Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 6: Chương VI: Bài Tụng Về Ưu-tất-xoa (Thiền)
09/12/2023 | Lượt xem: 794
TS.Vĩnh Gia Huyền Giác
HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng
CHƯƠNG VI: BÀI TỤNG VỀ ƯU-TẤT-XOA (THIỀN)
Phàm định loạn đôi đường nhưng nguồn động tịnh không hai, ngu tuệ trái nẻo mà gốc sáng tối chẳng khác. Bọn mê theo tối phản sáng, bỏ tịnh cầu động. Người ngộ trái động theo tịnh, bỏ tối cầu sáng. Sáng sanh thì chuyển ngu thành tuệ, tịnh lập thì dứt loạn thành định. Định lập là do trái động, tuệ sanh là do bỏ tối.
Thiền là gì? Thiền là thấy rõ động và tịnh không hai, không riêng, nhưng người ngu mê thì bỏ trí tuệ trở về tối tăm, còn người thức tỉnh thì bỏ tối tăm trở về trí tuệ. Thí dụ như ban đêm thấy trong nhà tối. Nhà tối là tự nó tối hay là do thiếu ánh sáng mà tối? Vì không có ánh sáng nên nhà tối, muốn cho nhà sáng phải thắp đèn lên. Đèn thắp sáng thì ngôi nhà sáng, nếu không thắp đèn thì nhà trở thành tối. Như vậy ngôi nhà không có hai, mà tối sáng có khác. Cũng thế, tâm thể chúng ta không hai, nhưng khi mê chạy theo phiền não đó là tối, khi tỉnh bỏ phiền não trở lại tánh giác của mình, đó là sáng. Như vậy không có cái thứ hai trong đó, chẳng qua mê với tỉnh thôi.
Thế nên người tu Phật phải thức tỉnh. Thức tỉnh thì từ người mê trở thành người sáng, từ người ngu trở thành người trí. Ngược lại nếu cứ chạy theo phiền não điên đảo thì từ sáng trở thành tối, từ trí tuệ trở thành ngu si. Vì thế đừng bỏ cái này cầu cái khác, mà chỉ biết đổi mê thành tỉnh, đổi ngu thành trí.
Tối và động liên hệ trong lồng phiền não, tịnh và sáng hướng về nơi vật biểu lộ.
Tối và động thuộc về phiền não, còn tịnh và sáng do vật bên ngoài biểu lộ. Nếu mình được thanh tịnh sáng suốt, làm sao biết? Khi cảnh dục lạc thế gian đến mà lòng không nhiễm, đó là thanh tịnh. Những u mê phiền não vừa ập tới, mình đuổi đi không để nó lôi kéo, đó là sáng suốt. Như thế sáng và thanh tịnh, tự nó không thấy, phải gặp cảnh mới biết. Như người xuất gia, làm sao biết người này thanh tịnh, người kia không thanh tịnh? Phải có cảnh đến quyến rũ, người bị quyến rũ là nhiễm nhơ, còn người không dính mắc là thanh tịnh. Thế thì nhiễm và tịnh nhờ cảnh mới biết, còn thấy hình tướng bên ngoài không thể biết. Nhất là nội tâm của người tu như thế nào làm sao biết được, nhờ cảnh mà biểu lộ ra cái nhiễm, cái tịnh của mỗi người.
Vật không thể làm ngu là do công của tuệ, phiền não không thể làm loạn là do công của định.
Vật bên ngoài không thể làm mình ngu mê, đó là do công trí tuệ huân tập. Thí dụ như thấy sắc đẹp mà không nhiễm, biết rõ tất cả hình sắc đều là hư ảo giả dối, đó là do công của trí tuệ huân tập.
Phiền não không thể làm loạn là do công của định. Do tâm an định, có sức làm chủ nên phiền não không thể làm loạn. Thí dụ như người ta nói xấu làm nhục mà không nổi sân, không bực tức, đó là do tâm mình an định, làm chủ được nên không bị rối loạn. Thế nên định và tuệ là hai công phu rất quý giá trên đường tu. Nhờ trí tuệ mà chúng ta khỏi ngu, nhờ thiền định mà chúng ta làm chủ không bị loạn.
Định tuệ lại giúp cho sự lặng yên sáng suốt, ngu loạn buộc nhau ở chốn tối tăm, diêu động.
Người có định tuệ luôn luôn được yên lặng sáng suốt, người ngu loạn thì luôn luôn bị dao động, tối tăm. Nhìn lại nội tâm thì biết rõ đức hạnh của mình được hay chưa? Biết rõ lắm, không nghi ngờ.
Động mà hay tịnh tức là loạn mà định; tối mà hay sáng tức là ngu mà tuệ vậy.
Động mà hay tịnh tức là loạn mà định. Thí dụ như dấy niệm là động mà biết nó là hư giả, là vọng tưởng thì buông đi, tức là từ động mà liền được tịnh, là loạn mà định. Thật ra định không có riêng, vì động dấy lên mình buông xả được, thì trở về định.
Tối mà hay sáng tức là ngu mà tuệ vậy. Khi gặp cảnh làm cho mình mê lầm, liền thức tỉnh biết đó là sai là quấy mình dứt bỏ, đó là từ ngu mà trở thành tuệ. Người tu đừng nghĩ rằng ta có đủ trí tuệ, ta có đủ thiền định, mà phải gắng sức tu mới có trí tuệ, gắng sức tu mới có thiền định. Vì vậy định và tuệ này là do mình thắng được cảnh. Tâm loạn mà buông được đó là định. Trong cảnh tối tăm mà vẫn sáng không lầm, đó là tuệ vậy.
Như thế, gốc của tối và động không khác, sáng và tịnh do đây hợp đạo.
Gốc của tối và động không khác, mê tối và loạn động không có hai. Bởi từ mê tối nên sanh ra loạn động.
Sáng và tịnh do đây hợp đạo. Người có trí tuệ sáng, tâm an tịnh, đó là người hợp với đạo.
Nguồn của ngu và loạn chẳng khác, định và tuệ do đó đồng tông.
Nguồn gốc của ngu si và loạn động không khác nhau, định và tuệ cũng đồng một loại. Như vậy người nào ngu mê thì tâm loạn động nhiều, người nào có trí tuệ thì tâm được an định.
Tông đồng thì vô duyên từ, định tuệ thì tịch mà thường chiếu. Tịch mà thường chiếu thì song dữ (cả hai đều cho), vô duyên từ thì song đoạt (cả hai đều cướp). Song đoạt thì Ưu-tất-xoa (thiền), song dữ thì Tỳ-bà (quán) và Xa-ma (chỉ). Vì Xa-ma-tha (chỉ) tuy tịch mà thường chiếu, vì Tỳ-bà-xá-na (quán)tuy chiếu mà thường tịch, vì Ưu-tất-xoa (thiền) chẳng phải chiếu chẳng phải tịch.
Tông đồng tức là cùng một tông phái hay cùng một ông chủ thì vô duyên từ. Vô duyên từ là lòng từ không có duyên cớ. Tại sao? Vì đồng một tông phái tức là định và tuệ hai cái không khác, cho nên đồng một tông phái thì gọi là vô duyên từ.
Định là tịch, tuệ là chiếu, tịch mà thường chiếu thì song dữ, tức là cả hai đều cho, là chỉ và quán cả hai đều đủ hết. Vô duyên từ thì song đoạt, tức là cả hai đều dẹp, là bỏ cả chỉ và quán.
Song đoạt thì Ưu-tất-xoa (thiền), song dữ thì Tỳ-bà (quán) và Xa-ma (chỉ). Nếu chúng ta dùng tâm chỉ, tức là dứt bặt những vọng tưởng điên đảo, gọi là chỉ. Nếu dùng trí quán các pháp như huyễn như hóa v.v... đó là quán. Nếu chỉ và quán thì gọi là tịch mà thường chiếu, hai cái cùng thời cho nên cùng cho, gọi là song dữ.
Thiền là chỉ quán đồng thời, cho nên cả hai pháp chỉ và quán không dùng nữa, nên nói cả hai đều bỏ. Tại sao? Vì ngay khi thiền thì tâm yên lặng mà hằng tỉnh sáng. Lặng thuộc về chỉ, tỉnh thuộc về quán, mà cả hai là một thể, vì không dùng chỉ quán riêng, nên nói dẹp cả hai, gọi là song đoạt. Đó là vô duyên từ. Hiểu rõ những từ ngữ này chúng ta mới thấy giá trị thật của sự tu.
Vì chiếu mà thường tịch nên nói tục mà tức chân, vì tịch mà thường chiếu nên nói chân mà tức tục, chẳng phải tịch chẳng phải chiếu nên ngậm miệng ở Tỳ-da.
Vì chiếu mà thường tịch nên nói tục mà tức chân. Chiếu là quán, tịch là chỉ. Từ quán mà tâm được thanh tịnh, vì quán là dụng công, là sanh diệt nên gọi là tục, khi được yên tĩnh thanh tịnh đó là chân.
Vì tịch mà thường chiếu nên nói chân mà tức tục. Khi tâm yên tịnh lặng lẽ đó là chân, nhưng khởi niệm quán để dẹp phiền não tức là tục, cho nên từ chân mà thành tục.
Chẳng phải tịch chẳng phải chiếu nên ngậm miệng ở Tỳ-da. Khi tới chỗ vượt ngoài tịch và chiếu, không còn đối đãi nữa, đó là chỗ cứu cánh chân thật, không còn lời để nói, “nên ngậm miệng ở Tỳ-da”. Trong kinh Duy-ma-cật, khi Bồ-tát Văn-thù hỏi Duy-ma-cật về pháp môn “Bất nhị”, ngài ngồi im lặng, vì chỗ chân thật không còn ngôn ngữ. Nếu “chẳng phải tịch, chẳng phải chiếu”, tức là hai cái đối đãi lặng luôn, thì chỗ đó không lời để nói. Đó là chỗ cứu cánh.
Lại nữa còn có mười môn quán tâm:
1/ Nói về pháp nhĩ.
2/ Nêu ra quán thể.
3/ Nói về sự tương ưng.
4/ Cảnh tỉnh sự thượng mạn.
5/ Răn sự biếng lười, xao lãng.
6/ Nêu lại quán thể.
7/ Nói về thị phi.
8/ Chọn lựa thuyên chỉ.
9/ Chạm cảnh thành quán.
10/ Khéo hợp với nguồn huyền.
Mười điều này cho chúng ta thấu rõ hơn về ý chỉ thiền quán.
1. Nói về pháp nhĩ: Luận về tâm tánh thì rỗng rang thông suốt, nguồn động tịnh không hai, chân như tuyệt lự cùng niệm duyên chấp trước cũng chẳng khác. Hoặc kiến lăng xăng, cùng tột chỉ là nhất tịch.
Pháp nhĩ nói đủ là pháp nhĩ như thị. Pháp ấy như vậy không có đổi dời.
Tâm tánh thì rỗng rang thông suốt, nguồn động tịnh không hai, chân như tuyệt lự cùng niệm duyên chấp trước cũng chẳng khác. Tâm tánh thì rỗng rang thông suốt. Từ cái rỗng rang thông suốt đó, niệm lự dấy lên rồi chấp trước, xao động. Như chúng ta đang bình an vô sự không suy nghĩ, không tính một chuyện gì, bất thần có người mang tin buồn hoặc tin vui đến, lúc đó cái bình an ở đâu? Từ tâm đang bình an khởi lên xao xuyến loạn động. Sau khi thấy được, kìm giữ được cái xao xuyến loạn động thì tâm yên trở lại, vậy loạn động xao xuyến từ đâu ra? Cũng từ tâm bình an ra, không phải do người khác mang tới. Thế nên loạn động và bình an cũng cùng một nguồn một gốc, không phải riêng biệt. Pháp căn bản là tâm bình an thanh tịnh sẵn có của mình, gọi là pháp nhĩ. Nhưng vì duyên cảnh nên dấy động. Nếu không biết tu thì theo động mà tạo nghiệp. Người biết tu, khi tâm vừa dấy động khéo chuyển hướng nó trở về bình yên,
đó là trở về nguồn linh của mình. Nguồn linh ai cũng có, nhưng vì theo cảnh nên quên tâm.
Nguồn linh không hình, soi vào thì có thiên sai (ngàn thứ sai khác). Thiên sai chẳng đồng nên tự lập ra cái tên Pháp nhãn. Nhất tịch không khác nên cái hiệu Tuệ nhãn vẫn còn. Cả hai lý và lượng đều tiêu thì công năng Phật nhãn tròn đủ.
Nguồn linh của chúng ta thanh tịnh, nhưng khi gặp duyên đối cảnh thì sanh ra đủ thứ sai biệt, nên nói nguồn linh không hình, soi vào thì có thiên sai. Nguồn linh tuy không hình nhưng nhìn vào thì chạy theo duyên nên có muôn ngàn sai khác, không đồng một thứ. Nếu khi tu nhìn thấu được chỗ đó thì được hiệu Pháp nhãn, là con mắt thấu triệt được các pháp. Vì tất cả pháp từ nguồn linh mà hiện, nên khi nhìn lại biết các pháp hư ảo không thật, do dấy động mà ra, vì thế tất cả thiên sai vạn biệt đều là tướng hư giả không thật. Biết như vậy là chúng ta đã có Pháp nhãn rồi.
Đây nói Pháp nhãn, Tuệ nhãn, Phật nhãn là ba con mắt. Pháp nhãn là con mắt thấu suốt được các pháp, là con mắt của hàng Duyên giác. Do thấu suốt được lý nhân duyên thấy các pháp sanh diệt mà ngộ đạo, nên gọi là Pháp nhãn. Nếu biết rõ nguồn linh hay chân tâm không hai, nhưng tùy duyên hiện thiên sai vạn biệt. Thiên sai vạn biệt là cái bóng của các duyên, biết rõ không lầm là chúng ta đã có Pháp nhãn. Ngộ đạo đâu có khó, nhưng khó vì thấy cái gì cũng thật nên là phàm phu. Như thấy cảnh dễ thương thì vui thích,thấy cảnh dễ ghét thì bực bội, đó là mình không có Pháp nhãn mà là nhục nhãn, con mắt thịt theo cảnh nên bị cảnh chuyển. Thấy cảnh dễ thương thì biết đây là duyên hợp hư ảo, thấy cảnh dễ ghét cũng biết đây là duyên hợp hư ảo, có gì là thật, tâm vẫn như như, đó là Pháp nhãn.
Vậy Pháp nhãn và nhục nhãn cách nhau bao xa? Nhục nhãn là phàm phu, Pháp nhãn là Duyên giác, là giác ngộ rồi. Như vậy tu không phải là tưởng tượng mà thực tế vô cùng. Không có trí tuệ là si mê, là phàm phu, có trí tuệ sáng lên là Thanh văn, Duyên giác. Nhưng rất tiếc chúng ta chỉ sáng được một chút thôi rồi tối lại, vì vậy mà si mê hoài. Pháp nhãn vừa mới mở rồi nhục nhãn xen vào nên không sáng.
Nhất tịch không khác nên cái hiệu Tuệ nhãn vẫn còn. Nhất tịch không khác tức là một tâm thanh tịnh trùm khắp không hai không khác, thấy rõ như vậy, đó là Tuệ nhãn. Tuệ nhãn là mắt trí tuệ của Bồ-tát. Nếu thấy tâm mình rỗng rang thanh tịnh không hai không khác, luôn luôn sáng suốt, luôn luôn thanh tịnh, nhận biết như vậy, không bao giờ quên, đó là Tuệ nhãn của Bồ-tát. Chúng ta làm được hay không? Chúng ta cứ ngỡ rằng tu là chuyện của bậc thánh hiền khi xưa, còn mình không có phần. Nghĩ như vậy là sai lầm! Tất cả ai có công phu tu hành cũng có khả năng làm được, chỉ có bền chí, gắng công, nỗ lực thì thành công. Nếu thiếu bền chí, thiếu gắng công, thiếu nỗ lực thì không thành công. Vì mê nhiều tỉnh ít, nên chúng ta với Bồ-tát và các vị Duyên giác khác nhau.
Cả hai lý và lượng đều tiêu thì công năng Phật nhãn tròn đủ. Lý là cái chân thật, lượng là những tâm phân biệt chia chẻ. Như quán chiếu các pháp từ nhân duyên, rồi chia chẻ từng phần từng phần, cả hai bên lý và lượng không còn thì khi đó Phật nhãn tròn đủ.
Như vậy Pháp nhãn là con mắt của hàng Thanh văn, Tuệ nhãn là con mắt hàng Bồ-tát, Phật nhãn là con mắt của Phật.
Vì vậy tam đế nhất cảnh nên lý Pháp thân hằng thanh tịnh.
Được Phật nhãn tròn đủ rồi thì tam đế nhất cảnh nên lý pháp thân hằng thanh tịnh. Tam đế là tục đế, chân đế và đệ nhất nghĩa đế. Tục đế là lẽ thật của cuộc đời, chân đế là lẽ thật của đạo Phật, đệ nhất nghĩa đế là lẽ thật viên mãn. Khi được Phật nhãn rồi thì thấy cả tục đế, chân đế và đệ nhất nghĩa đế đều là một chứ không hai. Đó là thể nhập được pháp thân hằng thanh tịnh.
Tam trí nhất tâm nên ánh Bát-nhã thường soi chiếu.
Tam trí là:
- Nhất thiết trí.
- Đạo chủng trí.
- Nhất thiết chủng trí.
Nhất thiết trí là Pháp nhãn của hàng Thanh văn Duyên giác, Đạo chủng trí là Tuệ nhãn của Bồ-tát,
Nhất thiết chủng trí là Phật nhãn của Phật. Như vậy ba trí: Trí Thanh văn - Duyên giác, trí Bồ-tát, trí Phật lúc này hợp nhất, không còn riêng nữa.
Cảnh trí thầm hợp nên giải thoát tùy cơ, chẳng phải dọc chẳng phải ngang mà đạo tròn đủ như chữ y (...) gặp gỡ nhau một cách nhiệm mầu.
Nếu cảnh trí thầm hợp thì giải thoát hiện tại tùy cơ chứ không đâu xa. Không còn ngang dọc, không còn riêng rẽ, nên nói đạo tròn đủ như chữ y (...) của Ấn Độ, gặp gỡ nhau một cách nhiệm mầu.
Cho nên biết diệu tánh của tam đức rõ ràng không trái, nhất tâm sâu rộng khó lường đâu có cái gì chẳng phải là đường giải thoát. Do đó, tức tâm là đạo, có thể nói là lần theo dòng mà đến được nguồn vậy.
Diệu tánh của tam đức là pháp thân, Bát- nhã và giải thoát. Ba đức không trái nhau, nhất tâm sâu rộng khó lường. Chúng ta khi ngồi thiền có được ba đức pháp thân, Bát-nhã, giải thoát không? Tâm thanh tịnh lặng lẽ mà hằng hữu, đó là đức của pháp thân. Lặng lẽ mà hằng tri hằng giác, đó là đức của Bát -nhã. Hằng tri hằng giác mà không nhiễm không dính mắc, đó là đức của giải thoát. Thế nên nơi mình có đủ ba đức này.
Nhiều Phật tử ham tu muốn cầu giải thoát mà nghĩ phải về Cực lạc hoặc lên cõi trời, chứ ở trần tục này giải thoát không được. Vì không biết ngay nơi đây chúng ta khéo tu thì có đủ được ba đức: Pháp thân là bất sanh bất diệt, Bát -nhã là trí tuệ viên mãn hằng tri hằng giác, giải thoát là không dính không nhiễm. Người nào sống được với ba đức này hiện tại tuy chưa là Phật, ít ra cũng là Bồ-tát con rồi. Vậy chúng ta có khả năng làm được chứ không phải không. Vì chúng ta lâu nay quen mặc cảm, nói mình là phàm phu ngu mê, chứ thật ra Bồ-tát với phàm phu không cách xa. Mê cho nên nhân ngã bỉ thử, đó là phàm phu, tỉnh thì nhìn bằng trí tuệ, khởi lòng từ bi, đó là Bồ- tát. “Hôm qua tâm dạ-xoa, sáng nay mặt Bồ-tát”. Vì thế chúng ta không nên tự cao nhưng cũng đừng mặc cảm, phải biết mình có khả năng để cố gắng tu.
2. Nêu ra quán thể: Chỉ cần biết nhất tâm tức không mà chẳng không, chẳng không mà chẳng phải chẳng không.
Chỉ cần biết nhất tâm, nhất tâm tức là tâm không dấy niệm, không xao động. Tức không là không tất cả những hình tướng, những sắc trần, như Lục Tổ nói “bản lai vô nhất vật”, tâm đó là không.
Tức không mà chẳng không, tại sao? Không là không nhiễm nhơ, không phiền não, nhưng vẫn có tâm thanh tịnh sáng suốt. Như trên mặt hồ phẳng lặng, không có thuyền bè, không có gì trôi nổi, thì nói mặt hồ có gì. Không có gì hết là không có thuyền bè, không có những vật nổi trôi trên mặt nước, chứ nước trong hồ nguyên vẹn có thiếu đâu. Cũng vậy, tâm chúng ta thanh tịnh cho nên không có bóng dáng nào của sáu trần, gọi đó là bản lai vô nhất vật.
Vì nó là thể thanh tịnh xưa nay, không dính mắc một cái gì, nên nói không mà chẳng không.
Chẳng không mà chẳng phải chẳng không. Nói chẳng không tức là có, có mà chẳng phải chẳng không. Có là có cái thể chân thật, nhưng không các giả tướng ở ngoài đến. Đây là dùng lối lý luận tứ cú ở Ấn Độ, bẻ tới bẻ lui hơi khó hiểu, nhưng nếu nắm được cương yếu thì hiểu rõ. Tâm thể của chúng ta không có một vật nhưng không phải không có tâm thể. Tuy có tâm thể mà chẳng phải là có, vì tâm thể thanh tịnh không dính mắc vật gì. Vì vậy mà nói quán thể, tức là quán tâm thể của mình.
3 Nói về sự tương ưng: Tâm tương ưng với Không thì khen chê đâu có mừng lo. Thân tương ưng với Không thì dao cắt hay hương xoa cũng đâu có khổ sướng. Y báo tương ưng với Không thì thí cho hay cướp đoạt cũng đâu có được mất.
Tương ưng với Không. Không là gì? Người tu thiền khi dùng trí chiếu soi sự vật thì thấy tất cả các pháp tự tánh là không. Thí dụ bàn tay năm ngón co lại gọi là nắm tay. Năm ngón co lại gọi là duyên hợp. Vậy trước khi năm ngón co lại không có nắm tay. Khi năm ngón co lại mà chia ra từ ngón một, ngón hai cho đến ngón thứ năm thì cũng không có nắm tay. Trước không có, hiện tại phân tích ra cũng không, nếu buông ra thì cũng không, vậy thể nắm tay là thật có hay không? Nếu thể nắm tay là thật có thì không đợi năm ngón co lại. Các pháp trên thế gian tự nó có thì không đợi duyên hợp, mà do duyên hợp thì không tự có. Là duyên hợp thì trước không, hiện tại phân tích cũng không, khi tan ra rồi cũng không. Vậy tánh nó là không. Không là một lẽ thật của sự vật, lẽ thật đó là duyên hợp. Căn cứ trên lý nhân duyên thì sự vật hiện có đều là tánh Không.
Như vậy ở đây đưa ra ba trường hợp:
-Tâm tương ưng với Không thì khen chê đâu có mừng lo, hiểu thấu được nghĩa tánh không thì khen chê đâu có mừng lo. Tâm tương ưng với Không thì lời khen chê từ thân miệng của người khác cũng là không, có gì mừng lo vui buồn.
-Thân tương ưng với Không thì dao cắt hay hương xoa cũng đâu có khổ sướng. Thân này tánh không thì những sự việc làm thân đau đớn hoặc làm thân tốt đẹp cũng là không. Dù dao cắt hay hương xoa đều không có giá trị nên không sợ cũng không mừng.
- Y báo tương ưng với Không thì thí cho hay cướp đoạt cũng đâu có được mất. Thân là chánh báo, còn nhà cửa, tiền bạc, của cải, sự vật v.v... là y báo. Khi biết rõ tất cả tài sản, sự nghiệp v.v... là tánh không, duyên hợp giả có thì giúp người hay bị người cướp giật không mừng cũng không khổ.
Hiểu rõ ba trường hợp thân, tâm, y báo tương ưng với Không thì được an nhiên tự tại. Nghĩa là khen chê vẫn thản nhiên. Bị đánh đập hay được tô điểm cũng thản nhiên. Của cải đem bố thí hoặc cướp giật
cũng vẫn thản nhiên. Như vậy trong đời này được tự tại thản nhiên thì hết khổ, đó là Bồ-tát rồi.
Tâm cùng “không mà chẳng không” tương ưng thì ái kiến đều quên, từ bi cứu khắp tất cả.
Tâm cùng Không tương ưng thì mình không chấp có một pháp thật, cho nên mình bỏ dễ, nhưng cái gì cũng nói không thì trở thành khô khan, nên bước qua chặng thứ hai.
Tâm cùng “không mà chẳng không” tương ưng. Không mà chẳng không là các pháp tự tánh là không, nhưng duyên hợp giả có, chứ không phải không ngơ. Thế nên ái kiến đều quên, từ bi cứu khắp tất cả. Biết thân không tự tánh, nó là không nhưng duyên hợp tạm có. Vì tạm có nên không có ái kiến chấp trước về nó, nhưng thấy người khác khổ mình vẫn thương vẫn giúp, nên không có ái kiến mà đầy đủ tâm từ bi. Đó là trường hợp thứ hai.
Thân cùng “không mà chẳng không” tương ưng thì bên trong đồng với cây khô, bên ngoài hiện đủ oai nghi.
Thân không thì bên trong thấy như cây khô, không dính nhiễm, không vui buồn, nhưng bên ngoài hiện đủ oai nghi, biết các pháp do duyên hợp nên tùy duyên mà làm tất cả việc.
Y báo cùng “không mà chẳng không” tương ưng thì vĩnh viễn dứt sự tham cầu mà đem tiền của giúp ngườ
Tất cả sự nghiệp của mình, biết nó là tánh không nhưng tùy duyên tạm có. Thế nên mình không tham cầu, mà thấy người khổ thì sẵn sàng giúp đỡ.
Tâm cùng “không mà chẳng không, chẳng không mà chẳng phải chẳng không” tương ưng thì thật tướng mới tỏ, mở tri kiến Phật.
Tâm cùng không tức là tánh không, mà chẳng không đó là thấy nó giả có. Chẳng không mà chẳng phải chẳng không, tuy nó giả nhưng thể vẫn không rời cái chân thật, cho nên đó là trung đạo. Quán không là các pháp tánh không, quán giả là không mà chẳng không, còn chẳng không mà chẳng phải chẳng không tương ưng là quán trung đạo. Đó là ba pháp quán: Không Giả, Trung. Người nào thấy được chỗ này thì thật tướng mới rõ ràng.
Thân cùng “không mà chẳng không, chẳng không mà chẳng phải chẳng không” tương ưng thì một trần nhập chánh thọ, các trần tam-muội khởi. Y báo cùng “không mà chẳng không, chẳng không mà chẳng phải chẳng không” tương ưng thì hóa sanh đài hương, lầu báu, cõi nước trang nghiêm.
Chỗ này dạy chúng ta ba pháp quán: Quán Không, quán Giả, quán Trung. Không là thấy tất cả pháp tánh là không. Nhưng nếu không như vậy thì chúng ta trở thành khô khan, cái gì cũng thấy không, không quan trọng nữa. Cho nên quán Giả, tuy không mà duyên hợp giả có chứ không phải không ngơ. Vì giả có mà người đời mê lầm tưởng là thật, nên say mê, gây tội lỗi khổ đau,
mình thương giúp họ, đó là quán Giả. Rồi tới quán Trung, là quán trung đạo đệ nhất nghĩa, tức là không và giả đều không ngoài cái thể chân thật hiện tiền. Thấy được thể chân thật hiện tiền là dung hợp cả quán Không và quán Giả, đó là đệ nhất nghĩa đế, là chỗ cứu cánh, là chỗ mắt Phật thấy. Chúng ta tu đến như vậy là phù hợp với chư Phật, cho nên tất cả đài hương, lầu báu, cõi nước trang nghiêm v.v... đều có đủ hết.
Như vậy ba pháp quán này đưa chúng ta tới chỗ cứu cánh chân thật.
4.Cảnh tỉnh sự thượng mạn: Nếu chưa được như trên thì chưa tương ưng.
Nếu chúng ta chưa tương ưng, chưa thích hợp với Không, Giả, Trung thì đừng có tự khoe, đừng có ngã mạn. Tự khoe, ngã mạn là bệnh.
5. Răn sự biếng lười xao lãng: Như qua biển cần phải lên thuyền, không nhờ thuyền thì làm sao qua được. Tu tâm cần phải nhập quán, chẳng có quán thì lấy gì để minh tâm. Tâm còn chưa minh thì ngày nào tương ưng. Hãy nên suy xét kỹ, chớ nên tự thị.
Chúng ta tu trước phải đi vào phương tiện, tức là quán chiếu. Quán các pháp duyên hợp hư giả để đừng lầm. Nếu quán hư giả mà thâm nhập rồi thì chẳng khác nào chúng ta qua sông qua biển mà có thuyền. Cho nên người tu cần phải có trí tuệ, quán chiếu thấu đáo như vậy. Nhưng đa số chúng ta chỉ có trí tuệ thế gian thôi, mà chưa có trí tuệ nhìn thấu đáo lẽ thật của con người, của muôn vật. Như thí dụ nắm tay, nếu người nào nói nắm tay thật là mê, nếu nói không có nắm tay thì cũng chẳng tỉnh. Có nắm tay nhưng nó không có thể tánh, mà có giả tướng nắm tay. Từ Không mà chúng ta hiểu là Giả. Nói không là tánh không, duyên hợp thì giả có, chứ không phải không ngơ.
Nếu chúng ta biết rành rẽ các pháp tánh Không mà giả có, thì khi tu mượn cái giả đó mà tu, cứu giúp người cũng mượn cái giả đó mà giúp. Thấy được lẽ thật là người trí, nhưng người đời thì khác, giả có tưởng là thật có. Tưởng giả làm thật là mê. Như vậy mê và trí không xa. Nếu nghe người khen thì vui, nghe người chê mắng thì xụ mặt, đó là mê. Vì khen chê không thật. Kiểm điểm lại mình từ sáng tới chiều thì biết mình mê hay trí. Khi gặp những cảnh khen chê vẫn thản nhiên tự tại, vì biết các pháp là duyên hợp hư giả không thật, thì có gì bận lòng, đó là trí. Cho nên trí là tự tại, mà mê thì bị lôi cuốn trong phiền não.
6. Nêu lại quán thể: Chỉ biết nhất niệm tức không bất không, phi hữu phi vô. Chẳng biết tức niệm tức không bất không, phi phi hữu phi phi vô.
Chỉ biết nhất niệm tức không bất không. Nhất niệm tức là tâm thể, tâm thể tức không mà chẳng không. Như thí dụ trên mặt hồ không, là không thuyền bè, không những vật nổi trôi trên mặt hồ, nhưng chẳng không là có nước. Phi hữu phi vô là chẳng phải có, chẳng phải không.
Chẳng biết tức niệm tức không bất không, phi phi hữu phi phi vô. Như vậy đứng về mặt quán thể thì phải nhận chân lẽ thật, là một niệm không tất cả mà cũng không phải là không. Nếu người không biết như vậy thì tức niệm tức không bất không mà phi phi hữu phi phi vô. Phi phi hữu là không phải không phải có, tức là có. Phi phi vô tức là không phải không phải không, tức là không.
7. Nói về thị phi: Tâm chẳng phải hữu, tâm chẳng phải vô, tâm chẳng phải phi hữu, tâm chẳng phải phi vô. Là hữu là vô tức là sa vào thị, phi hữu phi vô tức là rơi vào phi. Như vậy, chỉ là cái phi (sai) của thị và phi, chưa phải là cái thị (phải) của phi thị và phi phi. Nay dùng hai cái phi để phá hai cái thị, thị phá phi thị vẫn còn là phi. Lại dùng hai cái phi để phá hai cái phi, phi phá phi phi tức là thị. Như vậy, chỉ là cái thị của phi thị và phi phi, chưa phải là bất phi bất bất phi, bất thị bất bất thị. Cái lầm về thị phi nhỏ nhiệm rất khó thấy, phải để tinh thần sáng suốt, tư lự lặng yên hầu nghiên cứu kỹ lưỡng.
Thị phi là gì? Thị là phải, phi là quấy. Thế gian luôn luôn là thị phi, toàn nói chuyện phải quấy của người, nên gọi là thị phi.
Đến thị phi nơi mình. Mình thì chủ quan, cho nên mình làm cái gì cũng phải, còn người khác xử sự với mình thì chưa chắc phải. Nghĩa là xử sự cái gì hợp với sở thích của mình thì cho là phải, xử sự trái với sở thích của mình thì cho là quấy, dù việc làm tốt mình cũng thấy quấy như thường. Như vậy vì thị phi nên cuộc sống của chúng ta rất là phiền toái, rất là đa dạng. Nhưng thị phi là sự thật, là chân lý hay không? Nếu không phải sự thật, không phải chân lý thì bàn làm chi. Thế mà thiên hạ tốn biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt vì chuyện thị phi. Xét thật kỹ không có cái phải cố định, không có cái quấy cố định; vừa thấy phải thành quấy, vừa thấy quấy thành phải. Nếu căn cứ trên luật pháp ai làm đúng là phải, làm sai là quấy. Nhưng luật pháp có cố định không? Cứ sửa hoài chứ không có cái nào còn nguyên từ ngàn năm trước tới ngày nay, cái phải của ngày xưa bây giờ thành quấy rồi. Chúng ta lấy đâu làm chuẩn mà cãi vã với nhau. Chúng ta hao hơi tổn sức về phải quấy quá nhiều rồi. Nếu biết phải quấy không thật thì chúng ta thảnh thơi vô cùng!
Nếu chỉ thấy mình phải mà người kia quấy thì sanh chuyện cãi vã, rồi đi tới bất hòa oán ghét nhau. Như vậy đau khổ gốc từ phải quấy mà ra. Phải quấy có tiêu chuẩn để theo hay chỉ là trò chơi không có thật? Không thật thì không chấp nên thảnh thơi nhẹ nhàng. Nếu chấp phải quấy càng nhiều thì đau khổ càng nhiều. Khi xưa ông bà chúng ta chịu ảnh hưởng Nho giáo nên nói phái nữ là khuê môn bất xuất, các bà các cô ở trong cung cấm không được ra ngoài, cho đó là đúng, nếu ra ngoài thì bị rầy bị chê. Nhưng bây giờ thì khác, người chồng làm không đủ ăn, vợ phải đi làm phụ. Nếu nói khuê môn bất xuất, ngồi đó chờ nuôi thì làm sao có đủ gạo mà nuôi gia đình. Thế thì cái phải ngày xưa không còn là cái phải ngày nay. Cái phải của chỗ này không phải là cái phải của nơi khác. Trên thế giới, nước nào cũng có bộ luật riêng, luật của mỗi nước mỗi khác, cái phải của nước này không phải là cái phải của nước kia. Như khi lái xe theo luật của nước Pháp thì đi bên phải là đúng. Nếu qua nước Anh, nước Úc thì đi bên phải là trái luật. Vì không có cái lẽ thật trên đời nên chúng ta đừng cố chấp đúng sai phải quấy. Người nào càng cố chấp thì càng khổ sở không yên. Phải quấy là trò chơi không có gì quan trọng. Quan trọng là mình tỉnh hay mê. Hiểu thị phi không thật rồi thì cả ngày thảnh thơi, vui vẻ với nhau dù bị chê cũng vẫn cười thôi.
Tâm không phải là thị, không phải là phi. Nói là thị là phi đều không được. Nếu nói chẳng phải thị, chẳng phải phi cũng không được. Tóm lại tất cả những cái chấp thị phi đối với tâm đều không đúng. Chỉ gạt hết tất cả cái chấp thị phi, không còn một chút hơi hám nào thì cái chân thật hiện tiền, còn chút hơi hám thị phi cũng là sai lầm.
8.Chọn lựa thuyên chỉ: Nhưng mà chí lý thì không lời, mượn văn ngôn để nói về ý chỉ của lý. Ý chỉ và tông thú chẳng phải là quán, nhờ tu quán để hội được tông thú. Nếu ý chỉ chưa minh thì lời chưa đúng; nếu tông thú chưa hội thì quán chưa sâu.
Thuyên tức là năng thuyên là lời nói, chỉ là sở thuyên tức là cảnh. Đây nói về lời nói và ý chỉ. Lời nói không đến được ý chỉ, nhưng muốn thấy ý chỉ phải qua lời nói mới hiểu. Như tôi uống nước thì nước nóng hay lạnh tôi biết liền. Nếu có người hỏi nước nóng hay lạnh tôi trả lời sao? Nếu tôi nói nước nóng là nước thật nóng hay hơi ấm ấm, mỗi người hiểu mỗi cách. Tôi uống thì tôi biết nóng độ nào, chứ không thể nói ra được. Như vậy người uống nước tự biết nó ra sao, muốn diễn tả thật là khó, chỉ diễn tả cái cơ bản là nước nóng vậy thôi, chứ không thể nói nó nóng tới độ nào. Vì vậy lời nói không đến được chân lý, nhưng nương lời nói để chúng ta tìm hiểu. Nên nói chí lý thì không lời, mượn văn ngôn để nói về ý chỉ của lý. Ngôn ngữ là nói chỗ chí lý đó, nhưng mượn tạm chứ không tới được.
Ý chỉ và tông thú chẳng phải là quán, nhờ tu quán để hội được tông thú. Như nói chân tâm thanh tịnh vì dấy niệm cho nên mê loạn. Chúng ta quán ý niệm dấy lên là vọng tưởng hư giả. Nói vọng tưởng hư giả cốt để vọng lặng trở về chân. Nếu bảo quán chân làm sao quán? Chỉ thấy vọng, mà vọng hết thì chân hiện. Như vậy lời nói chỉ cách tu là phương tiện ở ngoài. Dừng được cái động thì tự nó là tịnh, chứ không bảo phải làm cho nó tịnh, mình cố làm cho nó tịnh là động rồi. Cho nên lời nói không tới được.
Như tôi dạy tu thấy vọng tưởng liền buông, nếu buông hết rồi còn gì? Tôi nói đừng sợ buông hết không còn gì, chỉ sợ buông không hết thôi. Nếu buông hết thì chân hiện. Như dưới mặt hồ có bao nhiêu lá cây, bao nhiêu rác rến mình vớt lên hết. Vớt hết thì mặt hồ trong sạch. Những cái nổi trôi dễ thấy, mình vớt được, còn nước ở dưới hồ làm sao vớt?
Cũng vậy, tâm thể mình thanh tịnh, nếu dấy niệm là có bóng dáng của ngoại trần, còn gọi là lạc tạ ảnh tử. Mình duyên theo bóng đó gọi là vọng tưởng. Biết vọng hư dối không theo thì nó lặng, lặng hết tự nhiên tâm thanh tịnh, nếu chỉ tâm thanh tịnh thì không làm sao chỉ được. Cho nên lời nói và ý chỉ khác nhau chỗ đó. Lời nói không đến được ý chỉ, nhưng nương lời nói để thấy được ý chỉ.
Ý chỉ và tông thú chẳng phải là quán, nhờ tu quán để hội được tông thú. Như quán thấy các pháp là vọng tưởng, buông, thì lần lần trở về được tâm thanh tịnh.
Nếu ý chỉ chưa minh thì lời chưa đúng; nếu tông thú chưa hội thì quán chưa sâu. Chúng ta tu mà không biết rõ là mình có tâm thể thanh tịnh thật, tức là lối tu của mình chưa đúng. Nếu bảo mình quán tất cả vọng tưởng là hư ảo, bỏ nó đừng theo, mà chưa nắm vững được mình có tâm thể thanh tịnh thì cái quán cũng chưa được sâu.
Quán sâu mới hội được tông thú, lời đúng mới rõ được ý chỉ. Ý chỉ và tông thú đã hiểu rõ rồi thì lời nói và quán đâu còn tồn tại nữa.
Nếu nắm vững được ý chỉ, nắm vững được tông thú, tức là chỗ mình trở về hiện tiền rồi thì lời nói và pháp quán cũng buông luôn, không còn nói, không còn quán nữa.
9.Chạm cảnh thành quán: Phàm diễn lại ngôn từ, nêu lại quán thể là muốn nói về tông thú và ý chỉ không khác. Lời nói và quán tùy nơi mà dời đổi. Đổi lời thì ngôn và lý không sai, đổi quán thì quán và ý chỉ không khác. Ý chỉ không khác tức là lý, lý không sai tức là tông. Tông thú và ý chỉ là một nhưng hai tên, mà lời nói và quán là phương tiện dẫn dắt.
Tu thiền nói tông thú tức là nói chỗ chân thật cứu cánh, là sống với tâm thể chân thật. Tâm thể chân thật đó chúng ta không biết là thế nào. Cho nên nói muốn tu cho có kết quả thì phải dừng hết vọng tưởng, vọng tưởng dừng rồi thì tâm thanh tịnh hiện ra v.v...
Đó là lối nói chứ thật nó ở đâu mà hiện? Nó sẵn đó thôi, nhưng nói nó hiện ra là một lối nói cho người biết nếu cái này hết thì cái kia có. Đó là phương tiện nói ý chỉ, mình bỏ vọng tưởng để tâm thể hiện ra. Tâm thể hiện là ý chỉ của người dạy. Khi tâm thể hiện đủ thì quán và lời nói đều không còn, không nói hiện, cũng không nói bỏ vọng tưởng. Tất cả vọng tưởng đều lặng hết thì tâm thể trùm khắp, nói gì là bỏ, nói gì là hiện? Chúng ta tu mà không nắm vững đường lối thì đâm ra nghi ngờ, nếu bỏ hết vọng tưởng rồi còn cái gì? Sự thật tới đó thì mới biết. Cho nên ý chỉ và tông thú là hai tên mà không phải hai. Tâm thể đã có sẵn, khi những vọng tưởng hết sạch thì nó hiện ra, ý chỉ là để khuyến khích người tu quán. Nhưng khi tới đó rồi thì cả quán và ý chỉ đều hết, chỉ còn một thể chân thật. Thế nên dạy quán và lời nói để cho người hiểu chỉ là phương tiện dẫn dắt.
10.Khéo hợp với nguồn huyền: Phàm người ngộ tâm đâu chấp quán mà mê ý chỉ, người đạt giáo há trệ lời mà lầm lý. Lý tỏ thì đường ngôn ngữ dứt, lời nào có thể nói bàn. Ý chỉ hội thì chỗ tâm hành diệt, quán nào có thể nghĩ ngợi. Tâm ngôn chẳng thể nghĩ bàn, thật đáng là “diệu khế hoàn trung” vậy.
Phàm người ngộ tâm đâu chấp quán mà mê ý chỉ, người đạt giáo há trệ lời mà lầm lý. Chúng ta tu thiền cốt ngộ được tâm thể của mình. Ngộ được tâm thể gọi là kiến tánh, là nhận ra được bản tánh sẵn có muôn đời của mình. Tu thiền phải kiến tánh, là thấy được bản tánh, mà làm sao thấy được? Nếu thấy được là thấy bản tánh của ai chứ không phải của mình, nên chữ kiến tánh ở đây là nhận chân được bản tánh của mình. Thí dụ khi dấy niệm nghĩ việc này việc kia thì tâm đang xao động, lúc dừng hết mọi niệm chúng ta cũng hằng giác hằng tri. Không dấy niệm mà hằng giác hằng tri đó là tâm thể của mình, còn nghĩ suy hơn thua, phải quấy, v.v... là cái tạm bợ không thật. Chúng ta cứ ngỡ rằng cái gì mình nghĩ thì đó là mình, sai lầm hết sức lớn.
Như khi nói tôi giận, tôi buồn, tôi vui thì nhận cái giận buồn vui là mình, đâu còn biết tâm thể nữa, nó bị che mất rồi. Giận buồn vui dấy lên rồi một lúc sau lặng hết thì mình có hết không? Mình cũng còn sờ sờ đó chứ mất đi đâu. Tâm là cái biết, nếu nhận buồn vui là tâm mình, khi hết giận buồn vui thì mình là gỗ đá sao, nhưng mình vẫn hằng tri hằng giác. Vậy cái biết ngầm trong khi giận, khi buồn, khi vui bị che lấp đi, mà thật thì lúc nào cũng sẵn có. Khi giận buồn vui lặng xuống thì cái biết hiện tiền. Nhận chân mình có một cái chân thật không nghi ngờ, không lưỡng lự, gọi là kiến tánh. Người tu nhận được tâm thể thanh tịnh hằng hữu, đó là người ngộ tâm. Ngộ tâm rồi thì không còn chấp quán để mê lầm ý chỉ. Cho nên nói người đạt giáo, tức là thấu suốt được nghĩa kinh thì không còn nệ lời.
Trong kinh Phật dạy, nếu chúng ta cứ chấp lời thì đi xa với ý kinh. Thí dụ kinh dạy chúng ta tu để về cõi Cực lạc thì chúng ta cứ tưởng cõi Cực lạc là một nơi sung sướng tuyệt vời nên ham để mà tu. Đó là tu với bản ngã tham lam. Còn bản ngã làm sao về cõi Phật được? Như vậy do chấp lời mà chúng ta kẹt. Nếu chúng ta thấy rõ trong kinh Phật dạy, muốn được về Cực lạc điều kiện tiên quyết là niệm Phật một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày nhất tâm bất loạn, tức là không còn niệm nào hết. Không còn niệm là tâm thể thanh tịnh hiện ra, đó là cõi Phật. Lý hết sức rõ. Nếu chấp lời văn thì chúng ta kẹt cứng, thành ra vô tình mình muốn cái ngã thụ hưởng sung sướng, đó là còn tham.
Phật kết thúc lại, ai muốn về cõi Cực lạc phải niệm Phật nhất tâm bất loạn một ngày tới bảy ngày thì khi lâm chung Phật sẽ đón. Nhất tâm bất loạn thì đâu còn niệm, đâu còn vọng tưởng. Không niệm, không vọng tưởng thì tâm giác hiện tiền, khi nhắm mắt thì thấy Phật chứ gì. Lý này rất sâu. Vì vậy mà nói: Người đạt giáo thì há trệ lời mà lầm lý. Lý tỏ thì đường ngôn ngữ dứt, lời nào có thể nói bàn. Người nào nắm vững được lý rồi thì không còn thắc mắc bàn cãi tu thiền chết đi về đâu, tu tịnh chết đi về đâu.
Ý chỉ hội thì chỗ tâm hành diệt, quán nào có thể nghĩ ngợi. Lãnh hội được ý chỉ thì tâm hành diệt, tức là tâm lăng xăng sanh diệt không còn nữa thì còn gì mà quán.
Như vậy, tâm ngôn chẳng thể nghĩ bàn, thật đáng là “diệu khế hoàn trung” vậy. Tâm và lời nói không nghĩ bàn được, đó là khế hợp với trung, cái toàn thể không còn một nơi riêng tư nào nữa.
Các bài mới
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 5: Chương V: Bài Tụng Về Tỳ-Bà-Xá_Na ( Quán) - 14/11/2023
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 4: Chương IV: Bài Tụng Về Xa-ma-tha (Chỉ) - 06/11/2023
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 3: Chương II: Răn Ý Kiêu Sa; Chương III: Tịnh Tu Ba Nghiệp - 23/10/2023
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 2: Chương I: Nghi Thức Lập Chí Mộ Đạo - 28/09/2023
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập giảng giải - Phần 1: Lời Tựa và Tiểu Dẫn - 20/09/2023
Các bài đã đăng
- Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 08) - 07/09/2023
- Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 07) - 25/07/2023
- Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 06) - 18/07/2023
- Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 05) - 12/07/2023
- Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 04) - 19/06/2023
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 96159
- Online: 18