Tự làm hòn đảo cho chính mình
15/04/2017 | Lượt xem: 5582
TT.Thích Thông Phương
I. DẪN KINH PHÁP CÚ.
Hôm nay nói chuyện cùng tất cả về đề tài “Tự Làm Hòn Đảo Cho Chính Mình”. Đây có ý nghĩa rất căn bản và trọng yếu trên đường tu của mình, là để tạo cho mình sự tự tin, tự mình phải làm hòn đảo cho chính mình. Trong kinh Pháp Cú, phẩm Cấu Uế, Đức Phật có dạy:
Đời ngươi nay sắp tàn,
Tiến gần đến Diêm vương.
Giữa đường không nơi nghỉ,
Đường trường thiếu tư lương.
***
Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần, gấp sáng suốt.
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Chẳng trở lại sanh già.
“Đời ngươi nay sắp tàn”. Đây là Ngài nhắc nhở cuộc sống của chúng ta là cuộc sống vô thường, nó luôn luôn chuyển biến để trở thành tức là đi đến chỗ hoại diệt. Cho nên, đó không phải là chỗ nương tựa lâu dài bền chắc của mình, tất cả chúng ta đang sống, đang ngồi đây nhưng phải nhớ rằng nó đang đi dần đến chỗ hoại diệt. Vậy nên:
“Tiến gần đến Diêm vương”. Tức là mình đang ngồi đây nhưng phải nhớ rằng không hẳn là ngồi đây, mà nó đang chuyển biến để trở thành cái thây ma đi ra nghĩa địa. Nhớ được như vậy thì mọi chuyện buồn vui, giận ghét, hơn thua v. v… không thành vấn đề quan trọng, bởi vì nó không phải đứng dừng một chỗ này đâu mà nó đang chuyển biến để thành cái thây ma, nó chắc chắn phải đi ra nghĩa địa. Như vậy, nếu ai còn lo yêu ghét, hơn thua thì phải nhớ điều này để xét lại, có sự tỉnh giác thì sẽ bớt đau khổ.
“Giữa đường không nơi nghỉ”. Tức là giữa con đường dài sanh tử này không có chỗ nào là nơi nghỉ, chỉ có Niết-bàn mới nghỉ được. Còn đi trong vòng sanh tử này thì còn lưu chuyển mãi không tìm đâu ra chỗ để nghỉ, vậy mà có thấy khổ không hay là không thấy khổ?
Đi trong cuộc hành trình dài như vậy mà không có nơi nghỉ tức là nó luôn luôn chuyển biến, nó vô thường đổi thay, đổi thay, đâu có chỗ nào dừng để cho mình nghỉ. Đã không có chỗ nơi nghỉ mà lại: “Đường trường thiếu tư lương”, nghĩa là nếu mình không có tu hành thì lấy gì làm tư lương? Như vậy, trên đường dài không có chỗ nghỉ ngơi lại thiếu tư lương thì sẽ đưa đến đói khát khổ sở thôi mà không hay biết. Quý vị thấy lúc này sẽ trông cậy vào ai? Trông cậy vào cái gì đây? Đó là chỗ mình cần thức tỉnh, nếu cứ lo buồn thương giận ghét hoài mà không lo tu thì cuối cùng sẽ đi đến chỗ khổ đau này vậy. Hãy nghĩ kỹ lại xem, phải làm gì đây? Đức Phật dạy: “Hãy tự làm hòn đảo”, là phải tự mình tiến tu, và “Tinh cần, gấp sáng suốt”, là phải siêng năng gấp rút tu tập chánh pháp, rồi phải sáng suốt để không có mê lầm trong đó mãi, mà phải tìm lối ra chứ không phải đi trong con đường trường mà không có nơi nghỉ như vậy. Tức là phải phát triển trí tuệ và sống theo chánh pháp để mà: “Trừ cấu uế, thanh tịnh” tức trừ sạch là những thứ phiền não nhiễm ô, sống đời sống thanh tịnh giải thoát để: “Chẳng trở lại sanh già”. Đây ngài dạy phải tự mình làm hòn đảo cho chính mình nương tựa chứ không phải ỷ lại vào bên ngoài hay trông đợi cái gì xa xôi được.
Bởi vì, mỗi người hãy kiểm lại xem, ai có thể thay thế cái sanh tử cho ta để mà mình trông cậy? Ai có thể thay thế phiền não đau khổ cho ta? Ai có thể giác ngộ giải thoát thay cho ta? Không thể là ai khác ngoài mình; và nếu trên đường dài sanh tử này không ai trông cậy ai được hết, không ai có thể thay thế mình được chuyện đó, mà cứ lo trông cậy vào bên ngoài thì có lúc phải chới với. Những cái bên ngoài nó có thể bỏ mình bất cứ lúc nào! Nên hãy tự làm hòn đảo cho mình là hơn hết.
Có câu chuyện nhà thiền: Có một vị cư sĩ đang tránh mưa ở dưới mái hiên của một nhà kia, chợt thấy một vị Thiền sư che dù đi qua thì ông liền gọi: “Thiền sư ơi, xin ngài mở lòng rộng độ chúng sanh một chút đi” tức là ngài độ cho con cùng đi một đoạn đường được chăng? Thiền sư liền bảo: “Ta ở trong mưa còn ông ở dưới mái hiên, mà ở dưới mái hiên thì không mưa vậy thì ông đâu cần ta độ” tức là ngài đang đi trong mưa còn ông đang đứng dưới mái hiên đâu có mưa ướt mà bảo rằng ta độ. Ông cư sĩ nghe vậy liền chạy ra khỏi hiên đứng, và nói “bây giờ thì con cũng đang ở trong mưa đây xin ngài hãy độ con đi?” Thiền sư bảo: “Ta ở trong mưa, ông cũng ở trong mưa, ta không bị mưa ướt vì có dù, ông bị mưa ướt vì không có dù, do đó không phải là ta độ ông mà là cây dù độ ta, vậy thì nếu ông muốn được độ xin mời đi nơi khác tìm dù”. Đó là một ý nghĩa muốn nhắc cho chúng ta thấy Thiền sư không bị ướt là nhờ có dù, như vậy chúng ta muốn không bị ướt thì cũng phải tự tìm cây dù, nếu chỉ ỷ lại nương tựa cây dù của Thiền sư thì khi ngài lấy dù lại là mất chỗ nương tựa. Nghĩa là mình phải làm sao tìm lấy cây dù của mình để tự mình che chứ không thể ỷ lại vào bên ngoài. Quý vị biết cây dù đó là cây dù gì không? Tức là cái chân thật mà mỗi người đều tự có sẵn đó, mỗi người phải lấy cây dù đó ra tự che thì bảo đảm khỏi lo bị lấy lại. Tức là mình cần phải học, cần phải tu, cần phải nhận ra lẽ thật đó thì đó mới là chỗ nương tựa chắc chắn cho mình, còn các pháp bên ngoài đều không thể nương tựa vững chắc. Bởi vì tất cả các pháp bên ngoài nó có thể bỏ mình bất cứ lúc nào, có khi nó bỏ ngang mình nữa. Thí dụ ở gia đình, con cái thì nương tựa cha mẹ nhưng có khi cha mẹ mới sanh con thì chết rồi, như vậy tức là bỏ ngang chứ gì nữa. Rồi bạn bè đang thân thiết với nhau nhưng cũng có thể một người ra đi cũng là bỏ ngang thôi. Tức là nếu mình cứ một bề ỷ lại vào bên ngoài thì mình sẽ chới với, bởi vậy ở đây Thiền sư muốn nhắc, ông phải tự tìm dù ông che đó thì mới bảo đảm cho ông chứ không thể ỷ lại vào bên ngoài.
Cũng như câu chuyện Thiền sư Phật Ấn một hôm cùng với ông Tô Đông Pha đi tản bộ ở ngoài thành, thì giữa đường thấy một bức tượng “Mã đầu Quán Âm” bằng đá, Thiền sư Phật Ấn liền chấp tay lễ Bồ tát Quán Âm, ông Tô Đông Pha thấy vậy mới hỏi “Quán Âm xưa nay là đối tượng để chúng ta lễ bái thì vì sao trên tay ngài lại đồng mang xâu chuỗi như chúng ta mà chấp tay niệm Phật, vậy Quán Âm cuối cùng là niệm ai?”. Thiền sư Phật Ấn đáp: “Điều này cần hỏi chính ông”.
Ông Tô Đông Pha hỏi “Tôi đâu biết tay Quán Âm cầm xâu chuỗi để niệm ai?” Thiền sư Phật Ấn bảo: “Là niệm Bồ tát Quán Thế Âm”. Ông hỏi lại: “Bồ tát Quán Thế Âm vì sao lại cần niệm chính mình”? Thiền sư Phật Ấn đáp: “Cầu người chẳng bằng cầu mình”. Đây cũng muốn nhắc cho mỗi người phải tự quay trở lại chính mình cho nên nói Bồ tát Quán Âm là niệm Bồ tát Quán Âm, là đánh thức cái tâm thường hướng ra ngoài. Do đó Phật dạy là tự mình phải làm hòn đảo cho chính mình, là điểm rất thiết yếu trên đường tu. Rõ được ý nghĩa trên đây rồi thì mỗi vị mỗi vị phải có cái nhận định rõ ràng, tức là phải tự tu tự độ đó là con đường giải thoát giác ngộ chân chánh. Nghĩa là, mỗi người cần phải nỗ lực tự tu để tự độ, đó là căn bản nhất, đó là nền tảng vững chắc nhất, thiếu cái nền tảng này thì giống như là mình xây nhà không có mống. Bởi vì mê là tự mình mê chứ đâu có ai làm cho mình mê, thì giác cũng tự mình giác chứ đâu có ai giác thay cho mình.
Cho nên nhà thiền luôn luôn đánh thức ánh sáng tự giác nơi mỗi người, không cho mình ỷ lại vào bên ngoài. Câu chuyện ngài Đạo Khiêm ở trong pháp hội của Thiền sư Diệu Hỷ tức ngài Đại Huệ, một hôm ngài Đại Huệ sai Đạo Khiêm đi Trường Sa để đem một lá thư cho ông Trương Tử Nham thì Sư không muốn đi. Bởi vì Sư cho rằng mình đang tha thiết công phu tu hành mà đi như vậy thì tổn thất công phu của mình. Tức là ngày xưa đâu phải như mình bây giờ có máy bay, có xe hơi, đi một quãng đường này có khi phải một, hai tháng mà một hai tháng trên đường thì mất biết bao nhiêu công phu. Do đó Sư không muốn đi, chứ còn gặp như mình ngày nay mà được như vậy thì không cho đi thì cũng kiếm cách để đi nữa chứ đừng nói là từ chối. Ở đây ngài Đạo Khiêm nghĩ rằng, mình tu hành bao nhiêu năm mà công phu chưa có ngộ được gì, chưa sáng tỏ được đạo lý mà bây giờ phải đi trên đường dài mất hai ba tháng như vậy thì công phu của mình sẽ mất mát biết bao nhiêu nên ngài chần chừ không muốn đi. Lúc đó bạn của Sư là ngài Tông Nguyên, là người đã ngộ đạo trước mới khuyên: “Hãy đi đi không có vấn đề gì, không thể nói rằng trên đường đi mà mất mát công phu, tôi sẽ cùng đi với huynh”. Sau đó hai người cùng đi. Giữa đường, Đạo Khiêm mới than với ngài Tông Nguyên là: “Tôi một đời tham thiền trọn không có chỗ đắc lực mà hôm nay lại phải bôn ba trên đường nữa thì làm sao có thể được tương ưng”. Tông Nguyên mới bảo: “Huynh bây giờ hãy đem những điều đã tham học được hoặc là những điều đã ngộ được ở các nơi, những điều của ngài Viên Ngộ hay là của ngài Diệu Hỷ vì huynh mà nói được thì đều chẳng cần phải nhận hiểu, trên đường đi việc gì có thể thay thế cho huynh được thì tôi sẵn sàng thay thế cho, nhưng chỉ có năm việc là tôi không thể thay thế cho huynh được mà chính huynh phải tự đảm đang lấy thôi”. Đạo Khiêm hỏi: “Năm việc đó là năm việc gì?” Tông Nguyên đáp: “Là mặc áo, ăn cơm, đi đại, đi tiểu và mang cái thây thúi này trên suốt quãng đường đi”. Ngay lời đó thì Đạo Khiêm liền tỉnh ngộ.
Quý vị thấy, mặc áo, ăn cơm, đi đại, đi tiểu là mình phải tự làm và nhất là chính mình chứ không ai khác phải mang cái thây thúi này trên suốt quãng đường đời, vậy có ai tỉnh ngộ chưa? Quý vị có thể đem thây thúi này cho ai mang thay cho mình? Và nếu chính mình phải mang thì buông nó xuống cũng phải chính mình tự buông chứ không thể cầu ai buông thay cho mình.
Ai thấy được chỗ này, ngộ được chỗ này rồi thì thấy được lối đi. Như vậy thì, mang nó là một gánh nặng, quý vị nghĩ xem mang một cái thây thúi sáu bảy chục kí lô suốt sáu bảy chục năm mà không thấy mệt à? Nếu mình mang món đồ gì hai ba chục kí chừng một ngày thôi là mình thấy mệt rồi, còn cái này tới sáu bảy chục kí mà thây thúi thôi chứ có gì đâu, lại đi trên một quãng đường đời sáu bảy chục năm nữa; sao không thấy mệt mà còn muốn mang hoài nữa thì sao? Cho nên Phật dạy đúng là vô minh điên đảo! Do đó ở đây phải nhớ rõ mang cái thây thúi này là mang gánh nặng thôi chứ không có sung sướng gì hết, vậy muốn cho nó nhẹ nhàng thì hãy buông xuống.
Quý vị thấy, người mà đang gánh một gánh nặng đổ mồ hôi nhễ nhãi khổ sở, bây giờ muốn cho nó bớt khổ, nhẹ nhàng thì phải đặt xuống nghỉ ngơi thôi, chứ còn gánh cái gánh nặng đó hoài rồi cứ than: “Nặng quá! Nặng quá”, mà cứ than như vậy thì đến bao giờ mới hết nặng? Càng than nó càng nặng thêm chứ đâu có hết! Quan trọng là đặt xuống đi thì nhẹ nhàng quá, không chịu đặt mà cứ lo than là sao? Điều rất đơn giản, rất gần gũi với mình mà không chịu, cứ tự làm cho nó rắc rối rồi than! Như Lục Tổ khi quở Thần Hội, bảo rằng: “Nếu ông mà tâm mê chẳng thấy thì hỏi thiện tri thức để tìm lối đi, còn nếu ông tâm tỏ ngộ liền tự thấy tánh, y pháp tu hành, ông tự mê chẳng thấy tự tâm lại còn đến hỏi ta là thấy cùng chẳng thấy, ta thấy thì tự mình biết há thay cái mê cho ông sao? Còn nếu ông tự thấy thì cũng chẳng thay cái mê cho ta, sao chẳng tự biết tự thấy mà đi hỏi ta thấy cùng chẳng thấy?(1)” Tức là ngài Thần Hội lúc đó cũng có hiểu biết cũng có kiến giải về thiền nhưng chưa có tỏ ngộ, lúc đó Lục Tổ thấy được nên mới quở trách bảo rằng: “ông nếu thực sự còn mê thì phải đi hỏi thiện tri thức để biết có lối đi, còn nếu tự thấy rồi thì tự có lối đi, chứ còn chuyện mê giác đâu có ai thay cho ai được, ta thấy là tự ta biết, ta đâu có thay cho ông được, còn ông cũng vậy, nếu ông tự thấy thì ông cũng đâu có thay cái mê cho ta, “Sao ông chẳng tự biết tự thấy mà đi hỏi ta là thấy cùng chẳng thấy”. Ở đây Lục Tổ quở trách Thần Hội là chưa thật thấy mà dám đùa với Lục Tổ và đó là cũng để nhắc cho mỗi người là phải khéo tự tu để tự giác rồi tự thấy tánh của mình, thì mới thật tự cứu khổ cho mình được chứ không thể nói suông. Vậy đây là điểm quan trọng nghĩa là chuyện này không ai thay cho mình được, bởi vậy trong nhà thiền các Thiền sư thường đánh thức cho mỗi người tự thấy lại, tự giác nơi chính mình, các ngài chỉ là người bên ngoài gợi lại nhắc lại để cho mình tự giác tự thấy thôi chứ không thể giác thay cho mình.
Có một lần Thiền sư Tùng Thẩm ở trong pháp hội của Hòa Thượng Nam Tuyền, hôm đó Sư đang lấy nước ở trên cái gác giếng thì thấy ngài Nam Tuyền đi qua, Sư liền ôm cây cột để hỏng chân lên kêu: “Cứu nhau! Cứu nhau!”. Hòa Thượng Nam Tuyền liền đi lên cái bậc thang đếm: “Một, hai ,ba, bốn, năm”. Giây lát xong thì ngài trở về phương trượng. Sau đó Sư đến lễ tạ thưa: “Vừa rồi tạ ơn Hòa Thượng đã cứu nhau”. Quý vị thấy như vậy thì ngài Nam Tuyền cứu chỗ nào? Tức là ngài Tùng Thẩm đang lấy nước thấy ngài Nam Tuyền đi qua liền ôm cây cột để hỏng chân lên kêu cứu, ngài Nam Tuyền thong thả bước lên từng bậc thang nói: “Một, hai, ba, bốn, năm”, thì ngay đó ngài Tùng Thẩm thấy được chỗ cứu. Tại sao mình đang đứng dưới đất an ổn khỏe quá không chịu, lại ôm cây cột cho hỏng chân lên nguy hiểm rồi kêu cứu? Nên ngài Nam Tuyền là bậc thầy sáng mắt rồi, ngài rõ được đạo lý này, do đó ngài thể hiện bằng từng bước đi vững vàng từng bước từng bước một hai ba bốn năm, đó là cách tự cứu hay nhất tức là ngài chỉ cách cứu; chỉ cần ông buông xuống đi thì ông đứng dưới đất là xong. Chúng ta đây cũng vậy, ai làm cho mình phiền não? Ai làm cho mình đau khổ rồi kêu cứu? Không ai khác hết chỉ là tự mình thôi. Chỉ do chúng ta mỗi người tự mình mê lầm rồi tự mình vọng tưởng chấp trước vào cái ta này, vọng tưởng chấp trước vào cảnh này, và chấp vào cái của ta này, từ đó tự mình khổ thôi chứ không có gì khác. Bây giờ muốn hết khổ thì tự buông đi là xong, không chịu buông mà cứ kêu khổ, kêu cứu thì ai cứu được mình đây? Như nghe ai đó nói một tiếng chạm tự ái mình thì mình liền ôm lấy đó, rồi đi đứng ngồi nằm cứ nghĩ về nó là thành khổ. Muốn hết khổ thì buông đi là nhẹ nhàng. Quý vị nhìn xem mấy đứa bé hồn nhiên, có khi nó bị chửi nhưng nó đâu có khổ, là bởi vì nó đâu có tự ái, còn mình bởi vì bám chấp cái ngã này nặng quá, thấy chạm tự ái rồi đi đứng nằm ngồi cứ luôn nhớ câu đó hoài thành khổ. Mấy đứa bé có khi đang chơi giỡn nhau rồi đụng chạm nhau cũng la lối giận nhau một chút, nhưng hôm sau cũng chơi lại nữa; còn mình thì có khi giận suốt đời hoặc là hai ba tháng, hai ba năm. Có người lại còn tự hào nữa, tôi giận anh ấy mấy năm mà không quên, hay chưa? Không ngờ cái đó có gì đáng tự hào, giận mấy năm mà không quên không bỏ thì tự làm khổ mình nhiều thêm chớ có gì hay. Quán theo đạo lý mới thấy mình sao càng lớn lên càng thua mấy đứa bé, nó sống hồn nhiên rất là sung sướng còn mình có nhiều chuyện không đáng gì hết mà giận cả năm hai năm ba năm. Nhớ lại mình còn bé hồn nhiên thấy khỏe quá, lúc đó nhiều khi có ai nói nặng mình cũng thấy không khổ, còn bây giờ có khi người ta nói xa xa là mình đã khổ rồi. Là người học đạo, mình phải tự quán chiếu trở lại để có sự tỉnh giác. Trong nhà thiền quan trọng là hồi quang phản chiếu hay là phản quan tự kỷ, mình phải quán chiếu trở lại chính mình còn thông thường thì mình lại đi ngược lại tức là ít chiếu lại mình mà lại thích chiếu ra ngoài, chiếu người này chiếu người kia chiếu người nọ, mà chiếu kĩ nữa; hoặc có chiếu lại mình thì chiếu sơ sơ thôi không kĩ, sợ chiếu kĩ quá rồi thấy mình dở mình xấu.
Cho nên với tinh thần của nhà thiền mà nhất là thiền tông là mình phải phản chiếu lại mình càng kĩ chừng nào thì càng tốt hơn chứ đừng có chiếu ra ngoài kĩ. Chiếu mình kĩ rồi thì mình chiếu ra ngoài nó mới sáng. Tức là khi mình sáng được tâm mình rồi thì đem cái tâm sáng đó mình chiếu ra ngoài, nhìn cái gì nó cũng sáng hết. Cũng giống như mình mang kính mát, hễ kính mát màu xanh thì mình nhìn ra cái gì cũng màu xanh, còn kính mát màu xám mình nhìn cái gì cũng xám, nếu bỏ hết kính ra nhìn thì cái gì ra cái đó. Hiểu vậy đó, để thấy rằng cái gốc là do mình tự bám chấp vào cái ta và của ta rồi tự khổ, muốn hết khổ thì tự buông xuống là nó nhẹ nhàng. Trong nhà thiền có câu chuyện: một anh thanh niên thường hay nóng giận lại ưa thích đánh lộn nữa, nên bị nhiều người ghét bỏ. Một hôm nhân anh đi ngang qua chùa Đại Đức là chùa của Thiền sư Nhất Hưu lúc đó gặp lúc ngài đang thuyết pháp, anh thấy người ta đi nghe pháp đông nên anh cũng đi theo vào xem, và nghe pháp luôn. Qua những lời dạy của Thiền sư Nhất Hưu anh tỉnh ngộ, anh phát nguyện từ nay sửa đổi, Anh bèn đến gặp Thiền sư Nhất Hưu, thưa: “Thưa sư phụ, từ nay về sau con không theo người ta đánh lộn nữa để khỏi khiến cho người ta ghét bỏ, bây giờ dù có bị ai phun nước miếng vào mặt, con cũng chỉ nhẫn nhục mà lau chùi thôi, nhẫn nhục cam chịu”. Thiền sư Nhất Hưu lại bảo “Thôi đâu có cần, cứ hãy để cho nước miếng nó tự khô đi thôi chứ đừng có lau chùi nữa”. Anh nói: “Đâu được, làm sao mà chịu nổi”. Thiền sư Nhất Hưu mới bảo: “Ở đây không có gì là chịu nổi hay không chịu nổi, anh cứ coi như là muỗi mòng nó đậu trên mặt vậy thôi. Không có đáng đánh hay chửi nó, tuy bị khạc nhổ nhưng không có bị nhục nhã gì, cứ vui vẻ mà nhận”. Anh nói: “Nhưng nếu bây giờ đối phương họ không có khạc nhổ mà họ dùng tay đánh mình thì sao đây?”. Thiền sư Nhất Hưu bảo: “Thì cũng vậy thôi, không cần phải quá để ý gì hết, đó cũng chẳng qua là cái đánh thôi”. Nghe tới đây anh chịu hết nổi rồi bất chợt anh quơ tay đấm vào đầu Thiền sư Nhất Hưu và hỏi: “Hòa Thượng, bây giờ thì ngài thấy thế nào?”. Thiền sư Nhất Hưu vẫn nói một cách thân tình nhẹ nhàng: “Đầu của ta cứng như đá vậy, không có cảm giác gì hết, còn trái lại cái tay của anh chắc là đau lắm rồi phải không?”. Lúc đó anh hết nói luôn. Quý vị thấy Thiền sư Nhất Hưu cảm hóa được anh bằng sức nhẫn mà nếu như mình cỡ đó thì chắc cũng nhẫn hết nổi. Như vậy với Thiền sư Nhất Hưu thì ngài đâu có thấy khổ gì, còn với chúng ta thì vì sao có khổ? Đúng là bởi vì chấp có cái ta này, đụng tới nó thì tự ái nên khổ, còn nếu quên cái ta, quên cái tự ái đi thì lấy ai mà khổ? Tức là buông nó thì nhẹ nhàng, mà việc này thì ai làm được cho mình đây? Phải tự mình thôi chứ đâu có ai làm thế cho mình được. Chúng ta phải thấy được điều đó rồi quán kĩ trở lại thì mình sẽ dễ tiến trên đường đạo.
Cũng vậy, với ý nghĩa này có một vị tăng hỏi ngài Bá Trượng: “Đối tất cả cảnh làm sao mà tâm được như cây đá?” Ngài Bá Trượng đáp: “Tất cả pháp vốn chẳng tự nói không cũng chẳng tự nói sắc, chẳng nói phải quấy, dơ sạch, cũng không có tâm trói buộc người, chỉ tại người tính chấp hư vọng và tạo bao nhiêu thứ hiểu, khởi bao nhiêu thứ thấy biết, rồi sinh bao nhiêu thứ yêu sợ, bây giờ cần phải nhận rõ các pháp không tự sinh, đều do một niệm vọng tưởng điên đảo của mình chấp tướng mà có. Nếu biết tâm cùng cảnh vốn không đến nhau thì ngay đó là giải thoát, mỗi mỗi pháp ngay đó là lặng lẽ, ngay đó là đạo tràng”, nghĩa là các pháp không có tự nói nó là có, là không, là phải quấy, dơ sạch gì hết, cũng như cảnh nó đâu có trói mình nhưng tự mình sanh tâm trên nó, tự mình trói vào nó rồi mình đổ lỗi cho cảnh trói tôi khiến thành khổ. Đúng là tự mình trói mình vào cảnh, chứ cảnh đâu có sanh tâm gì mà trói. Quý vị thấy thỏi vàng nó chỉ là miếng kim loại thôi chứ nó đâu có nói tôi là vàng mỗi người hãy đến quý tôi, nhưng chính mình thấy nó rồi sanh tâm phân biệt cho đây là vàng quý, từ đó tranh chấp nhau, có khi giết nhau vì miếng kim loại đó. Nếu thật sự mà vàng nó trói người thì ai thấy nó cũng bị trói hết, nhưng tại sao có người thấy nó thì bị trói, có người thấy nó không bị trói? Vậy rõ ràng tại mình sanh tâm trên đó mà tự trói, cũng thỏi vàng đó đối với một đứa bé thì sao? Đem một thỏi vàng với một viên kẹo sô cô la đưa đứa bé thì nó lấy cái nào? Nó sẽ lấy viên kẹo sô cô la ăn là thực tế nhất, còn thỏi vàng với nó không có quan trọng gì hết. Cho nên nếu tâm không sanh ở trên cảnh thì cảnh tự như như, tự nó là giải thoát. Đây ngài gọi là: “Nếu tâm cảnh không đến nhau thì ngay đó tự giải thoát” rất là đơn giản. Thấy được điều đó rồi thì mình phải thường soi lại mình chứ không có soi ra ngoài rồi đổ lỗi cho cảnh.
II. QUAY VỀ CHÍNH MÌNH.
Cuối cùng rồi phải quay về chính mình đó là yếu chỉ trên hết, không ai giải quyết cho chính mình bằng chính mình. Nhưng ở đây cần phải hiểu thêm ý nữa, vậy thì: “Chính mình là cái gì?” Đó là chỗ mình cần phải sáng tỏ! Có một vị tăng hỏi Thiền sư Tùng Triển: “Học nhơn mới vào tùng lâm xin thầy chỉ dạy trọn vẹn con đường vào”. Thiền sư Tùng Triển bảo: “Nếu khiến chỉ trọn vẹn thì ta lại lễ bái ông”. Tức là nếu chỉ cho trọn vẹn con đường vào thì ta phải lễ bái ông, vậy ai thấy được con đường vào chưa? Ý của Sư muốn đánh thức ông tăng phải soi trở lại chính mình, ông muốn thấy được trọn vẹn con đường vào đó thì ông phải soi lại chính ông, đó là con đường vào trọn vẹn nhất, còn tìm những con đường vào ở bên ngoài là còn cách xa.
Cũng như ông tăng hỏi Thiền sư Dung ở Quảng Lợi rằng: “Tự mình chẳng sáng thế nào mà được sáng?”. Thiền sư Dung bảo: “Chẳng sáng”. Ông tăng hỏi: “Vì sao chẳng sáng?”. Thiền sư Dung bảo: “Chẳng nghe nói là việc chính mình ư”. Đã là việc chính mình mà đi hỏi người thì sao? Rõ ràng là chẳng sáng rồi, nếu sáng thì đâu cần hỏi. Nhưng bây giờ muốn sáng thì cũng phải tự soi lại chính mình thôi. Cho nên Thiền sư chỉ đánh thức trở lại cho chính mình để mình tự sáng lên thì đó mới là việc của chính mình, còn nói ra thế này thế nọ là việc của Thiền sư đâu phải là việc chính mình. Bởi vậy Thiền sư nói đơn giản và đôi khi nghe cũng hơi lạ cái lỗ tai nhưng mà chính xác, còn mình nhiều khi giải thích kĩ càng đàng hoàng nhưng lại không được chính xác.
Ngài Đức Sơn cũng có lần dạy chúng: “Các ông từ sáng đến chiều có việc gì? Phải chăng cần trình môi lừa mỏ ngựa hỏi lão già Đức Sơn? Ta chẳng sợ các ông, chưa biết các ông có những nghi vấn gì? Gần đây ở trong thời kì mạt pháp có rất nhiều bọn quỷ thần ở nhà bên nói rằng: Ta là Thiền sư, chẳng biết học được bao nhiêu thiền đạo rồi nói tương tợ cho lão tăng nghe xem? Này các ông! Những lão trọc ở mọi nơi dạy các ông tu hành thành Phật, chạy bên ngoài thành được bao nhiêu ông Phật? Các ông nếu không thể học, lại chạy tìm cái gì? Nếu có học thì các ông thử đem cái học được đó trình cho lão tăng xem? Một câu mà chẳng tương đương thì phải ăn một gậy đau điếng mới được”.
Ngài Đức Sơn cũng nhắc cho mỗi người là phải tự soi lại chính mình chứ không phải chạy bên ngoài, cho nên ngài nói rằng: chạy bên ngoài để mà tìm học thì học được cái gì? Chạy bên ngoài để tìm Phật thì thành được bao nhiêu ông Phật? Là đánh thức cho mỗi người phải tự quay trở lại chính mình, buông hết những cái từ bên ngoài đó, xem trở lại thế nào thì đó mới là chỗ chân thật, đó mới là điểm tựa chính; còn những cái mà mình hiểu biết học hỏi được từ bên ngoài đó đều không phải là chỗ rốt ráo. Cái học bên ngoài có được gì đó thì cũng là cái của người khác, cái mình vay mượn thôi, làm sao mình khéo quay trở lại nơi chính mình để sáng tỏ được việc chính mình thì đó mới là quan trọng, chứ còn cứ lo chạy tìm hiểu biết từ bên ngoài thì nhiều khi hiểu biết quá lại thành sở tri chướng. Tức là lượm lặt những cái của người ta lấy đó làm cái của mình, rồi tự hào mình hiểu biết nhiều thành cái ngã to lên, nhưng không ngờ cái đó là cái lượm lặt của người ta thôi, cũng chưa ra khỏi mê lầm. Cho nên kinh Kim Cang, Phật dạy Bồ tát phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì nên sanh tâm không có chỗ trụ, còn nếu tâm có chỗ trụ thì đó không phải là chỗ trụ chân thật. Quý vị thấy, từ kinh cho đến thiền, tức là Phật cho đến Tổ đều nhắc mình quay trở lại chính mình thôi. Bởi vì, nếu mình có chỗ trụ tức là thuộc bên ngoài, thì tất nhiên không phải chỗ trụ chân thật. Còn buông hết không có chỗ nào để trụ mà trở về chính mình thì đó mới là chỗ trụ chân thật. Chính khi buông hết không có chỗ trụ gì, thì đâu có gì để dính mắc, đó mới thật sự là an trụ, là chỗ trụ vững chắc nhất. Thường mình quen theo ngôn ngữ thế gian, là phải có chỗ trụ thì mới vững còn không chỗ trụ là không vững, nhưng trong đạo thì ngược lại không có chỗ trụ mới là vững, còn có chỗ trụ là không vững. Bởi vì có chỗ trụ là dính mắc, mà Phật dạy tất cả pháp đều là vô thường, đều là biến đổi, tức là không có pháp nào đứng dừng một chỗ, mà nó đã luôn luôn vô thường chuyển biến thì mình vừa trụ vào đó là nó dẫn mình đi theo chiều chuyển biến, là không có vững rồi. Còn bây giờ buông hết, không có chỗ nào để trụ thì chính là an trụ là không có cái gì làm lay động được. Quý vị về thực hành thì sẽ biết rõ. Khi ngồi thiền cho quý vị sanh tâm đó, nhưng sanh tâm thế nào mà không có trụ vào chỗ nào hết, thì ngay đó liền an trụ, và chẳng những an trụ mà nó lại còn sáng suốt nữa. Bởi nó không có trụ vào chỗ nào hết nên có cái gì thoáng qua là nó biết ngay, không có lầm được. Còn mình trụ vào cái gì đó, thì nó dính chỗ đó thôi, nó thấy chỗ đó thôi, nó không thấy chỗ khác. Thí dụ mình trụ vào cái ly thì thấy cái ly này thôi, không thấy những cái khác. Có một lãnh chúa trẻ, hâm mộ kiếm thuật, học thiền với Thiền sư Bàn Khuê. Anh muốn thử xem Thiền sư tâm bất động như thế nào, nên bất ngờ anh dùng mũi kiếm tấn công Sư. Nhưng Sư bình tỉnh gạt ngay mũi kiếm bằng xâu chuỗi của mình, rồi bảo: “ Kiếm thuật của anh còn non nớt, tâm anh đã động trước rồi”. Tức tay anh chưa động mà tâm anh đã động trước rồi, Thiền sư đã bắt được ngay. Thiền sư nhạy bén như vậy đó, bởi vì ngài không có trụ vào đâu hết. Cũng như cái biết của quý vị, quý vị thử để cho cái biết nó biết tất cả nhưng nó không có trụ vào đâu hết xem! Thì cái biết đó nó sẽ sáng ngời không có gì che được, còn cái biết vừa có chỗ trụ thì nó sẽ mê liền, nó sẽ tối liền đó là ý nghĩa chân thật.
III. TÓM KẾT.
Chúng ta đã quên mình theo vật lâu rồi, tức là luôn luôn hướng ra ngoài tìm chỗ nương, tìm chỗ tựa mà không thể được. Bây giờ mình học đạo, đã hiểu rõ ra rồi thì chỉ còn có một cách là quay trở về chính mình, để tự sống vươn lên, phải lấy chính mình làm hòn đảo cho chính mình đúng như lời Phật dạy, thì đó mới là chỗ nương tựa vững chắc cho mình. Như câu chuyện người mù đến thăm người bạn rồi trời tối ra về, người bạn đốt cây đuốc trao cho anh thì anh mù này mới cười và nói: “Tôi mù, anh đốt đuốc đưa tôi làm gì?” Người bạn nói: “À tuy vậy, nhưng anh cầm cây đuốc này có lợi cho anh, khi anh đi người ta thấy mà không có đụng nhằm anh”. Anh nghe thấy có lý bèn cầm đuốc đi. Nửa đường thì có người nào đó đi đâm sầm vào anh, anh la lên: “Cái anh này bộ cũng mù như tôi hay sao, tôi cầm đuốc đây không thấy sao?” Thì anh kia mới nói: “Thưa anh, cây đuốc của anh nó tắt từ lâu rồi!” Tức là anh mù được người bạn tốt bụng cho mượn cây đuốc cầm nhưng anh mù anh đâu có thấy gì nên đuốc tắt hồi nào không hay, cứ ngỡ rằng cây đuốc còn sáng nên cứ đi thoải mái mà bị người đụng nhằm. Để nói lên, cái mà mình mượn từ bên ngoài là không bảo đảm thật sự cứu được mình, phải tự mình sáng lên cái của chính mình thì mới thật cứu được mình. Nghĩa là cần quay trở về nương tựa chính mình hay là tự mình làm hòn đảo cho chính mình. Trong nhà thiền gọi là mỗi người đều có một chỗ ngồi vững chắc không ai phá hoại được, mình cần phải khai thác để sống chỗ đó thì đó mới là chỗ chân thật cứu mình. Thiền sư Tam Bình- Nghĩa Trung có một lần dạy chúng: “Thời nay người học chỉ biết rong rủi tìm kiếm, có được con mắt tương đương chính mình chăng? Các ngươi muốn học cái tương đương ấy chăng? Chẳng cầu các thứ khác. Các ngươi mỗi người có việc bổn phận sao chẳng nhận ngay “tại sao tâm bực tức”, miệng lẩm bẩm có ích lợi gì?” Tức là mỗi người có một việc bổn phận, sẵn nơi mình đó sao không nhận ngay cái đó mà cứ lo chạy bên ngoài, tìm những cái đâu đâu khiến phải khổ nhọc, cuối cùng cũng không thật được gì.
Hoặc như Thiền sư Đơn Hà dạy chúng là: “Tất cả các ngươi đều phải bảo hộ một vật linh, chẳng phải các ngươi tạo tác danh mạo, lại nói gì tiến cùng chẳng tiến. Ta ngày xưa yết kiến Hòa Thượng Thạch Đầu cũng chỉ dạy cần phải tự bảo hộ. Việc này không phải tự các ngươi nói bàn mà được. Tất cả mỗi người các ngươi đều tự có một chỗ đất ngồi lại nghi cái gì? Thiền đâu phải là vật để các ngươi hiểu, đâu có Phật khá thành”. Tức là ngài Đơn Hà ngày xưa tới gặp Hòa Thượng Thạch Đầu cũng được dạy là phải tự bảo hộ việc chính mình thôi, mỗi người có một vật linh cao quí nhất, mỗi người tự có một chỗ đất ngồi vững chắc, chỗ đó không ai động đến được, thì còn nghi cái gì nữa! Ông muốn tìm hiểu nó, nhưng thiền chân thật không phải là vật để các ông hiểu, mình hiểu đó là hiểu cái của người khác, còn thiền ở đây dạy mình là phải soi lại chính mình để nhận ra cái lẽ thật nơi chính mình đó mới là yếu chỉ trên hết. Là đánh thức cho mỗi người hãy tự quay về chính mình. Rốt lại cũng là “tự mình làm hòn đảo cho chính mình”. Để kết lại, mong sao tất cả mỗi vị mỗi vị đã ý thức được lẽ thật này rồi, thì luôn soi lại chính mình để tự mình làm hòn đảo cho chính mình, được vậy đó thì không có gì làm lay động được hết. Đây là ý nghĩa nương tựa vững chắc lâu dài! Mong sao tất cả luôn hiểu và ý thức được: làm sao để cho mình phải tự làm hòn đảo cho chính mình, để mình có những bước tiến vững chắc không có thoái chuyển.
Các bài mới
- Ứng dụng lý vô thường vào cuộc sống - 11/04/2017
- Tu thiền có chứng đắc hay không - 07/03/2017
- Tình chấp ngã, ngòi nổ của mọi sự đổ vỡ - 06/12/2016
- Sống trở lại gốc - 02/08/2016
- Hai giấc chiêm bao - 28/07/2016
Các bài đã đăng
- Bỏ đói sáu căn - 07/07/2016
- Đưa tâm về nhà - 09/06/2016
- Ý nghĩa Sám hối sáu căn - 21/04/2016
- Cây bách của Triệu Châu - 06/04/2016
- Đường trở về - 25/03/2016
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 05179
- Online: 15