Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ : Thỉ Tổ - Thích Ca Mâu Ni Như Lai
24/05/2017 | Lượt xem: 3970
I.THÂN THẾ:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sinh năm 624 trước Dương lịch. Đến nay (2017) là 2641 tuổi.
Ngài tên: Tất-Đạt-Đa (Siddhattha)
Họ : Kiều-Đáp-Ma (Gautama-Cồ Đàm)
Dòng: Thích-Ca (Sakya)
Sinh tại: Vườn Lâm-Tỳ-Ni (Lumbini), Thành Ca-Tỳ-La-Vệ (Kapilavastu), xứ Nepal ngày nay (Ấn Độ).
Sinh ngày trăng tròn tháng Vesak (tháng 2) theo lịch Ấn Độ, nhằm rằm tháng 4 âm lịch (15-4 âl). Sinh vào năm 624 trước Dương lịch.
Ngài gốc dân Aryan, giống da trắng.
Ngài là Hoàng Thái Tử (con vua)
Cha: Vua Tịnh-Phạn (Sudhodana)
Mẹ: Hoàng hậu Ma-Da (Maya)
Mẹ nuôi: Ma-Ha-Ba-Xà-Ba-Đề (Maha Pajapati Gotami)
Khi còn là Thái tử, Ngài có vợ là Da-Du-Đà-La (Yasodhara) và một con trai là: La-Hầu-La (Rahula) (17 tuổi cưới vợ, 19 tuổi có con).
Ngài sinh và sống trong lúc thời thịnh trị của triều đại.
Ngài có đời sống hạnh phúc hưởng ngũ dục đầy đủ.
II. SỰ NGHIỆP:
- Ngài xuất gia tìm đạo năm 19 tuổi (mùng 8 tháng 2 âl)
- Ngài thành đạo năm 30 tuổi (594 trước Dương lịch – ngày mùng 8 tháng 12) (Đạo Phật có từ đây)
- Ngài hành đạo giáo hoá truyền Pháp cứu khổ chúng sinh 49 năm. Đệ tử chính thức là Tăng là Ni – Tỳ kheo, Tỳ kheo ni (giới xuất gia) trên dưới hai ngàn vị (2.000).
- Ngài nhập Niết Bàn (chết) năm 544 trước Dương lịch (15 – 2 âl). Ngài sống được 80 tuổi. Đến nay (2017) là 2641.
- Năm Ngài mất được lấy làm lịch Phật (ngày giỗ). Nay (2017) là PL. 2561. Ngài được người đời tôn là Phật (Bouddha – Giác) hay Phật Thích-Ca Mâu-Ni (Sakya Muni – người dòng Thích-Ca vắng lặng). Ngài tự xưng là Như Lai.
III. TRUYỀN PHÁP:
Kinh Đại phạm Thiên vương thỉnh Phật quyết ghi chép: “Vua Trời Đại phạm đem hoa sen vàng hiến Phật, Phật cầm hoa giơ ra, đại chúng chả biết gì cả, chỉ có ngài Ma Ha Ca Diếp hiểu được, chúm chím cười (niêm hoa vi tiếu).
Phật bảo: Ta có “Chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, thật tướng vô tướng, vi diệu pháp môn” trao cho Ca Diếp, ngươi nên giữ gìn, để nối truyền đạo này cho chúng sanh. Và nghe ta nói bài kệ truyền pháp đây:
Pháp bổn pháp vô pháp,
Vô pháp pháp diệc pháp.
Kim phú vô pháp thời,
Pháp pháp hà tằng pháp.
Dịch:
Pháp gốc vốn hông pháp
Cái “hông cái” cũng (là) cái
Lúc giao cái “hông cái”
Cái cái chưa từng cái.
IV. NHẬP DIỆT:
* Nhân duyên bệnh và sự giáo hoá cuối cùng:
(Theo kinh Đại Bát Niết Bàn – Kinh Trường Bộ)
Trên đường du hoá, Đức Thế Tôn đến Para ở trong vườn xoài của người thợ sắt Thuần Đà (Cunda).
Thuần Đà được Thế Tôn thuyết pháp, ông lấy làm phấn khởi hoan hỷ, liền bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời mời của con, ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỳ kheo”. Thế Tôn im lặng nhận lời.
Thợ sắt Thuần Đà, sau khi đêm đã mãn, liền sửa soạn tại nhà các thức ăn ngon quí đủ loại cứng loại mềm, với nhiều nấm mộc nhĩ. Giờ thọ trai đến, Thuần Đà thỉnh Thế Tôn dùng bữa.
Thế Tôn đắp y mang bát cùng với chúng Tỳ kheo đến nhà thợ sắt Thuần Đà thọ thực. Ăn xong, Đức Thế Tôn thuyết pháp, Thuần Đà nghe lòng hoan hỷ.
Sau bữa ăn đó, Đức Thế Tôn bị trúng độc nấm nhiễm bệnh nặng. Ngài bị bệnh kiết lỵ máu, đau đớn gần như đến chết. Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn nại, chịu đựng cơn bệnh.
Bệnh như vậy, Thế Tôn vẫn bảo tôn giả Ananda:
- Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Câu Thi Na (Kusinara).
Hành trình đến Câu Thi Na khoảng chín cây số, thế mà Thế Tôn vẫn cố đến. (Ngài đến Câu Thi Na để nhập Đại Niết Bàn, viên tịch).
Thế Tôn dù mỏi mệt, trên đường phải nghỉ nhiều lần, nhưng Thế Tôn vẫn thuyết pháp độ người. Ngài độ Pukkusa dòng Mallà và nhận cặp áo màu vàng chói của Pukkusa dâng cúng.
Lúc này, nước da của Thế Tôn trở nên sáng chói lạ thường, sáng chói hơn cả chiếc y sáng chói.
A-Nan hỏi vì sao màu da của Thế Tôn khác lạ và được Thế Tôn giải thích:
- Có hai trường hợp màu da của Như Lai hết sức thanh tịnh và sáng chói. Một là đêm Như Lai chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, hai là đêm Như Lai sắp diệt độ vào cõi Niết Bàn, không còn dư y sanh tử nữa.
Này Ananda, hôm nay khi canh cuối cùng đã mãn, tại Upavattana ở Câu Thi Na, trong rừng Sa-la của dòng họ Mallà, giữa hai cây Sa-la song thọ, Như Lai sẽ diệt độ.
Này Ananda, giờ đây hãy đi đến con sông Kakutthà, tắm, uống nước và lội qua bờ bên kia để đến vườn xoài.
Ở đây, Thế Tôn nói với đại đức Cundaka xếp áo Sanghati làm tư cho Ngài nằm nghỉ vì Ngài mệt mỏi.
Trong tư thế nằm sư tử, hông phải dưới, hai chân để trên nhau, chánh niệm, tỉnh giác. Khi được khoẻ một chút, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, rất có thể có người làm cho thợ sắt Thuần Đà hối hận: “Này hiền giả Thuần Đà, thật không ích lợi gì cho ngươi, thật là tai hại cho ngươi, vì Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ ngươi cúng dường và nhập diệt”. Này Ananda, cần phải làm tiêu tan sự hối hận ấy của thợ sắt Thuần Đà, hãy nói:
- Này Hiền giả, thật là công đức cho bạn, vì Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ bạn cúng dường và nhập diệt. Này Hiền giả Thuần Đà, tôi tự thân nghe, tự thân lãnh thọ lời nói của Thế Tôn:
- Có hai sự cúng dường đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác. Thế nào là hai?
Một là bữa ăn trước khi Như Lai chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, hai là bữa ăn trước khi Như Lai diệt độ Niết Bàn giới, không còn di hưởng sinh tử. Hai bữa ăn này đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác: “Nhờ hành động này, hiền giả Thuần Đà sẽ được hưởng tuổi thọ. Nhờ hành động này, hiền giả Thuần Đà sẽ được hưởng sắc đẹp. Nhờ hành động này, hiền giả Thuần Đà sẽ được hưởng danh tiếng. Nhờ hành động này, hiền giả Thuần Đà sẽ hưởng cõi trời. Nhờ hành động này, hiền giả Thuần Đà sẽ được hưởng uy quyền”.
Này Ananda, cần phải làm cho thợ sắt Thuần Đà tiêu tan hối hận.
Đức Thế Tôn đã cư xử với Thuần Đà rất từ bi như vậy, dù Thuần Đà là một nhân duyên chính dẫn đến bệnh và đưa đến tử vong cho Đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn lại đi qua bờ bên kia sông Hiarnnavati, đến Câu Thi Na – Upàvattana, rừng Sa- la của dòng họ Mallà.
Đến nơi, Đức Thế Tôn mệt mỏi bảo Ananda trải chỗ nằm. Ngài nằm đầu hướng về phía Bắc giữa hai cây Sa-la song thọ. Ngài nằm theo dáng nằm con sư tử, hông phải dưới, hai chân để lên nhau, chánh niệm và giác tỉnh. Đức Thế Tôn chuẩn bị vào nửa đêm sẽ nhập Đại Niết Bàn (viên tịch).
Tôn giả Ananda thưa với Phật:
- Bạch Thế Tôn, thấy Thế Tôn bệnh, thân con cảm thấy yếu ớt như lau sậy, mắt con mờ mịt không thấy rõ phương hướng, dầu cho, bạch Thế Tôn, con được một chút an ủi rằng, Thế Tôn sẽ không diệt độ, nếu Ngài chưa có lời “di giáo” cho chúng Tỳ kheo.
Đức Phật đáp lời Ananda:
- Này Ananda, chúng Tỳ kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta! Này Ananda, Ta đã giảng Chánh Pháp, không có phân biệt trong ngoài, vì này Ananda, đối với các pháp, Như Lai không bao giờ là vị Đạo Sư còn nắm tay.
Này Ananda, những ai nghĩ rằng: “Như Lai là vị cầm đầu chúng Tỳ Kheo” hay “chúng Tỳ kheo chịu sự giáo huấn của Như Lai”, thời này Ananda, người ấy sẽ có lời “di giáo” cho chúng Tỳ kheo. Này Ananda, Như Lai không nghĩ rằng: “Ta là vị cầm đầu chúng Tỳ kheo” hay “chúng Tỳ kheo chịu sự giáo huấn của Ta thời này Ananda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỳ kheo?
Này Ananda, Ta đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến 80 tuổi. Này Ananda, như cỗ xe đã mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thắng chằng chịt, cũng vậy, thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ chống đỡ dây chằng. Này Ananda, chỉ trong khi Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, với sự diệt trừ một số cảm thọ, chứng và an trú vô tướng tâm định, chính khi ấy thân Như Lai được thoải mái.
Vậy nên, này Ananda, hãy tự mình làm ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh Pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh Pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác.
Này Ananda, thế nào là vị Tỳ kheo hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác. Dùng Chánh Pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh Pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác.
Này Ananda, ở đời, vị Tỳ kheo, đối với Thân quán thân, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời, đối với các cảm Thọ…đối với Tâm… đối với Pháp. Quán Thọ trên Thọ, quán Tâm trên Tâm, quán Pháp trên Pháp, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời. Này Ananda, như vậy vị Tỳ kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác. Dùng Chánh Pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh Pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác.
Này Ananda, những ai sau khi ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác. Dùng Chánh Pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh Pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một Pháp gì khác, những vị ấy, này Ananda là những vị tối thượng trong hàng Tỳ kheo của Ta, nếu vị ấy tha thiết học hỏi.
Bệnh tình của Đức Phật mỗi lúc mỗi trầm trọng, Đức Phật biết rằng mình sẽ vào Đại Niết Bàn trong đêm nay. Không những thế, việc này Đức Phật đã biết trước ba tháng. Khi ác ma đã hiện đến và thúc hối Ngài phải lìa đời bằng lời lẽ:
- “Bạch Thế Tôn nay phạm hạnh Thế Tôn giảng dạy đã được thành tựu, thịnh đạt, phổ biến, quảng bá, biến mãn, nghĩa là được khéo giảng cho loài người. Như vậy, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ… Bạch Thế Tôn nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ.”
Đức Phật đã đáp lại lời ác ma như sau:
- “Này ác ma hãy yên tâm, không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ”.
Thế là đêm nay vừa đủ ba tháng. Đức Phật đã biết trước mình sẽ diệt độ trước ba tháng. Ngài đã nói với ác ma như vậy, đó chính là Ngài đã nói với Ma tử (chết) một trong bốn ma (Sanh, Già, Bệnh, Chết).
Thế Tôn đã thốt lên lời cảm khái qua bài kệ:
Mạng sống có hạn hay vô hạn
Tu sĩ từ bỏ, không kéo dài
Nội tâm chuyên nhất trú Thiền định
Như thoát áo giáp đang mang mặc.
Thế Tôn cũng có lời từ biệt và dạy các Tỳ kheo:
Ta đã già, dư mạng chẳng còn bao
Từ biệt các ngươi, Ta đi một mình
Tự mình làm sở y cho chính mình
Hãy tinh tấn, chánh niệm giữ giới luật
Nhiếp phục ý chí, bảo hộ Tự Tâm
Ai tinh tấn trong pháp luật này
Sẽ diệt sanh tử, chấm dứt khổ đau.
Đức Phật trước khi nhập Niết Bàn (lìa đời), tuy Ngài đang mệt, sức yếu, nhưng Ngài đã thuyết pháp cho du sĩ ngoại đạo là ông Tu Bạt Đà La (Subhadda). Ông Tu Bạt Đà La nghe qua, phát tâm quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng và xin Đức Phật được xuất gia, được thọ Đại giới. Đức Phật hoan hỷ và bảo Tôn giả Ananda làm lễ xuất gia cho Tu Bạt Đà La. Đây là vị đệ tử cuối cùng của Đức Phật.
Đức Phật nói với Ananda:
- Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ: chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo sư của các ngươi.
- Này Ananda, Như Lai biết rằng trong chốn Tỳ kheo này không có một Tỳ kheo nào còn nghi Đạo hay phương pháp.
Và Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
- Này các Tỳ kheo, nay Ta khuyên dạy các ngươi:
“Các pháp hữu vi là vô thường
Hãy tinh tấn chớ có phóng dật”.
Đó là lời cuối cùng của Như Lai.
Nói xong, Đức Phật vào Đại định, tấn nhập Đại Niết Bàn. Ngài diệt độ lìa đời, xả Báo thân, thể nhập Pháp thân Như Lai, vào lúc nữa đêm ngày 15 – 2 âl, năm 544 trước Dương lịch.
HT.Thích Đắc Huyền ( Thích Như Phước Tú)
Sưu tầm và soạn dịch
Các bài mới
- Tổ Sư Thiền và lời dạy của Chư Tổ - Lời mở - 22/05/2017
Các bài đã đăng
Chuyên đề
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 07945
- Online: 78