Tỳ ni nhật dụng thiết yếu: Bài 4 - Trước y (Mặc áo)
18/06/2015 | Lượt xem: 6165
Bài 4
TRƯỚC Y
(Mặc áo)
Trước: là mặc quần áo. Nếu lúc mặt áo lót, quần dưới buộc giải thì đều phải tưởng niệm kệ văn, và mặc cho tề chỉnh, không được so le cao thấp chẳng đều, chẳng được mặc áo thêu vẽ hoa, lại chẳng mặc áo dơ bẩn rách rưới. Dơ thì nên giặt sạch, rách thì nên vá. Nếu mặc áo không tề chỉnh và có thêu hoa thì bị người đời chê; nếu mặc áo dơ rách thị bị loài phi nhân quở; lại là tướng của pháp diệt.
Đây là một bài kệ Tỳ Ni thứ bốn, trong bài này chư Tổ dạy cho chúng ta về cách thức mặc áo, mặc áo như thế nào đó, đừng để người thế tục và quỷ thần khởi tâm bất kính. Có những người ăn mặc quá là sang trọng, còn có những người thì lại bắt chước cung cách của Tế Điên Hòa thượng. Trong hai cách ăn mặc này chư Tổ đều quở trách.
Như trong Kinh Niết Bàn nói:
“Y phục của Tỳ kheo bất tịnh là tướng pháp diệt”.
Sách Tư Trì Ký nói:
“Thời nay có người cố mặc áo xấu, vọng xưng là người tu đạo mà trong không biết xấu hổ, ngoài không có oai nghi, làm ô nhục môn hộ của ta chớ đạo lý gì!”
Như vậy, ở đây chư Phật, chư Tổ đều răn nhắc các hàng đệ tử về cung cách ăn mặc làm sao cho xứng với pháp hạnh của Sa môn. Người xưa dạy: “Người tu đạo không được ở trần ngủ, hoặc ăn mặc không kín đáo mà ngủ, vì có thiên thần hộ trì họ sẽ sanh tâm bất kính” .
Nên Luật Thập Tụng nói:
“Y phục của Tỳ kheo bất tịnh, thì bị loài phi nhân quở”.
Do đó, Tỳ kheo trong lúc ngủ nếu có tâm chánh niệm và thu thúc sáu căn hàng ngày, thì giấc ngủ được bình ổn không có ác mộng, còn người nào tâm hạnh thô ác lúc ngủ thường gặp ác mộng, nên sáng dậy gối mùng thường văng tung tóe lộn xộn. Đây là biểu hiện tâm tánh không có chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày.
Nên trước khi mặc áo trên phải chánh niệm tỉnh thức thầm tụng:
Nhược trước thượng y
Đương nguyện chúng sanh
Hoạch thắng thiện căn
Chí pháp bỉ ngạn.
Nghĩa:
Nếu mặc áo trên
Cầu cho chúng sanh
Được căn thắng thiện
Đến bờ bên kia.
Chú thích:
Thượng y: tức áo Tăng kỳ chi ca (Samkasikka).
Nếu căn cứ ở nước Trung Hoa tức áo lót và áo trực chuyết ngày nay vậy. Chúng ta phải biết cho rõ tại sao ở Ấn Độ Tu sĩ mặc hở vai phải, còn ở Trung Hoa Tu sĩ mặc kín cả hai vai. Đây đều là có nguyên nhân xuất xứ cả!
Có rất nhiều thuyết nói về quan điểm này: Lúc Phật còn tại thế nơi xứ Ấn Độ, cách thức đi khất thực hoặc cung cách ăn mặc đều hơi giống người bản xứ. Phật dùng phương tiện thiện xảo này là nhằm thích ứng với phương pháp Tứ tất đàn để xiển dương đại giáo. Song sau khi Phật nhập diệt, các bậc Thánh Tăng đua nhau đi khắp nơi xiển dương đại giáo, các Ngài qua xứ Trung Thổ gặp lúc Hoàng đế Võ Hậu Tắc Thiên thâm tín Phật pháp, thấy chư Tăng ăn mặc không giống người dân bản xứ (Trung Thổ) nên đề nghị các Ngài mặc hậu y giống như các quan đại thần. Từ đó về sau chúng ta thấy rõ là: bên Bắc tông mặc hậu và đắp y, còn bên Nam tông thì cung cách ăn mặc giống người xưa Phật còn tại thế.
Song ở bài kệ này là làm sao hành giả trong lúc mặc áo trên, để phát khởi thiện căn là điểm chính yếu!
Như vậy, muốn phát khởi thiện căn là trong lúc ta mặc áo, ta phải chánh niệm tỉnh giác lìa bỏ cấu uế của tham, sân, si, để thể nhập tri kiến như thật đạt đến bờ bên kia.
Nên câu chuyện Thiền Thoại ghi:
“Tăng đến hỏi Thiền sư Vân Môn: - Thế nào là yếu chỉ Thiền?
Sư đáp: - Mặc áo, ăn cơm, tiểu tiện, đại tiện…
Tăng nói: - Yếu chỉ Thiền là như thế sao?
Sư nói: - Chứ ông bảo hàng ngày ta phải làm gì?
Tăng nói: - Ngoài nghĩa lý này ra còn yếu chỉ nào nữa?
Sư nói: - Mặc áo, ăn cơm, tiểu tiện, đại tiện…”
Như vậy, nói đến thiền là nói đến cái thực tại tối hậu ngay tại đây và bây giờ. Thiền luôn luôn ứng xử với những cái rất thực dụng trong cuộc sống giữa đời thường này, không thích suy luận trừu tượng mơ hồ. Do đó, Thiền bắt buộc chúng ta phải sống thực ngay giây phút thực tại. Ông muốn giải thoát ư? Phải tìm ngay trong cái hữu hạn vô thường này! Không đâu có cái tuyệt đối ngoài những sự vật tương đối, bởi vậy ông Tăng muốn đến với Thiền mà muốn tìm về yếu chỉ của thiền thì hãy lặn sâu vào chỗ: “Mặc áo, ăn cơm, tiểu tiện…” vậy!
Nên một hôm có một vị Tăng đến hỏi Thiền sư Mục Châu: “Pháp Phật là gì?” Ngài đọc một câu chữ phạn trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật, vị Tăng thú thật không hiểu, Ngài bèn nói:
“Áo thầy rách đã bao năm
Gió tung từng mảnh bay lồng lên mây”.
Như vậy trong lúc mặc áo, ăn cơm… Ta chánh niệm tỉnh tại, thì ngay trong giờ phút thực tại này ta đã vun bồi thiện căn thánh thiện.
Trong Luật Thập Tùng Tỳ Bà Sa nói:
“Thiện căn là không tham, không sân, không si. Tất cả thiện pháp từ ba món này mà sinh trưởng”.
Vì thế những người mới phát tâm học đạo, không chịu khó học những pháp hành Tỳ Ni để áp dụng trong cuộc sống giữa đời thường này, mà luôn đắm chìm trong pháp ngữ của Tổ sư. Đây là câu chết chớ chẳng phải câu cứu người, do đó người xưa tiếp dẫn người học luôn luôn dùng phương tiện thiện xảo để đưa người đệ tử trở về với giây phút thực tại, ngay tại đây và bây giờ, đó mới chính là bí yếu tham thiền vậy!
Như Thiền sư Chân Tịnh ở trong khất khai thị:
“Sư hỏi vị tăng: - Xong hay chưa?
Tăng thưa: - Chưa xong.
Sư hỏi: - Ông ăn cháo xong chưa?
Tăng thưa: - Đã ăn xong.
Sư bảo: - Sao nói chưa xong?
Sư lại hỏi: - Tiếng gì ở ngoài cửa?
Tăng thưa: - Tiếng mưa rơi.
Sư bảo: - Sao nói chưa xong?
Sư hỏi tiếp: - Trước mặt là cái gì?
Tăng thưa: - Cái bình phong.
Sư bảo: - Sao nói chưa xong?
Sư lại hỏi: - Lãnh hội chăng?
Tăng thưa: - Chưa lãnh hội.
Sư bảo: - Hãy nghe bài tụng này:
Tùy duyên sự sự liễu
Nhật dụng hà khiếm thiểu?
Nhất thích đản tầm thường
Tự nhiên bất điên đảo.
Nghĩa:
Theo duyên mọi việc xong
Hằng ngày dùng đâu thiếu?
Tất cả chỉ bình thường
Tự nhiên dứt điên đảo”.
Do đó, trong bốn oai nghi hành giả khi mặc áo, liền thầm tưởng kệ:
Trước hạ quần thời
Đương nguyện chúng sanh
Phục chư thiện căn
Cụ túc tàm quý.
Nghĩa:
Lúc mặc quần dưới
Cầu cho chúng sanh
Mặc các thiện căn
Đầy đủ hổ thẹn.
Chú thích:
Qua bài kệ này, chư Phật, chư Tổ dạy cho chúng ta điều gì? Ở đây các Ngài dạy là khi mặc quần dưới, ta mong cầu cho chúng sanh mặc các thiện pháp và đầy đủ sự hổ thẹn. Song muốn đầy đủ sự hổ thẹn, thể nhập con đường tri kiến như thật, thì tâm hồn ta phải nhu nhuyến thuần nhất. Nên người xưa nói “Tâm hành như thế nào, ứng tác ra hành động từ thân, khẩu, y như thế ấy!”. Một người khi làm việc gì nếu không có chánh niệm thu thúc sáu căn thì hành động luôn luôn thô tháo. Chẳng hạn như ta để một cái ly, ta để một đôi dép… Ta phải chánh niệm tỉnh thức. Có những người khi lên chánh điện lễ Phật, hay để dép không có trật tự, đây là do tâm hành của người này chưa có thuần nhất lắm!
Có một câu chuyện Thiền kể lại như thế này:
“ Teno là một Thiền sư vừa hạ sơn sau mười năm khổ luyện công phu. Sư đến yết kiến Thiền sư Na Đin một đại danh sư nổi tiếng thời ấy.
Vừa gặp mặt, Na Đin liền hỏi:
- Lúc nãy thầy bỏ chiếc dù bên phải hay bên trái đôi guốc trước khi vào thất của ta?
Teno bối rối thú nhận rằng đã không nhớ rõ và đành ở lại xin thọ giáo với sư Na Đin.
Lần khác sư lại đến phương trượng, Thiền sư lại hỏi:
- Khi nãy thầy bỏ dép trước khi vào thất phải hay trái?
Teno cũng không thể trả lời được.
Nhiều năm trôi qua Na Đin vẫn không dạy dỗ gì thêm, ngoài chuyện dù, dép… Cho đến một hôm tự thấy mình đã hoàn toàn hành Thiền trong bốn oai nghi. Teno đến từ giã thầy ra đi. Song lại thêm một lần nữa, thầy mở cửa hơi mạnh tay khiến nó vang lên một tiếng động nhỏ. Điều này chứng tỏ sư đã dùng một sức quá mức cần thiết. Teno lại phải ở bên thầy thêm vài năm nữa để học cách đóng cửa… Và sau sáu năm ở với thầy, sư trở thành một Thiền sư lừng danh của nước Nhật”.
Qua mẫu chuyện Thiền thoại này, chúng ta mới cảm nhận được tính thực tiễn của thiền. Như vậy thiền là gì?
Thiền là sự tĩnh lặng của nội tâm để hợp nhất với thực tại tối hậu. Trong cái thực tại tối hậu này, thiền luôn luôn có mặt. Bởi ta quá chú trọng thiền quá cao siêu cùng tột, nên ta không bao giờ tiếp xúc được với cái thực tại tối hậu đó. Thế nên, người tu theo tinh thần thiền là phải soi rọi vào hố thẳm của tự tánh. Thiền không hướng ngoại, không tìm kiếm và rong tìm thực tại, mà chỉ đạt tới chiều sâu thẳm của thực tại, trong đó mỗi cá thể đều có lý tánh tuyệt đối của mình. Nhưng muốn đạt đến chỗ đất thật ấy thì đòi hỏi mỗi hành giả luôn tiếp xúc với giây phút thực tại. Trong cái giây phút thực tại ấy, thiền luôn có mặt.
Người ta cứ ngỡ rằng muốn đạt đến chỗ uyên thâm của thiền định, thì phải có đầy đủ thần thông diệu dụng. Nhưng họ có ngờ đâu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, lúc ăn cơm, lúc mặc áo, lúc đại tiểu tiện… đều thể hiện đầy đủ thiền vị.
Trong Kinh A Hàm có ghi lại:
“Một hôm có Bà la môn đến hỏi Phật:
- Nghe nói đạo Phật là đạo giác ngộ, vậy phương pháp của đạo Phật là thế nào? Các Ngài làm gì mỗi ngày?
Thế Tôn nói:
- Chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm giặt, ăn ngủ, sáng ôm bình bát đi khất thực.
Ba la môn nói:
- Phương pháp đó nào có chi đặc biệt? Ai lại không đi, đứng, ngồi, tắm, giặt, ăn ngủ…!
Phật nói:
- Đặc biệt lắm chứ, thưa Ngài! Khi chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn ngủ… thì chúng tôi chánh niệm tỉnh thức trong các oai nghi ấy, còn những người khác họ làm việc gì cũng không có chánh niệm tỉnh thức”.
Qua mẫu chuyện đối đáp này giữa đức Phật và Bà la môn cho chúng ta thấy rõ: Muốn hội thiền thể nhập được lý đạo, thì trong từng phút từng giây chúng ta làm việc gì rõ biết việc ấy. Đó là tâm yếu của thiền vậy! Lại có người cho rằng khi làm phải biết rõ ông chủ, đây là lầm to. Vì sao? Vì đây là đầu lại thêm đầu, đuôi lại thêm đuôi. Sao lại như thế? Vì khi làm ai biết mình làm? Khi đi ai biết mình đi? Khi ăn cơm, tắm giặt… Ví như khi mình rõ biết vọng, thì cái gì thấu thoát được vọng? Hành giả phải nghiệm kỹ về lý này!
Song muốn thể nhập lý này, đòi hỏi người tu Phật phải buông bỏ tất cả dấu vết của tri thức, bấy giờ mọi toan tính mong cầu mới chịu dừng nghỉ. Một khi sự thực tập công phu được nhuần nhất, thì ánh sáng trí tuệ mới xuất hiện. Đến đây thì tâm thức ta như vầng trăng phản chiếu từ dòng tâm thức chảy xiết, dòng tâm thức tuy trôi chảy mà vầng trăng chân lý vẫn bất động.
Thế nên thiền không phải là những khái niệm luận lý suông, mà là một sự thật sống động. Ngay khi làm việc gì, nói năng hành động gì… Ta đều thể hiện tính thực tiễn của thiền, mà tính thực tiễn của thiền là gì?
Chỉnh y thúc đới
Đương nguyện chúng sanh
Kiểm thúc thiện căn
Bất linh tán thất.
Nghĩa:
Sửa áo buộc giải
Cầu cho chúng sanh
Kiểm buộc thiện căn
Chẳng cho tán mất.
Chú thích:
Thúc là buộc. Vì sửa áo ngay ngắn, buộc quần đàng hoàng. Đây là một bài kệ nói về pháp hành Tỳ Ni rất là thiết yếu. Là người tu Phật, khi đi, đứng, nằm, ngồi đều phải chánh niệm thu thúc sáu căn, để trang bị Pháp thân huệ mạng cho được vuông tròn.
Nên Thiền sư Mahaxi nói:
“Khi mà bên ngoài thuần tịnh, bên trong dễ phát sanh trí huệ”.
Thật vậy, bên ngoài nghiêm chỉnh thân, bên trong thâu nhiếp tâm. Thân tâm điều phục, pháp lành tăng trưởng, ấy là cái dụng để kiến đạo vậy.
Nên trong Kinh A Hàm Phật nói bài pháp giữ gìn gia bảo:
“Một hôm Phật bảo các Tỳ kheo rằng:
- Này các Tỳ kheo! Trong hàng đệ tử Ta có chia làm bốn hạng người. Thế nào là bốn:
- Hạng người ngoài chín trong sống.
- Hạng người ngoài sống trong chín.
- Hạng người ngoài sống trong sống.
- Hạng người ngoài chín trong chín
- Thế nào là hạng người ngoài chín trong sống? Tức là những kẻ tu hành bên ngoài thấy thanh tịnh nghiêm trang, mà bên trong thì buông lung tư tưởng không thể điều phục.
- Thế nào là hạng người ngoài sống trong chín? Tức là những kẻ bên trong thanh tịnh, nhưng ngoài thì hạnh thô tháo phóng túng.
- Thế nào là hạng người ngòai sống trong sống? Tức là những kẻ trong ngoài đều không thanh tịnh.
- Thế nào là hạng người ngoài chín trong chín? Này các Tỳ kheo! Chính hạng người sau cùng này mới là hạng thanh tịnh chân thật, xứng đáng là người giữ gìn gia bảo Như Lai”.
Qua đoạn văn kinh này cho chúng ta thấy rõ: Ở đây đức Phật dạy phải tu tập như thế nào để được bên trong thuần tịnh, bên ngoài oai nghi mô phạm để nhiếp hóa chúng sanh. Do đó bài kệ Tỳ Ni cho chúng ta thấy được trong lúc “Sửa áo buộc giải” để “Tóm buộc căn lành” thu thúc ba nghiệp.
Nói chung muốn thu thúc ba nghiệp, tăng trưởng căn lành, siêu thoát tam giới, hành giả phải đủ ba đức tính:
- Thành tựu thiện hạnh nơi chính mình.
- Trang sức thân tâm bằng thiện hạnh.
- Giữ gìn được những thiện hạnh.
Sao gọi là thiện hạnh? Nghĩa là thân không gây nghiệp ác, miệng không nói lời ác, ý không nghĩ điều ác, luôn luôn an trú tâm từ, ban rải tình thương cho đồng loại. Như vậy, phẩm hạnh trang sức cho Pháp thân huệ mạng của chúng ta chính là: “Việc làm luôn luôn có đạo lý”.
Như Thiền sư Tông Mật nói:
“Tác hữu nghĩa sự
Thị tỉnh ngộ tâm
Tác vô nghĩa sự
Thị cuồng loạn tâm
Cuồng loạn tùy tình niệm
Lâm chung bị nghiệp khiên
Tỉnh ngộ bất do tình
Lâm chung năng chuyển nghiệp.
Nghĩa:
Làm việc có nghĩa
Là tâm tỉnh ngộ
Làm việc vô nghĩa
Là tâm cuồng loạn
Cuồng loạn theo tình niệm
Lâm chung bị nghiệp lôi
Tỉnh ngộ không theo tình
Lâm chung hay chuyển nghiệp”.
Ở đây Thiền sư Tông Mật dạy làm việc có nghĩa là tâm biết hướng thượng. Sao gọi là có nghĩa? Nghĩa là tâm không tật đố, ích kỷ, ghen ghét người hiền tài… Đó gọi là tâm có đạo lý. Sao gọi là làm việc vô nghĩa? Đó là làm việc trái đạo lý! Nghĩa là thấy người khác được hạnh phúc, tài giỏi hơn mình, sanh tâm tật đố, chuyện không nói có, chuyện có nói không, đó gọi là làm việc vô nghĩa. Mà làm việc trái đạo lý, là tâm ta vọng động không có chánh niệm, buông thả theo dục tình, thì sau khi trút hơi thở cuối cùng chắc chắn gá vào thai lừa, bụng ngựa… Do đó có những người suốt ngày giả trang thiền tướng, mà bên trong mưu mô xảo quyệt, tranh danh đoạt lợi, thì chắc chắn chết sẽ theo vọng niệm hàng ngày mình tạo tác. Còn người tỉnh ngộ họ luôn luôn chánh niệm thu thúc sáu căn, kiểm soát ba nghiệp, thì đến khi chết, vừa trút hơi thở cuối cùng, bảo đảm họ sẽ theo việc hàng ngày tạo tác thiện nghiệp mà tái sanh.
Như vậy qua bài kệ pháp hành Tỳ Ni:
Sửa áo buộc giải
Cầu cho chúng sanh
Tóm buộc thiện căn
Chẳng cho tan mất.
Bài này không cho chúng ta học suông, mà phải thực tập hàng ngày, trong khi đi, đứng, nằm, ngồi để kiểm soát ba nghiệp, tăng trưởng pháp lành, đó mới đúng là “Tỳ Ni nhật dụng thiết yếu vậy!” Hành giả phải chín chắn kiểm điểm lại chỗ này.
Các bài mới
- Tỳ ni nhật dụng thiết yếu: Bài 5 - Hạ đơn ( Xuống đơn) - 18/06/2015
- BÀI 7: XUẤT ĐƯỜNG - Ra khỏi đường - 17/06/2015
- Bài 6:HÀNH BỘ BẤT THƯƠNG TRÙNG(Bước đi không hại sâu bọ) - 17/06/2015
- Bài 8: ĐĂNG XÍ - Vào nhà vệ sinh - 15/06/2015
- Bài 9: TẨY TỊNH - Rửa sạch - 13/06/2015
Các bài đã đăng
- Bài 10:KHỬ UẾ - Khử dơ - 12/06/2015
- Bài 11: TẨY THỦ (Rửa tay) - 10/06/2015
- Bài 12 : TẨY DIỆN (Rửa mặt) - 09/06/2015
- Bài 13: ẨM THỦY (Uống nước) - 06/06/2015
- Bài 14: Y NGŨ ĐIỀU (Y năm điều) - 04/06/2015
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 88986
- Online: 19