Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 9: Chương IX: Thư Khuyên Bạn Hữu; Chương X: Văn Phát Nguyện
18/03/2024 | Lượt xem: 733
TS.Vĩnh Gia Huyền Giác
HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng
CHƯƠNG IX: THƯ KHUYÊN BẠN HỮU
Thư mời Đại sư về núi của thiền sư Huyền Lãng ở núi Tá Khê, huyện Phổ Dương, Vụ Châu.
Từ buổi đến Linh Khê, tâm ý thảnh thơi, thường chống gậy rong chơi trên đỉnh non cao thấp, phủi sạch thất đá hang núi ngồi yên. Trông ra muôn dặm tùng xanh hồ biếc, trăng sáng tự sanh gió đùa mây trắng. Hoa đẹp cỏ thơm chim rừng tha ngậm, xa gần đều nghe vượn hú từng hồi, lấy cuốc gối đầu, cỏ êm làm nệm. Đường đời lao xao tranh giành nhân ngã, tâm địa chưa đạt nên mới như thế.
Như có thì giờ, mong được gặp nhau.
-
Đây là bức thư của ngài Huyền Lãng gửi cho ngài Huyền Giác. Đọc bức thư ngắn gọn này chúng ta thấy ngài Huyền Lãng thích ở ẩn trên non xanh để tu hành một mình, sống với cảnh u tịch của núi rừng cho đó là thỏa mãn đúng với nguyện vọng của mình. Đọc bức thư đáp lại của thiền sư Huyền Giác, chúng ta thấy được tinh thần của người đạt đạo rất rõ ràng.
Thư đáp của đại sư Huyền Giác.
Từ lúc từ biệt đến nay đã mấy năm trường, trong lòng đau đáu nhớ nhung, bỗng nhận được thư của bạn thật thỏa lòng mong đợi. Sao lá thư chẳng thấy nói đến đạo thể như thế nào, nhưng pháp vị nuôi dưỡng tinh thần cho nên chắc được tịnh lạc.
Trong thư tả cảnh núi rừng mà không thấy nói thân thể khỏe mạnh hay không, không thấy nói về pháp thể, nhưng tin rằng ở núi lấy pháp vị nuôi dưỡng thì chắc cũng yên ổn vui vẻ.
Huyền Giác tôi từ lâu khâm phục đức âm, chẳng phải dùng lời có thể thuật được. Gìn lòng tiết tháo, một mình ở nơi vắng vẻ bặt dấu con người, ẩn mình trong hang núi, bạn thân không tới lui, chỉ có chim thú qua lại, suốt đêm miên miên, cả ngày lặng lặng, thấy nghe đều dứt, tâm thật vắng lặng. Một mình trên đỉnh núi, ở dưới cội cây, lánh sự đông đúc, hưởng thức ăn đạo, thật hợp với bạn.
Đọc đoạn này chúng ta thấy dường như Huyền Giác một bề khen ngợi Huyền Lãng là người chịu ở yên nơi vắng vẻ để nuôi dưỡng tinh thần tu hành thanh tịnh, điều đó thật tốt.
Nhưng mà chánh đạo tịch liêu, tuy có tu mà khó hội, bọn tà huyên náo không tập mà dễ thân. Nếu chưa phải bậc giải khế huyền tông, hạnh hợp với chân thú thì chưa nên ở nơi vắng vẻ, ôm ấp sự vụng về suốt một đời mình.
Nhưng ngài Huyền Giác nói ngược lại ý trên. Nếu không phải là người có hạnh hiểu thấu suốt được tông huyền diệu và lý thú chân thật của đạo, mà ở yên nơi vắng vẻ thì một đời chịu ôm ấp sự vụng về.
Phải nên rộng hỏi bậc tiên tri, thành khẩn khâm phục chắp tay quỳ gối, chỉnh ý đoan dung, ngày đêm quên nhọc, trước sau hết lòng ngưỡng mộ, khắc phục thân miệng, trừ sạch biếng lười cống cao, chẳng quản hình hài, chuyên tinh chí đạo, mới có thể gọi là lóng thần nơi vuông tấc(11). Phàm muốn đạt lý diệu huyền chẳng phải là dễ, kế đến quyết trạch như đi trên băng mỏng, cần phải nghiêng tai để mắt mà vâng theo huyền chỉ. Thu thúc tình trần để thưởng thức chỗ kín đáo sâu xa, quên lời mà vui với yếu chỉ, rửa sạch lụy phiền để ăn vị đạo mầu, đêm lo lắng, ngày hỏi han chẳng lạm tóc tơ, được như thế thì mới có thể giấu mình trong hang núi, lặng lòng lo toan, không tiếp xúc với mọi người.
Nếu người tu muốn ở núi yên tĩnh một mình để chuyên tu luyện thì trước phải đến cầu học với các bậc tiên tri tiên giác, đã biết trước mình, đã ngộ trước mình, đến đó mà học để giữ gìn cho oai nghi thân khẩu ý được trong sạch, rồi mới có thể đạt được lý huyền diệu của đạo.
Phải đem hết tâm tư nghiêm chỉnh lắng nghe để giản trạch không dám xem thường, được như vậy mới có ngày an ổn, thanh tịnh mà ở non ở núi. Nếu chưa học, chưa hiểu mà ôm lòng muốn được ở yên trên non núi thì chưa hợp.
Hoặc có người tâm chưa thông, thấy vật thành bị ngăn ngại, muốn tránh nơi huyên náo, cầu chỗ yên lặng thì suốt cả đời cũng chưa được yên. Huống hồ rừng xanh bát ngát núi đá chập chùng, thú gầm chim hót, tùng trúc um tùm, đá nước chênh vênh, ngọn gió rung cây, bìm sắn vương vấn, mây mù hòa hợp, vạn vật héo tàn tươi tốt theo tiết trời, sớm chiều bị những thứ ấy làm hoa mắt, há chẳng phải là huyên náo rộn ràng ư?
Nếu tâm chúng ta chưa thông mỗi khi thấy cảnh thấy vật liền bị ngăn ngại, vì thế mà muốn trốn chỗ huyên náo tìm chỗ yên tịnh thì không có chỗ nào gọi là yên tịnh. Tại sao? Vì rừng xanh bát ngát núi đá chập chùng, thú gầm chim hót, tùng trúc um tùm, đá nước chênh vênh, ngọn gió rung cây, bìm sắn vương vấn, mây mù hòa hợp, vạn vật héo tàn v.v...” đều là chướng ngại. Ngày xưa tôi có đọc bài “Mũi Nhọn” trong kinh A-hàm, đức Phật nói người tu thiền nghe tiếng động và tất cả những cái ồn náo đều là những mũi tên, mũi dùi châm chích làm cho khó chịu, cho nên muốn tránh đừng bị những tiếng động châm chích thì phải kiếm nơi thanh tịnh núi cao, rừng vắng để yên tu. Như vậy mình muốn tu thiền chắc phải tránh duyên, tránh duyên thì đi đâu?
Cho nên năm 1961 tôi bệnh phổi, sẵn có cớ ở trong chúng không được, tôi xin ở riêng để trị bệnh. Tìm lên Bảo Lộc cất am ở Phương Bối, khu đất cách đường xe chừng hai cây số, lên chợ Bảo Lộc bảy cây số thì tôi yên lòng, ở đây thanh tịnh lắm. Nhưng khi cất thất ở rồi thì mỗi buổi sáng mấy con vượn con khỉ kêu chát tai quá, còn buổi tối thì cọp rống, ngồi trong thất cũng hơi rung rinh. Lại thêm chuyện nữa là xe chở rau cải ở Đà Lạt về Sài Gòn lên dốc Bảo Lộc rú ga vang hết cả núi rừng. Tôi nghĩ ở trong rừng cũng không yên, không biết ở chỗ nào để tránh tiếng động?
Ở trên thế gian này chỗ nào cũng động, chỉ là tiếng động khác nhau thôi. Ở thành thị thì tiếng người tiếng xe, ở núi rừng thì tiếng cọp tiếng khỉ, chỗ nào mà không động! Thế nên muốn tránh tiếng động thì không bao giờ tránh được, cố tình trốn mà trốn không được. Sau này tôi ra Vũng Tàu cất thất trên núi, tính ở núi là yên lắm, ai ngờ dưới chợ tối nào cũng có cải lương, trên này nghe đủ thứ, rốt cuộc trốn cũng không được.
Tôi tự hỏi “Tìm chỗ nào cho không có tiếng?” Chạy lên rừng cũng có tiếng, chạy về núi cũng có tiếng, về Thành phố cũng có tiếng, chạy đâu cho khỏi tiếng? Muốn trốn tiếng thì chắc thế gian này không có chỗ nào trốn, chỉ có chui xuống mồ mới trốn được thôi. Cho nên tôi nghĩ phải chuyển quan niệm đừng sợ tiếng nữa. Thay vì bữa trước tiếng vọng cổ ở rạp hát vang lên tôi muốn bịt tai không nghe, nhưng sau này tôi biết tất cả tiếng như huyễn như hóa, mặc nó, qua rồi mất không chú ý, không khởi ghét khởi ưa thì một lúc sau tiếng là tiếng, tôi là tôi. Tôi hết sợ nó nữa.
Từ đó về sau tôi mới thấy trốn tiếng không được mà phải nhìn thẳng, biết âm thanh là hư dối qua rồi mất. Sở dĩ nó dính lại là vì mình theo nó, phân biệt hay dở, còn để cho qua thì bao nhiêu âm thanh cũng không trở ngại. Hiểu như vậy tôi mới thấy dù ở chỗ nào tu cũng không có gì chướng ngại. Chướng là vì mình không biết, mình sợ nó, mà càng sợ lại càng gặp, trốn không được. Thế nên can đảm nhìn thẳng quán chiếu nó là hư ảo, qua rồi mất có gì đâu mà sợ, từ từ tu được yên ổn.
Đó là chỗ ngày xưa tôi đã vướng mắc, mà trong đây ngài Huyền Giác cũng nói như vậy. Nghĩa là tất cả chỗ nào cũng chướng hết, không có cái này cũng có cái kia, không có tiếng người thì có tiếng vượn, tiếng khỉ, tiếng hưu, tiếng nai. Nếu cảnh thì không cảnh thành thị cũng núi rừng cây cối, đủ thứ phân biệt, trốn đâu cũng không khỏi, chỉ nhìn thẳng biết rõ nó là không thật thì cái gì cũng qua.
Cho nên biết hễ kiến hoặc còn vương vít thì chạm vào đâu cũng thành vướng mắc. Do đó, trước cần phải biết đạo rồi sau mới ở núi.
Nếu kiến hoặc còn, tức là những chấp sai lầm còn vướng vít thì chạm đâu cũng dính, chỉ khi xả bỏ được cái chấp thì mọi nơi đều tốt.
Người tu xuất gia hay tại gia muốn ở rừng ở núi thì trước phải thâm nhập đạo lý, sau ở mới được. Chưa thâm nhập đạo lý mà muốn ở rừng núi thì cũng giống như ở thành thị thôi.
Nếu người chưa biết đạo mà ở núi trước thì chỉ thấy núi ắt quên đạo. Nếu người chưa ở núi mà trước đã biết đạo thì chỉ thấy đạo quên núi. Quên núi thì đạo tánh làm vui vẻ tinh thần, quên đạo thì bị núi non làm hoa mắt.
Nếu người đã biết được đạo rồi thì ở núi vẫn thấy đạo mà quên núi, còn nếu chưa biết đạo mà ở núi thì chỉ thấy núi mà quên đạo. Câu này răn nhắc chúng ta thật là kỹ. Cho nên ở núi là khi nào biết đạo, còn chưa biết đạo mà ở núi thì chỉ thấy núi thấy rừng chứ không thấy đạo.
Nếu ở núi mà chỉ nhớ đạo quên núi thì đạo tánh làm cho tinh thần vui vẻ. Nếu ở núi chỉ thấy núi mà quên đạo thì làm cho mắt bị hoa bị lòa, chứ không lợi ích gì.
Do đó, người thấy đạo quên núi ở chốn nhân gian vẫn lặng, người thấy núi quên đạo ở trong núi cũng ồn ào.
Nếu người thấy đạo thì ở giữa nhân gian cũng vẫn lặng, còn chưa thấy đạo ở trong núi cũng vẫn ồn. Hồi xưa tôi thích ở núi nên có lần rủ thầy Tịnh Đức leo núi Thị Vải. Trên đường thấy một cư sĩ vác bó tre nặng từ trên núi xuống, mình mẩy mồ hôi nhễ nhại, tôi hỏi thầy Tịnh Đức thì thầy kể lại cho nghe: Đây là một ông thầy hồi xưa ham tu lắm, lên núi Thị Vải tìm được cái hang ở đó tu hành rất tha thiết. Nhưng rồi sau có một cô ni cũng ham tu lên gần ở đó. Hai vị ở trên núi vắng vẻ tu, thời gian sau cô ni có thai, nên ông phải để tóc, không biết làm gì nên đi núi chặt cây đem về bán đổi gạo. Vì vậy ham tu muốn ở núi mà không thấy đạo thì bị cảnh chi phối, nếu thấy đạo thì dù ở thế gian cũng vẫn yên. Trọng tâm của người tu là thấy đạo chứ không phải trốn cảnh. Gần đây có nhiều người cũng quan niệm sai lầm như vậy, cho rằng muốn tu phải vô non vô núi mới tu được. Vô non vô núi tu mà không hiểu đạo thì vướng mắc hồi nào không hay, còn sa đọa hơn người ở thành thị. Cho nên lời ngài Huyền Giác nhắc ở đây rất là chí lý.
Cần phải rõ ấm vô ngã, vô ngã thì ai ở nhân gian? Nếu biết ấm nhập như hư không thì xóm làng sẽ hoang vắng có khác gì hang núi. Như người ba độc chưa bỏ, sáu trần còn nhiễu loạn, thân tâm tự mâu thuẫn thì có quan hệ gì đến sự huyên náo hay yên lặng của nhân gian hay hang núi đâu!
Nếu chúng ta ở giữa thành thị mà thấy rõ thân năm ấm này là vô ngã thì có ai làm phiền mình đâu. Mình đã không thật, người không thật thì ai làm phiền mình? Nếu thấy năm ấm và sáu nhập đều như hư không thì cả xóm làng đều hoang vắng, cũng giống như ở hang núi vậy chứ không có gì. Trọng tâm của người tu là phải thấy, phải biết đạo đúng như thật, thì sự tu hành mới dễ dàng, ở đâu tu cũng được. Nếu chưa thấy đạo, chưa biết đạo mà đòi chỗ này chỗ nọ thì chỉ là trở ngại, chỉ là sanh chuyện lôi thôi chứ không lợi gì.
Vả lại, đạo tánh chan hòa cùng khắp như hư không, vạn vật vốn chẳng hệ lụy, lòng chân từ bình đẳng thì thanh sắc nào chẳng phải đạo ư? Do vì kiến đảo hoặc sanh bèn thành luân chuyển vậy.
Nếu chúng ta nhận được đạo, tánh đạo chan hòa bủa khắp không có giới hạn thì còn gì mà hệ lụy! Khi lòng từ bi bình đẳng chân thật đối với tất cả pháp thì chỗ nào cũng là đạo, không có ngăn ngại. Ngược lại người kiến đảo hoặc sanh, tức là thấy không đúng lẽ thật nên mê hoặc sanh. Từ mê hoặc sanh bèn thành luân chuyển, đưa đẩy chúng ta trôi lăn trong sanh tử.
Nếu như biết rõ cảnh chẳng phải có thì trước mắt không gì chẳng phải là đạo tràng. Biết rõ vốn không, do đó chẳng duyên mà chiếu, viên dung pháp giới giải và hoặc nào khác, lấy hàm linh để biện lòng bi, dứt tưởng niệm để mà rõ trí.
Nếu chúng ta biết rõ tất cả cảnh ở trước mắt đều không thật thì nơi nào cũng là đạo tràng. Như vậy tự nhiên trí của mình chiếu soi, tất cả những nghi lầm, cố chấp đều sạch, lòng bi mẫn càng tăng trưởng, nơi nào trí tuệ cũng sáng rỡ rõ ràng.
Trí sanh thì pháp sẽ viên chiếu, lìa cảnh lấy gì quán bi? Bi trí lý hợp gồm thâu, trái chúng sanh thì lấy gì làm năng độ?
Nếu trí chúng ta đã phát thì chỗ nào cũng chiếu sáng tròn đầy. Ngay nơi cảnh, ngay nơi chúng sanh mà khởi lòng thương xót. Nếu trốn cảnh thì làm sao có lòng từ bi? Đã có lòng bi và trí tuệ đầy đủ thì rời chúng sanh làm sao chúng ta thể hiện lòng từ bi độ họ?
Lòng bi rộng lớn độ hết chúng sanh, chiếu tột cùng cảnh để trí viên mãn. Trí viên mãn thì lặng yên hay huyên náo đồng xem như nhau, lòng bi rộng lớn thì oán thân đều cứu cả.
Nếu người tu lòng bi rộng lớn thì cần đối diện với chúng sanh để khởi tâm đại bi độ họ. Nếu trí của mình sáng tột cùng thì cần đối cảnh để chiếu soi, còn trốn tránh thì làm sao thể hiện lòng từ bi, làm sao phát ra trí viên mãn. Trí viên mãn thì lặng yên hay huyên náo đồng xem như nhau, nếu chúng ta được trí tròn đầy thì chỗ ồn, chỗ yên đều không khác. Có lòng bi bình đẳng thì kẻ oán người thân đều cứu giúp. Thông thường thấy những người hiền lành gặp khổ chúng ta thương, thấy những kẻ hung dữ làm điều ác chúng ta giận. Nhưng khi lòng từ bi bình đẳng tràn đầy thì kẻ oán người thân đều xem như nhau. Thế mà có nhiều người nói người hiền lương mình thương là phải, còn kẻ hung dữ làm sao thương cho được! Lý do nào để mình thương người dữ? Chúng ta phải xét kỹ, nếu người hiền lương gặp khổ chúng ta thương, vì họ đã biết đạo đức, nhưng nghiệp trước họ còn, bây giờ chúng ta cứu giúp cho họ qua cái khổ. Còn người hung dữ, ác độc thì họa địa ngục luôn luôn ở trước mắt mà họ không hay không biết, có đáng thương không? Vì mê muội, họ sẽ khổ
mà không hay không biết cho nên mình thương. Có lòng từ bi quán xét như vậy thì kẻ dữ người hiền mình đều thương hết. Nếu có tâm bỉ thử thì ai hiền mình thương, ai dữ thì nói ráng chịu. Thật tình người dữ là vì chưa tỉnh giác, đang sống trong mê, nên mình khởi tâm thương họ.
Như vậy, đâu cần ở lâu trong hang núi mà theo chỗ tùy duyên. Huống chi pháp pháp rỗng rang dung hợp, tâm tâm tịch diệt vốn tự chẳng phải có, ai gượng gọi là không thì có sự huyên náo gì đáng gọi là huyên náo, có sự yên lặng nào đáng gọi là yên lặng.
Khi chúng ta tu biết rõ mỗi pháp tánh là không tịch, bởi tánh không nên duyên hợp mới thành muôn pháp, là tánh không thì có gì mà không hợp nhau. Nếu tâm lặng lẽ thanh tịnh thì đâu có gì là có, đâu có gì là không, đâu có gì là ồn, đâu có gì là yên lặng.
Như vậy đối cảnh chúng ta thấy rõ bản tánh nó là không, duyên hợp hư dối. Sống trong chỗ ồn náo mà tâm hằng thanh tịnh, thì có ồn náo nào làm chướng ngại chúng ta.
Nếu biết vật và ngã hợp nhất thì kia đây chẳng gì không phải là đạo tràng, đâu còn thuận theo sự huyên náo của nhân gian hay nhàn rỗi ở nơi hang núi.
Nếu mỗi người tự biết rõ vật và ngã, ta và muôn sự muôn vật hợp nhất thì kia đây chẳng gì không phải là đạo tràng. Ta và muôn vật không khác, không ngoài nhau, vì con người do duyên hợp tánh không, muôn vật cũng do duyên hợp tánh không. Do người và vật không hai, không khác, cho nên nơi nào cũng là đạo tràng, không phải tới chùa mới là đạo tràng, đâu còn thấy ở nhân gian ồn, ở hang núi là yên.
Do đó, bỏ động cầu tịnh là gông ghét cùm yêu, lìa oán cầu thân là cũi chán lồng ưa.
Thật là chí lý! Ghét chỗ động là ghét gông, ưa chỗ tịnh là ưa cùm, cho nên không ghét chỗ động cũng không ưa chỗ tịnh, đó là giải thoát.
Lìa oán cầu thân là cũi chán lồng ưa. Nếu chúng ta ghét người oán mà ưa người thân đó là chán cái cũi mà ưa cái lồng. Tâm còn ưa còn ghét, còn chán chỗ động cầu chỗ tịnh, đó là tự mình bị trói buộc trong gông cùm, lồng cũi.
Nếu có thể lặng lẽ nơi huyên náo thì chợ búa không đâu chẳng phải là chỗ ngồi yên.
Người khéo tu ngay nơi huyên náo mà tâm lặng lẽ thì chợ búa đều yên tịnh.
Cầu chỉ lỗi lầm, nhận lãnh lời dạy, oan trái do từ thiện hữu. Như vậy cướp đoạt hay hủy nhục đâu từng chẳng phải bổn sư ta, kêu la huyên náo không có gì chẳng phải tịch diệt.
Nếu chúng ta biết cầu người khác chỉ lỗi lầm cho mình, nhận lãnh những lời chỉ dạy thì oan trái do những người bạn lành mà có. Tại sao? Vì nếu ai bảo chúng ta là sai là quấy, chúng ta đều nhận để sửa, để tu, như vậy không có ai là người oán thù, mà ai cũng là bạn hữu. Những người làm nhục, quở trách mình đều là thầy mình hết, vì mình có điều dở điều xấu nên mới bị chê rầy, đó là cơ hội để mình sửa thành hay thành tốt. Người có tâm chịu nghe chịu sửa thì ai cũng là thầy mình. Thế nên ở nơi huyên náo cũng là nơi tịch diệt, không phải chạy trốn nơi nào.
Chúng ta có bệnh nặng là ham tu mà sợ bị rầy, tu mà được khen thì vui lắm, nếu bị chê thì chán nản, không muốn gặp người chê mình nữa. Nhưng xét kỹ lại, chúng ta có đúng chưa hay là quá nhiều thói hư tật xấu cần có người mài giũa, nếu không thì chừng nào hết? Chúng ta chấp nhận tu là phải chuyển đổi xấu dở thành hay tốt và viên mãn, phải chấp nhận rầy chê chỉ trích thì mới tiến được. Ai chê mình dở, ai chỉ trích mình sai, phải thấy đó là thầy của mình, đừng giận họ, đó là người tu.
Đa số Phật tử bây giờ nếu bị chỉ trích thì giận không đi chùa nữa. Được tán thán không tiếc lời thì siêng lắm, còn bị thầy trụ trì quở hoặc bị huynh đệ chê thì chắc không đi chùa nữa. Vậy chúng ta tu hay cầu người khen? Nếu cầu khen thì không phải là tu. Tu là chấp nhận sửa dở thành hay, nếu bị chỉ trích mà trốn luôn thì không phải là tu rồi. Chúng ta tự kiểm lại lòng mình đi chùa như vậy có đúng hay chưa? Nếu chưa thì phải chấp nhận để sửa. Tất cả rầy quở đều giúp cho mình tiến lên, nên đừng buồn, đừng giận, đó mới gọi là tu.
Cho nên biết diệu đạo không có hình mà vạn tượng chẳng trái với nó; chân như tịch diệt, các âm vang chẳng khác với tiếng. Mê thì kiến đảo hoặc sanh, ngộ thì không có trái thuận. Vắng lặng chẳng phải có, duyên hội thì sanh, núi Nga Nghi(13) chẳng phải không, do duyên tan mà có thể diệt, diệt đã chẳng phải diệt, lấy gì để diệt cái diệt; sanh đã chẳng phải sanh, lấy gì để sanh cái sanh. Sanh diệt đã không thì thật tướng thường trụ.
Diệu đạo không có hình mà vạn tượng chẳng trái với nó. Nếu biết đạo nhiệm mầu không có hình tướng mà vạn tượng không trái với nó, giống như hư không không hình tướng mà núi sông, đất liền đều không ngoài hư không.
Chân như tịch diệt, các âm vang chẳng khác với tiếng. Sống được với tâm chân thật lặng lẽ thì tiếng động, tiếng ồn cũng đều lặng lẽ. Chúng ta có thể hiểu lầm nói tâm mình lặng thì tất cả đều lặng theo, phải không? Thật ra tâm mình lặng nhưng tiếng ở ngoài vẫn có, mà tâm mình không dính, không duyên theo, chứ không phải tâm lặng thì tất cả đều lặng.
Mê thì kiến đảo hoặc sanh, ngộ thì không có trái thuận. Khi chúng ta mê thì kiến chấp điên đảo sanh ra đủ thứ sai lầm, nếu ngộ thì những gì trái thuận đều dung thông, không gì trở ngại.
Vắng lặng chẳng phải có, duyên hội thì sanh. Vắng lặng dường như không phải có nhưng duyên hợp thì sanh.
Núi Nga Nghi chẳng phải không, do duyên tan mà có thể diệt. Diệt đã chẳng phải diệt, lấy gì để diệt cái diệt. Nga Nghi tức là núi Cửu Nghi bên Trung Quốc, ngọn núi to như vậy chúng ta thấy có, nhưng khi hết duyên phải tan hoại thì cũng trở thành yên lặng, tịch diệt. Như vậy diệt cũng không phải thật thì đâu có gì diệt được cái diệt.
Sanh chẳng phải sanh lấy gì để sanh cái sanh. Sanh diệt đều tạm bợ hư dối không phải thật. Cho nên sanh không phải sanh, diệt không phải diệt, thì còn cái gì để gọi là diệt, để gọi là sanh.
Sanh diệt đã không thì thật tướng thường trụ. Nếu thấy sanh diệt bản chất không thật, đó là được thật tướng thường trụ không trái, không thuận.
Vì vậy, nước định mênh mông niệm trần nào chẳng bị tẩy sạch, đèn trí sáng ngời hoặc nào không bị trừ khử. Trái đó thì sáu nẻo tuần hoàn, hội đó thì ba đường ra khỏi. Như vậy sao chẳng đi thuyền tuệ rong chơi trên biển pháp, mà lại muốn đi xe gãy trục vào hang núi ư!
Được như vậy thì nước định mênh mông, tâm an định tràn khắp, tất cả uế trược của nội tâm đều tẩy sạch, trí tuệ sáng ngời có gì không trừ khử được. Nếu trái với nước định, trái với đèn trí thì đi trong sáu nẻo luân hồi, còn lãnh hội, thấu hiểu được thì đường đi trong tam giới không còn nữa. Nếu được như vậy thì chúng ta giong thuyền tuệ đi chơi trong biển pháp, tại sao lại đi xe gãy trục vào hang núi ở?
Cho nên biết vật loại lăng xăng, nhưng tánh chúng tự là một, nguồn linh lặng lặng chẳng chiếu mà biết.
Xét cho cùng các vật loại tuy hình dáng có lăng xăng nhưng đều là duyên hợp tạm có. Tánh chúng tự là một, là tánh không.
Nguồn linh lặng lặng chẳng chiếu mà biết. Tâm mình khi lặng lẽ thấy như không suy nghĩ, không tính toán mà hằng sáng hằng biết.
Thật tướng thiên chân, linh trí chẳng phải tạo, đối với người mê thì gọi là mất, đối với người ngộ thì gọi là được. Được mất tại người, đâu có quan hệ gì đến động tịnh, ví như người chưa biết đi thuyền mà muốn oán ghét dòng nước quanh co kia ư!
Tướng thiên chân là cái chân thật sẵn có gọi là linh trí, hằng tri hằng giác sáng suốt không phải tạo ra được. Đối với người mê thì gọi là mất, vì không thấy tánh đó, đối với người ngộ thì gọi là được, vì nhận ra tánh đó.
Thế nên được hay mất là tại người, đâu có quan hệ gì tới chỗ động tịnh. Chúng ta ở chỗ động mà nhận được thật tướng thiên chân của mình, đó gọi là được, còn dù ở non ở núi mà không nhận được, đó gọi là mất. Như vậy được và mất là do kẻ ngộ người mê, chứ không phải tại chỗ động hay tịnh. Cũng như người đi thuyền giỏi thì dù cho dòng nước quanh co cũng không chán không sợ, chỉ những người chưa biết bơi biết chèo thì mới chán mới sợ mà thôi.
Nếu có thể khéo biết huyền tông, tâm rỗng rang thầm khế hợp, động tịnh nói nín luôn là quy củ, lặng lẽ có chỗ quy về, điềm nhiên không gián cách. Như vậy mới có thể tiêu dao nơi hang núi, phóng khoáng chốn thôn trang, thong thả hình nghi, vắng lặng tâm phủ, điềm đạm bên trong, thâm trầm bên ngoài.
Nếu là người có thể khéo biết tông thiền mầu nhiệm đã có sẵn, đạt được lý thiền thì lặng lẽ trở về nguồn, điềm nhiên không xa cách đạo.
Như vậy mới có thể tiêu dao nơi hang núi, phóng khoáng chốn thôn trang. Người trở về với cái chân thật rồi thì mới thảnh thơi nơi hang núi và thong thả tự do chốn thôn trang.
Thong thả hình nghi, vắng lặng tâm phủ, điềm đạm bên trong, thâm trầm bên ngoài. Tướng mạo thong dong, tâm tự yên tịnh, bên trong điềm đạm, bên ngoài hiện tướng thâm trầm.
Với thân thì như bị câu thúc mà tâm thì tự tại thong dong, hiện hình dung chốn hoàn vũ, giấu u linh nơi pháp giới. Như vậy thì ứng cơ có cảm, thích nghi, không tiêu chuẩn nhất định.
Với thân thì như bị câu thúc mà tâm thì tự tại thong dong. Người sống đến chỗ chân thật thì trong ngoài đều được như như, nơi thân dường như bị câu thúc giới hạn, mà tâm thì tự tại thong dong.
Hiện hình dung chốn hoàn vũ, giấu u linh nơi pháp giới. Thân hiện giữa chỗ đông người, còn tâm lặng lẽ sáng suốt thì trùm khắp pháp giới.
Như vậy thì ứng cơ có cảm, thích nghi, không tiêu chuẩn nhất định. Gặp người hỏi đạo liền đáp ứng đúng nhu cầu làm cho mọi người dễ tỉnh, dễ giác. Người được như vậy thì tất cả hoạt động không có gì cố định, tùy duyên mà cảm, tùy duyên mà ứng không có gì trở ngại.
Thư viết sơ lược, ngoài ra làm sao trình bày cho hết được, nếu chẳng phải bạn đồng chí, đâu dám xúc phạm, lúc rảnh ngồi yên xin tạm suy nghĩ. Nếu tôi nói dối hay sai thì xem xong rồi cứ đốt.
Đồng bạn Huyền Giác
Kính bái
Đọc bức thư này chúng ta thấy ngài Huyền Giác tán thán hay phản đối ngài Huyền Lãng?
Tóm lược lại, tinh thần ưa chỗ vắng lặng, thích nơi u tịch núi rừng cũng là tốt, nhưng thiền sư Huyền Giác không đồng ý. Ngài nói muốn ở chỗ vắng thì trước phải thấy đạo. Thấy đạo rồi thì ở chỗ vắng hay chỗ động cũng không ngại gì, chưa thấy đạo mà ở chỗ vắng thì không có lợi, chỉ là gông cùm thôi. Ngoài ra với người học đạo trước phải chấp nhận mọi trui rèn mài giũa của thiện tri thức. Thiện tri thức là người thầy, người bạn tốt hay người oán thù chửi mắng mình cũng là thiện tri thức luôn. Bởi vì thầy lành bạn tốt ít có làm hay nói điều gì cho mình buồn, nên tật của mình khó bỏ lắm. Chỉ có người không ưa mình, khi gặp việc gì trái thì họ mắng tạt vào mặt, nhờ họ mà biết mình có tật xấu này tật xấu kia, vậy chính họ là những thiện tri thức hạng ưu chứ không phải hạng thường. Thế nên người tu là phải chấp nhận những bạn tốt thương mình. Bạn tốt thương ít thì khuyên răn, thương nhiều thì chửi mắng, vì thương nhiều nên không sợ phạm tội ác khẩu, dám hy sinh cho mình. Như vậy việc tu dễ chứ không khó, ai cũng là thiện tri thức. Người khen mình là thiện tri thức, chửi mình cũng là thiện tri thức, thì chỗ nào mà không có đạo. Nếu chỉ thích chỗ yên mà ghét chỗ ồn, thích gần người thân mà ghét người sơ, đó là bị gông bị cùm, chưa phải thong dong tự tại.
Người tu cốt là phải thấy đạo, thấy đạo rồi thì ở đâu cũng là đạo, còn tu mà không thấy đạo thì vào núi cũng không phải đạo. Nếu người trong tâm đã thấy đạo rồi thì biết thân ngũ uẩn là hư dối không ra gì, dung thông được với mọi người mọi cảnh, nên nơi nào chốn nào cũng là đạo. Như thế mới xứng đáng là người biết tiến thân trên đường giác ngộ.
Đây là thư răn nhắc rất hay. Người xưa dạy chúng ta làm sao cho đúng, chứ đừng hiểu sai, đừng làm sai có hại trên đường tu, không đi tới đâu.
CHƯƠNG X: VĂN PHÁT NGUYỆN
-
Cúi lạy viên mãn biến tri giác,
Tịch tịnh bình đẳng bản chân nguyên,
Tướng tốt trang nghiêm phi hữu vô,
Tuệ sáng soi khắp vi trần sát.
Đó là ngài lạy Phật, tán thán Phật là đấng tri giác tròn đầy cùng khắp, tâm tịch tịnh bình đẳng là nguồn chân, hiện ra tướng tốt trang nghiêm, không phải có cũng không phải không, trí tuệ sáng soi khắp các cõi như số bụi.
Cúi lạy trạm nhiên chân diệu giác,
Mười hai phần giáo rất sâu xa,
Phi văn, phi tự, phi ngôn thuyên,
Một âm tùy loại đều hiểu rõ.
Đó là lạy pháp, pháp của Phật là pháp trạm nhiên chân diệu giác, hiện ra cả thảy là mười hai phần giáo rất sâu xa, không phải chữ nghĩa, không phải lời nói. Nếu nhận được một lời một câu của Phật dạy thì tùy loại đều thấu suốt.
Cúi lạy thanh tịnh chư hiền thánh,
Mười phương hòa hợp thật chân tăng,
Giữ gìn giới cấm không trái phạm,
Cầm tích ôm bình lợi hàm linh.
Đó là lễ tăng. Ngài cúi lễ chư hiền thánh tăng ở khắp mười phương, sống trong pháp lục hòa, giữ gìn giới cấm không có phạm, ôm bình bát cầm tích trượng đi khất thực để làm lợi ích cho quần sanh.
Đó là mười hai câu, bốn câu đầu lễ Phật, bốn câu kế lễ pháp, bốn câu sau lễ tăng.
Noãn sanh, thai sanh và thấp hóa,
Hữu sắc, vô sắc, tưởng, phi tưởng,
Phi hữu phi vô tưởng, tạp loại,
Sáu nẻo luân hồi chẳng tạm dừng.
Nay con đảnh lễ quy Tam bảo,
Vì khắp chúng sanh phát đạo tâm,
Quần sanh trầm luân trong biển khổ,
Nguyện nhờ từ lực Phật Pháp Tăng.
Từ bi phương tiện trừ các khổ,
Chẳng bỏ nguyện rộng cứu hàm thức,
Hóa lực tự tại độ vô cùng,
Hằng sa chúng sanh thành Chánh giác.
Tất cả chúng sanh trong bốn loài noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, hoặc các loài hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng v.v... còn đang lăn lộn trong sáu nẻo luân hồi, bây giờ con xin đảnh lễ quy y Tam bảo. Vì khắp chúng sanh đó mà phát đạo tâm cầu nguyện, nhờ từ lực của Tam bảo dùng mọi phương tiện từ bi cứu độ quần sanh đang trầm luân trong biển khổ, khiến cho chúng sanh nhiều như số cát sông Hằng đều được thành Phật.
Nói kệ này xong, con lại đảnh lễ quy y trước mười phương ba đời tất cả chư Phật Pháp Tăng, cho con được nương nhờ sức Tam bảo chí tâm phát nguyện tu Vô thượng Bồ-đề, kể từ nay cho đến khi thành Chánh giác, khoảng giữa quyết định cần cầu không hề lui sụt. Khi chưa đắc đạo, thân không tật bệnh, thọ không yểu mạng, đến lúc lâm chung chẳng thấy tướng ác, không sự lo sợ, chẳng sanh điên đảo, thân không đau khổ, tâm chẳng tán loạn, chánh tuệ tỏ tường, chẳng qua trung ấm, chẳng vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, thủy lục không hành, thiên ma ngoại đạo, u minh quỷ thần, các thứ tạp hình thảy đều chẳng thọ.
Nếu chưa thành Phật còn trở lại thế gian này thì ngài nguyện “thân không tật bệnh, thọ không yểu mạng, đến lúc lâm chung chẳng thấy tướng ác, không sự lo sợ, chẳng sanh điên đảo, thân không đau khổ,
tâm chẳng tán loạn, chánh tuệ tỏ tường, chẳng qua trung ấm, chẳng vào địa ngục v.v...” Dù ngài đã ngộ nhưng chưa hết sanh tử, nên nguyện sanh vào chỗ tốt để đủ duyên giáo hóa mọi người.
Thường được thân người thông minh chánh trực, không sanh vào nước ác, chẳng gặp vua dữ, chẳng sanh biên địa, chẳng bị nghèo khổ, tôi trai tớ gái, thân hình người nữ, huỳnh môn hai căn, tóc vàng răng đen, ngu si tăm tối, xấu xí tật nguyền, đui mù câm điếc, hễ là các điều đáng chán thảy đều chẳng sanh.
Nguyện có sanh ra thì tránh những chỗ xấu để đủ duyên, đủ phước cứu giúp quần sanh.
Sanh ở trung quốc, trong nhà chánh tín, thường được thân nam, sáu căn đầy đủ, đoan chánh thơm tho, không các dơ uế, ý chí hòa nhã, thân an tâm tịnh, không tham sân si, ba độc dứt hẳn, chẳng tạo điều ác, hằng nghĩ việc lành. Chẳng làm vương thần, không làm sứ giả, không nguyện giàu sang, sống an cảnh nghèo, ít muốn biết đủ, chẳng tham cất chứa, cơm áo nuôi thân, chẳng trộm của người, chẳng giết chúng sanh, chẳng ăn thịt cá, yêu kính hàm thức như mình không khác.
Ngài nguyện được làm người đủ những điều kiện tốt để sớm thức tỉnh tu hành.
Tánh hạnh dịu dàng, chẳng vạch lỗi người, chẳng ca ngợi mình, chẳng tranh cùng người, oán thân bình đẳng, chẳng khởi phân biệt, chẳng sanh yêu ghét, chẳng muốn của người, của mình chẳng tiếc, chẳng thích xâm phạm, lòng luôn ngay thẳng, tâm không hung bạo, thường ưa nhún nhường, miệng không nói ác, tâm không dua dối, ba nghiệp trong sạch, ở chỗ an ổn, không các chướng nạn.
Chẳng muốn của người, của mình chẳng tiếc, tức là không tham của người và sẵn sàng bố thí.
Trộm cắp giặc cướp, pháp vua tù ngục, gông cùm xiềng xích, đao thương tên giáo, thú dữ độc trùng, té núi té sông, lửa cháy gió cuốn, sấm sét hãi hùng, cây gãy núi lở, rui mục nhà sập, giặc giã đáng sợ, đến gần vây quanh, bắt bớ trói buộc, vu oan hủy báng, ngang ngược câu thúc, phàm các tai nạn thảy đều chẳng thọ.
Ngài nguyện tất cả những tai nạn đều không gặp.
Ác quỷ tai bay, thiên hành độc lệ, tà ma vọng lượng ở biển ở sông, non cao núi lớn, các thần ở cây hễ có linh thiêng hoặc nghe tên tôi hoặc thấy hình tôi phát tâm Bồ-đề, che chở cho nhau, chẳng não hại nhau, ngày đêm an ổn, không sự kinh sợ.
Ngài nguyện tất cả loài yêu quái quỷ mị nghe tên ngài đều phát tâm lành cứu giúp người chứ không nên làm hại.
Bốn đại mạnh khỏe, sáu căn thanh tịnh, chẳng nhiễm sáu trần, tâm không loạn tưởng cũng không hôn trầm, chẳng sanh đoạn kiến, chẳng chấp có không, xa lìa các tướng, phụng thờ đức Phật. Chẳng theo kiến chấp, giải ngộ rõ ràng, đời đời tu tập chánh tuệ kiên cố, chẳng bị ma nhiếp. Đến lúc mạng chung an nhiên vui sướng, bỏ thân thọ thân, không có oán đối, tất cả chúng sanh đồng làm bạn tốt. Sanh ra chỗ nào gặp Phật nghe pháp, ấu niên xuất gia, làm tăng hòa hợp, thân luôn mặc áo ca-sa, thường ăn thức đựng trong bát, đạo tâm kiên cố, chẳng sanh kiêu mạn. Kính trọng Tam bảo, thường tu phạm hạnh, gần gũi minh sư, theo thiện tri thức, tin sâu chánh pháp, siêng hành lục độ, đọc tụng Đại thừa, hành đạo lễ bái. Hoa thơm quả ngọt, âm thanh tán tụng, đèn đuốc đền đài, non biển suối rừng, trên không dưới đất của thế gian này từ hạt bụi nhỏ đều đem cúng dường, gom góp công đức hồi hướng Bồ-đề. Suy tư liễu nghĩa, chỉ ưa nhàn tịnh, thanh tịnh lặng yên, chẳng thích huyên náo, chẳng ưa ở đông, thường sống một mình, tất cả không cầu, chuyên tâm định tuệ, sáu thông đầy đủ, hóa độ chúng sanh tùy theo ý nguyện tự tại vô ngại, vạn hạnh thành tựu tinh diệu vô cùng, chánh trực viên minh, chí thành Phật đạo.
Ngài nguyện được thân khỏe mạnh và duyên lành đầy đủ để giáo hóa chúng sanh.
Nguyện đem thiện căn này chan rải khắp mười phương, trên tột Hữu đảnh, dưới đến phong luân, trên trời trong người, thân trong sáu đường của tất cả hàm thức, tôi có công đức nào nguyện thí cho tất cả chúng sanh, tận vi trần kiếp chẳng bỏ một chúng sanh nào, tôi có bao nhiêu thiện căn đều xông ướp cho tất cả. Khổ não trong địa ngục, nam-mô Phật Pháp Tăng, xưng danh Phật Pháp Tăng, nguyện đều được giải thoát. Khổ não trong ngạ quỷ, nam-mô Phật Pháp Tăng, xưng danh Phật Pháp Tăng, nguyện đều được giải thoát. Khổ não trong súc sanh, nam-mô Phật Pháp Tăng, xưng danh Phật Pháp Tăng, nguyện đều được giải thoát. Thiên nhân a-tu-la, hằng hà sa loài hàm thức, tám khổ thường thiêu đốt, nam-mô Phật Pháp Tăng, do thiện căn của tôi đều thoát khỏi ràng buộc.
Ngài nguyện tất cả công đức của ngài đều hồi hướng cho tất cả chúng sanh, dù ở trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh đều phát tâm niệm Tam bảo liền được giải thoát.
Nam-mô Tam thế Phật,
Nam-mô Tu-đa-la,
Bồ-tát, Thanh văn Tăng,
Thánh chúng như vi trần.
Chẳng bỏ lòng từ bi,
Nhiếp thọ loài quần sanh,
Hàm thức khắp hư không,
Quy y Phật Pháp Tăng.
Lìa khổ thoát tam đồ,
Mau được siêu tam giới,
Đều phát tâm Bồ-đề,
Ngày đêm hành Bát-nhã.
Đời đời siêng tinh tấn,
Như cứu lửa cháy đầu,
Lúc đắc đạo Bồ-đề,
Thệ nguyện độ tất cả.
Tôi hành đạo lễ bái,
Tôi tụng kinh niệm Phật,
Tôi tu giới định tuệ,
Nam-mô Phật Pháp Tăng.
Nguyện khắp các chúng sanh,
Thảy đều thành Phật đạo,
Tôi cùng các hàm thức,
Kiên cố cầu Bồ-đề.
Đảnh lễ Phật Pháp Tăng,
Nguyện sớm thành Chánh giác.
Ngài Huyền Giác là vị thiền sư đã ngộ đạo mà hết lòng chí thành nguyện cho đời sau ra đời tránh được những duyên xấu ác, gặp những duyên lành để tiếp tục giáo hóa và làm lợi ích cho chúng sanh. Kế đó ngài nguyện cho tất cả chúng sanh trong lục đạo luân hồi, cả trong tam giới đều nhờ ân Tam bảo độ trì thoát khỏi tất cả nghiệp khổ, sanh vào tất cả cõi lành.
Cái nhìn của thiền sư Huyền Giác rất hợp đạo lý. Khi ngài tới với Lục Tổ chỉ có một ngày nói chuyện rồi ngộ đạo, ở lại một đêm, hôm sau từ giã ra đi, cho nên Lục Tổ hay người sau thường gọi ngài là Nhất túc giác. Chỗ giác ngộ của ngài ban đầu là do kinh Duy-ma-cật rồi sau được sự chứng minh của Lục Tổ. Như vậy chỗ tu chứng của ngài rất thâm hậu, ngài đã nắm vững đường lối của Thiền tông, và đồng thời thâm nhập được kinh điển, giáo và thiền phối hợp cho nên đường lối chỉ dạy của ngài rất chí lý, có thứ bậc rành rẽ, người học dễ hiểu, dễ ứng dụng tu. Tất cả người xuất gia hay tại gia nếu thâm nhập được lời dạy của ngài thì dễ đạt đạo.
Thoạt đầu ngài chỉ thẳng cho chúng ta về “tánh Không” của các pháp, vì ngài ngộ được giáo lý tánh Không trong hệ Bát-nhã. Từ tánh Không duyên hợp mà có các pháp, cho nên là giả có. Tánh Không duyên hợp giả có là một chân lý chứ không phải là suy tư, là nghĩ tưởng. Thấy rõ được các pháp tánh Không, duyên hợp giả có, chúng ta sẽ thực hiện được hai điều:
Đạt được lý tánh Không đó là trí tuệ, khởi tâm từ bi thương chúng sanh mê lầm đó là đại bi. Chúng ta ứng dụng trí tuệ và đại bi thì tu ở đâu cũng tốt hết. Ở thành thị thì tùy duyên làm lợi ích cho chúng sanh,
ở núi rừng tùy cảnh mà tâm được thanh tịnh, ở đâu cũng hợp vì thấy được đạo. Thế nên người tu cốt làm sao mở sáng trí tuệ, thấy đúng như thật rồi từ đó về sau mọi việc làm đều hợp đạo.
Nếu chúng ta không thấy được như thật thì làm việc đạo một thời gian rồi biến thành không phải đạo. Đây là chỗ hết sức quan trọng. Cho nên người biết tu là phải biết đạo, chưa biết đạo mà đòi tu thì không biết tu cái gì, tu sai lầm. Từ tu sai lầm đưa tới hệ quả là phải trầm luân, mình trầm luân đã đành, còn dẫn dắt người trầm luân theo, đó là tội lỗi. Vì thế người tu mang một trách nhiệm rất nặng, lo cho mình rồi cũng phải lo cho người, giúp mình rồi cũng phải giúp người, chứ không phải tu là chỉ lo cho mình thôi.
Nếu mình tu sai thì đã không lợi mình mà dạy người thì lại hại người. Đó còn nguy hiểm hơn là người chưa biết tu. Thế nên ngài nhắc tới nhắc lui bảo chúng ta phải thức tỉnh, phải thấy rõ được lẽ thật để tự mình giải khổ cho mình và cứu khổ cho chúng sanh. Như thế chúng ta mới xứng đáng là người học đạo, là người tu, là đệ tử Phật.
Các bài mới
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 8: Chương VIII: Sự Lý Không Hai - 15/03/2024
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 7: Chương VII: Cấp Bậc Lần Lượt Của Ba Thừa - 14/02/2024
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 6: Chương VI: Bài Tụng Về Ưu-tất-xoa (Thiền) - 09/12/2023
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 5: Chương V: Bài Tụng Về Tỳ-Bà-Xá_Na ( Quán) - 14/11/2023
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 4: Chương IV: Bài Tụng Về Xa-ma-tha (Chỉ) - 06/11/2023
Các bài đã đăng
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 3: Chương II: Răn Ý Kiêu Sa; Chương III: Tịnh Tu Ba Nghiệp - 23/10/2023
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập Giảng Giải - Phần 2: Chương I: Nghi Thức Lập Chí Mộ Đạo - 28/09/2023
- Thiền Tông Vĩnh Gia Tập giảng giải - Phần 1: Lời Tựa và Tiểu Dẫn - 20/09/2023
- Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 08) - 07/09/2023
- Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Giảng Giải (Phần 07) - 25/07/2023
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 05058
- Online: 23