Tự thắng mình là trên hết
26/10/2018 | Lượt xem: 2990
TT.Thích Thông Phương
I- DẪN KINH PHÁP CÚ.
Trong kinh Pháp Cú, câu 103 Đức Phật có dạy:Người kia ở chiến trường, Tuy thắng trăm muôn giặc,Chưa bằng thắng chính mình. Là chiến sĩ bậc nhất.Với con mắt của Phật, người chiến thắng giặc bên ngoài là dễ, chiến thắng giặc nơi mình, giặc trong tâm mình thật là khó.
Một tướng quân hiên ngang ngoài trận địa nhưng về nhà không thắng nổi những lời nhỏ nhẹ hoặc những giọt nước mắt của người phụ nữ. Bị giặc tham ái làm chủ trở lại, nó đóng gông dẫn đi dễ dàng. Có lúc bị lòng ái luyến ngự trị khiến thành yếu đuối. Một vị tướng quân Nhật có cái chén cổ rất quý vô cùng. Một hôm ông cầm mân mê xem, chợt sẩy tay muốn rơi, ông hoảng hốt chụp vội, rồi kêu lên: “Ồ! May quá!”. Song, qua cơn hoảng hồn đó, ông tự thầm nghĩ: “Ta từng lãnh đạo hàng vạn quân vào sinh ra tử, xông pha giữa trận mạc, xem cái chết tợ trò chơi, vì sao hôm nay chỉ vì một cái chén mà sợ hãi đến như thế?” Liền thuận tay ông đập bể luôn cái chén! Như vậy, một ông tướng từng xông pha giữa chiến trận, xem cái chết như trò chơi nhưng tại sao vì cái chén mà hoảng hốt? Rõ ràng chỉ vì lòng ái luyến, quá quý tiếc cái chén mà trở thành yếu đuối. Song vị tướng này có học đạo, nên đã tỉnh ngộ và can đảm mới dám đập vỡ món đồ quý của mình. Quả là một sự thắng mình cao quý. Đó là trường hợp tham. Rồi trường hợp sân, gặp việc trái ý nghịch lòng một chút liền nổi sân, không làm chủ được, là bị thua giặc sân rồ! Là thiếu sức nhẫn. Có người lý luận, nhẫn là nhục, là yếu đuối, đây là bảo vệ cho lòng sân của mình. Thật sự, nhẫn là một sức mạnh tinh thần rất cao. Người có sức nhẫn là người được đời quý trọng, còn sân thì có mấy ai khen. Vừa nói động đến là sân liền thì có mạnh gì đâu!Trong kinh Di Giáo, Phật bảo: “Nhẫn là cái Đức mà trì giới, khổ hạnh không thể bì kịp. Người hay thực hành đức Nhẫn mới có thể gọi là người có sức mạnh to lớn.”Thường ngày mình hay ca ngợi tự do, tự chủ, nhưng trên thực tế, mình bị nô lệ cho lòng tham, lòng sân, lòng yêu ghét, lòng đố kỵ, lòng kiêu căng… Biết sân là xấu mà gặp việc vẫn sân thì có làm chủ được chăng? Biết uống rượu, hút á phiện, xì ke, ma túy là mầm gây bệnh hoạn, nhưng bỏ không được thì có làm chủ được chăng? Có những đêm mệt mỏi nằm xuống muốn ngủ liền, nhưng trằn trọc không ngủ được, cứ phải nghĩ ngợi hoài, vậy có tự chủ gì?
II- PHẢI DỪNG LẠI BÊN TRONG
Người không biết tu, bị các phiền não tập nghiệp chi phối, không tự làm chủ được mình, bị dẫn chạy đi mãi, khiến tạo tác thành bao nhiêu thứ nghiệp, gây đau khổ cho mình, cho người không ít. Người biết tu, trái lại phải lo thắng được mình, dừng lại ý nghiệp bên trong để tự làm chủ chính mình, thì thân nghiệp, khẩu nghiệp cũng theo đó mà nép phục.Thời Phật, Ương-quật-ma-la có sức mạnh phi thường, theo học với thầy được thầy rất quý mến nên bị bạn bè ganh ghét, họ nói xấu với ông thầy là chàng có tà tâm với bà vợ của thầy. Ban đầu ông thầy không tin, nhưng họ cứ nói hoài, nhiều lần ông thầy phải tin, bèn tìm cách giết chàng mà không để mang tiếng, mới bảo chàng:- Theo phép bí truyền, con phải giết đủ một nghìn mạng để làm lễ Tổ.Và ông thầy bắt chàng phải thực hành.Ban đầu Ương-quật giết một người, lấy một ngón tay xỏ treo lên cành cây, bị chim két tha đi hết. Sau đó, Ương-quật xỏ xâu đeo trước ngực, nên có tên là Chỉ Man. Tin đồn, vua sai quân lính đến dẹp. Bà mẹ chàng thương con, tìm đến cho hay. Đồng thời, Phật cũng biết duyên đạo của chàng tới lúc độ được, bèn đi đến độ. Khi Phật đi đến thì cũng đúng lúc bà mẹ chàng tới, Ương-quật bỏ mẹ, định đuổi theo giết Phật cho đủ số, vì lúc đó chàng đã tính được 999 lóng tay rồi. Nhưng lạ thay, hễ chàng chạy nhanh thì Phật đi nhanh, chàng chạy chậm thì Phật đi chậm, đuổi mãi vẫn không kịp Phật. Cuối cùng, chàng bèn gọi:- Ông Sa-môn! Sao không dừng lại? Phật bảo:- Ta dừng đã lâu, chỉ ngươi chưa dừng thôi. Chàng nói:- Ông nói gì lạ vậy?Phật bảo:- Ta đã dừng tâm sát hại, thương mọi chúng sanh; còn ngươi, ngươi vẫn ác tâm hại người, nên Ta dừng mà ngươi chưa dừng. Đây là bài kệ Ương-quật ngâm hỏi Phật:
Thầy nói đã đứng lâu,
Sao tôi rượt không kịp?
Thầy nói tại tôi chạy,
Ấy là tôi bị hiếp.
Xin Thầy giải nghĩa giùm,
Cho tôi hết nghi hoặc.
Phật nói kệ:
Chỉ Man nghe Ta nói,
mới khỏi điều sai lầm.
Vì người trọng vọng,
để cho ám vào,
nên không tự chủ được.
Muốn nổi tiếng anh hùng,
gây ra nhiều tội ác.
Thật là rất u mê,
mong gì nên đạo nghiệp.
Ta đã đứng im lặng,
nên Ta được giải thoát.
Người vẫn cứ lăng xăng,
nên người bị khổ não.
Nghe đây có ai chịu dừng chưa? Đây là Phật khéo đánh thức Ương-quật-ma-la cũng như mọi người, phải dừng lại những tâm xấu ác, đó là con đường đi lên, là con đường giải thoát. Phật vẫn đi, vẫn hành động, nhưng tâm Ngài đã bình lặng, nên Ngài làm mà vẫn không động, đi mà vẫn là dừng. Còn chúng ta, dù có ngồi yên, nhắm mắt, vẫn chưa được gọi là dừng; vì bên trong vẫn còn đi dạo chơi xóm làng, vẫn khởi động luôn luôn. Tu hành không phải lo làm gì nhiều, chỉ chịu khó dừng lại là xong.Trong kinh Pháp Cú Thí Dụ cũng có một câu chuyện: Một vị Sa-môn muốn độ đôi vợ chồng nghèo ở Xá-vệ, Ngài đi đến nhà ấy khất thực, gặp lúc người chồng đi vắng, người vợ mắng đuổi Sa-môn bảo:- Dù ông chết đứng ngay đó tôi cũng không cho, huống nữa là ông mạnh khỏe thế này! Sa-môn bỗng chết đứng ngay đó thật, rồi sình trướng lên. Người vợ sợ quá, bỏ chạy la hét sợ hãi. Sa-môn liền hiện tướng cũ, đi đến gốc cây xa xa ngồi. Người chồng về, vợ kể lại, anh nghe xong nổi giận, đeo cung tên, xách dao định giết Sa-môn. Sa-môn hóa cái thành pha lê vây bọc xung quanh mình. Người chồng cứ chạy loanh quanh bên ngoài, không làm sao vào được. Anh liền bảo:- Này đạo sĩ! Sao ông không mở cửa ra? Sa-môn bảo:- Ngươi hãy buông dao tên xuống đi, tôi sẽ mở cửa. Anh nghĩ mình khoẻ mạnh, vào đó tay không đánh Sa-môn cũng chết, bèn buông tên, dao xuống. Nhưng vẫn không thấy cửa mở, bèn hỏi lại Sa-môn. Sa-môn bảo:- Tôi muốn nói: ngươi hãy buông dao, tên ác ý trong tâm của ngươi kìa, chớ không phải dao, tên trong tay! Anh giật mình sợ, sao Ngài biết được cả trong lòng mình. Bèn sám hối. Chính đây là chỗ tu hành thật tế. Con dao bên ngoài chưa đáng nguy hại, vì nó vốn là vật vô tri, có biết gì đâu. Người tâm tốt dùng nó có sao đâu, trái lại còn lợi ích nữa. Chính con dao trong tâm mới thật nguy hại! Nó đưa người vào tội lỗi, vào khổ đau từ đời này qua đời khác, không lường hết được. Người thắng được nó, dừng được nó, mới thật quý. Còn dừng bên ngoài mà không dừng bên trong cũng thành giả dối. Chẳng hạn ngoài hiện tướng vui vẻ mà trong lòng hiểm độc, tính toán hại người, thì cả một địa ngục bên trong. Có một chiến sĩ Nhật Bản đến hỏi Thiền sư Bạch Ẩn:
- Bạch thầy, thật có thiên đường địa ngục chăng?
Bạch Ẩn hỏi lại:- Anh là ai?
Chiến sĩ đáp:- Tôi là một chiến sĩ.
Bạch Ẩn bảo to:- Hứ! Anh mà là chiến sĩ hả! Trông mặt anh chẳng khác tên ăn mày!
Anh giận dữ, đặt tay vào chuôi kiếm. Bạch Ẩn còn tiếp thêm:- Anh cũng có kiếm à! Có lẽ kiếm của anh cũng không buồn cắt đầu tôi đâu!Chiến sĩ liền rút phắt kiếm ra, Bạch Ẩn liền cười bảo:- Chính đó, cửa địa ngục đang mở ra!Anh chợt tỉnh ngộ, cúi đầu sám hối. Bạch Ẩn bảo:- Và đây, cửa thiên đường đang mở!Nhiều người cứ lo thắc mắc thiên đường, địa ngục ở đâu đâu, không ngờ nó ở ngay chính mình, trong lòng mình đây thôi. Khởi tâm lành, là cửa mở đến thiên đường. Khởi tâm dữ, là cửa mở xuống địa ngục. Xem vị chiến sĩ này, cũng khá biết thắng được mình, nhưng làm sao phải thường thấy được như vậy thì càng hay! Vừa nổi giận lên, muốn vung tay, há miệng, liền nhớ: đây là cửa địa ngục! Dừng lại ngay. Đó là kẻ mạnh. Còn theo đó, là bị ma xỏ mũi dẫn đi dễ dàng.Và đây là câu chuyện Phật độ bọn cướp: Phật muốn độ bọn cướp ở ngọn núi phía nam thành La-duyệt-kỳ, Ngài bèn hóa thành một người ăn mặc sang quý cỡi ngựa, vai mang kiếm báu, tay cầm cung tên. Con ngựa cũng được thắng yên vàng, dàm nạm bạc, có đeo ngọc, thúc ngựa chạy vào núi. Bọn cướp trông thấy mừng rỡ, nghĩ sẽ được món hàng to, bèn cùng nhau ra chặn đầu ngựa, định sát hại người ấy. Lúc đó, người hóa của Phật giương cung bắn, múa kiếm chém. Bọn cướp bị thương tích lăn lộn trên đất, vội xin quy hàng, thưa:- Ngài là thần tiên ở đâu lại mà có oai lực như thế, xin tha mạng cho chúng con. Chúng con bị thương đau nhức vô cùng, xin mau nhổ tên ra dùm và trị cho chúng con!Người hóa bảo:- Vết thương này chưa phải nặng, mũi tên này chưa phải sâu; trong thiên hạ vết thương nặng nhất không gì hơn là âu lo, tai hại lớn nhất là ngu muội. Các ngươi mang mối âu lo do lòng tham cầu, có tâm ngu muội của sự giết hại, đó là tên độc hơn cả.(Kinh Pháp Cú Thí Dụ)Cho thấy Phật có nhiều phương tiện khéo léo để độ chúng sinh. Trong đây Ngài muốn nhắc nhở điều gì? Tức là, vết thương ngu mê, giết hại trong lòng, đó mới là vết thương nặng, phải trị ngay vết thương đó thì mới hết đau khổ. Nếu không, thì mang nó rồi sống oằn oại trong cuộc luân hồi sinh tử, là chuốc lấy đau khổ từ kiếp này qua kiếp khác, là kêu than không dứt. Đó quả là mũi tên độc hơn cả. Người hiểu đạo phải nhổ ngay mũi tên độc này, trị ngay vết thương trong lòng đó, là cách hay nhất đưa đến cuộc sống an vui. Đó là một cách thắng mình để vươn lên!
III- PHẢI BIẾT GỐC NGỌN TU HÀNH KHÔNG LẦM
Người tu hành, gốc là thắng được mình, làm chủ lại chính mình mà khắc phục các thứ phiền não. Vì vậy, hạ thủ công phu phải biết gốc ngọn rõ ràng, tu hành đúng đắn thì đạt kết quả như ý, trái lại là phí công nhiều. Truyện cổ Phật giáo có câu chuyện:Một ni cô nước Sa-ca-la gặp vị Bà-la-môn tu khổ hạnh, dùng năm loại lửa nướng thân mình, đầu tóc khô giòn, môi miệng nứt nẻ. Người đời gọi ông là La Hạt Chích (tức cây vải bông nướng). Cô thấy vậy bèn nói với ông:- Cái đáng thiêu ông không thiêu, lại lầm lẫn đi thiêu cái không đáng thiêu, sao mà si mê vậy!Vị Bà-la-môn nghe thế, lửa giận phừng lên, bảo:- Đồ con lừa! Ngươi nói cái gì là cái đáng thiêu? Ni cô bảo:- Cái đáng thiêu chính là “tâm nóng giận” của ông đó! Nếu người thiêu cháy được cái tâm đó thì mới là thiêu thật sự. Giống như xe không đi thì đánh trâu, ai lại đánh xe. Cũng vậy, phải đánh thức cái tâm kia, thiêu cháy tan cái tâm đó thì thân hết bị giày vò đau khổ.Ông nghe xong liền tỉnh ngộ, quỳ lạy.Chú ý trong đây: “cái đáng thiêu chính là tâm nóng giận của ông đó”. Thiêu cho sạch cái tâm nóng giận, cái niệm sân si đó, chính đây mới là điểm trọng yếu tu hành, là căn bản đưa đến giải thoát. Nhiều người nhân quả lộn ngược như trên, nên tu lâu ngày, công phu khổ nhọc mà vẫn không giải thoát được, vẫn káo dài phiền não khổ đau. Đày đọa cái thân cho khổ để tiêu nghiệp nhưng tâm không thay đổi, không chuyển hóa thanh tịnh thì tiêu nghiệp được chăng? Có khi dằn ép nó quá, lại dễ sinh bực bội, dễ phiền não nữa. Bởi thân là bốn đại hòa hợp thành, đất nước gió lửa, máu thịt gân xương nó có biết gì mà đánh, mà thúc nó? Cái thân khi tắt thở nằm cứng đờ, mặc người dẫm đạp, chửi mắng, nó có biết gì? Chính Tâm mới có biết, có khởi tham, sân, ngã mạn, ganh ghét, hơn thua rồi tự chuốc lấy phiền não khổ đau. Phải dừng ngay trong tâm, chuyển hóa nó thì mới thật tiêu nghiệp, được giải thoát. Và đó mới thật là thắng được mình, là việc bổn phận người tu.Ngày xưa khi Phật còn tại thế, lúc nọ Ngài ở Xá-vệ, vào buổi chiều, có các Tỳ-kheo sau cuộc hành trình từ nhiều nơi trở về, tụ tập bàn về các dạng đất khác nhau từ làng này qua làng nọ, chỗ bằng phẳng, chỗ gồ ghề, nhiều bùn, nhiều sỏi đá, đất sét đen, đất sét đỏ.Phật đến gặp và hỏi:- Các thầy đang làm gì?Các thầy Tỳ-kheo thuật lại việc đang bàn. Phật dạy:- Đó là đất bên ngoài, đúng hơn các thầy nên tẩy sạch “đất trong tâm” của các thầy, đó mới là việc bổn phận cần nên làm.Cho thấy chúng ta thường bỏ phí thời giờ vào những chuyện đâu đâu, lo bàn tán viễn vông làm mất đi bao nhiêu việc tốt. Cứ lo bàn đất này đất nọ, càng loạn tâm thêm, rồi kéo theo người cùng loạn với mình. Đâu biết, chính khi bàn đó là bụi vọng tưởng đang dấy lên trong tâm rồi. Nếu bàn một lúc, lại tranh cãi nữa thì càng lấp đầy bụi. Nói xa hơn, ngồi lại lo bàn phải, bàn quay, người này tốt, người kia xấu, phê bình kẻ nọ người kia cho mình là cao kiến, là hiểu biết nhiều, không ngờ đó là bụi đóng ngay trong lòng. Có cao gì? Cho nên, phải xoay lại rửa bụi trong tâm, đó là cách làm chủ lại mình, được Phật khen ngợi.
IV- TỰ XÉT LẠI MÌNH
Đã biết rõ, gốc tu hành là ở nơi tâm, là phải tự thắng mình, nên người tu phải luôn quán xét trở lại tâm mình, để nhận rõ những điều xấu dở mà khắc phục chuyển đổi, khiến mỗi ngày tốt hơn. Đó là công phu thiết thực nhất. Ở Tây Tạng có câu chuyện:Geshé Ben, một tăng sĩ trẻ Tây Tạng, giữ giới luật Đại thừa rất kỹ sống vào thế kỷ XI. Một ngày nọ, Ben được một gia đình mời đến thọ thực tại gia đình ấy. Trong lúc gia đình đang dọn thức ăn, Ben đói bụng và tự đi vào trong bếp. Bỗng Ben phát hiện bàn tay mình đang thò vào một bao bố dựng đầy trà thơm. Ben liền kêu to lên: “Ăn trộm! Ăn trộm!” và tự đánh vào bàn tay tham lam của mình. Cả nhà nghe tiếng chạy vào hỏi: “Ăn trộm đâu?” và người cha cầm sẵn gậy để bảo vệ cho gia đình. Nhưng Ben đỏ mặt giơ tay ra bảo: “Đây! Đây! Chính tôi vừa bắt gặp chính mình đang lợi dụng lòng tốt của quý vị!” Sau đó, Ben nguyện lớn rằng: nếu còn tái phạm sẽ tự chặt tay ấy! Một lần khác, Ben và các vị Lạt-ma trưởng lão được mời đến một gia đình sang trọng để nhận cúng dường. Mọi người được xếp theo thứ tự bậc trưởng lão ở trên, dần xuống những vị tăng trẻ. Chủ nhà và người hầu cận bắt đầu dọn sữa cho các vị trưởng lão trước. Ben nhìn thấy nóng ruột. Nhìn qua bình sữa hơi nhỏ, Ben nghĩ đến phiên mình chắc đã cạn hết sạch còn gì! Vừa nghĩ tới đó, Ben tự nói to giữa đông người: “Ôi! Tham lam!”. Sau đó, người nhà đem thêm sữa, khi sắp cho vào bát của Ben thì Ben liền chặn lại bảo: “Thôi, cám ơn! Ý nghĩ tham lam của tôi đã ăn hết phần của tôi rồi!”(Sư Tử Tuyết Bờm Xanh). Nếu ai cũng biết nghiêm túc thấy lại mình một cách chân thật như thế, chắc chắn trên đường tu hành rất mau tiến. Và hẳn đâu còn có ăn trộm trên cõi đời này! Mà nếu không có phản quan thì sao thấy được như thế? Cho nên đối với người tu, công phu soi lại mình rất quan trọng, là then chốt trong mọi pháp tu. Pháp tu nào mà thiếu soi lại mình, là khó đạt đến cứu cánh. Tụng kinh, lễ Phật nhiều mà không biết soi lại mình để thắng những phiền não sinh khởi cũng chưa phải là hay!Như ông tăng tên Pháp Đạt, tụng thuộc lòng kinh Pháp Hoa. Khi đến gặp Lục Tổ Huệ Năng, ông làm lễ mà đầu không sát đất, bị Tổ quở:- Lễ mà đầu không sát đất sao bằng chẳng lễ? Trong tâm của ông hẳn có một vật, ông đã chứa đựng việc gì?Pháp Đạt đáp:- Đã tụng kinh Pháp Hoa đến ba nghìn bộ.Tổ bảo:- Nếu ông tụng đến mười nghìn bộ mà nhận được ý kinh, chẳng lấy đó cho là hơn, thì cùng ta đồng đi. Nay ông cậy có sự nghiệp này đều chẳng biết lỗi. Hãy nghe ta nói kệ:
Lễ vốn bẻ cờ mạn.
Đầu sao không sát đất?
Có ta, tội liền sinh
Quên công, phước không sánh.
***
Lễ bổn chiết mạn tràng
Đầu hề bất chí địa?
Hữu ngã tội tức sinh
Vong công phước vô tỷ.
Đó là tụng kinh nhưng chưa đạt ý kinh, thiếu soi lại mình, để tâm ngã mạn nó chen vào nên lễ Tổ mà đầu không sát đất, Tổ quở để nhắc ông thấy lại mà tỉnh ngộ, không chấp vào đó thì phước mới không sánh được.
V- TÓM KẾT
Tu hành có nhiều cách, nhưng nói đơn giản lại, thắng được mình là chính yếu. Tu công phu nhiều, ngồi thiền suốt ngày, ăn lá cây, uống nước suối, ngày ăn một bữa, ngồi trong tuyết lạnh… mà không thắng được mình, gặp sân liền sân, gặp tham liền tham, đụng danh kẹt danh, thấy lợi dính lợi… cũng chưa được bậc giác ngộ khen ngợi!Phải luôn luôn tinh tiến thắng được chính mình, lấy lại quyền làm chủ đã từ bao đời bị đám giặc lòng đoạt lấy. Đó là con đường sống an vui.
Các bài mới
- Tam Vô của Lục Tổ - 14/08/2018
- Ai cũng có một tâm Phật - 27/06/2018
- Chớ tin tâm mình - 14/06/2018
- Coi chừng bị gạt - 12/05/2018
- Tâm thiền - 08/05/2018
Các bài đã đăng
- Pháp môn một chữ - 28/04/2018
- Tu tâm xả - 16/04/2018
- Hãy nhớ cái chết đang chờ chúng ta - 10/04/2018
- Sống không khoảng cách - 24/03/2018
- Ở đâu có ta là có đau khổ - 11/03/2018
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 96154
- Online: 30