Tôn kính và biết ơn Thầy

27/08/2017 | Lượt xem: 4448

Trong cuộc sống hằng ngày, tất cả chúng ta mỗi người đều có một hoàn cảnh vui buồn khác nhau, tâm trạng thao thức khi đến với đạo cũng khác nhau và mỗi người đều gặp Hòa thượng ân sư trong một cảm xúc và bối cảnh cũng không giống  nhau. Chính vì vậy, tuy  cùng học với một vị thầy nhưng công phu tu hành, cảm nhận đạo lý sâu hay cạn và sự cảm kích đến vị ân sư của mình có lẽ cũng không ai giống ai.

 Tuy nhiên, ngoài những điểm khác nhau như vậy, tất cả chúng ta vẫn có một điểm tương đồng khi đến với Thầy Tổ, đó là đến để học hiểu đạo lý, ứng dụng tu hành để giải khổ cho mình, làm lợi cho mình và cho người. Vì vậy, buổi nói chuyện hôm nay là nói về cái chỗ chung đó chứ không nói về cái sai biệt theo cảm nhận của mỗi người. Mà cảm nhận thì không phải lời nói mà phải bằng nội tâm, mình ứng dụng lời dạy của vị Thầy để tu hành như thế nào thì mình sẽ cảm được cái ân của vị Thầy như thế đó. Vì vậy, ngày hôm nay quý Thầy sẽ nói chuyện với quý Phật tử đề tài “Tôn kính và biết ơn Thầy”.

Người xưa nói: “Sanh ngã giả phụ mẫu. Thành ngã giả bằng hữu”, có nghĩa là: “Sanh ta ra là cha mẹ, làm thành cho ta là bạn bè”. Người xưa chỉ nhắc ơn sanh thành của cha mẹ, đó là một cái ơn lớn, rồi ơn của bạn bè làm thành cho ta cũng là một cái ơn lớn, nhưng tại sao lại không nhắc đến ơn Thầy Tổ? Có phải quên không? Không phải quên, mà vì ơn cha mẹ cho thân thì thân này rồi cũng sanh diệt, bạn bè làm thành tri thức cho mình, tri thức này dù có học đi nữa cũng là cái tri thức của sanh diệt, tấm thân sanh diệt này mình sống được bao lâu? Như vậy cũng là mang ơn nhưng ơn này nằm trong phạm vi của sanh diệt. Còn ơn Thầy Tổ là ơn làm thành giới thân huệ mạng cho mình, dẫn dắt mình vượt thoát khỏi vòng sanh diệt thế gian để không còn bị cái khổ sanh tử chi phối. Đối với ơn xuất thế này, quý Ngài xưa cảm rất sâu nên không thể nào dùng ngôn ngữ thế gian có hạn lượng để nói hay diễn tả hết được, và cũng khó có thể lấy một cái gì ở thế gian này để đền đáp đủ mà chỉ bằng hành động, sự thực hành tu tập của chính mình để chứng tỏ lòng biết ơn đối với vị ân sư đã chỉ dạy cho mình. Nếu như mình chỉ khen và ca ngợi Thầy Tổ thì dù rất quý nhưng đối với các thiền sư, đó chỉ là hạng đệ tử bậc trung. Còn hạng đệ tử bậc thượng thì phải là người từ trong sự giáo hóa của vị Thầy mà lớn mạnh lên, có nghĩa là học giáo lý từ vị thầy, ứng dụng tu tập, thấy có lợi ích, giải khổ được cho mình, không còn bị cái khổ chi phối, thoát khỏi vòng sanh tử rồi quay trở lại giúp cho người.

Nãy giờ nghe quý vị biết ơn Thầy Tổ là ơn cứu mình ra khỏi thế gian, giải khổ cho mình rồi, nhưng tại sao mình khổ? Tại vì mình còn nằm trong vòng sanh tử, bị những cái sanh diệt thế gian chi phối. Trong cuộc đời này, có lúc mình khổ, có lúc mình vui, nhưng cái vui đó cũng không kéo dài, chỉ tạm thời khỏa lấp được cái khổ nhưng qua đi rồi, cái khổ vẫn trở lại, hai cái khổ và vui thường xuyên đắp đổi nhau, nay tuy vui mà thực ra đã mang cái mầm khổ bên trong. Như vậy, cái vui đó cũng không thể nói là vui, nhà Phật gọi đó là khổ vì nó là vô thường. Ví dụ ngày hôm nay, ai nói câu gì hay thì mình vui, nhưng vừa bước ra ngoài gặp ai đó làm nghịch ý thì mình liền giận. Như vậy cái vui trước có cứu được cái khổ sau đó không? Vui khổ này là đắp đổi của sanh diệt thế gian, cái vui này tuy vui nhưng không cứu được cái khổ triền miên của mình. Thầy Tổ  dạy cho mình phương pháp để tu, dạy mình không được dính trên cái khổ vui của thế gian, mà không dính, không nhiễm thì cái khổ vui của cuộc đời không chi phối được mình, trên khổ vui mà mình vẫn an nhiên, tự tại. Như vậy thì có phải là đã giải được khổ, ở ngay đây mà giải thoát không? Ngay đây mà giải thoát thì có phải là Thầy Tổ đã cứu mình ra khỏi vòng sanh diệt thế gian không? Ở trong thế gian mà giải thoát thì tuy là ở trong mà vẫn ra khỏi. Thầy Tổ đã chỉ cho mình pháp để cứu mình ra khỏi thế gian thì cái ơn đó có phải là ơn vượt ra ngoài thế gian sanh diệt không?

Bây giờ quý vị nhìn lại để thấy Hòa thượng Ân sư đã chỉ cho chúng ta vượt ngoài thế gian sanh diệt như thế nào? Đầu tiên, tất cả chúng ta ai cũng công nhận rằng một khi đã đầu thai vào cuộc đời này rồi thì ai cũng mang một nỗi khổ riêng, có ai không khổ không? Có câu: “Áo trần con lỡ mặc vào. Nợ trần con biết làm sao bây giờ?”, có nghĩa là lỡ mặc rồi khổ, khổ rồi than chứ không biết làm sao. Như vậy dù ít dù nhiều, khi đã sanh ra trong cuộc đời này, chúng ta ai cũng khổ. Bây giờ muốn thoát khỏi khổ thì phải tìm nguyên nhân tại sao mình lại sanh ra trong cuộc đời này? Tìm phăng được nguyên nhân gốc đó thì mới có thể thoát ra được. Quý vị nghe Hòa thượng giảng biết động lực nào đưa chúng ta vào cuộc đời này? Nghiệp phải không? Nghiệp là do thân khẩu ý tạo tác. Ý khởi, miệng nói, thân làm, từ đó thành nghiệp. Muốn thoát khỏi sanh tử luân hồi thì ý không khởi, nghiệp sẽ không tạo.

Trong Kinh có kể, một vị Sa di nghe Thầy giảng về vấn đề giải thoát là phải dừng ba nghiệp, cho nên vị này nghĩ, thân mình không làm gì thì không tạo nghiệp cho nên ngồi yên một chỗ, miệng không nói nên cũng không tạo nghiệp, nhưng ý thì khởi liên miên phải làm sao cho đừng khởi. Vị Sa di nghĩ ra cách đắp mền đi ngủ, vì nằm ngủ thì ý không khởi. Quý vị nghĩ như vậy thì thân khẩu ý đã thanh tịnh chưa? Chỉ cần đi ngủ thì ý không khởi, miệng không nói, thân không làm, như vậy có dừng nghiệp không, có giải thoát không? Khi ngủ thì ý không khởi, mà khi thức dậy thì sanh tử vẫn còn y nguyên. Vậy phải làm sao? Đành rằng là không theo vọng, nhưng quý vị vẫn mang trong lòng một tâm niệm là chừng nào hết vọng. Nhưng nếu nắm được chỗ này thì quý vị vẫn an nhiên khi còn vọng.

Có một vị đến tập tu, sau khi nghe giảng bài pháp về Nhân Quả thì có một thắc mắc với quý Thầy là: “Con nghe giảng biết rằng có nhân thì có quả, quá khứ là anh A tạo nhân, đời nay con phải chịu cái quả khổ vui lẫn lộn này thì con tin rồi. Nhưng anh A đó có liên hệ với con đời này như thế nào mà anh ấy làm đời này con phải chịu?”

Mình ở đây nghe nhân quả thì chấp nhận một cách dễ dàng, nhưng quá khứ mình là một người khác, người này liên hệ với mình như thế nào mà người đó làm đời này mình phải chịu? Giả sử quý vị chưa từng lên Thiền viện Trúc Lâm mà đang ở Sài Gòn, Nha Trang hay ở đâu đó, nếu bây giờ có ai hỏi về Thiền viện Trúc Lâm, quý vị có mường tượng được chùa như thế nào không? Đâu biết thiền viện như thế nào mà mường tượng. Nhưng nếu quý vị đã lên đây một lần rồi, thì khi về rồi, dù không thấy Thiền viện nữa mà có ai hỏi Thiền viện như thế nào thì quý vị có thể nhớ, có thể thấy được cả hình ảnh trong đầu để nói nữa. Như vậy khi mình tiếp cảnh thì có mất không? Nếu mất thì không còn nhớ, còn tự nhớ thì không cần lên đây cũng biết. Chưa lên thì không biết, mà lên rồi thì dù có vô tình thôi nhưng về, nó vẫn nằm trong đầu mình. Cũng vậy, bao nhiêu sinh hoạt hằng ngày, quý vị lãng quên không để ý nhưng mình có thể giấu được những chuyện đó không? Qua tay làm, qua sinh hoạt thì nó sẽ ghi vào tàng thức của mình ngay, cả cuộc đời mình đã làm bao nhiêu việc thì bao nhiêu chủng tử nghiệp đó đã gieo vào tàng thức thành một kho chứa chủng tử nghiệp khổng lồ và đẩy mình đi thác sanh ở kiếp sau. Như vậy cái thân đời này tuy mất nhưng cái ghi nhớ có quên không? Nếu còn nhớ thì chính cái chủng tử nghiệp khổng lồ được chứa đó sẽ đẩy mình có một thân sau. Như vậy thân sau là kết quả của những nghiệp nhân đời này mình tạo, nhưng mình không quên, khi tiếp cảnh liền nhớ lại những cái đã có.

Trong cuộc sống hàng ngày, bất cứ một diễn tiến nào xảy ra mà quý vị trên quả đó kiểm nghiệm lại ngay nơi mình đang thích gì, đang khởi gì thì sẽ thấy rõ ngày xưa mình cũng đã tạo nhân giống như vậy. Và khi thọ quả thì cái nhân lối mòn ấy lại nhắc cho mình tạo một lần nữa để thọ thân sau tiếp tục như trước. Ví dụ quý vị kiểm lại thấy mình nếu có gì khác với huynh đệ trong đạo tràng thì chính cái khác này là mình đã tạo từ quá khứ rồi. Quá khứ tạo nhân là có tâm niệm khác với sự hòa hợp đạo tràng, hôm nay thọ quả bị mọi người xa lánh và bây giờ nó âm thầm bắt mình làm lại, kiểm lại thì trong mình lại khởi trở lại tâm niệm đó, quý vị đã thấy rõ chưa? Đó là lối mòn của quá khứ.

Nhưng nếu người giác biết như vậy, muốn chuyển nghiệp thì ngay trên quả kiểm lại tâm mình đang có gì để khéo chuyển ngay từ ý nghiệp. Mà ý nghiệp là cái gì? Là vọng tưởng phải không? Nếu bây giờ nói gạt hết vọng tưởng thì gạt đi đâu bây giờ? Đây chính là chỗ mà từ đó vị Thầy dẫn dắt mình ra. Hòa thượng chỉ dạy: biết nó là giả, không theo chứ không phải là dẹp bỏ. Như vậy không phải là dẹp bỏ ý nghiệp để sạch nghiệp mà chỉ cần biết nó là giả, không theo. Nhưng đây cũng là chỗ mà nếu không để ý thì mình khó có thể dụng công được.

Có Phật tử hỏi: “Vọng tưởng hằng ngày, mình không muốn khởi nó vẫn cứ khởi, và khi làm mình không muốn tạo mà nó vẫn vô. Như vậy là tự động nó muốn khởi là khởi, muốn vô là vô, mình không kịp làm gì được thì làm sao mà tu?”. Nhưng nếu nói như vậy thì nó làm chủ mình,  nó lái mình đi đâu mình phải đi đó phải không? Mà như thế thì không thể nào thoát khỏi sanh tử được. Nếu quý vị nhìn cho rõ thì chuyện này không phải là nó làm chủ mình. Mình chỉ cần tìm được tại sao có nó, và nó có phải là tự khởi hay không? Không phải ngẫu nhiên mà nó có ra mà là do mình đã tạo tác nên nó có sự thôi thúc. Cũng vậy, vọng tưởng có ra là do đâu? Không phải là tự nó khởi, muốn làm gì thì làm, mình khó điều khiển được. Nó làm chủ được mình như vậy là vì mình đang mê, thiếu sự giác tỉnh để kiểm, chứ nếu giác thì nó không thể dẫn hay làm chủ mình được. Giả sử khi quý vị làm việc nhiều, thân thể mệt nhọc thì cái tâm nó nhọc, mà thân tâm nhọc thì trí tối, sức tỉnh yếu cho nên một chuyện nhỏ thôi cũng có thể sanh sự lớn. Nhưng nếu cùng một chuyện đó xảy ra lúc quý vị đang tỉnh táo, cơ thể khoan khoái mạnh mẽ thì nó có dẫn được mình không? Như vậy nó có tác dụng với mình hay không, làm chủ được mình hay không là do mình sức tỉnh giác của mình mạnh hay yếu, chứ không phải nó tự có và tự sanh ra.

Bây giờ muốn làm chủ thì phải đi thẳng vào ngay nơi mình. Quay lại tìm chỗ vọng khởi mà rõ nó vốn không có chỗ thì liền thấy nó là giả và không bị nó chi phối. Như quý vị đang ngồi đây, chưa nghĩ một cái gì hết thì trong đầu có cái gì không? Tôi vừa khua tay mà quý vị thoạt phân biệt thì có niệm khởi nghĩ liền phải không? Như vậy là niệm nghĩ có ra, nhưng khi quý vị vừa phân tích theo thì từ đâu mà phân tích, có phải là bất giác quên đi không? Quý vị tỉnh táo, tôi khua vậy nhưng đừng có theo tay tôi thì có khởi không?

Như vậy thì vọng từ đâu sanh? Vừa mê, vừa bất giác, vừa quên thì nó tạm có ra chứ không phải có một chỗ hay sanh ra nó. Mà không có chỗ sanh thì thiệt được không? Mê thì tạm có giống như hoa đốm hư không. Bệnh mà dụi mắt thì có hoa đốm, nhưng hoa đốm có thiệt không? Không thiệt thì tại sao mình vẫn thấy? Là vì nó có nhưng là giả có, bây giờ chỉ cần chỉnh con mắt lại thì hoa đốm không còn nữa. Như vậy trong khi có ra đó, nó là giả có mà con mắt mình chưa lành cho nên mình tưởng hoa đốm có thiệt. Vọng cũng vậy, khi nó có ra, quý vị kiểm lại do mê nên nó có, chỉ cần mình giác lại thì nó đâu còn. Cụ thể là khi nó đang có, quý vị tìm cái vọng đem ra được không? Vừa tìm lại thì nó liền mất. Như vậy là do mê mà nó có ra, và khi có ra mà mình không biết nó là vọng thì trên vọng mình mê và nó sẽ kéo tiếp. Như vậy có ra là do mê, bị dẫn dắt cũng do mê, huân vọng vào đầu cũng do mê mà có, và khi nó khởi mà mình bị chi phối cũng vì trên đó mình quên giác mà mê.

Vậy khi quý vị bị vọng chi phối thì phải làm sao? Chỉ cần định tĩnh lại, nó sẽ không còn tác dụng đối với mình nữa. Biết rõ là do bất giác nên bị nó chi phối, bây giờ chỉ cần giác mạnh thì mình sẽ thoát khỏi sự chi phối của nó. Như vậy, quý vị mong cho hết vọng hay là mong mình giác mạnh? Có cần phải dẹp sạch vọng không? Chỉ cần nâng cái giác lên thì không bị nó chi phối, như vậy thì đã rõ pháp tu rồi. Bây giờ giả sử có người hỏi “Biết vọng không theo thì chừng nào mới hết vọng?”, quý vị biết cách trả lời chưa? Tại sao phải biết vọng, tại nó vốn là giả nhưng vì sức giác yếu cho nên bị nó chi phối. Ngày hôm nay chỉ cần biết là vọng không theo nó thì cái giác nó hiện tiền, mà ngay khi giác thì vọng không chi phối. Như vậy chỉ cần nâng cái giác lên thì cái vọng không còn tác dụng đối với mình. Cho nên Lục Tổ nói: “Không sợ vọng khởi, chỉ sợ giác chậm”, nhưng mà lâu nay mình quên, cứ bám đuổi nó nên bị nó kéo, vì vậy ai hỏi mình không biết đường trả lời. Bây giờ thấy rõ nó vốn là giả, có nghĩa là tự thể nó là giả thì đừng để ý đến nó làm gì, chỉ cần nâng cái giác lên, nó không còn chi phối mình là mình thành công.

Thành công chỗ nào? Tiến sâu thêm một bước nữa, khi có một niệm khởi mà mình vừa biết nó là vọng thì nó lặng phải không? Khi lặng thì lúc bấy giờ không còn tướng của vọng, nhưng ngay khi lặng đó quý vị còn biết không? Nếu không biết thì làm sao biết mình không có vọng? Vọng khởi là tướng của tiền trần, đó là tướng động, nhưng khi vọng lặng, còn cái thể trống đó, nó vẫn là tướng của tịnh và khi lặng đó mình vẫn hằng biết. Như vậy cái biết này khi ở trên vọng, quý vị vẫn biết nhưng vì mình theo vọng nên quên cái biết nguyên sơ mà chạy theo cái biết phân biệt nên mình bị cuốn trôi lăn. Bây giờ trong khi không vọng mà vẫn biết thì mới hay ra rằng trên cái vọng và cái không vọng nó không vắng bóng. Hai tướng động tịnh thì động đối với tịnh, đều là tướng sanh diệt,  mà cái biết này trên hai tướng đó không vắng bóng, không sanh diệt theo tướng của phàm trần nên nó hằng hữu, chính cái hằng hữu đó là cái bất sanh bất diệt. Quý vị sống mạnh với chỗ giác đó thì vọng khởi lên sẽ vô tác dụng, không còn chi phối được mình, mà vọng không còn chi phối thì cảnh làm sao chi phối mình? Như vậy có cần dẹp sạch vọng để nhập Niết Bàn luôn hay cứ vào đời? Đến đây quý vị đã trả lời được câu hỏi: “Chừng nào hết vọng chưa?”.

Có người chỉ thế này: “Vọng khởi giống như cọng rác, và chân tánh của mình thì vẫn hằng sáng giống như cái thùng. Bây giờ khi vọng khởi thì cứ cầm rác bỏ vào trong thùng”, có nghĩa là tiêu trong đó. Nhưng thử hỏi lại, khi thùng không còn thì rác bỏ vào đâu? Mình còn thấy có rác bỏ vô thùng là còn có một cái vọng và một cái chơn. Khi vọng còn thì mình phải khởi giác biết để biết là vọng không cho nó dẫn, nhưng cái biết này là cái khởi dụng tạm thời để trị cái vọng đó chứ nó không phải là cái thiệt. Nhưng khi “thùng không còn” thì lúc bấy giờ còn xài các giác tạm thời này không? Có vọng mới có thùng, bây giờ vọng mất thì mất luôn cái biết này thì như vậy cái gì hiện ra đó. Cái toàn thể hiện ra đó phải không? Đã trở về trong đó rồi thì không còn thấy rác và thùng nữa, nếu vẫn quan niệm rác bỏ vào đâu thì vẫn chưa rời cái rác mà nói. Chỉ cần đặt lại vấn đề cái gì là rác thì trong thể đó mình sẽ thấy rác như thế nào liền.

Ví dụ cụ thể hơn, một đứa trẻ còn nhỏ, có người đưa cho nó cục vàng, nói đây là vàng giả, nó gật đầu chấp nhận nhưng khi có người lấy đi thì đứa trẻ vẫn khóc như thường. Nghe giả thì gật đầu mà tại sao lấy đi lại khóc? Vì tin là giả mà bên trong vẫn âm thầm chấp là thật. Nhưng khi lớn lên rồi, có đầy cả kho vàng, nếu mất cục vàng giả này thì có khóc không? Cũng tỉnh bơ không có dính dáng gì. Mà còn đó thì có dẹp đi không? Có ngại gì đâu mà dẹp. Như vậy sự còn và mất của vàng giả có còn chi phối mình không? Có không, còn mất không còn chi phối thì cứ để yên đó. Như vậy, khi  có được một kho vàng thật thì vàng giả này mất hay còn không còn có tác dụng với mình.

Sâu hơn một chút nữa, nếu chỉ dừng ở chỗ giả thôi thì mình vẫn còn phân tích là giả, chưa tột được chỗ Hòa thượng chỉ. Bây giờ khi quý vị có một kho vàng thật thì vàng giả mất mình cũng không buồn gì cả, mà nó có đó mình cũng không cảm thấy cần phải dẹp nó. Như vậy, sự có mặt của nó chỉ là một sự hiện hữu, không làm ngại gì đến mình nên không cần phải dẹp đi, mà có mất đi mình cũng không quan tâm. Vọng cũng vậy, khi quý vị đã nhận tột cái thể chân thật trùm khắp rồi thì sự hiện hữu của vọng không còn chi phối đến thể đó, tức là giá trị nó không đủ để tác dụng đến thể kia, mà không đủ tác dụng chi phối thì chuyện có của nó có làm ngăn ngại không? Không chi phối thì không còn ngăn ngại. mà không ngăn ngại thì mình có cần dẹp không? Muốn dẹp là vì nó mới dẹp, không ngăn ngại thì đâu cần dẹp. Như vậy sự hiện hữu của nó mà không có tác dụng chi phối mình thì mình vẫn sáng mà lặng, nó có nhưng là một sự hiện hữu lặng mà sáng, không ngoài tâm mình. Nó chi phối mình nó mới ở trong mình, còn có nó mà nó không chi phối mình có nghĩa là nó không phải ở trong mình, nhưng mình vẫn thấy nó bằng một sự không tịch giữa hai bên đó thì nó cũng không ngoài mình. Như vậy không trong mà cũng không ngoài thì có cần dẹp không? Nó không chi phối mình nên không ở trong mình, nhưng có nó mà mình đang thấy cả hai bên đều rỗng lặng và thanh tịnh thì nó không ngoài mình. Ngay chỗ này chính là chỗ Ngài Thanh Viễn Phật Nhãn ở Long Môn nói: “Thấy vọng nguyên là đạo mới tột là biết vọng”. Lâu nay nghe Hòa thượng nói “Biết vọng không theo” mình thấy rất là bình thường, nhưng làm cho tột thì có thấy mà làm được chưa? Không phải đơn giản, phải không?

Bây giờ nói lại quý vị nghe, khi đã nhận được cái thể thanh tịnh kia rồi thì khi vọng khởi lên, bấy giờ nói vọng thì hơi quá chứ lúc đó nó là dụng rồi chứ không còn là vọng nữa, dùng cái danh từ đó cho quý vị dễ hiểu thôi. Lúc nhận được cái toàn thể rồi thì sự hiện hữu của cái niệm này nó thành dụng, tại vì nó không còn quấy rầy mình nữa. Quý vị thấy, nó không còn tác dụng để chi phối thể tánh mình nữa cho nên nó không phải ở trong mình, nhưng mà mình đang thấy nó là một sự hiện hữu trong thể tánh thanh tịnh của mình cho nên nó không ngoài mình. Không trong, không ngoài thì đã vượt đối đãi chưa?

Bây giờ nhìn lại rất là dễ thấy. Lặng hết niệm đi, nhìn lên quý Thầy đây, bây giờ quý Thầy có chi phối gì quý vị không? Đâu có niệm khởi đâu mà chi phối. Nhưng có thấy không? Vẫn thấy. Vậy quý Thầy là ở ngoài hay ở trong quý vị? Nếu ở trong thì phải có sự chi phối, mà nếu ở ngoài thì tại sao mình vẫn thấy? Như vậy không trong mà cũng không ngoài, sự hiện hữu của nó là không tịch, ngay đó vọng nguyên là đạo. Như vậy, cái vọng này, sự hiện hữu của nó là không tịch, là trong lặng, không còn chi phối tới mình. Như vậy, thân này chi phối không? Sở dĩ nó chi phối mình là từ cái niệm chấp trước mà ra. Nhưng vọng vốn trong lặng thì thân đâu còn chi phối. Tới đó, thân vẫn rỗng rang. Khi thân rỗng rang và vọng không còn chi phối mà mình vẫn sống được bình thường, đem cái chỗ này mà sống hằng ngày thì quý vị còn tìm Niết Bàn ở đâu? Có phải ngay trong sanh tử là Niết Bàn chưa? Ngay trong sanh tử là Niết Bàn, nói khác đi, những cái vui buồn của thế gian không đủ tác dụng để chi phối mình. Cho nên ngay trong sanh tử mà mình vẫn hằng vui với cái vui không sanh diệt. Quý vị áp dụng phương pháp “Biết vọng không theo” của Hòa thượng mà đạt đến mức đó thì có phải là Hòa thượng đã cứu quý vị ra khỏi vòng sanh tử tuy rằng mình vẫn còn sống trong cuộc đời sanh diệt này chưa? Nếu làm được như vậy thì mình mới cảm được cái ơn cứu mình ra khỏi sanh tử là ơn vượt xuất khỏi thế gian . Vì vậy mà người xưa không thể dùng ngôn từ của thế gian để nói được ơn đó, mà phải bằng hành động, bằng việc làm, có nghĩa là tất cả quý vị phải biết ứng dụng và tu.

Đúc kết lại, mình vào đời chịu khổ là do chủng tử nghiệp mình đã tạo, đã gieo từ quá khứ. Bây giờ muốn thoát khổ thì mình phải biết nghiệp từ đâu sanh. Từ thân, miệng và ý, tuy nhiên ý vẫn là chủ tạo nghiệp, mà ý là từ niệm khởi, bất giác thoạt sanh niệm thì đó là ý nghiệp tác, mình theo thì thành nghiệp. Như vậy phải ngay nơi ý này mà kiểm, ngay ý nghiệp này khéo biết nó là vọng, không theo thì mình sẽ nhận được thể chơn. Tùy theo mức độ sâu và cạn, nếu sâu thì nhận được thể chơn, vọng không còn chi phối, mà vọng không chi phối thì cảnh vật cũng không còn chi phối. Vọng niệm nơi mình không chi phối, lúc bấy giờ nó thành dụng. Cảnh vật không chi phối, ngay cảnh mà vẫn hằng tịch, thì ngay trong cuộc đời này mình không bị cái khổ vui của cuộc đời này chi phối, tức là chính trong cuộc đời sanh diệt này mà mình thoát được cái khổ sanh tử, thì đó là mình đã ứng dụng được pháp môn “Biết vọng không theo” của Hòa thượng. Chính pháp môn “Biết vọng không theo” này, nó đã có tác dụng dẫn dắt mình ra khỏi vòng sanh diệt này, thoát được cái khổ của sanh tử này, thì đó là cái ơn lớn mà vị Thầy mình đã nhiều năm phương tiện nói nhiều để dẫn dắt quý vị từng bước đi ra. Toàn thể quý vị là người đã học với Hòa thượng lâu năm, quý Thầy chỉ tóm lại một đường rành mạch như vậy để quý vị dễ nắm. Tuy rằng ngày mai quý vị không còn được nghe Hòa thượng giảng nữa nhưng nếu nắm chắc được thì một ngày qua là một ngày tu tiến, mà ngày càng tu tiến thì sẽ càng cảm nhận được sự an vui nơi mình, cuộc đời sẽ bớt khổ.

Sẵn đề tài giảng hôm nay, tôi dẫn một bài thơ nói về tâm trạng của một người đã từng đau khổ trong cuộc đời, rồi sau đó gặp đạo, gặp đạo rồi nhưng vẫn không tiến được, rồi gặp Hòa thượng, được Hòa thượng dẫn dắt ra khỏi trần lao như thế nào. Tất cả quý vị ở đây dù hoàn cảnh khác nhau nhưng chắc rằng ai cũng chung một điểm đó như vậy phải không? Sanh ra đời là khổ, rồi băn khoăn tìm đến với đạo như thế nào, khi đến với đạo rồi thì sai lầm trong đạo như thế nào, và gặp vị ân sư đã dẫn dắt mình như thế nào, mình đã ra như thế nào và cảm được cái ơn của vị ân sư như thế nào. Quý vị nghe rồi kiểm lại tâm trạng mình xem có như vậy không?

Thuở khờ dại kiếm tìm trong vô vọng

Lệ chảy tràn theo ngày tháng lao đao

Tuổi thanh xuân bao nhiệt huyết tuôn trào

Con lạc lối không tìm đâu lẽ sống

Thương chính con, thương trần gian huyễn mộng

Thương mẹ cha, thầy bạn, đậm ân tình

Thương anh em, thương tất cả hàm linh

Con mơ một thiên đường cho tất cả.

Và từ đó, con lần theo dấu Phật

Đạo rạng ngời trí tuệ ngát từ bi

Nhưng vẫn là một cuộc đuổi tìm si

Bởi không biết xoay tìm nơi tự kỷ.

Chân lý ấy trong đời thường bình dị

Lạ kỳ thay, mỗi mỗi thảy có phần

Con sững sờ vui thích biết bao chừng

Kho vô tận chưa một lần dám ước

Ai mở lối một mình phăng gai góc

Trong cô đơn, trong thầm lặng tháng ngày

Chỉ cho con dừng lại, tỉnh cơn say

Ai nuôi mớm cho con từng giọt sữa

Sư Ông hỡi, ơn Người cao vời vợi

Tâm xuất hùng nêu yếu chỉ phân minh

Đỉnh Phụng Hoàng vang lại khúc vô sinh

Công giáo dưỡng tâm lão bà tha thiết

Bài An tâm, ai thật người thấu triệt

Vọng tưởng từ đâu, thường biết, dứt mê lầm.

Như quý vị biết, người bình thơ lúc nào cũng là kẻ phản bội của nhà thơ, mà phản bội là sao? Tại vì khi làm thơ, người làm thơ không có ý nhưng người đọc cảm thì cứ bình, cũng là nói lên tâm trạng của chính mình. Quý vị nghe mà cảm được thì cũng là đang đọc bài thơ của chính mình.

Thuở khờ dại kiếm tìm trong vô vọng

Mình khờ dại từ hồi nào quý vị biết không? Có phải khờ dại từ lúc nhỏ không? Tại sao khờ dại? Bây giờ chỉ cần xác nhận là tại sao chúng ta khờ dại thì chúng ta sẽ biết mình khờ dại từ hồi nào. Tất cả quý vị ngồi đây có phải là đang trong lặng mà tỉnh sáng chưa khởi gì, bất giác vọng động thì ngay đó mê mờ chưa? Vừa thoạt bất giác, vọng động thì mê mờ, mà mê mờ thì khôn hay dại? Tỉnh là khôn, mê mờ là dại. Thì dại có ra từ dạo ấy, từ dạo mê mờ mà sanh khờ dại. Mà mê mờ có ra từ hồi nào mình không biết, cho nên trong nhà Phật gọi là “từ vô thủy”, có nghĩa là không có khởi đầu. Từ vô thủy cho đến bây giờ, mình đã mê mờ nên khờ dại, mà khờ dại thì càng kiếm tìm càng vô vọng, cho nên thất tha thất thểu cho tới giờ vẫn còn buồn khổ ngậm ngùi.

Như vậy, kiếm tìm cái gì mà trong vô vọng? Thông thường ở thế gian, người chưa hiểu đạo thường kiếm tìm, đuổi bắt những pháp sanh diệt của thế gian, tìm không được thì buồn, tìm được rồi thì cũng không giữ mãi ở bên mình được vì nó là tướng sanh diệt, có ngày cũng sẽ hư hoại, cho nên lại vô vọng. Bây giờ, quý vị vui có một cái nhà đẹp, nhưng trong khoảng thời gian có cái nhà này, nó có thể giải được những nỗi khổ trong lòng mình không? Cái vui đó chỉ khoả lấp được nỗi khổ trong tạm thời, qua cái vui đó rồi vẫn khổ. Như vậy kiếm tìm không được cũng vô vọng, mà kiếm được rồi thì cũng là tạm có rồi mất, không giải được khổ cho mình. Cho nên kiếm tìm các pháp sanh diệt thế gian, dù được dù không thì mình cũng đang trôi lăn trong vô vọng và vẫn buồn thảm triền miên. Đó là chưa biết đạo. Khi bất giác mà vọng động chợt sanh thì mình mê lầm, vì cái mê ban đầu đó nên trượt chân, bị cuốn trôi theo dòng sanh diệt của thế gian, nổi chìm trong đó và khóc cười trên sự vui buồn của thế gian nên “lệ chảy tràn theo ngày tháng lao đao”.

Tuổi thanh xuân bao nhiệt huyết tuôn trào

Con lạc lối không tìm đâu lẽ sống.

Chính trong tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết, tràn đầy nhựa sống nhưng vì chân lý chưa tìm ra nên vẫn lạc lối, không tìm được lẽ sống, bị trôi dạt theo nỗi khổ của thế gian. Cũng từ cái khổ đó của mình mà cảm đến cái khổ của người.

Thương chính con thương trần gian huyễn mộng

Thương mẹ cha, thương thầy bạn đậm ân tình

Thương anh em, thương tất cả hàm linh

Cũng vì thương như vậy mà

Con mơ một thiên đường cho tất cả.

Thương cho mình đang ở trong mộng nên khổ, và thương cả cho những ai còn ở trong trần, cùng chung nỗi khổ trong cái mộng của trần gian. Từ đó mà ao ước có một thiên đường cho tất cả cùng vui, không còn khổ nữa. Vậy thiên đường nào có thể chung vui được?

Quý vị thấy cuộc đời này buồn vui lẫn lộn, có khi mình buồn, có khi mình vui, mà thiên đường buồn thì không thể chứa được người vui và thiên đường vui cũng không thể chứa được người buồn. Tập nghiệp của chúng sanh rất nhiều, người ta thường gọi là chín người mười ý. Có khi mình nghĩ vậy là đúng, nhưng người khác sẽ không chấp nhận mình. Bao nhiêu chuyện vui buồn khác nhau, cá tính của mỗi người là những tâm niệm sanh diệt khác nhau. Nhưng thiên đường có vui buồn là thiên đường sanh diệt, nó không đủ lớn để chứa được tất cả những tâm niệm, tập nghiệp của chúng sanh. Nếu dùng một thiên đường sanh diệt thế gian để chứa thì cái đó cũng là sanh diệt luôn. Cụ thể, có lúc nào quý vị thấy có một người bác ái, tình thương, họ có thể vui cho mọi người nhưng có lúc nào họ có thể phật ý với người khác không? Vẫn có như thường. Như vậy chỉ có thiên đường không sanh diệt mới đủ lớn chứa được những cái sanh diệt. Trong thể vắng bặt mà hằng biết, rỗng thênh mà trùm khắp đó thì bao nhiêu cái sanh diệt không còn chi phối, bao nhiêu cảnh đến đều cháy tiêu trong đó.

Một vị thiền sư nói: “Chẳng phải trần chẳng xâm phạm ta, nhưng khi ta vô tâm thì nó cháy”. Tức là không phải là trần duyên không đến với mình, nhưng khi đến mà mình bị chi phối là vì mình khởi trên nó, bám trên nó cho nên bị nó chi phối, nếu nó đến mà chỉ cần mình không khởi thì ngay vô tâm, nó không có tác dụng. Thiên đường không sanh diệt sẽ đốt cháy tất cả những cái sanh diệt của thế gian. Như vậy, bao nhiêu cái vui buồn của cuộc đời, bao nhiêu cái tập nghiệp riêng tư này sẽ được tiêu dung trong thiên đường đó. Cho nên, mơ thiên đường cho tất cả phải biết mơ tới thiên đường chân thật nơi chính mỗi người, thì từ đó tìm đạo.

Rồi từ đấy con lần theo dấu Phật

Đạo rạng ngời trí tuệ ngát từ bi

Nhưng vẫn là một cuộc đuổi tìm si

Bởi chưa biết xoay tìm nơi tự kỷ.

Quý vị thấy, khi mà mình đã cảm được nỗi khổ của cuộc đời và mơ ước có một cái gì đó có thể chung, đủ lớn cho tất cả mọi người được an lạc và không còn khổ, khi mơ như vậy thì từ đó mình lần theo dấu Phật, tìm về với đạo. Đạo thì rạng ngời ngát từ bi. Tuy nhiên, lúc trước kiếm tìm bên ngoài là kiếm tìm ở trong thế gian, giờ biết rõ theo thế gian là mê nên tìm trong Phật pháp. Nhưng dù ở ngoài thế gian hay trong Phật pháp đi nữa mà vừa kiếm tìm thì có nghĩa là có một cái bên ngoài để tìm, mà không hay rằng đạo lý chân thật ở ngay chính nơi mỗi người. Đã ở ngay nơi mỗi người rồi thì còn tìm được ở đâu nữa, như vậy đó vẫn là một cuộc đuổi tìm mê si chứ chưa đủ sáng, nếu đủ sáng thì không phải tìm bên ngoài, vừa khởi kiếm tìm đã là sai rồi, càng tìm, càng nắm bắt thì càng mê thôi. Cái mê si đó cũng là do mình không biết xoay tìm nơi chính mình. Tỏ ra rồi mới thấy rằng trong cuộc sống hằng ngày, đạo lý chân thật đó hiện hữu ngay nơi sinh hoạt của chúng ta, không bao giờ rời,  ai khéo thì phải biết tìm lại nơi chính mình. Cho nên đến đây nói:

Chân lý ấy trong đời thường bình dị

Lạ lùng thay mỗi mỗi thảy có phần.

Tức là chân lý ấy nơi mỗi người đều sẵn đủ chứ không phải là người này có người kia không. Nó nằm trong đời thường bình dị chứ không phải là một cái gì cao xa như mình nghĩ. Bình dị ở chỗ nào quý vị biết không? Trên cảnh động thì cũng biết, khi cảnh lặng rồi, tịnh cũng biết. Trên hai tướng động tịnh có sanh diệt nhưng mình vẫn hằng biết. Như vậy hằng ngày quý vị có lúc nào vắng cái biết không? Đi cũng biết, ăn cơm cũng biết, mặc áo cũng biết, tất cả mọi cái đều biết, nhưng nếu biết chỉ là biết, dừng ngay đó mà không khởi, không thêm gì khác thì có phải là lặng mà sáng không? Hằng lặng mà sáng thì lúc đó mình vui hay khổ? Vui rất nhẹ nhàng, phải không? Như vậy, chân lý đó có rời cuộc sống hằng ngày không? Nơi mỗi người có thiếu không? Ai cũng có đủ không thiếu. Vậy nó nằm trong đời thường bình dị, ai cũng có phần mà không tự biết, lại trên trần sanh niệm nên bị kéo lôi mà chịu khổ. Bây giờ dừng lại đừng theo nữa, biết chỉ là biết thì rõ sáng mà trong lặng. Như thế, nơi mỗi người không thiếu, và trong đời thường bình dị nó vẫn hằng gắn với mình.

“Con sững sờ vui thích biết bao chừng

Kho vô tận chưa một lần dám ước”.

Khi nhận được cái đó thì quý vị có mừng không? Xưa nay mê mờ nên bị cảnh thế gian chi phối mà khổ, nay nhận ra nó nằm ngay nơi mình, lúc bấy giờ rất là mừng. Cái tâm thể đó trùm khắp, bao nhiêu cảnh đến đều tiêu dung trong đó mà không làm chi phối mình, cho nên nó là cái kho vô tận, bao nhiêu cái sanh diệt đều tiêu cháy trong đó hết. Vô tận là sao? Nó rỗng, sáng và trùm, nhưng mà có phải là không có gì không? Trong đó không một vật nhưng không phải là không có gì. Không một vật là tự nó là không nhiễm, hay nói khác đi, trần không đủ tác dụng để nhiễm đến nó cho nên nó vốn là không một vật, mà vật đến thì giống như gương chiếu cảnh, cho nên không có gì là không hiện trong đó. Cho nên các Thiền sư nói:

Vô tận tạng trung vô nhất vật

Hữu giang, hữu nguyệt, hữu lâu đài.

Có nghĩa là trong cái kho vô tận tạng đó không một vật, nhưng vẫn có sông, có trăng, có lâu đài. Tại sao có? Sở dĩ có là do trần tới mình bị nhiễm mà có, bây giờ trần tới mà mình không nhiễm thì là có hay là không? Có cũng như không. Như vậy, không một vật không có nghĩa là quét sạch không còn gì, mà vốn là trần không đủ giá trị tác dụng chi phối nên nó không nhiễm, mà khi không nhiễm, đối cảnh vẫn hằng như thì trong nó là không một vật. Nhưng khi đối cảnh vẫn thấy biết rõ ràng như gương soi vật thì tuy rằng trong kho vô tận đó không một vật mà vẫn có trăng, có nước, có lâu đài. Quý vị thấy rõ chưa? Ngay đó thấy cho nên “sững sờ vui thích biết bao chừng”, nhưng tại sao khi nhận ra lại nói là “kho vô tận chưa một lần dám ước”? Tất cả quý vị ở đây có lúc nào ước mơ được kho đó chưa? Khi vào đạo, ai cũng có cùng một ước mơ được kho đó, nhưng tại sao khi đạt được lại nói kho vô tận chưa một lần dám ước? Tại vì mình không tưởng tượng nổi mình lại có một cái kho như vậy cho nên chưa bao giờ có một lần dám ước. Nhưng tại sao mình lại không tưởng tượng ra? Một là ngay nơi chính mình, hai là cái đó vượt khỏi phàm tình suy nghĩ. Nếu tưởng được thì cái đó là của ý niệm, nhưng kho đó là pháp không sanh diệt, là ra ngoài ý niệm, vượt trên ý niệm nên có thể nào tưởng về nó được không? Không tưởng được thì làm sao biết mà ước được? Cho nên trong Kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói: “Cho dù rất nhiều ngài Xá Lợi Phất, cùng trí tuệ như Ngài Xá Lợi Phất chung góp lại để suy lường về trí tuệ của Như Lai cũng không thể suy lường được”. Tại sao? Tại vì có suy lường cho nên không tới được, dừng suy lường thì trí tuệ Như Lai nơi mỗi người hiện thôi. Khi đạt được niềm vui rồi thì chính là lúc quý vị sẽ cảm rất sâu đến cái ân của người đã chỉ cho mình. Để chỉ được cho mình như vậy không phải đơn giản mà Hòa thượng đã phải trải qua cả một thời gian âm thầm tu hành cực khổ. Quý vị thấy ngày xưa Hòa thượng ra đời trong thời không có Thiền, một mình nhập thất và âm thầm phăng dẹp những cái trong lòng mình để phát hiện ra thôi chứ đâu có ai chỉ cho. Chính vì vậy mà nói:

Ai mở lối một mình phăng gai góc

Trong cô đơn, trong thầm lặng tháng ngày

Chỉ cho con dừng lại tỉnh cơn say

Ai nuôi mớm cho con từng giọt sữa.

Mở lối một mình phăng gai góc. Gai góc ở đâu? Trong thời chưa ai biết thiền, Hòa thượng nói tới tu thiền, có người vẫn chưa đồng cảm, nói tu thiền điên. Như vậy, lúc ban đầu đó có tránh khỏi gai góc không? Trước tiên, Ngài cũng phải phấn đấu mạnh để dẹp gai góc bên ngoài mới tu được. Thời đó chỉ có một mình Hòa thượng làm thôi, không có ai biết, cũng không nói được với ai nên ngày qua ngày cứ một mình trên núi âm thầm làm một việc mà chưa biết ngày mai sẽ đi đến đâu nữa. Chính cái sự cực khổ đó cho nên mới có ngày sáng ra, khi sáng ra rồi mới chỉ cho mình dừng lại để tỉnh cơn say. Mình đang say, đang chạy theo trần cho nên hôm nay Hòa thượng chỉ cho cái chạy đó là cái lao vào sanh tử, nên dừng lại. Nhưng chỉ vậy rồi thì mình dừng liền hay lắm lúc vẫn chạy theo. Khi dừng, khi theo phải không? Khi tỉnh, cũng có khi mê. Quý vị thấy, Ngài A Nan mà Đức Phật vẫn nói giống như sổ cách nhật, có nghĩa là ngày giác, ngày mê thì chúng ta làm sao khỏi mê được? mình không biết là cách nhật, cách tháng hay cách năm nữa. Hòa thượng kéo về mà có khi chịu đi, có khi chạy lui, rồi phải kéo nữa, cho nên muốn dẫn được về thì phải ân cần, chỉ dạy, nói nhiều, giống như một người mẹ tận tụy dắt dìu, nuôi mớm cho con từng giọt sữa, không nỡ bỏ. Từng giọt sữa Hòa thượng nói ra mà ít có người cảm nhận mà làm, cho nên các vị Thiền sư ngày xưa nói: “Các bậc cổ đức ngày xưa luống phí tâm lão bà”, có nghĩa là tâm thiết tha muốn cho chúng sanh tỉnh cơn say nhưng ít có ai biết để đi ra lắm, cứ ở trong cái sanh diệt mà chơi thôi, cho nên luống phí tâm lão bà. Hòa thượng cứ nói khô nước miếng và hết tâm lực, mà mình theo là cứ theo trần. Ngài thấy rõ mê là khổ nên khởi đại bi tâm, cố gắng dắt dìu mình ra, tận tụy như một người mẹ nuôi mớm cho con từng giọt sữa.

Sư Ông hỡi, ơn Người cao vời vợi

Tâm xuất hùng nêu yếu chỉ phân minh

Đỉnh Phụng Hoàng vang lại khúc vô sinh

Công giáo dưỡng, tâm lão bà tha thiết.

Muốn nêu được rõ ràng yếu chỉ thiền là phải có tâm sức hùng. Tại sao? Thứ nhất, vì muốn biết được yếu chỉ thiền đó thì đầu tiên phải dụng công mạnh, có nghĩa là mình có thể dứt khoát được với vọng tưởng để nhận ra tánh chơn, nếu yếu đuối thì không bao giờ dừng được vọng tưởng. Như vậy, phải có một tâm sức hùng mới có thể dừng được vọng tưởng và nhận ra tánh chơn để nêu được yếu chỉ phân minh. Thứ hai, quý vị thấy cả thế gian này họ đều cho thân tâm sanh diệt này là của họ và nghĩ là tôi nghĩ chứ không có gì khác. Bây giờ quý vị đã học đạo, có hiểu rồi thì dễ chấp nhận nhưng Hòa thượng ngày xưa bắt đầu nói lên câu này thì người khác có dễ dàng chấp nhận, có vui theo không? Không dễ dàng chấp nhận, không vui theo thì phải bằng tâm sức hùng mới làm được. Hòa thượng thường nói: “Phật giáo mất gốc từ lâu”. Mất gốc là tại sao? Quên mình mà chạy ra ngoài, bây giờ muốn chỉnh lại mà nếu không có một tâm sức hùng thì Hòa thượng không thể nói những câu mạnh cho mọi người tỉnh mà tu được. Cho nên Hòa thượng mới nói câu: “Trâu già không nề dao phay”, “Tôi sẵn sàng nói ra những gì tôi thấy là hay, là giúp cho quý vị thoát khổ thì khi nói ra, giả sử tôi bị như thế nào đó, tôi sẵn sàng chấp nhận. Cái gì thấy hay, tôi thấy cần là tôi cứ nói, không thể nào làm thinh được, tại vì tôi thấy hay thì tôi phải nói cho quý vị ứng dụng được và cùng vui như tôi. Nhưng nếu ai chưa cảm thông mà như thế nào đó thì tôi sẵn sàng chấp nhận”. Chính khi thấy được chân lý mới có đủ trí để có sức mạnh. Mà khi có đầy đủ trí tuệ và lòng từ bi rồi thì sức mạnh rất lớn, từ đó mới nêu được yếu chỉ của thiền.

Đỉnh Phụng Hoàng vang lại khúc vô sinh

Công giáo dưỡng, tâm lão bà tha thiết

Vang lại khúc vô sinh có nghĩa là sao? Khúc vô sinh là cái vốn sẵn mà bị quên, hôm nay được làm sống lại. Khúc vô sanh đó đã vang cách đây hơn 2500 năm trên pháp hội Linh Sơn, vang vọng về Tung Sơn, vang qua suối nguồn Tào Khê, vang mạnh trên Yên Tử và quay trở về Thiền viện Trúc Lâm. Hôm nay Hòa thượng nhắc lại khúc vô sanh đó là khúc vô sanh giác ngộ của Thiền, là trí chân thật nơi mỗi người. Dòng thiền Yên Tử đã khuất lấp mấy trăm năm, vắng bóng không ai nhắc tới. Hôm nay Hòa thượng nhắc là nhắc lại cái đã có sẵn từ ngàn xưa Phật đã nói, nhắc lại cái vô sanh nơi mỗi người. Tất cả chúng ta, ai ai cũng có sẵn một tánh giác chân thật hằng sáng, nhưng vì vô minh, bất giác, vọng động theo trần cho nên bị khuất lấp, hôm nay Hòa thượng dẹp mây mờ cho quý vị nhận lại thì khúc vô sanh đó đã vang lại trên đỉnh Phụng Hoàng của mỗi người chứ không phải là đỉnh Phụng Hoàng nơi Thiền viện Trúc Lâm này. Thân chúng ta vốn là Phụng Hoàng, một loài cao quý mà lại quên đi, chấp theo những cái nhỏ nhoi, tầm thường của thế gian, buồn vui một chút là không chịu nổi, hơn thua một chút là phiền não, cho nên phải chịu làm loài se sẻ thấp hèn. Nơi mình vốn là một thể sáng mà lại theo những cái phàm tình thì có thấy tiếc không? Như vậy, nhận lại khúc vô sanh kia, không còn chấp những cái vui buồn thường tình thì từ se sẻ trở lại thân phụng hoàng, quý vị thấy rõ chưa? Bây giờ đừng theo loài se sẻ nữa, nhận trở lại thẳng vô sanh thì vốn nơi mình là phụng hoàng từ thuở nào. Cho nên Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ nói rằng:

Giăng lưới lớn bủa bắt Phụng Hoàng,

Đừng ruổi chí theo loài chim sẻ.

Nay muốn câu cá kình, cá ngạc,

Ngại ngùng chi ếch nhái ễnh ương.

Hôm nay mình đến với đạo, cầu đạo lý giác ngộ, cao thượng nơi chính mỗi người vốn sáng và lớn lắm, thì đó là đang giăng lưới lớn để bắt phụng hoàng và câu cá kình cá ngạc chứ không phải là thường. Nhưng chí nguyện thì lớn mà phàm tình buồn vui thì không bỏ cho nên mới ruổi chí theo loài chim sẻ và kẹt nơi ếch nhái ễnh ương. Mình đã giăng lưới lớn để bắt Phụng hoàng thì đừng có ruổi chí theo loài chim sẻ, có nghĩa là đừng nên gá chấp vào những chuyện vui buồn thường tình nữa, chỉ cần coi thường nó thì nó không còn chi phối, mình sẽ vui.

Ngài nói: “Chắp tay trân trọng bè bạn anh em”, có nghĩa là hôm nay chắp tay lại kính bảo với mọi người tất cả anh em bạn bè,

Hoặc mỗi người có thánh có linh”, có nghĩa là nơi mỗi người vốn sẵn một cái vốn tinh anh mà trong sáng, cho nên gọi là có thánh có linh.

Nên ghé mắt nhìn xem tiến tới.

Ngày nào quý vị nghe một lời nói mà chấp và buồn vui trên đó thì đang là se sẻ, ễnh ương, mà chỉ cần không theo thì liền là phụng hoàng, kình ngạc. Cho nên người xưa nói: “Thiết nghĩ, không chìm nơi cạn hẹp thì liền thành cao xa. Đúng thay lời nói này”. Nơi mỗi người vốn sẵn một tánh sáng, nhưng theo phàm tình, theo những chuyện vui buồn thì chuyện nhỏ thành lớn. Đang chấp thì giận ào ào, tỉnh lại thì thấy chuyện đó không đáng mà sao mình lại giận quá như vậy. Chỉ cần không chìm nơi cạn hẹp có nghĩa là không chấp vào những cái nhỏ đó thì không còn bị nó chi phối, vừa chấp kẹt vào thì bị nó quay rối bời trong đó, khi tỉnh thì thoát ra, mà thoát ra rồi thì liền thành cao xa chứ không phải làm cái gì cao xa cả. Bây giờ chấp nhận đúng thì mình theo loài nào đây? Đang ngồi đây thì có lẽ ai cũng thích phụng hoàng, nhưng lỡ quên theo se sẻ thì cũng đừng buồn, tỉnh giác lại, làm lại nữa, có nghĩa là thua trận này làm trận khác, chứ còn buồn để buông luôn thì đó là người không có ý chí rồi. Khi nhận được cái đó thì mới cảm được cái ân lớn của Hòa thượng, phải có một lòng từ bi mới làm được như vậy. Cái chuyện rõ như vậy, muốn nói cho nghe nhưng khi nói thì mình không dễ dàng nghe liền mà còn theo cái tập khí của mình mà buồn vui trên đó cho nên quên đi lời Hòa thượng chỉ dạy. Mà khi quên thì Hòa thượng phải có sức từ lớn mới kham nhẫn và tận tụy để dắt mình ra. Đến giờ Ngài đã già yếu mà vẫn còn lời để nhắc nhở mình nữa. Thấy rõ như vậy mới cảm được cái ơn giáo dưỡng của Ngài, một tâm lão bà rất lớn và tha thiết đối với người con. Khi quý vị nhận được mới rõ rằng cái ơn của người chỉ khúc vô sanh đó là lớn và phải từ bi lắm mới làm được.

Ngài thường chỉ dạy “Biết vọng không theo”, qua giai thoại pháp an tâm của Tổ Bồ Đề Đạt Ma đối với Ngài Huệ Khả. Biết vọng không theo có nghĩa là khi vọng khởi mình xoay lại tìm thì không có bóng dáng, ngay đó là vọng lặng. Như vậy pháp biết vọng không theo, quý vị đã biết rồi nhưng đã có ai làm tột được bài đó chưa? Bây giờ nói chưa thì phải biết mức nào mới tột chứ.

Bài an tâm ai thật người thấu triệt

Vọng tưởng từ đâu, thường biết, dứt mê lầm.

Bây giờ nếu thấu tột được bài an tâm thì khi vọng khởi, mình coi lại nó khởi từ đâu, khi coi lại khởi từ đâu không có nghĩa là tìm chỗ khởi của vọng. Đừng nên nghĩ rằng nó có một chỗ khởi, mà xoay lại khởi từ đâu thì rõ ra rằng mê thì thoắt sanh, mà xoay lại tìm thì liền mất. Mất bóng thì không phải là tìm chỗ sanh của nó, nó có chỗ sanh đâu mà tìm. Vọng khởi từ đâu có nghĩa là mình phải xoay lại nhìn vọng, mà vừa nhìn vọng thì vọng mất bóng, ngay đó tướng vọng không còn. Mà tướng vọng không còn thì mình không chấp vào có, nhưng mà ngay đó thì không ngơ hay là còn cái gì nữa. Tuy rằng không có vọng nhưng trong thể rỗng lặng đó mình vẫn biết, đâu phải không ngơ, như vậy cũng không phải mình chấp không. Không kẹt nơi có, không trụ nơi không thì ngay đó là rõ ràng thường biết, nói không thể đến. Ngay đó quý vị đã tột được bài an tâm chưa? Mình khi khởi vọng là có vọng trong đầu, mình chấp vào vọng đó là chấp có phải không? Khi có vọng thì bị vọng chi phối, bây giờ quý vị xoay lại nhìn xem vọng khởi từ đâu thì khi xoay lại là vọng mất, mà vọng vừa mất thì ngay đó mình không kẹt có. Không kẹt có mà trong thể rỗng lặng đó vẫn hằng biết thì mình không kẹt không. Mà không kẹt có, không kẹt không thì ngay đó là gì? Rõ ràng thường biết, nói không thể đến. Đó là thường biết, mà trong thể thường biết đó vốn sáng thì mình còn mê không? Không mê lầm nữa.

Nếu mình biết được ơn Thầy Tổ là phải học thuộc bài an tâm. Mà thuộc được bài an tâm thì phải biết ứng dụng, có nghĩa là khi vọng khởi xoay lại coi xem nó từ đâu có, tìm lại liền mất thì ngay đó liền là lặng mà biết. Đó là thường biết, trong thể thường biết đó vẫn hằng sáng cho nên không có bóng dáng mê lầm nào trong đó.

Lâu nay mình khổ là do mê lầm, chấp thân tâm này cho thật là mình, bao nhiêu khổ vui trên cái căn bản thân tâm này mà có ra. Khi quý vị tột được vọng vốn là giả thì cái sanh diệt này không còn chi phối, các khổ của cuộc đời này không còn chi phối được mình nữa. Như vậy có phải là thoát ra khỏi vòng sanh diệt chưa? Thoát khỏi vòng sanh diệt này có nghĩa là chúng ta đã dứt mê lầm, giải được cái khổ của cuộc đời này. Cụ thể nhìn lại thân tâm này, khi mình thấy thiệt thì khổ vui có thiệt ngay, mà khi bằng trí tuệ thấy rõ thân tâm không thiệt thì những khổ vui của cuộc đời bám vào đâu mà có, do vậy mà không còn bị cảnh đời chi phối, ở trong đời mà vẫn tự tại giải thoát. Làm được như vậy chính là quý vị đã học thuộc bài an tâm mà Hòa thượng dạy, cũng có nghĩa là chúng ta đang thể hiện lòng biết ơn cao cả và tôn kính vị thầy mình một cách thiết thực nhất.

Bây giờ nhìn lại, bao nhiêu nguyện ước đối với Hòa thượng, bao nhiêu tình thương dành cho Hòa thượng và bao nhiêu lòng biết ơn vô hạn của chúng ta đối với vị ân sư mình, nó sẽ có giá trị gì, có ý nghĩa gì và có thiết thực gì nếu chúng ta không học hiểu, không nắm bắt và không thực hiện được những gì Ngài đã chỉ dạy. muốn cho nguyện ước, tình thương và lòng biết ơn của mình đối với vị ân sư trở nên thiết thực thì không gì hơn là chúng ta phải nắm bắt, hiểu được, làm được và đang sống được với những gì Ngài muốn chỉ dạy cho chúng ta. Khi làm được như vậy thì ngay nơi chính mình tự cảm đến cái ơn sâu sắc đến với vị ân sư mình. Như vậy quý vị đã thấy rõ tinh thần tôn kính và biết ơn thầy mình chưa? Thấy rõ rồi thì bài nói chuyện tới đây cũng hết.

ĐĐ.Thích Tâm Hạnh

Các bài đã đăng

Đạo phật với đời sống

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 71886
  • Online: 13