Trúc Lâm vấn đáp
08/09/2015 | Lượt xem: 9284
1. HỎI :
Đối với Thiền tông có thể nhận thức, hiểu biết được không ?
XIN ĐÁP :
Nếu những ai hữu duyên nhận lại “hòn ngọc như ý” nơi chính mình, đối với Thiền môn, hành giả hẳn không phải đặt thành vấn đề để giải quyết. Ngược lại, muốn tìm hiểu biết người ta sẽ nhận thức Thiền theo trình tự thế gian pháp. Nhưng rất tiếc, Thiền không phải là đối tượng nhận thức nên người muốn hiểu biết theo cách này, không sao tránh khỏi lạc lối bơ vơ …! Để rõ được hai trạng thái tâm lý trên đây, chúng ta cùng nhau ôn lại một ví dụ của Hòa thượng Thích Thanh Từ nói chuyện tại Viện nghiên cứu Hán Nôm như sau :
Ví như người trong một dòng họ nọ, đang giữ viên ngọc từ Tổ tiên của mình truyền lại trong gia phả, thì họ không còn nghi ngờ và biết rõ Tổ tông mình có viên ngọc quý. Người bên ngoài nghe nói vậy, rồi muốn biết có đúng như thế không, họ phải truy tìm trong sử liệu… để xác định giá trị, nguồn gốc viên ngọc : thế hệ đầu tiên vào niên đại nào ? Ai giữ, ở đâu ? Và đã truyền cho thế hệ kế tiếp như thế nào…Nếu dữ kiện không rõ ràng hay bị thất lạc, người ta sẽ mất đi phương hướng, hoài nghi…Cũng vậy, Thiền tông cũng có viên ngọc trong gia phả, nhưng lại không giống viên ngọc thế gian, nó là “Ngọc bảo châu vô tướng”, và đặc biệt “Mích tức tri quân bất khả kiến” nghĩa là : “Còn có tâm tìm, biết anh chưa thấy ”! .( Chứng Đạo Ca-Huyền Giác)
Thế nên họ lại càng hoài nghi. Đây là tâm trạng của người bên ngoài vậy...”
Người đang nắm hòn ngọc trong tay chính là hành giả thiền môn thực chứng, dù tại gia hay xuất gia, họ tùy nghi hưởng thụ, tùy ý tiêu dùng không còn nghi hoặc có hay không, phải cùng chẳng phải. Ngược lại là người ngoài cuộc, không sao tránh khỏi nghi ngờ, mà càng muốn hiểu biết thì lại càng không thể biết !
Nói vậy không có nghĩa là không thể tìm hiểu biết. Có vị Pháp sư đến xin thưa hỏi về Đạo, Thiền sư Đại Châu nói :“Bóng trăng dưới đầm sâu mặc ý mò bắt”. Ta có thể nhận thức rằng : người hỏi muốn tìm trăng, câu trả lời của Ngài ví như bóng trăng đáy nước, mò bắt không được đâu. Song đó cũng là cách chỉ dạy người, hãy vượt qua ngôn ngữ, hãy nhìn ngược lên !
Qua ví dụ trên đây, cũng là phương hướng giúp cho người ta tư duy mà “Tư duy chỗ không thể tư duy, biết chỗ không thể biết mà biết vậy”. Trên cơ sở này, chúng ta hãy tự hỏi mình xem, có thể nhận thức hiểu biết được Thiền không ?
2. HỎI :
Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử thuộc loại Thiền nào ?
XIN ĐÁP :
Trong bài khuyên chúng Thượng thừa tam học, Nhị Tổ Pháp Loa dạy : “Thiền có chia làm năm loại : Phàm Phu Thiền, Ngoại Đạo Thiền, Tiểu Thừa Thiền, Đại Thừa Thiền, Thượng Thừa Thiền. Đây nói Thiền chính là Thượng Thừa Thiền vậy. Thiền này từ Đức Phật Tỳ Lô Giá Na trải qua bất khả thuyết bất khả thuyết đến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Thích Ca truyền cho 28 vị Tổ Ấn Độ và sáu vị Tổ ở Trung Hoa, rồi Tổ Tổ trao cho nhau truyền bá khắp nơi, tính không thể hết được. Các vị đều do giới này, định này, huệ này mà được chứng ngộ, thật không có pháp nào khác.”
Vì vậy, Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử là Thiền Thượng Thừa, cũng gọi là Như Lai Tự Tánh Thanh Tịnh Thiền, hoặc gọi Tổ Sư Thiền hay là Thiền Tông.
3. HỎI :
Yếu chỉ của Thiền tông hay Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử là gì ?
XIN ĐÁP :
Thiền là tên gọi khác của chân lý thực tại tối hậu, cũng có nghĩa là Phật, là Tâm, là Đạo, Chân Như hay Tri Kiến Phật, Phật tính… vì vậy yếu chỉ của Thiền tông cũng chính là yếu chỉ của Phật pháp, vốn không có tên tuổi tùy theo diệu dụng mà đặt tên, cũng tùy duyên mà dựng lập.
“Như lời Phật dạy trong Bồ tát Giới gọi là Tâm Địa vì hay phát sinh muôn điều thiện ; kinh Bát Nhã gọi là Bồ Đề, vì lấy Giác làm thể, còn gọi là Niết Bàn vì là chỗ quy hướng Thánh Nhân ; kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp Giới vì giao triệt và dung nhiếp ; kinh Kim Cang gọi là Như Lai vì không từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu ; kinh Kim Quang Minh gọi là Như Như vì chân thường bất biến ; Kinh Niết Bàn gọi là Phật Tính vì là thể của ba thân ; Khởi Tín Luận gọi là Chân Như, vì chẳng sinh chẳng diệt ; kinh Liễu Nghĩa gọi là Viên Giác, vì hay chiếu phá tối tăm ; Kinh Viên Giác gọi là Tổng Trì, vì mọi công đức từ đây mà lưu xuất …
Đối với cửa Tổ thì dứt tuyệt “…Không đầu đuôi, không danh tự, không tên tuổi, không lưng mặt… ”, song cũng chỉ vì ứng cơ tiếp vật nên tên gọi cũng nhiều : “Có lúc bảo là Chánh Nhãn, vì hay soi tướng của muôn loài ; có khi gọi là Diệu Tâm, vì hư linh tịch chiếu ; có lúc cho là Chủ Nhân Ông, vì xưa nay thường gánh vác ; có khi nói là Bát Không Đáy, vì tùy chỗ sinh nhai ; có khi gọi là Đàn Không Dây, vì hiện nay ra điệu vận ; có lúc gọi là Vô Tận Đăng, vì hay chiếu phá mê tình ; có lúc dạy là Ngọc Ma Ni, vì hay giúp người nghèo khó ; có khi nói là Xuy Mao Kiếm, vì hay chặt đứt căn trần ; có khi gọi là Nước Vô Vi, vì sóng êm bể lặng… cho đến nào là Trâu Đất, Ngựa Gỗ, Tâm Nguyên, Tâm Ấn, Tâm Nguyệt, Tâm Châu, Tự Kỷ, Ý Tổ Tây Sang …thật kể không hết”. Nếu đạt được Chơn Tâm thì muôn tên đều rõ, bằng ngược lại thì mê mờ chấp danh, chấp tướng, vì thế không thể không cứu xét tột nguồn”.( Chơn Tâm Trực Thuyết )
Người tu Thiền là thực hành, tham cứu để đạt được chân lý ấy,“Là thấu triệt bổn nguyên, vượt ngoài Tam giới, liễu sanh thoát tử, chẳng thọ hậu hữu, độ mình, độ người, phổ lợi quần sinh”.Thiền phái Trúc lâm Yên Tử là Thiền Tông nên cùng với Yếu chỉ này thật không sai khác.
Tuy nhiên, đó cũng là cách nói của người viết hôm nay, còn người xưa thì sao ? Xin đơn cử vài trường hợp dưới đây :
* Tăng Hỏi Thiền sư Tịnh Không đời thứ 10 dòng Vô Ngôn Thông :
- Thế nào là Phật ?
Ngài đáp :
Nhật nguyệt sáng trời trùm ức cõi
Ai biết mây mù rơi núi sông
( Nhật nguyệt lệ thiên hàm ức sát,
Thùy tri vân vụ lạc sơn hà )
Cùng câu hỏi đó Sơ Tổ Trúc Lâm đáp cho vị tăng : “Nhận đến như xưa cũng chưa phải ”, còn trả lời cho Ngài Pháp Loa : “ Tấm cám ở dưới cối ” .
* Có Vị tăng hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ :
- Bạch Thượng Sĩ, thế nào là đại ý Phật Pháp ?
Ngài đáp :
Đầu trạnh vỗ sóng mắt sâu bọ
Cánh bằng nhốt gió ruột kiến trùng
( Ngao đầu đả lãng tiêu minh nhãn
Bằng đực đoàn phong lũ nghị trường )
Còn sơ Tổ Trúc lâm trả lời cho Pháp Loa : “Cùng hầm đất không khác”. Cùng câu hỏi đó ở Trung Hoa Ngài Lâm Tế hỏi Thiền Sư Hoàng Bá ba lần, mỗi lần ăn ba gậy mà không được đáp một lời.
* Ngài Pháp Loa hỏi Sơ Tổ Trúc Lâm :
- Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang ?
Ngài đáp :
- Bánh vẽ .
Cũng cùng câu hỏi đó Hoà thượng Thủy Lạo ở Trung Hoa hỏi Mã Tổ Đạo Nhất bị Ngài đạp một đạp té nhào. Nhưng vừa ngồi dậy, chợt tỏ ngộ vỗ tay cười ha hả. Có ông tăng chẳng biết điều này thế nào, hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ , Ngài đáp : “Cái đạp của rồng voi chẳng phải sức lừa chịu nổi”.
Thật có biết bao nhiêu cách dạy khác nhau, khai thị cho hàng hậu học, nếu không phải con cháu trong nhà Thiền quả là không có chỗ để tâm.
4. HỎI :
Đã là Thiền tông thì cùng yếu chỉ, vì sao lại có nhiều Tông phái ?
XIN ĐÁP :
Thiền tông tuy có cùng nguồn gốc và yếu chỉ, nếu không như thế thì không thể gọi là Thiền tông. Song, do vì đặc thù của người nối pháp truyền thừa trong bối cảnh lịch sử khác nhau, phương pháp hành trì, cơ duyên ngộ đạo sâu cạn và sở trường hoằng hóa khác nhau nên xuất hiện nhiều tông phái . Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời cũng trên cơ sở đó.
5. HỎI :
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tu pháp gì ? Lấy pháp gì để tiếp dẫn hậu lai ?
XIN ĐÁP :
Thiền tông là chẳng lập văn tự, truyền ngoài giáo lý, chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật ( Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật ) thì làm gì có pháp để tu và cũng không một pháp thật, có thể cho người, chỉ tùy cơ khai thị, tùy bệnh cho thuốc cốt “Nhổ đinh tháo chốt”, cho kẻ hậu học mà thôi .
Trần Quang Chỉ khi đề từ cho bức tranh Trúc Lâm Đại Sĩ, đã cho ta biết về Sơ Tổ Trúc Lâm lúc còn trẻ như sau :“Khi lớn, Ngài học thông tam giáo và hiểu sâu Phật điển, ngay cả Thiên Văn, Lịch Số, Binh Pháp, Y Thuật, Âm Luật, không thứ gì mà không mau chóng nắm được sâu sắc”. Thế nhưng việc “Bổn phận tông chỉ” vẫn còn chưa rõ, Ngài thưa hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ và được trả lời như sau : “soi sáng lại chính mình là việc bổn phận, chẳng từ nơi khác mà được” (Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc). Nghe xong, sơ Tổ thuật lại : “Tôi thông suốt đường vào, bèn vén áo thờ làm thầy”.(Ngữ Lục Tuệ Trung Thượng Sĩ).
Như vậy, bài pháp mà Thượng sĩ ban cho là xuất phát từ lòng khát ngưỡng của Sơ Tổ, mong muốn biết được chỉ thú về việc bổn phận. Đồng thời Sơ Tổ thông suốt được đường vào, tức là biết cách hành thiền. Thế thì Ngài hành Thiền như thế nào qua lời dạy ấy ?
Gốc là soi sáng lại chính mình ! Muốn vậy phải rõ biết cái gì là mình ? Người thường xem chừng quá đơn giản, thân tâm này nếu không phải là mình thì là cái gì ? Chân lý bình dị, thực tiễn, nhưng cũng không phải giản đơn như thế. Cái thật mình phải là một chứ không do duyên hợp ( nhiều thứ tạo thành ); phải là cái bất sinh bất diệt ; phải làm chủ được. Đem thân tâm duyên hợp, vô thường sinh diệt, không tự chủ cho là mình thì thật là quá vô minh. Nhưng nếu lìa thân tâm này mà tìm cái thật mình thì chẳng thể được. Thế nên chẳng phải, mà cũng chẳng lìa ( Bất tức bất ly ).
Nếu như chưa biết cái gì là thật mình mà vẫn thiết tha để rõ được chân lý ấy, chính là lúc đang tham Thiền. Còn đã rõ được mình đương nhiên có chỗ sống, lời dạy soi sáng lại hay phản quan là vì chúng ta thường phóng quan, quên mình theo vật mà thôi.
Đó là lối tùy duyên chỉ thẳng và cách dụng tâm của người xưa.
Sơ Tổ lại hỏi Tuệ Trung :
- Chỉ như gìn giới hạnh trong sạch, không chút xao lãng thì thế nào ?
Thượng Sĩ cười không đáp, Ngài lại thỉnh cầu, Thượng Sĩ bèn dùng kệ trả lời như sau :
Trì giới cùng nhẫn nhục
Chuốc tội chẳng chuốc phước .
Muốn biết không tội phước,
Chẳng giữ giới nhẫn nhục.
Rồi Thượng Sĩ lại dặn nhỏ Ngài “Chớ nói cho người không ra gì biết”.
Người tu cốt là phải trì giới, nhẫn nhục, nhưng Thượng Sĩ dạy là chuốc tội chẳng phải phước, nếu muốn biết không tội phước thì chẳng giữ giới và nhẫn nhục. Đúng là với người chẳng ra gì, với kẻ vô trí mà nói, họ sẽ phá giới, ngang tàng nguy hiểm, hay hoang mang nghi ngờ phỉ báng. Song, với bậc đại trí thì quả thật là như vậy. Bởi còn giữ giới tức là còn có mầm phạm giới, còn nhẫn nhục tức là còn sân hận, còn cĩ ngã, là còn chuốc tội. Nếu không còn phạm giới thì cũng không cần giữ giới ; không còn sân hận, đã vô ngã thì làm gì có nhẫn nhục ! Nếu còn chấp pháp hành giả không thể nhảy vào mảnh đất Như Lai. Cho nên Thượng Sĩ dạy :“Muốn biết không tội phước, chẳng giữ giới nhẫn nhục”. Như vậy vẫn có tội khi phạm giới, vẫn có phước khi trì giới hạnh . Nhưng Thiền môn không kẹt hai bên, chỉ dạy giữ giới đến chỗ không giới để giữ, nhẫn đến chỗ không gì để nhẫn, tu đến chỗ vô tu mới thật là tu.
Bởi vậy, bài pháp đầu tiên ở chùa Sùng Nghiêm trên núi Linh Sơn để truyền bá Thiền tông Sơ Tổ Trúc Lâm dạy “Thích Ca Văn Phật vì một đại sự mà xuất hiện giữa cõi đời này, suốt 49 năm chuyển động đôi môi mà chưa từng nói một lời. Nay ta vì các ngươi lên tòa này, biết nói chuyện gì đây ? ” Ngồi giây lâu Ngài ngâm bài kệ rồi vỗ bàn một cái, nói : “Không có gì sao ? Ra đây ! Ra đây !”.
“Chuyển động đôi môi chưa từng nói một lời” là tóm lược lời dạy của Phật trong kinh Kim Cang. Chuyển động đôi môi tức là nói pháp, nhưng không một pháp thật có thể nói, nói mà không thấy mình nói, cũng không thấy có pháp để nói, không thấy người để nghe vì Như Lai thường đại định, vô tâm mà nói nên “Chưa từng nói một lời”. Đây chính là chỉ thú tông thừa vượt ngoài ngôn ngữ đối đãi. Thế nên Tổ bảo “Biết nói chuyện gì đây” tức là không một pháp cho người. Ngài nêu cao yếu chỉ giáo ngoại biệt truyền của Thiền tông. Không pháp cho người nhưng tùy duyên giáo hóa, tùy cơ khai thị nên bảo đại chúng “Ra đây ! Ra đây !”. Song, trước khi bảo “Ra đây” Ngài có nói “Trong đây không có gì sao ?” Chính là đánh thức con người chân thật ấy trong mỗi học nhân ! Ngày nay Hòa thượngViện trưởng Thích Thanh Từ dạy “Vô niệm vi tông, vô môn vi pháp môn” lấy vô niệm làm tông, lấy cửa không làm cửa pháp cùng với chỉ thú trên đây thật không sai khác.
6. HỎI :
Thiền phái Trúc lâm Yên Tử có những điểm đặc biệt gì so với các tông phái trước đó ở Việt Nam như Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường ?
XIN ĐÁP :
Thiền phái Trúc lâm Yên Tử có những điểm đặc biệt so với các tông phái Thiền trước đó như sau :
* Ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi người Ấn được pháp nơi Tam Tổ Tăng Xán, Ngài Vô Ngôn Thông người Trung Hoa được pháp nơi Bá Trượng Hoài Hải, Ngài Thảo Đường người Trung Hoa được pháp nơi dòng Thiền Vân Môn ( có thể nối pháp Thiền sư Trùng Hiển-Tuyết Đậu ), các Ngài đều là người nước ngoài sang Việt Nam làm Tổ truyền thừa, còn Trần Nhân Tông là người Việt Nam thấm nhuần thuần phong mỹ tục người Việt, lại được pháp nơi Tuệ Trung Thượng Sĩ, khai sáng dòng Thiền của Việt nam đầu tiên do chính người Việt làm Tổ.
* Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đi vào đời sống nhân dân tùy căn cơ giáo hóa, đối với dân thường thì chỉ dạy ngũ giới, hành thập thiện, phá bỏ những hủ tục, miếu thờ thần không chính đáng. Thiền Trúc Lâm lại có tính phổ thông, Thiền giáo đồng hành, vừa tu thiền, vừa giảng kinh, luận, ngữ lục không những Tăng sĩ mà ngay cả vua quan hay cư sĩ đều có thể tu hành ngộ đạo.
* Thiền phái Trúc Lâm ra đời có tính thống nhất về tư tưởng, Phật giáo Thiền tông trở thành quốc đạo, hai tông phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Thảo Đường đến đây theo sử sách hầu như không còn : Dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi truyền thừa được 19 đời, đời thứ 19 là Thiền sư Y Sơn viên tịch năm 1213 ; dòng Thảo Đường truyền qua 5 đời, đời thứ năm có Lý Cao Tông ( 1176-1210 ). Như thế hai dòng Thiền này hết người truyền thừa trước khi Thiền phái Trúc Lâm ra đời. Duy chỉ có dòng Vô Ngôn Thông được tiếp nối đến Trần Nhân Tông sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
* Nhị Tổ Pháp Loa đã đưa Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử lên đỉnh cao của một thời đại, qua lối chỉ dạy của Ngài có tính chất tổng hợp độc đáo mà các phái Thiền trước đó không có :
Thiền tông không một pháp có thể được, duy chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật, nhưng ở góc độ nào đó Cổ đức tóm lược các lối chỉ dạy như sau :
- Đứng trên bản thể mà khai thị, bằng mọi phương tiện, thủ thuật vị thầy đưa người đệ tử trực ngộ bản tâm, đến đây người đệ tử biết đường vào, sống được với đạo gọi là đốn ngộ đốn tu. Đây là trường hợp hy hữu hiếm có. Còn thông thường chỉ có hai trường hợp dưới đây :
- Cũng đứng trên bản thể để khai thị, hay đứng trên quả mà luận, đứng trên quả mà công phu. Bằng mọi phương tiện, thủ thuật vị thầy đưa người đệ tử trực ngộ bản tâm, nhưng chưa sống được với đạo nên cần có thời gian tiêu trừ tập khí, thể nhập chân tâm. Trường hợp này gọi là đốn ngộ tiệm tu. Lối công phu này có tính ưu việt, đường đi sáng sủa đủ niềm tin, không còn lầm lạc nên có câu “Một giờ ngồi thiền, một giờ là Phật” hay “Giác là Phật mê là chúng sinh". Tuy nhiên vì là giải ngộ, cũng dễ kẹt vào lý luận, không được chỗ thọ dụng của đạo, nên cần được nhắc nhở bảo nhậm.
- Trường hợp thứ hai, bậc thầy tạo cho họ một phương tiện, một pháp môn hành trì cũng đi đến kết quả. Đây là trường hợp tiệm tu đốn ngộ. Trong trường hợp này tuy chưa thấy kết quả, bị độn công phu, nhưng vì có sức công phu vững nên khi đến kết quả liền được chỗ thọ dụng của đạo.
Để khắc phục hai nhược điểm và phát huy hai mặt mạnh của hai trường hợp trên đây, Nhị Tổ Pháp Loa trong bài “Khuyến Chúng Thượng Thừa Tam Học” có dạy : “Người học Phật trước hết phải thấy tánh. Thấy tánh không phải có tánh bị thấy. Nói thấy, là thấy chỗ không thể thấy mà thấy vậy. Cho nên nói thấy, thấy không phải thấy thì chân tánh hiện. Tánh thấy là vô sanh, sanh thấy thì chẳng phải có, chẳng có cái tánh thật, mà thấy thật không dời đổi. Thế nên gọi là chân thật thấy tánh.”
Sau thấy tánh phải giữ giới thanh tịnh, kế đến tập tọa thiền,“Yếu chỉ của Thiền là thân tâm đều xả”, muốn được như vậy phải tập định tâm. “Thường tự suy xét thân này từ đâu mà đến, tâm này từ đâu mà có ?…”. Nghĩa là, trước phải thấy tánh sau lại phải tiếp tục tham thiền !
Thông thường đã thấy tánh thấu triệt thì tự nhiên học nhân biết được đường vào, đâu cần tham cứu tâm ? Còn tham cứu tâm thường là chưa triệt, nếu đã triệt thì tham cứu cái gì ?
Thế mà, Ngài dạy người học Phật trước phải thấy tánh để đủ niềm tin, không còn lầm lạc. Kế giữ giới thượng thừa tức là đối với thức “… Ra vào không giao thiệp gọi ngăn dừng, tuy gọi ngăn dừng mà chẳng phải ngăn dừng. Nên biết tai, mũi, lưỡi thân, ý cũng lại như thế”. Đây cũng chính là chỗ bảo nhậm của người kiến tánh. Đồng thời để không kẹt chỗ giải ngộ, lý luận, cần tham cứu tâm với mục đích tiêu trừ tập khí vọng niệm đi đến chứng ngộ triệt để.
Điều này trong kinh Lăng Già Tâm Ấn phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm Thiền sư Hàm Thị có chú giải : “Niệm là vọng giác, si hoặc là bất giác. Chân như không tánh, bất giác vọng động, kiến hoặc vừa sinh liền có vọng giác. Muốn sạch vọng giác phải tìm tột chỗ khởi vọng giác. Muốn ngộ bất giác thì cần xét tột cùng chỗ sinh bất giác. Chừng ấy mới biết chân như không tánh là mật chỉ của chư Phật…”.
Vì vậy, đây cũng là nét đặc biệt của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Ngày nay những lời dạy của Hòa thượng Viện trưởng như nhiều loại thuốc cốt trị tâm bệnh chúng sinh, trong bài pháp bổ túc 10 bức tranh chăn trâu có dạy :“…Hãy nhìn lại vọng niệm phát khởi từ đâu”? cùng với chỉ thú trên đây đâu sai khác.
7. HỎI :
Ai là người đủ tư cách khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ?
XIN ĐÁP :
Có hai hạng người :
1. Người đủ tư cách khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tức là người nhận được yếu chỉ Thiền tông, mới xiển dương được tông chỉ, mục đích của Tổ. Nhưng ai là người ấn chứng khi Việt Nam vắng bóng Thiền tông trên thế kỷ ? chúng ta hãy nghe câu trả lời của Hòa thượng Thích Thanh Từ Viện trưởng Thiền Viện Trúc Lâm trong cuốn “Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20” như sau :
“…Chính Tổ Bồ Đề Đạt Ma đâu không nói : “Cõi này có bốn quyển kinh Lăng Già khả dĩ dùng ấn tâm”. Lục Tổ Huệ Năng ngộ đạo do nghe giảng kinh Kim Cang. Đối với chúng tôi hiện nay cũng thế, dùng kinh để ấn tâm, giảng kinh để ngộ đạo. Có người nghi rằng ngày xưa Thiền sư Huyền Giác nhân đọc kinh Duy Ma Cật nhận ra lý Thiền, vẫn được Thiền sư Huyền Sách khuyến khích đến Lục Tổ ấn chứng, nếu không sẽ thành ngoại đạo thiên nhiên. Chúng tôi ngày nay không có người ấn chứng lại thành ngoài đạo hay không ? Thưa rằng, ngày xưa có Tổ ra đời không đến ấn chứng là người đứng ngoài lề Thiền tông. Ngày nay không có Tổ, cũng không có Thiền sư kế thừa, chúng tôi phải nhờ ai ấn chứng ? Thế thì kinh, luận, sử, ngữ lục của chư Tổ không đủ ấn chứng sao ? Người học đạo cần phải dùng trí phán xét đường lối tu hành đúng Phật, Tổ dạy hay sai Phật, Tổ dạy, đừng đòi hỏi một việc mà không bao giờ làm được”.
Ấn chứng tức là việc xác định chỗ tương đồng giữa thầy trò, tuy nhiên ở khía cạnh nào đó người tu hành tự biết mình. Cũng như đã bước vào cửa, không cần hỏi người gác cổng. Còn hỏi người gác cổng phải, hay không phải ? Tức là người còn nghi ngờ, còn đứng ngoài cửa !
“…Ai bảo.
Việt nam không có Tổ ?
Tổ ở nơi xứ nào ?
Chỉ tâm ta tỏ ngộ
Ấn Tổ tức in nhau.
Nếu còn chia Nam Bắc,
Phân Đông độ, Tây Thiên,
Biết ngay chưa sống Thiền”.
( Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử )
2. Người tuy không nhận được yếu chỉ Thiền tông, nhưng lấy mục đích của Tổ làm mục đích của mình, thực hành theo lời dạy của Tổ, lấy hạnh nguyện của Tổ, kinh, luận, ngữ lục làm kim chỉ nam cho sự nghiệp cao cả của đời mình, cũng chính là người làm sống lại tinh thần Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Hai hạng người này không nhất thiết là tại gia hay xuất gia, cũng không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo bởi Thiền lấy tâm làm gốc, vì ai ai cũng có tâm, nên mọi người đều có thể đến với Thiền, và phục hưng lại Thiền tông trên đất nước này.
8. HỎI :
Vai trò lịch sử của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xưa và nay như thế nào ?
XIN ĐÁP :
Vai trò lịch sử Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xưa kia gắn liền với sự nghiệp Sơ Tổ Trúc Lâm tức vua Trần Nhân Tông, Người sáng lập Tông phái này. Sự nghiệp của Ngài càng vĩ đại bao nhiêu thì vai trò lịch sử của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có ý nghĩa bấy nhiêu !
Trần Nhân Tông đã thấm nhuần giáo lý Phật Đà từ thuở nhỏ, lại được “Thiền tủy” nơi Tuệ Trung Thượng Sĩ. Ngài đã có lần bỏ cung điện định trốn vào núi Yên Tử tu hành, nhưng bị vua cha phát hiện cho người tìm, bất đắc dĩ Ngài phải trở về. Vì vậy, sau này dù ở cương vị nào, phong cách của Ngài cũng chính là phong cách của một Thiền gia, đồng thời, mãi mãi nuôi dưỡng thấm nhuần, cho đến cuối đời khi đầy đủ nhân duyên, Ngài xuất gia tu hành chứng ngộ làm Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm.
Qua những tác phẩm tuyệt tác của Ngài, người ta có thể nhìn Ngài với đôi mắt là nhà Văn hóa lớn, nhưng đó chính là văn hóa Phật giáo Thiền tông. Những chiến công hiển hách, qua hai lần trực tiếp lãnh đạo và tham gia chiến đấu thắng quân Nguyên Mông, bảo vệ độc lập toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân, người ta có thể nhìn Ngài như vị anh hùng dân tộc, một Hoàng đế anh minh, nhưng đó là tâm địa của một Bồ tát, chiến đấu không phải do lòng căm thù mà phát xuất từ lợi ích và lòng từ bi đối với nhân loại, và thuận theo dòng đời, đúng như lời Quốc Sư Phù Vân nói :“Phàm làm đấng nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và tâm thiên hạ làm tâm của mình”.
Cuối cùng, như hoa sen mọc từ bùn, sống trong cõi đời ngũ trược mà không bị nhiễm ô, xây dựng thế gian mà không bị buộc ràng danh lợi…Ngài nhập thế để rồi xuất thế. Là vua anh minh, là anh hùng có công với dân tộc và cũng là Tổ sư Thiền. Thế nên, ngày nay hình ảnh của Ngài là biểu trưng cho đạo pháp gắn liền với dân tộc, và đã trở thành một truyền thống cao quý có ý nghĩa thực tiễn trong mọi thời đại.
Ngày nay dù ở cương vị nào chúng ta cũng đều là con cháu của Ngài, đều có thể tôn thờ và học hỏi ở nơi Ngài. Đây chính là điểm khác biệt so với các bậc tiền bối anh hùng xưa nay, sánh cùng các bậc vĩ nhân trong mọi thời đại.
Ngày nay, Hòa thượng Thích Thanh Từ chủ trương khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử , là một Tăng sĩ Phật giáo xuất thân từ một người dân bình thường sống giữa vùng quê hương sông nước. Hoà thượng đã thực hiện đúng vai trò của mình, và của một Thiền gia : lấy tâm làm gốc, chúng sinh làm bạn, vũ trụ làm nhà. Ngài đã dịch thuật và giảng dạy các kinh điển Phật giáo,và các luận, ngữ lục Thiền sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, ứng dụng tu hành và giảng dạy cho chư Tăng Ni, Phật tử cùng tu học, cùng tiếp nối con đường của chư Tổ.
Thế nên, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chính thức được phục hưng, đã làm sống lại Thiền học nước nhà hơn thế kỷ vắng bóng. Đồng thời tinh hoa Thiền học Thiền phái Trúc Lâm cũng có mặt nhiều nơi trên thế giới góp phần làm rạng rỡ non sông nước Việt, thắt chặt thêm tình bạn bốn phương. Đặc biệt hơn nữa, là góp phần chấn hưng Phật giáo, giúp cho mọi người có thêm chính kiến, xóa dần những hủ tục, mê tín dị đoan, xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh, ấm no, hạnh phúc cho quần sinh .
Các bài mới
- Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử - 08/09/2015
- TÂM THIỀN CỦA SƠ TỔ TRÚC LÂM - 03/09/2009
- Tinh thần phản quan trong Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - 03/09/2009
Các bài đã đăng
Giới thiệu
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 23109
- Online: 54