Thiền và những thực tiễn trong đời sống

08/03/2016 | Lượt xem: 5676

Đôi lời

Ngày nay, mọi thứ đều đòi hỏi phải thực tế, thực tiễn và ít nhất ở một nghĩa nào đó phải thiết thực với đời sống. Ngôn ngữ là chết hay sống. Những người đọc kinh sách thường bị cho là bám vào chữ nghĩa chết, vào cặn bã của cổ nhân. Từ đó những gì dính dáng đến chữ nghĩa dường như … bất khả.

Tôi cũng tin thế. Nhưng sau ngẫm lại, thì xin có đôi lời, cho là nói rõ lại một cách nhìn, có thể riêng của chúng tôi. Đức Phật có dạy rằng, khi phát biểu điều gì hãy nói “Đây là ý kiến của riêng tôi, không nên cho rằng ý kiến mình là chân lý”. Điều đó đúng từ ngàn xưa tới giờ. Khi hai người cùng thảo luận, thì rắc rồi bắt đầu khi ý tôi và ý bạn không tương đồng.

Chúng ta chỉ thể nói về một điều gì đó khi thực sự thấy điều đó đang giúp ích cho chính chúng ta. Trong một quầy bách hoá có quyền lựa chọn và mua về những gì chúng ta cần. Có thể thực phẩm chọn không giống nhau, nhưng mục đích thì giống nhau.

Nhắc đến thiền, một danh từ mà dường như rất khó một định nghĩa chính xác và được cùng chấp nhận. Danh từ phát xuất từ đâu, thử ngẫm xem một dân tộc với hơn bốn ngàn năm văn hóa, chắc hẳn ít nhiều cũng có một cái nhìn xuyên suốt những gì có mặt trên quê hương mình.

Nên thay vì có một định nghĩa, chúng tôi xin được kể lại đôi chuyện thiền đọc trong sử sách, xem ra gần gũi với đời thường. Vì Phật có nói pháp là nói cho chúng sinh như chúng ta có mặt nơi thế gian đầy phức tạp rắc rối này, các Tổ có chỉ dạy cũng chỉ dạy cho chúng ta chớ đâu cho ai khác.

 Bảng truyền thừa của thiền tông, dòng thiền Việt nam bắt đầu từ Tỳ-ni-đa-lưu-chi (?-594)[1], đồng thời với tổ Đạo Tín (580-651)[2].

 

Đời thứ 1

Đời thứ 2

Đời thứ 3

Đời thứ 4

Bồ-đề Đạt-ma[3]

菩提達 磨

(?-528/ 536)

Huệ Khả

慧可

(487-593)

 

Tăng Xán

(?-606)

Đạo Tín

 

Tì-ni-đa-lưu-chi

(Vinītaruci)

 

Tỳ-ni-đa-lưu-chi là đệ tử của Tam Tổ tăng Xán (?-606), và ngược dòng lên mãi đến với câu chuyện Đức Thế đưa cành hoa lên, Ca Diếp mỉm cười, để lại cho ngàn sau một công án là “niêm hoa vi tiếu”[4]. Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên[5] ghi rằng, một hôm trên hội Linh Sơn, đức Thế Tôn đưa cành hoa lên, ngài Ca-diếp mỉm cười, thế tôn bảo “ta đem chánh pháp thanh tịnh trao cho ông, ông hãy truyền khắp, chớ để đoạn diệt”. Các bản lục ghi sai khác nhau đôi chút trong cách hành văn. Nhưng từ đó lưu truyền một thuật ngữ “chánh pháp nhãn tạng” mà về sau này, ngài Đạo Nguyên (Dogen)[6] tổ khai sáng tông Tào Động tại Nhật Bản viết một quyển tựa đề “chánh pháp nhãn tạng” bằng tiếng Nhật, hiện còn thấy trong Đại Chính Tân Tu Đại tạng Kinh.

Mọi việc đúng ra chỉ cần ngắn gọn, nhưng nếu thấy người đối diện chưa hiểu, mới nói thêm, và nói mãi. Chư Phật chư tổ vì tâm thiết tha muốn cho người học hiểu được và nhận ra, nên các ngài mới nhiều lời. Đôi khi những chuyện nhỏ nhặt trong đời sống, khi nói ra, thấy người đối diện không hiểu, đáng ra không nói cho xong. Vì không sức đâu mà nói với người không hiểu ý mình. Nếu vậy, thì chỉ việc học bình thường ở cuộc đời, không bận tâm chi soạn nhiều sách cho một môn học, đủ cách giảng giải chỉ cho một môn học, chỉ cốt cho người học, đọc quyển này chưa hiểu, tìm đọc thêm quyển khác và với vô số bài tập giúp người học giải cho quen. Chỉ một môn học nhỏ mà đã biết bao công sức của các bậc thầy, đó là với những con số với những hiện tượng khoa học trước mắt, còn phải nhiều lời đến thế. Nay nói đến tâm, nếu chúng ta không hiểu thì thôi, các ngài không nói nữa. Có lẽ đến bây giờ, hay đến kiếp này mình vẫn còn lao đao lắm chưa biết đâu manh mối lối trở về.

May mắn, chúng ta được các ngài với tâm lão bà từ bi, nói mãi, nhắc mãi, nắm tay dắt đi, cho đến khi chúng ta đi được. Lời nào của các ngài cũng là lời “sống”, là lời nhắc cho chúng ta giữa cuộc đời này, nếu một lần nghe được, hiểu được, nhận được là chút nhân duyên từ nhiều kiếp đã vun bồi.

Hiện nay vào các chùa, nơi hậu tổ thường thấy thờ tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi, vị tổ đầu tiên truyền thiền về phương Nam theo lời dạy của Tam Tổ Tăng Xán. Cũng có thể coi là ngài vị tổ thứ tư sau Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma - người đem thiền từ đất Thiên Trúc về phương đông.

Sư (Tỳ-ni-đa-lưu-chi) thưa: Đệ tử lâu nay không được an, (nay) nhờ Hoà thượng từ bi. Xin nguyện theo hầu ngài.

Tổ (Tăng Xán) bảo: Ngươi nên mau qua phương Nam giáo hóa, không nên ở đây lâu. [7]

Đến năm 580 Sư sang Giao Châu trụ trì chùa Pháp Vân.

Từ đó mở đầu cho dòng thiền về phương Nam rực sáng.

*

Những lời các bậc tiền bối còn để lại trong sử sách, nếu thích hợp với nhân duyên của chúng ta vẫn đem đến nhiều lợi lạc trong đời sống, trước nhất đó là biết được cách làm tâm an ổn. Từ sự an bình, giải quyết công việc thường ngày trên căn bản đó với cái nhìn bình tĩnh chậm rãi.

Những bản kinh hoặc ngữ lục đôi khi quá khó hiểu với một tâm trí quen suy luận phán đoán so sánh đối chiếu, nhưng cũng không ngại gì, bởi một môn học đời thường vẫn còn cần thời gian lâu xa mới có thể ứng dụng được trong cuộc sống. Nên không có gì lạ với những gì chúng ta chưa nhận ra ngay được. Với năm tháng, mọi việc thấm dần cho đến lúc nào đó, thấu được những gì mà bấy lâu nay không hiểu.

Vào Đời  Chu Đại Tường[8] nhằm tháng 3 năm Canh Tí (580) đến nước ta[9] ở tại chùa đó.

Sư từ Quảng Châu đi về phương Nam đến chùa Pháp Vân[10], dừng lại nới đó. Sử sách ghi Sư dịch kinh và giảng dạy. Những bản kinh Sư dịch vẫn còn nhiều bàn luận, và mãi cho đến bây giờ chúng ta vẫn còn đôi chút băn khoăn về những gì mình đang đọc.

Một hôm Sư gọi đệ tử nhập thất là Pháp Hiền bảo:

Tâm ấn chư Phật,

ắt không lừa dối,

tròn đồng thái hư,

không thiếu không dư,

không đi không lại,

không được không mất,

chẳng một chẳng khác,

chẳng thường chẳng đoạn,

Vốn không có chỗ sanh,

Cũng không có chỗ diệt,

Cũng chẳng xa lìa, chẳng không xa lìa.

Vì đối vọng duyên tạm đặt tên vậy.

Cho nên ba đời chư Phật cũng theo như vậy,

Các vị tổ sư cũng theo như vậy mà được.

Ta cũng theo như vậy, ông cũng như vậy.

Cho đến hữu tình, vô tình cũng như vậy mà được.[11]

Tâm ấn chư Phật ắt không lừa dối. Các Tổ sư một khi nhận được chỗ sống của mình đều thốt những câu tương tự như vậy. Chỉ có chúng ta vì chưa nhận được nên thường luận bàn qua sự nhận hiểu, nên bị rầy rà quở trách bởi hay dẫn những câu này ra nói lúc bàn bạc Kinh điển, ngữ lục.

Trên sự thông minh và hiểu biết, rất dễ dàng hiểu qua suy luận những lời nói như thế. Trong lúc tâm chưa thật sự cảm nhận được chỗ vượt qua đối đãi bình thường. Đối với một việc nào đó, một người nào đó, hoặc là chúng ta quan tâm hoặc không quan tâm. “Sanh” ra quan tâm rồi “diệt” đi sự quan tâm đó. Chỗ tâm sanh tâm diệt cũng chưa nhận ra nên đâu làm sao nhận được chỗ tâm không sanh không diệt.

Bởi thường chạm mắt đến là sanh! Mà mãi luận bàn đến chỗ không sanh không diệt, trong khi lời dạy của các ngài chỉ nhắc chúng ta sống mà thôi.

Nhưng sống thế nào, với những lời kệ xem ra chẳng đúng vào đâu ở cuộc đời, nhất là thế hệ trẻ ngày hôm nay?

Bắt đầu từ đâu? Quả là một câu hỏi thật khó trả lời.

Đôi khi chúng ta thắc mắc rất nhiều việc bên ngoài, nhưng việc dễ dàng thấu đáo nhất là những vọng động trong tâm mình, lại không nhìn ra. Có lẽ đó là đầu mối đầu tiên để mở gút ra, dễ dàng nhất và gần gũi nhất, vì không ai gần mình hơn những “suy nghĩ” dấy động trong tâm.

Không thiếu không dư, không đi không lại… Thật khó mà cảm nhận được, chỗ không thiếu không dư, vì thường, không nói là thiếu mà mở miệng nói ra là dư. Việc hằng ngày, có nhiều việc, không mở miệng nói, thì không xong mà mở miệng ra thì lại nói dư rồi. Chúng ta vẫn thường băn khoăn tự hỏi, nên nói hay không nên nói. Rất nhiều tư vấn để giúp đỡ, khuyên nói những gì cần và không nói những không nên nói. Nhưng cũng không giải quyết được nhiều, vì tâm tư chúng ta vẫn không yên với những lời tư vấn đó.

Cuối cùng là thế nào? Nên hiểu thế nào?

Vốn vì tâm thường vọng động, nên chỗ chỉ của các ngài chúng ta không cảm nhận được ngay, chờ một gian thấm dần chín muồi như các ngài, nhân một câu nói hiểu sâu được ý chỉ. Trong Ngũ Đăng có ghi lại một mẩu chuyện sau:

Tăng hỏi thiền sư Tào Sơn: Thanh Khoát con nghèo khổ, xin thầy cứu giúp.

Sư gọi: Xà-lê Khoát!

Tăng lên tiếng: dạ!

Sư bảo: Rượu Thanh Nguyên sẵn của nhà, uống xong ba chén vẫn còn nói chưa thấm môi.

[Về sau Huyền Giác nói: Chỗ nào mà nói là ông ta uống rượu].

 (Ngũ Đăng Hội Nguyên, Tào Sơn Bản Tịch[12])

Ngài Tào Sơn thuộc hệ Thanh Nguyên[13]. Mẩu chuyện này thú vị đến nỗi, về sau Vô Môn Huệ Khai đưa vào tắc 10 trong Vô Môn Quan với lời bình không kém phần ý vị.

Đôi khi bình tâm suy xét lại chuyện mình, cũng vỡ lẽ ra đôi điều. Chỉ do quan niệm riêng, mình cảm thấy thiếu điều này điều kia, nhưng ngẫm lại kỹ, thì chỉ là một thói quen nào đó. Các ngài thường lưu ý chúng ta khi hít thật sâu, trước khi thở ra có một khoảng lặng rất vi tế, lời chỉ tuy rõ ràng nhưng cũng khó mà để ý được khoảnh khắc đó. Đời sống vốn gấp gáp vội vàng, nên rất nhiều khoảnh khắc hạnh phúc bình yên mình đã để vuột qua. Những lời nhắc này tuy có thể xa lạ, nhưng chắc hẳn có một điều gì đó, khiến tâm tư chúng ta phải dừng lại trên những lời nhắc này, ít nhất một lần này đây.

 “Cho nên ba đời chư Phật cũng theo như vậy,”(Tam thế chư Phật diệc dĩ như thị).

Như thị là một danh từ rất quen thuộc trong mỗi câu mở đầu đoạn kinh, “như thị ngã văn”. Nhưng “như thị” thì thật khó mà cảm nhận cho hết.

Như vậy! Như vậy!

Với một chuyện xảy ra, nhiều người kể diễn biến câu chuyện. Kể xong, đều kết luận, chuyện đã xảy ra như vậy. Nhưng mỗi người kể có sai khác. Cái sai khác đó chính là mỗi người kể theo cái nhìn của mình, đúng hơn là định kiến của mình. Nên những cái như vậy không như vậy.

Nếu để ý được những cái như vậy trước mắt ta, đừng chen vào sự phán đoán thì chắc không đến nỗi như ngày hôm nay.

Một bài kệ của một vị Tổ mở đầu dòng thiền về phương Nam mà đối với chúng ta còn quá xa lạ, nên tổ Trúc Lâm Đại đầu đà[14] thường nhắc khi thấy cảnh bàn nói suông: “Bàn thiền tợ thánh, trước cảnh như ngu”. Để nhắc việc học hiểu và ứng dụng không thể rời nhau.

Đường vạn dặm đều bắt đầu từ cái nhấc chân đầu tiên. Hiểu được chính mình là khởi điểm có thể cảm nhận những gì đang thắc mắc lâu nay.

Ngọn đuốc sáng đã được mồi về phương Nam. Điều đó rất có ý nghĩa trong việc học hỏi của chúng ta, giữa thế kỷ này. □

 


[1] Tiểu sử đầy đủ của tổ Tì-ni-đa-lưu-chi比尼多留支 xin đọc trong:

- Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, 1999

- Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, 1999

[2] Đạo Tín道信 là vị Tổ thứ tư Thiền tông Trung Quốc, nối pháp Tam Tổ Tăng Xán僧璨

[3] Tổ thứ 28 của Ấn Độ và là Sơ Tổ Thiền tông Trung Quốc. Ngài là con của Quốc vương nước Hương Chí, thuộc Nam Thiên Trúc, học đạo với Tổ Bát-nhã-đa-la và kế thừa Tổ.

[4]拈花微笑

[5] Ngũ Đăng Hội Nguyên, gồm 20 quyển do Phổ Tế soạn vào đời Tống. Được xếp vào Tục Tạng Kinh tập 138.

[6] Dogen, thiền sư Đạo Nguyên (1200-1253) đệ tử của Như Tịnh Thiên Đồng dòng Tào Động tại Trung Quốc.

[7] Thiền Uyển tập Anh tờ 44b

[8] Bắc Chu Tịnh Đế, niên hiệu Đại Tượng大象 năm thứ hai (580). Thiền Uyển tập Anh ghi là Đại Tường 大祥

[9] Chỉ đất Giao Châu ngày đó

[10] Chùa Pháp Vân nay là chùa Dâu, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

[11] TUTA 44b

[12] Tào Sơn Bản Tịch (840-901), đệ tử Động Sơn Lương Giới tông Tào Động..

[13] Lục Tổ > Thanh Nguyên > Thạch Đầu > Dược Sơn>Vân Nham>Động Sơn>Tào Sơn.

[14] Sơ tổ dòng thiền Trúc Lâm tại Việt Nam.

 

Quách Nhiên

Các bài đã đăng

Đạo phật với đời sống

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 00014
  • Online: 15