Tín Tâm Minh giảng giải (Phần 6)
28/09/2016 | Lượt xem: 4039
HT.Thích Phước Tú dịch và giảng giải
Nhậm tánh hiệp đạo,
Tiêu dao tuyệt não.
Hệ niệm quai chơn,
Hôn trầm bất hảo.
Dịch:
Bằng “Tánh” hiệp đạo,
Tiêu dao dứt não.
Buộc niệm trái “chơn”,
Hôn trầm chẳng tốt.
Nhậm theo chữ Hán có nghĩa là mặc tình. Hòa hợp bằng Tánh, sống bằng Tánh để hiệp Đạo.
Với “Tánh” hiệp Đạo cũng có thể dùng nhưng chữ “Bằng” hay hơn. Chữ “Với” bình oxy, như vậy bình oxy nằm ngoài mình. Còn “bằng” là chúng ta thở bằng hơi thở của chính mình. “Bằng” là cái chính mình không có hai.
“Bằng Tánh hiệp đạo” tức là chúng ta sống thẳng bằng Tánh. Mình và Tánh tức là một, không hai. Sống bằng Tánh đó là hiệp Đạo. Cũng là chữ nghĩa nhưng không khéo chúng ta sẽ không diễn được.
Có người viết khẩu hiệu là “Sống với Tâm” để nói lên pháp tu của mình. Thay vì sống với Niệm tưởng bây giờ sống với Tâm. Nhưng nói vậy còn trên nghĩa giải và chưa hiểu được Tâm, còn thấy Tâm là cái gì đó ngoài mình, khác mình cho nên còn phải sống “với”.
Hiểu tới nơi thì phải “Sống bằng Tâm” thì Tâm đó thực sự mới là Tâm ta.
Ở đây nếu sống được bằng Tánh thì hiệp Đạo.
Cái Tánh là cái không thay không đổi ở nơi mình. Sống cũng vậy mà chết cũng vậy là cái không thay đổi. Cái Tánh này có trước khi trời đất có, không bao giờ bị hư hoại dầu thân xác tan nát nhưng cái Tánh vẫn không thay không đổi.
Nhiều khi chúng ta lầm lẫn cho rằng sự nóng nảy, sự tham lam đó là Tánh tôi. Tánh của tôi như vậy đó. Để xác định rằng cái tánh, cái nết của tôi không bao giờ thay đổi “Đánh chết cái nết không chừa”. Tánh đó là tánh nết không phải Thể Tánh.
Thực sự tánh nết có thay đổi.Mình có thể dễ dàng nổi sân với người này nhưng với người khác mình lại thương không hết. Như vậy là có thay đổi. Khi mình chưa biết tu thì sân đùng đùng nhưng khi hiểu đạo lý, biết pháp tu rồi thì cái sân của mình lần hồi bớt.
Như vậy tánh sân có thay đổi mà có thay có đổi thì đâu gọi là Tánh được.
Hay cái tham cũng có thay đổi. Hồi còn con nít mình tham ăn lắm. Đến lớn thì không còn nữa, nó thay đổi. Cái có thay đổi thì không phải là Tánh mà chỉ là cái nết thôi. Phải phân biệt rõ tánh nết và Tánh thể.
Cái Tánh thể lúc nào cũng vậy, nó là thể trong sáng không nhiễm bụi đời, bụi trần. Không sanh không diệt. Không tốt không xấu. Lúc nào cũng vậy, giống như hư không. Hư không tánh vốn trong suốt nên lúc nào cũng trong suốt. Dầu có bụi hay không bụi tánh hư không vẫn trong suốt.
Bụi là chuyện ở ngoài tánh, bụi là cái của không gian không phải của hư không. Trong hư không có bụi, có gió, có đủ thứ nhưng thực chất hư không vốn là trong suốt. Cái trong suốt đó mới thực là tánh của hư không. Cho nên trời sụp, đất lở thì hư không vẫn như thế. Đó gọi là Tánh. Cái Tánh chơn thật của mình cũng vậy.
Cái Tánh chơn thật đó được ngôn ngữ hóa là: Tánh Thể, Tâm Thể, Tánh Phật, Thiên Chân Phật, Chơn Tâm, Bổn Tánh, Bổn Tâm, Mặt thật xưa nay…Có rất nhiều từ ngữ để gọi nhưng vẫn không có gì thay đổi, nó vốn không tên không họ, không từ ngữ cho nên có thể đặt cho nó vô vàn từ ngữ mà không dính gì đến nó.
Giống như hư không, mình tha hồ viết chữ lên hư không, muốn viết gì thì viết nhưng không làm sao dính được hư không.
Cái Tánh cũng vậy, ngay chữ Tánh cũng không. Đó là chỗ rỗng lặng. Rỗng lặng mà thênh thang trùm khắp. Cái Tánh đó mà sống được thì hiệp với đạo.
Tánh chính là Đạo. Đạo là Tánh vậy.
Ngay từ đầu Ngài đã nói rằng Đạo như là thái hư, không thiếu không dư. Nếu chúng ta hiểu ra được cái không thiếu không dư tròn đồng thái hư là chúng ta rõ ra được Tánh, gọi là kiến Tánh.
Khi kiến Tánh thì rõ ràng trong đó vốn không có một Niệm nào cả. Giống như trong tánh hư không vốn không có một hạt bụi nào cho nên không phải lau chùi bụi cho hư không. Như trong tấm gương vốn không có hạt bụi nào nên không cần phải lau bụi để cho gương trong, gương đã tự trong.
Tánh vốn là hông Niệm, nên không cần phải trừ Niệm, diệt Niệm dù rằng Niệm gây phiền phức cho chúng ta rất nhiều. Như đã nói Niệm đưa mình vào chỗ ác, vào đường tà. Nhưng ngộ Tánh và sống được bằng Tánh thì “tiêu dao dứt não” tức một đời sống thong thả không bị ràng buộc, dứt hết não phiền, ung dung tự tại. Vì vậy tu quan trọng nhất là phải ngộ Tánh.
Ngộ Tánh rồi khởi tu và đến chỗ này tu không còn nghĩa là sửa nữa. Tu nghĩa là sửa đó chỉ là giai đoạn tạm thời, giai đoạn thô sơ. Khi nào có hư mới sửa. Giống như chiếc xe có hư mới đem đi sửa gọi là đại tu, trùng tu… Khi xe không hư mà đem đi tu sửa là phá hoại. Khi đã lành lặn, tốt rồi thì không có nghĩa là tu nữa.
Tánh là cái hoàn chỉnh nhất, tốt đẹp nhất, là cái không có hư hoại gì cả. Cho nên ngay Tánh không có sửa chữa gì hết. Vì vậy, khi Thiền sư rõ ra Tánh rồi mới thốt lên rằng:
- Bảo ta tu là tai họa.
Đó là chỗ khi Ngộ Tánh và sống bằng Tánh rồi thì không có gì để gọi là tu hết. Một cái máy mới rất xịn mà thọc tay vô sửa tới sửa lui là đem liệng luôn. Đó là tai họa, Tánh này là rỗng rang không trống thì đừng bày tu cái này tu cái nọ. Nó là cái tốt nhất, trọn vẹn nhất thì không có gì để tu để sửa.
Chúng ta tu sửa là tu sửa tánh chúng sanh. Chỗ này tu tức là Sống Bằng Tánh Phật.
Sống bằng Tánh gọi là tu, chỗ này vượt lên tất cả những pháp đối đãi cho nên không có tu cái này, tu cái kia. Chuyện chúng ta tu cái này, tu cái nọ là tu cái tâm chúng sinh của mình.
Vì tâm chúng sinh có Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi…cho nên phải giũa mòn những Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi…của mình. Chính những Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi… đó là vi trùng độc cần phải diệt nó, phá nó, sửa nó. Còn Tánh Phật này không có Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi… thì lấy gì để mà tu. Cho nên bày chuyện tu ở đây đó là tai họa. Chỗ này là chỗ rất siêu đẳng, vì siêu đẳng nên ít có người với tới. Ngay cái hiểu còn không hiểu nổi tưởng đâu rằng mình nói dóc, nói tầm bậy.
Đây là chỗ thành Tổ, thành Phật của các vị xưa. Tu như vầy, sống như vầy gọi là tu Thiền. Tu Thiền là sống bằng Tánh. Từ Tánh mà sống gọi là tu Thiền, là Thiền chánh tông.
Đây là chỗ rất sâu xa nhưng trong con số người tu của mình hiểu tầm bậy cho rằng người tu thiền bị điên hết rồi. Tại sao lại nói những lời thiếu hiểu biết như thế. Không hiểu thì đừng nói, nói trở thành tội lỗi. Cái nghĩa chữ Tánh thôi chúng ta còn chưa hiểu thấy huống nữa là cái chân thật của cái Tánh này chúng ta đã có phần hay chưa? Thật là khó.
Khó thì khó nhưng không phải chúng ta không có. Mỗi người đều có cái Tánh này nhưng rất tiếc người ta không hiểu. Những kinh điển đại thừa như Pháp Hoa, Đại Bát Niết Bàn, Hoa Nghiêm, Bát Nhã… đều nói lên về Tánh này nhưng chúng ta không nhận ra đó thôi.
Đây là một sự thật 100%. Chúng ta chịu hay không, chấp nhận hay không thì Tánh này cũng vẫn là sự thật. Vì nếu không có Tánh này sẽ không có chúng sinh.
Đã là chúng sinh thì nhất định phải có Tánh này. Khi chúng sinh ngộ ra Tánh này thì chúng sinh là Phật. Đơn giản như vậy. Đạo lý này đã truyền đời ở nước Việt Nam ta mấy ngàn năm nay kể từ Phật giáo mới du nhập vào Việt Nam cho tới bây giờ.
Chuyện An Tiêm là chuyện để nói lên cái Tánh này. An Tiêm và quả dưa hấu đỏ lòng. An Tiêm tức là An Tâm. Làm sao an tâm được? Khi sống được bằng Tánh thì sẽ an tâm.
Sống bằng Tánh thì không có chuyện gì xảy ra. Tất cả những niệm nghĩ, tất cả những tâm ý đều tan biến chỉ còn Tánh Thể rỗng lặng đó là chỗ an tâm trọn vẹn nhất. Đã an tâm rồi nên không còn sợ hãi những hoàn cảnh xung quanh nữa. Biển cả hay cuộc sống khắc khổ nghiệt ngã đều không thành vấn đề với con người an tâm. Do đó, An Tiêm mới ăn nên làm ra có được quả dưa hấu một cách huy hoàng để rồi sau đó nhờ quả dưa hấu đỏ lòng mà đức vua nhìn ra thân phận dời về cung làm thái tử và đưa lên ngai vàng. Đó là một con người đã biết sống bằng Tánh từ thưở dạo đầu của đất nước Lạc Hồng của chúng ta. Kể từ đó đạo Tâm Tánh này lan khắp ở Việt Nam suốt bao thế kỷ.
Các vị có học qua lịch sử đạo Phật Việt Nam thì thấy rõ về đạo Tánh này đã dàn trải qua từng thế kỷ một cho đến ngày hôm nay. Các vị muốn sống cho hiệp Đạo, muốn ngộ Đạo, muốn thành Đạo mà không ngộ Tánh, không sống được bằng Tánh thì sẽ không có chuyện thành Đạo. Chúng ta phải hiểu như vậy.
Tánh này là một yếu tố quyết định ở trên con đường ngộ Đạo và hành Đạo. Nếu chúng ta tu bằng cách buộc Niệm, diệt Niệm thì trái với chơn Tánh. Vì Thể Tánh vốn là rỗng lặng nên diệt Niệm để mong được sự rỗng lặng là một sai lầm.
Như chúng ta cố lau cho sạch những hình bóng trên tivi là giúp cho tivi tốt hay là phá hoại? Tivi tuy có bóng làm rối đầu mình nhưng muốn diệt nó là chuyện tầm bậy vì ở trên màn hình của tivi vốn không có bóng nào trong đó.
Những bóng đó đều từ nơi Nhân Duyên Sinh mà ra. Nhân duyên sinh quan trọng nhất là do có hư không, đài truyền hình phóng sóng đến hư không. Sóng điện được cấu tạo bằng vô số những máy móc lên không gian. Như vậy là phải qua nhiều nhân duyên sinh mới có hình. Những hình đó tuy thấy là có nhưng không thật vì do nhân duyên sinh mà hiện ra. Chúng ta không hiểu muốn diệt hình bóng đó.
Rất tiếc nhiều người không hiểu chuyện này và coi tu diệt Niệm là một vấn đề chính yếu, là một việc quan trọng nhưng lại không ngờ “buộc niệm thì trái chơn”.
Buộc niệm lại sanh ra một tình trạng nữa gọi là “hôn trầm chẳng tốt”. Vì khi ăn thua đủ với Niệm thì làm cho thần kinh mỏi mệt, khiến hôn trầm gật gờ gật gưỡng, đó là một tình trạng xấu phiền phức cho chúng ta thôi.
Buộc niệm lại sanh ra một tình trạng nữa gọi là “hôn trầm chẳng tốt”. Vì khi ăn thua đủ với Niệm thì làm cho thần kinh mỏi mệt, khiến hôn trầm gật gờ gật gưỡng, đó là một tình trạng xấu phiền phức cho chúng ta thôi.
Giống như con gà đứng trước gương thấy trong gương có một con gà khác nó sừng lông đá con gà trong gương. Chuyện gì sẽ xảy ra với nó? Chỉ là tà mỏ gãy cựa, tự nó tơi tả mà không được gì hết. Chúng ta ăn thua với niệm tưởng, tu diệt niệm cũng vậy.
Chúng ta thấy có những người tu để rồi sanh bệnh hay sanh chứng tâm thần kinh là do nơi tu mà không hiểu lý Thiền rồi cứ tu đại gọi là tu Thiền. Không hiểu những điều này thì rất tội nghiệp. Hiện giờ và ngày xưa việc tu buộc niệm này nhiều lắm.
Tu như đây cũng không gọi là Thiền hay là gì cả mà tu thế này là tu đúng với Tự Tánh Tự Thể cùa mình cho nên các vị rõ ra được chỗ này rồi mới nói rằng: “Một chữ Thiền cũng không thích nghe”. Nếu cho rằng có một đường lối nào là Thiền thật sự cùng là trái với Tự Tánh.
Chỉ là một Tánh Thể lặng trông diệu mầu mà thôi. Đó là “diệu trạm tổng trì bất động tôn”. Lặng trong luôn chứa diệu mầu. Cần phải ngộ ra và sống bằng như thế ấy. Như thế gọi là “Bằng Tánh hiệp Đạo”.
Bất hảo lao thần,
Hà dụng sơ thân.
Dục thú nhứt thừa,
Vật ố lục trần.
Dịch:
Chẳng tốt nhọc thần,
Nào dùng thân sơ.
Muốn đến nhất thừa,
Chớ ghét sáu trần.
Do tu bằng cách buộc niệm mà gây cho mình vừa hôn trầm, vừa nhọc nhằn tinh thần, không được sáng suốt gọi là: “Chẳng tốt nhọc thần”.
“Nào dùng thân sơ”. Chớ chấp vào thân sơ, tốt hay xấu, chơn hay vọng. Về cái tốt xấu, chơn vọng không nên chấp vào. Không nên lấy cái chơn cho đó là thân, không nên lấy cái vọng cho đó là sơ. Tức là thích cái này mà lờ cái kia. Không nên như vậy.
Muốn đến nhất thừa,
Chớ ghét sáu trần.
Trình độ tu cao nhất gọi là nhất thừa. Nhất thừa để nói khác đi với tiểu thừa hay trung thừa hay là đại thừa. Ở đây gọi là nhất thừa là cái thừa cao tột trên hết còn gọi là Phật thừa. Muốn đến được chỗ đó thì chớ ghét sáu trần.
Tu rồi không muốn thấy cảnh sắc gì cả, như muốn dán mắt mình lại không để cho thấy cái gì hết. Thấy cái gì cũng xốn mắt, ngứa mắt chịu không nổi nên không muốn thấy sắc trần, không muốn nghe thinh trần, cũng không muốn ngửi hương trần, cũng không muốn nếm vị trần, không muốn xúc chạm xúc trần và pháp trần. Đối với sáu trần đều không muốn thấy, không muốn biết tới.
Sáu trần là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; sáu món đó thật ra không có lỗi gì hết. Mình đổ thừa tại người này, người kia làm cho mình tu không được. Đó là đổ thừa tầm bậy, không phải tại người này, hay tại người kia mà tại mình thôi. Cái trần không có lỗi gì hết. Cái trần là như vậy, vốn là như vậy.
Nhưng vị hiểu ra được điều này mới nói rằng: “Pháp nhĩ như thị”. Pháp là như vậy. Cái pháp không làm gì mình.
Có những thầy tu sợ đàn bà con gái lắm, không dám gần, không dám gặp. Nhưng hỏi đàn bà con gái làm gì chứ? Họ có ăn tươi nuốt sống mình được không? Họ có hốt hồn mình được không? Đàn bà con gái là đàn bà con gái. Đâu phải tại họ mà mình tu không được. Mình tu không được là tại mình thôi chớ mắc mớ gì đàn bà con gái. Muốn tu cho được là mình đem giết đàn bà con gái hết phải không? Đem hủy diệt hết các trần phải không? Tu vậy mình có từ bi không? Không có từ bi mà mình rất tàn ác.
Các pháp không có lỗi gì hết. Có lỗi hay không là do mình thôi, phải tự điều chỉnh mình chứ không đổ thừa tại các pháp bên ngoài, tại cảnh, tại người, tại vật gì đó. Tất cả những cái đó đều sai lầm hết. Cho nên chớ ghét sáu trần.
Có câu nói: “Thấy cảnh sắc như kim đâm vào mắt, tai nghe tiếng nhức nhối lỗ tai”. Những lời phát biểu như vậy tưởng rằng hay lắm nhưng thực sự đó là tu dở.
Cảnh sắc là cảnh sắc, mắc mớ gì tới con mắt mà làm cho mình xốn con mắt, như kim đâm vào mắt. Âm thanh làm cho đau nhức lỗ tai. Đành rằng âm thanh cũng có sức mạnh của nó làm cho điếc lỗ tai nhưng thực ra nó không gây khổ cho mình.
Phải thu thúc sáu Căn, phải diệt sáu Trần, đó là một lối tu chưa thấu đáo, chưa tới nơi. Đoạn Căn, dứt Trần, diệt Trần, như vậy là chúng ta tu theo lối phá hoại mình, phá hoại các pháp, chỉ làm thiệt hại cho mình và các pháp mà thôi. Điều này chúng ta nên lưu ý đừng để phạm phải.
Đây chỉ là một lối tu ban sơ của những người mới vào Đạo, còn những người tu sâu sắc rồi thì những vấn đề này không phải là quan trọng. Lỗi không phải tại Căn, lỗi không phải tại Trần. Cho nên không có gì phải ghét và cho tới lỗi cũng không phải tại Thức nữa.
Không phải tại Thức sanh làm nên lỗi. Chỉ vì chúng ta “mê” TÂM để Thức dấy động cho Căn Trần dính mắc với nhau thành ra chuyện đó thôi. Nếu chúng ta sáng TÂM rồi thì Thức không sanh, Trần không động và Căn không nhúc nhích thì không có chuyện gì. ĐÓ là chỗ chúng ta phải hiểu.
“Ngăn Căn” hay “Diệt Trần” là chuyện phôi thai ở trên đường tu. Mình còn yếu thì nó là vấn đề nhưng khi mình có cái thấy sâu sắc, thấy tới nơi rồi thì chúng không còn là vấn đề nữa, nó không phải là chỗ để mình ăn thua.
Phải hiểu rõ chỗ này, muốn được nhất thừa chớ ghét sáu Trần, hãy bình thường. Hãy có một cái nhìn, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, hay biết trong sáng. Bằng sự trong sáng mà tiếp xúc sáu Trần thì sáu Trần trở nên trong sáng.
Khi sống được bản Tâm rồi thì thấy rõ Tâm của mình vốn là trùm khắp các pháp tức là phủ choàng cả sáu Trần thì làm sao “diệt Trần” đây.
Như thấy cái giỏ hoa này thì Tâm của mình ở tại giỏ hoa thì làm sao diệt cái giỏ hoa đây? Liệng cái giỏ hoa, xách cái giỏ hoa này đi nhưng cái thấy giỏ hoa ở nơi mình là còn hay không còn? Vẫn còn.
Vì cảnh là cảnh của Tự Tâm. Không có Tâm làm sao thấy được cảnh? Chúng ta diệt cảnh là diệt làm sao? Chúng ta có thể đập nát chậu Vạn Thọ này nhưng chúng ta có diệt cái thấy của mình chỗ đó được không? Cho nên không có chậu Vạn Thọ này thì có cái khác. Rồi cái khác hiện tới mình diệt cái khác nữa. Mình diệt cái khác thì có cái khác nữa thì làm sao diệt?
Giống như bây giờ ở trước mặt tôi luôn luôn có cái thấy cho nên một vị nào đến trước tôi thì hiện ra một cách rõ ràng. Tôi bảo đi thì người đó đi và người khác hiện ra nữa. Như vậy cái thấy của tôi có mất không? Có diệt được không? Rồi người khác hiện tới nữa và cứ vậy tôi diệt, tôi diệt hoài vậy sao?
Như mình ra chợ, thấy người ta mình chịu không nổi, mình xốn con mắt, mình đuổi, mình dẹp người này, dẹp người nọ thì được không? Dù có dẹp cũng không dẹp được vì chỗ thấy đó là Tâm của mình rồi.
Giống như bàn tay của tôi ở tại cái giỏ này thì chính cái giỏ này là bàn tay của tôi. Như vậy tôi có cần dẹp cái bàn tay của tôi không? Đâu cần.
Cái Tâm của tôi ở đây rồi thì tôi còn diệt cái gì nữa? Ở nơi sắc cũng chính Tâm tôi, ở nơi âm thinh cũng chính Tâm tôi. Ở nơi cái xúc cũng chính Tâm tôi, ở nơi cái pháp, cái hay biết cũng chính Tâm tôi. Tất cả đều là Tâm tôi thì tôi còn diệt gì nữa chứ?
Khi chúng ta trải Tâm mình trên tất cả các pháp thì các pháp chính là Tâm ta nên không có gì phải diệt cái này, diệt cái kia.
Như vậy cảnh cảnh là Tâm. Vì thế chớ nên ghét sáu Trần vì ghét sáu Trần là làm Tâm mình bị thương tổn, Tâm bị co rúm, bị hạn chế. Đó là điều chúng ta thiếu mất Từ bi mà tu là phải Từ bi.
Từ bi là mình thương hết tất cả vạn vật ở giữa này, mà chúng ta không thương được cái nào hết. Cái nào lú ra là ta diệt thì hỏi làm sao chúng ta có Từ bi.
Điều này giống như chúng ta có sáu đứa con. Chúng ta để nó ra mà lại ghét nó, nói rồi đem giết nó. Chúng ta nói nó làm rối mình rồi đem giết nó như vậy có phải là cha mẹ hiền không? Đó là điều bị người đời nguyền rủa, mình sẽ thấy ăn năn hối tiếc về điều mình đã giết con của mình.
Sáu Trần có ra cũng giống như trường hợp những đứa con của mình vậy. Không có mình thì có sáu Trần không? Sáu Trần không tự có, do có mình thì mới gọi nó là sáu Trần.
Thực ra những tiếng gọi Trần, Căn, đó là những tiếng nói ở trong mê. Khi mê thì nói có Căn, có Trần, có Thức nhưng khi giác rồi thì Căn, Trần, Thức không có nữa, chỉ là một cái TÂM thênh thang mà thôi, chẳng Căn, chẳng Trần, chẳng Thức gì hết.
“Chớ ghét sáu trần”. Lý này đơn giản nhưng cũng là khó, nếu người hiểu được cái Tâm thì không biết được chuyện này. Những người mới tu chưa hiểu, rất không ưa Trần.
Như mình xuất gia rồi những người thân của mình tìm, mình không muốn gặp. Mình trốn được một lần, hai lần chứ mình trốn hoài được sao? Đó không phải là cách. Chúng ta cứ đối mặt bằng một tâm thái bình an trong lành thì việc đối mặt đó không phải là một vấn đề gì lớn lao lắm. Trong khi mình có sự bình an thì sự đối mặt của mình sẽ có một năng lực hóa giải, bao dung đối với đương sự.
Giữa cuộc đời này, cái nào không phải là Trần? Chúng ta trốn cái này thì gặp cái kia, trốn cái kia thì gặp cái nọ cho nên đó cũng không phải là cách. Ở thành phố thì đầy người, đầy xe cộ. Bỏ thành phố chúng ta trốn lên non. Lên non lên núi chúng ta không gặp gì hết sao? Nó còn có bao nhiêu cảnh khác là chim muông, cảnh vật này nọ, trốn đâu cho khỏi. Mình chui vô hang có khỏi không? Cũng còn Trần thôi.
Tu không phải là sự trốn chạy. Nếu có, chỉ là bước đầu mà thôi để rồi sau đó mình phải đối diện, Đối diện để giải quyết, để hóa giải. Điều này là chúng ta đi theo bước chân của Thái tử Tất Đạt Đa. Giai đoạn đầu Thái tử cũng trốn, trốn vợ, trốn con, trốn gia đình nhưng đó là khi Thái tử không biết gì. Còn khi giác ngộ rồi, Ngài chẳng những không trốn mà còn trở lui thăm lại gia đình, gặp lại cha, vợ và con, không phải Ngài trốn suốt đời.
Lục trần bất ố,
Hoàn đồng chánh giác.
Trí giả vô vi,
Ngu nhơn tự phược.
Dịch:
Chẳng ghét sáu trần,
Trở đồng tánh giác.
Người trí “vô vi”,
Người ngu tự trói.
Khi không còn ghét sáu Trần nữa thì trở đồng chánh giác. Một đời sống thuần chánh giác không còn sống trong mê nữa. Đời sống thuần chánh giác này là một đời sống hông có niệm tưởng mà chúng ta gọi là đời sống vô niệm. Sống vô niệm mà hông phải là diệt niệm, mà vì Thể Tánh vốn là vô niệm.
Từ vô niệm mà sống ra, nên từ mắt xuyên thẳng tới Trần. Đó chỉ là một cách nói, một cách diễn tả thôi. Thật ra cũng không phải từ mắt đến Trần, mà không Căn không Trần, có thể nói là xuyên Căn đến Trần.
Căn cũng không mà Trần cũng không, tất cả chỉ là đời sống Bản Tâm, một đời sống thuần Tánh giác.
Để sống một đời sống thuần chánh giác là phải đạt nguồn Tâm như Kinh Tứ thập nhị chương nói: “Thức Tâm đạt bổn thị vi Sa môn”. Tức là “Rõ Tâm đạt cội nguồn người đó mới chính thực là Sa môn”.
Như tôi đã nói Tâm mình phủ choàng lên vạn vật, phủ choàng lên Trần là Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Ở ngay Trần đó chính là Tâm ta vì vậy không có gì phải trốn hết. Khi sống thẳng bằng TÂM thì đó gọi là giác, là Chánh giác.
Chánh giác là chúng ta bình thản trên Trần.
Như trước kia chúng ta có con là mình cưng con. Mỗi lần gặp con là mình nựng nịu con, mình nói những lời yêu thương với con hay là khởi tâm yêu con, thương con nhưng đó là chúng ta còn trong mê.
Khi chúng ta tu hành tốt rồi thì con là con, nó đối mặt với mình và mình sẽ trùm lấy nó và không còn thấy đó là con của mình và mình là cha của nó nữa. Ngay đó mình hóa giải tình huống cha con và trở nên bình thản với nó nhưng không phải là lạnh nhạt, lạnh lùng.
Mình vẫn bình thản, vẫn gọi là con nhưng không kèm theo sự dính vướng nào. Trong tình trạng tiếp xúc thản nhiên như vậy là mình tiếp xúc bằng cái chánh giác của mình. Nếu cứ trốn hoài là mình không có chánh giác và mình cũng không giải quyết một cách dứt điểm về sự dính líu giữa mình và người.
Trong cái nhìn chánh giác này không có mình và người. Là một năng lực sống không Tứ tướng: không có mình, không có người, không có chúng sanh, không có thọ giả. Một năng lực sống không Tứ tướng. Chúng ta sống thẳng như vậy là một cuộc sống không Trần, không Căn, không Thức. Đó là cuộc sống “trở đồng chánh giác”. Nên cái tu này hết sức vi diệu.
Từ khả năng sống như vậy chúng ta có thể tiêu giải hết tất cả những dây mơ rễ má trước kia. Điều này rõ ràng như đức Phật vậy. Đức Phật khi trở lại với gia đình Ngài không tránh cha, không tránh vợ con trước đó, Ngài vẫn gặp gỡ tiếp xúc mà rất bình thản hóa giải hết những dính mắc trước kia, không còn dây dưa trong tình cảm cha con, vợ chồng nữa.
Ngài hóa giải hết, cha trở thành Phật tử của Ngài, vợ trở thành đệ tử xuất gia của Ngài, trở thành Tỳ Kheo Ni, rồi con cũng trở thành đệ tử của Ngài, trở thành Sa Di. Ngài hóa giải một cách trọn vẹn như vậy và đương sự cũng thuận theo sự hóa giải của Ngài mà không có phản ứng gì. Năng lực Từ bi ở nơi Ngài đã chuyển hóa được tha nhân. Đó là một sức kỳ diệu, mầu nhiệm.
Chúng ta nhớ tu là phải vậy. Không phải đối đầu, hủy diệt, tránh né hay là trốn chạy. Mặc dầu bây giờ có thể là chúng ta chưa hiểu thấu, chưa có khả năng để biết nhưng chúng ta phải hiểu để hướng dẫn đời tu của mình đạt được trình độ sống như vậy.
Chúng ta không thể coi Trần là kẻ thù của mình mặc dầu có Thiền sư nói rằng: “Căn Trần không đến nhau là giải thoát”. Khi Căn và Trần dính nhau là có ràng buộc, có đau khổ. Khi Căn và Trần không dính nhau nữa là có giải thoát. Nói như vậy rõ ràng là có Căn và Trần, nhưng ở đây không phải vì Căn và Trần không đến nhau thì có giải thoát, mà vì tất cả đều là TÂM.
Chỉ là một sức sống TÂM, phủ choàng trên vạn vật nên không còn cái gọi là Căn, là Trần gì nữa. Chỉ là TÂM thôi vì vậy gọi là giải thoát.
Chỗ giải thoát đó rất là sâu xa và các vị hãy chiêm nghiệm chỗ này để chúng ta thấy rằng chỗ giải thoát này rất là cao siêu nhưng cũng rất là đời. Đó mới là chỗ giải thoát chân thật nhất.
Người Trí “vô vi”
Người ngu tự trói.
Tổ là con người chứng ngộ nên nói ra những lời đơn giản nhưng sâu sắc vô cùng. Chúng ta phải hiểu được nền tảng chứng ngộ của Ngài thì mới thấu được về những lời dạy đơn giản này.
Ngài ngộ Bản Tâm, rồi từ Bản Tâm đó mà sống bao nhiêu năm mới có ra những lời dạy đơn giản này.
Ngài ngộ Bản Tâm, rồi từ Bản Tâm đó mà sống bao nhiêu năm mới có ra những lời giảng dạy này, cho nên mình cũng phải từ năng lực Bản Tâm để mà hiểu.
Từ năng lực Bản Tâm sống ra mới thấy rõ ràng sáu Trần chẳng có chi để ghét và được đời sống đồng Chánh giác. Lúc đó mới thông cảm được rằng: “người Trí vô vi người ngu tự trói”.
Người Trí luôn sống bằng vô vi, tức là không làm, không tạo tác, không khởi niệm. Nói rõ hơn đời sống vô vi là đời sống lặng trong không khởi niệm. Người trí họ sống rỗng lặng giống như hư không hòa vào hư không. Đời sống rất trôi chảy, không gợn, không ép, không bựa gì cả.
Giống như hư không ở trong ly đổ ra hư không giữa này vậy, hư không giao tiếp với hư không. Tâm vô vi giao tiếp với cuộc sống cũng vậy cho nên ở đâu, lúc nào họ cũng giải thoát hết.
Giải thoát tất cả chỗ vì Tâm đã giải thoát.
Đời sống này đơn giản nhưng mầu nhiệm vô cùng. Khi chúng ta sống đời vô vi thì không thấy có mình, không còn thấy có người gì nữa. Mình cũng không, mà người cũng không. Mình không còn là nam, là nữ nữa, không còn là Tăng cũng không là tục nữa. Đó là đời sống vô vi, không tự thấy mình là gì hết.
Giống như hư không, không là cái gì hết. Khi hư không ở trong ly thì có hình dáng ly, khi hư không ở trong cái chén… thì có hình dáng cái chén, nhưng hư không không phải là cái ly, cái chén…
Người sống đời vô vi này khi ở trong thân nam tử thì coi như là nam tử, khi ở trong thân nữ nhơn thì coi như là nữ nhơn, khi ở trong thân một ông Tăng thì coi như đó là một ông Tăng, khi ở trong thân một người Ni thì coi như đó là một người Ni. Nhưng thật không phải nam, không phải nữ, không phải Tăng, không phải Ni. Điều này các vị có thể hiểu được không?
Khó hiểu lắm. Nhưng thực sự cũng giống như chuyện hư không ở trong ly, trong chén vậy thôi. Nếu chúng ta hiểu ra được chỗ này thì thật là hay vô cùng, lúc đó chúng ta mới hóa giải được thân phận này. Không cho mình là nam tốt hơn nữ, không cho là Tăng tốt hơn người Ni. Giống như hư không là hư không, hư không không là gì hết, nó bình đẳng trọn vẹn.
Sự thật chúng ta là như vậy nhưng chúng ta không hiểu được nên mình chỉ thấy được trên hình dạng cái ly, cái chén chớ không thấy được trên cái hư không.
Chúng ta không thấy được trên tính chất của nó cho nên chấp vào tướng mà sống. Mà chấp vào tướng là nhất định có sai lầm thôi.
Chấp thân này là nam, thân này là nữ, thân này là Tăng hay thân này là Ni là sai lầm.
Chúng ta sống mà không dứt được hai bên thì còn bị kẹt, còn lúng túng, còn bị trói buộc chưa phải là người vô vi. Người vô vi là người “dứt không bốn tướng sá gì nhị biên”, không chấp vào bốn tướng, không dính vào hai bên. Mình chỉ là Năng Lực Sống chớ không là ai hết.
Mình chỉ là điện, mình không phải là đèn, không phải là dụng cụ điện. Điện thì không có hình dáng còn dụng cụ điện có hình dáng. Dụng cụ điện hoạt động được là nhờ có điện, không có điện thì dụng cụ điện trở nên vô nghĩa.
Tâm linh của mình giống như điện vậy, nó không hình tướng nhưng chính nó là nguồn năng lực để cho các thứ dụng cụ điện hoạt động.
Đời sống vô vi cũng vậy, nó không có hình tướng nhưng nó điều động, điều khiển được những hình tướng. Đừng cho nó là gì hết, chỉ biết nó là một Năng Lực Sống.
Giống như điện không cần phải có tên điện, nó vẫn hoạt động được như thường. Quan trọng là ở chỗ hoạt động của nó chớ không phải cái tên. Trong khi đó nếu chúng ta viết chữ điện dán vào sợi dây nhưng nó không có năng lực hoạt động thì cũng như không. Cái chữ không có nghĩa gì hết mà quan trọng là ở chỗ năng lực hoạt động của nó.
Cái gọi là đời sống vô vi cũng tạm gọi là vô vi nhưng thật không có tên, không có từ ngữ nào để gọi nó. Chữ Tâm, chữ Tánh cũng là tạm thời thôi chớ nó cũng chẳng phải là Tâm, cũng chẳng phải là Tánh.
Không biết, chúng ta chấp vào hình tướng là sai hoàn toàn. Như vậy người tu mà chấp vào thân phận của mình để nói mình là Thượng tọa, là Hòa thượng, là Ni sư, là Ni trưởng thì đều sai lầm, nếu không muốn nói đó là si mê.
Những cái đó không phải là Năng Lực Sống của chính mình. Đó là sự bày đặt của người không có Trí Huệ chớ nó không có giá trị gì hết.
Còn chấp mình là Thượng tọa, là Hòa thượng, là Ni sư, là Ni trường thì làm sao giải thoát. Mình tu đã đời để mình là Ni trưởng, là Ni sư sao?
Tướng nữ thực sự có phải là tướng mình không? Đâu thực sự là tướng mình, nên đó là một sự si mê.
Đời sống vô vi là một đời sống không thuộc về hình tướng và có vậy mới thực sự giải thoát.
Người trí vô vi này dành cho đàn ông hay dành cho đàn bà, dành cho Tăng hay dành cho Ni? Không dành cho Tăng Ni, đàn ông đàn bà gì hết, người nào hiểu ra được điều này thì vẫn được gọi là người Trí.
Người Trí là người có đời sống vô vi.
Không được đời sống vô vi, thì học Đạo hoài mà mình không có Trí thì uổng lắm. Mình phải là kẻ Trí sống đời vô vi. Đó là con người giải thoát ngay trong đời sống này không phải chờ sau khi chết mới có sự giải thoát. Đơn giản như vậy đó.
Còn người ngu thì tự trói buộc mình bằng tâm này, ý nọ. Năng lực sống bị ràng buộc trên thân tướng. Người sống bằng thân tướng là người tự trói, tự buộc, tự ràng rịt không giải thoát, là con người đầy đau khổ.
Dù mình xuất gia rồi mà không rõ được chuyện này thì chưa được gọi là Sa môn. Sa môn như đã nói là phải thức Tâm đạt Bổn.
Rõ Bản Tâm, đạt cội nguồn mới thực sự là Sa môn.
Có như vậy mình mới giải thoát khỏi thân phận làm người nam hay nữ, mới không bị gọi là người ngu chấp vào thân tướng để bị trói lên, trói xuống.
Ngu với Trí khác nhau rất nhiều tuy rằng ở trong Thể Tánh thì không ngu không trí gì cả. Nhưng trên hiện tượng sống, người sống được bằng đời sống vô vi thì gọi là trí, người không biết gì về đời sống vô vi thì gọi là người ngu.
Người ngu thì bị ràng, bị rịt, bị trói, bị buộc đủ thứ điều hết cho nên chạy ô mồ mắc ô mả. Ở thế tục bị trói theo kiểu thế tục, chạy vô chùa cũng bị trói theo kiểu trong chùa, chạy đâu cũng bị trói, bị buộc.
Vốn dĩ chúng ta không phải là con người bị trói buộc mà do mình không hiểu, không biết, không rõ ràng được chính mình cho nên mới có sự trói buộc thế này, thế kia. Chúng ta chấp vào cái Trần, cái cảnh mới có cớ sự như vậy cho nên chúng ta cần gỡ cái chấp vào Trần, chấp vào cảnh.
Pháp vô dị pháp,
Vọng tự ái trước.
Tương tâm dụng tâm,
Khởi phi đại thác.
Dịch:
“Pháp” hông Pháp khác,
“Vọng” tự dính mắc.
Đem Tâm dùng tâm,
Há chẳng lầm to?!
Đây là một đoạn văn khó. “Pháp” hông Pháp khác. Thật ra không có pháp tu gì lạ. Thật ra pháp không là pháp. Chỉ vì chúng ta chấp vào vọng này, niệm nọ làm pháp tu mà tự dính mắc thế thôi.
Pháp bổn pháp vô pháp,
Vô pháp diệc phi pháp.
Kim phó vô pháp thời,
Pháp pháp hà tằng pháp.
Đó là lời bài kệ của Phật truyền cho Tổ.
Pháp gốc vốn không là một pháp. Tức là vốn không là một cái, một thứ nào đó. Cái vô pháp cũng chẳng phải là pháp, chẳng phải là một thứ, là một cái gì đó nữa. Ngay khi ta trao pháp này thì pháp pháp chưa từng là pháp. Cái này, cái kia chưa có cái nào từng là cái này, cái kia hết. Trước sau đều vắng lặng, không là một thứ gì cả.
Một bài kệ bốn câu mà bao nhiêu chữ pháp? 9/20 chữ để nói lên rằng khi nói pháp và sau khi nói rồi thì từ đầu đến cuối chưa từng là một pháp. Trước sau đều vắng lặng, không có một niệm khởi dậy.
Pháp tu mà mình chọn lựa cho đó là hay, là giỏi, là thế này, thế nọ nhưng nhớ rằng đó cũng là cái vọng mà thôi. Chúng ta khởi vọng lên để thành ra pháp tu và pháp tu đó quấn chặt lấy mình.
Khi các vị bám vào pháp tu nào đó rồi là các vị dính cứng ngắt trong đó luôn đến độ quen, mình không hành pháp đó mình chịu không nổi. Ai ngăn cản không cho mình tu như vậy nữa, mình trở nên phiền não, tức bực. Rõ ràng chúng ta như con tằm ăn dâu nhả tơ làm kén nhốt mình.
Tu là để giải trừ phiền não mà chúng ta tu lại phiền não thì coi lại cái tu đó có chính xác, có đúng không?
Nói ra chúng ta sẽ nói rằng vô lượng pháp môn tu. Đúng là tu kiểu nào cũng được nhưng phải là pháp tu không phiền não, tu mà để có phiền não là hết tốt rồi.
Tổ nói ra để các vị thấy chỗ tu chuyên môn thực sự vốn không có pháp.
Chúng ta thấy có một pháp để tu thì tự mình đã tạo sự dính mắc cho mình rồi. Đó là từ vọng mà sanh nên thay vì tu để giải thoát chúng ta tu lại bị ràng buộc.
Phải biết rằng pháp tu chỉ là phương tiện mà thôi. Phương tiện là cái nhờ vào ở trong một giai đoạn nào đó, không phải là chuyện xuyên suốt.
Như chúng ta xuống ghe qua sông thì phải nhờ vào cây chèo, cây dầm để chúng ta tạm thời sử dụng trên dòng nước. Thấy hay, đến chừng cập bờ rồi mình cũng vác dầm, vác chèo theo đó là chuyện vướng víu. Huống nữa mình vác luôn chiếc ghe thì còn tệ hại hơn nữa.
Đem Tâm dùng tâm.
Tiếc thay chúng ta hay đem Tâm thiệt để tu tâm giả. Cái để có ra hay biết đó là năng lực của Tâm chơn thật. Chúng ta lại đem năng lực đó để tu thế này, thế nọ tức là lấy cái thiệt mà tu cái giả.
Lấy cái thiệt mà tu cái giả là sự đáng tiếc cho chúng ta. Điều này người hiểu rồi như Tuệ Trung Thượng Sĩ ông nói rằng:
Trâm vàng mụ sói treo làm móc,
Gương báu lão mù lấy đậy ly.
Trâu há thèm nghe đàn ngọc thố,
Voi đâu thèm biết tiếng ma ni.
Trâm vàng là cái trâm cài đầu nhưng gặp mụ sói là mẹ khùng lấy trâm đó đóng lên tường làm móc treo nùi giẻ. Gương báu là để xem mặt, đồ này ở trong triều đình mới có nhưng gặp lão mù không biết đó là gương báu, là vật quý mà lấy làm nắp đậy ly nước. Lỗ tai trâu là lỗ tai điếc nên nó chẳng thèm nghe, thèm biết gì tới đàn ngọc thố là cái đàn rất hay. Người ta lấy ngọc ma ni làm lục lạc treo trên cổ con voi để trang trí làm đẹp, làm sang trọng cho nó nhưng rất tiếc là con voi không biết gì hết.
Tội nghiệp cho những người tu mà không biết gì hết thì giống như mẹ sói, giống như lão mù, giống như trâu, voi vậy thôi. Ở trong chuyên môn chúng ta thấy rõ về điều này. Nếu không thuộc về chuyên môn thì mình sẽ thấy pháp tu của mình tốt lắm, hay lắm nhưng thực ra nó không tới đâu, là một việc vô ích vì ở trong vọng mà khởi tu nên kết quả cũng là vọng thôi.
Như kinh Viên Giác nói từ hoa đốm trong không gian mà mình chấp lấy nên cũng chỉ là hoa đốm thôi. Mình đi tu để trừ những hoa đốm thì lại nảy sinh những hoa đốm kiểu khác qua những pháp tu thế này thế nọ thì thật là tội nghiệp.
Hoa đốm nào cũng là hoa đốm thôi. Đây là chuyện hết sức tội nghiệp cho một số người tu của mình, có lòng nhưng không có trí cho nên Ngài nói: “Há chẳng lầm to?!” Điều này đa số người tu chúng ta bị vướng cho nên các vị nên lưu ý. Đây là những lời kinh nghiệm của Tổ nên rất có giá trị.
Mê sanh tịch loạn,
Ngộ vô hảo ố.
Nhứt thiết nhị biên,
Vọng tự châm chước.
Dịch:
“Mê” sinh “tịch”, “loạn”,
“Ngộ” hông tốt xấu.
Tất cả “hai bên”,
“Vọng” tự thêm bớt.
Khi mê sinh ra có lặng và có động gọi là có “tịch” và có “loạn”. Khi tu chúng ta không thích cái “loạn” mà chúng ta thích cái tịnh nhưng không ngờ cái lặng hay cái động, cái “tịch” hay cái “loạn” đều ở trong mê hết.
Chúng ta chán cái động mà tìm tu nên khi tu dễ vướng vào trong cái “tịch” tức là trong cái lặng. Thành ra “chạy ô mồ mắc ô mả”, chạy đầu này mắc đầu kia. Đó là chúng ta tu trong mê. Người tu trong mê là người tu từ ý, từ niệm. Có khởi ý niệm để tu là tu trong mê.
Cho nên Ngô Thừa Ân thật khéo khi diễn tả đường thỉnh kinh có Bát Giới. Bát Giới cũng có công trên chuyện thỉnh kinh nhưng Bát Giới không làm gì nên hồn, giao việc nào là hư việc đó, ngay cả việc kêu đi thám thính yêu tinh cũng không nên chuyện. Thám thính yêu tinh rồi kéo bàn cào đến chỗ nào vắng chui mũi vào đó mà ngủ một giấc.
“Chui vào chỗ vắng” có làm gì nên chuyện không? Không làm gì nên chuyện hết. “Chui vào chỗ vắng” để ngủ cũng là mê lại mê.
Đi tìm yêu tinh mà chẳng biết tin tức gì. Bát Giới là vậy. Đó là người tu bằng ý niệm thì vẫn còn tu ở trong mê, vẫn không thoát được chỗ mê.
Dù có trụ ở trong cái tịch, cái lặng cũng là ở trong cái mê. Vì thế tu như Bát Giới không thoát khỏi tham tâm, vẫn còn tham tài, danh, sắc, thực, thùy. Nên những ai tu bằng ý niệm không khéo vẫn bị vướng vào trong tài, sắc, danh, thực, thùy một cách dễ dàng.
Yêu tinh muốn bắt Bát Giới là dễ hay khó? Dễ lắm. Trong năm món đó đem món nào gài Bát Giới cũng dính hết vì chưa thoát khỏi cái tham.
Ở trên cái ý, cái niệm thì đâu đã thoát khỏi cái tham.
Niệm là chất keo dán dính Căn Trần. Căn Trần dính nhau là có ràng buộc không thể có giải thoát được.
Chúng ta tu bằng ý niệm thì đó là tu trong cái mê. Dù mình cố hướng về cái tịch thì cũng còn ở trong mê mà thôi.
Chúng ta nhớ đó là con đường của Bát Giới và chuyện giúp Đường Tăng đến Tây phương là không bao giờ được.
Lúc nào Đường Tăng nghe lời Bát Giới thì lúc đó từ nạn đến nạn không thoát khỏi. Ngô Thừa Ân đã khéo trình bày về chỗ này.
Chúng ta phải hiểu tu mà thích chỗ lặng, dù là chỗ lặng ở trong tâm hồn hay cái lặng ở ngoại cảnh đều chẳng phải tốt. Đó là tu ở trong cái mê.
Khi chúng ta chưa biết cái Trí ra làm sao, chưa tu được bằng đời sống Giác thì mình tu trong cái ý, cái niệm thôi thì phải biết đó là chuyện tạm thời.
Giống như không có Tôn Hành Giả thì phải nhờ tạm Bát Giới vậy thôi. Khi nào có được Tôn Hành Giả thì phải dựa vào Tôn Hành Giả, phải theo Tôn Hành Giả thì phải dựa vào Tôn Hành Giả, phải theo Tôn Hành Giả thì mới tốt được. Chúng ta hãy kinh nghiệm con đường đi của Đường Tăng.
Chúng ta đừng bám vào cái “tịch” mà tu, gọi là “tránh bị ngụp chìm thì đụng lửa vây”. Chạy đầu này vướng đầu kia, cả hai đầu đều là trệ ngại hết. Đó là chỗ đa số người tu chúng ta vướng mà không hay.
Chúng ta không lạ gì có những người tu hành rất tinh tấn, rất siêng nhưng nghe lại là bị rơi, bị rớt, bị dính. Không phải với những người tu trong chùa thôi mà những người tu trên non trên núi, trong hang trong hốc nghe cái hạnh tu của họ rất hay nhưng nghe kỹ lại là rớt như thường vì chìm ở trong cái “tịch”. Như vậy là chưa có Trí huệ cho nên khi bị ngũ dục nhử là bị vướng liền. Đó là chuyện rất phổ biến.
Những người không tu gì hết sống tàng tàng vậy đó coi vậy mà không đến đổi vì họ không bị vướng vào những chỗ này và họ cũng chưa đáng giá để cho người ta nhử, người ta dụ cho nên được bỏ qua. Bày chuyện tu mà tu nhầm thì rất là nguy hiểm. Phải cẩn thận.
Những người tu mà có vẻ mũ mĩ nghiêm trì giới luật, có vẻ rất đàng hoàng, coi bộ có bên ngoài tốt lắm nhưng những người đó rớt trước hơn ai hết, vì thực ra cũng là tu trong cái mê mà thôi. Họ đã hiểu sai về chỗ tu cho nên ở trong cái mũ mĩ đó là cái duyên để người ta nhấp, người ta câu và những người đó coi vậy mà dễ té, dễ rơi.
Đây là điều dạy rất hay của Tổ để mình đừng bám vào chỗ này, mà không bám vào chỗ này thì coi như mình không có gì để tu hết nhưng như vậy có khi tốt hơn. Khi mình chưa biết tu gì hết mà nhờ cái phước duyên của mình, gặp một vị thiện tri thức nào đó điểm hóa cho thì lúc đó khác tu thì thầy trò đều tu tầm bậy hết. Kiểu người mù dắt người đui đi trên đường hiểm thì lọt xuống hố dài dài. Chuyện đó không phải ít trong sinh hoạt tu hành.
Chúng ta phải cẩn thận. Thà chúng ta không biết gì hết, cứ tụng kinh gõ mõ bình thường, đừng dụng công gì cho lắm, tu kiểu lổi xổi bề ngoài vậy thôi cũng chưa có gì đến đỗi cho lắm. Còn dụng công là thuộc vấn đề đi vào cõi Tâm mà nếu trật, nếu sai thì rất nguy hiểm.
“MÊ” sinh “tịch”, “loạn”.
Có những người vướng vào cái tịch, cái lặng và có người vướng vào cái loạn. Hồi nào không biết tu, không biết đạo lý, bây giờ đọc sách xem kinh thấy thấm ý, hứng chí lên rồi nói huyên thuyên, chỉ dạy người này, chỉ dạy người kia. Đó là đi vào chốn loạn. Cả hai đều là hư chuyện hết.
Có tâm tu là tốt nhưng tu tầm bậy thì rất nguy hiểm. Tu đúng mới là tốt, còn tu bậy là gây phiền phức cho mình và phiền phức cho người. Đường tu không dễ dàng nên phải có sự hiểu biết cho đúng đắn.
“Ngộ” hông tốt xấu.
Ngộ là chúng ta sống bằng cái Trí, cái Giác. Trong cái Trí, cái Giác đó là một đời sống “hông niệm” cho nên không có cái tốt, không có cái xấu gì hết.
Như chúng ta học “Thiếu thất lục môn” đã cho thấy, phải và quấy cũng là ý của ta thôi. Vừa ý mình là phải, không vừa ý mình là xấu, đó là chuyện ở trong “mê”.
Nên phải từ cái “Ngộ” mà tu mới trấn được cái tốt và cái xấu, không bị rơi vào tình trạng “tịch” và “loạn”.
Ngộ thì sống bằng Trí, bằng Tánh Giác. Khi đó chúng ta sống tu bằng một đời sống rỗng rang, không ý, không niệm thì không có tự ngã, không có cái ta, không có cái mình nên không có chuyện là tốt, là xấu, là phải, là quấy gì hết.
Chuyện này chúng ta nghe nói thì thấy kỳ. Tại sao hông có cái tốt và cái xấu? Tại sao hông có cái phải và cái quấy? Thật là khó hiểu.
Tất cả là do cái ý của mình thôi, trúng ý mình thì gọi là phải, không trúng ý mình thì gọi là quấy. Cái ý chính là cái ta, cái mình, là cái niệm nên cái ý đó không có thật. Thế nên khi cái ý của mình thế này, khi cái ý của mình thế nọ. Nhất là ở người già cái ý nó không như nhau, buổi sáng thì ý thế này, buổi tối thì ý thế kia, chúng ta gọi người đó là “lẩm cẩm”, là “lẫn”.
Như vậy rõ ràng sống mà có ý để thích, để phải, để quấy là không có cơ sở vững chắc, không có gì để tin tưởng. Hồi nhỏ, ý mình như vậy, lớn lên ý mình không phải thế, ý của mình rất vô thường, nó không đứng yên. Như vậy cái chuẩn nào là quấy đây?
Khi chúng ta có răng thì khác, không răng thì khác. Khi có răng thì rau muống luộc ba xồn ba xựt mình ăn rất ngon. Khi không răng thì cái ngon của rau muống luộc ba xồn ba xựt mình ăn nổi không? Lúc đó nó trở thành dở với mình rồi. Cho nên cái ý của mình không bảo đảm, đừng tin tưởng vào nó.
Chúng ta phải hơn người thế gian ở chỗ này, biết rõ ý của mình là ba xạo, là vô thường, đừng tin vào nó.
Từ cái phải, cái quấy, cái tốt, cái xấu cũng chớ đặt thành vấn đề. Đặt thành vấn đề tốt xấu phải quấy là sai lầm. Vì đó là theo ý của mình mà ý của mình là vô thường. Ai cũng có ý và ai cũng có đời sống cho nên ngẫm lại thì hiểu liền.
Hồi trẻ mình khác, hồi già mình khác. Hồi xưa mình chưa cạo tóc dài mình thấy ấm áp, thấy nó đẹp. Bây giờ cạo tóc rồi, tóc ra dài dài là mình thấy ngứa, thấy khó chịu. Cũng là mình, cũng là tóc của mình mà khi mình thấy dễ chịu, khi mình thấy khó chịu. Như vậy cái nào là cái chuẩn của đời sống mình đây? Cái nào là cái đúng nhất đây? Chúng ta tìm một cái gọi là chuẩn là hông có.
Đó chỉ là những cái đúng theo thời điểm thôi chớ không có cái đúng trọn vẹn nên không phải là chân lý, không phải là sự thật.
Người tu hiểu ra điều đó nên khác hơn người thế tục, họ dễ thông qua những chuyện đúng sai của cuộc đời và không còn khó khăn về những chuyện đúng sai.
Chuyện gì mình cũng có thể thông qua được dễ dàng là do vì mình không có cái đúng, không có cái sai, không có cái tốt, không có cái xấu. Vì mình không có cái ta, không có cái mình cho nên thông qua dễ lắm.
Như bây giờ biết tu rồi, mình ăn mặc rất dễ, rất giản dị. Hồi xưa một chiếc áo nhăn, một chiếc áo rách mình mặc không được nhưng bây giờ một chiếc áo nhăn, một chiếc áo rách mình mặc một cách bình thường không thấy có chuyện gì hết.
Thức ăn ngày xưa không đúng mùi vị là mình không ăn, nhưng giờ biết tu rồi mình ăn một cách dễ dàng. Ngoại trừ khi bệnh cái vị của mình có thay đổi thì mình khó ăn nhưng nếu không bệnh thì mình rất dễ dàng trong chuyện ăn uống.
Từ đó chúng ta có thể đánh giá một người tu. Trình độ tu của họ như thế nào, nhìn qua cái ăn, cái mặc của họ thôi là chúng ta có thể biết người đó tu tốt hay là không tốt.
Bậc chân tu là những người chỉ sống bằng cái Trí, sống bằng cái Giác, họ không sống bằng cái niệm, cái ý, không sống bằng cái tôi nữa nên họ trở nên khác thường. Từ chỗ khác thường đó họ trở nên phi thường không giống như những người thế tục.
Lúc nào đó chúng ta sống được bằng cái Trí, cái Giác thì chúng ta thấy lối sống của người đời tội nghiệp làm sao. Những chuyện nho nhỏ trong gia đình, trong cuộc sống, chuyện không đáng gì hết cũng thành chuyện được. Đó cũng là một chuyện hết sức lạ, vì họ không hiểu về cái ý của mình, cho nên làm sốc ý họ một chút là họ có thể làm long trời lở đất liền.
Với những người mẹ chồng là rõ nét nhất về điều này. Những người làm mẹ chồng thường nói: “Tôi không khó gì đâu nhưng đừng có làm trái ý tôi thôi”. Đừng làm Trái ý tôi là dễ hay khó? Làm ơn đừng có “ý” một chút người ta còn làm dâu được. “Phải làm theo ý của tôi, đừng làm trái ý tôi”. Người nói vậy còn khó hơn người nói tôi khó lắm.
Nói như vậy để thấy rõ sống bằng ý là một sự sai lầm rất to tát. Đời xưa cũng vậy mà đời nay cũng vậy là do vì chấp vào cái ý của mình mà sống.
Khi tu mình phải quan sát điều này cho rõ ràng, giữa cái tốt và cái xấu không có cái nào cần phải để tâm hết. Không sanh tâm trên cái tốt hay cái xấu mà nên dửng dưng đối với cái tốt và cái xấu, cái phải và cái quấy.
Ở giữa cuộc đời này không biết sao là phải, sao là quấy, vì nó dựa trên tâm ý mà xác định. Tâm ý thì rất vô thường, vô chừng. Tâm ý không thiệt, chỉ là giả thôi cho nên mình đừng dính mắc vào nó.
Người đời không hiểu thì họ dính cũng được nhưng mình là người tu được Phật, Tổ hướng dẫn thì chúng ta phải hiểu rõ ràng không nên dính mắc trên những cái thứ gọi là tốt xấu đó.
Vì vậy phải từ cái “ngộ” mà tu thì mới tốt, chưa “ngộ” mà tu thì lỉnh kỉnh dữ lắm. Tại sao mình cũng ham tu, thích tu mà đời tu mình cứ lu bu hoài? Là vì mình tu trong cái “mê”, không phải tu bằng cái “ngộ”.
Đạo Phật là đạo “ngộ” không phải đạo “mê”. Chúng ta muốn ngộ thì phải ráng bỏ tật thế gian, những nết thế gian mình đã có. Tu mà không bỏ nết thế gian thì chúng ta ngộ không nổi mà sẽ thành ngố thôi. Mà nếu có ngộ thì cũng là ngộ độc thôi chớ không phải ngộ là giác.
Tất cả “hai bên”,
“Vọng” tự thêm bớt.
Tất cả những cặp “có hai” đều do vọng mà có thêm, có bớt. “Vọng” là cái rất rắc rối. Muốn rõ hơn chúng ta thêm sau chữ “vọng” một chữ niệm nữa là “vọng niệm”. Chính “vọng niệm” đó là cái rắc rối.
Khi nói “vọng” phải hiểu đủ là “vọng niệm”. Từ một cái niệm không có thật mà chấp vào thì gọi là “vọng niệm”. Chữ “vọng” có nghĩa là không thiệt, là giả. Như nói “hư vọng” là cái không thiệt, giả dối.
“Vọng niệm” là cái niệm không thật, là cái giả dối. “Vọng tưởng” là cái tưởng không thật, là cái tưởng giả dối. “Vọng tình” là những tình cảm không thật, giả dối.
Có vọng nên có lắm chuyện trên đời này. Chúng ta hiểu ra rồi thì không nên sống theo vọng làm gì. Không nên sống theo vọng niệm, vọng tưởng, vọng tình. Tất cả những niệm, tưởng, tình đều gây rắc rối cho chúng ta.
Nguyễn Du mở đầu câu chuyện “Đoạn trường Tân thanh”. Để có diễn biến của nàng Kiều tơi tả như hoa trôi trên sóng nước là bắt đầu từ đâu? Từ “vọng” trên mả của Đạm Tiên là “vọng” trên cái chết và “vọng” trên chàng Kim Trọng là “vọng” trên cái sống. Từ cái vọng sanh tử đó mở màn cho cuộc đời của Kiều để trở thành ba đào sóng gió, trở thành kiếp đoạn trường.
Cái “vọng” đó Nguyễn Du gọi là “mm đưa lối quỷ đưa đường, lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Vọng đó là quỷ, là ma đẩy mình vào chốn đoạn trường phải tơi tả như đóa hoa bị trôi trên sóng nước.
Cuộc đời của mình dù vọng theo đời hay vọng theo đạo nó cũng khiến cho chúng ta tơi tả. Vọng theo đời thì sẽ tơi tả theo kiểu đời, vọng theo đạo thì tơi tả theo kiểu đạo.
Phải biết từ nơi cái vọng mà có thêm bớt làm cho cuộc đời của mình trở nên thê thảm.
Nên bài “Nguyện hương” nhắc nhở chúng ta phải tiêu trừ “vọng nghiệp”. Dặn chúng ta trước khi tu là phải tiêu trừ “vọng nghiệp”. Nghiệp từ nơi vọng đó không nên dính vướng. Đó là chỗ đầu tiên chúng ta nhớ mà tu. Nếu chúng ta không biết tu ở trên “vọng nghiệp” thì tự mình làm tan tác cuộc đời của mình.
Giống như nàng Kiều, làm tan nát cuộc đời của mình là từ chỗ khởi “vọng niệm”, khởi “vọng tình”, tạo “vọng tưởng”.
Khi đủ tình, tưởng rồi nó làm cho đời Kiều tan nát, nó diễn biến một cách cụ thể như là một xác hoa bị vùi dập giữa dòng nước ba đào vậy đó.
Không từ vọng mà khởi tu. Đây là cái mốc hết sức quan trọng trên đời tu của mình.
Mộng huyễn không hoa,
Hà lao bả tróc.
Đắc thất thị phi,
Nhứt thời phóng khước.
Dịch:
Mộng huyễn không hoa,
Đâu nhọc nắm bắt.
Được mất phải quấy,
Một lúc buông sạch.
Cái vọng của mình tuy có đó nhưng chỉ là mộng, hà huyên, là không hoa như những bông hoa trong hư không thôi, không có cái nào là thật.
Chúng ta thử nghĩ xem từ nhỏ đến lớn chúng ta sống bằng gì? Sống toàn bằng vọng hết.
Từ việc đi học, đi làm cũng là vọng. Việc lập gia đình sanh con đẻ cái cũng là vọng. Cả đời mình sống toàn bằng cái vọng cho nên cuối cùng rồi chẳng được chi hết.
Nghĩ rằng mình phải có gia đình để sanh con đẻ cái nhờ vào tuổi già nhưng đến tuổi già rồi có nhờ được con cái không? Nhờ được một cách tốt đẹp không hay sẽ gây cho mình thêm bực bộ phiền phức nữa?
Cả cuộc đời mình xem lại đúng là một cuộc mộng huyễn không hoa. Cuối cùng nhắm mắt xuôi tay không được chuyện gì hết.
Ở đời là như vậy còn vào Đạo thì sao? Nếu sống bằng cái “vọng” thì cũng là mộng huyễn không hoa nữa.
Có những người chán đời đi tu rồi tạo cuộc sống ở trong đạo, làm chùa, làm chiền này kia đủ thứ chuyện cuối cùng sao chứ? Cũng là mộng huyễn không hoa thôi không hơn kém gì đối với thế tục.
Cuộc đời có thể gói gọn là mộng huyễn không hoa. Chúng ta làm trời, làm đất gì rồi cũng là mộng huyễn không hoa. Mỉa mai chưa?
Người thấy được điều này cũng là may. Rất nhiều người không thấy, không hiểu về điều này. Ở trong mộng huyễn mà cứ mơ mơ màng màng. Trong giấc mộng mà còn nói mơ nữa, có những người mộng còn đi nữa gọi là mộng du. Tưởng đâu rằng mình hay, mình giỏi nhưng thực sự chỉ là mộng huyễn không hoa thôi.
Cuộc đời là mộng huyễn không hoa.
Người nào hiểu sớm về điều này thì đỡ khổ, người nào chậm hiểu về điều này là khổ dài dài. Chúng ta sống hơn kém nhau là chỗ đó.
Cái vọng tình, vọng tưởng, vọng niệm hãy biết chúng là mộng huyễn không hoa. Đã là mộng huyễn không hoa thì đâu nhọc nắm bắt làm gì.
Tu không phải là hơn thua với vọng. Chúng ta trừ vọng, diệt vọng gọi là tu, điều này không cần thiết.
Vọng là không hoa rồi thì trừ cái gì, diệt cái gì chứ? Trừ diệt chỉ chuốc nhọc nhằn mà thôi, không cần thiết phải trừ, phải diệt chúng.
Nhiều người tu không hiểu được điều này. Có vị chủ trương một cách rõ ràng tu là biết vọng, tu là diệt vọng. Như Ngài Tông Mật chủ trương “biết vọng là tu” và có những người đã theo lối này mà tu nhưng rất tiêc nó là mọng huyễn không hoa thì hơn thua với nó làm gì.
Đi theo con đường Thiền của Tổ sư mà lại không nghe Tổ sư dạy. Tổ sư đã nói rằng “mộng huyễn không hoa, đâu nhọc nắm bắt”. Vậy biết vọng làm gì, trừ vọng làm chi. ĐÓ là chuyện không cần thiết.
Xách chổi đi quét những cái bóng quạt máy trên nhà để làm gì? Quét đến chừng nào xong cái bóng trên nền nhà đây? Đó là chuyện rất tội nghiệp cho chúng ta.
Như Hòa thượng Long Thạnh là Thầy của Ni sư Giác Như khi ngồi ăn cơm trong quả đường này với tôi thì Hòa thượng cầm đôi đũa gắp gắp ở trên cái muỗng inox. Tôi thấy cái muỗng inox có gì đâu mà Hòa thượng cứ gắp và gắp.
Tôi coi kỹ lại thì thấy rằng trong cái muỗng inox có cái vệt đen và Hòa thượng ngỡ rằng đó là rác dính trong cái muỗng nên Hòa thượng mới lấy đũa mà gắp nhưng gắp không được gì hết. Rồi từ cái muỗng đó tôi mới nhìn ngược lên, thấy rằng ở trên có cái quạt máy thì tôi hiểu ra rằng cái vệt đen đen trên cái muỗng inox là vết của cánh quạt thì tôi mới thưa với Hòa thượng:
- Hòa thượng ơi. Cái đó là cái bóng quạt máy chớ không phải rác đâu.
Nghe như vậy Hòa thượng nhìn lên thì thấy đúng là bóng quạt máy Hòa thượng mới hết gắp. Đó là một thí dụ hết sức rõ ràng để cho các vị thấy rằng nó đã là bóng mà đi gắp nó là một chuyện sai lầm, trừ nó cũng là một chuyện sai lầm.
Vọng niệm, vọng tình, vọng tưởng là mộng huyễn không hoa, là bóng thôi thì chúng ta không hơi đâu nắm bắt chúng làm gì.
Tu mà trừ vọng, diệt vọng là tu chưa đúng.
Chưa đúng với ai? Không nói là chưa đúng với lời Phật dạy mà nó chưa đúng với Tính thể của mình, cái đó mới quan trọng. Nguyên Tánh thể của mình vốn không có vọng nào hết. Giống như cái muỗng inox vốn không có một vết nhơ nào mà mình đi lau chùi, đi gắp thì đó là một chuyện sai lầm.
Những cái vọng của mình cũng vậy. Ở nơi mình có đó nhưng nó không thật. Tuy không thật nhưng cũng làm cho mình đau đớn, khổ sầu nhưng nếu mình muốn trừ diệt là lầm lẫn.
Phải hiểu rõ cái nên sinh ra nó, có ra nó. Cái nền đó có nó hay không? Giống như muỗng inox là nền của cái bóng thì cái nền đó vốn không có bóng nào. Chỉ cần biết nó hông có bóng nào thì thôi vậy.
Giống như khi tôi biết rõ cái muỗng là không có bóng nào nên tôi không quan tâm gì đến cái bóng đó. Các vị thông cảm chuyện đó không? Cũng là một việc tình cờ mà Hòa thượng cho tôi một thí dụ rất hay, rất sát về chuyện tu mà diệt vọng.
Chúng ta phải biết cái Chơn, biết cái Thật, không cần phải biết cái vọng.
Giống như Ngài Huệ Năng biết được gốc là “Bổn lai vô nhất vật” là “xưa nay vốn không một vật” thì gương không cần phải lau chùi gì hết vì thực chất tánh gương là trong suốt, bụi đóng trên gương đó là chuyện bên ngoài, không lau nó vẫn trong suốt thôi.
Những cái niệm, cái vọng của mình giống như là bóng trong gương thì chúng ta có cần lau những cái bóng trong gương không? Tuy rằng mình thấy trong gương có bóng rõ ràng nhưng cái bóng đó có làm nhơ sự trong suốt của gương không? Nếu chúng ta lau bóng hay chụp bóng trong gương thì chúng ta là kẻ thần kinh. Kẻ đó sẽ tự hủy hoại đời mình.
Như Lý Bạch uống rượu ngà say thấy bóng trăng lung linh trong đáy nước. Thấy chị Hằng lung linh rất đẹp mới nhào xuống sông ôm chị Hằng lung linh rất đẹp mới nhào xuống sông ôm chị Hằng nhưng có được không? Ông chết trên sóng nước trong đêm trang lung linh đó.
Hình ảnh đó rất tội nghiệp. Ông lúc đó đã say cho nên mất trí nhào xuống nước ôm chị Hằng mà chết. Chúng ta đừng như vậy. Tu như thế là một cách tu rất đáng tội nghiệp. Không có gì phải lau phải diệt vọng tưởng, vọng tình.
Tuy vọng tưởng có làm khổ mình, nhưng sở dĩ nó làm khổ mình vì mình mê cái Tự Tánh, mình không sáng ra được cái TÂM, cái Tánh cho nên Thiền Tổ mới dạy là phải Minh Tâm Kiến Tánh.
Phải sáng Tâm, tỏ Tánh thì ngay đó không có bóng nào hết. Không có vọng tình, vọng tưởng nên khỏi phải trừ, khỏi phải diệt gì cả, tự nó yên ổn thôi. Đó là chỗ hay diệu của cái tu Kiến Tánh.
Kiến Tánh, thấy Tánh là một sự thật 100%. Ai cũng có Tánh thể hết nhưng rất tiếc người mê không thể thấy, người ngộ thì rất rõ ràng. Nếu chúng ta rõ ra về điều này thì cái tu của mình nhẹ thôi. Mình sống bằng cái chân thật gọi là tu, không phải biết vọng, trừ vọng gì cả.
Nếu vị nào có theo dõi về pháp môn tu biết vọng thì tôi thưa rằng đó là pháp môn tu ban đầu của Hòa thượng Thanh Từ hướng dẫn theo quyển Nguồn Thiền của tác giả là Thiền sư Tông Mật nói rằng “biết vọng là tu”.
Sau thời gian mấy mươi năm Hòa thượng từ Chơn Không dạy tu như vậy. Nhưng khi đến Đà Lạt ở Thiền viện Trúc Lâm thì Hòa thượng mới tuyên bố ở trong phương trượng cùng một số đệ tử rằng pháp môn tu biết vọng một trăm người tu chưa được một người. Khi Hòa thượng phát hiện ra rằng tu phải sống bằng ông chủ, bằng Chơn Tâm thì Hòa thượng dạy như thế.
Hòa thượng đã tuyên bố “trăm người chưa được một”. Nếu ai đã từng nghiên cứu thiền, tu theo lối biết vọng thì hôm nay tôi nói để cho các vị biết là như vậy. Hòa thượng khai sinh pháp biết vọng ở Chơn Không nhưng khai tử pháp đó ở Trúc Lâm Đà Lạt để thấy rằng điều đó không chính xác.
Ngài Tông Mật chủ trương tu như vậy cũng là một điều mò mẫm của Ngài thôi chứ không đúng với Thiền tông chánh thống.
Thiền tông chánh thống thấy rõ Bản Tánh, rõ Bản Tâm biết ra vọng niệm, vọng tình, vọng tưởng chỉ là “mộng huyễn không hoa” nên không hơi đâu mà hơn thua với nó.
Ngay đó sống bằng tự Tánh, sống bằng Bản Tâm gọi đó là tu. Vậy thôi. Không có gì lăng xăng hết, không phải tu thế này, không phải tu thế kia gì cả. Đó là chỗ gọi là tu vô tu – tu; chúng vô chứng – chứng.
Tu đúng với Tự Tánh của mình nên được mất, phải quấy mọt lúc buông sạch.
Nếu chúng ta đã từng chấp về cái được, cái mất, cái phải, cái quấy thì một lúc buông sạch, đừng dính vào chúng nữa. Ở Kinh Bát Nhã nói là “vô sở đắc” không có cái được.
Những cái được mất phải quấy đó như đã nói nó thuộc về niệm, mà ngay trong Tự Tánh vốn là hông niệm cho nên những thứ được mất, phải quấy này một lúc buông sạch là điều cần thiết nhất. Được vậy là chúng ta có cơ hội ngộ Bản Tâm. Ngộ rồi thì sống thẳng bằng Bản Tâm, bằng Tự Tánh đó gọi là tu.
Như hồi nào đến giờ chúng ta đã ở giữa hư không rồi nhưng vì chúng ta chấp bông, chấp hoa, chấp người, chấp vật cho nên mình không thấy được hư không. Bây giờ một phen không dính vào hoa, vào người, vào vật nữa thì ngay đó mình rõ ra được hư không.
Rõ được hư không rồi làm sao bước vào hư không?
Nếu người rõ được hư không rồi mà còn ở đó tìm cách nào để đo vào hư không, tìm chỗ nào để bắc thang vào hư không thì người đó thuộc loại khùng ba trợn, chưa phải là người thật tỉnh.
Nếu là người thật tỉnh, khi không dính người, không dính vật, rõ ra hư không rồi thì chỉ còn đi lại, sinh hoạt trong hư không thôi chứ không có gì khác nữa. Cần đi thì đi, cần đứng thì đứng, cần ngồi thì ngồi, cần nằm thì nằm, không phải tìm một con đường nào để vào hư không. Các vị thông cảm được không?
Chúng ta có Bản Tâm vốn là hông niệm thì cứ sống thẳng bằng Bản Tâm vậy thôi. Đơn giản như vậy, không có pháp môn nào hết. Nói có pháp môn này, có pháp môn kia là đối với người chưa ngộ. Với người ngộ rồi thì không có môn pháp môn nào hết.
Tu Thiền, hành Thiền, tu Tâm là như vậy. Rất đơn giản nhưng hiệu năng của nó thật phi thường vì khi tu được như vậy thì cái ta tiêu, cái ngã tiêu coi như những cái tham đắm dính mắc giữa trần gian này đều ra tan hết.
Các bài mới
- Tín tâm minh giảng giải (Phần 5) - 21/09/2016
- Tín Tâm Minh giảng giải ( Phần 4) - 19/09/2016
- Tín tâm minh giảng giải (Phần 3) - 14/09/2016
- Tín tâm minh giảng giải ( Phần 2) - 07/09/2016
- Tín Tâm Minh - 01/09/2016
Các bài đã đăng
- Tọa thiên dụng tâm ký - 10/10/2015
- Rộng khuyến phát Bồ Đề Tâm - 08/08/2013
- Luận tối thượng thừa giảng giải (Phần 5) - 11/05/2012
- Luận tối thượng thừa giảng giải (Phần 4) - 11/05/2012
- Luận tối thượng thừa giảng giải (Phần 3) - 17/04/2012
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 05513
- Online: 28