Ý nghĩa Phật Đản trong quan niệm của người Phật tử tại gia
21/05/2015 | Lượt xem: 4811
Chương trình Đại lễ Phật đản PL2556 tại Hà Nội, từ ngày 08 đến 15 tháng 04 năm Nhâm Thìn (Tức 28/04-05/05/2012) tại Chùa Quán Sứ - Trụ sở Trung ương GHPGVN, số 73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra 3 thời khóa thuyết giảng giáo lý Phật Pháp cho toàn thể Phật tử và nhân dân tham dự Đại lễ kính mừng Đức Phật đản sinh.
Tối ngày 12 tháng 4 AL ( nhằm ngày 02/5/2012), ĐĐ. Thích Tâm Thuần- Ủy viên Ban Hoằng Pháp TW- Phó Ban Hoằng Pháp THPG Hà Nội, Trụ trì TVTL Sùng Phúc đã thuyết Pháp cho đông đảo thính chúng đón nghe với chủ đề “Ý nghĩa lễ Phật đản trong tâm nguyện của người Phật tử tại gia”.
BBT xin giới thiệu bài thuyết pháp của Đại đức
Kính thưa toàn thể các quí vị Phật tử có mặt trong buổi chia sẻ Phật pháp để chào mừng ngày lễ Phật đản Phật lịch 2556 và kính mừng 2636 năm ngày Đức Từ phụ đản sinh. Chúng ta đều biết Đức Phật sinh ra đời là đem lại sự an vui cho nhân loại, chư thiên và loài người. Là Phật tử nhiều lần tham dự lễ Phật đản, kính mừng Ngài đản sinh, mỗi lần như vậy, toàn thể Phật tử có suy ngẫm, ấn tượng gì để sách tấn chúng ta trên con đường tiến tu giải thoát, đã tinh tấn tu tập để cảm nhận được giá trị siêu thoát của đạo Phật đến đâu? Đó là điều mà chúng ta cần phải suy ngẫm?
Là một người đệ tử Phật, chúng ta cần tìm hiểu thấu đáo lịch sử về đạo Phật, nguyện quy y Tam bảo để “diệt tội hằng sa”, chiêm ngưỡng Tam Bảo để “phước tăng vô lượng”, nương tựa Phật để tiêu trừ nghiệp khổ, tăng phước lành, mỗi lần dự đại lễ là mỗi lần được thấm nhuần đạo Pháp, hiểu sâu về lịch sử đức Phật, về giáo pháp, từng bước tiến tu để cảm nhận sự an lạc trọn vẹn, đó là nhiệm vụ cao cả của người đệ tử Phật.
Qua hình ảnh Phật đản sinh và lời khai thị của Phật lúc đản sinh để giúp chúng ta có cái nhìn, định hướng rõ ràng muốn thoát khổ phải luôn quán để thấy được bản chất vạn hữu là mộng, là huyễn, là một giấc mộng dài, chỉ có vậy chúng ta mới có thể hi sinh mình vì người, hỷ xả được những điều khó hỷ xả, cảm thông được những điều khó cảm thông, bình an trứơc sự được mất, đó là giá trị cuả cái nhìn chánh kiến, cái nhìn đúng đắn để hết chấp, hết chấp là hết khổ. Chúng ta tin nhận rằng chỉ những ai hiểu được cái ta chân thực là tối tôn mới có thể an ổn tự tại, không bị chi phối bởi sinh già bệnh chết.
Bởi vậy, mỗi lần tham dự lễ Phật đản, trong tinh thần biết ơn chư Phật “đền ơn chư Phật là ơn chẳng đền, giáo hóa chúng sinh là đền ơn Phật”, chúng ta cần phát nguyện thiết tha, chí thành tinh tấn hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, giữ gìn các phạm hạnh, từng bước bỏ các nghiệp xấu dở, tăng trưởng thiện pháp, tu tập hạnh hỷ xả, từng bước nếm trải qua tinh thần giác ngộ giải thoát để đền ơn chư Phật, thực hiện hoài bão đức Phật. Phật đã từng nói: “biển chỉ có duy nhất một vị mặn, còn đạo của ta chỉ có duy nhất một vị là giải thoát”. Học Phật để giác ngộ, giác ngộ là để thoát khổ. Trong lễ Phật đản này, người con Phật chúng ta phấn khởi phát nguyện đoàn kết, hòa hợp, thương yêu quý kính, sẵn sàng thông cảm, tha thứ và sách tấn nhau để tiến tu đạo giải thoát, để đền ơn chư Phật; ngoài ra chúng ta còn giáo hóa, hướng dẫn cho những người xung quanh mình, ví như khi đi tham dự lễ Phật đản về, mỗi lần nghe Pháp là mỗi lần chúng ta phát huy thiện pháp, để khi về nhà, chúng ta có một cái gì cao quí để tặng lại cho những người thân yêu của mình. Trước kia có thể chúng ta hay nói lời hung dữ, dối trá, mang nhiều tật dở, dễ buồn, dễ khổ nhưng khi đã mỗi lần đi chùa về, sáng tỏ được chân lý, được nghe giáo lý, chúng ta gặp cái đáng buồn mà không buồn, cái đáng khổ mà không khổ, cái đáng giận mà không giận, bớt đi cái khổ, đó là trí tuệ siêu thoát của đạo Phật mà trí tuệ thế gian không có được, khiến mọi người bà con hàng xóm khi nhìn vào thấy rằng bác đó khi đi chùa về đã khác hơn xưa, tinh thần đã thay đổi, biết nhẫn nhịn thông cảm với người xung quanh, biết yêu thương hỷ xả hơn với những người khó hỷ xả được, đó chính là thành quả để chúng ta dâng lên cúng dường đại lễ Phật đản, là cách để bày tỏ tấm lòng biết ơn và đền ơn chư Phật.
Ngay đây, Thầy cũng khuyến tấn Phật tử phát nguyện trước đức Phật mỗi lần tham dự lễ Phật đản: Chúng con nguyện đi theo dấu chân Ngài, con nguyện đem ánh sáng trí tuệ mà Ngài truyền đạt, truyền đạt lại cho tất cả mọi người xung quanh để cùng nhau được bình an hạnh phúc. Đó là tinh thần của người đệ tử Phật trong ngày lễ Phật đản. Còn nếu chúng ta chỉ thấy vui khi ở buổi lễ đến khi về nhà lại quanh quẩn với những buồn lo, được mất khen chê hay dở, không có ấn tượng gì sâu sắc về ngày lễ Phật đản thì chưa phải là biết ơn và đền ơn Phật. Phật nói: “Người nào biết ơn và đền ơn ta thì tuy xa ta nhưng ta luôn ở bên người ấy. Người nào không biết ơn, đền ơn thì người đó tuy ở bên cạnh ta nhưng lại xa ta”. Chúng ta cần suy nghĩ chúng ta ấn tượng về ngày Phật đản như thế nào? Sẽ làm thế nào để biết ơn, đền ơn Phật, sửa đổi bớt tính dễ buồn khổ, cáu gắt, không nói lời dối trá, đó là chúng ta tư duy, thực tập, cảm nhận sự siêu thoát, chia sẻ với mọi người đạo Phật.
Các Phật tử hãy luôn học gương hạnh của Đức Phật: Đối với người làm khổ mình nhất, vu oan giáng họa cho mình nhất, Phật không chỉ hỷ xả bình thường mà đã hồi hướng công đức để người làm ác chuyển đổi tâm ác để họ phục thiện. Các Phật tử đã làm được điều đó chưa? Các quí vị Phật tử đã từng nguyện hồi hướng công đức hôm nay đi chùa này cho những người làm mình khổ, khiến mình giận chưa? Vậy thì hôm nay các quí vị hãy hồi hướng, nguyện đem công đức này hướng về người đã làm con khổ, người khiến con giận, để họ có phước duyên lành và làm ăn gì cũng tốt hết.
Nhân buổi hôm nay, Thầy cũng khuyến tấn các Phật tử cùng nhất tâm phát nguyện học hỏi Phật pháp, thấm sâu và tu tập nhiều hơn trước kia. Đặc biệt, trong mùa an cư kiết hạ này, bên cạnh việc hộ trì cúng dường Tam Bảo, Phật tử còn cần nỗ lực tinh tấn để ứng dụng trong đời sống hàng ngày, đem giáo lý đó truyền cho mọi người. Đó mới thực sự là người con Phật hoằng truyền Phật pháp, không chỉ nghĩ đến mình mà còn nghĩ tới cha mẹ mình, ông bà mình, con cháu mình làm sao cùng nhau tu tập hạnh giải thoát, muốn như vậy chúng ta phải nỗ lực tu tập đức hạnh cao cả hơn nữa, để gia đình thấy được sự thay đổi tốt đẹp của chúng ta sau mỗi lần đi chùa về, bớt đi cái dở như tật đố, kiêu căng, sân hận, ích kỉ nhỏ nhoi, biết sống hiền lành, tha thứ, tăng trưởng thiện Pháp. Đó là tinh thần siêng năng, tinh tấn, chuyên nhất đúng chánh Pháp.
Cuối cùng, Thầynguyện cầu Hồng Ân Tam bảo gia hộ cho những người có mặt trong buổi chia sẻ Phật pháp ngày hôm nay đầy đủ trí tuệ sức khỏe để tu học, dũng mãnh tinh tấn, mối ngày có thêm duyên lành, gia đình an vui hạnh phúc, được thành tựu tâm nguyện lành.
Các bài mới
Các bài đã đăng
Chuyên đề
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 96151
- Online: 44