Vẻ đẹp tuyệt trần

29/01/2011 | Lượt xem: 3844

HT Thích Thanh Từ

Hôm nay nhân ngày Tết Nguyên Đán năm Tân Mùi (1991), Tăng Ni và Phật tử về đây chúc mừng năm mới và yêu cầu chúng tôi có những lời nhắc nhở đầu năm, để tất cả quí vị nhớ cố gắng tu tiến trên đường giác ngộ, nên tôi sẽ có ít lời với quí vị. Hôm nay chúng tôi nói đề tài lạ một chút, nghe dường như phàm tục nhưng thật không phải trần tục, đó là Vẻ đẹp tuyệt trần.


Mở đầu tôi dẫn lời Cổ đức đã nói:

Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ,
Liễu ám hoa minh biệt nhất thôn.

Nghe hai câu trên quí vị cảm thấy thế nào? Tôi tạm dịch:

Núi cùng sông hết nghi không lối,
Liễu biếc hoa tươi riêng một thôn.

Người xưa từ đức Phật đến chư Tổ, đều nhìn thấy cuộc sống của con người trên trần gian này, hay nói gọn là kiếp người, ai ai cũng như nhau. Có mặt trên đời rồi chờ ngày chết, trăm người như một không có lối nào khác; dù sang trọng quyền quí hay nghèo hèn cực khổ, cũng chỉ lăn lộn trong cuộc đời mấy mươi năm rồi cùng đi theo con đường chung là trở về cõi tử, vì thế nói:

Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ, nghĩa là khi đi trên đường núi đến chỗ cùng rồi, nguồn sông đến chỗ nghẽn rồi, người ta nghi ngờ là hết lối đi, tất cả người đều thấy như vậy và đều phải chấp nhận như vậy. Nhưng nếu ai có phước duyên, biết tu, biết tìm một lối thoát thì sẽ đến:

Liễu ám hoa minh biệt nhất thôn, tức là liễu biếc hoa tươi riêng một thôn. Khi đến chỗ cùng đó không phải là hết, nếu người biết tẽ một lối khác thì sẽ thấy ở bên kia còn một thôn đầy liễu biếc hoa tươi đẹp đẽ, thôn đó không giống con đường cùng, con đường tuyệt vọng của người đời, mà là một lối tẽ đặc biệt tràn đầy những cái tươi đẹp sáng sủa không ai ngờ, không ai biết.

Như vậy người đời ai cũng nghĩ mình sanh ra, lớn lên có gia đình, con cái, lo cho con cái lớn khôn rồi sửa soạn chết. Trăm người như một đều đến chỗ không còn lối thoát, nhưng rồi quen đi nên ai cũng thấy lẽ đương nhiên là như vậy, phải chấp nhận chớ không có cách nào khác. Nhưng phước duyên thay những người con Phật! Đức Phật đã vạch cho chúng ta một lối thoát, lối thoát đó Ngài đã đi qua nên Ngài chỉ cho chúng ta cùng tiến. Vì thế ngày nay, người xuất gia hoặc tại gia được duyên lành theo Phật, khi đến chỗ sơn cùng thủy tận lại có một lối tẽ khác đẹp đẽ vô cùng. Lối tẽ đó là VẺ ĐẸP TUYỆT TRẦN, không còn dính một mảy bụi chớ không phải tuyệt trần theo nghĩa thế gian thường hiểu.

Như thế quí vị mới thấy người đời thật đáng thương! Khi sanh ra người ta cứ nghĩ lo cho hết bổn phận rồi chết, chấp nhận con đường cùng ấy. Đáng thương hơn nữa là khi sắp chết cũng không biết số phận mình sẽ ra sao, chết rồi đi đâu? Đường trước mờ mờ mịt mịt, vì thế Tổ Qui Sơn có câu: ‘‘tiền lộ mang mang vị tri hà vãng”, tức là đường trước mờ mờ không biết về đâu! Như thế niềm đau khổ thứ nhất là đi đến chỗ cùng, chỗ chết mà không biết làm sao thoát. Niềm đau khổ thứ hai là khi chết thân phận mình sẽ ra sao, mờ mịt không biết đâu mà lường trước. Vì không biết nên khi sống mải lo cho cái sống, đến lúc ngã ra chết đành phó thác cho số phận, số phận đó là sẽ đi theo nghiệp. Vì không biết nên nghe đến cái chết người ta kinh hoàng sợ hãi. Nếu chúng ta biết đạo rồi thì đường trước có mờ mờ hay không? Dĩ nhiên là không. Tại sao? Nếu chưa ra khỏi sanh tử, chúng ta đã biết chọn một lối đi trên con đường lành, nên khi mất thân này chúng ta tiến trên con đường lành, cõi người cõi trời. Như vậy đối với người tu, dù chưa tiến đến chỗ giải thoát trọn vẹn, ít ra cũng đã chọn được con đường đi, nên khi sắp nhắm mắt chúng ta yên lòng, biết rằng con đường trước sáng sủa hơn hiện tại, sẽ đẹp đẽ vô cùng.

Tóm lại tất cả chúng ta là người biết đạo, biết tu, thì trên đường đời chúng ta không phải là người tuyệt cùng bặt lối, trái lại chúng ta có một lối rẽ, một lối thoát rất đẹp đẽ mà đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta. Lối thoát đẹp đẽ đó đưa chúng ta đến chỗ an lành muôn thuở, chớ không phải chỉ là cái đẹp đẽ trong một thời gian ngắn ngủi tạm bợ rồi tan hoại. Thế nên cái đẹp mà tôi kể ở đây là “vẻ đẹp tuyệt trần”, chữ tuyệt trần theo nghĩa thông thường là đẹp hơn tất cả, nhưng ở đây chúng tôi dùng chữ tuyệt trần là dứt sạch không còn một mảy trần. Lòng trần đã sạch thì cái đẹp đó mới là tuyệt trần. Nói như thế để tất cả quí vị ý thức rằng chúng ta được duyên lành đi trên đường tu giải thoát là chúng ta đã có một lối đi đẹp đẽ, sáng sủa, vui tươi tràn đầy hạnh phúc ở ngày mai chớ không phải chúng ta đi trên đường cùng, đi trong lối nghẽn và cũng để mừng rằng đời chúng ta không phải đen tối, không phải mù mịt như bao nhiêu chúng sanh khác.

Tiếp đến tôi dẫn những bài quí vị đã học để quí vị nhớ lại kỹ con đường mình đi qua. Đầu tiên là tôi dẫn một ít bài trong mười mục chăn trâu để tất cả quí vị thấy con đường chúng ta đi qua đẹp như thế nào. Đa số người thế gian cho người tu chúng ta là kẻ bất hạnh vì không được quyền hưởng những niềm vui thế gian, chúng ta xây mặt với hạnh phúc trần gian. Nhưng họ không ngờ chính vì đa mang hạnh phúc trần gian nên kết cuộc tất cả người đời đều phải châu mày than thở. Thoạt nhìn dáng bên ngoài ai cũng có vẻ tươi tắn, tỏ ra vui cười, nhưng nếu đi sâu vào từng cá nhân, từng gia đình, chúng ta thấy thế gian khóc nhiều hơn cười. Cuộc đời có gì vui đâu, nhưng lỡ rồi phải cắn răng mà chịu, chớ không biết làm sao hơn! Thấy chúng ta là người không đua đòi, không đuổi theo dục lạc thế gian, họ tưởng chúng ta là kẻ thiệt thòi nhưng không ngờ chúng ta lại có một lối đi đẹp đẽ lâu dài. Tuy nhiên không phải bước vào lối đó là mọi việc đều như ý. Quí vị nhớ mục số một trong mười mục chăn trâu, thằng chăn có được thảnh thơi không? Trâu hoang cắm đầu chạy, trâu mạnh mười, sức thằng chăn chỉ có một, trâu lại đang hoang, muốn chinh phục, muốn kềm giữ nó là cả một công trình. Nếu thằng chăn dùng trí khôn ngoan, dùng mọi phương tiện nào dây dàm cột mũi, nào roi đánh thì sẽ điều phục được nó. Trái lại nếu thằng chăn quá dốt, quá khờ cứ chạy đuổi theo con trâu mà trong tay không dây, không roi thì chắc không thể điều phục nổi nó. Thế nên trong giai đoạn đầu người chăn trâu là người cực khổ. Khác hơn ở thế gian, do thả tâm đuổi theo dục lạc nên được một chút dục lạc nào người ta cho đó là hưởng hạnh phúc. Còn chúng ta là người xoay lại chăm chăm lo chăn con trâu của mình nên không đoái nhìn, không tìm hưởng dục lạc thế gian, vì vậy mà hai quan niệm khác nhau. Chăn trâu trong giai đoạn đầu là khó khăn, là nhọc nhằn khổ sở nhưng khi chăn được, tức là giai đoạn xỏ được mũi rồi lôi cổ nó theo mình, thì từ đó về sau từ từ sẽ nhẹ nhàng. Đến đây tôi dẫn bài kệ chăn trâu số sáu tức là mới quá bán phần trên đường tu mà đã được sung sướng như thế này, quí vị nghe thì thấy rõ ràng là tràn trề hạnh phúc.

Kỵ ngưu dĩ lệ dục hoàn gia,
Khương địch thanh thanh tống vãn hà,
Nhất phách nhất ca vô hạn ý,
Tri âm hà tất cổ thần nha.

Khi chúng ta điều phục được trâu, rồi ngồi trên lưng trâu thuần thục cỡi về nhà vào buổi chiều thì còn gì sung sướng hơn! Gió mát trời trong, ngồi trên lưng trâu cầm ống sáo vừa thổi vừa ca thật là vui vô hạn, “nhất phách nhất ca vô hạn ý”, niềm vui không thể kể hết! “Tri âm hà tất cổ thần nha”, những người tri âm của mình đâu cần phải mở miệng nói. Bài này tôi tạm dịch:

Cỡi trâu thong thả trở về nhà,
Tiếng sáo vi vu tiễn vãn hà,
Một nhịp một ca vô hạn ý,
Tri âm đâu phải động môi à.

Như vậy quí vị thấy chỉ mới quá bán phần trên đường tu mà đã vui vẻ như thế, huống nữa là mãn đường tu thì vui đến mức nào. Có phải là chúng ta sống một đời tràn trề hạnh phúc hay không? Thế nên nếu chúng ta chịu khó nỗ lực chăn được con trâu của mình thì mai kia trên đường tu, trên đường về quê hương, chúng ta là kẻ thảnh thơi nhất, an nhàn nhất, nhìn thấy toàn là hoa tươi cỏ đẹp chớ không còn những nỗi buồn bã khổ đau của kiếp người. Đấy là “biệt nhất thôn” tức là một làng riêng, làng chúng ta trở về đó. Trên đây là nói về bức tranh chăn trâu thứ sáu của Thiền tông.

Bức tranh chăn trâu thứ sáu của Đại thừa có khác một chút:

Lộ địa an nhiên ý tự như,
Bất lao tiên sách vĩnh vô câu.
Sơn đồng ổn tọa thanh tùng hạ,     
Nhất khúc thăng bình lạc hữu dư.

“Lộ địa an nhiên ý tự như” tức là con trâu nằm dưới đất trống yên ổn nghỉ ngơi.

“Bất lao tiên sách vĩnh vô câu” là không nhọc nhằn cầm roi và dây mũi.

“Sơn đồng ổn tọa thanh tùng hạ”, thằng chăn ngồi dưới cội tùng thong thả.

“Nhất khúc thăng bình lạc hữu dư”, hát một bản nhạc thăng bình, vui không còn gì hơn. Quí vị thấy niềm vui đến đây thật không thể diễn tả hết được. Bài kệ này chúng tôi tạm dịch:

Đất trống ngủ yên ý tự an,
Chẳng cần roi mũi, mãi thanh nhàn.
Tùng xanh dưới cội mục đồng nghỉ,
Một bản thăng bình rất hân hoan.

Vừa rồi là hình ảnh một chú mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo, đến đây là hình ảnh một chú mục đồng ngồi dưới cội tùng hát bản nhạc thăng bình, tức là đến thời thái bình thịnh trị, mọi người đều vui ca thong thả, không còn bận rộn lo âu gì cả.

Như vậy kiểm lại trên đường tu, nếu tất cả chúng ta nỗ lực chịu cực chịu khổ qua nửa phần đường, trong nửa phần đường đó:

- Giai đoạn thứ nhất là vất vả trăm phần,

- Giai đoạn thứ hai sự vất vả còn khoảng tám mươi phần,

- Giai đoạn thứ ba sự vất vả còn khoảng sáu mươi phần,

- Đến giai đoạn thứ tư còn khoảng bốn mươi phần,

- Đến giai đoạn thứ năm xem như hết vất vả rồi,

- Giai đoạn thứ sáu là bắt đầu thảnh thơi tự tại trên con đường trở về quê hương.

Đó là những hình ảnh tôi cho là đẹp tuyệt trần, chính khi chúng ta chiến thắng được bản thân mình, chiến thắng được vọng tưởng (cụ thể hoá bằng con trâu đã thuần thục, đã nghe lời và chú mục đồng ngồi trên lưng trâu trở về), lúc đó mọi sự thảnh thơi sẽ đến với chúng ta, niềm an lạc vô biên vô tận sẽ đến với chúng ta.

Vậy con đường tu là con đường tăm tối hay là con đường tươi sáng?

- Con đường của chúng ta đi là con đường tươi sáng vô cùng, thế mà có nhiều người đi vừa hơi mỏi chân là đã muốn trở về, thật là đáng tiếc vì chọn con đường tu tức là đã tìm được một lối đi đẹp đẽ vui tươi an nhàn tự tại.

Tuy nhiên không có sự an vui hạnh phúc nào mà chúng ta không phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt. Như nhiều khi ngồi thiền phải muốn khóc vì đau chân, hoặc ở trong chùa nhiều khi bị rầy nên khóc lên khóc xuống. Song nếu chúng ta nỗ lực cố gắng thì ngày mai chúng ta sẽ được hưởng cảnh thanh nhàn an vui, nếu không muốn trả cái giá đó mà đòi hưởng cảnh an nhàn tự tại thì chắc là không có. Ở trong đạo cũng như ở thế gian, muốn được quả vui trước hết chúng ta phải có công phu khó nhọc. Thí dụ như muốn hưởng những quả mít ngon thì hiện tại chúng ta phải đem hạt mít ương trồng, phải bón phân, tưới nước, nhổ cỏ từ ba năm đến năm năm mới thu được kết quả, chớ không bao giờ muốn ăn mít ngon liền có mít ngon, trừ khi có tiền trong túi. Nhưng muốn có tiền cũng phải lao động đổ mồ hôi mới có được. Vậy muốn hưởng quả tốt trước hết phải chịu cực chịu khó, quả tốt mới đến được. Có nhiều người mơ tưởng rằng chùa, Thiền viện là cảnh cực lạc, cảnh thiên đường tại thế, vào đó ngày nào cũng vui, giờ nào cũng an. Hiểu như vậy e là lầm, vì vào đó rồi còn phải dùng bao nhiêu công phu mới qua được những khó khăn để đến chỗ an lạc, chớ không phải vào chùa rồi mọi việc đều như ý.

Tôi nhắc lại để quí vị hiểu con đường chúng ta chọn, chúng ta đi là con đường rất đẹp, rất tươi vui, xán lạn ở ngày mai, nhưng muốn đi đến lối rẽ an lạc đó, tìm được thôn riêng đó, chúng ta phải đi tột cùng con đường dài mới bước sang được lối tẽ này. Tôi chỉ mới dẫn hai bài thơ nói đến mục thứ sáu của mười bức tranh chăn trâu mà quí vị đã thấy đẹp đẽ như vậy. Đến đây tôi dẫn những bài quí vị vừa học trong Tuyết Đậu tụng cổ, tức là ngài Tuyết Đậu tụng các công án.

Đầu tiên là công án Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn đăng đường nói với chúng rằng: Ngài nắm hòn núi Tu-di lại, nó nhỏ bằng hạt gạo, hạt lúa. Ngài Tuyết Đậu tụng cho chúng ta nghe như thế này:

Ngưu đầu một, mã đầu hồi,
Tào Khê cảnh lý tuyệt trần ai.
Đả cổ khán lai quân bất kiến,
Bách hoa xuân chí vị thùy khai?

Tạm dịch:

Đầu trâu mất, đầu ngựa về,
Trong vắt Tào Khê kính chẳng nhơ.
Đánh trống đến xem anh khó thấy,
Trăm hoa xuân đến nở vì ai?

Bài này có cái đẹp nào mà tôi đem vào đây? Ngài Tuyết Phong Nghĩa Tồn nói: Ngài nắm núi Tu-di lại nhỏ bằng hạt lúa, hạt gạo. Núi Tu-di lớn bao nhiêu? Hạt gạo lớn bao nhiêu? Nắm hòn núi to lại bằng hạt lúa hạt gạo là để nói lên điều gì? Tức là dưới con mắt của Thiền sư, tất cả những tướng đối đãi lớn như núi Tu-di, nhỏ như hạt gạo... không còn nữa. Như vậy cái nhìn của Thiền sư đã thoát khỏi mọi tướng đối đãi của trần gian. Khi thoát khỏi mọi đối đãi của trần gian, tâm chúng ta sẽ như thế nào? Sẽ không còn dính một chút bụi trần. Sở dĩ chúng ta còn dính bụi trần là vì còn ở trong đối đãi hơn thua, phải quấy, được mất, nên phiền não theo đó dấy khởi, tâm chúng ta trở thành nhiễm ô, vì thế gọi là trần ai. Ngài Tuyết Đậu thấy được công án này nên Ngài mới hạ câu đầu:

“Ngưu đầu một, mã đầu hồi” tức là đầu trâu mất, đầu ngựa về, nghĩa là một câu vô nghĩa vô lý, không ai biết là gì, để nói lên khi con người đã thoát khỏi đối đãi thì không có ý niệm, không có tình duyên theo cảnh. Thế nên nói “đầu trâu mất đầu ngựa về”, nói một cách không có lý thú để diễn tả tâm không còn dính mắc với cảnh.

Đến câu thứ hai “Tào Khê cảnh lý tuyệt trần ai” là trong gương Tào Khê không dính một mảy bụi. Nghe nói gương Tào Khê ai cũng tưởng là gương của Lục tổ, nhưng nếu tất cả chúng ta đi theo con đường của Lục tổ thì chúng ta đều có cái gương riêng, gương đó cũng được gọi là gương Tào Khê. Như vậy tất cả chúng ta khi tâm dứt đối đãi thì không còn dính một mảy bụi ở trong lòng. Hiện nay nếu quí vị buông hết những được mất hơn thua v.v... thì lòng quí vị có phiền não không? - Đâu còn tí nào phiền não và phiền não hết thì tâm mình trong sáng như gương không dính một mảy bụi. Khi ấy:

“Đả cổ khán lai quân bất kiến”: đánh trống mời thiên hạ đến xem, nhìn trong gương cũng không ai thấy được một mảy bụi, cũng không ai thấy được cái gương như thế nào.

Câu kết thúc thật là đẹp đẽ: “bách hoa xuân chí vị thùy khai”, nghĩa là đến mùa Xuân, trên núi, trong rừng, bên cạnh suối... trăm hoa đua nhau nở là vì ai? Vì quí thầy hay vì quí Phật tử? - Không vì ai cả. Nghĩa là Xuân đến thì hoa nở chớ không phải vì người này xem hoa, người kia yêu hoa mà nó nở cho họ xem.

Như vậy khi tâm chúng ta không còn dính một mảy bụi thì muôn vật đều đẹp đẽ trước mắt chúng ta, khi duyên đến tức là thời tiết đến, mùa Xuân đến thì hoa tự nở chớ không phải vì ai, không phải đợi chúng ta chăm sóc vun bón... Đây là một công án diễn tả tâm chúng ta khi tự tại không còn kẹt ở hai bên thì kết quả sẽ tốt đẹp như thế.

Đến công án thứ hai là công án của ngài Vân Môn. Một hôm ngài Vân Môn bảo: Ngày mười lăm về trước thì không hỏi ông, ngày mười lăm về sau hãy nói một câu xem? Không ai đáp được, Ngài tự nói: Mỗi ngày đều là ngày tốt. Công án này hay ở điểm nào? Tất cả chúng ta đang sống trong hiện tại nhưng tâm chúng ta nhớ chuyện hôm qua, hôm kia, năm xưa, năm cũ, tức là sống ở hiện tại mà tâm lùi về quá khứ. Nhiều khi sống ở hiện tại mà tâm hướng về vị lai như ngày nay là ngày mồng một Tết mà chúng ta nghĩ tháng hai, tháng ba chúng ta sẽ phát tài hoặc tháng tư, tháng năm chúng ta đi ngoại quốc... Giờ phút hiện tại không sống thì sống cũng như chết, chết nhưng còn ăn, còn nói, còn đi. Ăn, nói, đi, mà chết vì chính hiện tại mới là sống, nhưng trong ba thời quá khứ hiện tại vị lai tâm chúng ta cứ lui về quá khứ hoặc hướng tới vị lai, mơ ước tưởng tượng mà quên mất giây phút hiện tại. Thế nên Ngài mới nói không hỏi ngày mười lăm về trước mà ngay ngày mười lăm về sau hãy nói cho một câu, không ai nói được thì Ngài nói “mỗi ngày đều là ngày tốt”. Như thế không cần mở lịch, vì ngày nào cũng là ngày tốt. Tại sao? Đây ngài Tuyết Đậu tụng:

Khứ khước nhất, niêm đắc thất,
Thượng hạ tứ duy vô đẳng thất.
Từ hành đạp đoạn lưu thủy thanh,
Túng quan tả xuất phi cầm tích.
Thảo nhung nhung, yên mịch mịch,
Không Sanh nham bạn hoa lan tịch,
Đàn chỉ kham bi Thuấn-nhã-đa.

Tạm dịch:

Bỏ đi một, nắm được bảy,
Trên dưới bốn bên không đồng bậc.
Thong dong đạp bặt tiếng suối reo,
Phỏng xem vẽ được chim bay dấu.
Cỏ xanh rì, khói trắng bạc,
Không Sanh bên núi hoa rơi loạn,
Khảy tay làm thảm Thần Hư Không.

Qua bài kệ này chúng ta thấy tài của ngài Tuyết Đậu diễn tả khi tâm chúng ta không còn kẹt quá khứ, vị lai, đó là dùng mấy chữ bỏ đi một, nắm được bảy nghĩa là không còn kẹt vào quá khứ, vị lai nữa, chỉ ngay hiện tại thôi.

Trên dưới bốn phương không đồng bậc nghĩa là bốn hướng và trên dưới không có cái gì gọi là giống nhau. Như vậy nếu tâm chúng ta đối với thời gian không còn có niệm sai biệt hướng về quá khứ vị lai mà sống ngay hiện tại thì thế nào? Tâm đã bình đẳng nghĩa là ngay trong phút giây này chỉ một niệm hiện tiền thôi, được như vậy sẽ:

Thong dong đạp bặt tiếng suối reo. Dầu cho tiếng suối reo bên cạnh, chúng ta đi rất thong thả bên bờ suối, cũng đạp được tiếng suối im bặt. Sao hay đến thế? Tiếng suối có hình dáng gì mà đạp được bặt tiếng? Đó là để nói rằng khi tâm chúng ta không còn niệm hướng về quá khứ vị lai, chỉ sống với hiện tại thôi, lúc đó sẽ có diệu dụng, dường như chúng ta đi từ từ thong thả mà cũng làm cho tiếng suối reo im bặt.

Phỏng xem vẽ được chim bay dấu, nghĩa là thấy chim bay trong hư không, giả sử muốn vẽ dấu của nó, cũng vẽ được. Như vậy hai câu này diễn tả khi chúng ta dứt được tâm quá khứ vị lai rồi thì ngay trong phút hiện tại này chúng ta sẽ được diệu dụng, nó vi tế vô cùng, những bước đi thong dong làm cho suối phải im tiếng, chim bay trong hư không dường như mắt cũng thấy được dấu chân của nó. Đây lại đẹp thêm:

Cỏ xanh rì, khói trắng bạc. Khi ấy chúng ta  thấy đây là cỏ mùa Xuân xanh rì như nhung, kia là đám mây khói trắng như bạc, không còn gì xấu xa đen tối nữa. Tiếp đến Ngài dẫn:

Không Sanh bên núi hoa rơi loạn, tức là ngài Tu-bồ-đề ngồi bên sườn núi im lặng mà Thiên Đế Thích rải hoa cúng dường. Tâm chúng ta đến chỗ nhất như thì dường như không nói không làm mà tất cả chung quanh đều cảm thông, đều thấy được.

Khảy tay làm thảm Thần Hư Không: chỉ khảy ngón tay, Thần Hư Không cũng hiện ra buồn thảm. Khi chúng ta tu hành đến giai đoạn tâm được an nhiên tự tại thì mọi diệu dụng tràn đầy trước mắt và chúng ta nhìn thấy tất cả đều hay, đẹp và nên thơ. Tôi dẫn những kệ tụng trên để quí vị thấy tương lai đẹp đẽ của con đường chúng ta đang đi.

Sang đến Thiền sư Việt Nam của chúng ta có nhìn giống như thế không? Đây là vị Thiền sư mà tôi thường hay nhắc nhất, đó là Thiền sư Chân Không. Có vị Tăng hỏi: Khi sắc thân bại hoại thì thế nào? Tức là người ta đến lúc chết thì thế nào? Ngài  liền đáp:

Xuân khứ Xuân lai nghi Xuân tận,
Hoa lạc hoa khai chỉ thị Xuân.

Tôi tạm dịch:

Xuân đến Xuân đi ngỡ Xuân hết,
Hoa nở hoa tàn vẫn là Xuân.

Thật đẹp làm sao! Người ta thắc mắc băn khoăn hỏi sắc thân của chúng ta, đến giờ phút bại hoại thì thế nào? Người thế gian đến giờ phút đó là khóc, là khổ đau, nhưng với Ngài thì Ngài bảo: Xuân đến Xuân đi ngỡ Xuân hết, hoa nở hoa tàn vẫn là Xuân. Mùa Xuân có đến có đi, như hôm nay bắt đầu mùa Xuân tức là Xuân đến, ba tháng sau gọi là Xuân đi, đến rồi đi, tưởng như Xuân hết. Còn hoa nở trong mùa Xuân, như hôm nay các cành mai đang nở, mai mốt nó sẽ tàn, nở trong mùa Xuân, tàn cũng trong mùa Xuân, như vậy sống chết vẫn ở trong cái tươi đẹp chớ không bao giờ mất. Thế là sống đẹp mà chết cũng tươi, không phải sống là vui chết là khổ. Tại sao? Vì đối với người thấy đạo sống và chết chỉ là sự sanh diệt của hòn bọt trong biển, hợp hoặc tan cũng đều nằm trong biển, có thoát đi đâu, khi hợp lại không làm cho biển tăng lên, khi tan ra cũng không làm cho biển giảm xuống, hợp hay tan cũng thế thôi. Thế nên Thiền sư khi thấy con người lúc sắp lâm chung bồi hồi lo sợ không biết thân phận sẽ ra sao thì Ngài nói rõ rằng: Mùa Xuân đến, mùa Xuân đi người ta tưởng là mùa Xuân hết, nhưng hoa khi nở khi tàn, dù có hai thời, vẫn là trong một mùa Xuân. Vậy mùa Xuân ở đây là mùa Xuân mãi mãi chớ không phải mùa Xuân chỉ có trong thời tiết ba tháng. Như vậy để thấy rằng sự có mặt và vắng mặt của chúng ta trên trần gian này chỉ là tạm thời chớ trong cái tươi sáng vĩnh viễn, chúng ta lúc nào cũng hiện hữu, không bao giờ thiếu vắng. Đó là điều Thiền sư đã thấy như vậy.

Đến một vị Thiền sư khác vào đời Lý, Thiền sư Viên Chiếu. Có một vị tăng hỏi Ngài: Thế nào là nghĩa Kiến tánh thành Phật? Ngài trả lời:

Khô mộc phùng xuân hoa cạnh phát,
Phong xuy thiên lý phức thần hương.

Tôi tạm dịch:

Cây héo Xuân về hoa nở rộ,
Gió đưa ngàn dặm nực hương mầu.

Khi tăng hỏi nghĩa Kiến tánh thành Phật thì Ngài đáp: giống như là cây héo, cây khô gặp mùa Xuân về liền nở hoa. Người thế gian vì không nhận ra Phật tánh của mình nên thấy thân này có sanh, có diệt, khi sanh là vui mừng, khi diệt là khổ đau; trái lại người tu nhìn thấu được tánh chân thật của mình, tức là kiến tánh, thì thấy thân này có tàn có hoại cũng như là cây khô, khi thời tiết nhân duyên đến tức là mùa Xuân về nó vẫn nở hoa, chớ không phải mục luôn. Người tu khi ngộ đạo thấy tánh rồi thì ngay nơi thân tầm thường, nhớp nhúa, không ra gì này có cái đẹp đẽ tươi sáng vô cùng, đó là ví dụ mùa Xuân về hoa nở rộ.

Đến câu kế “gió đưa ngàn dặm nực hương mầu”, lúc gió ở đâu thổi về đều nghe mùi hương nhiệm mầu thơm ngát mũi. Như vậy hai câu thơ này cho chúng ta thấy đường trước chúng ta đẹp đẽ làm sao, giống như mùa Xuân về hoa nở rộ, giống như gió ngàn phương thổi về mùi thơm nhiệm mầu nồng nực khắp bầu trời. Như thế quí vị thấy đẹp đẽ thơm tho là con đường chúng ta đang đi, đang tiến tới.

Lại có vị tăng hỏi: Thế nào là bản ý của chư Phật?

Ngài Viên Chiêu liền đáp:        

Xuân chức hoa như gấm,
Thu lai diệp tự hoàng.

Dịch:

 Xuân dệt hoa như gấm,
Thu sang lá tự vàng.

Câu trả lời đẹp làm sao! Mùa Xuân đến hoa nở đẹp như gấm thêu hoa, mùa thu sang lá vàng rụng. Như vậy Xuân đến, thu sang vẫn là tự nhiên, Xuân về hoa nở, thu đến lá vàng, sự vật là như thế. Bản ý chư Phật thế nào? Bản ý chư Phật là như nhiên, như Xuân về hoa nở, thu đến lá vàng, không có gì thêm, không niệm trần nào len lỏi vào.

Đến Thiền sư Thiền Lão, một hôm vua Lý Thái Tổ đến, thấy Ngài ở trong núi, vua hỏi: Ngài ở đây được bao lâu rồi?

Ngài trả lời:

Đản tri kim nhật nguyệt,
Thùy thức cựu Xuân thu.

Tạm dịch:

Chỉ biết ngày tháng này,
Ai hay Xuân thu trước.

Nhà vua liền hỏi thêm: Hòa thượng ở đây hằng ngày làm gì? Ngài trả lời:

Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh,
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.

Dịch:

Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác,
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.

Ngài Thiền Lão thiền sư trả lời câu hỏi của vua Lý Thái Tổ về thời gian Ngài ở trong núi bao lâu là: Chỉ biết ngày nay tháng này thôi. Như vậy Ngài đang sống với niệm hiện tại (ngay bây giờ), không nhớ quá khứ, không mơ tưởng vị lai. Nếu con người được như vậy thì hiện tại đang làm gì? Ngài trả lời: Nhìn trúc biếc hoa vàng, thấy trăng trong mây bạc... tất cả đều hiện cái Thể chân thật của chính mình, chớ không có ngoài.

Vậy khi chúng ta tu hành đến lúc tâm mình tự tại, không dính mắc một cái gì, lúc đó tất cả cảnh trước mắt chúng ta đều nên thơ, đều tuyệt diệu, những cảnh đẹp không thế nào diễn tả hết, những cảnh đó chúng tôi gọi là vẻ đẹp tuyệt trần, nghĩa là đẹp mà không dính một mảy bụi nào. Bụi đó ở đâu? Ở trong tâm chúng ta. Tâm không còn chút bụi thì mọi cảnh trước mắt đều đẹp, đều nên thơ. Trái lại nếu tâm chúng ta còn bụi phiền não thì mọi cảnh đều là cảnh buồn, cảnh tang tóc. Như thế tất cả chúng ta tu hành là đã chọn được một con đường, con đường tươi sáng hạnh phúc ở mai sau. Chọn được rồi, hiện chúng ta đang cất bước đi, quí vị có muốn đi nhanh đến để hưởng hay không? Hay quí vị thích ngồi chơi, chần chờ trong những đám gai góc, những vũng bùn lầy? Tôi ví dụ như chúng ta là khách du lịch muốn đến một thành phố đẹp, nhưng biết rằng trên đoạn đường về thành phố phải qua những đoạn đường lồi lõm, nhơ nhớp, bẩn thỉu, quí vị nghĩ chúng ta muốn đi nhanh qua để đến chỗ tươi đẹp mà chúng ta hằng mơ ước, hay là chúng ta cứ dần dà đến chỗ nào mệt thì ngồi chơi để ngửi mùi hôi hám của những đống rác, hay dừng lại những chỗ đất lồi lõm gai góc, ngồi xuống thì bị đâm thủng chẳng hạn? Chắc không ai bằng lòng ngồi lì mãi ở chỗ nhơ nhớp gai góc khi biết rằng đến nơi kia sẽ đẹp đẽ trăm phần. Thế nên chúng ta đã có một lối đi, đã biết được kết quả sẽ là tươi sáng, đẹp đẽ thì phải nỗ lực, không nên chần chờ, hẹn nay, hẹn mai mà phải ráng đi đến nơi, sớm chừng nào tốt chừng nấy.

Tóm lại hôm nay là ngày đầu năm, tôi phác họa con đường đi của quí vị để thấy đó là con đường tươi sáng. Vậy mong rằng tất cả quí vị nếu không phải là người yếu hèn hay thác loạn, thì sẽ không chần chờ, không thối lui trên bước đường toàn là hoa thơm cỏ lạ. Chúng ta phải hăng hái, cố gắng tiến đến chỗ chúng ta đã nhắm, đến mục tiêu chúng ta đã quyết đến vì đó là nơi đẹp đẽ, tươi sáng, là nơi an lạc muôn đời. Chúng ta đâu còn dốt nát dại khờ gì mà phải dính nhiễm, cãi nhau trong đám gai góc? Đánh nhau trong gai có vui gì đâu, dù có thắng cũng trầy da tróc vảy. Thế thì mặc ai muốn tranh hơn thua, muốn lôi kéo... chúng ta cứ gỡ mà đi, đi thẳng đến đích cuối cùng là nơi đẹp đẽ vô hạn. Đến đó rồi mặc tình ngồi chơi thổi sáo hát khúc thanh bình, rảnh rang cỡi mây cỡi gió về rủ bạn bè cùng đi với mình cho vui, chớ không lẽ lăn lộn mãi trong đám gai góc bùn lầy, giành nhau những cái không đáng giành, hơn nhau những cái không đáng hơn thì thật là uổng phí cả cuộc đời.

Mong rằng năm nay, tôi tạm gọi là năm cuối để hướng dẫn dạy dỗ quí vị, những gì Kinh điển Phật Tổ dạy, tôi đem ra giảng nói cho quí vị nghe, quí vị ráng lãnh hội đầy đủ và đồng thời cố gắng mạnh mẽ bước trên con đường chúng ta đang đi, đừng giậm chân tại chỗ và tối kỵ là đừng bao giờ trở bước lại. Đó là điều tôi nhắc nhở, mong tất cả quí vị ý thức được đường tu, biết ngày mai tươi sáng thì phải nỗ lực tiến lên, không nên chần chờ nữa.

Tu học

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 96819
  • Online: 17