Tổ sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ:43. Tổ thứ 43 PHẦN DƯƠNG - THIỆN CHIÊU THIỀN SƯ (947 – 1024)
18/11/2018 | Lượt xem: 2885
HT.Thích Phước Tú sưu tầm và soạn dịch
Sư họ Du quê ở Thái Nguyên. Thuở bé, Sư bẩm tánh thâm trầm, ít chịu trang sức, có Trí tuệ lớn, tất cả văn tự không do thầy dạy mà tự thông hiểu. Năm mười bốn tuổi, cha mẹ lần lượt qua đời, sống trong cảnh cô quả, Sư phát tâm xuất gia. Sau khi thọ giới cụ túc, Sư quảy gói du phương. Đến nơi nào, Sư dừng lại thời gian ngắn, không thích ngắm sơn ngoạn cảnh, chỉ vì mở sáng mắt đạo mà thôi. Sư đã tham vấn qua bảy mươi mốt vị tôn đức, rốt sau mới đến Thủ Sơn Thiền sư Niệm.
Thủ Sơn lên tòa. Sư ra hỏi:
- Bá Trượng cuốn chiếu, ý chỉ thế nào?
Thủ Sơn đáp: - Áo rồng vừa phất toàn thể hiện.
Sư hỏi: - Ý Thầy thế nào?
Thủ Sơn đáp:
- Chỗ tượng vương đi bặt dấu chồn.
Qua câu nói này, Sư đại ngộ liền đảnh lễ, rồi thưa:
- Muôn xưa đầm biếc nguyệt trong không, ba phen gạn lọc mới được biết (vạn cổ bích đàm không giới nguyệt, tái tam lao lộc thủy ưng tri).
Sư dừng lại đây hầu hạ thời gian rất lâu.
*
Sau, Sư từ tạ Thủ Sơn ra đi, đến khoảng Hành Tương Thái thú Trường Sa là Trương Mậu Tông dùng đủ cách cố thỉnh được Sư ở lại. Song, Sư vẫn một bề từ chối, ban đêm lén trốn đi. Đến Tương Miện, Thái thú Lưu Công Xướng tám phen thỉnh trụ trì Động Sơn, Sư lặng lẽ chẳng đáp.
Niên hiệu Thuần Hóa năm thứ tư (993) Thủ Sơn đã viên tịch, Tăng và cư sĩ ở Tây Hà họp lại hơn ngàn người đồng tâm cử Sa-môn Khế Thông đến thỉnh Sư trụ trì viện Thái Tử chùa Thái Bình ở Phần Dương. Sư đóng cửa nằm yên không tiếp, Khế Thông xô cửa vào thưa:
- Phật pháp là việc lớn, lui ở yên một chỗ là giữ tiết nhỏ. Hòa thượng Phong Huyệt sợ ứng với lời sấm ký lo tông chỉ diệt mất, may còn có Tiên sư nối nắm. Nay Tiên sư đã tịch, Thầy là người có khả năng gánh vác đại pháp của Như Lai, mà cam nằm ngủ yên sao?
Sư hoảng sợ, đứng dậy nắm tay Khế Thông bảo:
- Nếu không phải Thầy, tôi làm gì được nghe lời này. Chỉnh trang hành lý, tôi cùng đi vậy.
Đến nơi, Sư ở yên đến ba mươi năm không ra khỏi cổng ngoài. Thời nhân kính mộ không dám gọi tên, đồng kêu là Phần Dương.
*
Sư thượng đường:
- Dưới cửa Phần Dương có con sư tử Tây Hà ngồi xổm tại cửa. Có người đến nó liền cắn chết. Vậy có phương tiện gì vào được cửa Phần Dương, thấy được người Phần Dương. Nếu thấy được người Phần Dương kham cùng Phật, Tổ làm thầy, chẳng thấy được người Phần Dương trọn là kẻ chết đứng. Hiện nay có người vào được chăng? Cần vui vẻ vào, khỏi phải cô phụ bình sanh. Nếu không phải là khách Long Môn, tối kỵ sẽ bị điểm trán. Cái gì là khách Long Môn một loạt chỉ ra.
Sư đưa gậy lên, nói:
- Lui mau! Lui mau! Trân trọng.
*
Tăng hỏi: - Thế nào là câu tiếp sơ cơ?
Sư đáp: - Ngươi là Tăng đi hành khước.
- Thế nào là câu biện nạp tăng (Thiền sinh)?
- Phương Tây mặt trời mọc giờ mẹo.
- Thế nào là câu chánh lệnh hành?
- Ngàn dặm đem đến trình mặt xưa.
- Thế nào là câu lập càn khôn?
- Bắc câu-lô châu hạt gạo dài, người ăn không sân không hỉ.
Sư lại nói:
- Chỉ đem bốn chuyển ngữ này nghiệm nạp tăng (Thiền sinh) trong thiên hạ, vừa thấy ngươi đi đến liền nghiệm được rồi.
*
Sư thượng đường:
- Phàm một câu nói phải đủ ba huyền môn, một huyền môn phải đủ ba yếu. Cái gì là câu ba huyền ba yếu? Khéo hội là tốt, mỗi người tự suy nghĩ, lại được ổn đáng hay chưa? Cổ đức xưa đi hành khước nghe một nhân duyên mà chưa liễu ngộ, thì ăn uống không biết ngon, nằm ngủ chẳng yên, gấp rút giải quyết chớ cho là việc nhỏ. Vì vậy mà Đại Giác lão nhân vì một đại sự nhân duyên xuất hiện ra đời. Xét ra các ngài từ trước đến nay đi hành khước, chẳng phải vì du sơn ngoạn thủy, xem những vẻ đẹp của châu phủ, thọ dụng manh áo chén cơm, đều vì tâm thánh chưa thông. Do đó, mà ruổi rong hành khước, quyết trạch chỗ sâu kín truyền bá phô trương, rộng hỏi các bậc tiên tri (đã liễu ngộ) gần gũi những vị cao đức. Bởi vì muốn tiếp nối ngọn đèn Phật tâm, kế thừa chư Tổ làm rạng rỡ hạt giống thánh để tiếp dẫn kẻ hậu la, tự lợi và lợi tha vậy.
Hiện nay có người thương lượng chăng? Có thì bước ra cùng toàn thể thương lượng.
Có vị Tăng hỏi: - Thế nào là chỗ gắng sức của con?
Sư đáp: - Gia Châu đánh voi lớn.
- Thế nào là chỗ chuyển thân của con?
- Thiểm phủ tấm trâu sắt.
- Thế nào là chỗ thân thiết của con?
- Tây Hà đùa sư tử.
Sư lại nói:
- Nếu người hội được ba câu này là đã biện được ba huyền, lại còn ba yếu ngữ cần phải tiến lấy, không thể rảnh rang, cùng đại chúng tụng ra:
Tam huyền tam yếu sự nan phân
Đắc ý vong ngôn đạo dị thân
Nhất cú minh minh cai vạn tượng
Trùng dương cửu nhật cúc hoa tân.
Dịch:
Ba huyền ba yếu việc khó phân
Được ý quên lời đạo dễ gần
Một câu rành rõ gồm vạn tượng
Trùng dương ngày chín cúc hoa tươi.
*
Vì ở Tịnh Phần quá lạnh nên Sư cho bãi giờ tham vấn ban đêm. Có vị Tăng lạ chống gậy đi đến bảo Sư rằng:
- Trong hội có sáu vị Đại sĩ, tại sao không nói pháp?
Nói xong Tăng ấy đi mất, Sư mật ký một bài tụng:
Hồ tăng kim tích quang
Vị pháp đáo Phần Dương
Lục nhân thành đại khí
Khuyến thỉnh vị phu dương.
Dịch:
Tăng hồ cầm gậy vàng
Vì pháp đến Phần Dương
Sáu người thành pháp khí
Nhắc thỉnh vì tuyên dương.
*
Sư thượng đường:
- Phàm một câu nói phải đủ ba huyền môn, mỗi huyền môn phải đủ ba yếu. Có chiếu có dụng, hoặc trước chiếu sau dụng, hoặc trước dụng sau chiếu, hoặc chiếu dụng đồng thời hoặc chiếu dụng chẳng đồng thời. Trước chiếu sau dụng, vẫn cần cùng ngươi thương lượng. Trước dụng sau chiếu, ngươi phải là cá nhân mới được. Chiếu dụng đồng thời ngươi làm sao ngang nhau? Chiếu dụng chẳng đồng thời, ngươi làm sao dồn lại?
*
Tăng hỏi: - Thế nào là nguồn đại đạo?
Sư đáp: - Đào đất tìm trời.
- Sao được như vậy?
- Chẳng biết u huyền.
- Thế nào là khách trong khách?
- Chấp tay trước am hỏi Thế Tôn.
- Thế nào là khách trong chủ?
- Đối diện không bạn bè.
- Thế nào chủ trong khách?
- Hàng mây ngang trên biển, tuốt kiếm quậy Long Môn.
- Thế nào là chủ trong chủ?
- Ba đầu sáu tay giở trời đất, nổi giận Na Tra đập chuông vua.
*
Sư thượng đường:
- Phần Dương có ba quyết,
Nạp tăng khó biện biệt.
Lại nghĩ hỏi thế nào?
Cây gậy trên đầu bổ.
Khi ấy có vị Tăng ra hỏi:- Thế nào là ba quyết?
Sư liền đập. Tăng ấy lễ bái.
Sư bảo: - Cùng ngươi một lúc tụng ra:
Đệ nhất quyết:
Tiếp dẫn vô thời tiết,
Xảo ngôn bất năng thuyên
Vân đính thanh thiên nguyệt.
Đệ nhị quyết:
Thơ quang biện hiền triết
Vấn đáp lợi sanh tâm
Bạt khước nhãn trung tiết.
Đệ tam quyết:
Tây quốc Hồ nhân thuyết
Tế thủy quá Tân La
Bắc địa dụng tấn thiết.
Dịch:
Thứ nhất quyết:
Tiếp dẫn không thời tiết,
Lời khéo không thể bày
Mây che trời trong nguyệt.
Thứ hai quyết:
Phóng quang biện hiền triết
Hỏi đáp tâm lợi sanh
Nhổ ra đinh trong mắt.
Thứ ba quyết:
Cõi tây người Hồ thuyết
Sông Tế sang Triều Tiên
Đất Bắc dùng sắt thép.
Sư lại hỏi:
- Lại có người hội chăng? Hội được hãy ra báo tin tức, cần biết xa gần. Chớ ghi ngôn ghi ngữ thế ấy, thì hiện đời có gì lợi ích. Đứng lâu, trân trọng.
*
Tăng hỏi:
- Người chân chánh tu hành chẳng thấy lỗi thế gian, chưa biết chẳng thấy lỗi gì?
Sư đáp: - Tuyết chôn đêm trăng sâu ba thước, trên đất thuyền đi muôn dặm trình.
- Hòa thượng là tâm hạnh gì?
- Lại là tâm hạnh của ngươi.
- Thế nào là gia phong của Hòa thượng?
- Ba huyền mở đạo chánh, một câu phá tà tông.
- Thế nào là kế sống của Hòa thượng?
- Bình thường tay chẳng nắm, cúng dường Tăng ngũ hồ.
- Chưa biết ăn cái gì?
- Cơm thiên hòa đà chưa thịnh soạn. Một vị canh ngon no liền thôi.
Sư thượng đường:
- Người thuyết pháp phải đủ mười trí đồng chân. Nếu chẳng đủ mười trí đồng chân thì tà chánh chẳng rành, Tăng tục khó phân, không thể vì trời người làm mắt sáng để quyết đoán phải quấy. Như chim bay trong hư không mà gãy cánh, như bắn tên mà dây cung đứt. Vì dây cung đứt nên bắn không trúng đích. Vì cánh gãy nên chim không thể bay trong không. Dây cung chắc, đôi cánh cứng thì đích và hư không đều đạt được. Thế nào là mười trí đồng chân, sẽ cùng các Thượng tọa nêu ra: một đồng nhất chất, hai đồng đại sự, ba tổng đồng tham, bốn đồng chân trí, năm đồng biến phổ, sáu đồng cụ túc, bảy đồng đắc thất, tám đồng sanh sát, chín đồng âm hẩu, mười đồng đắc nhập.
Cùng người nào đồng đắc nhập? Cùng ai đồng âm hẩu? Thế nào là đồng sanh sát? Những vật gì đồng đắc thất? Cái gì đồng cụ túc? Là cái gì đồng biến phổ? Người nào đồng chân trí? Ai hay tổng đồng tham? Cái gì đồng đại sự? Vật gì đồng nhất chất? Có người nào điểm ra được chăng? Điểm ra được thì chẳng tiếc lòng từ bi. Điểm ra chẳng được thì chưa có con mắt của kẻ tham học. Cần phải biện lấy. Cốt biết thị phi, mặt mày thấy còn chẳng được. Đứng lâu, trân trọng.
*
Phủ Long-Đức Y Lý Hầu cùng Sư có tình quen xưa, thỉnh Sư trụ trì chùa Thừa Thiên, sai sứ đi ba lần mà Sư vẫn không đến. Sứ giả bị phạt. Y Lý Hầu lại sai sứ đi một phen nữa.
Sứ giả đến thưa: - Quyết thỉnh Thầy đồng đi, nếu Thầy không đi tôi liều chết mà thôi.
Sư cười bảo: - Bởi nghiệp già bệnh không thể xuống núi, giả sử đi phải có trước sau, tại sao quyết đồng?
Sứ thưa: - Thầy chịu thì trước sau, tùy lựa chọn.
Sư bảo chúng sửa soạn hành lý xong, Sư gọi chúng lại bảo: - Lão tăng đi có người nào theo được?
Có vị Tăng ra thưa: - Con theo được.
Sư hỏi:
- Một ngày ngươi đi được bao nhiêu dặm?
Tăng thưa: - Năm mươi dặm.
Sư bảo: - Ngươi theo ta chẳng được.
Lại có vị ra thưa: - Con theo được.
Sư hỏi: - Một ngày ngươi đi được bao nhiêu dặm?
Tăng thưa: - Bảy mươi dặm.
Sư bảo: - Ngươi theo ta cũng chẳng được.
Thị giả ra thưa: - Con theo được, chỉ Hòa thượng đến đâu thì con đến đó.
Sư bảo: - Ngươi theo Lão tăng được.
Nói xong, Sư bảo sứ giả: - Ta đi trước nghe!
Sư dừng lại rồi tịch. Thị giả đứng khoanh tay tịch theo, Sư thọ bảy mươi tuổi.
Tổ dạy:
- Cổ đức xưa đi hành khước nghe một nhân duyên mà chưa liễu ngộ, thì ăn uống không biết ngon, nằm ngủ chẳng yên, gấp rút giải quyết chớ cho là việc nhỏ.
- Xét ra các ngài từ trước đến nay đi hành khước, chẳng phải vì du sơn ngoạn thủy, xem những vẻ đẹp của châu phủ, thọ dụng manh áo chén cơm, đều vì TÂM TÁNH chưa thông.
Các bài mới
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 42. Tổ thứ 42 THỦ SƠN - TĨNH NIỆM THIỀN SƯ (926 – 993) - 15/10/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 41. Tổ thứ 41 DIÊN CHIỂU - PHONG HUYỆT THIỀN SƯ (896 – 973) - 12/10/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 40. Tổ thứ 40 NAM VIỆN - HUỆ NGUNG THIỀN SƯ (860 – 950) - 04/10/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 39. Tổ thứ 39 HƯNG HOÁ - TỒN TƯƠNG THIỀN SƯ (840 – 925) - 28/06/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 38. Tổ thứ 38 LÂM TẾ - NGHĨA HUYỀN THIỀN SƯ (787 – 867) - 05/06/2018
Các bài đã đăng
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 37. Tổ thứ 37 HOÀNG BÁ - HY VẬN THIỀN SƯ (…? – 850) - 30/04/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 36. Tổ thứ 36 BÁCH TRƯỢNG - HOÀI HẢI THIỀN SƯ (720 – 814) - 10/04/2018
- Tổ sư Thiền và lời dạy của chư Tổ: 35. Tổ thứ 35 MÃ TỔ - ĐẠO NHẤT THIỀN SƯ (709 – 788) - 31/03/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 34. Tổ thứ 34 NAM NHẠC - HOÀI NHƯỢNG THIỀN SƯ (677 – 744) - 24/03/2018
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - 33. Tổ thứ 33 HUỆ NĂNG TỔ SƯ (638 – 713) - 17/03/2018
Chuyên đề
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 90805
- Online: 28