Ý nghĩa một ngày mới
20/06/2015 | Lượt xem: 6176
Ni sư Hạnh Huệ giảng tại TV Viên Chiếu
Hôm nay, một ngày mới đã bắt đầu, tôi có toàn quyền sử dụng ngày hôm nay theo cách tôi muốn. Tôi có thể bỏ phí hoặc biến ngày hôm nay trở nên có ích cho mình và cho mọi người. Mỗi việc tôi làm hôm nay đều quan trọng vì tôi đã đổi một ngày trong cuộc đời mình để thực hiện chúng. Khi ngày mai tới, hôm nay sẽ ra đi mãi mãi. Mong rằng tôi sẽ không hối tiếc cáigiá tôi đã trả cho ngày hôm nay.
Các con thấy câu mở này hay không? Đáng lẽ mỗi ngày mở mắt ra, mình biết mình sống một ngày mới và xem mình sẽ sử dụng ngày đó của mình như thế nào. Đôi khi một ngày cứ lo chơi đùa cho qua thời gian, trong khi mình có quyền sử dụng ngày đó cho mình một cách có ý nghĩa. Bây giờ các con phát tâm mỗi tháng có một ngày tu. Mình vô đây như vô "thẩm mỹ viện" sửa cho mình đẹp hơn những ngày qua. Sở dĩ mình đẹp là nhờ gì? Nhờ mắt, tai, mũi, miệng ngay ngắn...? Đó chưa phải là cái đẹp thật sự mà cái đẹp thật sự ở thần sắc, tức là mình có cái phần chỉ huy thân xác làm cho mình đẹp hơn. Nhà Phật gọi thân chúng ta do tứ đại hòa hợp, mà tứ đại là vật chất: thịt, xương, da, tóc,...Nhưng có một cái khiến cho vật chất này trở thành linh động, nếu không mình chỉ là xác chết. Con người của mình không chỉ có hồn không hoặc xác không, mà là phối hợp giữa hồn và xác. Và cái hồn đó sử dụng cái xác để biểu lộ tính chất của nó. Mỗi người sẽ có một phần gọi là tinh thần. Mình phải làm sao cho phần tinh thần sai khiến được phần thân xác bên ngoài trở thành một vật sáng chói. Các con làm sao để người ta nhìn vô mình, thấy có một vẻ sáng sủa. Mình đẹp, có nghĩa những người chung quanh đến với mình họ hoan hỷ vui vẻ, chứ không có nghĩa nhờ son phấn mới đẹp. Chúng ta sẽ có một cái đẹp do tâm chúng ta ánh ra bên ngoài. Chúng ta vào đây là để tập làm đẹp. Người đẹp là người không nói lời thô tục, không nói những câu khó nghe. Mình tập cho thân làm những điều tốt, miệng nói những điều tốt và trong tư tưởng chỉ nghĩ những điều tốt đẹp. Như vậy mình có trở thành người đẹp không? Mình phải trở thành những người đẹp, có nghĩa là không phải hối hận, áy náy trong lòng. Khi làm điều gì xấu, lúc làm thì vui thích nhưng sau đó lương tâm cắn rứt, cho nên rất khổ. Tốt hơn, đừng làm thì tâm sẽ an ổn.
Tập tu như vậy các con sẽ thấy hóa ra lâu nay mình có nhiều ý tưởng không được đẹp, những lời nói không được hay, mình sẽ nói con không cố ý, tự nhiên lúc đó nó bật ra. Có khi mình làm những việc mình không biết là trúng hay trật.
Ngày các con vô đây tập tu sẽ thấy không gian khác ngày thường. Thời gian trong một ngày rất khít khao, không rảnh để suy nghĩ này kia. Các con phải nghĩ như vầy. Vô chùa là bỏ hết mọi chuyện ở nhà, sống với một không khí lạ, một thời gian lạ. Và bây giờ mình phải sống một cách khác lạ nữa. Tức là làm chậm tất cả mọi việc, nói nhỏ lại một tí, đi chậm lại một tí, bớt lắc lư. Còn khi ngồi thiền, ngồi im sẽ ngồi im hoài, nếu không ráng giữ, cứ nhúc nhích thì nó bắt mình nhúc nhích hoài. Các con có cảm nhận được vậy không? Nghĩa là có lúc đang ngồi yên bỗng nhiên mình ngó tới ngó lui thì đầu mình tự động cứ ngó hoài, rồi suy nghĩ: Sao thì giờ lâu hết quá? Rồi nhìn chung quanh coi có ai giống mình không? Có những cái khó khăn như vậy, các con phải ráng. Thấy rằng trong người mình có những thứ nó muốn cho mình làm những cái gì mình không muốn làm. Mình cũng muốn ngồi yên, nhưng tại sao lúc đó chân tay mình không chịu yên nữa. Nó bắt đầu mệt. Mình cũng ráng ngồi, nhưng rồi không được, cũng cứ nhìn chỗ này một chút kia một chút. Cho nên, các con thấy, thân của mình rất khó kiểm soát. Đó là chưa kể mỗi đứa có những thói quen khác nhau mà không tự kiểm soát được. Bây giờ có được ngày nay để mình tập. Làm chậm hết mọi sự, sẽ thấy mình có rất nhiều hành động dư thừa như: Đi đánh đằng xa nhiều quá, hoặc bước dài quá, đá chân cao quá... mấy thứ đó vô chùa phải học. Cho nên các con thấy vô tu cực lắm chứ không đơn giản. Phải tập oai nghi, cách đi đứng ngồi nằm. Làm việc gì cứ chú tâm vào việc làm của mình, không cần để ý đến người chung quanh. Ví dụ khi các con ăn là chỉ có ăn. Ăn một cách chậm rãi và ý thức từng muỗng cơm, không nhìn bên cạnh không nhìn ai hết, không được nói chuyện. Tất cả mọi việc đều làm nhẹ nhàng, từ tốn. Thầy nhắc lại, làm chậm tất cả mọi việc, đi đứng chậm. Thường thì mình không sống với bước chân hiện tại, cứ lo ngóng mình sẽ tới đâu đó. Hay khi đang đi mình nghĩ tới chuyện này chuyện nọ nên bị phân tâm. Thiền tạm gọi là tập trung tư tưởng trong ngay giờ phút này và nơi này, tức làm mình sống với thân và tâm tại ngay chỗ này, không nghĩ đông nghĩ tây gì hết. Mọi chuyện ở nhà hãy đợi ra khỏi cổng rồi nghĩ. Mình sống từng giây từng phút trong chùa này, các con coi như ở thế giới khác được không? Đừng thèm lo nghĩ bất cứ chuyện gì, mình lo tập luyện từ thân tới tâm. Làm việc chậm rãi, suy nghĩ chậm rãi. Các con ngồi thiền tập đếm hơi thở từ 1 đến 10. Tại sao đếm? Vì tâm của mình chạy rất xa cho nên mình lôi nó lại. Đếm hơi thở là một cách cột tâm, cho nên không cần đếm nhiều, chỉ cần đếm đến 10. Tuy vậy tâm cũng sẽ chạy rất mau, phải lôi lại, lôi lại. Một là cột hơi thở, hai là ý thức được hơi thở của mình, lúc này mới thấy hóa ra nói không theo ý mình mà có chương trình riêng của nó. Nếu bây giờ các con nói "Hít vô không thở ra" thì được bao lâu? Không được, phải thở ra. Và thở ra mà không hít vô cũng không được. Thở ra một hồi nó bắt mình phải hít vô. Cho nên cả hơi thở mình cũng không làm chủ được, chỉ làm chủ được một khúc nào đó thôi. Không hít không thở thì chết. Đời sống mình qua hơi thở thôi, thay đổi liên tục và rất ngắn. Bây giờ nói mình ngồi yên, thì ngoài hơi thở ra có những thứ không yên trong con người mình. Chẳng hạn tim không ngừng đập, máu không ngừng chảy, phổi, bao tử, ruột cũng không ngừng co bóp... tất cả mọi thứ đều hoạt động mà mình không hề biết. Hoạt động trong người mình mà mình không biết, trong khi mình biết đủ mọi thứ bên ngoài. Với một vật không biết mà mình nói " tôi đây " có được không? Trong khi tôi không biết gì về tôi. Thành ra thân này không phải là mình. Đức Phật bày ra cách này để mình ý thức được nhiều thứ. Xưa nay mình vẫn gọi nó là tôi, trong khi những thứ này không phải là tôi. Bây giờ mình bị nghiệp lôi phải nhận cái thân, giống như mua một cái xe, tốt hay xấu tùy mình giàu hay nghèo. Xe chạy được một thời gian rồi hư, nếu mình để dành tiền sẽ được xe khác tốt hơn, nếu ăn xài hết tiền thì tụt xuống đi bộ. Cho nên mỗi ngày chúng ta sống là mỗi ngày phải góp vốn mà sắm xe mới. Mặc dù xe bây giờ không biết xài bao lâu, nhưng đã có thì phải đến lúc hư. Đây là điều bắt buộc. Mình nên nghĩ đây là dụng cụ cho tâm chúng ta sử dụng, nó không phải là mình. Mình cũng ráng bảo vệ cho nó tốt để sử dụng lâu lâu, học hỏi được nhiều thứ, và làm được những gì tốt đẹp, để sắm dụng cụ khác tốt hơn mà tiếp tục đi.
Mỗi ngày nên ý thức sự quan trọng của nó, bởi vì khi nó đã qua không bao giờ lấy lại được. Trong ngày này, mỗi giây mỗi phút các con đều tu tập dần dần, cố gắng nỗ lực để mỗi lúc mỗi đẹp ra. Mình thành người tốt trong xóm làng thì bảo đảm ba má các con sẽ vui lòng, Mình cũng là công dân của một nước, mình không đóng góp gì to lớn hết thì cứ làm tốt, từng người làm tốt thì đã đóng góp cho xã hội rồi. Đúng không?
Các bài mới
Các bài đã đăng
Thiền với tuổi trẻ
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 00615
- Online: 31