Trúc Lâm một lần ở lại

21/10/2014 | Lượt xem: 4059

Rời Vũng Tàu từ sáu giờ sáng, chiếc xe khách mang tôi xa dần mùi gió biển mằn mặn và cái nóng của những ngày cuối tháng Tám. Sau hơn tám tiếng đồng hồ trên đường, khi nhận ra không khí mát lạnh và trước mắt là đoạn đường ngoằn ngoèo, một bên vách núi, một bên là vực, những ngọn thông xanh chạy theo xe bạt ngàn, tôi biết mình sắp đến nơi.

Chơn Hiền

Lần nầy tôi không vào thành phố Đà Lạt mà ghé thẳng Thiền viện Trúc Lâm xin ở lại trọn mấy ngày… tự do của mình. Chiếc xe bỏ tôi dưới dốc, tôi phải đi thêm một đoạn tắc-xi mới đến cổng thiền viện. Đường lên chùa vẫn yên tĩnh, dịu mát bởi màu xanh của cây cỏ hai bên đường, thỉnh thoảng bắt gặp những nhà vườn bày dâu đỏ tươi mời chào du khách trông thật vui mắt. Trúc Lâm đây rồi. Trước cổng người xe tấp nập, tôi mang hành lý đi thẳng vào nội viện Ni thân quen. Sau hai cánh cổng sắt nhỏ, nội viện thật yên tĩnh. Khu vực này, khách tham quan không được phép vào vì là nơi tu tập, sinh hoạt của chư Ni. Bên trái là vườn cỏ xanh mát cùng các hồ nước với ngọn giả sơn nhỏ; một phiến đá lớn tạc chữ Thiền như nhắc nhở khách ghé thăm hãy chuẩn bị cho mình một tâm tĩnh lặng. Bên phải là thất của Hòa thượng Viện trưởng. Hoa cỏ ven đường xanh mướt, sỏi trắng lạo xạo dưới chân, tôi nghe lòng chùng xuống, có cảm giác thân thương như đứa con xa đang được trở về nhà. Sau khi trình Ni sư quản chúng, tôi được vị Ni tri khách đưa về nhà nghỉ của khách. Đó là một căn nhà nửa gạch, nửa gỗ nghe đâu mới được làm thêm vì Phật tử các nơi xin về tu tập ngày càng đông. Căn phòng rộng sạch sẽ, tinh tươm và ấm áp nằm dưới những tán thông xanh giữa những lối nhỏ vòng vèo bên cạnh những vườn cỏ xanh tươi, những khóm hoa đủ màu tôi chẳng biết tên gì. Chỗ ngủ của tôi nhìn xuống một vườn lan đủ loại trắng, đỏ, tím, vàng. Đâu đâu cũng thấy hoa, lá, cây cỏ mát mắt, tạo một cảm giác thanh sạch, vui tươi.

 

Chiều ở đây, không khí chùng xuống rất sớm. Mới khoảng bốn giờ, trời đã bắt đầu se se lạnh, màu trời xám đục, nắng tắt tự bao giờ. Khung cảnh hết sức tĩnh lặng, tâm tôi thấy yên ả lạ lùng. Tôi thả bộ ra bên ngoài, đi về phía chánh điện. Vẫn còn du khách lác đác dạo chơi, chụp ảnh. Tôi lần theo hàng rào trúc và dương liễu trồng dọc bên đường dẫn xuống hồ Tuyền Lâm. Không gian yên bình, cô tịch không làm tâm tôi dậy lên cái cảm xúc mơ mộng của thế gian mà gợi trong tôi một sự an lạc lạ kỳ. Men theo những bậc thang đi dần trở lên sân trước của thiền viện, tôi lại quay về nội viện Ni. Theo thanh qui của thiền viện, tôi và mọi người chuẩn bị giờ sám hối và tọa thiền buổi tối. Chúng tôi không ăn vào buổi chiều. Tôi cũng chỉ dùng bột hoặc sữa như chư Ni, như thế mới dễ ngồi thiền. Ngày đầu tôi cảm thấy xót ruột, nhưng cố gắng tập theo mọi người, tự nhủ thầm“ai sao mình vậy, đừng làm gì khác người”. Bảy giờ tối, mọi vật như ngủ yên trong cái lạnh của núi rừng. Khoác thêm chiếc áo len bên ngoài áo tràng, trùm chiếc nón len lên đầu, tôi theo chân mọi người lên thiền đường. Chư Ni khoác y vàng, xếp hàng im lặng, thả bước nhẹ nhàng về phía chánh điện. Chúng tôi chờ vị Ni cuối cùng đi qua mới lục tục nối gót theo sau. Chánh điện ban đêm sáng đèn ấm áp, tượng Bổn Sư trên cao oai nghiêm, hiền từ nhìn xuống đàn con, bàn thờ hoa trái trang nghiêm, thanh tịnh. Theo nghi thức, lễ lạy Tam bảo và tụng Bát-nhã xong, chúng tôi chuẩn bị bồ đoàn và tọa cụ để ngồi thiền. Còn nhớ đêm đầu tiên tôi không dám lên thiền đường, vì sợ ngồi thiền liên tiếp hai tiếng đồng hồ tôi không giữ được sẽ phiền bạn đồng tu. Nhưng tại nhà nghỉ, tôi cũng tự mình khép vào kỷ luật ngồi thiền. Từ hồi nào đến giờ, tôi chỉ ngồi được một tiếng đồng hồ mà thôi. Vậy mà, không hiểu sao hôm ấy tôi đã thực hiện thành công hai giờ công phu như mọi người. Những đêm tiếp sau, tôi đã… dũng cảm lên thiền đường an vị. Rồi hai giờ đồng hồ cũng trôi qua, tiếng khánh xả thiền vang lên, tôi cùng mọi người khoan khoái thực hiện từng động tác xả thiền theo quy định, vừa làm vừa nhìn nhau cười vui trong nỗi khinh an nhẹ nhàng. Rời thiền đường đã gần 10 giờ đêm, chúng tôi khẽ khàng về phòng nghỉ, chuẩn bị ba giờ rưỡi sáng lại thức dậy, tiếp tục buổi tọa thiền sớm, bắt đầu một ngày mới theo quy định.

 

Thường thường lạ chỗ tôi rất khó ngủ, thế mà ở đây giấc ngủ đến với tôi thật dễ dàng, nghĩ cũng lạ! Đang ngon giấc, tôi và mọi người giật mình thức dậy vì ba hồi kẻng báo thức xé màn đêm. Kéo vành nón len che kín hai tai, quấn lại chiếc khăn quàng cổ, tôi theo mọi người lên thiền đường, bỗng bên tai tiếng “hô thiền” lanh lảnh vang lên: “ngày nay đã qua, mạng sống giảm dần, như cá thiếu nước, có gì là vui…”. Tôi thoáng rùng mình chợt nghĩ: “Ừ, hơn nửa đời rồi, mấy ai dám tự hào nói mình sẽ đi trọn ba vạn sáu ngàn ngày của một vòng sinh tử?”. Vô thường gõ cửa chẳng biết khi nào, một cái chớp mắt, hiện hữu đây bỗng chốc thành tro bụi… Chúng tôi lại đến trước tượng Bổn Sư, quỳ dưới chân người, tôi thấy lòng chùng xuống, một cảm giác thật bình an, tôi như được vỗ về, an ủi, được nâng lên bằng một sự tỉnh giác hiếm thấy. Bài Bát-nhã quen thuộc lại được cất lên, nghe mỗi ngày vậy mà… Nghi thức tụng kinh trước khi nhập thiền xong, chúng tôi ai nấy về chỗ của mình bắt đầu buổi tọa thiền sớm. Hai giờ trôi qua trong tĩnh lặng, tiếng khánh xả thiền lại vang lên, mọi người tự làm các bước xả thiền theo quy định rồi đi thiền hành. Từng bước, từng bước chúng tôi để tâm trong chánh niệm, cảm nhận từng bước chân của mình bình an, bình an… Trời cũng bắt đầu sáng dần, không gian vẫn tinh khôi trong mùi sương lạnh, hoa lá trở mình thức giấc, rùng mình rũ sương trong, cùng nhau vươn vai khoe sắc khi những tia nắng ấm ban mai dịu nhẹ bắt đầu tỏa xuống. Này mẫu đơn, này tường vi, này trà mi, này chim, này bướm rộn ràng mà vẫn từ tốn, nhẹ nhàng. Thấp thoáng những bóng áo lam thoắt ẩn, thoắt hiện, cứ ung dung tĩnh tại, mỗi người mỗi việc, bắt đầu một ngày lao tác mới. Chánh niệm, chánh niệm… gặp nhau tay búp xá chào, môi thoáng một nụ cười, bình yên, bình yên và tôi thấy hạnh phúc làm sao! Bây giờ tôi mới hiểu, tại sao người ta dễ dàng rời bỏ gia đình, người thân, bỏ lại sau lưng bao thú vui của cõi trần để vào đây. Ở đây, cái hạnh phúc tuyệt vời, đích thực mà không phải ai cũng đủ phúc duyên để nhận chân được là đây. Tôi thấm thía cái chân thật vĩnh cửu và cái vui giả tạm mình đang có trong tay. Cuộc đời sắc sắc không không, biết được lý không huyền diệu, buông tất cả chỉ trong một sát-na, ngay lúc ấy chân đã chạm bên bờ giác, ấy vậy mà… Thế nhưng, mỗi người mỗi nghiệp, mấy ai đủ dũng khí để “buông”, bởi thế mà phiền não, bởi thế mà trầm luân. Tôi chợt nhớ đến bài Cư trần lạc đạo của Sơ tổ Trúc Lâm, thấy lòng hổ thẹn, tự nhủ thầm “thôi thì tùy duyên vậy”, nghiệp trần của tôi còn nặng quá, còn bao trách nhiệm trên vai, cuộc đời là một sự trả vay mà, kiếp nầy tôi xin vui vẻ trả và quyết sẽ không… vay. Lòng mong sao sẽ được một ngày thong dong nơi chốn thiền môn để vun bồi cho cây giác của mình đơm hoa kết trái…

 

Một tuần sắp trôi qua, một tuần hạnh phúc của tôi sắp hết, tôi nghe lòng bùi ngùi khi nghĩ đến lúc chia tay, thôi thì cố tạo duyên lành kiếp này để dành cho kiếp sau vậy.

 

“Ôi! Cõi hồng trần muốn lánh,

 

Tạo nghiệp rồi, khách muốn tránh dễ sao?”.

Trúc Lâm ơi, mong có ngày gặp lại. Thế gian ơi, mong trả hết nợ trần 

Tags: Trúc lâm

Các bài đã đăng

Thiền tông

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89952
  • Online: 30