Tu Theo Thiền Tông

20/05/2024 | Lượt xem: 764

HT.Thích Thanh Từ

Thiền có nhiều loại khác nhau như thiền Nguyên thủy, thiền Đại thừa và Thiền tông. Hiện tại chúng ta đang tu theo Thiền tông. Nếu tu theo thiền Nguyên thủy có kinh điển đầy đủ, nói rõ từng bước để thực hành. Tu theo thiền Đại thừa thì các sách nói về pháp môn Chỉ - Quán dạy rất rõ. Tu theo Thiền tông thì kinh sách không có sự chỉ dạy thứ lớp. Đó là điều rất khó, nhưng tôi lại thích tu theo Thiền tông, âu cũng là chủng duyên quá khứ.

Thiền tông hiện nay chia ra hai hệ: Thiền tông mật truyền và Thiền tông lý giải. Chư Tổ từ Ấn Độ sang Trung Hoa là Thiền tông mật truyền, nghĩa là truyền y bát để làm tin. Từ sang Trung Hoa về sau là Thiền tông lý giải vì có lý giải. Như trường hợp ngài Thần Hội là đệ tử của Lục Tổ. Khi nghe Lục Tổ bảo: 

- Ta có một vật không đầu không đuôi, không tên không họ, không lưng không mặt, các ngươi biết chăng?

Ngài Thần Hội nhanh nhảu thưa: 

- Ấy là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội. 

Tổ quở:

- Đã nói với ngươi là không tên không họ, ngươi lại kêu là bản nguyên, Phật tánh. Ngươi về sau ra giáo hóa cũng chỉ thành tông đồ của hàng tri giải.

Câu nói trên rất thâm trầm. Bởi vì chỗ chân thật không thể dùng ngôn ngữ diễn đạt, chỉ lấy tâm nhận tâm chứ không qua từ ngữ. Ngài Thần Hội dùng danh tự kinh điển, cho nên Tổ bảo nói tuy không sai nhưng có một cái gì che bên ngoài rồi. Hoàn cảnh của ngài Thần Hội thời bấy giờ đúng là phải như vậy. Bởi vì, thời trước Thiền tông truyền từ Bắc Trung Quốc dần tới Lục Tổ là miền Nam. Phía Bắc thuộc kinh đô, những nhà văn học, thi sĩ đa số sống ở đó. Từ Bắc truyền dần vào Nam tới Lục Tổ, thiền không còn y cứ trên văn nghĩa mà là truyền tâm.

Ngài Thần Hội thông suốt lý thiền từ Lục Tổ, sau này từ giã Sư Phụ về phương Bắc. Nhờ ngài khéo dùng từ ngữ trong kinh giải thích thiền cho nên vua chúa, quan dân hay giới trí thức hiểu được thiền. Vì vậy Thiền tông được truyền trở lại phương Bắc. Nếu muốn truyền bá cho giới trí thức mà nói kiểu làm thinh hoặc đánh hét thì người ta không chịu, cũng không thể lãnh hội được. Cho nên ngài phải dùng từ ngữ trong các kinh điển làm phương tiện. 

Phật tổ ngày xưa giảng kinh nhiều, đem pháp sâu xa nói cho người nghe lãnh hội tu hành. Tuy nhiên, nghe nhiều mà không thực hành, lâu dần sanh nhàm giáo pháp, nên việc giảng dạy không đưa tới kết quả tốt. Từ đó, chư Tổ không chủ trương giải thích rõ, mà các ngài nói có vẻ bí mật, ai có thiện căn thiện cơ mới lãnh hội được. Cho nên Thiền tông mật truyền là thầy chứng, thầm truyền cho trò, trò ngộ thầy ấn khả.

Trên hội Linh Sơn, đức Phật đưa cành hoa sen lên rồi nhìn khắp đại chúng, xem ai cảm thông được, tức là không dùng ngôn ngữ. Phật thấy ngài Ca-diếp cười, thầy trò thông cảm. Ngay đó Phật liền ấn chứng. Đó là mật truyền. Thật ra cái mật truyền này không có gì lạ. Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật nói về tánh thấy, tánh nghe. Ngài đưa hoa sen lên là xem ai sử dụng tánh thấy. Phật nhìn từng người là dùng mắt, tới ngài Ca-diếp lãnh hội được ý Phật nên Ngài trao, bốn mắt nhìn nhau tức là tứ mục tương cố. Thầy nhìn trò, trò hiểu được thầy, đó là mật truyền. Phật muốn chỉ cho chúng ta biết mình có tánh thấy rõ ràng chân thật, nhận được thì giải thoát sanh tử không khó.

Nghe giảng kinh dễ hiểu, còn đưa một hình ảnh để lãnh hội thật là khó. Người lãnh hội được phải có trí tuệ. Đó là điều hết sức rõ ràng. Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật đưa tay lên hỏi ngài A-nan thấy không, ngài A-nan nói thấy. Phật để tay xuống nói thấy không, ngài đáp không. Phật quở ngài đã quên mình theo vật. Bây giờ thấy hoa sen đưa lên, ngài Ca-diếp mỉm cười tức là nhớ mình rồi, không lệ thuộc vật nữa. Như vậy quá rõ ràng.

Tới đời thứ hai, ngài Ca-diếp truyền qua ngài A-nan. Khi ngài A-nan thưa:

- Ngoài y bát ra đức Thế Tôn còn truyền cái gì nữa không? 

Ngài Ca-diếp không nói gì hết, gọi:

- A-nan!

Ngài A-nan đáp:

- Dạ!

- Cây phướn trước chùa ngã.

Ngài A-nan liền ngộ. Đó là những ngôn ngữ, hành động lạ lùng, bí mật. Đức Phật sau khi thọ ký cho ngài Ca-diếp có nói một câu: Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, vi diệu pháp môn... nay trao cho Ca-diếp. Chánh pháp nhãn tạng là kho chánh pháp ở con mắt, chỉ cho tánh thấy của mỗi chúng ta. Như vậy Phật thọ ký cho ngài Ca-diếp về tánh thấy chứ không có gì lạ. 

Ngài Ca-diếp gọi ngài A-nan, A-nan dạ, ngài Ca-diếp nói cây phướn trước chùa ngã. Câu đó là câu nói suông, quan trọng ở chỗ “dạ” tức là chỉ tánh nghe trong kinh Lăng Nghiêm, Phật lặp đi lặp lại rất nhiều chuyện này, chứ không phải không nói. Phật tổ muốn học nhân phải là người kỳ đặc, không cần ngôn ngữ mà vẫn thấy vẫn hiểu nên dùng cách mật truyền.

Tới giai đoạn này, ít có vị chứng ngộ như chư Tổ ngày xưa nên không thể mật truyền. Vì vậy Thiền tông nghiêng về lý giải. Hiện nay chẳng những ở Việt Nam gần như mất dấu tích Thiền tông, mà bên Trung Hoa cũng khó tìm thấy. Thấy và hiểu lời đức Phật dạy thông qua kinh điển, dùng lý giải truyền gọi là Thiền tông lý giải. Tuy hơi khác so với ngày xưa nhưng lại phù hợp với thời hiện đại.

Chẳng những ở Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản mà cả bên Tây phương nhiều người biết tu và ham tu thiền. Một số thích tu theo thiền Nguyên thủy, số khác thích theo Thiền tông. Hiện thời ở Tây phương cũng như các nước Đông phương sử dụng máy móc rất nhiều. Chỉ cần ngồi một chỗ đảm nhiệm một khâu, việc tới phải lẹ làng, chú ý việc sẽ tốt, nếu sơ suất một chút liền có tai họa. Như vậy tu theo Thiền tông chăm chỉ nhìn vào công việc, tâm không khởi niệm tưởng, tới đâu biết tới đó, rất tốt cho người thời nay. 

Thí dụ, thấy giấy tuôn ra lấy sắp lại, cứ thế sắp hoài từ sáng tới chiều, không nghĩ ngợi gì khác. Ðó là tu trong hành động, rất thích hợp với hoàn cảnh hiện tại. Tôi thấy đây là cơ duyên có thể giúp cho người sau hiểu đạo lý, nhất là lý thiền. Hành động chậm hay nhanh không thành vấn đề, quan trọng là tâm đừng chạy. Vừa chạy liền thấy, chặn lại, đó là gốc. 

Lâu nay chúng ta có bệnh cho suy nghĩ tốt xấu, hay dở là tâm mình. Vì ngồi lại nhớ chuyện này chuyện kia tứ tung nên tâm bất an. Ngài Huệ Khả hỏi Tổ phương pháp trị tâm bất an, Tổ không chỉ mà bảo đem nó ra đây. Ngài quay lại tìm nhưng không thấy. Như vậy để chứng minh bất an là cái không thật, nếu nó thật thì tìm phải thấy. Nó không thật tự nhiên an chứ có gì đâu.

Sau này Tuệ Trung thượng sĩ dạy Điều Ngự Giác Hoàng “phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”, quay lại nhìn mình là việc gốc, không phải từ ngoài mà được. Niệm dấy khởi biết nó là vọng không thật, bởi không thật nên nó tự mất. Tập như vậy lâu ngày thuần thục nó sẽ nhẹ, sẽ hết. Một phút giây nào đó mình liền thấy được cái chân thật trùm khắp. Đó là tu theo Thiền tông. 

Thiền tông từ tổ Huệ Khả, Lục tổ Huệ Năng cho tới Sơ tổ Trúc Lâm Việt Nam có hệ thống rõ ràng, nhưng không phải mật truyền mà là lý giải. Cách gọi Thiền tông lý giải do tôi mới đặt để thích hợp với thời đại. Thiền tông mật truyền gần như mất dấu tích ở Việt Nam, cũng khó kiếm thấy bên Trung Hoa. Cho nên chúng ta bước qua giai đoạn lý giải, nghĩa là giải thích rõ ràng.

Thí dụ có người hỏi thế nào là Phật, tổ Lâm Tế đáp: “Que cứt khô”. Nghe thô tục chịu không nổi, nhưng đó là thủ đoạn hết sức kỳ đặc trong nhà thiền. Bởi vì Phật là chỗ không cho mình suy nghĩ, dấy niệm nghĩ là trật. Cho nên mới nói tổ Lâm Tế kỳ đặc. Hoặc hỏi thế nào là Phật, Ngài không trả lời mà đập cho một gậy. Chỉ thẳng cái không khởi niệm đó là Phật, còn khởi niệm là trật. Hiểu được hành động của người xưa, nên mình lý giải không sai. Ngày trước cái gì cũng huyền bí, nên nhà truyền thiền huyền bí theo. Bây giờ thời khoa học tất cả đều được lý giải, chúng ta cũng phải lý giải mới có thể truyền bá rộng rãi và lâu dài. 

Chúng ta đi tu chắc chắn ai cũng muốn cầu giải thoát sanh tử chứ không vì danh lợi. Vào đạo với tâm chân chánh phải chí quyết tìm cho ra, tu cho được mới thành công. Đừng lơ mơ, lười trễ tu không kết quả rồi đổ thừa pháp tu không hay là có tội. Phải nỗ lực tu, việc gì cũng cần lập trường vững và ý chí mạnh mới làm được. Bằng chứng đời tu của tôi luôn luôn gặp nghịch cảnh nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc, cứ chí quyết như vậy, không vì hoàn cảnh thuận hay nghịch mà rút lui.

Thí dụ ở Chơn Không tôi phải dời xuống Thường Chiếu, lên Trúc Lâm làm tiếp. Di chuyển cái bất như ý dần dần trở nên thành công. Nếu tôi ở Chơn Không yên ổn tới bây giờ chắc không có Trúc Lâm hay Yên Tử. Tất cả sự đổi thay không quan trọng; quan trọng phải giữ vững lập trường, một ngày nào đó sẽ thành tựu. Nếu gặp thuận mới làm, gặp nghịch thối chí bỏ cuộc, sẽ không bao giờ thành công.

Hồi xưa khi học đạo thấy những điều hay trong kinh, tôi thích quá đem ra giảng chỗ này dạy chỗ kia. Thời gian sau tôi thấy mình nói hết những cái hay rồi mà bản thân chưa được gì, vì thế bắt buộc tôi phải lên núi tu, tu để chứng minh đó không phải là lời nói suông. Vừa thấy được cái mới, tôi mở cửa dạy thiền từ đó cho tới bây giờ. Nói hết những cái mới lại đóng cửa tu, chừng nào tìm ra cái mới hơn sẽ nói tiếp. Tôi thấy mình rất đủ phúc duyên, đến tuổi này vẫn có thể hướng dẫn Tăng Ni Phật tử tu, đồng thời bản thân cũng được yên ổn tu hành theo sở nguyện của mình.

Xét kỹ trong đời tu của mình, tôi không bao giờ dừng và thấy đủ. Việc nào chưa được cố làm cho được, không dám hài lòng tự mãn. Nếu tu được chút ít mà khoe khoang thì không tới đâu hết. Thấy cái hay của đạo phổ biến cho mọi người biết cùng tu, không nên hài lòng ngang đó, phải tìm cái hay khác mới hơn, hợp thời đại hơn. Tuy công việc nhiều nhưng tới chừng buông là buông hết.

Thực tình những năm về trước tôi mất thời gian quá nhiều. Đi giảng dạy về tối cũng ngồi thiền, nhưng phần nhiều ngồi soạn bài chứ có thiền gì đâu. Đang ngồi chợt nhớ vấn đề mới, phải đứng dậy đốt đèn ghi lại, mai mới có bài giảng. Ngồi thiền không được trọn vẹn, mất rất nhiều thời gian. Cho nên tuy tu lâu nhưng công phu không đủ. Từ ngày được huynh đệ thông cảm gánh vác bớt Phật sự, tôi có thời gian nhập thất chuyên tu. Đường tu còn dài phía trước, chúng ta phải nỗ lực không bao giờ chán mỏi.

Thật ra ngồi trong thất còn mệt hơn ở ngoài, bởi vì cả ngày đâu có yên. Nói nhập thất rất sung sướng, đi chơi, ngồi chơi, nằm chơi, cái gì cũng chơi nhưng phải canh chừng chú trộm. Đang ngồi yên ổn chợt niệm khởi, phải tự nhắc: “Ủa, đi đâu đây. Tôi không dùng chú nữa”, luôn đuổi như vậy. Cho nên thấy như chơi, mà phải canh chừng luôn, không dám rời. Siêng năng như vậy, mỗi ngày qua sẽ thấy nhẹ nhàng hơn trước. Huynh đệ có lập trường và quyết tâm thì tu nhất định đạt kết quả. 

Nhiều vị nói thời mạt pháp tu chi uổng công vô ích. Nhưng với tôi mạt pháp hay chánh pháp là tùy người. Cố gắng tu có thể chuyển mạt pháp thành chánh pháp, nếu cho mạt pháp rồi không tu, đó là mạt thật. Thời đức Phật là chánh pháp mà thiếu gì thầy Tỳ-kheo hoàn tục, nghĩa là cũng có mạt pháp trong chánh pháp. Thời mạt pháp chúng ta cố gắng nghiên cứu kinh điển cho kỹ, thực hành cho đúng cũng được kết quả như thường. Ý chí nguyện lực là điều quan trọng, đừng đổ thừa thời này thời kia rồi tha hồ thả trôi, uổng phí một đời tu.

Thiền tông

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 07820
  • Online: 64