Thường vui với chính mình

04/01/2020 | Lượt xem: 1883

NT.Thích Nữ Như Đức giảng tại TV Diệu Nhân - Hoa Kỳ

Cô qua đây, gặp lại Diệu Nhân và các Phật tử quen thuộc Diệu Nhân cô rất là mừng. Mười năm. Mười năm kể từ lúc bắt đầu thành lập Diệu Nhân. Hồi đó cô nhớ cũng tại ga ra này - chỉ là cái nhà nhỏ thôi, buổi thuyết pháp đầu tiên của cô ở đây các vị ngồi nghe pháp mà mồ hôi đổ rất “lâm li” bởi vì trời nóng quá. Bây giờ tiện nghi được cải thiện cô rất mừng. Thứ nhất là nơi chốn cho quý cô quý Phật tử ngồi thiền. Các ni sư huynh đệ của cô, có dịp qua đây đã nói một câu thế này “cảnh hợp với người”. Tất nhiên là cảnh Diệu Nhân có một cái gì đó nói là thơ mộng được không? Nó có lẽ văn vẻ mơ màng hợp với cô.

 

          Thật ra trong khi xa cách cô vẫn luôn nhớ đến Diệu Nhân, vì đó là ước vọng của Hòa thượng. Khi Hòa thượng qua đây, các huynh đệ Lục Hòa có ý định cúng một nơi để làm thiền viện. Chính Hòa thượng cũng nói với cô, nơi đây và ở dưới San Jose Hoà thượng cũng mong có một thiền viện để các Phật tử tu tập. Vậy trước tiên chúng ta tu tập được ở đây là nhờ ơn đức của Hòa thượng, sự nhớ nghĩ của Hòa thượng đối với các Phật tử xa nhà xa quê, nên quý cô rất hết lòng yểm hộ, hết lòng để giữ gìn cho thiền viện được phát triển tốt đẹp. Nhưng quý vị cũng biết, có rất nhiều nhân duyên, có những cái ngoài dự tính của mình, nhưng cô vẫn tin tưởng với sự gia hộ của Hòa thượng, tấm lòng của quý cô và sự ham tu học của các Phật tử thì chúng ta cũng có một nơi sinh hoạt, vẫn có một đạo tràng tu học rất tốt đẹp, đó là mong ước của cô.

          Hôm nay, đố quý vị biết cô nói đề tài gì? Đề tài cô nói chuyện hôm nay cũng rất “thơ mộng”, Thường vui với chính mình.

          Vì sao? Hôm qua là ngày đổi giờ, tức là từ bảy giờ lui lại thành sáu giờ. Không biết quý vị vui hay buồn? Ai cũng vui hết phải không? Quý cô ở nhà mừng lắm vì được ngủ thêm một giờ. Nhưng có một người buồn? Quý vị biết sao không? Người ngồi thiền sẽ rất rầu rĩ, “Thôi chết rồi, bữa nay mình ngồi thêm giờ rồi phải không?” Người ngủ thêm một giờ thì mừng, người ngồi thiền thêm một giờ thì buồn, tu nhiều khổ quá! Như vậy vui buồn có cố định không? Vui buồn không cố định tùy theo nhận xét hoặc hoàn cảnh của mình. Thí dụ như “bị” ngồi thêm một giờ, đó là trở ngại lớn. Sức chiến đấu của mình chỉ được tới hai tiếng bây giờ lên ba tiếng, nhưng mình cố gắng vượt qua được, nghĩ đây cũng là dịp thử thách, nếu ngồi được là mình giỏi. Nói như vậy là đã chuyển được cái khổ, chuyển được cái bất an, lo lắng, sợ hãi, sợ ngồi nhiều không được. Thúc đẩy mình, đây là một dịp thử sức và khi thử được, thắng được qua ba giờ yên ổn, lúc đó thấy vui.

          Như vậy, tất cả những vui hay buồn đều tùy theo cái nhìn của mình. Cô xin nhấn mạnh là do quan niệm của chúng ta, do cái nhìn của chúng ta, không do người ngoài. Đừng cho người ngoài áp đặt cái nhìn lên chúng ta, để họ điều khiển, chi phối chúng ta, nói đó là buồn hay vui rồi tự nhiên mình buồn vui theo. Như vậy mình đã mất đi cái làm chủ. Chúng ta tu học thiền là học cách làm chủ mình. Cô chỉ nói một cách khiêm nhường là học cách làm chủ, chứ mình chưa thật sự làm chủ mình, và luôn bị những cái vui buồn bên ngoài xoay chuyển, chi phối. Bây giờ mình có thể làm chủ chính mình, lấy lại được sức mạnh của chính mình, thì chúng ta có thể xoay chuyển lại mọi vật ở bên ngoài và tính cách xoay chuyển đó, chính là sức mạnh của chúng ta. Và tu tập nếu càng lúc càng có sức mạnh thì đó là tiến bộ. Chúng ta tu tập theo Phật rất là lâu, tham dự rất nhiều đạo tràng, đã từng theo quý thầy quý cô tu tập rất nhiều, đôi lúc cũng băn khoăn suy nghĩ lại coi mình tu bấy lâu nay là tiến hay lùi. Có bao giờ quý vị đặt câu hỏi đó cho mình không? Thật ra thấy tiến hay thấy lùi là thấy rõ chính mình. Thấy tiến nói tiến, thấy lùi nói lùi, đâu có gì xấu hổ? Người ta nói thước đo chuẩn mực để định giá tiến hay lùi là do cách sống an lạc của chính mình. Thí dụ người ta nói, tôi thấy bữa nay huynh làm biếng lắm, ít chịu đi chùa, ít chịu tu tập, đi dạo cà lơ phất phơ, hoặc vô sòng bài thấy không được đó nghe. Người ta nói như vậy nhưng chính trong thâm tâm mình không cảm giác mất mình, không bị cảm giác mọi thứ xung quanh chi phối, không phải vì người nói mình lùi mà mình lùi, chỉ có điều mình nhận rõ chính mình. Trong cuộc đời của mình ai là người thấy mình rõ nhất? Chỉ có chính mình thôi. Do đó khi thấy được chính mình, thì cách tu tập thiền tông, vào mỗi ngày mỗi giờ quý vị phải ngồi thiền là tập nhìn chính mình, đối diện với chính mình, đối diện với những vui buồn chính mình, những cái bất an, những cái khúc mắc trong mình. Cứ mời ra hết để nhìn nó cho rõ, chỉ có như thế mà thôi. Không nói vui hoặc buồn, bởi vì vui buồn chỉ là danh từ mà thôi, không có giá trị thật, tùy theo cái ước lệ của xã hội mà thôi. Như ở đây đổi giờ, còn ở Việt Nam thì không, ở đây nói lời một giờ hoặc lỗ một giờ, còn ở đất nước khác thì không. Như ở đây lái xe bên tay mặt, nhưng qua Ấn Độ chuyên môn đi bên trái. Ngồi xe ở Ấn Độ cô cứ tưởng người ta đâm thẳng vô mình tại vì người ta lái xe mình thấy ngược. Qua những cách suy nghĩ cách sống như thế, rốt cuộc người tu tập là người sống nhiều, biết quan sát mình, biết quan sát cảnh vật để giữ cho mình có một sự bình tĩnh. Và chính cái đó cô nói thường vui với chính mình. Bởi vì, khi bình tĩnh mình sẽ thấy mọi thứ không thật, chỉ có mặt cho vui vậy thôi, mình không phải người thuộc nơi này hoặc nơi khác, không phải người của gia đình này hay gia đình khác, chỉ có mặt trong khoảng thời gian nào đó, làm xong phận sự nào đó rồi sẽ đi đâu là tùy duyên. Duyên đó tốt hay xấu là do mình tạo. Dĩ nhiên khi biết theo duyên thì mình luôn tạo những duyên tốt, lọc bỏ những duyên dở xấu. Như vậy, khi có quyền làm chủ lựa chọn được duyên cho mình, có quyền sống theo duyên thì con người của mình mạnh hơn, vững vàng hơn, tự tin hơn phải không? Và cái tự tin đó đức Phật muốn chỉ dạy cho hàng đệ tử. Khi mà hướng dẫn cho hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia, ngài chỉ dạy một phương pháp thôi. Các ông hãy tự quán sát chính mình! Và những bài học chúng ta học thường xuyên là quán sát tứ đế, quán sát thân mình vô thường… là cách mà đức Phật nhắc chúng ta phải luôn luôn để con mắt vào chính mình. Tại sao Đức Phật dạy như vậy? Vì mình quen để mắt theo bên ngoài. Không lẽ có cảnh vậy mà không cho quý vị để mắt nhìn? Cảnh Diệu Nhân đẹp vậy mà tôi biểu quý vị để mắt nơi chính mình lo nhìn mình đừng nhìn gì cảnh bên ngoài hết uổng không? Mà nhất là ở xứ sở này cảnh rất đẹp, tất cả những kiến trúc, những sắp đặt của đất nước này đi đâu cô cũng rất khâm phục. Và nếu có như vậy thì cũng phải có con mắt hân thưởng, đâu phải bắt mình bịt tai nhắm mắt không nghe không thấy gì hết, nói “Không, tôi lo chính tôi, tôi không thấy gì hết”. Chúng ta có quyền, nghe vẫn nghe, thấy vẫn thấy, ngửi nếm xúc chạm... nhưng trong những cái tiếp xúc đó luôn quay về chính mình, biết mình đang nhìn, biết mình đang vui, biết mình đang buồn. Khi có vui có buồn biết nó khởi lên trong tâm của mình. Biết như thế rồi làm sao nữa? Chịu thua nó sao? Chỉ cần tự tỉnh thôi. Chỉ cần tự biết tự tỉnh. Và trong chúng ta nếu có cái biết tỉnh giác thì tất cả những cảm xúc vui buồn là thứ yếu không phải chủ, cái biết là chủ trong nhà. Và trong đầu chúng ta nó chỉ làm việc với một niệm mà thôi. Trong một giây phút hiện tại chỉ một thứ thôi không có hai thứ. Xin quý vị nhớ cho điều này. Nếu trong chúng ta có sự tỉnh giác, sự biết thì sẽ không có vui buồn chen vào. Thiệt là như vậy. Chỉ vì chúng ta quên cái tỉnh giác của mình, giống như chủ quên ngồi ở nhà để khách tới kẹp cổ đi, bỏ nhà trống. Những người khách vui buồn đó tạm làm chủ chứ không thể thay thế mãi ông chủ chính mình được. Cho nên cô nói, mình trở lại với chính mình. Sở dĩ nhắc trở lại quay về với chính mình là vì chúng ta hay quên. Cho nên, Đức Phật tha thiết nói, này các tỳ kheo, hoặc ở đây có các gốc cây, ở đây có hang động các vị hãy đến đó toạ thiền tư duy hãy ngồi yên tỉnh giác. Đó là câu nhắc nhở thường xuyên của đức Phật đối với hàng đệ tử, không luận xuất gia hay tại gia. Bây giờ quý vị nghĩ như thế nào, quý vị đâu không cần tìm gốc cây, hang động cũng có thể tỉnh thức tư duy trên thế ngồi, trên từng dáng đi đứng và trên từng động tác trong công việc. Bởi vì khi đi thì ai đi? Mình phải không? Đôi lúc đi mà không nhớ mình đi, đôi khi rủ thêm vài người nào đó theo để gây gổ cằn nhằn, để gởi thơ này kia tính chuyện để nói với người đó rằng “Hôm qua em đi tỉnh về. Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều.” Là tại sao, người đó đi về son phấn đẹp quá làm mất vẻ thôn quê đi. Mình đi một mình mà nhớ đến người đó rồi làm thơ viết trách móc. Vậy là mình đi mấy mình? Đi hai mình, có khi còn đi tới ba bốn mình.

          Có một chuyện như thế này. Một vị Hòa thượng đi từ Đàn Nam Giao về Huế, gặp một vị Hòa thượng khác đi ngược từ Huế lên Nam Giao. Hai vị đi giữa đường, vị kia hỏi thầy đi đâu, nói tôi đi về Huế. Thầy đi có một mình? Thì thấy rõ ràng là đi một mình. Nhưng mà Hòa thượng kia nói: “Đâu có tôi đi nhiều lắm!” Đi nhiều lắm có nghĩa là nhìn lại biết rằng mình đang đi với vọng tưởng chính mình. Mà khi mình đang đi với vọng tưởng mà biết ra một cái là vọng tưởng tan hết, chỉ còn lại mình mà thôi.

          Khi đang lái xe trên đường, khi đang làm việc tại nhà, hoặc ở công sở, khi đi vào phòng vệ sinh, khi ngủ nghỉ… hãy nhớ rằng mình đang làm gì và đang làm với ai. Giá trị tỉnh thức này mạnh mẽ và hay vô cùng, chỉ cần khi nhớ lại là mình biết chỉ có mình hiện diện mà thôi. Những cái lăng xăng đó Hòa thượng gọi là ăn trộm, giặc, vọng tưởng… Bây giờ cho quý vị lựa chọn nghe, tùy thái độ lựa chọn của mình mà đối phó với cái đó như thế nào. Nếu nói nó là ăn trộm quý vị có sợ không? Mình đã nhát rồi mà nói ăn trộm chi cho sợ. Bây giờ nói nó là giặc. Giặc là phải chiến đấu, phải xung đột. Khi nói như vậy trong tâm của mình đã nảy sinh ra một cái sức kháng cự, chúng ta không chấp nhận giặc. Tội tình chi mà mình chia làm hai phe vậy? Có một phe giặc và phe bên này để đánh giặc. Và đánh giặc thì thường thua dài dài, mặc dù mình rất mạnh. Vì sao? Vì chính mình đã tự đấm đá chính mình. Thiệt ra đâu có đáng gì mà đánh, mệt mỏi thôi. Nhưng có nhiều người nói, vọng tưởng dễ sợ lắm con phải chiến đấu với nó, phải hàng phục nó, phải đánh nó. Mà đánh là muốn phần thắng về mình. Và như thế là chúng ta luôn bị thua. Muốn chiến thắng là bị thua. Cho nên dùng danh từ giặc cũng không nên. Và cái này, nói thiệt với quý vị, cũng trải qua nhiều năm tháng. Ban đầu quý cô, quý thầy cũng lận đận lắm, cũng coi nó là giặc, cũng khổ sở với nó, không đơn giản đâu. Nhưng mà càng lúc càng chiến đấu mình ngộ một điều như thế này. Càng đánh càng thua, từ thua cho đến bị thương, đến chết chứ không bao giờ thắng được.

          Có một lần cô ở trong thất, quý vị biết nhập thất thì phải làm việc cho nó ra trò, phải sống phải nỗ lực với chính mình. Lần nhập thất đầu tiên của cô Hòa thượng cho một năm. Khi mình bước vô thất, huynh đệ ở ngoài đắp y tụng kinh tiễn đưa, mong rằng người vô thất sẽ được an ổn, sẽ có những phút thắng trận này kia. Người ta đưa mình vô thất, mình khép cửa thất trong đó rầu rĩ thở dài. Bởi vì có người gởi cho mình hai câu thơ:

          Cửa thất đóng mà lòng người chẳng đóng,
          Ta khép hờ rồi tiếp tục đi rong.

          Cửa thất đóng là hình thức, tu là hình thức, ngồi thiền là hình thức. Tất cả những thứ đó là hình thức. Đôi lúc ngồi thiền im ngồi lim dim trên bồ đoàn mà tâm chạy rong, cho nên “ta khép hờ rồi tiếp tục đi rong”. Gởi cho hai câu thơ đúng với tâm trạng mình hết sức, cho nên vô thất cô vất vả vô cùng. Ráng ngồi thiền, trì chí ngồi, bậm môi ráng gân ngồi. Ngồi ở góc này không yên, vọng tưởng khởi lên, cô nói chắc là hướng này không hợp với mình, thôi mình đổi qua góc kia coi có hợp không. Rồi cô ôm bồ đoàn qua góc kia ngồi. Ngồi một hồi cũng không yên, cái thất có bốn gốc cô đổi hết bốn bề, mà càng đổi càng loay hoay thì càng rối thêm. Cho nên tới lúc cô bực quá cô không thèm đổi nữa, leo lên võng ngồi. Cho mày khởi đó, mày muốn khởi gì mày khởi thì tự nhiên nó không khởi nữa. Khi mà mình đã nói được câu như thế, không quyết là thua hay thắng. Không có chiến đấu nữa mà nói với một thái độ tỉnh thức và chấp nhận để coi mình làm việc như thế nào, tâm mình bất an như thế nào, thì khi mình nói muốn khởi gì đó khởi đi thì bao nhiêu những thứ vọng tưởng lung tung beng từ quá khứ, hiện tại không ló ra nữa. Kỳ vậy đó, mình cho nó khởi thì nó làm thinh. Như thế, nói với quý vị là chúng ta không coi nó là giặc vì nó cũng là chính mình, đầy tớ hay chủ nhà cũng chính mình, giặc hay không giặc cũng chính mình. Khi biết nó là chính mình thì chúng ta có được niềm vui, biết không ai ngoài mình để giải quyết vấn đề này. Và khi như vậy chúng ta làm gì? Danh từ mà Hòa thượng chỉ dạy cho chúng ta thường thường nói nó là vọng tưởng. Chữ vọng có nghĩa là hư ảo không thật. Mình biết nó lên xuống không thật, buồn vui cũng không thật nó chỉ là một thứ ảo tưởng mà thôi. Mình tưởng mình vui mà thật ra nó không phải là vui, mình tưởng là buồn thật ra không phải mình buồn, mình tưởng mình thương người này người kia muốn chết được nhưng thật ra cũng không thương gì hết. Tất cả những cái buồn vui, giận hờn, thương ghét sở dĩ mình bị nó chi phối chỉ vì coi nó là thật. Tới chừng biết rằng nó không thiệt gì hết, chỉ nỗi cơn chơi một chút vậy thôi, thì mình nhìn nó và thấy buồn cười. Khi nhìn nó được và thấy buồn cười đó là quý vị đã lấy lại được sức tự chủ chính thức cho mình. Nhưng không biết một ngày mình làm chủ được mấy phen? Cũng đôi ba phen? Đôi lúc mình làm chủ không phải trong giờ ngồi thiền, khi đang làm việc gì đó, đang bận rộn gì đó nhưng sức thức tỉnh đó chợt xuất hiện, không bao giờ xa rời chúng ta. Nhưng vì mình để cho quên lãng nhiều hơn, để cho những cái bên ngoài chi phối nhiều hơn, nên vội vã đi tìm sự tỉnh thức. Không tìm ở đâu hết. Khi không tìm thì tự nhiên nó có. Cho nên có nhiều vị rất ham tu, tha thiết việc tu lắm, đến thưa thầy chỉ cho con cách tu nào thiệt mau, tỉnh thiệt lẹ, thành Phật ngay hiện tại. Quý vị thấy câu hỏi đó dễ thương không? Câu hỏi đó rất là chính đáng. Nhưng mà khi khởi ý đến hỏi ông thầy thì đã quên mình rồi, quên sức làm chủ chính mình. Cho nên cái nhắc nhở của thiền sư hay lắm. Có một thiền khách đến hỏi ngài Triệu Châu, bạch Hòa thượng chỉ cho con một pháp môn tu nhanh chóng, thẳng tắt thì ngài nói, ông đợi ta một chút. Đây là cách đối đáp theo Lục tổ, hễ muốn mau thì nói chậm. Cho nên ông Phật tử khách đó xin chỉ cho cách tu nhanh chóng nhất, thì ngài nói ông đợi một chút, có nghĩa là lấy chậm để đối với mau. Dục tốc bất đạt, đời sống chúng ta luôn nôn nã, chúng ta luôn muốn thành tựu như ý mình, muốn cái gì cũng trong tầm tay, cho đến nỗi thành Phật cũng muốn thành liền. Ngài Triệu Châu nói, ông đợi một tí, bây giờ tôi phải đi tiểu. Câu nói đó hình như không dính dáng gì tới câu hỏi. Ông thiền khách ngớ ngẩn, sao mình hỏi chuyện thành phật cho mau mà ngài nói chuyện gì ngộ vậy? Chuyện tiểu tiện là chuyện bình thường của con người. Nhưng ngài đứng dậy đi và nói, ông thấy đó, đi tiểu thì cũng chính tôi đi thôi không ai đi thế hết, thì đã trả lời câu đó chưa? Có nghĩa là khi hỏi người là đã quên chính mình. Nói vậy thì quý vị sẽ nói khó quá, con muốn tu mà Ni sư không cho hỏi sao con biết đường tu, phải có người hướng dẫn chứ? Đồng ý! Quý cô cũng rất hạnh phúc khi được quý vị đến tham vấn để hỏi cách tu, bởi vì nếu mà quý vị không hỏi thì quý cô đâu cố gắng tu để trả lời. Tu là để trả lời và biết cách trả lời như thế nào, không kéo người đó đi xa mà đẩy họ trở về bổn phận chính của mình. Đó là cách trả lời rất từ bi. Không chỉ vòng vo loanh quanh, không biểu quý vị cầu nguyện hay nương tựa vào bất cứ một hình thức nào mà bảo hãy trở về với chính mình. Đó là rất thương. Nhưng ở đây cô cũng muốn nói thêm một chút xíu nữa, khi nói chuyện tu thành Phật là chuyện của chính mình thì quý vị nếu có sẵn lòng tự tin và phúc duyên đầy đủ và đã có khả năng tu thì chấp nhận, nhưng có người nói con không tin con được, con đủ thứ tật xấu, con còn dở tệ này kia… Cho nên, để bắt đầu cái cơ bản niềm tin để lấy lại được sức mạnh chính mình, thì trước tiên đức Phật thiết lập một nền móng tin tưởng cơ bản thứ nhất cho chính mình, ngài dạy điều rất thông thường là giữ tam quy, ngũ giới. Cho nên nói thật là cao hãy trở về với chính mình, nhưng thiết lập một đời sống thì từ bước cơ bản dần lên. Không phải nói hãy tin vào chính mình rồi thả cho quý vị muốn làm gì thì làm, làm ác rồi đi trong lục đạo luân hồi. Không có! Đức Phật luôn chỉ dạy cho mình cách tu để trở về chính mình, nhưng đồng thời dạy từng bước cơ bản là hãy giữ tam quy. Bởi vì phải quy hướng về Phật, pháp, tăng, để có thêm sự tin tưởng vững chắc và có chỗ để hướng về. Nếu không hướng về thì chúng ta làm sao đủ sức để thiết lập những phương tiện? Thí dụ xây dựng một ngôi nhà thì phần cơ bản là nền móng. Nền móng thiết lập xong mới dựng lên tầng một tầng hai, tầng ba… Cho nên mục đích thẳng của đức Phật chỉ dạy và mục đích thẳng của thiền tông là hướng chúng ta trở về tự tâm, nhưng nếu trên phương tiện sống bình thường chúng ta không giữ giới chúng ta không sống đời sống tịnh hạnh, không làm những việc phước, không gieo những hạt giống tốt thì không đủ điều kiện tiến tu để có thể trở về với chính mình, có những tương quan như thế. Nói thật là rốt cao, nói theo chư tổ, ông chính là Phật, các vị chính là các vị, chính là tự mình tiến tu, tự mình trở về với chính mình, tự mình ý thức được mình trong mỗi hành động. Trong khi đi đứng nằm ngồi biết mình đang làm gì, quan sát theo dõi chính mình và khám phá chính mình, thắp sáng cái rực rỡ của chính mình, đó là mục đích duy nhất, là mục tiêu chúng ta hướng tới. Nhưng với đời sống bình thường phải sống một đời sống thanh tịnh, an lạc. Có nghĩa là, không làm các điều ác, hãy làm các điều lành, giữ tâm ý trong sạch, đó là lời Phật dạy, thì chúng ta không thấy mâu thuẫn. Bạch Cư Dị là một vị quan thông minh học Phật pháp rất nhiều, đến hỏi thiền sư Ô Sào “Thế nào là yếu chỉ chư Phật?” thì ngài chỉ nói bài kệ bốn câu đó. Hỏi yếu chỉ chư Phật ngài không nói xa xôi. Đối diện với vị quan tri thức của triều đình, một học giả thông minh lỗi lạc, là quan cấp cao trong xã hội, ngài không nói những chuyện minh tâm kiến tánh, ý Phật ý tổ mà ngài chỉ nói Không làm các điều ác, nên làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch, đó là lời Phật dạy. Bạch Cư Dị phản đối. Ông nói câu nói này đứa bé ba tuổi nói cũng được, nhưng thiền sư nói “Đứa bé ba tuổi nói được, mà ông già tám mươi chưa chắc làm được.”

          Như vậy nói cho gọn lại vấn đề, chúng ta biết tu thiền để làm chủ chính mình, nắm rõ từng hơi thở. Khi nào quý vị thấy mình có vẻ gấp gáp, có vẻ phiền não bôn chôn hãy để ý hít vào thở ra thong thả, hãy quan sát từng tâm niệm của mình, nhìn nó với một thái độ bình tĩnh, đó là cách tu tập duy nhất, cơ bản của chúng ta. Nhưng trong đời sống, chúng ta biết vun bồi những nhân duyên lành, kết duyên sâu với Phật pháp, biết từ bỏ những ý niệm dở, xấu. Việc này rất là bình thường dễ làm. Đó gọi là giữ ý mình trong sạch, tức là không có một phiền não, bất an, hối hận nào xảy ra trong tâm. Đó là thiết lập một đời sống bình thường để hướng tới mục đích tối cao. Và khi làm được điều này thì chúng ta luôn luôn có một niệm an ổn vui vẻ. Thấy được rõ mình cho nên vui, thấy mình phiền não một cách rất buồn cười. Đôi lúc cô thấy trong tâm cô nổi lên đố kỵ, bực bội. Thí dụ, gặp một người nói sao bữa nay cô già quá, thì mình nổi một cơn sóng, hơi buồn một chút. Mình vậy mà người ta nói già. Mình bắt gặp những cơn sóng đó xảy ra, mình mắc cười và thả nó ra, nên không có vấn đề gì hết. Đó gọi là thường vui với chính mình, có nghĩa là bắt gặp những cơn sóng lên rồi xuống, tụ rồi tan và thấy không có gì quan trọng, cho nên mình thấy rất vui. Không phải không có gì quan trọng mà chúng ta bi quan, từ chối cuộc đời. Không phải không có gì quan trọng mà làm biếng, không có gì quan trọng thì làm chi? Không có gì quan trọng nhưng luôn luôn hoan hỉ, lăn xả luôn làm việc vui vẻ. Vì không có gì quan trọng nên chúng ta luôn tỉnh táo. Chính sức tỉnh táo đó khiến cho ta có một sức mạnh làm việc vui vẻ, hết lòng với mọi người. Thì cái đó gọi là thường vui với chính mình.

          Bây giờ cô đọc một bài thơ của Hòa Thượng để kết thúc buổi chia sẻ nói chuyện này. Thật ra quý thầy quý cô có được cái hạnh phúc làm việc được như hôm nay, mở mang Phật pháp tại đất Mỹ này, thành lập các thiền viện, hoặc là nói chuyện vững vàng với quý vị như ngày hôm nay là nhờ sức giáo hóa của Hòa thượng. Cho nên dù làm gì cũng nhớ ơn Hòa thượng đã hướng dẫn chỉ dạy và cũng muốn đưa quý vị trở về đầu nguồn thiền tông, nguồn mạch mà lúc ở Chơn Không, Hòa thượng hướng dẫn chỉ dạy quý cô quý thầy. Những bài thơ lúc đó đã nói lên cái thấy của ngài. Và chúng ta chuyển đổi cuộc đời của chúng ta qua cái nhìn của chúng ta. Chúng ta nhìn như thế nào cuộc đời sẽ y như thế đó. Chúng ta nhìn nó màu hồng thì nó màu hồng, chúng ta nhìn nó màu đen thì nó màu đen, và nếu chúng ta không mang màu sắc nào thì nhìn nó như thế nào thì nó y như thế đó.

          Bài thơ mà cô muốn đọc cho quý vị nghe tựa là Cuộc đời qua mắt tôi, bài thơ này nó rất giống và mang hình ảnh âm hưởng thơ kệ của nhà thơ đời Lý là ngài Vạn Hạnh. Ngài Vạn Hạnh là thiền sư thời Lý Thái Tổ mới dựng nước. Và ngài chính là quốc sư, thầy dạy và người đã hướng dẫn vua Thái Tổ đi theo cái nhìn của Phật pháp.

          Ngài nói bài kệ chữ Nho:

          Thân như bóng chớp có rồi không,
          Cây cỏ xuân tươi thu não nùng,
          Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
          Thịnh suy như cỏ hạt sương đông.

          Nhìn thân mình chợt có rồi chợt không. Đó là cái quan sát của người tỉnh thức. Thấy thâm mình, cuộc đời mình như giấc mộng, hoặc như tấn tuồng trên sân khấu. Cây cỏ xuân tươi thu não nùng, mùa xuân thì tươi, mùa thu héo tàn. Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi, Thịnh suy như cỏ hạt sương đông. Tức là dù có thạnh hay suy, hạnh phúc hay không hạnh phúc, giàu sang hay nghèo hèn, tất cả đừng sợ, đừng để lòng lắm, đừng quan tâm lắm bởi vì những cái đó chỉ như là giọt sương. Ý đó vẫn thâm nhập vào trong tư tưởng học Phật của tất cả những vị tu sĩ đã được un đúc qua tinh thần thiền sư Lý Trần. Thì Hòa Thượng cũng có bài thơ:

          Cuộc đời qua mắt tôi 

          Chiếc thân tứ đại khói,
          Sinh hoạt thế gian mây,
          Thành công khối nước đá.

          Những cái đó lôi kéo mình đi. Mình mong thành công, rất sợ thất bại, nhưng thành công cũng giống như nước đá, tan liền.

          Thất bại chùm bọt tan
          Nhục vinh bong bóng nước
          Thương ghét hạt sương mai
          Khổ vui trong giấc mộng
          Danh lợi bóng chim bay

          Những cái khổ vui cũng giống như cơn mộng và danh lợi tiền tài tới như chim bay qua bầu trời. Thiệt nó có bay đó, những cái danh lợi tôn xưng. Như cô đi đâu cũng được mọi người khen Trụ trì thiền viện, đồ chúng đông này kia. Nhưng khi ra đường

          Tháng ngày cái chớp mắt
          Còn mất nước trăng lay

          Bóng trăng in xuống mặt nước lay động. Có khi bóng trăng in một cách rõ ràng, nhưng có khi mặt nước xao động thì trăng không còn nữa.

          Chung cuộc cơn gió thoảng
          Viên mãn bầu trời trong.

          Nhìn tất cả mọi thứ nó hư ảo như thế, thoảng qua như thế nhưng mà còn lại là một bầu trời trong.

          Dạy chúng ta cách nhìn, quán sát mọi thứ rất là mơ màng, hư ảo mà không bi quan. Đó là cái nhìn của đạo Phật. Không bi quan không thất vọng, dù mình có khổ có thất bại tận cùng nhưng mà tất cả đều coi như giấc mộng. Vậy còn lại một cái gì ở lại với chúng ta? Còn bầu trời trong, tức là còn lại chính mình, còn chính tự tâm mình để nhìn những thứ đó, thì những cái qua lại thoáng chớp đó cũng vui thôi. Những cái đó rồi cũng đi qua. Tất cả mọi thứ đều đi qua hết, nhưng qua không có nghĩa là mất mà vẫn còn một cái ở lại với mình. Mỗi ngày chúng ta nên ngồi thiền tự tỉnh thấy mình rõ hơn, thấy rõ sự tỉnh thức của mình, cái đó ở lại với mình. Mình sẵn sàng sống, sẵn sàng tỉnh thức, những cái bong bóng bọt nước cũng vui thôi, không có gì buồn hết, cho nên viên mãn bầu trời trong. Bài thơ ban đầu nói chiếc thân tứ đại khói, sinh hoạt thế gian mây, nghe bi quan rầu rĩ. Cho nên đạo Phật bắt đầu những cái rất rầu khổ. Khổ mới đi tu, nhưng khi tu nắm được pháp môn này rồi, tu tập với chính mình, tự tin chính mình thì tự nhiên chúng ta có niềm vui, thấy rõ giá trị của mình. Mỗi ngày sống là mỗi ngày tỉnh thức, ngồi thiền tỉnh táo. Nhớ nhắc ráng ngồi thiền đừng làm biếng nha! Quý vị sẽ thấy giá trị lúc theo đạo tràng. Ngồi thiền nhiều lúc mệt mỏi, bực bội. Nhưng cứ tập đi, cứ ngồi để chúng ta có sức tự tin chính mình. Vậy thôi. Nếu đạo tràng dạy quý vị phải tu tập tỉnh thức, phải tự tin chính mình mà không thiết lập thời khóa thì không được. Phải có thời khóa, sám hối, tụng kinh, kinh hành, thọ trai, ngồi thiền. Vì đó là thời khoá biểu đều đặn, giống như một thang thuốc, phải có chất này chất kia để khi uống vô nó hòa hợp. Tất cả những cái đó để tạo phương tiện cho sức mạnh tự tin nơi chính mình. Nói như vậy để quý vị thấy rằng những thiết lập thời khóa của khóa tu, những lúc mà chúng ta tu tập theo đại chúng vẫn có giá trị của nó. Nói để đừng làm biếng bởi tôi biết quý vị dễ làm biếng. Trong tất cả các việc làm không có việc làm nào “hấp dẫn” bằng làm biếng, làm biếng là khoẻ nhất. Thôi, bữa nay xin hết.

 

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 98983
  • Online: 11