Tứ hoằng thệ nguyện
31/07/2017 | Lượt xem: 3675
TT.Thích Thông Phương
Buổi sinh hoạt hôm nay quý thầy sẽ nói về ý chỉ của Tứ Hoằng Thệ Nguyện.
Đây là bài nguyện mà chúng ta thường đọc, tuy thường đọc nhưng lại ít người hiểu được ý nghĩa. Vì thế, chúng ta cần phải học kỹ để hiểu sâu ý nghĩa trong đó, chớ không phải chỉ đọc suông.
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Trước nói về ý nghĩa của hai chữ “Hoằng Thệ”. Chữ “Hoằng” là rộng lớn. Tứ Hoằng Thệ Nguyện là bốn thệ nguyện rộng lớn. Vì sao gọi là thệ nguyện rộng lớn?
Người tu hành thường có nhiều thệ nguyện như: Thệ nguyện ăn chay, thệ nguyện học đạo, thệ nguyện bỏ thuốc lá v.v…, đó gọi là thệ nguyện. Và việc tu hành cũng phải có thệ nguyện để thúc đẩy đưa chúng ta tiến tu.
Đây nói thệ nguyện rộng lớn là mở rộng tâm mình đến chỗ không bờ mé, không giới hạn như thế mới thật rộng lớn. Bởi vì chúng sanh thường sống với tâm nhỏ hẹp, tâm chỉ biết bao quanh cái ngã bản thân. Còn theo tinh thần này thì Phật dạy người tu hành phải phát bốn nguyện rộng lớn giống như Bồ-tát, nhờ vậy nhắc nhở người tu phá bỏ tâm niệm còn giới hạn, phá cái biết lẩn quẩn trong cái thân mấy chục kí lô hạn hẹp này. Cho nên, trên con đường học đạo tu hành thì bốn thệ nguyện này có ý nghĩa rất sâu, người tu hành chúng ta không phải chỉ đọc suông mà phải hiểu được ý nghĩa để nhắc nhở mỗi người tiến tu.
1- Chúng Sanh Vô Biên Thệ Nguyện Độ: Chúng sanh thì nhiều không tính kể, không có bờ mé nhưng vẫn thệ nguyện độ hết không sót một người, tức là độ hoài không hề dừng nghỉ, cũng không chừa ai lại cả. Dù là chúng sanh tâm hay là chúng sanh bên ngoài cũng đều thệ nguyện độ hết chứ không phải chỉ độ chúng sanh tâm thôi! Chúng sanh tâm cũng độ, chúng sanh bên ngoài cũng độ, độ hết không kể số lượng nên gọi là vô biên, nhờ vậy mà chúng ta trừ được niệm thân sơ.
Thường thì tâm chúng ta rất nhỏ hẹp, làm gì được một lúc thì thấy mỏi mệt nên không phải là tâm Bồ-tát. Hoặc cho là người này dễ dạy nên độ, còn người kia không dễ dạy thì không độ, hay là do chúng ta thương người này nên độ, không thương người kia nên thôi không độ v.v…, như vậy là chưa phải tâm Bồ-tát. Theo tinh thần này, người tu hành phải thệ nguyện phát tâm độ hết chúng sanh không chừa, không sót một ai, được vậy tâm mới rộng lớn và càng ngày càng mở rộng lớn thêm. Nhưng chúng ta chỉ sống theo tâm hạn hẹp trong cái ngã của mình nên ai dễ dạy thì độ, ai khó dạy thì không độ; người thân với mình thì độ còn nghịch thì không độ. Hay chỉ độ một số vừa phải, độ nhiều sẽ đưa đến mệt mỏi, đó là tâm cạn hẹp, còn theo tinh thần này dạy chúng ta mở tâm rộng lớn đến không bờ mé.
Trên đường tu, do chúng ta thấy chúng sanh tâm của mình khó điều phục, rất khó độ, chính đây khiến chúng ta càng thấy rõ trên đường giác ngộ chúng ta còn cái gì? Còn những niệm chấp ngã vi tế, chưa thấu triệt được lẽ thật, tức là chưa thấu triệt trọn vẹn theo tinh thần như kinh Kim Cang nói: “Chúng sanh tức phi chúng sanh” (Chúng sanh không phải là chúng sanh). Bởi tự tánh chúng sanh vốn là Niết-bàn, hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh. Vậy thì chúng ta thấy rõ cội nguồn của chúng sanh là Phật tánh nên danh từ chúng sanh này chỉ là tạm thời chứ không thật có, không cố định. Nhờ thấu hiểu được rồi nên tâm không lo sợ chúng sanh độ không hết và tâm giác ngộ càng thêm sáng tỏ.
Nếu thấy chúng sanh nhiều nên khó độ, tức là còn thấy chúng sanh thật. Mà còn thấy thật thì trái với lý của kinh Bát-nhã và kinh Kim Cang, và như vậy thì sự giác ngộ của chúng ta cũng chưa thấu triệt đến viên mãn. Cho nên, khi đã thấu rõ tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, vậy cội gốc của chúng sanh là Phật tánh còn “chúng sanh này” là cái tạm đặt tên.
Theo tinh thần của Bát-nhã thì chúng sanh vốn là tánh không, không thật có, nên không phải lo sợ là độ không hết. Và tuy nói là độ nhưng thật ra không có cái gì để độ hết, chỉ là nhắc lại cho mỗi người nhớ là mình sẵn có Phật tánh, nhờ vậy chúng ta không phải lo sợ mà còn giúp mở sáng trí tuệ Bát-nhã thấu được lẽ thật của chúng sanh. Phật dạy trong Tiểu phẩm Bát-nhã: “Tất cả chúng sanh xưa nay là thanh tịnh. Giả sử khiến cho chư Phật ở trăm ngàn muôn kiếp xướng to lên: “Chúng sanh chúng sanh” cũng không thể quyết định có chúng sanh có thể được”.
Với con mắt Bát-nhã, Phật thấy chúng sanh xưa nay là thanh tịnh. Vậy thì cái gọi là “chúng sanh này” là cái điên đảo vọng tưởng, còn cái thật vốn là thanh tịnh. Cho nên, Phật xác định rõ là giả sử khiến cho chư Phật ở trăm ngàn muôn kiếp xướng lên rằng: “Chúng sanh chúng sanh”, nhưng chúng sanh cũng không thể nào là thật có được, chính Đức Phật đã xác định rõ như vậy. Bởi cái mà chúng ta gọi là chúng sanh này chính là cái điên đảo vọng tưởng chứ không có thật thể, cái thật của chúng ta xưa nay vốn là thanh tịnh sáng suốt
Đây kinh nói: “Lại giả sử không phải một Đức Phật mà là nhiều Đức Phật ở trong trăm ngàn muôn kiếp xướng lên: “Chúng sanh, chúng sanh” nhưng cũng không thật có chúng sanh”. Qua đó đem lại niềm tin cho chúng ta vươn lên để không còn mặc cảm làm chúng sanh mãi mãi. Nhiều người nghĩ là chúng sanh nghiệp nặng nên tu không biết đến bao giờ thành Phật, chỉ nghĩ tu cho có phước để kiếp sau được hưởng.
Tại sao chúng ta không dám nghĩ bản thân mình sẽ được thành Phật? Vì chấp mình mãi là chúng sanh. Còn ở đây Phật dạy “chúng sanh này” không phải là mình, mình không phải là cái chúng sanh này mà mình là Phật tánh, phải hiểu kỹ như vậy mới xác định được niềm tin để tiến lên. Vì thế, chúng ta thấy “cái mình này” chỉ là cái tạm thôi nên sẵn sàng vươn lên vượt ra khỏi cái chúng sanh này. Trong con mắt Bát-nhã thì Phật và chúng sanh cũng đều là giả danh, bản thể vốn không hai.
Cái tên Phật, tên chúng sanh đều là cái tên nên đừng mắc kẹt vào cái tên đó để sinh chướng. Thí dụ như quý vị trong đây có ai giác ngộ được Phật tánh của mình, sống được với Phật tánh của mình thì còn gọi chúng sanh không? Không còn là chúng sanh mà gọi là Thánh, là Hiền, là Phật. Vậy thì cái tên chúng sanh này là cái tên tạm đặt trong một thời gian nào đó thôi, khi hết mê thì đâu còn gọi là chúng sanh nữa. Cái tên Phật cũng vậy, cũng đâu phải là sẵn có mà là do chúng ta chuyển từ chúng sanh mê này đến rồi đặt tên là Phật, nên đó là cái tên thôi còn thể giác thì không hai.
Chính Lục Tổ cũng nói: “Tất cả chúng sanh cũng đều là giả danh, nếu lìa vọng tâm tức không chúng sanh có thể được nên nói tức chẳng phải chúng sanh” Nếu lìa vọng tâm thì không có chúng sanh có thể được bởi vì thực ra mình sống với vọng tâm cho nên gọi là chúng sanh, nếu không còn vọng tâm thì đâu còn gọi là chúng sanh nữa.
Như vậy, còn thấy có một chúng sanh chưa được độ tức là còn thấy có một chúng sanh thật, và nếu còn thấy có một chúng sanh thật thì tức là tâm của mình còn giới hạn ngay chỗ đó. Cho nên, nếu giác ngộ viên mãn rồi thì thấy tất cả xưa nay đều là thanh tịnh tức không có chúng sanh có thể được.
Có câu chuyện: “Ma vương phát tâm Bồ-đề”. Xưa, Thế Tôn dẫn các vị Thánh chúng lên cõi trời thứ sáu giảng kinh Đại Tập (là cõi trời của Ma vương). Khi sắp giảng kinh, Phật dạy triệu tất cả các loài quỷ hung dữ ở trên trời hoặc ở nhân gian thuộc cõi này và ở các cõi khác đều phải tập trung lại để nhận lời phó chúc của Phật là ủng hộ chánh pháp. Giả sử có quỷ nào không chịu đến thì Tứ thiên vương phóng bánh xe sắt cháy đỏ truy đuổi khiến chúng đều phải đến họp. Vì Tứ thiên vương cai quản các quỷ thần nên quỷ thần ngang ngược không chịu đến thì nhờ Tứ thiên vương truy đuổi.
Khi ấy, tất cả loài quỷ đều nhận lời dạy của Phật, mỗi quỷ cũng đều phát thệ nguyện rộng lớn ủng hộ chánh pháp nhưng chỉ có một Ma vương nói với Thế Tôn: “Thưa Cù Đàm! Tôi đợi tất cả chúng sanh thành Phật hết, cõi chúng sanh trống rỗng cả không còn một cái tên gọi chúng sanh nữa thì tôi mới phát tâm Bồ- đề”.
Quý vị nghe như vậy có nản lòng không? Nếu người chưa có hiểu sâu thì cho Ma vương ấy hơi ngang ngược, nhưng chính Ma vương nói vậy là đã có phát tâm Bồ-đề rồi! Hiểu được câu nói ấy thì mới thấy Ma vương hiểu đạo rất sâu. Ngay cái niệm đó là đã phát tâm Bồ-đề rồi, vì phát tâm Bồ-đề nên mới nguyện độ tất cả chúng sanh không bỏ sót ai.
Trong kinh Kim Cang, Phật dạy về pháp để hàng phục tâm là phải độ tất cả chín loài chúng sanh vào vô dư Niết-bàn nhưng không thấy có một chúng sanh nào được độ. Đó là cái thấy tột cội nguồn của chúng sanh vốn là Phật nên độ mà không thấy có độ gì hết, và khi thấy như vậy thì đâu còn sợ, mà cũng vừa mở sáng tâm mình, vừa mở trí tuệ của mình thêm lớn, nên bài thệ nguyện này có ý nghĩa rất sâu.
Tuy nhiên, người tu thường thì chỉ đọc suông vậy thôi, chứ không tìm hiểu ý nghĩa. Có khi còn nghi ngờ là chúng sanh nhiều như vậy thì làm sao độ hết? Hoặc những người mà ta không ưa cũng độ hết hay sao? v.v... Chính qua lời thệ nguyện này sẽ nhắc chúng ta mở rộng cái tâm đó và cũng để mở cái thấy của chúng ta nữa. Đó là ý nghĩa của câu thứ nhất “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”.
2- Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn: Tức là phiền não nhiều không cùng tận nhưng chúng ta thệ nguyện đoạn sạch không sót. Đó cũng là phát tâm kiên cố rộng lớn không thoái chuyển, tiến mãi không dừng. Khi còn thấy có phiền não thì còn phải đoạn chứ không nản lòng, không bỏ cuộc, hoặc chỉ đoạn một ít rồi để dành lại.
Trong Ngộ Tánh Luận, Tổ sư nói: “Phiền não và Niết-bàn đồng là tánh không, do đó người Tiểu thừa vọng đoạn phiền não, vọng vào Niết-bàn, bị Niết-bàn làm ngưng trệ; Bồ-tát thì biết phiền não tánh không tức chẳng lìa không nên thường ở Niết-bàn”.
Do Bồ-tát biết rõ phiền não tánh không tức chẳng lìa không nên các Ngài thường ở Niết-bàn. Các Ngài không sợ phiền não vì thấu rõ tánh phiền não tức là Niết-bàn. Nghĩa là phiền não vốn không có cái tánh thực là phiền não, hay là không có tánh cố định là phiền não nên dù phiền não có sâu dày thế mấy đi nữa vẫn thấy rõ nó là tánh không. Và đã là tánh không thì đều có thể chuyển được, không sợ là không hết. Đây chính là một niềm tin, một sức mạnh để cho chúng ta tiến lên. Có nhiều người tu thời gian rồi thì thấy phiền não nhiều quá nên ngán, nghĩ sao tu nhiều năm mà vẫn không thấy hết phiền não. Vì nghĩ vậy nên tâm chán nản, khi đó phiền não thành là có thật.
Cũng vậy có nhiều người chưa tu thì rất ham tu, khi tu một thời gian thì thấy vọng tưởng nhiều quá nên ngán không dám ngồi thiền nữa. Sở dĩ như vậy là bởi cho vọng tưởng là thật.
Khi đi chơi thì chúng ta thấy không có vọng tưởng nhưng ngồi thiền thì có vọng tưởng. Vậy ngồi thiền mà có vọng tưởng là dở hay sao? Đúng ra khi chúng ta đi chơi thì đâu có tu, tâm động theo duyên bên ngoài nên không thấy vọng tưởng; còn ngồi thiền tâm yên giống như nước lắng xuống khi đó thấy được rong rêu, cá ở trong nước. Cũng vậy, khi ngồi thiền tâm yên thì mới thấy được vọng tưởng trồi lên, mà đã biết là vọng thì đâu phải sợ. Vì khi tâm chúng ta thấy được vọng tưởng tức là tâm đã có định nên mới thấy được niệm vọng chứ đâu phải ngồi thiền có vọng tưởng là mình tu dở.
Thứ hai, nó là những vọng tưởng, thì tức là những bóng dáng, nó có trồi lên rồi nó cũng qua, cũng mất chứ nó không có thường trụ, không có một cái vọng tưởng nào mà nó thường còn mãi mãi. Vậy nó rõ ràng là tánh không.
Phiền não cũng vậy. Xin hỏi ở đây có ai phiền não nhiều nhất thì đem ra đây xem thử? Nếu hiện giờ chúng ta tìm không có nhưng lát sau ra ngoài gặp duyên thì nó sanh. Như vậy, rõ ràng phiền não không có thật, nếu có thật thì phải đem ra được vì có sẵn, nhưng tất cả chúng ta đều không thể đem vọng tưởng ra được mà phải đợi đủ duyên thì nó mới khởi, nên nó không có thật thể.
Xét kỹ thì phiền não cũng từ chấp ngã mà ra, do chấp ngã mà chấp thân này có ta nên có ai đụng đến thì liền phiền não. Mà cái TA này vốn không thật có, quý vị thử suy tìm quán xét cho kỹ cho sâu thì thấy ta là cái gì? Chỉ không ra. Như vậy cái thật thể của cái ngã mà chúng ta đã chấp là không thật có, thì cái chấp cũng là không thật luôn. Chính do mê lầm mà vọng sanh, đã vọng sanh thì không có thực. Giống như là nằm chiêm bao thấy có ta đi đây đi kia, ta làm chuyện này chuyện nọ, buồn vui giận ghét v.v…, nghĩa là ai có đụng đến ta thì cũng phiền não, rồi ai cho vàng cũng mừng nhận, ai rượt cũng sợ rồi chạy v.v… như vậy là thấy có ta rõ ràng ở trong đó. Nhưng khi giật mình tỉnh dậy thì sao?
Thí dụ như lúc đang chiêm bao thấy bị cọp rượt nên ta chạy. Lúc chạy đến bờ sông thấy có chiếc thuyền, liền vội vàng nhảy xuống nhờ người lái thuyền bơi nhanh để tránh cọp. Nhưng khi nhảy xuống thuyền vừa định bơi qua liền giật mình tỉnh dậy, thì lúc ấy có còn ngồi đợi trên thuyền chờ bơi đến bờ bên kia sông không? Rõ ràng tỉnh rồi thì nó không có gì hết. Nhưng mà cũng có người tỉnh rồi vẫn còn sợ, còn đổ mồ hôi. Ngược lại nếu trong chiêm bao thấy ai dẫn mình đi tới một cái kho đầy kim cương hột xoàn, mình định lấy một vài hột bỏ vào túi thì bỗng giật mình tỉnh dậy, thì khi ấy tâm mình thế nào? Tiếc quá! Đó là mê.
Nên ở đây phải mở sáng con mắt trí tuệ để thấy rõ cái ta này nó cũng giống như vậy, đều là vọng sanh, y hệt như chiêm bao chứ không có thật. Rõ ràng, phiền não y nơi cái ngã vọng chấp mà có đều là không thật, nên nói gọn là tuy đoạn mà không có gì để đoạn, chỉ là nhắc để chúng ta nhớ rồi sống trở lại và chuyển hóa khiến nó tan, cuối cùng sạch hết dấu vết, lúc ấy gọi là đoạn dứt phiền não.
Nhắc lại, lúc mê chúng ta thấy phải đoạn phiền não để chứng Niết-bàn nhưng khi giác rồi thì biết rõ không còn dấu vết để đoạn. Bởi vì nếu mà còn thấy có dấu vết phiền não để đoạn tức là vẫn chưa thật đoạn sạch phiền não. Ý rõ ràng như vậy.
Nếu người đã rõ sáng lý Bát-nhã rồi thì không còn sợ phiền não nhiều vô tận. Cho nên, việc quan trọng hiện tại của chúng ta là khéo mở sáng con mắt Bát-nhã, thấy đúng lẽ thật rồi phát tâm kiên cố bền vững, hễ còn phiền não là còn đoạn, chứ không đoạn nửa chừng cũng không có đoạn một lúc rồi thôi.
Ngài Lâm Tế có nói bài kệ:
“Phiền não do tâm nên có,
Không tâm phiền não buộc gì?
Chẳng nhọc phân biệt chấp tướng,
Tự nhiên được đạo liền đây.”
Phiền não do tâm sanh. Thí dụ tham là do tâm tham, nếu ta không khởi lòng tham tức không có cái tâm tham thì rõ ràng tâm không sanh phiền não. Chính vì còn tâm tham nên thấy vàng thì thích, rồi muốn lấy muốn giữ, thì đó là phiền não rồi.
Cũng vậy, do chúng ta còn có tâm sân nên người đụng vào thì liền khởi sân. Nếu tâm không có niệm sân thì có ai làm thương tổn đến mình thì mình cũng không sân. Vì do tâm nên mới khởi phiền não, nếu tâm không sân thì tâm không bị buộc chỗ nào hết nên phiền não buộc ai? Đây gọi là không nhọc phân biệt chấp tướng. Khi tâm không phân biệt chấp tướng thì không phiền não vì còn phân biệt đây là vàng, hoặc ta đây là quý v.v… nên khởi tham. Nếu không có khởi tâm phân biệt thì khi thấy vàng cũng biết chỉ là một thứ kim loại thôi thì đâu có gì để trói buộc.
Thật ra không phải vàng nó trói buộc mình mà chính mình trói buộc vào vàng. Nhưng thường thì người ta đổ thừa vàng nó trói tôi, hoặc là cảnh này cảnh kia trói tôi v.v… Sự thật thì không có cảnh nào trói hết mà chính mình tự trói vào cảnh đó.
Như có một viên kim cương mà cho đứa bé thì sao? Hoặc lấy một viên kim cương với viên kẹo sôcôla đem cho đứa bé thì nó lấy cái nào? Lấy viên kẹo sôcôla, vậy thì viên kim cương đâu có trói đứa bé, nhưng tại sao với chúng ta khi thấy viên kim cương thì mắt liền sáng, đó là do tâm phân biệt.
Ở đây, ngài Lâm Tế nói nếu chẳng nhọc phân biệt chấp tướng thì ngay đây liền được đạo. Có nhiều người đổ thừa cảnh này nó trói buộc nên tôi bỏ sang chỗ khác, nhưng nếu còn tâm phân biệt thì qua cảnh khác cũng bị cảnh khác trói nữa.
Thí dụ như có người cho cảnh này động quá khó tu nên lánh vào rừng núi để yên tu. Nhưng vào rừng núi lại gặp khỉ vượn nó cứ chí chóe hoài nên cũng không yên. Rõ ràng, nếu tâm chúng ta không yên thì ở chỗ nào cũng không yên, còn tâm yên rồi thì ở chỗ nào cũng yên, nên phiền não do tâm mà có. Tuy nhiên, dù phiền não có nhiều vô tận cũng không phải sợ, vì biết rõ phiền não vốn là tánh không, nên phát thệ nguyện đoạn sạch hết. Người không hiểu thì thấy phiền não là thật cho nên sợ do đó cố trừ dẹp một thời gian thì cảm thấy mệt mỏi chán nản rồi buông xuôi, đó là không thấy được lẽ thật.
Còn ở đây khéo mở sáng trí tuệ thấy đúng lẽ thật nên phát tâm tâm kiên cố không thoái chuyển, đoạn sạch phiền não chứ không chỉ dừng ở giai đoạn nào. Đây là ý nghĩa thứ hai, mở tâm rộng lớn không có giới hạn.
3- Pháp môn vô lượng thệ nguyện học: Tức là pháp môn nhiều vô lượng vô số nhưng thệ nguyện học hết. Đây cũng là việc hơi khó. Học hết không bỏ sót pháp nào, tức là không sợ nhiều, không sợ khó, không phải chỉ học chút ít nửa chừng rồi dừng lại cho bao nhiêu đó đủ rồi. Như kinh nói: “Tám mươi bốn ngàn pháp môn” là còn có số lượng, còn ở đây nói là pháp môn vô lượng nhưng chúng ta vẫn thệ nguyện học hết tức là tâm tinh tấn không có giới hạn, cũng gọi là phát tâm học Phật pháp, nếu còn có một pháp môn nào là còn học. Bởi vì dù pháp môn nhiều như thế nào đi nữa mà nếu hiểu kỹ rồi thì sao? Cũng từ tâm sanh. Một pháp môn cũng từ tâm sanh mà vô lượng pháp môn cũng từ tâm sanh, gọi là: “Do chúng sanh có tám mươi bốn ngàn phiền não nên Phật dạy tám mươi bốn ngàn pháp môn để đối trị”. Tám mươi bốn ngàn phiền não đều từ tâm, các pháp môn cũng từ tâm sáng lập.
Do chúng sanh có vô số tâm nên pháp môn có vô số pháp để dẹp trừ vô số tâm của chúng sanh. Nếu người ngộ được tự tâm thì chính đó là pháp gốc, nếu học ngay pháp đó thì liền sáng được mỗi pháp mỗi pháp cũng đều từ tâm đó mà ra không có gì khác nên không sợ không học hết. Như bài kệ truyền pháp của Đức Phật:
Pháp bổn pháp vô pháp,
Vô pháp pháp diệc pháp.
Kim phó vô pháp thời,
Pháp pháp hà tằng pháp.
Dịch:
Pháp gốc pháp, không pháp,
Pháp không pháp cũng pháp.
Nay khi trao không pháp,
Pháp pháp đâu từng pháp.
Pháp gọi là bổn pháp tức là cái pháp gốc đó, vốn là không pháp, nghĩa là nó không có pháp này pháp kia, nó không là gì hết. Để nói lên cái pháp gốc đó chính là tâm thôi. Rồi “Pháp không pháp đó cũng là pháp”. Nếu như người nghe nói đến cái pháp không pháp ấy rồi nghĩ rằng nó cũng là một pháp gì đó thì lại cũng thành mắc kẹt. Tóm lại, pháp gọi là bổn pháp tức là không có pháp thật, nó chỉ là tâm thôi; nếu thấy nó là pháp thì lại mắc kẹt nữa, lại thành có một pháp ngoài tâm.
“Nay khi trao cái không pháp đó”, gọi là nhận được bản tâm thì mới thấy rõ được là: “Mỗi pháp mỗi pháp không có pháp nào thật”. Pháp từ tâm sanh nên gọi là pháp nhưng không phải là pháp. Như vậy thấu rõ được cái pháp gốc, tức là thấu rõ được ngay bản tâm của mình, khi ấy liền rõ mỗi pháp không có cái pháp nào là thật, thì dù cho vô lượng pháp môn mà không có pháp nào thật, vậy đâu có gì phải sợ. Thấy rõ như vậy thì không thấy có một pháp môn nào thật ngoài tâm mà có, thì khi ấy không còn một pháp nào để chúng ta tìm cầu, và như vậy là thấu rõ các pháp rồi.
Khi ấy không còn sợ pháp môn nhiều học không hết mà còn mở sáng trí tuệ giúp chúng ta thấu suốt hết tất cả các pháp khác. Nếu chúng ta thấy có một pháp thật thì còn cần phải học nữa để thấu qua, bởi vì trí tuệ lúc đó chưa viên mãn. Còn ngay đó dừng lại, tức chưa xong việc, chưa gì mà thấy đủ thì còn mắc kẹt, còn tự mãn. Khi đã hiểu kỹ rồi mới thấy, nếu chúng ta còn thấy có một pháp nào thật ngoài tâm mà có, tức mê chướng chưa hết, nên còn phải học nữa, học hoài để cho thấu qua chỗ đó, nếu không thì bị cái pháp đó làm chướng ngại.
Do đó, ở đây dạy phát tâm đối với pháp môn vô lượng đều thệ nguyện học hết, học không dừng, không bỏ sót. Nếu học như vậy thì học hoài không chán, và người tu như vậy là càng tu càng mở cái tâm mình không có giới hạn. Đó là phát nguyện thứ ba.
4- Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành: Phật đạo là chỗ vô thượng không có gì trên được nữa và chúng ta thệ nguyện thành tựu chỗ đó. Tức là tu hành nguyện thẳng đến thành Phật đạo chứ không phải dừng bước giữa chừng, và dù có trải qua vô số kiếp khổ nhọc nhưng vẫn quyết chí tu đến chỗ tột cùng chứ không phải chỉ tu đạt được một vài đạo quả rồi hài lòng. Phải phát tâm tu đến rốt ráo chứ không phải chỉ tu một lúc rồi thôi. Cũng không phải sợ Phật đạo cao xa khó thành nên tu chứng được vài đạo quả như Tu-đà-hoàn cũng đủ vốn, như vậy tức là tâm vẫn còn nhỏ hẹp.
Ở đây dạy tu là phải tu cho đến rốt ráo chứ không phải cho đó là điều cao xa nên không dám mong tới. Bởi vì đa phần chúng sanh ít dám mong thành tựu quả Phật, chỉ nghĩ là mình tu chứng được vài đạo quả cũng tốt rồi, nếu đợi tu cho tới thành Phật thì còn xa quá. Nhưng Phật dạy chúng ta phải thấu rõ, phải phát tâm niệm mạnh mẽ như vậy để thành Phật chứ không phải chỉ tu nửa chừng.
Tinh thần của nhà Phật là bình đẳng, vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tức là tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật chứ không phải tu rồi về quỳ dưới chân Phật. Nên Phật nói rõ: “Ta là Phật đã thành, còn các ngươi là Phật sẽ thành”. Đây chính là bản hoài của chư Phật khi xuất hiện ra đời như trong kinh Pháp Hoa đã nói, Ngài nhằm chỉ cho tất cả chúng sanh hay là khai thị cho tất cả chúng sanh ngộ nhập vào tri kiến Phật để thành Phật. Bản hoài của Phật là giúp tất cả chúng sanh nhận ra tri kiến Phật nơi mình để tỏ ngộ và sống được như Phật, chứ không phải dạy các ông tu rồi về quì dưới chân ta. Phật rất bình đẳng.
Người tu hành nhờ thấu rõ được như vậy thì sẽ có niềm tin mạnh mẽ, có tâm quyết chí tu hành đến ngày thành Phật đạo mới thôi. Nhờ có đủ niềm tin nên chúng ta thẳng tiến trên đường tu.
Hiểu sâu thêm sẽ thấy rõ là, ý nghĩa thành Phật đạo tức là thành trong tự tâm của mình chứ không phải ở đâu khác. Phật đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là ở ngay trong tự tâm của mình, vì ở ngay trong tự tâm của mình nên chẳng phải lo sợ tìm ở chỗ khác mà cũng chẳng lo sợ chẳng thành, nên nói thành mà cũng không có gì để thành.
Đó là ý nghĩa: “Vô chứng vô đắc” tức là không có thể chứng, không có thể đắc. Nghĩa là trở về với lẽ thật nơi chính mình, sống trở về với Phật tánh của chính mình đã quên vậy thôi. Thành Phật là thành ngay nơi chính mình chứ cũng không phải thành ở nơi cái mới được, mới có. Cho nên, trong kinh Duy-ma-cật có đoạn thiên nữ cùng luận đạo với ngài Xá-lợi-phất:
Ngài Xá-lợi-phất thấy tiên nữ hiểu đạo sâu nên Ngài mới hỏi: “Như vậy thì còn bao lâu nữa cô sẽ đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?” Thiên nữ đáp: “Nếu như ngài Xá-lợi-phất trở lại làm phàm phu thì chừng đó tôi mới thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Ngài Xá-lợi-phất nói: “Không bao giờ có chuyện tôi trở lại làm phàm phu.” Thiên nữ nói: “Thì cũng không có chuyện tôi được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tại sao? Vì Bồ-đề không có chỗ trụ cũng không có tự tánh”.
Qua đó, chúng ta thấy thiên nữ có trí tuệ thấu được đến những lẽ thật này. Nói thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nhưng sự thật không thành ở đâu khác. Nên tiên nữ mới nói: “Nếu ngài Xá-lợi-phất trở lại làm phàm phu thì tôi mới thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Ngài Xá-lợi-phất nói: “Tôi đã là A-la-hán, làm sao trở lại làm phàm phu được” Thiên nữ nói: “Cũng vậy, tôi cũng không bao giờ trở thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác được. Tại sao? Vì Bồ-đề không có chỗ trụ tức không có chỗ được”.
Ngài Xá-lợi-phất mới vặn lại: “Hiện nay chư Phật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chư Phật đã được, chư Phật sẽ được nhiều như số cát sông Hằng, như vậy sẽ nói thế nào?”. Ngài nói hiện nay không phải chỉ một Đức Phật Thích Ca thành Phật, mà còn vô số Phật trong hằng hà sa số cõi nữa. Đó là ngay trong cõi hiện tại, còn quá khứ, vị lai sau này sẽ còn vô số Phật sẽ thành Phật nữa, là sao?
Thiên nữ nói: “Đó thảy đều do văn tự thế tục ghi chép nên nói có ba đời, chẳng phải Bồ-đề có quá khứ, hiện tại, vị lai.” Tiên nữ nói rõ là, sở dĩ nói có chư Phật đã được Bồ-đề, chư Phật đang được Bồ-đề, chư Phật sẽ được Bồ-đề đều là nói theo văn tự thế tục, tức theo ngôn ngữ ghi chép của thế gian chứ còn trên lẽ thật thì Bồ-đề không có quá khứ, hiện tại, vị lai, tức là Bồ-đề không có cái đã được đang được và sẽ được. Bồ-đề mà nói là sẽ được thì tức là hiện tại chưa được, vậy là thuộc về tạo tác vô thường, không phải Bồ-đề chân thật. Nhưng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là ngay trong tự tâm của chính mình, không phải thành ở bên ngoài, không phải là cái mới được. Cho nên chúng ta không lo sợ là sẽ không được thành Phật.
Hiểu vậy thì không lo sợ không được, tức là không sợ đó là việc ngoài tầm tay của mình nên không dám nghĩ tới. Thường nhiều người cho rằng Bồ-đề là chuyện cao xa, là chuyện của Phật, của Bồ-tát nên không dám nghĩ tới. Còn ở đây khi chúng ta hiểu rõ thì đó là chuyện trong tầm tay của mình, ở nơi chính mình nên đâu có phải sợ. Nhờ vậy chúng ta có đủ niềm tin tiến tu, chỉ có một điều là phải dám quên cái ngã điên đảo vọng tưởng này.
Có một học nhân đến hỏi Thiền sư: “Thế nào là một đường hướng thượng?”. Hướng thượng tức là đường thẳng đến Bồ-đề. Thiền sư đáp: “Chính là chỗ ông bỏ thân mạng”. Nếu ông dám bỏ thân mạng thì đó là con đường hướng thượng. Người dám quên cái ngã này thì tiến đến chỗ chân thật. Đó chỉ có một việc thôi, còn nghĩ lui nghĩ lại thì đó là chướng ngại.
Nhờ học đạo, chúng ta hiểu rõ cái điên đảo này do vọng tưởng cố chấp sinh ra không có thật, do đó chúng ta tin chắc mình có thể trừ sạch nó để có thể thành đạo. Đó không là chuyện xa xôi, không có chuyện gì khó khăn mà chỉ cần đủ niềm tin. Cho nên tu là phải phát tâm tu cho đến thành Phật đạo chứ không phải tu để sanh lên cõi trời hoặc là tu để được chứng vài đạo quả cho vui. Người phát tâm như vậy mới là phát tâm rộng lớn, không bờ mé, nên gọi Hoằng Thệ là như vậy.
Do phát Hoằng Thệ mà chúng ta chóng phá trừ tâm hẹp hòi của chính mình, bởi vậy bốn Hoằng Thệ này là những điều để giúp chúng ta tiến tu, là một bài tập tu chứ không phải chỉ đọc trong nghi thức. Hiểu kỹ như vậy rồi, mỗi khi chúng ta xướng bốn Hoằng Thệ này sẽ thấy rất có ý nghĩa. Ví dụ như vừa đọc xong những lời thệ đó thì gặp và làm những chuyện trái với điều vừa nguyện thì mình thấy hổ thẹn nên càng mở tâm rộng lớn thêm. Tóm lại, nghĩa sâu của Tứ Hoằng Thệ Nguyện là:
a. Trừ Tâm Niệm Phân Biệt Đối Đãi: Tức làm mà còn so tính nhiều ít, lâu mau nên dễ bị chướng ngại. Làm mà nghĩ là nhiều quá nên chỉ làm vừa chừng; còn tu thì mong một kiếp này chóng thành Phật v.v…, hoặc phải trải qua nhiều kiếp lâu quá.
Vì còn so tính lâu mau, nhiều ít nên tâm bị chướng ngại. Đây hiểu rõ thì trừ được niệm phân biệt, thấu được lẽ thật rồi thì sẵn sàng làm đến nơi đến chốn còn chuyện lâu mau nhiều ít không còn là vấn đề. Thấu rõ lẽ thật đó rồi, chính mình tu để trở lại chính mình, chuyện nhanh chậm là chuyện bên ngoài, là chuyện trong mê, hết mê là xong.
Thí dụ chúng ta hạn định cho sự tu hành trong vòng sáu tháng thì phải ngộ đạo. Đó là tu theo bản ngã. Qui định phải sáu tháng ngộ đạo nhưng mà nếu sáu tháng không ngộ thì sao? Như vậy thì hết tu vì mất hết hi vọng rồi, đó là theo cái chiều bản ngã muốn cho nó mau nó dễ. Nếu hiểu được tập khí lâu đời của mình, nó hư vọng, đều là tánh không, không thật và mỗi người có sẵn cái chân thật, thì quan trọng là nhận rõ cái chân thật, sống để trở về cái chân thật đó, còn chuyện lâu mau không thành vấn đề, nhờ vậy tâm chúng ta được an ổn tiến tu. Mà tâm an ổn tiến tu rồi thì hết vọng tưởng hồi nào không hay vì ngay đó không còn lo nghĩ gì nữa. Đó là trừ tâm phân biệt đối đãi so tính.
b. Quên Tâm Có Giới Hạn:
Nghĩa là mở tâm rộng lớn không ngằn mé, không giới hạn. Do thấu tột tất cả đều là tánh không nên thấu rõ được trước mắt không một pháp thật, đều từ tâm sanh, chỉ trọn vẹn tâm thể thêng thang không thể nghĩ bàn, do đó không thấy một chúng sanh nào “thật” có sót lại mà nguyện độ tất cả; cũng không còn thấy một phiền não nào “thật” còn sót lại trước mắt, nên cũng sẵn sàng nguyện đoạn tận phiền não. Cũng không còn thấy có một pháp môn nào “thật” còn sót lại trước mắt nữa, tức trước mắt mình không có một pháp thật, cho nên nguyện học vô lượng pháp môn. Rồi cũng không còn thấy có một Phật đạo nào “thật” thứ hai ngoài tự tánh còn sót lại, nên không còn sợ Phật đạo cao xa gì ở trên mà sẵn sàng nguyện trọn thành Phật đạo.
Được vậy mới sống trọn vẹn tâm giác ngộ và tâm giác ngộ được trọn vẹn viên mãn. Nếu còn thấy một pháp môn nào thật ngoài mình thì sự giác ngộ của chúng ta chưa viên mãn, chưa thấy được pháp từ tâm sanh, vì sự giác ngộ đó ngoài tâm rồi nên giác ngộ chưa viên mãn. Cũng vậy, còn thấy có Phật đạo cao xa nào đó bên ngoài mình thì sự giác ngộ cũng chướng ngại chỗ đó. Phải thấy rõ Phật đạo chính từ tự tâm của mình chớ không ở đâu hết! Phật cũng thành Phật từ trong đó, được vậy thì tâm mình mới thênh thang và ánh sáng trí giác của mình mới trọn vẹn. Như vậy mới quên tâm giới hạn.
c. Phá Tột Ý Niệm Về Ta:
Bởi chúng ta quen sống với ý niệm chấp ngã, còn theo bóng dáng của cái ta nên sự giác ngộ bị giới hạn. Nếu không có ta thì lấy gì làm giới hạn? Chính chỗ này mới đưa người đến tột chỗ vô ngã. Như có bà lão đến hỏi Thiền sư Triệu Châu: “Già này bị mang thân người nữ chướng ngại thì làm sao khỏi được?”. Ngài đáp: “Dễ thôi! Bà hãy phát nguyện chúng sanh cõi này đều sanh về cõi trời hết và ai cũng hạnh phúc, chỉ còn mình già này ở đây chịu khổ thôi!”. Đây chính là pháp thoát khỏi chướng ngại. Vì bà thấy thân nữ này làm chướng ngại nên khổ, thì Ngài lại dạy bà phát nguyện cho tất cả chúng sinh sanh về cõi trời hết còn một mình bà ở lại đây chịu khổ, tức là sẵn sàng quên mình vì người, không còn nhớ đến cái ta này nữa thì hết khổ, hết chướng. Vì đâu còn nhớ đến ta thì ai khổ! Lời Thiền sư Triệu Châu đáp có ý nghĩa sâu xa.
Bồ-tát Địa Tạng đã phát nguyện: “Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ-đề, địa ngục vị không, thệ bất thành Phật”. Tức là Ngài độ hết chúng sanh rồi thì mới chứng Bồ-đề, còn địa ngục mà chưa trống thì nguyện chẳng thành Phật. Chính vì thấu được những lẽ thật này nên Ngài sẵn sàng phát nguyện, còn chúng ta thì đang học theo mà chưa dám phát nguyện như thế.
Do chúng ta thấy địa ngục thật, chúng sinh thật, còn Ngài thì thấy tất cả đều không thật nên dám phát nguyện. Nếu người đã biết phát nguyện như vậy rồi thì đâu còn làm khổ chúng sanh. Vì nguyện độ chúng sanh thì đâu thể làm khổ chúng sanh. Nên chúng ta đã học theo Tứ Hoằng Thệ Nguyện mà lỡ có làm khổ ai đó thì phải nhớ là đã làm trái với lời thệ nguyện rồi. Hoặc khi nhìn thấy ai đó khó ưa thì phải xét lại đã nguyện độ hết chúng sinh vì sao còn thấy người khó ưa. Chính khi đó giúp tâm chúng ta giải tỏa bớt khó chịu và tâm sẽ cởi mở. Ngay trong đạo cũng có chướng ngại, vì nhiều người còn chấp chặt nên huynh đệ lại trở thành thù nghịch. Đã nguyện độ tất cả chúng sinh mà lại còn nghịch với huynh đệ, đó là điều mâu thuẫn. Cũng vậy, nguyện độ tất cả chúng sanh mà anh em trong nhà lại nghịch là sao? Nên chúng ta phải nhớ để sớm thức tỉnh, để có sự hổ thẹn thì tâm mình sẽ cởi mở. Nếu học thấu được như vậy thì mới thấy rõ việc làm của chúng ta có ý nghĩa có giá trị, nếu không thì đọc giống như nghi thức thôi.
Tóm lại, ý của Tứ Hoằng Thệ Nguyện rất sâu, giúp người tu dứt bặt hết ý niệm đối đãi phân biệt trong ngoài để sống trọn vẹn với ánh sáng chân thật. Tức khi đã giác rồi thì phải giác mãi không cùng tận, giữ tâm kiên cố trường viễn, tiến mãi không lùi và luôn mở tâm rộng lớn. Tức là chuyển hóa tâm chúng sinh nhỏ hẹp mà khế hợp về với tâm Phật. Nhờ vậy, chúng ta sẽ quên đi những tập khí thấp hèn, ích kỷ vì bản ngã nên tu càng tiến, tâm càng vươn lên rộng rãi.
Người khéo hiểu đạo được vậy thì càng mở rộng tâm mình, phát triển tâm Bồ-đề của mình rồi tâm Bồ-đề này càng lây truyền ra rộng rãi thì ánh sáng Phật pháp càng sáng tỏ thêm và cõi đời sẽ bớt khổ. Cho nên mình đừng sợ lây truyền tâm Bồ-đề chỉ sợ lây tâm phiền não. Vì nếu càng lây truyền tâm Bồ-đề thì sự sống càng tươi mát vui thêm, đó là con đường đi đến Phật đạo. Muốn được vậy thì cốt yếu là cần thấy tánh. Thấy được lẽ thật đó tức là mình đủ sức vượt lên cái thấy chúng sinh nhỏ hẹp và thường phát đại nguyện, thường tu hạnh Bồ-tát, sống cao thượng hơn và luôn sống với tâm cao thượng mãi mãi.
Mong tất cả hiểu và sống được với tâm Bồ-đề đó.
Các bài mới
- Thiền bệnh - 26/07/2017
- Bảo nhậm - 16/07/2017
- Tổ Sư Thiền 1 - 15/06/2017
- Ý chỉ bất lập văn tự - 03/05/2017
- Ý chỉ giáo ngoại biệt truyền - 17/04/2017
Các bài đã đăng
- Tự làm hòn đảo cho chính mình - 15/04/2017
- Ứng dụng lý vô thường vào cuộc sống - 11/04/2017
- Tu thiền có chứng đắc hay không - 07/03/2017
- Tình chấp ngã, ngòi nổ của mọi sự đổ vỡ - 06/12/2016
- Sống trở lại gốc - 02/08/2016
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Video mới
- Thanh Từ Toàn Tập - Quyển 4: Kinh Duy Ma Cật, Kinh Viên Giác, giảng giải
- Thanh Từ Toàn Tập - Quyển 3: Bát Nhã Tâm Kinh, Kinh Kim Cang, Kinh ...
- Thanh Từ Toàn Tập - Quyển 1: Kinh Bộ Giảng Giải
- Tư Tưởng Phật Giáo Đời Trần ( Cập nhật Phần 34 - buổi thứ 12/17.9.24 - Tham Vấn)
- Trí Tuệ Con Người Và Trí Tuệ Nhân Tạo AI
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 60945
- Online: 53