Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 3: Chương II: Răn Ý Kiêu Sa; Chương III: Tịnh Tu Ba Nghiệp

23/10/2023 | Lượt xem: 744

TS.Vĩnh Gia Huyền Giác

HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng

CHƯƠNG II: RĂN Ý KIÊU SA 

Cơm áo có ra là do trồng lúa nuôi tằm. Khẩn đất đào mương, luộc nấu kén tằm, nấu chín làm ra tổn thương sanh mạng, chúng phải chịu chết để giúp thân ta. Chỉ sợ đói lạnh, chẳng biết chết là khổ, nỡ giết hại loài khác để cung cấp cho mình. Ôi, đau đớn thay! Công người nông phu tích chứa sức lực sâu dày, đâu riêng gì loài hàm thức thiệt mạng, cũng còn là của tín thí khó tiêu. Tuy đã xuất gia nào có đức gì? Chỉ muốn thọ nhận của tín thí để nuôi thân, đâu biết xét suy đức mình so với công ấy. Luận Tỳ-ni nói: “Thọ nhận của tín thí dùng không đúng pháp, buông lung tâm ý, bỏ phế sự tu đạo nghiệp, sẽ bị đọa vào tam đồ thọ sự khổ nặng.”

Phàm muốn vượt ra ba cõi mà chưa có hạnh tuyệt trần, uổng làm thân nam tử không có chí trượng phu. Nhưng vì suốt ngày chộn rộn, tối lại hôn mê, đạo đức chưa tu, cơm áo lãng phí. Trên thì trái đại đạo, dưới thì thiếu lợi sanh, giữa thì phụ bốn ân, thật đáng hổ thẹn! Do đó, người trí phải khá xét suy, thà có pháp mà chết còn hơn không pháp mà sống, đâu nên luống tự si mê quý thân khinh pháp. 

Đây là lời răn nhắc người xuất gia. Tuy răn người xuất gia mà hàng cư sĩ cũng nên nghiệm biết. Người tu sở dĩ có cơm ăn, áo mặc là do người nông phu trồng lúa, người dệt vải nuôi tằm, trồng bông kéo chỉ. Nhờ sự khó nhọc của người mà chúng ta được no cơm, ấm áo.  

Khẩn đất đào mương, luộc nấu kén tằm, nấu chín làm ra tổn thương sanh mạng, chúng phải chịu chết để giúp thân ta. Người làm ruộng phải khẩn đất, đào mương, ngày nay thì phải xịt sâu, giết trùng mới được có lúa. Nuôi tằm thì phải nấu chín cho chết rồi lấy kén kéo tơ làm tổn thương sanh mạng.  

Ngày nay người tu được bình an, sống khỏe là do những loài khác đã chết giúp chúng ta được sống an nhàn. Người cư sĩ nếu mới biết tu chỉ ăn chay một tháng bốn ngày hoặc sáu ngày, những ngày khác còn ăn mặn. Kể từ khi bé cho đến nay, chúng ta được thân khỏe mạnh này thì bao nhiêu thân mạng chúng sanh phải hy sinh để bồi bổ nuôi sống chúng ta! Thật đáng thương thay!  

Chỉ sợ đói lạnh, chẳng biết chết là khổ, nỡ giết hại loài khác để cung cấp cho mình. Chỉ sợ mình đói lạnh mà không biết những con vật khác đã hy sinh cho mình được sống an ổn mạnh khỏe như ngày nay. Một ngày chúng ta làm khổ mười chúng sanh, một năm, rồi một đời bao nhiêu chúng sanh khổ vì mình? Rõ ràng sự sống của mình là sự đau khổ của chúng sanh khác!

Ôi, đau đớn thay! Công người nông phu tích chứa sức lực sâu dày, đâu riêng gì loài hàm thức thiệt mạng, cũng còn là của tín thí khó tiêu. Người xuất gia được sức lực mạnh khỏe thì biết bao hàm thức phải khổ. Lại còn của tín thí cúng dường cũng khó tiêu.  

Tuy đã xuất gia nào có đức gì? Chỉ muốn thọ nhận của tín thí để nuôi thân, đâu biết xét suy đức mình so với công ấy. Người xuất gia phải cẩn thận, suy xét công đức của mình được bao nhiêu mà nhận của tín thí để nuôi thân, không biết đức của mình có xứng với công mà người cúng thí hay không? 

Luận Tỳ-ni nói: “Thọ nhận của tín thí dùng không đúng pháp, buông lung tâm ý, bỏ phế sự tu đạo nghiệp, sẽ bị đọa vào tam đồ, thọ sự khổ nặng.” Người xuất gia thọ nhận của đàn-na thí chủ cúng dường mà dùng không đúng pháp, dùng vào những chuyện xa xỉ, không xứng với người tu, rồi buông lung tâm ý, bỏ hết sự tu hành của mình sẽ đọa vào tam đồ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chịu khổ não vô cùng. 

Phàm muốn vượt ra ba cõi mà chưa có hạnh tuyệt trần, uổng làm thân nam tử không có chí trượng phu. Người tu muốn vượt ra ba cõi: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới mà chưa có hạnh tuyệt trần, chưa vượt khỏi cảnh trần tục, “uổng làm thân nam tử, không có chí trượng phu”. Chẳng những người nam mà người nữ cũng có chí trượng phu, có khả năng siêu thoát.

Nhưng vì suốt ngày chộn rộn, tối lại hôn mê, đạo đức chưa tu, cơm áo lãng phí. Trên thì trái đại đạo, dưới thì thiếu lợi sanh, giữa thì phụ bốn ân, thật đáng hổ thẹn! Chúng ta tu mà suốt ngày chộn rộn việc này, việc kia, tối lại hôn mê. Ngày thì làm việc lăng xăng, tối ngủ say sưa, đạo đức chưa tu mà lãnh áo cơm của thí chủ làm cho tiêu phí. Như vậy trên trái đạo lý, dưới thiếu lợi sanh, không làm lợi ích cho ai, giữa phụ bốn ân, ân sanh thành của cha mẹ, ân thầy tổ dạy dỗ, ân đàn-na thí chủ, ân quốc gia. Thật đáng hổ thẹn! 

Do đó, người trí phải khá xét suy, thà có pháp mà chết còn hơn không pháp mà sống, đâu nên luống tự si mê quý thân khinh pháp. Người tu phải nhớ xét suy cho kỹ, “thà có pháp mà chết”. Chúng ta tu đúng với chánh pháp, đúng với đạo, dù cho khổ sở đói rét mà chết cũng còn hơn. Nếu nơi đâu được sung túc cơm no áo ấm, được sống mà không có chánh pháp là không hợp pháp. “Đâu nên luống tự si mê, quý thân khinh pháp”, không nên mê muội lo cho thân được sung túc mà không trọng chánh pháp của Phật thì không xứng đáng là kẻ xuất gia. Người biết tu phải hạn chế, đừng thả lỏng tâm mình chạy theo ngoại cảnh rồi đắm mê khổ sở.

 

CHƯƠNG III: TỊNH TU BA NGHIỆP

Tham, sân, tà kiến thuộc ý nghiệp. Nói hư dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, nói hung ác thuộc khẩu nghiệp. Sát sanh, trộm cắp, dâm dục thuộc thân nghiệp.  

Tà kiến là những kiến chấp sai lầm. Tham, sân, tà kiến thuộc về ý nghiệp. Nói hư dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, nói hung ác thuộc khẩu nghiệp. Sát sanh, trộm cắp, dâm dục thuộc thân nghiệp.  

Người tu phải gìn giữ cho thân, khẩu, ý được thanh tịnh, đó là tịnh tu ba nghiệp. Nếu để thân, khẩu, ý tạo nghiệp, đó là trầm luân.  

Phàm người có chí muốn cầu đại đạo, trước tiên cần phải tu ba nghiệp cho thanh tịnh. Về sau, trong bốn oai nghi lần lượt vào đạo, nhẫn đến khi sáu căn đối trần tùy duyên liễu đạt, cả hai cảnh trí đều lặng thầm hợp với ý chỉ diệu huyền.

Người muốn cầu đại đạo, muốn đạt được bản tâm mình, trước phải tu ba nghiệp cho thanh tịnh. Sau đó trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi lần lượt tiến vào đạo, cho đến khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần thấu suốt không bị dính mắc, cảnh và trí tức sáu trần và nội tâm đều lặng, thầm hợp với ý chỉ diệu huyền. Đó là trọng tâm của việc tu.  

1. Thế nào là tịnh tu thân nghiệp? 

Tự xét sâu xa trong bốn oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm, kìm thúc ba tội không cho sơ thất. Từ bi nuôi nấng chẳng hại mạng sống, tất cả loài hàm thức trên không dưới nước, không kể lớn nhỏ đều thương yêu bảo bọc cho đến loài bò bay máy cựa cũng không làm tổn hại. Gặp kẻ nguy nan ân cần cứu tế, dùng phương tiện độ khiến cho giải thoát.

Bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi đều phải thúc liễm không để tạo tội, gặp người khổ, bị nạn nên cứu tế, dùng phương tiện giúp họ thoát khỏi cảnh khổ. 

Đối với tiền bạc của cải người khác không cho thì không lấy, nhẫn đến vật của quỷ thần làm chủ, dù là cây kim ngọn cỏ vẫn không cố phạm. Gặp người ăn xin nghèo khó, tùy theo tiền của mình có, dùng lòng cung kính bố thí khiến cho họ được an ổn, còn mình không cầu sự báo ân. 

Tiền bạc của cải mà người không cho mình không được lấy, cho đến vật của quỷ thần, của trong chùa, cũng không được phạm.

Gặp người ăn xin nghèo khó, tùy theo tiền của mình có, dùng lòng cung kính bố thí khiến cho họ được an ổn, còn mình không cầu sự báo ân. Chúng ta có một bệnh nghĩ rằng người ăn xin là kẻ thọ ân, người cho là kẻ ban ân. Vậy ai cung kính ai? Người thọ ân cung kính người ban ân hay người ban ân cung kính người thọ ân? Chúng ta thường có quan niệm người thọ ân phải kính người ban ân, còn người ban ân coi thường người thọ ân. Vì kẻ ăn xin lạy cô, lạy bác cung kính xin mình, nên mình coi thường họ. Nhưng Phật dạy không nên có quan niệm đó, phải nghĩ rằng người xin mình là người khổ, mình là kẻ ban ân thì phải kính, phải trọng người đó. Tại sao? Vì họ tạo nhân để mình bố thí, tạo cơ hội tốt để mình làm việc lành, thì đó là người ân của mình chứ không phải mình là người ân của họ. Vậy mình phải cung kính mà cho, chứ không nên khinh rẻ mà cho. Tuy làm việc bố thí mà không cầu sự báo ân, đền ân gì cả. Thí dụ mình bố thí giúp người bệnh tật không cầu họ báo ân, đền ân, nhưng lại cầu mai sau được phước, đó cũng là có mong cầu. 

Đúng tinh thần người tu Phật bố thí là vì lòng từ bi giúp người mà không mong cầu gì. Cung kính người khổ, muốn an ủi họ mà giúp chứ không phải vì được phước, vì được đền ân, đó mới là bố thí chân chánh. Bố thí để người quý mình, để cầu phước, đó là lòng vị kỷ, tuy có phước nhưng nhỏ lắm. Bố thí, làm việc tốt lành là vì người chứ không phải vì mình, người nhận bố thí là người ân của mình, chứ không phải mình là người ban ân.

Suy nghĩ như vầy: Chư Phật quá khứ trải vô lượng kiếp, thực hành bố thí cho cả voi ngựa bảy báu, đầu mắt não tủy nhẫn đến xả bỏ thân mạng, không chút nuối tiếc. Nay ta cũng vậy, tùy theo khả năng bố thí, hoan hỷ cúng dường, tâm không lẫn tiếc.

Người tu bố thí là vì thương cái khổ của chúng sanh, vì lòng từ bi giúp họ mà không hối tiếc của cải, thân mạng. 

Đối với nữ sắc tâm không nhiễm trước. Phàm phu điên đảo bị dục làm say, đam mê phóng túng, không biết lỗi lầm của sự dâm dục, như vin cành hoa không biết có ẩn rắn độc. Người trí xem dục như miệng rắn độc, móng vuốt gấu hùm, lửa bùng sắt nóng cũng chẳng dụ được. Cột đồng giường sắt cháy lưng chín ruột, máu thịt bầy nhầy, đau thấu tâm tủy. Quán sát như thế chỉ khổ không vui. Túi da đựng phẩn tích chứa máu mủ, bề ngoài giả dối giồi phấn thoa hương, bên trong một mùi hôi thúi, dơ bẩn chảy ra làm chỗ nương ở của giòi nhặng, thúi tha đến lỗ cầu xí cũng không bì kịp. Người trí xét đó, chỉ thấy lông tóc, móng răng, da mỏng da dày, máu thịt, mồ hôi nước mắt, nước dãi, nước miếng, mủ mỡ, gân mạch não mô, đàm vàng đàm trắng, gan mật cốt tủy, phổi thận, lá lách, dạ dày, tim, mỡ nước, bàng quang, ruột già ruột non, sanh tạng thục tạng, các đường tiểu tiện. Những vật như thế đều không có ngã, mà do gió thức cổ động hư vọng sanh ra, ngôn ngữ dối trá, nói làm người bạn thân, kỳ thật oán giận ghét ghen làm cho hư đức chướng đạo, đó là tội lỗi nặng nhất phải nên xa lìa như tránh giặc oán. Bởi thế, người trí xem đó tưởng như rắn độc, thà gần rắn độc, chẳng gần nữ sắc. Vì sao? Rắn độc hại người chỉ chết một đời, nữ sắc trói buộc trăm ngàn muôn kiếp bị các độc hại khổ đau vô cùng, phải nên xét nghĩ chớ nên gần gũi. 

Ở đây ngài dạy cho nam tử, chứ thật ra cả nam và nữ đều phải dè dặt. Đoạn trước nói về tiền bạc, đoạn này nói về sắc đẹp, về bệnh dâm. Người tu dù tại gia hay xuất gia cũng phải thấy rõ cái khổ của tham ái.  

Phàm phu điên đảo bị dục làm say, đam mê phóng túng, không biết lỗi lầm của sự dâm dục, như vin cành hoa không biết có ẩn rắn độc. Người đam mê phóng túng theo ái dục thì giống như nắm cành hoa mà trong đó có ẩn rắn độc. Nắm hoa thấy đẹp, đến khi rắn cắn mới khổ. 

Người trí xem dục như miệng rắn độc, móng vuốt gấu hùm, lửa bùng sắt nóng cũng chẳng dụ được. Dục là khổ mà người thế tục cho là vui. Trong kinh dạy người tu thiền muốn phá trừ bệnh ái dục phải quán bất tịnh, như: lông, tóc, móng, răng, da mỏng, da dày, máu, thịt, mồ hôi, nước mắt, nước dãi, nước miếng, mủ, mỡ v.v...có vật nào sạch đâu! Khi còn ở trong thân mình thì được, nhưng khi tách ra rồi thấy có gớm không? Xét cho kỹ chỉ là một khối bất tịnh nhớp nhúa. Quán thân bất tịnh sanh nhàm chán thân mình thì cũng nhàm chán thân người. Thế là trừ được bệnh ái dục. Đó là phương pháp trừ bệnh tạm thời, chứ không phải để chúng ta tu luôn, tu mãi.Người trí xem ái dục tưởng như rắn độc, thà gần rắn độc chẳng gần ái dục. Chúng ta có dám gần rắn độc không? Rắn độc không dám gần thì ái dục càng tránh xa hơn nữa. Tại sao? Vì ái dục làm cho chúng ta phải sanh tử nhiều kiếp, còn rắn độc cắn chết có một lần thôi. Sanh tử nhiều kiếp với chết một lần thì cái nào quan trọng? 

Vì thế người trí cần phải kiểm điểm ba lỗi, chừa bỏ lỗi lầm, trái ác theo thiện, chẳng giết chẳng trộm, phóng sanh bố thí, không làm việc dâm dục bẩn thỉu, thường tu hạnh thanh tịnh. Ngày đêm chuyên cần hành đạo lễ bái, nương về Tam bảo, chí cầu giải thoát, đối với thân mạng của cải phải tu ba pháp kiên cố. Biết thân hư huyễn không có tự tánh, sắc tức là không cái gì là ngã? Tất cả các pháp chỉ có giả danh không có nhất định. Thân này của ta, bốn đại năm uẩn mỗi mỗi đều chẳng phải ngã, hợp lại cũng không, vô minh không rõ, chấp lầm là ngã. 

Người xuất gia phải xét kỹ, kiểm điểm bỏ ba lỗi và tu ba pháp kiên cố. Bỏ ba lỗi là không sát sanh, không trộm cắp mà hay bố thí, không làm việc dâm dục mà thường tu hạnh thanh tịnh. Người cư sĩ tại gia không sát sanh, không trộm cắp, không tà dục. 

Ba pháp kiên cố là: Thứ nhất là biết thân này hư huyễn, không tự tánh, tức là không có chủ thể cố định, do duyên hợp, không thật. Sắc tức là không thì cái gì là ngã, cái gì là ta?

Thứ hai là Tất cả các pháp đều là giả danh không có nhất định. Thí dụ như đây là bình hoa đẹp, nhưng nếu gỡ từng cái hoa ra, chia ra từng cánh hoa, cắt rời ra hết thì còn đẹp không? Khi cánh hoa tụ lại có hình dáng thì chúng ta phân biệt đẹp xấu, nhưng thật ra nó không có thật thể, đẹp chỉ là giả danh thôi, phải luôn luôn thấy rõ như vậy.

Thứ ba: Thân này của ta, bốn đại năm uẩn mỗi mỗi đều chẳng phải ngã, hiệp lại cũng không, vô minh không rõ, chấp lầm là ngã. Thân mình không có chủ thể, không có ngã mà do vô minh nên chấp lầm là ngã. 

Luôn luôn quán ba pháp kiên cố như vậy thì sự tu hành có thể tiến mạnh mẽ. 

Sát sanh, trộm cắp, dâm dục phóng túng, suốt ngày lẫn đêm không ngừng tạo nghiệp. Dù không chân thật nhưng thiện ác báo ứng vẫn như bóng tùy hình. Lúc quán như thế, chẳng cầu sự bất chánh để nuôi thân mạng, phải tự quán thân tưởng như rắn độc, vì để trị bệnh nên nhận bốn sự cúng dường. 

Những bệnh sát sanh, trộm cắp, dâm dục v.v... đó là duyên tạo nghiệp. Nếu chưa có quả báo hiện tiền nhưng nghiệp theo mình như bóng với hình, sớm muộn gì cũng phải chịu quả khổ. Muốn cuộc sống bình an, thân mạng khỏe mạnh thì chúng ta phải sống đúng đắn, chân chánh, đừng làm những chuyện tà vạy để tạo tội. Phải thấy thân này như rắn độc, cho nên nhận sự cúng dường của đàn-na thí chủ chỉ là phương tiện để tịnh tu.

Thân mặc y phục như che ghẻ lở. Miệng ăn thức ngon như bệnh uống thuốc. Tiết kiệm thân miệng không sanh sự xa hoa thái quá, nghe nói ít muốn rất thích tu hành. Cho nên kinh nói: “Bậc đầu-đà ít muốn khéo biết vừa biết đủ, người ấy có thể vào đạo hiền thánh.” Vì sao? Chúng sanh ở trong đường ác trải vô lượng kiếp thiếu thốn áo cơm, kêu la thảm thiết, đói lạnh khổ sở, xương da dính nhau. Nay ta tạm thiếu chút đỉnh chưa phải là khổ. Thế nên người trí quý pháp khinh thân, siêng năng cầu pháp chí đạo, đến thân mạng cũng chẳng đoái hoài, đây gọi là tịnh tu thân nghiệp. 

Đây nói về tịnh tu thân nghiệp của người xuất gia. 

Thân mặc y phục như che ghẻ lở. Miệng ăn thức ngon như bệnh uống thuốc. Khi mặc y phục thì nhớ thân này như ghẻ lở, che đậy lại cho không bị lở lói, không nghĩ đẹp xấu. Miệng ăn thức ngon cứ tưởng như bệnh uống thuốc, đừng khen chê ngon dở. 

Tiết kiệm thân miệng không sanh sự xa hoa thái quá, nghe nói ít muốn rất thích tu hành. Khi nghe dạy thì phải chú ý để học hỏi ít muốn và rất thích tu hành. 

Kinh nói: “Bậc đầu-đà ít muốn khéo biết vừa, biết đủ, người ấy mới có thể vào đạo hiền thánh.” Người nào biết vừa, biết đủ là khéo vào đạo hiền thánh, nếu không thì đi trên đường trần tục. 

Vì sao? Chúng sanh ở trong đường ác trải qua vô lượng kiếp, thiếu thốn áo cơm..., khổ sở đủ điều.

Ngày nay chúng ta được một phần cũng cảm thấy đủ rồi, không nên đòi hỏi quá đáng mà gây ra tội lỗi.

 

2. Thế nào là tịnh tu khẩu nghiệp? 

Nghiệp thân tuy khó nhưng dễ tránh hơn nghiệp khẩu. 

Tự xét sâu xa bốn lỗi của miệng là căn bản sanh tử, tăng trưởng điều ác, che lấp muôn hạnh, gây chuyện thị phi. Thế nên, người trí muốn nhổ sạch gốc sanh tử, dứt trừ hư vọng, phải tu bốn như thật ngữ, đó là các lời ngay thẳng, dịu dàng, hòa hợp và như thật. Bốn thật ngữ này là hạnh của người trí. Vì sao? Lời ngay thẳng hay trừ lời thêu dệt, lời dịu dàng hay trừ lời hung ác, lời hòa hợp hay trừ lời hai lưỡi, lời như thật hay trừ lời hư dối.

Trong Luật dạy chúng ta giữ đừng phạm bốn tội của miệng. Bốn tội là những lời nói thêu dệt, lời nói hung ác, lời nói hai lưỡi, lời nói hư dối. Muốn trừ bốn lỗi đó thì chúng ta phải tập, trừ lời nói thêu dệt thì phải nói lời ngay thẳng, trừ lời nói hung ác thì phải tập lời nói dịu dàng, trừ lời nói hai lưỡi thì luôn luôn phải nói cho hai bên hòa hợp, trừ lời nói hư dối thì phải nói đúng như thật. Tu khẩu nghiệp như vậy thì sự tu của chúng ta sẽ tiến nhiều. 

Lời ngay thẳng có hai thứ: Một là nói đúng pháp khiến cho người nghe tin hiểu rõ ràng. Hai là nói đúng lý khiến cho người nghe trừ hết nghi lầm.

Nói ngay thẳng là thế nào? Một là nói đúng pháp, hai là đúng lý. Đúng pháp là sự thật như thế nào chúng ta nói như thế ấy, đúng lý là lý chân thật thế nào chúng ta nói rõ để người nghe không lầm lẫn.  

Lời dịu dàng cũng có hai: Một là lời an ủi khiến cho người nghe vui vẻ gần gũi. Hai là tiếng cung thương thanh nhã khiến cho người nghe yêu thích tu tập. 

Lời nhẹ nhàng êm ái khiến cho người nghe cảm mến, gần gũi để mà dạy đạo cho họ, hoặc những tiếng thanh nhã để người nghe yêu thích, tu tập theo. 

Lời hòa hợp cũng có hai: Một là sự hòa hợp, nghĩa là thấy người đấu tranh, can gián khuyên nên xả bỏ, chẳng tự khen mình, trái lại nhún nhường kính vật. Hai là lý hòa hợp, nghĩa là thấy người thối tâm Bồ-đề ân cần khuyên tấn, khéo léo phân biệt Bồ-đề phiền não, bình đẳng nhất tướng. Nếu tâm hành giả lui sụt thì dùng đức độ để vỗ về, siêng năng đến trước người ấy khéo nói về việc mê ngộ. 

Lời hòa hợp phân chia có sự và lý. Sự hòa hợp là thấy người đấu tranh cãi lẫy nhau nên khuyên can xả bỏ. Ở thế gian người ta nói lời hòa hợp nhiều hay xúi người cãi lộn nhau nhiều? Thí dụ nghe ai chống đối với người nào thì tìm cái xấu của người kia nói cho người này giận thêm, ít khi nào khuyên lời hòa hợp để hai bên thuận nhau, mà còn tìm cái xấu nói cho đậm hơn chút nữa để người này giận người kia nhiều, nhiều chừng nào tốt chừng ấy. Phải nói làm sao cho hai bên hòa hợp, đó là lời khéo của mình. 

Lý hòa hợp là khi thấy huynh đệ cùng tu với mình thối tâm thì nên khuyên nhắc họ để cùng tiến tu, khéo chỉ cho họ biết cái nào là Bồ -đề, cái nào là phiền não, cuối cùng chỉ cho thấy phiền não tức là Bồ-đề chứ không có hai, không phải khác. Như vậy chúng ta tu lời hòa hợp cả sự lẫn lý, phải khéo ứng dụng để hướng dẫn nhắc nhở mọi người. 

Lời đúng như thật cũng có hai thứ: Một là sự thật, nghĩa là có thì nói có, không thì nói không, phải thì nói phải, quấy thì nói quấy. Hai là lý thật, nghĩa là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Niết-bàn Như Lai thường trụ bất biến. 

Về sự như thật thì có chúng ta nói có, không nói không, phải nói phải, quấy nói quấy, chứ không có quanh co. Còn lý như thật thì chỉ cho mọi người ai cũng sẵn có tánh Phật ở ngay nơi mình chứ không đâu xa. Cho nên Niết-bàn Như Lai thường trụ bất biến, tức là Niết-bàn của chư Phật thường ở thế gian này chứ không đổi dời. 

Thế nên người trí thực hành bốn thật ngữ ấy, quán sát chúng sanh nhiều kiếp đến nay vì bốn lỗi này làm cho điên đảo trôi chìm sanh tử khó được xuất ly. Nay ta muốn nhổ gốc rễ của nó, quan sát khẩu nghiệp kia do môi răng, tiếng vang của yết hầu cuống rốn, gió thức kích động phát ra tiếng nói. Do tâm làm nhân duyên sanh hai thứ hư thật khác nhau, thật thì lợi ích, hư thì tổn mất. Thật là khởi gốc lành, hư là sanh cội ác. Cội gốc thiện ác là do lời nói nơi cửa miệng, nói lời thiện là tứ chánh, nói lời ác là tứ tà. Tà thì bị khổ, chánh thì được vui. Thiện là duyên trợ đạo, ác là gốc hư đạo. Thế nên người chánh phải có tâm hộ trì việc chánh, dùng lời thật để lập thân, tụng kinh niệm Phật quán sát thật tướng của lời nói vốn không tồn tại, nói nín bình đẳng. Đấy gọi là tịnh tu khẩu nghiệp.

Nếu dùng lời nói sai sự thật, lời nói ác v.v... là chúng ta bị bốn cái tà. Ngược lại nếu dùng lời ngay thật, chân chánh, hòa hợp v.v... là chúng ta được bốn cái chánh. Như vậy, gốc tà chánh cũng từ chúng ta mà ra chứ không ở đâu, tà thì bị khổ mà chánh thì được vui. Chúng ta phải quán lời nói từ đâu mà ra? Thật ra là có tu thiền thì mới dễ thấy, khi muốn phát ra lời nói thì hơi tụ từ rốn, rồi lên tới cổ phát ra lưỡi, lưỡi uốn qua uốn lại mới thành lời. Cho nên lời nói tự nó không thật, do kết tụ từ hơi thốt ra thành lời. Nó không thật mà chúng ta buồn, vui, giận, ghét đều do lời nói mà ra. Thử kiểm lại, chúng ta có nói toàn lời chân chánh, ngay thật, hòa hợp, đúng lý hay không? Nếu không thì mình khổ, nghiệp khổ tạo hơi nhiều mà nghiệp lành thì còn ít quá. Thế nên người biết tu là phải tránh khổ tìm vui. Khổ vui từ mình tạo, lại từ cái hư dối như là hơi lên cổ, thốt ra lời, nó không thật mà cứ chấp là thật. Ai khen thì chấp là thật khen, ai chê thì chấp là thật chê rồi vui buồn đủ điều. Vậy có phải là tự làm khổ mình hay không? Cái không thật mà tưởng thật thì quả thật là si mê. Xét thật kỹ thì cái tốt ít hơn cái không tốt, chúng ta đều phải hiểu đừng để lẫn lộn.


3. Thế nào là tịnh tu ý nghiệp?

Do niệm tà làm nhân duyên hay sanh ra muôn điều ác. Nhờ chánh quán làm nhân duyên hay khởi lên vạn điều thiện. Cho nên kinh nói: “Ba cõi không có pháp riêng, chỉ do nhất tâm tạo tác”, nên biết tâm là căn bản của vạn pháp vậy. 

Do niệm tà làm nhân duyên hay sanh ra muôn điều ác. Nhờ chánh quán làm nhân duyên hay khởi lên vạn điều thiện. Quán chân chánh là quán đúng lẽ thật, lấy đó làm nhân duyên tu thì chúng ta có muôn điều lành. Như vậy niệm tà, niệm chánh, cả hai tạo cho chúng ta những điều ác và những điều lành. 

Cho nên kinh nói: “Ba cõi không có pháp riêng, chỉ do nhất tâm tạo tác”, tức là ba cõi không có gì riêng mà do tâm thiện, tâm ác của mình tạo nên khổ nên vui, chứ khổ vui không từ đâu lại, mà gốc từ tâm, “nên biết tâm là căn bản của vạn pháp vậy”, tức tâm là cội gốc của muôn pháp.

Thế nào là tà niệm? Vô minh chẳng rõ chấp lầm là ngã, ngã kiến kiên cố tham sân tà kiến chấp càn ngoại cảnh sanh ra các thứ đắm nhiễm. Nên kinh nói: “Nhân vì có ngã bèn có ngã sở. Nhân vì ngã sở khởi ra sáu mươi hai kiến chấp đoạn thường, chín mươi tám sử, kiến tư tương tục gây nên sanh tử luân hồi trong ba cõi chẳng thôi.” Phải biết tà niệm là gốc của các điều ác, thế nên người trí phải chế ngự mà không theo nó.

Phần này là đi sâu trong tâm niệm của chúng ta. Sở dĩ chúng ta chấp ngã là vì vô minh. Trong kinh Viên Giác có Bồ-tát hỏi Phật: “Thế nào là vô minh?” Phật nói rõ do chấp thân tứ đại là thật thân mình, chấp tâm duyên theo bóng dáng sáu trần là thật tâm mình. Chấp thân thật, chấp tâm thật đó là vô minh. Vậy chúng ta hiện giờ có vô minh không? Ai cũng đồng ý mình vô minh hết. Vô minh là cái mà lâu nay chúng ta bị nó làm mê lầm. Như nơi thân này mà chấp là ngã, từ đó có tham, sân, rồi mới đắm nhiễm theo ngoại cảnh. Nếu không chấp thân này là ngã, là thật thì đâu có đắm nhiễm ngoại cảnh. Thế nên từ gốc mê lầm chấp thân 

Phải biết các pháp chỉ có danh tự. Cho nên kinh nói: “Cho đến Niết-bàn cũng chỉ có danh tự.” Lại nói: “Văn tự tánh ly, danh tự cũng không.” Vì sao? Pháp chẳng tự có tên, giả đặt tên để gọi pháp, pháp đã chẳng phải pháp, danh cũng chẳng phải danh, danh chẳng đúng với pháp, pháp chẳng đúng với danh, danh pháp không đúng, tất cả không tịch. Cho nên kinh nói: “Pháp không có danh tự vì ngôn ngữ dứt.” Thế nên diệu tướng thì bặt danh, chân danh thì chẳng phải tự. Vì sao? Vô vi tịch diệt vi diệu tột cùng bặt tướng lìa danh, đường tâm ngôn dứt. Phải biết đó là điểm quan yếu của sự về nguồn chánh quán. Vì thế người trí dùng chánh quán làm nhân duyên để muôn hoặc đều trừ, cảnh trí đều quên, nguồn tâm thanh tịnh. Đấy gọi là tịnh tu ý nghiệp. 

Ta người không khác. Mỗi người có bản vị riêng, phải quán thế nào để thấy mình và người không khác? Thân tôi do tứ đại hòa hợp, thân người cũng tứ đại hòa hợp, vậy không có khác. Đất, nước, gió, lửa như nhau, không khác thì có gì đâu mà thương mà ghét. Nhưng vừa khởi niệm thương ghét là khác ngay. Chỉ cần khéo quán thấy thân mình, thân người đều do tứ đại hòa hợp, cho nên không khác. 

Sắc tâm chẳng hai, sắc có hình tướng, tâm không hình tướng, vì sao nói không hai? Chúng ta cứ ngỡ rằng sắc tâm riêng biệt, nhưng với mắt người tu nhìn tường tận thấu đáo thì sắc và tâm không hai. Tại sao? Vì có vật chất mà không có tinh thần, hai cái phân chia riêng biệt thì thành con người được không? Thí dụ như lấy mũi kim chích vào tay nghe đau. Tay là sắc, đau là tâm. Khi chích vào da thấy đau liền, sắc và tâm không thể tách rời, nên nói sắc tâm không hai. 

Bồ-đề phiền não bản tánh không khác. Bồ-đề là giác, phiền não là những buồn khổ, bực bội, xấu xa như tham, sân, si... thuộc về mê. Mê và giác bản tánh không khác, tại sao? Thí dụ trong nhà ban đêm tắt đèn thì tối, mở đèn thì sáng. Hai cái tối sáng ở đâu lại? Cái sáng không ngoài cái tối, cái tối cũng không ngoài cái sáng. Không có tối thì có sáng hay không, không có sáng thì có tối hay không? Vì có sáng nên khi mất sáng gọi là tối và vì có tối nên khi mất tối gọi là sáng. Cũng thế Bồ-đề là giác, phiền não là mê, mê giác không hai. Ngay nơi chúng ta mà chuyển mê thì biến thành giác, chuyển giác thì biến thành mê. Đó là hai đối đãi tạm có, nếu nói thẳng thì phiền não chính là Bồ-đề. Tại sao? Nếu tất cả chúng ta ai cũng giác hết thì ai cũng như nhau đâu có nói giác. Vì chúng ta mê nên Phật nói giác để dẹp mê. Thế nên giác từ mê mà có. 

Phiền não là nóng giận, bực tức, còn Bồ-đề thì sáng suốt, an lành. Thí dụ chúng ta đang bực bội phiền não, mà qua cơn bực bội, lúc đó là Bồ-đề. Bồ-đề từ phiền não mà ra. Nếu không có phiền não chắc không có Bồ-đề. Như vậy phiền não, Bồ-đề là nương nhau mà có chứ không thật. 

Cho nên nói “sanh tử, Niết-bàn bình đẳng nhất chiếu”, tức là sanh tử Niết-bàn cũng không hai. Tại sao?

Do sanh tử nên chúng ta mê lầm, lăn lộn, khổ sở, vì thế Phật chỉ cho Niết-bàn. Nếu chúng ta dứt nhân sanh tử thì quả Niết-bàn hiển hiện. 

Kinh nói: “Lìa ngã, ngã sở, quán pháp bình đẳng, ngã và Niết-bàn cả hai đều không.” Không còn chấp mình, không còn chấp cảnh, thấy các pháp bình đẳng, duyên hợp không tự thể, cho nên cả hai đều không. 

Phải biết các pháp chỉ có danh tự, cho nên kinh nói: “Cho đến Niết-bàn cũng chỉ có danh tự.” Tất cả pháp chỉ có danh tự, tức chỉ có tên, chứ không thật. Chúng ta đặt tên gì thì thành tên ấy, chứ không có pháp nào thật cả.  

Lại nói: “Văn tự tánh ly, danh tự cũng không.” Văn tự là sự kết hợp từng nét từng chữ ghép lại, đâu có thật. Văn tự không thật nên cũng không có danh tự thật. 

Pháp chẳng tự có tên, giả đặt tên để gọi pháp, pháp đã chẳng phải pháp, danh cũng chẳng phải danh, danh chẳng đúng với pháp, pháp cũng chẳng đúng với danh, danh pháp không đúng, tất cả không tịch. Vì sao pháp chẳng tự có tên? Thí dụ cái hoa này tên hoa cúc, do chúng ta đặt cho nó cái tên, chứ tự nó không có tên, tên đó là giả đặt. Nếu tên hoa cúc là thật thì bắt buộc ai cũng phải gọi là hoa cúc, mà mỗi nước gọi một tên khác nhau. 

Như vậy, pháp không tự có tên mà tên do người đặt, do đặt thì các pháp có thật không, tên có thật không? Pháp đã chẳng phải pháp thì không có thật,danh cũng chẳng phải danh thì là giả danh. Khi cha mẹ sanh con thì đặt tên cho con, người con cứ bám chặt tên đó, ai nói động tới tên thì khổ, do mình chấp tên đó là thật. Nhưng tên đâu phải thật, có khi đổi danh đổi họ chứ không phải cố định. Như vậy danh không thật, pháp cũng không thật, nên đừng chấp ngôn ngữ danh tự. 

Thế nên diệu tướng thì bặt danh, chân danh thì chẳng phải tự. Diệu tướng thì chẳng có tên, tên thật thì không có chữ. Nó là vô vi tịch diệt, vi diệu tột cùng bặt tướng lìa danh, đường tâm ngôn dứt. Phải biết đó là điểm quan yếu của sự về nguồn chánh quán. Đến chỗ cuối cùng, tâm chân thật của mình là chỗ vô vi tịch diệt diệu tột, nên không có danh, không có tướng. Đường tâm ngôn dứt, đường suy nghĩ là tâm, đường nói năng là ngôn, đều dứt bặt, đó là chỗ trở về nguồn. Đến đây mới là chỗ chân thật. 

Các điều kể trên đây, trong bốn oai nghi lúc sáu căn đối với trần cảnh phải tùy duyên liễu đạt để theo thứ lớp mà vào đạo vậy. 

Đây là phần kết thúc của ba pháp mà chúng ta phải tu là thân, khẩu, ý.

 


Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 23120
  • Online: 30