Thiền tông với các Kinh điển đại thừa
01/10/2016 | Lượt xem: 5952
V. THIỀN TÔNG VỚI CÁC KINH ĐẠI THỪA.
Thiền là tâm của Phật, kinh là miệng của Phật. Đức Phật tâm miệng tương ưng, cho nên đem kinh đối chiếu với Thiền là một cuộc tao phùng kỳ thú. Kinh Đại thừa quá nhiều, ở đây chúng tôi chỉ đơn cử năm ba bộ, thường được Phật tử đọc tụng và hiểu biết. Mỗi bộ chúng tôi chia: liên hệ Thiền sử, chủ đích, đối chiếu chi tiết và toát yếu toàn bộ.
-
A. KINH LĂNG-GIÀ.
-
1. Liên hệ Thiền sử:
Tổ Bồ-đề-đạt-ma sau khi truyền y bát cho Tổ Huệ Khả, Ngài còn trao cho bốn quyển kinh Lăng-già để làm tâm ấn. Cho nên kinh Lăng-già trong nhà Thiền được coi là một bộ kinh để tâm ấn.
2. Chủ đích:
Câu: “dĩ tâm vi tông, dĩ vô môn vi pháp môn” của kinh Lăng-già đã nói lên chủ đích của kinh này rồi. “Lấy tâm làm chủ, lấy cửa không làm cửa pháp” là toát yếu toàn thể bộ kinh. Cửa vào của kinh Lăng-già là Trí tuệ Bát-nhã thấy các pháp như huyễn, cứu kính của kinh là nhận ra Bản tâm chân thật. Câu này cũng là tông chỉ của Thiền tông. Chúng ta nghe bài kệ của Bồ-tát Đại Huệ tán thán Phật trong phần Tự:
Thế gian lìa sanh diệt
Ví như hoa hư không
Trí chẳng thấy có, không
Mà khởi tâm đại bi.
Tất cả pháp như huyễn
Xa lìa nơi tâm thức
Trí chẳng thấy có, không
Mà khởi tâm đại bi.
Xa lìa chấp đoạn, thường
Thế gian hằng như mộng
Trí chẳng thấy có, không
Mà khởi tâm đại bi.
Biết nhân, pháp vô ngã
Phiền não và sở tri
Thường thanh tịnh không tướng
Mà khởi tâm đại bi.
Tất cả không Niết-bàn
Không Niết-bàn của Phật
Không có Phật niết-bàn
Xa lìa giác, sở giác
Hoặc có, hoặc không có
Cả hai thảy đều lìa.
Quán Mâu-ni tịch tĩnh
Thế là xa lìa sanh
Ấy gọi là chẳng thủ
Đời này đời sau tịnh.Trong bài tán Phật này, thấy rõ chủ yếu của kinh Lăng-già. Bốn câu đầu, thấy thế gian này chẳng thật có sanh, chẳng thật có diệt, ví như hoa đốm trong hư không, trí Bát-nhã chẳng kẹt nơi có nơi không mà khởi tâm đại bi. Bốn câu kế, thấy tất cả pháp như huyễn, nên xa lìa vọng thức phân biệt, trí Bát-nhã chẳng dính vào có và không, mà khởi tâm đại bi. Bốn câu tiếp, thấy thế gian như mộng chẳng thật, phá được cái chấp đoạn kiến và thường kiến, trí Bát-nhã chẳng mắc có và không, mà khởi tâm đại bi. Bốn câu kế, thấy người vô ngã, pháp vô ngã, nên phiền não chướng và sở tri chướng thường được thanh tịnh không dấy khởi, mà phát tâm đại bi. Sáu câu tiếp, không thấy thật có Niết-bàn thì đâu có Niết-bàn của Phật, cũng không thấy Phật vào Niết-bàn, tức là lìa được chấp có Phật năng giác và Niết-bàn sở giác, tất cả cái chấp hai bên thảy đều lìa. Bốn câu chót, phải nhận ra Pháp thân tịch tĩnh, là xa lìa sanh tử, đó gọi là không chấp, muôn đời được thanh tịnh.
Suốt bài kệ có hai mươi bốn câu, hai mươi hai câu trên là chỉ thẳng cửa Không, bốn câu chót chỉ ra Tâm thể. Mâu-ni tịch tĩnh là chỉ Phật pháp thân, Pháp thân này nằm sẵn trong chúng sanh, gọi là Chân tâm hay Phật tánh. Đối chiếu với Thiền tông thì hai mươi hai câu trên nằm trong hai phần giác ngộ hạ và trung, “vô ngã” và “vô niệm”, bốn câu sau là phần giác ngộ thượng “tri hữu”. Tóm lại, kinh Lăng-già và Thiền tông đã đồng hóa nhau, chủ đích kinh Lăng-già là chủ đích Thiền tông, không còn gì phải so sánh đối chiếu.
3. Đối chứng chi tiết:
Qua một trăm lẻ tám câu hỏi của Bồ-tát Đại Huệ, đức Phật chỉ trả lời bằng một chữ “phi” hay chữ “bất”. Để rõ ràng câu trả lời Phật lặp lại câu hỏi rồi đặt vào một chữ “phi” đáp cho tất cả. Cũng thế, Thiền sư Vô Nghiệp khi có Thiền khách đến hỏi bất cứ câu gì, Ngài cũng trả lời bằng câu: “Chớ vọng tưởng”. Hơn nữa Thiền sư Vân Môn, mỗi khi đáp câu hỏi của người, Ngài thường dùng một chữ hoặc “cố” hoặc “giám” hoặc “di”.
Đến phần “chỉ Phật giác tự chứng, không thể nói bày”, Phật toát yếu bằng bài tụng:
Ta đêm ấy thành đạo
Đến đêm ấy niết-bàn
Ở trong khoảng giữa này
Ta trọn không có nói
Duyên tự đắc pháp trụ
Nên ta nói thế ấy
Phật kia cùng với ta
Thảy không có sai biệt.Trong chỗ tự chứng không thể nói ra được, có nói ra đều không đúng sự thật. Pháp thân không có tướng mạo, không có danh tự, dùng danh tự diễn tả, mượn tướng mạo so sánh, đều trái với Tự thể. Cho nên đức Phật nói: “Từ khi thành đạo đến nhập Niết-bàn, trong khoảng giữa chưa từng nói một câu.” Chỗ không nói một câu đó, để chỉ Pháp thể tự chứng ngoài ngôn ngữ văn tự. Có vị Tăng đến hỏi Thiền sư Bảo Triệt: “Thế nào là đại ý Phật pháp?” Sư lặng thinh. Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền đến hỏi Hoàng Bá: “Thế nào là đại ý Phật pháp?” Hoàng Bá liền đánh. Lâm Tế ba phen hỏi là ba phen ăn đòn. Đến đây chúng ta thấy yếu chỉ Phật, Thiền sư nào có khác nhau. Trên phương tiện, Phật còn dùng lời, Thiền sư chỉ im lặng hoặc đánh, đều thầm chỉ cái phi ngôn ngữ ấy.
Đoạn nói về Thuyết và Tông, đức Phật kết thúc bằng bốn câu tụng:
Ta nói hai thứ thông
Tông thông và ngôn thuyết
Thuyết là dạy đồng mông
Tông vì người tu hành.Thuyết là giáo, tông là thiền; hoặc thuyết là lời nói, tông là tâm. Ở đây Phật đã nói rõ, người sơ cơ Ngài dùng thuyết để dạy họ, người đạt đạo tu hành Ngài dùng tông chỉ cho họ. Thế thì Giáo và Thiền ở trong kinh Lăng-già này, chúng ta thấy hệ trọng dường nào.
Đoạn chỉ Như Lai chẳng sanh chẳng diệt, không đồng với ngoại đạo, phần kết đức Phật nói tụng, đoạn chót của tụng:
Như thầy trị các bệnh
Không có bao nhiêu luận
Vì bệnh có sai biệt
Nên lập các thứ trị
Ta vì chúng sanh kia
Phá hoại các phiền não
Biết căn kia hơn kém
Vì nói độ môn kia
Phi gốc phiền não khác
Mà có các thứ pháp
Chỉ nói pháp Nhất thừa
Ấy tức là Đại thừa.Phật không lập một pháp cố định nào hết, chỉ vì bệnh phiền não của chúng sanh có nhiều thứ, tạm bày các độ môn khác nhau. Như ông thầy thuốc, chỉ tùy bệnh nhân mà cho nhiều toa thuốc khác nhau. Đến tột cùng gốc của phiền não không có nhiều thứ, chỉ một cái mê thôi, nên Phật cũng chỉ dạy một thừa là Đại thừa hay giác ngộ. Thiền sư Đức Sơn thượng đường nói: “Tông ta không ngữ cú, không một pháp dạy người.” Thiền sư Lâm Tế nói: “Ta không có một pháp để chỉ dạy người, cốt vì họ nhổ đinh tháo chốt thôi.” Thế thì, chúng ta thấy Phật và Thiền sư chỗ dạy nào có khác nhau.
4. Toát yếu toàn bộ:
Nội dung kinh Lăng-già, đức Phật tạm dựng lập: tám thức, năm pháp, ba tự tánh, hai vô ngã… Trước giải thích tám thức: 1. Nhãn thức, 2. Nhĩ thức, 3. Thiệt thức, 4. Tỹ thức, 5. Thân thức, 6. Ý thức, 7. Ý căn, 8. Tàng thức. Để thấy rõ ý nghĩa của tám thức, chúng ta hãy nghe bài tụng đức Phật trùng tuyên:
Ví như sóng biển cả
Đây do gió mạnh thổi
Sóng to vỗ biển rộng
Không có khi đoạn dứt
Biển tàng thức thường trụ
Gió cảnh giới nổi dậy
Lớp lớp các sóng thức
Ào ạt mà chuyển sanh.
Các thứ sắc xanh đỏ
Kha, sữa và đường phèn
Vị lạt các hoa quả
Nhật nguyệt cùng ánh sáng
Chẳng khác không chẳng khác
Nước biển nổi sóng mòi
Bảy thức cũng như vậy
Tâm cùng hòa hợp sanh
Ví như nước biển đổi
Lớp lớp sóng mòi chuyển
Bảy thức cũng như vậy
Tâm cùng hòa hợp sanh.
Là chỗ tàng thức kia
Bao nhiêu các thứ chuyển
Là do ý thức kia
Suy nghĩ nghĩa các tướng
Tướng chẳng hoại có tám
Vô tướng cũng vô tướng
Ví như biển sóng mòi
Thế là không sai biệt
Các thức tâm như thế
Khác cũng không thể được.
Tâm tên gom góp nghiệp
Ý tên rộng gom góp
Các thức, thức sở thức
Cảnh hiện thấy nói năm.Tám câu kệ đầu, Phật nói nguyên nhân có thức dấy khởi tương tục. Biển cả dụ tàng thức, gió mạnh dụ trần cảnh, sóng to vỗ dụ cả bảy thức. Biển tàng thức nguyên không có sóng, do ý thức duyên theo trần cảnh nên sóng bảy thức đều nổi dậy tiếp tục không dứt. Biển tàng thức là thường trụ, sóng bảy thức nổi dậy lớp lớp khác nhau ào ạt, dấy động là vô thường.
Mười hai câu kệ kế, bốn câu trước nói tên các trần cảnh, tám câu sau nói tuy có cảnh, thức dường như khác nhau, song vẫn không khác nhau, vì cùng tàng thức hòa hợp sanh. Ví như các lượn sóng khác nhau, mà đồng một thể nước.
Bốn câu tiếp nói, tàng thức là biển chứa các sóng thức, gốc tại ý thức suy nghĩ phân biệt các tướng, nên các sóng thức kia nổi dậy.
Sáu câu tiếp nói, tám thức trên giả tướng thì hoại, mà trên Thật thể thì không hoại, vì đồng một thể từ tàng thức phát sanh. Ví như bao nhiêu lượn sóng trên mặt biển có khi nổi, khi lặn, tướng có to có nhỏ, song thể nước của các lượn sóng nào có khác nhau và có mất bao giờ.
Bốn câu kệ chót nói, tàng thức là gom chứa chủng tử các nghiệp, Ý căn mang chủng tử vào tàng thức nên rộng gom góp, các thức kia duyên theo năm trần cảnh là cái bị phân biệt.
Tóm lại, đức Phật phân chia làm tám thức là tùy tướng dụng riêng biệt của mỗi cái, Thật thể vẫn không khác nhau. Mọi sự dấy động ào ạt của sóng thức, đều do ý thức chạy theo phân biệt trần cảnh. Một khi ý thức dừng phân biệt, sóng bảy thức dừng lặng trở về mặt biển tàng thức trong veo, tướng bất sanh bất diệt hiện tiền. Thế là, thấy rõ trong tướng sanh diệt, có cái thể bất sanh diệt ngay nơi tám thức. Trở về thể bất sanh diệt gọi là Như Lai tàng.
Năm pháp tức là: danh, tướng, phân biệt (giác tưởng), chánh trí, như như. Bởi phân biệt danh và tướng nên tạo nghiệp thọ khổ trong sanh tử luân hồi. Biết rõ danh, tướng không thật, duyên hợp, như huyễn hóa, vọng tưởng phân biệt cũng hư giả, là chánh trí. Do chánh trí thấy rõ Thật tướng của danh, tướng và phân biệt, nên không duyên chấp, trở thành như như. Vì thế, danh, tướng và phân biệt là chiều mê; chánh trí, như như là lối giác. Phân biệt là động cơ chính của mê, chánh trí là động cơ chính của giác.
Ba tự tánh chính là: Biến kế sở chấp tánh, Y tha khởi tánh và Viên thành thật tánh. Biến kế sở chấp tánh là chạy theo danh tướng, bám chặt vào nó. Danh tướng không thật mà lầm chấp là thật, đeo đuổi mãi không thôi. Y tha khởi là biết danh tướng, do duyên hợp mà có, mỗi pháp đều không có tự tánh, phải nương pháp khác mới sanh khởi được. Bởi biết các pháp do duyên khởi nên dứt cái lầm chấp của biến kế, trở về Viên thành thật. Trong ba tánh, biến kế là chấp sai lầm, y tha thấy được duyên khởi, viên thành hoàn toàn chân thật. Chúng ta hãy nghe bài tụng của Phật, liên hệ cả năm pháp và ba tự tánh:
Danh, tướng giác tưởng
Chánh trí, như như
Tự tánh hai tướng
Ấy là thành tướng.Bài kệ này, hai câu trên chỉ cho năm pháp, hai câu dưới chỉ cho ba tự tánh. Ba tự tánh không lìa năm pháp, biến kế tương đương với giác tưởng, y tha tương đương với chánh trí, viên thành tương đương với như như. Biến kế sở chấp là chấp cái gì? - Tức là chấp danh, tướng. Y tha khởi là biết cái gì? - Cũng biết danh, tướng. Thế là năm pháp và ba tự tánh không rời nhau.
Hai vô ngã tức là: nhân vô ngã, pháp vô ngã. Nơi người không chấp thật ngã, nơi pháp không chấp thật ngã. Phá được hai thứ chấp ngã này, quả là người giác ngộ. Phật toát yếu hai vô ngã như sau:
Khéo biết hai vô ngã
Hằng lìa hai thứ tử
Ấy gọi tri giác Phật.Người khéo biết hai thứ vô ngã, tức lìa được hai chướng, phiền não và sở tri, dứt hẳn được hai thứ tử, phần đoạn và biến dịch. Thấy biết được như vậy là cái thấy biết của Phật.
Tóm lại bộ kinh Lăng-già là tâm ấn của Thiền gia, bao nhiêu lời kinh là bao nhiêu ý thiền, kinh và thiền còn chỗ nào không tương ưng nhau? Chỉ tại người tu thiền cũng như kẻ học kinh không nỗ lực nghiên cứu trở thành mờ mịt ấy thôi.
B. KINH KIM CANG.
1. Liên hệ Thiền sử:
Lục tổ Huệ Năng khi còn là cư sĩ, gánh củi vào nhà người mua, nghe nhà bên cạnh tụng kinh Kim Cang, Ngài liền có tỉnh. Sau đó Ngài đi xuất gia tìm đến Ngũ Tổ. Khi được Ngũ Tổ cho vào thất, cũng đem kinh Kim Cang giảng cho Ngài nghe. Nghe đến câu: “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài liền đại ngộ, được Ngũ Tổ truyền y bát và tiễn đi trong đêm ấy.
2. Chủ đích:
Chủ đích kinh Kim Cang chỉ nằm trong hai câu hỏi của Tôn giả Tu-bồ-đề: “Khi người nam lành, người nữ lành phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, làm sao an trụ? làm sao hàng phục tâm ấy?”
Đức Phật trả lời hàng phục tâm tóm lược bằng cách độ tất cả chúng sanh (vọng tưởng) vào Vô dư Niết-bàn, mà không thấy có chúng sanh (vọng tưởng) được diệt độ, vì không còn thấy có bốn tướng. Nói một cách dễ hiểu hơn, đưa tất cả vọng tưởng vào chỗ vô sanh, vì mọi chấp ngã đều sạch.
Phật trả lời về an trụ tâm rằng: “Bồ-tát nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thí. Nghĩa là không trụ sắc bố thí, không trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp bố thí.” Nói một cách dễ hiểu, Bồ-tát nên buông xả, không dính mắc, buông xả sáu trần không dính mắc tướng. Chữ bố thí là buông xả, chữ trụ là dính mắc.
Thế là, người phát tâm cầu thành Phật, muốn hàng phục và an trụ, cần phải đưa tất cả vọng tưởng vào vô sanh, buông xả sáu trần không dính mắc tướng. Tóm lại, ngoài không dính mắc năm trần, trong không theo vọng tưởng, đó là hàng phục tâm và an trụ tâm. Thế thì, chủ đích kinh Kim Cang với chủ đích Thiền tông nào có khác. Người tu thiền muốn được hằng sống với Tánh giác thì trong không theo vọng tưởng, ngoài không mắc năm trần. Bởi lẽ đó, Lục Tổ nghe đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” liền ngộ đạo.
3. Đối chứng chi tiết:
Trong phần mười bảy “Cứu kính vô ngã”, có đoạn Phật bảo Tôn giả Tu-bồ-đề: “Này Tu-bồ-đề! Thật không có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề! Nếu có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì Phật Nhiên Đăng không thọ ký cho ta…” Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn thượng đường, có vị Tăng hỏi: “Hòa thượng ở chỗ Đức Sơn (thầy của Tuyết Phong) được pháp gì về đây dạy chúng?” Tuyết Phong đáp: “Ta khi xưa đi tay không, về tay không.” Quả thật, nếu thấy có pháp sở đắc tức là có ngã nhân rồi. Thế nên, chỗ thấy của Thiền sư nào có khác chỗ thấy của Phật. Chẳng những không có pháp sở đắc, cũng không có pháp để nói.
Trong phần hai mươi mốt “Phi thuyết sở thuyết”, Phật bảo Tôn giả Tu-bồ-đề: “Này Tu-bồ-đề! Ông chớ nói Như Lai nghĩ thế này: ‘ta sẽ có pháp để nói’, chớ nghĩ thế ấy. Vì cớ sao? Nếu người nói Như Lai có pháp để nói, tức là phỉ báng Phật, không thể hiểu chỗ ta nói. Này Tu-bồ-đề! Nói pháp, không pháp để nói, ấy gọi là nói pháp…” Đây thật phù hợp với tinh thần Thiền tông, không thấy có một pháp để cho người, song hằng thượng đường thuyết pháp.
Phần thứ hai mươi sáu “Pháp thân phi tướng”, Phật hỏi Tôn giả Tu-bồ-đề: “Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao, có thể do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai chăng?” Tu-bồ-đề thưa: “Như thế, như thế, do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai.” Phật bảo: “Này Tu-bồ-đề! Nếu do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai thì vua Chuyển Luân tức là Như Lai…” Như Lai ở đây là Pháp thân Phật. Nếu người chấp vào thân có đủ ba mươi hai tướng cho là thân Phật thì vua Chuyển Luân có đủ ba mươi hai tướng, ắt là Phật rồi sao? Chính kinh Kim Cang Phật nói rõ Phật là Tánh giác, chớ không phải thân xác thịt. Thế là kinh này với cái nhìn của Thiền tông về đức Phật nào có khác nhau.
4. Toát yếu toàn bộ:
Toàn bộ kinh Kim Cang chỉ gọn ghẽ nằm trong hai câu hỏi của Tôn giả Tu-bồ-đề, bằng một điệp khúc “hàng phục tâm và an trụ tâm”. Chúng ta muốn thấy rõ ý trả lời của Phật có thể đúc kết trong hai bài kệ này. Chúng ta sắp ngược thứ tự để thấy ý rõ hơn:
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán.Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bóng, bọt
Như sương cũng như điện
Nên khởi quán như thế.Phật dạy chúng ta nên khởi quán tất cả pháp hữu vi như giấc mộng huyễn hóa, hòn bọt, cái bóng, sương mù, điện chớp. Pháp hữu vi là những cái có hình tướng, có động tác, tóm lại là sáu trần bên ngoài, sáu căn nơi thân và sáu thức bên trong. Nếu chúng ta thấy căn, trần, thức đều là mộng huyễn… thì phá được cái ngu si chấp ngã nơi thân, chấp ngã trong tâm và chấp pháp bên ngoài. Dùng Trí tuệ Bát-nhã hằng soi sáng như vậy tức là đã vào cửa Thiền tông.
Bài kệ tiếp:
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.Nếu do sắc thấy ta
Do âm thanh cầu ta
Người ấy hành đạo tà
Không thể thấy Như Lai.Phật nói kinh là vì chúng sanh chớ không vì Phật. Chữ Như Lai ở đây là chỉ Pháp thân Phật, chính là Tánh giác sẵn có nơi mọi chúng sanh. Nếu chạy theo sắc tướng thanh âm mà cầu Phật, tức là cầu Phật ngoài tâm. Ngoài tâm cầu Phật là ngoại đạo, nên nói: “Người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai.” Phật muốn chỉ thẳng cho chúng ta thấy Phật là Tánh giác thường hằng của mọi người. Đức Thích-ca do ngộ Tánh giác ấy được thành Phật. Mọi người chúng ta muốn cầu Phật phải xoay lại Tánh giác của chính mình liền thấy Phật. Chạy theo Phật bằng hình sắc, thanh âm là Phật bên ngoài, Phật sanh diệt. Đã sanh diệt là vô thường, còn bị vô thường tức còn luân hồi, làm sao giác ngộ giải thoát mà gọi là Phật. Chỉ có Pháp thân vô tướng, hằng giác, chẳng sanh chẳng diệt, Phật Thích-ca đã chứng được, chúng ta có cầu nên cầu thẳng nơi đó liền thấy Như Lai. Thấy Như Lai tức nhận được Tánh giác, sống với Ông chủ của chính mình, đây là chỗ giác ngộ cứu kính của nhà Thiền. Thế nên, Lục Tổ nghe đến đoạn “chẳng nên dính nơi sắc mà sanh tâm, chẳng nên dính thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm, nên không có chỗ dính mắc mà sanh tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác” (bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm) liền được thấy Pháp thân thanh tịnh của chính mình. Chỗ ngộ của Lục Tổ và bài kệ ngắn này, chúng ta thấy Phật dạy nào có khác. Chỉ vì chúng ta ngu mê ám chướng, nên lời Phật dạy tỏ rạng như ban ngày mà chúng ta đọc mờ mịt không hiểu, có khi hiểu lệch lạc, trở thành xuyên tạc Phật là khác. Chính vì thế, có người nghe bài kệ này rồi quở trách trong chùa tại sao còn thờ Phật tượng là sắc tướng, tại sao còn đánh chuông gõ mõ, tụng kinh là âm thanh, quả là hành đạo tà không thể thấy Phật. Thế rồi làm sao để thấy Phật đây? Họ lại mờ mịt không hiểu. Đó là xuyên tạc Phật. Nếu nhân Phật tượng để nhớ lại Tánh giác, nhân tụng kinh để dừng vọng niệm không chạy theo sáu trần, có lỗi gì?
Tóm lại, bài kệ trước là hàng phục tâm, bài kệ sau là an trụ tâm của Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi. Hai bài kệ đã đầy đủ ý nghĩa của toàn quyển kinh.
C. KINH LĂNG NGHIÊM.
1. Liên hệ Thiền sử:
a) Thiền sư Tông Nhất pháp danh Sư Bị ở Huyền Sa. Sư nhập thất quên mất sớm chiều, lại xem kinh Lăng Nghiêm phát minh tâm địa. Do đó Sư ứng đối lẹ làng cùng kinh điển phù hợp. Những vị huyền học ở các nơi chưa giải quyết nghi ngờ đều đến cầu Sư chỉ dạy.
b) Thiền sư Pháp Loa, Tổ thứ hai phái Trúc Lâm Việt Nam. Sư được Điều Ngự thu làm đệ tử, dạy Sư đến tham vấn Hòa thượng Tánh Giác ở Quỳnh Quán. Ở đây Sư tìm đủ cách thưa hỏi mà vẫn không khai ngộ. Sư tự đọc bộ kinh Lăng Nghiêm đến bảy chỗ hỏi tâm và đoạn dụ khách trần, xem đi xem lại nhiều lần, bỗng nhiên Sư có chỗ vào.
2. Chủ đích:
Chủ đích kinh Lăng Nghiêm, Phật cốt chỉ ra cho hội chúng biết mọi người đều có Tánh giác trong sáng, gọi là Tánh giác diệu minh hay Như Lai tạng hoặc Chân tâm. Tánh giác này phát sáng nơi sáu căn, nên nói: “Nhất tinh minh sanh lục hòa hợp.” Song chúng sanh quên Tánh giác này, chạy theo sáu căn, phân biệt sáu trần, nên bị luân hồi sanh tử. Muốn ngộ Tánh giác phải nương cái sáng từ sáu căn phát ra mà trở về. Đây là chân lý muôn đời của chư Phật. Cho nên chư Phật ở mười phương, nhiều như số vi trần, khác miệng đồng lời, bảo Tôn giả A-nan: “Lành thay A-nan! Ông muốn biết ‘câu sanh vô minh’, cái gốc khiến ông luân hồi sanh tử, chỉ là ‘sáu căn của ông’, không có gì khác. Ông muốn biết ‘Vô thượng Bồ-đề’, khiến ông chóng chứng an lạc giải thoát, tịch tịnh diệu thường, cũng chính là ‘sáu căn của ông’, không có vật nào khác.”
Sáu căn là gốc luân hồi, sáu căn cũng là gốc giải thoát, nguyên nhân tại sao sai biệt như vậy? Chúng ta hãy nghe Phật nói: “Tri kiến mà lập tri là gốc vô minh; tri kiến mà không kiến đây là Niết-bàn.” (Tri kiến lập tri tức vô minh bản, tri kiến vô kiến tư tức Niết-bàn.) Trong cái thấy biết, chạy theo phân biệt là gốc vô minh; trong cái thấy biết, không phân biệt là Niết-bàn. Đó là con đường trở về Tánh giác. Trong sáu căn, ở đây đặt nặng Tánh nghe nhiều hơn. Cho nên trong phần chọn lựa căn để tu, ngài Văn-thù có đoạn nói: “Đại chúng và A-nan! Bảo các ông xoay cơ quan nghe, trở lại nghe cái Tánh nghe, là thành đạo Vô thượng. Viên thông thật như thế, đây là con đường vào cửa Niết-bàn của chư Phật nhiều như số vi trần. Chư Phật đời quá khứ cũng từ cửa này thành tựu. Chư Bồ-tát hiện tại đều vào viên minh và những người tu học đời vị lai cũng y pháp như thế.”
Phật và Bồ-tát đều xác nhận “nghe lại Tánh nghe của mình” là con đường vào cửa Niết-bàn. Đây là lối tu trở về Tánh giác, do kinh này chủ trương. Tu như thế, tức là “Tự tánh thanh tịnh thiền” của Thiền tông.
3. Đối chứng chi tiết:
Chủ yếu của kinh Lăng Nghiêm là từ “nhất tinh minh sanh lục hòa hợp”. Thiền sư không nói danh từ kinh, song lúc nào cũng sống và thực hiện đúng như vậy. Chúng ta hãy nghe lời đối đáp của ngài Dược Sơn với Thiền sư Đàm Thạnh. Dược Sơn hỏi: “Ta nghe ngươi biết làm sư tử múa phải chăng?” Sư thưa: “Phải.” Dược Sơn hỏi: “Múa được mấy xuất?” Sư thưa: “Múa được sáu xuất.” Dược Sơn nói: “Ta cũng múa được.” Sư hỏi: “Hòa thượng múa được mấy xuất?” Dược Sơn đáp: “Ta múa được một xuất.” Sư nói: “Một tức sáu, sáu tức một.” Qua mấy câu đối đáp này, có thấy đạo lý gì đâu, tuy nhiên tràn trề đạo lý trong ấy.
Kinh Lăng Nghiêm đã dạy “sáu căn là gốc luân hồi, sáu căn cũng là gốc Niết-bàn”. Người muốn trở về Chân tánh, không có lối nào khác hơn là phải nương vào sáu căn. Thiền sư chỉ dạy lối này rất linh động và đơn giản: Thiền sư Huệ Tịch đến phiên chăn trâu dưới sườn núi, thấy một vị Tăng lên núi, không bao lâu lại xuống. Sư hỏi: “Thượng tọa sao không lưu lại trong núi?” Tăng nói: “Chỉ vì nhân duyên chẳng hợp.” Sư hỏi: “Có nhân duyên gì thử nói xem.” Tăng nói: “Hòa thượng hỏi tôi tên gì, tôi đáp Qui Chân. Hòa thượng hỏi Qui Chân ở đâu, tôi đáp không được.” Sư bảo: “Thượng tọa trở lên thưa với Hòa thượng, con nói được. Hòa thượng hỏi nói thế nào thì nên đáp trong mắt, trong tai, trong mũi…” Vị Tăng trở lại nói đúng như Sư dạy. Qui Sơn quở: “Kẻ nói suông vô ích, đây là lời bậc Thiện tri thức của năm trăm người.” Hỏi tên Qui Chân ở chỗ nào, chỉ thẳng trong mắt, tai, mũi… quả thật đã giải thích sáu căn là gốc Bồ-đề Niết-bàn vậy.
Thiền sư Thiệu Long đến tham vấn Viên Ngộ. Viên Ngộ dẫn một câu trong kinh Lăng Nghiêm nói: “kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến, kiến du ly kiến, kiến bất năng cập”, liền đưa tay lên hỏi: “Thấy không?” Sư thưa: “Thấy.” Viên Ngộ bảo: “Đầu lại thêm đầu.” Viên Ngộ hỏi tiếp: “Thấy cái gì?” Sư thưa: “Tre dày không ngại nước chảy qua.” (Trúc mật bất phòng lưu thủy quá.) Viên Ngộ gật đầu. Nguyên văn câu kinh đại khái nói: “Khi thấy được cái bị thấy, cái hay thấy chẳng phải là cái bị thấy, cái hay thấy vẫn xa rời cái bị thấy, cái bị thấy không thể theo kịp.” Thiền sư liền đưa tay hỏi: “Thấy không?” Thông thường ai cũng bảo là thấy. Nói thấy, Thiền sư bảo: “Đầu lại thêm đầu.” Tại sao? Nếu chỉ thấy khi cái tay đưa lên, lúc tay không đưa lên là chẳng thấy sao? Muốn nghiệm kỹ là người bị vật chuyển hay đã chuyển vật, Thiền sư hỏi: “Thấy cái gì?” Nếu là người bị vật chuyển như chúng ta, nhất định phải đáp: “Thấy cái tay.” Song Thiền sư lại đáp: “Tre dày không ngại nước chảy qua.” Tại sao thế? Bởi vì Thiền sư khi thấy vật vẫn không quên Tánh thấy của mình, như có tre mà nước vẫn chảy. Quả là người chuyển được vật, nên Viên Ngộ gật đầu. Thế là Thiền sư đã giải thích kinh và ứng dụng kinh một cách tài tình.
Lại một đoạn trong kinh:
Phật ở trong đại chúng đưa tay lên nắm lại xòe ra, nắm lại xòe ra, hỏi A-nan: “Nay ông thấy cái gì?” A-nan thưa: “Con thấy bàn tay trăm báu của Như Lai ở trong chúng xòe nắm.” Phật bảo A-nan: “Ông thấy tay ta ở trong chúng xòe nắm, hay cái thấy của ông có xòe nắm?” A-nan thưa: “Tay trăm báu của Thế Tôn ở trong chúng xòe nắm, con thấy tay Như Lai tự xòe nắm, chẳng phải Tánh thấy của con có xòe nắm.” Phật hỏi: “Cái nào động, cái nào tịnh?” A-nan thưa: “Tay Phật động, Tánh thấy của con còn không có tịnh, huống là động.” Phật khen: “Đúng thế.”
Thuật đưa tay lên để chỉ Tánh thấy, trong nhà thiền ứng dụng rất tinh vi mà không giải thích. Chẳng những đưa tay, hoặc dựng cây phất tử, hoặc đưa cây gậy, hoặc chiếc gối… Đây vài hình ảnh của Thiền sư chỉ Tánh thấy trong chớp nhoáng, người chậm lụt không sao thấy kịp: Thiền sư Tùng Chí ở Kim Phong, đứng trước chúng đưa chiếc gối lên bảo: “Tất cả người gọi là chiếc gối, Kim Phong nói chẳng phải.” Tăng thưa: “Chẳng biết Hòa thượng gọi là gì?” Sư cầm chiếc gối đưa lên. Tăng thưa: “Như thế thì y đó mà hành.” Sư hỏi: “Ngươi kêu là gì?” Tăng thưa: “Chiếc gối.” Sư nói: “Rơi trong hang Kim Phong.” Lại, Thiền sư Vân Môn đưa cây gậy lên trước chúng bảo: “Phàm phu gọi nó là thật, Nhị thừa phân tích gọi nó là không, Duyên giác gọi nó là huyễn có, Bồ-tát thì đương thể tức không, Thiền gia thì thấy cây gậy gọi là cây gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến.” Mọi người nghe thấy đều mắc kẹt ở những câu giải thích sau, ít ai thấy được cây gậy của Vân Môn. Cây gậy ấy chỉ là cây gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến. Đâu không phải câu giải thích của ngài A-nan “tay Phật động, Tánh thấy của con còn không có tịnh, huống là động”.
Một đoạn kinh:
Phật bảo La-hầu-la đánh một tiếng chuông, hỏi A-nan: “Hiện giờ ông có nghe chăng?” A-nan và đại chúng đồng thưa: “Chúng con nghe.” Tiếng chuông bặt dứt. Phật lại hỏi: “Hiện giờ các ông nghe chăng?” A-nan cùng đại chúng đồng thưa: “Chẳng nghe.” La-hầu-la lại đánh một tiếng chuông, Phật hỏi: “Hiện giờ các ông nghe chăng?” A-nan cùng đại chúng đáp: “Nghe.” Phật hỏi A-nan: “Ông tại sao nghe?” A-nan cùng đại chúng đồng bạch Phật: “Nếu đánh chuông có tiếng thì chúng con nghe, đánh lâu tiếng bặt âm vang dứt hết thì gọi không nghe…” Phật bảo: “Này A-nan! Tiếng bặt không còn âm vang, ông nói không nghe, nếu thật không nghe thì Tánh nghe đã diệt, giống như cây khô, lại đánh một tiếng chuông thì ông làm sao mà biết? Biết có biết không chính là thanh trần hoặc có hoặc không, đâu phải Tánh nghe kia là có là không. Nếu Tánh nghe thật không thì ai biết nó không? Thế nên, A-nan! Tiếng ở trong Tánh nghe tự có sanh diệt, chẳng phải Tánh nghe của ông do tiếng có tiếng không mà nó thành có thành không…”
Đoạn kinh này Phật chỉ Tánh nghe thật quá rõ ràng. Thiền sư cũng chỉ Tánh nghe mà rất ẩn mật. Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn đi tham vấn Thiền sư Đại Đồng Đầu Tử, từ giã ra về. Đầu Tử tiễn ra cửa, liền gọi: “Đạo giả!” Tuyết Phong ngoái đầu lại: “Dạ!” Đầu Tử bảo: “Đi đường vui vẻ.” Lại một Thiền sư cũng chỉ như thế. Có sứ thần đến viếng Thiền sư Đạo Minh (Trần Tôn Túc). Sứ thần hỏi: “Ba cửa đều mở, từ cửa nào vào?” Sư gọi: “Thượng thơ!” Sứ thần ứng thanh: “Dạ!” Sư bảo: “Từ cửa tín vào.” Sứ thần nhìn lên vách thấy tượng vẽ, hỏi: “Hai Tôn giả đối mặt luận việc gì?” Sư gõ cây cột nói: “Trong ba thân cái nào chẳng nói pháp?” Đây là những thuật dạy rất nhanh và rất kín của Thiền sư, muốn cho người hỏi ngộ được Tánh nghe mà không dùng lời giải thích.
Để thấy rõ kinh Lăng Nghiêm là chánh thống Thiền tông, chúng ta đọc bài kệ của Tôn giả A-nan, sau khi đốn ngộ, tán Phật:
Diệu trạm tổng trì bất động tôn
Thủ Lăng Nghiêm vương thế hi hữu
Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng
Bất lịch tăng-kỳ hoạch Pháp thân.Nguyện kim đắc quả thành Bảo vương
Hoàn độ như thị hằng sa chúng
Tương thử thâm tâm phụng trần sát
Thị tắc danh vi báo Phật ân.Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh
Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập
Như nhất chúng sanh vị thành Phật
Chung bất ư thử thủ nê-hoàn.Đại hùng đại lực đại từ bi
Hy cánh thẩm trừ vi tế hoặc
Linh ngã tảo đăng Vô thượng giác
Ư thập phương giới tọa đạo tràng.Thuấn-nhã-đa tánh khả tiêu vong
Thước-ca-ra tâm vô động chuyển.Đấng diệu trạm tổng trì bất động
Kinh Thủ Lăng Nghiêm đời ít có
Con sạch ức kiếp tưởng điên đảo
Chẳng trải tăng-kỳ được Pháp thân.Nay nguyện được thành quả Bảo vương
Trở lại độ như hằng sa chúng
Đem thâm tâm này thờ trần sát
Đây mới gọi là đáp Phật ân.Lại xin Thế Tôn vì chứng minh
Đời ác ngũ trược thề vào trước
Còn một chúng sanh chưa thành Phật
Con quyết nơi đây chẳng Niết-bàn.Đấng đại hùng đại lực đại từ bi
Mong lại xét trừ hoặc vi tế
Khiến con sớm được Vô thượng giác
Nơi cõi muời phương ngồi đạo tràng.Hư không dù có thể tiêu vong
Tâm kiên cố con không động chuyển.Bốn câu đầu, nhờ Phật pháp Ngài đốn ngộ, thấy Pháp thân. Bốn câu kế, Ngài nguyện được thành Phật, trở lại độ chúng sanh và phụng thờ chư Phật, ấy là đền ơn Phật. Bốn câu tiếp, cầu Phật chứng minh con xông vào đời ngũ trược này trước nhất để độ chúng sanh. Bốn câu kế, xin Phật xét kỹ trừ sạch hoặc vi tế cho con để con sớm được thành Phật. Hai câu sau, khẳng định dù hư không có tan nát, tâm kiên cố của con cũng chẳng động.
Thiền tông chủ trương kiến tánh khởi tu hay đốn ngộ tiệm tu. Trường hợp ngài A-nan quả đúng như thế. Trước nhờ Phật và pháp nên thấy được Pháp thân, đây là Kiến tánh. Thấy được Pháp thân rồi mới biết cách đền ơn Phật, biết thương xót chúng sanh, nên phát tâm đại bi. Song còn những thứ hoặc vi tế cần phải tiệm tu mới sạch. Sau cùng thệ quyết trên đường tu không còn thối chuyển. Quả là Thiền và Kinh hội ngộ trong bài kệ này.
4. Toát yếu toàn bộ:
Toàn bộ kinh Lăng Nghiêm, chúng tôi tóm lược chia thành hai phần chánh: “kiến tánh, khởi tu” hay “đốn ngộ, tiệm tu”. Trong hai phần này lại chia vài phần nhỏ. Kiến tánh: biết giả, nhận thật. Khởi tu: tu chánh, tu phụ và biết ma.
a) Kiến tánh hay đốn ngộ:
Kiến tánh tức là nhận ra được Pháp thân. Pháp thân chính là Bản thể chân thật của chúng sanh. Trước khi chỉ ra cái thật, đức Phật phá mọi lầm chấp những thứ hư giả.
Mở đầu vào cuộc đối thoại, đức Phật hỏi Tôn giả A-nan lý do gì đi xuất gia. Tôn giả A-nan thưa rằng: “Vì ưa thích thân ba mươi hai tướng tốt của Phật nên phát tâm xuất gia.” Phật hỏi A-nan: “Lấy cái gì thấy thân ba mươi hai tướng? Lấy cái gì ưa thích?” Tôn giả A-nan trả lời: “Do mắt thấy thân Phật, tâm sanh ưa thích.” Thế là bước vào bảy chỗ hỏi tâm, khiến Tôn giả A-nan đi đến tận cùng chỗ chấp, quả nhiên tâm ấy không thật. Kế Phật chỉ cảnh và thân là tướng dao động sanh diệt, mà Tánh thấy chưa bao giờ dao động. Từ đây Phật vừa phá chấp giả, đồng thời chỉ cái thật. Cái giả là thân và cảnh, cái thật là Tánh thấy. Cho đến “tám thứ trả về” (bát hoàn) cũng cốt chỉ tiền trần hư giả, Tánh thấy chân thật. Kể cả ngũ ấm, thập bát giới, thất đại đều là tướng hư giả, theo nghiệp ứng hiện, gốc từ Như Lai tạng lưu xuất. Như Lai tạng là Thể chân thật, ví như mặt trăng thật. Tánh thấy gần kề cái chân thật ấy, song chưa hoàn toàn thật, ví như mặt trăng thứ hai, do ấn con mắt thấy. Đến đây, Tôn giả A-nan nhận ra được Bản tánh, nói kệ trình bày sở ngộ.
b) Khởi tu hay tiệm tu:
Phần tu chánh, Phật chỉ rõ sáu căn là nhân luân hồi, sáu căn cũng là nhân giải thoát. Trong sáu căn chọn một căn viên thông, tu hành chóng thành đạo. Ví như cái khăn có sáu gút, một gút mở, sáu gút đồng thời xổ ra. Kế Phật bảo hai mươi lăm vị Thánh trình bày chỗ tu chứng của mình. Rốt sau Phật dạy Bồ-tát Văn-thù chọn lựa căn nào viên thông và phù hợp với cõi này. Bồ-tát Văn-thù chọn qua, sau cùng thừa nhận “nhĩ căn” là viên thông hơn cả. Đây là lối tu “Phản văn văn tự tánh” của Bồ-tát Quán Thế Âm. Yếu điểm tu hành của Bồ-tát Quán Thế Âm là: “Ban đầu ở trong cái nghe, vào dòng quên cái bị nghe. Chỗ vào đã lặng lẽ thì hai tướng động tịnh rõ ràng chẳng sanh. Như thế, tiến lên dần dần, cái hay nghe và bị nghe đều mất, cũng không trụ chỗ mất. Cái năng giác và sở giác không. Cái không giác hoàn toàn tròn, không và sở không đều diệt. Sanh diệt đã diệt thì tịch diệt hiện tiền.” Bồ-tát Văn-thù khuyến khích đại chúng và A-nan rằng: “Xoay cơ quan nghe của ông, trở lại nghe Tánh nghe của mình, thành tựu Tánh nghe là đạo Vô thượng. Viên thông thật như thế. Đây là con đường vào cửa Niết-bàn của chư Phật như số vi trần…”
Lối tu “Phản văn văn tự tánh” có lắm người hiểu sai lầm, tu không tiến, trở lại thành bệnh. Bởi vì cứ nghĩ rằng xoay cái nghe trở lại Tánh nghe của mình, rồi họ ngồi yên nghe trở lại trong hông ngực, lâu ngày thành thổ huyết. Chữ “phản” ở đây có nghĩa là ngược lại, thay vì từ thuở nào đến giờ, chúng ta thả xuôi cái nghe chạy theo âm thanh, có âm thanh là có nghe, không âm thanh cho là không nghe, quên mất Tánh nghe thường còn của mình. Nay đây, mỗi khi nghe âm thanh, chúng ta biết mình có Tánh nghe, bao nhiêu âm thanh liên tục bên tai, ta không chạy theo chúng, chỉ nhớ mình đang có Tánh nghe, nghe tất cả. Nhớ Tánh nghe là không nhớ thanh trần. Tánh nghe thì thường hằng, thanh trần vì động tịnh nên sanh diệt. Hằng nghe là giác tri, chính nó hiện tướng của Tánh giác. Sống với Tánh nghe là sống với hiện tướng của Tánh giác chân thật, nên gọi là con đường vào cửa Niết-bàn. Trọn ngày chúng ta đi đứng nằm ngồi có bao nhiêu âm thanh vang tai, chúng ta chỉ vui vẻ nhẹ nhàng nhớ mình có Tánh nghe đang nghe mọi âm thanh. Khi tọa thiền cũng thế, từ tiếng tích tắc đồng hồ, tiếng thằn lằn chặc lưỡi, tiếng gió rì rào bên ngoài…, chúng ta đều nghe, mà chỉ nhớ mình đang có Tánh nghe, chớ không chạy theo tiếng để phân biệt. Đây là thuật “Phản văn văn tự tánh”. Chẳng những nghe thôi, mà cả thấy, ngửi, nếm, xúc chạm đều có thể “phản văn” được hết. Đó là lối tu “Tự tánh thanh tịnh thiền” của Thiền tông. Sống với Tánh nghe của chúng ta, tức là trở về nguồn giác, nên gọi là “vào dòng” (nhập lưu). Hằng nhớ Tánh nghe thì lơ là với âm thanh, gọi là “quên cái bị nghe” (vong sở). Sống thuần thục với Tánh nghe rồi thì hai tướng động tịnh chẳng sanh. Cho đến năng giác sở giác đều không, mọi thứ đối đãi dứt bặt, chỉ còn một Tánh giác tịch tĩnh như như. Thế là đạt đạo viên mãn. Tuy nhiên như thế, cũng cần có phần trợ giúp mới chóng viên thành.
Phần tu phụ, chánh yếu là trở về Tánh giác, song nhờ có sự phụ trợ để vô minh vi tế chóng sạch. Trong kinh phần phụ dạy phải gìn giữ giới luật. Có giữ giới luật người tu thiền mới viên mãn quả giải thoát. Nếu tu thiền mà không có giới luật, tùy sự tu hành cao thấp, hoặc sanh làm quỉ thần, hoặc sanh vào các cõi trời. Tu thiền mà có giới luật là đi đúng đường của đức Phật dạy, sớm muộn gì cũng đến Phật quả.
Nếu người tu có nhiều ma chướng, Phật dạy có thể trì thần chú Lăng Nghiêm phụ giúp cho ma chướng chóng tiêu.
Biết ma: Sau cùng bộ kinh, Phật nói về Ngũ ấm ma. Người tu thiền vượt qua mỗi ấm có mười thứ ma làm chướng ngại. Ma ấy vốn từ sự tu hành dằn ép của Thiền giả mà phát hiện. Thiền giả khéo thấy những cảnh lạ, tự biết đừng chấp thì cảnh ấy đều là tốt, khởi chấp mình đã được đạo, chứng Thánh v.v… là rơi vào lưới của ma.
Tóm lại, đường lối tu hành trong kinh Lăng Nghiêm lấy Thiền làm căn bản. Song muốn tu thiền trước phải đốn ngộ sau mới tiệm tu. Quả nhiên kiến tánh khởi tu của Thiền cùng đốn ngộ tiệm tu của Kinh rõ ràng không có hai pháp.
D. KINH PHÁP HOA.
1. Liên hệ Thiền sử:
Vị Tăng Pháp Đạt ở Hồng Châu thường tụng kinh Pháp Hoa, đến lễ Lục tổ Huệ Năng mà đầu không sát đất. Tổ quở: “Lễ mà đầu không sát đất, chi bằng đừng lễ. Trong tâm ông ắt có một vật, chất chứa việc gì?” Pháp Đạt thưa: “Đã tụng được ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa.” Tổ bảo:
- Ông nếu tụng đến muôn bộ, đạt được ý kinh mà chẳng lấy làm hơn thì cùng ta sánh vai. Nay ông mang sự nghiệp này trọn chẳng biết lỗi, nghe ta nói kệ đây:
Lễ bản chiết mạn tràng
Đầu hề bất chí địa
Hữu ngã tội tức sanh
Vong công phước vô tỷ.Lễ vốn chặt cờ mạn
Sao đầu không sát đất
Có ngã tội liền sanh
Quên công phước khôn sánh.… Tổ bảo tiếp: “Nếu ông chỉ nhọc nhằn chấp tụng làm công khóa, nào khác con trâu lê nó yêu cái đuôi!” Pháp Đạt thưa: “Nếu vậy chỉ cần hiểu nghĩa, không nhọc gì phải tụng kinh chăng?” Tổ bảo:
- Kinh có lỗi gì, đâu có ngăn ông tụng? Chỉ vì mê ngộ tại người, tổn giảm hay lợi ích do mình, miệng tụng tâm hành tức là chuyển kinh, miệng tụng tâm chẳng hành tức là bị kinh chuyển. Nghe ta nói kệ:
Tâm mê Pháp Hoa chuyển
Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa
Tụng kinh cửu bất minh
Dữ nghĩa tác thù gia
Vô niệm, niệm tức chánh
Hữu niệm, niệm thành tà
Hữu vô câu bất kế
Trường ngự bạch ngưu xa.Tâm mê Pháp Hoa chuyển
Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa
Tụng kinh lâu chẳng rõ
Cùng nghĩa thành thù nhà
Không niệm, tụng tức chánh
Có niệm, tụng thành tà
Có không đều chẳng chấp
Hằng ngồi bạch ngưu xa.Pháp Đạt nghe kệ bỗng dưng rơi nước mắt, ngay câu nói đại ngộ, bạch Tổ: “Con từ trước đến nay thật chưa từng chuyển Pháp Hoa, mà bị Pháp Hoa chuyển…” Pháp Đạt nhờ chỉ dạy, vui mừng hớn hở, dùng kệ tán thán:
Kinh tụng tam thiên bộ
Tào Khê nhất cú vong
Vị minh xuất thế chỉ
Ninh yết lụy sanh cuồng
Dương lộc ngưu quyền thiết
Sơ trung hậu thiện dương
Thùy tri hỏa trạch nội
Nguyên thị pháp trung vương.Tụng kinh ba ngàn bộ
Tào Khê một câu quên
Chưa rõ chỉ xuất thế
Đâu hết nhiều đời cuồng
Dê, nai, trâu quyền lập
Bày đầu, giữa, sau lành
Ai biết trong nhà lửa
Nguyên là vua chánh pháp.Thiền sư Tỉnh Niệm thường tụng kinh Pháp Hoa nên thời nhân gọi là Niệm Pháp Hoa. Sư đến tham vấn Thiền sư Phong Huyệt, một hôm đứng hầu, Phong Huyệt rơi nước mắt, nói với Sư: “Bất hạnh! Đạo Lâm Tế đến ta sắp chìm lặng vậy.” Sư thưa: “Xem cả chúng này đâu không có người kế thừa Hòa thượng?” Phong Huyệt bảo: “Người thông minh thì nhiều, kẻ thấy tánh rất ít.” Sư thưa: “Như con, Hòa thượng xem thế nào?” Phong Huyệt bảo: “Ta tuy hi vọng ở ngươi đã lâu, vẫn ngại đắm mến kinh này không thể buông xả.” Sư thưa: “Việc này có thể làm được, mong nghe yếu chỉ.”
Phong Huyệt thượng đường, nhắc lại trong hội Linh Sơn, Thế Tôn dùng con mắt như hoa sen xanh nhìn xem đại chúng. Phong Huyệt hỏi: “Chính khi ấy hãy bảo nói cái gì? Nếu bảo chẳng nói mà nói, là chôn vùi Thánh trước. Hãy bảo nói cái gì?” Sư đứng dậy phủi áo ra đi. Phong Huyệt ném cây gậy trở về phương trượng. Thị giả chạy theo sau thưa: “Niệm Pháp Hoa vì sao chẳng đáp lời Hòa thượng?” Phong Huyệt nói: “Niệm Pháp Hoa đã hội.”
2. Chủ đích:
Phật nói kinh Pháp Hoa cốt chỉ bày cho tất cả chúng sanh cái Tri kiến Phật sẵn có của mình để họ ngộ nhập. Chính đó là một đại sự của tất cả chư Phật ra đời, không riêng gì một đức Phật Thích-ca. Tri kiến Phật tức là cái thấy biết Phật. Thấy biết theo vọng tưởng là thấy biết phàm phu. Thấy biết thuần tịnh bất động là thấy biết Phật. Cho nên trong phẩm Phương Tiện có đoạn Phật nói: “Pháp đó không phải suy lường phân biệt mà có thể hiểu, chỉ có các đức Phật mới biết được. Vì cớ sao? Vì chư Phật Thế Tôn chỉ do một đại sự nhân duyên mà hiện ra đời.” Tri kiến Phật là thấy biết không thuộc về cái ngã của thân, không thuộc về cái ngã của tâm (vọng tưởng), lại là thể của cả thân tâm. Người tu thiền nhận ra được thể ấy gọi là mở con mắt thứ ba. Con mắt này chẳng những làm thể của thân tâm mà còn bao trùm cả mười phương thế giới. Vì thế trong phẩm Tự, văn kinh có đoạn: “Bấy giờ đức Phật từ tướng lông trắng giữa chặng mày phóng luồng hào quang chiếu khắp một muôn tám ngàn cõi phương Đông, dưới chiếu đến địa ngục A-tỳ, trên thấu trời Sắc Cứu Kính…” Lông trắng giữa chặng mày là biểu trưng con mắt thứ ba hay là Tánh giác. Tánh giác này phát xuất khi nào thân an tâm định. Như trong phẩm Tự, văn đoạn trên: “Nói kinh này (Vô Lượng Nghĩa Giáo Bồ-tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm) xong, Phật ngồi xếp bằng nhập chánh định Vô lượng nghĩa xứ, thân tâm Phật đều không lay động.” Đây là hình ảnh chỉ Tri kiến Phật và vào Tri kiến Phật. Tri kiến là lối nói tắt, nói đủ là Kiến văn giác tri Phật. Bởi sáu căn đều là nơi biểu lộ của Tánh giác, kiến là mắt, văn là tai, giác gồm mũi, lưỡi và thân, tri là tâm hay thể của ý. Sáu cái đó hằng phát ánh sáng của Tánh giác. Người muốn trở về Tánh giác, nếu không nương sáu căn làm sao biết lối trở về. Vì thế nói Tri kiến Phật là gồm cả sáu căn hiển lộ Tánh giác của mình. Tánh giác này cũng gọi là Phật tuệ hay Phật thừa. Đó là chỗ cứu kính của Phật giác ngộ, cũng là chỗ cứu kính của Ngài dạy lại chúng sanh. Nếu Phật không dạy được chỗ này là Ngài còn san lận. Đây quả thật là chủ yếu của kinh này vậy.
3. Đối chứng chi tiết:
Kinh này tên là Diệu Pháp Liên Hoa. Diệu Pháp là Tri kiến Phật, Liên Hoa là hoa sen. Tri kiến Phật đầy đủ muôn dụng nên gọi là Diệu, tri kiến Phật vượt ngoài tầm suy tư hiểu biết của chúng sanh, gọi là Diệu. Tri kiến Phật gá nơi thân ô uế bất tịnh mà không nhiễm nhơ, dụ Hoa Sen. Tri kiến Phật ở trong thân vô thường mà không bị vô thường, dụ hoa sen ở trong lò lửa. Thiền sư Lương Giới, thủy tổ tông Tào Động, giải thích ngũ vị, đến vị thứ tư Thiên Trung Chí có bài kệ:
Lưỡng nhẫn giao phong bất tu tị
Hảo thủ du như hỏa lí liên
Uyển nhiên tự hữu xung thiên chí.Hai kiếm đua nhau cần gì tránh
Tay khéo vẫn như sen lò hồng
Nguyên vẹn nơi mình xung thiên chí.Thiền sư Ngộ Ấn ở Việt Nam, khi sắp tịch cũng nói kệ:
Diệu tánh hư vô bất khả phan
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận
Liên phát lô trung thấp vị càn.Diệu tánh rỗng không chẳng thể vin
Rỗng không tâm ngộ việc dễ tin
Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy
Lò lửa hoa sen nở thật xinh.Hoa sen mọc trong lò lửa vẫn xinh tươi là một hình ảnh bất tư nghì của kinh Pháp Hoa. Ngay nơi thân đang bị ngọn lửa vô thường thiêu đốt, vẫn có Tri kiến Phật an nhiên tự tại, bất sanh bất diệt, chẳng phải hoa sen tươi thắm trong lò lửa là gì? Trên ngọn núi năm uẩn bị lửa vô thường thiêu đốt, hòn ngọc Tri kiến Phật sắc vẫn óng ánh tươi nhuần. Quả thật là điều quá sức tưởng tượng của phàm phu. Vì thế, đợi Tôn giả Xá-lợi-phất ba phen thỉnh cầu Phật mới nói.
Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất, chư Bồ-tát tha phương đảnh lễ Phật, bạch: “Thế Tôn! Nếu bằng lòng cho chúng con sau khi Phật diệt độ ở cõi Ta-bà siêng tu tinh tấn, thọ trì đọc tụng, biên chép cúng dường kinh này, chúng con sẽ ở trong cõi đây rộng nói.” Phật bảo: “Thiện nam tử! Thôi đi! Chẳng cần các ông hộ trì kinh này…” Sau đó cõi Ta-bà đất nứt, Bồ-tát vọt lên… là những vị hộ trì kinh.
Đoạn kinh trên rất phù hợp câu chuyện sau đây trong nhà thiền. Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn cùng Nham Đầu Toàn Khoát đi đến Ngao Sơn gặp trở tuyết, dừng lại nghỉ. Một hôm, hai huynh đệ thảo luận, Tuyết Phong nói: “Tôi thật còn chưa ổn.” Nham Đầu bảo: “Nếu ông thật như thế, cứ chỗ thấy của ông mỗi mỗi thông qua, chỗ phải tôi sẽ chứng minh cho ông, chỗ chẳng phải tôi sẽ vì ông đuổi dẹp.” Tuyết Phong nói: “Khi tôi mới đến Diêm Quan thấy thượng đường nói nghĩa sắc không liền được chỗ vào.” Nham Đầu bảo: “Từ đây đến ba mươi năm rất kỵ không nên nói đến.” Tuyết Phong nói: “Tôi thấy bài kệ của Động Sơn qua sông: ‘thiết kỵ tùng tha mích, điều điều dữ ngã sơ, cừ kim chánh thị ngã, ngã kim bất thị cừ’.” Nham Đầu bảo: “Nếu thế ấy, tự cứu cũng chưa tột.” Tuyết Phong nói: “Sau tôi hỏi Đức Sơn: ‘Việc trong tông thừa từ trước con có phần chăng?’ Đức Sơn đánh một gậy hỏi: ‘Nói cái gì?’ Tôi khi đó giống như thùng lủng đáy.” Nham Đầu nạt: “Ông chẳng nghe nói: từ cửa vào chẳng phải của báu trong nhà?” Tuyết Phong hỏi: “Về sau làm thế nào mới phải?” Nham Đầu bảo: “Về sau muốn xiển dương Đại giáo, mỗi mỗi tự trong hông ngực mình lưu xuất, sau này cùng ta che trời che đất đi!” Tuyết Phong nhân câu này đại ngộ, liền đảnh lễ, đứng dậy kêu luôn: “Sư huynh! Sư huynh! Ngày nay mới thành đạo ở Ngao Sơn.”
Nhà Phật nói người tu cần phải có hai thứ trí, Trí hữu sư và Trí vô sư. Trí hữu sư nhờ tham vấn học hỏi nơi kinh điển và thiện tri thức, trí ấy dẫn đường chúng ta vào cửa đạo. Song muốn chống với sanh tử phải nhờ Trí vô sư. Trí này tự nơi mình phát ra, mới thật là của báu trong nhà. Bởi vì trí do học được còn suy nghĩ phán xét, chưa phải là trí chân thật từ Tánh giác lưu xuất. Chư Bồ-tát ở tha phương để biểu trưng Trí hữu sư, Trí này chưa đủ để duy trì kinh Pháp Hoa. Bởi lẽ Tri kiến Phật là Tánh giác bất sanh bất diệt, dùng trí sanh diệt làm sao phù hợp. Cho nên phải những vị Bồ-tát từ lòng đất vọt lên mới kham duy trì kinh Pháp Hoa. Lòng đất là chỉ thân tứ đại, Bồ-tát là Tánh giác, Tánh giác ngay nơi thân này phát ra mới tương ưng với Tri kiến Phật.
Thiền sư Trí Thường Qui Tông, có vị Tăng hỏi: “Thế nào là sức Diệu trí Quan Âm?” Sư gõ cái đỉnh ba tiếng, hỏi: “Ngươi nghe chăng?” Tăng thưa: “Nghe.” Sư bảo: “Sao ta chẳng nghe?” Tăng không đáp được. Sư cầm gậy đuổi ra.
Khi khác Sư thượng đường bảo: “Nay tôi muốn nói thiền, tất cả các ngươi lại gần đây.” Đại chúng tiến đến gần. Sư bảo: “Các ngươi nghe hạnh Quan Âm khéo hiện các nơi chốn.” Tăng hỏi: “Thế nào là hạnh Quan Âm?” Sư khảy móng tay, hỏi: “Các ngươi có nghe chăng?” Tăng thưa: “Nghe.” Sư bảo: “Một bọn hướng trong ấy tìm cái gì?” Sư cầm gậy đuổi ra rồi cười lớn vào phương trượng.
Trong phẩm Phổ Môn có những câu: “Quan Âm diệu trí lực” và “nhữ thính Quan Âm hạnh, thiện ứng chư phương sở…” Quan Âm là “phản văn văn tự tánh”, cho nên hỏi đến diệu trí của Quan Âm Sư gõ cái đỉnh ba tiếng, hỏi đến hạnh Quan Âm, Sư khảy móng tay ba tiếng. Thế là Thiền sư thấy đức Quan Âm là Tánh nghe, trở về Tánh nghe thì mọi sự an lành, diệu lực không thể lường được. Chỉ có trở về Tánh nghe thì thế gian mới hết khổ.
Tướng công Vu Địch đến Thiền sư Đạo Thông hỏi: “Thế nào là hắc phong xuy kỳ thuyền phưởng phiêu đọa La-sát quỉ quốc?” Đạo Thông đáp: “Kẻ khách Vu Địch hỏi việc ấy làm gì?” Vu Địch đỏ mặt. Sư chỉ nói: “Cái đó chính là phiêu đọa la-sát quỉ quốc.” Vu Địch lại hỏi: “Thế nào là Phật?” Sư gọi: “Tướng công!” Tướng công: “Dạ.” Sư bảo: “Lại chớ tìm cái gì khác.”
Chúng sanh do tham mà không toại nguyện nên nổi sân. Nổi sân là động cơ chuốc họa. Trong kinh nói: chúng sanh vì cầu kim ngân lưu-ly… giả sử gặp gió đen thổi, ghe thuyền trôi giạt vào cõi nước La-sát…, trong ấy có người niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, thì mọi người đều khỏi nạn La-sát… Tìm kim ngân lưu-ly là tham, gió đen thổi ghe thuyền trôi giạt là sân, cõi nước La-sát là nguy hiểm họa hại, niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm là phản văn tự tánh thì họa hại tiêu vong. Vì thế Vu Địch vừa đỏ mặt, Sư chỉ đó là “phiêu đọa La-sát quỉ quốc”. Khi lửa sân nổi lên, liền nhớ lại Tánh nghe hay Tánh giác của mình, tức thì tỉnh giác nên không tạo nghiệp, không tạo nghiệp thì làm gì có họa hại.
4. Toát yếu toàn bộ:
Toàn bộ kinh Pháp Hoa có bảy quyển, hai mươi tám phẩm. Để thấy ý toàn bộ, chúng ta nên lược qua từng phẩm:
4.1- Phẩm Tự: Phẩm này chỉ chủ yếu của toàn bộ. Hình ảnh Phật phóng quang từ lông trắng giữa chặng mày, ánh sáng soi khắp phương Đông, thông trên suốt dưới, theo ánh sáng hội chúng thấy chúng sanh trong lục đạo, tạo nghiệp thọ báo và thấy chư Phật tu nhân chứng quả giáo hóa chúng sanh… Đây là biểu trưng Tánh giác (Tri kiến Phật) rỗng suốt, không kẹt hai bên, biết rõ nguyên nhân luân hồi sanh tử và nguyên nhân giải thoát sanh tử. Tánh giác rời ngôn ngữ và tâm thức suy tư, cho nên Phật chỉ hiện tướng mà không nói một lời. Chỉ Căn bản trí mới thấu suốt được Tánh giác, vọng thức thì không sao hiểu nổi. Vì thế, đức Di-lặc (thức) khởi nghi hỏi Bồ-tát Văn-thù (trí).
4.2- Phẩm Phương Tiện: Từ chỗ vô ngôn đến đây phải dùng ngôn thuyết, ấy là phương tiện. Lại nữa, Phật dùng mọi phuơng tiện dẫn dắt chúng sanh, cứu kính đều đưa đến ngộ nhập Tri kiến Phật (Tánh giác). Đây là mục đích chung của chư Phật. Dù trước có nói các pháp khác song cũng là phương tiện đưa đến cứu kính này. Tuy nhiên Tri kiến Phật rất khó tin hiểu, nên phải thiết tha cầu thỉnh hai ba phen Phật mới nói.
4.3- Phẩm Thí Dụ: Sau khi Phật phương tiện dùng ngôn ngữ trình bày, người căn cơ lanh lợi bậc thượng liền nhận ra Tri kiến Phật của chính mình. Đây là chỗ đốn ngộ của Xá-lợi-phất, Tôn giả vui mừng hớn hở được điều chưa từng có trình lên Phật. Phật liền ấn chứng (thọ ký) cho Ngài sau này sẽ thành Phật. Tuy vậy những căn cơ kém bén nhạy còn chưa nhận ra, Phật phải dùng thí dụ nhà lửa và ba xe, cuối cùng chỉ cho một xe “bạch ngưu”.
4.4- Phẩm Tín Giải: Đây là trình bày kiến giải của mình để Phật ấn chứng. Những vị Thanh văn kỳ cựu đến đây mới nhận rõ Tri kiến Phật của mình, vui mừng vô hạn, như chàng cùng tử được cha trao cả sự nghiệp, điều mà trước kia chưa bao giờ dám nghĩ đến. Các ngài dùng thí dụ này trình kiến giải lên Phật.
4.5- Phẩm Dược Thảo Dụ: Lẽ ra, sau khi trình kiến giải của mình liền được Phật thọ ký ngay, song cần phải khích lệ những căn cơ bậc trung, cố gắng nhận ra Tri kiến Phật, nên Phật ví dụ đám mưa mọi cây cỏ đều được thấm nhuần. Các căn cơ có khác, nhưng đều được lợi ích trong một trận pháp vũ này.
4.6- Phẩm Thọ Ký: Thọ ký là tên khác của ấn chứng trong nhà Thiền. Khi các vị Ma-ha Ca-diếp v.v… trình bày chỗ sở ngộ rồi, Phật liền thọ ký (ấn chứng) cho mỗi vị tương lai sẽ thành Phật. Đây mới đốn ngộ Phật thừa, còn phải tiệm tu Bồ-tát hạnh, sau mới chứng thành Phật quả.
4.7- Phẩm Hóa Thành Dụ: Giải thích một lần nữa về phương tiện của đức Phật, để những vị căn cơ bậc trung thấy rõ Tri kiến Phật của mình. Dùng thí dụ Hóa thành và Bảo sở để sách tiến các ngài vượt lên, đừng đắm luyến trong quả vị Thanh văn.
4.8- Phẩm Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký: Giờ đây hàng căn cơ bậc trung đã thấy rõ Tri kiến Phật của mình. Đại diện năm trăm vị, ngài Mãn Từ Tử trình bày sở ngộ, theo đó Phật thọ ký năm trăm vị tương lai đều thành Phật.
4.9- Phẩm Thọ Học Vô Học Nhân Ký: Đến đây hàng hữu học và vô học mới nhận ra Tri kiến Phật của mình, tự nhận mình có phần trong Phật thừa, mong được Phật thọ ký. Phật thọ ký các ngài trong tương lai đều sẽ thành Phật.
4.10- Phẩm Pháp Sư: Còn một số căn cơ hạ liệt, chưa dám nhận Tri kiến Phật của mình. Phật muốn thúc đẩy họ tiến lên, cần khuyến khích họ thọ trì cúng dường tùy hỉ giáo hóa thì tương lai đều thành Phật.
4.11- Phẩm Hiện Bảo Tháp: Tháp bảy báu hiện giữa hư không trang nghiêm đẹp đẽ, trong có toàn thân Phật Đa Bảo. Phật Đa Bảo tượng trưng cho Pháp thân, tháp bảy báu tượng trưng cho thất đại. Đến đây, Phật chỉ rõ ngay trong thân thất đại này đã hàm chứa Pháp thân hay Tri kiến Phật. Song làm sao thấy được Pháp thân, cần phải thu nhiếp vọng tưởng lại mới thấy. Cho nên trong kinh nói: “Phật Đa Bảo có nguyện sâu: Nếu lúc tháp báu của ta vì nghe kinh Pháp Hoa mà hiện ra trước các đức Phật, vị Phật nào muốn đem thân ta chỉ bày cho bốn chúng, Phật đó phải nhóm họp tất cả Phật của mình phân thân ra thuyết pháp ở mười phương về một chỗ, sau thân ta mới hiện.” Phật phân thân chỉ cho ý thức phân tán chạy theo sáu trần, chúng tụ họp về một chỗ là an định, Pháp thân sẽ hiện tiền. Đây là chỉ rõ cho đại chúng biết Tri kiến Phật đã nằm sẵn trong lầu ngũ uẩn hay trong tháp thất đại.
4.12- Phẩm Đề-bà-đạt-đa: Đã chỉ rõ Tri kiến Phật ở trong lầu năm uẩn hay thất đại, mà người căn cơ hạ liệt vẫn chưa tin chưa hiểu. Một lần nữa Phật lại chỉ cặn kẽ, dù tạo tội ngũ nghịch như Đề-bà-đạt-đa, ty tiện như thân Long nữ vẫn có Tri kiến Phật, gặp duyên hóa độ liền ngộ đạo, đều sẽ thành Phật không nghi.
4.13- Phẩm Trì: Đến đây tất cả vị Tỳ-kheo ni đều buông xả tâm hạ liệt, đinh ninh rằng người nữ tu hành không thể thành Phật, quí vị tự nhận mình có phần thành Phật, vì mình đồng có Tri kiến Phật như tất cả những vị đã ngộ, được Phật thọ ký. Do đó, Phật tuần tự thọ ký riêng và chung cho Ni chúng.
4.14- Phẩm An Lạc Hạnh: Trên đã xong phần mọi căn cơ đều đốn ngộ, đến đây là phần tiệm tu Bồ-tát hạnh. Hay nói cách khác, ở trên đã ngộ Tri kiến Phật, từ đây về sau là nhập Tri kiến Phật. Nói theo Thiền thì ở trên đã kiến tánh, từ đây về sau khởi tu. Kinh nói: “ở trong đời ác sau, hộ trì đọc tụng giảng nói kinh Pháp Hoa”, có nghĩa là sống và bảo vệ Tri kiến Phật của mình. Muốn bảo vệ Tri kiến Phật trước phải gìn giữ giới luật, tức là an trụ bốn pháp vậy.
4.15- Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất: Do công phu tu trì, bảo vệ Tri kiến Phật, tự trong thân phát Trí vô sư. Trí này từ thân tứ đại xuất phát, nên nói Bồ-tát từ dưới đất vọt lên. Trí vô sư do công phu tu hành mà được, nên có khả năng chống lại sanh tử; nó từ Chân tánh lưu xuất không sanh không diệt, nên tương ưng với Tri kiến Phật. Vì thế Phật không chấp nhận Bồ-tát ở tha phương duy trì truyền bá kinh Pháp Hoa ở cõi này, chỉ dành cho chư Bồ-tát từ đất vọt lên duy trì. Bồ-tát tha phương biểu trưng Trí hữu sư. Trí này do học tập được, còn phân biệt giản trạch, thuộc về trí sanh diệt, không đủ khả năng bảo vệ Tri kiến Phật.
4.16- Phẩm Như Lai Thọ Lượng: Đã có Trí vô sư phát sanh mới nhận rõ Pháp thân (Tri kiến Phật) bất sanh bất diệt, thường hằng chẳng đổi. Tuổi thọ của Pháp thân đồng tuổi thọ của hư không, vì Pháp thân không tướng làm gì bị vô thường và tan hoại. Như Lai ở đây là Tri kiến Phật hay Pháp thân, thường nằm sẵn trong thân năm uẩn của chúng ta, song không mấy ai nhận ra, chỉ khi nào Trí vô sư phát sanh mới duyên được Pháp thân. Vì thế nên nói rất khó tin khó hiểu, người tin hiểu được thì công đức vô lượng.
4.17- Phẩm Phân Biệt Công Đức: Pháp thân chân thật bất biến; người tin nhận được Pháp thân là đã biết lối trở về Chân tánh. Mọi công đức của thế gian đều là công đức tương đối sanh diệt, nên hữu hạn hữu lượng. Người nhận ra Pháp thân chân thật là vô sanh, nên công đức vô hạn vô lượng. Vì thế nếu đem so sánh thì không công đức nào của thế gian có thể sánh kịp.
4.18- Phẩm Tùy Hỉ Công Đức: Công đức của người nhận ra Pháp thân đã cao tột như vậy, người phát tâm tùy hỉ công đức này ắt cũng vô ngần. Phát tâm tùy hỉ tức đã có phần nhận hiểu, khuyến khích kẻ khác tức đã tự hâm mộ, cho nên người tùy hỉ kinh này, khuyến khích kẻ khác nghe kinh… đều là công đức vô biên.
4.19- Phẩm Pháp Sư Công Đức: Công đức Pháp sư hay công đức của người sống với Tri kiến Phật, y cứ nơi sáu căn phát hiện. Sáu căn là chỗ phát sáng của hòn ngọc Tánh giác, không nương sáu căn làm sao thấy được hòn ngọc. Hằng sống trở lại Tánh thấy Tánh nghe của mình là cửa vào Tánh giác, con đường vào cửa Niết-bàn. Khi sáu căn thuần tịnh thì tự nó trở thành Lục thông, khỏi cần tập luyện mới có thần thông.
4.20- Phẩm Thường Bất Khinh Bồ-tát: Người sống với Tri kiến Phật và truyền bá cho mọi người phải kiên trì nhẫn nhục, vì làm một điều khó làm, dạy một điều khó dạy. Biết mọi người đều có Tri kiến Phật, người ngộ trước nào dám khinh người ngộ sau, người đã ngộ cố chỉ cho người sẽ ngộ. Đây là việc làm của Bồ-tát Thường Bất Khinh. Ngài trì kinh Pháp Hoa và truyền bá kinh Pháp Hoa bằng cách gặp ai cũng bái xá nói rằng: “Tôi chẳng dám khinh quí Ngài, quí Ngài đều sẽ thành Phật.” Tu nhân như thế, Ngài kết quả thành Phật, gieo nhân như thế, kết quả mọi người được dự hội Pháp Hoa. Thế là trì kinh bằng cách chính mình sống với Tri kiến Phật của mình, truyền bá là gieo cho mọi người đủ niềm tin mình có Tri kiến Phật.
4.21- Phẩm Như Lai Thần Lực: Đã biết sống trở về Pháp thân, khi được thuần thục thì diệu dụng bất khả tư nghì. Tất cả diệu dụng ấy đều từ chỗ Vô tác diệu trí phát sanh, không phải sự dụng công cố gắng nào cả. Diệu dụng do công phu tu hành trở về Tánh giác là một lẽ thật không còn nghi ngờ gì nữa. Cho nên ở đây Phật bày tướng lưỡi rộng dài, tất cả lỗ chân lông đều phóng quang…
4.22- Phẩm Chúc Lụy: Tri kiến Phật là tuệ mạng của chúng sanh, là trí tuệ của chư Phật, con đường cầu giác ngộ không còn lối nào khác hơn. Thế nên truyền bá cho mọi người nhận ra Tri kiến Phật là trách nhiệm tối thượng của người ngộ trước. Ngọn đèn trí tuệ duy nhất để phá đêm tối vô minh của thế gian là Tri kiến Phật. Vì vậy đức Phật chúc lụy truyền bá kinh Pháp Hoa.
4.23- Phẩm Dược Vương Bồ-tát Bản Sự: Trên con đường tu hành muốn đến Phật quả phải dẹp sạch chấp năm ấm, gọi là Ngũ ấm ma. Vì năm ấm che đậy khiến Phật tánh không hiển lộ. Phẩm này là phá Sắc ấm. Thân tứ đại là Sắc ấm, Bồ-tát khi được “chánh định hiện tất cả sắc thân” rồi, liền thiêu thân cúng dường Phật, tức là phá Sắc ấm. Pháp thân là thể của Báo thân và Hóa thân, được “chánh định hiện tất cả sắc thân”, tức là nhập Pháp thân. Khi Bồ-tát thâm nhập Pháp thân thì xem sắc thân như bóng như bọt, không còn cố chấp làm ngã. Xả chấp sắc thân hướng về Pháp thân nên nói thiêu thân cúng dường Phật. Xả sắc thân rồi cần phải xả sáu trần mới viên mãn phá Sắc ấm, cho nên Bồ-tát sau lại đốt luôn hai cánh tay cúng dường Phật. Chấp ngã chấp pháp đã dẹp sạch đó là chân thật cúng dường Như Lai.
4.24- Phẩm Diệu Âm Bồ-tát: Phá Sắc ấm rồi đến đây phá luôn Thọ ấm. Thọ ấm không hình tướng nên Bồ-tát Diệu Âm đến, mà chúng không thấy, phải đợi Phật Đa Bảo dạy Ngài hiện, chúng mới thấy. Bởi có nhận được Pháp thân mới thấy Thọ ấm là hư giả, thấy rồi mới phá dẹp được chúng. Bồ-tát Diệu Âm từ xa lại để nói lên sáu trần từ ngoài đến mới có lãnh thọ. Xả mọi lãnh thọ, không cố chấp, là phá được Thọ ấm. Nhân tu của Bồ-tát Diệu Âm do dùng âm nhạc và bát vàng cúng Phật, nên được quả báo tốt đẹp và nhiều diệu dụng. Cúng dường là tên khác của bố thí, tức là buông xả, cúng dường âm nhạc là buông xả âm thanh, cúng dường bát vàng là buông xả sắc tướng. Âm thanh và sắc tướng là hai thứ nổi bật trong sáu trần, nói hai thứ đủ đại biểu cho sáu trần.
4.25- Phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ Môn: Phẩm này phá trừ Tưởng ấm. Tưởng là nhân đau khổ của tất cả chúng sanh. Bởi vì có tưởng là có đau khổ. Một viên đạn, một nhát dao bén phạm vào người một cách quá nhanh, không kịp tưởng tượng, chúng ta không nghe sợ, cũng không nghe đau. Sau đó, tưởng tượng lại, chúng ta mới kinh sợ. Thế nên mọi khổ ải trên thế gian này bởi tưởng mà có. Muốn hết khổ không gì hơn hết tưởng, tưởng hết mọi đau khổ đều sạch. Niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm liền hết khổ. Quán Thế Âm là phản văn văn tự tánh. Trở lại Tánh giác thì mọi tưởng đều lặng, còn đau khổ nào mà chẳng khỏi. Sống được với Tánh giác, mọi công hạnh, mọi diệu dụng đều đầy đủ. Trong sáu căn, nhĩ căn là viên thông hơn cả, người tu muốn trở về Tánh giác nên từ nhĩ căn mà tu thì chóng được kết quả. Nên kinh nói niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, công đức thù thắng hơn tất cả. Niệm bằng cách nào? Nghĩa là phản quán lại Tánh giác chân thật của mình. Quán được thanh tịnh thì trí tuệ phát sanh, lòng từ bi đầy đủ, hằng tu như vậy đến khi nào hoàn toàn thanh tịnh, mặt trời trí tuệ liền phát sanh, soi sáng cả thế gian. Như đoạn văn trong bài tụng:
Chân quán, thanh tịnh quán
Quảng đại trí tuệ quán
Bi quán cập từ quán
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng
Vô cấu thanh tịnh quang
Tuệ nhật phá chư ám
Năng phục tai phong hỏa
Phổ minh chiếu thế gian.Quán chân, quán thanh tịnh
Quán trí tuệ rộng lớn
Quán từ và quán bi
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng
Sáng thanh tịnh không nhơ
Tuệ nhật phá các tối
Hay diệt nạn gió lửa
Soi sáng khắp thế gian.Đây là lối tu trở về Tri kiến Phật, diệt hết mọi vọng tưởng đau khổ.
4.26- Phẩm Đà-la-ni: Phẩm này phá Hành ấm. Hành ấm là lối suy tư thầm lặng bên trong, nó vừa tế nhị, vừa sâu kín cho nên rất khó phá. Người phá được nó liền thấy quá tịch tịnh lầm tưởng là Niết-bàn, bị lạc vào ngoại đạo, hoặc rơi vào trầm không trệ tịch của Thanh văn. Tu nhân diệt Hành ấm, hành giả phải buông sạch mọi xao xuyến thầm lặng vi tế, nên tượng trưng bằng thần chú. Bởi vì khi đọc thần chú, chúng ta nào có xét nghĩ hiểu biết gì. Kết quả diệt được Hành ấm, cần phải được chư Phật, chư Bồ-tát hoặc Thiện tri thức khuyến phát khích lệ mới vượt qua được. Đó là hình ảnh chư Bồ-tát nói thần chú bảo hộ người trì kinh Pháp Hoa.
4.27- Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự: Phẩm này phá Thức ấm. Đây là chặng cuối cùng trên đường tu, nếu người khéo vượt qua thì viên mãn Phật quả. Vua Diệu Trang Nghiêm tượng trưng thức A-lại-da (Tàng thức), phu nhân Tịnh Đức tượng trưng cho thức Mạt-na (Ý căn), Thái tử Tịnh Tạng tượng trưng cho Ý thức, Tịnh Nhãn tượng trưng cho năm thức trước. Chuyển thức A-lại-da thành Đại viên cảnh trí là nhờ ý thức và năm thức trước đã được thuần thục thanh tịnh. Thức A-lại-da thứ tám này là chủ mà không có khả năng quyết định, phải do thức thứ sáu và năm thức trước hướng dẫn. Thức thứ bảy ở bên cạnh thức thứ tám mà không có công dụng bao nhiêu. Phá Thức ấm tức là chuyển A-lại-da trở thành Đại viên cảnh trí, nó là chủ thể của các thức kia. Cho nên kinh nói: “Phật vì muốn dẫn dắt vua Diệu Trang Nghiêm cùng thương tưởng hàng chúng sanh nên nói kinh Pháp Hoa.” Do ý thức và năm thức trước đã thuần thục thanh tịnh, mới chuyển được thức thứ tám thành Đại viên cảnh trí. Đây là hình ảnh hai người con Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn đã có thần thông, có trí tuệ tu tập tất cả công đức… mới chuyển hóa nhà vua đến với Phật. Nhà vua chịu đến là có phu nhân đến. Nguyên nhân tạo nghiệp luân hồi do thức thứ sáu và năm thức trước, chuyển sanh tử thành Niết-bàn cũng nhân thức thứ sáu và năm thức trước. Khi chuyển thức A-lại-da rồi thì tám thức trở thành Tứ trí. Đến đây công phu tu hành đã đầy đủ, chỉ còn phải lợi ích chúng sanh.
4.28- Phẩm Phổ Hiền Bồ-tát Khuyến Phát: Phổ Hiền tượng trưng Trí sai biệt. Người tu khi viên mãn công phu rồi, cần phải phát nguyện độ sanh, giáo hóa hộ trì cho mọi người được phát tâm Bồ-đề (trì kinh Pháp Hoa). Vì vậy khởi nguyện lực lớn, dùng Lục độ làm phương tiện giáo hóa chúng sanh, chính là hình ảnh Bồ-tát Phổ Hiền cỡi voi trắng sáu ngà đến trước người trì kinh Pháp Hoa an ủi họ. Khi công hạnh tự lợi lợi tha hoàn toàn viên mãn, liền thành Phật.
Tóm lại, toàn bộ kinh Pháp Hoa cốt khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Tri kiến Phật. Phẩm đầu do Bồ-tát Văn-thù giải nghi cho Bồ-tát Di-lặc về việc phóng quang của đức Phật. Đó là tượng trưng Trí căn bản đánh thức phát tâm Bồ-đề. Phẩm cuối Bồ-tát Phổ Hiền phát nguyện bảo hộ người trì kinh sau này. Đây là tượng trưng Trí sai biệt làm lợi ích chúng sanh. Câu then chốt trong kinh này: “khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến” có khác gì câu “trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật” của Thiền tông. Phẩm Tín Giải và phẩm Thọ Ký của kinh này nào xa lạ gì với việc “trình kiến giải” được “ấn chứng” của Thiền tông. Cho đến sự tu hành thủy chung đều không khác. Chỉ vì chúng ta không nhận được lý kinh, cứ chạy theo ngôn cú nên thấy dường như khác biệt.
-
Nhất thiết hữu vi pháp
-
Hai chướng phiền não đoạn
Các bài mới
- Đức Phật qua cái nhìn của Thiền tông - 01/09/2016
- Yếu chỉ của Thiền tông - 01/08/2016
- Cội nguồn thiền tông - 27/07/2016
- Thiền tông Việt Nam cuối TK20 - 26/07/2016
- Thiền không nặng hình thức tôn giáo - 08/02/2009
Các bài đã đăng
- Đặc điểm của Thiền tông - 07/02/2009
- Những bệnh của người tu thiền - 03/02/2009
Thiền tông
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 19361
- Online: 9