Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 5: Chương V: Bài Tụng Về Tỳ-Bà-Xá_Na ( Quán)

14/11/2023 | Lượt xem: 615

TS.Vĩnh Gia Huyền Giác

HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng

CHƯƠNG V: BÀI TỤNG VỀ TỲ-BÀ-XÁ-NA (QUÁN) 

Tỳ-bà-xá-na tức là tu quán. Phần tu quán này rất là tinh vi, rất là tế nhị, chúng ta phải chín chắn mới nhận ra.

Phàm chẳng phải trí thì chẳng biết cảnh, nếu chẳng có cảnh thì trí chẳng sanh. Trí sanh là biết cảnh mà sanh, biết cảnh là do trí sanh mà biết. 

Nếu không có trí thì không biết cảnh, mà không có cảnh thì trí không sanh. Thí dụ có chậu hoa thì chúng ta có cái biết chậu hoa. Chậu hoa là cảnh, cái biết chậu hoa là trí. Như vậy trí sanh là khi đối cảnh mới sanh, còn không đối cảnh thì nó không sanh. Thế thì cảnh là duyên để trí phát khởi, vậy nên sợ cảnh hay không? Có người nói tu phải trốn trong hang, trong núi để đừng thấy cảnh, chứ thấy cảnh tâm lộn xộn hoài. Nhưng thật ra cảnh là giúp cho trí phát sanh. Do cảnh mà trí sanh, do trí mà biết được cảnh. Nếu không có trí thì biết đây là bình hoa không? 

Trí sanh mà biết thì biết không có cái bị biết (sở liễu). Biết cảnh mà sanh nên sanh không có cái hay sanh (năng sanh). Sanh không có cái hay sanh, tuy trí mà chẳng phải có. 

Trí sanh mà biết thì biết không có cái bị biết. Vì do có cảnh mà sanh ra cái biết, nhưng khi sanh ra biết thì cái biết đó không có cái bị biết. Thường chúng ta nói cái này là cái bị biết, nhưng nhân cái này trí mình vận dụng hiện ra. Nhưng trí vận dụng hiện ra có phải là cái bị biết không? Cảnh là bị biết nhưng trí vận dụng hiện ra để biết cảnh đâu phải là cái bị biết. Cho nên không có cái bị biết, tức là không có sở liễu. 

Biết cảnh mà sanh nên sanh không có cái hay sanh. Tuy khởi niệm nhìn biết cảnh, mà trí nhìn biết cảnh đó là trí năng sanh hay sở sanh? Thấy như nó mới phát ra nhưng sự thật không phải là mới mà nó đã có sẵn rồi, có duyên thì nó hiện chứ không phải là mới sanh. 

Sanh không có cái hay sanh, tuy trí mà chẳng phải có. Tức là không có năng, không có sở thì trí đó mới là trí chân thật. 

Biết mà không có cái bị biết, tuy cảnh mà chẳng phải không. Không tức chẳng không, có tức chẳng có, có không đều chiếu cả hai thì diệu ngộ hiển nhiên. 

Cái biết của mình hiện ra nhưng nó không có năng, không có sở. Sở là cảnh ở ngoài chứ không phải là trí hiện ra năng sở. Vì vậy tuy cảnh mà chẳng phải không, tức là cảnh ở ngoài có cái biết phân biệt nó, nhưng cái biết đó không phải thuộc về có, không phải thuộc về không. Nói không nói có cũng không hợp lý. 

Có không đều chiếu cả hai thì diệu ngộ hiển nhiên, nghĩa là có và không đều không dính mắc thì cảnh diệu ngộ hiện tiền. 

Thí dụ nhìn xuống hồ nước trong đêm rằm thấy mặt trăng ở đáy hồ, mặt trăng đáy hồ gốc từ mặt trăng thật hiện ra. Khi nhìn thấy bóng mặt trăng dưới đáy hồ, chúng ta nói nó là thật hay giả, có hay không? Nếu không có sao thấy, nếu có thì lấy tay vớt được không? Vì nó là bóng thì không thật có cũng không thật không. Thế nên chúng ta có một bệnh lầm lớn là sự vật hiện ra mình luôn luôn nói cái này là có thật, cái này là không thật. Vậy đúng chưa? Đều sai hết. 

Tất cả pháp nhân duyên sanh, không thật mà nói là thật thì lầm. Nếu nói nhân duyên sanh là không cũng lầm. Thế thì nói thật có, nói thật không đều là mê. Chỉ thấy không phải có không phải không, đó là mình được diệu ngộ hiển nhiên rồi. Nói vậy thì người đời cho là ba phải. Bóng mặt trăng dưới hồ, chúng ta nói sao cho đúng? Chỉ nói là bóng thì không phải thật có, cũng không phải thật không. Thế gian luôn luôn nhìn theo đối đãi, có là thật có, không là thật không, nên cứ vướng mắc hoài. Do chấp lầm lẫn sanh ra sân hận, oán thù. 

Nếu thấy đúng lẽ thật thì dù ai nói có nói không gì cũng cười thôi. Trí siêu xuất thế gian của nhà Phật là chỗ đó. Cho nên nói không tức chẳng không, có tức chẳng có, có không đều chiếu cả hai thì diệu ngộ hiển nhiên. Có và không đều chiếu thấu, biết rõ cả hai, đó là diệu ngộ hiện tiền. 

Như lửa được củi càng thêm cháy mạnh, củi dụ như cảnh để phát sanh trí, lửa dụ cho diệu trí biết cảnh. 

Như nhìn chậu hoa này có người nói thật có nhưng có người nói thật không, vì duyên hợp tạm bợ. Nghe người nói có, người nói không mình cười thôi, không dính mắc. Thấy rõ ràng nó có trong duyên hợp hư giả, cho nên cũng là không thì mình không mắc kẹt bên có bên không, đó là trí tuệ diệu ngộ của mình. Vì thế nếu học đạo sâu rồi thì chắc mình cười hoài, không có gì để cãi hết. Người ta nói thế nào cũng tốt. Giả sử có ai giận tôi nói Thầy là con bò. Phải, tôi là con bò vì tôi có uống sữa bò. Sữa bò thấm vào người tôi thì tôi có phần con bò. Nếu nói Thầy là cọng cỏ. Phải, bò ăn cỏ cho sữa tôi uống, tôi cũng là cọng cỏ. Nói Thầy là cọng rau. Phải, tôi nhờ ăn rau để sống thì tôi cũng là cọng rau. 

Sự liên kết giữa mình và muôn vật không tách rời, mà người đời muốn đặt mình là tối thượng, cho tất cả không ra gì, tách mình rời muôn sự muôn vật, muốn mình là độc tôn. Do đó mà động tới là nổi giận. Nếu hiểu cho tường tận thì tất cả cái gì cũng có trong chúng ta. Chúng ta là duyên hợp, cái gì có duyên thì có trợ, nó giúp chúng ta. Cho nên nếu tôi ngủ dưới gốc thông thì nói tôi là cây thông cũng được, vì thông nhả hơi tôi hít vô để sống thì tôi cũng là một phần cây thông. Như vậy thì có gì để mà hờn giận nhau đâu? 

Ngày xưa vì chưa hiểu đạo nhiều chúng ta ngỡ đức Phật sao hay rầy mình nặng quá. Như trong kinh Ưu- bà-tắc, Phật dạy nếu chúng ta đi ngang cây có tàn cao bóng mát, dừng lại nghỉ. Nghỉ xong ra đi thì cấm không được bẻ cành. Cây có đau đớn chi đâu, bẻ cành chơi thì có gì hại? Nhưng bây giờ mới thấy về môi trường môi sinh có sự liên hệ giữa mình với sự vật. Đứng dưới bóng cây một chút là mình có hưởng một phần không khí nó nhả ra thì phải thương nó. Giữa mình và cây cối có sự liên hệ như vậy, thì giữa mình và mọi người sự liên hệ lại càng chằng chịt hơn. Một chiếc áo chúng ta mặc, một bữa cơm chúng ta ăn, cặp mắt kiếng chúng ta đeo, đôi dép chúng ta mang..., biết bao nhiêu người góp công trong đó. Thế thì giữa mình và mọi người có tách rời được đâu! Sự sống là liên hệ chằng chịt thì nên thương nhau hay ghét nhau? Ghét người là phủ nhận công của người, cũng như bẻ cành là tiêu diệt mình một phần rồi. Sống là tương quan nên phải thương nhau, đùm bọc nhau, chứ đâu nỡ làm hại nhau. Thế mà có nhiều người cùng xóm giận nhau, chửi nhau, đánh nhau, hại nhau... có phải là khổ không? Chúng ta tu hành là phải thấy cho tường tận thì lòng mới trải ra được, nếu cứ bo bo vào con người tạm của mình, tưởng đó là cao quý, là độc tôn rồi khinh mọi người, đó là sai lầm lớn.

Chúng ta tu phải biết rõ tất cả mọi vật không phải một, không phải khác, không phải có, không phải không. Biết như thế thì trí tuệ càng sáng, nên nói như lửa được củi càng thêm cháy mạnh. Củi dụ như cảnh để phát sanh trí, lửa dụ cho diệu trí biết cảnh. Như vậy cảnh và trí không rời nhau. 

Có lời rằng: 

Đạt tánh không, chẳng trói buộc, Tuy duyên giả, không đắm trước, Hai cảnh có không đồng soi, Một tâm trung quán siêu vượt. 

Đạt tánh không, chẳng trói buộc. Nếu đạt được các pháp tự tánh là không thì không có gì trói buộc chúng ta. Như khi đưa bàn tay lên, co năm ngón lại thì gọi là nắm tay. Nắm tay là thật có hay thật không? Nhìn thấy nắm tay nhưng nói thật có không được, nói thật không cũng không được. Vậy phải nói sao? Phải nói nắm tay là do duyên hợp, năm ngón co lại là duyên hợp thì không có thật thể, nhưng hiện thấy thì gọi là gì? Là giả tướng nắm tay. Từ nắm tay chúng ta suy ra tất cả pháp đều là duyên hợp, đều là giả tướng, không có thật thể. Mình là giả tướng, người là giả tướng, sự vật là giả tướng, tất cả đều là giả tướng, không có thật thể, thấy như vậy gọi là thấy được tánh không. Tánh không là các pháp không có thật thể do duyên hợp mà tạm có, duyên tan thì hết, nên gọi là giả có. 

Ngày nào chúng ta còn đi đứng nói năng thì ngày đó còn thấy mình thật. Ai cũng thấy thật, cho nên người sáng sủa dễ coi thấy người tối tăm khó coi thì chê xấu xí. Chê khen nhau rốt cuộc cũng là chê khen trên cái giả, là giả tốt giả xấu, chứ có thật đâu! Nếu biết rõ lẽ thật rồi thì tốt xấu cũng giả, có gì quan trọng. Thấy không quan trọng tự nhiên lòng mình thảnh thơi, không bị lôi cuốn, không bực bội gì hết. Hiểu đạo như vậy thì sự tu hành dễ dàng trăm phần trăm, nếu không hiểu thì tu sao cay đắng quá! 

Hiểu đạo là trí tuệ, thiếu trí tuệ thì chúng ta tu rất khó, vì chấp có chấp không, chấp phải chấp quấy, chấp hơn chấp thua cho nên ngồi tu mà phiền não hoài, đi chùa nhiều thì phiền não nhiều. Tại sao? Vì ở nhà có vài ba người thì phiền não với vài ba người, đi chùa tới năm bảy trăm người thì phiền não với năm bảy trăm người, cho nên phiền não tăng hoài chứ không có giảm vì cái chấp của mình. Chấp là si mê chứ không khôn ngoan gì đâu. Những người cãi lẫy nhiều là những người mê, nên thương chứ đừng giận họ. Như vậy mình tu dễ mà khởi lòng từ bi cũng dễ, còn giận thì hết từ bi. 

Cho nên đạt tánh không chẳng trói buộc, có gì thật mà trói buộc được mình. Tuy duyên giả không đắm trước, đối với các pháp hư giả do duyên hợp, mình thấy rõ ràng hiện trước mắt mà không đắm trước. Hai cảnh có không đồng soi, tức là cái có cái không đều được chiếu soi rõ ràng. Một tâm trung quán siêu vượt, một tâm trung quán là tâm mình thấy đúng với trung đạo, không phải thật có, không phải thật không. Chiếu soi thấy “có” không phải thật, “không” không phải thật, tùy duyên mà nói tạm có tạm không, đó là được tâm trung đạo trung quán.

Nếu trí biết nơi cảnh tức là trí biết cảnh không, như mắt thấy hoa không là mắt biết hoa không. 

Đối với cảnh mà biết đúng như thật thì đó là trí biết cảnh không. Cũng như mắt thấy cái hoa không thì biết hoa đó là không. 

Nếu trí biết nơi trí, tức là trí biết trí không, như mắt thấy mắt không là mắt biết mắt không. 

Phần trước nói trí soi cảnh, bây giờ nói trí soi lại trí. Cũng như con mắt thấy cảnh, bây giờ con mắt lại thấy con mắt. Nếu con mắt thấy cảnh không thì con mắt cũng thấy lại cái tướng duyên hợp của con mắt cũng là không. Cái trí biết cảnh không thì cái trí biết cảnh cũng là không. 

Trí tuy biết cảnh không và biết trí không, nhưng chẳng phải không trí biết cảnh. 

Câu này hết sức quan trọng. 

Trí tuy biết cảnh không và biết trí không, chữ không đây không phải không ngơ mà là không có thật thể, nhưng chẳng phải không trí biết cảnh. Vậy thì biết cảnh không, biết trí không vì biết cảnh và trí đều do duyên mà có thì cả hai không thật thể. Cái biết không thật thể có không? Nếu không có thì làm sao biết không thật thể. Nếu không có trí thì làm sao biết bình hoa không thật, làm sao biết trí phân biệt bình hoa không thật. Như vậy biết bình hoa không thật, biết trí phân biệt bình hoa không thật là cái biết thật của chính mình, chứ không phải là không. Không có những cái đối đãi thật, nhưng có cái trí biết cái không thật đó.

Cảnh không trí vẫn có. Trí biết cảnh không và trí không, nên không có cảnh nào trí chẳng biết, như con mắt biết hoa không và biết mắt không, nhưng chẳng phải không có mắt thấy hoa. Hoa không, mắt vẫn có. Mắt biết hoa không và mắt không, nên có hoa nào mà mắt chẳng biết. 

Dùng trí để phán xét ngoại cảnh là duyên hợp không tự tánh. Từ cảnh bên ngoài cho tới trí đối đãi với cảnh, phân biệt cảnh cũng là duyên hợp. Không cảnh thì không trí, trí đó cũng là duyên hợp, cả hai đều không thật. Biết rõ cảnh trí không thật thì cái biết đó không bị hạn chế mà trùm khắp, cái gì cũng biết. 

Cũng như con mắt biết cảnh là giả là không, và biết con mắt thấy cảnh cũng là không. Nhưng con mắt đó lại thấy trùm tất cả không bị trở ngại đâu hết. Thế nên khi chúng ta tu không dính, không chấp bên có bên không thì tất cả trí đó sẽ trùm khắp, không bị hạn chế. Nếu chúng ta chấp có, chấp không thì trí bị giới hạn, không sáng suốt, không trùm khắp. Cho nên tất cả cảnh và trí phân biệt cảnh, biết cả hai rõ ràng duyên hợp không thật thể thì lúc đó chúng ta biết khắp hết, không có gì chướng ngại. Cho nên nói mắt biết hoa không và mắt không, nên có hoa nào mà mắt chẳng biết. 

Lại nữa, tất cả các pháp đều là nhân duyên giả dối, vì nhân duyên sanh nên đều không tự tánh. Một pháp đã vậy, muôn pháp cũng vậy. 

Nếu biết bình hoa là duyên hợp không thật thì cái bàn, cái ly, cái nhà, cho đến con người đều duyên hợp không thật, biết rõ ràng như vậy. Vì thế sống giữa cuộc đời, chúng ta thấy không có gì trói buộc, không có gì đau khổ. Các pháp duyên hợp hư dối tạm có rồi mất, nên khi mất mình không khổ. Thân mình mất mình không tiếc, thân người khác cũng thế, chuyện đó là chuyện thường, đương nhiên vậy thôi. Chúng ta nơm nớp lo sợ vì thấy thân là thật, sợ mất. Nếu thấy thân giả thì không sợ. Như vậy cảnh mất, người mất mà trí biết được cảnh không thật, người không thật thì trí đó không mất. 

Cảnh trí theo nhau thì đâu chẳng lặng. Vì sao? Vì pháp nhân duyên tánh không sai biệt. Nay đây ba cõi luân hồi, sáu đường lên xuống, tịnh uế khổ lạc, phàm thánh sai khác đều do ba nghiệp, bốn nghi(1) sáu căn đối cảnh. Theo tình tạo nghiệp, quả báo chẳng đồng, thiện thì hưởng lạc, ác thì thọ khổ. Cho nên kinh nói: “Thiện ác là nhân, khổ lạc là quả.” 

Hiểu được các pháp tánh không thì tất cả khổ vui, nhân quả tạo nghiệp cũng đều là hư giả, không có gì thật. Nếu được vui mình không tự cao, bị khổ mình không buồn thảm, vì có thật đâu mà tự hào, có thật đâu mà sợ mà buồn. Đối trước được mất, mình nhẹ nhàng thảnh thơi không khổ, không vui. 

Phải biết pháp không có tướng nhất định, tùy duyên tập hợp cấu thành, duyên chẳng phải là có ngã, cho nên gọi là tánh không. 

(1) Bốn nghi là đi, đứng, nằm, ngồi.

Biết rõ các pháp không tự có, do nhân duyên tụ hợp mà thành, nên không có thật thể. Vì vậy mà gọi là tánh không. 

Không nên chẳng phải khác, do đó muôn pháp đều Như. 

Đứng về mặt tánh không thì có cái nào khác cái nào đâu. Nhìn vào con người thì thấy có người trắng người đen, người cao người thấp, đó là sai biệt. Sai biệt trên giả tướng thôi, còn trên thật thể tánh không thì không có ai khác ai hết. Anh này chị kia rốt cuộc rồi ai cũng là tánh không. Tánh không là bình đẳng, còn sai biệt là trên giả tướng, không có gì quan trọng. 

Vì thế kinh nói: “Sắc tức là không, bốn ấm kia cũng vậy.” Như vậy, đâu riêng gì loài phàm tục có duyên sanh, mà hàng Tam thừa thánh quả cũng từ duyên có. Thế nên kinh nói: “Phật chủng từ duyên khởi.” 

Kinh Bát-nhã nói “sắc tức là không, bốn ấm kia cũng vậy”. Chữ “Không” trong Bát-nhã là tánh không. 

Đến hàng Tam thừa thánh quả, vì còn có quả vị thì cũng còn trong duyên sanh, chưa phải đến chỗ cứu cánh. 

Do đó muôn cơ tụ hợp, người đạt thì không đâu chẳng phải đạo tràng; sắc tượng vô biên, người ngộ rồi thì không có gì chẳng phải Bát-nhã. 

Nói “trúc biếc hoàng hoa, vô phi Bát-nhã” là vậy. Vì tất cả đều là duyên hợp tánh không, thì không có

cái gì ngoài Bát-nhã. Đều là Bát- nhã. Hoa cũng là Bát -nhã, người cũng là Bát -nhã, tất cả đều là Bát-nhã, lúc đó mình là trí hay ngu? Đó là trí tuệ Bát-nhã chiếu soi cùng tận. Sống như vậy mới gọi là tự tại, có chỗ nào không phải là đạo tràng! Vào nhà hát thấy những diễn viên trên sân khấu là tánh không hư dối, người xem cũng tánh không hư dối thì chỗ đó có phải đạo tràng không? Cũng là đạo tràng rồi, nên nói “nơi nơi đều là đạo tràng”. Chỉ có tới đó say mê, thấy thật thì hết đạo tràng. Cho tới hàng Thanh văn, Phật cũng nói từ duyên sanh. 

Cho nên kinh nói: “Vì sắc vô biên nên biết Bát-nhã cũng vô biên.” Vì sao? Vì cảnh chẳng phải trí thì chẳng biết, trí chẳng phải cảnh thì chẳng sanh. Trí sanh thì biết cảnh mà sanh, biết cảnh thì trí sanh mà biết. 

Trí sanh mà biết, biết không có cái bị biết (sở liễu). Biết cảnh mà sanh, sanh không có cái hay sanh (năng sanh).

 Sắc vô biên vì sắc nào cũng tánh không, nên biết Bát-nhã cũng vô biên. 

Chúng ta có trí Bát-nhã mà nếu không có cảnh làm sao chúng ta thấy được tánh không của các pháp. Thấy tánh không tức là có trí. Vì vậy có cảnh thì trí hiện tiền, bao nhiêu cảnh là bấy nhiêu trí, trí bao trùm tất cả.

 Trí sanh ra để thấy rõ các pháp duyên hợp không tự tánh, trí đó tuy có mà không phải năng, vì cảnh đâu phải là đối tượng của trí. Trí này đâu phải là năng, vì trí biết cảnh thì cảnh và trí đều tánh không, cho nên không có năng sở. Nhưng cái biết tánh không thì không phải không. 

Sanh không có cái hay sanh thì nội trí lặng lặng. Biết không có cái bị biết thì ngoại cảnh như như. Như và lặng không sai khác thì cảnh và trí hợp nhất, muôn lụy đều hết, diệu chỉ hãy còn. 

Sanh không có cái hay sanh thì nội trí lặng lặng. Biết không có cái bị biết thì ngoại cảnh như như. Cái biết thấy cảnh tánh không, không thật, như vậy cảnh không phải là cái bị biết thì trí hay sanh biết đó vẫn là lặng lẽ. Vì biết cảnh tánh không thì đâu có ý ưa ghét, nên nói “ngoại cảnh như như”. 

Như và lặng không sai khác thì cảnh và trí hợp nhất, muôn lụy đều hết, diệu chỉ hãy còn. Tới chỗ như như lặng lẽ cảnh và trí hợp nhất thì diệu chỉ hiện bày. Ý chỉ nhiệm mầu nằm ngay đó, không tìm kiếm đâu xa nữa. 

Cho nên kinh nói: “Bát- nhã không biết mà không cái gì chẳng biết.” Như vậy diệu chỉ chẳng phải biết, không biết mà biết vậy. 

Bát-nhã không biết là không biết theo phân biệt đối đãi cho là thật, nhưng cái gì cũng biết là biết tất cả các pháp duyên hợp tánh không. Thí dụ như hỏi chúng ta biết cái ly này không? Biết. Biết làm sao? Biết nó duyên hợp tánh không. Biết cái chai nước này không? Biết. Biết làm sao? Duyên hợp tánh không.

Nói cái nào cũng đúng hết, biết rõ ràng. Tất cả thế gian cái gì cũng biết. Nếu học để phân biệt cái này cái kia thì biết hết không? Biết không hết. Còn biết bằng trí tuệ thì cái gì cũng biết. Biết tất cả pháp duyên hợp, tự tánh là không, biết đúng hết, không có gì nghi ngờ. Cho nên không biết mà biết tất cả là ở chỗ đó.

 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 23126
  • Online: 30