Tu Thiền Là Cội Gốc của Đạo Phật

15/03/2023 | Lượt xem: 1432

HT.Thích Thanh Từ

Tu thiền là cội gốc của đạo Phật. Chúng ta tu theo Phật thì điều gì Phật dạy chúng ta ứng dụng theo, mới đúng tinh thần căn bản của đạo Phật. Đức Phật ngồi thiền dưới cội bồ-đề được giác ngộ. Sau này, chư Tổ cũng nhờ tu thiền mà đạt được đạo quả. Cho nên nói tu thiền là nói tới cái gốc của đạo Phật, không có gì nghi ngờ. Điều này đã được ghi lại rất nhiều trong ba tạng kinh điển. 

Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa Việt Nam, đó là một đường. Đường khác là từ Ấn Độ các ngài truyền bá thẳng qua Việt Nam. Phật giáo Việt Nam ban đầu không hoàn toàn chịu ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc mà có nền tảng riêng. Từ thế kỷ thứ 2, tại thủ phủ Giao Châu chúng ta đã có chùa Dâu là trung tâm tu học, nơi dừng chân của các Phạn tăng. Hai ngài Ma-ha-kỳ-vực và Khâu-đà-la từng đến đây. Thiền sư Khương Tăng Hội ở Giao Châu sang Trung Hoa truyền bá Phật pháp, giữa thế kỷ thứ 8.

Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ thứ 2 thứ 3 rất hưng thịnh, nền tảng Phật học vững mạnh, từ buổi đầu được các vị Tăng sĩ Ấn Độ sang giáo hóa. Cho đến bây giờ chúng ta thường nghe miền Bắc gọi Phật là ông Bụt. Chữ Bụt gốc từ chữ Buddha, Trung Hoa phiên âm là Phật-đà, dịch nghĩa là Giác giả, tức người giác ngộ. 

Giác ngộ có nhiều nghĩa. Giác ngộ theo nghĩa thông thường, thí dụ một người ngày xưa làm kẻ trộm, bây giờ được giáo hóa bỏ nghề trộm cướp, gọi là giác ngộ. Giác ngộ theo nghĩa này thì thấp quá, không tương xứng với nghĩa của đạo Phật. Chữ giác trong nhà Phật có nhiều nghĩa, nhưng nói nhiều không ai nhớ nên tốt hơn gọi là Bụt. 

Tiếng Bụt để minh chứng rằng đạo Phật có ở Việt Nam trước khi Phật giáo Trung Hoa truyền sang. Từ thế kỷ 14 trở về sau chúng ta gọi Phật là theo chữ Hán, chữ Nhân và chữ Phất gọi là Phật.

Về mặt lịch sử, vào đời Tống đời Minh, Việt Nam thỉnh Đại tạng kinh đem về nghiên cứu, phiên âm từ tiếng Trung Hoa gọi là Phật. Bằng chứng đó cho thấy rằng Phật giáo Việt Nam không phải từ Trung Hoa truyền sang mà đã có trước Phật giáo Trung Hoa. 

Về mặt thiền, các Tổ trước truyền sang Việt Nam cũng dạy tu thiền, nhưng phần nhiều nghiên cứu trong kinh. Hoặc tu Lục diệu pháp môn hay quán Tứ niệm xứ... Đó là Như Lai thiền. Sau này chúng ta được các thiền sư ở Trung Hoa, nối tiếp truyền thiền sang Việt Nam, mới có Tổ sư thiền. Từ Tam tổ Tăng Xán chia ra hai nhánh: nhánh ở Trung Hoa là tổ Đạo Tín, nhánh truyền sang Việt Nam là ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Từ đây truyền dần xuống cùng các Tổ: Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, lập nên hệ thống thiền Việt Nam. 

Như vậy, gốc ban sơ của Phật giáo Việt Nam là thiền. Mãi tới thế kỷ 19, ở miền Trung có ngài Liễu Quán, ở miền Bắc có thiền sư Minh Chánh… là những vị thiền sư đầu thế kỷ 19. Suốt. 17 thế kỹ, từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 19, Phật giáo Việt Nam tu theo đường lối thiền, đúng là gốc của đạo Phật từ Ấn Độ truyền sang, không có lối nào khác. Cho đến gần cuối thế kỷ 19 sang thế kỷ 20, tất cả chùa Việt Nam nghiêng về Tịnh độ, không nghe nói tu thiền.

Điều đáng để ý nhất, chúng ta nói tu Tịnh độ nhưng tu thế nào? Chuyên tu Tịnh độ như ngài Huệ Viễn ở Trung Hoa, ngày đêm nhất tâm niệm Phật không dừng. Bây giờ chúng ta lấy hai thời khóa tụng, đầu hôm tụng Di Đà, sau đó niệm Phật. Niệm Phật xong tụng chú Vãng Sanh, rồi hồi hướng. Như vậy Tịnh độ chỉ có một thời kinh và sau đó niệm Phật vài ba xâu chuỗi. Buổi khuya tụng Lăng Nghiêm, hôm nào bận việc thì tụng Đại Bi, Thập Chú. Suốt một buổi khuya chỉ tụng chú, không có gì gọi là Tịnh độ. Tụng chú là lối tu của Mật tông, tụng kinh Di Đà niệm Phật là lối tu của Tịnh độ tông. Pháp tu như vậy thì không chuyên nhất. 

Phật giáo Việt Nam ngày nay, đa số Tăng Ni không biết tu thiền. Chẳng những không biết mà còn phản đối. Trong khi thiền đã có mặt ở Việt Nam 17 thế kỷ. Tổ tiên mình tu mà bây giờ mình phản đối thì có phải là người con hiếu thảo, là đệ tử trung thành của Tổ hay không? Đó là điều phải suy nghĩ lại.

Đi sâu hơn, nếu nói tu thiền thì đức Phật do tu thiền mà được giác ngộ thành Phật. Mãi đến sau này chư Tổ cũng tu thiền mà ngộ đạo. Nhưng ở Việt Nam phần đông cho rằng chỉ tu hai thời khóa tụng và niệm Phật là đủ. Thời mạt pháp thì chỉ còn câu niệm Phật, không còn gì nữa. Nhưng ở Nhật Bản không phải chỉ có Tịnh độ tông, còn có Mật tông, Thiền tông. Ở các nước Phật giáo nguyên thủy Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện, Cao Miên, Lào... thì không niệm Phật A Di Đà, như vậy còn đạo Phật hay không?

Hiện tại, các nước trên thế giới đều chú trọng tu thiền, theo học các khóa thiền và cũng có những người đạt đạo, không phải thường. Chúng ta thấy trong các chùa, ở sau thờ Tổ nếu không là tổ Đạt-ma thì cũng tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Chùa nào cũng thừa nhận mình là hệ thống thiền mà không chịu tu thiền. Điều đó mới lạ lùng.

Tôi nghĩ rằng mình đã quyết tâm tu, quyết tâm theo Phật thì phải tìm hiểu nguồn gốc của đạo Phật. Hiểu rồi phải ứng dụng đúng tinh thần đó. Sau khi học trong kinh, đọc sử chư Tổ tôi thấy phần lớn các ngài đều tu thiền, nên tôi chủ trương tu thiền. 

Vậy chủ yếu tu thiền là gì? Bao nhiêu kinh điển Phật dạy, từ các bộ A Hàm, cả hệ thống Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn... Kinh nào Phật cũng dạy tu là phải đi đến giác ngộ. Đạo Phật khác với cái nhìn của những đạo khác ở chỗ không cầu xin các bậc giáo chủ hay đấng thiêng liêng, mà quay lại tìm ngay nơi mình, xem mình là cái gì. 

Phật hỏi các Tỳ-kheo: “Các ông thấy sắc uẩn là thường hay vô thường?”. Tất cả đều nói là vô thường. Phật hỏi: “Vô thường có khổ không?”. Khổ. “Vô thường khổ thì có ngã không?”. Không có ngã. Đến thọ, tưởng, hành, thức cũng thế… Trong năm uẩn, sắc uẩn thuộc về vật chất. Thọ, tưởng, hành, thức thuộc về tinh thần. Phật chỉ rõ phần vật chất và tinh thần của thân này là vô thường. Vô thường là khổ, khổ là bại hoại, không có chủ, không có ngã. 

Có một ngoại đạo nghe Phật nói thân này vô ngã, ông tới lý luận với Phật. Chủ trương của ông thân này là ngã. Phật hỏi ông ta: “Nếu thân này có ngã, có chủ thì mình có tự tại với nó không?”. Mình không muốn bệnh nhưng nó cũng bệnh, mình không muốn những chuyện không vui đến với mình mà nó vẫn đến. Nếu mình là chủ thì đuổi bệnh đi không cho nó ở. Mình bị nhức răng, không cho nó nhức nữa mới gọi là chủ. Nhưng muốn không nhức không được thì có làm chủ chưa? Không muốn nó bệnh nó vẫn bệnh, không muốn nó già nó vẫn già. Mình không muốn nó vẫn cứ tới, không chống chọi xua đuổi nó được thì mình làm chủ hay nó làm chủ? Mình không làm chủ được cho nên gọi là vô ngã.

Ngoại đạo nghe Phật nói rồi liền chấp nhận con người là vô ngã. Vô ngã không phải là không có thân này, vô ngã là không có chủ. Kể cả thân xác thịt và tâm hiểu biết như thọ tưởng hành thức đều không có chủ, đợi duyên mới có. Thọ là cảm giác, trong có mắt, ngoài có sắc gặp nhau mới có cảm giác, rồi thức phân biệt. Như vậy cũng không tự có, phải đợi duyên.

Những tâm trạng như buồn thương giận ghét, chúng ta có làm chủ không? Như ngồi thiền là phải im lặng không cho suy nghĩ, mà có được không? Như vậy mình không làm chủ được vọng tưởng, nó muốn nghĩ gì thì nghĩ. Thường ngày sáu căn chạy theo sáu trần bên ngoài, phân biệt tưởng tượng đủ thứ. Chạy ra ngoài thì quên mất mình, càng đuổi theo chừng nào càng quên mình chừng đó.

Chúng ta sanh ra trên cõi đời này, con người và sự vật cái nào quan trọng? Con người là gốc sắp đặt sự vật, rồi tìm hiểu sự vật. Không biết mình mà chỉ biết vật thì không đúng, đó là quên gốc chạy theo ngọn. Dù cho bên ngoài mình biết trăm ngàn thứ mà không biết mình thì vô nghĩa.

Thí dụ có một người rất thông minh, hỏi chuyện Tây Tàu gì cũng biết rành rẽ nhưng hỏi: “Thưa ông, nhà ông còn gạo hay hết?”, nói: “Không biết” thì ông đó có thực tế không? Cái biết cần thiết là biết trong cuộc sống của mình, sau đó mới biết bên ngoài, mới là biết đúng lẽ thật. Chỉ biết bên ngoài mà không biết mình, đó là quên mình, vong bản, mất gốc. Nếu quen đuổi theo bên ngoài suốt đời, lúc nhắm mắt theo cảnh chi phối, đó là nhân của luân hồi. 

Phật dạy, muốn giải thoát sanh tử thì phải quay lại biết mình, từ chuyên môn gọi là “phản quan tự kỷ”. Phản quan là nhìn lại chính mình, xem mình là cái gì rồi mới biết bên ngoài. Nếu sáu căn chạy theo sáu trần là mê, biết quay lại quán chiếu nơi mình thì tỉnh. Tỉnh là giác. Cho nên các vị thiền sư thường nói ngồi thiền được một giờ là làm Phật một giờ, ngồi hai giờ là làm Phật hai giờ. Phản tỉnh là giác, không còn mê. Giác nên mới thấy vọng tưởng dấy lên, khi mê thì không thấy vọng tưởng, cứ chạy chỗ này chỗ kia, không biết gì về mình, chỉ biết những cái phụ bên ngoài. Quay lại tìm nơi mình là giác. Như vậy, ngồi thiền là ngồi làm Phật, ngồi một giờ là giác một giờ. 

Khi ta thấy vọng tưởng, cái thấy không phải vọng tưởng, tuy chưa dẹp vọng tưởng được nhưng mình đang giác, đang giác là đang làm Phật. Chúng ta muốn phản quan nên không cho sáu căn đuổi theo sáu trần. Mượn hơi thở vô ra, quán sát hơi thở không chạy ra ngoài, đó là phản quan. Chính khi thấy hơi thở rồi mới thấy được vọng tưởng của mình lăng xăng, đó là giác.

Khi giác được rồi có hai lợi ích lớn. Thứ nhất, biết vọng tưởng thì cái bị mình biết không phải mình, cái hay thấy biết vọng tưởng chính là mình. Như tôi ngồi trong nhà này, có khách tới tôi biết là đang ồn, lúc khách về tôi biết là không có khách. Khi ngồi thiền có vọng tưởng biết là hư giả, duyên hợp không thật, chỉ là bóng, mình thấy được nó thì cái thấy của mình hiện tiền. Như thế mới ngộ ra cái gì là thật mình, cái gì không thật mình. 

Thứ hai, nương hơi thở vô ra, biết thân này sống nhờ hơi thở. Thấy mạng người trong hơi thở là đã giác rồi. Mạng người đã sống trong hơi thở thì làm sao nghĩ thân này là thật, mạng sống lâu dài? Không nghĩ thân là thật thì dùng thứ gì bồi đắp cho thân không quan trọng. Nhờ giác chúng ta phá được tham, phá được si. Ai có mắng chửi thì quán: “Mạng người trong hơi thở, hơn thua nhau làm chi?”. Đó là bớt được sân. 

Nhờ tu thiền mới thấy được lẽ thật. Tuy chúng ta chưa giác ngộ gì nhiều nhưng đang giác, không phải mê. Chỉ có ngồi yên lại mới thấy. Như vậy ý nghĩ ngồi thiền là để soi sáng lại bản thân mình, thấy rõ thân tạm bợ, do duyên hơi thở mà còn, ngưng hơi thở là chết, không lâu dài. Cho nên phá được tham sân.

Thấy được những niệm khởi hư dối không thật, không phải mình, mới dẹp được cái chấp ngã về tâm. Thấy thân vô thường tạm bợ là phá được chấp ngã về thân. Phá được chấp ngã về thân và tâm rồi, đó là nhân giải thoát Niết-bàn.

Như vậy gốc tu rất đơn giản, không phải chuyện xa xôi. Bởi vì lâu nay mình cứ tìm ở đâu đâu, cứ nghĩ giác ngộ là bừng sáng hào quang, không nghĩ là mình đang giác. Tu thiền là tìm ra lẽ thật ở ngay nơi mình. Có hiểu biết chân thật rồi, khi những hư dối của thân tâm lặng hết, con người thật hiện ra. Đó là bản lai diện mục muôn đời không sanh không già, không bệnh, không chết, là Niết-bàn giải thoát sanh tử.

Sự tu của chúng ta có giá trị vượt hết hơn tất cả việc thế gian. Dù là tổng thống hay thủ tướng cũng phải bị sanh già bệnh chết, chỉ có người biết tu là thoát khỏi sanh tử, cao hơn tất cả. Đây là điều rất quý, gọi là người thoát tục. Người trần tục chỉ biết trong phạm vi của thân, của suy nghĩ nội tâm, không biết được lẽ thật, thoát ra khỏi thân tâm hư ảo. 

Muốn đi tới giác ngộ phải tu. Có tu mới khai mở trí tuệ từ từ. Quán hơi thở ra vô, thấy mạng người trong hơi thở, đó là mở mắt trí tuệ. Quán thấy tâm niệm lăng xăng, nhưng biết nó không phải mình thì là thánh rồi. Thấy vọng tưởng nhưng không sợ, không cố đè nén, chỉ biết thôi. Lục Tổ nói: “Không sợ vọng khởi, chỉ sợ giác chậm”. Vọng khởi mà chạy theo không biết, đó là mê. Nó khởi mà biết không theo là đủ rồi. Hết sức đơn giản. Ý nghĩa tu rất thâm trầm, như vậy mới đi đến giải thoát. 

Một số Phật tử có những đòi hỏi không đúng đạo lý như: đòi phải coi ngày giờ tẩn liệm, ngày giờ chôn cất, ngày giờ định vợ gả chồng cho con cái, ngày giờ cất nhà cửa... Phật tử yêu cầu, quý thầy không làm thì họ buồn, đi chỗ khác không tới chùa nữa. Cứ thế mà chiều thành ra sai lầm. 

Quý thầy là người dạy đạo, thấy những điều lệch lạc, sai lầm thì phải nói thẳng: Đây là điểm trong nhà Phật không có, tôi không làm được. Người tu là người gan dạ, không thể chiều uốn nhân tình mà sống sai đạo lý. Ngày xưa đức Phật còn tại thế, Ngài đi khất thực xin ăn từng bữa, không để dành ăn hai ba ngày. Bữa nay trời mưa không đi xin được thì nhịn đói ngồi thiền. Phật chỉ tùy duyên mà sống, không có tâm niệm để dành, không có tâm niệm chứa chất như mình bây giờ. Tâm của Phật chỉ dồn trong việc tu, sáng suốt giác ngộ để cứu chúng sanh. 

Chúng ta bây giờ lo xa quá, đủ ăn năm nay là tính năm tới, nhiều khi tính hai ba năm nữa. Bởi lo xa quá nên lo hoài, tới chết cũng lo chưa rồi. Chúng ta phải thấy cái hay của đạo Phật. Chư Tăng ngày xưa có những vị đi khất thực không có gì thì nhịn đói, bữa sau đi khất thực nữa, không tìm cái này cái kia nấu nướng riêng tư. Điều này nói lên tinh thần vì đạo, không phải vì cuộc sống của bản thân. 

Bây giờ mình đặt cuộc sống vật chất lên trên đạo. Trên chứ không phải bằng. Nếu bằng thì cái gì đúng đạo lý mình làm, không đúng đạo lý mình không làm. Tăng Ni gan dạ thì phải thấy rõ mục đích tu của mình, làm sao cả ngày tâm tỉnh giác, không chạy theo mê lầm, dần dần đi tới giác ngộ giải thoát. 

Như người đủ ăn đủ mặc, thuốc men đầy đủ, chỗ ở tốt đẹp, sống được 70 tuổi nhưng không biết tu. Người thiếu thốn sống chừng 40 tuổi nhưng biết tu. Người vì đạo thà sống 40 tuổi mà biết tu, còn hơn 70 tuổi mà thả trôi. Thời gian ít mà tu đúng, tâm được tỉnh giác, ra đi trong tỉnh giác. Ngược lại, muốn sung túc mà chạy theo cái mê thì khi ra đi sẽ rơi vào đường xấu. Đó là chuyện đáng lo sợ. 

Tu thiền không phải làm cái gì mới lạ, mà là theo đường lối chư Phật chư Tổ đã dạy, nương vào đó quán chiếu để được giác ngộ. Tự giác ngộ rồi mới có thể cứu mình, mới chỉ dạy cho người. Không giác thì không thể cứu mình, làm sao cứu người được?

Tất cả chúng ta tu, ai cũng muốn giác ngộ. Muốn giác ngộ phải có trí tuệ, không phải do lòng tin. Dùng trí tuệ chiếu soi thấy rõ cái hư thực, không lầm lẫn các pháp, không chạy theo hư vọng, ta khỏi vô minh tăm tối thì giác ngộ giải thoát. 

Các nhà bác học nghiên cứu vấn đề gì tới chỗ bế tắc, chuyên tâm nghiền ngẫm bất thần sáng lên, cái đó ai dạy? Họ dồn hết tâm lực thì trí tuệ phát lên. Chúng ta tu thiền thấy từng lẽ thật, giác từng lẽ thật, tới đâu biết tới đó. Khi tâm tư lắng hết, tuệ sáng lên thì cũng là mình biết. Sẵn sàng cụ thể không phải xin xỏ, chờ đợi ở đâu. Đó là điều thực. Gốc của đạo Phật là tới chỗ giác ngộ, đạt được chân lý, không phải tu một cách mơ hồ. Mình tu cả cuộc đời mà gởi gắm cho cái mơ hồ, thật đáng thương. 

Tất cả những bài kinh ngày xưa Phật dạy các thầy Tỳ-kheo, không bài nào Phật không nhắc, các ông phải tự giác, phải đi tới chỗ yên lặng để tham thiền, để được giác ngộ.

Chúng ta bây giờ tu, khi có lễ lớn, nào hoa muôn màu, nào kèn, nào trống muốn điếc lỗ tai, làm sao giác? Bao nhiêu là ồn náo làm trở ngại tâm thanh tịnh. Tất cả những gì chúng ta làm hôm nay có còn hợp với đạo không? Vậy mà người ta đua nhau học, đua nhau làm chỉ vì được lợi, không phải vì sự giác ngộ giải thoát. Thà là không tu, tu rồi phải làm sao để đạt được mục đích của mình.

Cả một cuộc đời hy sinh, nhất là mấy chú còn nhỏ, mấy mươi năm ở thế gian, nếu không tu thì cũng hưởng này hưởng nọ với người ta, đi chơi, ca hát tự do, bây giờ bỏ hết tất cả vô chùa phải có cái gì cao siêu hơn. Không lẽ tu rồi cũng chạy theo đuôi người ta, hưởng những cái thừa của người ta thì vô lý quá. Phải làm cái gì cao siêu hơn thế gian mới đáng hy sinh cả cuộc đời mình. 

Chủ trương của tôi là Tăng Ni phải làm sao đúng giá trị là Tăng bảo, là quý báu cao siêu hợp đời. Phải nghĩ, cả cuộc đời tu là phải làm cái gì siêu thoát, không phải tầm thường. Nếu đi theo cái tầm thường thì để tóc còn hơn. Thà không tu, sống như người đời còn có lợi, ở trong đạo mà không có tâm đạo, chỉ có hình thức thì lỡ cả đời lỡ cả đạo, không cái nào ra cái nào. Được làm người không phải dễ, được làm người mà đi tu càng khó hơn. Phải làm sao chính trong cái khó đó, đi cho đến nơi đến chốn, đạt được kết quả như Phật như Tổ mới gọi là biết tu.

Người tu có hai phần, phần thứ nhất là làm chủ thể xác, phần thứ hai là làm chủ tinh thần. Muốn tự do thì trước phải làm chủ. Nghĩ rằng mai kia tới giờ ra đi, cả thân mình đau nhức không thể tưởng tượng. Lúc đó nếu gan dạ thắng được nó, kềm chế được nó thì tâm còn tỉnh. Nếu biếng nhác thì mê thắng luôn. Vì vậy, muốn ngày mai mình làm chủ được thân này thì bây giờ phải tập làm chủ.

Ngồi thiền chịu đau đừng nghĩ là vô ích. Đau người ta chịu không nổi mà mình can đảm chịu được là đã thắng nó rồi. Trong những giờ phút đau đớn nhức nhối, mình vẫn thắng nó, làm chủ được, chấp nhận cho mày chết. Lúc đó tâm hơi loạn nhưng ý chí thắng được cái đau của thân. Bây giờ còn khỏe thắng được những cái đau nhức đó, dần dần đến chừng gần nhắm mắt có đau nhức tới mình cũng cười với nó, không có gì quan trọng, vì đã từng thắng nó rồi.

Chúng ta thường lệ thuộc thân. Lưỡi thèm cái này cái kia là chạy đi tìm, mắt thích cái này cái kia cũng chạy đi tìm, lỗ tai thích nghe cái gì hay hay cũng chạy đi tìm. Nó đòi cái gì mình chạy theo cái nấy. Bây giờ thân đau đòi nghỉ mà mình không nghỉ là đã thắng được nó. Toàn thân thắng được thì các cơ quan khác cũng thắng được. Như quen tới giờ đó nghe nhạc, nhưng tới giờ đó nói “không cần, không cho mày nghe” là đã thắng rồi. Nhờ làm chủ được nó nên thắng những cái nó đòi hỏi. Nếu không thắng được, nó đòi cái gì mình theo cái nấy thì mình là kẻ lệ thuộc. Tập làm chủ được là tốt. 

Đó là nói làm chủ thân, làm chủ tâm cũng vậy. Niệm khởi, thấy nó không thèm theo, cười nó, cười ngạo nghễ chứ không phải sợ, “cho mày chạy, thấy mày rồi”. Thấy không theo là đủ, không có gì sợ. Đừng nói, sao ngồi cứ vọng tưởng hoài. Nên biết, thấy vọng tưởng đầy đủ, biết mặt từng chú là mình đã thắng rồi. Biết nó là thắng nó. Như một người khá giả, có kẻ tìm tới nhìn bà con, họ học chút ít lai lịch kể nghe cũng được được. Người này hảo tâm, thôi thì bà con cũng đem về nuôi rồi cho ở trong nhà. Sau một thời gian người đó biết được vật dụng tiền của trong nhà, cái gì quý lén lén lấy đi. Chủ nhà bị mất hoài mà không biết ai, vì nghĩ đây là người thân của mình nên không nghi ngờ. Nhiều lần như vậy thì sực tỉnh, không biết người này phải thân thật không. Theo dõi một thời gian thì biết người này chính là kẻ ăn cắp, nhưng đã cho vô nhà rồi không thể đuổi ra được, chỉ khi có đủ bằng cớ mới đuổi đi được. 

Cũng vậy, từ nào tới giờ mình cho niệm khởi là tâm mình, thân với nó. Bây giờ ngồi lại, khi nó nổi lên biết không phải là mình. Biết nó không phải là mình thì khi nó rủ làm gì, mình không theo, đó là đã thắng rồi. Khi biết nó không phải là mình thì tất cả tai họa do nó đem đến không còn nữa. Tuy nhiên nó vẫn còn ở trong đó, lâu ngày đủ điều kiện tống nó ra thì mới khỏe. Có ngày cũng tống nó ra, không sao hết. Đừng sợ khi nó còn ở trong nhà, cứ biết theo dõi nó thì nó không ăn cắp đồ của mình được.

Những điều quan trọng trong khi tu, tôi nói cho tất cả biết để cố gắng.

Các bài mới

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 37636
  • Online: 16