Tu tâm xả

16/04/2018 | Lượt xem: 3336

TT.Thích Thông Phương

I. AI CŨNG MUỐN AN VUI HẠNH PHÚC

Con người sống trên đời ai cũng muốn sống an vui hạnh phúc và không ai muốn mình sống đau khổ.

Người cũng muốn an vui hạnh phúc, mình cũng muốn an vui hạnh phúc, đó là chỗ gặp nhau. Dựa trên điểm chung này chúng ta có thể dễ dàng đến gần nhau hơn, nhưng người đời hầu như không tìm thấy được ý nghĩa này. Chính do mê lầm chấp ngã, chỉ thấy mình không thấy người nên trở thành ngăn cách. Chúng ta chỉ thấy có mình muốn vui, mình muốn hạnh phúc và chỉ mình mới được vui được hạnh phúc mà không cần biết đến người, đó là chỗ không thể gặp nhau.

Sống như vậy là thu hẹp lại bản thân, là rào cản ngăn cách với mọi người, mà sống ngăn cách với người thì đâu có vui gì! Tức là mình chỉ biết có mình vui, thành ra cái vui của mình cũng nhỏ hẹp, vì thiếu người cùng vui với mình.

Thời Phật, có ông trưởng giả giàu sang nhưng rất keo kiệt. Một hôm, ông thèm một bữa ăn ngon mới sai vợ giết con gà làm thức ăn. Ông lại sợ người thấy rồi xin bớt nên bảo đóng cửa kín để hai vợ chồng với đứa con nhỏ ngồi ăn thôi.

Phật biết ông có túc duyên nên đến giáo hóa. Ngài đến nhà ông khất thực và dùng thần thông hiện đứng trước bàn ăn của ông. Thấy vậy, ông bực bội nói: “Ông là tu sĩ mà không biết hổ thẹn, nhà người ta đang ăn uống sao lại đường đột đi vào đây?”. Vị Sa-môn do Phật hóa ra đáp:

- Ông mới thật ngu si không biết hổ thẹn, tôi là khất sĩ (người đi xin) thì đâu có gì mà hổ thẹn.

Ông hỏi lại:

- Sao tôi phải hổ thẹn chứ?

Vị Sa-môn đáp:

- Con gà mà ông đang ăn đời trước là cha ông, còn vợ ông hiện tại đời trước là mẹ của ông; và đứa con là oan gia mà ông không biết nên tôi mới nói ông không biết hổ thẹn.

Vị Sa-môn bèn dùng thần thông khiến Trưởng giả nhớ lại đời trước, ông tỉnh ngộ mới ngồi nghe thuyết pháp và ngay đó đắc đạo.

Để thấy người giàu sang có của cải mà lòng keo kiệt, nhỏ hẹp nên chỉ biết cái vui của mình, ăn mà đóng cửa lại sợ người ta thấy xin bớt thì đâu có vui gì! Trong khi đó, có những người tuy nghèo nhưng tâm rộng rãi nên cuộc sống thoải mái.

Như câu chuyện được kể trong quyển Hoa Sen Trong Tuyết về bà già đi ăn xin. Xin được khúc bánh mì thừa, bà đang cầm ăn thì thấy con chó ngoắc đuôi xin, bà liền bẻ làm đôi cho nó, cả hai ăn vui vẻ. Tuy nghèo nhưng tâm hồn cởi mở, vậy cuộc sống nào vui hơn?

Cho nên, chúng ta cần phải hiểu tinh thần này để mở rộng lòng khiến cuộc sống thêm vui vẻ. Phải cởi mở bớt cái ta nhỏ hẹp này để sống gần nhau. “Nếu ai cũng muốn an vui, tại sao lại làm cho nhau đau khổ?”, đây là điều mỗi người phải suy nghĩ lại.

Chẳng hạn như khi chúng ta nổi sân không làm chủ liền nói ra những lời làm tổn thương ai đó, liền phải quán xét ngược trở lại: “Nếu trường hợp người nói lời ấy với mình thì mình sẽ nghĩ sao?”. Nhờ vậy mới có sự cảm thông và bớt làm tổn thương cho nhau.

Thông thường khi chúng ta giận tức ai liền muốn làm cho người đó khổ, nói cho người ta khổ, nhưng khi người ta khổ thì mình được vui sướng gì? Đâu ngờ khi làm cho người ta khổ tưởng là mình được vui, nhưng chính chúng ta là người khổ trước mà không hay. Bởi vì khi giận tức là tâm mình bứt rứt nóng nảy thì tự khổ trước người kia rồi. Lúc đó, nếu ai tỉnh táo đến soi gương xem gương mặt mình thế nào? Có tức cười không?

Có câu: “Kẻ thù đích thực của ta không phải ở ngoài ta mà là ở trong ta”. Kẻ thù là người hại mình và chính tâm thù hận nó hại mình thì có phải là kẻ thù của mình không? Vậy mà chúng ta không biết lại nuôi kẻ thù. Cho nên cần trừ kẻ thù trong tâm thì mới giải quyết tận gốc, khi hết hận thù sẽ được an vui.

 

II. MỞ RỘNG LÒNG BAO DUNG

Nếu nghiệm kỹ chúng ta sẽ thấy, chính tâm ích kỷ nhỏ hẹp đã đóng kín cửa lòng của chúng ta, sống mà chỉ biết có ta không biết đến người. Nếu vậy thì cuộc đời làm sao tươi mát, an vui được?

Có vị Hòa thượng đang trên đường đi thì chợt thấy một cô gái trẻ nhảy xuống sông tự tử. Thấy vậy, Ngài la kêu cứu. Những người chung quanh chạy đến vớt cô lên. Tưởng đâu cô gái này sẽ cảm ơn khi được cứu sống, không ngờ cô không cảm ơn mà cô còn trách trở lại: “Sao thầy không để tôi chết cho rồi, cứu làm chi! Tôi không muốn sống đâu!”.

Hòa thượng nhẹ nhàng hỏi lại: “Vì sao cô lại muốn tự sát?”. Cô nói: “Tôi quá xấu xí, mọi người đều chế nhạo phê bình, không ưa. Tôi thấy cuộc đời không ý nghĩa, sống không thú vị, chẳng bằng chết cho xong. Giờ thầy lại cứu để tôi khổ thêm nữa”.

Vị thầy ôn hòa giải thích: “Con người ta có hai mạng sống, một mạng sống riêng cho mình, chỉ nghĩ đến mình, mọi việc là vì mình thì sinh mạng ích kỷ đó của cô mới chết ở dưới sông rồi; còn sinh mạng thứ hai chuyên lo cho người khác, nghĩ đến người, vì người thì hiện tại cô sống với sinh mạng này. Từ nay cô hãy sửa tư tưởng hành vi của cô, tùy sức mà giúp đỡ, phục vụ mọi người!”.

Cô gái xấu xí này nghe xong cảm nhận lời dạy ấy, từ đó cô bắt đầu thực hiện theo lời dạy của Hòa thượng. Mỗi ngày, cô thường phục vụ, đem niềm vui đến cho người. Vì lo giúp đỡ phục vụ, đem những niềm vui đến cho người, dần dần cô quên mình lúc nào không hay. Một thời gian danh thơm lan xa khắp xóm làng, mọi người đều khen cô là người con gái có hạnh thiện, nhờ vậy tâm tình của cô càng ngày càng rộng mở, rồi quên đi những phiền muộn lúc nào không hay. Nhờ tâm hồn cô nhẹ nhàng thanh thoát, càng ngày người cô càng tươi mát đẹp ra, vẻ mặt lúc nào cũng tươi vui nên mọi người càng thương mến; cuộc sống cô càng lạc quan, càng yêu đời. Cô thấy cuộc đời thật vui vẻ, đáng sống.

Đó là một bài học giúp chúng ta quên bớt cái tôi ích kỷ, luôn nghĩ đến người với tâm hồn vị tha, nhờ vậy cuộc đời chuyển đổi sống lạc quan sống tích cực, quên khổ. Thường lo vì người thì đâu còn nhớ tới mình nữa mà khổ, đó là tinh thần để chúng ta sống tốt.

Thí dụ như những lúc chúng ta bị bệnh khổ, nếu lúc bệnh đó mà chỉ nghĩ đến mình thì càng khổ thêm. Có nhiều người khi bệnh nằm đó buồn bã than trách số phận của mình hẩm hiu, nằm một chỗ không ai đến thăm, nhưng càng buồn càng trách thì càng khổ, bệnh càng nặng thêm. Trái lại, nhân có bệnh đau, mình nghĩ tới sự khổ của những người bệnh khác, nghĩ đến người khác bệnh như mình họ sẽ còn khổ hơn nữa, làm sao chia sẻ nỗi khổ để họ bớt khổ.

Nhân bệnh, chúng ta nghĩ đến bệnh của người để cùng chia sẻ nỗi khổ của người, dần dần mình quên cái bệnh của mình lúc nào không hay và sẽ bớt khổ. Chính tâm hồn cởi mở nhẹ nhàng đó sẽ chuyển bệnh nặng thành nhẹ. Cho nên, chỉ khéo chuyển một cái nhìn mà đổi khổ thành vui.

Như câu chuyện bà già hay khóc. Bà có hai cô con gái, một cô bán quạt, một cô bán áo mưa, cô nào bà cũng thương hết. Hôm nào trời mưa, nghĩ đến cô con gái bán quạt là bà thương, lo cho con phải bán ế rồi bà khóc. Còn hôm nào trời nắng thì bà lại nhớ đến cô bán áo mưa, nghĩ là hôm nay chắc con buôn bán ế, bà cũng khóc. Thành ra ngày nào bà cũng khóc nên có biệt danh là “bà già hay khóc”.

Có người thấy vậy mới chỉ bà đến vị Thiền sư gần đó giúp giải tỏa. Bà đến gặp Thiền sư thưa: “Thưa thầy, con có bệnh như vậy nên buồn hay khóc hoài. Thầy có cách gì để giúp con bớt khổ không?”. Vị Thiền sư hỏi rõ hoàn cảnh rồi nói: “Đơn giản thôi! Giờ bà về chuyển suy nghĩ lại, hôm nào trời nắng thì bà nhớ đến đứa con gái bán quạt, hôm nay nó sẽ bán hàng được nhiều, bà sẽ vui; còn hôm nào trời mưa bà hãy nhớ đến đứa bán áo mưa, vì nó sẽ bán được nhiều hơn, bà sẽ vui thôi!”. Bà về thực hiện theo đúng lời dạy, nhờ vậy bà được cười hoài, nên bà đến gặp Ngài cảm tạ: “Nhờ thầy dạy mà con luôn được vui vẻ”.

Chúng ta thấy chỉ cần chuyển cái nhìn thôi. Nếu nhìn theo tánh ích kỷ của mình thì sẽ khổ hoài, chuyển cái nhìn lại liền vui vẻ. Cũng vậy, bệnh mà cứ nhớ rồi trách người này người kia thì càng khổ thêm, còn nhân nơi bệnh khổ của mình nhớ tới bệnh khổ của người rồi cảm thông chia sẻ, dần dần chúng ta sẽ quên cái khổ của mình.

Cũng có một bà già đến Ngài Triệu Châu thưa: “Bạch Thầy, con đã già lại mang thân nữ bị năm thứ chướng ràng buộc, làm sao thoát được khổ này?”. Ngài Triệu Châu bảo: “Bà hãy phát nguyện cho tất cả người trên thế gian này đều sinh lên cõi trời hết, chỉ một mình bà ở đây chịu khổ thôi”.

Mới nghe, bà thấy vô lý nhưng khi về nghiền ngẫm bà thấy lời Thiền sư chỉ dạy rất chí lý. Tức Ngài dạy bà hãy quên bà mà chỉ nghĩ đến niềm vui của mọi người, nên nguyện cho mọi người được sinh vào cõi trời hưởng phước, chỉ một mình bà ở lại cõi này. Đây là cách dạy quên mình, chỉ nghĩ đến người, không nghĩ đến mình thì ai chịu khổ, đâu còn thấy cái khổ nữa. Do thấy có mình mới thấy có khổ, còn không thấy có mình thì ai khổ? Đó là tinh thần xả bỏ cái ta nhỏ hẹp của mình để sống vì người nên tâm hồn rộng rãi, khổ đau cũng được chuyển đổi.

Kinh kể là chính bản thân Đức Phật trong thời còn tu hạnh Bồ-tát, có lần Ngài định theo đoàn thương buôn đi xa để tìm vàng ngọc. Mẹ Ngài buồn khóc kéo lại không cho đi, nhưng Ngài cố dứt ra rồi làm đứt mấy sợi tóc của bà mẹ, đó cũng là tội nên sau Ngài bị đọa xuống địa ngục.

Ở địa ngục, Ngài thấy nhiều tội nhân đang đội vòng lửa trên đầu rất khổ sở. Ngài hỏi: “Ông bị tội gì mà chịu khổ như vậy?”. Người kia đáp: “Tội bất hiếu”. Nghe lời đáp, Ngài nghĩ là mình cũng có tội này. Khi đó vòng lửa từ đầu của người kia bay sang đầu của Ngài đau đớn vô cùng. Trong lúc chịu khổ như vậy, chủng tử Bồ-tát khởi lên trong tâm, nên khi ấy chẳng những Ngài không sợ mà còn phát nguyện sẽ lãnh hết tất cả hình phạt của những người con bất hiếu ở thế gian để mọi người khỏi phải chịu cái khổ này. Lời phát nguyện vừa xong, vòng lửa liền bay ra biến mất.

Đây nói lên tinh thần quên mình vì người nên được quả tốt đẹp, còn nếu chỉ nghĩ đến mình thì kết quả bị thu hẹp. Chúng ta là người học Phật phải tập sống với tâm bao dung rộng mở, quên bớt cái tâm ích kỷ nhỏ hẹp nhờ vậy cuộc sống mỗi ngày sẽ tươi đẹp hơn.

Như hình ảnh của Bồ-tát Di-lặc lúc nào cũng cười thoải mái, cười toe toét, nụ cười hỷ xả đúng thật là cười. Bụng bự là chỉ cho lòng bao dung rộng rãi, trên mình có năm đứa bé, đứa móc tai, móc mắt, đứa cào da v.v… vậy mà lúc nào Ngài cũng vui nên gọi Ngài là con người hạnh phúc. Năm đứa đó là chỉ cho Lục tặc, đúng ra là có sáu, nhưng đây chỉ tượng trưng có năm, còn một là thuộc về ý. Sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nhưng vì ý không có hình tướng không thấy được nên không đưa ra.

Như chúng ta, nhiều khi cũng cười mà cười không thoải mái, có khi trong bụng đau khổ nhưng bên ngoài cũng cười, đó là cười gượng. Rồi cũng có cái cười mỉa mai người, cười nhạt, không phải là cười thật lòng, nên cũng có nhiều cái cười.

Chúng ta phải học nụ cười hỷ xả của Bồ-tát Di-lặc để sống thật vui vẻ. Ví dụ có người nói mai mỉa ta, lúc đó tức giận cũng cố buông xả nhưng không phải là hỷ xả. Còn Ngài là hỷ xả, xả một cách thoải mái vui vẻ. Nhiều vị nói là tôi chỉ nhịn một lần thôi chứ không nhịn thêm, đó là ráng xả chứ không phải là hỷ xả, có hỷ xả mới thật là vui.

Đây muốn nhắc cho tất cả phải tập sống để chuyển cuộc đời của mình, ai muốn an vui hạnh phúc thì mình phải khéo sống như vậy mới thật sự có an vui hạnh phúc.

 

III. XÓA TAN HẬN THÙ

Nhờ tu tâm xả nên lòng chúng ta rỗng rang, lòng rỗng rang tức là không có chất chứa, không ôm hận thù, thì nhẹ nhàng. Bởi từ con mắt của phàm phu, chúng ta thấy có người này thân người kia thù, người này gần gũi người kia không gần gũi v.v…, nhưng Phật dạy nếu quán sâu hơn trong cuộc luân hồi dài lâu thì tất cả những người trên đời này ai cũng từng là cha là mẹ, hay là anh chị em của mình, vậy đâu có ai xa lạ. Nhờ nghĩ như vậy mà lòng chúng ta dễ cởi mở, đến gần với nhau hơn, không làm đau khổ cho nhau.

Phật dạy trong kinh Tâm Địa Quán, Phẩm Báo Ân: “Chúng sanh thọ sinh trong sáu đường như bánh xe quay không có đầu mối trước sau. Trong đó kẻ nam người nữ hoặc đã từng làm cha mẹ, hoặc làm con cái đời đời kiếp kiếp mang ân nghĩa lẫn nhau. Cho nên, phải xem hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta, như vậy đã chưa báo đền cái ân đời trước tại sao ta trở lại sinh cái ý nghĩ xấu để thành oán hận”.

Quán kỹ quán sâu như vậy, chúng ta sẽ sống cởi mở, gần gũi với nhau hơn, nhờ vậy mà xoá tan bớt hận thù. Bởi hận thù không thể giải quyết bằng hận thù mà chỉ có lòng từ-bi-hỷ-xả mới cởi mở nhẹ nhàng.

Hơn nữa, như Phật dạy sự tồn tại của chúng sanh trên đời này không chỉ đơn thuần một cá nhân độc lập mà luôn có sự liên hệ đến nhiều người. Ví dụ khi ăn bát cơm hay uống một bát nước đừng nghĩ rằng mình có tiền là mua gạo về nấu cơm ăn hoặc có tiền mua lon nước uống là xong. Không phải vậy. Phải có công sức rất nhiều người mới có được bát cơm ta ăn, lon nước cho ta uống, nhưng chúng ta không thấy được điều này.

Bát cơm từ đâu mà có? Không phải có tiền là có. Phải có người nông phu trồng lúa, người làm ra cái bát để đựng cơm ăn; rồi những phương tiện chuyên chở v.v…, tức là có liên hệ đến rất nhiều người, chứ không phải chỉ có tiền là có bát cơm ăn.

 Ngài Đạt Lai Lạt Ma giảng: “Hạnh phúc của con người chúng ta tùy thuộc rất nhiều vào đời sống của mỗi người. Sự sống của chúng ta là kết quả đóng góp của nhiều người khác chứ không phải là của riêng mình. Sự ra đời của chúng ta phụ thuộc vào cha mẹ chúng ta, sau đó chúng ta cần sự chăm sóc, tình thương của cha mẹ trong nhiều năm; rồi sinh kế, nơi ở và phương tiện sinh sống của chúng ta, ngay cả sự thành công và danh tiếng của chúng ta cũng là kết quả của nhiều sự đóng góp của vô số người khác trực tiếp hay gián tiếp. Đó là chưa kể đến hạnh phúc của chúng ta”.

Chúng ta sống đây là do sự đóng góp của rất nhiều người, ngay cả sự thành công danh tiếng của mình cũng có nhiều người đóng góp vào chứ không phải hễ người giỏi là được thành công.

Như người làm thầy giáo hay làm kỹ sư nổi tiếng thì cũng không phải chỉ nhờ giỏi mà được nổi tiếng, mà là có biết bao công sức đóng góp vào sự nổi tiếng của mình. Người thầy giáo nổi tiếng nhờ có học trò giỏi, có môi trường tốt để phát triển thì mới nổi tiếng được. Nếu chỉ một mình ta giỏi, thì giỏi với ai?

Nhờ nghĩ vậy mà chúng ta sống có sự kết hợp với nhau, sống với lòng cởi mở, dẹp bớt tâm ích kỷ, cuộc sống nhân đó hài hòa vui vẻ, càng sống có nhiều bạn bè hơn. Đi đâu cũng có bạn, bước ra thấy có bạn là mỉm cười muốn bắt tay, nên đi tới đâu cũng vui vẻ và cuộc sống càng tươi mát. Muốn được vậy, đơn giản là chúng ta chỉ chuyển cái nhìn của mình, tâm hồn của mình cởi mở thêm, phải tập nhìn với tâm xả.

 

IV. TÓM KẾT

Phật dạy thế gian vô thường, tức là từ bản thân cho đến hoàn cảnh bên ngoài đều là pháp biến đổi không cố định, không bền chắc. Đã không cố định bền chắc, tại sao lại bám chắc, giữ chặt để chịu khổ?

Ví dụ như cái nhà chúng ta đang ở hoặc mảnh đất ta đang sở hữu, nó có thật cố định là của mình không? Nếu nghĩ nhà này cố định là của tôi, khi nó không còn của tôi nữa liền khổ. Như chúng ta xây một ngôi nhà vừa ý, nhưng lâu lâu thấy không vừa ý liền bán căn nhà này đi tìm chỗ mới, vậy nó còn là của tôi nữa không? Còn mảnh đất, mảnh vườn mình đang sở hữu đây trước kia đã có bao nhiêu người làm chủ rồi? Mình là người chủ thứ mấy? Vậy là mình chỉ làm chủ tạm thời một lúc thôi, nên đâu có cố định.

Ngay bản thân mình cũng vậy, là nhà trọ tạm mượn một lúc rồi cũng trả. Mướn nhà 50 năm, 70 năm, 80 năm cho đến 100 năm rồi cũng phải trả, bắt buộc phải trả, hết kỳ hạn là phải trả thôi. Nhưng cũng có người đến kỳ trả mà không chịu trả, tuy không chịu trả nhưng cũng phải trả. Như có người sắp chết mà không muốn chết, không chịu chết, cứ bám hoài nhưng dù cố giữ cách mấy cuối cùng cũng phải trả. Nếu đã mướn nhà trọ thì khi đúng kỳ hạn liền vui vẻ trả, đó là chân lý, là lẽ thực. Dù cho ai có lý luận hay cách mấy chăng nữa thì cũng đi tới chỗ hễ mượn là phải trả. Lẽ thật là như vậy. Và chúng ta hiểu rõ cuộc sống tồn tại của con người là do tương quan tương duyên với nhau, nên hãy cùng nhau hòa nhịp cho bớt ngăn cách.

Thấy rõ ai ai cũng là người thân hoặc là những người từng đóng góp vào cho sự sống, sự an vui hạnh phúc của chúng ta thì chúng ta phải có bổn phận biết ơn và cùng sống cởi mở với nhau, phải phát triển tâm xả nhiều hơn, gần gũi hơn, nhờ vậy cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn. Vậy hạnh phúc, an vui ở ngay trong chúng ta chứ không phải tìm đâu xa, nhưng người ta thường cứ đi tìm ở bên ngoài.

Có câu chuyện một vị Bà-la-môn bị mất trâu rồi đi tìm. Trên đường gặp Đức Phật, ông hỏi:

- Này ông Cồ Đàm! Ông có thấy trâu của tôi chạy ngang qua đây không?

Đức Phật bảo:

- Ông đi tìm vật không đáng tìm, đáng lẽ phải đi tìm chính mình mới phải.

Ông nghe vậy, ngạc nhiên hỏi lại:

- Ngài nói gì lạ vậy? Tôi không hiểu.

Đức Phật giải thích:

- Ông nên tìm lại chính mình, khi tìm được sẽ đem lại hạnh phúc an vui cho ông. Chúng sanh thường tìm kiếm những điều đem lại sự khổ não, không biết là hạnh phúc của mỗi người phải tìm nó ở ngay trong tâm mình.

Đức Phật dạy ông là phải đi tìm chính ông mới phải, đó mới là tìm hạnh phúc, đó là điều cần tìm mà lại không tìm. Chúng sanh cứ lo tìm những điều khổ não mà quên tìm lại chính mình, cho nên khổ hoài.

Ông Bà-la-môn nghe xong liền tỉnh ngộ, ông mới thấy rõ là xưa nay mình chỉ đi tìm những cái bên ngoài nên mãi đau khổ, nếu nay không gặp được Đức Phật chắc là còn lăng xăng chạy đi tìm cái bên ngoài. Khi cảm nhận được điều đó, ông hướng về Phật chân thành đảnh lễ.

Đến đây mỗi người có đồng ý mở rộng lòng với tâm hỷ xả hay không? Ai có nói gì mình cũng không giận là xả, ngay đó là có hạnh phúc. Còn vừa nghe nói liền đem vào thì khổ ngay! Vậy hạnh phúc, khổ đau đâu phải ở bên ngoài mà là ngay trong chính mình.

Quán chiếu rõ điều này, chúng ta sẽ thấy được ý nghĩa chân thật, rồi ứng dụng trong đời sống tu tập với tâm hỷ xả và lòng cởi mở. Bởi vậy, Ngài Huệ Hải nói: “Việc đến chẳng nhận, tất cả chỗ không tâm”. Ngài dạy việc đến đừng nhận tức không khổ, lòng rỗng rang. Như người ta nói nặng mình nhưng mình không nhận thì đâu có khổ! Còn người ta chưa nói tới mình mà mình đã nhận liền khổ thôi! Như đang đi chợ nghe ai nói gì đó có tên ai trùng tên với mình liền lắng tai nghe để đem vào, nên khổ là vậy. Cho nên, chúng ta phải tập bớt nhận sẽ sống vui vẻ.

Như câu chuyện, một hôm Phật đang đi khất thực, có một Bà-la-môn đi theo sau chửi. Phật đi trước, ông theo sau chửi hoài, Phật vẫn đi. Cuối cùng, người Bà-la-môn đó chạy ra trước đón đầu Phật, hỏi:

- Nãy giờ tôi chửi, ông có nghe không?

Phật đáp:

- Nghe chứ!

Hỏi:

- Ông nghe mà tại sao làm thinh đi hoài vậy?

Phật hỏi lại:

- Giả sử nhà bạn ông có đám tiệc mời ông dự, ông đem quà đến tặng mà bạn ông không nhận thì món quà đó sẽ ra sao?

Bà-la-môn đáp:

- Tôi tặng mà không nhận thì tôi đem về.

Phật nói:

- Cũng vậy, ông chửi ta mà ta không nhận, của ông vẫn là của ông.

Ông có ác tâm mạ nhục người, khẩu nghiệp ác đó sẽ về ông không mất, tức là ông sẽ khổ. Nếu người ta chửi mắng mà mình không nhận thì của họ vẫn là của họ. Còn mình nhận tức là của mình, là khổ. Đơn giản vậy đó! Khổ vui là ngay chỗ đó.

Mong tất cả khéo hiểu những lời này, luôn phát triển tâm xả của mình để cuộc sống càng ngày càng đến gần với nhau hơn, bớt đem khổ cho nhau, cũng bớt ôm ấp oán hận, buồn phiền. Nhờ vậy, cuộc đời tươi vui mát mẻ hơn, có nhiều bạn bè hơn, đi đâu cũng gặp bạn bè là vui vẻ. Phải luôn nhớ câu này: “Một lần buông xuống là một lần lên”. Người càng buông xuống là càng lên cao, càng nhẹ nhàng, an ổn.

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 70901
  • Online: 44