Tỳ ni nhật dụng thiết yếu: Bài 5 - Hạ đơn ( Xuống đơn)

18/06/2015 | Lượt xem: 6358

Bài 5

HẠ ĐƠN

(Xuống đơn)

Trong các Thiền viện và Tu viện lớn thường thường có Tăng đường cho các thầy sống và tu tập, mỗi một thầy chỉ ở một giường, mà giường này không lớn nên gọi là đơn.

Luật Thập Tụng nói:

“Cách xuống giường là thong thả để một chân xuống, kế đến chân thứ hai, chậm rãi đứng dậy” và thầm đọc bài kệ:

Tùng triêu dần đán trực chí mộ

Nhất thiết chúng sanh  tự hồi hộ

Nhược ư túc hạ tán kỳ hình

Nguyện nhữ túc thời sanh Tịnh Độ

 

Án dật đế luật ni sa ha (Tam biến)

Nghĩa:

Từ sớm giờ dần thẳng đến tối

Tất cả chúng sanh tự tránh giữ

Nếu rủi mất mình dưới chân tôi

Nguyện người tức thời sanh Tịnh Độ.

Chú thích:

Đây là bài kệ thứ năm, bài kệ này nói lên tinh thần tham thiền vậy. Phàm là người học Phật tham thiền, trong bốn oai  nghi, hành giả cử thân động niệm đều dùng tâm từ bi làm gốc. Vì sao? Vì tâm bi là gốc của tất cả thiện pháp vậy! Song làm thế nào đó, mỗi bước chân của ta đều có chánh niệm thu thúc sáu căn, tăng trưởng thiện pháp.

Nên Đại sư Tăng Triệu nói:

“Phàm phu cho việc hàng ngày là tầm thường, còn bậc Thánh giả thì luôn luôn lưu tâm đến”.

Như vậy, mỗi bước chân của chúng ta đi nếu lỡ giẫm đạp côn trùng, làm như thế nào đó chúng ta được tái sanh về nhân cảnh? Muốn được như thế thì tâm chúng ta phải thanh tịnh. Đây là cảnh giới năng lực vô tác, tuy là vô hình nhưng tác động rất lớn.

Như câu chuyện chim bồ câu chạy trốn:

“Ánh sáng chiếu từ phía tây rải những tia nắng còn sót lại sau cùng từ biệt mặt đất. Chính trong buổi hoàng hôn này, Đức Phật tản bộ gần tinh xá Kỳ Viên, Tôn giả Xá Lợi Phất chầm chậm bước theo sau.

Hai Ngài đã đi một đoạn đường, bỗng thấy có một con chim già đòi ăn, đang đuổi bắt chim bồ câu, con chim bồ câu bị bức hiếp hoảng hốt chạy trốn và nhanh nhẩu bay đến núp cạnh Phật, bồ câu nhờ biết khôn chọn đậu ở bên Phật nên con chim ưng chẳng dám tới làm hại. Nhờ vậy, nó được yên thân, vẻ hoảng sợ lúc nãy cũng tan biến.

Lúc  Phật tiếp tục bước tới trước, thân Ngài di động tiến lên, vô tình bóng Ngài Xá Lợi Phất ở sát cạnh con chim, nó lộ vẻ sợ hãi hùng. Xá Lợi Phất thấy vậy liền thưa với Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vì sao con chim bồ câu ở bên Ngài nó chẳng hoảng sợ, còn con vừa gần nó, nó lại run rẩy như vậy?

Đức Phật đáp:

- Này Xá Lợi Phất, ông tuy tâm độc đã trừ nhưng tập khí chưa hết. Vì vậy khi ông gần con chim, nó vẫn hoảng sợ”.

Qua câu chuyện này chúng ta thấy rõ, biển năng lực vô tác tâm của Thế Tôn rất lớn. Vì sao Thế Tôn được năng lực lớn như thế? Trong Kinh ghi lại trong vô lượng kiếp trước, Thế Tôn luôn luôn tu pháp Lục độ ba la mật, nay đã tròn đủ, nên mới có năng lực chế tác như thế!

Ngày nay chúng ta vào chùa, được đầy đủ cơm ăn, áo mặc… đều do biển năng lực vô tác của Thế Tôn còn hiện hữu trong cõi giới này. Tại sao trong mỗi bước chân của ta đi, ta không chế tác tâm từ để đền đáp ơn Phật, Tổ và đàn na tín thí? Song muốn được chế tác tâm từ và năng lực vô tác đó, thì ta phải tham thiền vậy!

Nên J.Krishna Muti nói:

“Tham thiền có nghĩa là sự tỉnh thức - Tỉnh giác về những gì bạn đang làm, những gì bạn đang suy nghĩ, những gì bạn đang cảm xúc, tỉnh giác không hề có chọn lựa gì cả mà để quan sát, để tìm học”.

Như vậy, nói đến tinh thần tu Phật đều lấy tâm làm gốc, tâm là đầu mối của đạo, mà cũng chính là đầu mối của luân hồi sinh tử. Một niệm ta bình ổn, từng bước chân ta an lạc, thì chúng sanh tâm ta luôn ở trong cảnh giới Tịnh Độ, một niệm ta tật đố, ích kỷ, san tham… từng bước chân ta vọng động thì chúng sanh đang ở trong cảnh giới dầu sôi lửa bỏng, núi đao rừng kiếm.

Nên trong Kinh Lăng Nghiêm nói:

“Chơn tâm và vọng tâm”. Song xét cho tột nguồn thì chơn và vọng vốn không thật tánh, do đó chơn và vọng đối lập nhau để hiển bày chánh lý. Từ nhất chơn pháp giới mà vọng thấy có sáng và tối, nơi cửa vô sanh vọng thấy có năng sở, sáu căn không nhất thể vì do duyên động và tịnh, năm ấm buộc ràng là do vọng chấp nhân ngã.

Vì thế, suốt ngày ở trong Phổ Quang Minh Trí của Như Lai mà vọng thấy bị buộc ràng, an trụ nơi Niết Bàn tịch tịnh diệu thường mà không hề hay biết. Mỗi bước đi đều không rời tâm Phật, tất cả đều ở trong vô sanh mà vọng thấy có sanh diệt, nên sanh tử tiếp nối không dừng. Song sự sanh tử tiếp nối tương tục đứng đầu là tâm “vọng”, vì vọng duyên phân biệt bởi do thấy, nghe. Song tâm vốn chẳng động, nhân vì sắc che đậy, thấy sắc thì tâm dao động, nghe tiếng thì tâm phan duyên. Đồng nơi tâm này mà  phân chia phàm và Thánh. Phàm thì đối cảnh sanh tâm, nên mỗi bước đi đều sanh tâm vọng động làm sao chúng hữu tình được lợi ích! Thánh thì đối cảnh xoay về, nên mỗi bước đi đều an trụ nơi cảnh giới diệu thường làm sao chúng hữu tình không được lợi ích! Chỉ một cái xoay về thì “Tức thời sanh Tịnh Độ”, Phật đạo viên thành. Nên nói: “Tịnh Độ chỉ ngay nơi tâm, tâm tịnh tức cõi Phật tịnh”. Do đó Thế Tôn vừa mới giáng sanh thì mỗi bước đi đều có hoa sen nâng đỡ.

Nên Thiền sư Hư Vân khai thị:

“Vừa khởi oai nghi phải bàn về oai nghi giáo tướng. Đi, đứng, nằm, ngồi đều có oai nghi, chớ bảo rằng do bận rộn mà quên đi oai nghi giới hạnh cùng việc sanh tử. Làm đệ tử Như Lai tức là thân quyến của Tiên Thánh, ra vào nơi cửa vàng, hành tàng nơi bảo điện, phải ung dung tự tại nơi sóng khởi ba đào, để tuyển chuyển tích trượng, thắng lên hư không. Giả sử 10 đại quân ma, nghe danh mà đến quy y chánh đạo, có nên vì đó mà quên giảng oai nghi không?”

Hòa thượng Viễn lúc tại núi Phù Sơn bảo vị Tọa chủ:

“Nhờ trị tâm, nên mới cầu diệu ngộ. Ngộ đạo được thì thần hòa khí tỉnh, vọng tưởng tình ngưng, dung mạo trang nghiêm khả kính, phù hợp với chơn tâm. Nhờ điều phục tâm tự linh diệu, rồi sau đó mới chỉ dạy muôn loài”.

Nói chung trên từ chư Phật dưới đến các bậc Tông Sư đều chỉ dạy cho chúng ta: trước khi vào đạo, điều kiện tiên quyết hành giả phải đầy đủ oai nghi tế hạnh. Thứ nhất là gột rửa tâm cống cao ngạo mạn;  thứ hai là thu thúc sáu căn, tăng trưởng pháp lành. Đây là tinh yếu tham thiền vậy!

Như Đại sư Lục Tổ quở trách Thiền sư Huyền Giác:

“Giác đi xung quanh Sư ba vòng, xong chống tích trượng đứng.

Sư nói: - Phàm là Sa môn phải đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh. Đại đức từ đâu đến mà lớn lối ngạo mạn vậy?”

Như vậy, mỗi bước chân chúng ta đi, nếu lỡ giẫm phải côn trùng các chúng hữu tình này được siêu thoát, thì tâm ta phải an ổn, thu thúc sáu căn, nhờ năng lực vô tác giới thể này mà chúng hữu tình mới được siêu thoát. Do đó người tu Phật phải chín chắn chiêm nghiệm lại chỗ này! Chớ chẳng phải học suông rồi chúng ta khi đi tâm không chánh niệm, tâm dẫy đầy tham, san, si , tật đố… thì làm sao các loài hữu tình được siêu thoát?

Nên Cổ Đức nói:

“Cổ thi Phật Tổ để một phong

Dạy khuyên tu miệng lẫn tu lòng

Người nay tu miệng lòng không sửa

Bần tăng lòng sửa miệng thì không”.

 

 

 

 

 

 

 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 70526
  • Online: 12