Thiền tông đốn ngộ
16/11/2015 | Lượt xem: 6206
TT Thích Thông Phương
Một đạp vỡ tung vô lượng cõi
Lắc mình pháp giới bặt tăm hơi
Nói đến thiền tông là nói đến đốn ngộ.
Tức chóng ngộ ngay bản tánh chính mình cùng Phật không khác, không trải qua thứ lớp, không do tu hành mới được.
Đây là phá tan cái thấy còn kẹt trên thứ lớp, vượt qua giáo nghĩa phân biệt, ngộ thẳng tự tâm.
Điển hình, Đức Sơn vốn là một giảng sư kinh Kim Cang nổi tiếng mà ban đầu Sư còn không hiểu nổi và đã phát nguyện : “Kẻ xuất gia muôn kiếp học oai nghi của Phật, vạn kiếp học tế hạnh Phật còn chẳng được thành Phật, ta phải ruồng tận hang ổ của chúng, diệt sạch những giống ấy để đền ơn Phật”. Kịp đến khi Sư gặp bà già bán bánh, nghe bà hỏi một câu, đáp không trôi, mới thấy lại : Còn có cái gì nữa? Rồi khi Sư gặp Long Đàm, đưa đèn thổi tắt, liền chợt ngộ “Trí vô sư vốn vượt ngoài chữ nghĩa đã học được”.
Quả thật, chân lý thiền vốn ở ngay nơi người, ngay trong tự tâm chúng ta đây thôi. Vậy ai có tâm thì chắc chắc có thiền, không nghi ngờ gì nữa. Nhưng tại sao có người đành quay lưng từ chối không nhận?
Kìa, Phật thành đạo là thành ở đâu? Có lẽ nào lại ở dưới cội bồ đề hay trên sao mai? Thấy như thế, thì đến tột mé vị lai hẳn cũng chưa gặp. Rồi chư Tổ tỏ ngộ là tỏ ngộ ở đâu? Quyết không thể ở nơi bộ kinh này, bộ kinh kia hay ngữ lục nọ. Moi móc kiếm tìm trong đám rừng chữ nghĩa đó thì đời đời kiếp kiếp vẫn không bao giờ gặp chư Tổ.
Kìa gió thổi thông reo, lá rung trước mắt, ánh sáng vĩnh hằng đang hiển bày ra đó. Sức sống này làm sao ghi chép chú giải?
Kìa, Tuệ Hải đến Mã Tổ toan cầu pháp vi diệu. mã Tổ bảo ngay :
Kho báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy đi tìm cái gì? Ta trong ấy không có một vật, cầu Phật pháp cái gì?
Sư lễ bái thưa : Cái gì là kho báu nhà mình của Tuệ Hải?
Mã Tổ nghiêm nghị bảo thẳng : Chính ngươi hiện đang hỏi ta, đó là kho báu của ngươi, đầy đủ tất cả không hề thiếu thốn, tự do sử dụng, đâu ngờ tìm cầu bên ngoài.
Ngay câu nói này, Sư tự nhận bản tâm không do hiểu biết, liền vui mừng lễ tạ.
A! Kho báu từ vô thủy bỗng chốc hiện bày trước ra mắt, còn gì vui sướng hơn? Nhưng đặc biệt ‘không do hiểu biết’, chỗ này chữ nghĩa làm sao ghi chép được.
Thực vậy, Thiền tông chỉ thẳng là chỉ thẳng ngay đây, khỏi phải quanh co trên lý luận dài dòng. Người nhận thì nhận liền, không cho suy nghĩ chần chờ. Phải chộp lấy thời cơ kịp lúc, nhảy qua cả ông thầy, tự sống dậy không thể nghĩ bàn. Chính vì thế, Thiền tông thường lưu truyền: “Cái thấy bằng Thầy, còn kém Thầy nửa đức, cái thấy vượt hơn Thầy mới kham truyền trao”. Phải vậy chớ, “Kia đã trượng phu, ta đây cũng vậy”. Đâu thể tự khinh mình mà còn đành lui sụt. Hãy tin chắc,ÁNH SÁNG TÂM TÔNG đang tỏa chiếu trong ta. Nói năng qua lại, đi đứng tới lui, mọi động dụng hằng ngày có thiếu thốn bao giờ đâu. “Trường An ồn náo, nước con vẫn an ổn”, ai ai đều có dẵn một chỗ bất khả xâu phạm ấy, sao không tự nhận đi, chạy tìm kiếm nơi người thì bao giờ mới được an? Chân lý thì rất đơn giản, mà con người tưởng tượng quá nhiều thành rắc rối, lạ lùng, xa lạ, đáng thương! Đây này, ngay một niệm hiện tiền bặt cả ba đời trước sau. Còn ai dối được mình? Chớ học theo Chu Kim Cang, đối diện bà già đưa bánh tới tận miệng, lạimđành ôm bụng đói ra đi. Thất đáng tiếc! đáng tiếc!
Một chút xíu đó mà xưa nay nói hoài cũng không hết. Bởi vậy, Thiền tông nêu cao tông chỉ:
Truyền riêng ngòai giáo
Chẳng lập văn tự
Trực chỉ nhân tâm
Kiên tánh thành Phật
I- THIỀN LÀ GÌ ?
Thiền, nói đủ là Thiền-na, Trung Hoa dịch là tĩnh lự; nghĩa là lặng lẽ những lo nghĩ lăng xăng, hay cũng dịch là định tuệ đẳng trì, tức tâm lặng và sáng đầy đủ. Tuy nhiên đó chỉ là định nghĩa theo danh từ, phương tiện mà giải thích cho người tạm hiểu, xét trên lý thật thì đó chưa phải là bản thân của Thiền.
Bởi tĩnh lự hay định tuệ đẳng trì đó, nó không nằm ở trên những ngôn từ hoặc chữ nghĩa vô tri kia, mà nó ở ngay trong tâm người, Do đó, dù ai có cố gắng giải thích thế mấy cũng không bao giờ chạm đến bản thân thiền chân thật. Cho nên Thiền mà còn định nghĩa được, đó là Thiền Chết, Thiền Văn Tự, không phải Thiền Sống. Đến chỗ cứu cánh thiền thì bỏ xa văn tự. Chữ nghĩa làm sao ghi được cái tâm lặng lẽ trong sáng đó ? Dù máy móc điện tử tối tân cũng không thể ghi được chỗ này .
II- THỂ NGHIỆM TRỰC TIẾP
Chân lý sống là cái hiện thực ngay nơi mỗi người, trong mỗi người, người đang sống trong đó chứ không ở đâu khác. Như nói Thiền là tĩnh lự, là tâm lặng lẽ trong sáng, song đặt câu hỏi lại: Thế nào là tâm lặng lẽ trong sáng ? Đây không còn là chuyện giải thích danh từ nữa, mà phải tự cảm nhận nơi mình mới thấu rõ thôi . Vì vậy, muốn cảm nhận chân lý Thiền là phải thể nghiệm trực tiếp, phải thẳng vào chớ không đứng bên ngoài bàn bạc, lý luận suông .
Có vị tăng hỏi Thượng Sĩ Tuệ Trung :
- Bạch Thượng Sĩ, thế nào là đại ý Phật pháp ?
Thượng Sĩ đáp :
- Đầu trạnh vỗ sóng mắt sâu bọ,
Cánh bằng nhốt gió ruột kiến trùng .
Hỏi:- Như vậy học nhân làm sao được lối vào ?
Đáp:- Gãi ngứa phải đâu người khác ngứa,
Đói ăn chính thật nhà ngươi ăn
Ông hỏi đại ý Phật pháp, ông muốn hiểu được lẽ thật đó, thì ông phải quên niệm phân biệt theo thói quen suy nghĩ lâu nay đi, ông phải đích thân cảm nhận nơi mình chớ không thể đứng bên ngoài mà hỏi, mà muốn tìm hiểu biết . Gãi ngứa là tự ông ngứa, đâu phải người khác ngứa thay cho ông; cũng vậy, đói là tự ông ăn thì mới hết đói, ai ăn thay cho ông được? Cho nên trong nhà Thiền, nhất là Thiền tông luôn nhấn mạnh đến chỗ trực nhận không qua ý niệm .
Thiền sư Nghĩa Huyền, sau này là Tổ tông Lâm Tế, lúc còn đang tham thiền trong hội Ngài Hoàng Bá, khi đến hỏi về “Đại ý Phật pháp”, ba lần hỏi thì ba lần đều bị ăn gậy mà không được giải thích một lời. Hoặc ông Thôi Tề Công đến hỏi Thiền sư Thần Hội:
- Thiền sư ngồi thiền một phen định, về sau bao lâu mới xuất định?
Sư đáp:
- Thần không có chỗ nơi, có cái gì là định ư?
- Đã nói không định, sao gọi là dụng tâm?
- Nay tôi định còn không lập, ai nói có dụng tâm?
- Tâm và định đều không, thế nào là đạo?
- Đạo là “đạo như thế”, không có “đạo thế nào”.
- Đã nói không có “đạo thế nào”, vậy chỗ nào có “đạo như thế” ?
- Nay nói “đạo như thế” là do có “đạo thế nào”, nếu như không có ‘đạo thế nào” thì “ như thế” cũng không còn .
Nghĩa là, với Thiền sư thì không có giải thích dài dòng theo chữ nghĩa. Bởi do có hỏi “đạo thế nào” nên mới tạm nói “đạo như thế” để đối đáp lại. Nói “như thế” là để dừng lại chỗ suy nghĩ, tìm hiểu của ông thôi, chớ thực ra nếu ông không có hỏi thế nào, thì cũng không có nói “như thế” làm gì. Bởi vì “Nó vốn như thế là như thế rồi’, khỏi phải nói thêm cái tên “như thế” nữa. Nói “như thế” là đã dán thêm cái nhãn hiệu lên nó.
Đây là muốn nhắc người hỏi, phải can đảm buông xả hết mọi ý niệm hướng về nó, thì chân lý thiền hiện tiền sáng ngời đây thôi. Còn hướng đến nó tức là còn đứng ngoài nó. Từ đó mà biết, hiện có nhiều người đang tranh cải về thực tại thế này, thế kia, là có, là không, thì rõ ngay là chưa chạm đến thực tại. Trong nhà Thiền không chấp nhận cho người cứ đứng bên ngoài mà lý luận.
Như có Thượng Tọa Định thuộc dòng Lâm Tế, một hôm trên đường thọ trai nhà thí chủ đi về, gặp ba vị tọa chủ trên cây cầu, trong đó một vị mới hỏi Sư:
- Thế nào là tột đáy sông thiền ?
Sư liền chộp ngực vị ấy định ném xuống sông. Hai vị kia hoảng hốt xin tha rối rít. Sư liền bảo:
- Nếu không có hai vị đây tôi đã cho ông xuống tột đáy sông thiền cho biết .
Thiền chân thật là thế ! Ông muốn biết tột đáy sông thiền, hãy vào đó thì biết ngay, không phải giải thích chữ nghĩa dài dòng . Cứ đứng ngoài mà hỏi, dù có nói cho ông nghe cũng chỉ là tưởng tượng, là khái niệm thôi, đâu cảm nhận được lẽ thật ấy.
Bởi vậy tôn chỉ của Thiền tông là “Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền”, tức là tự có con đường sống, vượt qua ngôn giáo, chữ nghĩa bên ngoài. Do đó nếu người không trực tiếp thể nghiệm, làm sao rõ được ?
III- TU THIỀN TÔNG PHẢI VƯỢT QUA CHỮ NGHĨA.
Lục Tổ Huệ Năng, một bậc Tổ Sư phi thường của Thiền tông, hiện thân là vị tiều phu không biết chữ mà ngộ đạo được truyền y bát, kế vị Tổ thứ sáu Thiền tông Trung Hoa. Truyện kể rằng, lúc Sư ẩn ở thôn Tào Hầu, có lần Bà ni Vô Tận Tạng đem kinh Niết Bàn hỏi Sư, Sư bảo: “chữ thì tôi không biết nhưng nghĩa thì cứ hỏi”. Bà ni nói: “Chữ còn không biết, làm sao biết nghĩa?” Sư bảo: “Diệu lý của chư Phật không dính dáng gì đến văn tự. Bà ngạc nhiên biết là bậc khác thường, liền đi báo cho người trong thôn đến lễ bái cúng dường.
Đây là Lục Tổ đánh thức cho người học Phật phải học thấu qua văn tự chữ nghĩa, chớ không thể bám chặt vào những dòng chữ, những nghĩa lý chết kia. Chữ nghĩa nó đâu biết ngộ đạo, đâu bíết chiếu soi gì ! Thí dụ mấy chữ bản lai diện mục, kiến tánh, minh tâm, thoại đầu, công án, Tổ sư, nó có hiểu biết gì đâu. Chính người đọc ra nó, mới biết giác, biết ngộ, phải phản chiếu “con người ấy”, đó mới chính là chân thật tham thiền, là chỗ nhắm của chư Tổ ra đời. Do đó, khi vua Trần Nhân Tông hỏi Thượng Sĩ Tuệ Trung về: “Tông chỉ của việc bổn phận”, Thượng Sĩ đáp: “Soi sáng lại chính mình, đó là việc bổn phận, chẳng từ nơi nào khác mà được”.( Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tòng tha đắc )
Soi sáng lại chính mình tức là vượt qua chữ nghĩa, văn tự, lời dạy bên ngoài, mà đánh thức sức sống chân thật ngay chính mình. Mạch sống Thiền là đó. Cho nên dù trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử nhưng sức sống Thiền vẫn bất tuyệt. Còn có người thực tu là còn có người thực ngộ, và ánh sáng Thiền vẫn hiện hữu..
IV- TÓM KẾT .
Thiền là sống, là sáng tạo, luôn luôn mới mẻ tinh khôi, không nằm trong một khuôn khổ chết hay một ước lệ nào .
Vào Thiền, phải dám buông lại những kiến thức vay mượn từ bên ngoài để phát khởi trí vô sư, trí tự nhiên nơi mỗi người . Đây là con đường thể nghiệm chân lý trực tiếp nơi mình, không qua trung gian ý thức suy luận, và đây cũng chính là cội nguồn của đạo Phật. Bởi ngay từ buổi đầu, khi thành đạo đức Phật đã muốn nhập niết bàn, không muốn đi thuyết pháp, vì thấy chỗ chứng ngộ đó quá sâu xa, vượt ngoài ngôn ngữ văn tự, khó nói cho người hiểu được. Phạm thiên thỉnh ba lần Phật mới hứa khả đi thuyết pháp giáo hóa. Vậy có nói ra là phương tiện tạm thời không phải cứu cánh . Người học Phật, tu Phật cần học , tu đến chỗ vượt qua ngôn ngữ văn tự, thể nghiệm trực tiếp ngay chính mình, mới đạt được ý Phật, mới gặp Phật, gặp Tổ .
Chính đây là con đường của HÀNH GIẢ đúng ý nghĩa .
Các bài mới
- Tâm yếu nhà Thiền - 16/11/2015
- Niệm về cái chết - 15/11/2015
- Sống tỉnh giác - 15/10/2015
- Tam nhân Phật tánh - 23/09/2015
- Tâm Kinh Bát Nhã qua cái nhìn của nhà thiền - 23/09/2015
Các bài đã đăng
- Giải trừ bản ngã - 23/06/2015
- Ta thì chẳng phải là ta - 22/06/2015
- Chẳng lầm nhân quả - 18/06/2015
- Thấy pháp - 06/05/2015
- Tâm ấn tâm - 03/03/2015
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 05174
- Online: 22