Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 38. Tổ thứ 38 LÂM TẾ - NGHĨA HUYỀN THIỀN SƯ (787 – 867)
05/06/2018 | Lượt xem: 4011
HT.Thích Phước Tú sưu tầm và soạn dịch
Sư hiệu Nghĩa Huyền họ Hình quê ở Nam Hoa thuộc Tào Châu. Thuở nhỏ, Sư đã có chí xuất trần, đến lớn xuất gia thọ giới cụ túc. Thường dừng các nơi giảng pháp, nghiên cứu tinh tường giới luật, thâm hiểu kinh luận. Sư than rằng: “Đây là phương thuốc cứu đời, chưa phải yếu chỉ của giáo ngoại biệt truyền.” Sư liền đi du phương.
Trước nhất, Sư đến hội Hoàng Bá. Ở đây, Sư oai nghi nghiêm chỉnh đức hạnh chu toàn. Thủ tọa (Trần Tôn Túc) thấy khen rằng: “Tuy là hậu sanh cùng chúng chẳng giống.” Thủ tọa bèn hỏi:
- Thượng tọa ở đây được bao lâu?
Sư thưa: - Ba năm.
- Từng tham vấn chưa?
- Chưa từng tham vấn, cũng chẳng biết tham vấn cái gì?
- Sao Thầy không đến hỏi Hòa thượng Đường đầu, thế nào là đại ý Phật pháp.
Sư liền đến hỏi, chưa dứt lời, Hoàng Bá liền đánh, Sư trở xuống, Thủ tọa hỏi:
- Hỏi thế nào?
Sư thưa: - Tôi hỏi lời chưa dứt, Hòa thượng liền đánh, tôi chẳng hội.
- Nên đi hỏi nữa.
Sư lại đến hỏi, Hoàng Bá lại đánh. Như thế ba phen hỏi, bị ba lần đánh. Sư đến bạch Thủ tọa:
- Nhờ lòng từ bi của Thầy dạy tôi đến thưa hỏi Hòa thượng, ba phen hỏi bị ba lần đánh, tôi tự buồn chướng duyên che đậy không lãnh hội được thâm chỉ. Nay xin từ giã ra đi.
- Nếu khi Thầy đi nên đến giã từ Hòa thượng rồi sẽ đi.
Sư lễ bái trở về phòng. Thủ tọa đến thất Hòa thượng trước, thưa:
- Người đến thưa hỏi ấy, thật là đúng pháp, nếu khi đến từ, Hòa thượng dùng phương tiện tiếp y, về sau đục đẽo sẽ thành một gốc đại thọ che mát người trong thiên hạ.
Sư đến từ, Hoàng Bá bảo:
- Chẳng nên đi chỗ nào khác, ngươi đi thẳng đến Cao An chỗ Thiền sư Đại Ngu, ông ấy sẽ vì ngươi nói.
*
Sư đến Đại Ngu. Đại Ngu hỏi:
- Ở chỗ nào đến?
Sư thưa: - Ở Hoàng Bá đến.
- Hoàng Bá có dạy lời gì?
- Con ba phen hỏi đại ý Phật pháp, ba lần bị đánh. Chẳng biết con có lỗi hay không lỗi?
- Bà già Hoàng Bá đã vì ngươi chỉ chỗ tột khổ, lại đến trong ấy hỏi có lỗi không lỗi?
Ngay câu nói ấy, Sư đại ngộ, thưa:
- Xưa nay Phật pháp của Hoàng Bá không nhiều.
Đại Ngu nắm đứng lại, bảo:
- Con quỉ đái dưới sàng, vừa nói có lỗi không lỗi, giờ lại nói Phật pháp của Hoàng Bá không nhiều. Ngươi thấy đạo lý gì, nói mau! nói mau!
Sư liền cho vào hông Đại Ngu ba thoi. Đại Ngu buông ra, nói:
- Thầy của ngươi là Hoàng Bá, chẳng can hệ gì việc của ta. Sư từ tạ Đại Ngu trở về Hoàng Bá.
*
Hoàng Bá thấy Sư về, liền bảo:
- Kẻ này đến đến đi đi, biết bao giờ liễu ngộ.
Sư thưa:
- Chỉ vì tâm lão bà quá thiết tha, nên nhân sự đã xong, đứng hầu.
- Đến đâu về?
- Hôm trước vâng lời dạy của Hòa thượng đến tham vấn Đại Ngu trở về.
- Đại Ngu có lời dạy gì?
Sư liền thuật lại việc trước. Hoàng Bá bảo:
- Lão Đại Ngu này đã buông lời, đợi đến đây ta cho ăn đòn.
Sư tiếp:
- Nói gì đợi đến, ngay bây giờ cho ăn.
Sư liền bước tới sau lưng Hoàng Bá tát một tát. Hoàng Bá bảo:
- Gã phong điên này lại đến trong ấy nhổ râu cọp.
Sư liền hét. Hoàng Bá gọi:
- Thị giả! dẫn gã phong điên này lại nhà thiền.
*
Sư trồng tùng, Hoàng Bá hỏi:
- Trong núi sâu trồng tùng làm gì?
Sư thưa:
- Một cho sơn môn làm cảnh trí, một cho người sau làm tiêu bảng.
Nói xong, Sư trở đầu cuốc đánh xuống đất ba cái. Hoàng Bá bảo:
- Tuy nhiên như thế, con đã ăn ba mươi gậy của ta rồi.
Sư lại dùng đầu cuốc đánh xuống đất ba cái, cất tiếng: Hư! Hư! Hoàng Bá bảo:
- Tông của ta đến con rất hưng thạnh ở đời.
*
Một hôm, Sư ngồi trước Tăng đường, thấy Hoàng Bá đến, liền nhắm mắt lại. Hoàng Bá làm thế sợ, liền trở về phương trượng. Sư theo đến phương trượng lễ tạ. Thủ tọa đứng hầu ở đó, Hoàng Bá bảo:
- Vị Tăng đây tuy là hậu sanh lại biết có việc này.
Thủ tọa thưa:
- Hòa thượng già dưới gót chân chẳng dính đất, lại chứng cứ kẻ hậu sanh.
Hoàng Bá liền vả trên miệng một cái.
Thủ tọa thưa: - Biết là được.
*
Sư ngủ trong Tăng đường, Hoàng Bá đến thấy, lấy gậy đánh bảng một tiếng. Sư ngóc đầu xem thấy Hoàng Bá liền nhắm mắt. Hoàng Bá lại đánh bảng một tiếng, lại đi đến gian trên thấy Thủ tọa ngồi thiền.
Hoàng Bá bảo: - Gian dưới hậu sanh lại ngồi thiền, ông trong đây vọng tưởng làm gì?
Thủ tọa nói: - Ông già làm gì?
Hoàng Bá đánh bảng một tiếng, liền đi ra.
*
Một hôm, ngày công tác công cộng, Sư đi sau. Hoàng Bá ngó ngoái lại thấy Sư đi tay không bèn hỏi:
- Cuốc đâu?
Sư thưa: - Có người đem đi rồi.
Hoàng Bá gọi:
- Lại gần đây cùng ngươi bàn luận một việc.
Sư lại gần. Hoàng Bá dựng đứng cây cuốc bảo:
- Chỉ cái này, mọi người nắm bắt chẳng được.
Sư chụp tay giựt lấy cây cuốc, đưa lên nói:
- Tại sao lại ở trong tay của con?
Hoàng Bá nói:
- Ngày nay đã có người thay công tác.
Hoàng Bá trở về viện.
*
Công tác công cộng cuốc đất, thấy Hoàng Bá đến, Sư bèn dựng cuốc đứng. Hoàng Bá hỏi:
- Gã này mệt sao?
Sư thưa: - Cuốc vẫn chưa giở, mệt cái gì?
Hoàng Bá liền đánh. Sư chụp cây gậy, cho một đạp té nhào. Hoàng Bá gọi:
- Duy-na! Duy-na! đỡ ta dậy.
Duy-na chạy lại đỡ dậy nói:
- Hòa thượng đâu dung được gã phong điên này.
Hoàng Bá vừa đứng dậy, liền đánh Duy-na. Sư cuốc đất nói:
- Các nơi thì hỏa táng, còn tôi một lúc chôn sống.
Sư mang thơ Hoàng Bá đến Qui Sơn. Khi ấy Ngưỡng Sơn Huệ Tịch làm Tri khách, tiếp được thơ liền hỏi:
- Cái này là của Hoàng Bá, cái kia là của người đem thơ.
Sư liền tát. Ngưỡng Sơn nắm đứng nói:
- Lão huynh biết việc ấy?
Sư liền thôi, hai người đồng đến Qui Sơn. Qui Sơn hỏi:
- Sư huynh Hoàng Bá có chúng nhiều ít?
Sư thưa: - Bảy trăm (700) chúng.
- Người nào dẫn đầu?
- Vừa đem thơ xong.
Sư lại hỏi Qui Sơn:
- Khoảng này Hòa thượng được bao nhiêu chúng?
Qui Sơn đáp:
- Một ngàn năm trăm (1500) chúng.
- Thật nhiều thay!
- Sư huynh Hoàng Bá cũng chẳng ít.
Sư từ Qui Sơn, Ngưỡng Sơn đưa ra cửa nói:
- Chỉ đi, về sau có một người phụ tá Lão huynh, người này có đầu không đuôi, có thủy không chung.(*)
*
Sư giữa hạ đến Hoàng Bá, thấy Hòa thượng xem kinh. Sư nói:
- Tôi sẽ bảo người ấy, xưa nay là Hòa thượng già đâm đậu đen.
Sư ở lại mấy hôm, bèn từ đi.
Hoàng Bá bảo:
- Ngươi phá hạ đến, sao chẳng trọn hạ rồi đi?
Sư thưa:
- Con tạm đến lễ bái Hòa thượng.
Hoàng Bá bèn đánh đuổi đi. Sư đi được mấy dặm, nghĩ việc này liền trở lại ở trọn hạ.
Một hôm, Sư từ Hoàng Bá. Hoàng Bá hỏi:
- Đi đâu?
Sư thưa: - Chẳng phải Hà Nam là về Hà Bắc.
Hoàng Bá liền đánh. Sư nắm đứng, cho một tát. Hoàng Bá cười to, gọi:
- Thị giả! đem thiền bảng kỷ án của Tiên sư Bá Trượng ra đây.
Sư gọi: - Thị giả! đem lửa lại.
Hoàng Bá bảo:
- Tuy nhiên như thế, con vẫn đem đi; về sau ở đâu sẽ dẹp sạch ngôn ngữ của mọi người.
(*) Sau, Sư đến Trấn Châu, Phổ Hóa đã có ở trước đấy. Sư khai đường giáo hóa, Phổ Hóa phụ giúp. Sư trụ chưa bao lâu, Phổ Hóa toàn thân đều thoát.
Sư đến Hòa thượng Bình ở Tam Phong. Bình hỏi:
- Ở đâu đến?
Sư đáp:
- Ở Hoàng Bá đến.
- Hoàng Bá có dạy lời gì?
- Đêm qua trâu vàng gặp đất tro, thẳng đến hôm nay chẳng thấy dấu.
(Kim ngưu tạc dạ tao đồ thán, trực chí như kim bất kiến trung.)
- Gió vàng thổi sáo ngọc, cái gì là tri âm. (Kim phong suy ngọc quản, na cá thị tri âm.)
- Suốt thẳng muôn lớp cổng, chẳng dừng trong giữa đêm.
(Trực thấu vạn trùng quan, bất trụ thanh tiêu nội.)
- Một câu hỏi của ngươi cao tột trời xanh.
- Rồng sanh con phụng vàng, vọt nát vách lưu ly.
(Long sanh kim phụng tử, xung phá bích lưu ly.)
Bình bảo: - Hãy ngồi uống trà,?
Lại hỏi: - Vừa ở đâu đến?
Sư thưa: - Long Quang.?
Bình hỏi: - Long Quang gần đây thế nào?
Sư liền ra đi.
*
Sư đến Phụng Lâm, Lâm hỏi:
- Có việc đem hỏi nhau được chăng?
Sư đáp:
- Đâu được khoét thịt làm thương tích.
- Trăng biển đã không bóng, cá lội đâu thể lầm?
(Hải nguyệt ký vô bóng, du ngư hà đắc mê.)
- Xem gió biết sóng dậy, nhìn nước đoán buồm bay.
(Quán phong tri lãng khởi, ngoạn thủy dã phàm phiêu.)
- Một vầng riêng chiếu non sông lặng, chợt cười một tiếng đất trời kinh.
(Cô luân độc chiếu giang sơn tịnh, tự tiếu nhất thanh thiên địa kinh.)
- Mặc đem ba tấc soi trời đất, một câu hợp lý thử bàn xem.
(Nhậm tương tam thốn huy thiên địa, nhất cú lâm cơ thức đạo khan.)
- Gặp tay kiếm khách nên trình kiếm, chẳng phải nhà thơ chớ hiến thơ.
(Lộ phùng kiếm khách tu trình kiếm, bất thị thi nhân mạc hiến thi.)
Phụng Lâm liền thôi. Sư để bài tụng:
Đại đạo tuyệt đồng
Nhậm hướng tây đông
Thạch hỏa mạc cập
Điển quang võng thông
Dịch:
Đại đạo hẳn đồng
Mặc hướng tây đông
Đá lửa chẳng kịp
Lằn chớp không thông.
*
Đã được Hoàng Bá ấn khả, Sư tìm đến Hà Bắc ở góc nam thành Đông Trấn Châu, gần sông Hô Đà đất Lâm Tế trụ trì một viện nhỏ. Nơi đây Phổ Hóa đã ở trước.
Một hôm, Sư gọi Phổ Hóa, Khắc Phù đến bảo: “Ta muốn ở đây dựng lập tông chỉ Hoàng Bá, hai ông hãy giúp đỡ ta.”
Hai vị trân trọng lui ra. Ba ngày sau, Phổ Hóa đến hỏi: - “Ba ngày trước Hòa thượng nói gì?”
Sư liền đánh. Ba ngày sau, Khắc Phù lại lên hỏi:
- “Ba ngày trước Hòa thượng đánh Phổ Hóa là sao?”. Sư cũng đánh.
*
Phủ chủ Vương Thường Thị cùng các quan thỉnh Sư đăng tòa. Sư thượng đường bảo:
- Hôm nay sự bất đắc dĩ, Sơn tăng chiều theo nhân tình mới lên tòa này. Nếu nhằm dưới cửa Tổ tông, khen ngợi việc lớn, hẳn là mở miệng chẳng đặng, không có chỗ các ông để chân. Hôm nay, do Thường Thị cố thỉnh, Sơn tăng tạm ẩn cương tông. Trong đây nếu có tác gia (bậc minh sư) chiến tướng liền xổ cờ bày trận đi! Đối chúng chứng cứ xem.
Tăng hỏi:
- Thế nào là đại ý Phật pháp?
Sư liền hét! Tăng lễ bái. Sư bảo:
- Ông Thầy này lại nên bàn luận.
- Thầy tuyên dương gia khúc tông phong ai? Nối pháp vị nào?
- Ta ở chỗ Hoàng Bá ba phen thưa hỏi ba lần bị đánh. Vị Tăng suy nghĩ, Sư liền hét! Và theo sau đánh, nói:
- Không thể đến trong hư không mà đóng đinh.
*
Có Tọa chủ hỏi:
- Ba thừa và mười hai phần giáo đâu chẳng phải chỉ rõ Phật Tánh?
Sư đáp:
- Cỏ hoang chưa từng cuốc.
- Phật đâu dối người?
- Phật ở chỗ nào?
Tọa chủ không đáp được. Sư tiếp:
- Ở trước Thường Thị định làm mờ lão tăng, lui mau! lui mau! làm chướng ngại người khác thưa hỏi.
Hôm nay pháp hội vì một đại sự, lại có người thưa hỏi chăng? Mau đến hỏi đi. Ông vừa mở miệng đã chẳng dính dáng. Vì sao như thế? Đâu chẳng nghe Thích Tôn nói: “Pháp lìa văn tự, vì chẳng thuộc nhân chẳng ở duyên.” Bởi các ông tin chẳng đến, cho nên ngày nay mới dùng phương tiện (cát đằng) sợ e Thường Thị cùng các quan viên lầm Phật Tánh ấy, chi bằng hãy lui.
Sư hét một tiếng! nói tiếp: Người gốc tin kém, trọn không có ngày xong, đứng lâu, trân trọng!
*
Sư thượng đường bảo:
- Trên cục thịt đỏ có vô vị chân nhân, thường từ cửa mặt các ông ra vào. Người chưa được chứng cứ hãy xem! xem!
Có vị Tăng ra hỏi:
- Thế nào là vô vị chân nhân?
Sư bước xuống tòa nắm đứng bảo: “Nói! nói!” Vị Tăng ấy suy nghĩ. Sư liền buông ra, nói:
- Vô vị chân nhân là cái gì, cục cứt khô.
Sư liền trở về phương trượng.
*
Tham vấn buổi chiều, Sư dạy chúng:
- Có khi đoạt nhân chẳng đoạt cảnh. Có khi đoạt cảnh chẳng đoạt nhân. Có khi nhân cảnh đều đoạt. Có khi nhân cảnh đều chẳng đoạt.
Tăng hỏi:
- Thế nào là đoạt nhân chẳng đoạt cảnh?
Sư đáp:
- Ngày ấm nẩy sanh gấm trải đất, trẻ con rủ tóc trắng như tơ.
(Hú nhật phát sanh phô địa cẩm, anh hài thùy phát bạch như ty.)
- Thế nào đoạt cảnh chẳng đoạt nhân?
- Lệnh vua vừa xuống khắp thiên hạ, tướng quân biên ngoại khói mù tan.
(Vương lệnh dĩ hành thiên hạ biến, tướng quân tắc ngoại tuyệt yên trần.)
- Thế nào nhân cảnh đều đoạt?
- Bặt tin tịnh phần, riêng ở một chỗ.
(Tịnh phần tuyệt tín, độc xử nhất phương.)
- Thế nào nhân cảnh đều chẳng đoạt?
- Vua lên điện báu, lão quê hát ca.
(Vương đăng bảo điện, dã lão âu ca.)
Sư lại bảo:
- Thời nay người học Phật pháp cần yếu có kiến giải chân chánh. Nếu được kiến giải chân chánh thì sanh tử chẳng nhiễm, đi đứng tự do chẳng cần cầu thù thắng mà thù thắng tự đến. Đạo lưu! (đồng đạo, chỉ chúng Tăng) các bậc tiên đức từ xưa đều có con đường đưa người, như Sơn tăng chỉ chỗ cho người. Cốt các ông đừng bị người gạt, cần dùng liền dùng, lại chớ ôm ngờ vực. Hiện nay học giả chẳng được, bệnh tại chỗ nào? Bệnh tại chỗ chẳng tin. Các ông nếu tự tin chẳng đến, là rộn ràng theo tất cả cảnh chuyển, bị muôn cảnh lôi, lại chẳng được tự do. Các ông nếu hay bặt được tâm luôn luôn chạy tìm, liền cùng Phật, Tổ chẳng khác. Các ông muốn biết được Phật, Tổ chăng? Chính trước mặt các ông hiện nghe pháp ấy vậy. Học nhân tin chẳng đến, liền chạy tìm ra ngoài. Dù có tìm được, cũng chỉ là tướng thù thắng của văn tự, trọn chẳng đặng ý của Phật Tổ sống. Chớ lầm!
*
Chư Thiền đức! Thời nay chẳng gặp, muôn kiếp ngàn đời luân hồi tam giới, chạy theo cảnh thích rồi phải sanh trong bụng trâu bụng lừa? Đạo lưu! Nhằm chỗ thấy của Sơn tăng cùng Thích-Ca không khác. Hiện nay nhiều chỗ ứng dụng, kém thiếu cái gì? Sáu đường thần quang chưa từng cách dứt. Nếu hay thấy được như thế, chỉ một đời làm người vô sự.
*
Đại đức! Ba cõi không yên như trong nhà lửa, đây không phải là chỗ các ông dừng ở lâu, quỉ vô thường giết người trong khoảng chớp mắt chẳng lựa người sang kẻ hèn, người già kẻ trẻ. Các ông muốn cùng Phật Tổ chẳng khác, chỉ chớ tìm kiếm bên ngoài. Trên một Tâm niệm thanh tịnh sáng suốt của ông là ngôi nhà Phật Pháp thân của ông. Trên một Tâm niệm vô phân biệt sáng suốt của ông là ngôi nhà Phật Báo thân của ông. Trên một Tâm niệm vô sai biệt sáng suốt là ngôi nhà Phật Hóa thân của ông. Ba thứ thân này là người hiện nay ở trước mắt nghe pháp của ông. Chỉ không tìm kiếm bên ngoài, liền có công dụng này. Theo các nhà Kinh Luận lấy ba thân này làm nguyên tắc tột cùng. Nhằm chỗ thấy của Sơn tăng thì chẳng phải vậy. Ba thân này là danh ngôn, cũng là ba thứ y. Người xưa nói: “Thân y nghĩa lập, cõi cứ thế bàn.” Pháp tánh thân, pháp tánh độ biết rõ là quang ảnh (bóng sáng).
Đại đức! Các ông hãy nhận biết người đùa quang ảnh, là nguồn gốc tất cả chỗ của chư Phật, là chỗ các ông về nhà. Xác thân tứ đại của các ông không biết thuyết pháp, nghe pháp. Gan mật dạ dày ruột không biết thuyết pháp, nghe pháp. Hư không chẳng biết thuyết pháp, nghe pháp? Là một cái “riêng sáng hiện bày rõ ràng” ở trước mắt ông, nó biết thuyết pháp, nghe pháp. Nếu thấy được như thế đã cùng Phật, Tổ không khác, chỉ trong tất cả thời đừng cho gián đoạn, chạm mắt đều phải. Chỉ vì tình sanh Trí cách, tưởng dấy Thể sai. Do đó, luân hồi trong tam giới, chịu các thứ khổ. Nếu nhằm chỗ thấy của Sơn tăng thật là rất sâu, thật là giải thoát.
*
Đạo lưu! TÂM pháp không hình thông suốt mười phương, ở mắt gọi thấy, ở tai gọi nghe, ở mũi gọi ngửi, ở miệng nói bàn, ở tay nắm bắt, ở chân đi chạy, vốn là một tinh minh phân làm sáu hòa hợp. Một Tâm đã không, tùy chỗ giải thoát. Sơn tăng nói thế ấy, ý ở chỗ nào? Chỉ vì tất cả các ông chạy tìm Tâm không thể dừng, leo lên cơ cảnh nhàn của cổ nhân. Các ông nhận được chỗ thấy của Sơn tăng, ngồi chặt đầu Phật Báo, Hóa. Hằng mãn Tâm thập địa ví như nhận khách làm con. Bậc Đẳng giác là kẻ mang gông xiềng. La-hán, Bích-chi ví như xí uế. Bồ-đề Niết-bàn như cọc cột lừa. Vì sao như thế? Chỉ vì các ông không thấu được ba kỳ kiếp là không, nên có chướng ngại này. Nếu là đạo nhân chân chánh trọn chẳng như thế, chỉ “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ, hồn nhiên mặc áo xiêm”, cần đi thì đi, cần ngồi thì ngồi, tâm không một niệm mong cầu quả Phật. Bởi đâu như thế? Cổ nhân nói: “Nếu muốn làm việc cầu Phật, Phật là điềm lớn sanh tử.”
*
Đại đức! thời giờ đáng tiếc, chỉ tính đến nhà bên lăng xăng học thiền học đạo, nhận danh nhận cú, cầu Phật cầu Tổ, cầu Thiện tri thức độ. Chớ lầm! Các ông sẵn có một cha mẹ, lại cầu vật gì? Các ông tự phản chiếu xem! Cổ nhân nói: “Diễn-nhã-đạt-đa quên mất đầu, tâm cầu dứt sạch liền vô sự.”
Đại đức! Cần yếu bình thường chớ tạo hình thức. Có một bọn tớ trọc chẳng biết tốt xấu, thấy thần thấy quỉ, chỉ đông vẽ tây, thích mưa thích tạnh. Bọn như thế đáng quở trách, có ngày đến trước lão Diêm vương bị nuốt hoàn sắt nóng. Kẻ nam nữ tốt tại gia bị bọn tinh mị dã hồ này mê hoặc, liền tác quái; có ngày quên mất hết những điều cần yếu trong cuộc sống thanh bạch của mình.
*
Có vị Tăng hỏi:
- Thế nào là chân Phật, chân Pháp, chân Đạo xin Thầy chỉ dạy?
Sư đáp:
- Phật là TÂM thanh tịnh, Pháp là TÂM sáng suốt, Đạo là mỗi chỗ không ngại. Tịnh, sáng … tuy ba mà một, đều là danh từ suông không thật có. Người chân chánh đạo nhân niệm niệm Tâm không gián đoạn. Đại sư Đạt-ma từ phương Tây đến, chỉ tìm cái người chẳng bị người gạt. Nhị Tổ một câu nói liền liễu ngộ, mới biết từ trước uổng dụng công phu. Hiện nay Sơn tăng chỗ thấy cùng Phật Tổ không khác. Nếu trong đệ nhất cú tiến được, kham cùng Phật Tổ làm thầy. Nếu trong đệ nhị cú tiến được, kham cùng trời người làm thầy. Nếu trong đệ tam cú tiến được, tự cứu chẳng xong.
Tăng hỏi:
- Thế nào là đệ nhất cú?
Sư đáp:
- Tam yếu ấn khai điểm son hẹp, chưa cho nghĩ nghị chủ khách phân.
(Tam yếu ấn khai chu điểm trách, vị dung nghĩ nghị chủ tân phân.)
- Thế nào là đệ nhị cú?
- Diệu giải đâu cho không đến hỏi, bọt tan nào dễ chặn dòng sông.
(Điệu giải khởi dung vô trước vấn, âu hòa tranh phụ tiệt lưu cơ.)
- Thế nào là đệ tam cú?
- Chỉ xem tượng gỗ đùa trên gác, lôi kéo toàn nhờ người ẩn trong.
Sư lại bảo:
- Phàm người diễn xướng tông thừa trong một câu phải đủ ba huyền môn, mỗi huyền môn phải đủ tam yếu. Có quyền có thật, có chiếu có dụng. Các ông làm sao được hội?
*
Sư dạy chúng:
- Đạo lưu (đồng đạo)! Cốt tìm lấy kiến giải chân chánh, dọc ngang trong thiên hạ, khỏi bị bọn yêu tinh hoặc loạn, vô sự là người quí, chớ tạo tác, chỉ là bình thường. Các ông nghĩ hướng nhà bên cầu vượt qua, tìm ngón tay gót chân, lầm rồi! Chỉ nghĩ cầu Phật, Phật là danh cú. Các ông lại biết chạy tìm chăng? Ba đời mười phương Phật Tổ ra đời cũng chỉ vì cầu Pháp. Như Đạo lưu hiện nay tham học cũng chỉ vì cầu Pháp, được pháp mới xong, chưa được vẫn như trước luân hồi trong năm đường.
Thế nào là Pháp? Pháp là TÂM pháp, TÂM pháp không hình thông suốt mười phương, hiện dụng trước mắt. Người tin không đến, bèn nhận danh nhận cú, hướng trong danh tự cầu, ý suy xét Phật pháp, cách xa trời đất.
Đạo lưu! Sơn tăng nói pháp, là nói pháp gì? Nói pháp TÂM địa, hay vào phàm vào thánh, vào tịnh vào uế, vào chân vào tục. Hẳn chẳng phải các ông là chân tục phàm thánh, mà hay cùng chân tục phàm thánh an bài danh tự. Chân tục phàm thánh cùng người này an bài danh tự chẳng được.
Đạo lưu! Nắm được liền dùng chẳng mắc danh tự, gọi đó là huyền chỉ. Sơn tăng nói pháp cùng mọi người khác. Như có Văn-thù, Phổ Hiền xuất hiện trước mắt, mỗi vị hiện một thân hỏi pháp, vừa nói: “Thưa Hòa thượng”. Tôi đã biết rõ. Lão tăng ngồi yên, lại có đạo lưu đến thấy nhau, tôi trọn hiểu rành. Tại sao như thế? Chỉ vì chỗ thấy của tôi khác, ngoài chẳng nhận phàm thánh, trong chẳng trụ căn bản, thấy suốt chẳng còn nghi lầm.
*
Sư dạy chúng:
- Đạo lưu! Phật pháp không có chỗ dụng công, chỉ bình thường vô sự. Đi đại đi tiểu, mặc áo ăn cơm, nhọc đến thì nằm, người ngu cười ta, kẻ trí biết ta. Người xưa nói: “Làm công phu bên ngoài, thảy là kẻ ngu si.” Các ngươi phải tùy thời làm chủ, ngay đó đều chân, cảnh đến lôi kéo chẳng được, dù có tập khí nghiệp địa ngục vô gián, tự chuyển thành biển lớn giải thoát.
Học giả thời nay hoàn toàn không biết pháp, ví như nắm mũi con dê để đồ vào miệng nó, không biện kẻ tớ người sang, chẳng rành chủ khách. Bọn như thế tâm tà vào đạo. Chỗ ồn vào chẳng được, gọi là người chân xuất gia, chính là người chân tại gia.
Người xuất gia phải biện được kiến giải chân chánh bình thường, biết Phật biết ma, rành chân rành ngụy, rõ phàm rõ thánh. Nếu biện được như thế, gọi là chân xuất gia. Nếu ma Phật không biết, chính là xuất gia này vào gia kia, gọi là chúng sanh tạo nghiệp chưa được gọi là người chân xuất gia.
Hiện nay có cái ma Phật đồng thể chẳng phân, như nước với sữa hợp. Chỉ có con ngỗng chúa mới biết uống sữa chừa nước. Hàng đạo lưu mắt sáng ma Phật đều đánh. Các người nếu mến Phật ghét phàm, thì phải trôi nổi trong biển sanh tử.
*
Hỏi: - Thế nào là Phật là ma?
Sư đáp:
- Ngươi vừa khởi một niệm tâm nghi ấy là ma. Nếu ngươi đạt được muôn pháp không sanh, tâm như huyễn hóa, không có một hạt bụi, một pháp, ngay đó liền thanh tịnh là Phật. Song Phật cùng ma là hai cảnh nhiễm tịnh. Nếu chỗ thấy của Sơn tăng, không Phật không chúng sanh, không xưa không nay, được liền đó được, chẳng trải qua thời tiết, không tu không chứng, không được không mất, trong tất cả thời lại không có một pháp riêng. Dù là một pháp vượt hơn cái này, ta nói như mộng như hóa.
Sơn tăng nói ra đều phải, hiện nay trước mắt đạo lưu riêng sáng rỡ lắng nghe. Người này nơi nơi chẳng kẹt, thấu suốt mười phương, tự tại trong tam giới, vào tất cả cảnh sai biệt không thể lôi kéo, trong khoảng sát-na vào tột pháp giới, gặp Phật nói Phật, gặp Tổ nói Tổ, gặp La-hán nói La-hán, gặp ngạ quỉ nói ngạ quỉ, đi tất cả chỗ dạo các cõi nước, giáo hóa chúng sanh, mà chưa từng lìa một niệm, tùy chỗ thanh tịnh, ánh sáng thấu mười phương, muôn pháp nhất như. Đạo lưu! Kẻ đại trượng phu hiện đây mới biết xưa nay vô sự. Chỉ vì các ngươi chẳng tin đến, niệm niệm tìm cầu, bỏ đầu tìm đầu, tự không thể thôi, như các vị Bồ-tát viên đốn mà vào trong pháp giới hiện thân. Nhằm trong Tịnh độ chán phàm mến thánh, bọn người như thế chưa quên bỏ lấy, tâm nhiễm tịnh vẫn còn. Kiến giải Thiền tông chẳng phải như vậy, thẳng trong hiện tại lại không thời tiết.
Sơn tăng nói ra đều là một lúc thuốc trị bệnh nhau, trọn không có pháp thật. Nếu thấy được như vậy là người chân xuất gia, mỗi ngày tiêu muôn lượng vàng cũng được.
Đạo lưu! Chớ chấp lấy, sẽ bị các bậc Lão sư đập bể cửa mặt. Nói rằng ta hiểu thiền hiểu đạo, biện luận thao thao như nước chảy, đều là người tạo nghiệp địa ngục. Nếu là người chân chánh học đạo, chẳng tìm lỗi của thế gian, cấp bách cầu kiến giải chân chánh, mới mong tròn sáng xong xuôi.
*
Hỏi: - Thế nào là kiến giải chân chánh?
Sư đáp:
- Ngươi chỉ tất cả vào phàm vào thánh, vào nhiễm vào tịnh, vào cõi nước chư Phật, vào lầu các đức Di-lặc, vào pháp giới Tỳ-lô-giá-na, chỗ chỗ đều hiện; cõi nước thành trụ hoại không, Phật ra đời chuyển đại pháp luân lại nhập Niết-bàn, chẳng thấy có tướng mạo đi lại, tìm cái sanh tử của Ngài trọn không thể được, liền vào pháp giới vô sanh; nơi nơi dạo qua các cõi nước, vào thế giới Hoa tạng, trọn thấy các pháp không tướng, đều không Phật pháp, chỉ có Đạo nhân vô y (không chỗ nương) nghe pháp. Đó là mẹ chư Phật, bởi vì chư Phật đều từ vô y (không chỗ nương) sanh. Nếu ngộ vô y (không chỗ nương), Phật cũng không thể được. Nếu người thấy được như thế, là kiến giải chân chánh.
Người học không hiểu chấp danh cú, bị danh phàm thánh làm ngại. Do đó, chướng ngại đạo nhãn không được phân minh. Mười hai phần giáo nói ra đều cốt biểu hiển lẽ này, học giả không hội, bèn nhằm trên danh cú biểu hiển sanh hiểu, đều là nương tựa rơi tại nhân quả, chưa khỏi sanh tử trong tam giới.
Các ngươi nếu muốn trong sanh tử đi đứng tự do, tới lui tự tại thì, hiện nay nên biết người nghe pháp này. Y không hình không tướng, không cội không gốc, không chỗ ở, mà hoạt bát rõ ràng, ứng hiện muôn thứ hành động, chỗ dùng chỉ là không chỗ. Bởi đó, càng tìm càng xa, cầu đó thì trái, gọi đó là bí mật.
Đạo lưu! Các ngươi chớ nhận lấy kẻ bạn mộng huyễn, trong khoảng sớm chiều sẽ trở về vô thường. Các ngươi đến trong thế giới này tìm vật gì làm giải thoát? Tìm lấy một bữa cơm mà ăn, mặc áo vá qua ngày, chỉ cốt phỏng tầm tri thức. Chớ theo đuổi thú vui, ngày giờ đáng tiếc, niệm niệm vô thường, nếu thô thì bị bốn thứ đất nước lửa gió ép ngặt, tế thì bị sanh trụ dị diệt bức bách.
Đạo lưu! Thời nay cần biết bốn cảnh vô tướng, mới khỏi bị cảnh kéo lôi.
*
Hỏi: - Thế nào là bốn cảnh vô tướng?
Sư đáp:
- Các ngươi một niệm tâm nghi bị đất làm ngại. Các ngươi một niệm tâm ái bị nước nhận chìm. Các ngươi một niệm tâm sân bị lửa đốt cháy. Các ngươi một niệm tâm hỷ bị gió thổi bay. Nếu khéo biện được như thế chẳng bị cảnh chuyển. Nơi nơi dùng được cảnh, vọt bên đông lặn bên tây, vọt bên nam lặn bên bắc, vọt ở giữa lặn ở bên, vọt ở bên lặn ở giữa, đi trên nước như đất, đi trên đất như nước. Bởi sao được như vậy? Vì đạt bốn đại như mộng huyễn.
Đạo lưu! Các ngươi hiện nay biết nghe pháp, chẳng phải tứ đại của các ngươi, cái Biết ấy hay dùng được tứ đại. Nếu khéo thấy được như thế, là đi đứng tự do. Chỗ thấy của Sơn tăng chẳng ngờ pháp ấy. Các ngươi nếu mến Thánh thì, Thánh chỉ là tên Thánh. Có một nhóm người học đạo nhắm trong Ngũ Đài Sơn tìm Văn-thù, trọn đã lầm vậy. Trong Ngũ Đài Sơn không có Văn-thù. Các ngươi muốn biết Văn-thù chăng? Chỉ cái dùng trước mắt các ngươi trước sau chẳng khác, nơi nơi chẳng nghi, cái ấy là Văn-thù sống. Các ngươi một Tâm niệm sáng không sai biệt, nơi nơi thảy là chân Phổ Hiền. Các ngươi một Tâm niệm tự hay mở trói, tùy chỗ giải thoát, đây là Quan Thế Âm. Ba pháp lẫn nhau làm chủ bạn, ra thì đồng thời ra, một tức ba, ba tức một. Hiểu được như thế, mới nên xem kinh.
Hỏi: - Ý Tổ sư từ phương tây sang thế nào?
Sư đáp: - Nếu có ý tự cứu chẳng xong.
Hỏi: - Đã không ý làm sao Nhị Tổ được pháp?
Sư đáp: - Được đó là chẳng được.
- Nếu đã chẳng được, thế nào là ý chẳng được?
- Vì nhằm tất cả chỗ tìm kiếm Tâm không thể thôi.
Do đó, Tổ Sư nói: “Dốt thay! Đại trượng phu đem đầu tìm đầu.” Ngươi ngay lời nói này liền tự hồi quang phản chiếu, chẳng cầu cái gì khác, biết Thân Tâm cùng Phật Tổ chẳng khác, liền đó vô sự mới gọi là được pháp.
Đại đức! Sơn tăng hôm nay sự bất đắc dĩ nói ra khá nhiều điều vụng về. Các ngươi chớ nhận lầm. Theo chỗ thấy của tôi, thật không chấp nhận các thứ đạo lý nhiều như thế, cần dùng liền dùng, chẳng dùng liền thôi. Các nơi nói lục độ vạn hạnh cho là Phật pháp. Tôi nói đó là cửa trang nghiêm, cửa Phật sự, chẳng phải là Phật pháp. Cho đến, trì trai giữ giới như bưng dầu chẳng nghiêng, nếu đạo nhãn chẳng sáng trọn có ngày phải đền lại nợ cơm tiền. Vì sao như thế? Vì, học đạo chẳng thông lý, đem thân đền tín thí, trưởng giả tuổi tám mốt, cây kia chẳng sanh nhĩ. Nhẫn đến ở trên chót núi, một ngày ăn một bữa, thường ngồi chẳng nằm, sáu thời hành đạo, vẫn là người tạo nghiệp. Hoặc đem đầu mắt tủy não, vợ con đất nước, voi ngựa bảy báu hoàn toàn thí xả; hành động như thế đều là làm khổ thân tâm, lại chuốc quả khổ. Đâu bằng vô sự thuần nhất không tạp. Những hàng Bồ-tát thập địa mãn Tâm muốn tìm dấu vết của vị này trọn không thể được. Do đó, chư thiên vui mừng, địa thần nâng chân, chư Phật mười phương thảy đều khen ngợi. Bởi sao như thế? Vì đạo nhân hiện nghe pháp, chỗ dùng không dấu vết vậy.
*
Một hôm Sư cùng Hà Dương, Trưởng lão Mộc Tháp đồng ở tại Tăng đường ngồi quanh lò lửa. Nhân nói chuyện Phổ Hóa mỗi ngày ở ngoài đường chợ chụp gió chụp đầu, biết y là phàm là thánh?
Nói chưa xong, Phổ Hóa vào chúng đi đến.
Sư liền hỏi:
- “Ngươi là phàm là thánh?”
Phổ Hóa nói:
- “Ông hãy nói tôi là phàm là thánh?”
Sư liền hét! Phổ Hóa lấy tay chỉ nói:
- “Hà Dương kẻ tân phụ (*), Mộc Tháp thiền Lão bà, Lâm Tế đứa tớ nhỏ, lại đủ một con mắt.”
Sư bảo: “Kẻ giặc.”
Phổ Hóa nói: “Giặc, giặc”, liền đi ra.
*
Vương Thường Thị đến thưa hỏi Sư, theo Sư đến trước Tăng đường, xem xong liền hỏi:
- Tăng cả nhà này có xem kinh chăng?
Sư đáp: - Chẳng xem kinh.
Thị hỏi: - Lại học thiền chăng?
Sư đáp: - Chẳng học thiền.
Thị nói: - Kinh đã chẳng xem, thiền lại chẳng học, cứu kính làm cái gì?
Sư đáp: - Thảy dạy y làm Phật tác Tổ.
Thị nói: - Mạt vàng tuy quí, rơi vào con mắt thành bệnh, lại làm sao?
Sư bảo: - Sẽ bảo ông là kẻ thế tục.
*
Một hôm, Phổ Hóa ở trong chợ đến mọi người xin chiếc áo dài, mọi người đều cho, Phổ Hóa đều chẳng nhận.
Sư dạy Viện chủ mua một quan tài. Phổ Hóa về đến, Sư bảo: - “Tôi đã vì ông sắm chiếc áo dài rồi.”
Phổ Hóa liền tự vác đi. Phổ Hóa đi quanh đường chợ rao: “Lâm Tế cho tôi chiếc áo dài rồi, tôi sang cửa đông tịch.” Người trong chợ đua nhau đến xem.
Phổ Hóa bảo: “Tôi ngày nay chưa tịch, ngày mai sang cửa nam mới tịch.” Như thế đến ba ngày, mọi người đều chẳng tin.
Đến ngày thứ tư, không ai theo xem, một mình Phổ Hóa tự chun vào quan tài, nhờ người đi đường đậy nắp lại. Tin truyền đi mọi người trong chợ đua nhau đến giở quan tài xem, không thấy thi hài Phổ Hóa, chỉ nghe trong hư không tiếng mõ xa dần rồi mất.
*
(*) (Tân phụ là cô gái mới có chồng.)
Sư sắp tịch ngồi yên bảo: “Sau khi ta tịch, chẳng được diệt mất Chánh Pháp Nhãn Tạng của ta.”
Tam Thánh Huệ Nhiên thưa: “Đâu dám diệt mất Chánh Pháp Nhãn Tạng của Hòa thượng.”
Sư bảo: “Về sau có người hỏi, ngươi đáp thế nào?” Tam Thánh liền hét!
Sư bảo: “Ai biết, Chánh Pháp Nhãn Tạng của ta đến bên con lừa mù diệt mất.?”
Sư nói kệ truyền pháp:
Diên lưu bất chỉ vấn như hà
Chân chiếu vô biên thuyết tợ tha
Ly tướng ly danh như bất bẩm
Xuy mao dụng liễu cấp tu ma.
Dịch:
Theo dòng chẳng dứt hỏi thế nào
Chân chiếu khôn ngằn nói giống ai.
Lìa tướng lìa danh như chẳng nhận
Gươm bén dùng rồi gấp phải mài.
Nói xong, Sư ngồi an nhiên thị tịch. Nhằm niên hiệu Hàm Thông năm thứ tám (868), ngày 10 tháng giêng năm Đinh Hợi.
Vua ban thụy là Huệ Chiếu Thiền sư tháp hiệu Trừng Linh.
Tóm tắt lời dạy của Tổ:
Tổ dạy:
- Nếu nhằm dưới cửa tổ tông, khen ngợi việc lớn, hẳn là mở miệng chẳng đặng, không có chỗ các ông để chân.
- Ta ở chỗ Hoàng Bá ba phen thưa hỏi ba lần bị đánh. Vị Tăng suy nghĩ, Sư liền hét và theo sau đánh, nói:
- Không thể đến trong hư không mà đóng đinh.
- Trên cục thịt đỏ có vô vị chân nhân, thường từ cửa mặt các ông ra vào.
- Người học Phật Pháp cần yếu có kiến giải chân chánh. Nếu được kiến giải chân chánh thì sanh tử chẳng nhiễm, đi đứng tự do.
- Sơn tăng chỉ chỗ cho người. Cốtđể các ông đừng bị người gạt.
- Hiện nay học giả chẳng được, bệnh tại chỗ nào? - Bệnh tại chỗ chẳng tin.
- Chạy tìm ra ngoài, dù có tìm được, cũng chỉ là tướng thù thắng của văn tự, trọn chẳng đặng ý của PHẬT TỔ sống. Chớ lầm!
- TỨ LIỆU GIẢN:
1. Đoạt nhân chẳng đoạt cảnh
2. Đoạt cảnh chẳng đoạt nhân
3. Nhân cảnh đều đoạt
4. Nhân cảnh đều chẳng đoạt.
- Chỉ vì tình sanh trí cách, tưởng dấy thể sai.Do đó có luân hồi trong tam giới chịu các thứ khổ.
- Đạo lưu! Cái TÂM không hình thông suốt mười phương, ở mắt gọi thấy, ở tai gọi nghe, ở mũi gọi ngửi, ở miệng nói bàn, ở tay nắm bắt, ở chân đi chạy, vốn là một tinh minh, phân làm sáu hoà hợp.
- PHẬT là TÂM thanh tịnh, PHÁP là TÂM sáng suốt, ĐẠO là mỗi chỗ không ngại.
- Đại sư ĐẠT MA từ phương tây đến, chỉ tìm cái người chẳng bị người gạt. Nhị Tổ một câu nói liền liễu ngộ, mới biết từ trước uổng dụng công phu.
- Nếu trong đệ nhất cú tiến được, kham cùng Phật Tổ làm thầy. Nếu trong đệ nhị cú tiến được, kham cùng
trời người làm thầy. Nếu trong đệ tam cú tiến được, tự cứu chẳng xong.
- Ngoài chẳng nhận phàm thánh, trong chẳng trụ căn bản, thấy suốt chẳng còn nghi lầm.
- Phật Pháp không có chỗ dụng công, chỉ bình thường vô sự. Đi đại đi tiểu, mặc áo ăn cơm, nhọc đến thì nằm, người ngu cười ta, kẻ trí biết ta.
- Người xưa nói: “Làm công phu bên ngoài, thảy là kẻ ngu si.”
- Người xuất gia phải biện được kiến giải chân chánh bình thường, biết PHẬT biết MA, rành CHÂN rành NGỤY, rõ PHÀM rõ THÁNH. Được như thế, gọi là chân xuất gia.
- Hàng đạo lưu mắt sáng MA PHẬT
đều đánh. Các người nếu mến PHẬT ghét PHÀM, thì phải trôi nổi trong biển sanh tử.- Nếu ngộ “vô y”, PHẬT cũng không thể được. Nếu người thấy được như thế, là kiến giải chân chánh.
- Người học không hiểu chấp danh cú, bị danh phàm thánh làm ngại…Chưa khỏi sanh tử trong tam giới.
* Hỏi:
- Ý Tổ sư từ phương tây sang thế nào?
Sư đáp:
- Nếu có ý tự cứu chẳng xong.
- Trì trai, giữ giới, bố thí, khổ hạnh hành đạo…, vẫn là người tạo nghiệp. Đâu bằng “vô sự thuần nhất” không tạp.
Các bài mới
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 37. Tổ thứ 37 HOÀNG BÁ - HY VẬN THIỀN SƯ (…? – 850) - 30/04/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 36. Tổ thứ 36 BÁCH TRƯỢNG - HOÀI HẢI THIỀN SƯ (720 – 814) - 10/04/2018
- Tổ sư Thiền và lời dạy của chư Tổ: 35. Tổ thứ 35 MÃ TỔ - ĐẠO NHẤT THIỀN SƯ (709 – 788) - 31/03/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 34. Tổ thứ 34 NAM NHẠC - HOÀI NHƯỢNG THIỀN SƯ (677 – 744) - 24/03/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 33. Tổ thứ 33 HUỆ NĂNG TỔ SƯ (638 – 713) - 17/03/2018
Các bài đã đăng
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 32. Tổ thứ 32 HOẰNG NHẪN TÔN GIẢ (602 – 675) - 11/03/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 31. Tổ thứ 31 ĐẠO TÍN TÔN GIẢ (580 – 651) - 04/03/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 30. Tổ thứ 30 TĂNG XÁN TÔN GIẢ (497? – 606) - 04/03/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 29. Tổ thứ 29 HUỆ KHẢ TÔN GIẢ (494 – 601) - 27/02/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 28. Tổ thứ 28 BỒ ĐỀ ĐẠT MA TÔN GIẢ (..? – 529) (TK VI – 520 TL. sang Trung Hoa) - 21/02/2018
Chuyên đề
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89077
- Online: 52