Trích Pháp Yếu

10/01/2024 | Lượt xem: 508

HT.Thích Thanh Từ

Bình thường tâm nghĩa là không thấy phải, không thấy quấy, thấy thật thấy giả, thấy đây kia, phàm thánh v.v… Tóm lại không thấy hai thì tâm an nhiên lặng lẽ. Thấy như vậy tức có cái thấy bình thường. Cái thấy bình thường như vậy, ấy là đạo. Khi có cái thấy như vậy, không phải dụng công tìm cầu. Muốn được tâm này chỉ dừng khởi vọng. Vì vọng là gốc của luân hồi trong ba cõi, không khởi vọng tức diệt gốc luân hồi.

***

Tổ Quy Sơn dạy: Khi trâu liếc ngó hai bên muốn ăn lúa mạ người phải kéo nó lại… Như thế lúc nào người chăn cũng nhìn chừng, đâu có rảnh rỗi mà gọi là vô ký hay hôn trầm. Đâu để rơi vào không.

Căn cứ vào thập mục ngưu đồ (mười bức tranh chăn trâu), người chăn đến khi nào không còn thấy trâu và người nữa (dứt cả năng tri và sở tri) mà chỉ còn một vầng trăng tròn sáng rỡ giữa không trung.

Tóm lại, trong khi ngồi tu phải dùng trí tuệ Bát-nhã thấy rõ vọng tâm sanh diệt làm đối tượng. Khi có vọng luôn biết có vọng. Khi không vọng vẫn biết không. Tâm luôn lặng lẽ và chiếu soi.

***

Lục Tổ nói: Không sợ vọng khởi, chỉ sợ giác chậm. Vọng khởi mà tỉnh giác là đều có tánh giác hiển lộ. Một trăm lần vọng khởi có một trăm lần giác. Biết sóng là nước, thì không sợ vọng, vì nó vốn là chân.

Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Ngọa Luân nói “Niệm bất khởi”, Lục Tổ bảo “Niệm sổ khởi”. Cần niệm giác, giác là Phật.

Nhớ mặt biển mà không ngại sóng dậy, vì sóng từ biển sanh. Sống với bao nhiêu người mê mà mình vẫn tỉnh, chứ không phải đóng cửa không tiếp khách.

***

Như tấm gương xưa, Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán. Người nào đến, vật nào đến đều hiện rõ mỗi thứ. Dầu hiện rõ muôn thứ mà mặt gương không thay đổi. Như nhạn bay trong hư không, không lưu lại dấu vết nào. Như trăng soi dòng nước, mà nước và trăng không đến nhau. Nước chẳng dính trăng.

Người thấy tánh, gặp duyên liền khởi dụng, nhưng thể tánh chân thật không thay đổi. Ấy là tự tánh dụng.

***

Tên Chơn Không có ba nghĩa:

1. Y cứ kinh điển Đại thừa:

- Chơn Không là thể tịch tịnh của các pháp. Từ thể hiện bày diệu dụng, hay gọi là diệu hữu.

2. Y cứ Thiền tông:

- Chơn Không là tánh giác, tánh giác này không một vật. Lục Tổ nhận được tánh này nên nói kệ Bản lai vô nhất vật…

3. Y cứ thiền sử:

- Tên vị thiền sư Chơn Không đời Lý, Việt Nam.

***

- Nghiệp: Đáng sợ với người thấy nghiệp là thật, không đáng sợ với người biết nghiệp không thật. Không đáng sợ mà làm chủ nên chuyển được nghiệp.

- Vọng tưởng: Nếu biết thì không sợ. Đừng sợ vọng khởi, chỉ sợ biết chậm. Nó khởi mặc khởi, mình chỉ giữ vững cái Biết, bám sát cái Biết. Mình tức Biết, biết tức tánh, không ngại.

Lại thêm trong giấc ngủ có nhiều mộng mị, là do nơi nghiệp thức chủng tử khởi hiện hành. Đây là do thiếu sự làm chủ, vì thiếu trí tuệ quán chiếu. Muốn tiêu trừ mộng mị, thì tăng cường huân tu trí tuệ.

Hãy điềm đạm huân tu. Vọng, trước là thù, sau ấy là bạn.

***

Nếu căn cứ vào pháp duyên khởi, pháp có trước, Phật có sau. Vì pháp ấy xưa nay vẫn như vậy (như thị), dù có Phật ra đời hay không ra đời, pháp ấy vẫn không thêm không bớt (pháp đó là lẽ thật của muôn đời). Kinh nói: “Pháp này là mẹ của chư Phật trong ba đời”. Chư Phật do ngộ pháp này mà thành đạo.

Y cứ lời Phật nói thì Phật có trước, pháp có sau. Do đức Phật tu hành thành đạo mới nói ra mười hai bộ kinh, nên Phật có trước pháp có sau.

***

Đem giáo pháp cứu cánh dạy cho người tức thời thấy đạo, đạt lý vô sanh trong hiện tại, thẳng đó dứt nghiệp hết khổ, sống với Niết-bàn tự tánh, nghĩa là trở về với tánh thường nhiên. Như người nghiện rượu khổ sở, biết rượu là hại liền bỏ, trở lại tánh bình thường. Người dạy pháp ấy gọi là sư tử rống (tiếng hét oai hùng của sư tử, trăm thú đều khiếp sợ kinh hoàng).

Trái lại đem những pháp phương tiện dạy người tu theo tiệm thứ sanh đây sanh kia, là còn trong vòng nhân quả hữu lậu. Người dạy này gọi là thuyết pháp như dã can (chỉ kêu rè rè).

***

Trong kinh Viên Giác, Phật ví dụ như trong một ngôi nhà lớn, người ta đem vào một ngọn đèn, thì ánh sáng ngọn đèn tràn đầy khắp cả căn nhà. Có một người lại đem thêm một ngọn đèn nữa thì ánh sáng cũng tràn khắp căn nhà, và nếu đem thêm nhiều ngọn đèn nữa, ánh sáng vẫn trùm khắp mà không ngăn ngại nhau. Cũng như thế nếu ai thể nhập Pháp thân thì sẽ thấy trùm khắp và hòa trong pháp giới, chứ không ngăn ngại chi cả.

***

Ba cửa giải thoát (Tam giải thoát môn) là:

1. Cửa không (Không môn): Nhận rõ các pháp không thật có. Sở dĩ các pháp có muôn ngàn sai khác, đều do nhân duyên hòa hợp tạm có, không thật. Bởi do duyên hợp, nên đủ duyên nó hợp thiếu duyên thì tan. Nó tạm bợ dường như bọt nổi, như bóng chớp, như sương mù… có nhưng không thật.

2. Cửa không tướng (Vô tướng môn): Muôn ngàn hiện tượng trong thế gian đều không có tướng cố định. Những hình tướng có đều tùy theo nghiệp của chúng sanh mà thấy thế này hoặc thế khác. Cũng một thân người, mà loài người cho là thân thể họ, loài vi trùng cho đó là vũ trụ của nó đang sống. Cái bàn viết, với con người là cái bàn viết, con mọt cho là thức ăn của chúng v.v… Vậy gọi đó là tướng gì?

3. Cửa không tạo tác (Vô tác môn): Vì nhận rõ các pháp hữu vi là huyễn hóa, sanh diệt, vô thường nên không khởi tâm tạo tác. Cũng gọi là vô nguyện, vì không tâm mong cầu. Thí như thấy ảnh trên màn bạc, do biết bóng trên màn bạc là giả nên dù bóng có đẹp, xấu vẫn không sanh phân biệt yêu ghét…

Ba cửa này có công năng đưa hành giả ra khỏi khổ sanh tử, chứng Niết-bàn an lạc, nên gọi là cửa Giải thoát. Song, ba cửa này giữa Đại thừa và Tiểu thừa có khác:

- Đại thừa: Do dùng trí tuệ, nhận rõ các pháp là không thật thể, do nhân duyên hòa hợp như huyễn như mộng, để xa lìa lòng chấp trước mà thực hành Lục ba-la-mật, lợi ích chúng sanh.

- Tiểu thừa: Do quán Không, thành tựu được Không quán, xa lìa tâm chấp trước đối với ngã pháp, để đạt đến Niết-bàn không tịch.

***

 Yêm-bà nữ hỏi Ngài Văn-thù:

- Người đạt lý vì sao chưa tự tại trong sanh tử?

Ngài Văn-thù đáp:

- Vì lực dụng chưa đủ.

Ngài Văn-thù trả lời nghĩa này thế nào? Người đạt lý không sanh tử, đối với sự sanh tử không còn lầm mê, tuy nhiên về khởi hạnh thì lực dụng chưa đủ. Vì vậy muốn đạt rốt ráo lý sanh tử, phải dụng công khởi hạnh, diệt phiền não dứt vọng hoặc. Khi phiền não vọng hoặc dứt sạch, mới thể nhập lý không sanh tử. Thể nhập lý không sanh tử viên mãn, mới khế hợp với chân tánh và hằng sống với tâm thể vô sanh, mới có đủ diệu dụng nhiệm mầu, phát đại bi tâm tùy cơ giáo hóa độ khắp hữu tình.

Vì thế nên nói: Ngộ không sanh tử không bằng thể không sanh tử, thể không sanh tử không bằng nhập không sanh tử, nhập không sanh tử không bằng khế không sanh tử, khế không sanh tử không bằng dụng không sanh tử.

Cùng nghĩa này Tiến Sơn Chủ đem câu hỏi trên hỏi Tu Sơn Chủ. Tu Sơn Chủ đáp: “Giống như măng sẽ thành tre, nhưng ngay lúc còn măng thì không thể kết thành bè”.

Vì thế, người muốn thể nhập rốt ráo lý vô sanh, phải theo thứ lớp mà tu tập. Trước tiên ngộ lý không sanh tử, kế phải thực hành để thể nhập được lý ấy. Khi thể nhập viên mãn mới khế hợp thể tánh thanh tịnh sẵn có của mình. Bấy giờ có đủ diệu dụng bất khả tư nghì giáo hóa chúng sanh, khi công hạnh viên mãn thì thành Phật quả.

Đây là con đường tiến tu của người tu hạnh Đại thừa phải trải qua vậy.

***

Thiền sư Triệu Châu nói: “Cả ngày ăn cơm mà chẳng nhai nát một hạt gạo. Cả ngày mặc áo mà chẳng dính mắc một sợi tơ”. Ngài muốn nói gì với chúng ta?

Bởi vì người đạt đạo thấu được lẽ chân, nhận ra tánh chân thật của chính mình. Rõ thông các hành động đều từ tâm thể hiện nên không dấy niệm có không, được mất... Trái lại, phàm phu ngu mê chạy theo thức tình phân biệt, lúc ăn còn nghĩ trăm thứ, lúc mặc còn nghĩ trăm việc. Do đó mà phiền não tham, sân, si dấy khởi, mất tánh thường nhiên, tâm luôn luôn bàng hoàng xao xuyến, khắc khoải lo âu... Vì vậy mà sống xa với đạo. 

Sống với đạo là phải sống với tánh bình thường. Tánh bình thường này ai ai cũng có, không lúc nào vắng mặt nó. Tuy nhiên, vì ta mải lo chạy theo ngoại cảnh mà bỏ quên tánh ấy. Khi chúng ta nhớ lại không chạy theo ngoại cảnh, tức là trở lại tánh thường nhiên. Tánh ấy nó thường hằng và miên viễn, không phải đợi tìm kiếm mới có.

Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác nói:

Ma-ni châu, nhân bất thức, 

Như Lai tàng lý thân thâu đắc.

Lục ban thần dụng không bất không,

Nhất khỏa viên quang sắc phi sắc.

Nghĩa là có ngọc ma-ni mà người không biết. Sáu ban thần dụng là lục thông diệu dụng, không mà chẳng không. Một viên tròn sáng, sắc mà chẳng phải sắc. 

Thể tánh vắng lặng thường nhiên của chúng ta ví như hạt minh châu. Hạt châu này sẵn trong kho Như Lai của mình, nếu chịu khó sẽ nhận được. Khi nhận được châu liền có đủ thần thông diệu dụng bất khả tư nghì. Nó vốn tròn sáng không phải sắc, không phải không mà gồm đủ cả sắc và không. Người nhận ra hạt châu này sống với nó mới là sống thật. Hạt châu này chính là tánh giác của mọi người chúng ta vậy. 

Tóm lại, muốn sống thật là phải nhận ra được tánh giác của chính mình, tánh ấy bất sanh bất diệt tròn sáng không từng ô nhiễm. Khi hằng sống với tánh giác thì không còn lầm mê, không bị sáu trần sai sử. Nhờ đó mà định lực chúng ta kiên cố, trí tuệ tròn đầy, sanh tử nhân đây mà dứt. Đây chính là sống thật và sống miên viễn vậy. 

***

Dạy người làm Phật sự

Tôi nhắc khái quát về những điều thiết yếu trong việc điều hành Phật sự. Làm Phật sự đối với chúng ta không có phương thức, không có cách tổ chức gì là đáng kể hết. Nhưng đòi hỏi người ra làm Phật sự phải đủ những yếu tố: 

1. Làm Phật sự là vì đạo, vì mọi người chứ không phải vì danh, vì lợi. 

2. Làm Phật sự thì phải tự mình có được chỗ thấy biết đúng như Phật pháp, mới gọi đó là làm Phật sự.

3. Khi làm Phật sự, phải đặt mình như cọng cỏ, như lá cây, không ra gì hết. Mình chỉ là người phục vụ, chứ không phải là người quyền thế. Dù được khen, dù bị chê cũng nên lấy đó làm kinh nghiệm để thừa hành Phật sự. Chứ không phải được khen mình hãnh diện, bị chê mình thối tâm. Bởi vì mình đem hết khả năng, nguyện lực của mình phục vụ cho đại chúng, nên khen chê không thành vấn đề. Vấn đề là phải làm được lợi ích cho đại chúng, lợi ích cho đạo. Được lợi ích rồi chúng ta phải thấy là mình chỉ đóng góp một phần công rất nhỏ cho đạo, một phần công rất nhỏ cho thiền viện, cho quý Thầy.

Chúng ta cố gắng chung lo, chung sức để giúp huynh đệ tu, chứ không được ỷ ngồi trên rồi tự hào tự đắc, nói cho thiên hạ nghe, ai không nghe mình quở la mắng rầy, không phải như vậy. Chúng ta thấy mình chỉ có một chút đóng góp nhỏ, rất nhỏ, cho quý Thầy, cho đại chúng, cho đạo. Đem hết tâm khiêm nhường cung kính đối với mọi người. Như vậy làm Phật sự mới được lâu bền, mới được tốt đẹp. 

Chúng ta không có một phương thức cố định nào để làm Phật sự. Mà chỉ làm vì đạo, làm bằng niềm cung kính, tôn trọng mọi người. Hai điều kiện trên có sẵn nơi mình thì Phật sự nào làm cũng tròn, cũng thành công hết. Nếu thiếu hai thứ đó, làm Phật sự rất khó tiến.

***

Chọn người làm Phật sự

Ở thiền viện chúng ta cái quý nhất là sự tu. Nếu tu có cố gắng mà không kết quả, thì vị ấy cũng không đủ tư cách để lãnh trách nhiệm hướng dẫn đàn em. Vậy người nào ở thiền viện thì phải tu cho có kết quả, mà kết quả đó có nhiều thứ bậc khác nhau:

Có người được kết quả là khi ngồi thiền, tâm được an định nhiều giờ. Thí dụ chúng chỉ ngồi được hai tiếng, mà người đó có thể ngồi bốn tiếng hoặc sáu tiếng. Đó là kết quả tăng giờ ngồi thiền, chưa láng tin cậy.

Nếu người nào tu thỉnh thoảng được một phút giây tâm an tĩnh. Tâm yên tĩnh liền có cảm xúc hoặc là khóc hoặc là cười, đó là một bước tiến đáng mừng, nhưng cũng chưa phải là người tôi chọn ra làm Phật sự. Vì chỉ là một cái sáng lóe lên trong đêm tối, tuy sáng nhưng thấy rồi mất chứ không thường có. Như vậy cần phải công phu nhiều nữa mới có thể đủ tư cách hướng dẫn đàn em.

Chỉ có người nào khi tu nhận được bản lai diện mục của mình, nhận được một cách tường tận, rõ ràng và trình bày cho tôi nghe có đủ chứng cứ. Nhận được rồi, luôn sống với nó trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, thấy biết không mất. Được Vậy tôi mới tin, mới chọn ra làm Phật sự.

Sự chọn lựa của tôi, không phải người lanh lẹ, giỏi giắn mà ra làm Phật sự, không phải người được cấp bằng này, cấp bằng nọ mà ra làm Phật sự, phải là người thật đủ lòng tin về con đường thiền, tu thấy mình không còn ngờ vực nữa. Những người đó tôi mới cho ra làm Phật sự.

Hiểu như vậy trong chúng mới không ngạc nhiên, vì có người tài mà không được cử làm Phật sự. Có người thường thường thôi mà lại cử ra làm Phật sự, là từ những lý do tôi đã nói.

Chúng ta sống trong thời mạt pháp, sự tu hành rất khó tiến. Thế mà ở thiền viện trong mấy năm, tu theo sự hướng dẫn dạy dỗ của tôi, một số Tăng Ni tu có tiến bộ. Tôi rất hoan hỷ thấy Tăng Ni có được những điều mà ngày xưa chưa bao giờ thấy, biết được những cái mà ngày xưa chưa bao giờ biết. Đối với đạo lý không còn ngờ vực nữa, đó là điều tôi rất mãn nguyện. Tuy không nhiều nhưng đủ để tôi vui là Phật pháp không đến nỗi chìm lặng, ngọn đèn chánh pháp không đến nỗi lu mờ.

Đó là chỗ tôi thấy được từ những người ở chung quanh tôi.

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 23310
  • Online: 39