẽ không thấy được cây cột. Phải có ánh sáng thì mới thấy cây cột được. Như vậy là thấy ánh sáng tại cây cột nên được gọi là thấy cây cột. Nhưng thông thường chúng ta chỉ nói là thấy cây cột mà quên đi ánh sáng tại cây cột. Cái con mắt và cái TÁNH, cùng cây cột cũng giống như vậy. Con mắt là con mắt, cái TÁNH là ánh sáng – TÁNH này nó tròn khắp như ánh sáng trùm khắp vậy. Và cây cột là một món trong ánh sáng, tức là một món trong TÁNH mà thôi. Nên ngay cột mà thấy TÁNH như ngay cột mà thấy ánh sáng, thấy TÁNH mình tại cột thì gọi là ngộ. Và như vậy mình thấy được tất cả vật đó đều là TÁNH. Không có TÁNH không thấy được vật cho nên cảnh vật đó là cảnh của tự TÁNH. Thế nên ngay vật mà thấy TÁNH thì vật trở thành không vì trong tự TÁNH vốn không có vật gì trong đó. Giống như trong ánh sáng vốn không có cột. Nhưng nếu không có ánh sáng thì không thấy được cột. Nếu không có TÁNH thì không thấy được vật. Nếu chúng ta ngửa mặt lên trời thì mình có thể thấy hết tất cả hiện tượng trong bầu trời: mặt trăng, mặt trời, sao, mây, sấm chớp, gió, giông… tất cả đều được thấy rõ ràng. Vì tất cả nằm trong ánh nhìn của mình mà ánh nhìn của mình tức là TÁNH vậy. Như thế để biết rằng TÁNH là cái trùm chứa mênh mông ở trong cuộc đời - từ bản thân, cho đến vũ trụ đều không ngoài TÁNH. Cái TÁNH này cũng được gọi là TÂM nên tất cả các Pháp muôn thứ đều từ một TÂM mà có. Cho nên mới nói là BỔN TÂM. Bổn hay Bản là cái gốc, là cội nguồn. TÂM là cái gốc là cội nguồn của tất cả muôn thứ, những cái có từ trong cõi lòng của mình, cho tới những cái có trong vũ trụ, những cái sinh hoạt trong cuộc sống… đều không ngoài TÂM, ngoài TÁNH thể. Cho nên nếu ngộ được TÁNH được TÂM thì biết rõ ràng về cuộc sống. Cuộc sống giữa này như vậy đều là không, đều là rỗng lặng, đều là hư huyễn không có cái gì là chắc thật hết, cho nên không có gì để bám víu, để dính mắc, liền đó được giải thoát hết khổ đau.
Như vậy Ngài A Nan đã ngộ TÁNH tại cây cột phướn. Cái TÁNH THẤY nó không phải chỉ ở tại mình thôi mà ở khắp mọi nơi. Đâu đâu cũng là TÁNH và cái TÁNH nó không phải chỉ ở con mắt thôi mà nó còn ở lỗ tai, lỗ mũi, ở miệng, lưỡi, ở thân xác, ở não bộ. Nó ở khắp sáu căn và khắp sáu trần. Căn và trần đều không ngoài TÁNH. Nhưng “cái thấy” là tiêu biểu nhất nên gọi là “kiến” (KIẾN TÁNH).
Dòng Thiền “KIẾN TÁNH” được bắt đầu như vậy, từ đó về sau các Tổ đều khai thị cái TÁNH ở ngay nơi sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), cho nên có Tổ thì chỉ ra ở tại mắt cho thấy, có Tổ thì chỉ ra tại tai cho nghe để thấy TÁNH, có Tổ thì chỉ trên thân cho thấy bằng cách táo bạo là đánh để mà thấy… Cái TÁNH chỉ là một nhưng phân ra thì có sáu, giống như trong nhà chỉ có một bóng đèn, một ánh sáng mà chiếu ra sáu cửa nên cửa nào cũng thấy ánh sáng (ánh sáng ở cửa lớn, ánh sáng ở cửa nhỏ, ánh sáng ở cửa trước, ánh sáng ở cửa sau, ánh sáng ở cửa sổ, khuôn bông v.v… cũng là một thứ ánh sáng mà thôi, không hai không khác) cho nên chỉ cần thấy một nơi là thấy khắp. Biết được TÁNH một chỗ thì rõ ra được cả thể TÁNH. Thế nên thuật khai ngộ này rất là độc đáo vừa nhanh vừa gọn để đạt được cội nguồn là BỔN TÂM, BỔN TÁNH. Mà trong cội nguồn này nó vốn là KHÔNG, nó không có một vật gì trong đó, không có Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Thân Kiến, Biên Kiến, Kiến Thủ, Giới Cấm Thủ, Tà Kiến, không có một phiền não nào cho nên đây là con đường ngắn nhất, nhanh nhất để giải quyết khổ đau. Đó là TRÍ HUỆ TÁNH KHÔNG, TRÍ HUỆ này nó không có Ngũ Uẩn, không có Căn, Trần, Thức, không sanh, không diệt, không thiên đường, không địa ngục, không có cái Ta, không Người, không có Chúng sanh, không Thọ giả, không Nghiệp, không Báo, không Luân hồi, không Cảnh giới, không Thời gian, không Không gian, không và không. Hoàn toàn rỗng bặt. Tướng thật tức là Vô Tướng cho nên gọi là cái TÁNH, nhưng nó không phải là một cái gì cả (pháp bổn pháp vô pháp).
THIỀN KIẾN TÁNH là như vậy nên thật là cao siêu, thật là mầu diệu nhưng nó cũng là rất bình thường, rất dung dị, rất đời thường. Đó là cái ở tại đây và ngay đây; là một thể bất động mà linh thông, được gọi là NHƯ LAI. Đức Phật, Ngài đã tự xưng: Ta là NHƯ LAI là vì Ngài đã thấy thể TÁNH này mới đích thực là mình. Chính thể TÁNH NHƯ LAI này mới là cái mình chân thật. Từ thể TÁNH NHƯ LAI này mà chứng nhập BỒ ĐỀ gọi là thành ĐẠO. Nên khi thành ĐẠO, Đức Phật đã thành được cái PHẬT TÁNH nơi mình và Ngài quán sát thấy rõ tất cả chúng sanh đều có TÁNH PHẬT nên Ngài nói rằng: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”.
Vì vậy cho nên con đường THIỀN KIẾN TÁNH là con đường thành Phật nhanh nhất để giải quyết khổ đau lẹ nhất và triệt để nhất, đúng như THIỀN TÔNG chủ trương: “Trực chỉ nhân TÂM, kiến TÁNH thành PHẬT” (Chỉ thẳng TÂM người, thấy TÁNH thành PHẬT) cho nên Đức Phật tìm đạo - vừa hành đạo, vừa huân tu trong vòng 10 năm thì viên thành Đạo cả (Ngài xuất gia năm 19 tuổi và 30 tuổi thì thành Đạo). Đây là một minh chứng rõ ràng nhất.
Vậy nên chúng ta là hàng đệ tử của Ngài, đi theo con đường Ngài thì phải tu được như Ngài, tức phải hành THIỀN KIẾN TÁNH để thành Phật. Xin chúc cho nhau mỗi người lần lượt rồi sẽ được thấy TÁNH để có đủ nhân tố mà giải trừ được hết mọi khổ đau.
B. ỨNG DỤNG CÔNG PHU (TU)
Khi đã ngộ TÁNH thì có công phu như thế nào? Tu ra làm sao?
- Người đã ngộ TÁNH đã hay ra TÁNH thì không có công phu gì khác, không có TU gì cả. Người này chỉ sống bằng TÁNH, không rời TÁNH thường xuyên như vậy suốt thời gian không lúc nào rời TÁNH thì gọi đó là TU, gọi đó là công phu. Sống thế nào cho được 24/24 giờ thì đó là công phu đắc lực nhất, là TU hành đại tinh tấn nhất. Suốt thời gian, suốt không gian đều sống bằng TÁNH. Nhớ rằng phải “sống bằng” chứ chẳng phải là “sống với”. Sống với chưa thật là sống bằng, giống như bệnh nhân thở với bình oxy chứ chưa phải bằng hơi thở của chính mình, như vậy là bệnh nhân ấy chưa thật sự lành mạnh. Phải “bằng” hơi thở chính mình mới thật sự là lành mạnh.
Nên sống bằng TÁNH mới thật sự là năng lực chính mình mà TÁNH vốn là một đời sống Vô Niệm. Cái Vô Niệm này là TỰ TÁNH, vốn là không có Niệm nào trong đó chứ không phải là do diệt niệm mà Vô Niệm. Cái TỰ TÁNH Vô Niệm này nó vốn là KHÔNG, là rỗng lặng, là suốt trong.
Từ năng lực rỗng lặng này mà sống thì gọi đó là TU, gọi đó là công phu; và công phu này nó không có pháp nào cả. Tuy nói là công phu nhưng thật ra không có công phu gì cả, thành ra TU mà không TU. Chữ TU này gì vậy nó không có nghĩa là sửa vì TỰ TÁNH vốn không có hư, không có khuyết, không có lỗi nào nên không cần phải TU, phải sửa gì. Đây là chỗ TU mà không TU mới gọi là CHƠN TU. Từ sức sống rỗng không này mà nhìn qua mắt thì CĂN trở thành không và TRẦN cũng trở thành không. Cho nên mắt dù có tiếp xúc cảnh thì căn và cảnh vẫn không đến nhau, không dính mắc trong nhau. Ngay đó tức là giải thoát và năng lực sống rỗng không này xuyên qua CĂN tai thì CĂN TRẦN cũng không đến nhau liền giải thoát. Cho đến CĂN mũi, CĂN lưỡi, CĂN thân, CĂN ý cũng là như vậy. Tất cả CĂN TRẦN đều không dính nhau, không mắc vào nhau. Cho nên CĂN và TRẦN thảy đều triệt tiêu trong TÁNH KHÔNG. Và trong TÁNH KHÔNG này nó cũng không có sáu THỨC, nên CĂN - TRẦN - THỨC cũng đều triệt tiêu, chỉ thuần là TÁNH KHÔNG, cho nên không luôn cả cái NGŨ UẨN. NGŨ UẨN bị triệt tiêu nên qua được tất cả khổ nạn vì khổ nạn có là có trên thân NGŨ UẨN, cho nên thân NGŨ UẨN đã không thì khổ nạn phải tiêu thôi.
Điều này giống như cái HƯ KHÔNG nó vốn là rỗng lặng, cho nên dù có tên bay đạn bắn, bom nổ mìn nổ cũng không ảnh hưởng gì đến hư không cả. Người ngộ được TÁNH KHÔNG, bằng TÁNH KHÔNG mà sống thì nó cũng có diệu dụng như vậy nên hóa giải được tất cả niềm đau nỗi khổ, những tai nạn trong cuộc đời - gọi là qua được tất cả khổ nạn.
Lối TU này, công phu này rất là nhẹ nhàng nhưng mầu nhiệm vô cùng nên gọi là “vi diệu pháp môn” - như Đức Thế Tôn đã nói. Điều này rất cụ thể, cũng rất là dễ hiểu, giống như xe hơi chạy ban đêm mà bật được đèn sáng lên rồi thì tha hồ mà chạy, chạy vừa nhanh vừa an toàn, bóng đêm sẽ không lọt vào, không cản trở được và tự biến mất trong ánh đèn sáng, xe cứ giữ theo ngọn đèn sáng mà chạy thì rất an toàn, dù có phải tránh né thì cũng là tránh né trong đường ánh sáng nên giữ cho xe được bình yên cho tới đích.
Công phu TU như vậy là rõ ràng được TÁNH “NIỆM” nên không phải diệt NIỆM, đối đầu với NIỆM. Chỉ là vô hiệu hoá NIỆM mà thôi, NIỆM có sanh thì cũng bị tan loãng ngay trong TÁNH KHÔNG, giống như ngay khi đèn đã được bật sáng thì bóng tối phải tan thôi, bóng tối không thể vào trong ánh sáng được. TÁNH KHÔNG như ánh sáng, NIỆM như bóng tối nên TU bằng TÁNH KHÔNG thì không có diệt NIỆM mà NIỆM tự tiêu . Đây là lối TU của Đức Lục Tổ Huệ Năng đã truyền dạy một cách rõ ràng là đời sống vô NIỆM mà Đức Lục Tổ gọi là:
“Này Thiện tri thức, người NGỘ PHÁP VÔ NIỆM thì muôn pháp đều Không, NGỘ PHÁP VÔ NIỆM đó thì thấy các cảnh giới Phật. NGỘ PHÁP VÔ NIỆM đó thì đến địa vị Phật” (Kinh Pháp Bảo Đàn)
Và truyền nhân của Ngài là Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác đã nói: “Bất trừ vọng tưởng bất cầu chơn” (là chẳng trừ vọng tưởng) tức là chẳng có trừ NIỆM, chẳng diệt NIỆM mà cũng không có cầu cái CHƠN. Không diệt cái vọng tâm mà cũng không có cầu cái CHƠN TÂM, chỉ vì TÁNH thực của vô minh tức là TÁNH PHẬT. Cho nên ngộ TÁNH mà khởi TU là một lối TU rất là siêu việt, thành PHẬT tại chỗ là như vậy.
Cho nên lời nói trực chỉ nhân TÂM kiến TÁNH thành PHẬT (chỉ thẳng TÂM người thấy TÁNH thành PHẬT) không phải là một điều xa vời hay nói ngoa mà đó là sự thật, bất cứ ai cũng có thể sống và làm như vậy. KIẾN TÁNH là thành PHẬT thôi.
C. NHỮNG THIỀN SƯ TU PHÁP THIỀN KIẾN TÁNH
các Thiền Sư hầu hết đều tu theo THIỀN KIẾN TÁNH từ sau Đức Phật cho đến mãi sau này. Các vị Thiền Sư Ấn Độ – Trung Hoa – Việt Nam đều TU theo dòng THIỀN này. Rõ nét nhất là sáu vị Tổ: Bồ Đề Đạt Ma – Huệ Khả – Tăng Xán – Đạo Tín – (Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi sang Việt Nam truyền Pháp này vào cuối thế kỷ thứ VI truyền cho thiền sư Cảm Thành Việt Nam) – Tổ Hoằng Nhẫn – Tổ Huệ Năng.
Ngài Huệ Năng đã truyền Pháp này một cách đậm nét nhất được thấy qua Kinh Pháp Bảo Đàn. Dòng Thiền Huệ Năng truyền rất rộng ở Trung Hoa và sang cả Việt Nam qua dòng Lâm Tế, dòng Thảo Đường, dòng Vô Ngôn Thông, dòng Tào Động.
Dòng THIỀN này được truyền vào Việt Nam vào thế kỷ thứ VI, rất thịnh vào đời nhà Đinh nhà Lê (tiền Lê), nhà Lý nhà Trần. Dòng THIỀN này cũng được truyền vào cung đình của Việt Nam vào thời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần. Các vua quan trong những thời đại này cũng có nhiều vị hành theo dòng THIỀN này, nhất là đời nhà Trần có ba đức Vua là Trần Thái Tông – Trần Thánh Tông- Trần Nhân Tông cũng TU theo dòng THIỀN này.
Đời Trần Thánh Tông lại có vị cư sĩ là Trần Tung làm quan nhà Trần có tước hiệu là Hưng Ninh Vương là anh của Trần Hưng Đạo (Hưng Đạo Vương) là một người kiệt xuất trong dòng THIỀN này, Ngài lại là Thầy dạy Đạo cho vua Trần Nhân Tông. Để rồi sau khi vua Trần Nhân Tông xuất gia làm Tăng có hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngài lại thành lập ra dòng THIỀN Trúc Lâm Yên Tử để tuyên dương Pháp THIỀN KIẾN TÁNH này. Ngài là vị sơ Tổ của dòng THIỀN Trúc Lâm Yên Tử, dòng THIỀN này được truyền qua nhiều đời đến mãi sau này.
Đây là một dòng THIỀN mang đậm sắc thái Đại Việt. Là một dòng THIỀN rất là Việt Nam là kết tinh của dòng THIỀN Ấn Độ và dòng THIỀN Trung Hoa.
Đặc biệt trong dòng THIỀN này có một vị Tổ đời thứ 2 là Tổ Pháp Loa. Ngài là một bậc Tông Sư hết lòng khai thị cho người. Tu thiền là phải KIẾN TÁNH. Ngài dạy:
"LÀ NGƯỜI HỌC PHẬT TRƯỚC PHẢI THẤY TÁNH"
“Thấy TÁNH”, không phải có TÁNH bị thấy. Nói thấy là thấy chỗ không thể thấy mà thấy vậy. Cho nên nói thấy, thấy không phải thấy thì chân TÁNH hiện. TÁNH thấy là vô sanh, sanh thấy thì chẳng thể có, chẳng có cái TÁNH thật, mà thấy thật không dời đổi. Thế nên gọi là chân thật thấy TÁNH.
Ngài nói nhiều về TÁNH, vạch rõ cho người học phải thấy TÁNH của mình. Phải thấy TÁNH ở mắt, ở tai, ở mũi, ở lưỡi, ở thân, ở ý, ở tiếng ho, ở trong cái nhướn mày, chớp mắt… Từ trong thân cho tới tất cả pháp đều phải trong TỰ TÁNH luôn RỖNG SÁNG. Không tham-sân-si, không phiền não gì, trong TỰ TÁNH vốn là RỖNG SÁNG không có một vật, không có cái phải và cái không phải. PHÁP tức là TÁNH, PHẬT tức là TÂM. TÁNH nào chẳng phải là PHÁP? TÂM nào chẳng phải là PHẬT?
Tức TÂM tức PHẬT, tức TÂM tức PHÁP. PHÁP vốn chẳng phải PHÁP, PHÁP tức TÂM. TÂM vốn chẳng phải TÂM, TÂM tức PHẬT.
D. KẾT LUẬN
Dòng Thiền Kiến Tánh tức là dòng Thiền Tổ Sư được truyền từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Khởi đầu Ngài truyền cho Tổ Ca Diếp, Tổ Ca Diếp truyền cho Tổ A Nan và truyền dài trên đất nước Ấn Độ truyền đến Tổ 28 là Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Tổ Đạt Ma sang Trung Hoa theo đường biển vào năm 520. Ngài cập bến Quảng Châu vào thời vua Lương Võ Đế. Ngài lại truyền cho Tổ Huệ Khả và truyền lần hồi cho 42 vị Tổ ở Trung Hoa. Vào thế kỷ thứ VI, Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi là đời thứ tư của Thiền Trung Hoa, Ngài lại truyền sang Việt Nam vào năm 580. Đạo Phật - Thiền Tổ Sư tức là Thiền Kiến Tánh rất thịnh đạt trên đất nước Việt Nam qua các triều đại và nhà Tiền Lý với đất nước Vạn Xuân đến nhà Đinh mang tên nước Đại Cồ Việt rồi nhà Tiền Lê, đến nhà Lý mang tên nước Đại Việt, đến nhà Trần cũng là Đại Việt, những thời đại này Phật Giáo Thiền cực thịnh từ triều đình đến dân gian và nhất là thời đại nhà Trần với đức vua Trần Nhân Tông sau khi Ngài xuất gia lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, Ngài kết hợp những dòng Thiền đã có trên nước Đại Việt thời ấy thành ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và Ngài là sơ Tổ. Thời đại này có Tuệ Trung Thượng Sĩ tức là Trần Tung, anh của Trần Hưng Đạo là một người kiệt xuất trong dòng Thiền Kiến Tánh. Muốn biết rõ về Ngài nên tìm hiểu qua sách Tuệ Trung Ngữ Lục, chúng ta sẽ thấy rõ phong thái của Thiền Kiến Tánh là như thế nào. Thiền lý và Thiền hạnh được sáng tỏa trong thời đại nhà Trần. Đức vua Trần Nhân Tông người có công rất lớn trong việc phát huy về dòng Thiền Kiến Tánh này, người đương thời tôn vinh Ngài là Phật Hoàng (là ông vua Phật). Với dòng Thiền Kiến Tánh đã giúp cho biết bao nhiêu người được Giác Ngộ và Giải Thoát.
Rồi đến năm 1677 thì Tổ thứ 70 ở Trung Hoa là Thiền Sư Hoán Bích – Thụ Tông xuống thuyền sang Việt Nam. Tàu cập bến ở Bình Định. Ngài lên bờ và truyền pháp ngược ra miền Trung Việt Nam và ra miền Bắc rồi lại vào trong Nam. Hòa Thượng Khánh Anh từ Quảng Ngài thọ pháp Thiền với dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh. Ngài là đời thứ 77. Ngài vào Nam làm trụ trì chùa Phước Hậu ở Trà Ôn, Vĩnh Long. Ngài cũng là Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc lúc bấy giờ. Sau Ngài là Tổ Thích Thiện Hoa Pháp danh Như Quả, Pháp tự Giải Nhơn, Pháp hiệu Hoàn Tuyên là vị đời thứ 78.
Như vậy dòng Thiền Tổ Sư được truyền từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền từ Ấn Độ sang Trung Hoa đến Việt Nam, tất cả là 78 đời. Hôm nay dòng Thiền này vẫn còn được lưu truyền dưới sự hướng dẫn của Hòa Thượng Thích Thanh Từ. Theo dòng Thiền này thì Ngài là đời 79. Thời đại hôm nay Thiền Tông Việt Nam vẫn được tiếp tục lưu truyền. Tuy nhiên với Pháp Thiền Kiến Tánh thì rất hạn chế, có người thực hiện được, có người thì không. Không phải người nào Tu Thiền cũng thực hiện được đúng tông chỉ này:
Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền
Trực chỉ nhân TÂM
Kiến TÁNH thành PHẬT
(Chẳng lập văn chữ
Truyền riêng ngoài Kinh giáo
Chỉ thẳng TÂM người
Thấy TÁNH thành PHẬT)
Trân trọng mến trao.
Các bài mới
- Giáo ngoại biệt truyền - 23/09/2012
Các bài đã đăng
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 23050
- Online: 85