Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 42. Tổ thứ 42 THỦ SƠN - TĨNH NIỆM THIỀN SƯ (926 – 993)

15/10/2018 | Lượt xem: 2994

HT.Thích Phước Tú sưu tầm và soạn dịch

Sư họ Địch quê ở Lai Châu, xuất gia tại chùa Nam Thiền quận nhà. Vừa thọ xong giới cụ túc, Sư dạo khắp các thiền hội, thường thầm tụng kinh Pháp Hoa, nên được hiệu là Niệm Pháp Hoa.

 

 

 

 

Sau, Sư đến trong hội Phong Huyệt sung chức Tri khách. Một hôm, Sư đứng hầu, Phong Huyệt rơi nước mắt nói với Sư:

- Bất hạnh! Đạo Lâm Tế đến ta sắp chìm lặng vậy.

Sư thưa: - Xem trong một chúng này đâu không có người kế thừa Hòa thượng?

Phong Huyệt bảo: - Người thông minh thì nhiều, kẻ thấy Tánh rất ít.

Sư thưa: - Như con, Hòa thượng xem thế nào?

Phong Huyệt bảo: - Ta tuy trông mong ở ngươi đã lâu, vẫn e ngại đắm mến kinh này không thể buông rời.

Sư thưa: - Việc này có thể làm được, mong nghe yếu chỉ ấy.

Phong Huyệt thượng đường. Nhắc lại việc Thế Tôn dùng con mắt như hoa sen xanh nhìn xem đại chúng, bèn hỏi:

- Chính khi ấy hãy bảo nói cái gì? Nếu bảo chẳng nói mà nói, lại là chôn vùi thánh trước. Hãy bảo nói cái gì?

Sư bèn phủi áo đi ra. Phong Huyệt ném cây gậy trở về phương trượng. Thị giả chạy theo sau thưa:

- Niệm Pháp Hoa nhân sao chẳng đáp lời Hòa thượng?

Phong Huyệt nói: - Niệm Pháp Hoa đã hội.

Một hôm, Sư cùng Huệ Chơn (Tri viên) đồng đến thưa hỏi. Phong Huyệt hỏi Huệ Chơn:

- Thế nào là Thế Tôn chẳng nói mà nói?

Huệ Chơn thưa: - Tu hú trên ngọn cây kêu.

Phong Huyệt bảo: Ngươi tạo nhiều phước si làm gì? Sao không tham cứu ngôn cú? Phong Huyệt hỏi Sư: - Ngươi thì sao?

Sư thưa: - Đổi sắc (mặt) bày đường xưa. Chẳng rơi cơ lặng yên (động dung dương cổ lộ, bất đọa tiếu nhiên cơ).

Phong Huyệt bảo Huệ Chơn: - Ngươi sao chẳng xem Niệm Pháp Hoa hạ ngữ?

*

Hòa thượng Sở ở Bạch Triệu đến Nhữ Châu nghỉ tại Tuyên Hóa. Phong Huyệt sai Sư đến truyền ngữ. Vừa gặp nhau, Sư đưa cao tọa cụ hỏi:

- Trải là phải, chẳng trải là phải?

Bạch Triệu đáp: - Nhà mình xem lấy.

Sư liền hét! Bạch Triệu bảo: - Ta từng gần gũi Thiện tri thức chưa từng dám làm như thế.

Sư nói: - Giặc cỏ đại bại.

Bạch Triệu bảo: - Ngày mai gặp Hòa thượng Phong Huyệt sẽ thuật lại đầy đủ.

Sư thưa: - Vâng! Vâng! Không nên quên mất.

*

Sư trở về thưa lại với Phong Huyệt.

Phong Huyệt bảo: - Ngày nay lại bị ngươi bắt một viên giặc cỏ.

Sư thưa: - Tay khéo chẳng khoe danh.

Hôm sau, Bạch Triệu vừa đến gặp Phong Huyệt liền thuật lại lời hôm qua. Phong Huyệt bảo:

- Chẳng những hôm qua, ngày nay quả tang đã thua bị bắt.

*

Ban đầu, Sư đến trụ Thủ Sơn đời thứ nhất. Ngày khai đường có Tăng hỏi:

- Thầy xướng gia khúc tông phong ai? nối pháp người nào?

Sư đáp: - Thiếu Thất trước núi xem bàn tay.

- Lại thỉnh hồng âm hòa một tiếng?

- Như nay cũng cần toàn thể biết.

*

Sư bảo chúng:

- Phật pháp trao cho quốc vương đại thần đàn việt có thế lực khiến đèn đèn mồi nhau tiếp tục không dứt cho đến ngày nay. Đại chúng hãy nói tiếp tục cái gì?

Sư im lặng giây lâu, lại nói:

- Ngày nay cần phải Sư huynh Ca-diếp mới được.

Tăng hỏi:

- Thế nào là gia phong của Hòa thượng?

Sư đáp:

- Một lời cắt đứt ngàn cửa sông, trước ngọn muôn trượng mới được huyền.

- Thế nào là cảnh Thủ Sơn?

- Mặc tình mọi người xem.

- Thế nào người trong cảnh?

- Ăn gậy được hay chưa?

Tăng lễ bái. Sư bảo: - Hãy đợi khi khác.

*

Tăng hỏi:

- Người xưa dở chùy, dựng phất ý chỉ thế nào?

Sư đáp: - Đảnh riêng không khách ngủ.

- Chưa biết ý chỉ thế nào?

- Chẳng phải người ôm gốc cây.

- Thế nào là con đường bồ-đề?

- Đây cách huyện nhượng năm dặm.

- Việc hướng thượng thế nào?

- Qua lại chẳng đổi.

*

Tăng hỏi:

- Chỗ chư Thánh nói chẳng tột, thỉnh Thầy nêu bày?

Sư đáp: - Thần quang muôn dặm trọn một chiếu, người nào dám bằng cùng mặt trời.

- Một cây lại nở hoa không?

- Nở đã lâu rồi.

- Chưa biết kết nụ chăng?

- Đêm qua đã gặp sương.

- Lâm Tế hét, Đức Sơn đánh, chưa biết để rõ việc gì?

- Ngươi thử nói xem.

Tăng liền hét! Sư bảo: - Mù! Tăng lại hét!

Sư bảo: - Gã mù này hét loạn thế ấy để làm gì?

Tăng lễ bái. Sư liền đánh.

*

Tăng hỏi:

- Chúng Tăng vây quanh, Thầy nói pháp gì?

Sư đáp: - Đập cỏ rắn sợ.

- Chưa biết thế nào là hạ thủ?

- Vừa rồi có bao nhiêu người nên táng thân mất mạng.

- Hai con rồng giành hạt châu, con nào được?

- Con được là mất.

- Con chẳng được thì thế nào?

- Châu ở chỗ nào?

*

Tăng hỏi: - Thế nào là tướng phạm âm?

Sư đáp: - Lừa kêu chó sủa.

Sư lại bảo:

- Cần được thân thiết, nhất là đừng đem hỏi lại hỏi, hội chăng? Hỏi ở chỗ đáp, đáp ở chỗ hỏi. Ngươi nếu đem hỏi lại hỏi thì Lão tăng ở dưới gót chân ngươi, ngươi nếu suy nghĩ thì chẳng giao thiệp.

Khi ấy có vị Tăng bước ra lễ bái. Sư liền đánh.

Tăng liền hỏi: - Khi cặm gậy nơi núi sâu thì thế nào?

Sư đáp: - Lầm!

Tăng nói: -Lầm! Sư lại đánh.

*

Ban đêm có vị Tăng vào thất, Sư hỏi: - Ai?

Tăng chẳng đáp. Sư nói: - Biết được ngươi rồi.

Tăng cười. Sư bảo: - Lại đâu phải người khác?

Nhân đó, Sư làm một bài kệ:

            Khinh khinh đạp địa khủng nhân tri

            Ngữ tiếu phân minh cánh mạc nghi

            Trí giả chỉ kim mãnh đề thủ

            Mạc đãi thiên minh thất khước kê.

Dịch:

            Bước chân nhè nhẹ ngại người hay        

            Cười nói rõ ràng có gì nghi

            Kẻ Trí hiện nay gắng gìn giữ

            Chớ đợi sáng mai gà mất đi.

*

Sư dạy chúng:

- Phật pháp không có nhiều, chỉ vì bọn các ông tự tin chẳng đến. Nếu các ông tự tin thì ngàn vị Thánh ra đời cũng không làm gì được các ông. Vì sao như thế? Vì ở chỗ trước mặt các ông không có chỗ mở miệng. Chỉ vì các ông tự tin không đến, chạy ra ngoài tìm cầu. Sở dĩ đến được trong ấy bèn là Phật Thích-ca, sẽ cho các ông ba mươi gậy. Tuy nhiên như thế, kẻ sơ cơ hậu học bằng vào đạo lý nào? Hãy hỏi các ông được cùng ấy hay chưa?

Sư im lặng giây lâu, nói tiếp:

- Nếu được cùng ấy mới là vô sự.

*

Sư dạy chúng:         

- Chư Thượng tọa! Chẳng được hét cuồng hét loạn. Trong ấy bình thường nói với các ông. Khách thì trước sau vẫn là khách, chủ thì trước sau vẫn là chủ, khách không có hai khách, chủ không có hai chủ. Nếu có hai khách hai chủ tức là hai gã mù. Do đó, nếu khi ta đứng thì các ông phải ngồi, đứng thì cùng ông đứng. Tuy nhiên như thế, đến trong ấy phải để mắt cho lanh mới được. Trong khoảng con mắt dừng chớp là xa ngàn dặm muôn dặm. Vì sao như thế? Ví như cách cửa sổ nhìn con ngựa chạy qua, vừa suy nghĩ liền không dính dáng.

Chư Thượng tọa! đã vậy, nơi đây phải chín chắn lưu tâm, chẳng cần ôm rỗng, ngày kia giờ khác sẽ lừa phắt ông vậy. Các ngươi! Nếu có việc thì lại gần đây, vô sự thì trân trọng!

*

Sư có làm bài kệ Cương Tông rằng:

            Đốt tai chuyết lang quân

            Xảo diệu vô nhân thức

            Đả phá Phụng Lâm quan

            Trước hài thủy thượng lập.

            Đốt tai xảo nữ nhi

            Thoán toa bất giải chức

            Khán tha đấu kê nhân

            Thủy ngưu dã bất thức.

            Bối âm sơn tử hướng dương đa

            Nam lai bắc vãng ý như hà

            Nhược nhân vấn ngã tây lai ý

            Đông hải đông diện hữu Tân La.

Dịch:

            Dốt thay chàng trai quê (vụng)

            Khéo léo không người biết

            Đập phá cổng Phụng Lâm

            Mang giày đứng trên nước.

            Dốt thay cô gái sang (khéo)

            Ném thoi chẳng biết dệt.

            Xem người coi đá gà

            Con trâu cũng chẳng biết.

            Kẻ bỏ núi âm hướng dương nhiều

            Sang nam đến bắc ý thế nào?

            Nếu người hỏi ta Tổ sư ý

        Mặt đông biển đông có Tân La (Triều Tiên)

*

Đời Tống niên hiệu Thuần Hóa năm thứ ba (992) vào giờ ngọ ngày mùng bốn tháng chạp, Sư thượng đường nói kệ:

            Kim niên lục thập thất

            Lão bệnh tùy duyên thả khiển nhật

            Kim niên ký khước lai niên sự

            Lai niên ký trước kim triêu nhật.

Dịch:

            Năm nay sáu mươi bảy

            Già bệnh tùy duyên hãy đuổi theo

            Năm nay ghi lại việc năm đến

            Năm đến ghi chắc việc ngày nay.

Đến năm sau đúng ngày giờ nói trước, Sư thượng đường từ biệt chúng nói kệ:

            Chư tử mạn ba ba

            Quá khước cơ Hằng hà

            Quan Âm chỉ Di-lặc

            Văn-thù bất nại hà.

            Các con dối lăng xăng

            Lỗi nhiều cát sông Hằng

            Quan Âm chỉ Di-lặc

            Văn-thù biết làm sao?

*

            Sư im lặng giây lâu, nói kệ:

            Bạch ngân thế giới kim sắc thân

            Tình dữ phi tình cộng nhất chân

            Minh ám tận thời câu bất chiếu

            Nhật luân ngọ hậu kiến toàn thân.

Dịch:

            Thế giới bạch ngân thân sắc vàng

            Tình với phi tình một Tánh chân

            Tối sáng hết rồi đều chẳng chiếu

            Vầng ô vừa xế thấy toàn thân.

Mặt trời vừa xế, Sư ngồi yên thị tịch, thọ sáu mươi tám tuổi.

 

TÓM LƯỢC LỜI DẠY CỦA TỔ:

Tổ dạy:

 Phật Pháp không có nhiều, chỉ vì bọn các ông tự tin không đến, chạy ra ngoài tìm cầu.

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 18542
  • Online: 26