Tỳ ni nhật dụng thiết yếu: Bài 1 - Tảo giác

22/06/2015 | Lượt xem: 9193

Bài 1

TẢO GIÁC

(Sáng sớm thức dậy)

Tảo: là đầu của buổi sớm mai. Đây là tiêu biểu cho Phật trí, lúc Đức Phật tuyên thuyết về Kinh Pháp Hoa để khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật, từ giữa chặng mày Phật phóng ánh sáng về hướng Đông ngầm ám chỉ: muốn ngộ nhập tri kiến Phật thì “Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu” nghĩa là đất tâm nếu không thì mặt trời trí tuệ tự chiếu.

 

Giác: là chỉ cho sự chánh niệm tỉnh thức trong cuộc sống giữa đời thường này.

Chánh niệm về ăn

Chánh niệm về uống

Chánh niệm về đi…

Như vậy, một người mà khi ăn không biết mình đang ăn, khi uống không biết mình đang uống, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi co, khi duỗi… thì người này không có mặt trong giờ phút thực tại, người này tuy là họ thức giấc, song họ vẫn là người ngủ mê mệt triền miên trong ba cõi.

Lại nữa tảo giác còn gọi là thỉ giác. Bởi vì thỉ giác có công bổn giác mới hiện bày. Vì chúng sanh nhiều kiếp trôi lăn trong ba đường sáu nẻo, đều không có trí quán chiếu của thỉ giác. Do đó lúc sáng sớm thức dậy hành giả nên đọc thầm bài kệ để phân phát thân tâm:

Ngủ nghỉ mới dậy

Nguyện cho chúng sanh

Được nhất thiết trí

Thấy khắp mười phương.

Chú thích:

Như chúng ta đều biết, người xuất gia và người tại gia khác nhau rất nhiều điểm. Thứ nhứt là về mặt ngủ nghỉ. Chẳng hạn như người tại gia có thể ngủ 5-6 giờ sáng dậy, còn người xuất gia thì phải 3 giờ sáng là thức dậy để chuẩn bị tọa thiền. Vì sao? Vì Phật dạy ngủ nhiều là một pháp bất định; khiến cho tâm thức mờ tối, không thể tiến tới pháp lành, trầm luân trong ba cõi, không có kỳ hạn xuất ly. Do đó người hành giả tham thiền, phải luôn khắc kỷ chớ nên ngủ nhiều, mà sa đà trong chốn trầm luân khổ ải.

Trong Kinh Pháp Cú Thí Dụ ghi:

“Lúc Phật ở tinh xá Kỳ Thọ nước Xá Vệ, bấy giờ có một thầy Tỳ kheo ăn no rồi vào nhà đóng cửa ngủ yên, tham ăn khoái lạc, sau bảy ngày sẽ mệnh chung, Đức Phật thương xót, sợ ông rơi vào nẻo ác nên đến nói kệ rằng:

Ôi chao! Sao ngủ được

Quên kiếp mối mọt ư

Sống tối tăm chẳng sạch

Mê hoặc lấy làm thân

Khác nào bị ung thư

Tâm như trẻ bệnh nặng

Gặp biết bao nguy nan

Thay vì ngủ ngon giấc

Suy ngẫm không buông lung

Vì nhân học người xưa

Từ đây không còn khó

Thường nhớ diệt ý xằng

Chánh kiến sức học thêm

Ở đời sáng được thế

Phước đức tăng ngàn lần

Rốt không sa nẻo ác.

Phật dạy: - Ông có biết đời trước của ông như thế nào không?

Tỳ kheo bạch: - Bị năm uẩn che lấp con thật không tự biết.

Phật nói: - Xưa kia vào thời đức Phật Tỳ Bà Thi, ông đã từng xuất gia, chẳng nhớ giới kinh, ăn no lại ngủ, mệnh chung thần hồn sanh trong loài trùng rết, trải qua năm vạn năm, khi thọ mạng hết lại làm trùng ốc, trùng hến, mọt cây mỗi loài năm vạn năm. Bốn loài trùng này sanh trong chỗ tối, tham thân yêu mạng, thích ở chỗ tối kín làm nhà, chẳng ưa ngủ có chỗ sáng. Một khi ngủ 500 năm mới dậy, lưới tội triền miên, không cần xuất ly. Đời này tội hết được làm Sa môn, sao ngủ nghỉ như thế chẳng biết chán đủ?

Vị Tỳ kheo ấy nghe rồi hổ thẹn, sợ sệt tự trách, năm món che đậy liền trừ, thành bậc A la hán”.

Qua câu chuyện này cho chúng ta về bài học ngủ nghỉ, ngủ nhiều nếu không lo mài dùi giới Kinh và học tập Kinh điển… thì dễ sa đà trong chốn trầm luân khổ hải. Là người tu Phật phải phấn phát về điểm này! Nếu người ưa ngủ nghỉ thì trí huệ không tăng trưởng, mà ác pháp lại tăng trưởng. Do đó người xưa lúc ngồi thiền, nếu ma ngủ đến thường lấy dùi đâm vào chân cho tỉnh ngủ. Ở trong đại chúng người nào chỉ lo ham ăn, ham ngủ thì người này đạo nghiệp mờ tối, lâu dần hắc nghiệp thì nhiều, mà bạch nghiệp lại mỏng dần.

Thiền Sư Trung Phong nói:

“Người xưa dụng công hễ thấy mặt trời lặn sau núi thì sanh lòng than tiếc lại qua mất một ngày, đạo nghiệp chưa xong, nhãn quang lạc địa (ý nói là chết) rốt cuộc lấy gì báo đáp ân Phật Tổ, Đàn việt. Đợi chỉ đến lúc tay chân rối loạn, ngay hôm nay lúc bệnh chưa đến thân hãy sớm tìm cái lộn ngược (ngộ) đi”.

Nên trong Kinh Di Giáo, Phật dạy:

“Các thầy Tỳ kheo! Ban ngày thì siêng năng tu tập thiện pháp, không để thời giờ qua suông, đầu đêm cuối đêm cũng chớ phí bỏ, nửa đêm tụng Kinh để tự tiêu diệt và đình chỉ nghiệp chướng, đừng vì lý do ngủ nghỉ mà để một đời luống qua không được một chút lợi ích. Nên nhớ ngọn lửa vô thường thiêu đốt thế gian mà sớm tự độ, đừng ham ngủ nghỉ, giặc phiền não thường hay rình giết người, dữ hơn kẻ thù, sao có thể ngủ nghỉ mà không tự giác? Rắn độc  phiền não ngủ trong tâm ví như rắn hổ mang màu đen ngủ trong nhà. Các thầy nên dùng móc sắc giữ giới mà sớm móc kéo nó ra, rắn ngủ ra rồi mới có thể yên ngủ, không ra mà ngủ là người không biết hổ thẹn”.

Đoạn văn kinh này cho chúng ta thấy rõ, chư Phật và chư Tổ đều răn nhắc cho chúng ta, đừng tham tiếc ngủ nghỉ khi đạo nghiệp chưa thành tựu. Vì ngủ nghỉ là tăng trưởng hạt giống ác pháp, mà hạt giống thiện pháp lại mỏng dần; có những người ưa ham ngủ nghỉ nên không làm chủ được các vọng niệm, dễ bị vọng niệm chi phối, nên ý nghĩ về dục, thân làm điều ác, miệng nói lời ác, đều do ưa ham thích ngủ nghỉ mà sanh ra. Vì thế, đức Phật thương xót cho các loài hữu tình thị hiện ra trong năm đường ác đạo, khuyên nhắc và sách tấn chúng sanh tu tròn đạo nghiệp. Song muốn thể nhập giác trí trong đầy của chư Phật, thì phải siêng năng tinh tấn trau dồi giới pháp, hòng để chuyển hóa tham, sân, si thành giới, định tuệ.

Nên Kinh Phát Giác Tịnh Tâm nói:

“Bồ Tát nên quán 20 loại hoạn thùy miên (ngủ nghỉ). Thế nào là 20:

  1. Vui ngủ nghỉ là đang có sự lười biếng.
  2. Thân thể nặng nề.
  3. Da dẻ bất tịnh.
  4. Da dẻ khô rít.
  5. Rất nhiều ô uế, oai đức thiếu mỏng.
  6. Ăn uống không tiêu.
  7. Thân thể sanh ghẻ phỏng.
  8. Có nhiều lười biếng.
  9. Tăng trưởng lưới nghi.
  10. Trí huệ gầy yếu.
  11. Sanh nhiều mệt mỏi.
  12. Đang đi đến chỗ tối tăm.
  13. Người chẳng cung kính.
  14.  Bẩm chất ngu si.
  15. Nhiều phiền não, tâm hướng theo các sai sử.
  16. Ở trong pháp lành mà không sanh lòng ham muốn
  17. Tất cả pháp lành hay khiến giảm thiểu.
  18. Thường làm việc trong sự kinh sợ.
  19. Thấy người tinh tấn lại hủy nhục họ.
  20. Đến với Đại thừa bị người khinh rẻ”.

Như vậy, ngủ nghỉ nhiều là mọt sự tác hại lớn đến con đường tự giác, giác tha, nên trong bài 1 Pháp hành Tỳ Ni, Tổ dạy là:

Ngủ nghỉ thức dậy

Nguyện cho chúng sanh

Được nhất thiết trí

Thấy khắp mười phương.

Đây là tiêu biểu hành giả phải luôn luôn chánh niệm trong giờ phút thực tại, vì thức dậy là ngầm nói lên các tập khí phiền não không còn ngủ ngầm trong tâm thức của hành giả nữa. Từ đây với con mắt Bát nhã hành giả có thể soi khắp hết mười phương, mà không bị các cảnh làm mê hoặc nữa. Thấy cái gì mà không bị ngoại cảnh làm mê hoặc?

Ta hãy nghe trong bài Chứng Đạo Ca, Thiền sư Huyền Giác nói:

“Muôn vật vô thường thảy thảy không

Đấy chính Như Lai thật Viên giác”.

Thấy muôn hình vạn tượng đều là vô thường, cái thấy này chính là tri kiến Phật ấy! Bởi chúng sanh lầm chấp các pháp thường còn, nên được thì vui, mất thì buồn. Song bản thân của muôn pháp thì tùy duyên sanh khởi, người nào thấy tột được bản chất của muôn pháp, thì người ấy là đã thức dậy, không còn ngủ ngầm triền miên trong vô lượng kiếp luân hồi nữa nên nói:

Được nhất thiết trí

Thấy khắp mười phương.

Nhất thiết trí tiếng Phạn gọi là Tát-bà-nhã-na là tên trí của Phật, một trong ba trí:

1.  Nhứt thiết trí.

  1. Đạo chủng trí.

3. Nhứt thiết chủng trí. (Trí này liễu tri tất cả các pháp, nên gọi là nhứt thiết trí)

Kinh Nhân Vương nói:

“Đầy đủ cõi vô lậu, thường tịnh hóa thân giải thoát, vắng lặng chẳng nghĩ bàn gọi là Nhứt thiết trí”.

Luận Đại Trí Độ nói:

1. Nhứt thiết trí là trí của Thanh văn, Duyên Giác, biết tổng tướng của tất cả pháp.

2. Đạo chủng trí là trí của Bồ Tát biết hết thảy đạo pháp sai biệt

3. Nhứt thiết chủng trí là Phật trí thông đạt tất cả pháp của tổng tướng là biệt tướng.

 

 

 

 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 71258
  • Online: 13